Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử

Binh Chủng Nhảy Dù – 20 Năm Chiến Sự

Các tác giả Võ Trung Tín & Nguyễn Hữu Viên thực hiện

 

 

 

Lời giới thiệu: Nhân dịp Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH tổ chức Hội ngộ Binh chủng thường niên vào tháng 7/2015 tại Thủ đô Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Ban Kỹ Thuật xin được hân hạnh giới thiệu với Quý Độc giả và Quý ACE cựu quân nhân SĐND về trang điện tử mới được thành lập “Trang Nhảy Dù Washington, D.C. [GĐMĐVN Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận]

Cũng nhân dịp này, BKT xin được hân hạnh giới thiệu bộ sách “Binh chủng Nhảy Dù – 20 năm chiến sự” do các tác giả Đại úy Võ Trung Tín và Đại úy Nguyễn Hữu Viên thực hiện. Đây là bộ sách nói về Chiến sử của Sư Đoàn Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày thành lập. Bộ sách gồm 3 phần, kính mời Quý vị theo dõi phần Mục lục bên dưới. Trân trọng.
--BKT.

 

****** ||| ******

 

MỤC LỤC

 

Lời Cảm ơn

 

A. PHẦN A: TỔ CHỨC

 

B. PHẦN B - CHIẾN SỰ

 

1. Trận Điện Biên Phủ (13-3-1954 đến 7-5-1954)
2. Tình Hình Việt Nam Sau Hiệp Định Geneve
3. Chiến Dịch Đinh Tiên Hoàng (23-5-1955 đến 6-12-1955)
4. Chiến Dịch Hoàng Diệu (từ 21/9 đến 24-10-1955)
5. Chiến Dịch Nguyễn Huệ (từ 1-1- đến 17-2-1956)
6. Binh Biến ngày 11-11-1960
7. Trận Phước Thành (18 - 19-9-1961)
8. Trận Ấp Bắc (2 - 3-1-1963)
9. Trận Tân Châu Hồng Ngự (2 đến 4-3-1964)
10. Trận Bình Giả (3-12-1964 - 3-1-1965)
11. Trận Hắc Dịch (9/2 đến 10-2-1965)
12. Trận Ba Gia (28-5-1965 đến 2-6-1965)
13. Trận Đồng Xoài (9 đến 20-6-1965)
14. Trận Đức Cơ (4-8-1965 - 15-8-1965)
15. Chiến dịch Ia Drang - Thần Phong 7 (14 - 18-11- 1965)
16. Hành Quân Thần Phong 11 (28/1 – 6-3-1966)
17. Đại Bàng 800 (12-11-1966)
18. Hành Quân Liên Kết 81 (16/2 đến 22-2-1967)
19. Lam Sơn 54–Khu Phi Quân Sự (18-27-5-1967)
20. Trận Dak To (đồi 1416) (3 – 22-11-1967)
21. Tổng Công Kích Năm Mậu Thân (từ ngày 29-1-1968)
22. Mặt Trận Sài Gòn (30-1-1968)
23. Mặt Trận Quảng Trị (30-1-1968)
24. Mặt Trận Huế (30-1-1968)
25. Mặt Trận Khe Sanh (1 - 15-4-1968)
26. Mặt Trận Ashau (19/4 – 17-5-1968)
27. Trận Mậu Thân đợt hai (từ ngày 5-5-1968)
28. Trận Gò Nổi (Tây Ninh) (19-5-1969)
29. Chiến Dịch Bình Tây (Từ ngày 27-3-1970)
30. Hành Quân Toàn Thắng 42 (29/4 – 22-7-1970)
31. Hành Quân Toàn Thắng 43 (1/5– 30-6-1970)
32. Hành Quân Toàn Thắng 45 (6/5 – 30-6-1970)
33. Hành Quân Lam Sơn 719 (8/2 đến 6-4-1971)
34. Trận đánh Căn Cứ Hỏa Lực 6 (4/4 đến 17-4-1971)
35. Trận đánh Căn Cứ Hỏa Lực 5 (24/5 - 19-6-1971)
36. Mùa Hè Đỏ Lửa
37. Mặt Trận Tây Nguyên (17/3 - 28-5-1972)
38. Mặt Trận Bình Long (2/4 - 8-6-1972)
39. Mặt Trận Quảng Trị (30/3 - 15-9-1972)
40. Trận Thường Đức (18/8 - 8-11-1974)
41. Trận Ban Mê Thuột (10/3 - 16-3-1975)
42. Trận Khánh Dương (19/3 - 1-4-1975)
43. Trận Phan Rang (1/4 - 17-4-1975)
44. Trận Long Khánh (9/4 – 21 -4-1975)

 

C. PHẦN C: CÁC VỊ TƯ LỆNH SĐND

 


TIỂU SỬ CÁC TÁC GIẢ
(Võ Trung Tín & Nguyễn Hữu Viên)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******01******

1. Trận Điện Biên Phủ (13-3-1954 đến 7-5-1954)

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Trận Điện Biên Phủ

(13-3-1954 đến 7-5-1954)

 

Điện Biên Phủ còn có tên là Mường Thanh nằm về phía Tây của Lai Châu, cách biên giới Lào-Việt khoảng 8km. Đây là vựa lúa và thuốc phiện của miền Trung Du Bắc Việt. Nó cũng là giao điểm của hệ thống đường mòn từ Hoa Nam xuống Trung Việt, từ Thượng Lào qua Lai Châu.

Thung lũng Mường Thanh có chiều dài khoảng 20 cây số, chiều ngang khoảng 6 - 8km vây quanh bởi rừng núi trùng điệp, vì vậy đôi khi người ta còn gọi là “Lòng chảo Điện Biên Phủ”. Con sông Nậm Rốm (Nam Yun) chia đôi thung lũng chảy theo chiều Nam Bắc. Dọc theo sông Nậm Rốm là con đường Liên Tỉnh Lộ số 41. Hai sắc dân Thái và Mèo sống với nghề trồng lúa và thuốc phiện.

Đến cuối năm 1953, chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 8 năm, Pháp đã mệt mỏi và muốn tìm một giải pháp có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc chiến nhưng mặt khác họ vẫn muốn duy trì quyền lợi tại Đông Dương. Pháp bổ nhiệm tổng chỉ huy Henri Navarre sang Đông Dương tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh.

Kế hoạch của bộ chỉ huy Pháp tại Đông Dương là tập trung các lực lượng cơ động tinh nhuệ lại thành các binh đoàn mạnh đánh tiêu diệt các đơn vị chính quy của Việt Minh để làm thế mạnh đàm phán. Vì vậy cứ điểm Điện Biên Phủ được ra đời để án ngữ miền Tây Bắc Bắc Việt, kiểm soát con đường huyết mạch tới Thượng Lào để làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công và theo kế hoạch của Pháp, quân Việt Minh sẽ bị nghiền nát tại đó.

Về phía Việt Minh, kể từ sau năm 1950 được sự viện trợ quân sự to lớn của Trung Cộng và Liên Xô, đã lớn mạnh rất nhiều, với các sư đoàn (đại đoàn) bộ binh và các trung đoàn pháo binh, công binh đã có kinh nghiệm đánh trận cấp tiểu đoàn, trung đoàn với quân Pháp.

Tướng Giáp nhìn trận Điện Biên Phủ như cơ hội đánh lớn, tạo chiến thắng vang dội và đã chấp nhận thách thức của quân Pháp để tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Do đó Điện biên Phủ trở thành một điểm quyết đấu giữa Tân Tổng Tư Lệnh Pháp Henri Eugene Navarre cùng Tướng Việt Minh Võ Nguyên Giáp và các cố vấn Trung Cộng.

Lực lượng CSBV:

Gồm có 12 trung đoàn bộ binh thuộc các đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn pháo binh 105ly (24 khẩu), 1 trung đoàn pháo binh 75ly (24 khẩu) và súng cối 120ly (16 khẩu), 1 trung đoàn cao xạ 24 khẩu 37ly (sau được tăng thêm một tiểu đoàn 12 khẩu) vốn là phối thuộc của đại đoàn công-pháo 351 (công binh – pháo binh).

1/ Sư Đoàn 304 do Hoàng Minh Thảo chỉ huy (Lê Chưởng làm Chính ủy) gồm Trung Đoàn 57, Trung Đoàn 9, và Trung Đoàn 345.

2/ Sư-Đoàn 308 hay Sư Đoàn Tiền Phong do Vương Thừa Vũ làm Tư lệnh, Chính ủy là Song Hào, gồm 3 Trung Đoàn 36, 102 (Thủ Đô), 88.

3/ Sư Đoàn 312 do Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Trần Độ làm Chính ủy, gồm 3 Trung Đoàn 141, 209 (Hoàng Cầm), và 165 cùng Tiểu Đoàn 154 Pháo Binh.

4/ Sư Đoàn 316 do Lê Quang Ba làm Tư Lệnh, Chu Huy Mẫn làm Chính ủy gồm Trung Đoàn 174 (Nguyễn Hữu An), Trung Đoàn 98 (Vũ Lăng) và Trung Đoàn 176.

5/ Sư Đoàn 351 Công Binh và Súng Nặng.

6/ Trung Đoàn 237 Súng Cối 120ly.

7/ Trung Đoàn 45 pháo binh 105ly nòng ngắn.

8/ Trung Đoàn 367 phòng không.

9/ Tiểu Đoàn Hỏa tiễn dã chiến Katyusha. (mới được Trung Cộng trang bị ngày 28/4/1954)

10/ 120,000 dân công.

Lực Lượng Trú phòng:

Tổng số khoảng 16,100 quân tính đền ngày 31/3/1954 gồm 12 Tiểu Đoàn, và 7 Đại Đội Biệt Lập, (về sau được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105ly (24 khẩu - sau đợt 1 được tăng thêm 4 khẩu nguyên vẹn và cho đến ngày cuối cùng được thả xuống rất nhiều bộ phận thay thế khác), 1 đại đội pháo 155ly (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120ly (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M-24 của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 trực thăng) Các đơn vị đóng chung quanh 49 cứ điểm và chia ra thành 3 phân khu phòng thủ riêng biệt Bắc, Trung Tâm và Nam.

 

 

Mỗi phân khu có nhiều trung tâm phòng thủ, hệ thống giao thông hào và hàng rào phòng thủ kiên cố. Tổng cộng gồm 8 cứ điểm phòng thủ chính là:

1/ Phân Khu Bắc.

a. Beatrice (Him Lam): do 3 Tiểu Đoàn Lê Dương trấn giữ là một cứ điểm mạnh nhất của ĐBP cách Mường Thanh gần 3km, nằm án ngữ phía Bắc trên con đường Tỉnh lộ 41 từ Tuần Giáo tới Điện Biên.

b. Gabrielle (Độc Lập): nằm trên một ngọn đồi dài 700 thước, rộng 150 thước cách Mường Thanh 4km do Tiểu Đoàn 5/7 RTA (Bắc Phi) trấn giữ, có 4 khẩu đội súng cối 120ly ngăn chận hướng từ Lai Châu đến Điện Biên.

c. Anne Marie (Bản Kéo): nằm trên ngọn đồi phía Tây Bắc Sân Bay Cách Khu Trung Tâm 2km do TĐ3 Thái (Tày) trấn giữ.

2/ Phân khu Trung Tâm.

d. Eliane: nằm về phía Đông Nam Căn Cứ, do TĐ1/4 Maroc trấn thủ.
e. Dominique: nằm về phía Đông căn cứ ĐBP do Tiểu Đoàn 3/3 RTA trấn thủ, có một pháo đội 105ly và một ĐĐ Thái tăng cường.
f. Huguette: nằm phía Tây căn cứ do Tiểu Đoàn 2 người Thái, một pháo đội 105ly, một khẩu đội 155ly trấn đóng.

3/ Phân Khu Nam.

g. Claudine: nằm về phía Nam của căn cứ.
h. Isabelle: nằm về phía cực Nam của căn cứ ĐBP.

Diễn tiến:

Để chống lại các cứ điểm phòng thủ kiên cố của quân Pháp, Việt Minh đã áp dụng chiến thuật “vây lấn” bằng hệ thống chiến hào. Họ đào các giao thông hào dần dần bao quanh căn cứ và lấn dần vào các vị trí phòng thủ của quân Pháp. Các chiến hào này tránh cho bộ đội Việt Minh khỏi bị thương vong vì pháo binh cùng không quân oanh kích và dần dần áp sát vào cứ điểm, rồi làm vị trí bàn đạp tấn công.

Ngày 13/3/1954 là ngày Thứ Bảy, 16.00 giờ, sau 3 tháng vây lấn ĐBP và chuẩn bị, CS bắt đầu pháo khủng khiếp khoảng 9,000 quả đạn pháo binh vào các cứ điểm phía Bắc: Gabriel, Beatrice, Anne Marie và Phi trường. Cuộc Pháo kích này làm cho 2 phi trường trong căn cứ trở thành bất khiển dụng.

Đến 17.00 giờ Trung Đoàn 141 và 209 vuợt sông tấn công vào Beatrice, 18.30 giờ toàn bộ Ban Chỉ huy cứ điểm bị tử trận. Đến khoảng 20.30 giờ 2 Tiểu Đoàn 10 & 11 phòng thủ cứ điểm bị mất liên lạc. BCH Chiến Đoàn lưu động GM9 chỉ huy căn cứ Trung Tâm bị trúng pháo, 4 sĩ quan tử trận trong những giây phút đầu tiên của trận pháo kể cả Trung tá Gaucher chỉ huy trưởng cứ điểm Beatrice, vì 2 quả đạn phá sập hầm chỉ huy của họ.

Khoảng 23.30 giờ, căn cứ Beatrice bị tràn ngập, chỉ còn lại khoảng 50 quân nhân chạy qua Dominique.

Ngày 14/3/1954 khoảng 2.00 giờ sáng SĐ308 CSBV pháo liên tục vào cứ điểm Gabrielle, trấn giữ bởi Tiểu Đoàn 5/7 AR (Algerian Rifles)...

TĐ5ND-VN Tiểu Đoàn Trưởng người Pháp là Thiếu tá Botella được thả dù xuống căn cứ ĐBP để tiếp viện. Lúc 17.00 giờ 2 Trung Đoàn 88/SĐ308 và Trung Đoàn 165/312 do Vương Thừa Vũ chỉ huy bao vây cứ điểm Gabrielle. Đến 23.30 giờ, trận tấn công mở màn nhưng quân trú phòng phản công mãnh liệt và đã đẩy lui quân CS trong đợt tấn công đầu. Sang ngày 15/3/1954 lúc trời tờ mờ khoảng 04.00 giờ quân CS mở cuộc tấn công đợt 2 từ hướng Đông với trận địa pháo kinh hồn. Tất cả BCH Tiểu Đoàn phòng thủ cứ điểm Gabriel đều bị tử thương vì pháo dập và cứ điểm bị tràn ngập.

Đến 8.00 giờ, TĐ5ND-VN được điều động để phản công và đụng nặng với Trung Đoàn 88 CS khi cách cứ điểm Gabrielle 800 thước. Phía CS tổn thất khoảng 1500 bỏ xác tại trận. Lúc 08.30 giờ TĐ5ND giải thoát cho tàn quân trong cứ điểm Gabrielle còn lại 14 SQ và 150 binh sĩ trở về căn cứ.

 


Ngày 16/3/1954 2/3 quân số phòng ngự người Tầy tại cứ điểm Anne Marrie phía Tây Bắc ĐBP bỏ trốn đào ngũ (BT3), số quân còn lại bỏ cứ điểm rút về Huguette.

Trong ngày này, Căn cứ ĐBP được tăng viện TĐ6ND do Thiếu tá Begeard làm Tiểu Đoàn Trưởng và 2 khẩu 105ly. Hoàn tất không vận vào lúc 18.00 giờ. Cũng trong ngày này Đại tá Piroth, chỉ huy trưởng pháo binh của Căn Cứ đã tự sát. Ông là người đã tiên liệu không chính xác rằng nếu quân cộng sản tấn công vào ĐBP, pháo binh của ông sẽ tiêu diệt hết.

Ngày 18/3/1954 một Đại Đội của TĐ5ND được tăng cường cho Huguette. De Castrie cải tổ hệ thống phòng thủ, lập thêm 2 đồn nhỏ giữa Huguette và Dominique.

Ngày 19/3/1954 Pháp tiếp tục thả dù thêm binh sĩ đơn vị TĐ5ND đồng thời tản thương được một số thương binh.

Tổng kết sơ khởi đến ngày này Pháp có 6 SQ, 15 HSQ và 93 BS chết; 9 SQ, 30 HSQ, 255 BS bị thương; 11 SQ, 31 HSQ, 517 BS mất tích. Chưa kể TĐ5/7 RTA và TĐ3 Thái rã ngũ.

Phần thiệt hại về phía cộng sản rất cao nhưng phe họ thường che đậy.

Từ ngày này, chiến sự tạm lắng xuống, phía CSBV và cố vấn Trung Cộng đẩy mạnh việc đào giao thông hào lấn vào căn cứ, bổ sung quân số và tiếp liệu.

Ngày 20/3/1954, Tướng Ely, Tổng Tham Mưu Trưởng Pháp bay qua Washington cầu viện (từ ngày 20/3 đến 25/3/1955). Đô Đốc Radford có đề cập đến kế hoạch Vulture, xử dụng 98 Oanh Tạc cơ B-29 và 450 chiến đấu cơ của Mỹ tại căn cứ Clark (Philippines) để hủy hoại tiềm năng của cộng sản.

Ngày 24/3/1954, VC bắt đầu gia tăng trận địa pháo và súng phòng không để phá nát phi đạo nên phi cơ không thể lên xuống phi trường được. Đến ngày 27/3/1954 phi trường hoàn toàn không hoạt động được vì Pháo Việt Minh khống chế.

Ngày 28/3/1954 Chiến đoàn Dù GAP2 (Groupement Aéroportée Parachutiste No.2) chạm súng mạnh với quân CS khi đơn vị này từ Isabelle di chuyển lên Khu Trung Tâm, theo tài liệu của Pháp: Pháp chết 20 (SQ) bị thương 76 (SQ); CSBV chết 350, khoảng 1000 bị thương. Pháp bắt 40 tù binh, 135 súng đủ loại.

Ngày 30/3/1954 vào khoảng 17.00 giờ, Việt Minh pháo kích dữ dội vào các căn cứ Huguette, Eliane, Dominique và cứ điểm Isabelle. Đến 18.30 giờ các SĐ 312 và 316 đồng loạt tấn công vào các cứ điểm phía Đông. SĐ308 tấn công vào Huguette và phía Tây Tây-Bắc của Phi trường. Trung Đoàn 174/316 của Nguyễn Hữu An tấn công vào Eliane 2, Lính Maroc và Lê Dương Dù dưới quyền chỉ huy của Nicolas phản công quyết liệt, An mất liên lạc với SĐ316. An tung thêm TĐ255 vào trận nhưng bị Pháo của Căn cứ bắn dữ dội nên đến nữa đêm, bị thiệt hại quá nặng mà vẫn không tiến lên được.

Trong khi đó Trung Đoàn 98/316 của Vũ Lăng tấn chiếm Eliane 1 trong vòng 45 phút đánh tan ĐĐ1/4 Maroc rồi tiến đến Eliane 4 thì bị chận lại. SĐ312 tấn công vào Dominique do TĐ3/3RTA, một pháo đội 105ly và một ĐĐ Thái trấn giữ. Trận đánh bắt đầu lúc 1 Đại Đội của TĐ5ND hoán chuyển với một ĐĐ của TĐ3 Algerie.

Lúc 19.45 giờ Dominique 2 thất thủ, Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng Algerie (Garandeau) tử trận (bị pháo). 20.00 giờ Hoàng Cầm báo cáo chiếm được mục tiêu (Dominique 2).

 


 

Thừa thắng, Lê Trọng Tấn cho Tiểu Đoàn trừ bị 130/209 đánh xuống Dominique 3, Trong lúc đó Vương Thừa Vũ điều động Trung Đoàn 102/302 tăng viện mặt trận phía Đông, Trung Đoàn 36 và 88/308 tấn công cứ điểm 106 và 311; Trung Đoàn 165/312 đánh cứ điểm Dominique 6 phía Bắc phi đạo.

Tại Huguette 7 lúc 20.00 giờ, VM tấn công vào Tiểu Đoàn Thái 2 tan hàng. Pháo đội 105 bị tiêu hủy, khẩu đội 155ly cũng bị hư hại năng. Một ĐĐ của TĐ5ND-VN vẫn tiếp tục tử thủ.

Ngày 31/3/1954, lúc 04.00 giờ, De Castrie điều động một Tiểu Đoàn của GAP2, phối hợp với Thiết Giáp từ Isabelle lên tăng viện cho mặt trận trung tâm nhưng bị Trung Đoàn 57/304 chận đánh và bị thiệt hại nặng. Pháp ước lượng khoảng 1000 xác VM bỏ tại trận.

13.30 giờ, BCH tung TĐ8ND, lên phản công và giải tỏa Dominique 2 đến 16.00 giờ, SĐ308 CSBV tung thêm quân, đánh sáp lá cà dữ dội, TĐ8ND phải rút lui. Tại Dominique 5, một TĐ Thái trấn đóng cũng phải rút bỏ.

Tại Eliane 1, Begeard điều động TĐ6ND và một Bộ Phận của TĐ5ND VN tái chiếm lại Elaine 1, nhưng các đơn vị của Trung Đoàn 102/308 và Trung Đoàn 98/312 chống giữ mãnh liệt. Lúc 18 giờ Begeard phải rút lui. để lại trận địa gần 100 xác.

Tại Eliane 2: lúc 8.00 giờ Pháp đưa một đơn vị Thiết Giáp đến chiếm lại. Đến trưa lại Trung Đoàn 102/308 của Hùng Sinh bàn giao với Trung Đoàn 174/316. Tuy nhiên chỉ có 4 ĐĐ của 2 TĐ 54 và 18 tới kịp mặt trận. Lúc 18.30 giờ các đơn vị của Hùng Sinh bắt đầu tấn công vào Eliane 2 nhưng không thành công vì quân trú phòng chống trả mãnh liệt từ những công sự phòng thủ kiên cố của Eliane 2. Trên 300 xác VM bỏ lại trận địa. Vào lúc 22.45 giờ, Trung Đoàn 102/308 của Hùng Sinh lại tấn công Eliane 2 lần nữa.

Tại Huguette 7, lúc 22.00 giờ Trung Đoàn 36/308 tấn chiếm một phần của cứ điểm do một lực lượng hỗn tạp những binh sĩ Việt, Lê Dương và Thái trấn giữ.

Ngày 1/4/1954 BCH căn cứ đưa lực lượng tăng viện tùng thiết lên giải vây cho Eliane 2. Giao tranh ác liệt. Một ĐĐ/TĐ6 Dù (BPC) và các Binh sĩ tàn dư của TĐ1 Dù Lê Dương (BEP) do Luccianie chỉ huy chiếm lại một vị trí súng cối 120ly, tu chỉnh lại hệ thống phòng thủ. Đơn vị này được tăng viện thêm một đội súng phun lửa. Phía VM chỉ còn lại khoảng 50 người sống sót.

Một ĐĐ của Lê Dương Dù lên thay thế ĐĐ1/TĐ5ND tại Dominique 7. Lúc 1.00 giờ sáng, SĐ320 CSBV tấn công vào Huguette 6 và 7.

Lúc 4.00 giờ Thiếu tá Clemence tập họp được khoảng 100 binh sĩ ĐĐ1/TĐ5ND và Lê Dương kéo lên tăng viện cho Huguette 7. Nhờ chiến xa hộ tống, lực lượng này vào được cứ điểm trong khi lực lượng phòng thủ chỉ còn 14 người và Trung úy Spozio thì bị thương nặng.

Lúc 14.00 giờ, VM gửi thêm viện binh và đặt pháo ở Eliane 1, Dominique 1, 2, 6. Pháp cho tăng cường một đơn vị của TĐ6 Dù và Một ĐĐ/TĐ5ND-VN phụ lực với 2 ĐĐ của TĐ1BEP và 1ĐĐ/TĐ6BPC để phòng thủ Eliane 2.

 



120,000 dân công trong trận Điện Biên Phủ

 

Tại cứ điểm Francoise (311) phía Tây của Huguette 1km có 2 ĐĐ lính Thái do Chuẩn úy Cante chỉ huy trấn giữ. Lúc 14.00 giờ 2 ĐĐ Thái này đột ngột rã ngũ, Hai Đại Đội của TĐ1/2REI kịp thời kéo đến thu hồi lại các súng cộng đồng và kéo về Huguette. Một số lính Thái này kéo ra đầu hàng Trung Đoàn 88/308, một số khác gia nhập vào đạo binh rã ngũ (gồm các đào binh Pháp, Việt, Phi Châu, VM...) khoảng từ 3000 đến 5000 người gọi là “bầy chuột sông Nậm Rốm” sống lẩn khuất trong các địa đạo và căn cứ bỏ hoang, mưu sinh bằng cách trộm cắp các chuyến thả dù và buôn lậu.

Trong ngày này TĐ2 Dù RPC được thả vào căn cứ nhưng chỉ có một ĐĐ đáp được xuống đất. Phần còn lại phải bay về Hà Nội.

Ngày 2/4/1954 sáng sớm khoảng 1.00 giờ Vương Thừa Vũ chỉ huy SĐ308 tấn công và chiếm lĩnh Eliane 2. Tới 4.00 giờ sáng ĐĐ2/TĐ5ND do Trung úy Phú chỉ huy với sự yểm trợ của chiến xa và 1 ĐĐ/TĐ2RPC phản công chiếm lại Eliane 2 nhưng vì áp lực CS quá mạnh nên Trung úy Phú phải rút lui. Phi cơ C119 tham chiến rải thảm bom napalm gây thiệt hại nặng cho Bộ Binh và căn cứ Pháo của VM tại Dominique 1 và Eliane 1.

Lúc 8.05 giờ, Langlais quyết định rút khỏi cứ điểm Huguette 7 và Huguette 6 phải gánh chịu mũi tấn kích. Buổi chiều lại, Trung Đoàn 165/312 bắt đầu tấn chiếm Huguette 6 do 100 lính Lê Dương Dù trấn thủ nhưng không chiếm được. Trận chiến kéo dài suốt đêm, Langlais điều đông một Đại Đội Lê Dương Dù và 3 Thiết Giáp kéo lên tăng viện. Sáng ngày 3 tháng 4 Việt Minh phải rút lui với thiệt hại nặng vì hỏa lực chiến xa.

Trong đêm, Hà Nội thả xuống Điện Biên được khoảng 100 Binh sĩ TĐ1 Dù thuộc địa (RCP) tăng viện, đơn vị này thành lập cứ điểm mới là Eliane 3.

Ngày 3/4/1954 Tình hình trong căn cứ rất tồi tệ, mỗi Tiểu Đoàn chỉ còn khoảng 300 người, tăng viện nhỏ giọt không đủ bù đắp cho số thương vong và đào ngũ. Tinh thần binh sĩ Thái xuống rất thấp. 12 binh sĩ Lê Dương tại Huguette 6 đào ngũ.

Lúc 19.00 giờ, Trung Đoàn 165/312 lại tấn công Huguette 6. Pháp phản công bằng chiến xa. Hồi 22.30 giờ lại tấn công đợt nữa nhưng cũng không thành công.

Ngày này Mao Trạch Đông thư cho Bành Đức Hoài phó chủ tịch quân ủy trung ương nói VM cần thêm 4 Trung Đoàn Pháo Binh và 2 Trung Đoàn Công Binh và phải hoàn tất huấn luyện trong vòng 6 tháng. VM cần gọi nhập ngũ thêm khoảng 8 ngàn lính chuẩn bị tấn chiếm Hà Nội năm 1955.

Ngày 4/4/1954 trong đêm, căn cứ được tăng viện 305 quân của TĐ1 Dù Thuộc địa (RCP) của Thiếu tá Brechignac, số quân này thành lập 2 cứ điểm Eliane 10 và D3. Một số chuyên viên tình nguyện cũng được thả vào thung lũng. 3 đợt thả dù (192 người) không thành công vì sự quấy rối của VM tại 2 cứ điểm Huguette 6 và Claudine 4.

Lúc 9.00 giờ, Pháp khám phá ra vị trí súng không giật của VM tại núi Trọc. Pháo binh Pháp tiêu diệt vị trí này và tìm thấy trên 200 xác chết tại phía trước Huguette 6.

 



Hình chụp ngày 20/11/1953. Lực lượng Nhảy Dù tấn công Điện Biên Phủ

 

22.00 giờ, chạm súng ở Huguette 6 và Claudine 5. Thời tiết xấu không thả dù TĐ1 được.

Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower tuyên bố không can thiệp vào Đông Dương

Ngày 5/4/1954 lúc 0.30 giờ, Huguette 1, 2 & 5 bị quấy rối. SĐ312 tấn công vào Huguette 6. Trận đánh kéo dài tới 2.40 sáng. Tăng viện Pháp bắt tay được với đơn vị phòng thủ. Tìm thấy khoảng 1000 xác CS, phía Pháp cũng bị thiệt hại nặng vì pháo.

Đến ngày này Pháp còn các Cứ điểm Epervier (khu chỉ huy) Eliane ở phía Đông, Huguette (6 đồn) ở Tây Bắc, H6 đầu sân bay, H1 ở giữa, H2 và H9 ở phía Nam. H5 và H4 ở Tây Nam; gần sát Bộ Tư Lệnh là Claudine 5 đồn và Junon có 3 cứ điểm.

Ngày 6/4/1954 Tướng Giáp họp hội nghị sơ kết, quyết định siết chặt vòng vây và chuẩn bị đợt tấn công mới. đào thêm giao thông hào, phân chia các trọng điểm chiến lược.

Ngày 7/4/1954 Tiểu Đoàn 2 Lê Dương Dù (2e BEP) nhảy xuống tăng viện.

Ngày 8/4/1954 Tướng Giáp phổ biến lệnh tác chiến mới, xin tăng viện 25 ngàn tân binh và xin Trung Cộng viện trợ thêm một Trung Đoàn phòng không với 67 đại bác 37ly.

Lúc 16.45 giờ, Trung Đoàn 174/316 di chuyển đến triền phía Đông của Eliane 2. VM đào giao thông hào cạnh phi trường và cứ điểm Isabelle.

ĐĐ12/3 Thái đào ngũ tại Huguette 2. Việc rã ngũ này tạo nên sự nghi kỵ giữa các sĩ quan chỉ huy Pháp và các quân nhân Việt nhất là TĐ5ND-VN. Hai ĐĐ trong TĐ5ND VN bị giải giới và xử dụng như lao công chiến trường. 60 lính VM thuộc Trung Đoàn 57 bị giết tại phía Tây Isabelle.

Ngày 9/4/1954 Pháp đề nghị trao đổi tù binh bị thương, hôm sau VM đồng ý nhưng đề nghị 2 địa điểm trao đổi. Pháp đồng ý tại một vị trí.

Quân ủy Trung Ương Trung Cộng hứa cung cấp đầy đủ đạn dược và chuyên viên kỹ thuật về địa đạo cho VM.

2 ĐĐ của TĐ2 Lê Dương được thả xuống Điện Biên Phủ và đưa đến cứ điểm D3, một ĐĐ/TĐ5ND-VN được di chuyển lên Huguette 6. Một đơn vị Maroc thiết lập thêm các cứ điểm Liliane.

Ngày 10/4/1954 Pháp cố gắng tái chiếm Eliane 1, giao tranh ác liệt. TĐ1/2 Dù (RCP) lên thay TĐ6 Dù. Trong đêm này Trung Đoàn 98/316 tấn công E1. Bigeard tập trung quân các Binh sĩ TĐ1 Dù, Bắc Phi, Thái và TĐ5ND-VN phản công lên A1. VM phải rút lui bỏ lại 400 xác.

Ngày 11/4/1954 Chủ Nhật, VM phản công Eliane 1. Bigeard điều động ĐĐ7/2 Lê Dương Dù lên tăng viện E1. Trong ngày 11/4 này, Pháp thả xuống căn cứ tăng viện thêm được 222 quân nhân.

Ngày 12/4/1954 Trung Đoàn 98/316 của Vũ Lăng lại mở đợt tấn công khác vào E1 nhưng không thành công. E1 vẫn tồn tại cho đến ngày cuối cùng.

Navarre nghiên cứu kế hoạch Condor để triệt thoái Điện Biên bằng đường bộ.

Ngày 14/4/1954 Phi đạo bị cắt đứt làm 3 vì địa đạo, hai cứ điểm Huguette 1 & 6 hoàn toàn bị cô lập với Trung Tâm.

Ngày 15/4/1954 số thương binh Pháp không được di tản trở nên tệ hại: 405 ngồi, 286 nằm. Navarre phong De Castrie lên cấp Thiếu tướng.

Ngày 18/4/1954 Langlais quyết định rút bỏ căn cứ Huguette 6. Ely chấp thuận cho Navarre tiếp xúc mật với VM không cần thông báo cho Maurice Dejean.

Ngày 19/4/1954 Navarre báo cho Ely biết sẽ có tin tức của VM trong vòng 1 tuần.

Ngày 22/4/1954 Huguette 1 do Lê Dương phòng thủ bị tấn công. Công điện kêu cứu cuối cùng vào lúc 2.30 giờ ngày Thứ Sáu 23/4/1954.

Ngày 23/4/1954 Huguette hoàn toàn thất thủ lúc 2.30 giờ sáng.

Ngày 24/4/1954 Pháp hối hả cầu viện Mỹ lần nữa nhưng Ngoại Trưởng Dulles trả lời Quốc hội không chấp thuận. Số phận Điện Biên coi như chấm dứt.

Ngày 26/4/1954 Hội Nghị Geneve bắt đầu khai mạc gồm 9 phe tham dự kể cả VM và QGVN.

Ngày 28/4/1954, Mao Trạch Đông biên hư cho Bành Đức Hoài nêu lên mối nguy hiểm Pháp có thể thả dù chận đường tiếp vận và chuẩn bị bảo vệ trục tiếp vận.

 

 

Điện Biên Phủ sau ngày 15/4/1954

Bắc Kinh hứa tăng viện thêm đạn dược, thực phẩm và 18 giàn phóng hỏa tiễn 75ly sáu nòng loại vũ khí tối tân xuất hiện đầu tiên trên chiến trường Đông Dương.

Trong khi đó VM được tăng cường 25000 tân binh để bổ sung sự thiệt hại trong 1 tháng vây hãm ĐBP.

Ngày 30/4/1954 Ngày lễ kỷ niệm thành lập Lê Dương (Camerone). VM pháo kích dữ dội vào Isabelle suốt 1 giờ.

Hàng không mẫu hạm Belleau Wood thay Hàng không mẫu hạm Arromanches. Mang theo phi cơ F14 (Corsair).

Tính đến ngày này Pháp chỉ còn lại 2900 Binh sĩ khỏe mạnh. Tại phía Đông Bắc còn các Cứ điểm Dominique 3 do TĐ2 Thái, TĐ1 Algerien và 1 ĐĐ/TĐ6ND giữ. Eliane 1 do một ĐĐ/TĐ5ND-VN của Trung úy Phạm Văn Phú (1933-1975) mới được đặc cách lên Đại úy và TĐ2/1 Dù. Tại E4 đặt Bộ Chỉ Huy của Thiếu tá Bréchignac.

Phía bên ngoài, tại Tuyến Đông Bắc Sư Đoàn 316, tăng cường bởi Trung Đoàn 9/304 vây chặt A1, C1 & C2. Tuyến Đông Sư Đoàn 312 bao vây các cứ điểm 505, 505A, 506, 507, 508 ở sát sông Nậm Rốm, gần khu vực chỉ huy của De Castrie. Trên Tuyến phía Tây Sư Đoàn 308 đánh vào Lilie, Claudine. Tại phía Nam Sư Đoàn 304, ngăn chận quanh Isabelle không cho rút qua Lào.

 



(Trái sang phải) René Cogny (tay cầm cane),
Christian de Castries (không đội mũ), and Henri Navarre

 

Ngày 1/5/1954 - Ngày N đã điểm: lúc 20.00 giờ, sau trận địa pháo mở màn, các đơn vị 312 và 316 đồng loạt tấn công vào các cứ điểm Eliane 1 và Eliane 2. Tại Eliane 1, TĐ2/1 Nhảy Dù của Trung úy Leguere đánh xáp lá cà với VM, 20.15 giờ Brechignac cho lệnh ĐĐ1 của Trung úy Periou tăng viện. 2.05 giờ E1 và D3 bị tràn ngập.

Trung Đoàn 98/316 đánh vào C1 vào lúc 19.30 giờ. Pháp phản công xử dụng cả súng phun lửa, nhưng cứ điểm vẫn bị thất thủ trong đêm.

Lúc 20.00 giờ, SĐ316 bắt đầu tấn công vào Dominique và chiếm được cứ điểm này lúc 2.07 giờ ngày 2/5. và sau đó chiếm luôn Eliane 1. Tại Eliane 2, Trung Đoàn 174/316 của Nguyễn Hữu An tấn công ào ạt vào lúc 20.00 giờ nhưng bị đẩy lui, đến 2.50 giờ lại tiếp tục tấn công lần nữa nhưng vẫn không thành công. Lúc 6.45 giờ ngày 2/5/1954 cứ điểm Eliane 2 vẫn đứng vững.

Tại mặt trận phía Đông, SĐ312 trách nhiệm tấn công vào cứ điểm 505 và Dominique 3 (505A). Hai Tiểu Đoàn 165 và 166 của Trung Đoàn 209/312 của Hoàng Cầm tấn công vào 2 cứ điểm này. TĐ6ND của Thiếu tá Thomas cùng binh sĩ Thái và Algeriens của Chenel hết sức cầm cự. Quân Pháp đưa quân từ cứ điểm 507 tùng thiết lên tiếp ứng. Hoàng cầm phải cho quân tăng viện vào mặt trận. Lúc 4.20 giờ cứ điểm D3 bị tràn ngập. Tại đây Hoàng cầm cho quân đào giao thông hào hướng về 2 cứ điểm 506 và 507.

Tại mặt trận phía Tây hồi 20.00 giờ ngày 1/5 sau trận địa pháo dữ dội, Trung đoàn 88/308 tấn công vị trí Huguette 5 và 4 ở phía Tây Bắc phi đạo. Huguette 5 do Lê Dương trấn thủ, bị tấn công liên tục cả tuần lễ. Đến 20.05 giờ cứ điểm này bị thất thủ. Lúc 2.00 giờ Trung Đoàn 36/308 đánh vào Huguette 4, cứ điểm này nằm sát ngay phía Tây phi đạo. Lúc 3.05 giờ CS lại tấn công đợt 2 vào H4. Viện binh từ H3 và Lilie 2 giúp giải tỏa một số địa đạo tại phía Nam nên cứ điểm này vẫn đứng vững.

Tại tuyến Nam, Sư Đoàn 304 ngăn chận quanh Isabelle không cho Pháp rút quân qua Lào. Nhờ thời tiết tốt B29 Mỹ tham chiến oanh tạc dữ dội các vị trí VM nên các mặt trận có vẻ lắng dịu.

Ngày 3/5/1954 lúc 2.50 giờ Pháp được tăng cường một ĐĐ2/1 Dù của Trung úy Marcel Edme với 107 quân nhân. Và được đưa lên tăng viện cho Eliane 2.

Ngày 4/5/1954 thêm một ĐĐ 3/1 BCP của Đại úy Jean Pouget và BCH/TĐ1BCP nhảy xuống Điện Biên Phủ.

De Castrie được thông báo về kế hoạch Albatros (Chim Biển). Dự trù sẽ bắt đầu lúc 20.00 giờ ngày 7/5. VM đã biết một phần kế hoạch này.

Trung Đoàn 36/308 và 3TĐ của Trung Đoàn 88 & 102/308 và 1 TĐ/312 tấn chiếm Lilie rồi tràn xuống H4. Thiếu tá Giraud từ Huguette cho quân tăng viện H4.

Ngày 5/5/1954 lúc 3.35 giờ, Cứ điểm H4 thất thủ. Quân VM chỉ còn cách De Castrie 300m. Trung cộng gởi tăng viện cho VM 18 giàn phóng hỏa tiễn Katiusha 6 nòng.

Ngày 6/5/1954 VM dùng trận địa pháo khuấy rối Eliane 4, 10 & 12. Lúc 20.00 giờ ra lệnh bắt đầu tấn công. Hiệu lệnh là tiếng nổ của 1000 kilo chất nổ chôn ngầm dưới căn cứ Eliane 2. Căn cứ này mới được hoán đổi quân. Trung Đoàn 174/316 sử dụng 2 Tiểu Đoàn tấn công chận đường rút về trung tâm.

Đúng 20.30 giờ, Lê Quảng Ba cho lệnh châm ngòi nổ. Nhưng một tấn thuốc nổ đã không nổ như mọi người trông đợi. Nguyễn Hữu An vẫn cho nổ súng. Sau 15 phút dùng pháo dọn đường, bộ binh bắt đầu xung phong. Giao tranh ác liệt tại 2 căn cứ Eliane 2 và 3.

 



Command staff at Dien Bien Phu From left:
Maj. Maurice Guirad (1st Bataillon Etranger de Parachutistes/ BEP),
Capt. André Botella (5th Bataillon de Parachutistes Vietnamiens/ BPVN),
Maj. Marcel Bigeard (6th Bataillon de Parachutistes Coloniaux/ BPC),
Capt. Pierre Tourret (8th Assault),
Lt.Col. Pierre C. Langlais, Commander at Dien Bien Phu (Groupement Aéroporté 2),
Maj. Hubert de Séguin-Pazzis (Chief of Staff)

 

Ngày 7/5/1954 lúc 3 giờ sáng, Trung Đoàn 174 chiếm được hầm chỉ huy, bắt sống Pouget và hơn 100 tù binh. 4.30 giờ mặt trận mới im tiếng súng.

Tại cứ điểm C2, Pháp đã tăng cường thêm 6 ĐĐ thuộc TĐ2 Lê Dương Dù và TĐ5ND-VN. Trung Đoàn 98 của Vũ Lăng gặp sự phản kháng mãnh liệt trong từng lô-cốt và địa đạo. Lăng phải điều động thêm viện binh.

6.00 giờ sáng De Castrie xin triệt thoái khỏi căn cứ và được chấp nhận.

7.30 giờ Sư Đoàn 316 mở đợt tấn công cuối cùng chia quân làm 3 mũi tiến vào C2. Mãi tới 9.30 giờ mới giải quyết xong các mục tiêu. Hơn 600 binh sĩ Pháp bị bắt hoặc tử thương. Phía Đông căn cứ hoàn toàn bị thất thủ.

9.00 giờ: tin viện binh từ Na Sản bị đẩy lui. Tướng Giáp ra lệnh cho các đơn vị dứt điểm.

Tại Eliane 10, Không quân Pháp thả bom Napalm nhưng không làm cho Trung Đoàn 165 bị thiệt hại nhiều. Tại 507 Hoàng Cầm bị cầm chân. Bộc phá không phá nổi hàng rào. Mãi tới 15.00 giờ mới chiếm được 507.

Lúc 15.00 giờ, SĐ312 bắt đầu vượt qua cầu Mương Thanh đánh sang khu trung tâm. 17.20 giờ Trung Đoàn 209/312 với sự trợ lực của Trung Đoàn 141/312 tiến được vào hầm chỉ huy và bắt sống Tướng De Castrie.

Tại phía Tây, Trung Đoàn Thủ Đô 102/308 cũng diệt được Claudine 5 chỉ cách hầm De Castrie 50m. Nửa đêm 7/5/1954, Chính ủy Lê Chưởng báo cáo đã bắt sống được Đại tá Lalande và toàn bộ binh sĩ.

Ngày 8/5/1954 tin Điện Biên Phủ thất thủ sau 56 ngày bị vây đánh được đón nhận như một quốc tang tại Paris. Lúc 16.45 giờ tại Hội nghị Geneve về Đông Dương, Ngoại trưởng Pháp đề nghị ngưng bắn để tìm một giải pháp hòa bình.

Sự tổn thất: (Theo tài liệu của BCH Pháp)

Phía Quân Bộ Binh Pháp: Kể từ khởi đầu chiến dịch 20/11/1953 đến 7/5/1954 đến khi ĐBP thất thủ tổng cộng số người được tăng cường đến ĐBP là 15,709 người, sau ngày 7/5/1954 còn lại bị bắt làm tù binh 11,721 người trong đó hết 4,436 người bị thương. Phía VMCS cho phép Hồng Thập Tự di tản 858 người bị thương nặng. 4 tháng sau, VMCS chỉ hoàn trả lại cho Pháp 3,290 người, hết 70% đã chết trong trại tù CS. (10,998 prisoners, 7,708 dead or missing 3,290 survivors.)

* Về Không quân Pháp bị tổn thất:

- 48 phi cơ bị phá hủy (28 chiếc đang bay, 20 trên phi đạo)
- 167 phi cơ bị hư hại, 2 trực thăng bị phá hủy
- 15 chết, 33 bị bắt, 6 mất tích.

* Về Hải Quân Pháp tổn thất:

- 8 phi cơ bị phá hủy, 19 chiếc bị hư hại
- 6 phi công tác chiến chết, 2 phi công bị bắt.

* Về phía Mỹ:

- 1 phi cơ C119 bị bắn rơi
- 2 phi công chết và 1 bị thương nặng

* Về phía VMCS, ước lượng khoảng 8,000 chết từ 15,000 đến 20,000 mất tích, có thể chết vì thương tật không được chăm sóc. (theo ước lượng của Pháp)

* Tù binh

Theo Jane Hamilton-Merritt thì vào ngày 8 tháng 3, sau khi Việt Minh kiểm tra số tù binh thì có 11,721 binh lính quân đội Liên hiệp Pháp đã bị bắt (bằng 1/3 số tù binh bị bắt trong cả cuộc chiến), trong đó 4,436 người đã bị thương. Trong số người bị bắt làm tù binh có 3,290 người (phần lớn mang quốc tịch Pháp) được trả tự do. Có những người Hmông bị những người cộng sản Việt Nam bắt giữ từ năm 1954 cho tới tận 25 năm sau, năm 1979 khi Trung Cộng có chiến tranh với Việt Nam mới được trả tự do, chẳng hạn như Yang Mi Cha bị Việt Minh bắt giữ khi ông ta đang phòng thủ Sở chỉ huy Điện Biên Phủ.

 



Tháng 1-1954, Phó Tổng thống Mỹ Nixon đến Điện Biên Phủ quan sát trận địa.



Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù diễn hành tại Nha Trang năm 1955
sau ngày chiến thắng quân Bình Xuyên tại Sài Gòn

 

Tài liệu tham khảo:

- Dien Bien Phu trên website: dienbienphu.org/english/index.htm.
- Từ Điện Biên Phủ tới Geneva (Cuộc Thánh Chiến chống cộng) của Chính Đạo, Văn Hóa xuất bản tại Houston Texas năm 2004.
- Battle of Dien Bien Phu from Wikipedia, the free encyclopedia.
- Và phỏng vấn các chiến hữu Nhảy Dù.
 

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******02******

2. Tình Hình Việt Nam Sau Hiệp Định Geneve

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Tình Hình Việt Nam Sau Hiệp Định Geneve

Điện Biên Phủ thất thủ (7/5/1954) buộc Pháp phải ký thỏa ước Geneve chia cắt Việt Nam thành hai phần lấy vĩ tuyến 17 tức sông Bến Hải làm ranh giới. Theo thỏa ước này Pháp phải rút quân đội khỏi miền Bắc vĩ tuyến 17 và tập kết ra Bắc các lực lượng cộng sản tại miền Nam dưới sự kiểm soát của Ủy Hội Quốc Tế (bù nhìn) để chờ ngày tổng tuyển cử hai năm sau đó.

Ngày 16 tháng 6 năm 1954, Chính phủ do hoàng thân Bửu Lộc làm Thủ tướng từ chức. Quốc trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới.

Cho tới thời gian gần đây năm 2010, hầu như đối với mọi người đều tin rằng ông Ngô Đình Diệm đã được người Mỹ đưa lên cầm quyền trong chủ trương hất chân người Pháp ra khỏi Đông Dương. Người ta còn thêm rằng ông Diệm đã được phe Công giáo Mỹ, tiêu biểu là hồng y Spellman, đỡ đầu nên đã giành được sự ủng hộ của Mỹ.

Thật sự, ông Ngô Đình Diệm lúc bôn ba hải ngoại có sang Mỹ hai lần: lần đầu năm 1950 đã cùng anh là Giám mục Ngô Đình Thục qua Mỹ xin viện trợ và lưu lại vài tháng nhưng không được chính khách Mỹ nào tiếp cả. Sau chuyến hành hương tại Vatican, ông Ngô Đình Diệm trở lại Paris. Qua trung gian Nguyễn Trung Vinh và Bửu Kỉnh, ông gửi thư riêng cho vua Bảo Đại xin làm Thủ tướng.

Sau đó ông trở lại Mỹ lần thứ hai vào năm 1951, để nghiên cứu thể chế chính quyền Mỹ và tu học về tôn giáo. Lần này ông cư ngụ trong các tu viện dưới quyền Hồng Y Francis Spellman (là bạn thân của Giám mục Ngô Đình Thục từ lúc 2 người cùng học tại La Mã), được đi diễn thuyết từ Chicago tới Đại học Cornell (Ithaca, New York), gặp gỡ vài viên chức ngoại giao, cùng các nhân vật quyền thế Mỹ như Thẩm phán Tối cao Pháp viện William O. Douglass, TNS Mike Mansfield, TNS John F. Kennedy, Dân biểu Walter H. Judd, v.v. để rao giảng về một cuộc chiến chống Cộng ở VN, dựa trên khối giáo dân Ki-tô giáo, nhưng cũng không đạt được kết quả nào vì ông không có tài diễn thuyết và kém về tiếng Anh.

Năm 1953, ông Ngô Đình Diệm qua Bỉ, trú ngụ tại chủng viện Benedictine ở Saint André les Bruges, một trung tâm truyền giáo về vùng Viễn Đông. Tại đây, ông kết thân với Linh mục Raymond J. de Jaegher, người sẽ là Giám đốc Hội Thái Bình Dương Tự Do (Free Pacific Association) tại Sài Gòn. Ưu thế của ông Ngô Đình Diệm là khối giáo mục Ki-tô giáo, lực lượng này đã thống trị nền chính trị bản xứ từ năm 1862.

Vào khoảng tháng 3-1954, khi trận Điện Biên Phủ đã chứng tỏ sự nguy ngập của Pháp, ông Ngô Đình Nhu, bào đệ của Ông Ngô Đình Diệm, người chủ chốt của chế độ sau này, nghĩ đã đến lúc để thuyết phục chính phủ Pháp (Thủ tướng Pháp là Joseph Laniel), đưa ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền.

Ông Nhu đã cử ông Trần Chánh Thành sang Paris và nhờ ông Jacques Bénet giúp đỡ để tiếp xúc và thuyết phục chính quyền Pháp về đề nghị này (Jacques Bénet là bạn thân của ông Nhu khi hai người cùng học trường Ecole des Chartes tại Paris). Ông Bénet đã nhờ một người bạn tên là Antoine Ahond quen thân nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền Pháp, đặc biệt là các ông Germain Vidal, chánh văn phòng Thủ tướng, ông Bourgenot, bộ trưởng tại phủ Thủ tướng, và ngoại trưởng Bidault. Mặt khác, chính ông Trần Chánh Thành cũng tỏ ra xuất sắc. Nhờ thế mà ông Diệm đã được chính quyền Pháp chấp nhận và áp lực Vua Bảo Đại phải đồng ý.

Do vì tình hình chiến sự của Pháp ngày càng suy thoái. Pháp chỉ có khả năng kéo dài ngày chiến bại hơn là hy vọng chiến thắng. Tại các khu vực Pháp kiểm soát, 5 chính phủ Quốc Gia thay nhau bộc lộ sự bất lực. Sự sinh tồn của các chính phủ này hoàn toàn tùy thuộc vào quân lực viễn chinh Pháp và viện trợ Mỹ, qua tay người Pháp. Bởi vậy, Mỹ áp lực Pháp trả độc lập hoàn toàn cho VN, hầu tạo một chính phủ thực sự quốc gia. Vua Bảo Đại sẽ được giữ làm vì, nhưng chức Thủ tướng phải trao cho một người quốc gia chưa từng xuất hiện trên chính trường.

Do những dàn xếp hậu trường, Ông Ngô Đình Diệm được Pháp chọn lựa, Vua Bảo Đại đã quá lệ thuộc Pháp nên khó có thể cưỡng lại. Ngày 14/5/1954, Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm qua Paris bàn việc. Ba ngày sau, Bảo Đại bí mật gặp Thứ trưởng Ngoại Giao Walter Bedell Smith, yêu cầu Mỹ can thiệp, và cử Ngô Đình Luyện (1914-1990), em út nhà họ Ngô, làm đại diện liên lạc với Mỹ. Ngày 18/5, Ngô Đình Luyện xin gặp Smith, dò ý về việc ông Ngô Đình Diệm sẽ làm Thủ tướng thay cho Hoàng Thân Bửu Lộc.

Do Pháp tiến cử, ngày 24/5/1954, phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị Geneva gặp ông Ngô Đình Diệm tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Paris. Dù không tin ông Ngô Đình Diệm sẽ thành công, các viên chức Mỹ vẫn phải chấp nhận vì những người Thủ tướng tiền nhiệm đều không thành công.

Để chuẩn bị cho ông Ngô Đình Diệm hồi hương, ngày 4/6/1954, chính phủ Laniel ký Hiệp Ước trả độc lập cho VN. Hiệp ước này gồm hai văn kiện chính: độc lập và hợp tác. Hai ngày sau, 6/6/1954, Laniel đồng ý để ông Ngô Đình Diệm thay ông Bửu Lộc trong chức vụ Thủ tướng. Ông Ngô Đình Diệm chính thức tiếp nhận chức vụ Thủ tướng ngày 19/6/1954 và lên đường về nước ngày 24/6/1954.

Tại Sài Gòn, ngày 12/6, Hoàng thân Bửu Lộc tuyên bố sẽ từ chức để ông Ngô Đình Diệm lên thay. Hôm sau 13/6, Maurice Dejean, Phụ tá dân sự của Cao ủy Paul Ely xác nhận tin này.

Ngày 26/6/1954, ông Ngô Đình Diệm đặt chân xuống Sài Gòn giữa tình thế cực kỳ hỗn loạn. Tướng Raoul Salan đã cho lệnh triệt thoái bốn tỉnh miền Nam Bắc Việt. Ông Ngô Đình Diệm nhiều lần can thiệp đừng bỏ rơi Bắc Việt, nhưng Salan chỉ đồng ý để quân đội QGVN thay Pháp giữ các tỉnh này. Ngày 29/6, Ông Ngô Đình Diệm còn yêu cầu di tản một số dân châu thổ sông Hồng, đặc biệt là giáo dân Ki-tô giáo, trong trường hợp chia đôi đất nước.

Trong khi đó Chính phủ Mỹ muốn ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng tại Á Châu nên trực tiếp viện trợ cho Nam Việt Nam để ngăn cản sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Vì thế sau ngày 7/7/1954, khi chính phủ Ngô Đình Diệm được thành lập, hai vị Tướng của Mỹ là E.G. Lansdale và J.Lawton Collins đã được phái sang Sài Gòn để cố vấn cho Chính Phủ VNCH và áp lực người Pháp rút khỏi Việt Nam.

Ngày 20/7/1954 Pháp và Việt Minh (VM) ký thỏa hiệp đình chiến gồm có 6 chương và 47 điều khoản tại Geneve qui định 300 ngày cho hai bên thờì giờ tập hợp rút quân về, trước hạn ngày 18 tháng 5 năm 1955. Cuộc Tổng Tuyển cử toàn quốc dự trù sẽ được tổ chức sau hai năm, vào tháng Bảy 1956. Một Ủy Ban Đình Chiến gồm Ấn Độ, Gia Nã Đại và Ba Lan được thành lập để giám sát việc thi hành Hiệp Định. Dân chúng được lựa chọn khu vực cư trú.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam chỉ là một hiệp định có tính cách thuần túy quân sự không phải là một hòa ước, và không đưa ra một giải pháp chính trị nào cho tương lai Việt Nam. Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ, Trưởng Phái Đoàn Quốc Gia Việt Nam (QGVN) ra tuyên ngôn phản đối hiệp định có nhiều điều khoản nguy hại cho tương lai chính trị của dân tộc VN với các điểm chính như sau:

1/ Pháp đã tự ý nhượng cho Việt Minh những vùng mà Quân Đội Quốc Gia VN còn đóng quân.

2/ Tước mất của QGVN quyền bất khả xâm phạm để tổ chức phòng thủ.

3/ Pháp tự tiện ấn định ngày tổng tuyển cử mà không có sự thỏa thuận của phía Quốc Gia Việt Nam (QGVN).

Vì những lý do đó phái đoàn Quốc Gia Việt Nam yêu cầu hội nghị ghi nhận: "Việt Nam long trọng phản đối việc ký kết hiệp định Genève - Chính phủ Quốc gia Việt Nam hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong cuộc thực hiện thống nhất, độc lập và tự do cho xứ sở". 

 

Để trấn tĩnh nhân tâm, ngày 8-7-1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã thành lập Ủy ban bảo vệ Bắc Việt với một thành phần gồm ông Hoàng Cơ Bình, tân đại biểu chính phủ tại Bắc Việt, giữ chức chủ tịch, 2 ủy viên là ông Trần Trung Dung, ủy viên dân sự; ủy viên quân sự là Thiếu tướng Nguyễn Văn Vận, Tư lệnh Đệ tam quân khu. Ủy ban này được điều chỉnh bằng Dụ số 11 ngày 9/7/1954, trong đó, Ủy ban được ủy quyền thay các tổng trưởng Quốc phòng, Nội vụ để giải quyết các vấn đề về hành chính, chính trị, và quân sự tại miền Bắc. Ủy ban bảo vệ Bắc Việt duy trì tới ngày 6-8-1954 thì giải tán.

Ngày 22/7/1954 lúc 7.00 giờ sáng tại VN, lệnh ngưng bắn được ban hành bắt đầu có giá trị và được ấn định từng vùng như sau:

Ngày 27/7/1954 ngừng bắn tại Bắc Việt, lực lượng QGVN và Pháp tập trung tại Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng vào ngày 11/8/1954, lực lượng Việt Minh tạm thời rút lui khỏi các khu vực mà Lực lượng Quốc Gia - Pháp tập trung tại Bắc Việt.

Đến ngày 6-8-1954, Bộ trưởng Lê Quang Luật (bộ trưởng trực thuộc Phủ Thủ tướng phụ trách Thông Tin) được cử làm Đại biểu chính phủ tại Bắc Việt, phụ trách chương trình di cư dân tỵ nạn, điều hành công việc ở một số khu vực tại miền Bắc trong thời gian lực lượng Quân đội Quốc gia và Liên Hiệp Pháp tiến hành cuộc triệt thoái khỏi Bắc Việt.

* Kế hoạch triệt thoái Quân đội Quốc Gia VN khỏi Bắc Việt và các cuộc di dân từ miền Bắc vào Nam đã diễn ra hết sức đông đảo.

Trước ngày ngưng bắn, tại khu vực Nam của châu thổ Bắc Việt, Liên quân VN-Pháp đã mở cuộc hành quân mệnh danh là Auverge khai diễn vào cuối tháng 6/1954 để triệt thoái các đơn vị ra khỏi miền này. Đã xảy ra nhiều trận giao tranh dữ dội. Nhưng cuộc triệt thoái đã thành công, các đơn vị được đưa về cố thủ trên những phòng tuyến xung quanh Hà Nội và Hải Phòng và dọc theo Quốc lộ 5. Tại những nơi đây, người lính Quốc gia bị giao động bởi vì sau cuộc triệt thoái, họ cảm thấy mất mát những làng xóm, gia đình và người thân.

 

 



Passage to Freedom: Bốn lính Hải Quân Mỹ căng biểu ngữ đón chào người di cư
lên chiến hạm USS Bayfield (APA-33) từ bến Hải Phòng để đi Sài Gòn vào
ngày 3-9-1954 (Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ)

 

Tháng 8/1954 các đơn vị Quốc Gia Việt Nam - Pháp tại Bắc Việt khởi sự di chuyển vào Nam. Kế hoạch chuyển quân được tiến hành theo quan niệm của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc gia Việt Nam là một số đơn vị lớn từ Bắc Việt vào sẽ đồn trú tại Đà Nẵng và Nha Trang để biến hai nơi này thành những đầu cầu cho chiến dịch tiếp thu các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.

Theo kế hoạch chuyển quân này, một số đơn vị có đông binh sĩ là sắc tộc thiểu số thì được chuyển đến Cam Ranh để có thể khai phá đồng ruộng sinh sống và làm lực lượng trừ bị tại đây. Còn một số lớn đơn vị được đưa vào Nam với phần lớn xuống miền Tây đóng tại những vùng có quân đội Hòa Hảo.

Cũng theo kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia VN, một số đơn vị từ Bắc Việt vào sẽ đóng quanh vùng Tây Ninh. Những đơn vị còn lại được đưa lên Đà Lạt bổ sung cho lực lượng Ngự Lâm quân đang có ý định phát triển thành 1 đại đơn vị. Sự phối trí các lực lượng từ miền Bắc vào còn nằm trong ý định thành lập những sư đoàn tương lai tại miền Nam.

Trong khi đó Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù di chuyển từ Hải Phòng được chỉ định trấn đóng tại Đà Nẵng: cùng với 2 Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù di chuyển từ Hà Nội vào.

Theo phân tích của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam (Tổng Tham Mưu Trưởng lúc bấy giờ là Trung tướng Nguyễn Văn Hinh) thì việc triệt thoái sau ngưng chiến và việc di cư vào miền Nam đã làm cho quân số của Quân đội Quốc Gia tại Bắc Việt giảm sút, đang từ 80,076 tính đến 31-5-1954, tới khi vào đến trong Nam chỉ còn 32,000 người. Sở dĩ thế là do bởi tinh thần binh sĩ giao động. Theo báo cáo của Phòng 1 Bộ Tổng Tham Mưu kiểm tra trong thời gian từ 21-7-1954 đến 20-8-1954, thời gian giao động nhiều nhất. Số đào ngũ của các đơn vị đóng tại Bắc Việt trước khi ngưng bắn, lên tới 21,421 người, trong đó có 112 sĩ quan, 1,031 Hạ Sĩ Quan và 20,278 binh sĩ. Sự đào ngũ này vẫn gia tăng vào những tháng chót khi các đơn vị rời Bắc Việt. Số quân nhân đào ngũ thực ra không ở lại miền Bắc hết, một phần đào ngũ đi tìm gia đình sau đó di cư theo ngả dân sự, và 1 phần khác phải xuất ngũ vì tất cả các đơn vị phụ lục quân tại miền Bắc đều bị giải tán.

Tình hình tại Trung Việt trước giờ ngưng bắn

Ngày 16-8-1954 lúc 7 giờ, lệnh ngưng bắn có hiệu lực tại Trung Việt:

Trước khi Hiệp định đình chiến có hiệu lực, tại miền Trung, lực lượng Quân đội Quốc gia và Pháp đã phối trí các đơn vị bộ chiến bảo vệ các phòng tuyến tại nhiều khu vực đồng bằng thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, một phần của tỉnh Quảng Nam (các phủ, huyện phía Bắc), tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, liên quân Việt-Pháp liên tục mở các cuộc hành quân cấp liên đoàn để tảo thanh các đơn vị địa phương của Việt Minh. Tại khu vực bao gồm phía Nam tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là vùng bị Việt Minh kiểm soát từ 1946 (VM gọi là liên khu 5).

Từ tháng 1/1954 đến tháng 7/1954, Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên Hiệp Pháp tại Trung Việt đã tổ chức chiến dịch Atlante nhằm bình định các tỉnh thuộc khu vực này. Vùng hành quân này là 1 căn cứ chiến lược của Việt Minh được xây dựng từ năm 1946. Dân số vào đầu năm 1954 ước khoảng 2.5 triệu người. Đây là khu giao liên trọng yếu của Việt Minh nối liền miền Bắc và miền Nam. Khi mở cuộc hành quân, Bộ Tư lệnh lực lượng Liên Hiệp Pháp tại VN muốn đánh bật Việt Minh ra khỏi khu này để giao lại cho chính quyền Quốc gia Việt Nam. Do đó, cuộc hành quân này có tính cách bình định với sự tham gia của nhiều Tiểu Đoàn Khinh quân và các Liên Đoàn chiến thuật của Quân đội Quốc gia Việt Nam. Sau khi chiếm được khu vực này, Pháp giao cho lực lượng Quốc Gia Việt Nam bình định. Mặt trận tại duyên hải miền Trung lắng dịu vì Việt Minh chuyển quân mở cuộc tấn công vùng Cao nguyên Trung phần. Giữa tháng 6/1954, VM gia tăng áp lực tại Trung nguyên Trung Việt và chuẩn bị tấn công Pleiku để kiểm soát Cao nguyên. Nhận thấy áp lực của VM, Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Pháp ra lệnh cho Liên đoàn 100 rời An Khê về cố thủ Pleiku cho đến ngày ngưng bắn. Trong tháng 7/1954, tại khu vực đồng bằng của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, lực lượng Việt Minh đã mở nhiều cuộc tấn công vào các đồn, vị trí đóng quân của các đơn vị Quân đội Quốc gia, nhưng phần lớn các cuộc tấn công này đã bị thất bại, lực lượng đồn trú đã bảo vệ vững phòng tuyến.

Ngày 1/8/1954 ngừng bắn tại Trung Việt, Lực lượng QGVN và Pháp triệt thoái khỏi Bắc vĩ tuyến 17 và tạm thời rút khỏi Qui Nhơn vào ngày 16/8/1954 để VM làm nơi tập kết.

Tại khu vực từ Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đến tỉnh Quảng Bình, lực lượng Quân đội Quốc gia và Liên Hiệp Pháp di chuyển về phía Nam Bến Hải theo Quốc lộ 1 bằng các đoàn quân xa có thiết giáp hộ tống và phi cơ quan sát dẫn lộ từ trên không. Các đơn vị thuộc Quân đội Quốc gia di chuyển vào đồn trú tại Quảng Trị, Thừa Thiên. Các đơn vị thuộc Quân đội Liên Hiệp Pháp từ Quảng Bình vào, tập trung đóng quân tạm thời tại Đông Hà và Đà Nẵng.

Ngày 11/8/1954 ngừng bắn tại Nam Việt, lực lượng VM tại miền Nam tập kết về Bắc tại Đồng Tháp, Xuyên Mộc, Hàm Tân và mũi Cà Mau vào ngày 26/8/1954.

Kế hoạch quân số sau khi ngưng chiến

Từ khi ngưng chiến, Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam chỉ muốn duy trì quân lực ở trên mức 200 ngàn người. Đến tháng 7/1954, giai đoạn phát triển xem như kết thúc để chuyển sang giai đoạn chuyển tiếp, là giai đoạn chuyển quyền chỉ huy và lãnh thổ mà lực lượng Quân đội Pháp đảm trách cho Quân đội Quốc Gia Việt Nam.

Sau khi ngưng bắn, ngoài việc lo tiếp nhận thẩm quyền chỉ huy và lãnh thổ thuộc đủ mọi cấp do Pháp giao lại, mối bận tâm lớn nhất của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam là cải tổ quân lực đáp ứng với tình hình thời bình và sự tự chủ quân đội.

Việc cải tổ quân lực vào thời kỳ đó nhằm đặt trách nhiệm một phần vào việc bảo vệ lãnh thổ và một phần khác là xây dựng các binh đoàn chủ lực. Với những mục đích như trên, chương trình cải tổ nhắm những mục tiêu sau đây:

-Tổ chức các Bộ Chỉ Huy lãnh thổ tại mọi cấp để thay thế Pháp, hình thành các cơ sở tiếp vận tương ứng để yểm trợ các đơn vị trong lãnh thổ trách nhiệm.

-Cải tổ những đơn vị từ miền Bắc vào bằng cách giải tán một số đơn vị để bổ sung quân số đầy đủ cho một số đơn vị khác.

-Thành lập các Trung đoàn Bộ binh để tiến đến thành lập các Sư đoàn Bộ binh, đồng thời tăng hiệu năng cho các quân binh chủng, binh sở.

-Tiếp tục đào tạo cán bộ chỉ huy và chuyên môn các cấp cho toàn quân.

Ngày 11/8/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành lệnh sát nhập các lực lượng giáo phái vào Quân Đội QGVN, Lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn phản đối và một số đơn vị giáo phái Hòa Hảo cũng không đồng ý. (Lực lượng Bình Xuyên gồm có khoảng 2,000 quân chia thành 5 Tiểu Đoàn, 1500 Công An xung phong, 10000 đảng viên mặt trận Bình Dân, lực lượng này chiếm đóng quanh Sài Gòn Chợ Lớn, vùng Rừng Sác ra đến Bà Rịa... Tổng chỉ huy là Thiếu tướng Lê Văn Viễn, Cánh tay mặt của Bảy Viễn và là Cố vấn quân sự lẫn chính trị Lại Văn Sang, Tổng Giám Đốc Nha Công An và Cảnh Sát.

 



Dinh Độc Lập ngày xưa

 

Bảy Viễn, Tổng chỉ huy Bình Xuyên

Lực lượng Bình Xuyên được nói đến từ mùa Hè 1945, khi liên quân Anh-Ấn tới Sài Gòn tiếp nhận quân Nhật đầu hàng ngày 23 tháng 9 năm 1945, chấm dứt thế chiến thứ hai tại Á châu. Nhiều lực lượng võ trang chống Pháp tại Nam Kỳ tự phát được thành lập. Người đứng ra thành lập lực lượng võ trang thường lấy tên của mình đặt cho lực lượng trong vùng, như nhóm quân sự tại Tân Quy do Dương Văn Dương đứng ra chiêu nạp một số tay "anh chị", gồm những người xuất thân từ giới chuyên sống ngoài vòng pháp luật, có cuộc sống chịu ảnh hưởng của Tàu như Thủy Hử với nhóm Lương Sơn Bạt nên gọi là bộ đội Ba Dương. Bộ đội Nhà Bè mang tên bộ đội Hai Nhị, Hai Soái... Khi Dương Văn Dương, kêu gọi thống nhất được các nhóm giang hồ Nam Kỳ chống Pháp ở Tân Quy, Tân Thuận, Nhà Bè, Thủ Thiêm, ông đã chọn cái tên "Bình Xuyên" để đặt cho lực lượng võ trang thống nhất này. Đây là tên của vùng địa dư trên bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn để chỉ xóm Hố Bần, còn gọi là Xóm Cỏ, địa bàn hoạt động của lực lượng này. Cái tên "Bình Xuyên" còn hàm chỉ: "Bình" gợi chiến công đánh chiếm và bình định, còn chữ "Xuyên" để chỉ vùng sông rạch.

Trong các năm 1945-1946, Bình Xuyên hoạt động công khai tại Sài Gòn và các vùng phụ cận. Những người này sống bằng cách bắt ép các nhà giàu nộp tiền đóng thuế. Họ sẵn sàng áp dụng các hình phạt nặng nề đối với những người không chịu tuân theo lệnh của họ. Tới khi quân Pháp theo chân quân Anh-Ấn vào Nam Kỳ, thì Bình Xuyên đã tấn công vào các toán quân Pháp.

Tháng 2/1946, các cuộc giao tranh giữa Bình Xuyên và quân đội Pháp ngày một gia tăng, thủ lãnh Bình Xuyên là Ba Dương bị giết trong một cuộc đụng độ khi chỉ huy một bộ phận quân Bình Xuyên vượt sông Soài Rạp từ Rừng Sác về cứu nguy cho mặt trận An Hóa tại Bến Tre. Từ đó việc chỉ huy qua tay em của Ba Dương là Dương Văn Hà, nhưng mọi thực quyền lại do Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn nắm giữ. Không bao lâu, Bảy Viễn trở nên thủ lãnh của Bình Xuyên chống Pháp. Khi quân Pháp làm chủ tình hình Sài Gòn, Bình Xuyên trở thành lực lượng cộng tác với mặt trận Việt Minh.

Bảy Viễn:

Bảy Viễn tên thật là Lê Văn Viễn, sinh năm Giáp Thìn (1904) tại Phong Đước, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là Quận 8, Sài Gòn). Cha là Lê Văn Dậu, người Hoa gốc Triều Châu.

Năm 1921, Bảy Viễn vào tù lần đầu với bản án 20 ngày tù giam khi mới 17 tuổi do phạm tội trộm xe đạp. Năm 1927, Bảy Viễn phạm tội hành hung người khác và bị phạt giam 2 tháng tù.

Năm 1936, Bảy Viễn bị chính quyền thuộc địa Nam Kỳ tuyên án 12 năm khổ sai đày đi Côn Đảo do tội cướp có vũ trang (súng). Tuy nhiên, đến năm 1940, Bảy Viễn vượt ngục thành công về đất liền sau 4 lần thất bại.

Năm 1942, Bảy Viễn bị bắt trong vụ tổ chức cướp xưởng mộc Bình Triệu. Tòa án tuyên phạt 12 năm khổ sai cộng thêm 8 năm còn thiếu trước đây là 20 năm.

Năm 1945 Bảy Viễn lại vượt ngục và tham gia vào lực lượng của Ba Dương kháng chiến chống Pháp và trở thành Chi đội trưởng Chi đội 9 thuộc Liên khu Bình Xuyên, do Ba Dương (tức Dương Văn Dương) làm Tổng chỉ huy.

Đây là thời kỳ Việt Minh gởỉ Nguyễn Bình vào Nam Việt, tổ chức công cuộc chống Pháp cho có hệ thống. Nguyễn Bình tìm cách thống nhất các lực lượng kháng chiến dưới quyền chỉ huy của mình. Vì thế, sau khi gây được cơ sở, Nguyễn Bình bắt đầu sát nhập các lực lượng liên kết vào mặt trận Việt Minh. Những ai không chịu sát nhập thì Nguyễn Bình tìm cách tiêu diệt. Đối với Bình Xuyên, Nguyễn Bình cô lập Bảy Viễn với các thuộc hạ, để nắm lấy toàn thể lực lượng này. Ngày 12 tháng 4 năm 1946 Nguyễn Bình, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nam bộ của Việt Minh ký quyết định phong cho Năm Hà (tức Dương Văn Hà em cùng cha khác mẹ với Dương Văn Dương) làm Tư lệnh lực lượng Bình Xuyên thay cho Ba Dương.

Tháng 5/1946 Nguyễn Bình ký quyết định phong cho Bảy Viễn làm Khu Bộ Phó chiến khu 7 với ý định tách Bảy Viễn ra khỏi vị trí trực tiếp chỉ huy lực lượng Bình Xuyên và để Bảy Viễn không bất mãn bỏ kháng chiến về với Pháp.

Bảy Viễn biết rõ ý đồ này, nhân cuộc viếng thăm của Nguyễn Bình tại Rừng Sác, Bảy Viễn công kích Nguyễn Bình và cả hai đã cãi nhau kịch liệt khiến Lê Duẫn phải can ra, và đồng thời để lấy lòng bằng cách cất nhắc Bảy Viễn lên làm Khu trưởng khu 7. Nguyễn Bình vẫn tìm cách diệt trừ Bảy Viễn.

Tháng 12 năm 1947, Trung tá Savani (Phòng Nhì Pháp) cho người bí mật tiếp xúc với Bảy Viễn để chuẩn bị lập Chiến khu Quốc gia Rừng Sác.

Đầu năm 1948, trong 1 cuộc họp tổ chức tại Đồng Tháp, Bảy Viễn nhờ có một số thuộc hạ thân tín tháp tùng, đã tránh thoát một cuộc mưu hại do Nguyễn Bình tổ chức. Bảy Viễn mang theo hai đại đội võ trang mạnh, thân tín nhất, có cả trung liên và đại liên, từ Rừng Sác, vượt sông Soài Rạp, băng qua Quốc lộ 4, đến căn cứ địa của Nam Bộ, tại làng Nhơn Hòa Lập để họp và nhận chức Khu bộ trưởng Chiến khu 7.

Tại cuộc họp Nguyễn Bình quyết định giải tán tổ chức Bình Xuyên và cải danh thành các Trung đoàn Vệ Quốc Đoàn. Bảy Viễn phản đối quyết liệt.

Sau khi thoát hiểm, rạng sáng ngày 27 tháng 5 năm 1948, Bảy Viễn đã âm thầm rút quân Bình Xuyên rời chiến khu Đồng Tháp kéo quân về hợp tác với Pháp, Bảy Viễn được Tướng De la Tour gắn cấp bậc Đại tá. 

 

Và từ đó, lực lượng Bình Xuyên hoạt động rất đắc lực trong việc phá vỡ các cơ sở nằm vùng kinh tài của Việt Cộng trong vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. Vì thế, Pháp rất tin tưởng nên đã giao cho Bình Xuyên trọn quyền kiểm soát vùng Sài Gòn-Chợ Lớn và cả khu vực Rừng Sác, căn cứ cũ của Bình Xuyên, để chống lại Việt Cộng, đồng thời giao cho cả việc bảo vệ thủy lộ từ biển Vũng Tàu vào thương cảng Sài Gòn.

Năm 1952, vua Bảo Đại tấn phong cho Bảy Viễn cấp bậc Thiếu tướng 2 sao (Général de Brigade) và nhận Bảy Viễn làm nghĩa đệ. (vì Bảy Viễn chi tiền quá đẹp: 240 ngàn/tháng + 500 ngàn đô-la cho người tình tại Hong Kong)

Tình Hình Việt Nam sau khi triệt thoái khỏi Bắc Việt:

Thủ tướng Ngô Đình Diệm nhận nhiệm vụ trước Quốc Trưởng Bảo Đại với toàn quyền về hành chánh, quân sự và chính trị, nhưng trên thực tế ông không nắm được quyền hành như qui định. Quân đội mới thành lập phần lớn hãy còn do Người Pháp chỉ huy. Vị Tham Mưu Trưởng là Trung tướng Nguyễn Văn Hinh, một Sĩ quan trong quân đội Pháp được chuyển qua chỉ huy Quân Đội Việt Nam. Tướng Hinh là con của cựu Đốc Phủ Sứ Nguyễn Văn Tâm, biệt danh hùm xám Cai Lậy, một người thân Pháp đã lập nhiều công trạng cho thực dân Pháp.

Miền Nam lúc đó có nhiều phe nhóm, giáo phái hành động như những sứ quân mà người Pháp đã võ trang để giúp họ duy trì an ninh trật tự. Thực tế đó là hình thức chia để trị, dùng dân bản xứ để khống chế lẫn nhau, một sách lược thâm độc mà thực dân Pháp đã áp dụng từ lâu tại các xứ thuộc địa.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải đương đầu với muôn vàn khó khăn: các đảng phái chia rẽ, các giáo phái võ trang kình chống nhau, chống chính phủ, đằng sau lưng họ là đoàn quân Viễn Chinh Pháp không thật lòng muốn trao trả độc lập cho Việt Nam, quân đội chia làm hai phe, phe theo Tướng Tỵ ủng hộ Thủ tướng Diệm, phe theo Tướng Hinh, Tướng Vỹ ủng hộ Bảo Đại, họ chưa hoàn toàn ủng hộ tân Thủ tướng. Thủ tướng Diệm lại còn phải tức thời lo cho gần l triệu người lánh nạn cộng sản từ miền Bắc chạy vô Nam.

Cảnh Sát, Công An xung phong nằm trong tay Bình Xuyên, hành động như một đảng cướp, chuyên tổ chức, kiểm soát có hệ thống cờ bạc, đĩ điếm tại nhiều nơi mà khu chính là Kim Chung Đại Thế Giới, buôn bán thuốc phiện lậu, lại toa rập bao che cho những người Tầu làm ăn bất chính.

Tất cả đều lo ngại một Tân Thủ tướng có danh đạo đức, thanh liêm sẽ triệt hạ mất quyền lợi mà họ đang hưởng thụ.

Ngày 01/9/1954 Chính phủ Ngô Đình Diệm đặt ưu tiên hàng đầu trong việc thương thuyết yêu cầu Pháp trao trả tức khắc cho VN về chủ quyền quân sự cũng như hành chánh.

Ngày 11/10/1954 lúc 7.00 sáng, Lực lượng QGVN-Pháp triệt thoái toàn bộ khỏi vùng Hà Nội. Việt Minh hoàn tất triệt thoái đợt 1 tại Trung Việt và hoàn tất triệt thoái khỏi Hàm Tân, Xuyên Mộc.

Ngày 31/10/1954 lúc 7.00 sáng, Lực lượng QGVN-Pháp hoàn tất triệt thoái khỏi Hải Dương. VM hoàn tất triệt thoái khỏi miền Trung đợt 2, tại Nam Việt hoàn tất triệt thoái tại Đồng Tháp.

Ngày 8/2/1955 lúc 7.00 sáng lực lượng Việt Minh hoàn tất triệt thoái khỏi mũi Cà Mau.

Ngày 12/2/1955 Thủ tướng Ngô Đình Diệm họp báo tuyên bố Hoa Kỳ sẽ huấn luyện quân đội Quốc Gia Việt Nam độc lập từ ngày 1/7/1955.

Ngày 13/2/1955 Tướng Trình Minh Thế dẫn 2,500 quân dưới trướng về chính thức sát nhập vào quân đội Quốc Gia Việt Nam (do Lansdale móc nối).

Ngày 15 tháng 2 năm 1955, mở chiến dịch bài trừ tứ đổ tường, đặc biệt là nha phiến, mãi dâm, du đãng và cờ bạc, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh giải tán sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới, đồng ý bồi thường một số tiền để Bình Xuyên có thể tổ chức cơ sở kinh doanh lương thiện làm ăn. Đồng thời ra lệnh cắt bớt những khoản tài trợ cho các lực lượng giáo phái để sát nhập các lực lượng này vào quân đội quốc gia.

(Địa bàn hoạt động của Bình Xuyên ở xung quanh Sài Gòn. Dưới sự đồng thuận của Pháp, Bình Xuyên kiểm soát nhiều sòng bài, nhà thổ, cùng những thương cuộc lớn nhỏ khắp vùng Sài Gòn-Chợ Lớn trong đó phải kể Casino Grande Monde (Đại Thế giới), Casino Cloche d'Or (Kim Chung), Bách hóa Nouveautés Catinat. Đại Thế Giới là một sòng bài rất lớn, nằm ngay đầu Đường Đồng Khánh. Qua cổng chính bước vào trong, bên trái là khu ăn nhậu, đi tiếp là một dãy nhà ngang gồm nhiều phòng giải trí cho khách muốn mua hoa, dân làng chơi phải mua vé, được dẫn vào trong để chọn một cô mình ưng ý trước khi về phòng. Các cô gái bán dâm đều phải khám bệnh hàng tuần để tránh bệnh truyền nhiễm; chính giữa là khu sòng bài, đủ loại như bài cào, "black jack", "roulette", hầu như không thiếu món nào của các sòng bài Casino ở Macao. Bên trong lác đác qua lại vài bộ mặt lỳ lợm bảo vệ sòng bài. Họ củng cố giữ vẻ kín đáo nhưng vẫn không dấu được hết nét dao búa của dân anh chị. Nếu là con bài thường xuyên và xộp hay quen thuộc với dân quyền thế hay anh chị, họ được hướng dẫn và phục dịch chu đáo, đủ bốn món ăn chơi thâu đêm suốt sáng, không phải chỉ ở khu Đại Thế Giơí mà còn ở nhiều khu kín đáo khác. Sẹc Xanh, Sẹc Đỏ sau này cũng không thể hơn được).

Bình Xuyên phản đối quyết định của Thủ tướng Diệm, liên kết cùng với các Giáo Phái thành lập Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia đòi Thủ tướng Diệm phải cải tổ chính phủ.

Ngày 28/2 1955 Pháp ngưng trả lương cho các lực lượng giáo phái, Lê Quang Vinh (Ba Cụt) phản đối kéo lực lượng ra bưng. Các lực lượng Bình Xuyên kéo về bao quanh thành phố Sài Gòn.

Ngày 1/3/1955 Tổng thống Mỹ Eisenhower viết thư cho Vua Bảo Đại xác nhận sự ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm và yêu cầu Bảo Đại trao quyền chỉ huy lực lượng cảnh sát đang ở trong tay các giáo phái cho ông Diệm, Vua Bảo Đại chống đối kế hoạch này và cho rằng Ông Ngô Đình Diệm phải đặt quyền lợi Quốc Gia lên trên chứ không thể củng cố quyền lực cá nhân dựa trên một thiểu số phe nhóm Ki-Tô giáo.

Nhận được sự ủng hộ về hình thức của Quốc Trưởng Bảo Đại, ba nhóm đảng phái lớn với lực lượng quân sự công khai liên kết chống đối chính phủ là Bình Xuyên hoạt động ở Sài Gòn, Cao Đài ở miền Đông Nam phần và Hòa Hảo ở miền Tây về sau có thêm đảng Đại Việt ở Miền Trung cũng xin gia nhập.

Ngày 4 tháng 3 năm 1955, các nhóm này ra tuyên cáo thành lập "Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia", gây áp lực đòi Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải cải tổ nội các.

Ngày 21/3/1955 một bản kiến nghị được xem như là tối hậu thư của Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia yêu cầu Thủ tướng NĐD trong kỳ hạn 5 ngày phải cải tổ toàn diện Nội Các và giải quyết vấn đề theo ý kiến của mặt trận. Bản kiến nghị được ký tên bởi Đại diện Cao Đài là Phạm Công Tắc; đại diện Hòa Hảo là Lê Quang Vinh, Lâm Thành Nguyên, Trần Văn Soái; và đại diện Bình Xuyên là Lê Văn Viễn.

 

 

 

 

Phản ứng lại về bản kiến nghị, chính phủ điều động 2 Đại Đội từ Phan Thiết có 5 chiến xa và 2 thám thính xa hỗ trợ để bảo vệ Dinh Độc Lập. Đơn vị của Tướng Thế cũng được điều động bảo vệ quanh Thủ Đô. Nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền Mỹ, ngày 24/3/1955 ngày áp chót của thời hạn trong tối hậu thư của Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia, Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên đài phát thanh đọc một bản tuyên bố kêu gọi quốc dân và ngỏ lời với các giáo phái: "Trong thời kỳ người Pháp còn điều khiển cuộc chiến ở Việt Nam, vì những quan niệm và hoàn cảnh hồi đó, nên bên cạnh đạo quân viễn chinh Pháp, Quốc gia, còn có những lực lượng bổ túc. Nhưng nay nước nhà đã độc lập, dù ai lãnh đạo chính quyền, cũng phải thống nhất các lực lượng võ trang hiện nằm trên lãnh thổ để tạo thành một quân đội Quốc Gia duy nhất, dưới một quyền chỉ huy duy nhất, những đoàn thể võ trang, sau khi tuyên bố hợp tác với chính phủ, nếu vẫn kiểm soát những khu vực riêng biệt trên lãnh thổ, là trái với nguyên tắc thống nhất quân đội và quyền lợi của quốc gia"

Thủ tướng Ngô Đình Diệm nhấn mạnh: "Hãy giải quyết dứt khoát vấn đề thống nhất quân đội, rồi sau đó, sẽ giải quyết các vấn đề chính trị." Phần cuối của bản tuyên bố, Ông mời các lãnh tụ giáo phái và các đoàn thể đến Dinh Độc Lập thảo luận.

Ngày 25/3/1955 toàn bộ Liên Đoàn Nhảy Dù do Thiếu tá Đỗ Cao Trí chỉ huy gồm 4 Tiểu Đoàn 1, 3, 5 và 6 được điều động từ Ðồng Ðế Nha Trang về Sài Gòn. Bộ Chỉ Huy đóng tại Trại Quân Cụ gần Chợ Trần Quốc Toản. TĐ1ND bản doanh tại Nha Hỏa Xa Hòa Hưng, do Đại úy Trần Văn Đô chỉ huy. TĐ3ND bản doanh tại Thành Ông Năm Hốc Môn do Đại úy Phan Trọng Chinh chỉ huy, TĐ5ND đóng tại Thủ Đức do Trung úy Nguyễn Văn Viên chỉ huy và TĐ6ND đóng tại Ngã Tư Bảy Hiền do Đại úy Thạch Con làm Tiểu Đoàn Trưởng.

Ngày này cũng là ngày cuối cùng của tối hậu thư, Mật Trận TNTLQG họp nghiên cứu tuyên ngôn của Thủ tướng và chia thành 3 nhóm: nhóm chủ trương thương thuyết Lâm Thành Nguyên, Trình Minh Thế. Nhóm dè dặt Nguyễn Thành Phương, Nhóm cương quyết chống đối bằng vũ lực là Lê Quang Vinh và Lê Văn Viễn.

Buổi chiều, tại Dinh Độc Lập, Tướng Lâm Thành Nguyên, Chủ Tịch đoàn mặt trận hướng dẫn phái đoàn thương thuyết với chánh phủ. Mặt trận vẫn đòi cải tổ toàn diện nội các và lập chính phủ mới với các thành phần được Mặt trận chấp thuận. Thủ tướng Ngô Đình Diệm nhắc lại lập trường đã tuyên bố: "Thực hiện sự thống nhất Quân đội xong sẽ bàn tới chính trị."

Ngày 26/3/1955 Bình Xuyên rút 350 công an xung phong từ Đà Lạt về tăng cường cho lực lượng quanh Sài Gòn. Từ cuối tháng 3/1955, để sửa soạn chiến đấu cùng gây hoang mang và tạo sự căng thẳng tại Đô Thành, lực lượng công an xung phong Bình Xuyên ra lệnh cho dân chúng sống xung quanh Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia, đường Nancy, Cống Quỳnh, Xóm Củi phải tản cư để tránh các cuộc pháo kích. Bình Xuyên còn kiểm soát xóm Chợ Là khoảng giữa Đại lộ Trần Hưng Đạo và các đường Lê Quang Liêm, Nguyễn Văn Của. Để phòng xa, Thiếu tướng Bình Xuyên Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) cho di chuyển Bộ chỉ huy Bình Xuyên về Bến Đổ, cách cầu chữ Y 3km. Riêng phòng tình báo của lực lượng Bình Xuyên vẫn đóng tại tổng hành dinh cách cầu chữ Y 200 mét. Trong khu vực Chánh Hưng, Bình Xuyên ra sức đào các công sự chiến đấu, Pháp đưa 1 đại đội Nhảy Dù (Pháp) tới đóng ở xóm Chùa Phật trong khu vực Bình Xuyên cố ý yểm trợ tinh thần cho phe này.

Ngày 28/3/1955 bốn Tổng Trưởng đại diện giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo đồng loạt từ chức. Trong thư từ chức tập thể, đề rằng "Chúng tôi từ chức để Thủ tướng dễ dàng trong việc lập tân Nội Các gồm những phần tử ái quốc chân chính". Thủ tướng Ngô Đình Diệm nhắc lại lập trường đã tuyên bố: "Thực hiện sự thống nhất Quân đội xong sẽ bàn tới chính trị."

Bình Xuyên nổ súng, gây hấn:

Vụ khiêu khích đầu tiên của Bình Xuyên là vụ nổ súng vào đêm 29 rạng ngày 30/3/1955 tại Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc gia Việt Nam trên đường Trần Hưng Đạo (lúc bấy giờ Bộ Tổng Tham Mưu đặt trụ sở tại tòa nhà lớn số 606 Trần Hưng Đạo, mãi đến năm 1956 mới chuyển về trại Chanson tức là Trại Trần Hưng Đạo gần phi cảng Tân Sơn Nhất.)

Vào đêm đó, quân của Bình Xuyên và Công an xung phong với 16 Tiểu Đoàn bố trí quanh Sài Gòn và ở đường Trần Hưng Đạo, từ ngã tư gần nhà thờ Chợ Quán đến ngã tư đường Kerganradec đã đồng loạt tấn công vào quân đội Quốc Gia. Tiếng nổ đầu tiên phát ra vào lúc 12 giờ đêm từ một trái lựu đạn do một công an xung phong thuộc đơn vị đóng tại trường huấn luyện Cảnh Sát ở kế bên liệng vào sân trụ sở Nha Cảnh Sát Trung Ương do 1 đại đội thuộc Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù và 1 chi đội thiết giáp xa trấn giữ.

Sau tiếng nổ, công an xung phong bắt đầu tràn vào bót Cảnh Sát Trung Ương và Bộ Tổng Tham Mưu dưới sự yểm trợ của 1 phân đội vũ khí nặng gồm 1 đại liên 12.7ly, bốn trung liên và 1 khẩu đại bác 57 SKZ đặt trên các lầu từ những nhà kế cận. Cuộc tấn công của công an Bình Xuyên đã bị lực lượng trú phòng chận đứng. Tại Bộ Tổng Tham Mưu bị một Đại Đội của TĐ1ND đẩy lui, (BX có 5 chết 21 bị thương), tại Nha Cảnh Sát Trung Ương cũng do một Đại Đội Nhảy Dù bảo Vệ (bị đẩy lui, 10 chết và 50 bị thương). Tiếp đó khoảng nửa giờ sau, lực lượng Nhảy Dù được tăng viện đã phản công quyết liệt. Sau một giờ giao tranh, lực lượng Quân Đội Quốc Gia không những giải tỏa áp lực của Bình Xuyên mà còn chiếm luôn trung tâm huấn luyện Cảnh sát (do công an Bình Xuyên chiếm đóng) vào lúc 1 giờ 30 sáng.

Đồng thời trong một loạt gây hấn, quân Bình Xuyên cũng pháo kích bằng súng cối 81ly vào Dinh Độc Lập, các vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù bảo vệ dinh và Nha Quân Y (ít nhất 5 quả đạn đã lọt vào trong dinh làm 5 binh sĩ bị thương)

Lệnh ngưng bắn được ban hành vào hồi 2 giờ 30. Tuy nhiên, nhiều cuộc chạm súng lẻ tẻ vẫn diễn ra trong đô thành Sài Gòn đến 5 giờ sáng đã làm cho Quân đội Quốc gia 5 tử thương, 31 bị thương; về phía Bình Xuyên cũng 5 chết, 7 súng trường 1 số đạn và lựu đạn bỏ lại tại chiến trường.

Thông báo của Chính Phủ Quốc gia Việt Nam:

Sáng ngày 30-3-1955, Chính phủ Quốc gia Việt Nam thông báo cho quốc dân biết "công an xung phong Bình xuyên đã tấn công các cơ sở quốc gia và bị quân đội anh dũng đẩy lui". Thủ tướng Ngô Đình Diệm hứa "sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ chủ trương gây rối". Bên mặt trận của giáo phái ra thông cáo đổ cho Chính phủ dùng võ lực khiêu khích mặt trận. Từ ngày đó trở đi, đài phát thanh Bình Xuyên liên tiếp phổ biến các bài có nội dung công kích nặng nề Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Khi thấy Quân Đội QG phản công mãnh liệt, Pháp đưa 20,000 quân vào Đô Thành, viện cớ bảo vệ kiều dân Pháp, nhưng dụng ý là yểm trợ cho Bình Xuyên. Hàng trăm xe tăng Pháp chặn các ngã đường không cho Quân Đội di chuyển tới vùng chiếm đóng của quân Bình Xuyên.

Để tạo cho tình thế thêm căng thẳng, sau đêm tấn công, các bót công an Bình Xuyên trong vùng Sài Gòn rút bớt quân số về khu căn cứ địa Bình Xuyên bên Chánh Hưng để chuẩn bị chống Chính phủ một cách quy mô.

Ngày 31/3/1955 dưới áp lực của Tòa Đại Sứ Mỹ, Đại Sứ L. Collins và Tướng P. Elly của Pháp cuộc hưu chiến 48 giờ rồi triển hạn thêm 7 ngày, rồi 15 ngày để hai phe đối nghịch tìm giải pháp chính trị và bảo vệ kiều dân của họ.

 

 

 Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower và Ngoại Trưởng John Foster Dulles (left)
tiếp đón Tổng thống Ngô Đình Diệm tại Washington National Airport. 08/05/1957

 

Trong ngày này 5,000 tay súng của Trung tướng Nguyễn Thành Phương, Tổng chỉ huy lực lượng quân đội Cao Đài, được sát nhập vào QĐQG trong một buổi lễ tổ chức long trọng tại dinh Độc Lập. Ngoài việc vận động riêng với Cao Đài, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã chiêu phục được một thành phần Hòa Hảo của Trung tá Huê và Thiếu tá Tư Đây chỉ huy do sự khuyến khích của sứ quán Mỹ và như thế là tách rời liên hệ giữa Cao Đài với Bình Xuyên và Hòa Hảo.

Trong thời gian này hoạt động của các phe phái rất nhộn nhịp: Sứ quán Pháp, Mỹ, phe giáo phái, phe Quốc Gia, phe Bảo Đại, phe Ngô Đình Diệm...

Ngày 2/4/1955 Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên đài phát thanh SG hiệu triệu đồng bào, lên án hành động của Bình Xuyên. nhưng không đả động tới các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia, cốt ý để sau này dễ dàng tiêu diệt Bình Xuyên mà không va chạm đến giáo phái.

Ngày 3/4/1955 Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia đang yếu thế, lại được Tướng Nguyễn Văn Thành vừa rời bỏ Quân đội Quốc gia sang gia nhập. Tướng Nguyễn Văn Thành trước là Trung tướng, Tổng tư lệnh Quân đội Cao Đài, vì bất hòa nên chuyển sang Quân đội Quốc gia, nhưng chưa được giao phó nhiệm vụ gì cả.

Ngày 5/4/1955 Ông Trần Văn Hương từ chức Đô Trưởng Sài Gòn để phản đối chính sách của Thủ tướng Ngô Đình Diệm. (Ông Trần Văn Hương là một nhà mô phạm đã đào tạo nhiều học trò nổi tiếng, một nhà ái quốc chân chính, đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Nhận thấy phong trào kháng chiến đã bị cộng sản thao túng, ông bỏ về quê tiếp tục dạy học. Sau Hiệp định Genève, ông được Thủ tướng Diệm mời ra giữ chức Đô Trưởng).

Ngày 6/4/1955 nhiều điện văn phía Mặt Trận Toàn Lực Quốc Gia gởi sang Pháp yêu cầu Vua Bảo Đại can thiệp. Trong khi đó điện văn của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (do Anh em ông Diệm mới lập) yêu cầu Quốc Trưởng chấm dứt tình trạng Thập Nhị Sứ Quân.

Ngày 12/4/1955 Mặt trận Toàn Lực Quốc Gia cho thành lập "Ủy Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Cách Mạng" với 3 nhân vật Trịnh Khánh Vàng, Hồ Hữu Tường và Tướng Nguyễn Văn Thành. Tại Chánh Hưng, Bình Xuyên làm lễ thượng cờ Mặt trận này như một hành động chứng tỏ quyết tâm ly khai và chống lại chính phủ.

Bình Xuyên tấn công đợt 2 vào Quân Đội Quốc Gia.

Ngày 19/4/1955 vào lúc 15.30 giờ, Bình Xuyên cho một chiếc xe Jeep mang số IC của Pháp bắn vào Bô TTM quân đội quốc gia VN ở Chợ Quán và ba trái phóng lựu vào Văn phòng Tổng Thanh Tra Quân Lực cạnh Bộ TTM (Tổng tham Mưu Trưởng là Thiếu tướng Lê Văn Tỵ. Tổng thanh tra Quân đội Quốc gia Việt Nam vào thời gian này là Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ)

Ngày 20/4/1955 Quân Bình Xuyên chạy xe Jeep và bắn vào 1 toán quân của Liên Đoàn Nhảy Dù trước trường học Tôn Thọ Tường trên đường Trần Hưng Đạo, buổi chiều quân BX lại bắn vào xe chở quân của QĐQG nhưng không gây thiệt hại.

Cuộc hưu chiến giữa Bình Xuyên và Quân Đội Quốc Gia kéo dài gần 1 tháng, quân của BX ngày càng gia tăng các vụ gây hấn và khủng bố nhắm vào quân đội QGVN. Số binh sĩ bị mất tích lên đến 30 người trong đó có 5 Sĩ Quan. Các cấp chỉ huy Bình Xuyên tin là Quân Đội phải tuân lệnh của Quốc Trưởng Bảo Đại hơn là tân Thủ tướng.

Cùng trong ngày 20/4, một toán quân Bình Xuyên lại tấn công vào tư thất của Đại tá Mai Hữu Xuân (Giám đốc nha An Ninh Quân Đội) tại phố Marcel Richard.

Ngày 24/4/1955 Thủ tướng Ngô Đình Diệm đọc diễn văn trên đài truyền thanh tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý và tổ chức bầu cử Quốc Hội trong vòng 3 hay 4 tháng.

Ngày 26/4/1955 trong lúc cuộc tranh chấp mỗi ngày thêm quyết liệt giữa chính phủ và Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia, Thủ tướng Diệm ra lệnh cất chức Tổng giám đốc Cảnh Sát và Công An quốc gia của Lai Hữu Sang (một nhân vật trọng yếu của Bình Xuyên) bằng sắc luật 239-NV và bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Ngọc Lễ thay thế. Mặt khác, Bộ trưởng Nội vụ ký nghị định bổ nhiệm Thiếu tá Nguyễn Vĩnh Đắt làm Giám Đốc Nha Công An Nam Việt thay Nguyễn Văn Tôn và dời trụ sở trụ sở Tổng nha Cảnh Sát Công An từ đường Catinat về 274 đường Trần Hưng Đạo. Các nhân viên trình diện nhiệm sở mới sau 14.30 giờ ngày 28/4/1955 sẽ bị sa thải, và có thể bị truy tố.

Nguyên tổng giám đốc Cảnh sát Công An Lai Văn Sang phản đối, viện lý do là Quốc Trưởng Bảo Đại đã bổ nhiệm ông ta ở chức vụ này, thì chỉ có Quốc trưởng mới đủ thẩm quyền thay đổi. Do đó, Lai Văn Sang dùng lực lượng công an xung phong chiếm giữ trụ sở Tổng nha Cảnh sát Công an ở Catinat.

Ngày 27/4/1955 Thủ tướng Diệm ra lệnh giải tán lực lượng Bình Xuyên và phải rút ra khỏi Sài Gòn Chợ Lớn. Thiếu tá Đỗ Cao Trí Chỉ huy Trưởng Liên Đoàn Nhảy Dù được thăng cấp Trung tá.

Ngày 28/4/55 lúc 11.45 giờ cuộc chiến bùng nổ, lực lượng Bình Xuyên do Bảy Môn chỉ huy với sự tiếp trợ của các giáo phái tấn công dữ dội vào các đồn công an quanh Sài Gòn ở gần trường Petrus Ký, khu Đại Thế Giới ở Chợ Lớn và pháo kích vào Dinh Độc Lập. Quân Bình Xuyên đã nổ súng vô cớ vào một toán binh sĩ của Quân đội Quốc gia đang di chuyển trên đường Nancy ngay trước vọng gác của họ. Một binh sĩ bị bắn chết. Trung tá Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Nhảy Dù Đỗ Cao Trí đã tình cờ chứng kiến vụ việc trên khi ông đi ngang qua đó. Ông liền gọi về trại ra lệnh cho các Tiểu Đoàn Nhảy Dù ứng chiến tập họp để cấp thời ứng phó với mọi biến cố xảy ra.

Đến xế trưa cùng ngày hôm đó, Các Đơn Vị Nhảy Dù bắt đầu mở các cuộc tổng tấn công vào vị trí đóng quân của Bình Xuyên tại Sài Gòn, Chợ Lớn. Lúc 13.00 giờ, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đã tấn công ngay vào trường Pétrus Ký để cho Bình Xuyên biết là hành động bạo lực của họ vừa rồi phải bị trừng phạt đích đáng ngay lập tức, để họ không thể lộng hành và coi thường Quân Đội Quốc Gia và sinh mạng của người Lính. Từ công trường Khải Định làm tuyến xuất phát lực lượng Nhảy Dù tấn công vào trường Pétrus Ký do một đại đội Công an xung phong chiếm đóng. Quân Bình Xuyên ẩn núp trong các khu nhà gạch của trường Pétrus Ký và trường Cán sự Công chánh chống trả quyết liệt. Nhảy Dù liên tục mở các đợt xung phong vào các vị trí cố thủ của Bình Xuyên trong suốt cả buổi chiều. Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù đã tiến sát tới căn nhà chính do nhiều công an Bình Xuyên chiếm giữ. Bên lực lượng Nhảy Dù, có các chiến xa loại nhẹ yểm trợ, 1 chiếc bị bazooka của Bình Xuyên bắn cháy.

Đến 17.00 giờ, Trung tá Đỗ Cao Trí đã điều động thêm TĐ6ND tăng cường. Lực lượng Bình Xuyên chịu không nổi đã lợi dụng bóng đêm để tháo chạy theo ngã sau đường Trần Bình Trọng về bên kia cầu chữ Y.

Sáng ngày 29-4-1955, lực lượng Nhảy Dù làm chủ tình hình khắp các mặt trận khu Chợ Lớn, chiếm các mục tiêu dài trên kinh Tàu-Hũ rồi chiếm luôn cả các căn cứ của Bình Xuyên nằm trên đường Trần Hưng Đạo (Gallieni) và dàn quân đối diện với Bình Xuyên ở Kinh Đôi. Trong trận này một sĩ quan TĐ6 Nhảy Dù, Thiếu úy Vương Xuân Sĩ bị tử thương.

Lúc 5 giờ chiều 29/4 Quân Bình Xuyên phải phá sập cầu chữ Y để ngăn chận bước tiến quân của Nhảy Dù và rút về tử thủ đại bản doanh Chánh Hưng của Bảy Viễn (các đơn vị báo cáo có 6 trực thăng Pháp tản thương cho quân Bình Xuyên.)

Sau đó, các đơn vị Nhảy Dù được tăng cường bởi các đơn vị khóa sinh của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, và các tiểu đoàn của Phân khu Sài Gòn-Chợ Lớn và Phân khu Mỹ Tho, mở các cuộc lục soát vào những vị trí đóng quân của lực lượng Bình Xuyên ở vùng Nam Kinh Đôi.

Ngày này, vua Bảo Đại ký công điện bổ nhiệm Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng thanh tra Quân đội kiêm Tham mưu trưởng Võ phòng Quốc trưởng ở Đà Lạt, giữ chức Tổng Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia (quyền cao hơn ông Diệm), có quyền sử dụng mọi phương tiện để giải quyết tranh chấp giữa các giáo phái với ông Diệm và đưa Tướng Nguyễn Văn Hinh (thân Pháp, chống ông Diệm) trở về nước. Đồng thời yêu cầu ông Diệm cùng Tướng Lê Văn Tỵ qua Pháp trình bày tình hình và dự hội nghị tại Cannes (tức là "điệu hổ ly sơn" để dễ cất chức ông Diệm).

Giữa lúc tiếng súng vẫn còn nổ vang ở khu Trường Pétrus Ký, khu đường Trần Hưng Đạo, khu Bàn Cờ, Cầu Ông Lãnh, v.v. Dư luận chính giới tỏ ý xôn xao. Thủ tướng Ngô Đình Diệm triệu tập phiên họp bất thường và quyết định: Giữa tình thế này, Thủ tướng và Tổng Tham Mưu Trưởng không thể rời khỏi nước nhà được. Việc bổ nhậm Tướng Nguyễn Văn Vỹ giữ chức Tổng tư lệnh Quân đội chỉ làm tình thế rối ren, các Tướng Nguyễn Thành Phương (Cao Đài), Nguyễn Giác Ngộ (Hòa Hảo) và Trịnh Minh Thế (Cao Đài Liên Minh) cùng ký tên trên 1 bản tuyên cáo chung, phản đối việc Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm chức vụ Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia.

* Việc Trung tướng Nguyễn Văn Hinh bí mật trở về Việt Nam: Theo lời kể của Tướng Trần Văn Đôn, khi Quốc trưởng Bảo Đại cử ông Nguyễn Văn Hinh, nguyên là Trung tướng Tổng tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia VN, kín đáo về Việt Nam hoạt động để nắm Quân đội. Tướng Hinh qua Pháp ngày 20/11/1954 theo lệnh của Quốc trưởng, ông bị giải nhiệm chức vụ Tổng tham mưu trưởng vào ngày 29/11/1954. Từ Pháp, ông Hinh bay qua Nam Vang rồi về miền Tây Nam phần VN, móc nối với một số sĩ quan và liên lạc với tướng Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt). Tướng Nguyễn Văn Hinh cũng móc nối với Đại tá Dương Văn Đức, thời gian đó là chỉ huy trưởng Khu chiến miền Tây (gồm 3 phân khu: Vĩnh Long, Cần Thơ và Sóc Trăng, lãnh thổ mỗi phân khu có từ 3 đến 4 tỉnh) nhưng ông Đức không theo và về trình lại với Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Thất bại khi trở lại VN, ông Nguyễn Văn Hinh bay về Pháp và tiếp tục phục vụ trong Quân đội Pháp.)

Tối 29-4-1955, Tướng Nguyễn Văn Vỹ cùng với Đại tá Nguyễn Tuyên, chỉ huy trưởng lực lượng Ngự lâm quân trực thuộc Võ phòng Quốc trưởng, đã đưa hai tiểu đoàn Ngự Lâm Quân từ Đà Lạt xuống Sài Gòn chiếm Bộ Tổng Tham Mưu, Nha Bưu Điện, Ngân Hàng Quốc Gia, Đài Phát Thanh Quân Đội, và bao vây quanh Dinh Thủ tướng. Sáng hôm sau, Tướng Vỹ bắt Tướng Lê Văn Tỵ, Đại tá Trần Văn Đôn, Đại tá Nguyễn Văn Minh và một số sĩ quan cao cấp khác, buộc họ vào dinh Độc Lập để bàn giao chức vụ do Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm và yêu cầu ông Diệm từ chức.

 

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ

 

Khi đó, ông Nhị Lang đến Dinh, thấy có mặt Tướng Vỹ, ông đã hội ý với Tướng Trình Minh Thế, Tướng Nguyễn Giác Ngộ và Tướng Nguyễn Thành Phương, rồi lặng lẽ tiến ra hành lang phía sau tới phòng Tướng Vỹ đang ngồi, dùng súng uy hiếp Tướng Vỹ giữa lúc 2 Tiểu Đoàn Ngự Lâm Quân đang bao vây quanh Dinh. Bị áp lực Tướng Vỹ phải ký giấy quy phục ông Ngô Đình Diệm. Sau đó bỏ lên Đà Lạt rồi qua Pháp.

Ngày 30/4/1955 Thủ tướng Diệm triệu tập một phiên họp khoáng đại gồm 200 đại biểu của 18 đoàn thể như Mặt Trận Quốc Gia kháng chiến Việt Nam (Nhị Lang), Việt Nam Dân xã Đảng (Nguyễn Bảo Toàn), Việt Nam Phục Quốc Hội (Hồ Hán Sơn)... và thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia (HĐNDCMQG) với một Ban Chấp Hành gồm 33 nhân vật đòi hỏi:

1- Truất phế tức khắc Bảo Đại.

2- Giải tán chánh phủ Ngô Đình Diệm.

3- Ủy nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thành lập một chính phủ mới nhằm tảo trừ phiến loạn Bình Xuyên, thu hồi độc lập hoàn toàn. Yêu cầu quân viễn chinh Pháp triệt thoái khỏi VN. Và tổ chức bầu cử Quốc Hội.

Trong khi đó, Bộ TTM cũng điều động khoảng 1300 quân của Trung Đoàn 60 thuộc lực lượng của Thiếu tướng Trịnh Minh Thế (sát nhập vào Quân đội Quốc gia VN vào ngày 13/2/1955), từ Tây Ninh về đóng tại Khánh Hội, dọc theo con lộ liên thông từ Khánh Hội tới Nhà Bè và đến các địa điểm trên yêu cầu 2 Tiểu Đoàn Ngự Lâm Quân triệt thoái. Đến 12 giờ, lực lượng Ngự Lâm Quân rút lui.

Trong ngày 30 tháng 4 Lực lương Nhảy Dù và Bình Xuyên đã dàn trận đối diện dọc kinh Đôi. Bên kia cầu chữ Y, mặc dù đã được người Pháp ngấm ngầm hỗ trợ nhưng Bình Xuyên không thể nào là địch thủ của những Tiểu Đoàn Nhảy Dù thiện chiến.

Liên Đoàn Nhảy Dù gồm 4 Tiểu Đoàn chia thành 2 ngả vượt sông Bến Nghé tấn chiếm Tổng Hành Dinh của Bảy Viễn ở Chánh Hưng: Cánh thứ nhất (TĐ1ND do Đại úy Vũ Quang Tài chỉ huy) dùng hỏa lực yểm trợ để vượt thẳng qua cầu chữ Y tấn công trực diện vào bản doanh của Bình Xuyên dưới chân cầu.. Cánh thứ hai (TĐ5ND do Trung úy Nguyễn Văn Viên chỉ huy) xuất phát từ phía Tây Nam Đô Thành băng qua cánh đồng trống phối hợp với cánh quân kia tấn công cả hai mặt vào Tổng Hành Dinh của Bảy Viễn.

Tới ngày 2-5-1955, lực lượng Quân Đội Quốc Gia bắt đầu bắn đại bác vào mục tiêu, các đơn vị Nhảy Dù tiếp sau đó đã tiến chiếm mục tiêu một cách dễ dàng. Quân của Bình Xuyên chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy về Tân Thuận.

Tướng Trình Minh Thế tử thương:

Tin tình báo ghi nhận rằng lực lượng Bình Xuyên mất tinh thần. Các cấp chỉ huy đều tìm đường lánh nạn. Binh sĩ chỉ còn chờ cuộc tổng tấn công để rút lui hoặc đầu hàng. Tất cả đều sống trong cảnh phập phồng lo sợ, không biết sống chết lúc nào.

Ngày 3/5/1955, tai mặt trận Tân Thuän, lúc 14.00 giờ lực lượng Bình Xuyên đã giao tranh dữ dội với lực lượng của Tướng Trình Minh Thế. Lúc 19.00 giờ, nhiều đợt xung phong của quân Bình Xuyên qua cầu đều bị chặn lại. Nguy hiểm nhất là các giang đỉnh đã xả súng đại liên lên cầu, rồi súng cối của Bảy Môn nhắm vào đội hình của Tướng Thế mà nã đạn bừa bãi. Tướng Trình Minh Thế đang chỉ huy và theo dõi các đơn vị của mình (quân đội Cao Đài) phối hợp với quân đội chính phủ phản công lại lực lượng Bình Xuyên ở khu cầu Tân Thuận, Tướng Thế đứng trên một xe jeep tại dốc cầu, phía bên Sài Gòn. Giữa tiếng nổ của nhiều loại súng cách xa nơi ông đứng khoảng hơn 100m, có một viên đạn không rõ ai bắn, đã trúng ngay đầu ông, viên đạn xuyên từ phía tai mặt qua mắt trái làm ông ngã gục chết tại chỗ.


Tướng Trình Minh Thế

Trình Minh Thế sinh năm 1922 tại làng Trà Cau, quận Gò Dầu tỉnh Tây Ninh trong một gia đình theo đạo Cao Đài, cha ông là Trình Thành Quới, một chức sắc Cao Đài, đồng thời là một thương gia phát đạt. Gia đình họ Trịnh chuyển từ Bình Định vào miền Nam từ đầu thế kỷ 19 và đổi họ từ Trịnh sang Trình, theo gia đình ông là để tránh sự tầm thù của nhà Nguyễn vì tổ phụ 4 đời họ Trịnh có dính líu ít nhiều đến cuộc khởi nghĩa của quân Tây Sơn.

Ông tốt nghiệp tiểu học (Certificate of Primary Education), nhưng sau bị đuổi học vì tội ngang ngạnh, bướng bỉnh. Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Nhật tiến vào Đông Dương. Phản ứng trước tình hình phong trào chống Pháp càng ngày càng gia tăng, toàn quyền Đông Dương là Đô đốc Decoux cho đóng cửa một số nơi thờ tự của Cao Đài, rồi tới ngày 26 tháng 8 năm 1940 cho đóng cửa Tòa thánh Tây Ninh. Tới ngày 27 tháng 7 năm 1941, nhiều lãnh đạo của Cao Đài, kể cả Hộ Pháp Phạm Công Tắc bị bắt giữ.

Để giành được sự ủng hộ của các tổ chức Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia, Nhật tiến hành bắt liên lạc và hỗ trợ cho họ, trong đó có Cao Đài. Tới tháng 2 năm 1943, Nhật giúp vị Phối Sư Cao Đài là Trần Quang Vinh mở lại thánh thất Cao Đài tại Sài Gòn. Để đáp lại, Cao Đài hợp tác tích cực với Nhật, Phối Sư Trần Quang Vinh kêu gọi 10,000 giáo dân Cao Đài xung phong làm việc cho Nhật, nhất là tại xưởng đóng tàu Nitinan. Số người này sau giờ làm việc được huấn luyện quân sự. Nhờ vậy mà Trình Minh Thế được huấn luyện quân sự trong một trường sĩ quan của Hiến binh Nhật (Kempetai), khi Nhật bắt đầu sử dụng lực lượng vũ trang Cao Đài. Tới năm 1945, ông trở thành một sĩ quan của lực lượng quân sự Cao Đài.

Được sự bảo trợ của Nhật, Phối Sư Trần Quang Vinh tổ chức lực lượng vũ trang gồm 3,000 người. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Thủ lãnh quân sự của Cao Đài là Trần Văn Thành tuyên bố Hoàng thân Cường Để chỉ thị thành lập lực lượng vũ trang Cao Đài, mặc đồng phục trắng, đội mũ bê-rê, liên minh với Nhật Bản để chống Pháp. Trong thời kỳ này Trình Minh Thế đã gia nhập lực lượng vũ trang Cao Đài và tích cực hợp tác với Nhật.

 



Tổng thống Ngô Đình Diệm gắn cấp Thiếu tướng
cho Trình Minh Thế ngày 13/2/1955

Tháng 1 năm 1948, Trình Minh Thế ly khai lần thứ nhất, nhưng rồi quay lại chỉ sau 48 giờ. Ông bắt đầu thành lập đội quân xung kích Hắc Y, mặc quần áo bà ba đen, sau trở thành đồng phục cho tất cả dân quân Liên Minh. Bộ quần áo bà ba đen mà sau này khi quân Liên Minh tan rã lực lượng Việt Cộng đã thuổng. Đầu năm 1949, Trình Minh Thế đưa lực lượng của mình từ các tỉnh miền Đông về Tây Ninh để ủng hộ Phạm Công Tắc, rồi sau đó được phong cấp Thiếu tá.

Tháng 6 năm 1951, Trình Minh Thế chính thức rời khỏi hàng ngũ giáo phẩm Cao Đài với chừng 2,000 người của mình và thành lập lực lượng riêng lấy tên là Liên Minh, chủ trương chống cả Việt Minh và Pháp. Cha và Anh của ông cũng thành lập lực lượng vũ trang trong Liên Minh, về sau hai người này bị giết khi đụng độ với lực lượng Việt Minh. Tuy nhiên, cũng có tin cho rằng ông Trình Thành Quới chết vì trúng mìn do chính lực lượng Liên Minh đặt phòng vệ quanh doanh trại. Lực lượng của Trình Minh Thế đã thực hiện các vụ đánh bom tại Sài Gòn từ năm 1951 tới năm 1953, và có lẽ cũng phải chịu trách nhiệm cho vụ ám sát Tướng Chanson tại Sa Đéc năm 1951.

Tháng 8 năm 1953, quân Pháp mở cuộc tấn công vào căn cứ của Trình Minh Thế, sử dụng một tiểu đoàn sơn cước tinh nhuệ. Quân Liên Minh phải tránh vào các hang động ở núi Bà Đen. Về sau Trình Minh Thế phải dời sở chỉ huy về núi Heo. Tới năm 1954, Liên Minh đã mở rộng địa bàn hoạt động về phía Tây-Nam, tới tận sông Cửu Long. Lực lượng của họ được chia làm nhiều tiểu đoàn, quân số vào khoảng 2,500 người.

Đầu năm 1954, khi nội bộ Cao Đài còn đang ngấm ngầm tranh giành ảnh hưởng, thế lực với nhau, thì Pháp thua trận Điện Biên Phủ. Chính phủ Mỹ không muốn Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, nên quyết định can thiệp, hỗ trợ lực lượng thứ ba. Cố vấn quân sự Mỹ là Edward Lansdale, người chịu trách nhiệm liên lạc với chính phủ Ngô Đình Diệm, đã đàm phán với Trình Minh Thế về việc sử dụng lực lượng vũ trang của ông ta để hỗ trợ cho Thủ tướng Diệm và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Ông Ngô Đình Nhu đã liên lạc và nhờ ông Huỳnh Hữu Nghĩa một tín đồ Cao Đài, là cố vấn chính trị của Tướng Trình Minh Thế. Ông Nghĩa đã giúp ông Nhu chinh phục được Tướng Thế (chứ không phải như có người Mỹ cho rằng ông Nhu có được ông Thế là nhờ Đại tá Edward Lansdale. Ông Lansdale có can thiệp để quân của Tướng Thế được hợp thức hóa và trả lương như Quân Đội Quốc Gia thì đúng. Người nào bảo Lansdale dùng tiền mua Tướng Thế là cố tình xuyên tạc để hạ uy tín của một vị tướng kiên cường anh dũng, thanh liêm mà anh em ông Diệm rất quý trọng. Khi nghe tin Tướng Thế tử trận Tổng thống Diệm đã ngất xỉu - Điều này Tướng Lansdale có ghi trong hồi ký). Chính phủ Ngô Đình Diệm dành ra 5 triệu đồng (piastre) cho Liên Minh, để thu xếp định cư cho 10,000 người tỵ nạn ở khu vực Tây Ninh, nhưng thực tế một phần số tiền này được sử dụng để chi tiêu cho Liên Minh.

Thông qua Lansdale, Mỹ tiếp tục tài trợ cho Trình Minh Thế và các nhóm Cao Đài khác. Tuy nhiên, do chính phủ Nam Việt Nam còn yếu ớt, nên nhiều chỉ huy các phe nhóm vũ trang tuyên bố chống lại chính phủ của Ngô Đình Diệm và tổ chức đảo chính. Một số người cho rằng Thế có thể là một lựa chọn khả dĩ của người Mỹ để thay thế Diệm. Tuy nhiên khi lực lượng Liên Minh tiến vào Sài Gòn, thì có lẽ đó là do lời kêu gọi vào phút cuối cùng của Lansdale ủng hộ Tổng thống Diệm.

Tháng 9 năm 1954, Lansdale phát hiện ra Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Sài Gòn, đang tiến hành âm mưu lật đổ Diệm. Cùng lúc, quân Pháp phong tỏa các lực lượng Cao Đài định tiến vào Sài Gòn giải nguy cho Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chính bị thất bại khi Lansdale mua chuộc được các sĩ quan cấp dưới của Tướng Hinh đi nghỉ mát, thiếu những thuộc hạ cốt cán này, cuộc đảo chính không thể tiến hành được.

Ngày 13/2/1955, quân lính của Trình Minh Thế chính thức được sát nhập vào Quân Đội Quốc Gia, còn Trình Minh Thế nhận cấp bậc Thiếu tướng, dẫn quân Liên Minh diễn hành vào Sài Gòn. Trình Minh Thế điều động 15,000 quân Cao Đài về Tòa Thánh Tây Ninh như lực lượng dự bị, còn mình dẫn phần lớn lực lượng gồm 2,500 người về gia nhập Quân Đội Quốc Gia như thỏa thuận với Ngô Đình Diệm.

Cái chết chẳng ai ngờ của Tướng Trình Minh Thế vừa làm đau lòng, lẫn đau đầu cho người sống. Kẻ nổ phát súng ấy là ai? Và tại sao? Từ năm 1955 cho đến nay 2010, đã có nhiều bài viết (kể cả sách) đưa ra các câu trả lời khác nhau về "thủ phạm" bắn Tướng Trình Minh Thế, nhưng hầu hết đều dựa trên sự suy luận mà không đưa ra được một chứng tích nào về văn bản, chứng từ, hoặc chứng nhân, v.v. Có tin cho rằng chế độ Ngô Đình Diệm muốn củng cố quyền lực nên ông Ngô Đình Nhu ra lệnh cho Thiếu tá Cao Đài là Tạ Thành Long ám sát Tướng Trình Minh Thế để khỏi trở thành một thế lực đối lập về sau...

Mới đây, có một người tự nhận mình là kẻ tổ chức ám sát Tướng Trịnh Minh Thế. Ông ta đã từng lập một lời thề, sẽ giết Tướng TMT để trả thù cho một vị chỉ huy mà ông ta kính trọng đã bị Tướng TMT tổ chức giết chết. Ông này cũng chẳng trưng ra được chứng tích nào, nhưng lời ông kể nghe cũng có lý hơn các câu trả lời khác.

..."Năm 1951, Thiếu tá
Antoine Savani là Trưởng Phòng Nhì, trưởng lưới an ninh mật thám của Phủ Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương (Việt-Miên-Lào). Ông này rất kính trọng Thiếu tướng Charles Chanson (1902-1951) nguyên Tư Lệnh quân đội Pháp tại Nam Việt. Ngày 13-7-1951, Thủ Hiến Nam Việt là ông Thái Lập Thành (1896-1951) cùng với Thiếu tướng Charles Chanson đến thị xã Sa Đéc dự lễ diễn binh mừng các chiến thắng vùng Tiền Giang. Hai ông xuống xe đứng chào cờ trước khán đài chính. Bỗng một bóng người mặc quân phục vạch đám đông dự lễ chạy thật nhanh đến chỗ chào cờ, vừa chạy vừa đưa tay vào túi áo (rút chốt quả lựu đạn). Lúc đến trước mặt hai vị quan khách chính, người này đứng nghiêm và đưa tay lên chào cũng là lúc quả lựu đạn phát nổ. Sự việc xảy ra quá nhanh, không ai kịp có một phản ứng nào cả. Người mang lựu đạn bị xé làm hai, nằm bên cạnh hai xác người đang thoi thóp là các ông Thái lập Thành và Tướng Charles Chanson. Gần đó hai sĩ quan Pháp cũng bị thương nặng. Những người bị thương được đưa vào một quân y viện gần đó, nhưng vài giờ sau hai ông Thái lập Thành và Tướng Charles Chanson đã tắt thở.

Thiếu tá Antoine Savani gần như nổi điên vì cuộc ám sát vừa kể. Qua điều tra, được biết kẻ ám sát là một thanh niên tên Phạm văn Út (1925-1951) là con nuôi của Đại tá Văn Thành Cao, Tư Lệnh quân đội Cao Đài vùng Đồng Tháp Mười. Ngoài ra, còn có tin báo cho phòng nhì Pháp biết: Đại tá Trình minh Thế ở Chiến Khu Lò Gò (dưới chân núi Bà Đen, Tây Ninh) cho tổ chức trọng thể lễ truy điệu và tôn vinh anh Phạm văn Út như một anh hùng kháng chiến của quân đội Cao Đài. Qua các nguồn tin thu nhận được, Thiếu tá Antoine Savani cho rằng thủ phạm là ông Trình minh Thế và thề sẽ giết ông này bằng mọi giá.


Khoảng năm 1994, gần 40 năm sau ngày Tướng Trình minh Thế bị ám sát (1955), ông Antoine Savani đã về hưu từ lâu với cấp Đại tá và cũng đã già. Lúc gần chết vì bệnh tim, ông ta trăn trối những lời sau cùng về cái chết của Tướng Trình Minh Thế. Những lời kể của ông Antoine Savani được ghi lại trong cuốn "Le Mal Jaune" của ông Jean Lartéguy, bản tiếng Anh là "Yellow Fever". ...Chính tôi đã giết Trình minh Thế. Dù không tự tay cầm súng nhưng tôi là người tổ chức tất cả. Thế bị giết bởi một viên đạn do người thân tín của tôi nấp từ phía sau bắn tới, không phải từ dưới tàu bắn lên. Người bắn chẳng có tên tuổi gì, nói đúng ra chỉ biết là cấp Trung úy. Sở dĩ tôi phải giết Thế là để báo thù cho Tướng Chanson mà tôi đã từng thề. Trong tất cả các thủ lãnh quân sự ở trong Nam thì Thế là người nguy hiểm nhất, có nhiều tham vọng nhất, và cũng là người khôn ngoan nhất. Lansdale quả có mắt tinh đời khi chọn Thế...

Bình Xuyên rút về Rừng Sác:

Sau 5 ngày giao tranh, lực lượng Bình Xuyên yếu thế, gom góp tàn quân khoảng 1500 người rút về cố thủ ở khu rừng Sác. tại đây họ có tích trữ quân lương một phần nhờ tàu Pháp tiếp tế thêm cho họ, tất cả khí giới tối tân của Bình Xuyên quanh vòng đai Sài Gòn được Trung tá Bình Xuyên Tư Đen tháo gỡ đem xuống Rừng Sác, rồi thay vào đó một số súng cũ, nhằm mục đích kéo dài sự kháng chiến. Lực lượng Bình Xuyên đã rút theo đường thủy bằng 3 tàu LCVP, 4 tàu hạng trung, 15 tàu nhỏ dòng theo 30 ghe chài, đi từ rừng Phước Long dài theo Mương Chuối, ra sông Soài Rạp, đến cù lao An Thái, rồi từ đó đến Rừng Sác.

Rút quân vào rừng Sác là một sai lầm chiến thuật nghiêm trọng của Bình Xuyên. Vì địa thế ẩm thấp, nước uống khó khăn cho mấy ngàn binh sĩ. Súng cối của quân Chính Phủ nã vào, không có công sự phòng thủ nên bị thiệt hại nhiều.

Tổng kết cuộc hành quân tiểu trừ quân Bình Xuyên tại Đô Thành tính đến ngày 10/5/1955 phía BX có khoảng 100 người chết, 650 người quy hàng với đầy đủ vũ khí. Một phần lớn bỏ trốn. Phía thường dân được chính phủ công bố sự thiệt hại như sau: 7,826 căn nhà bị cháy hay bị hư hại nhiều nhất ở vùng Nancy Chợ Quán, 88 người chết, 592 bị thương.

Sau khi đánh đuổi quân phiến loạn Bình Xuyên khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn, các sĩ quan sau đây thuộc Liên Đoàn Nhảy Dù đã được thăng cấp: Thiếu tá Ðỗ Cao Trí lên Trung tá, các Ðại úy Nguyễn Chánh Thi, Vũ Quang Tài lên Thiếu tá. Trung úy Nguyễn Văn Viên, Trung úy Ðỗ Kế Giai lên Ðại úy thực thụ và Ðại úy nhiệm chức Phan Trọng Chinh cũng được điều chỉnh Ðại úy thực thụ cùng ngày. Sau đó Ðại úy Nguyễn Văn Viên trao quyền chỉ huy TÐ5ND cho Thiếu tá Nguyễn Chánh Thi. Ðại úy Nguyễn Văn Viên về chỉ huy TÐ6ND thay Đại úy Thạch Con đã bỏ ngũ sang Kampuchea.

Ngày 4/5/1955 Thủ tướng Diệm ban hành Dụ số 30 tịch thu toàn bộ tài sản của quân phiến loạn và đặt quân Bình Xuyên ra ngoài vòng Pháp luật. Sau đó, các cuộc biểu tình liên tục xảy ra trong 2 tháng 5 và 6/1955 do Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia tổ chức đòi hỏi hạ bệ ngay tức thời vua Bảo Đại làm cho Tòa Đại Sứ Mỹ nghi ngờ có sự nhúng tay của ông Ngô Đình Nhu ngoài sau, nên đã can thiệp đòi ngưng viện trợ và không công nhận chính phủ Ngô Đình Diệm.

Ngày 12/5/1955 Ông Ngô Đình Diệm ký nghị định giải nhiệm Tướng Nguyễn Văn Vỹ khỏi chức vụ Tổng Thanh Tra Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, và ngày 21/5. Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ, Đại tá Nguyễn Tuyên (chỉ huy trưởng Ngự Lâm Quân) bị truy tố trước Tòa án quân sự về tội phá hoại an ninh và phản bội Quốc gia. Trước khi bị truy tố, Tướng Vỹ và Đại tá Tuyên đã sang Pháp vào thượng tuần tháng 5/1955.

Ngày 13/5/1955 Bộ Tổng Tham Mưu tổ chức lễ sát nhập Lực lượng Ngự Lâm Quân vào Quân Đội Quốc Gia - Việt Nam.

Ngày 19/5/1955 Lực lượng QGVN-Pháp tại Bắc Việt hoàn tất triệt thoái khỏi Hải Phòng. VM hoàn tất cuộc triệt thoái tại miền Trung đợt 3.

Sau khi ngưng chiến, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp quyền chỉ huy và lãnh thổ từ lực lượng của người Pháp kế tiếp là giai đoạn củng cố và xây dựng các binh đoàn chủ lực để phòng thủ và bảo vệ lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam.

 

 

 

Quốc và Quân Kỳ SĐND

 

 

TĐ5ND diễn hành ngày June 12 1954 tại Hà Nội

 

 

Người lính Việt Nam Cộng Hòa luôn giữ gìn và bảo vệ
an nguy cho đồng bào và Tổ Quốc Việt Nam như giữ gìn
ngọn lửa thiêng trong lòng dân tộc.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến Sử Việt Nam, Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại của Vương Hồng Anh đăng tải trên Việt Báo
2. Hồi ký Đôi Dòng Ghi Nhớ của Phạm Bá Hoa, nxb Ngày Nay năm 2007
3. Hồi ký Quân Sử Nghĩa Quân Cách mạng của Trần Thị Hoa tự Phấn Giáo Hội PGHH Hải ngoại xuất bản 2002
4. Bảy Viễn-Thủ lĩnh Bình Xuyên của Nguyên Hùng nxb Văn Học 1985
5. Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng của Chính Đạo nxb Văn Hóa 2004

6. Những Sự thật chiến tranh Việt Nam 1954 – 1975 của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Đại tá Lê Bá Khiếu và Tiến sĩ Nguyễn Văn, Tác giả xuất bản

7. Những cái chết bí ẩn của Tướng lãnh VNCH của BĐQ Đỗ Như Quyên trong Đặc San Biệt Động Quân số 29
8. Ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền như thế nào? của Nguyễn Gia Kiểng
9. Anh hùng kiệt hiệt - Đại úy Nguyễn văn Viên và Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù của Mũ Đỏ Phạm Huy Sảnh
10. Và các cuộc phỏng vấn các chiến hữu Nhảy Dù.

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

Trích và cập nhật từ quyển “20 Năm Chiến Sự” - Binh chủng Nhảy Dù
Tác giả:


Đại úy Võ Trung Tín Tiểu đoàn Truyền Tin SĐND – 714-856-9202
Đại úy Nguyễn Hữu Viên Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù – 714-897-1435
1246 S. Huron Dr. Santa Ana CA 92704
Email:
20namchiensu@gmail.com



Tổng Phát Hành: Mr. Hải Võ
1246 S. Huron Dr. Santa Ana CA 92704
Tel: 714-856-9202. Email: 20namchiensu@gmail.com
Giá quyển sách:
$40.00USD (Ngoài Hoa Kỳ: $50.00USD)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by MĐ Võ Trung Tín chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, July 17, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang