|
Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Binh Chủng Nhảy Dù
–
20 Năm Chiến Sự
Chủ đề:
Quân Sử SĐND–QLVNCH
Các
Tác giả:
MĐ Võ Trung Tín & MĐ Nguyễn Hữu Viên
Phần
C
****** ||| ******
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tướng
Đỗ Cao Trí sinh ngày 20/11/1929 trong một gia đình đại
điền chủ, tại làng Bình Trước, Biên Hòa. Thời niên thiếu ông học
ở các trường danh tiếng theo giáo trình của Pháp: Tiểu Học Nguyễn
Du, Biên Hòa, Trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Năm 1947 ông tốt
nghiệp Trung Học Phổ Thông với văn bằng Baccalauréat Part II (Tú
Tài phần hai) tại Trường Petrus Ký–Sài Gòn.
Đỗ Cao Trí là người con thứ Tư trong
một gia đình khoa bảng, từ ông nội là Đỗ Cao Sô, một Đốc Phủ Sứ,
đến thân phụ là ông Đỗ Cao Lụa (1902–4/4/1974), một Thân Hào nhân
Sĩ của tỉnh Biên Hòa, và từng là Chủ Tịch Phong Trào Cách Mạng
Quốc Gia Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa, với mười hai anh em
(mười nam và hai nữ). Tướng Trí gia nhập quân đội vào đầu tháng 8
năm 1947 và được cử theo học khóa đào tạo sĩ quan Đỗ Hữu Vị tại
trường Sĩ Quan Nước Ngọt ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), khai
giảng tháng 8 năm 1947. Tháng 6 năm 1948, mãn khóa tốt nghiệp với
cấp bậc thiếu úy. Sau đó Ông được gởi sang Pháp học khóa Bộ Binh
tại trường Thực Tập Bộ Binh Auvours. Tháng 10 về nước, ông gia
nhập Binh Chủng Nhảy Dù và đi du học tiếp khóa căn bản Nhảy Dù
tại trường Sĩ Quan Nhảy Dù Coetquindan tại Pau ở Pháp. Tháng 2
năm 1949 mãn khóa về nước, ông phục vụ trong Đơn Vị Nhảy Dù của
Quân Đội Liên Hiệp Pháp.
Năm 1950, cùng với sự ra đời của Quân
Đội Quốc Gia Việt Nam, ÐĐ1ND Phòng vệ Bắc Việt được thành lập ở
Bắc Việt. Ông được thăng cấp trung úy chuyển sang làm Trung đội
trưởng. Đại Đội này do Đại úy Nguyễn Khánh làm Đại đội trưởng.
Tháng 5 năm 1951, khi Đại Đội Nhảy Dù này được nâng lên cấp Tiểu
Đoàn, ông là Đại đội trưởng của một trong 3 Đại Đội thuộc Tiểu
Đoàn 1 Nhảy Dù tân lập, vẫn do Đại úy Nguyễn Khánh làm Tiểu đoàn
trưởng.
Ngày
1/7/1952, chính thức chuyển sang Quân Đội Quốc Gia, ông được
thăng cấp đại úy và chuyển đi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 19
Khinh Quân tại Cà Mau.
Đầu năm 1953, ông được cử đi học lớp
Chỉ Huy Chiến Thuật tại Trung Tâm Huấn Luyện Chiến Thuật Hà Nội.
Ngày 16/6, cùng năm ông được thăng cấp thiếu tá nhiệm chức. Đầu
năm 1954, Tiểu Đoàn 19 Khinh Quân di chuyển về Chí Hòa–Sài Gòn để
bổ sung và trang bị thêm, sau đó cải biên thành TĐ6ND trực thuộc
Liên Đoàn Không Vận số 3 Nhảy Dù (Groupement Aéroportés
Parachutiste No.3) và ông trở thành vị Tiểu đoàn trưởng đầu tiên
của TĐ6ND.
Ông
là một trong những Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Quân Đội Quốc
Gia Việt Nam. Sau ngày ký Hiệp định Genève (20/7/1954), vào ngày
29 tháng 9 năm 1954, ông bàn giao Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù lại cho Đại
úy Thạch Con. Sau đó Ông được Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng
Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia đề cử giữ chức vụ Tư lệnh Liên
Đoàn Nhảy Dù đầu tiên. Lúc bấy giờ ông còn mang cấp thiếu tá mới
25 tuổi.
Sau
thời gian chuyển tiếp của giai đoạn hình thành, ngày 22 tháng 1
năm 1955, ông được thăng cấp trung tá nhiệm chức. Cuối tháng
10/1955, Quân Đội Quốc Gia cải danh thành Quân Đội Việt Nam Cộng
Hoà, Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Nhảy Dù VNCH chính thức thành lập theo
bảng cấp số của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà. Ông
là Chỉ Huy Trưởng của Liên Đoàn được lên cấp bậc trung tá thực
thụ.
Ngày
10/2/1956, Ông được thăng cấp đại tá sau chiến dịch Hoàng Diệu
hành quân phá tan cơ sở của lực lượng Bình Xuyên tại Khu Rừng Sác
vào tháng 11 năm 1955 lúc mới 26 tuổi.
Ngày 1 tháng 9 năm 1956, Ông bàn giao
Liên Đoàn Nhảy Dù lại cho Trung tá Nguyễn Chánh Thi (Phó Tư lệnh
Liên Đoàn). Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư Lệnh Đệ
Tam Quân Khu vừa mới thành lập (gồm các tỉnh Kontum, Pleiku, Phú
Yên, Bình Định), đến năm 1961, quân khu này sáp nhập với Đệ Tứ
Quân Khu để trở thành Vùng 2 Chiến Thuật.
Đầu năm 1958, ông bàn giao chức vụ Tư
lệnh Đệ Tam Quân khu lại cho Đại tá Bùi Hữu Nhơn. Sau đó ông được
cử đi du học tại Hoa Kỳ khóa Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Trường
Command and General Staff College, Forth Leavenworth–Kansas.
Trong cùng thời gian này Ông cũng tốt nghiệp luôn các khóa Dân Sự
Vụ tại Học viện Fort Gordon ở Tiểu bang Georgia, khoá Air–Ground
Operations School tại Fort Kisler, thuộc Tiểu Bang Mississippi.
Tháng 4/1959, mãn khóa về nước, ông
được cử giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng QĐI. Sau đó giữ chức vụ Tư
Lệnh Phó Quân Đoàn I do Trung tướng Trần Văn Đôn làm Tư Lệnh.
Đầu tháng 8/1961, Ông được cử chức vụ
Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa (Đồng
Đế–Nha Trang). Cuối tháng 1/1962, ông tổ chức lễ mãn khóa cho
khóa 2 Nhân Vị Sĩ Quan Đặc Biệt Hiện Dịch dưới sự Chủ toạ của
Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngày 7/7/1963, Ông được thăng cấp thiếu
tướng. Tháng 9 năm 1963, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư
Đoàn 1 Bộ Binh kiêm nhiệm xử lý thường vụ chức vụ Tư lệnh Quân
Đoàn I và bắt đầu nổi tiếng về tài điều quân khiển tướng nghiêm
minh tài giỏi. Ông vận dụng nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy một cách
tuyệt vời. Những đơn vị nào do Ông chỉ huy cũng đều có kỷ luật,
thiện chiến và lập nhiều chiến công to lớn. Quân cộng sản rất sợ
Ông. Chúng tìm cách cho tay sai len lỏi trong hàng ngũ Quốc Gia
dèm pha hạ bệ Ông, nhưng vô ích, Quân Lực chúng ta vẫn kính trọng
Ông. Ông vẫn cùng với ba quân xông pha trận mạc bảo vệ phần lãnh
thổ Quốc Gia.
Ngày 2/11/1963, sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông
được thăng trung tướng và chính thức giữ chức vụ Tư Lệnh Quân
Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật. Ông là Trung tướng trẻ nhất (34
tuổi) của QLVNCH.
Bắt đầu từ tháng 1 năm 1964 đến tháng
9/1964, ông được điều về giữ chức Tư lệnh QĐII và Vùng 2 CT.
Trong thời gian này ông đã tổ chức hành quân phá nát mật khu Đỗ
Xá của cộng sản.
Ngày 14 tháng 9 năm 1964, Tướng Đỗ Cao
Trí bị Trung tướng Nguyễn Khánh, Chủ tịch Hội Đồng Quân Đội Cách
Mạng kiêm Thủ tướng Chính Phủ, giải nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân
Đoàn II vì bị nghi ngờ có liên can đến cuộc biểu dương Lực lượng
vào ngày 13/9/1964 do Trung tướng Dương Văn Đức, Tư lệnh Quân
Đoàn IV, cầm đầu. Cùng lúc, người anh là Nha sĩ Đỗ Cao Minh và em
rể là Thiếu tướng Dương Ngọc Lắm cũng bị bắt vì cùng tham gia vào
cuộc Biểu dương Lực lượng. Qua thượng tuần tháng 8 năm 1965, ông
bị buộc phải giải ngũ (do Quyết định của Ủy ban lãnh đạo Quốc
gia). Ngày 15 tháng 5 năm 1967, ông được cử làm đại diện Việt Nam
Cộng Hòa đi làm Đại sứ tại Đại Hàn Dân Quốc.
Là Đại sứ VNCH ở Nam Triều Tiên, Ông
tình nguyện xin trở về nước sau Tết Mậu Thân. Theo đề nghị của
Thủ tướng Chính phủ VNCH lúc bấy giờ là Cụ Trần Văn Hương, ngày
5/8/1968, ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu triệu hồi về nước
và phục hồi nguyên cấp cho tái ngũ và được đề cử thay thế Trung
tướng Lê Nguyên Khang trong chức vụ Tư lệnh QĐIII kiêm Tư Lệnh
Biệt Khu Thủ Đô. (Lúc bấy giờ quân địch ở khắp mọi nơi từ thành
thị đến nông thôn. Quân chánh quy cộng sản Bắc Việt xuất hiện
ngay trong các trung tâm thành phố lớn như Sài Gòn, Chợ Lớn, Biên
Hòa, v.v. Và Quân Đội Mỹ phải rút quân từng phần theo Kế Hoạch
Việt Nam Hóa Chiến Tranh của Tổng Thống Richard Nixon vì áp lực
chống chiến tranh của dân Mỹ.)
Tướng Đỗ Cao Trí với tài thao lược xuất
chúng, chỉ trong một thời gian ngắn, vừa bình định xong lãnh thổ
đem lại an ninh ở nông thôn, vừa mở các cuộc hành quân tấn công
liên tục các Sư Đoàn CSBV: Công Trường 5, 7, 9, và các Trung Đoàn
Địa Phương VC ở các tỉnh Biên Hòa, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Tây
Ninh, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Long và Phước Long, gây cho
chúng nhiều tổn thất nặng nề buộc chúng phải rút chạy qua trú ẩn
trên lãnh thổ Campuchia.
Ông đã nâng cao khả năng chiến đấu của
các sư đoàn dưới quyền, thẳng tay thay thế các vị Tư lệnh Sư Đoàn
kém tài dù là người thân tín của Tổng Thống. Trung tướng Đỗ Cao
Trí là một tài năng kiệt xuất của Quân Lực VNCH. Thật hiếm có một
tướng lãnh nào của chúng ta vừa có mưu lược vừa có dũng khí như
Tướng Trí. Ông luôn chủ động tấn công địch quân đúng vào chỗ bất
ngờ nhất và luôn xuất hiện ở điểm nóng nhất trên chiến trường.
Nếu Pháp có De Lattre De Tassigny, Mỹ có Patton, Đức có Rommel,
thì VNCH chúng ta có Đỗ Cao Trí.
Kể từ tháng 3/1970, Ông đưa chiến tranh
ra khỏi lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật. Ngay sau đó, Ông mở cuộc
“Hành Quân Toàn Thắng 42”, phối hợp với Lực Lượng II Dã Chiến Hoa
Kỳ, lần lượt bứng tận gốc các căn cứ của Quân Cộng Bắc Việt dọc
theo bên kia biên giới Việt–Kampuchea ở khu Mỏ Vẹt và Lưỡi Câu,
đồng thời đẩy Cục “R” và các Sư Đoàn cộng sản Bắc Việt lên tận
Đông Bắc Campuchia ở Dambe và Chlong.
Thừa thắng xông lên, ngày
18/2/1971, Ông trực thăng vận Chiến Đoàn 5 BĐQ cùng Ông
xuống Chlong, đồng thời điều động Lực Lượng Xung Kích / Quân Đoàn
III (LLXKQĐIII) và Chiến Đoàn 333 BĐQ tấn công, chiếm và càn quét
Dambe, buộc quân địch phải co về thế thủ.
Trong khi tin tức chiến thắng lớn lao
của QLVNCH bay về Sài Gòn tới tấp, Tướng Đỗ Cao Trí được ca ngợi
như vị anh hùng của Quốc Gia, ông làm việc không mệt mỏi, kế
hoạch hành quân được chuẩn bị rất kỹ càng, kín đáo, (phóng đồ
hành quân do chính ông vẽ và mang tay đến tận các đơn vị trưởng
trong vùng hành quân) và linh động, cùng sự có mặt thường xuyên ở
chiến trường khích động lòng quân là những yếu tố đem lại chiến
thắng cho đơn vị thuộc quyền của ông. Tướng Trí đã dùng chiến
thuật “Diều hâu” và “Nhị thức bộ binh thiết giáp” một cách thần
kỳ nên đã gặt hái kết quả không thể ngờ được.
Không ai can đảm và xông xáo như vị
tướng ba sao này, mặc đồ rằn ri, đội mũ lưỡi trai, tay cầm cây
gậy chỉ huy, nhảy theo toán quân đổ trực thăng đầu tiên; hoặc
đứng trên pháo tháp xe tăng hô to: “Xung phong! Tiến nhanh lên
các em!” Trước ngày thực sự đổ quân qua Kampuchea, có lần khi
đang tới thị sát BCH LĐIND, Tướng Trí nghe báo cáo lính Miên đang
“Cáp Duồn” chặt đầu thả trôi sông đồng bào Việt Nam ở vùng đồn
điền Michelin bên kia biên giới. Ông vội điều động một Tiểu Đoàn
Nhảy Dù cấp tốc đổ bộ bằng trực thăng Việt Nam (vì trực thăng Mỹ
chưa có lệnh Tổng Thống Nixon nên không dám vượt biên) xuống sân
banh trong đồn điền cao su. Khi hai đại đội vừa xuống thì chiếc
trực thăng của ông cũng đáp xuống theo, ông lấy tay cầm “Can” chỉ
về phía trước hô xung phong. Khiến vị Thiếu tá Tiểu đoàn phó giật
mình vội báo cáo về xin đổ quân xuống bảo vệ an toàn cho ông.
Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù cũng cấp tốc bay đến
hiện trường. Binh sĩ thấy hai vị tướng cùng có mặt tại trận địa,
nên ai nấy đều hăng hái xung phong đánh đuổi giặc ác ôn và giải
thoát hằng ngàn đồng bào chở về bên này biên giới (sau này dân
chúng địa phương đã tạc tượng Tướng Trí tế sống ơn cứu mạng).
Nhưng mục tiêu cuối cùng và quan trọng
nhất của Ông là phá nát căn cứ địa Kratié, căn cứ chiến lược chủ
yếu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông nói nếu ta chiếm
Kratié, chúng ta sẽ cắt đứt con đường tiếp vận huyết mạch chính
từ Miền Bắc xuống tận vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông dự định
sử dụng Sư Đoàn Nhảy Dù trực thăng vận xuống Kratié, đồng thời
LLXKQĐIII sẽ tấn công từ Chlong lên phía Bắc giao tiếp với SÐND ở
Kratié. Liên Đoàn 30 Công Binh được lệnh của Ông đã đưa đơn vị
cầu cống vào Dambe chuẩn bị bắc cầu ở Chlong yểm trợ LLXKQĐIII
vượt sông.
Trong buổi lễ xuất quân đánh sang Campuchia của LĐ3KB tháng
1/1971, Tướng Trí tuyên bố là Ông sẽ sống và chết với ba quân
trên chiến trường. Ông đã giữ đúng lời hứa. Ông đã cống hiến trọn
vẹn cuộc đời mình cho Quân Đội và Tổ Quốc.
Ngày 20/2/1971, Ông
lắc đầu, có vẻ buồn rầu lo lắng vì Sư Đoàn Nhảy Dù đã được Bộ
Tổng Tham Mưu điều động ra Đông Hà (tham dự cuộc Hành Quân Lam
Sơn 719 ở Hạ Lào), làm đảo lộn kế hoạch hành quân của Ông. Mặc dù
vậy, Ông không bỏ ý định đánh Kratié. Ông ra lệnh cho BTL Quân
Ðoàn sắp xếp và điều động 1 trong 3 Sư Đoàn của Quân Đoàn III để
thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù trong giai đoạn tấn công tới này.
Sáng ngày 23/2/1971,
như thường lệ, Ông lên trực thăng chỉ huy bay sang Campuchia.
Trực thăng vừa cất cánh bay lên hướng Bắc được vài phút thì phát
nổ. Tất cả đều tử vong. Ngoài đoàn tùy tùng gồm có Trung tá
Châu–Truyền Tin, Trung tá Sỹ–Trung Tâm Hành Quân QĐIII, Đại úy
Tuấn–sĩ quan Tùy Viên, còn có nhà báo Mỹ gốc Pháp nổi tiếng
Francois Sully và Đại úy Thành–Pilot.
Tin Đại tướng Đỗ Cao Trí tử trận làm
xúc động dư luận trong nước và thế giới. Báo Times và Newsweek
loan tin ca ngợi tài năng và lòng dũng cảm của Ông. TT Nguyễn Văn
Thiệu truy thăng Ông lên cấp đại tướng. Đại tướng Creighton
Abrams nghiêng mình trước linh cửu Ông.
Trong
quân đội, Trung tướng Đỗ Cao Trí thuộc lớp tướng lãnh đàn anh của
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên.
Ông được đánh giá là vị tướng lãnh có tầm nhìn chiến lược sắc
bén, có tài cầm quân, có mưu lược, có dũng khí, có khả năng kích
thích tinh thần chiến đấu của binh sĩ và không có tham vọng chính
trị. Tướng William Westmoreland đã nhận định: “Tướng Trí là một
con cọp của chiến trường, một Tướng George Patton (Tướng thiết
giáp lừng danh Mỹ) của Việt Nam.”
Tài liệu Tham khảo:
–Bách khoa toàn thư
Wikipedia.org.
–Trung tướng Ðỗ Cao Trí Và Lực Lượng
Quân Ðoàn 3 Tại Cam Bốt của Vương Hồng Anh.
–Hồi ký Đôi Dòng Ghi Nhớ của Phạm Bá
Hoa nxb Ngày Nay, ấn bản 2007.
–Hai Danh Tướng Đỗ Cao Trí và Nguyễn
Viết Thanh của David Fulghum, chuyển ngữ: Trương Dưỡng trên trang
nhà http://www.generalhieu.com.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
01
****** ||| ******
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tướng
Nguyễn Chánh Thi sinh ngày 23/2/1923 tại làng
Dương Nỗ, Phú Vang Tỉnh Thừa Thiên–Huế, cha ông là Nguyễn Chánh
Tâm, một Công chức Triều Nguyễn đã từng tham gia Đệ Nhất Thế
Chiến trong quân đội Liên Hiệp Pháp. Ông tốt nghiệp Trung Học tại
Huế với bằng Thành Chung. Theo truyền thống thân Phụ, Ông gia
nhập vào quân đội Liên Hiệp Pháp năm 1941, khi mới 17 tuổi.
Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo
chính Pháp, Ông bị Nhật Bản bắt làm tù binh trong nhiều tháng.
Đến tháng 8, lợi dụng lúc Việt Minh cướp chính quyền, và nhờ Quân
Đội Đồng Minh, trong một cuộc oanh kích, ông mới trốn thoát được.
Sau khi quân đội Nhật đầu hàng, chiến tranh chấm dứt, ông bị CS
bắt giam 3 tháng tại quận Ba Tơ–Quảng Ngãi. Sau đó, ông trở lại
quân đội năm 1947.
Năm 1949, ông được đề cử theo học khóa
Sĩ Quan ở Trường Võ Bị Nam Việt tại Vũng Tàu (Cap Saint–Jacques)
nhằm bổ sung các sĩ quan người Việt cho Quân đội Liên Hiệp Pháp.
Sau 8 tháng thụ huấn, Ông tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy
(Sous–Lieutenant). Khóa này gồm 124 khóa sinh, có 21 người trúng
tuyển, Thiếu úy Cao Văn Viên đỗ đầu. Các tân sĩ quan ra trường
đều được thuyên chuyển đến các đơn vị mới, còn những Sinh Viên Sĩ
Quan (élève–officiers) khác mỗi người được thăng một cấp và trả
về đơn vị cũ. Thiếu úy Thi được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 6 Nhảy
Dù (BCP) tại Hà Nội, giữ chức vụ Trung đội trưởng và tham dự hầu
hết các chiến trận chống lại Việt Minh cộng sản tại Bắc Việt.
Tháng 6 năm 1951, ông chuyển ngạch được giữ chức vụ Đại đội
trưởng của Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù Việt Nam. Đầu năm 1952, ông được
thăng cấp trung úy. Ngày 22 tháng 3 năm 1954, ông được điều về
Lực lượng Ngự Lâm Quân của Quốc Trưởng Bảo Đại, giữ chức vụ Đại
đội trưởng thuộc Tiểu Đoàn 2 Ngự Lâm Quân ở Đà Lạt. Tháng 6 cùng
năm, ông được thăng cấp đại úy và được cử giữ chức vụ Tiểu đoàn
trưởng Tiểu Đoàn 1 Ngự Lâm Quân. Sau đó, ông được đề cử đi học
khóa Trung đoàn trưởng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quân Sự Hà Nội.
Khi ông Ngô Đình Diệm về nước nắm quyền Thủ tướng Quốc gia
Việt Nam, ông thuộc nhóm sĩ quan ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Ngày 22 tháng 4 năm 1955, ông được Thiếu tướng Lê Văn Tỵ, Tổng
Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, điều về làm Tiểu đoàn
trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, sau khi bàn giao Tiểu Đoàn 1 Ngự Lâm
Quân lại cho Đại úy Lý Trọng Mỹ.
Tháng 8/1955, ông được
thăng cấp thiếu tá, bàn giao Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù lại cho Đại úy
Ngô Xuân Soạn. Sau đó, ngày 20/9/1955, ông được Tổng Thống Diệm
chỉ định làm Chỉ huy phó Liên Đoàn Nhảy Dù do Trung tá Đỗ Cao Trí
làm Tư Lệnh.
Trung tuần tháng 9, ông chỉ huy 3 Tiểu Đoàn
1, 5 & 6 Nhảy Dù (Tiểu Đoàn 3ND làm thành phần trừ bị) tham gia
chiến dịch Hoàng Diệu do Đại tá Dương Văn Minh làm Chỉ huy trưởng
tấn công quân Bình Xuyên ở khu vực trường Petrus Ký và tiểu trừ
quân Bình Xuyên tại Rừng Sác–Cần Giờ. Ngày 26/10/1955, chính thể
Việt Nam Cộng Hoà được chính thức thành lập.
Ngày 6 tháng
11 năm 1955, trong dịp mừng lễ Chiến thắng của Chiến Dịch Hoàng
Diệu ở Rừng Sác, ông được thăng cấp trung tá nhiệm chức. Ông được
thăng cấp trung tá thực thụ vào tháng 2 năm 1956.
Đầu
tháng 3/1956, ông được cử đi du học khoá Chỉ huy & Tham mưu tại
Fort Leavenworth, Kansas–Hoa Kỳ. Ngày 1 tháng 9 năm 1956, mãn
khóa học về nước ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Liên Đoàn
Nhảy Dù thay thế Đại tá Đỗ Cao Trí.
Ngày Quốc khánh Đệ
Nhất Cộng Hòa 26 tháng 10 năm 1959, Liên Đoàn Nhảy Dù được nâng
cấp và đổi tên thành Lữ Đoàn Nhảy Dù, ông được thăng cấp đại tá
trở thành vị Tư Lệnh đầu tiên của Lữ Đoàn Nhảy Dù.
Đại tá
Nguyễn Chánh Thi là vị Tư Lệnh Nhảy Dù thường quan tâm tới đời
sống của anh em binh sĩ, nhất là các binh sĩ độc thân. Hằng ngày
ông thường thả bộ từ văn phòng Tư Lệnh đến khu nhà bếp nấu ăn cho
các binh sĩ độc thân của các đơn vị đồn trú trong căn cứ Hoàng
Hoa Thám, tự mình nếm thử thức ăn, quan sát cách thức nấu nướng
và vệ sinh sạch sẽ nhà bếp. Ông khuyến cáo các đơn vị hằng ngày
phải luôn phiên cắt cử các toán kiểm thực, kiểm soát nhà thầu
thực phẩm từ lúc đi chợ cho đến khi nấu ăn xong.
Đại tá
Thi cũng thường xuyên thăm viếng doanh trại của các đơn vị trực
thuộc. Ông thường lưu ý đến cách thức tổ chức trong các doanh
trại, nhà ngủ, nhà bếp của binh sĩ luôn cả “chuồng cọp”. Nếu các
“Anh Hùng” sa cơ bị nhốt do các tội nhậu nhẹt say sưa hay đánh
lộn ngoài phố... ông thường ra lệnh thả, ngoại trừ các tội canh
gác ngủ gật, và thường giải quyết các việc như vậy bằng khẩu lệnh
chứ không cần phải bằng văn thư.
Ngày 11 tháng 11 năm
1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi cùng một số sĩ quan khác như Trung
tá Vuơng văn Đông, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng tham gia cuộc “đảo
chính quân sự” lật đổ Chính Phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuộc
binh biến thất bại, ông cùng một số sĩ quan cầm đầu dùng phi cơ
bay sang Kampuchia lánh nạn.
Sau 3 năm lưu vong tại
Kampuchea, ngày 5/11/1963, ông về nước sau khi nhận được tin cuộc
đảo chính quân sự lật đổ Tổng Thống Diệm do các tướng lãnh cầm
đầu đã thành công. Ông được phục hồi cấp bậc và được cử làm Tư
Lệnh Phó Quân Đoàn I, Quân Khu 1 cho Trung tướng Nguyễn Khánh vào
tháng 12 năm 1963.
Ngày 30/1/1964, sau cuộc “Chỉnh lý” của
Tướng Nguyễn Khánh, ông được cử làm Tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh
thay thế Đại tá Trần Thanh Phong. Tháng 5/1964, ông được thăng
cấp chuẩn tướng. Ba tháng sau, do việc ủng hộ Hiến Chương Vũng
Tàu, ông được Tướng Khánh thăng lên cấp thiếu tướng.
Ngày
13/9/1964, một cuộc binh biến do các sĩ quan đảng viên đảng Ðại
Việt chủ xướng như Đại tá Huỳnh văn Tồn Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ
Binh, Đại tá Dương Hiếu Nghĩa, Đại tá Nhan Minh Trang, Thiếu tá
Phạm Văn Liễu và Trung tướng Dương Văn Ðức Tư Lệnh Quân Ðoàn IV
kéo quân về Sài Gòn tổ chức cuộc “biểu dương lực lượng” đưa yêu
sách đòi Tướng Nguyễn Khánh từ chức. Tướng Nguyễn Khánh đương là
Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng (bên ngoài ai cũng tưởng đây
là cuộc đảo chánh do Tướng Ðức chủ mưu, sự thật là do nhóm Sĩ
Quan Ðại Việt; Tướng Dương văn Ðức thuần túy là một quân nhân,
ông cương trực thắng thắn nên bị lợi dụng). Tướng Nguyễn văn
Thiệu lúc đó đang làm Tham Mưu Trưởng liên quân tại Bộ Tổng Tham
Mưu, không có quân trong tay nên phải cầu cứu với Thiếu tướng
Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh về Sài Gòn để phản
công. Tướng Thi nhờ vào uy tín và sự ủng hộ của các vị Tư Lệnh
hai Binh Chủng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến cũng như Binh Chủng
Không Quân nên ông đã nhanh chóng bức các lực lượng binh biến từ
bỏ mục đích và lui binh. Nhờ công lao này, ngày 1/10/1964, Tướng
Khánh đã bổ nhiệm Ông làm Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I thay
thế Thiếu tướng Tôn Thất Xứng.
Ngày 19/2/1965, Thiếu tướng
Lâm Văn Phát và Đại tá Phạm Ngọc Thảo, với sự cấu kết của nhóm
“lực lượng bảo vệ dân tộc” lại đem quân và xe tăng vào chiếm trại
Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và sân bay
Tân Sơn Nhất. Tướng Nguyễn Khánh phải đào thoát bằng máy bay ra
Vũng Tàu.
Cuộc đảo chánh này cũng lại bị Tướng Nguyễn
Chánh Thi Tư Lệnh Quân Ðoàn I với danh nghĩa là Tư Lệnh Quân Ðoàn
Giải Phóng Thủ Ðô được sự ủng hộ của các tướng trẻ, phối hợp cùng
Binh Chủng Không Quân, ngày 20 tháng 2 đã nhanh chóng áp lực phe
đảo chánh rút lui, sau khi đạt thoả thuận yêu cầu Quốc Trưởng
Phan Khắc Sửu giải nhiệm Tướng Nguyễn Khánh, và ép buộc Tướng
Nguyễn Khánh phải xuất ngoại trị bệnh.
Sau khi Tướng Khánh
phải lưu vong, Hội Đồng Tướng Lãnh gồm các Tướng Nguyễn Văn
Thiệu, Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Hữu Có họp lại
để ổn định tình hình. Ngày 11/6/1965, Chánh Phủ Dân Sự Phan Huy
Quát phải giải tán chính phủ; Quốc Trưởng Phan Khắc Sữu đã trao
quyền cho Hội Đồng Tướng Lãnh.
Ngay hôm đó, Hội Đồng Tướng
Lãnh đã hội họp và bầu ra Ủy ban lãnh đạo Quốc gia: Tướng Nguyễn
Văn Thiệu làm Chủ Tịch giữ vai trò Quốc Trưởng; Tướng Nguyễn Cao
Kỳ giữ vai trò Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (thủ tướng)
cho đến khi tổ chức bầu cử. Để xoa dịu những mâu thuẫn quyền lực,
Tướng Thi được thăng cấp trung tướng và làm Đại Biểu Chánh Phủ
tại Trung Phần Việt Nam.
Tuy nhiên, Quần chúng đa số là
Phật Tử vẫn bất mãn với việc các tướng lãnh tranh chấp quyền hành
liên tiếp gây nhiều cuộc binh biến khiến cho tình hình Việt Nam
Cộng Hoà không ngừng xáo trộn. Do đó một lần nữa, Lực Lượng Phật
Giáo nắm vai trò hướng dẫn quần chúng chống đối Chính Phủ do các
tướng lập nên và đòi hỏi thành lập Quốc Hội Lập Hiến để có Hiến
Pháp cho Miền Nam Việt Nam thay cho Chánh Phủ Quân Nhân cai trị
không có căn bản pháp lý là mầm móng biến loạn xã hội như từ cuối
năm 1963.
Ngày 10 tháng 3 năm 1966, nhân vụ biến động Phật
Giáo tại miền Trung, nhiều thành phần quá khích biểu tình chống
đối chính phủ Sài Gòn. Tướng Thi đang là Tư Lịnh Quân Đoàn I tỏ
ra hăng hái trợ giúp nhóm quá khích này nên bị bãi chức với lý do
bất lực trước phong trào chống đối chính phủ tại Miền Trung và đề
cử Tướng Nguyễn Văn Chuân, đang là Tư Lệnh SĐ1BB thay thế Ông và
đến ngày 31/7/1966, Hội Đồng Tướng Lãnh buộc ông phải lưu vong
sống trên đất Mỹ cho đến ngày nay.
Tướng Thi nổi tiếng là
một vị tướng chỉ huy gan dạ, được lòng dân chúng và có uy quyền
thực sự. Sau vụ hạ bệ Tướng Thi, thành phố Đà Nẵng bị tê liệt 90%
vì một cuộc đình công lớn. Tướng Thi trở về nơi bản doanh và nói
trước 20 ngàn người ủng hộ ông: “Hãy nghĩ đến đất nước, đừng nghĩ
đến tôi.”
Về phía Hoa Kỳ, thời đó ủng hộ việc tống xuất
Tướng Thi vì họ nghĩ ông là vị tướng ưa nổi loạn, không tích cực
chống cộng và còn tỏ ra muốn nói chuyện thương thảo với Bắc Việt.
Tháng 2/1972, có lần ông đã về nước, phi cơ của ông đã đáp
xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng Tướng Thi không bao giờ được
trở về quê mẹ lần nữa, và phi cơ chở ông bị ép buộc phải cất cánh
bay về một phương trời xa xăm.
Trong khoảng thời gian từ
cuối thập niên 1970 đến những năm giữa thập niên 1980, ông có
tham dự vào một số sinh hoạt của giới cựu quân nhân tại Mỹ, kể cả
những buớc đầu trong nỗ lực kháng chiến nhưng sau này ông lui dần
vào im lặng và ít khi lên tiếng.
Sau một thời gian lâm
trọng bệnh, Trung tướng Nguyễn Chánh Thi rơi vào cơn hôn mê và từ
trần lúc 6:42 giờ chiều thứ Bảy 23/6/2007, tại thành phố
Lancaster, tiểu bang Pensylvania, thọ 84 tuổi.
Tài Liệu
Tham Khảo:
1. Việt Nam Một Trời Tâm Sự của Trung tướng
Nguyễn Chánh Thi.
2. Gen. Nguyen Chanh Thi by Douglas
Martin on New York Times–June 26, 2007.
3. Theo lời tường
thuật của Trung tá Lê Minh Ngọc LĐT/LĐ4ND.
4. Phỏng vấn
các chiến hữu trong SĐND.
5. Đọc “Lý Thuyết Dân Tộc Sinh
Tồn” I và II của Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy của Stephen B. Young,
Saint Paul, Minnesota, February 4, 2006 Năm Bính Tuất.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
02
****** ||| ******
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tướng
Cao Văn Viên là một trong
năm đại tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cũng là vị tướng
giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng trong thời gian lâu nhất
(1965–1975).
Ông sinh ngày 11 tháng 12 năm 1921 tại Vientiane, Lào (vì vậy mà
ông có tên là Viên) trong một gia đình thương gia người Việt đã
sinh sống lâu đời tại đây. Thời niên thiếu ông Viên theo học
chương trình Pháp tại Vientiane, đậu bằng Diplome (Trung Học Đệ
Nhất Cấp) năm 1938, và vào học tại trường Cao Đẳng Thể Dục Thể
Thao. Ra trường ông được bổ nhiệm làm Huấn Luyện Viên thể dục ở
một trường trung học tại tỉnh Paksé. Trong thời gian này, ông thi
lấy bằng Tú Tài Phần I Pháp năm 1942. Ông đã bị quân Nhật bắt giữ
khi chính quyền Pháp thua trận ở Đông Dương năm 1945.
Năm 1949, ông theo Cha Mẹ hồi cư về Sài
Gòn và gia nhập Quân đội Liên Hiệp Pháp, được cử theo học khóa
đào tạo sĩ quan người Việt tại trường Võ Bị Cap Saint Jacques
(Vũng Tàu). Cùng theo học với ông có các ông Nguyễn Chánh Thi,
Nguyễn Hữu Hạnh, Trần Văn Xội, Vũ Quang Tài...
Khóa này gồm 124 khóa sinh, có 21 người
trúng tuyển và được mang cấp bậc thiếu úy (Sous–Lieutenant).
Thiếu úy Cao Văn Viên đỗ thủ khoa. Sau khi tốt nghiệp, ông được
đưa về phục vụ tại Bộ Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, giữ
những chức vụ như sĩ quan phòng tuyển mộ nhập ngũ, phòng báo chí
Bộ Quốc Phòng.
Về sau ông được thuyên chuyển về Trung
Đoàn 11 Bộ Binh Thuộc Điạ (11è Regiment Infanterie Coloniale–11è
RIC), bản doanh đóng ở Cần Thơ. Tại đây, ông gặp và kết thân với
Thiếu úy Trần Thiện Khiêm lúc hai người còn độc thân. Thời gian
sau, ông Viên kết hôn với bà Cecile Trần Thị Tạo quê xã Nhơn Mỹ,
quận Kế Sách–Sóc Trăng. Trong khi đó, ông Khiêm kết hôn với bà
Đinh Thuý Yến, quê ở Rạch Giá.
Năm 1951, ông được thăng trung
úy, rồi được cử đi học khoá Chỉ Huy Chiến Thuật tại Trung Tâm
Huấn Luyện Chiến Thuật tại Hà Nội. Trung úy Nguyễn Văn Thiệu đã
cùng học chung với ông. Mãn khóa, ông được cử giữ chức vụ Trưởng
Phòng 2 Khu Chiến Hưng Yên. Trong khi đó, Trung úy Thiệu thì được
thuyên chuyển về trường Võ Bị Đà Lạt làm sĩ quan cán bộ cho khoá
5.
Năm 1952,
ông được thăng đại úy, giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 10
Việt Nam, thay thế Đại úy Huỳnh Bá Xuân (bị Việt Minh bắt khi
đang đi hành quân). Cùng đơn vị với ông Viên có Thiếu úy Nguyễn
Viết Thanh, Đại đội trưởng. Cùng lúc, Đại úy Trần Thiện Khiêm
cũng làm Tiểu đoàn trưởng một Tiểu Đoàn khác, trong khi Đại úy
Nguyễn Văn Thiệu là Trưởng Phòng 3 Khu Chiến Thuật Hưng Yên.
Năm 1955, ông thăng cấp thiếu tá, được
chỉ định làm Trưởng Phòng 4 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia.
Cuối tháng 10, Chính Thể Việt Nam Cộng Hòa được hình thành, ông
bàn giao chức vụ cho Thiếu tá Đồng Văn Khuyên, đi làm Tuỳ Viên
Quân Sự ở toà Đại sứ VNCH tại Thủ Đô Washington, D.C., Hoa Kỳ.
Năm 1957, sau khi mãn nhiệm kỳ Tùy
Viên, thay vì phải trở về VN, ông được chỉ định ở lại học khoá
Chỉ Huy Tham Mưu tại Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas. Cùng học
với ông có Thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu.
Tháng 1 năm 1958, khi mãn khoá Chỉ Huy
Tham Mưu tại Fort Leavenworth, ông trở về VN được thăng cấp trung
tá nhiệm chức ngày 1/2/1958 và được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng
Biệt Bộ Phủ Tổng Thống thay thế Đại tá Nguyễn Văn Là chuyển sang
làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát. Tháng 7/1958, ông thi đậu bằng Tú Tài
phần II Pháp tại Sài Gòn và được thăng cấp trung tá thực thụ ngày
26/10/1959.
Trong cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960, Ông bị Lực Lượng
đảo chánh bắt giữ và được thả ra sau khi cuộc đảo chánh hoàn toàn
thất bại. Ngay sau đó ngày 12/11/1960, ông được Tổng Thống Ngô
Đình Diệm bổ nhiệm làm Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù thay thế Đại tá
Nguyễn Chánh Thi vừa tham gia đảo chính thất bại đã đào thoát
sang Campuchia. Cuối năm ông được thăng cấp đại tá nhiệm chức,
đến ngày Quốc Khánh 26/10/1961, ông thăng cấp đại tá thực thụ.
Khi cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 bùng
nổ, ông là một trong những số ít sĩ quan cao cấp trung thành với
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không đứng về phe đảo chính do các
Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân,
Lê Văn Kim tiến hành. Vì vậy ông bị tước quyền chỉ huy Lữ Đoàn
Nhảy Dù trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên do sự can thiệp của
Tướng Tôn Thất Đính và Tướng Trần Thiện Khiêm nên ông chỉ bị cách
ly mà không rơi vào số phận bi thảm như các Đại tá Hồ Tấn Quyền
và Lê Quang Tung.
Sau ngày đảo chánh hơn một tuần, do sự
dàn xếp của Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham mưu Trưởng Liên Quân,
ông nhận được sự vụ lệnh về nắm lại chức vụ Tư Lệnh LĐND. Cuối
tháng 1/1964, với cương vị Tư Lệnh Nhảy Dù, Tướng Viên là thế lực
chính phía sau cuộc chỉnh lý của hai Trung tướng Nguyễn Khánh và
Trần Thiện Khiêm hạ bệ Tướng Dương Văn Minh.
Sau chiến thắng trận Hồng Ngự ngày
4/3/1964, (Đại tá Viên đã đích thân chỉ huy cuộc hành quân của
Chiến Đoàn Nhảy Dù với 2 Tiểu Đoàn 1 và 8 chận đánh một lực lượng
cộng sản cấp Trung Đoàn tại Giồng Bàn–Hồng Ngự sát biên giới
Miên–Việt, và ông bị thương ở cánh tay phải, Cố Vấn Trưởng của
Tiểu Đoàn 1ND là Đại úy Mc Cathy bị tử thương) ông được đặc cách
mặt trận vinh thăng thiếu tướng. Tháng 8/1964, ông thi đậu lấy
bằng Cử Nhân tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và qua tháng 9/1964,
ông bàn giao nhiệm vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù cho Đại tá Dư Quốc
Đống, đáo nhậm chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân (Bộ Tổng Tham
Mưu) thay thế Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu về làm Tư Lệnh Quân
Đoàn IV/Vùng IV Chiến Thuật.
Ngày 12/10/1964, Ông bàn giao chức vụ
Tham Mưu Trưởng Liên Quân lại cho Trung tướng Nguyễn Văn Minh
(Lục Quân) để giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III/Vùng III Chiến
Thuật thay thế Trung tướng Trần Ngọc tám.
Sau cuộc chính biến ngày 19/2/1965, Hội
đồng Tướng lãnh gạt bỏ Tướng Nguyễn Khánh ra khỏi chính quyền,
đến ngày 11/10/1965, ông bàn giao chức vụ Tư Lệnh Vùng III lại
cho Thiếu tướng Nguyễn Bảo Trị. Ông được thăng cấp trung tướng
nhiệm chức và được đề cử giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng vào
ngày 14 tháng 10 năm 1965, thay thế Tướng Nguyễn Hữu Có (lúc đó
kiêm nhiệm).
Trong vụ Phật Tử dấy loạn ở Miền Trung khởi đầu từ tháng 3/1966,
Phật giáo chia làm hai khối: Ấn Quang chống Chính phủ và VN Quốc
Tự thân chính phủ. Mặt khác, một số Tư Lệnh Quân Đoàn I và SĐ1BB
có cảm tình với thành phần tranh đấu chống chánh phủ như Nguyễn
Chánh Thi, Tôn Thất Đính, trong khi Nguyễn Văn Chuân và Huỳnh Văn
Cao thì lưng chừng. Vì thế có một lúc Miền Trung gần như không có
Chính phủ: Thị trưởng Đà Nẵng, BS Nguyễn Văn Mẫn, cũng như một số
quân nhân, công chức... cùng các thành phần quá khích đem bàn thờ
Phật xuống đường biểu tình. Phong trào có nguy cơ lan tràn đến
Miền Nam. Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh lực lượng Cảnh Sát phải
ra Đà Nẵng để theo sát tình hình và hành động tại chỗ. Nhưng hai
tuần sau, tình hình càng thêm tồi tệ nguy kịch.
Ngày 15/5/1966, Tướng Viên quyết định
can thiệp. Ông ra lệnh cho các đơn vị Tổng Trừ Bị bất thần chuyển
quân ra Đà Nẵng ngay đêm đó, nhập chung với 4 Tiểu Đoàn khác
thuộc một Trung Đoàn của SĐ1BB giao cho Đại tá Ngô Quang Trưởng
(đang là Tư Lệnh Phó SĐND) chỉ huy tiến vào Thành phố Huế và Đà
Nẵng để giải tỏa các lực lượng võ trang chống đối. Và rồi cuộc
hành quân cương quyết này đã hoàn thành êm đẹp không một thiệt
hại nhân mạng.
Tháng 2/1966, ở hội nghị thượng đỉnh
Honolulu, Tướng Viên đã đề nghị với Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon
Johnson về một chiến lược cô lập CSBV bằng cách lập một hàng rào
phòng thủ dọc theo vĩ tuyến 17, hoặc là đánh thẳng qua các cơ sở
hậu cần của CSBV ở Hạ Lào và Quảng Bình–Vĩnh Linh. Phía Hoa Kỳ
không chánh thức trả lời, nhưng tài liệu cho thấy đầu năm 1967,
Đại tướng William Westmoreland đã ra lệnh cho MACV soạn thảo dự
trù một kế hoạch tấn công qua Lào có tên là Hành Quân El Paso.
Trong thời gian biến động của hai năm 1966–67, Tướng Viên tham dự
vào nhiều quyết định quân sự và chính trị trong nội bộ của Ủy ban
lãnh đạo Quốc gia.
Ngày 19/6/66, ông thăng cấp trung tướng
thực thụ. Lúc này Hải Quân khiếm khuyết chức vụ Tư Lệnh nên Trung
tướng Viên tạm thời kiêm luôn Tư Lệnh Hải Quân từ ngày 14/9 đến
ngày 31/10/1966, rồi giao lại cho Hải Quân Đại tá Trần Văn Chơn.
Ngày 28/1/1967, khi Tướng Nguyễn Hữu Có bị bãi chức, ông kiêm
nhiệm chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng trong một thời gian ngắn.
Cũng trong năm này, một lần nữa ông được sự tin tưởng của Hội
đồng Tướng lãnh là một sĩ quan không liên hệ phe phái chánh trị
khi ông được vinh thăng đại tướng nhiệm chức vào ngày 2/4/1967.
Vào năm bầu cử Tổng Thống 1967, ông là
sĩ quan đại diện cho Hội đồng Quân lực giải quyết sự bế tắc giữa
Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Kỳ, khi cả hai đều
muốn tranh cử chức Tổng Thống trong và dưới sự ủng hộ của quân
đội. Hội đồng Quân lực định đưa Tướng Viên lên chức Quốc Trưởng
vì ông là vị tướng có thâm niên nhất, nhưng Ông đã một mực từ
chối vì nhận thức lương thiện khả năng của mình.
Trong suốt thời gian giữ chức vụ Tổng
Tham Mưu Trưởng, ông được đánh giá là một tướng lãnh có thực tài
và không liên quan đến các hoạt động chính trị. Tuy nhiên từ năm
1969 trở đi, vai trò của Tướng Viên như một Tổng Tham Mưu Trưởng
bị lu mờ khi Tổng Thống Thiệu bắt đầu trực tiếp điều khiển quân
đội thay vì qua hệ thống quân giai của Bộ Tổng Tham Mưu. Tổng
Thống Thiệu đã tập trung hết quyền bính trong tay, đã cho thiết
lập một hệ thống truyền tin tại dinh Độc Lập để liên lạc thẳng
với các Quân Khu, điều động các đơn vị, bổ nhiệm Tư Lệnh Vùng và
ra lệnh trực tiếp hành quân. Bộ Tổng Tham Mưu chỉ còn giữ vai trò
tuân hành và thị chứng. Do đó, ông đã nhiều lần xin từ chức nhưng
không được chấp thuận. Vì vậy ông chỉ có thể phản ứng bằng cách
tiêu cực.
Sau
cuộc rút lui thất bại ở Quân Đoàn II và Quân Đoàn I, và khi tình
hình quân sự trở nên bi đát, Tướng Viên có xin Bác sĩ Phạm Hà
Thanh (Cục Trưởng Cục Quân Y) thuốc độc loại Cyanid để thủ thân,
vì biết chắc chắn nếu bị bắt ông sẽ bị cộng sản hành hạ một cách
tàn bạo.
Năm
1975, trước sức ép của dư luận và áp lực quân sự của quân cộng
sản, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Không lâu sau đó
tối Chủ Nhật 27 tháng 4, sau khi Quốc Hội biểu quyết trao quyền
lại cho Tướng Dương Văn Minh, Ông đã trình lên Tổng Thống Trần
Văn Hương nguyện vọng được về hưu đã xin từ năm năm về trước.
Tổng Thống Hương đã thông cảm và ký sắc lệnh cho ông về hưu.
Trong khi chờ đợi tân Tổng Thống Dương Văn Minh chính thức bổ
nhiệm Tổng Tham Mưu Trưởng mới, Tướng Viên chỉ định Trung tướng
Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Bô TTM, xử lý thường vụ chức vụ
Tổng Tham Mưu Trưởng. Sau đó ông được di tản ra Hạm Đội 7 vào
trưa thứ Hai, 28/4/1975. Di tản sang Mỹ, và định cư tại
Arlington–Virginia.
Năm 1983, Trung tâm Quân Sử của Lục
Quân Hoa Kỳ xuất bản cuốn sách “The Final Collapse” của ông. Sách
dày 184 trang, phân tích các lý do sụp đổ của miền Nam Việt Nam.
Năm 2003, sách của ông được ông Nguyễn Kỳ Phong chuyển dịch sang
tiếng Việt dưới tên “Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa”, gồm
có 10 chương, 295 trang và một số chú thích của Tướng Viên.
Trong một lần trả lời một ký giả phỏng
vấn, ông nói:
–“Ông Kỳ nhiều lần thuyết phục tôi đảo chánh ông Thiệu.”
Lần đầu tiên vào sáng mùng 2 Tết, ngày
đầu tiên của biến cố Mậu Thân 1968, Tướng Viên và Tướng Khang
đang lo điều binh đối phó với VC trong Bộ TTM thì Tướng Kỳ thình
lình tới đề nghị hai ông truất phế Tổng Thống Thiệu, với lý do
ông Thiệu nhẹ lo việc nước, nặng tình nhà, lo về quê vợ ăn Tết,
bỏ bê đất nước đảo điên. Ông Kỳ cho biết ông ta đã viết lời hiệu
triệu và nhật lệnh đã có sẵn trong túi. Nếu hai ông đồng ý, ông
sẽ lên đài phát thanh tuyên bố truất phế TT Thiệu. (Lúc này, ông
Thiệu còn đang ở Mỹ Tho.) Ông Kỳ cũng cho biết Tướng Nguyễn Ngọc
Loan đã đồng ý.
Đại tướng Viên đã trả lời:
–“Tình hình như thế này, lo chống đỡ
giặc ngoài muốn hụt hơi, anh còn muốn gây thù bên trong nữa. Vậy
anh giao đất nước này cho VC luôn đi!”.
Tướng Khang cũng nói:
–“Anh có điên không? Lúc nào cũng muốn
mình phải là số 1 mới chịu. Đừng có hành động mù quáng.”
Tướng Kỳ tiu nghỉu đi ra...
Đại tướng Cao Văn Viên sẽ lưu lại trong
ký ức mọi người từng biết ông – thân hữu, bạn đồng đội – hình ảnh
của lòng chung thủy, không a dua, không phản trắc, từ tốn, chủ
trương đoàn kết trong tình huynh đệ chi binh. Ông không bon chen
trên chính trường, không đạp trên xác đồng đội để tiến thân. Ông
là một nhà tướng phi chính trị nhưng bị thời thế cuốn hút vào
chính trường. Sau 1975, ông sống bình lặng tại
Arlington–Virginia. Thời gian gần đây ông sống cô đơn trong viện
dưỡng lão.
Trong ngày sinh nhật sau cùng của Đại tướng Viên vào tháng 12 năm
2007, có sự hiện diện của Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Chuẩn
tướng Trần Đình Thọ, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và phu nhân, Đại
tá Nguyễn Hữu Bầu và phu nhân, và một số thân hữu... Hình như
linh cảm biết mình không còn sống được bao lâu nên lời phát biểu
của ông Viên đã giống như những lời trăn trối sau cùng. Mọi người
tham dự đều tỏ ra xúc động:
–“Dù sao thì tôi cũng là một trong
những người chiụ trách nhiệm để mất nước. Vì thế, khi tôi chết,
xin đừng phủ cờ. Tôi thấy không xứng đáng được phủ trên quan tài
của tôi lá cờ biểu tượng của hồn thiêng đất nước VNCH. Tôi không
phải chết cho Tổ Quốc. Vì vậy, tôi không xứng đáng được an táng
theo nghi thức quân cách của QLVNCH. –Cám ơn tất cả mọi người...”
Tài liệu Tham khảo:
1. Những ngày cuối của VNCH (The Final
Collapse) của Đại tướng Cao Văn Viên, Dịch giả Nguyễn Kỳ Phong,
Vietnam bibliography xuất bản năm 2003.
2. “Từ Điển Chiến Tranh Việt Nam” của
Nguyễn Kỳ Phong (nguyenkyphong@yahoo.com).
3. Mạn đàm với Đại tướng Cao Văn Viên
của Lâm Lễ Trinh trên diễn đàn Đàn Chim Việt Online.
4. Hồi ký Đôi Dòng Ghi Nhớ của Phạm Bá
Hoa nxb Ngày Nay, ấn bản lần 4 2007.
5. Cuộc Đời Binh Nghiệp của ĐT CAO VĂN
VIÊN của Đặng Kim Thu trên Web: linhvnch.wordpress.com.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
03
****** ||| ******
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tướng
Dư Quốc Đống sinh ngày 21/12/1932 tại làng Vĩnh Thanh Vân tỉnh Rạch Giá–Nam Việt.
Ông là người con thứ hai trong gia đình có 8 anh chị em. Thân phụ
là cụ Dư Sòng, một công chức phục vụ tại Thương Cảng Sài Gòn. Lúc
thiếu thời, ông theo học tại trường tư thục Chấn Hưng, về sau lên
Sài Gòn học tại tư thục Guillerault trên đường Chasseloup Laubat
(Hồng Thập Tự). Năm 1950 ông tốt nghiệp Trung Học với văn bằng Tú
Tài phần I.
Năm 1951, sau khi tốt nghiệp Trung Học Phổ
Thông, Ông tình nguyện gia nhâp Quân Đội khóa 5 Hoàng Diệu,
Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt khai giảng vào ngày 1/7/1951 và mãn
khóa ngày 24/4/1952. Sau khi tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy hiện
dịch, Ông được đưa về phục vụ tại Tiểu Đoàn 4 Vệ Binh Sơn Cước
tai Pleiku, đến một năm sau mới tình nguyện thuyên chuyển về Tiểu
Đoàn 1 Nhảy Dù.
Khi về Nhảy Dù, Thiếu úy Dư Quốc Đống giữ
chức vụ Trung đội trưởng Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù dưới quyền chỉ huy
của Thiếu tá Vũ Quang Tài, Tiểu đoàn trưởng.
Năm 1954, Ông
được thăng cấp trung úy và giữ chức vụ Đại đội trưởng khi tham
gia chiến dịch càn quét lực lượng Bình Xuyên ra khỏi Đô Thành Sài
Gòn. Năm 1955, sau trận này Ông được thăng cấp đặc cách đại úy
nhiệm chức.
Cũng trong năm này, Thiếu tá Vũ Quang Tài giao
quyền chỉ huy TĐ1ND cho Đại úy Trần Văn Đô làm Tiểu đoàn trưởng,
Ông được chỉ định làm Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù. Năm
1957, Ông được Đại tá Nguyễn Chánh Thi Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù
chỉ định làm Chỉ huy trưởng Trung Tâm huấn luyện quân sự đào tạo
Hạ Sĩ Quan Nhảy Dù với các bằng CC1, CC2 (Chứng Chỉ năng lực tác
chiến).
Đầu năm 1958, ông được bổ nhiệm chức vụ Tiểu đoàn
trưởng TĐ6ND. Đến năm 1959, ông thuyên chuyển về giữ chức vụ Tiểu
đoàn trưởng TĐ1ND. Ngày đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm
11/11/1960, do nhóm Vương Văn Đông chủ trương ông không có mặt
tại Tiểu Đoàn.
Tháng 6/1961, sau chiến thắng Kiến Phong
(trận Ấp Mỹ Quý) tất cả quân nhân của TĐ1ND đều được đặc cách
thăng một cấp và ông được thăng cấp thiếu tá tại mặt trận.
Đến ngày 15 tháng 11 năm 1961, chiến cuộc ngày càng gia tăng,
và theo nhu cầu phát triển của Quân Đội, Lữ Đoàn Nhảy Dù thành
lập hai Chiến Đoàn I và Chiến Đoàn II; ông được bổ nhiệm giữ chức
vụ Chiến Đoàn Trưởng đầu tiên của Chiến Đoàn I Nhảy Dù và cũng là
tiền thân của Lữ Đoàn I thuộc Sư Đoàn Nhảy Dù sau này.
Đầu
năm 1963, ông được thăng cấp trung tá và bàn [giao] Chiến Đoàn I
Nhảy Dù lại cho Thiếu tá Trương Quang Ân và lên làm Tư Lịnh Phó
Lữ Đoàn Nhảy Dù.
Sau chiến thắng trận Tân Châu–Hồng Ngự,
Thiếu tướng Cao Văn Viên Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù được đề bạt làm
Tham Mưu Trưởng Liên Quân tại Bộ TTM/QLVNCH. Trong buổi lễ bàn
giao chức vụ vào đầu tháng 9/1964, Thiếu tướng Cao Văn Viên đã
gắn cấp bậc đại tá và trao Quyền Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù lại cho
ông.
Ngày 1/11/1964, nhân kỷ niệm 1 năm ngày Cách Mạng
thành công, ông được vinh thăng chuẩn tướng, chính thức nhậm chức
Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù. Ngày Quân Lực 19/6/1968, ông được vinh
thăng thiếu tướng, và đến Tháng 7 năm 1970, ông được thăng cấp
trung tướng.
Tướng Dư Quốc Đông có vóc dáng uy nghi, mày
rậm, mắt to, cử chỉ hiên ngang. Ông là một sĩ quan can đảm, tài
ba, đã từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt trên khắp bốn Vùng
Chiến Thuật. Ngoài tài hành quân tác chiến, Tướng Đống còn là một
người rất nghĩa khí.
Có lần trong cuộc họp Đại Hội đồng
Quân lực ngày 10/3/1966 dưới sự chủ tọa của Trung tướng Nguyễn
Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy ban lãnh đạo Quốc gia để bầu phiếu buộc
tội Trung tướng Nguyễn Chánh Thi về việc dung túng những thành
phần quá khích ở Vùng I Chiến Thuật, họ biểu tình phản kháng lại
Chính Phủ Trung Ương. Hầu hết tướng lãnh đều bỏ phiếu thuận, chỉ
có một phiếu trắng. Trung tướng Nguyễn Hữu Có đẩy ghế đứng dậy
lên tiếng:
–Trong phòng họp này, chúng ta là những người
có trách nhiệm trong Đại Hội Đồng với tư cách thay mặt toàn quân,
bỏ phiếu thuận hay không thuận, bỏ phiếu trắng trong trường hợp
này là “lưng chừng” không dứt khoát lập trường. Vậy ai là người
bỏ phiếu trắng nên giải thích cho anh em rõ.
Chuẩn tướng
Dư Quốc Đống đứng lên nói:
–Kính thưa Trung tướng Chủ Tịch
Ủy ban lãnh đạo Quốc gia, kính thưa quý vị, tôi là người bỏ phiếu
trắng đó. Trung tướng Thi đã một thời là cấp chỉ huy của tôi
trong binh chủng Nhảy Dù nên tôi không thể hành động chống lại
Trung tướng Thi, tôi vẫn biết rằng hành động của tôi không làm
thay đổi được quyết định chung cuộc, nhưng tôi vẫn làm vì lẽ đó.
Và nếu sau này có điều gì xảy ra với Trung tướng Viên tôi vẫn
hành động như tôi vừa làm. Và bây giờ quý vị toàn quyền quyết
định về tôi: “ở hay ra khỏi Nhảy Dù, tôi thi hành ngay” xin cảm
ơn quý vị.
Các tướng lãnh, trong đó có Trung tướng Nguyễn
Văn Thiệu, Trung tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Nguyễn Hữu Có...
nghe lời nói khí khái hùng hồn của ông ai cũng mến phục (Tướng
Thi, Tướng Viên nguyên là Tư Lệnh tiền nhiệm của Sư Đoàn Dù).
Tướng Đống rất thương yêu binh sĩ, nhưng ông lại rất khắt khe
với các sĩ quan cao cấp, các vị Tư Lệnh Phó, Lữ đoàn trưởng,
Trưởng Phòng, Tiểu đoàn trưởng rất nể sợ ông. Các sĩ quan cấp tá
trở lên mới bị Tướng Đống quở trách, đối với cấp úy thì ông không
nói gì. Nhưng với anh em binh sĩ, ông hết sức nhỏ nhẹ, luôn luôn
nhìn họ một cách hiền từ, trìu mến. Ông nghĩ họ là thành phần cực
khổ và chịu nguy hiểm nhiều nhất, ông muốn yểm trợ giúp đỡ thật
nhiều cho binh sĩ và gia đình họ, giống như người cha lo lắng cho
đứa con thân yêu của mình vậy.
Tướng Đống là Tư Lệnh thứ
tư của Sư Đoàn Nhảy Dù (từ 1964–1972, sau Đại tướng Đỗ Cao Trí,
Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Đại tướng Cao Văn Viên). Trong binh
chủng Dù, ông phục vụ lâu năm nhất, chỉ huy từ cấp Trung đội
trưởng và không hề có thời gian gián đoạn chỉ huy so với các Tư
Lệnh khác.
Thời gian ông chỉ huy SĐND là lúc chiến tranh
Việt Nam lên tới cực điểm khốc liệt nhất, những trận đánh dữ dội
không giản dị như thời còn quân đội Pháp. Nhiều trận giao tranh ở
cấp Sư đoàn và phối hợp hành quân tác chiến với các quân binh
chủng khác. Dưới quyền lãnh đạo của Tướng Đống, lực lượng Nhảy Dù
đã không những mang lại nhiều chiến thắng mà còn làm cho quân lực
Đồng Minh phải ngưỡng mộ. Đại tướng Lindsay, nguyên là cựu cố vấn
TĐ8ND đã nói: “Những chiến thắng gần đây ở Grenada và kinh đào
Panama do Nhảy Dù Mỹ đem lại chính là chúng tôi đã học hỏi nhiều
kinh nghiệm tác chiến của Nhảy Dù Việt Nam...”
Trong thời
gian Tướng Đống làm tư lệnh, binh chủng Dù từ cấp Lữ Đoàn đã trở
thành cấp Sư Đoàn, với quân số trên dưới 12,700 gồm 9 Tiểu đoàn
tác chiến và ba Tiểu đoàn pháo binh. Cũng như vị tiền nhiệm là ĐT
Đỗ Cao Trí, chỉ huy Nhảy Dù dẹp loạn Bình Xuyên, lúc Thủ tướng
Diệm mới cầm quyền, Tướng Đống chỉ huy SĐND lập nhiều công lớn
trong Tết Mậu Thân, trận Ia Drang, Đồi 1416 ở Dakto, cuộc tiến
quân sang Kampuchia, trận Hạ Lào, trận An Lộc...
Sau khi
bàn giao chức vụ Tư Lệnh Nhảy Dù lại cho Tướng Lê Quang Lưỡng vào
cuối năm 1972, ông được Tổng Thống Thiệu đề cử làm Trưởng đoàn
thương thuyết trong Ủy Ban Liên Hơp Quân Sự bốn bên thay thế
Tướng Ngô Dzu vào ngày 2/2/1973.
Tháng 11 năm 1973, ông
nhận chức vụ Chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế–Nha Trang
thay thế Chuẩn tướng Võ Văn Cảnh.
Ngày 30 tháng 10 năm
1974, Trung tướng Dư Quốc Đống được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
cử giữ chức Tư Lệnh Quân Ðoàn III/Quân Khu III thay thế Trung
Tướng Phạm Quốc Thuần được hoán nhiệm chức vụ để giữ chức Chỉ huy
trưởng Trường Hạ Sĩ Quan–Nha Trang mà Tướng Đống đảm nhiệm.
Ba tháng sau đó, ngày 5/2/1975, ông đã xin từ nhiệm, sau khi
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bác bỏ lời yêu cầu của ông gởi quân
tăng viện đến mặt trận Phước Long là cửa ngõ dẫn vào tới Sài Gòn,
mà sau đó đã bị quân cộng sản Bắc Việt tràn ngập.
Tướng
Ðống không còn giữ chức vụ nào nữa cho đến khi ông phải rời Sài
Gòn vào ngày 29 Tháng Tư, sau khi nhận thức rằng miền Nam Việt
Nam khó có thể đối phó được với cuộc tổng tấn công xâm lược của
quân cộng sản Bắc Việt, và Sài Gòn đã thất thủ một ngày sau đó.
Sau khi đến định cư tại Hoa Kỳ, Tướng Ðống đã có một cuộc
sống kín đáo, giản dị, ít khi xuất hiện trước đám đông, và ngay
trong gia đình ông cũng ít kể lại chuyện chiến tranh hay những
chiến công của ông.
Trung tướng Dư Quốc Ðống qua đời vào
lúc 12:30 giờ chiều ngày Thứ Hai 21/4/2008 tại Huntington
Beach–California hưởng thọ 76 tuổi.
Tài liệu tham khảo:
1. Tướng Đống Bàn về Tình Hình Quân Sự Tháng Giêng Năm 1975
tại QĐIII (Thông Tin Tình Báo CIA) trên trang nhà
http://www.generalhieu.com.
2. Đôi dòng ghi nhớ hồi ký của
Phạm Bá Hoa.
3. Một Cánh Hoa Dù của Trương Dưỡng.
4. Phỏng vấn các Niên Trưởng Tạ Thái Bình, Nguyễn Phẩm Bường,
Nguyễn Tự Bảo, Lê Văn Phát, Đàm Trọng Toàn...
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
04
****** ||| ******
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tướng
Lê Quang Lưỡng sinh tháng 8 năm 1932, quê tại tỉnh Thủ Dầu
Một (sau đổi thành Bình Dương). Thời niên thiếu, học hết bậc Tiểu
Học tại tỉnh nhà ông lên Sài Gòn theo học tại Trường Trung Học
Petrus Ký.
Tháng 11/1953, sau khi lấy bằng Thành Chung ông
gia nhập vào quân đội Khóa 4 Cương Quyết Trường Sĩ Quan Trừ Bị
Thủ Đức, cùng khóa với Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn tướng
Hồ Trung Hậu, Đại tá Lê Văn Phát... Ngay khi vừa mãn khóa vào
ngày 1/6/1954, ông tình nguyện sang Binh Chủng Nhảy Dù và được
gởi ngay ra Bắc bổ sung cho Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đóng cạnh Trường
Bưởi–Hà Nội với chức vụ Trung đội trưởng của Đại Ðội 52 Nhảy Dù.
Sau Hiệp định Genève (ký kết
ngày 20 tháng 7 năm 1954), ông theo đơn vị vào Nam bằng
đường không vận từ Hà Nội đến Đà Nẵng. Tháng 10, từ Đà Nẵng Tiểu
đoàn 5 di chuyển bằng hỏa xa vào đồn trú tại Đồng Đế–Nha Trang.
Tháng 3 năm 1955, Tiểu
Đoàn được lệnh từ Nha Trang chuyển quân bằng hoả xa về Sài
Gòn–Chợ Lớn, hành quân truy kích Lực lượng Bình Xuyên của Thiếu
tướng Lê Văn Viễn (tự Bảy Viễn) ra khỏi khu vực Đô thành.
Ngày 1/6/1956, ông
được thăng cấp trung úy và được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại
Đội 1 của TĐ5ND. Ngày 3 tháng 11 năm 1960, ông được thăng cấp đại
úy và chuyển lên Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn giữ chức vụ Trưởng Ban 3
Hành Quân rồi Tiểu đoàn phó.
Năm 1965, Ông được đề
cử đi du học về “tác Chiến Trong Rừng Núi Sình Lầy” tại Mã Lai Á.
Tại quân trường ông đã trình bày chiến thuật tấn công và tác
chiến theo quan điểm của riêng ông, được tất cả các Huấn luyện
viên đều chú ý và thán phục. Đến tháng 9/1965, về nước với bằng
tốt nghiệp Thủ Khoa, ông được Tướng Dư Quốc Đống chỉ định nhiệm
vụ thành lập và giữ chức Tiểu đoàn trưởng TĐ2ND tại Trung Tâm
Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp ở Bà Rịa.
Trong buổi lễ nhập khóa của TĐ2ND, ngày
19/6/1966, Đại tá Lý Thái Như Chỉ huy trưởng TTHLQG Vạn Kiếp đã
Chủ Tọa và trao gắn cấp bậc thiếu tá cho Ông.
Sau buổi lễ xuất quân, TÐ2ND về trấn
giữ vòng đai Biệt Khu Thủ Ðô, vừa chỉnh trang đơn vị vừa tái huấn
luyện tại chỗ. Chính ông đã đứng ra hướng dẫn tất cả sĩ quan cũng
như binh sĩ về chiến thuật và kỹ thuật tác chiến của Nhảy Dù và
ngay sau đó TĐ2ND đã tham chiến tại khu phi chiến, tại đồi 1416
trên đỉnh Ngok Wank Quân Khu II, tại khắp các mặt trận ở các Quân
Khu và đã từng gây kinh hoàng cho các đơn vị CS không thua bất cứ
một đơn vị Nhảy Dù kỳ cựu nào khác.
Cuối năm 1967, ông sang Okinawa du
khảo, học hỏi về Chiến thuật phản tình báo và chống chiến tranh
du kích. Ngày 25/1/1968, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chiến Đoàn
Trưởng Chiến Đoàn I Nhảy Dù thay thế Trung tá Hồ Trung Hậu được
chỉ định làm Tư Lịnh Phó SĐND, đánh đuổi quân cộng cản ra khỏi
Huế và Quảng Trị trong trận chiến “Tổng Công Kích năm Mậu Thân”
của CSBV. Sau trận này ông được thăng cấp trung tá tại mặt trận
vào tháng 4/1968.
Đến Tháng 5/1968, theo
nhu cầu phát triển của Quân Lực VNCH, các Chiến Đoàn Nhảy Dù được
bổ sung thêm quân số để trở thành Lữ Đoàn Nhảy Dù và ông cũng trở
thành vị Lữ đoàn trưởng LĐIND đầu tiên. Trong chức vụ LĐT/LĐIND
ông được thăng cấp đại tá tại mặt trận vào tháng 3/1970 sau các
cuộc hành quân tại Tây Ninh để tiêu diệt các đơn vị CS lẩn khuất
trong khu vực Chiến Khu C và đưa chiến trường ra khỏi lãnh thổ
Quân Khu III qua bên kia biên giới.
Kể từ đây, ông đã tham gia hầu hết các
cuộc hành quân làm nên lịch sử của SĐND, như là Chiến dịch Bình
Tây Kampuchea 1970, Hành Quân Lam Sơn 719 trên đất Lào vào tháng
02 năm 1971, giải vây An Lộc tháng 4/1972, Hành Quân Lam Sơn 72
trong chiến dịch Lôi Phong tái chiếm Quảng Trị vào tháng 6 năm
1972, và cuộc hành quân tái chiếm Thường Đức vào tháng 08 năm
1974. Trong ba cuộc hành quân đầu, Tướng Lưỡng đã tham dự với tư
cách Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn I Nhảy Dù, trong các cuộc hành
quân về sau Tướng Lưỡng đã điều quân với tư cách là Tư Lệnh Sư
Đoàn Nhảy Dù.
Trong trận chiến giải vây An Lộc năm 1972, tài
điều binh của ông đã được đưa vào chương trình nghiên huấn của
Trường Quân Sự Command and General Staff College (Đại Học Chỉ Huy
& Tham Mưu) ở Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas–Hoa Kỳ sau hai
danh tướng Tôn Tử, một thiên tài quân sự nổi tiếng của Trung Hoa
thời Xuân Thu Chiến Quốc (722–480 TCN) và Erwin Rommel (1891–1944
có biệt danh là “the Desert Fox”) một tướng lãnh lừng danh của
Đức Quốc Xã vào đệ nhị thế chiến.
Trong trận chiến này ông đã phối hợp
chiến thuật phân tán mỏng các đơn vị Nhảy Dù để bao vây, dùng các
Tổ Khinh Binh đột kích vào các chốt của CS rồi dùng Phi Pháo và
Pháo Binh tiêu diệt địch để phá vỡ chiến thuật Chốt Kiềng của CS
tại suối Tàu Ô cũng như tại cửa ngõ Sóc Gòn của An Lộc.
Đại tá Lê Quang Lưỡng đã áp dụng yếu tố
bất ngờ một cách táo bạo và thành công khi đổ quân Nhảy Dù xuống
Sóc Ton Cui cạnh Đồi Gió để làm đầu cầu, rồi tiến vào An Lộc. Ông
cũng đã nghi binh đánh lạc hướng địch quân khi liên lạc bằng hệ
thống âm thoại báo cho Tướng Hưng rằng ông sẽ không vào An Lộc mà
ngày mai Quân Đoàn sẽ đưa một đại đơn vị nhảy xuống phía Bắc An
Lộc tấn công Đồi Đồng Long vào giải cứu các đơn vị bị bao vây.
Ông được Tướng Minh Tư Lệnh Quân Khu III đặt trọn niềm tin và
giao cho Ông trọn quyền quyết định sách lược.
Với kinh nghiệm lão luyện trên chiến
trường của một “Quân Đội con nhà nghèo” với sự yểm trợ tích cực
của người bạn đồng minh, ông đã sử dụng tài tình và hiệu quả lối
đánh thần tốc của các Chiến Binh Nhảy Dù với hỏa lực vô tiền
khoáng hậu của phi pháo và các pháo đài bay B52 để tiêu diệt các
đơn vị CS, để giải vây cho các đơn vị thuộc quyền, để mở rộng
vòng đai và rồi hoàn toàn giải tỏa An Lộc.
Tháng 6/1972, Đại tá
Lê Quang Lưỡng được đề cử chức vụ Phụ tá hành quân cho Tư Lệnh Sư
Ðoàn Nhảy Dù là Trung tướng Dư Quốc Đống trong chiến dịch Lôi
Phong tái chiếm Quảng Tri. Cuối tháng 8/1972, ông được Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu thăng cấp chuẩn tướng, và sau đó ông được bổ
nhiệm giữ chức Tư Lệnh Phó, xử lý thường vụ chức vụ Tư Lệnh SĐND.
Lúc bấy giờ Bộ Tư Lệnh Hành Quân SĐND đặt tại căn cứ Hiệp Khánh,
cách Huế 17km về phía Bắc.
Tháng 11 năm 1972,
Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng chính thức được chỉ định làm Tư Lệnh
Sư Đoàn Nhảy Dù cũng là vào lúc VNCH đang đi vào một giai đoạn
cực kỳ khó khăn nhất trong lịch sử. Sư Đoàn Nhảy Dù do ông chỉ
huy đã phải đương đầu với bao nhiêu thử thách từ phía cộng quân
cũng như từ phía Đồng Minh và nội bộ của VNCH. Nhưng ông luôn giữ
đúng phong cách của một vị chỉ huy, thi hành trách nhiệm được
giao phó một cách hoàn hảo và suốt đời tận tụy hy sinh cho tổ
quốc đến những ngày cuối tháng 4/1975.
Trận đánh để đời sau cùng của
ông là trận Thường Đức từ tháng 8/1974 đến tháng 11/1974,
ông đã áp dụng chiến thuật Xa Luân Chiến để 2 Lữ Đoàn Nhảy Dù
luân phiên giao tranh và gây thiệt hại nặng nề cho hai SĐ324B,
SĐ304 và một Trung Đoàn của SĐ2CSBV cùng các lực lượng địa
phương.
Năm 1975, vào những ngày tháng lịch sử của VNCH,
lệnh từ trung ương bỏ Quân Đoàn I và rút Sư Đoàn Nhảy Dù về Sài
Gòn. Một tin chấn động cho toàn quân, toàn dân và sự kinh hoàng
tột độ ấy đã mở đầu cho sự tan rã ồ ạt sau đó.
Hơn thế nữa, kể từ ngày SĐND được bốc
khỏi Vùng I, quyền chỉ huy chiến thuật binh chủng Nhảy Dù, quyền
sử dụng các chiến binh Nhảy Dù cũng vượt ra khỏi tầm tay của vị
Tư Lệnh. Các đơn vị Nhảy Dù đã bị xé ra từng mảnh. Mỗi đơn vị một
nơi rồi lần lượt bị tan hàng.
Ngày 29/4/1975, Tướng
Lưỡng di tản sang Hoa Kỳ, với nỗi ngậm ngùi:
“Sầu hận của tim ta ai biết được.
Người tươi vui ta mãi mãi căm hờn”.
Và sau đó ông định cư tại thành phố
Hampton tiểu bang Virginia, đến năm 1979 ông cùng gia đình di
chuyển về California thành phố Baker Field cho đến cuối đời.
Trong khoảng thời gian từ 1976
đến những năm 1982, ông có tham dự vào một số sinh hoạt
trong nỗ lực trở lại VN tổ chức lực lượng kháng chiến nhưng tiếc
rằng Trời đã không chiều lòng người. Sau này ông lui dần vào im
lặng và ít khi lên tiếng. Ông cũng thường sinh hoạt và gần gũi
với Gia Đình Mũ Đỏ VN từ năm 1980.
Năm 1990, ông cùng
Tướng James B. Vaught Hoa Kỳ dẫn đầu đoàn diễn hành của Gia Đình
Mũ Đỏ Việt Nam trên đại lộ Constitution, Washington, D.C. Cùng
với các đơn vị Nhảy Dù của 32 quốc gia bạn, nhân ngày kỷ niệm 50
năm thành lập binh chủng Nhảy Dù Hoa Kỳ. Nhảy Dù là đơn vị của
QLVNCH đầu tiên và duy nhất từ trước cho đến thời điểm này, được
chính thức mời rước ngọn cờ Vàng ba sọc Đỏ giữa lòng thủ đô Hoa
Thịnh Đốn. Hai bên đường dân chúng Hoa Kỳ và đồng bào Việt Nam tỵ
nạn cộng sản, đón tiếp và cổ võ nồng nhiệt.
Ngày 21/9/2005, Tướng
Lê Quang Luỡng đã qua đời tại Bakefield–California vì chứng bệnh
Gan, thọ 73 tuổi, để lại nhiều luyến thương sâu xa cho đoàn quân
Mũ Đỏ. Đến phút cuối, ông nhất định không cho phủ Cờ Vàng Ba Sọc
Đỏ lên “quan tài của một bại tướng lưu vong”, ông cũng trăn trối
không nhận vòng hoa đưa đám, chỉ nhận tiền mặt để gởi về quê nhà
giúp các đàn em thương tật. Tinh thần Tổ Quốc – Danh Dự – Trách
Nhiệm và “Huynh Đệ Chi Binh” của người Anh Cả Mũ Đỏ không ai có
thể cao hơn thế được. Tại San José California, một Cựu Chiến Binh
Nhảy Dù –Định Thế 405 – đã thương khóc ông:
“Người
đi...
Cây cỏ buốt đau thương!!!
Anh hùng Lê Quang Lưỡng.
Bàng hoàng...
Nghĩ chừng vô tưởng.
Vị Tướng lãnh hào
hùng,
Dẫn đầu quân binh Mũ Đỏ.
Đã bỏ trần gian,
Vội vàng không giã
biệt.
Âm âm lạnh, lòng nhói đau da diết,
Thương hơn thương, tử biệt cõi sinh phù.
Hỡi Thiên Thần máu đỏ thắm thiên thu,
Tim bất khuất, đời Hoa Dù vay trả.
Nghiệp cả trả chưa xong,
Đục trong trời
phiêu lãng.
Ba mươi năm,
Những buổi chiều bàng bạc.
Cánh hạc thẫn
thờ bay,
Cuộc đời này đen trắng.
Cả quá khứ đầy hận thù cay đắng,
Quê
hương ơi chất nặng nghiệp linh hồn.
Vó
ngựa chân bon...
Những bồn chồn từng thu
qua chết lặng,
Vệt nắng vàng hoang vắng
gió heo may.
Việt Nam ơi! Cả dân tộc
đang quay,
Trận bão lốc hay cơn say
nghiệt ngã.
Ba mươi năm,
Khắp địa cầu xa lạ.
Đoàn Thiên Thần
nghiêng ngả dắt dìu nhau.
Gượng cười
thôi tim quằn quại thương đau.
Mỗi một
bước vạn cơn sầu gặm nhấm.
Ba mươi năm,
Vàng đỏ đen tím sậm,
Nét kiêu hùng vẫn
ẩn chứa trong tim.
Chưa bao giờ ta thật
sự đứng im.
Dù một phút, nghĩ, chìm
trong dĩ vãng.
Nhưng hôm nay bầu không
gian ảm đạm,
Quân kỳ buồn, rũ xuống tiễn
anh linh.
Quốc kỳ bay, tung ngạo nghễ
không thinh,
Lệnh kỳ bó, vành khăn tang
đơn lạnh.
Hoàng Hoa Thám, mùa Trung Thu
hiu quạnh.
Vì toàn quân mất vị Tướng anh
hùng.
Quê hương ta mất dũng sĩ tận
trung,
Và Tổ Quốc mất người hùng Mũ Đỏ.
Ba mươi năm,
Chiến trường ta còn đó,
Tư Lệnh ơi... Ông bỏ chúng tôi rồi!!!
Thế là xong... Thật ngắn ngủi kiếp đời,
Thoáng đấy, mới đây, gió trời mưa đất.
Vùng trắc ẩn rồi ai còn ai mất,
Nghĩa tử
ly, oan khuất mủi thương mình.
Định thế
nào, là thảm bại quang vinh,
Thua hay
thắng, thường tình trong dĩ nghiệp.
Mỗi
Mũ Đỏ là lương tri thông điệp,
Để toàn
dân phải ngưỡng mộ tri ân.
Họ đã tặng
đời tim óc, xác thân,
Trong biển lửa,
giữa gian trần bạc bẽo.
Cánh Dù rơi...
Nơi xứ người lạnh lẽo,
Thiên Thần buồn
réo khúc nhạc bi ai.
Cánh dù bung từng
ôm cả chí trai,
Gom hoài bão miệt mài
trang dũng kiệt.
Kính ông Tướng... Trời
tạm dung đơn độc,
Ngưỡng mộ anh hồn bay
bổng sao băng.
Nơi mù xa vùng sinh tử
trầm thăng,
Ông thanh thoát đất vĩnh
hằng vô tận”
Vĩnh biệt Tư Lệnh.
Vĩnh biệt Đích Thân!!!
Đinh Thế - 405
Tài liệu Tham khảo:
–Phỏng vấn các Chiến Hữu trong SĐND.
–Những tin tức do
Anh Lê Quang Đức, con trai của Tướng Lưỡng cung cấp.
–Thiên Thần Mũ Đỏ Ai còn? Ai mất? của Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng
trên trang nhà www.nhaydu.com.
–Bài Văn Tế Tướng Lê Quang
Lưỡng của Định Thế 405 – Giám Đốc Võ Thuật SĐND, Đại đội trưởng
90.
–Bài Điếu Văn của Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức đọc
trong lễ Truy Niệm tại Bakerfield 11/2005.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
05
Tiểu Sử các Tác giả
****** ||| ******
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Võ
Trung Tín: Sinh ngày Sinh ngày 30 tháng 4 năm 1943 tại Hòa
Thuận, Trà
Vinh. Theo học tại các trường Trung học Trần Trung Tiên (Trà Vinh
1957–1961), Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long 1962), Tân Dân (Kiến Hòa
1963) và Hoàng Diệu (Ba Xuyên 1964).
Tháng 10/1965, tình nguyện nhập ngũ
khóa 21 Trường Bộ Binh Thủ Đức, giai đoạn 2 học tại Trường Truyền
Tin QLVNCH tại Vũng Tàu. Mãn khóa vào tháng 7 năm 1966, về phục
vụ tại Phòng Truyền Tin Sư Đoàn 2 Bộ Binh tại Quảng Ngãi.
Tháng 8 năm 1968, tình nguyện về Tiểu
Đoàn Truyền Tin Sư Đoàn Nhảy Dù, đảm nhận các chức vụ: sĩ quan
Truyền Tin Trung tâm Hành Quân Sư Đoàn, sĩ quan Khai Thác/Phòng
Truyền Tin Sư Đoàn, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Truyền Tin và Đại
đội trưởng Đại Đội Khai Thác Hành Quân/Tiểu Đoàn Truyền Tin.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi CSBV xâm
lăng VNCH, di tản và tỵ nạn tại Hương Cảng đến ngày 27/10/1975
vào được Hoa Kỳ, đến tạm cư tại Kansas City, Missouri và theo học
tại Học viện Electronics Institute.
Tháng 7 năm 1977, ra trường và di
chuyển về định cư tại Orange County, Nam California cho đến ngày
nay.
Nguyễn
Hữu Viên: Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1934 tại Ngọc Hà–Hà Nội. Nguyên
quán tỉnh Kiến An, Hải Phòng.
Mồ côi từ nhỏ bởi gia đình
ly tán trong thời gian chiến tranh Pháp–Việt vào những năm 1945
và 1946.
Năm 1953, bị bắt động viên vào
Đại Đội 6 chiến xa của Pháp tại Hải Phòng. Đã tham dự các trận Ba
Vì, Kẻ Sặt, Hưng Yên, v.v.
Sau đình chiến tháng
7/1954: đào ngũ.
Tháng 10/1954,
tái nhập ngũ vào Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Khi di chuyển từ phi
trường Cát Bi–Hải Phòng về Nha Trang, tình nguyện về Đại Đội 3
Công Binh Nhảy Dù (3è. CPG), đồn trú tại Đồng Đế–Nha Trang. Sau
di chuyển vào Sài Gòn.
Ngày 20 tháng 10 năm 1967,
theo học giai đoạn 2 khóa 26 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Mãn khóa về
phục vụ tại Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù qua các chức vụ:
Trung đội trưởng, Trưởng Ban 5 Tiểu Đoàn, Đại đội trưởng, Chỉ huy
Hậu Cứ kiêm sĩ quan Tiếp Liệu Binh Đoàn và Trưởng Ban 3 Tiểu
Đoàn.
Sau ngày cộng sản cưỡng chiếm miền Nam 30/4/1975, đi tù
“cải tạo” từ Nam ra Bắc thời gian 77 tháng. Tháng 4/1986, vượt
biển đến Mã Lai. Tháng 12/1986, đến Hoa Kỳ và hiện đang đinh cư
tại Nam California.
Võ Trung Tín,
Nguyễn Hữu Viên.
Quyển sách ghi đầy đủ chi
tiết trên 40 trận chiến khốc liệt của các Chiến sĩ Nhảy Dù đã làm
cho đối phương kinh hoàng trên khắp các mặt trận. Những trận đánh
hào hùng mà bao nhiêu chàng trai trẻ của
[các]
thế hệ đã hãnh diện góp phần xương
máu để Bảo Quốc–An Dân và được mọi người xưng
tán là “Thiên Thần Sát Cộng”
Tác Giả: Võ Trung Tín, Nguyễn Hữu Viên.
Bìa
cứng, số trang: 610.
Kích Thước: Cao 10.1’ x Rộng 7.5’ x Dầy
1.3’.
Trọng Lượng: 2.11lbs.
*Quyển sách ghi nhận chi
tiết trên 40 trận chiến khốc liệt của các Chiến sĩ Nhảy Dù đã làm
cho đối phương kinh hoàng trên khắp các mặt trận trong suốt 20
năm. Từ Hạ Lào sang Kampuchea nắng cháy da người đến chiến trường
Tây Bắc giá buốt. Từ Chiến Khu D, Đồng Tháp, Tam Biên hay mật khu
Dương Minh Châu cho đến Tây Nguyên khói súng mịt mù. Từ những
trận chiến ác liệt giữa trung tâm thành phố Sài Gòn, Huế, Quảng
Trị đến những địa danh xa xôi hẻo lánh Khe Sanh, Ia Drang, Cồn
Tiên...
*Quyển sách ghi lại những trận đánh hào hùng mà
bao nhiêu chàng trai thế hệ đã hãnh diện góp phần xương máu để “Bảo
Quốc–An Dân” và được mọi người xưng tán là “THIÊN
THẦN SÁT CỘNG”
*Quyển sách ghi lại những chiến
tích oanh liệt của những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
một cách trung thực bằng kinh nghiệm bản thân của hai người lính
Dù: Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên với sự tham khảo cùng các
chiến hữu trong Binh Chủng và các tài liệu xác thực.
*Quyển sách xứng đáng với lòng mong đợi trên 30 năm qua của những
ai đã từng khoác chiến y “Hoa Rừng–Mũ Đỏ” của Binh Chủng Nhảy Dù
và không thể thiếu vắng trong tủ sách gia đình của mọi người
Việt.
*Sách dày trên 600 trang, bìa dầy, chữ nổi mạ vàng,
màu sắc tuyệt đẹp, ấn loát với kỹ thuật tân kỳ tại Đài Loan.
*Giá sách cộng luôn cước phí:
*Tại
Hoa Kỳ: $40.00USD/một quyển
*Ngoài Hoa Kỳ:
$55.00USD/một quyển
*Mua sách:
xin vui lòng gởi Cashier Check hay Money Order và đề “Pay
to the order of: Hải Võ,”
Địa chỉ: Mr. Vo:
1246 S. Huron Dr. Santa Ana, CA 92704
Mọi liên lạc về tác phẩm
này xin gởi điện thư về địa chỉ:
20namchiensu@gmail.com
hoặc điện
thoại: 714–856–9202.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
06
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by MĐ Tin Vo chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, April 23, 2015
Cập nhật ngày Thứ Hai, September 7, 2020
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang