Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Chính trị
Tác giả: Trần Văn Tích

Tự do trong nghệ thuật

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

L'art naît de contrainte, vit de lutte, meurt de liberté. --(Gide)
(Nghệ thuật khởi sinh từ cưỡng chế, tồn tại qua đấu tranh, tử vong vì tự do)

Tự  do tuyệt đối không hề có trong nghệ thuật cũng như trong văn chương. Câu thúc kích thích mỹ học. Chướng ngại có tác dụng bàn nhún để nhảy. Kiến trúc mà không có kẻ thù là trọng lượng thì đã không là kiến trúc. Gide kể rằng theo truyền tụng, vì thiếu nguyên liệu cẩm thạch nên Michel-Ange phải tạc tượng Moise trong tư thế thu hình. Vì chỉ có thể sử dụng một số giọng nghệ nhân sân khấu hạn chế nên Eschyle bị ép phải sáng tạo ra nỗi niềm câm nín của Prométhée bị trói trên đỉnh Caucasus. Nước Hy lạp ngày xưa phóng trục kẻ nào thêm một dây vào đàn thất huyền. Và để kết luận, Gide nêu ý kiến được chọn làm đề từ cho bài viết hôm nay (1).

Nghệ thuật luôn luôn có cưỡng chế là hệ luận. Nghĩ rằng nghệ thuật càng vươn lên cao khi càng có tự do cũng giống như nghĩ rằng cái dây níu con diều giấy lại không cho nó tung hoành trong bầu trời. Con chim cưu của Kant khi ngỡ rằng mình sẽ bay thanh thoát hơn nếu không có không khí làm vướng bận đôi cánh đã không ý thức được rằng nó chẳng thể đập cánh tung mình trong chân không. Nghệ thuật muốn đi lên phải có đối kháng để nương tựa.

Văn nhân hay nghệ sĩ thường có xu hướng tìm tòi cái mới, đổi thay cái cũ, vì vậy nên mới xuất hiện hết trường phái mới lại đến thể loại lạ. Tự do trong sáng tạo chủ xướng phủ nhận qui luật, phá bỏ câu thúc để mở đường cho cảm xúc, bút hứng tung cao đôi cánh; để đưa văn học nghệ thuật đến gần hiện thực cuộc đời; để tán trợ tưởng tượng, sở thích, sáng ý và – đối với giới thưởng ngoạn – để thay đổi niềm vui thích khi tiếp nhận thành quả trí tuệ. Nhưng tự do trong sáng tạo cũng hàm chứa những nguy cơ tiềm ẩn: nhà văn nhà thơ có thể viết lách dị hình dị dạng, bức tranh tấm ảnh có thể mang nét quái gở bất thường; câu văn dòng thơ trở nên dễ dãi, cẩu thả và – vẫn đối với giới thưởng ngoạn – văn phẩm thi phẩm, họa phẩm có thể không được đón tiếp vì người đọc người xem không hiểu, không chịu. Không thể nhân danh tự do trong sáng tạo mà tô vẽ quốc kỳ lên một cái chậu rửa chân vì bất kỳ nền văn hóa nào cũng có những cấm kỵ. Người Việt tỵ nạn cộng sản chống đối mọi nghịch cảnh để giương cao lá cờ nền vàng ba sọc đỏ từ sau ngày 30 tháng tư cho đến tận hôm nay. Đặt để quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa vào bất kỳ chỗ nào bất kính đều phạm húy. Nước Đức ngày nay không chấp nhận tranh vẽ chữ vạn quốc xã. Quốc hội một trong ba nước vùng Baltíc đã ban hành luật cấm cả chữ vạn quốc xã lẫn búa liềm cộng sản.

Cấm đoán văn hóa như thế khác xa kiểm duyệt toàn trị. Trong môi trường dân chủ tự do, có những điều đạo đức khuyên chẳng nên làm tuy không có luật pháp ngăn cản. Trong chế độ độc đảng độc tài, có những điều không được phép làm mặc dầu hiến pháp, luật pháp cho phép. Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ ở Việt Nam ngày nay sáng tác với vòng kim cô trên đầu. Nghệ sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ Việt Nam ở nước ngoài sáng tác theo ý thức tự giác, theo quyết định cá nhân, theo tinh thần trách nhiệm. Người nghệ sĩ Việt Nam sinh sống ở Cộng hòa Liên bang Đức không ai nghĩ đến chuyện vẽ hình chữ vạn quốc xã, tạc tượng Hitler để triển lãm và tự chế như thế, không ai nghĩ là mình phải hoạt động nghệ thuật theo đường lối chủ trương trong nước.

Chế độ cộng sản có đủ thứ trong tay. Nó bắt đi bên lề phải nên blogger nào mới dợm hướng sang lề trái là vô tù vì... thiếu thuế. Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại không có gì ngoài tiếng nói (và chữ viết, khi cần thiết). Tiếng nói, câu văn cất lên nhằm mời gọi, van xin, năn nỉ, kêu nài, cầu khẩn, thỉnh nguyện. Tiếng nói đưa ra giữa cá nhân với cá nhân trong đối thoại trực tiếp, tiếng nói vang động giữa tập thể và phe nhóm trong hội thảo hội luận. Muốn hát cho người tỵ nạn cộng sản nghe trên vùng đất lưu vong của người tỵ nạn cộng sản nhưng nhất định không chấp nhận Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa vì nhân danh tự do trong nghệ thuật là bắt nghệ thuật phải cáo chung. Nghệ thuật không còn biết mình sinh ra để làm gì.

Trong lịch sử văn học nghệ thuật, nghệ sĩ có thể vì thiện chí cách tân mà hành động. Picasso trải qua nhiều giai đoạn sáng tác theo những trường phái, đường lối khác nhau.

Tuy nhiên xã hội, ngay cả xã hội tự do thượng tôn luật pháp, dù muốn dù không, chẳng nhiều thì ít, cũng luôn luôn cùm chân buộc tay văn nghệ. Nghệ sĩ, văn sĩ có thể vì chiều theo thị hiếu khán giả, thính giả mà mất phần nào tự do tự chủ, thậm chí trở thành phục tòng lệ thuộc. Xã hội có thể lôi kéo văn sĩ, nghệ sĩ vào những tranh chấp tranh luận chính trị văn hóa. Cộng đồng có thể áp đặt một trật tự nào đó cho ngòi bút sáng tác, cho cây cọ vẽ tranh, cho mũi dao tạc tượng, cho phong cách biểu diễn, cho lời ca tiếng hát, vì dù sao đi nữa, kẻ sử dụng bút, cọ, dao hay người trình diễn vẫn là một thành viên cộng đồng. Qua tuyên truyền quảng cáo nhằm đề cao tài tử “siêu sao”, tập thể đối tác của văn học nghệ thuật lắm khi khiến cho văn nghệ sĩ trở thành kiêu căng hợm hĩnh và/hoặc nhỏ mọn tẹp nhẹp. Ngược lại, qua cung cách hành xử cá nhân, văn nghệ sĩ trong nhiều trường hợp đánh lộn sòng tài năng với nổi loạn; từ đó rơi vào lập dị, phóng túng, lưu đãng (tuy rằng động cơ thực ra có thể vốn là tích cực). Kết quả: văn nghệ sĩ chuyển sang thách thức xã hội, khích bác tập thể, gây hấn cộng đồng. Gọi một hình thức sinh hoạt văn nghệ là “Trói vào tự do“ chỉ gây tác dụng phản ứng ngược nơi tha nhân vì lối sử dụng ngôn từ bí hiểm không có chút nào là đắc địa cả. Gọi như thế chẳng thể nào phát huy được tác dụng mong muốn vì người nghe không hiểu gọi như thế nhằm gây tác dụng gì!

Céline, nhà viết tiểu thuyết Pháp, chuyên sử dụng đắc địa ngôn ngữ tục tỉu, tiếng lóng tiếng lái để chửi rủa lăng mạ, cuối đời đành tự lưu đày. Salvador Dalí, họa sĩ người Tây Ban Nha, cũng phải tự nhận là mình vẽ tranh theo lối paranoia
(2). Yves Klein, họa sĩ Pháp, khiến nhiều khách xem tranh muốn điên cái đầu. Quả là những tài năng ngoại lệ này vẫn có công chúng thưởng ngoạn của riêng họ, thậm chí còn có cả những người mến mộ họ. Và tranh của họ cũng được treo trong các viện bảo tàng mỹ thuật, sách của họ cũng được bình luận trong các công trình văn học sử. Nhưng đa số khán giả độc giả không thể nào gần gụi họ được.

Trong thi ca cũng thế. Sự cách tân thi pháp nhiều khi chẳng những không được hoan nghênh mà còn bị khước từ. Trường thơ Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, chủ yếu dựa vào hình thức alexandrin mười hai chân của thơ Pháp, chẳng phổ cập được bao nhiêu. Quan điểm nghệ thuật của nhóm Xuân Thu Nhã Tập thần bí, tối tăm, lập dị nên tuổi thọ rất thấp.

Thực ra thời nào và ở đâu cũng có chống đối, thách thức trong văn học nghệ thuật. Nhưng tất cả vấn đề nằm ở chỗ biết ngừng lại khi cần ngừng lại. Họa sĩ, văn sĩ, kịch sĩ, ca sĩ, bỉnh bút, phóng viên dù có ý thức độc lập đến đâu, dù có đấu tranh cho tự do sáng tác bao nhiêu, dù có thiên tài như thế nào đi nữa, cũng không thể cất mình đứng bên trên xã hội như một siêu nhân, cũng không thể tự tách mình ra ngoài cộng đồng trong một splendid isolation.

Khi công luận đánh giá tiêu cực tiểu thuyết Céline, khi người xem cho rằng tranh Dalí bệnh hoạn, thì, khi hành động như vậy, công luận không hề nuôi ý muốn bắt nghệ sĩ văn sĩ phải đầu hàng tuân lệnh, dư luận chẳng hề có mục đích khiến nhà báo nhà thơ phải quì gối khấu đầu. Và người viết báo làm thơ, người hát người nghe như là những thành viên của cộng đồng, cũng không việc gì phải nuôi mặc cảm tự ti bệnh hoạn là mình thua cuộc.

Tự do hoàn toàn dễ trở thành nhàm chán. Vì tự do để làm gì đây? Để đi tìm cứu cánh của tự do ư, nhưng mọi cứu cánh đều là câu thúc, không nhiều thì ít. Đọc La Nausée (Buồn nôn) của Sartre thấy rõ cảm tưởng nhờm tởm của tình trạng hoàn toàn tùy tiện tùy ý. Để cho tự do khỏi trở thành phóng túng, cá nhân trong xã hội phải tự giác nhận thức trách nhiệm. Cho nên tu viện Tê-le-mơ (abbaye de Thélème), cơ cấu tôn giáo hư cấu của Rabelais trong Gargantua qui tụ một tập thể sống không gò bó nhưng là một tập thể thượng lưu tinh hoa.

Trong thực tế sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ, văn sĩ, thi sĩ không bao giờ tự do. Văn sĩ không thể đòi tự do hoàn toàn, nghệ sĩ cũng chẳng có thể lựa chọn vị thế vô tư cao độ vì la suprême impartialité est une chose anti humaine (tính vô tư tuyệt đối là một điều phi nhân, George Sand, thư gửi Flaubert ngày 12-01-1876). Hoặc ngươi chọn cờ máu thì chớ đến với người tỵ nạn cộng sản, hoặc ngươi chọn cờ vàng thì đừng lên giọng thân cộng thiên cộng. Ngươi chẳng thể nào vừa phủ nhận cờ máu vừa ấm ớ nói ngang nói ngửa đả kích những người tôn trọng cờ vàng, bảo vệ cờ vàng là vi phạm tự do! Suy nghĩ như thế, chính ngươi là kẻ phản bội tự do, chính ngươi là kẻ giết chết nghệ thuật.

BS Trần Văn Tích
23-01-2017

Tác giả ghi chú:

(1) Le grand artiste est celui qu'exalte la gêne, à qui l'obstacle sert de tremplin. C'est au défaut même du marbre que Michel-Ange dut, raconte-t-on, d'inventer le geste ramassé du Moise. C'est par le nombre restreint des voix dont pouvoir à la fois disposer sur la scène que, contraint, Eschyle dut d'inventer le silence de Prométhée lorsqu'on l'enchaine au Caucase. La Grèce proscrit celui qui ajouta une corde à la lyre. L'art nait de contrainte, vit de lutte, meurt de liberté.

André Gide.- L'Évolution du théâtre

(2) Paranoia: chứng cuồng ám, một hình thức bệnh lý tâm thần.

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Những bài viết của Tác giả đăng trong website này

 

Những bài liên hệ

 

Bạn Không Phải Yêu Nước Mỹ

Hiện tượng không cờ ở Đức

Đừng nên để đảng cộng sản bịt mắt, mò mẫm dẫn lên chủ nghĩa xã hội

Tự do trong nghệ thuật

Đề từ theo kiểu Nguyễn Quốc Khải

Tại sao tôi từ bỏ cờ đỏ để đi với cờ vàng

Buổi Họp Báo của Cộng Đồng VN HTĐ về vấn đề Mai Khôi

Người Việt Nam Cộng Hòa và Những Người Việt Khác

Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ Là Biểu Tượng Cao Quý Nhất của Quốc Dân VN

Buổi Chào cờ không có lá Quốc kỳ trước một cuộc hành quyết

Hai lá cờ, chuyện muôn năm cũ

Phản ứng CĐ: v/v vẹm MK được mời "hét" tại vùng HTĐ&PC

Ôm Bọn Chống Cộng Cuội Vào Lòng!

Con người và Sự kiện tại CĐ Washington, D.C. qua nữ ca sĩ Văn công VC Mai Khôi

Quốc Ca và Quốc Kỳ không phải là trò đùa

Ban Tổ Chức đêm Nhạc Thính Phòng Trói Vào Tự Do bất kính với lá Quốc Kỳ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm lưu trữ những buổi lễ Mừng Thánh Tổ SĐND/QLVNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Xuân Đinh Dậu. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển

 

Đăng ngày Thứ Hai, January 23, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang