Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Ngược dòng Thời gian
Chủ đề: Cách mạng Mùa thu
Tác giả: Đỗ Long

Tôi tham dự cái gọi là
“Ngày cướp chính quyền 19-8-1945” tại Hà Nội



 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Nhân dịp tham dự Nghị Hội Cộng Đồng VN năm 1987 tại Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ vừa qua, tôi đã có dịp gặp lại lần đầu tiên những bạn học cũ cách đây khoảng 40 năm như các anh Nguyễn Tường Bá và Trần Văn Dĩnh đã cùng học những năm đầu trung học Đệ Nhất Cấp tại trường Trung Học Đỗ Hữu Vị, nơi khuôn viên trường Canh Nông cũ gần Sở Bách Thú Hà Nội, thời gian hậu cái gọi là “Ngày cách mạng tháng 8” theo luận điệu của người cộng sản VN cho đến ngày 19-12-1946 là ngày toàn dân kháng chiến chống Pháp.

Trần Văn Dĩnh tôi không nhớ nhiều ngoài vừng trán hói bóng nhẵn và tiếng nói lớn, giọng miền Trung cố hữu. Nhưng có lẽ anh Nguyễn Tường Bá là người tôi nhớ lại nhiều nhất, nhớ anh có vóc dáng nhỏ nên ngồi hàng ghế đầu ngay cửa vào lớp thì ít, nhưng nhớ cây súng ngắn anh thường hay mang theo trong cặp sách nhiều hơn. Thời gian này, ông Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) đang giữ chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng trong chính phủ liên hiệp do tên Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch cùng một số đồng chí khác thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng. Có lẽ vì ý thức được sự tráo trở của bọn cộng sản nên phải chăng Nguyễn Tường Bá đã phải mang súng phòng thân chăng?

Danh từ cộng sản đối với tôi hồi đó và có lẽ một số lớn người khác có nghĩa là những người yêu nước chống Tây, Nhật và muốn giành lại độc lập cho xứ sở. Riêng trường hợp tôi, tôi hiểu thêm những người cộng sản là những tội nhân trong nhà pha (nhà tù) Hỏa Lò Hà Nội bị giam trong thời Pháp thuộc, bị xiềng xích và không được đọc các báo bên ngoài nhà tù, những người mà thân mẫu tôi đã lén lút dấu báo trong những cần xế thực phẩm để qua mặt ban Giám thị Pháp rồi sau đó chuyển lại cho họ xem. Những năm sau cùng của thời Pháp thuộc, gia đình tôi là nhà thầu cung cấp thực phẩm cho nhà pha Hỏa Lò Hà Nội và trường Trung học Pháp Lycee Albert Sarraut Hà Nội trong những năm trước ngày Hiệp Định Geneve 1954 ra đời.

Nhưng có điều lạ, ông Nguyễn Thái Học cũng là người yêu nước, sao tôi không nghe thấy nói đến ông là người cộng sản. Có lẽ cha mẹ tôi đã nói nhiều đến ông chăng, nhưng điều tôi biết chắc chắn là ngày liệt sĩ Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài trả nợ nước ở Yên Báy, ông đã hô to “Việt Nam muôn năm” nhiều lần. Vâng, thân mẫu tôi, sinh trưởng tại Yên Báy hiện còn sống tại Hoa Kỳ đã từng ẵm tôi mới được bốn tháng chứng kiến cảnh trên trong một buổi sáng tinh sương còn mờ đất.

Danh từ Việt Minh, tên tắt của tổ chức cộng sản trá hình Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, đã đến với tôi trong thời thơ ấu lúc nào? Còn nhớ, năm 12 tuổi, học lớp Nhất trường tiểu học Hàm Long, Hà Nội, lúc ra về hoặc đến trường, thỉnh thoảng chúng tôi thấy dán trên vách tường nơi đầu phố, ngã tư Hàm Long và đầu Phố Huế Hà Nội những tờ truyền đơn nhỏ cỡ nắm tay với chữ in mờ bằng thạch, kêu gọi đồng bào hợp tác Việt Minh chống Tây kháng Nhật giành độc lập. Tưởng nên nhắc lại, năm 1940, quân Nhật đã dùng vũ lực hùng hậu buộc thực dân Pháp ở Đông Dương cho xâm nhập Bắc Việt và sau đó quân Nhật đã đảo chính Pháp năm 1943 và chiếm đóng toàn thể lãnh thổ VN cho đến ngày Nhật đầu hàng quân Đồng Minh khoảng đầu tháng Tám năm 1945.

Trong suốt thời gian từ 1940 đến 1943, các máy bay của Không lực Hoa Kỳ đã bắt đầu oanh tạc các địa điểm chiến lược xa Hà Nội, nhưng sau đó đã oanh tạc khu Nhà Ga Hàng Cỏ Hà Nội và khu Hồ Bảy Mẫu phía Tây Nam Hà Nội. Vì thế, các trường trung, tiểu học đã phải chuyển trường về các vùng ngoại ô, trong số có trường trung học tư thục Gia Long chuyển về Ô Cầu Giấy. Học sinh phải mang cơm nắm hoặc bánh mì ăn trưa và chỉ trở lại Hà Nội vào lúc chiều. Buổi trưa tan trường, các nơi vắng vẻ có bóng mát là nơi Việt Minh thường hay dán truyền đơn kêu gọi thanh niên và học sinh hợp tác giành độc lập. Các giáo sư tên tuổi ở Hà Nội và Sài Gòn sau này như các giáo sư anh em Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Đột, Nguyễn Văn Mẫn, v.v. đều dạy tại trường trung học Gia Long trong thời gian chuyển trường này.

Sau cuộc đảo chính Nhật 9-3-43, một chính phủ Việt Nam đầu tiên ra đời là chính phủ Trần Trọng Kim. Về quân lực của chính phủ lúc đó chỉ có các đơn vị lính khố xanh có nhiệm vụ canh gác các cơ sở hành chính địa phương và trung ương. Ở Hà Nội, có cơ sở hành chính là tòa Thống Sứ cũ nằm bên cạnh dinh Thống Sứ, tư thất của viên Thống Sứ Pháp. Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, tòa Thống Sứ và dinh thời Pháp thuộc được đổi thánh tòa Khâm Sai và dinh Khâm Sai Bắc Việt. Nếu tôi không lầm, trước khi cộng sản VN cướp chính quyền, Khâm Sai Phan Kế Toại là đại diện chính quyền Trần Trọng Kim ở miền Bắc.

Trong suốt thời gian chính phủ Trần Trọng Kim đương nhiệm, thỉnh thoảng các đoàn thể hợp pháp đã tổ chức các buổi mít-tinh công khai tại công trường Nhà Hát Lớn, thành phố Hà Nội, trong số đáng kể là Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội và đoàn thể công chức là những tổ chức hoạt động mạnh mẽ nhất. Công trường Nhà Hát Lớn ở cuối đường Tràng Tiền, nơi tụ hội bảy đường lớn nhỏ, lớn tương đương với công trường Chợ Bến Thành, Sài Gòn, có đủ tầm vóc chứa được khoảng vài chục ngàn người.

Dường như đoàn thể công chức, không nhớ rõ danh xưng, đã niêm yết rộng rãi lời kêu gọi đồng bào Hà Nội tham dự đông đảo cuộc mít-tinh tổ chức sáng ngày 19-8-1945 tại công trường Nhà Hát Lớn Hà Nội. Dân chúng khắp phố phường Hà Nội đã tự động lũ lượt rủ nhau tập trung tại địa điểm mít-tinh. Riêng tôi lúc đó đứng bên lề đường góc trái phía trước hãng xe hơi Peugeot của người Pháp. Lẽ đương nhiên, một cuộc mít-tinh tập trung đông người như thế thường có cảnh sát đứng chỉ đường như ở ngã tư Tràng Tiền và đường Đồng Khánh cũng như giữ trật tự nơi công trường Nhà Hát Lớn. Phải nói thêm ở đây là hồi đó Cảnh sát viên không được trang bị súng lục và máy vô tuyến như thường thấy tại Hoa Kỳ ngày nay ngoài một khí cụ gọi là dùi cui làm bằng cao-su loại cứng.

Có thể có bạn trẻ sẽ thắc mắc về sự hiện diện của quân lực chính lúc đó là quân đội Nhật thì sao? Tinh thần quân lực Nhật lúc đó hiển nhiên là trong tình trạng hoang mang sau khi Nhật đầu hàng và Thế Chiến II vừa chấm dứt. Tôi còn nhớ, một số binh sĩ Nhật chiếm đóng vài cao ốc trên đường Tràng Tiền, con đường giống như đường Tự Do Sài Gòn, đã dơ tay vẫy chào khi đoàn người biểu tình tuần hành phía dưới đường sau này.

Tôi không nhớ bài quốc ca VN do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác đã được chính phủ Trần Trọng Kim công nhận chưa, nhưng phải nói thêm và nhắc lại ở đây là bài nhạc “Tiếng Gọi Sinh Viên” được viết và truyền bá trong dân gian vào thời điểm đoàn thể Sinh Viên Đại Học Hà Nội ra đời và hoạt động hăng say nhất. Sau này bài hát được đổi lời thành bài “Tiếng Gọi Thanh Niên” và sau cùng được chính thức công nhận như bài quốc ca “Tiếng Gọi Công Dân” cùa người Việt Nam Tự Do cho đến bây giờ.

Bài hát Tiếng Gọi Công Dân dường như không được ban tổ chức cuộc mít-tinh cho hát cũng như không thấy cờ “Quẻ Ly” tung bay trên bờ tường phía trước tòa nhà Hát Lớn Hà Nội hôm đó. Cờ quẻ ly, tưởng nên biết, là lá cờ tượng trưng quyền lực VN thời Pháp thuộc không giống hoàn toàn là cờ Việt Nam Tự Do ngày nay (VNCH) nhưng cũng có gần đủ ba sọc đỏ trên nền vàng, thường được kéo lên cùng lúc với lá cờ Pháp tại các trường trung, tiểu học Pháp, Việt mỗi buổi sáng, chiều trong lễ chào và hạ cờ.

Có lẽ đoàn thể công chức đang chuẩn bị khai mạc cuộc mít-tinh thì bỗng nhiên trên bao lơn mặt trước nhà Hát Lớn Hà Nội có kẻ treo vội vàng lá cờ Việt Minh (cờ đỏ Sao vàng) khá lớn. Cùng lúc, một người khác cướp máy vi âm với khẩu súng lục trên tay và vài cán bộ VM có súng tay rải rác lẫn lộn trong dân chúng cho nổ vài phát súng thị uy; thế là bọn VM chớp nhoáng sách động dân chúng xuống đường với luận điệu vu khống, xuyên tạc chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ bù nhìn, tay sai của Nhãt. Sau đó, kẻ sách động trên máy vi âm đã kêu gọi đồng bào tham dự mít-tinh xuống đường tuần hành. Tất cả sự việc trên đã diễn ra không quá 15 phút. Cảnh sát trang bị với dùi cui cao su cùng tất cả dân chúng và đoàn thể công chức tổ chức mít-tinh đều sửng sốt hoàn toàn, đã thụ động tuân theo hướng dẫn trên máy vi âm của tập đoàn cộng sản VM. Theo sự nhận xét của tôi, trong thời gian ngắn ngủi đó, tất cả chỉ có độ mươi tên cán bộ VM trang bị với súng ngắn là nhiều. Tôi cũng bị lôi cuốn theo làn sóng người dao động lúc đó bắt đầu đổ ngược về hướng đường Tràng Tiền rồi kéo về Phủ Khâm Sai Bắc Việt (Phủ Thống Sứ cũ thời Pháp thuộc) cách khoảng một cây số tính từ công trường Nhà Hát Lớn Hà Nội. Sau này, đoàn người kéo nhau đổ về đường Đồng Khánh, tập trung phía trước cổng trại lính Khố Xanh, trước cửa rạp chiếu bóng Majestic Hà Nội.

Thế là những người Việt Nam Tự Do đã dễ dàng bị những tên lợi dụng thời cơ thao túng. Họ đã hô theo những khẩu hiệu do bọn cán bộ cộng sản xướng lên đả đảo chính phủ. Tôi theo đoàn người vì tò mò thì đúng hơn vì lúc đó mới 15 tuổi đời.

Đứng bên lề đường phía khách sạn Metropole, khách sạn lớn nhất của Pháp tại Hà Nội, tôi thấy lúc làn sóng người khoảng độ năm ngàn người còn lại tập trung trước phủ Khâm Sai, trung đội lính khố xanh có nhiệm vụ canh gác bảo vệ đã bố trí sẵn sàng nhả đạn sau khi đã khóa cổng lớn với khóa xích. Một vài tên cán bộ có súng ngắn đã khích lệ một số du đãng côn đồ trèo hàng rào sắt cao khoảng năm thước nhưng những tên này không dám nhảy vào mặc dù có người đã leo lên phần trên hàng rào trước tư thế sẵn sàng nổ súng cùa toán lính khố xanh bố trí quanh đó bên trong.

Khoảng 15 phút sau, đoàn người trở lại đường Tràng Tiền và kéo về trại lính khố xanh theo đường Đồng Khánh như đã nói ở trên. Theo làn sóng người đổ về đến trại lính thì được biết phía dưới một khu phố, đầu đường phố Huế, lính Hiến Binh Nhật Bản đã đặt hai khẩu súng máy trực chỉ hướng đoàn người biểu tình.

Các bạn trẻ có lẽ muốn hiểu thêm về Hiến Binh Nhật Bản?

Nói đến HB Nhật Bản, người dân Hà Nội từ 10 tuổi trở lên đều biết những hành động bạo tàn của họ. Trụ sở hãng dầu Shell cách nơi đặt súng máy nói trên khoảng một ngã tư là địa điểm đóng quân của Bộ Chỉ Huy HB/NB Hà Nội. Trong thời gian chiếm đóng VN, những cán bộ VM hay bọn tay sai chắc phải hiểu rõ số phận một khi bị bắt đưa về HB Nhật điều tra.

Tôi còn nhớ ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1943, một số du đãng, côn đồ đã lợi dụng tình thế hoang mang của kiều dân Pháp, cướp bóc, hãm hiếp giữa ban ngày các gia đình Pháp tại khu Cột Cờ gần chợ Cửa Nam hướng về phía Dinh Toàn Quyền, nơi sau này bọn cộng sản gọi là Vườn Hoa Ba Đình. Trong lúc quân Nhật còn tiếp tục đánh phá thành Hà Nội, nơi các đơn vị Pháp trú đóng, Hiến Binh Nhật đã phải ra thông cáo ngăn cấm những hành động cướp bóc hãm hiếp kiều dân Pháp với lời chú thích sẽ thẳng tay trừng trị. Để dằn mặt kẻ gian và chấm dứt tệ đoan trên, HB Nhật đã bắt ngay tại chỗ một tên du đãng đang phạm tội, trói lại, bắt quỳ xuống và chặt đầu bằng kiếm ngay trước mắt mọi người. Xác thân của kẻ bị chặt đầu được giữ lại sau đó mấy ngày để làm gương. Nạn thổ phỉ được chấm dứt ngay từ đó.

Các bạn trẻ có thể được nghe nói đến người Nhật vốn rất ghét trộm cắp vặt. Bên cạnh trường tiểu học Hàng Vôi trên đường Amiral Courbet, lối từ Ngân Hàng Đông Dương đi thẳng lên, có một xưởng của người Nhật chuyên làm tương và các thức ăn mặn cho quân đội Nhật như dưa, trái mơ muối, v.v. Các thùng làm bằng các mảnh gỗ ghép lại để đựng thực phẩm khô nói trên là món rất ăn khách của bọn trộm lúc về đêm. Hồi đó, lâu lâu nếu để ý, dân Hà thành thời Nhật chiếm đóng đã thấy những tên trộm thùng gỗ bị bắt quả tang và trói lại nơi gốc cây trên lề đường. Hình phạt nhẹ nhất là cạo trọc đầu, cho đứng nắng đến ngất xỉu mới thả cho đi. Một tên trộm khác đã bị người Nhật lấy kiếm rạch trên đùi vế một đường dài và sâu rồi cột vào gốc cây phơi nắng.

Tôi còn được nghe kể, tại một nơi đóng quân của Nhật thuộc khu sở Mỏ phía sau Đông Dương Ngân Hàng, có người VN bị quân Nhật khâu sống vào bụng một con ngựa chết vì tội ăn cắp thóc khiến ngựa bị đói và chết.

Sau khi nghe tin Hiến Binh Nhật bao vây đoàn người biểu tình tập trung trước trại lính khố xanh, mọi người khựng lại và không ai kể cả cán bộ Việt Minh muốn vượt hàng rào sắt thấp xâm nhập trại lính nữa. Lúc này, mặt trời đã đứng bóng, đám đông khoảng ngàn người là cùng đã cảm thấy mệt mỏi, đói và khát. Một số người tự động xin nước uống với nhân viên làm việc trong rạp chiếu bóng Majestic và các nhà dân cư lân cận. Một số người lẻ tẻ muốn về nhà nhưng đã bị Hiến Binh Nhật ngăn chặn đuổi trở lại. Khoảng xế chiều, HB Nhật ra hiệu cho mọi người được thong thả ra về sau khi khám xét rất kỹ lưỡng từng người tìm võ khí cá nhân. Tôi ra khỏi khu vực bị bao vây và đừng lại phía bên kia đầu đường phố Huế. Sau đò, có người đã dại dột nhặt đá ném vào đám lính HB Nhật và họ đã sử dụng tiểu liên bắn lại nhưng không chết ai ngoài những vết thương ở chân.

Sau này, tôi được biết quân Nhật đã điện vào Trung xin lệnh cùa chính phủ Trần Trọng Kim để hành động. Tự do thong thả giải tán là kết quả hành động sai lầm của Cựu Hoàng Bảo Đại cũng như đã chấm dứt ngày gọi là “khởi nghĩa” hay “Cách mạng Mùa Thu” của tập đoàn Bôn-sê-vích Việt Nam dẫn đầu bởi tên Hồ Chí Minh mang quốc tịch Nga Sô từ thập niên 1920.

Người viết không mong gì hơn giải đáp phần nào thắc mắc ưu tư của giới trẻ hiện nay từng được bạn Phạm Cao Dương nêu lên: tại sao Hồ Chí Minh và bọn cộng sản lại cướp được chính quyền dễ dàng như vậy?

Thanh niên hay giới trẻ bao giờ cũng là rường cột của quốc gia.

Người thanh niên trí thức thể hiện qua Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội thập niên 40 đã khơi nhóm lửa thiêng ái quốc dân tộc.

Các bạn trẻ đã thành công trong hơn 10 năm qua hay trong những năm tháng sắp tới nơi hải ngoại, tôi muốn nói đến những bạn trẻ đang và sẽ giữ những chức vụ chuyên nghiệp cao cấp tại các công ty và các đại học danh tiếng hãy mạnh dạn dấn thân, tiếp nối những thành quả của tiền nhân trong việc cứu và dựng nước hiện nay./.

Đỗ Long

 

 

Thêm ý kiến của Nguyễn Như Hổ cựu Chiến hữu Truyền Tin QLVNCH:

nguyeenx_hoor@yahoo.com
Xin cám ơn anh Hùng đã chuyển cho xem tài liệu này
.

 

Tiện đây, Tôi xin bổ túc vài chi tiết.

Tôi cũng là 1 người từng chứng kiến, trải qua, và sau đó đọc những bài báo sau 19-8-45, tài liệu của Việt Minh (VM).

Dưới đây là diễn tiến vài sự việc:

1. Dân chúng khi ấy tham dự cuộc mít-tinh của Liên đoàn Công chức (LĐCC) rất đông, vì ai ai cũng hoan hỉ khi nền bảo hộ của Pháp chấm dứt, và mến phục cụ Trần Trọng Kim.

CỜ QUẺ LY đã có (từ tháng 4-1945, do 1 Cụ ở Hưng Yên đề nghị) và được treo lên tận trên lầu “Nhà Hát Tây”, bài Quốc ca thì Tôi không nhớ rõ, nhưng có lẽ là bài “Đăng Đàn Cung” (ghi nơi cuối bài).

Đang khi một cán bộ của LĐCC nói những lời mở đầu, thì có vài tiếng súng lục nổ. Một lá cờ lạ hoắc được thả xuống, đó là lá CỜ ĐỎ SAO VÀNG, xuất hiện lần đầu ở Hà Nội, nhỏ hơn CỜ QUẺ LY (dài 6m, rộng 4m theo lời cán bộ VM. Tôi nhớ tên Lâm phụ trách làm cờ về sau thuật lại, với sự cộng tác vô tình của vợ chưa cưới của anh ta đi mua lụa đỏ (nên biết mầu đỏ hồi đó là mầu cấm vì những đoàn thể có khuynh hướng lao động, cộng sản, xử dụng).

Rồi có người cướp micro nói, vài tiếng súng tiếp theo tại nhiều nơi, mà sau này, cũng lời cán bộ đó nói mới biết là họ chỉ có 6 người, chạy lung tung thay đổi chỗ y hệt cung cách sau này Việt Cộng xử dụng trong vụ Đồng Khởi Bến Tre.

Tôi biết đến đó, vì sau đó thấy mọi người bỏ chạy tán loạn, tôi cũng bỏ về.

2. Khâm Sai lúc ấy là ông Phan Kế Toại. Chính con trai ông cũng là VM, hay có cảm tình gì đó, hôm trước đã để thư trên bàn giấy của ông hăm doạ, nên khi VM cướp buổi mít-tinh của LĐCC thì ông bất động.

3. Ngay chiều hôm đó, đoàn biểu tình đi vào Hà Đông, định chiếm trại Lính Khố Xanh Hà Đông, nhưng ông Quản Dưỡng, có người nói là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, ra lệnh nổ súng chống lại, họ bỏ về, hôm sau, họ lại kéo vào lại, lấy được trại, bắt và xử tử Quản Dưỡng tại chỗ.

4. Mỹ ném bom Hà Nội nơi các khu Hồ Bảy Mẫu và Ga Hàng Cỏ, còn có Chợ Hàng Da nơi có rãnh trú ẩn (tranchée) lộ thiên hình chữ chi, bằng gạch và đắp đất hai bên. Bom ném trúng vào tranchée, người chết rất nhiều. Đi học về qua chỗ đó, tôi thấy xác người còn đó, vài hôm sau còn những mảnh thịt, bàn tay vương vãi khắp nơi. Nhiều người đoán là Mỹ định bỏ bom dốc lên Cầu Thăng Long (Paul Doumer) trên “Đường Thành”, cách đó chừng 100m. Thật là hú vía, vì nhà Tôi ở quãng giữa hai địa điểm này, trên đường Nguyễn Trãi.

5. Sau khi cướp chính quyền thì Hồ Chí Minh lập chính phủ, Ông Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Ngoại giao, Võ Nguyên Giáp giữ Bộ Quốc Phòng kiêm Tổng Tư Lệnh Quân đội. Khi Hồ Chí Minh đi Pháp và cụ Huỳnh Thúc Kháng nghỉ bệnh thì Võ Nguyên Giáp kiêm nhiệm luôn và ra tay tàn sát các đảng phái Quốc Gia.

Đăng đàn cung

Kìa núi vàng bể bạc,
Có sách trời, sách trời định phân,
Một lòng ta gầy non sông vững chặt,
Đã ba ngàn mấy trăm năm.
Bắc Nam cùng một nhà con Hồng cháu Lạc.
Văn minh đào tạo mầu gấm hoa càng đượm, rạng vẻ dòng giống Tiên Long.
Ấy công gầy dựng từ xưa đà khó nhọc.
Nhớ ơn dầy nặng,
Lòng trung quân đã sẵn,
(Hãy) Cố yêu nhau với nhau một miền,
Nguyện nhà Việt muôn đời thịnh trị
.

Sách Trời: theo bác sĩ Trần Đại Sỹ (tức Yên Tử cư sĩ), trong bộ truyện dã sử VN, từ đời vua Hùng đến hết đời Trần, thì từ khởi thủy, khi vua Đế Vũ (?)chia nước cho hai con lấy ranh giới là Hồ Động Đình, việc chia lãnh thổ có ghi vào một quyển sách, gọi là Thiên Thư, nên trong bài thơ của Lý Thường Kiệt mới có câu “tiệt nhiên định phận tại thiên thư”.

Đăng đàn cung là tên của Quốc thiều thời nhà Nguyễn, có tiết tấu dựa trên ngũ cung.

Lịch sử

Khi vua Gia Long lên ngôi, ông đã tổ chức ngay một nghi lễ triều chính cho công việc nhận tước vị này. Có một chuyên gia người Pháp tên là J.B. Chaigneau được lệnh nhà vua soạn thảo bản quốc thiều để sử dụng trong các đại lễ của triều đình. Ông đã dựa theo hình thức bản Marche Militaire để dựng lên bản “Đăng đàn cung” quốc thiều nhà Nguyễn. [cần dẫn nguồn]

Từ thời vua Gia Long trở đi, Đăng đàn cung còn được dùng mỗi khi vua du xuân hoặc khi xa giá từ Đại Nội lên đàn Nam Giao.

Đến thời Khải Định, người trưởng ban nhạc trong Đại Nội bấy giờ là ông J.Tịnh (còn gọi là bác sĩ Nguyễn Đương Tịnh) cho ghi Đăng đàn cung thành ký âm pháp của nhạc phương Tây để dễ sử dụng trong quân nhạc của Đại Nội. Theo cụ Nguyễn Khoa Toàn, việc ký âm điệu Đăng đàn cung theo lối Tây phương làm cho bài hát nghe không còn hồn nhạc Việt Nam thuần túy.

Khi vua Bảo Đại về nước năm 1932, bản nhạc này đã được sử dụng để nghênh đón, đặc biệt lần này có thêm cả lời. Lời bài hát do ông Ưng Thiều viết. Các câu mở đầu bài là:

Dậy, dậy, dậy mở mắt xem toàn châu
Đèn khai hóa rọi khắp toàn cầu
Ngọn đường thông thương ngàn dặm
Xe tàu điện, tàu nước, tàu bay...


Vào năm 1945, khi đó Trần Trọng Kim đang làm thủ tướng của nước Việt Nam quân chủ lập hiến, vẫn dùng bài Đăng đàn cung làm quốc thiều và định đặt lời mới nhưng chưa kịp thì chính phủ của ông đã sụp.

Kể từ sau thời gian trên thì bài Đăng Đàn Cung chỉ còn xuất hiện trong các đám tế lễ cổ truyền và ngày nay chúng ta còn được nghe mỗi khi có biểu diễn nhã nhạc Cung đình Huế hay trong Festival Huế 2004. Trong cuộc sống đời thường, trẻ em Huế thường hát theo điệu Đăng đàn cung nhưng với lời dân gian khác.

Phần ký âm

Phần ký âm bao gồm các nốt nhạc được đọc theo cách của người xưa như sau:

Họ phạn họ, xàng xê cống cống xê xàng xê
Cồng xàng xê cống, họ cống liu cống xê xàng
Xự xàng cống xê xàng xự, xê xàng xự xàng cống xàng xê
Cồng xàng xê cống, họ cống liu cống xê xàng
Xự xàng cống xê xàng xự, xê xàng xự họ phạn, họ
Xự họ phạn họ xự, xê xàng họ, phạn, họ
Xự họ phạn xự, xê xàng xự xàng cống xàng xê.


Lời ca

Lời bài hát dưới đây lấy từ trong cuốn “Hymnes et Pavillon d’Indochine”

Kìa, núi vàng bể bạc,
có sách trời định phận.
Một dòng ta gầy non sông vững chặt.
Đã ba ngàn mấy trăm năm,
Bắc Nam cùng một nhà,
con Hồng cháu Lạc văn minh đào tạo.
Màu gấm hoa càng sẵn,
cố yêu nhau, với nhau một niềm:
Nguyện nhà Việt Nam muôn đời thạnh trị.

Kìa, núi vàng bể bạc,
có sách trời định phận.
Một dòng ta gầy non sông vững đượm.
Rạng vẻ dòng giống Tiên Long.
Ấy công gây dựng.
Từ xưa đã khó nhọc, nhờ công dày nặng.
Lòng trung quân đã sẵn,
cố yêu nhau, với nhau một niềm:
Nguyện nhà Việt Nam muôn đời thạnh trị.


(Theo sách tiếng Pháp, cuối bài hát có ghi câu: Pour honneur au Drapeau les 5 mesures au début at al.)

Xem ảnh Bản nhạc ĐĂNG ĐÀN CUNG nơi các trang tiếp theo:

 

 


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)


Những trang liên quan

Tháng Tám mùa Thu Lá vàng rơi
Tôi tham dự cái gọi là Ngày cướp chính quyền 19-8-1945 tại Hà Nội

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Thắng cảnh thiên nhiên Bắc Mỹ châu. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Nguyễn-Huy Hùng chuyển

 

Đăng ngày Thứ Sáu, August 10, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang