Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử

Binh Chủng Nhảy Dù – 20 Năm Chiến Sự

Các tác giả Võ Trung Tín & Nguyễn Hữu Viên thực hiện

 

 

 

Lời giới thiệu: Nhân dịp Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH tổ chức Hội ngộ Binh chủng thường niên vào tháng 7/2015 tại Thủ đô Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Ban Kỹ Thuật xin được hân hạnh giới thiệu với Quý Độc giả và Quý ACE cựu quân nhân SĐND về trang điện tử mới được thành lập “Trang Nhảy Dù Washington, D.C. [GĐMĐVN Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận]

Cũng nhân dịp này, BKT xin được hân hạnh giới thiệu bộ sách “Binh chủng Nhảy Dù – 20 năm chiến sự” do các tác giả Đại úy Võ Trung Tín và Đại úy Nguyễn Hữu Viên thực hiện. Đây là bộ sách nói về Chiến sử của Sư Đoàn Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày thành lập. Bộ sách gồm 3 phần, kính mời Quý vị theo dõi phần Mục lục bên dưới. Trân trọng.
--BKT.

 

****** ||| ******

 

MỤC LỤC

 

Lời Cảm ơn

 

A. PHẦN A: TỔ CHỨC

 

B. PHẦN B - CHIẾN SỰ

 

1. Trận Điện Biên Phủ (13-3-1954 đến 7-5-1954)
2. Tình Hình Việt Nam Sau Hiệp Định Geneve
3. Chiến Dịch Đinh Tiên Hoàng (23-5-1955 đến 6-12-1955)
4. Chiến Dịch Hoàng Diệu (từ 21/9 đến 24-10-1955)
5. Chiến Dịch Nguyễn Huệ (từ 1-1- đến 17-2-1956)
6. Binh Biến ngày 11-11-1960
7. Trận Phước Thành (18 - 19-9-1961)
8. Trận Ấp Bắc (2 - 3-1-1963)
9. Trận Tân Châu Hồng Ngự (2 đến 4-3-1964)
10. Trận Bình Giả (3-12-1964 - 3-1-1965)
11. Trận Hắc Dịch (9/2 đến 10-2-1965)
12. Trận Ba Gia (28-5-1965 đến 2-6-1965)
13. Trận Đồng Xoài (9 đến 20-6-1965)
14. Trận Đức Cơ (4-8-1965 - 15-8-1965)
15. Chiến dịch Ia Drang - Thần Phong 7 (14 - 18-11- 1965)
16. Hành Quân Thần Phong 11 (28/1 – 6-3-1966)
17. Đại Bàng 800 (12-11-1966)
18. Hành Quân Liên Kết 81 (16/2 đến 22-2-1967)
19. Lam Sơn 54–Khu Phi Quân Sự (18-27-5-1967)
20. Trận Dak To (đồi 1416) (3 – 22-11-1967)
21. Tổng Công Kích Năm Mậu Thân (từ ngày 29-1-1968)
22. Mặt Trận Sài Gòn (30-1-1968)
23. Mặt Trận Quảng Trị (30-1-1968)
24. Mặt Trận Huế (30-1-1968)
25. Mặt Trận Khe Sanh (1 - 15-4-1968)
26. Mặt Trận Ashau (19/4 – 17-5-1968)
27. Trận Mậu Thân đợt hai (từ ngày 5-5-1968)
28. Trận Gò Nổi (Tây Ninh) (19-5-1969)
29. Chiến Dịch Bình Tây (Từ ngày 27-3-1970)
30. Hành Quân Toàn Thắng 42 (29/4 – 22-7-1970)
31. Hành Quân Toàn Thắng 43 (1/5– 30-6-1970)
32. Hành Quân Toàn Thắng 45 (6/5 – 30-6-1970)
33. Hành Quân Lam Sơn 719 (8/2 đến 6-4-1971)
34. Trận đánh Căn Cứ Hỏa Lực 6 (4/4 đến 17-4-1971)
35. Trận đánh Căn Cứ Hỏa Lực 5 (24/5 - 19-6-1971)
36. Mùa Hè Đỏ Lửa
37. Mặt Trận Tây Nguyên (17/3 - 28-5-1972)
38. Mặt Trận Bình Long (2/4 - 8-6-1972)
39. Mặt Trận Quảng Trị (30/3 - 15-9-1972)
40. Trận Thường Đức (18/8 - 8-11-1974)
41. Trận Ban Mê Thuột (10/3 - 16-3-1975)
42. Trận Khánh Dương (19/3 - 1-4-1975)
43. Trận Phan Rang (1/4 - 17-4-1975)
44. Trận Long Khánh (9/4 – 21 -4-1975)

 

C. PHẦN C: CÁC VỊ TƯ LỆNH SĐND

 


TIỂU SỬ CÁC TÁC GIẢ
(Võ Trung Tín & Nguyễn Hữu Viên)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******06******

6. Binh Biến ngày 11-11-1960

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Binh Biến ngày 11-11-1960

Sau ngày đất nước bị chia cắt, toàn thể nhân dân miền Nam đều mong muốn có một sự đổi đời tươi sáng. Mọi người đều hy vọng có được một lãnh tụ xứng đáng có thể tạo lập một chính quyền quốc gia vững mạnh để củng cố và xây dựng một miền Nam hùng cường hầu có thể thống nhất lãnh thổ trong một tương lai gần với thế mạnh.

Nhưng thực tế đã làm tan biến dần những hy vọng của hàng triệu người dân miền Nam. Dưới hình thức chống cộng, chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã che dấu ý đồ tiêu diệt các phần tử đối lập và đàn áp dân chúng để củng cố địa vị cho gia đình và phe đảng. Ông Ngô Đình Diệm với bản tính đa nghi, ông không tin cậy ai ngoài anh em ruột thịt, hoặc người cùng làng, cùng tôn giáo hay người của đảng Cần Lao xu thời nịnh hót. Thái độ ngạo mạn của những thành viên trong gia đình của ông Điệm là một trong những nguyên nhân đưa đến bất mãn trong dân chúng.

Trong bối cảnh đó, 18 chính trị gia tên tuổi, gồm có Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Trần Văn Đỗ, v.v. trong đó có đến 11 Tổng trưởng, Bộ trưởng của chính chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Diệm, họp tại nhà hàng Caravelle, Sài Gòn, vào ngày 26/4/1960, đã ra Tuyên Ngôn phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đòi ông thay đổi chính sách.

Do những sự bất mãn đó đã dẫn đến cuộc đảo chánh ngày 11/11/1960. Ban đầu, quân đảo chính kiểm soát được một số vị trí quan trọng tại Sài Gòn do yếu tố bất ngờ, tuy nhiên nhanh chóng thất bại khi các thủ lãnh quân sự không kiên quyết cũng như không có được sự ủng hộ của đông đảo các thành phần quân cán chính. Trong ngày này ba Tiểu Đoàn Nhảy Dù cộng với một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đã bao vây Dinh Độc Lập và yêu cầu Tổng thống Diệm cải tổ chính phủ. Người chỉ huy trực tiếp cuộc binh biến này là Trung tá Vương Văn Đông (chứ không phải Đại tá Nguyễn Chánh Thi). Vương Văn Đông là một sĩ quan gốc miền Bắc, từng là sĩ quan trong quân đội Pháp, từng tham gia chiến tranh chống Việt Minh cộng sản, từng đi học ở Fort Leavenworth, Kansas Hoa Kỳ, do đó được các cố vấn quân sự Mỹ đánh giá cao.

Trung tá Đông đã chiêu dụ thêm vị chỉ huy trực tiếp của ông là Đại tá Nguyễn Chánh Thi vào giờ phút chót. Cuộc vây hãm dinh độc lập tỏ ra thất bại ngay từ lúc 5 giờ sáng, ngày 11 tháng 11, kế hoạch đảo chính đã được thực hiện không hiệu quả, quân đảo chính đã không tuân thủ chiến thuật đã được đề ra lúc ban đầu như chiếm giữ đài phát thanh và phong tỏa các con đường dẫn vào đô thành Sài Gòn, không cắt đường giây điện thoại từ trong dinh Độc Lập, nhờ vậy ông Diệm đã liên lạc được với các vị sĩ quan còn trung thành với chính phủ.

Về sau, Vương Văn Đông đã liên lạc với đại sứ Mỹ Durbrow, tìm sự yểm trợ. Ông này trả lời cho biết: “Chúng tôi sẽ ủng hộ chính quyền đương nhiệm, chừng nào chính phủ đó bị lật đổ”. Trung tá Vương Văn Đông và Đại tá Nguyễn Chánh Thi chỉ có một con đường thoát: dùng máy bay chạy trốn sang Cam Bốt và bắt đầu một cuộc sống lưu vong ba năm.

Nhưng chính biến 11 tháng 11, 1960 cũng báo hiệu thời kỳ suy sụp của chính quyền Ngô Đình Diệm. Một sự suy sụp mà ông Ngô Đình Nhu đã tiết lộ với nhà báo Hoa Kỳ Karnow rằng kẻ thù của ông không phải chỉ có cộng sản mà chính là những người bạn cùng sát cánh với ông trong việc chống đối chế độ cộng sản miền Bắc.

Ba năm sau đó, chính quyền Ngô Đnh Diệm đã bị lật đổ và anh em ông Diệm đã bị thảm sát. Trong khi đó, những người lưu vong ở Kampuchea chuẩn bị trở về vì đã có người khác làm thay cho công việc mà 3 năm trước họ đã thất bại.

Thành phần chủ động trong cuộc đảo chánh bao gồm các nhân vật quân sự và dân sự đã được Trung tá Vương Văn Đông kể lại trong quyển Binh Biến 11/11/1960 như sau:

- Trung tá Vương Văn Đông
- Trung tá Nguyễn Triệu Hồng
- Thiếu tá Trần Văn Đô, TĐT TĐ1ND
- Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc TĐT TĐ3ND
- Thiếu tá Nguyễn Huy Lợi, Phòng 3/TTM
- Thiếu tá Phan Trọng Chinh (Chỉ huy Trưởng BĐQ)
- Đại úy Nguyễn Văn Thừa TĐ8ND.

Phía dân sự có nhóm Liên Minh Dân Chủ gồm các Ông: Luật Sư Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Bảo Toàn, Xuân Tùng, Lê Vinh...

Theo kế hoạch, cuộc đảo chánh tiến hành theo hai giai đoạn như sau:

Giai Đoạn I:

• Trước tiên Thiếu tá Trần Văn Đô và Đại úy Nguyễn Thành Chuẩn chỉ huy TĐ1ND tấn chiểm Lữ Đoàn phòng vệ Phủ Tổng thống sau đó tiến chiếm đài phát thanh, rồi bắt giữ Đại tướng Lê Văn Tỵ và Thiếu tướng Nguyễn Khánh

• Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc và TĐ3ND tấn chiếm Dinh Độc Lập bắt giữ gia đình Ông Ngô Đình Diệm

• Thiếu tá Nguyễn Huy Lợi với một Đại Đội TQLC biệt phái chiếm đóng Bộ Tổng Tham Mưu

• Thiếu tá Phan Trọng Chinh chiếm giữ BTL Dù và căn cứ Tân Sơn Nhất điều phối các đơn vị trừ bị, tập hợp các phương tiện vận tải, truyền tin cần thiết cho việc di chuyển và liên lạc

• Đại úy Nguyễn Văn Thừa điều động 2 Đại Đội thuộc TĐ8ND chiếm đóng Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành

• Trung úy Nguyễn Vũ Từ Thức với Đại Đội Không Vận tiến chiếm Quân Khu Thủ Đô và Sở Liên Lạc Chính Trị

• Đại úy Nguyễn Kiên Hùng, bắt giữ Đại úy Bằng TĐ phó (một SQ Cần Lao) và chỉ huy TĐ3TQLC tiến chiếm BTL/HQ, cầu Bình Lợi, BCH Trung Đoàn địa phương 135, biệt phái cho Thiếu tá Lợi một Đại Đội trấn giữ Bộ Tổng Tham Mưu

• Đại úy Trần Đình Vy cùng đi với Thiếu tá Hinh cùng 2 Đại đội Nhảy Dù tiến chiếm BCH trại Trung Đoàn Thiết Giáp đóng ở Gò Vấp

• Một Đại Đội TĐ8ND án ngữ tại mũi tàu Phú Lâm ngăn chận viện quân từ miền Tây

• Thiếu tá Nguyễn Công Khanh với Trung Đội Đặc Biệt bắt giữ Trung tướng Thái Quang Hoàng, Bác sĩ Trần Kim Tuyến và những nhân vật được chỉ định khác

• Thiếu tá Phạm Văn Liễu đưa Đại úy Trần Đình Vy đón Thiếu tá Hinh chỉ huy phó Thiết Giáp rồi về Bộ TTM phụ tá cho Thiếu tá Lợi.

 

Cổng chính Bộ Tổng Tư lệnh QLVNCH

Giai Đoạn 2:

• Thiếu tá Đô biệt phái một đơn vị Dù chiếm đóng Nha An Ninh Quân Đội
• Thiếu tá Lộc biệt phái một đơn vị Dù chiếm giữ Quốc Hội, Bộ Quốc Phòng, và Bộ Nội Vụ
• Thiếu tá Lợi tổ chức phòng thủ Đô Thành và tiếp nhiệm bộ TTM
• Đại úy Nguyễn Văn Thừa tổ chức phòng thủ những mục tiêu đã chiếm được, trung ương truyền tin, sở nghiên cứu chính trị
• Đại úy Nguyễn Kiên Hùng tổ chức phòng thủ mặt Biên Hòa ngăn chặn viện binh từ Bình Dương
• Đại úy Trần Đình Vy mang lực lượng Thiết Giáp về tăng cường cho TĐ3ND và đặt dưới quyền điều động của Bộ TTM.

Diễn Tiến:

Ngày 10/11/1960, 3 Tiểu Đoàn 1, 3 & 8ND cùng TĐ3TQLC đều có mặt tại Sài Gòn (do sự sắp xếp của Thiếu tá Lợi P3TTM) Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc, Tham Mưu Trưởng Liên Đoàn Nhảy Dù ra lệnh cấm trại toàn thể các đơn vị Dù (thực tế không có lệnh cấm trại).

Đến 7.00 giờ đêm, tất cả ban tham mưu đảo chánh tập họp tại Bộ Chỉ Huy TĐ3ND tại vườn cao su Phú Thọ. Thiếu tá Ngô Xuân Xoạn TĐT/TĐ5ND cũng được mời tới đây nhưng Ông từ chối tham gia và đòi bỏ ra về nên đã bị nhân viên an ninh hạ sát. Riêng Đại úy Trương Quang Ân TĐT TĐ8ND khi được Thiếu tá Lộc mời tới doanh trại TĐ3ND rồi bị giữ lại, Ông không sốt sắng tham gia nhưng trước hoàn cảnh không lối thoát Ong miễn cưỡng chấp nhận và phái một Đại Đội án ngữ mũi tàu Phú Lâm, ngăn chận viện quân từ miền Tây.

11.00 giờ đêm, Trung tá Đông, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng, Thiếu tá Phan Trọng Chinh, Thiếu tá Đô, Thiếu tá Lộc và Đại úy Nguyễn Thành Chuẩn tới nhà riêng để bắt giữ Đại tá Nguyễn Chánh Thi. Thiếu tá Lộc vào trước và cho lệnh toán lính gác về căn cứ Hoàng Hoa Thám, và sẽ cho toán lính khác thay thế.

Khi gõ cửa, Đại tá Thi mở cửa và ông được mời đi, lúc đầu ông không chịu đi nhưng với sự cương quyết của mọi người ông chịu đi theo.

Trên đường về nơi tập họp, Thiếu tá Đô và Đại úy Chuẩn ghé TĐ1ND ra lệnh tập họp và nắm quyền chỉ huy đơn vị TĐ1ND (lúc này TĐT/TĐ1ND là Đại úy Dư Quốc Đống không có mặt tại đơn vị). Thiếu tá Chinh về thẳng căn cứ Hoàng Hoa Thám tập họp các đơn vị như ĐĐ súng cối, ĐĐ công binh, ĐĐ công Vụ, Phân Đội Truyền Tin, TĐ8ND. Trung úy Lưu Danh Rạng sĩ quan Truyền Tin của Liên Đoàn Dù cắt đứt tất cả đường dây liên lạc từ bên ngoài Nhảy Dù.

Ngày 11/11/1960 giờ bắt đầu nổ súng dự trù là 1.00 giờ nhưng vì tập trung quân số chậm chạp và thiếu phương tiện chuyên chở nên tới 2.30 giờ tiếng pháo lệnh mới bắt đầu. Và lực lượng đảo chánh bắt đầu tấn công các mục tiêu. Giờ chót Thiếu tá Hinh Chỉ Huy Phó Thiết Giáp đã không tham gia, nên không có đơn vị Thiết Giáp ở Gò Vấp tham dự. Đại úy Trần Đình Vy muốn bắt giữ Hinh nhưng Thiếu tá Liễu ngăn cản, khi Trung tá Đông ra lệnh trở lại bắt thì Thiếu tá Hinh đã mang vợ con trốn khỏi nhà. TĐ3TQLC chỉ tham gia có 1 Đại Đội mà thôi vì Đại úy Nguyễn Kiên Hùng TĐT/TĐ3TQLC, lúc khởi sự tập họp đơn vị, tinh thần bị giao động không kiểm soát nổi đơn vị để cho Đại úy Bằng TĐP, một SQ cần lao chỉ huy thay vì y phải bị bắt giữ trước khi khởi sự.

Tại ngã tư Phan Đình Phùng – Công Lý một đơn vị Nhảy Dù khởi sự chận bắt những quân nhân di chuyển trên đường phố khoảng hơn hai chục người tập trung họ lại trên vỉa hè đường Công Lý, sát hàng rào Dinh Độc Lập. Số người bị bắt giữ mỗi lúc một đông, trong khi tiếng súng bắt đầu nổ ran.

Việc chiếm đóng Bộ TTM, Nha Cảnh Sát Đô Thành không gặp trở ngại, riêng tại BTL quân khu Thủ Đô và tư thất Tướng Thái Quang Hoàng gặp sự chống trả mãnh liệt, nhưng một giờ sau 2 địa điểm này cũng thất thủ, Tướng Hoàng bị bắt giữ hồi 4.30 giờ. Sáng ngày 11/11/60 Đại tá Đỗ Mậu bị bắt giữ tại Tổng nha Công An.

Ngay sau khi chiếm giữ Bộ Tổng Tham Mưu, không biết việc Thiếu tá Hinh, CHP Thiết Giáp không tham gia vì Thiếu tá Liễu không báo cáo, Thiếu tá Lợi đã dùng Hệ Thống liên lạc của bộ TTM gọi Trung Đoàn 5 Thiết Giáp đồn trú ở Mỹ Tho về Sài Gòn. Theo kế hoạch Thiếu tá Hinh sẽ đón Thiết Đoàn này tại Phú Lâm và tăng cường cho lực lượng đảo chánh. Khi biết Không có Hinh, Thiếu tá Lợi gọi ra lệnh cho Thiếu tá Lâm Quang Thơ CHT Thiết Đoàn, đem Thiết Đoàn này về trình diện TTM nhưng Thơ lại đem Thiết Đoàn này bảo vệ Dinh Độc Lập hồi 10.00 giờ sáng.

Tại Bộ TTM, Trung úy Trần Đình Vượng có nhiệm vụ phá Tổng đài Điện Thoại nhưng phải trễ tới 5 giờ sau mới thực hiện được.

Tại Hoàng Hoa Thám, Thiếu tá Phan Trọng Chinh sau khi cho lệnh xuất phát (bằng những công điện giả) đã mang một đơn vị đến chiếm giữ căn cứ Tân Sơn Nhất bắt giữ Trung tá Nguyễn Xuân Vinh Tư lệnh Không Quân, Trung tá Hiền Tham Mưu Trưởng, Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy Phi Đoàn Vận Tải. Những sĩ quan này được giam tại Hoàng Hoa Thám. Nhưng sau đó Trung tá Nguyễn Xuân Vinh trốn khỏi vì sự sơ hở vô tình hay cố ý của Đại úy Hồ Tiêu, người có trách nhiệm canh gác.

Thiếu tá Chinh gởi công điện ra lệnh TĐ6ND đưa 1 ĐĐ đến chiếm phi trường Vũng Tàu, một Đại Đội về chiếm phi trường Biên Hòa, phần còn lại của Tiểu Đoàn chiếm giữ BTL SĐ7 do Trung tá Huỳnh Văn Cao làm Tư Lệnh đóng cạnh phi trường Biên Hòa. TĐ5ND được lệnh đưa một Đại Đội tới chiếm BTL Quân khu 1 đóng tại Thủ Đức, một ĐĐ tới chiếm Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, và phần còn lại của TĐ về trình diện căn cứ Hoàng Hoa Thám làm thành phần trừ bị.

5.00 giờ, 3 Đại Đội còn lại của TĐ3TQLC do Đại úy Bằng TĐP chỉ huy đã đến bao vây Bộ chỉ huy đảo chính tại nhà thờ Đức Bà, nhưng thấy không kham nổi nên kéo quân theo đường Nguyễn Du về tăng cường cho lực lượng phòng thủ Dinh Độc Lập.

Bộ chỉ Huy cuộc đảo chánh gồm có Trung tá Vương Văn Đông, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng và Trung úy Lưu Danh Rạng. Lúc đầu Bộ chỉ huy đặt tại góc đường Hai Bà Trưng và Thống Nhất, sau vì cuộc chiến có nhiều biến chuyển nên dời về Nhà Thờ Đức Bà, Trung úy Rạng cho chiếm giữ Bưu Điện Sài Gòn tập trung các nhân viên và ra lệnh cắt đứt hệ thống điện thoại. Nhưng chỉ cắt được một phần lớn, còn lại một số vẫn liên lạc được.

Tại Trung Đoàn Thiết Giáp Gò Vấp, Đại úy Trần Đình Vy với 2 đơn vị Dù biệt phái vừa đến nơi đã bị các chiến xa dưới quyền điều động của Thiếu tá Hinh và Thiếu tá Thẩm Nghĩa Bôi Trung Đoàn Trưởng, bao vây vào giữa sân cờ.

 

Trong khi đó, Dinh Độc Lập được phòng thủ bởi:

• 1 Đại đội cận vệ khoảng 100 quân nhân
• 2 Một Đại đội Bộ binh 150 quân nhân, thay phiên vào mỗi buổi chiều
• 3 Một Chi đoàn chiến xa thường trực trong Dinh.

Khoảng 2.30 giờ rạng sáng ngày 11/11/1960, Thành Cộng Hòa và Dinh Độc Lập bắt đầu bị tấn công. Trung úy Vũ Thế Quang dẫn một Đại Đội Nhảy Dù tới cổng trước của Thành Cộng Hòa cầm chân quân Lữ đoàn phòng vệ, không cho ra khỏi thành Cộng Hòa.

Khi lực lượng Nhảy Dù bắt đầu tấn công vào Dinh Độc Lập Thiếu tướng Nguyễn Khánh đang giữ chức Thư Ký Thường Trực Quốc Phòng ở Phủ Tổng thống. Tướng Khánh đang ở nhà, nghe tin có đảo chánh, đã chạy vào Dinh Độc Lập, đến cổng Nguyễn Du đập cửa xin vào Dinh. Trung úy Nguyễn Văn Lễ, Đại đội trưởng canh gác, không dám mở cổng, sợ quân đảo chánh tràn vào. Trung úy Lễ xin cho thòng dây xuống để Thiếu tướng Khánh leo qua hàng rào. Tổng thống Diệm phong cho Tướng Khánh làm “Tư Lệnh Toàn Quyền” để thương lượng với phe đảo chánh.

Bên trong Dinh Độc Lập, Tổng thống Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu, BS Trần Kim Tuyến và Thiếu tướng Nguyễn Khánh ngồi trong phòng Ông Tôn Thất Thiết, Chánh sự vụ Sở Nội Dịch, ở tầng dưới, sát nhà bếp để theo dõi tình hình.

Từ sáng sớm, Tổng thống Diệm đã phái người liên lạc với Trung tá Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7, đưa quân về ngay để cứu viện, đồng thời dùng hệ thống Truyền tin của Dinh liên lạc trực tiếp với Đại tá Trần Thiện Khiêm, Tư lệnh Sư đoàn 21 ở Cần Thơ; Thiếu tá Thơ, Tỉnh trưởng Mỹ Tho, và Thiết giáp của Tỉnh cùng đem quân về gấp để giải vây.

Tới 5.00 giờ sáng lực lượng Nhảy Dù mới chiếm được một phần doanh trại của Liên Binh phòng vệ phủ Tổng thống, Tướng Nguyễn Khánh đã trốn khỏi nhà. Trong đợt tấn công đầu tiên Trung úy Sơn Ngọc Phường đã tử thương.

Quanh Dinh Độc Lập, tiếng súng mỗi lúc một mãnh liệt, Trung tá Đông ra lệnh cho Thiếu tá Đô tăng cường thêm cho TĐ3ND một hoặc 2 Đại Đội Nhảy Dù và các thiết vận xa chiếm được của Liên Binh Phòng Vệ. Nhưng Thiếu tá Đô không tìm ra được người nào biết lái xe Thiết Giáp từ các quân nhân đã bắt được.

Trung tá Nguyễn Triệu Hồng dự định đi đón Luật Sư Thụy để chuẩn bị giai đoạn chính trị, trước khi đi, ông muốn quan sát tình hình quân sự tại Dinh Độc Lập, tại đây Trung úy Nguyễn Bá Mạnh Hùng vừa chiếm được vọng gác phía trước cửa Dinh. Trung tá Hồng đang quan sát thì một viên đạn từ ổ phòng thủ tại góc đường Hồng Thập Tự & Công Lý bắn trúng và hy sinh ngay tại chỗ.

6.00 giờ, Thiếu tá Lộc chỉ huy TĐ3ND báo cáo, đơn vị chưa vào được trong Dinh Độc Lập, Ông đang ở phía Sân Tao Đàn & Hồng Thập Tự và hiện có một đơn vị Thiết Giáp đang đánh bọc hậu nên xin viện binh. Thật sự Thiếu tá Lộc đã tấn công Dinh Độc Lập không đúng theo kế hoạch. Theo như kế hoạch đã định sẵn phải tấn công ở hai phía trước cửa Dinh và mặt sau của Dinh. Đàng này Ông đã đổ quân bên phía Hồng Thập Tự rồi cho quân tẻ ra 2 phía tấn công vào gặp hàng rào cản khó có thể vượt qua nên mất đi yếu tố bất ngờ. Hơn nữa lực lượng phòng thủ bên trong có xe Thiết Giáp yểm trợ. (tại sao không dùng đại bác không giật 75ly phá hỏng hàng rào phòng thủ đánh thốc vào trong? Thời điểm này đơn vị được trang bị rất nhiều).

Một ĐĐ/TĐ6ND đã chiếm xong phi trường Vũng Tàu, thành phần còn lại đã đến chiếm phi trường Biên Hòa và Bộ TL SĐ7. Một ĐĐ/TĐ5ND chiếm BTL Quân khu 1 ở Thủ Đức không gặp sự kháng cự nào, nhưng đến Liên Trường Võ Khoa thì phải khựng lại vì Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm Chỉ huy Trường dùng chiến xa để ngăn chận. 2 ĐĐ khác của TĐ5ND được tăng cường cho TĐ3ND để tiếp tục tấn công vào Dinh Độc Lập. 1 ĐĐ/TĐ5ND được phái đến chiếm cầu Bình Lợi để ngăn chận Viện Binh từ Bình Dương thay thế cho đơn vị TĐ3TQLC như dự trù.

Thay đổi chiến thuật, Trung tá Đông đã đến trả tự do cho Đại tá Thi và giao hai nhiệm vụ (tại khu vực Dinh Độc Lập) kêu gọi lực lượng Liên Binh Phòng Vệ đầu hàng, và liên lạc với Trung tá Lê Quang Tung để rút lui lực lượng đặc biệt đang hoạt động phía sau các đơn vị Nhảy Dù.

7.00 giờ sáng, Trung tá Đông đến nhà Luật Sư Thụy, tại đây có mặt đầy đủ các nhân vật dân sự thuộc khối Liên Minh Dân Chủ như Ông Nguyễn Bảo Toàn, Xuân Tùng, Lê Vinh, v.v. Trung tá Đông yêu cầu Ông Thụy cho phổ biến 2 bản Tuyên Ngôn của Hội Đồng Cách Mạng và bảng hiệu triệu Quân nhân các cấp, (2 bản văn này đã được soạn thảo từ trước). Trung tá Đông đã cắt cử Đại úy Phó Quốc Chu ở lại với nhóm L/S Thụy làm sĩ Quan liên lạc. Đại tá Nguyễn Chánh Thi vừa được trả tự do (lý do Đại tá Thi nhận được bản văn này: L/S Thụy chờ mãi không thấy bản tuyên ngôn được đọc trên đài truyền thanh, nên đã nhờ một đồng chí mang bản thứ hai đến tìm và giao cho Trung tá Hồng, nhưng Hồng đã chết trong khi đó Trung tá Đông không có mặt tại đây nên nhờ một sĩ quan Dù giao lại cho Trung tá Đông, do đó bản văn đến tay Đại tá Thi) đã tự động lên đài phát thanh đọc bản hiệu triệu nhân danh Tổng Tư Lệnh Quân Đội thuộc Hội Đồng Cách Mạng, hầu nắm lấy cơ hội đặc biệt biến vai trò “bất đắc dĩ” thành vai trò lãnh đạo cách mạng.

Bản Hiệu Triệu Quân Đội:

Tướng lãnh, Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ.

Chính phủ Ngô Đình Diệm sau sáu năm cầm quyền đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc giữa lúc cộng sản ngày càng gia tăng áp lực.

Ngô Đình Diệm đã áp dụng chính sách độc tài, phong kiến, gia đình trị mù quáng, đặt tham vọng ích kỷ của gia đình lên trên quyền lợi tối cao của đất nước. Quân Đội, lực lượng chính yếu của quốc gia bị nghi kỵ, chia rẽ. Mọi tầng lớp nhân dân bị bốc lột, áp bức, miệt thị. Tự do không được đảm bảo, dân tộc bị dồn vào họa diệt vong.

Trước tình thế đen tối của đất nước, quân đội đã đứng lên lật đổ chính quyền NĐD và tạm thời điều khiển chính phủ với sự tham gia của những nhân sĩ quốc gia để kịp thời thi hành những biện pháp cần thiết chống độc tài, cứu quốc.

Cuộc cách mạng quân đội đã thành công. Quân đội đoàn kết tiến lên diệt độc tài, bảo vệ tự do, đem an ninh cho đất nước.

Quân Đội không đảng phái, chỉ nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, sẽ tôn trọng quyền lợi của đồng bào.

Hội Đồng Cách Mạng và chính phủ lâm thời hoàn toàn tin tưởng ở long ái quốc và ý chí diệt cộng của quân đội.

Vậy toàn thể quân nhân các cấp, các đơn vị phải bình tĩnh tuân theo kỷ luật, cố gắng tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho đồng bào trong giờ phút quyết liệt này.

Nhiệm Vụ Chúng ta là nhiệm vụ lịch sử, Hành động chúng ta là hành động cứu quốc.

Quân đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ cứu quốc.

Hội Đồng Cách Mạng.”

(Khi đọc trên đài Đại tá Thi đổi là: Tư Lệnh Quân Đội Cách Mạng)

Thiếu tá Lợi, tại bộ TTM cho nhân viên tới nhà mời Thiếu tướng Phạm Xuân Chiểu vào bộ TTM nhưng ông từ chối, và hứa khi nào có mặt Đại tướng Lê Văn Tỵ thì ông sẽ vào.

Tại Hoàng Hoa Thám, Thiếu tá Chinh đã cử một Trung Đội ND do Thiếu tá Nguyễn Quốc Tuấn chỉ huy thành công để tiếp thu một đơn vị Thiết Giáp đóng tại cầu Bình Lợi để ngăn chận các đơn vị của TĐ5ND không thể qua được cầu về Sài Gòn.

9.00 giờ, nhận thấy Đại úy Trương Quang Ân, không sốt sắng trong nhiệm vụ điều động một ĐĐND do Đại úy Nguyễn Văn Nhâm chỉ huy, tại mũi tàu Phú Lâm, Thiếu tá Chinh đã đến Phú Lâm để kiểm soát, lượt về ông đã gặp sự kháng cự của đơn vị Bảo An đồn trú tại BTL Bảo An của Trung tá Lâm Văn Phát chỉ huy. (sự kháng cự này báo hiệu sự phản công của phía chính phủ).

Khi tiếng súng phe đảo chánh bắt đầu nổ, Trung Đoàn 12 của Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, thuộc Sư Đoàn 7 do Trung tá Huỳnh Văn Cao làm tư lệnh đang đóng tại Bà Rịa. Lúc hơn 4 giờ sáng, khi nghe tin Sài Gòn có đảo chánh, do đơn vị Nhảy Dù làm chủ động. Lập tức, Thiếu tá Duệ cho báo động, và ra lệnh cho các tiểu đoàn thuộc trung đoàn sẵn sàng di chuyển theo lệnh. Đồng thời lúc đó, ông cũng được lệnh sư đoàn phải đem quân ngăn chận trên đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn, không cho đơn vị Tiểu Đoàn 6 Dù về thủ đô. Tiểu đoàn này do Đại úy Đỗ Kế Giai làm Tiểu Đoàn Trưởng. Khi Trung Đoàn 12 ra chận ở cầu Cỏ May, thì Tiểu Đoàn Nhảy Dù này vừa di chuyển qua rồi. Ngay sau đó Thiếu tá Duệ đã điều động Tiểu Đoàn 2/12 đang đóng ở Phước Thành (Bình Long), do Đại úy Bùi Sanh Châu làm Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 3/12 do Đại úy Nguyễn Tri Phương làm Tiểu Đoàn Trưởng cùng với bộ chỉ huy Trung Đoàn di chuyển ngay về Sài Gòn. Về phía quân đảo chánh, lúc 10.00 giờ sáng ngày 11/11/1960, Trung tá Đông và Đại tá Thi đã đến tư dinh của Đại tướng Lê Văn Tỵ yêu cầu Đại tướng hãy vào bộ TTM. Trong khi đó Ông Võ Văn Hải bí thư của Ông Diệm vội vã đến gặp Trung tá Đông tình nguyện làm trung gian điều đình giữa Hội Đồng Cách Mạng và Ông Ngô Đình Diệm để tìm giải pháp ổn thỏa, đôi bên có thể chấp nhận được hầu tránh sự lợi dụng của CS. Trung tá Đông đồng ý trên nguyên tắc (thật sự thì chiến trận đã nghiêng về phía chính phủ) với điều kiện Ông Diệm phải tuyên bố từ chức, thì phe cách mạng mới ngưng tấn công. Khi hai bên chưa thỏa thuận được điểm nào thì Đại tá Trần Thiện Khiêm đã đem Lực lượng bộ binh thuộc Quân Khu 5 đang di chuyển về Sài Gòn gần tới Phú Lâm gồm Trung Đoàn 2 Thiết Giáp và 2 Tiểu Đoàn của Sư đoàn 21, còn các lực Lượng SĐ7BB của Trung tá Huỳnh Văn Cao và SĐ5BB đang hành quân cũng trở về đang chuẩn bị vượt sông Sài Gòn bằng Tàu Hải Quân. Các đơn vị này nhận lệnh trực tiếp với Ông Diệm qua Hệ Thống chỉ huy đặc biệt từ phủ Tổng thống.

Giờ này thấy sự hiện diện của Đại tướng Tỵ, Thiếu tướng Phạm Xuân Chiểu cũng vào bộ TTM. Tình hình quân sự lúc này thật là bất lợi cho phe đảo chính. Một đơn vị BĐQ trách nhiệm quanh Thủ Đô dưới quyền chỉ huy của Đại úy Lữ Đình Sơn, (em vợ của Tướng Thái Quang Hoàng) về giải vây Dinh Độc Lập đã chiếm giữ vườn Tao Đàn gia tăng áp lực vào cánh phải của TĐ3ND. Tại Phú Lâm, tiền quân của Trung Đoàn Thiết Giáp do Thiếu tá Lâm Quang Thơ điều động đã phá vỡ rào cản của ĐĐ/TĐ8ND tiến về phía Dinh Độc Lập.

Đứng trước tình cảnh bất lợi về quân sự như thế, và không muốn ở thế rút lui về một địa phương để tổ chức kháng chiến sẽ bất lợi cho lực lượng quốc gia dù cách mạng có thành công hay không nên Hội Đồng cách mạng chấp nhận giải pháp điều đình để gở thế bí.

11.00 giờ, một đơn vị thuộc quân khu Thủ Đô dưới quyền điều động của Trung tá Lê Văn Nhật hoạt động ngăn chận đường tiếp tế của các đơn vị ND từ căn cứ Bà Quẹo theo đường Lê Văn Duyệt.

13.00 giờ lệnh phá sập cầu Bình Lợi để ngăn chận viện binh của SĐ7BB từ phía Bắc thủ đô Sài Gòn. Để có thêm yếu tố thuận lợi, Trung tá Đông đã đến tư dinh của Tướng Mc Garr, Trưởng phái bộ viện trợ Hoa Kỳ, nhờ Ông và Đại Sứ Hoa Kỳ thúc hối Ông Diệm chấp nhận điều kiện do HĐCM đưa ra.

Sau 4 lần liên lạc qua Ông Hải, Tướng Nguyễn Khánh và Ông Diệm, Trung tá Đông chấp nhận thương lượng trực tiếp với Ông Ngô Đình Diệm trước cửa Dinh Độc Lập và với sự bảo đảm an toàn của Tướng Mc Garr, trưởng phái bộ viện trợ Hoa Kỳ. Và lúc này Đại úy Lữ Đình Sơn giả vờ ủng hộ đảo chánh (trá hàng) đến tình nguyện đặt dưới sự điều động của HĐCM.

Khoảng chiều tối, điện thoại trong Dinh reo. Đại tá Khiêm thông báo Sư Đoàn 21 đã vào Sài Gòn, Pháo binh hiện đặt tại Phú Lâm và xin trung thành với Tổng thống.

Hồi 17.30 giờ, Đại tá Thi qua trung gian của Đại úy Phan Lạc Tuyên phụ tá của Đại úy Lữ Đình Sơn, đến gặp và mời bác sĩ Phan Quang Đán lãnh tụ Khối Dân Chủ Đối Lập (đã được CIA Mỹ khuyến khích) tham gia cách mạng và làm cố vấn chính trị cho ông. Ông Đán nhân lời và mau lẹ liên lạc với báo chí tổ chức họp báo tại bộ TTM vào lúc 19.00 giờ. Sự hiện diện đột ngột của Ông Đán trong Hội Đồng Cách Mạng làm cho nhóm của luật sư Thụy ngỡ ngàng.

Ngay lúc đó, Tổng thống Ngô Đình Diệm có ông cố vấn và Thiếu tướng Khánh bên cạnh, đã nói chuyện điện thoại với Đại tướng Lê Văn Tỵ, có Trung tá Vương Văn Đông bên cạnh. Qua Đại tướng Tỵ, phe đảo chánh muốn đưa ra cho Tổng thống 4 yêu sách:

1. Tổng thống sẽ cải tổ Nội các, mở rộng Chính phủ
2. Phe đảo chính sẽ tổ chức một cuộc biểu tình vào sáng ngày 12
3. Lữ Đoàn Nhảy Dù sẽ canh gác Dinh chung với Lữ Đoàn Phòng Vệ PTT
4. Hai bên cử phái đoàn để thảo luận 3 yêu sách trên đây.


Sau đó, hai bên cử phái đoàn ra thương thảo ngay trên đường Thống Nhất, khúc giữa Dinh Độc Lập và Nhà thờ Đức Bà. Phe đảo chính cử Đại tá Nguyễn Chánh Thi làm đại diện. Tổng thống Diệm cử Thiếu tướng Nguyễn Khánh thay mặt.

Lúc 18.00 giờ hơn, Đại tá Thi, Trung tá Đông và Thiếu tướng Khánh lại gặp nhau trước Dinh Độc Lập lần thứ năm, qua đó Ông Diệm đồng ý giải tán chính phủ và thành lập chính phủ liên hiệp quốc gia, nhưng chần chờ chưa chịu chính thức công bố trên đài phát thanh về thỏa hiệp này. Từ giờ này, Đại tướng Lê Văn Tỵ, Thiếu tướng Phạm Xuân Chiểu và Ông Võ Văn Hải (dưới áp lực của một số sĩ quan trẻ có mặt tại bộ TTM) đã tỏ ra tích cực thúc hối ông Diêm chính thức công bố để tránh việc xung đột giữa quân đội.

Lúc 19.00 giờ, Trung tá Đông tuyên bố trong cuộc họp báo: HĐCM muốn tránh đổ máu cho QLVNCH, nhằm bảo toàn tiềm lực chống cộng nên đã chấp nhận giải pháp điều đình. Hiện tại HĐCM còn chờ thái độ dứt khoát của Ông Diệm đối với các điều kiện đưa ra, nếu đến 20.00 giờ không nhận được sự trả lời lực lượng nổi dậy sẽ tiếp tục tấn công.

20.00 giờ, ông Diệm gọi điện thoại trực tiếp cho Đại tướng Lê Văn Tỵ trao trách nhiệm thành lập chính phủ quân nhân cho Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH. Tuy rằng không đúng như ý, nhưng sự nhượng bộ của ông Diệm về việc giải tán chính phủ hiện tại có thể chấp nhận được. HĐCM hối thúc Đại tướng Tỵ soạn thảo nhật lệnh kêu gọi quân đội trở lại vị trí và nhiệm vụ cũ, thông báo việc thành lập chính phủ quân nhân với sự chấp nhận của HĐCM, bản nhật lệnh do Đại tướng Tỵ đọc và phát thanh vào lúc 21.00 giờ ngày 11/11/1960 như sau:

Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ,

Giữa lúc cuộc chính biến nghiêm trọng diễn ra tại Thủ Đô hôm nay, tôi đã hội đàm với Tổng thống Ngô Đình Diệm và đi đến những thỏa thuận sau đây để duy trì sự đoàn kết của quân đội:

1. Tổng thống đồng ý giải tán chính phủ hiện tại sau khi đã thảo luận về vấn đề quốc sự với HĐCM

2. Với sự đồng ý của HĐCM, Tổng thống ủy thác cho các Tướng lãnh trong Quân Đội Cộng Hòa trách nhiệm thành lập một chính phủ quân nhân lâm thời. Chính phủ nay tiếp tục chiến đấu chống CS để bảo vệ Tổ Quốc.

3. Ngay sau khi nhận được lệnh nay, tất cả các đơn vị phải lập tức ngừng bắn, tiếp tục hoạt động trở lại và phải luôn luôn bình tĩnh đề cao cảnh giác đề phòng sự phá hoại của CS.

KBC 4002 ngày 11/11/1960
Đại tướng Lê Văn Tỵ.


Đại sứ Mỹ Durbrow và Tướng Mc Garr điện thoại đến chúc mừng Đại tướng Tỵ đã thành công trong việc dung hòa đòi hỏi của đôi bên, và tránh được sự tan rã của quân đội.

Chiều ngày 11/11/1960 rất nhiều đoàn thể chính trị ở thủ đô ra tuyên cáo ủng hộ HĐCM và dân chúng vừa vui mừng, vừa hiếu kỳ tập họp đông đảo trước dinh Độc Lập. Đại tá Thi có mặt trong đám đông này với vai trò đối lập chỉ trích gia đình ông Diệm và ông Nhu được dân chúng hoan hô nhiệt liệt.

Ngày 12/11/1960 Sau khi phát thanh nhật lệnh của Đại tướng Tỵ, HĐCM phải tiếp tục đường lối tranh đấu để ông Diệm đồng ý thoái vị, sau nhiều lần thương lượng gay go, Ông Diệm đồng ý đọc trên băng nhựa ghi âm hồi 3.30 giờ ngày 12/11/1960 như sau:

Tuyên cáo của Tổng thống VNCH.

Quốc Dân đồng bào,

Tiếp theo cuộc nổi dậy tại Thủ Đô tối nay, để cho quân đội chúng ta được toàn vẹn trong cuộc chiến đấu chống cộng sản, tôi, Tổng thống VNCH đã quyết định giải tán chính phủ hiện thời.

Tôi kêu gọi các Tướng lãnh quân đội VNCH thành lập một chính phủ lâm thời để có thể tiếp tục chiến đấu chống cộng sản và bảo vệ xứ sở.

Đồng thời, tôi sẽ phối hợp với HĐCM thành lập một chính phủ liên hiệp. Để tránh đổ máu và trấn an dân chúng, tôi ra lệnh hội đồng các Tướng lãnh tìm tất cả phương pháp thích nghi chấm dứt mọi cuộc tuyên truyền xuyên tạc và ngừng bắn.

Ngô Đình Diệm


Đại tá Thi là người được cử liên lạc với phủ Tổng thống, gặp Tướng Khánh để lấy cuốn băng ghi âm của ông Diệm và đưa lên phát thanh hồi 4.00 giờ sáng. Trung tá Đông tiếp tục thương lượng với Tướng Khánh về việc canh gác dinh Độc lập. Các đơn vị Dù sẽ phối hợp với đơn vị Thiết Giáp trong Liên Binh Phòng Vệ để canh gác quanh Dinh, nhưng đơn vị Dù ở đây đã theo Đại tá Thi để tiếp nhận cuốn băng ghi âm của ông Diệm. Sự kiện này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong buổi sáng ngày 12/11/1960 khi dân chúng kéo biểu tình trước Dinh Độc Lập theo lời kêu gọi của ông Phan Quang Đán và ông Diệm đã ra lệnh cho Thiết Giáp đàn áp biểu tình thẳng tay.

Sau buổi họp báo lúc 20.00 giờ ngày 11/11, thay vì ở lại bên cạnh HĐCM, ông Đán lên thẳng đài phát thanh để phát đi những lời chỉ trích gia đình ông Diệm, và kêu gọi dân chúng biểu tình truất phế ông Ngô Đình Diệm tạo nên sự nghi ngờ càng thêm phát triển giữa khi đôi bên đang thương lượng. HĐCM đã 2 lần phái Đại úy Đoàn Bội Trân tới đài phát thanh kêu gọi ông Đán ngưng phát biểu nhưng vô hiệu, sau cùng Thiếu tá Lợi phải đến đài phát thanh triệu hồi ông Đán về họp tại bộ TTM, nhưng ông đi thẳng không đến họp. Tướng Chiểu phê phán nghiêm khắc hành động của Ông Đán là phá hoại.

Lúc 4.00 giờ sáng HĐCM và nhóm Liên Minh Dân Chủ họp lần đầu tiên tại bộ TTM, Trung tá Đông đã trình bày diễn tiến và đưa đến quyết định điều đình để tránh sự đụng độ giữa quân đội, đồng thời giao cho L/S Thụy soạn thảo tuyên ngôn của HĐCM thâu băng rồi đưa lên đài phát thanh phổ biến. Và cắt cử nhân sự để điều hành khối quần chúng kéo đến biểu tình sáng ngày 12/11 theo lời kêu gọi của ông Đán.

Ngay khi ông Diệm nhượng bộ, giải tán Nội Các, Đại tướng Lê Văn Tỵ đã ký công điện mời các Tướng lãnh đến họp tại bộ TTM để bàn định việc lập chính phủ, nhưng sáng ngày 12/11 không một ai đến họp (Tất cả còn chờ thời). Về phía SĐ7, buổi chiều ngày 11/11, cầu Bình Lợi đã bị phá sập bởi công binh Nhảy Dù rồi, nên Trung Đoàn 12/SĐ7 phải sử dụng xa lộ mới, nhưng gặp trở ngại vì cầu Xa Lộ phía trên Thủ Đức chưa làm xong. Khi đến cầu xa lộ, Tiểu Đoàn 2/12 từ Phước Thành cũng theo kịp đến đó. Có cả Thiếu tá Nguyễn Minh Mẫng (*) [Tác giả ghi chú: đây là tên ghi theo giấy Khai sinh] là Tỉnh Trưởng Phước Thành, cùng về theo. Ông Tỉnh Trưởng hứa là về đến Sài Gòn sẽ giúp Anh Em Trung Đoàn lo việc liên lạc với phủ Tổng thống, vì trước đây ông làm việc ở đó. Sau đó, các đơn vị viện binh được một đoàn tàu Hải quân ghé vào, giúp vượt sông một cách dễ dàng. Thế là cả đoàn quân đến tòa Tỉnh Trưởng Gia Định khoảng 5 giờ sáng hôm sau, ngày 12/11/1960. Thiếu tá Mẫng tìm mọi cách để liên lạc với phủ Tổng thống mà không được sau phải dùng hệ thống liên lạc quân sự để liên lạc với Nha chiến tranh tâm Lý của Trung tá Nguyễn Văn Châu. Trung tá Châu đã yêu cầu viện quân cố gắng lấy lại đài phát thanh để trấn an tinh thần anh em quân đội cũng như dân chúng hết hoang mang. Thiếu tá Mẫng, Tỉnh Trưởng Phước Thành hăng hái tình nguyện đi cùng Tiểu Đoàn 2/12 để tái chiếm đài phát thanh. Khoảng 10 giờ sáng ngày 12/11, Tiểu Đoàn 2/Trung đoàn 12 đã bố trí chiếm giữ các cao điểm quanh đài phát thanh và sẵn sàng yểm trợ cho đơn vị tấn công vào đài. Sáng sớm ngày 12/11, một số quân Thiết Giáp và TĐ3 Thủy Quân Lục Chiến do Đại úy Bằng TĐP chỉ huy, mới vào tăng cường trong Dinh Độc Lập.

Lúc 10 giờ sáng, tại đài phát thanh, lực lượng phòng ngự trong đài ước lượng khoảng trên dưới một đại đội.

- Tất cả giơ tay lên và ở đâu đứng đó. (Lực lượng xung kích bắt đầu tấn công. Lệnh phá đài đã không được quân canh gác thi hành.) Thế là đài đã được tái chiếm trong độ 20 phút và không có tổn thất gì, vì đơn vị bảo vệ không chống cự. Thiếu tá Mẫng mở đầu loan báo chiếm lại đài phát thanh và tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ nguyện trung thành với Tổng thống.

Lúc 11.30 giờ, có tiếng súng nổ giao tranh bên ngoài Dinh Độc Lập, Đại úy Lữ Đình Sơn sau khi giả vờ ủng hộ quân đảo chánh và đem quân bố trí quanh vườn Tao Đàn theo thế cài răng lược với các Đại Đội của TĐ3ND và vì không thể điều đình phe nổi dậy thả Tướng Thái Quang Hoàng nên cho lệnh đơn vị BĐQ của ông bất thần tấn công bắt giữ Thiếu tá Phan Trọng Chinh rồi kéo vào Dinh Độc Lập.

Nghe Thiếu tá Chinh bị bắt, Trung tá Đông gọi vào Dinh điều đình với ông Diệm để đổi với bà Trần Thiện Khiêm (Bà Khiêm bị bắt khi phe nổi dậy nghe tin ông Khiêm mang quân về Sài Gòn) và muốn nói chuyện với Thiếu tá Chinh. Thiếu tá Chinh nói với Trung tá Đông: HĐCM cứ tiếp tục nhiệm vụ cứu quốc đừng quan tâm đến ông. Sau đó Thiếu tướng Khánh, thừa lệnh Tổng thống Diệm, điện thoại cho phe đảo chính và nói với họ: Tổng thống chấp thuận thả Thiếu tá Chinh và yêu cầu họ thả phu nhân Đại tá Khiêm.

Thiếu tá Lộc nghe tin Thiếu tá Chinh bị bắt Ông phải trở lại điều động đơn vị nhảy dù, và sau đó ông về ở luôn trong bộ TTM.

Từ lúc sáng sớm ngày 12/11, dân chúng khắp nơi kéo về biểu tình trước Dinh Độc Lập. Họ tập họp đả đảo chế độ và đòi truất phế Ngô Đình Diệm. Tướng Khánh yêu cầu phe nổi dậy giải tán đám dân chúng biểu tình. Trong đám biểu tình hỗn độn đó, một số nhân viên thường phục của Trung tá Lê Quang Tung len lỏi trong dân chúng nổ súng làm cho họ hoang mang. Cuộc biểu tình ra ngoài tầm kiểm soát của HĐCM. Ông Diệm ra lệnh cho 2 Trung Đoàn Thiết Giáp của Lâm Quang Thơ và Thẩm Nghĩa Bôi bắn vào đám dân chúng, máu đã đổ, một số lớn thường dân đã ngã gục. Và cuộc mít-tinh tan vỡ không đầy 5 phút sau đó.

Trước khi ra lệnh đàn áp biểu tình, ông Diệm đã cho lệnh SĐ7 vượt sông Sài Gòn tập trung tại xa lộ Biên Hòa, và quân của Trần Thiện Khiêm cũng vào sát tới Phú Lâm. HĐCM phản đối việc điều quân này thì Tướng Khánh bảo rằng để đề phòng dân chúng biểu tình kéo vào chiếm Dinh Độc Lập.

Tình hình mỗi lúc một thêm căng thẳng, lực lượng bộ binh cứu giá kéo vào thành phố càng lúc càng đông, bao vây các khu vực nhảy dù chiếm đóng. Ông Diệm lo ngại HĐCM nương theo dân chúng tràn vào Dinh Độc Lập, phe đảo chánh càng lo ngại về các biến chuyển quân sự. Trong khi đó ông Đán không có những lo nghĩ của những người trong cuộc trước các diễn biến bất lợi, nên ông họp báo ở rạp Thống Nhất chỉ trích gia đình ông Diệm đồng thời chỉ trích Thiếu tá Lợi không cho ông tiếp tục đả kích chế độ trên đài phát thanh.

Có lẽ do sự khuyến cáo của Đại sứ Hoa Kỳ hoặc của Tướng Mc Garr, Thiếu tướng Khánh đề nghị tập trung hai lực lượng đối kháng về hai nơi riêng biệt để tránh những sự đụng độ không cần thiết. Phe nổi dậy rút về khu vực TTM, phe cứu giá tập trung quanh khu Dinh Độc Lập. Sau nhiều lần bàn cãi HĐCM đồng ý rút về bộ TTM, Tân Sơn Nhất, và Căn Cứ Hoàng Hoa Thám.

TĐ1ND được lệnh rút về chiếm giữ khu Tân Định, Phú Nhuận và Gò Vấp, Đơn vị chiếm giữ nha Công An Cảnh Sát rút về chiếm giữ rừng cao su Phú Thọ, TĐ3ND chiếm giữ khu Mc Mahon, TĐ8ND rút về cố thủ căn cứ Bà Quẹo.

11.00 giờ. Các Trung Đoàn Thiết Giáp kéo đến uy hiếp các đơn vị phòng thủ TTM. Tổng hành Dinh của HĐCM, Quang cảnh tại đây lúc này giống như buổi chợ chiều. Các sĩ quan trước đó làm phận sự hăn g hái giờ nay đã lặng lẽ bỏ đi tìm sự bình yên ở gia đình. Luật Sư Thụy về thăm nhà rồi không trở lại. Đại úy Phan Lạc Tuyên lấy cớ đi thăm đơn vị còn đóng tại Tân Sơn Nhất rồi leo lên xe dùng đường bộ lên Tây Ninh rồi sang Cam Bốt. Đại tá Thi thì nói sang Tân Sơn Nhất lấy Phi Cơ thả bom Dinh Độc Lập. Trước văn phòng Đại tướng Lê Văn Tỵ thấy người lính Quân Cảnh áo quần thẳng nếp đứng canh gác như không có chuyện gì xảy ra.

Hồi 10.00 giờ HĐCM hội họp lần chót, lúc này còn có các ông Nguyễn Ngọc Linh, Đinh Trịnh Chính do Thiếu tá Liễu dẫn tới để phụ giúp soạn hiến ước tạm thời, có lẽ chưa hiểu rõ tình hình quân sự hiện tại. Trung tá Đông cám ơn và khuyên họ nên rời sớm đừng để dính líu thêm sẽ nguy hiểm.

12.00 giờ Lệnh triệu tập các sĩ quan nòng cốt để duyệt xét tình hình, nhưng không một ai trở về, và vị Sĩ quan liên lạc của Sứ Quán Hoa Kỳ đến báo cho họ biết một đơn vị Thiết Giáp đã tiến vào bộ TTM, và lực lượng của Trung tá Tung đã vào chiếm khu trường học dành cho các con em ngoại giao đoàn cạnh Bộ TTM.

Trước tình trạng thất bại hoàn toàn, HĐCM và một số các sĩ quan rút về Tân Sơn Nhất, quyết định ra ngoại quốc để tránh thiệt hại vô ích thêm cho các đơn vị. Và mang theo Tướng Thái Quang Hoàng để làm con tin.

Đại úy Phan Phụng Tiên được chỉ định chỉ huy căn cứ TSN khi bắt đầu đã tìm được một chiếc phi cơ còn bay được, Phi cơ cất cánh hồi 13.00 giờ ngày 12/11/1960 sang đáp ở Phi Trường Nam Vang. Việc không cô lập được khu đầu não Dinh Độc Lập đã tạo nên sự bất lợi lớn của phe đảo chính. Ngô Đình Diệm khôn khéo vờ thương thảo để hoãn binh, gấp rút soạn thảo và cho phát thanh bài luận văn với hứa hẹn sẽ bầu cử tự do và tiến hành nhiều hoạt động tự do - dân chủ khác. Mặt khác, ông cho điều các lực lượng thân cận về giải vây cho khu đầu não.

Về việc người Mỹ dính dáng vào “vụ đảo chánh hụt” này là có thật. Không có Mỹ thì không ai dám đảo chánh, các Tướng Tá, chính khách muốn hành động gì thì cũng dựa vào Mỹ. Trước khi biến cố này xảy ra, George Alexander Carver Jr. một nhân viên mật vụ tòa đại sứ Mỹ đã liên lạc với Hoàng Cơ Thụy và khuyến khích phe đối lập đứng lên chống đối chính quyền.

Nhưng một số lớn chính khách chỉ theo nhóm đảo chính sau khi chính biến đã xảy đều hy vọng có cơ thành công, nhưng rồi thất bại. Đám đầu não trong khi đảo chính, đã chuẩn bị nếu thất bại thì có đường rút nhờ có sự bảo đảm của Mỹ. Đám chính khách còn ở lại thì đều bị bắt như quý ông: Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lượng, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Chữ, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương, Trương Bảo Sơn, luật sư Lê Ngọc Chấn và người cuối cùng là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Sau đảo chánh, Trung tá Cao Văn Viên được chỉ định về làm Tư Lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù. Thiếu tá Hồ Châu Tuấn về theo làm Chỉ Huy Trưỏng Hậu Cứ và Ngô Đình Châu cũng biệt phái về Lữ Đoàn Dù, để theo dõi mọi hành động của các sĩ quan Dù.

 

Gia đình của cố Tổng thống Ngô Đình

 

Dinh Gia Long

 


Tài liệu tham khảo:

- Binh Biến 11/11/1960 của Vương Văn Đông, do nhà Văn Nghệ xuất bản năm 2000 tại California, Hoa Kỳ
- Việt Nam một trời tâm sự của Nguyễn Chánh Thi tác giả xb 1987
- Hai cuộc đảo chính 11/11/1960 và 01/11/1963 Đại tá Phạm Văn Hưởng tường thuật trên diễn đàn Thông Luận
- Cuộc Binh Biến 11/11/1960 của Ngô Đình Châu
- Cuộc đảo chánh 11/11/1960 của Đại tá Nguyễn Hữu Duệ
- Và các cuộc phỏng vấn các chiến hữu Nhảy Dù.

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******07******

7. Trận Phước Thành (18 - 19-9-1961)

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Trận Phước Thành

(18 - 19-9-1961)

Để bảo vệ an ninh lãnh thổ và phát triển, chính phủ Ngô Đình Diệm đã ban hành sắc lệnh sắc lệnh số 25-NV ngày 23 tháng 1 năm 1959 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa để thành lập Tỉnh Phước Thành gồm ba quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo lấy từ quận Tân Uyên tỉnh Biên Hòa, và phần đất của các tỉnh Phước Long, Long Khánh, Bình Dương. Tỉnh lỵ đặt tại Phước Vĩnh, do Thiếu tá Nguyễn Minh Mẫng làm Tỉnh Trưởng. Phước Thành có vị trí quan trọng cả về chiến lược và chiến thuật án ngữ trên trục lộ giao thông chiến lược 14 và ngay cửa ngõ chiến khu D một căn cứ địa quan trọng của cộng sản trực tiếp chỉ huy các hoạt động phá hoại của VC ở miền Đông và Sài Gòn. Sở dĩ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho thành lập tỉnh này là để kiểm soát con đường xâm nhâp dọc theo hành lang Sông Bé và trục di chuyển QL-14, không cho Cộng quân di chuyển vào Việt Nam từ các mật khu an toàn của chúng trên đất Kampuchea. Phước Thành cùng với Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long tạo thành một hệ thống cứ điểm quân sự liên hoàn bao vây Chiến khu D và Chiến khu Dương Minh Châu Của Việt Cộng. Tỉnh bị giải thể theo Sắc lệnh số 131-NV ngày 6 tháng 7 năm 1965 của Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa.

 

 

 

Tỉnh Phước Thành phía Bắc giáp tỉnh Phước Long, phía Đông là Long Khánh, phía Nam giáp tỉnh Biên Hòa, phía Tây là hai tỉnh Bình Dương và Bình Long. Diện tích toàn tỉnh là 1,300km². Đất Phước Thành phần nhiều là đồng bằng, rừng và vườn trái cây, không có núi cao. Sông chính của tỉnh là sông Bé (một chi lưu của sông Đồng Nai), từ Bình Long và Phước Long chảy qua theo hướng Bắc-Nam, đến An Linh chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam và có một phụ lưu là sông Giai. Kế đến là sông Đồng Nai, chảy sát ranh giới với Long Khánh và Biên Hòa ở phía Nam. Ngoài ra, tỉnh còn có các sông, suối đáng kể khác như Da Sa Mạch, rạch Rát, suối Lạch Bé, suối Ma Da, suối Ram, suối Trong, suối Tiên. Ngoài số đồng bào Kinh sinh sống phần đông ở đây, còn có đồng bào Thượng sắc tộc Stiêng, Mạa Churu và đồng bào gốc Khmer, Chàm.

Trong thời gian này, lực lượng bảo vệ an ninh tỉnh lỵ chỉ có 2 Đại Đội Địa Phương Quân, 1 pháo đội 105ly, 1 đại đội cảnh sát dã chiến và một chi đội chiến xa trấn giữ. Sau ngày đảo chánh 11/11/1960 của Trung tá Vương Văn Đông tại Sài Gòn, Việt Cộng tin tưởng rằng họ có thể chiếm đươc chính quyền miền Nam bằng chính trị. Do đó CSBV đã chuẩn bị thành lập một cơ cấu chính quyền bù nhìn của họ tại miền Nam để thay thế chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khi sụp đổ. Vì vậy ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được công bố thành lập tại Tây Ninh.

 

 

 

Lực lượng địch

- Gồm 2 Trung đoàn Q761 và Q762 do Nguyễn Hữu Xuyến Tư lệnh Quân khu chỉ huy. Nguyễn Việt Hồng - Chính ủy; Đặng Ngọc Sỹ – Chỉ huy phó; Đặng Hữu Thuấn - Tham mưu trưởng

- Ngoài ra còn Tiểu đoàn quân chủ lực Phân Khu Miền Đông D500, Đại đội C260, một Phân đội đặc công, một Trung đội DKZ (3 khẩu).

Lực Lượng Bạn

- 2 Đại đội địa Phương Quân
- 1 pháo đội 105ly
- 1 đại đội cảnh sát dã chiến
- và một chi đội chiến xa trấn giữ.

Diễn Tiến:

Ngày 15/2/1961, Bí thư Trung ương cục Miền Nam của CSBV là Nguyễn Văn Linh đã triệu tập một cuộc họp tại Đồng Rùm để phát động chiến dịch bạo lực cách mạng, đề ra nghị quyết nâng đấu tranh vũ trang lên ngang hàng với đấu tranh chính trị và lấy ngày 15/2/1961 làm ngày thành lập lực lượng Quân Đội Giải Phóng do Trần Nam Trung tức Tướng CS Trần Lương phụ trách. Lực lượng quân sự VC được tổ chức gồm ba thành phần: Chủ lực, địa phương và du kích. VC bắt đầu thành lập Trung Đoàn 1 chủ lực do Thiếu tá Tư Chương chỉ huy, về sau Trung Đoàn này trở thành Trung Đoàn Q761 thuộc Công Trường 9. Tiếp theo là Trung Đoàn thứ 2 (Q762) được thành lập do Tám Vân làm Trung Đoàn Trưởng. Rồi Trung Đoàn thứ ba là U70 cũng được thành lập sau đổi lại là Trung Đoàn 87 bảo vệ cục R. Nhận xét Phước Thành nằm giữa lòng chiến khu D, là địa bàn quan trọng đối với chiến trường miền Đông và còn là cửa ngõ then chốt, yết hầu của chiến khu D - căn cứ địa quan trọng đối với cả chiến trường miền Nam nên Cộng quân không thể hoạt động dễ dàng được. Chính vì những yếu tố trên, nên Phước Thành trở thành mục tiêu phải tấn công dứt điểm tỉnh lỵ nhằm phá tan sự bao vây và chia cắt chiến khu D.

Để Chuẩn bị cho trận đánh, ngày 25-8, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông chỉ thị cho cán bộ trinh sát do Đặng Ngọc Sỹ chỉ huy tiến hành nghiên cứu chiến trường với chiến thuật kết hợp giữa đặc công với bộ binh. Vừa bí mật thâm nhập, vừa vận động tấn công, kết hợp trong đánh ra ngoài đánh vào.

Vào khoảng nửa đêm ngày 18/9/1961, cộng sản bất thần tung 2 trung đoàn, do Nguyễn Hữu Xuyến Tư lệnh Quân khu chỉ huy (tin tình báo của tỉnh Phước Thành cho là Huỳnh Công Nghệ chỉ huy, nhưng thật sự Nghệ đã chuyển ra Bắc và không còn nắm quyền chỉ huy quân sự) với khoảng 1,500 quân bao vây và tiến chiếm tỉnh Lỵ Phước Vĩnh, sau khi đã mở chiến dịch gồm 41 trận đánh lớn nhỏ trên khắp lãnh thổ miền Đông để áp đảo và chia xẻ lực lượng VNCH.

Vào khoảng 22 giờ 30 phút các cánh quân của VC tấn chiếm trận địa, áp sát mục tiêu (Cộng quân đã móc nối được với viên Thượng sĩ già thường vụ trong tỉnh đường Phước Vĩnh làm nội gián)

Đúng 23 giờ, khởi động cuộc tấn công, cộng quân dùng đại bác không giật 57ly bắn sập pháo đài chỉ huy của Tỉnh đường, tiếp theo một tiếng nổ long trời của quả bộc phá 12kg làm sập một góc nhà dinh tỉnh trưởng, phát lệnh mở đầu cuộc tấn công, sau đó CS tung quân tấn công tràn ngập thị trấn đánh chiếm các mục tiêu. Tỉnh Trưởng Nguyễn Minh Mẫng điều động binh sĩ trú phòng phản công, nhưng vì lực lượng địch quá đông, trong khi lực lượng bảo vệ tỉnh lỵ chưa đến 2 đại đội Địa Phương Quân. Sau cùng ông đã bị một tràng đạn AK rồi ngã gục, trên tay còn cầm khẩu Thompson. (Cộng quân chỉ tấn công Tỉnh Phước Thành sau khi một Chi Đội Thiết Giáp phòng thủ tỉnh lỵ gồm 4 chiến xa có trang bị hỏa lực mạnh rút về công xưởng để tu sửa khoảng một tuần lễ.

Sau khi Thiếu tá Nguyễn Minh Mẫng, Tỉnh Trưởng tử trận, Cộng quân tiếp tục tấn công tiêu diệt tất cả các ổ kháng cự và chiếm giữ tỉnh đường. Phó tỉnh trưởng cùng với một số viên chức hành chánh bị bắt.
Sau đó Cộng quân chia thành 3 mũi tấn công vào khu Đại Đội Cảnh Sát, khu đóng quân của Đại đội Bảo an, Chi đội thiết giáp và kho xăng dầu, và một mũi đánh vào trại giam giải thoát tù chính trị (trong số đó có thân nhân của Huỳnh Công
Nghệ, một cán bộ cao cấp của CS.)

Cộng quân chiếm giữ tỉnh lỵ khoảng 6 giờ liên tiếp rồi rút lui vào rừng sâu. Sáng sớm ngày hôm sau, Lữ Ðoàn Nhảy Dù gồm 3 Tiểu Ðoàn do Ðại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù trực tiếp chỉ huy nhảy dù xuống chiếm lại tỉnh lỵ và tổ chức lực lương phòng thủ và hành quân giải tỏa chung quanh tỉnh lỵ. Sau đó, Tổng thống Ngô Ðình Diệm tới thăm mặt trận, Thiếu tá Hồ Tiêu TÐT/TÐ5ND giữ an ninh thành phố, Thiếu tá Hồ Trung Hậu, SQ tùy viên quân sự được chỉ định ở lại làm Tỉnh Trưởng thay thế Thiếu tá Mẫng. Sau đó 3 tuần lễ, tại Diễn Đàn Quốc Hội, Tổng thống Diệm chính thức tuyên bố với quốc dân và thế giới là Việt Cộng, với sự chỉ đạo và yểm trợ của cộng sản quốc tế đã chính thức biến cuộc chiến tranh du kích trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa thành một thứ chiến tranh xâm lăng quy mô thực sự, có sự tham chiến của quân chính quy cộng sản, được trang bị tối tân và hùng hậu.

 

Lính Nhảy Dù xung phong

 



Tài liệu tham khảo:

- Người Bình Xuyên của Nguyên Hùng trên trang nhà vnthuquan.net
- Phỏng vấn các chiến hữu Nhảy Dù
- Các tin tức do bào đệ Cố Thiếu tá Nguyễn Minh Mẫng cung cấp. 

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******08******

8. Trận Ấp Bắc (2 - 3-1-1963)

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Trận Ấp Bắc

(2 - 3-1-1963)

Cuối tháng 12/1962, tin tức tình báo cho biết một lưc lượng VC khoảng 2 Đại đội đã hiện diện tại Ấp Tân Thới đồng thời cũng phát giác được vị trí một đài phát thanh của cộng sản trong vùng cách Ấp Bắc khoảng 1.5km về hướng Tây Bắc.

Ấp Bắc là một địa danh thuộc xã Tân Phú Trung quận Cai Lậy Tỉnh Kiến Tường cách Sài Gòn 65km về hướng Tây Nam và cách Mỹ Tho 27km về hướng Tây Bắc cách QL-4 khoảng 5km. Ấp Tân Thới ở về phía Bắc của Ấp Bắc liền nhau như hình cánh cung và ngăn đôi bởi Rạch Ấp Bắc. Trong thôn ấp nhiều nhà dân xen kẽ với những vườn cây ăn trái sầm uất và nhiều mương rãnh thuận lợi cho việc ẩn núp phòng thủ của quân CS.

Tướng Huỳnh văn Cao vừa được Tổng thống Ngô Đình Điệm chỉ định làm Tư lệnh Vùng 4 Chiến Thuật nên bàn giao cho Ðại tá Bùi Ðình Ðạm chức vụ Tư Lệnh SĐ7BB. Ðại tá Bùi Ðình Ðạm và Cố Vấn John Paul Vann cấp tốc soạn thảo kế hoạch hành quân mang tên Ðức Thắng I sẽ bao gồm 3 mũi để tấn công tảo thanh hai mục tiêu này với sự yểm trợ của trực thăng Hoa Kỳ.

• Cánh thứ nhất là Tiểu Ðoàn 1/11/7BB trực thăng vận xuống phía Bắc của Ấp Tân Thới

• Cánh thứ nhì gồm 2 Ðại Ðội Bảo An thuộc Tiểu Khu Định Tường sẽ tiến song song đánh vào phía Nam của Ấp Bắc

• Cánh thứ 3 gồm 13 thiết vận xa M113 chở 1 ÐÐ bộ binh tiến thẳng vào Ấp Bắc từ hướng Tây. Các M113 này đều trang bị đại liên 50 (12ly7) có một chiếc gắn thêm súng phun lửa

• Ðể yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị này là nhờ pháo binh và không quân yểm trợ

• 2 Ðại Ðội BÐQ do tàu Hải Quân chuyên chở từ Kinh Ba tiến vào vùng hành quân làm lực lượng trừ bị.

Lực lượng địch:

• Tiểu đoàn Chủ Lực Tỉnh Mỹ Tho 514 do Mười Ðiệp chỉ huy
• Tiểu đoàn Chủ Lực Miền 261 do Bảy Ðen chỉ huy
• 1 Trung Ðội Du Kích quận Châu Thành
• 1 khẩu đội súng cối 60ly.

Lực Lượng VNCH:

• Chỉ huy mặt trận: Ðại tá Bùi Ðình Ðạm – Tư lệnh SÐ7BB
• Tiểu Ðoàn 1/Trung Ðoàn 11/Sư Đoàn 7BB (trực thăng vận)
• Chi Ðoàn 4/Thiết Ðoàn 2 Kỵ Binh (15 Thiết Vận xa M113, Đại úy Lý Tòng Bá chỉ huy)
• 2 ÐÐ Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu Ðịnh Tường
• 2 Ðại Ðội BÐQ án ngữ trên kinh Nguyễn Tấn Thành
• 2 Đại Đội/TĐ8ND.

Diễn Tiến:

VC cần phải gây dựng lại uy tín và tinh thần cán binh đã mất trong vài tháng trước khi tiểu đoàn Chủ Lực 502 bị tổn thất hàng trăm quân tại ranh giới Mỹ Tho-Sa Đéc trong trận đụng độ ác liệt với Chi Đoàn 7 Thiết Quân Vận vào ngày 18 tháng 2 năm 1962. Trong trận đánh này, một nửa quân số của TĐ502 bị loại ra khỏi vòng chiến ngay trong những giờ phút đầu tiên của trận đánh, một nửa còn lại đã phải ngụp lặn trong cánh đồng ngập nước để tìm cách chém vè trong đêm tối nhưng hầu hết đều bị bắt sống.

 

Phóng đồ trận Ấp Bắc

 

Ngày 31/12/1962 VC bất ngờ tung 2 ÐÐ 1/514 địa phương tỉnh Mỹ Tho do Mười Ðiệp chỉ huy đến chiếm ấp Tân Thới, ÐÐ1/261 thuộc quân khu 8 do Bảy Ðen (Ðặng Minh Nhuận) chỉ huy và một trung đội du kích Châu Thành Mỹ Tho đến chiếm giữ Ấp Bắc, tất cả những đơn vị này đều do Hai Hoằng (tên thật là Nguyễn Văn Ðiều) tổng chỉ huy. Ngoài ra còn có thêm Tiểu Ðoàn Tây Ðô trên đường di chuyển một số vũ khí để chuẩn bị thành lập một đơn vị mới Chủ Lực tại khu 2 Đồng Tháp do Lê Quốc Sản ngoài Bắc vào làm Tư lệnh, từ Trà Vinh vừa về đến Mỹ Tho đóng tại kinh Năng thì bị phát giác.

Lực lượng Cộng quân thật sự vào khoảng 350 tay súng của cả hai Tiểu đoàn 514 địa phương và 261 Chủ lực (không kể TÐ Tây Ðô) được trang bị hỏa lực hùng hậu, hầu hết dùng loại súng Carbin M1, mỗi đại đội một đại liên 30ly, mỗi trung đội được trang bị 2 khẩu trung liên Bar (vì tàu chở vũ khí bị phát giác nên chúng cấp tốc phân phát số vũ khí này cho lực lượng địa phương Mỹ Tho và Bến Tre vừa mới tập trung để hình thành đơn vị Chủ lực Khu 2). Cộng quân chuẩn bị tác chiến trong những công sự phòng thủ chắc chắn từ Ấp Tân Thới lên đến Ấp Bắc và ẩn núp dưới những tàn cây rậm rạp nên rất khó phát hiện.

Ngày 2/1/1963 lúc 07.00 giờ, 10 chiếc trực thăng CH-21 chuyển một đại đội của TÐ1/11/7BB đáp xuống phía Bắc ấp Tân Thới. Do nơi sương mù quá nhiều nên chuyến thứ nhì và thứ 3 phải chờ tới 9.30 giờ mới tiếp tục được.

Lúc 07.45 giờ 2 đơn vị Bảo An từ Ðiềm Hy tiến vào ấp Cai Tổng Vàng xã Tân Phú gặp VC phục kích sẵn nổ súng dữ dội, làm tử thương vị Ðại Ðội Trưởng và ÐÐP ngay những giây phút đầu tiên làm mũi tấn công bị khựng lại. Cánh Hải Quân chở đơn vị BÐQ theo kinh Nguyễn Tấn Thành cũng bị trung đội du kích địa phương ngăn chận quấy rối.

Trong khi đó, 10 phi cơ CH-21 đổ quân TÐ1/11/7BB xuống nơi bãi đáp phía Tây Ấp Bắc khoảng 200m, do không có phi pháo yểm trợ, Cộng quân từ các công sự phòng thủ ào ra tấn công dữ dội vào V đáp trực thăng. Một chiếc CH-21 chuyển quân bị bắn rơi ngay tại bãi đáp, một chiếc khác cũng bị rơi cách đó không xa, chiếc thứ ba định đáp xuống để cứu phi hành đoàn nhưng cũng bị trúng đạn và rơi ngay trước mũi tiến quân của thiết vận xa khoảng 500m. Một trực thăng vũ trang UH-1A đáp xuống cạnh chiếc trực thăng CH-21 bị rớt để cứu phi hành đoàn đã bị bắn rơi lật ngược xuống ruộng. Một chiếc UH-1A khác cố gắng tiếp cứu đồng đội cũng bị bắn rơi luôn, 2 phi hành đoàn được cứu thoát nhưng cơ khí trưởng bị tử thương. Công quân đã bắn rơi tất cả 5 chiếc trực thăng.

Vào lúc 13.45 giờ, Chi đoàn 4/2 Thiết Quân Vận được lệnh tấn công vào Ấp Bắc đồng thời để giải cứu các phi hành đoàn. Giao tranh xảy ra khốc liệt, 8 xạ thủ đại liên 50 trên thiết vận xa M113 đã bị tử thương ngay trong đợt tấn công đầu tiên (có một SQ là Chuẩn úy Nguyễn Văn Nho). Ðến 14.30 giờ, cả bốn hướng của cuộc hành quân đã bị hỏa lực VC chận đứng.

Trận đánh kéo dài tới chiều, theo lời yêu cầu của Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Bộ TTM đã tăng viện TÐ8ND. BCH/TÐ8ND gồm có TÐT: Ðại úy Trần Văn Hai, TÐP: Ðại úy Nguyễn Ðình Vinh, Trưởng Ban 3 Ðại úy Nguyễn Văn Nghiêm, ÐÐT 81 Trung úy Phạm Huy Sảnh, ÐÐT/82: Trung úy Nguyễn Văn Nghi, ÐÐT/83: Trung úy Tăng Thường Lực, ÐÐT/84: Trung úy Hoa Hải Ðường, ÐÐT/ÐÐ80: Trung úy Nguyễn Nghiêm Tôn.

 

2 chiếc H-21 & HU-1A bị bắn rơi trên đồng lúa

 

Binh chủng Nhảy Dù hồi đó là lực lượng Tổng trừ bị duy nhất của quân đội. Chiến trận chưa đến nỗi sôi bỏng như các năm về sau, hoạt động địch quân hầu hết là du kích chiến hơn là trận địa chiến. LĐND năm 1963 gồm 5 Tiểu đoàn tác chiến cùng các đơn vị tiếp vận, đảm trách nhiệm vụ “lính cứu hỏa” cho toàn quốc, mặt trận nào gay cấn là được Tổng Tham Mưu gọi đi chữa cháy. Ngoại trừ những đơn vị đi hành quân xa, tại Sài Gòn hằng ngày đều có 2 Tiểu đoàn Nhảy Dù ứng trực: một Tiểu đoàn trực hành quân bộ (ground alert), với một đoàn xe GMC đậu sẵn trong doanh trại, có lệnh là lên xe đi. Một Tiểu đoàn trực hành quân không vận, được gọi là air alert: đơn vị ra nằm sẵn tại phi trường Tân Sơn Nhất, khi hữu sự thì lên máy bay đi can thiệp những nơi dầu sôi lửa bỏng. Nếu từ sáng đến chiều không có chuyện gì xảy ra, thì lính dù chỉ nằm dài bên cạnh những bộ dù được xếp ngay ngắn ngay tại sân bay chờ lệnh.

Ngày 2 tháng 1 năm 1963, TĐ8ND có nhiệm vụ ứng trực không vận, một ngày trực có vẻ êm ả cho đến gần 5 giờ chiều thì có lệnh nhảy hành quân. Ngay sau đó, một quang cảnh thật là hấp tấp diễn ra, các sĩ quan vừa nhận được lệnh hành quân và bản đồ đang quay đầu bàn bạc với nhau, còn anh em binh sĩ mạnh ai nấy mang dù chứ không được huấn luyện viên kiểm soát như trong những lần nhảy bồi dưỡng hay nhảy trận khác.

Đến 6.00 chiều thì mọi người bắt đầu lên 7 chiếc Phi cơ C123 Fairchild với phi hành đoàn Hoa Kỳ. Loại phi cơ này thả dù bằng hai cửa, khác với C47 Dakota chỉ có một cửa [sau đuôi phi cơ]. Mỗi chiếc C123 thả được 40-45 quân nhân trong khi C47 chỉ chở được 25 người tối đa.

Lúc 6.30 giờ, Các vận tải cơ C123 bay đến trận địa và thả dù đợt đầu tại phía Tây Ấp Bắc gồm hai đại đội tác chiến và Tiểu Ðoàn Phó. Vì quá gấp rút, các thủ tục kiểm soát an toàn và bố trí bãi thả dù không thực hiện được đầy đủ nên việc thả dù có nhiều sơ hở. Khi các cánh Dù còn đang lơ lửng trên không thì một cảnh tượng hãi hùng đang diễn ra từ mặt đất: đạn lửa chằng chịt như một bãi pháo bông, cộng quân từ tứ phía tấn công dữ dội bắn lên các cánh dù đang căng gió. Càng xuống gần đất, tiếng súng nổ càng chát chúa, đến khi đáp được xuống ruộng thì đạn bay vèo vèo, các chiến sĩ Nhảy Dù vội vã tìm nơi ẩn núp sau các bờ ruộng.

Lúc đó khoảng 18giờ30, trời bắt đầu tối, tầm nhìn xa bị giới hạn. Một trực thăng H-21 vừa đáp phía sau bãi nhảy độ 300 thước bị một tia đạn lửa từ trong làng bắn ra đã kịp thời bay đi. Trời bắt đầu tối hẳn, địch quân ẩn núp trong các hầm hố làm sẵn trong Ấp Bắc, quan sát đoàn quân Nhảy Dù vừa đáp xuống rất rõ, vẫn tiếp tục bắn ra như mưa nên việc tập họp để lấy đội hình tấn công rất khó khăn. Đại úy Nguyễn Ðình Vinh TĐP, cùng các Sĩ Quan vừa gom lại được đang bàn tính cách đối phó trong hoàn cảnh nguy hiểm này. Các vị này được biết là chỉ có nửa Tiểu đoàn nhảy xuống mà thôi, phần còn lại cùng Tiểu Đoàn Trưởng kẹt lại phi trường TSN vì trời tối máy bay không thả được nữa.

Một nửa TÐ8ND rơi tản mác trên một cây số ngoài đồng ruộng, địa thế sình lầy di chuyển khó khăn. Tuy nhiên với quân số tập trung lại được, lực lượng Nhảy Dù cũng đã tấn công 3 lần vào vị trí phòng thủ của địch nhưng đều bị đánh bật trở lại vì không có phi pháo và pháo binh yểm trợ, chỉ có đại liên 30 là lớn nhất.

TÐ8ND cũng chẳng liên lạc được với Bộ Tư lệnh Hành quân ở Tân Hiệp, Mỹ Tho. Ðến 10.00 giờ đêm, lợi dụng đêm tối, Cộng quân rút lui về hướng Ðồng Tháp Mười và mang theo hầu hết tử và thương binh. Khi trời tờ mờ sáng thì tiếng súng thưa thớt rồi im hẳn. Sáng ngày 3/1/1963 hôm sau, các đơn vị Dù tập trung quân và tiến vào Ấp Bắc thì địch quân đã rút lui nên không một cuộc chạm súng nào xảy ra. Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù cũng đã thu thập được mấy binh sĩ nhảy dù rớt vào làng chiều qua bị địch giết, người còn đeo đai dù nhưng lá dù thì đã bị địch cắt mang đi. Chiều cùng ngày TÐ8 rút bằng đường bộ và khi ra tới đường cái QL-4 đi lục tỉnh, xe đò chở hành khách chạy ngược xuôi như chẳng việc gì xảy ra...

Nhận Xét:

Trận Ấp Bắc tuy là một trận đánh nhỏ so với những chiến dịch to lớn sau này trong chiến tranh Việt Nam như chiến dịch Ia Drang, chiến dịch Bình Tây Kampuchea, chiến dịch Hạ Lào hay mùa hè đỏ lửa nhưng ảnh hưởng của nó rất lớn, đánh dấu một biến chuyển, một khúc quanh trên đường lối chỉ đạo chiến tranh của cả ba phe tham chiến: VNCH, Hoa Kỳ và CSBV.

Theo Bác sĩ Hoàng Cơ Lân (nguyên Y Sĩ Trưởng SĐND, đã cùng nhảy dù xuống Ấp Bắc chiều ngày 2/1/1963 với TĐ8ND) nhận định rằng thất bại này của phe ta, hoàn toàn do sự thiếu kinh nghiệm bất lực của cấp chỉ huy chiến trường. Lý do chính là việc dùng người của Tổng thống Ngô đình Diệm, không tin những ai thật sự yêu nước và có khả năng, mà chỉ vì ưa nịnh hót và sợ đảo chính, đã cho giai cấp gà nhà nắm hầu hết chức vụ then chốt trong Quân đội. Trường hợp điển hình là việc điều quân một cách bết bát ngoài sức tưởng tượng trong trận Ấp Bắc. Không một cấp chỉ huy cao cấp nào của trận chiến có mặt tại trận địa (Tư lệnh Vùng, Sư đoàn, Trung đoàn, Tiểu khu...) để kịp thời có quyết định thích ứng, chỉ theo dõi diễn tiến và ra chỉ thị tại bộ tư lệnh hành quân ở Tân Hiệp, phó mặc các cán bộ cấp úy lo liệu tại chỗ. Thấy tình hình không ổn, Tướng Huỳnh Văn Cao mới gọi Nhảy dù xuống tiếp viện, song quá muộn và trong điều kiện vô cùng bất lợi khiến chúng ta đáng lẽ thắng lớn, mà đành phải chịu thua một địch quân yếu hơn chúng ta nhiều. Chỉ tội nghiệp cho những quân nhân của Quân đội ta đã hy sinh trong ngày 2 tháng 1 năm 1963 tại Tân Thới - Ấp Bắc vì họ đã không được chỉ huy đúng cách, và đặc biệt 18 chiến binh của TĐ8ND đã nhảy xuống vùng đồng lầy nước đọng này chiều tối hôm đó đã bỏ mình một cách oan uổng vì sự kém cỏi cũng như tính toán nhầm lẫn của những người chỉ huy đương thời.

Trận Ấp Bắc còn có một ảnh hưởng chiến lược lớn lao: trước hết đồng minh Hoa Kỳ đã đánh giá rất thấp tài năng của cấp chỉ huy VN trong cuộc HQ này và mượn cớ này để sửa soạn đổ quân ào ạt vào miền Nam, điều mà chính Tổng thống Ngô đình Diệm cũng không muốn! Thứ nữa là bộ máy tuyên truyền của CSBV ở Hà Nội mở hết tốc lực thổi phồng chiến thắng Ấp Bắc lên như một Stalingrad của phe cộng sản, vận động tinh thần quân cán và gửi thêm nhiều người và chiến cụ vào miền Nam từ sau trận này.

Tổn Thất:

- VC: Chết 41, tù binh 36, bị thương không rõ. (Theo lời của một cán binh CS tên Bình với chức vụ Tiểu đội phó có tham dự trận này kể lại trong quyển “Đồng Bằng Gai Góc” trang 88, 89 của nhà văn Xuân Vũ thì đơn vị VC cùa y tham dự trận đánh khoảng 200 người, bị thiệt hại khoảng 150 người, hầu hết Ban chỉ huy đều bị tử trận, Tiểu đoàn chỉ còn lại khoảng 50 người)

- Hoa Kỳ: Chết 3, bị thương 6, mất 5 trực thăng trong đó có 3 chiếc H-21 và hai chiếc HU1A
- VNCH: Chết 63, bị thương 109
- TÐ8ND: Chết 18, bị thương 33 kể cả 1 Trung sĩ cố vấn Mỹ.

 

 


Tài liệu tham khảo:

- Chiến tranh VN toàn tập 1963-1975 của Tiến sĩ Nguyễn Đức Phương, Làng Văn xuất bản 2001
- Battle of Ap Bac From Wikipedia, the free encyclopedia
- Đồng Bằng Gai Góc của nhà văn Xuân Vũ, nxb Xuân Thu California 1996
- Trận Ấp Bắc Thực Tế và Huyền Thoại Tác giả: Lý Tòng Bá trên vantuyen.net
- Trận Ấp Bắc ký ức của một Quân Y Sĩ của BS Hoàng Cơ Lân trên trang nhà medicinemodernlife.com
- Và các cuộc phỏng vấn các chiến hữu Nhảy Dù.

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******09******

9. Trận Tân Châu Hồng Ngự (2 đến 4-3-1964)

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Trận Tân Châu Hồng Ngự

(Từ ngày 2 đến 4 Tháng 3 năm 1964)

Hồng Ngự là một quận lỵ cực Bắc của tỉnh Kiến Phong, nằm trên bờ Đông của Sông Cửu Long. Chỉ có một con đường bộ duy nhất QL-30 nối liền với tỉnh lỵ Cao Lãnh khoảng 60km về hướng Tây Bắc, xuyên qua kinh Đồng Tiến và quận Kiến Văn. Đối diện với quận lỵ là cù lao Long Khánh trù phú, dân cư đông đúc với những vườn cây trái xum xuê, rậm rạp. Đặc biệt, mỏm Bắc của Cù Lao là vùng đất bồi do phù sa của Sông Cửu Long tích tụ lâu đời. Trên đầu doi này có một ngôi đình cổ Long Khánh không biết được xây cất từ bao giờ tọa lạc trên một thế đất cao như một ngọn đồi. Từ ngôi đình cổ hoang vắng, người ta có thể quan sát được một vùng sông nước mênh mông bát ngát với những bờ sông cát trắng, nước trong xanh, phong cảnh hùng vĩ hữu tình tuyệt đẹp.

Hình chụp vào buổi tối bên bờ sông tại quận Hồng Ngự

 

Ranh giới của quận Hồng Ngự về phía Bắc và Đông Bắc là vùng biên giới Miên-Việt, chạy dài tới tận tiền đồn biên phòng Cái Cái giáp ranh tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa). Phía Tây là sông Cửu Long giáp quận Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang (Long Xuyên). Về phía Tây Bắc, nằm trên bờ Tây của sông Cửu Long chỉ cách Hồng Ngự chừng 5, 6 cây số là quận Tân Châu cũng thuộc tỉnh An Giang. Tại Tân Châu có một đơn vị Hải Quân là Giang Đoàn 58 Tuần Thám trấn đóng, Phía Nam giáp kinh Đồng Tiến với khu vực Phước Xuyên trong vùng Đồng Tháp Mười nổi tiếng chạy dài tới quận Mỹ An.

Hồng Ngự chiếm địa thế quan trọng nằm ngay yết hầu thủy lộ sông Cửu Long và chặn đường xâm nhập của Cộng quân từ Cam Bốt tràn xuống. Vì vậy Quân Lực VNCH đã thiết lập Trại LLĐB A432 tại Thường Thới nằm tại phía Bắc của cù lao Long Khánh để quan sát dọc ven sông và vùng biên giới nhằm phát hiện và ngăn chặn mọi di chuyển của địch quân. (Trại LLĐB A432 tại Thường Thới do Thiếu tá Phạm Công Danh làm Chỉ Huy Trưởng; Trại có ba Đại Đội Biệt Kích giữ nhiệm vụ biên phòng, một trong 3 Đại Đội Trưởng là Nguyễn Duy Thanh sau này là Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng Địa Phương Quân 543 nổi tiếng của Biệt Khu 44).

Vào khoảng tháng 3 năm 1964, chiến cuộc tại Miền Nam Việt Nam bắt đầu trở nên sôi động sau cuộc chạm súng với Cộng quân tại Ấp Bắc vào đầu năm 1963. Bên quốc gia láng giềng Cam Bốt, cộng sản Bắc Việt đã lập nhiều căn cứ trong nội địa Cam Bốt và tập trung một số đơn vị chủ lực để tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

Theo tin tức tình báo và sự ghi nhận của đơn vị lực lượng đặc biệt A432 tại Thường Thới, Quận Hồng Ngự, thì Cộng quân đã điều động lực lượng chủ lực cấp Trung đoàn Z14 tại Giồng Bàn sát biên giới Miên-Việt. Cộng quân đã đào giao thông hào trên 10km để di chuyển từ “Cồn Bà Ca” Bến Đình dọc theo lằn ranh biên giới đến tận Rạch Hồng Ngự nhằm che mắt quan sat của Quân lực VNCH, quyết tâm dành quyền kiểm soát khu vực có tầm mức chiến lược quan yếu này để củng cố các trục xâm nhập vào Việt Nam.

 

Bản đồ vùng Hồng Ngự

 

Để truy lùng lực lượng này của cộng sản, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH gấp rút điều động một Chiến Đoàn đặc nhiệm gồm Lữ Đoàn Nhảy Dù với 2 Tiểu Đoàn 1 và 8ND cùng với giang đoàn 22 xung kích, Giang pháo Hạm Thiên Kích 329 và một Chi Đoàn Thiết Vận Xa M113 do Đại tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù trực tiếp chỉ huy khởi động cuộc hành quân quy mô vào đầu tháng 3/1964.

Lực lượng bạn:

- Lữ Đoàn Nhảy Dù do Đại tá Cao Văn Viên làm Tư Lệnh tham chiến với 2 Tiểu Đoàn
- TĐ1ND, Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu tá Đoàn Văn Nu, TĐP là Đại úy Lê Văn Đặng
- TĐ8ND, Tiểu Đoàn Trưởng là Đại úy Trần Văn Hai. TĐP là Đại úy Đào Văn Hùng.

Lực lượng địch:

Trung Đoàn Z14 Việt cộng gồm Tiểu Đoàn 502 và các đơn vị địa phương tập trung tại biên giới Miên-Việt, khu vực Tân Châu Hồng Ngự để tấn chiếm vùng đất chiến lược này.

Cuộc hành quân được giữ bí mật đặc biệt, các quân nhân tham chiến không được mang bất cứ giấy tờ tùy thân gì liên quan đến QLVNCH. Mục tiêu của cuộc hành quân phía bên kia biên giới, Chiến Đoàn được lệnh đánh bọc hậu địch quân và trở về trước 8.00 giờ sáng. Cộng quân thường lợi dụng luật Quốc Tế về đường biên giới, ẩn núp để tấn công Quân Đội VNCH rồi rút trốn sang lãnh thổ Campuchia như một nơi an toàn bất khả xâm phạm.

Ngày 2/3/1964 để đánh lạc hướng tình báo địch, các đơn vị Nhảy Dù xuống tàu tại Mỹ Tho được Giang Pháo Hạm 329 và lực lượng Hải Quân xung kích chuyển vận 2 ngày một đêm tới đổ quân tại Trại lực lượng Đặc Biệt Thường Thới ở phía Bắc của thị trấn Tân Châu. Tại đây, LLĐB cung cấp một Tổ Thám Sát hướng dẫn lộ trình.

Đổ quân xong khoảng 8.00 giờ đêm ngày 3/3/1964, trời tối đen, phải di chuyển ngay đến mục tiêu. Tiểu Đoàn 1ND được lệnh đi đầu, BCH Lữ Đoàn đi với TĐ1ND. Tiểu Đoàn 8ND đi bọc hậu. Tất cả đơn vị đều được lấy hướng đi tiêu chuẩn theo địa bàn, giới hạn tối đa ánh sáng, tiếng động và ước lượng đến 5.00 giờ sáng sẽ tới mục tiêu rồi dàn đội hình tác chiến tấn công, thanh toán mục tiêu trước khi mặt trời mọc.

Đến 5.00 giờ sáng ngày 4/3/1964 mà đơn vị dẫn đầu chưa tới mục tiêu chỉ định. Đại tá Tư Lệnh Lữ Đoàn cho lệnh các đơn vị dừng quân và bố trí cho các anh em binh sĩ nghỉ ngơi chờ sáng.

Đến khi trời sáng dần, để khỏi bị lộ, Đại tá LĐT cho lệnh hủy bỏ cuộc tấn công và các đơn vị dàn đội hình chuẩn bị lui binh, TĐ1ND vẫn giữ nhiệm vụ đi đầu và xoay về hướng Đông Nam trở về biên giới Việt Nam.

Khi các chiến sĩ Dù vừa chuẩn bị đội hình di chuyển xong. Bỗng nhiên từ hướng Đông Bắc, ở rặng cây xanh cách vị trí dừng quân chưa tới 100m (Giồng Ổ Quạ), địch quân vừa phát hiện được sự hiện diện của quân ta và khai hỏa dữ dội. Một quả đạn 57ly trúng vào BCH Hành Quân và BCH/Tiểu Đoàn 1, Đại tá Chiến Đoàn Trưởng bị thương ở cánh tay phải, Đại úy Nguyễn Minh Tiến, Sĩ Quan Hành Quân bị thương nặng gẫy xương chân và mù một mắt, Cố Vấn Trưởng của Tiểu Đoàn 1ND là Đại úy Mc Cathy và Binh I Trần Văn Đức thuộc đơn vị Công Binh Nhảy Dù bị tử thương ngay tức khắc.

Trước tình thế nguy hiểm, không một chút nao núng, Đại tá Lữ Đoàn Trưởng điều động chiến đoàn phản công quyết liệt, Tất cả chiến binh Nhảy Dù dàn đội hình nhắm hướng vị trí địch quân xung phong. Tiếng hô xung phong, tiếng đạn reo xé gió, đoàn quân mũ đỏ tiến như nước vỡ bờ, áp đảo tinh thần quân địch. Trong khoảnh khắc lực lượng Nhảy Dù đã tràn ngập phòng tuyến của đối phương. Cộng quân bỏ chạy tán loạn.

Khởi đầu, Đại Đội 13/TĐ1ND (sau này đổi lại là ĐĐ15) chiếm đuợc đầu giao thông hào phía Đông của địch quân, Khẩu đại liên 30 bắt đầu khai hỏa khóa mồm các họng súng dưới chiến hào, địch quân hoảng loạn bỏ chạy. Các đơn vị Nhảy Dù khác nương theo đó tấn chiếm chiến hào của địch.

Sau đó, Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù cùng Chi Đoàn Thiết Vận Xa M113 bọc hậu sang phía tay phải để chận đường lui binh của địch. Sau hai giờ giao tranh, Chiến Đoàn Nhảy Dù kiểm soát chiến trường, địch quân rút chạy về phía bên kia biên giới và bỏ lại trên 60 xác, một số vũ khí đủ loại kể cả một đại bác 57ly và khoảng 20 thủy lôi. Nhảy Dù có 9 quân nhân hy sinh kể cả viên cố vấn Mỹ, 15 bị thương trong đó có Đại tá Tư Lệnh Lữ Đoàn và Đại úy Nguyễn Minh Tiến. Sau đó chiến đoàn đặc nhiệm thu dọn chiến trường và rút nhanh về bên này biên giới. Các thương binh được đưa về Tổng Y Viện Cộng Hòa, trong số đó có Đại tá Cao Văn Viên, Chiến Đoàn Trưởng. Riêng TĐ8ND được duy trì ở lại để tiếp tục hành quân truy lùng tàn quân cộng sản trong vùng đến gần một tháng sau mới trở về hậu cứ. Chiều ngày hôm sau Trung tướng Nguyễn Khánh với chức vụ Quốc Trưởng và Trung tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng đến tận giường bệnh trao gắn cấp bậc Thiếu tướng, đặc cách mặt trận cho Đại tá Cao Văn Viên. Và một thời gian ngắn sau đó Tướng Viên bàn giao nhiệm vụ Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù cho Trung tá Dư Quốc Đống để nhận nhiệm vụ khác.

 

 Đại tá CAO VĂN VIÊN Tư Lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù và Trung tá J.H. HAYES, Cố Vấn Trưởng
trên Quân Vận Đỉnh của Hải đoàn 22 Xung Phong tiến ra vùng hành quân

 

 

Đại tá CAO VĂN VIÊN bị thương cùng với Trung tá HAYES đang ngồi tại mặt trận
sau khi đã tiến chiếm mục tiêu. (Hình ảnh do cựu Trung úy J.G. Campbell cung cấp)

 

 

Trung sĩ QUÍ và Trung sĩ Nhất TRẦM (Ban 2/TĐ1ND) Đang thu dọn chiến trường (thủy lôi của V.C)

 

 

 Đại úy TOM MC.CARTHY Cố vấn Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù đang nằm nghỉ ngơi trên Quân vận đỉnh
trên đường ra vùng hành quân (đã anh dũng hy sinh khi tấn chiếm vào mục tiêu)

 


Tài Liệu Tham Khảo:

- Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù của La Trịnh Tường trên trang nhà nhaydu.com
- Hồi ký Đôi Dòng Ghi Nhớ của Phạm Bá Hoa, nxb Ngày Nay ấn bản lần thứ 4 năm 2007
- Giang Ðoàn 26 Xung Phong Tại Chiến Trường Tân Châu - Hồng Ngự (Phần 2) của Trần Ðỗ Cẩm trên trang nhà vietnam.ictglobal.net
- Lời tường thuật của Thiếu tá Nguyễn Duy Thanh Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 543ĐPQ/Đặc Khu 44
- Thomas Weller McCarthy trên trang nhà arlingtoncemetery.net/thomaswe.htm
- Phỏng vấn các chiến hữu trong SĐND

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

******10******

10. Trận Bình Giả (3-12-1964 - 3-1-1965)

 

Bấm vào đây để in ra giấy

Trận Bình Giả

(3-12-1964 - 3-1-1965)

Trận Bình Giả là trận đánh xảy ra vào cuối tháng 12 năm 1964 trong Chiến tranh Việt Nam tại làng Bình Giả, tỉnh Phước Tuy, giữa Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và quân CSBV. Bình Giả tọa lạc hai bên trục lộ trải đá trên một địa hình cao với rào tre bao quanh. Trục giao thông chính của Bình Giả là LTL-7 nối liền giữa hai tỉnh Bà Rịa và Long Khánh. Đa số đồng bào định cư tại đây là giáo dân từ Thanh Hóa và Nghệ An di cư năm 1954. Khi bắt đầu định cư dân số làng Bình Giả độ khoảng 2,000 người. Đến năm 1964 dân số của Làng Bình Giả lên đến khoảng 6,000 người.

Làng Bình Giả thuộc Chi khu Đức Thạnh cách tỉnh lỵ Phước Tuy khoảng 18 cây số, cách Sài Gòn khoảng 67 cây số về phía Đông theo đường chim bay. Ngôi làng nhỏ này chỉ có hai trung đội địa Phương Quân phòng thủ.

Người dân Bình Giả rất ngoan đạo dưới sự lãnh đạo của một Cha xứ. Khi quốc sách Ấp Chiến lược ra đời Làng Bình Giả được tổ chức thành một ngôi làng kiểu mẫu, những lũy tre xanh nhanh chóng mọc lên quanh làng. Dân làng được cha xứ tổ chức thành đội ngũ, được trang bị vũ khí đến cấp Trung đội. Những trạm canh quanh làng được tăng cường với hệ thống mìn bẫy sáng tháo tối gài.

 

 Bản đồ làng Bình Giả

 

Khởi đầu xâm lược miền Nam, CS đã hoạt động tuyên truyền, phá hoại, ám sát viên chức chính quyền. Các hoạt động này dường như xảy ra khắp nơi nhưng tuyệt đối đã không xảy ra tại vùng Bình Giả. CS đã thất bại không gài được hạ tầng cơ sở của chúng trà trộn với dân làng như tại những địa phương khác. Ngược lại, mỗi người dân Bình Giả là một tình báo viên. Mọi tin tức đều được báo cáo lên cha sở để cha sở đúc kết gởi lên quận. Có thể nói là tin tức tình báo mà Chi Khu Đức Thạnh và Tiểu khu Phước Tuy nhận được từ Bình giả là những nguồn tin đáng tin cậy nhất. Khi trận Bình Giả xảy ra, người Bình Giả với hai bàn tay không đã tham gia chiến đấu sát cánh với lực lượng bạn khi hành quân tái chiếm làng. Khi CS tấn công làng dân chúng ẩn núp trong hầm kín đáo theo dõi và báo cáo về quận mọi lực lượng của địch, che dấu thương binh và khi đơn vị tái chiếm làng, cả làng mang thực phẩm và nước uống ra tiếp đón, ủy lạo.

Làng Bình Giả cũng là nơi địch quân lựa chọn để bắt đầu leo thang chiến tranh từ du kích chiến lên trận địa chiến. CS đã áp dụng chiến thuật “Công đồn đã viện”, đánh chiếm làng Bình Giả bằng lực lượng địa phương để nhữ đánh các đơn vị tiếp viện. Bình Giả được chọn làm mục tiêu vì Bình Giả ở cách xa quận/chi khu và chỉ được bảo vệ với 2 Trung đội Bảo An (Lưc lượng địa phương sau này cải tên thành Địa phương quân).

Lực Lượng CSBV:

CS đã tung vào chiến trường hai Trung đoàn chính quy Q761 và Q762, được tăng cường Trung đoàn 80 Pháo binh Miền cùng với 2 tiểu đoàn 500 và 800 chủ lực quân khu miền Đông, Tiểu đoàn 186 của quân khu 6, Đại đội D445 và các đơn vị du kích huyện và xã Tỉnh Bà Rịa. Lực lượng tham dự tổng cộng lên đến trên 7,000 người được đặt dưới sự chỉ huy của Trần đình Xu và Chính ủy Lê văn Tưởng.

Lực lượng VNCH:

- 2 Trung Đội Bảo An trấn giữ Bình Giả
- Chi Đoàn 3 Thiết Vận Xa, Chi Đoàn M24 Thiết Giáp
- Các Tiểu Đoàn 30, TĐ33 và TĐ38 Biệt Động Quân
- Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến
- Tiểu Đoàn 1, 3 và 7 Nhảy Dù.

Diễn tiến:

Vào đầu tháng 12 năm 1964 các hoạt động du kích CS gia tăng gấp bội tại quanh vùng Bình Giả trong khi các đại đơn vị của chúng từ Chiến Khu D di chuyển tập trung tại khu rừng phía Bắc chi khu Đức Thạnh. Mục tiêu chính của CS là đánh chiếm làng Bình Giả bằng lực lượng địa phương để nhử đánh các đơn vị tiếp viện. Bình Giả được chọn làm mục tiêu vì Bình Giả ở cách xa quận/chi khu và chỉ được bảo vệ với 2 trung đội Bảo An (Lực lượng địa phương sau này cải tên thành Địa phương quân).

Làng Bình Giả hầu như bị địch khuấy phá thường xuyên để thăm dò các vị trị bố phòng của làng. Rạng sáng ngày 3/12/1964 đại đội D445 thuộc lực lượng địa phương tỉnh Bà Rịa tấn công ấp chiến lược Bình Giả. Đồng lúc đó, tiểu đoàn 1, trung đoàn Q761 bao vây và pháo kích chi khu Đức Thạnh.

Hai ngày sau BTL Quân đoàn III cho trực thăng vận Tiểu đoàn 30 Biệt Động Quân xuống trận địa tại một địa điểm phía Tây Nam chi khu để từ đây mở cuộc hành quân giải tỏa Bình Giả. Cuộc đụng độ khá ác liệt nhưng quân CS yếu thế đã rút lui. VC bỏ lại trận địa 32 xác.

Ngày 8/12 đại đội 445 cùng với một đại đội thuộc Trung Đoàn Q761 tấn công làng Bình Giả lần thứ nhì. Trong lúc đó, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn Q761 và tiểu đoàn 5 thuộc Trung Đoàn Q762 đánh chi khu Đất Đỏ. Các đơn vị thuộc đoàn 80 pháo binh pháo kích hai chi khu Đức Thạnh, Xuyên Mộc và Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp để cầm chân yểm trợ cho các cuộc tấn công trên. Tuy nhiên, quân CS đã bị đẩy lui. Các cuộc pháo kích của địch quân không gây ra thiệt hại nào đáng kể.

Ngày 9/12, Chi đoàn 3 thuộc Trung Đoàn 1 thiết giáp được lệnh mở cuộc hành quân giải tỏa liên tỉnh lộ 2. Bốn ngày sau (13/12), trên đường hành quân trở về, Chi đoàn 3 lọt vào ổ phục kích của Trung Đoàn Q762 tại Bình Ba, trên trục lộ Phước Tuy-Hàm Tân, cách sông Cầu khoảng 600 thước. Có đến 14 chiếc M113, hơn phân nửa thiết vận xa của Chi đoàn bị phá hủy và Đại úy Ngọc Chi đoàn trưởng bị tử thương.

Ngày 14/12 một ngày sau khi Chi đoàn 3 Kỵ binh bị phục kích, Tiểu đoàn 4TQLC được trực thăng vận xuống bìa làng phía Tây Bình Giả để giải tỏa áp lực địch và giải vây cho phần còn lại của Chi đoàn 3 Kỵ binh còn đang cố thủ tại nơi bị phục kích. Khi Tiểu đoàn 4TQLC bắt tay được với Chi đoàn 3 Thiết kỵ thì địch quân đã rút lui, trận địa chỉ còn lại xác người và xác các xe thiết vận xa M113 bị phá hủy trong rừng cao su bỏ hoang. Việt cộng đã tháo gỡ, thu nhặt hết vũ khí, luôn cả quân trang trên người đã chết chúng cũng không từ. Tiểu đoàn 4TQLC bố trí yểm trợ cho Chi đoàn 3 Thiết kỵ thu dọn chiến trường và rút ra khỏi trận địa. Tiểu đoàn 4TQLC tiếp tục hành quân tiến về phía rừng Sác gỉải tỏa áp lực địch dọc theo quốc lộ 15 từ Phước Tuy đến quận Long Thành. Không có hoạt động nào đáng kể của địch quân được ghi nhận. Ngày 16/12/1964 TĐ4TQLC di chuyển bằng xe GMC về Dỉ An và hằng ngày ứng chiến cho QĐ3 tại phi trường Biên Hòa.

 

 Chi đoàn 3 Thiết Giáp lọt vào ổ phục kích của Q762 tại Bình Ba

 

Những ngày sau trận Bình Ba, không có một dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của địch trong vùng. Các đơn vị tham chiến của địch đã rút sâu vào rừng gần bãi biển Hàm Tân để tiếp nhận vũ khí đạn dược từ một chiếc tàu từ miền Bắc vào cập bến tại Lộc An ngày 22/12/1964 mang theo 44 tấn vũ khí gồm súng trường CKC, Tiểu liên AK47, K50, thượng liên RPD và súng chống chiến xa B40. Số vũ khí này được trang bị ngay cho các cán binh VC đang tham chiến.

Rạng sáng ngày 28/12, đại đội D445 cùng với đại đội 2 thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn Q761 trở lại tấn công Bình Giả lần thứ ba đồng thời dùng đại bác 75ly không giật trực xạ vào chi khu Đức Thạnh. Ngôi làng nhỏ Bình Giả này chỉ có hai Trung đội địa Phương Quân trấn giữ, chỉ sau một vài giờ giao tranh là bị thất thủ. Sau khi chiếm xong làng, địch quân tăng viện thêm quân để cố thủ.

 

 

Sáng ngày hôm sau 29/12, Tiểu đoàn 38BĐQ được trực thăng vận xuống trảng trống phía Tây Nam chi khu Đức Thạnh để tái chiếm Bình Giả và tiếp cứu quân bạn. Tiểu đoàn 38 chia làm 3 mũi tiến quân vào Bình Giả nhưng cả ba mũi đều chạm súng nặng. Việt cộng đã bố trí trận địa, đào sẵn các công sự kiên cố chờ đánh viện binh trực thăng vận ở các bãi trống quanh làng, phục kích Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân ngay khi vừa chạm chân xuống đất. Tiểu đoàn này đã anh dũng chống trả mãnh liệt nhưng vẫn bị thiệt hại nặng, Tiểu Đoàn Trưởng và một Đại Đội Trưởng bị tử thương. Hơn một trăm chiến binh còn sống sót đã kéo vào tử thủ ở ngôi nhà thờ chính trong làng. Trước tình hình nghiêm trọng, lúc 3.45 PM ngày 29/12/1964 BTL Quân đoàn III cho trực thăng vận tăng viện Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân, TĐT là Đại úy Nguyễn văn Đương xuống trận địa tại một địa điểm phía Tây Nam chi khu để từ đây mở cuộc hành quân giải tỏa Bình Giả. Đợt đầu trực thăng thả hai ĐĐ 1/33 & ĐĐ 2/33 xuống trước. Sau đó, trực thăng quay về Biên Hòa bốc phần còn lại là BCH/TĐ33 và hai ĐĐ3/33 BĐQ & ĐĐ4/33 BĐQ nhảy xuống LZ gần dốc La Sơn. Cuộc đụng độ khá ác liệt, VC phục kích bãi đổ quân gây thiệt hại nặng cho tiểu đoàn này. TĐP/TĐ33BĐQ là Đại úy Bửu Nghi bị tử thương. Ngày hôm sau, Tiểu đoàn 30BĐQ được trực thăng vận xuống phía Tây Nam làng Bình Giả. Cuộc đổ quân không gặp sự kháng cự nào của địch quân. Nhưng Tiểu đoàn này bị cầm chân ngay khi bắt đầu tiến vào làng và suốt ngày hôm đó Tiểu đoàn 30 vẫn không tiến lên được để bắt tay với Tiểu đoàn 38BĐQ đang cố thủ cách bìa làng độ 300 thước. Trong khi đó, nhờ sự che chở tích cực của dân làng, hơn một trăm tay súng TĐ38 Biệt Động Quân vẫn giữ được vị trí, dù tất cả đều mang thương tích trên người.

Ngày 30/12, Tiểu đoàn 4TQLC được trực thăng vận xuống phía Đông Nam ấp La Vân để tăng cường cho lực lượng đã có sẵn tại đây, chiếm lại Bình Giả. Quân số khiển dụng của TĐ4TQLC khoảng 550 người. (TĐT Thiếu tá Nguyễn Văn Nho, TĐP Đại úy Trần Văn Hoán, ĐĐT: Trung úy Trần Ngọc Toàn, Trung úy Đỗ Hữu Tùng, Thiếu úy Nguyễn Văn Huệ, Trung úy Nguyễn Đằng Tổng. 2 SQ cố vấn là Thiếu tá Elle & Trung úy Brady và sau tăng cường Đại úy DG Cook và 2 Hạ sĩ Quan TQLC Mỹ)

Sau đó TQLC bắt tay được với các cánh quân của hai Tiểu đoàn 30 và 38BĐQ đẩy lùi quân CS về phía đông đồn điền cao su Quảng Giao. Đêm đến quân CS trở lại tấn công làng Bình Giả nhưng đã bị đẩy lui sau gần một giờ giao tranh. Tuy nhiên trong khi yểm trợ cho quân bạn, một trực thăng của Mỹ đã bị bắn rơi trong đồn điền cao su Quảng Giao cách làng Bình Giả khoảng 4 cây số. Phi hành đoàn 4 người đều bị tử thương. Sáng sớm ngày 31/12, Tiểu đoàn 4TQLC được lệnh đưa quân vào đồn điền cao su Quảng Giao để tìm trực thăng bị nạn. Tiểu đoàn Trưởng ra lệnh cho ĐĐ2 hành quân thi hành nhiệm vụ này. Khi tiến đến đồn điền cao su, cách làng Bình Giả độ 2 cây số về phía Đông, ĐĐ2 đã tìm thấy trực thăng bị bắn rơi cùng với xác của phi hành đoàn. Đại đội 2 mở rộng đội hình khám phá ra nhiều gò mả mới chôn nhưng thật ra là các vị trí độn thổ phục kích của địch. Ngay lúc đó quân VC đã tràn lên tấn công. ĐĐ2 xiết chặt đội hình chống trả mãnh liệt, chận đứng nhiều đợt xung phong của địch. Được tin, Tiểu đoàn Trưởng điều động tiểu đoàn từ làng Bình Giả đến tiếp cứu. Khi Tiểu đoàn đến thì VC đã rút lui vì biết rằng sẽ có trực thăng đến tản thương và chắc chắn sẽ có trực thăng võ trang yểm trợ. Khoảng nửa giờ sau, một trực thăng tản thương và hai trực thăng võ trang đến. Trực thăng tản thương đáp xưống nhận xác phi hành đoàn nhưng từ chối chuyên chở 12 xác TQLC bất chấp sự phản đối của các sĩ quan cố vấn Mỹ của TĐ. Tiểu đoàn tiếp tục bố trí quân chờ trực thăng đến di tản xác 12 quân nhân TQLC. Chờ mãi không thấy và trời cũng đã xế chiều nên Tiểu đoàn trưởng quyết định di chuyển xác theo đường bộ về làng Bình Giả. Tiểu đoàn vừa thu quân chuyển sang đội hình hành quân thì địch quân xuất hiện khắp bốn phía tấn công tới tấp, nã súng không giật và súng cối và tiếp theo là xung phong lên tấn công tiểu đoàn. Tiểu đoàn chống trả chận đứng nhiều đợt xung phong biển người của địch. Khoảng nửa giờ sau khi chạm súng Thiếu tá Nguyễn văn Nho Tiểu đoàn trưởng bị tử thương và đại đội phó Đại úy Hoán bị thương nặng. Trung úy Trần ngọc Toàn Đại Đội Trưởng Đại đội 1 nắm quyền chỉ huy điều động tiểu đoàn cố thủ trên ngọn đồi giữa rừng cao su Quảng Giao. Tại đây tiểu đoàn đã chận đứng nhiều đợt xung phong và gây thiệt hại nặng cho VC. Trận đánh khốc liệt tiếp tục cho đến khi trời sụp tối.

 

Trận Bình Giả ngày 31/12/1964

 

Tối đến, phi cơ lên vùng thả hỏa châu soi sáng trận địa. Dưới ánh sáng hỏa châu, Trung úy Nguyễn Đằng Tổng ĐĐT/ĐĐ4 hướng dẫn các quân nhân còn tản lạc tìm đường trở lại Bình Giả. Quân CS cũng rút lui ra khỏi trận địa và dùng xe bò chuyên chở xác các cán binh tử trận về hướng Rừng lá và Xuyên Mộc.

Đại tướng Nguyễn Khánh chỉ định Đại tá Lâm Quang Thơ đang là Chỉ Huy Trưởng Trường Thiết Giáp làm Chỉ Huy Trưởng Chiến Đoàn 5 mở cuộc hành quân Hùng Vương 2 để tảo thanh vùng Bình Giả.

Sáng ngày 1/1/1965 nhiều đơn vị quân đội đuợc vận chuyển tới để tiếp viện cho mặt trận Bình Giả. 102 xác VC bỏ tại trận.

Ngày 3/1/1965 BTL tiền phương của chiến đoàn 5 cùng Chi Đoàn Kỵ binh gồm 15 chiến xa M24 cùng với TĐ35BĐQ tùng thiết di chuyển từ Bà Rịa lên Đức Thành đã lọt vào ổ phục kích của Trung Đoàn Q762 trên LTL-7. Lực lượng hành quân bị thiệt hại nặng, hầu hết sĩ quan của BTL tiền phương đều bị tử trận.

Ngay sau đó, BTL Quân đoàn III trực thăng vận 2 Tiểu đoàn 1 & 3 Nhảy Dù xuống phía đông Bình Giả mở cuộc hành quân truy kích, và TĐ7ND mở đường từ Phước Lễ đến Ba Bình thu nhặt những xác binh sĩ tử trận của 2 đơn vị Thiết Giáp và BĐQ nhưng không có cuộc giao tranh nào xảy ra, quân CS đã rút lui. Sau đó 3 TĐND được trực thăng vận đánh thẳng vào mật khu Hắc Dịch để càn quét. Cuộc hành quân không có đụng độ lớn vì địch quân lẩn tránh. Các Tiểu đoàn Dù khám phá được nhiều kho lương thực, vũ khí, đạn dược của Việt Cộng.

 

Các Sĩ Quan ĐĐ32 Nhảy Dù tại Bình Giả; Từ trái sanh phải:
Chuẩn úy Nguyễn văn Tèo, Chuẩn úy Trương Văn Ngoạt,
ĐĐT: Trung úy Lê Minh Ngọc, Thiếu úy Nguyễn Đức Cần

 

Tổng kết:

- Phía Việt Nam Cộng Hòa tổng cộng có 201 quân nhân thiệt mạng (trong đó có 5 cố vấn Mỹ), 192 người bị thương (trong đó có 8 người Mỹ), và 68 người mất tích (trong đó có 3 người Mỹ)

- Thiệt hại của TĐ4TQLC bao gồm 112 tử trận, 71 bị thương, 22 sĩ quan của TĐ đã tử trận kể cả Tiểu đoàn trưởng. Các cố vấn Donald G. Cook (cố vấn TĐ4TQLC), Harold G. Bennett và Charles E. Crafts (cố vấn TĐ33BĐQ) bị bắt làm tù binh

- Về phía Việt Cộng, theo lời xác nhận của một SQ cao cấp CS thì sự thiệt hại của họ trên 1,000 nhân mạng gồm cả chủ lực, du kích và dân công

Sự thất bại về quân sự của trận Bình Giả đã ảnh hưởng rất lớn đến chính sách sử dụng quân đội Mỹ để thay thế QLVNCH trong đường lối chỉ đạo chiến tranh “lùng và diệt địch”.

 

General William Westmoreland Bending in Field
Original caption: General William C. Westmoreland, Commander of the U. S. Forces in Vietnam
will return to Washington on July 1st to become Chief of Staff of the Army,
President Johnson announced late on March 22nd. General Westmoreland is shown here
going through heavy jungle bush at Binh Gia, South Vietnam, in a January 10, 1965 photo.

 


Tài Liệu Tham Khảo:

- Chiến tranh VN toàn tập 1963-1975 của Tiến sĩ Nguyễn Đức Phương, Làng Văn xuất bản 2001
- Trận Bình Giả của Huỳnh bửu Sơn trên trang nhà www.bariaphuoctuy.org
- Những sự thật về trận Bình Giả của Trần Ngọc Toàn, Cựu TĐT/TĐ4/TQLC trên trang nhà tvvn.org
- Trận Bình Giả lúc khởi đầu của MX Trần Ngọc Toàn trên tqlcvn.Victoria, blog.360.yahoo.com
- Phỏng vấn các chiến hữu trong SĐND
 

Bấm vào đây để in ra giấy

Bảng hướng dẫn đến các chương (bấm vào các con số sẽ đi thẳng đến chương đó):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44
Mục lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trích và cập nhật từ quyển “20 Năm Chiến Sự” - Binh chủng Nhảy Dù
Tác giả:


Đại úy Võ Trung Tín Tiểu đoàn Truyền Tin SĐND – 714-856-9202
Đại úy Nguyễn Hữu Viên Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù – 714-897-1435
1246 S. Huron Dr. Santa Ana CA 92704
Email:
20namchiensu@gmail.com



Tổng Phát Hành: Mr. Hải Võ
1246 S. Huron Dr. Santa Ana CA 92704
Tel: 714-856-9202. Email: 20namchiensu@gmail.com
Giá quyển sách:
$40.00USD (Ngoài Hoa Kỳ: $50.00USD)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by Võ Trung Tín chuyển

 

Đăng ngày Thứ Sáu, July 29, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang