Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Quân sử - Binh chủng Truyền Tin QLVNCH
Chủ đề: Hồi Ký
Tác giả: Nguyễn-Huy Hùng

DUYÊN NỢ TRUYỀN TIN


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Mục Lục

 

Hồi ký gồm 12 chương với những tiểu đề sau:

Lời Tác Giả

1. Đôi dòng phi lộ

2. Sơ lược tổng quát về Quân đội Quốc gia Việt Nam lúc sơ khai

3. Bộ Tổng Tham Mưu và Quân đội Quốc gia Việt Nam bắt đầu thành hình và khởi sự hoạt động

4. Chiến cuộc xoay chiều, Pháp ra khỏi Việt Nam

5. Ông Ngô Đình Diệm với những khó khăn trong kế hoạch cải tiến xã hội tại miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Genève 21-7-1954

6. Thế lực chính trị bắt đầu xâm nhập khuynh loát làm đảo lộn nếp sống kỷ cương của Quân đội

7. Bầu Chủ tịch Phong trào Cách mạng Quốc gia của Binh chủng Truyền Tin

8. Hội chợ mừng ngày Chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam chính thức ra đời, với ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đầu tiên

9. Một công đôi việc: Công vụ thanh tra và “Vinh quy bái tổ” của Chỉ huy trưởng Viễn Thông Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH

10. Chuyến du học thích thú tại Trường Truyền Tin Lục quân Hoa Kỳ, Fort Monmouth, Tiểu bang New Jersey, bên bờ Đại Tây Dương, miền Đông Hoa Kỳ

11. Những niềm vui và kỷ niệm khó quên

12. Những kỷ niệm sau cùng trong Binh chủng Truyền Tin.


Xem Bộ Huy hiệu Binh chủng Truyền Tin QLVNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



 

Lời Tác giả

Trước khi đọc những mẩu truyện DUYÊN NỢ TRUYỀN TIN, xin mời đọc hai bài trình bày tổng quát về TRUYỀN TIN (Signal, Transmission) một nhu cầu cần yếu trong Quân đội, nhưng quảng đại quần chúng ngoài xã hội cũng cần và thường gọi là nhu cầu về THÔNG TIN LIÊN LẠC (Télécommunication) trong đời sống hàng ngày của con người.

TRUYỀN TIN MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU CỦA CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT

Khi Hóa Công (Ông Trời) tạo dựng lên những loài động vật trên trái đất, Ngài đã dự liệu (programming) cho mỗi loài có một đặc tính riêng, và cơ thể tổng quát của mọi loài giống nhau như một bộ máy tổng hợp tinh xảo, hoạt động liên tục không ngưng nghỉ, từ lúc sinh ra cho đến lúc hết hạn kỳ của đời sống mới ngưng hoạt động. Câu truyện Tôi sẽ trình bày dưới đây được hạn chế trong phạm vi góc cạnh nhỏ, liên quan đến nhu cầu thông tin liên lạc của con người mà thôi.

Hầu như tất cả những loài động vật sống trên cạn là con người (nhân), chim muông (cầm), súc vật (thú) đều có 5 giác quan là: Khứu giác, Thính giác, Thị giác, Vị giác, và Xúc giác. Cả 5 giác quan này đều là phương tiện truyền tin thiết yếu, cần phải có để các sinh vật liên lạc với nhau. Nhưng, các phương tiện bẩm sinh cơ hữu này, chỉ sử dụng được hữu hiệu trong một phạm vi không gian giới hạn. Nếu hai sinh vật đứng cách nhau xa quá tầm nhìn của mắt, thì chẳng nhìn thấy được các dấu hiệu do đối tác muốn chuyển đến cho mình. Nếu đứng xa quá tầm khả năng thâu nhận những làn sóng rung động của không khí đập vào màng nhĩ, thì cũng không nghe được những điều đối tác muốn nói với mình. Đặc biệt là các dây phát âm (vocal cords) nơi cổ họng, cũng chỉ có khả năng rung động phát ra âm thanh cao đến một mức độ tần số nào đó, và cũng chỉ có thể lan truyền đến một tầm mức xa nào đó thôi.

Các loài cầm và thú không được Hóa Công phú cho bộ óc thông minh biết phán đoán, tìm tòi, sáng tạo để vươn lên, nên đành phải chịu đựng sự hạn chế này. Nhưng, “CON NGƯỜI LINH HƠN VẠN VẬT” như các Cụ thường nói, đâu có chịu chấp nhận sự hạn chế này, phải vận dụng trí thông minh để sáng tạo ra những phương tiện cần yếu thoả mãn cho các nhu cầu của mình. Do đó, chúng ta thấy qua lịch sử các Thời đại phát triển của loài người từ sơ khai cho đến nay, có rất nhiều loại phương tiện truyền tin khác nhau, từ đơn giản đến tinh vi, đã được con người sáng tạo để giải quyết nhu cầu liên lạc của mình trong mọi hoàn cảnh khác nhau.

Thời sơ khai, khi con người biết tụ tập thành Bộ Lạc để hiệp lực đi săn mồi mà sống, là lúc thực phẩm bắt đầu khan hiếm. Đây là thời điểm bắt đầu có chiến tranh giữa các Bộ Lạc, để cướp của tư hữu của Bộ Lạc khác và chiếm cứ khu vực sung túc con mồi, cần thiết cho nhu cầu của Bộ Lạc. Do đó, các Bộ Lạc phải tổ chức các toán chiến sĩ khỏe mạnh để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Bộ Lạc, cũng như cắt cử người canh gác thường xuyên tại các tuyến tiền đồn thật xa chung quanh khu vực cư trú của Bộ Lạc, để báo động khi có dấu hiệu địch đang tới. Thoạt đầu, người ta dùng Liên Lạc Viên chạy đi báo (sau này trong các thời Vua Chúa tại Việt Nam vẫn còn dùng gọi là Hỏa Bài Quân). Nhưng, Liên Lạc Viên thường bị địch quân chặn đường bắt hoặc có thể gặp tai nạn dọc đường, nên các tin không đến nơi hoặc bị chậm trễ. Do đó, nhu cầu cần có các phương tiện truyền tin thay thế con người chạy bộ, nên người ta mới phải cố gắng moi óc nghĩ ra cách dùng một loại dụng cụ có khả năng tạo ra tiếng vang thật xa để thay thế cho Liên Lạc Viên. Đó là, dùng một thanh gỗ cứng đập vào một khúc gỗ rỗng ruột để tạo ra tiếng động, mà truyền tín hiệu từ tiền đồn đến các trạm trung gian, và các trạm trung gian tiếp theo nhau truyền về đến hậu cứ chính của Bộ Lạc.

Đến thời con người biết dùng lửa để nướng chín đồ ăn, thì lại nghĩ ra cách đốt các đống cành lá tạo ra các bụm khói để báo tin cho nhau. Hiện nay tại Hoa Kỳ, nếu ai có dịp đi thăm các trung tâm di tích lịch sử của người Mọi Da Đỏ, thì sẽ được thấy họ biểu diễn cho coi cách họ dùng đống lửa và tấm da thú vật để tạo các bụm khói thông tin với nhau như thế nào.

Đến tận Thế kỷ 20, chúng ta cũng còn thấy các làng xã Việt Nam dùng MÕ TRE hoặc GỖ để báo tin cho nhau giờ cầm canh đêm hoặc hiệu báo động có cướp xâm nhập khu vực, giữa các trạm tuần đinh canh gác tại các xóm trong cùng một làng. Quần chúng vùng đồng bằng sông Hồng (Bắc Việt) còn dùng TRỐNG lớn tạo được tiếng vang lan đi thật xa, để báo tin giữa các trạm canh đê trong mùa nước lũ lụt. Ngoài ra, TRỐNG cũng được dùng để báo hiệu cho quần chúng biết giờ khai mạc các kỳ họp làng, lễ hội, hay hát tuồng hát bội, để mà giắt nhau đi tham dự. Nơi thành thị dưới thời Pháp thuộc trước 1945, đêm đêm chúng ta cũng thường nghe tiếng KẺNG cầm canh, hoặc báo động có tù vượt ngục, giữa các trạm lính canh gác tù ngồi trên các chòi lô cốt cao tại các góc tường chung quanh nhà khám lớn giam tù.

Trên toàn thế giới, suốt từ buổi xa xưa cho đến Đệ Nhất Thế Chiến, tất cả các nước trên 5 châu Lục địa đều dùng TRỐNG và KÈN để chuyển lệnh cho quân sĩ, biết giờ giấc thức, ngủ, tập họp, nghỉ việc tại các doanh trại, và tiến quân, thối lui nơi chiến trường. Hiện nay các trại lính của Pháp và Hoa Kỳ vẫn còn dùng KÈN báo thức, ngủ, và mặc niệm trong những buổi lễ an táng hoặc chiêu hồn Tử Sĩ. Dĩ nhiên người ta phải quy định các khúc nhạc với những âm điệu KÈN khác nhau, và những hồi TRỐNG khác nhau để phân biệt mỗi loại tin tức cần truyền đạt. Bên Âu Châu, người ta còn dùng 2 chiếc CỜ nhỏ mầu trắng đỏ, cằm nơi 2 tay dơ lên hạ xuống theo một quy ước riêng để làm phương tiện liên lạc giữa 2 trạm truyền tin nằm trong tầm mắt nhìn được của con người. Những người đi thuyền, tầu, lênh đênh trên biển cả, ngoài các CỜ nói trên, người ta còn dùng một loại gương phản chiếu ánh sáng mặt trời có miếng che đóng mở được, nhằm thực hiện những loại tín hiệu ngắn và dài phối hợp để biểu tượng cho các mẩu tự La tinh (Morse) để liên lạc trao đổi tin tức với nhau.

Tất cả những loại phương tiện truyền tin này đều lộ liễu, mọi người có thể thấy và biết được sự hiện diện và vị trí của đối phương. Do đó người Âu Châu vì nhu cầu bảo mật các kế hoạch hành quân xâm lược, cũng như phòng thủ, họ đã nghĩ ra cách huấn luyện và dùng CHIM BỒ CÂU và CHÓ ĐƯA THƯ thay cho các phương tiện cố hữu mọi người đã quen dùng. Cho đến giữa Thập niên 1940 qua đầu Thập niên 1950, chúng ta thấy quân đội viễn chinh của Pháp tái xâm chiếm Việt Nam vẫn còn có những đơn vị Truyền Tin BỒ CÂU ĐƯA THƯ, làm phương tiện phụ dùng trong các trường hợp nguy cấp khi các phương tiện điện tử Vô tuyến (radio) và Hữu tuyến (wire) vì lý do nào đó bị trục trặc không dùng được.

Từ khi Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được thành lập vào đầu Thập niên 1950, trong các Đại đội Truyền Tin cũng có trong tổ chức Trung đội BỒ CÂU ĐƯA THƯ. Các BỒ CÂU LIÊN LẠC VIÊN này được tiếp tục nuôi dưỡng và sử dụng cho đến khoảng năm 1956 mới giải tán, không dùng nữa vì tốn kém và hầu như không có nhu cầu.

Theo sử liệu Việt Nam, thì vào Thế kỷ 15 (trong khoảng các năm 1423-1429), thời Anh Hùng Áo vải đất Lam Sơn là Lê Lợi chiêu mộ Nghĩa Binh đánh đuổi quân nhà Minh đang đô hộ nước Đại Việt của chúng ta, có danh tướng TRẦN NGUYÊN HÃN cũng đã biết dùng BỒ CÂU ĐƯA THƯ để liên lạc từ chiến trường về hậu cứ với Chủ soái Lê Lợi. Vì thế, Binh chủng Truyền Tin Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tôn vinh danh tướng TRẦN NGUYÊN HÃN làm Thánh Tổ Binh chủng của mình.

Vào dịp chào mừng NGÀY QUÂN LỰC 19 tháng 6 năm 1967 tại Sài Gòn, Binh chủng Truyền Tin đã được Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho phép xây dựng tượng đài Thánh tổ TRẦN NGUYÊN HÃN, ngay tại giữa Công viên trước mặt tiền chợ Bến Thành (Sài Gòn). Tượng đài gồm một bệ hình tháp vuông cao cả chục mét, với 4 cửa vòng cầu thông suốt qua bốn hướng, trên đỉnh bệ tháp là tượng danh tướng TRẦN NGUYÊN HÃN, đúc bằng đồng đen, ngồi trên lưng ngựa, tay trái tựa trên đốc gươm, tay phải dơ cao CON BỒ CÂU như đang sẵn sàng thả nó bay đem tin đi. Hiện nay ai có dịp ghé thăm Sài Gòn, vẫn còn thấy Tượng đài danh tướng TRẦN NGUYÊN HÃN Thánh Tổ Binh chủng Truyền Tin Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nguyên vẹn hiên ngang hùng dũng vươn cao trên nền trời, trước mặt tiền Chợ Bến Thành của thành phố Sài Gòn đã được Thế giới công nhận từ xa xưa là HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG.

Kể từ khi nhân loại phát minh ra các phương tiện truyền thông liên lạc bằng điện tử, thì các phương tiện cổ lỗ đơn giản đề cập trên đây bị bỏ rơi vào quên lãng. Bây giờ chỉ còn thiểu số người dư giả tiền tài, lập dị, thích có cuộc sống đơn giản mộc mạc bên thiên nhiên như con người thuộc các thời đại Sơ Khai và Bán Khai, là còn duy trì sử dụng mà thôi. Hoặc ta cũng có thể thấy trưng bày trong các Viện Bảo Tàng, để người ta có thể đến thăm viếng tìm hiểu về quá khứ phát triển của loài người.

Ngoài những phương tiện truyền thông liên lạc trên đây, chúng ta cũng nên biết rằng, những sách khảo cứu, những cuốn truyện xã hội, những cuốn phim, những bức tranh, các bản nhạc, các áng thơ... mà con người cần có để giải trí và trau dồi thêm kiến thức cho bản thân qua các Thời Đại, cũng đều là những phương tiện truyền tin rất cần yếu để giúp cho xã hội loài người thăng tiến. Đây chính là những phương tiện truyền tin thiết yếu để lưu truyền các tin tức xã hội, khoa học và sự kiện lịch sử phát triển của loài người, giữa các thế hệ nối tiếp nhau liên tục trong hiện tại và tương lai vô tận đến Tận Thế.

Trong Quân đội có nhiều ngành chuyên biệt khác nhau. Do đó, mỗi ngành chuyên biệt đều có Huy Hiệu riêng để nhận diện phân biệt trên các bộ quân phục. Thoạt đầu Binh chủng Truyền Tin được tổ chức theo khuôn mẫu quân đội Pháp, nên được chia ra thành 2 lãnh vực hoạt động chuyên trách khác nhau:

1. Ngành chuyên trách về KHAI THÁC, ban hành các huấn lệnh hướng dẫn điều hành việc sử dụng các phương tiện máy truyền tin để duy trì liên lạc giữa các cấp đơn vị trong toàn quân đội.

2. Ngành chuyên trách về VẬT LIỆU, lo toan các công tác tiếp tế, tồn trữ, và sửa chữa các máy truyền tin, để cung cấp cho các đơn vị trong toàn quân đội theo đúng Bảng Cấp Số quy định riêng cho mỗi đơn vị.

Do đó nên thuở ban đầu ấy, Binh chủng Truyền Tin có tới 2 loại Huy Hiệu khác nhau gắn trên ngực áo các bộ quân phục: Chim bồ câu xoè cánh với bó đuốc trên lưng (hình 1) cho Ngành Khai Thác, và Bó đuốc với hai mũi tên bắt tréo (hình 2) cho Ngành Vật liệu. Phù Hiệu đơn vị mang nơi tay áo trái là Phù Hiệu của Đại đơn vị mà đơn vị Truyền Tin đó phụ thuộc. Chẳng hạn Bộ Chỉ huy Viễn thông Bộ Tổng Tham Mưu thì đeo Phù hiệu của Bộ TTM, các BCH Viễn thông Quân Khu thì đeo Phù Hiệu của Bộ Tư lệnh Quân khu mà BCH trực thuộc, Đơn vị Truyền Tin thuộc Sư đoàn nào thì đeo Phù Hiệu riêng của Sư đoàn đó, Sở Vật liệu thì đeo Phù hiệu của Nha Quân Cụ....

Đến thời kỳ Quân đội cải tiến tổ chức theo khuôn mẫu quân đội Hoa Kỳ vào cuối Thập niên 1950, thì cả 2 ngành Khai Thác và Vật Liệu Truyền Tin đều mang chung một mẫu Phù Hiệu mới duy nhất là Thanh kiếm với 3 vòng quỹ đạo hạt nhân điện tử chạy quanh lưỡi kiếm (hình 3) nơi tay áo trái của mọi loại quân phục. Đồng thời có chung một Huy Hiệu bằng kim khí mầu vàng, gắn ở nơi ve áo 2 bên cổ các loại quân phục là CHIM BỒ CÂU XOÈ CÁNH VỚI BÓ ĐUỐC TRÊN LƯNG (hình 1) là mẫu Phù Hiệu trước kia của ngành Khai Thác.

Các Binh chủng Truyền Tin của các quân đội Pháp và Hoa Kỳ cũng có mẫu Huy Hiệu riêng như trong các hình 4 và 5 dưới đây.

 

 

BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP VÀO NGÀY NÀO?

Nếu không có ngày Quốc Hận 30-4-1975, cả nước Việt Nam bị chìm đắm dưới cơn LŨ LỤT ĐỎ phũ phàng do Quốc tế cộng sản gây ra, và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam không bị cảnh “xảy đàn tan nghé”, thì chắc không ai quan tâm đặt câu hỏi: BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP VÀO NGÀY NÀO?

Sau hơn 30 năm rã ngũ, cuộc sống riêng của mỗi người trong chúng ta đều phải trải qua nhiều thay đổi. Khi biến cố QUỐC HẬN đau thương 30-4-1975 xảy ra tại miền Nam Việt Nam, ai có cơ hội may mắn cùng với gia đình thoát được ra nước ngoài, thì phải ra đi với 2 bàn tay trắng chẳng mang theo được gì. Những người bị kẹt vì công vụ tới giờ chót, lúc Tướng Dương văn Minh phản bội Dân tộc và Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh buông súng đầu hàng quân Việt Cộng tay sai Quốc tế cộng sản Liên Xô Nga và Trung Cộng xâm lăng miền Nam Việt Nam, muốn tìm đường thoát ra khỏi nước thì đã quá muộn không còn phương tiện, đành ở lại gánh chịu tất cả những chính sách trả thù “tiêu diệt giai cấp tư sản” dã man tồi tệ nhất của lũ Quỷ Đỏ Bắc phương tràn vào trút lên đầu lên cổ. Tài sản bị tịch thu, bản thân bị bắt đi tập trung cải tạo trong các trại tù giữa nơi rừng thiêng nước độc, vợ con bị dồn đi khai hoang các vùng kinh tế mới cũng với hai bàn tay trắng chẳng còn gì. Vì thế ngay cả những tấm hình kỷ niệm riêng tư, các giấy tờ hành chánh liên quan đến bản thân còn không giữ được, nói chi tới các tài liệu quân đội.

Bây giờ, ai cũng đã bạc đầu, sức khỏe tàn lụi, bộ não suy nhược, làm sao dám bảo đảm là những điều mình nhớ chắc như bắp, chính xác như kết quả bài toán cộng (một cộng một bằng hai) không sai, không lẫn lộn???

Vì thế để giải quyết thắc mắc đã nêu làm tiêu đề của bài viết này một cách khoa học và hợp lý, Tôi đã phải đi kiếm Bộ Quân Sử Quân Lực Việt Nam do Khối Quân Sử thuộc Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH sưu khảo, biên soạn và phát hành từ trước ngày Quốc Hận 30-4-1975. Bộ Quân Sử này gồm 4 cuốn với những tiêu đề như sau:

1. Quyển I. Quân Lực Việt Nam dưới các Triều đại Phong kiến (từ Thượng Cổ đến Cận Kim), phổ biến ngày 19 tháng 6 năm 1968.

2. Quyển II. Quân Lực Việt Nam chống Bắc xâm và Nam tiến, phổ biến tháng 4 năm 1970.

3. Quyển III. Quân Lực Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945), phổ biến ngày7 tháng 5 năm 1971.

4. Quyển IV. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn hình thành 1946-1955, phổ biến ngày 6 tháng 8 năm 1972.

Đọc hết Bộ Quân Sử này, Tôi thấy nội dung Quyển IV ghi lại đầy đủ tất cả những gì chúng ta cần tìm hiểu, để có thể xác định BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QLVNCH ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP VÀO NGÀY NÀO?

Đọc đi đọc lại nhiều lần để ghi lại những gì liên quan đến Truyền Tin, kết quả khiến Tôi liên tưởng đến một câu đố vui trong dân gian Việt Nam, rất oái oăm nhưng thú vị vì nó phù hợp với hoàn cảnh y hệt của sự ra đời của Binh chủng Truyền Tin của chúng ta là: “Sanh con rồi mới sanh Cha, sanh Cháu giữ nhà rồi mới sanh Ông”.

Sau đây là những gì Tôi đã tham khảo ghi nhận được để chúng ta cùng xét định xem thời điểm nào được coi là hợp lý nhất, để công nhận là NGÀY BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QLVNCH ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP.

1. NGÀY 1 THÁNG 6 NĂM 1948

Cựu Hoàng Bảo Đại đã giao cho Thiếu tướng Nguyễn văn Xuân cựu Thủ tướng Chính phủ Nam Kỳ Tự trị, thành lập Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam (đại diện cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) để làm nền móng ban đầu giải quyết vấn đề Việt Nam với Pháp và Quốc tế. Sau đó vào ngày 5 tháng 6 năm 1948 trên tầu Duguay Trouin tại Vịnh Hạ Long (Bắc Việt), cựu Hoàng Bảo Đại đại diện Việt Nam và ông Bollaert Cao Ủy Pháp tại Đông Dương, gặp nhau để ký bản HIỆP ĐỊNH HẠ LONG 5-6, công nhận nước Việt Nam Thống nhất Độc lập trong Khối Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương.

Trong thành phần Chính phủ Lâm thời có Bộ Quốc Phòng, nhưng mãi đến tháng 5-1950 mới có Nghị định số 160/QP ngày 5-5-1950 quy định rõ ràng thành phần tổ chức, quyền hạn và phương thức hoạt động của Bộ. Rồi lại phải đợi đến tháng 5-1951 các thành phần cơ hữu của Bộ mới được thiết lập để hoạt động, gồm:

-Một cơ quan hành chánh đầu não,
-Nha Nhân viên,
-Nha Tư pháp Quân sự,
-Nha Tổng Hành chánh và Binh lương,
-Nha Quân Cụ (trong đó có Sở vật liệu Truyền Tin),
-Nha Quân Y.

2. NGÀY 1 THÁNG 10 NĂM 1949

Bộ Quốc Phòng ban hành Nghị định thành lập 3 Tiểu đoàn Việt Nam (BVN= Bataillon Vietnamien) gồm:

-BVN 1 tại Bặc Liêu (gốc Cao Đài) miền Nam Việt Nam.

-BVN 2 tại Thái Bình miền Bắc Việt Nam. (lúc đó, Tôi là một trong các thiếu úy vừa tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ quan từ Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam tại Huế được bổ nhiệm vào thành phần chỉ huy của Tiểu đoàn 2 tại Hà Nội, để lo tuyển mộ, tổ chức, trang bị, huấn luyện quân sĩ tại Hà Nội và Hải Phòng trước khi Tiểu đoàn di chuyển đi hành quân và đồn trú tại Thái Bình.)

-BVN 3 tại Rạch Giá Nam Việt Nam.

Theo Bảng cấp số quy định về nhân viên và vật liệu thì, Tiểu đoàn có quân số ấn định là 829 người chia ra: 23 Sĩ quan, 110 Hạ sĩ quan, 696 Binh sĩ, và thành phần tổ chức gồm: 1 Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn, 1 Đại đội Chỉ huy, và 4 Đại đội Chiến đấu.

Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn gồm 6 Sĩ quan: Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó, Sĩ quan Tế mục vụ, Sĩ quan Tình báo, Sĩ quan Truyền Tin, và một Bác sĩ.

Đại đội Chỉ huy gồm có Ban Chỉ huy Đại đội (Đại đội trưởng và 9 ngưới), 1 Ban Hành chánh (24 người), 1 Ban Truyền Tin (24 người), 1 Ban Quân Y (9 người), 1 Ban Quân xa (24 người), 1 Trung đội súng nặng (28 người), và 1 Trung đội Thổ Công binh (28 người). Các loại máy Truyền Tin trang bị cho Ban Truyền Tin gồm: 6 CSR 694, 14 SCR 300, 24 SCR 536, 1 AN/TRC 9, và 6 máy dò mìn SCR 625.

Mỗi Đại đội Chiến đấu gồm có 1 Trung đội Chỉ huy (20 người, trong đó có Ban Truyền Tin 6 người), 1 Trung đội súng nặng (26 người), và 3 Trung đội Chiến đấu (mỗi Trung đội 41 người).

3. Các năm 1951, 1952, và các năm kế theo có một số đơn vị Truyền Tin được chính thức thành lập như sau:

-Ngày 1 tháng 2 năm 1951, thành lập 2 Đại đội Truyền Tin: Đại đội 1 TT tại Cần Thơ (Nam Việt Nam), Đại đội 3 TT tại Nam Định (Bắc Việt Nam)

-Ngày 1 tháng 7 năm 1952, thành lập Đại đội 4 TT tại Ban mê thuột (Cao nguyên Trung phần Việt Nam)

-Ngày 1 tháng 9 năm 1952, thành lập Đại đội 2 TT tại Huế (Trung Việt Nam)

-Ngày 1 tháng 7 năm 1952, thành lập Đại đội 5 TT tại Hà Nội (Bắc Việt Nam)

-Ngày 1 tháng 10 năm 1952, thành lập Đại đội 6 TT tại Gia Định (Nam Việt Nam).

Những năm kế theo thành lập liên tiếp các Cơ sở Tiếp liệu TT và các Trung tâm Huấn luyện TT tại các Quân khu. Những cơ sở này cùng với 6 Đại đội TT dã thành lập từ trước là thành phần gồm chuyên viên nòng cốt thuộc Binh chủng Truyền Tin.

4. NGÀY 1 THÁNG 5 NĂM 1952

Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập, theo Dụ số 43 QP ngày 23-5-1952. Trụ sở đặt tại khu nhà số 606 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, cho tới năm 1956 thì di chuyển vào Trại Trần Hưng Đạo ngay cửa ngõ dẫn vào phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất, Phú Nhuận, Sài Gòn. Trại này nguyên là Camp Chanson của Bộ Chỉ huy Quân đội Viễn chinh Pháp giải tán rút ra khỏi Việt Nam trao lại.

Tổng số nhân sự của Bộ TTM lúc đó gồm khoảng trên 150 người cả Pháp lẫn Việt Nam. Phía Pháp là 36 người (21 Sĩ quan, 15 Hạ sĩ quan). Lúc đó Tôi đang mang cấp bậc trung úy phục vụ dưới quyền Trung tá Lê văn Tỵ, Tham mưu trưởng Biệt bộ Bộ Quốc phòng, được thuyên chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu đảm trách chức vụ Trưởng Ban Mật Mã thuộc văn phòng Tổng Tham Mưu trưởng.

Tổ chức ban đầu của Bộ TTM rất đơn giản, gồm:

-Tổng Tham Mưu trưởng và Văn phòng

-Tham Mưu trưởng

-3 Tham mưu phó (Tổ chức và Nhân viên, Hành quân và Huấn luyện, Tiếp vận)

-Chỉ huy trưởng Viễn Thông (Thiếu tá Richard) trong sơ đồ tổ chức được xếp ngang hàng với các Tham mưu phó

-4 Phòng Tham mưu chính là Phòng 1, Phòng 2, Phòng 3, và Phòng 4

-Nha An ninh Quân đội

-Ban Không Quân

-Ban Hải Quân

-Trung tâm Công văn và Công điện (trong đó có Trung tâm Truyền Tin)

-4 Nha trực hệ gồm: Nha Nhân viên, Nha Quân Nhu, Nha Quân Cụ (trong đó có Sở Vật liệu Truyền Tin), và Nha Quân Y.

5. KỂ TỪ CUỐI THÁNG 11 NĂM 1954

Sau khi Hiệp Ước Genève 21-7-1954 được ký kết giữa Pháp và Việt Cộng, thì các sĩ quan Việt Nam được lần lần bổ nhiệm thay thế sĩ quan Pháp đang giữ những trọng trách chủ yếu tại các Bộ Tham mưu và Đơn vị trong toàn Quân đội Quốc gia Việt Nam.

Nhờ thế, ngày 4 tháng 8 năm 1955, Thiếu tá nhiệm chức (grade fonctionnel) Lương Thế Soái được cho mang cấp hiệu Trung tá Giả Định (grade fictif) và bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ Tổng Tham Mưu QĐQGVN thay thế Trung tá Platwet Roundil. Nhưng chẳng được bao lâu thì Thiếu tá Nguyễn Khương Sĩ quan Truyền Tin Phân khu Nha Trang (đã từng theo Thiếu tá Thái Quang Hoàng, lập chiến khu tại Phan Rang chống Tướng Tổng Tham Mưu trưởng Nguyễn văn Hinh để ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm) được đưa về Sài Gòn thăng cho cấp trung tá nhiệm chức làm Chỉ huy trưởng Viễn thông thay thế Trung tá Soái bị giải ngũ.

6. NGUYÊN VĂN LỜI MỞ ĐẦU GIỚI THIỆU NGÀNH TRUYỀN TIN

Trong Bộ Quân sử, Quyển IV, Mục nói về các Quân Binh chủng Chiến đấu và Yểm trợ chiến đấu ghi như sau: “Ngành truyền tin Việt Nam bắt đầu có từ năm 1951 với những đại đội truyền tin biệt lập tại các miền quân sự, khác với các binh chủng chiến đấu khác, bộ chỉ huy của binh chủng truyền tin được thành lập ngay với Bộ Tổng Tham Mưu và đồng thời các cơ quan truyền tin quân khu cũng được thành lập ngay với các quân khu. Lúc ấy các bộ chỉ huy truyền tin gọi là Bộ chỉ huy viễn thông Trung ương và các Bộ chỉ huy viễn thông quân khu.”

Dựa vào các điều tham cứu trên để suy luận, chúng ta nhận thấy rằng:

1. Ngày 1 tháng 8 năm 1948, Bộ Quốc Phòng Việt Nam được thành lập, trong tổ chức có Nha Quân Cụ (có bộ phận phụ trách về vật liệu Truyền Tin), nhưng chưa có đơn vị quân đội nào được thành lập.

2. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Có 3 Tiểu đoàn Việt Nam đầu tiên được thành lập, trong bảng cấp số có Sĩ quan Truyền Tin và các Ban Truyền Tin, nhưng đây là loại nhân viên Truyền Tin Binh đoàn, không thuộc quân số cơ hữu của ngành chuyên môn Truyền Tin.

3. Ngày 1 tháng 2 năm 1951, thành lập 2 Đại đội Truyền Tin: Đại đội 1 TT tại Cần Thơ (Nam Việt Nam), Đại đội 3 TT tại Nam Định (Bắc Việt Nam).

4. Ngày 1 tháng 5 năm 1952, Bộ Chỉ huy Viễn thông Bộ Tổng Tham Mưu QĐQGVN được thành lập cùng lúc với Bộ TTM, là Cơ quan đầu não chính của Binh chủng Truyền Tin sau này.

5. Ngày 4 tháng 8 năm 1955, Thiếu tá nhiệm chức (grade fonctionnel) Lương Thế Soái được cho mang cấp bậc trung tá Giả Định (grade fictif không ăn lương), và được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ TTM đầu tiên trong QĐQGVN, thay thế cho Trung tá Platwet Roundil đang là Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ TTM chấm dứt nhiệm vụ để chỉ còn giữ vai trò cố vấn mà thôi. Nhưng Bộ Chỉ huy Viễn thông đã chính thức được thành lập từ ngày 1 tháng 5 năm 1952.

6. Khối Quân Sử thuộc Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, sau khi tra cứu các văn kiện chính thức của Bộ Quốc Phòng quy định việc thành lập riêng cho từng đơn vị thuộc Quân đội, đã ghi lời nhận định như sau trong Bộ Quân Sử, Quyển IV, trong mục nói về các Quân Binh Chủng chiến đấu và yểm trợ chiến đấu, là: “Ngành truyền tin Việt Nam bắt đầu có từ năm 1951 với những đại đội truyền tin biệt lập tại các miền quân sự, khác với các binh chủng chiến đấu khác, bộ chỉ huy của binh chủng truyền tin...”

ĐỂ KẾT LUẬN

Dựa theo các phân tích trên đây, thì chúng ta thấy rằng, câu trả lời hợp lý hợp tình nhất cho câu hỏi: “BINH CHỦNG TRUYỀN TIN QLVNCH ĐƯỢC CHÍNH THỨC THÀNH LẬP VÀP NGÀY NÀO?”

Chính là NGÀY 1 THÁNG 2 NĂM 1951.

Vì vào ngày đó 2 Đại đội Truyền Tin Việt Nam đầu tiên được chính thức thành lập:

-Đại đội 1 Truyền Tin tại Cần Thơ
-Đại đội 3 Truyền Tin tại Nam Định.

Ngoài ra, trong Quyển IV Bộ Quân Sử, do Khối Quân Sử Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu biên soạn, sau khi tham khảo các văn kiện chính thức về thành lập các đơn vị thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã ghi trong mục nói về các Quân Binh Chủng chiến đấu và yểm trợ chiến đấu, rõ ràng là:

Ngành truyền tin Việt Nam bắt đầu có từ năm 1951 với những đại đội truyền tin biệt lập tại các miền quân sự, khác với các binh chủng chiến đấu khác, bộ chỉ huy của binh chủng truyền tin được thành lập ngay với Bộ Tổng Tham Mưu và đồng thời các cơ quan truyền tin quân khu cũng được thành lập ngay với các quân khu. Lúc ấy các bộ chỉ huy truyền tin gọi là Bộ chỉ huy viễn thông Trung ương và các Bộ chỉ huy viễn thông quân khu.” Đến đây Quý độc giả đã có được một khái niệm tổng lược khái quát về Truyền Tin và ngày Binh chủng Truyền Tin QLVNCH được chính thức thành lập.

 


Đại tá Nguyễn-Huy Hùng
Ảnh chụp tại Sài Gòn vào đầu năm 1969


 

Tiếp sau đây mời Quý độc giả bắt đầu chia sẻ những dòng hồi ký DUYÊN NỢ TRUYỀN TIN của Nguyễn-Huy Hùng. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 1
ĐÔI DÒNG PHI LỘ

Đời quân ngũ của Tôi và Binh chủng Truyền Tin, phải được coi là DUYÊN và NỢ.

Suốt thời gian phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa gần 28 năm, Tôi chỉ ở trong Binh chủng Truyền Tin vỏn vẹn có 10 năm (4 năm Trưởng Phòng Mật Mã Trung ương Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia VN sát nhập vào Bộ chỉ huy Viễn thông, 3 năm Giám đốc Trường Truyền Tin Liên trường Võ khoa Thủ Đức, và 3 năm Chỉ huy phó Viễn thông QLVNCH, sau cải danh là Cục phó Cục Truyền tin).

DUYÊN là tại có nhiều hoàn cảnh tự nhiên trói buộc Tôi vào ngành Truyền tin. Còn NỢ là vì trong thời gian Tôi ở trong Binh chủng Truyền Tin có nhiều điều không được thoải mái như ý, nhưng vì dây tình cảm bạn bè thắm thiết đã khiến Tôi dù gặp nhiều thiệt thòi cá nhân, mà vẫn không đang tâm rời bỏ anh em.

Ngày Phòng Mật Mã Trung ương được sát nhập vào quân số Bộ Chỉ huy Viễn Thông hồi đầu năm 1954, do Thiếu tá Richard đang làm Chỉ huy trưởng, Tôi mang cấp bậc thiếu tá với 4 vạch vàng trên vai (lon Pháp). Mười năm sau, lúc rời Binh chủng Truyền Tin năm 1964, Tôi vẫn là thiếu tá với 1 hoa mai trắng trên cổ áo (lon của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), trong khi anh Khương và các cộng sự viên thân tín, có hơi hướng của Đảng Cần lao Nhân vị, được thăng mỗi người ít nhất là 2 cấp. Anh Khương từ thiếu tá lên đến đại tá. Anh Hà Quang Giác từ trung úy lên đến đại tá. Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam với Tổng thống Ngô Đình Diệm, là thời đại của thế lực chính trị khuynh loát Quân đội, nên việc Tôi là người không chịu gia nhập Đảng Cần Lao Nhân Vị, lại không theo phe cánh bạn bè làm lớn, do đó hậu quả bị chậm hay không được cất nhắc lên lon chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Thế rồi, sau cuộc đảo chính mà thời đó người ta thường gọi là Cách mạng 1-11-1963 do nhóm tướng tá làm Cách mạng lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, với tinh thần kỳ thị nguồn gốc Bắc, Trung, Nam, đã hất Tôi đang làm Chỉ huy phó Viễn Thông và Thiếu tá Phan văn Chuân Chỉ huy trưởng Trường Truyền Tin Vũng Tầu ra khỏi Binh chủng Truyền Tin, cũng lại là truyện tự nhiên của tệ nạn phe cánh thời đại nâng đỡ nhau vậy thôi.

Rời chiếc ghế Chỉ huy phó Viễn Thông, Tôi được đưa sang Nha Thanh tra Quân lực Bộ Quốc phòng, chờ đợi theo học Khóa 9 Chỉ huy Tham mưu tại trường Đại học Quân sự ở Đà Lạt, cùng thời gian với mấy ông tướng trong nhóm làm Cách mạng chỉnh lý lẫn nhau, vì tranh ngôi thứ Lãnh tụ cầm quyền.

Mãn khóa học Chỉ huy Tham mưu vào đầu năm 1965, Tôi được bổ nhiệm về làm Tham mưu phó Tổ chức Huấn luyện Bộ Tư lệnh Địa phương quân và Nghĩa quân (ĐPQ và NQ) do Trung tướng Trần Ngọc Tám làm Tư lệnh. Tại đây, Tôi gặp lại Đại úy Nguyễn Đình Sách (ĐĐ8TT) đang làm Trưởng Phòng 3, và Đại úy Nguyễn Hữu Chi làm Chánh Sự vụ Sở Viễn Thông. Tới năm 1966, Bộ Tư Lệnh ĐPQ và NQ đổi tên thành Bộ Chỉ huy Trung ương ĐPQ và NQ do Đại tá Trương văn Xương làm Chỉ huy trưởng, Tôi được cử làm Tham mưu trưởng. Đến cuối 1967 BCH TU ĐPQ và NQ lại cải tổ thành Tổng cục ĐPQ và NQ thuộc Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, Tôi được chỉ định làm Tổng cục Phó.

Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, Tôi được thuyên chuyển về Nha Tổng Thanh tra Quân lực, làm Chánh Sự vụ Sở Khai thác. Cuối năm 1969 được cử theo học Khóa 3 Cao đẳng Quốc Phòng Việt Nam tại Sài Gòn. Tốt nghiệp với Luận án đề cập tới “Nhiệm vụ của sĩ quan Chiến tranh Chính trị thời Hậu chiến”, nên Tôi được bổ nhiệm về Tổng cục Chiến tranh chính trị, làm Phụ tá Tổng cục trưởng kiêm Chủ Nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến. Trung tướng Trần văn Trung làm Tổng cục trưởng, là người tốt nghiệp cùng Khóa 1 Sĩ quan Việt Nam với anh Khương và Tôi ngày 1 tháng 6 năm 1949 tại Huế. (Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, Khóa Bảo Đại chúng tôi phải xin đổi tên là Khóa Phan Bội Châu, vì Quốc trưởng Bảo Đại đã bị truất phế sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 10 năm 1955 do Thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức.)

Anh Nguyễn Khương (Đại tá CHT Viễn thông từ 1955 đến 1960) và Tôi, là 2 sĩ quan Việt Nam đầu tiên được chính phủ Quốc gia Việt Nam thời Quốc Trưởng Bảo Đại, gửi sang Pháp theo học Khóa Sĩ quan Truyền Tin tại Trường Truyền Tin Pháp ở Montargis (Ecole d’application des Transmissions) niên khóa 1950-1951. Chúng tôi học chung với các thiếu úy người Pháp tốt nghiệp khóa Général Frère trường Võ bị Saint Cyr của Lục quân Pháp xây dựng tại Coetquidam trong vùng Bretagne thuộc miền Tây nước Pháp.

Thời gian đó, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam (Bộ TTM-QĐQGVN) chưa được thành lập. Phần lớn các Tiểu đoàn Bộ binh Việt Nam đều do sĩ quan Pháp thành lập (có các phương tiện Truyền Tin Binh đoàn). Các Bộ chỉ huy Chi khu và Phân khu đều có các Trung tâm Truyền Tin, hoạt động dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp. Dĩ nhiên chuyên viên điều hành khai thác gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ cả Pháp lẫn Việt, do Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương tuyển mộ, đào luyện, sử dụng và trả lương. Chỉ từ năm 1952, khi Bộ TTM-QĐQGVN được thành lập, thì mới lần lần chuyển giao cho Việt Nam trách nhiệm tuyển mộ, huấn luyện, quản trị và sử dụng dưới sự chỉ huy của sĩ quan Việt Nam.

Trước ngày 30-4-1975, Trường Truyền Tin Vũng Tầu, cũng như Cục Truyền Tin đã từng sưu tầm đúc kết thành tài liệu nói về Lịch sử thành hình, phát triển, và bành trướng của Ngành Truyền Tin. Nhưng bây giờ đã thất lạc, và chẳng còn ai giữ được hoặc nhớ rõ nữa. Bản thân Tôi, dù đã dự phần và biết từ khởi điểm cho đến cuối năm 1963, nhưng bây giờ với tuổi tác chồng chất, cộng với thời gian cơ cực 13 năm trong các trại tập trung cải tạo của cộng sản Việt Nam, trí nhớ bị ảnh hưởng, nên cũng chẳng còn khả năng ghi lại chính xác như một tài liệu để tham khảo nữa. Do đó, hy vọng những dòng Hồi ký sau đây của Tôi sẽ cống hiến các bạn một ý niệm tổng quát, về diễn biến của Cơ quan đầu não Truyền Tin từ năm 1951 đến 1963, là ngày Tôi rời Binh chủng Truyền Tin mà thôi. Mong rằng, những bạn làm Trưởng Phòng 6 và Cục trưởng Truyền Tin từ sau Cách mạng 1-11-1963, sẽ vui lòng ghi lại và gửi đến các bạn những thay đổi sau này cho đến ngày 30-4-1975, để tất cả chúng ta có cái thú ôn lại quãng đời quá khứ của mình trong Binh chủng Truyền Tin, mà người Pháp gọi là Binh chủng của những nhà thông thái (Arme des Intellects).

Trước hết, hãy cho phép Tôi dài dòng đôi chút về cái DUYÊN NỢ đã trói buộc Tôi với TRUYỀN TIN từ lúc nào, trong cuộc đời binh nghiệp của Tôi. Nó khởi đầu từ năm 1947, ngay khi Tôi mới gia nhập Vệ Binh Bắc Kỳ (Garde Tonkinoise) ở Hà Nội. Vì thông thạo tiếng Pháp, lại bập bẹ được đôi chút tiếng Tầy (Thổ vùng Lạng Sơn), và tiếng Tầu Quảng Tây, nên Tôi đã được bổ nhiệm làm thư ký kiêm thông dịch viên của một Đại đội, thành viên gồm cả 3 sắc tộc Kinh, Thổ (Tầy) Lạng Sơn, và Nùng vùng Móng Cáy. Đồng thời còn phải đảm trách luôn trách vụ Tổng đài viên, để duy trì đường “liên lạc Dây” giữa Bộ chỉ huy Đại đội đóng tại Ngã Tư Vọng (Bạch Mai, Hà Nội) xuống các Trung đội trực thuộc đóng đồn rải rác, xa nhau khoảng từ 7 đến 10 cây số, trên một vòng cung từ Quốc lộ 1 (Hà Nội-Văn Điển) qua tới bờ sông Hồng, và lên Bộ chỉ huy Phân khu Pháp đóng ở bên bờ hồ Ha-Le. Công việc Tổng đài viên chỉ có một mình lo toan, bận bịu vất vả cả ngày lẫn đêm, chẳng có giờ giấc nghỉ ngơi gì cả, thật là cả DUYÊN lẫn NỢ.

Năm 1949, tốt nghiệp thiếu úy khóa sĩ quan đầu tiên của Trường Võ bị Quốc gia (cùng với anh Nguyễn Khương người miền Trung). Tôi vốn gốc từ Bắc Việt đưa vào học, nên được bổ nhiệm về Tiểu đoàn 2 VN ở Hà Nội. Tiểu đoàn này là một trong 3 Tiểu đoàn VN (Bataillon VN) đầu tiên của Chính phủ Quốc gia Việt Nam, do sĩ quan Việt Nam đứng ra tuyển mộ, tổ chức, huấn luyện, và chỉ huy. Bỗng dưng vào giữa tháng 9 năm 1950, đang cùng Đại đội hành quân ở vùng Bắc Ninh, Vĩnh Yên, thì có lệnh triệu Thiếu úy Bùi Đình Đạm (Đại đội 1, tốt nghiệp cùng khóa sĩ quan với Tôi, sau này trước 30-4-1975 là Thiếu tướng Giám đốc Nha Động viên Bộ Quốc phòng) và Tôi (Đại đội 4) vào Sài Gòn làm thủ tục sang Pháp học bổ túc chuyên nghiệp sĩ quan. Khi tới Bộ Quốc phòng tại số 63 đường Gia Long, Sài Gòn, chúng tôi gặp 2 bạn thiếu úy khác tốt nghiệp cùng khóa sĩ quan là anh Nguyễn Khương (sau là Đại tá Chỉ huy trưởng Viễn thông), anh Trần Ngọc Thức (sau này có thời làm Chỉ huy trưởng Công Binh QLVNCH), và anh Nguyễn văn Sai bên Không quân. Qua ngày hôm sau, Bộ Quốc phòng Việt Nam cấp giấy giới thiệu và cho xe đưa chúng tôi sang Cơ quan Hành chánh Quân đội viễn chinh Pháp làm thủ tục.

Chẳng ai biết chúng tôi được gửi đi học bổ túc chuyên nghiệp về ngành nào cả. Sau 21 ngày lênh đênh trên chiếc tầu thủy tên CYRÉNIA của Hy Lạp, qua Ấn Độ Dương, Hồng Hải, kinh đào Suez, biển Méditerrannée, cặp bến Marseille vào buổi chiều nhá nhem tối. Lên bờ, chúng tôi được cấp Sự Vụ Lệnh và vé tầu hỏa đi tiếp, mới biết là anh Khương và Tôi đi học Truyền Tin ở Trường Truyền Tin Montargis (cách thủ đô ánh sáng Paris chừng 2 giờ xe lửa, về phía Nam), anh Trần Ngọc Thức đi học Công Binh tại Angier, và anh Bùi Đình Đạm đi học Pháo Binh ở Idar thuộc Pháp trên đất Đức (Germany).

Tháng 6 năm 1951, mãn khóa học, Tôi rời Pháp về nước với cấp bậc trung úy (thăng cấp theo quy chế dành cho sĩ quan Hiện dịch tốt nghiệp Trường Võ bị ra, sau 2 năm đương nhiên được Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định thăng cấp, không cần dựa theo đề nghị của bất cứ ai), trong khi anh Khương xin ở lại học thêm một khóa khác (không biết khóa gì?). Tôi có xin đi học trường Nhảy Dù ở Pau, để gia nhập Tiểu đoàn Nhảy Dù Pháp sang tham chiến ở Triều Tiên, nhưng không được chấp thuận, vì Tôi không là thành phần của quân đội Pháp.

Về tới Sài Gòn bằng đường hàng không Air France từ Paris, Tôi tới trình diện Bộ Quốc phòng Việt Nam, gặp Trung tá Nguyễn văn Vận Đổng lý Văn phòng của Bộ trưởng Quốc Phòng (sau này là Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu 3 tại Hà Nội), và Tôi được Trung tá Vận trình ông Trần văn Hữu Thủ tướng Chính phủ kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc Phòng bổ nhiệm vào Nha Đổng lý Bộ Quốc phòng để thành lập Ban Mật Mã, soạn các tài liệu và tổ chức các hệ thống Mật Mã bảo vệ cơ mật cho các lệnh và tin tức Mật trao đổi qua hệ thống Truyền Tin, giữa Bộ Quốc phòng với các nơi sau: Bộ Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp (EMIF) tại Sài Gòn, Võ phòng Quốc trưởng Bảo Đại tại Đà Lạt, các Bộ Tham mưu Miền (État major Régional) ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, các Cơ quan Quân sự địa phương và các Tiểu đoàn Việt Nam đã thuộc quyền quản trị của Chính phủ Việt Nam, nhưng vẫn do các sĩ quan Pháp chỉ huy. Lúc đó ở Bộ Quốc phòng có một Trung tâm Truyền Tin do Trung úy Lê văn Hiền chỉ huy (sau này anh Hiền làm Chánh Sở Vật liệu Truyền Tin đầu tiên do Pháp bàn giao vào cuối năm 1954 qua đầu năm 1955).

Khoảng 2 tháng sau, Ban Mật Mã của Tôi được chuyển sang thống thuộc Tham mưu Biệt bộ Bộ Quốc phòng, do Trung tá Lê văn Tỵ kiêm nhiệm cả 2 chức vị: Tham mưu trưởng Biệt bộ Bộ Quốc phòng và Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Miền Nam. (vào tháng 11 năm 1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đề cử Tướng Lê văn Tỵ làm Tổng Tham Mưu trưởng thay thế Trung tướng Nguyễn văn Hinh. Sau này, Tướng Lê văn Tỵ được thăng lên đến cấp Đại tướng rồi hồi hưu và qua đời vì bệnh hoạn. Sau khi Tổng thống Diệm bị lật đổ thì cố Đại tướng Lê văn Tỵ được Hội đồng Tướng Lãnh đảo chính truy thăng lên cấp Thống tướng.)

Qua năm 1952, Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập, Ban mật Mã của Tôi lại được chuyển qua Bộ Tổng Tham Mưu, đặt thuộc quân số Văn phòng Tổng Tham Mưu trưởng. Cơ sở Bộ Tổng Tham Mưu đặt tại đường Trần Hưng Đạo gần ngã tư Trần Bình Trọng ráp ranh Sài Gòn và Chợ Lớn. Lúc đó Tướng Nguyễn văn Hinh (con trai của Thủ tướng Trần văn Hữu) làm Tổng Tham mưu trưởng, và Trung tá Trần văn Minh làm Tham mưu trưởng. Tôi đã có dịp quen biết Trung tá Minh khi ông còn là Thiếu tá trong buổi tiếp tân các Ngoại Giao Đoàn nhân dịp Tết Việt Nam năm 1951 tại Paris do Hoàng Thân Bửu Lộc Đại Sứ Việt Nam tổ chức.

Dưới đây là những vần thơ của Bồ câu già Khiết Châu Nguyễn-Huy Hùng cảm hứng sáng tác tại Khu Little Sài Gòn, Nam California, Hoa Kỳ, sau những kỳ Hội ngộ cùng các Bồ câu đang lưu vong tỵ nạn cộng sản Việt Nam, tại Hội quán Lạc Hồng (Tâm’s Beauty College) thành phố Garden Grove, Nam California, Hoa Kỳ.

Vinh danh Thánh Tổ Truyền Tin
TRẦN NGUYÊN HÃN


Nặng trĩu hai vai một gánh dầu,
Nâng niu lồng quý cặp bồ câu.
Kiên trì lặn lội tìm chân Chúa.
Dũng mãnh hành quân diệt giặc Tầu.
Gian khổ mười năm rèn sĩ tốt,
Xông pha trăm trận chiếm công đầu
Danh TRẦN NGUYÊN HÃN vang muôn thuở,
Sử Việt thời Lê rạng Ngũ Châu.

Garden Grove, Quận Orange, Nam California,
Hội ngộ Truyền Tin Xuân Ất Hợi 1995.


TRUYỀN TIN TÌNH CŨ

Gặp gỡ nhau đây nhớ những ngày,
Chung vai sát cánh chạy Đông Tây.
Cao nguyên, Duyên hải, mòn xe lướt,
Đồng Tháp, Trường Sơn, mỏi cánh bay.
Bĩ cực, bồ câu tung cánh gió,
An bình, sóng điện vượt cung mây.
Ngoài trong yên bụng, Tin thông xuốt,
Trên dưới mừng vui, Lệnh đến tay.

Hội quán Lạc Hồng, Garden Grove, Nam California.
Họp mặt Ái Hữu TT tháng 7-2000.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 2
SƠ LƯỢC TỔNG QUÁT VỀ QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM LÚC SƠ KHAI

Quân đội Quốc gia Việt Nam chưa thành hình, nhưng lại thành lập các Bộ Tham mưu quân sự Miền hoạt động dưới quyền chỉ huy của Bộ Quốc Phòng, nhằm mục đích quản trị quân số, yểm trợ quân trang dụng, và trả lương cho quân nhân các cấp thuộc các Tiểu đoàn Việt Nam. Việc điều động hành quân, chỉ định nơi đồn trú cho các Tiểu đoàn Việt Nam, đều tùy thuộc thẩm quyền quyết định của các Bộ Tư lệnh và Cơ quan chỉ huy Pháp tại mỗi Miền và địa phương Tỉnh, Quận nơi Tiểu đoàn đồn trú.

Các vị Chỉ huy Bộ Tham mưu quân sự Miền của Việt Nam hồi 1951 gồm:

-Tại miền Nam, có État Major du Sud Vietnam, do Trung tá Lê văn Tỵ làm Tham mưu trưởng (gốc sĩ quan Lực lượng thuộc địa Pháp tại Đông Dương từ trước năm 1945 chuyển qua. Có một thời ông là Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Danh Dự GAEH = Groupe Autochtone de l’Escadron d’Honneur, đóng tại Sài Gòn);

-Tại miền Trung, có État Major du Centre Vietnam, do Trung tá Nguyễn Ngọc Lễ làm Tham mưu trưởng (nguyên là Đại úy Tư lệnh Lực lượng Việt Binh Đoàn ở Huế từ hồi 1947);

-Tại miền Bắc, có État Major du Nord Vietnam, do Trung tá Vũ văn Thụ làm Tham mưu trưởng (gốc sĩ quan Lực lượng thuộc địa Pháp tại Đông Dương trước 1945. Có một thời ông là Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Việt Nam thành lập từ giữa năm 1949 tại Hà Nội. Hồi đó Tôi là thiếu úy mới tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ quan Việt Nam Trường Võ bị Quốc gia được thuyên chuyển về Đại đội 2 của Tiểu đoàn).

Ngoài ba Bộ Tham mưu quân sự Miền Việt Nam vừa kể, tại miền Bắc Việt Nam còn có 2 Bộ Tham mưu quân sự khác không thuộc quyền chỉ huy của Bộ Quốc Phòng Chính phủ Việt Nam cho tới đầu năm 1954, đó là:

-Bộ Tổng Tham mưu Bắc Thái, do ông Đèo văn Long làm thủ lãnh, đóng tại vùng Sơn La, Lai Châu. Dưới quyền có một số đơn vị cấp Tiểu đoàn và Đại đội người Thái.

-Bộ Tham mưu Nùng, do Đại tá Vòng A Sáng (người Sắc tộc Nùng, gốc sĩ quan trong Lực lượng thuộc địa Pháp tại Đông Dương từ trước năm 1945) chỉ huy, tại vùng Moncay, Hải Ninh. Sau Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, các đơn vị Nùng thuộc quyền Đại tá Sáng được di tản vào Sông Mao, tỉnh Phan Thiết, lập thành Sư đoàn 6 Dã chiến Quân đội Quốc gia Việt Nam (QĐQGVN) với sự tăng cường thêm một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ sắc tộc Kinh. Sau này Sư đoàn 6 được cải danh thành Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Đại tá Sáng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn, cho đến năm 1957, phải giải ngũ cùng đợt với một số sĩ quan, hạ sĩ quan có thâm niên quân vụ trên 15 năm, theo kế hoạch trẻ trung hóa Quân đội của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thực ra Kế hoạch này là biện pháp thanh lọc loại khỏi Quân đội Quốc gia, những sĩ quan và hạ sĩ quan già kém khả năng, đã được quân đội viễn chinh Pháp tuyển mộ, sử dụng, thăng cấp bừa bãi vì nhu cầu tăng cường quân số hành quân của họ, sau khi tái xâm lăng Việt Nam từ 1946.

Riêng tại miền Cao nguyên Trung phần Việt Nam (Ban mê thuột, Pleiku, Kontum, Quảng Đức, Tuyên Đức tức là Đà Lạt, và Blao) là vùng lãnh thổ được Quốc trưởng Bảo Đại coi là Hoàng Triều Cương Thổ, có Bộ Tham mưu Chỉ huy Miền Cao nguyên do sĩ quan Pháp cấp tướng chỉ huy, mãi đến năm 1954 mới chuyển giao cho sĩ quan Việt Nam đảm nhận. Vị Tư lệnh Việt Nam đầu tiên là Đại tá Linh Quang Viên (sắc tộc Tầy tức là Thổ, nguyên là Tri Huyện, con ông Tuần phủ Linh Quang Vọng tại Lạng Sơn, từ thời Pháp thuộc trước năm 1945. Tôi đã quen biết từ trước 1945, vì là bạn học cùng lớp Tiểu học và Trung học với các em ruột của Đại tá Viên).

Từ giữa năm 1950, một số Tiểu đoàn Việt Nam (lực lượng Chủ lực quân) bắt đầu được thành lập, bằng cách tập hợp các Đại đội Bộ binh sẵn có do Pháp tuyển mộ, tổ chức, trang bị, huấn luyến, trả lương và sử dụng tại mỗi miền lãnh thổ Việt Nam chuyển qua. Những đơn vị cấp Đại đội này có những tên gọi khác nhau. Ở miền Bắc là các Đại đội Vệ binh Bắc Kỳ (Garde Tonkinoise), Đại đội Vệ binh Duyên phòng miền Đông Bắc Kỳ (Garde Frontalière de l’Est Tonkinois), Đại đội Biệt Kích (Commando), Đại đội Thân binh (Partisan), Đại đội Nùng, Đại đội Thái. Ở miền Trung là các Đại đội Việt Binh Đoàn. Ở miền Nam là các Đại đội Vệ Binh Nam Kỳ, và các đơn vị thuộc Lực lượng Giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên quy thuận Pháp. Trên Cao Nguyên Trung phần là các Đại đội Sơn Cước (Compagnie Montagnarde).

Ngoài các Tiểu đoàn Việt Nam (đơn vị Chủ lực quân) tại mỗi miền Bắc, Trung, Nam, còn có các đơn vị Phụ Lực Quân địa phương, do các vị Thủ Hiến đại diện Quốc trưởng Bảo Đại tại mỗi miền, tự tuyển mộ, tổ chức, huấn luyện, cung cấp quân trang, quản trị nhân số và lương bổng, để sử dụng trong việc canh phòng giữ an ninh cho các Cơ sở và Chức quyền Hành Chánh Tỉnh, Quận. Vũ khí đạn dược trang bị cho các đơn vị Phụ lực quân địa phương này cũng do quân đội Pháp yểm trợ cung cấp, y như đối với các Tiểu đoàn Việt Nam, nhưng là loại vũ khí cũ lạc hậu không còn dùng trong cấp số của các đơn vị Chủ lực.

Thi hành Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 ký kết giữa Pháp và Việt Minh cộng sản, các đơn vị thuộc lực lượng Bảo Chính Đoàn tại Bắc Việt phải di chuyển vào miền Nam Vĩ tuyến 17, được cải danh là Bảo An Đoàn, đặt dưới quyền chỉ huy quản trị của một Nha Tổng Giám đốc trực thuộc Bộ Nội Vụ. Các đơn vị phụ lực quân này được chia về các Tỉnh để đảm trách việc đóng đồn, và hành quân duy trì an ninh địa phương, dưới quyền kiểm soát của các vị Tỉnh trưởng. Đến sau ngày Cách mạng 1-11-1963 lật đổ Tổng thống Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam, các đại đội Bảo An Đoàn được cải danh thành đại đội Địa Phương Quân, chuyển giao sang Bộ Quốc phòng trách nhiệm. Nha Tổng Giám đốc Bảo An Đoàn bị giải tán để thành lập Bộ Tư lệnh Địa Phương Quân, sau lại cải danh thành Bộ Chỉ huy Trung ương Địa Phương Quân.

Cuối năm 1951, để chuẩn bị cán bộ cho Quân đội Quốc Gia Việt Nam (QĐQGVN) sẽ thành lập ồ ạt vào năm 1952, Bộ Quốc Phòng được chỉ thị ban hành Lệnh Động Viên từng phần thanh niên thuộc lớp tuổi trên 20, có Tú Tài 2 hoặc Văn bằng cao hơn, nhẹ gánh gia đình, phải nhập ngũ theo học các khóa đào tạo sĩ quan Trừ Bị tại Nam Định (miền Bắc) và Thủ Đức (miền Nam).

Đồng thời, 4 sĩ quan người Việt quốc tịch Pháp, thuộc lực lượng Liên Hiệp Pháp được chuyển sang đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ Quốc Phòng chính phủ Việt Nam, để nghiên cứu trình dự án thành lập Bộ Tổng Tham mưu cho QĐQGVN, biến cải các Bộ Tham mưu Miền thành các Bộ Tư lệnh Quân khu, mở thêm các Trường Võ bị địa phương (École Militaire Régionale) nhằm tăng cường việc đào tạo các chuẩn úy (Aspirant) làm Trung đội trưởng (ngoài Trường Võ bị Liên Quân Đà Lạt đào tạo các thiếu úy hiện dịch, đã có từ năm 1948), thành lập các Trung tâm Huấn luyện Trung ương và Quân khu để đào tạo các hạ sĩ quan, và tân binh cho các Tiểu đoàn Khinh binh, Tiểu đoàn Dã chiến, các Bộ Chỉ huy Liên đoàn Chiến thuật (Groupement Tactique), và Trung đoàn Địa phương sẽ thành lập trong năm 1952 và những năm tiếp theo.

Bốn sĩ quan này là Thiếu tá Trần văn Minh, Thiếu tá Lê văn Kim, Đại úy Trần văn Đôn, và Đại úy Nguyễn Khánh. Tôi đã có dịp gặp và làm quen các vị này trong một buổi tiếp tân của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Paris, đầu năm 1951. Lúc đó các vị này học Trường Cao đẳng Quốc Phòng (École Supérieure de Geurre) tại Paris, Tôi học Truyền Tin ở Montargis. Trong buổi gặp gỡ này Tôi còn được dịp làm quen với Trung úy Lâm văn Phát và Thiếu úy Vĩnh Lộc học Thiết Giáp tại Saumur, cũng về dự buổi tiếp tân của Đại sứ Bửu Lộc nhân dịp Tết Nguyên đán Việt Nam. Đầu năm 1952, 4 vị sĩ quan này được thăng lên một cấp. Đúng theo sự thỏa thuận giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Pháp là, sĩ quan thuộc quân đội Pháp hoặc trong Lực lượng Liên Hiệp Pháp chuyển qua phục vụ trong QĐQGVN, được đương nhiên thăng lên một cấp cao hơn cấp bậc họ đang mang.

Ngay từ ngày bắt đầu thành lập Bộ Tổng Tham mưu QĐQGVN, Trung tá Trần văn Minh được cử làm Tham mưu trưởng, ít lâu sau được thăng lên đại tá rồi đi làm Chỉ huy trưởng Phân Khu Tiền Giang ở Mỹ Tho. Sau đó làm Tư lệnh Quân khu I đóng tại Cần Thơ, được thăng thiếu tướng ngày 9-5-1955. Sau cùng tham gia cuộc lật đổ Tổng thống Diệm được thăng lên cấp trung tướng, có lúc làm Tổng Trưởng Quân lực trong chính phủ Trần văn Hương, sau cùng bị đưa ra khỏi Việt Nam đi làm Đại sứ Việt Nam tại các Quốc gia bên Phi Châu.

Thiếu tá Trần văn Đôn làm Chánh Sở An Ninh Quân đội, ngày 1-7-1952 được thăng cấp trung tá làm Giám đốc Nha tác động tinh thần (Morale action) gồm An Ninh Quân đội, và Phòng 5 tại Bộ Tổng Tham mưu, rồi ngày 1-6-1953 thăng lên đại tá thay Đại tá Trần văn Minh làm Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu. Sau được thăng cấp thiếu tướng. Đến tháng 10-1963 được cử làm Quyền Tổng Tham Mưu trưởng thay Đại tướng Lê văn Tỵ nghỉ hưu. Ngày 1-11-1963 cùng Dương văn Minh, Lê văn Kim, và Trần Thiện Khiêm, đảo chính lật đổ Tổng thống Diệm, được thăng cấp trung tướng. Qua đầu năm 1964 bị Tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý đưa đi giam lỏng tại Đà Lạt. Tháng 9 năm 1967 đắc cử Thượng Nghị sĩ nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Đến tháng 3 năm 1975, làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng trong chính phủ Trần Thiện Khiêm, đến ngày 27-4-1975, ra trước Quốc Hội trình bày thực trạng quân sự để thuyết phục mọi người ủy nhiệm cho Tướng Dương văn Minh làm Tổng thống thay ông Trần văn Hương nguyên Phó Tổng thống lên thay Tổng thống Thiệu từ chức, rồi vào Tòa Đại sứ Pháp tỵ nạn để sang Pháp.

Trung tá Lê văn Kim làm Chỉ huy trưởng Trường Chỉ huy Tham mưu, sau đó thăng cấp đại tá. Cuối năm 1954, được giao phó trách nhiệm chỉ huy đoàn quân Quốc gia ra tiếp thu Quảng Ngãi và Bình Định tại Trung Việt, từ tay Việt Minh rút đi ra Bắc theo quy định của Hiệp định Genève ký kết ngày 21-7-1954. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Lê văn Kim cùng Trần văn Đôn Quyền Tổng Tham mưu trưởng, Trần Thiện Khiêm Tham mưu trưởng Liên Quân, Mai Hữu Xuân và Dương văn Minh Tư lệnh Lục quân, triệu tập các Chỉ huy trưởng Binh chủng Nha sở Trung ương họp tại Câu Lạc Bộ Sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu, trong Trại Trần Hưng Đạo, Tân Sơn Nhất, rồi bắt chẹt mọi người phải theo làm đảo chánh lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, thành công được thăng thiếu tướng. Đầu năm 1964 mưu đồ ra làm thủ tướng không thành. Ngày 30-1-1964 bị Nguyễn Khánh chỉnh lý đem giam lỏng tại Đà Lạt cùng Trần văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính và Nguyễn văn Vỹ. Sau khi được tha, Tướng Kim đi vào ngành thương mại, làm Giám đốc Ngân hàng Quân đội.

Thiếu tá Nguyễn Khánh làm Trưởng phòng Thông tin báo chí Bộ Quốc Phòng. Ít lâu sau được chỉ định đi chỉ huy các đơn vị tác chiến. Có thời gian làm Chỉ huy trưởng Liên đoàn Lưu động (Groupement Mobile). Năm 1954 ngả theo ông Diệm, đến tháng 2-1955 được thăng cấp trung tá Xử lý thường vụ Tỉnh Cần Thơ. Có lúc làm Tham mưu trưởng cho Dương văn Minh trong các Chiến dịch tảo thanh các Lực lượng giáo phái Bình Xuyên, Hòa Hảo. Ngày 11-11-1960 vào Dinh Độc Lập bảo vệ Tổng thống Diệm chống phe Nhảy Dù Nguyễn Chánh Thi làm đảo chánh. Mọi việc yên xuôi được thăng thiếu tướng và bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Liên Quân tại Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH. Tháng 12-1962 làm Tư lệnh Quân đoàn II tại Pleiku. Ngày 1-11-1963, ngả theo phe đảo chánh lật đổ Tổng thống Diệm xong, được cử làm Tư lệnh Quân đoàn I. Vì không được cử vào Hội đồng Quân nhân Cách Mạng, nên Khánh toa rập với Trần Thiện Khiêm Tư lệnh Quân đoàn III “chỉnh lý” nhóm Đôn-Kim-Xuân vào ngày 29-1-1964. Có sự can thiệp của Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge, Tướng Dương văn Minh được cử làm Quốc trưởng, Nguyễn Khánh làm thủ tướng. Từ ngày 19 đến 23-7-1964, Khánh và Nguyễn Cao Kỳ Không quân, vận động với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ yểm trợ hành quân vượt biên giới và đánh bom Bắc Việt. Ngày 11-8-1964 Khánh thăng cấp cho Trần Thiện Khiêm lên đại tướng, Nguyễn Cao Kỳ, Tôn Thất Xứng, Chung Tấn Cang, Nguyễn Chánh Thi, Phạm văn Đỗng, Bùi Hữu Nhơn, Cao Hảo Hớn, Ngô Dzu lên thiếu tướng, và các Đại tá Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Xuân Trang, Albert Cao, Đặng văn Quang, Vĩnh Lộc, Lê Nguyên Khang, Hoàng Xuân Lãm, Nguyễn văn Kiểm lên chuẩn tướng. Ngày 16-8-1964 Nguyễn Khánh Triệu tập một buổi họp các tướng lãnh tại Vũng Tầu, bầu Khánh làm Chủ tịch nước Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời ban hành một Hiến Chương, theo đó Chủ tịch nước đồng thời là Quốc trưởng với nhiều quyền hành rộng rãi, sẽ tổ chức một Quốc hội với 100 Đại biểu Dân sự và 50 Đại biểu Quân đội. Hội đồng Quân đội Cách mạng là trung tâm quyền lực tối cao.

Bắt đầu từ ngày 18-8-1964 trở đi, biểu tình liên miên chống đối Hiến chương Vũng Tầu của Khánh. Đến 25-8-1964, theo lời Cố vấn của Đại sứ Hoa Kỳ Taylor, Khánh xé bỏ Hiến chương Vũng Tầu. Ngày 27-8-1964, Thủ đô Sài Gòn rối loạn vì thù nghịch giữa giáo dân Ki-tô và Phật tử trước Bộ Tổng Tham mưu (6 Ki-tô hữu bị bắn chết), Hội đồng Tướng lãnh lập “Tam đầu chế” Dương văn Minh, Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Khánh (Khánh làm thủ tướng). Dương văn Minh được cử làm Chủ tịch Ủy Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân đội. Thành lập Thượng Hội đồng Quốc gia gồm 16 người: Phan Khắc Sửu, Nguyễn văn Huyền, Trần Đình Nam, Trần Văn Văn, Trần văn Quế, Nguyễn văn Lực, Nguyễn Xuân Chữ, Hồ văn Nhựt, Mai Thọ Truyền, Ngô Gia Hy, Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lương Trọng Tường, Nguyễn Đình Luyện, và Hồ Đắc Thăng, để dự thảo Hiến Pháp mới.

Ngày 24-10-1964 Ông Phan Khắc Sửu được bầu làm Quốc trưởng. Ngày 28-10-1964 Dương văn Minh bàn giao chính quyền cho ông Phan Khắc Sửu, Trần văn Hương được cử làm thủ tướng. Ngày 24-11-1964, Giáo dân và Phật tử tiếp tục biểu tình chống đối, vì chính phủ Hương dùng người thuộc nhóm Cần Lao cũ của Ngô Đình Nhu. Nhóm Young Turks của Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Khánh chuẩn bị lật đổ Hương. Ngày 4-12-1964, các tướng họp tại Đà Lạt lập Hội đồng Quân Lực. Đến ngày 7-1-1965 Hội đồng Tướng lãnh quyết định trao quyền cho phe dân sự. Hương cải tổ Nội các có 4 tướng trong thành phần Chính phủ: Nguyễn văn Thiệu làm Đệ Nhị Phó thủ tướng, Trần văn Minh làm Tổng trưởng Quân lực, Linh Quang Viên làm Tổng trưởng Tâm lý chiến, và Nguyễn Cao Kỳ làm Tổng trưởng Thanh niên và Thể thao. Ngày 20-1-1965, các Thượng tọa Phật giáo Trí Quang, Tâm Châu, Pháp Tri, Thiện Hoa, và Hộ Giác tuyệt thực để chống đối.

Ngày 27-1-1965, Hội đồng Quân lực ra thông cáo quyết định nắm lại chính quyền, Khánh thành lập một Hội Đồng Quân Dân gồm 20 người. Lưu nhiệm Phan Khắc Sửu trong chức vị Quốc trưởng, Nguyễn Xuân Oánh quyền thủ tướng. Đến ngày 16-2-1965, Khánh lại ký Nghị định cử Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng, Phan Huy Quát làm thủ tướng. Phật giáo đồng ý chấm dứt tranh đấu. Có sự can thiệp của Mỹ, Hội đồng Quân lực quyết định cử Trần văn Minh làm Tổng Tư lệnh Quân đội thay Khánh, và buộc Khánh đi làm Đại sứ lưu động. Ngày 24-2-1965 Khánh rời Việt Nam bằng đường Hàng không, đã bốc một nắm đất tại phi trường Tân Sơn Nhất mang theo lúc ra đi.

Bộ Tổng Tham mưu QĐQGVN được bắt đầu thành lập hoạt động từ đầu năm 1952, nhưng đến tận tháng 6 mới có Nghị định quy định việc thành lập. Trung tá Không quân Pháp là Nguyễn văn Hinh (quốc tịch Pháp, có vợ Pháp, con Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn văn Tâm) đang làm chánh võ phòng của Quốc trưởng Bảo Đại, được thăng lên cấp thiếu tướng và bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng QĐQGVN. Thoạt đầu Bộ Tổng Tam Mưu đóng tại đường Trần Hưng Đạo gần Chợ Lớn, sau rời vào Camp Chanson (trụ sở của Bộ Tư lệnh Quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương chuyển giao) nằm sát phi trường Tân Sơn Nhất, quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Định. Trại được đổi tên là Trại Trần Hưng Đạo.

Các Bộ Tham mưu Miền được cải danh là Bộ Tư lệnh Quân Khu (Région Militaire), với Tư lệnh là sĩ quan Việt Nam, nhưng phần lớn các Trưởng Phòng trong Bộ Tham mưu đều là người Pháp tăng phái. Dĩ nhiên nhân viên sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ trong các Phòng gồm cả Pháp lẫn Việt. Mãi cho đến cuối năm 1954 qua đầu năm 1955 mới chuyển hết cho nhân viên Việt Nam trách nhiệm.

Các Vị Tư lệnh các Quân khu (QK) đầu tiên là: QK1 (miền Nam) Đại tá Lê văn Tỵ (nguyên Tham mưu trưởng Tham mưu Biệt bộ Bộ Quốc phòng, Tôi đã có dịp làm việc dưới quyền với tư cách Trưởng Ban Mật Mã); QK2 (miền Trung) Đại tá Trương văn Xương (nguyên là Thiếu tá Tư lệnh lực lượng giáo phái Cao Đài tại Bến Tre quy thuận Pháp, năm 1951 ông là Trung tá Trưởng Phòng 1 Bộ Tham mưu miền Nam, hàng ngày tới trình việc lên Đại tá Tỵ, nên Tôi đã có dịp gặp và quen); QK3 (miền Bắc) Đại tá Nguyễn văn Vận (gốc sĩ quan lực lượng Thuộc địa Pháp từ trước 1945, nguyên là Đổng lý văn Phòng Bộ Quốc phòng, thời Thủ tướng Trần văn Hữu kiêm nhiệm Tổng trưởng Quốc phòng. Hồi Tôi mới du học Pháp trở về ông đã bổ nhiệm Tôi làm Trưởng Ban Mật Mã Bộ Quốc phòng, sau đó mới chuyển qua Tham mưu Biệt bộ của Đại tá Lê văn Tỵ); Riêng QK4 (miền Cao nguyên Trung phần, thuộc Hoàng Triều cương thổ) Tư lệnh do một tướng người Pháp đảm nhiệm. Tuy nhiên trong các Phòng, Ban thuộc Bộ Tham mưu cũng có lẫn lộn cả sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ Pháp và Việt. Đến cuối năm 1954 mới chuyển giao qua tay sĩ quan Việt Nam trách nhiệm làm Tư lệnh Quân Khu.

Sau khi khái lược dông dài về bức họa chung của QĐQGVN, Tôi xin quay trở về lãnh vực riêng của chúng ta là Truyền Tin và Mật Mã, từ khi Bộ Tổng Tham mưu được thành lập năm 1952, như thế nào?

Tại Bộ Tổng Tham Mưu (Bộ TTM) cũng như tại mỗi Bộ Tư lệnh Quân khu, đều có tại mỗi nơi một Bộ Chỉ huy Viễn Thông, do sĩ quan Truyền Tin Pháp chỉ huy, và một Trung Tâm Truyền Tin, nhân viên gồm cả Pháp lẫn Việt. Riêng Ban Mật Mã do Tôi phụ trách, được chuyển từ Tham mưu Biệt bộ Bộ Quốc phòng, về Văn phòng Tổng Tham mưu trưởng, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tham mưu trưởng Liên quân (Trung tá Trần văn Minh), với danh hiệu mới là Sở Mật Mã (Service du Chiffre) y như tổ chức của bên Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Viễn chinh Pháp. Tại mỗi Quân Khu có Ban Mật Mã trực thuộc Chánh văn phòng Tư lệnh. Tại các Phân khu (Secteur, Subdivision), Chi khu (Sous Secteur, Arrondissement) và Tiểu đoàn và cấp đơn vị tương đương, thì có Sĩ quan Mật Mã. Các Sĩ quan Mật Mã thường là sĩ quan Truyền Tin kiêm nhiệm hoặc một sĩ quan tham mưu được Đơn vị trưởng tín nhiệm đề cử, nhưng phải được Sở An Ninh Quân đội Trung ương tại Sài Gòn sưu tra, ra văn thư chính thức đồng ý mới được nhận lãnh trách vụ Sĩ quan Mật Mã. Sở Mật Mã quản trị hồ sơ, theo dõi, và liên tục yêu cầu điều tra bổ túc theo định kỳ. Mật Mã là một hệ thống độc lập, dọc từ Bộ Tổng Tham mưu xuống thẳng cấp đơn vị nhỏ nhất là Tiểu đoàn, đơn vị cấp tương đương và ngược lại.

Sau khi thi hành Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, các Đại đội Bảo An (Phụ lực quân) là lực lượng nòng cốt để đóng đồn và hành quân bình định bảo vệ an ninh địa phương xã, ấp, và các cầu, phà, trục lộ giao thông, tại cấp Tỉnh (Tiểu khu), Quận (Chi khu), nên Sở Mật Mã đã được giao trách nhiệm tiếp tay hỗ trợ Nha Tổng Giám đốc Bảo An Đoàn, huấn luyện tổ chức một hệ thống Mật Mã riêng, để bảo mật các tin tức trao đổi giữa Nha Tổng Giám đốc Bảo An Đoàn trực thuộc Bộ Nội Vụ xuống các Tỉnh đoàn Bảo An tại các Tỉnh (Tiểu khu) và Quận (Chi khu).

Việc huấn luyện sĩ quan và hạ sĩ quan chuyên viên Mật Mã trong Quân đội Quốc gia Việt Nam, đều do Sở Mật Mã trách nhiệm tổ chức tại Bộ Tổng Tham Mưu và các Bộ Tư lệnh Quân khu tùy theo nhu cầu đòi hỏi. Nhân số chuyên viên Mật Mã gia tăng lũy tiến theo sự bành trướng của Quân đội. Riêng tại Bộ Tổng Tham Mưu, khi Sở Mật Mã sát nhập vào Bộ Chỉ huy Viễn Thông Bộ TTM cuối năm 1953, có quân số gần 40 sĩ quan và hạ sĩ quan Nam Nữ, kể luôn cả chuyên viên thuộc xưởng Mã hoạt động bên Trung tâm truyền Tin Bộ Tổng Tham Mưu.

Vì lý do bảo mật, mặc dù nhân viên Truyền Tin chỉ là những chuyên viên lo chuyển vận các bản văn Mã hóa trao đổi giữa các cấp đơn vị trong Quân đội, nhưng vì thường xuyên hoạt động mật thiết với nhân viên Mật Mã, nên bắt buộc phải có những giờ huấn luyện đặc biệt để giới thiệu tổng quát về nhiệm vụ của Mật Mã, cũng như nhu cầu bảo vệ chuyên viên và các phương tiện Mật Mã quan trọng như thế nào, cho các Sinh viên sĩ quan học giai đoạn 2 chuyên môn Truyền Tin, các sĩ quan khóa căn bản Truyền Tin Binh chủng và Truyền Tin Binh đoàn tại các Quân trường.

Trong những năm 1953, 54, và 55, các bài giảng huấn còn phải dùng Pháp ngữ, Tôi phải đích thân đảm trách các khóa giảng, nên đã ghi nhớ một kỷ niệm rất chân tình về một sĩ quan khóa sinh cũng trạc tuổi Tôi, đến bây giờ vẫn chưa quên. Việc xảy ra tại một trong các lớp học nơi Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Sĩ quan trẻ tuổi sau khi nghe Tôi thuyết giảng, đã đặt những câu hỏi rất sáng giá (Smart), chứng tỏ ông ta quan tâm thật sự đến ngành Mật Mã khác hẳn mọi người, đã khiến Tôi đặc biệt chú ý đến ông ta. Đặc điểm riêng của ông ta là thông minh, chững chạc, mái tóc đen nháy nhưng lại có một nhúm sợi trắng phau, ngay bên đường rẽ ngôi phía trước trán. Ngay lúc đó, Tôi nghĩ thầm, chắc vì ông này gốc ngành mũ đen (Thiết Giáp) hào hoa phong nhã thích làm duyên với phái nữ, nên đã nhuộm một nhúm tóc “Bạch Kim” trước trán để gợi sự chú ý của các nàng tiên Trần gian cho vui vậy thôi. Nhưng không ngờ, sau này Tôi có nhiều dịp gặp lại ông ta ngoài các đơn vị Truyền Tin, thấy nhúm tóc “Bạch Kim” trước trán vẫn “trơ trơ cùng tuế nguyệt”, mới vỡ lẽ đó là cái đẹp tự nhiên “Thiên tạo” chớ không phải “Nhân tạo”.

Bây giờ gặp lại nhau trên “xứ lạ quê người”, tuổi gần bảy chục, tóc của Tôi mới bắt đầu hoa râm, đặc biệt cũng có một nhúm “bạch kim” phía trước trán y như của người sĩ quan trẻ thuở nào Tôi đã gặp. Ngược lại, tóc ông ta bây giờ lại bạc đều toàn diện, không còn dấu vết của thời trẻ trung ấy nữa để mà phân biệt. Ông ấy là anh Bùi Trọng Huỳnh, Đại tá Cục trưởng Truyền Tin sau cùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước 30 tháng 4 năm 1975. Tôi mới có dịp gặp lại tại miền Nam California, trong một buổi Hội ngộ Tân Xuân 1993 do Hội Ái hữu Truyền Tin họp mặt Xuân Mậu Tý 2008 tại khu Little Saigon Nam California.

 

 

Truyền Tin tổ chức nơi Hội quán Lạc Hồng của anh Nguyễn văn Diễm.

Anh Diễm thuở xưa cũng là một sĩ quan Truyền Tin trẻ từng làm việc tại Bộ Chỉ huy Viễn Thông Bộ TTM thời Tôi làm Chỉ huy phó, và là anh em cột chèo với anh Đỗ Như Luận Tham mưu trưởng, sau được thuyên chuyển qua Truyền Tin bên Bộ Tư lệnh Hải quân, Tôi từng có rất nhiều cảm tình đặc biệt. Nay thì anh Diễm đang là Hiệu Trưởng Tâm’s Beauty College ở thị xã Garden Grove, và còn là một doanh gia Việt Nam thành công trên đất Mỹ, được tổ chức doanh gia toàn Hoa Kỳ tuyên dương công nhận.

Sau đây là mấy bài thơ kỷ niệm các mùa Thu của người lính Truyền Tin già Nguyễn-Huy Hùng cựu tù chính trị, để các bạn cùng thưởng thức cho vui.

YÊN BÁI TRẮNG ĐÊM

Sàn tre vật vã ẩm ê,
Lắng nghe giun dế tỉ tê nỗi niềm.
Lao xao chuột rúc bên thềm,
Rì rầm nước đổ, cú chêm nhịp buồn.
Trăng rừng lạnh lẽo cô đơn,
Sương khuya mờ ảo, gió luồn khe song.
Nhớ con thương vợ não lòng,
Chợ đời bạc bẽo long đong một mình.
Thời gian hờ hững vô tình,
Không gian khoả lấp bao hình thân thương!


Liên trại 1, Việt Cường, Hoàng Liên Sơn. Thu 1976.

GIỮA LÒNG TRƯỜNG SƠN

Gió đưa nhẹ lá vàng rơi,
Nghiêng nghiêng nắng ngả bóng đời vào Thu.
Lom khom ven núi đoàn tù,
Khua dao, múa cuốc, ngẩn ngơ vạn sầu.
Gió sương hun bạc mái đầu,
Rừng hoang chặn lối thấy đâu đường về.
Não nề ngày tháng lê thê,
Mây ngàn thăm thẳm bóng quê mịt mù.
Xuyên trời vụt ánh chim cu,
Làm sao gửi gói ưu tư nghẹn ngào?


K2, Thanh Phong, Thanh Hóa. Thu 1981.

RỪNG LÁ HÀM TÂN

Gió thoảng Thu vàng rụng khắp nơi,
Nắng xuyên Rừng Lá rách tơi bời.
Nước reo suối cạn, trơ hàng sỏi,
Vượn hót khe cao, vọng núi đồi.
Thế sự thăng trầm, tâm chẳng rúng,
Tình đời xoay chuyển, chí càng nuôi.
Thất thời nuốt hận âm thầm đợi,
Vận tới khoa gươm cứu giống nòi.

Trại Z30D, Hàm Tân, Thuận Hải. Thu 1987.

NHỚ THUỞ THANH BÌNH

Không gian bàng bạc sóng trăng mơ,
Vạn vật miên man ảo ảnh mờ.
Đèn giấy long lanh vờn bóng nguyệt,
Sáo diều vi vút thả hồn thơ.
Bánh chay, lài toả hương dìu dịu,
Trà mạn, sen dâng ý dật dờ.
Thấp thoáng quân cù quay tán gió
(1),
Dập dìu trai gái thả tình thơ
(2).

Garden Grove, quận Orange, Nam Cali. Thu 1994.

(1) Miền Bắc gọi là đèn kéo quân, miền Nam gọi là đèn cù.

(2) Vào dịp đêm Trung Thu ngoài Bắc, thường trai gái hay tụ tập ở sân Đình hoặc ở những bãi cỏ trống gần chợ, gần điếm canh nơi đầu làng, dùng những câu hát ví trao đổi tâm tình với nhau công khai trước mọi người, gọi là Hát Trống Quân hay Hát Đúm. Sau những dịp hát như vậy, có nhiều cặp trước lạ sau quen, (bị cú sét ái tình) trở thành tình nhân, rồi kết hôn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 3
BỘ TỔNG THAM MƯU VÀ QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM BẮT ĐẦU THÀNH HÌNH VÀ KHỞI SỰ HOẠT ĐỘNG

 


Bộ Tổng Tham Mưu (Bộ TTM) Quân đội Quốc gia Việt Nam (QĐQGVN) đáng lẽ được thành lập sớm từ đầu năm 1952, nhưng vì có sự bất đồng ý kiến trong việc chỉ định người giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, giữa Quốc trưởng Bảo Đại và ông Letourneau Bộ trưởng các Quốc gia Liên hiệp của chính phủ Pháp, nên mãi tới cuối tháng 5 năm 1952 mới có Nghị định ban hành quy định ngày thành lập chính thức kể từ ngày 1-5-1952. Thiếu tướng Nguyễn văn Hinh làm Tổng Tham mưu trưởng, và Trung tá Trần văn Minh làm Tham mưu trưởng.

Tổng nhân số Bộ TTM, lúc khởi đầu hoạt động gồm khoảng 150 người cả Pháp lẫn Việt Nam, trong đó sĩ quan và hạ sĩ quan người Pháp đã chiếm con số 36. Tổ chức Bộ TTM cũng rất đơn giản như sau:

-Tổng Tham mưu trưởng và Văn phòng (trong đó có Sở Mật Mã).

-Tham mưu trưởng.

-3 Tham mưu phó: -TMP Tổ chức và Nhân viên, -TMP Hành quân và Huấn luyện, -TMP Tiếp vận.

-Chỉ huy trưởng Viễn Thông.

-4 Phòng Tham mưu chính: Phòng 1, Phòng 2, Phòng 3, Phòng 4. (Sau này theo tổ chức Quân đội Hoa Kỳ, Phòng 4 cải tổ thành Tổng cục Tiếp vận.)

-Nha An ninh quân đội. (Sau này là Cục An ninh quân đội, trực thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị.)

-Ban Không quân.

-Ban Hải quân.

-Trung tâm công văn và công điện (trong đó có 1 Trung tâm Truyền tin).

-4 Nha trực hệ: -Nha Nhân Viên, -Nha Quân Nhu, -Nha Quân Y, -và Nha Quân Cụ (trong đó có Sở Vật liệu Truyền Tin).

-Ngoài các tổ chức trên, còn có Bộ Chỉ huy Tổng hành dinh, và Đại đội Tổng hành dinh để lo các dịch vụ yểm trợ Hành chánh, Tiếp liệu và An ninh cho Bộ TTM.

Ít tháng sau lại có thêm một số cơ sở nữa là:

-Ban tác động Tinh thần (Section Morale Action), sau đó cải danh thành Phòng 5, và sau cùng P5 tách ra khỏi Bộ TTM sát nhập vào Bộ Quốc Phòng với danh xưng “Nha Chiến Tranh Tâm Lý”.

-Ban Tổng nghiên cứu (Section Études Générales).

-Nha Quân Trường (Direction des Écoles). Về sau Nha Quân trường và Ban Tổng nghiên cứu nhập làm một với danh hiệu Phòng Quân Huấn, và sau cùng lại cải danh thành Tổng Cục Quân Huấn.

-Phòng 6 (Sixième Section) lo về Gián điệp.

-Các Ban Không quân, Ban Hải quân, được đổi thành Phòng Không quân, Phòng Hải quân để chuẩn bị thành lập các Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tư lệnh Hải quân sau này.

Chỉ huy trưởng Viễn Thông Bộ TTM là Thiếu tá Richard, có nhiệm vụ phối hợp với Chỉ huy trưởng Truyền Tin Bộ Tư lệnh Quân đội Viễn chinh Pháp về mọi vấn đề liên quan tới dịch vụ Truyền Tin trong QĐQGVN, chỉ huy các Bộ Chỉ huy Viễn thông tại các Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Nam, và một số Đơn vị Truyền Tin đã chuyển thuộc quyền quản trị của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Ngày Bộ TTM mới thành lập, Sở Mật Mã tại Bộ TTM và các Ban Mật Mã Quân khu không nằm trong hệ thống chỉ huy của các Bộ Chỉ huy Viễn thông (BCH/VT). Tôi không quan tâm tìm hiểu nên không biết trong BCH/VT có những ai là sĩ quan VN? Chỉ nghe nói có Trung úy Lương Thế Soái, nhưng chưa bao giờ có dịp gặp, kể cả trong giờ giải khát nửa buổi sáng tại Câu Lạc Bộ Sĩ quan, ngay sát cạnh trụ sở Bộ TTM, nơi mà các sĩ quan Việt, Pháp thường tới ăn uống, trò chuyện, làm quen nhau. Ở Trung tâm Truyền Tin thì có Thiếu úy Quới, Tôi thường có dịp gặp. Riêng bên Nha Quân Cụ, Tôi biết có Trung úy Lê văn Hiền Trưởng Phòng Vật liệu Truyền Tin, chúng tôi đã quen nhau từ hồi Tôi mới ở Pháp về vào giữa năm 1951, làm việc chung tại Bộ Quốc phòng.

Sở Mật Mã Bộ TTM, là một bộ phận độc lập trực thuộc Văn phòng Tổng Tham mưu trưởng, nên Tôi phải tham dự các buổi họp Tham mưu hàng ngày dưới sự Chủ tọa của Tham mưu trưởng. Nhờ vậy, Tôi có dịp quen Thiếu tá Richard Chỉ huy trưởng Viễn Thông, và biết được ông này tốt nghiệp Trường Polytechnique Versailles, trước khi làm sĩ quan Truyền Tin, nên ông ta có thái độ kiêu ngạo, coi thường các Chỉ huy trưởng Viễn Thông tại các Bộ Tư lệnh Quân khu, cũng là sĩ quan Pháp nhưng chỉ tốt nghiệp Trường Truyền Tin Montargis. Ông ta rất thích truyện trò tâm sự với Tôi, để tìm hiểu về chiến trường Việt Nam, vì ông ta biết Tôi mới học Montargis về, và trước kia Tôi đã từng chỉ huy đơn vị Bộ binh tham gia hành quân tại vùng Trung Du và Đồng bằng Bắc Việt.

Cuối năm 1952 qua đầu 1953, các Tiểu đoàn Bộ binh, Trung đoàn Vệ binh, Liên đoàn Bộ binh, Sư đoàn VN, các Đơn vị Hành chánh, Tiếp vận, Trung Tâm Huấn luyện được xúc tiến thành lập ồ ạt, Tôi phải thường xuyên theo dõi để cải tiến gia tăng các Hệ thống Mật Mã, cho hợp nhu cầu. Nhờ thế biết được đại khái về truyền Tin như sau:

1. Về Khai thác, ở Bộ TTM có BCH/VT Bộ TTM và tại mỗi Quân khu có một BCH/VT Quân khu. Trực thuộc mỗi BCH/VT này đều có một Trung tâm Truyền Tin, làm việc trong Hệ thống Truyền Tin Diện địa của các Bộ Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp tại Sài Gòn và các Địa phương, cùng một số Đại đội Truyền Tin do sĩ quan Pháp chỉ huy hoạt động tại các miền Việt Nam như sau:

-QK I (miền Nam) có ĐĐ6TT ở Gia định, và ĐĐ1TT ở Cần Thơ.
-QK II (miền Trung) có ĐĐ2TT ở Huế.
-QK III (miền Bắc) có ĐĐ5TT ở Hà Nội, và ĐĐ3TT ở Nam Định.
-QK IV (Cao nguyên Trung phần) có ĐĐ4TT ở Ban mê thuột.

Qua năm 1953, có thêm 5 Đại đội TT cho 5 Sư đoàn mới thành hình (mỗi Đại đội có khoảng 150 người). Đến năm 1954 lại lập thêm một số Phân đội Truyền Tin (Détachement de Transmissions). Mỗi Phân đội có khoảng 60 người, do sĩ quan Việt Nam chỉ huy, trực thuộc các Bộ Chỉ huy Trung đoàn Ngự Lâm quân, Liên đoàn Bộ binh (Groupement d’Infanterie = G.I), Liên đoàn Bộ binh Sơn Cước (Groupement d’Infanterie de montagne = G.M.I), Liên đội Vệ binh, Trung đoàn Vệ binh, và Liên đoàn Nhảy Dù (G.A.P= Groupement aéroporté). Các loại máy Truyền tin thông dụng là: SCR 399, SCR 193, SCR 694, SCR 300, SCR 536, AN/VRC/1 (để liên lạc với máy bay).

2. Về Tiếp liệu và Sửa chữa Vật liệu Truyền Tin, thì mọi đơn vị và cơ sở đều nằm trong Hệ thống chỉ huy của Quân Cụ y như tổ chức bên quân đội Viễn chinh Pháp. Tại Trung ương Sài Gòn, có Phòng Vật liệu TT nằm trong Sở Quân Cụ (Service du Matériel), và tại các Quân khu có các thành phần phụ trách về Vật liệu TT nằm trong các Trung tâm Tổ chức Quân Cụ (Centre d’organisation du service du matériel). Đến đầu năm 1953, Phòng Vật liệu TT thuộc Sở Quân Cụ tại Sài Gòn được tách ra và cải tổ thành Nha Vật liệu TT Trung ương (Direction centrale du service du matériel des transmissions). Tại các địa phương các thành phần phụ trách về Vật liệu TT trong các Trung tâm Quân Cụ cũng được tách ra để cải biến thành các Cơ Sở Vật liệu Truyền Tin địa phương (Etablissement régional du service du matériel des transmissions). Qua năm 1954 có thêm 4 Chi nhánh Cơ xưởng Sửa chữa và Tiếp liệu Tồn trữ Vật liệu TT, tại 4 nơi: Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nha Trang, để nới rộng tầm yểm trợ. Trung tá Lê văn Hiền được chỉ định làm Giám đốc Nha Vật liệu TT đầu tiên, từ khi Pháp bàn giao cho Việt Nam.

Cuối năm 1955, sau khi anh Nguyễn Khương được chỉ định về làm Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ TTM, thì anh Hiền bị thuyên chuyển ra khỏi Binh chủng TT. Thiếu tá Khổng văn Tuyển, phụ trách tiếp liệu TT tại Huế được đưa vào thay thế anh Hiền. Đến sau cuộc Nhảy Dù đảo chính Tổng thống Diệm vào ngày 11-11-1960 không thành, anh Tuyển được đưa sang chỉ huy Nha Viễn thông Bộ Nội vụ, cho đến 30-4-1975 cộng sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam, bị đi học tập cải tạo, rồi chết trong trại tập trung ngoài miền Bắc Việt Nam.

3. Về Huấn luyện chuyên viên TT, tại mỗi Quân trường và Trung tâm Huấn luyện, đều có Ban phụ trách hướng dẫn cho khóa sinh biết cách sử dụng các máy Truyền Tin loại nhỏ, thông dụng trong các đơn vị Bộ binh như: SCR 694, SCR 300, SCR 536, AN/VRC/1, các máy điện thoại và Tổng đài Dã chiến. Riêng phần đào tạo các chuyên TT như: Hiệu thính viên, Viễn ấn tự, Tổng đài viên, trải dây... (cho cả Binh đoàn lẫn Binh chủng TT) đều do các Trung tâm Huấn luyện Kỹ thuật Truyền Tin (TTHL/KTTT) đảm trách.

Tính đến tháng 9 năm 1952, có cả thảy 4 TTHL/KTTT được thành lập, tại Gia Định CITTR1, Huế CITTR2, Hà Nội CITTR3, và Ban mê thuột CITTR4. Qua năm 1955, các CITTR3 và CITTR4 bị giải tán. Sau cùng vào cuối năm 1956 các CITTR1 và CITTR2 lại bị giải tán nốt để thành lập một Trung tâm Huấn luyện TT duy nhất tại Vũng Tầu, phụ trách việc đào tạo hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên TT cho các đơn vị TT thuộc Binh đoàn Bộ binh (không thuộc quân số Binh chủng TT), và đơn vị TT thuộc Binh chủng TT. Các chuyên viên sửa chữa và tiếp liệu và tồn trữ các Vật liệu TT, được đào tạo tại Trường Truyền Tin, trong Liên trường Võ khoa Thủ Đức.

Việc đào tạo sĩ quan Truyền Tin Binh đoàn và Binh chủng TT tại Việt Nam được khởi đầu từ năm 1953 tại Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Vì nhu cầu sĩ quan bổ sung cho các đơn vị Bộ binh và các đơn vị Binh chủng Truyền Tin, Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Quân Cụ, Thông Vận Binh, và Hành chánh Tài Chánh cho toàn Quân đội đang được thành lập ồ ạt, nên bắt đầu từ Khóa 2 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức trở đi, chương trình huấn luyện được chia thành 2 giai đoạn:

-Giai đoạn 1, sinh viên sĩ quan học căn bản về Bộ binh;

-Giai đoạn 2, những sinh viên sĩ quan được dự trù bổ sung cho Binh chủng chuyên môn nào thì học chuyên biệt chuyên môn của ngành đó.

Vì thế, nhân viên thuộc Khoa Huấn luyện TT tại Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức được tăng cường, để lo việc huấn luyện chuyên nghiệp Giai đoạn 2 về TT cho các Sinh viên sĩ quan sẽ được bổ dụng về Binh chủng TT sau khi mãn khóa. Đồng thời cũng phụ trách luôn việc tổ chức các khóa bổ túc căn bản TT cho các sĩ quan đang phục vụ trong các đơn vị thuộc Binh chủng TT, để điều chỉnh chuyên nghiệp, và các khóa căn bản TT cho sĩ quan TT Binh đoàn (không thuộc quân số riêng của Binh chủng TT).

Năm 1957, tại đồi Tăng Nhân Phú, Thủ Đức, vốn là cơ sở riêng của Trường Sĩ quan Trừ bị, được biến thành Liên trường Võ khoa Thủ đức. Ngoài Trường Sĩ quan Trừ bị Bộ binh vốn có từ ngày thành lập năm 1952, nay có thêm các Trường Chuyên nghiệp của các Binh chủng trong Quân đội. Nhân viên nòng cốt dậy các khoa chuyên môn của Trường Sĩ quan Trừ bị được tách ra, tăng cường thêm quân số để thành lập các Trường Truyền Tin, Trường Công Binh, Trường Pháo Binh, Trường Thiết Giáp, Trường Quân Cụ, và Trường Hành chánh Tài chánh.

Trường Truyền Tin phụ trách tổ chức huấn luyện các khóa:

-Sĩ quan TT Binh chủng Truyền Tin,
-Sĩ quan TT Binh đoàn,
-Sĩ quan Tiếp liệu và Tồn trữ các Vật liệu TT, và
-Chuyên viên sửa chữa các loại vật liệu TT.

Vào giữa năm 1958, sau khi Tôi theo học liên tiếp 2 khóa: -Sĩ quan TT cao cấp, và Sĩ quan Yểm trợ Tồn trữ Vật liệu TT cấp Chiến trường, tại Trường truyền Tin Lục quân Hoa Kỳ ở Fort Mounmouth, Tiểu bang New Jersey về nước, được chỉ định làm Giám đốc Trường Truyền Tin Liên Trường Võ khoa Thủ Đức cho tới cuối năm 1960, bàn giao lại cho Đại úy Võ Trịnh Trọng, phó của Tôi lên thay. Tôi về làm Chỉ huy phó Viễn Thông cho đến sau đảo chánh Tổng thống Diệm 1-11-1963 thì ra khỏi Binh chủng Truyền Tin.

Đầu năm 1961, Liên trường Võ Khoa Thủ Đức giải tán, các Trường chuyên môn Binh chủng được tách riêng, và thống thuộc 2 hệ thống chỉ huy, với Tổng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tam Mưu về kế hoạch huấn luyện và ngân khoản huấn luyện, với các Chỉ huy trưởng Binh chủng liên hệ về quân số, kỷ luật và chuyên môn. Trường Truyền Tin di chuyển xuống Vũng Tầu, nhập chung với Trung tâm Huấn luyện TT Vũng Tầu, để cải biến thành một Trường Truyền Tin duy nhất, trách nhiệm huấn luyện tất cả các loại khóa chuyên môn về Khai thác và Tiếp liệu, Sửa chữa vật liệu TT cho sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Binh chủng TT và thuộc các Binh đoàn trong toàn quân đội. Các khóa Mật Mã cũng được đào tạo tại đây.

Thiếu tá Nguyễn đình Tài, nguyên Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện TT Vũng Tầu giải tán, được thuyên chuyển đến Trường Đại học Quân sự tại Đà Lạt, phụ trách khóa hướng dẫn các sĩ quan khóa sinh học các khóa Tham mưu và Chỉ huy, làm Phụ bản Truyền Tin của các loại Lệnh Hành Quân cấp Trung đoàn và Sư đoàn. Thiếu tá Nguyễn văn Chuân được chỉ định làm Giám đốc Trường Truyền Tin cho đến sau biến cố đảo chánh 1-11-1963, bị thuyên chuyển ra khỏi Binh chủng TT cùng một lượt với Tôi.

Kể từ năm 1953, ngoài số sĩ quan TT được đào tạo ở trong nước, Bộ chỉ huy Viễn thông Bộ TTM còn được tổ chức thi tuyển một số sĩ quan đang phục vụ trong các đơn vị TT thuộc Binh chủng TT, hoặc mới tốt nghiệp các Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, và Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, có khả năng và Văn bằng chuyên môn Điện tử, Vô tuyến điện... gửi đi tu nghiệp tại Trường Truyền Tin Montargis bên Pháp, để về làm huấn luyện viên và chuyên viên nòng cốt cho các lãnh vực chuyên nghiệp trong Binh chủng TT.

Hồi đó ngành Mật Mã không lệ thuộc Bộ Chỉ huy Viễn thông, nên Tôi không quan tâm tiếp xúc với các sĩ quan TT, mặc dù anh Nguyễn Khương và Tôi là 2 người được Bộ Quốc phòng Việt Nam gửi đi học về TT tại Montargis niên khóa 1950-51, từ khi Bộ TTM chưa ra đời. Nhưng đến cuối năm 1953, rập khuôn theo tổ chức mới của Bộ Tư lệnh Tối cao quân Viễn chinh Pháp tại Đông Dương, Sở Mật Mã do Tôi trách nhiệm sát nhập vào Bộ Chỉ huy Viễn thông Bộ TTM với danh hiệu mới là Phòng Mật Mã Trung ương, nhu cầu liên kết hoạt động với các sĩ quan TT, buộc Tôi phải tìm đến với các bạn đồng môn từ Montargis về. Nhờ thế Tôi biết được những ai đã theo học Montargis và vào những niên khóa nào? Tổng số không đông lắm so với tập thể sĩ quan TT trong Binh chủng. Nếu trí nhớ già nua cằn cỗi hiện tại không phản bội Tôi, thì:

-Niên khóa 1950-1951, có Thiếu úy Nguyễn Khương và Tôi (Thiếu úy Nguyễn-Huy Hùng).

-Niên khóa 1951-1952, chỉ có một mình Trung úy Nguyễn Khương học thêm năm nữa về chuyên môn gì không ai biết, vì anh Khương không tiết lộ về tên khóa học này.

-Niên khóa 1952-1953 có các Thiếu úy Nguyễn tài Lâm, Lê Phú Phúc, Nguyễn Hữu Mai, Nguyễn văn Bình, và Trần Xuân Đức.

-Niên khóa 1953-1954, có các Thiếu úy Nguyễn hữu Chi, và Nguyễn cao Quyền (tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức-Nam Định, được gửi qua Pháp theo học bổ túc năm thứ 2 (ESMIA) tại Trường Võ bị Lục quân Saint Cyr, rồi theo học năm thứ 3 về chuyên môn TT trước khi về phục vụ trong các cơ sở hoặc đơn vị TT, như các thiếu úy Pháp vừa tốt nghiệp), Ngô văn Minh, Paul Huê, và một người nữa không nhớ tên.

-Niên khóa 1954-1955, có các bạn Ngô qúy Thiều, Phạm ngọc Gia, Dương thiệu Hiểu, và Nguyễn văn Toàn.

-Niên Khóa 1955-1956, có các bạn Đặng văn Phi, Lữ phúc Bá, Châu ngọc Xuân, Mai viết Triết, Nguyễn văn Liêm, Trần phát Ngọc, Lê văn Trọng, và 4 bạn theo học khóa Kiểm tra viên công trình điện khí cơ hành (Contrôleur des installations électromécaniques) tại Paris, là Nguyễn hải Châu, Phan hy Dung, Cổ tấn Hổ, và Lê xuân Sơn.

Từ cuối năm 1952 qua năm 1953, được coi là thời bộc phát mạnh của QĐQGVN. Ngoài số 30 Tiểu đoàn đã có, phải tổ chức thêm 80 Tiểu đoàn các loại: Bộ binh, Khinh binh, Nhảy Dù, Ngự Lâm quân, Pháo binh, Công binh, Vận tải (Thông vận binh), Thám Thính, và khoảng 6 Bộ chỉ huy Liên đoàn Bộ binh, và 7 Bộ Tư lệnh Sư đoàn VN. Do đó ngành Mật Mã cũng phải chuyển mình bành trướng theo để đáp ứng cho kịp nhu cầu đòi hỏi. Nhân số Sĩ quan, Hạ sĩ quan Mật Mã được gia tăng và cần huấn luyện cấp tốc. Các Văn kiện Căn bản quy định rõ ràng chi tiết về tổ chức, điều hành, huấn luyện, tiếp vận, ấn loát, an ninh liên quan tới nhân viên, phương tiện và cơ sở làm việc của các Mật Mã viên, cần được xúc tiến ban hành khẩn cho mọi cấp Chỉ huy đơn vị Quân đội thi hành, đồng nhất, nhằm bảo đảm sự an toàn cho các Hệ thống Mật Mã được toàn hảo trong toàn Quân đội.

Mọi việc đã được xúc tiến mau lẹ, tốt đẹp, và mùa Xuân năm 1953 Tôi đã được thăng cấp đại úy đặc cách. Ngày ấy Tôi vừa tròn 23 tuổi, là đại úy trẻ tuổi nhất trong Bộ TTM. Sau khi gắn cấp hiệu đại úy (3 vạch kim tuyến vàng chói) lên 2 cầu vai áo của Tôi, Thiếu tướng Nguyễn văn Hinh Tổng Tham mưu trưởng nhoẻn miệng cười, quay sang nhìn Trung tá Trần văn Minh Tham mưu trưởng, và nói: “Oh, Mon Dieu! Qu’il est si jeune! Je veux le voir aux premiers Cours Tactiques le mois prochain à Hanoi, pourqu’il deviendra Commandant d’un de nos nouveaux Bataillons.” (Trời ơi, Anh ta trẻ quá! Tôi muốn thấy anh ta ở khóa Chiến thuật đầu tiên tại Hà Nội vào tháng tới, để anh ta trở thành Chỉ huy trưởng của một trong các Tiểu đoàn mới.) Trung tá Minh đã hăng hái trả lời: “Bien, mon Général.” (Vâng, xin tuân lệnh thiếu tướng.) Nhưng vì nhu cầu tối cần của Ngành Mật Mã đang bành trướng, nên Tôi đã không được gửi theo học khóa Chiến thuật tại Hà Nội. Nếu Trung tá Minh Tham mưu trưởng cho Tôi theo học khóa Chiến thuật như lời chỉ thị của Thiếu tướng Tổng Tham mưu trưởng, thì chắc chắn đời binh nghiệp của Tôi đã khác hẳn, và hôm nay chẳng có gì để viết về “Duyên nợ Truyền Tin” cho các bạn đọc.

Nhưng có điều an ủi bất ngờ đã đến với Tôi là, mùa Xuân 1954 Tôi được đền bù bằng thăng cấp thiếu tá đặc cách. Bốn vạch kim tuyến bóng loáng nằm dài trên 2 vai áo của Tôi, đã làm cho uy thế của Ngành Mật Mã được mọi cấp Chỉ huy trong toàn Quân đội quan tâm, ưu tiên lo lắng trợ giúp kịp thời mọi đòi hỏi cần thiết.

Vào năm 1954, Quân Đội Quốc Gia VN có 3 vị tướng: Trung tướng Nguyễn văn Hinh (Tổng Tham mưu trưởng tại Sài Gòn), Thiếu tướng Nguyễn văn Vỹ (Chánh Võ phòng Quốc trưởng Bảo Đại, trên Đà lạt), và Thiếu tướng Nguyễn văn Vận (Tư lệnh Quân khu 3, tại Hà Nội); 10 đại tá; 12 trung tá; và khoảng 30 thiếu tá (Tôi là 1 trong 30 vị này).

Một Lịch trình Thanh tra Chỉ huy Mật Mã, đến mọi cấp đơn vị nằm trong các Hệ thống Mật Mã trong toàn Quân đội, được thực hiện liên tục trong mùa Hè 1954. Mục đích thứ nhất là để giải thích cho các vị Tư lệnh và Chỉ huy trưởng các đơn vị, hiểu rõ về vai trò quan trọng của Mật Mã, kiểm soát tại chỗ và yêu cầu hoàn chỉnh ưu tiên những biện pháp bảo vệ an ninh vật chất cần thiết cho nhân sự và cơ sở Mật Mã trực thuộc. Mục đích thứ hai để hướng dẫn bổ túc về kỹ thuật, tổ chức điều hành các xưởng Mã cho các Sĩ quan Mật Mã và Mật Mã viên. Đợt thanh tra quy mô này được thực hiện với danh nghĩa Đại diện Tổng Tham mưu trưởng, được minh thị bằng một Sự vụ văn thư do chính Tổng Tham mưu trưởng ký tên ban hành. Nhờ thế, Tôi đã được tất cả các cấp Chỉ huy Lãnh thổ và Đại đơn vị hỗ trợ đặc biệt. Kết quả thâu đạt rất mỹ mãn, khiến Tôi rất phấn khởi, và hăng say tổ chức, điều hành, cải tiến ngành Mật Mã ngày một tốt hơn.

Dĩ nhiên sau đợt thanh tra, có những Đơn vị trưởng nhận được Giấy Khen của Tổng Tham mưu trưởng, nhưng cũng có người nhận được Giấy Khiển trách hoặc Giấy Phạt kỷ luật. Tôi đã làm việc với công tâm không hề thiên vị, và cũng không e ngại những trường hợp lẻ tẻ trả thù sau này. Nhờ vậy, Tôi đã tạo cho Sĩ quan Mật Mã và Mật Mã viên niềm vinh dự và hãnh diện về nghiệp vụ mà họ được giao phó, cũng như làm cho tất cả các cấp Chỉ huy trong Quân đội thấy rõ sự quan trọng, và cần phải làm gì để bảo vệ Ngành Mật Mã, vì đây là Huấn lệnh Quân đội bắt buộc mọi người phải triệt để tuân hành.

Qua đợt thanh tra này, Tôi cũng rút được nhiều kinh nghiệm chiến trường, để cải tiến tổ chức cho Ngành Mật Mã ngày một hữu hiệu hơn. Tôi đã trình Tổng Tham mưu trưởng cho phép tiếp xúc mật thiết hơn với Sở Mật Mã Bộ Tư lệnh Tối cao Quân viễn chinh Pháp ở Sài Gòn, để yêu cầu trợ giúp về phương diện huấn luyện, và tiếp trợ các phương tiện kỹ thuật Mật Mã (máy Mã Converter). Do đó Sở Mật Mã Pháp đã hỗ trợ mở khóa huấn luyện Sĩ quan Mật Mã VN học chương trình của Mật Mã Pháp tại Bộ TTM QĐQGVN ở Sài Gòn. Khóa học đầu tiên này gồm có các anh: Lý Thái Vượng, Nguyễn Bỉnh Thiều, Trịnh Xuân Minh, Nguyễn Thành Nghiệp, Triều Lương Chế, Đỗ văn Thân, Văn hữu Trạng, Huỳnh văn Cảnh, Phan Xuân Thế, Nguyễn Ngọc Phan, Trương văn Tàng. (Không biết Tôi nhớ có thiếu ai không? Nhờ các bạn ghi trên đây bổ túc giùm nếu có.) Mãn khóa học anh em được bổ nhiệm đi các nơi như sau: Nguyễn Thành Nghiệp (Trưởng Phòng Mật Mã QK1, tại Sài Gòn), Lý Thái Vượng (Trưởng Phòng MM/QK2, tại Huế), Nguyễn Bỉnh Thiều (Trưởng Phòng MM/QK3, tại Hà Nội), Nguyễn Ngọc Phan (Trưởng Chi nhánh MM khu Nam QK3, tại Nam Định), Triều Lương Chế (Trưởng Phòng MM/QK4, tại Ban mê thuột), Trương văn Tàng (Trưởng Chi nhánh MM khu Duyên hải QK4, tại Nha Trang), số còn lại phục vụ tại Phòng Mật Mã Trung ương tại Sài Gòn.

Đến đầu năm 1955, anh Thế có nhu cầu cần chăm sóc cha mẹ già tại Huế, nên Tôi đưa ra thay anh Lý Thái Vượng đang ở Huế, cũng có nhu cầu cần vào Sài Gòn, ổn định gia đình đông con và Cha già phải di cư từ Bắc vào cuối năm 1954 không hợp phong thổ miền Huế, mùa Đông lạnh, mùa Hè mưa và lụt lội. Anh Vượng là sĩ quan Trừ bị tốt nghiệp Khóa 1 Nam Định, làm Phó trưởng phòng giúp Tôi cho đến đầu năm 1957 được thăng cấp đại úy, rồi giải ngũ vì gia đình đông con. Anh Trương văn Tàng Trưởng Chi nhánh MM tại Nha Trang, cũng mới được thăng cấp đại úy, được điều động về thay thế anh Vượng. Đến giữa năm 1957, Tôi đi Hoa Kỳ học Khóa Truyền Tin tại Fort Mounmouth, Tiểu bang New Jersey, thì anh Tàng lên thay Tôi làm Trưởng Phòng MMTU Bộ Chỉ huy Viễn thông Bộ TTM.

Sau khóa sĩ quan MM nêu trên, Sở Mật Mã Pháp yểm trợ cho QĐQGVN các máy Mã (Converter) sản xuất bên Đức, và phụ giúp Phòng MMTU mở các khóa huấn luyện hạ sĩ quan chuyên viên sửa chữa máy Mã. Ngoài ra Nha Mật Mã và Mã Thám Pháp tại Paris, cũng dự trù cấp 2 học bổng cho Sĩ quan Mật Mã VN đi học khóa Mã Thám 2 năm tại Paris vào niên Khóa 1955. Tổng Tham mưu trưởng đã chấp thuận cho anh Lý Thái Vượng và Tôi tham dự khóa này. Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, Hiệp định Genève đình chiến ra đời vào tháng 7 năm 1954, vai trò của Pháp chấm dứt kể từ 1955 để Mỹ chuẩn bị thay thế làm Cố vấn, nên học bổng nêu trên bị hủy bỏ. Mộng lớn về tương lai hình thành một ngành Mật Mã Mã Thám quy mô, cho QĐQGVN và hệ thống Tùy viên Quân sự bên các Tòa Đại sứ VN nơi hải ngoại của Tôi gặp trục trặc.

Đợt Thanh tra Chỉ huy Mật Mã năm 1954, đã là dịp cho Tôi đặt những viên đá đầu tiên, xây dựng nền móng vững chắc cho niềm hãnh diện của ngành Mật Mã trong QĐQGVN, cho “tình huynh đệ chi binh” thắm thiết giữa các chuyên viên Mật Mã trong toàn Quân đội (không phân biệt Binh Chủng, Binh Đoàn), cho nghĩa tình Mật Mã keo sơn, ngay từ trong thời kỳ mới thành hình của ngành Mật Mã trong QĐQGVN.

Hôm nay, 42 năm sau ngày rời ngành Mật Mã, đọc đoạn văn mở đầu bài “Ân tình Mật Mã” của chiến hữu Nguyễn văn Riễm, nguyên Trưởng Phòng MM Lục quân Cục Truyền Tin, trong Bản Tin Trần Nguyên Hãn số 2, Tôi rất xúc động, sung sướng và hãnh diện, vì không ngờ cái việc làm mộc mạc, chân tình, thiện chí ban đầu của Tôi đối với ngành Mật Mã quân đội Việt Nam, đã được các chiến hữu đến sau duy trì, và làm tăng trưởng lũy tiến hiện đại theo kỹ thuật của quân đội Hoa Kỳ mặc dầu không còn sự hiện diện của Tôi.

Sự kiện này cũng làm Tôi nhớ lại một kỷ niệm về “Ân tình Mật Mã” trong một cuộc vui Xuân của nhóm anh em Phòng Mật Mã Trung ương và Quân khu 1, tại chợ Thủ Đức vào đầu năm 1956. Hôm đó có Lý Thái Vượng, Nguyễn Bỉnh Thiều, Trịnh Xuân Minh, Trịnh văn Phát (sau sang Không quân), Trịnh Xuân Lạng (sau là Trung tá Chỉ huy trưởng đơn vị 15), Nguyễn Thành Nghiệp (Trưởng Phòng MM/QK1) và Tôi. Chúng tôi thường lợi dụng những buổi họp vui thân thiện như vậy, để bàn luận và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, sai lầm cần sửa chữa, những dự án trong tương lai, những khó khăn gia đình của riêng mỗi anh chị em trong đơn vị, để mọi người cùng tham gia hỗ trợ giúp đỡ nhau vượt qua cách nào êm dẹp, thực tế và hữu hiệu nhất. Vì chúng tôi quan niệm rằng gia đình có được chăm lo đầy đủ, ổn định, thì tinh thần mới được thơ thới minh mẫn để hết lòng lo nhiệm vụ, cũng như không bị mua chuộc rơi vào cạm bẫy phản bội Quân Đội và Dân Tộc. Buổi vui đó có rượu, có gà quay, có xôi chiên phồng, có nem chua... và men nồng hứng khởi đã khiến anh Thiều, anh Vượng và Tôi, làm một bài thơ “liên ngâm, tứ tuyệt” lưu niệm. Riêng Tôi vẫn nhớ chẳng bao giờ quên. Xin ghi lại ra đây để các bạn cùng thưởng thức.

Men nồng sưởi ấm những lòng son,
Việc nước chung lo khó chẳng sờn.
Dâu biển Thế thời dù biến đổi,
Nghĩa tình Mật Mã vẫn keo sơn.


Ghi chú: 2 câu đầu do Tôi khởi xướng, 2 câu sau do các anh Thiều và Vượng tiếp thêm cho trọn vẹn ước mong của anh em.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 4
CHIẾN CUỘC XOAY CHIỀU, PHÁP RA KHỎI MIỀN NAM VIỆT NAM

Vì tính cách Kỹ thuật chuyên biệt, các sĩ quan và hạ sĩ quan đã theo học khóa chuyên môn Mật Mã, và đang phục vụ tại các cơ sở Mật Mã, được phép đeo nơi phía trên túi áo ngực bên phải bộ quân phục, một chuyên hiệu Mật Mã bằng kim khí, do Phòng Mật Mã Trung ương (MMTU) thực hiện và cấp phát. Mẫu chuyên hiệu Mật Mã do một Trung sĩ (họa sĩ) thuộc Phòng MMTU phác thảo, trình và được Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận, cấp ngân khoản cho phép tiếp xúc với hãng DRAGO chuyên sản xuất các huy hiệu quân đội ở bên Pháp, hoàn chỉnh và thực hiện. Chủ đề cấu tạo chuyên hiệu Mật Mã, gồm 3 hình tượng:

-NHÂN SƯ, con vật thần thoại Ai Cập (SPHINX), tượng trưng cho trí thông minh và bảo toàn bí mật.

-Vành (sắt lót) móng ngựa, dấu hiệu mang lại may mắn theo truyền thuyết của người Âu Châu, đồng thời cũng tượng trưng cho tòa án lương tâm.

-Kiếm, tượng trưng cho danh dự, lòng ngay thẳng, và ý chí can đảm bất khuất của người Hiệp sĩ.

Mầu sắc của chuyên hiệu cũng rất đơn giản mộc mạc, chỉ dùng có 2 mầu: Vàng và Bạc, 2 loại quý kim mà mọi người trên Thế giới từ Cổ chí Kim đều quý trọng. Trong dân gian Việt Nam có nhiều ca dao, ngạn ngữ nói đến uy lực vô hình của Vàng và Bạc, chẳng hạn: “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, “Lá ngọc cành vàng”, “Tham vàng bỏ ngãi”, “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”... Một bức ảnh mẫu chuyên hiệu Mật Mã được phóng lớn, treo tại giữa các văn phòng làm việc của Mật Mã viên, để nhắc nhở mọi người luôn nhớ tới trách nhiệm quan trọng mình đang đảm nhiệm. Không biết kể từ giữa năm 1957 trở về sau, Tôi không còn ở trong Ngành Mật Mã, chuyên hiệu riêng của ngành Mật Mã có còn được tiếp tục công nhận nữa không?

Đến đây, trước khi tiếp tục câu truyện về Truyền Tin và Mật Mã, Tôi nghĩ cũng nên lược qua về những sự kiện và lý do nào đã khiến cho Pháp, phải sốt sắng dồn mọi nỗ lực xây dựng Quân đội riêng cho các Quốc gia Liên kết Đông Dương, trong đó có Việt Nam của chúng ta. Những ghi nhận và suy luận sẽ trình bày dựa theo Chủ quan hiểu biết của Tôi, có thể phiến diện và thiển cận nếu đem so sánh với nhận định của các bậc cao minh. Vậy xin các Bạn vui lòng miễn chấp và chỉ giáo thêm cho, Tôi cám ơn vô cùng.

Giữa năm 1949, Trung Cộng thắng thế ở Trung Hoa Lục địa, do đó tình hình chiến trận tại Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, đặc biệt là tại Bắc Việt trở nên rất sôi động. Tháng 5 năm 1949, Chính phủ Pháp phải cử Tướng Revers sang thanh sát tình hình, và nghiên cứu trình một Kế hoạch đối phó. Sau khi công cán về nước, Tướng Revers đề nghị rút bỏ Cao Bằng (Tỉnh cực Bắc ở biên giới Việt Nam-Trung Hoa) để:

1. Gom quân phòng thủ Quốc lộ 4 từ Lạng Sơn, Đồng Đăng, Đình Lập, đến Tiên Yên;

2. Củng cố bình định vùng đồng bằng Bắc Việt;

3. Lấn chiếm cô lập khu Việt Bắc của Chủ lực Việt Minh gồm các tỉnh Thái Nguyên, Lào Kay, Tuyên Quang, và Yên Bái.

Chủ định thâm sâu của Pháp là tái lập Thuộc địa Đông Dương dưới hình thức mới, nên không được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Do đó Pháp e ngại Trung Cộng (chủ nhân ông mới của Trung Hoa Lục địa) xua quân can thiệp hỗ trợ cho Việt Minh cộng sản, nên phải thun về thủ vùng đồng bằng để bảo toàn lực lượng, và tìm phương kế mới.

Kế hoạch của Tướng Revers đề nghị, được Chính phủ Pháp chấp thuận cho thi hành vào cuối năm 1949. Nhưng vì tại Đông Dương lúc đó, đang có sự bất đồng ý kiến giữa Tướng Carpentier (Tổng Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp) tại Sài Gòn và Tướng Alexandri (Tư lệnh đoàn quân tại Bắc Việt), nên mãi tới cuối tháng 8 năm 1950 mới thực hiện, mặc dù qua tin tức tình báo, Chính phủ Pháp, Cao ủy Đông Dương Pignon, và Tướng Carpentier, đều biết rằng Kế hoạch Revers đã bị tiết lộ.

Phía Việt Minh, không biết bằng cách nào đã dò biết được Kế hoạch Revers, nên Tướng Võ Nguyên Giáp, với sự trợ giúp trang bị vũ khí đạn dược, huấn luyện quân sĩ, và cố vấn hành quân của Trung Cộng, đã ráo riết chuẩn bị mở màn thử thách khả năng chiến đấu của bộ đội Việt Minh.

Ngày 18-9-1950, các đơn vị Việt Minh được sự yểm trợ của Pháo binh và súng cao xạ bắn máy bay, đã khởi tấn công và chiếm được đồn Đông Khê, rồi bao vây cô lập Cao Bằng. Sau đó thừa thế tiếp tục khai triển mặt trận Cao Bằng-Lạng Sơn, kéo dài cho tới ngày 7-10-1950. Pháp thất bại nặng nề, phải rút bỏ Cao Bằng, Thất Khê, Na Chầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, và Lao Kay.

Trận đánh này đã làm tăng uy thế cho Việt Minh, rúng động tinh thần quân sĩ Pháp tại Đông Dương, cũng như các giới Chính trị Pháp và Hoa Kỳ. Dân chúng Pháp bắt đầu gọi cuộc chiến tại Đông Dương là “Chiến tranh sa lầy”, các Đảng phái chính trị Pháp cấu kết với nhau làm áp lực chính trị, khiến các Chính phủ Pháp thay phiên nhau xụp đổ liên tục, làm cho tình hình tại cả bên chính quốc lẫn tại Đông Dương ngày một rối rắm thêm. Để gỡ rối, Chính phủ Pháp cố gắng tìm một tướng làm Tổng Tư lệnh mới thay thế Tướng Carpentier tại Đông Dương. Các Tướng Juin và Tướng Koenig được tham khảo, nhưng 2 ông này từ khước, sau khi đòi hỏi nhiều điều kiện quá đáng Chính phủ Pháp không thể thoả mãn được. Sau cùng, Tướng Jean Marie Gabriel De Lattre De Tassigny được lựa chọn. Ông này nhận lời ngay với một điều kiện duy nhất là phải cho ông ta rộng quyền chỉ huy.

Ngày 7-10-1950, Đại tướng De Lattre được đề cử làm Cao ủy kiêm Tổng Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Đúng 10 ngày sau, Tướng De Lattre lên đường nhậm chức, mang theo cả một Bộ Tham Mưu hùng hậu để làm trụ cột giúp ông ta hoàn thành sứ mạng lớn lao đã nhận lãnh. Trong suốt 9 tháng trời ròng rã tiếp theo, ông ta đã chứng tỏ tài lãnh đạo chỉ huy và hành quân táo bạo của mình, qua các trận Vĩnh Yên giữa tháng 1-1951 (chết mất người con trai duy nhất là Trung úy Bernard), trận Mạo Khê cuối tháng 3-1951, trận “Bờ Sông Đáy” cuối tháng 5-1951, và đặc biệt là kế hoạch xây dựng “Phòng tuyến Bê tông De Lattre” để bảo vệ đồng bằng Bắc Việt trong Vùng Tam Giác: Moncay, Việt Trì, Ninh Bình, và “Phòng Lũy Hải Phòng”. Tướng De Lattre đã làm cho tinh thần Quân Sĩ được phục hồi, đồng thời tạo được sự tin tưởng của Chính phủ Pháp và các Đồng minh Hoa Kỳ, Anh Cát Lợi...

Giữa tháng 9-1951, Tướng De Lattre được Chính phủ Pháp cho đi công cán bên Hoa Kỳ xin viện trợ. Có lẽ nhờ trận Việt Minh tấn công quân Pháp tại vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, có sự hiện của quân Trung Cộng trong hàng ngũ quân Việt Minh, y như trận Bắc Hàn tấn công Nam Hàn mà Mỹ và Đồng minh phải can thiệp, cũng có sự hiện diện của quân Trung Cộng trong hàng ngũ quân Bắc Hàn, nên Hoa Kỳ thay đổi thái độ đối với Pháp. Nhờ thế, Tướng De Lattre đã xin được Mỹ viện trợ cho Pháp tiếp tục cuộc chiến tại Đông Dương, dưới nhiệm vụ mới là “Ngăn chặn sự bành trướng của Quốc tế cộng sản ở vùng Đông Nam Á Châu”, mà Việt Minh là tay sai tiền phương của Liên Sô và Trung Cộng. Viện trợ chỉ được chấp thuận với một điều kiện tiên quyết kèm theo là: “Pháp phải thành thực trao trả quyền Độc Lập, Tự do, cho các Chính phủ Quốc gia không cộng sản tại Đông Dương, và xúc tiến nhanh chóng việc thành lập, huấn luyện, và trang bị quân sự cho các Quốc gia này có đủ khả năng tự vệ, tiêu diệt cộng sản địa phương, bảo đảm an ninh cho dân chúng phát triển kinh tế. Đặc biệt phải để cho các Quốc gia này có quyền Tự do Giao thương trực tiếp với tất cả các nước Tư bản, ngoài khối Liên Hiệp Pháp, không phải qua trung gian của Pháp.”

Ngày 28-9-1951, hai ngày sau chuyến công du của Tướng De Lattre chấm dứt, chiếc tầu biển Eartham Bay của Hoa Kỳ đã từ Manilla chở tới Sài Gòn, rất nhiều vũ khí nhẹ và đạn dược đủ loại. Đồng thời, 30 Phóng pháo cơ B-26 do phi công Hoa Kỳ lái từ Phi Luật Tân qua, đáp xuống phi trường Cát Bi (Hải Phòng), trao cho Pháp trong âm thầm không kèn không trống. Mười hai (12) chiếc trong số phi cơ này đã được Hoa Kỳ biến cải thành loại máy bay soi sáng (Luciole), dùng để thả hỏa châu soi sáng chiến trường ban đêm, trong thời gian liên tục 1 tiếng đồng hồ cho mỗi phi cơ.

Hy vọng những sự kiện vừa kể trên, đã giúp cho những ai ít quan tâm đến thời cuộc đất nước Việt Nam trước đây, không còn thắc mắc tại sao mãi đến cuối năm 1951 Quốc hội Pháp mới chấp thuận việc thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam. Tiếp theo đó, ông Trần văn Hữu Thủ tướng Chính phủ Việt Nam mới công bố việc thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam (QĐQGVN) chống cộng sản, ban hành Lệnh Tổng Động Viên, thành lập Bộ Tổng tham mưu QĐQGVN, các Trường Võ bị Địa phương (Ecole Militaire Régionale) đào tạo các Chuẩn úy Trung đội trưởng, Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định và Thủ Đức, để đào tạo thiếu úy trừ bị cung cấp cho Quân đội, ngoài số thiếu úy hiện dịch do Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt đang đào tạo. (Trường VBLQ Đà Lạt được thành lập từ năm 1948). Các Trung tâm Huấn luyện Tân binh và Hạ sĩ quan cũng lần lượt được thành lập, và hoạt động náo nhiệt để thành lập các đơn vị cấp Tiểu đoàn, Trung đoàn Bộ Binh và các đơn vị Binh chủng, Nha, Sở chuyên môn.

Phía Quân đội Viễn chinh Pháp, ồ ạt xây dựng các doanh trại và cơ sở rất lớn rộng cho các Cơ quan Chỉ huy và Đơn vị Hành chánh Tiếp vận Trung ương, tại các vùng Tân Sơn Nhứt, Gò Vấp, Bình Lợi, Cát Lái (Gia Định), Khánh Hội (Sài Gòn), và Biên Hòa... Theo dự tính của Tướng De Lattre, các Cơ sở này phải đủ tầm vóc có thể biến thành các Cơ sở Chỉ huy và Tiếp vận cho các Lực lượng Liên Hiệp Quốc, đến điều khiển chiến tranh ngăn cản cộng sản Quốc tế xâm lăng các nước thuộc Đông Nam Á Châu, sử dụng khi cần.

Tháng 12-1951, Tướng De Lattre qua đời, Tướng Raoul Salan được cử thay thế làm Tổng Tư lệnh, để tiếp tục giải quyết cuộc “Chiến tranh sa lầy” không lối thoát của Pháp tại Đông Dương. Nội tình nước Pháp tiếp tục lục đục, chính phủ Queuille bị đổ vào tháng 2-1952. Tại Bắc Việt, Tướng Salan rút bỏ Hòa Bình vào cuối tháng 3-1952. Thủ tướng mới của Chính phủ Pháp là Pinay, vẫn giữ chính sách cũ đối với Đông Dương. Ông Letourneau được bổ nhiệm làm Bộ trưởng các Quốc gia Liên kết, kiêm nhiệm chức Cao Ủy Đông Dương kể từ tháng 4-1952, và Tướng Salan được chỉ định làm Tổng Tư lệnh Quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Bộ trưởng Letourneau phải thường xuyên hoạt động tại chính quốc, làm gì có thời giờ chạy qua chạy lại giữa Pháp và Đông Dương, nên Tướng Salan vô hình chung có được toàn quyền quyết định y như cố Đại tướng De Lattre thuở còn sinh thời.

Sở dĩ Tướng Salan được lựa trám chỗ trống của De Lattre, vì ông ta đã từng ở Việt Nam lâu năm, tham dự nhiều trận chiến với Việt Minh từ hồi 1947, đã cộng tác mật thiết với Tướng De Lattre trước khi ông này qua đời, nên thông thạo lối đánh của Việt Minh. Ngoài ra, ông ta còn có được cái trí khôn của người Á Đông vì lấy vợ người Việt Nam, hút thuốc phiện, theo vợ đi lễ các Đền, Chùa, am tường các phong tục tập quán của các Sắc dân Đông Dương. Chiến công của Tướng Salan từ sau ngày thay thế De Lattre, chỉ là cuộc hành quân rút lui khỏi Hòa Bình trong an toàn không bị sứt mẻ, và xây dựng “Pháo lũy NaSản” giữ được mặt trận vùng Bắc Thái (phía Tây, Bắc Việt) vững vàng trong suốt 3 tháng (10, 11, và 12-1952). Còn tình hình toàn diện Đông Dương chẳng có gì khả quan hơn.

Qua tháng 5-1953, Tướng Navarre được cử thay thế Tướng Salan làm Tổng Tư lệnh Quân Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương. Ông này xào xáo lại các kế hoạch của các Tướng tiền nhiệm, rút tỉa các kinh nghiệm, để hệ thống hóa thành kế hoạch chiến thuật mới của mình là:

1. Phòng thủ miền Bắc;

2. Bình định miền Nam;

3. Lập một Binh đoàn Chủ lực lưu động, để có thể đánh ở bất cứ nơi nào có sự tập trung quân của Địch (Việt Minh).

Kế hoạch được mở màn bằng cuộc hành quân “Castor” vào cuối tháng 11-1953, để hỗ trợ việc xây dựng “Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ”, với mục đích:

a. Buộc Việt Minh phải chấp nhận một trận công kiên chiến, mà Pháp tin rằng họ sẽ thắng vì có ưu thế hơn về Không quân và Tiếp liệu.

b. Cầm chân Chủ lực quân Việt Minh tại miền Bắc để chúng không thể tiếp sức cho miền Nam, nhờ thế Pháp sẽ bình định Liên Khu V gồm các Tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, tại miền trung tâm của Trung Việt Nam một cách dễ dàng.

c. Dùng Điện Biên Phủ làm “Căn cứ Bàn đạp” đánh vào Hậu tuyến Việt Bắc, nếu Việt Minh di quân khỏi nơi này để tấn công vùng đồng bằng sông Hồng.

Tiếc thay, Bộ tham mưu của Tướng Navarre ước tính sai lệch quá nhiều. Việt Minh đã tập trung được quanh Điện Biên Phủ, một lực lượng nhiều tới 100,000 quân. Với sự yểm trợ của Trung Cộng, Việt Minh còn kéo được cả súng Đại pháo qua đỉnh núi, đào hầm bố trí ngay trên sườn núi nhìn thẳng xuống thung lũng Điện Biên Phủ. Thế mà Pháp cho rằng, Việt Minh chỉ có thể tập trung quanh Điện Biên Phủ khoảng 20,000 quân là tối đa, và lòng chảo Điện Biên Phủ không thể bị uy hiếp bằng Pháo binh, vì các Đại pháo chỉ có thể bố trí phía bên kia các dãy núi quanh lòng chảo, xa quá tầm tác xạ của súng.

Cuối tháng 11-1953, tình hình chiến sự bỗng chuyển biến đột ngột. Bốn (4) Sư đoàn Việt Minh kéo lên áp lực miền Bắc Thái (Tây Bắc, Bắc Việt). Qua tháng 12-1953, Tướng Navarre phải cho lệnh rút quân bỏ Lai Châu và toàn vùng Bắc Thái, để tập trung về Điện Biên Phủ, đồng thời mở nhiều cuộc hành quân ở vùng thượng lưu sông Mê-kông để củng cố phòng thủ miền Bắc Lào (nước Ai Lao).

Đầu năm 1954, tình hình lắng dịu tại khắp các chiến trường phụ trên toàn cõi Đông Dương. Riêng tại Điện Biên Phủ tình hình coi như đang có nhiều điều thuận lợi cho quân Pháp. Nhưng, vào trung tuần tháng 2-1954, Hội nghị Bá Linh (Berlin, Đức) được mở ra để thảo luận về việc thành lập một Hội nghị chính thức tại Genève, bàn thảo tìm giải pháp cho vấn đề đình chiến tại Đông Dương, đã khiến tình hình chiến sự trở nên bất lợi cho quân Pháp, và làm cho Tướng Navarre bị ngỡ ngàng.

Đầu tháng 3-1954, Việt Minh rút Sư đoàn 308 đang uy hiếp Luang-Prabang (Lào), đem về tăng cường bao vây Điện Biên Phủ. Đến ngày 13-3-1954, Việt Minh mở đầu các cuộc tấn công trên khắp các mặt trận Đông Dương (kể cả Điện Biên Phủ), nhằm mục đích phô trương khả năng quân sự mới để áp đảo tinh thần quân Liên Hiệp Pháp và các Quốc gia Liên kết Đông Dương, đồng thời tạo điều kiện thượng phong tại Hội nghị Genève. Quân Pháp bị cầm chân tại tất cả mọi nơi, nên không còn quân số tiếp ứng cho nhau, nhất là cho “Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ”.

Đến cuối tháng 4-1954, Bộ Tư lệnh Pháp cho mở cuộc hành quân “Atlante” đánh vào Liên Khu V của Việt Minh tại trung Việt, nhưng chẳng đem lại kết quả gì, nếu không muốn nói là uổng công vô ích. Ngày 7 tháng 5-1954, sau 55 ngày đêm tự lực cầm cự, “Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ” đã phải xin đầu hàng vô điều kiện. Dư luận Pháp rất hoang mang, chia rẽ, tranh cãi trầm trọng, khiến Chính phủ Pháp phải đưa Tướng Paul Ely Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Pháp sang Đông Dương thay thế Tướng Navarre, với quyền hạn rộng rãi là Cao Ủy kiêm Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh tại Đông Dương, như đã dành cho Tướng De Lattre hồi trước. Nhưng, Tướng Ely cũng chẳng làm được gì hơn, là tiếp tục nhận lãnh những thất bại chua cay, trong âm mưu tái lập thuộc địa lỗi thời của Pháp sau Thế chiến II.

Mấy tuần lễ sau vụ Pháp thất trận Điện Biên Phủ, chiến cuộc Đông Dương được giải quyết ngã ngũ, chấm dứt bằng giải pháp chính trị tại Hội nghị Genève với một Hiệp Định đình chiến, ký kết vào lúc 0100 giờ ngày 21 tháng 7 năm 1954 tại Genève giữa Pháp và Việt Minh. Đại diện Hoa Kỳ và Đại diện Chính phủ Quốc gia Việt Nam từ khước không ký vào bản Hiệp định. Theo Hiệp định này, nước Việt Nam bị phân làm 2 phần Nam, Bắc, tại Vĩ tuyến 17, và dòng sông Bến Hải được dùng làm ranh giới giữa 2 miền. Từ giữa lòng con sông trở lên phía Bắc thuộc quyền kiểm soát cai trị của cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh cầm đầu. Phần từ giữa lòng con sông trở xuống phía Nam thuộc trách nhiệm của Chính quyền Pháp và Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo.

Thi hành Hiệp định Genève, Bộ Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp của Tướng Ely phối hợp cùng Chính phủ Quốc gia Việt Nam do ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, tổ chức một cuộc di tản vĩ đại ngoạn mục trong vòng 300 ngày, cho hơn một triệu Dân Quân Cán chính không thích sống dưới Chế độ cộng sản rời miền Bắc vào Nam tái lập nghiệp, và hàng chục ngàn Cán Binh cộng sản từ miền Nam buộc phải tập kết ra Bắc. Thời hạn triệt thoái quân Pháp và quân Quốc gia ra khỏi Bắc Việt theo lối cuốn chiếu quy định như sau: phải ra hết khỏi Hà Nội trong thời hạn 80 ngày kể từ ngày ký Hiệp Định Genève, do đó ngày chót được ấn định cho Hà Nội là ngày 11-10-1954; 100 ngày cho Hải Dương do đó ngày chót được ấn định là ngày 1-11-1954; và 300 ngày cho Hải Phòng do đó ngày chót được ấn định là ngày 19-5-1955.

Đến ngày 28-4-1956, Bộ Tư lệnh quân Pháp tại Đông Dương giải tán, tất cả các Cơ sở và Căn cứ trước đây do Pháp xây dựng chiếm đóng, đều trao hết cho Chính phủ và Quân đội Quốc gia Việt Nam thừa hưởng. Dinh Norodom tọa lạc tại trung tâm Thủ đô Sài Gòn trước kia dành cho Cao Ủy Pháp tại Đông Dương, nay đổi tên thành Dinh Độc Lập dành cho Quốc trưởng Bảo Đại. Camp Chanson to lớn bên cạnh phi trường Tân Sơn Nhất trước kia là nơi làm việc của Bộ Tư lệnh quân viễn chinh pháp tại Đông Dương, nay thuộc quyền sử dụng của Bộ Tổng Tham Mưu (Bộ TTM) Quân đội Quốc gia Việt Nam (QĐQGVN) và đổi tên là Trại Trần Hưng Đạo. Hospital Rocques rộng lớn của đoàn quân Viễn chinh Pháp xây dựng tại Gò Vấp sát bên Bộ TTM và phi trường Tân Sơn Nhất, nay thuộc quyền QĐQGVN và đổi tên là Tổng Y Viện Cộng Hòa. (Không biết cái tên Roques Tôi nhớ có đúng không, bạn nào biết là sai xin vui lòng chỉnh giùm, Tôi vô cùng cám ơn). Còn rất nhiều Doanh trại, Căn cứ, và Cơ sở khác tại Sài Gòn và tại các Tỉnh trên toàn lãnh thổ miền Nam Vĩ tuyến 17, được Pháp trao lại cho Chính quyền Quốc gia miền Nam Việt Nam, nhưng Tôi thấy không cần liệt kê hết ra đây.

Vào tháng 8-1956, Chính phủ Pháp loan báo việc đề cử ông Henri Hoppenot làm Cao Ủy Đông Dương. Nhưng, Thủ tướng Ngô Đình Diệm của Chính quyền Quốc gia Việt Nam, đã dựa theo các điều khoản của Hiệp định Genève không chấp nhận, nên Chính phủ Pháp phải đổi lại chức vụ là Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Sau khi quân Pháp rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, ảnh hưởng Pháp tan biến dần để thay thế bởi ảnh hưởng Hoa Kỳ. Bởi vì, ngay từ khi mở Hội nghị Bá Linh bàn thảo việc thành lập Hội nghị Genève giải quyết vấn đề chiến tranh Đông Dương, Hoa Kỳ đã ngầm vận động thúc đẩy Quốc trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm (đang ở Mỹ) về làm thủ tướng, thay thế Thủ tướng Bửu Lộc được coi là thân Pháp.

Ngày 7-7-1954 ông Ngô Đình Diệm về tới phi trường Tân Sơn Nhất Sài Gòn vào một buổi trưa trời nắng đẹp, được sự tiếp đón theo nghi thức thường lệ của Chính phủ tại phòng Khách Danh Dự của phi trường, gồm một số nhân viên đại diện các Bộ trong Chính phủ Bửu Lộc, một số sĩ quan cấp tá Việt và Pháp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ TTM/QĐQGVN (trong đó có Tôi), vài thân quyến dòng họ Ngô-Đình (có vợ chồng ông Ngô Đình Nhu), cùng mấy Nhân sĩ ở ngoài Huế vào. Quốc trưởng Bảo Đại loan báo việc chỉ định ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng thay thế Thủ tướng Bửu Lộc trở về Pháp.

Ít ngày sau, thành lập và trình diện Chính phủ xong, Thủ tướng Diệm bắt đầu gặp nhiều khó khăn về mọi mặt đối nội cũng như đối ngoại. Chẳng hạn:

1. Đại diện Chính phủ Quốc gia Việt Nam không ký trên Hiệp định Genève, nhưng vẫn phải chấp nhận và cộng tác với Bộ Tư lệnh quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương thi hành, đặc biệt phải chấp nhận cho các cơ sở kiểm soát đình chiến do Ấn Độ (Trung Lập) làm Chủ tịch, với các thành viên Ba Lan (cộng sản) và Canada (thuộc Thế giới Tự do Tư bản) đặt cơ sở hoạt động tại nhiều nơi trên lãnh thổ miền Nam, ngay cả tại giữa Thủ Đô Sài Gòn. Trong các cơ sở kiểm soát đình chiến này có cả sự hiện diện của những người đại diện của Việt Cộng.

2. Phải vận động nhờ Chính quyền Pháp tại Đông Dương hỗ trợ phương tiện để di tản cả triệu người (Dân, Quân, Cán chính) không thích sống dưới sự cai trị của Chính quyền Việt Cộng tại miền Bắc Vĩ tuyến 17, di cư vào miền Nam.

3. Tổ chức tiếp đón cứu trợ ban đầu, tái định cư, và tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho những người này. Vì họ đã phải bỏ tất cả của cải đất đai hương hỏa của Tổ tiên Ông Cha tại miền Bắc, ra đi vào miền Nam với 2 bàn tay trắng.

4. Hợp nhất các Lực lượng Võ trang Giáo phái vào hàng ngũ Quân đội Quốc gia Việt Nam, để tiêu hủy nạn “phe phái hùng cứ địa phương” do Pháp tạo dựng lên trước đây, với mục đích Thực dân thâm độc “chia để trị”.

5. Điều chỉnh cải tiến hệ thống hành chánh, để chấm dứt tệ nạn “Xứ Quân, Vua một cõi” thao túng áp bức quần chúng bằng quy luật “Phép Vua thua Lệ Làng”, hậu quả dư âm Quan lại của thời Pháp còn vương rớt lại, tại các tỉnh và ngay cả tại các Quận hành chánh giữa Sài Gòn Chợ Lớn.

6. Loại bỏ các tổ chức reo rắc tệ đoan xã hội (khu bài bạc, các ổ chứa gái mãi dâm công khai hoạt động có nộp thuế), do các tay Chính trị hoạt đầu, Doanh gia bất chính, lợi dụng nước đục thả câu, với sự bảo trợ khích lệ của Thực dân Pháp đã tổ chức kinh doanh từ nhiều năm qua.

7. Đặc biệt là phải đề ra phong trào chống Cộng, với một Chính sách dựa theo Chủ thuyết Nhân bản có thể bẻ gẫy được Chủ thuyết cộng sản, để làm kim chỉ Nam hướng dẫn quần chúng hăng say tham gia công cuộc tố cáo và loại trừ các hoạt động của cán bộ cộng sản nằm vùng tại miền Nam. Để dân được sống an toàn tại khắp mọi nơi, an tâm tham gia xây dựng phát triển Kinh tế phồn vinh, và hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc trong thanh bình.

Vì thế mới có Chủ thuyết NHÂN VỊ, và PHONG TRÀO CÁCH MẠNG QUỐC GIA ra đời. Mọi người sống tại miền Nam Việt Nam đều biết và cũng đã từng phải tham gia, tùy theo vị trí hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân và gia đình. Phong trào này nhằm mục đích đánh bóng lãnh tụ Ngô Đình Diệm, chỉ trích tinh thần bạc nhược của Quốc trưởng Bảo Đại trong việc điều hành Quốc gia, để tiến tới việc tổ chức cuộc “Trưng cầu Dân ý truất phế Bảo Đại” vào ngày 23 tháng 10 năm 1955.

Sau đây là hình ảnh kỷ niệm anh em Hội Ái hữu Truyền Tin tham gia hoạt động xã hội tại quận Orange, Nam California, Hoa Kỳ. Các Bồ Câu già và anh chị em gia đình Hội Ái hữu Truyền Tin Nam California, tham gia cuộc “ĐI BỘ CHO QUYỀN TỴ NẠN” gây qũy giúp đồng bào Việt Nam tại các trại tỵ nạn Hồng Kông, do nhóm luật sư trẻ thuộc tổ chức LAVAS tổ chức tại Mile Square Park, thành phố Fountain Valley, quận Orange, Nam California, Liên Bang Hoa Kỳ, ngày 19-11-1994.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 5
ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VỚI NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG KẾ HOẠCH CẢI TIẾN XÃ HỘI TẠI MIỀN NAM VIỆT NAM SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE 21-7-1954

Trước khi Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 được ký kết, Quốc trưởng Bảo Đại đã rời Đà Lạt (Việt Nam) sang Pháp cư ngụ cùng vợ và các con tại biệt thự riêng ở vùng Cannes miền Nam nước Pháp, gọi là để tiện giao tiếp vận động Thế giới Tự do Tư bản yểm trợ cho Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Thủ tướng Ngô Đình Diệm được ủy thác toàn quyền giải quyết mọi vấn đề nội trị, và đương đầu với tình hình chính trị mới của Quốc gia đối với Pháp và Hoa Kỳ.

Với thành tâm thiện chí, kiên cường nhẫn nại, và tinh thần yêu nước quyết xả thân vì Quốc gia Dân tộc Việt Nam, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã can đảm giải quyết lần hồi tất cả mọi khó khăn, để tạo cho miền Nam Việt Nam hậu chiến tranh có được một bộ mặt mới, một vị trí quan trọng trong Thế giới đang khởi đầu một cuộc tranh chấp mới: “Chiến tranh Lạnh” giữa hai Thế lực chính trị quốc tế, Tư bản do Hoa Kỳ đứng đầu và Cộng sản do Liên Xô Nga lãnh đạo.

Việc cải tổ hệ thống Hành chánh từ Trung ương xuống Địa phương, và thay đổi nhân sự không gặp nhiều khó khăn. Nhưng, việc bài trừ các tổ chức gieo rắc tệ đoan xã hội, các con buôn bất lương thao túng nền kinh tế quốc gia, và đặc biệt việc giải tán các Lực lượng võ trang Giáo phái để sát nhập vào Quân đội Quốc gia, đã gặp nhiều rối rắm. Phải mất cả năm trời thương thuyết ôn Hòa vẫn không xong. Sau cùng phải sử dụng biện pháp bạo lực, dùng Quân đội đánh dẹp mới giải quyết được êm xuôi. Các ông Dương văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Trần văn Đôn, Đỗ Cao Trí, và một số người khác đã thi hành đắc lực các kế hoạch hành quân dẹp yên Bình Xuyên tại Sài Gòn Chợ Lớn, vùng Rừng sát, và Hòa Hảo tại miền Tây Nam phần.

Riêng phần Quốc trưởng Bảo Đại, chắc cũng đã tiên đoán được việc gì sẽ xảy ra cho tương lai tước vị Quốc trưởng của mình, nên đã tinh khôn lánh sang Pháp chờ coi tình hình chính trị Quốc gia chuyển biến ra sao, và điều hành đất nước bằng điện văn và văn bản trao đổi qua hệ thống đặc sứ liên lạc viên chớ không ở trong nước để đích thân giải quyết tức thời tại chỗ.

Sau thời gian 300 ngày tiếp theo việc ký kết Hiệp định đình chiến tại Genève lúc 0100 giờ ngày 21-7-1954, việc thi hành Hiệp định được cả 2 bên Pháp và Việt Minh hoàn tất suôn sẻ. Hơn 1 triệu người (Quân, Dân, Chính) đang cư trú tại Bắc Việt không muốn sống dưới quyền cai trị của cộng sản, được di cư vào miền Nam. Và khoảng hơn vài chục ngàn quân Việt Cộng đang hoạt động tại miền Nam phải tập trung di chuyển tập kết ra Bắc. Thủ tướng Diệm mới chính thức khởi sự yêu cầu Pháp chuyển giao các quyền hành về quân sự, từ trước tới nay vẫn do Pháp nắm giữ trên toàn cõi miền Nam Việt Nam. Nhưng, Pháp trì hoãn bằng cách chỉ chuyển giao lần lần theo kế hoạch riêng của họ, với âm mưu mua thời gian để có cơ hội xúi giục tạo những chống đối gây lủng củng nội bộ Việt Nam, nhằm mục đích loại ông Diệm ra khỏi chức vị thủ tướng.

Nhưng ông Diệm nhờ có hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ, và sự yểm trợ đắc lực của “Đảng Cần lao Nhân vị” và một số Chính khách Nhân sĩ miền Trung tạo dựng được “Phong trào Cách mạng Quốc gia”, thâm nhập vào Quân đội, vào các Cơ quan Hành chánh, vào quảng đại quần chúng để hậu thuẫn, nên không những chức vị thủ tướng không bị lung lay mà còn được củng cố mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ngoài viện trợ của Hoa Kỳ, hậu thuẫn của Đảng Cần lao và Phong trào Cách Mạng Quốc gia, Thủ tướng Diệm còn cần phải nắm được toàn quyền chỉ huy Quân đội đang do Quốc trưởng nắm giữ, thì mới có đầy đủ sức mạnh, thực hiện ước vọng to lớn là vận động toàn dân truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, để xây dựng một nước Việt Nam mới theo một Chính thể Dân chủ mô thức Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, dưới sự lèo lái của chính mình với chức vị Tổng thống, vào ngày 23 tháng 10 năm 1956.

Do đó, Thủ tướng Diệm bắt đầu bằng quyết định loại Trung tướng Nguyễn văn Hinh (người của Quốc trưởng Bảo Đại và Pháp đặt để) đang làm Tổng Tham mưu trưởng QĐQGVN, và thay đổi một số cấp Chỉ huy Đại đơn vị tác chiến, Quân khu, Tiểu khu, và Chỉ huy trưởng các đơn vị chuyên môn tại Sài Gòn bằng những người được “Đảng Cần lao Nhân vị” tin tưởng tiến cử. Việc làm này đã gây nhiều bất mãn trong Quân đội, và là tiền đề cho hậu quả làm băng hoại kỷ cương quân đội bằng chính trị, và làm suy giảm tinh thần phục vụ của nhiều quân nhân có tâm huyết tình nguyện gia nhập Quân đội từ bấy lâu nay, để bảo vệ Quốc gia Dân tộc trước nạn xâm lăng của cộng sản. Binh chủng Truyền Tin là một thành phần của Quân đội, nên cũng không thoát khỏi thảm trạng này trong một thời gian dài.

Trong lúc đó, tại Hoa Kỳ, từ ngày 27 đến 29-9-1954, Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại họp bàn, thảo luận về viện trợ và huấn luyện quân sự cho các Quốc gia Đông Dương, đã đi đến kết luận là kể từ đầu năm 1955, Hoa Kỳ sẽ viện trợ thẳng cho các Quốc gia Đông Dương, không qua trung gian của Pháp như trước nữa. Phái bộ M.A.A.G. (Military Assistance Advisory Group) ra đời tại Đông Dương từ ngày 23-12-1950, được đổi tên thành Phái bộ T.R.I.M. (Training Relation Instructiom Mission) kể từ 20-1-1955.

Ngày 9-10-1954, Thủ tướng Diệm ký Nghị định cử Trung tướng Nguyễn văn Hinh đương kim Tổng Tham mưu trưởng QĐQGVN sang Pháp công cán trong thời gian 6 tháng. Tướng Hinh biết là mình bị hất cẳng, nên đã viện cớ là chức vụ của ông ấy do Quốc trưởng bổ nhiệm, hiện nay tình hình đất nước đang nghiêm trọng, ông ta không thể vắng mặt để Quân đội không ai chỉ huy, nên không thể thi hành lệnh của thủ tướng. Rồi dựa vào hậu thuẫn của Pháp, Tướng Hinh thường xuyên liên lạc thẳng với Quốc trưởng Bảo Đại xin can thiệp (lúc đó Tôi là Thiếu tá Chánh Sở Mật Mã của Bộ TTM, được Tướng Hinh chỉ thị phải đích thân đặc trách việc Mã hóa và Giải Mã những điện tín “Tối mật” trao đổi giữa Tướng Tổng tham mưu trưởng Nguyễn văn Hinh và Quốc trưởng Bảo Đại). Đồng thời, Tướng Hinh giao cho Trung tá Trần Đình Lan (Trưởng Phòng 6, Cơ quan phản gián điệp của Bộ Tổng Tham Mưu) tập họp một số sĩ quan Cao cấp thân tín tại Bộ TTM và các Đơn vị Trung ương, lập một nhóm chống đối, dùng đài phát thanh Quân đội phản kích lại Thủ tướng Diệm. Nhưng Tướng Hinh đã không dám mạo hiểm làm đảo chánh lật đổ Thủ tướng Diệm, vì không được sự ủng hộ của đại diện Hoa Kỳ đang có mặt tại Sài Gòn. Đồng thời Tướng Hinh nhận được lời cảnh cáo là, nếu cứ làm liều thì Quân đội Quốc gia Việt Nam sẽ không nhận được viện trợ trang bị vũ khí đạn dược như Hoa Kỳ đã hứa.

Tình hình căng thẳng giữa Tướng Hinh và Thủ tướng Diệm kéo dài tới ngày 29-11-1954, thì có sự dàn xếp ổn thoả từ bên Pháp. Quốc trưởng Bảo Đại ra Sắc lệnh ngưng chức Tổng Tham Mưu Trưởng của Tướng Hinh, triệu ông này qua Pháp công cán, đồng thời chỉ định Thiếu Tướng Nguyễn văn Vỹ (đã từng làm Chánh Võ phòng của Quốc trưởng tại Đà Lạt) đang làm Tổng Thanh tra Quân đội lên đảm trách chức Tổng Tham Mưu Trưởng thay thế Tướng Hinh.

Tướng Vỹ nhận được lệnh đến yết kiến Thủ tướng Diệm tại Dinh Độc Lập để nhận chức. Nhưng khi tới nơi, thì gặp lúc Thủ tướng Diệm đang tiếp mấy tướng thuộc Lực lượng Giáo phái Cao Đài ủng hộ ông Diệm, cũng đang có mặt tại đó. Mấy tướng này làm áp lực, nên Tướng Vỹ đã phải rút lui, ra về cùng với người đã hộ tống ông vào Dinh Độc Lập là Trung tá Trần Đình Lan (Trưởng Phòng 6-phản gián điệp của Bộ TTM), rồi đáp máy bay rời Việt Nam qua Pháp.

Nhờ thế, Thủ tướng Diệm đã cấp tốc chỉ định Thiếu tướng Lê văn Tỵ (đang làm Tư lệnh Quân khu I tại Sài Gòn) làm Tổng Tham Mưu Trưởng, đem Đại tá Trần văn Minh (đang làm Chỉ huy trưởng Phân khu Tiền Giang tại Mỹ Tho) về làm Tư lệnh Quân khu I thay thế Tướng Tỵ. Về sau, ông Trần văn Minh được lần lượt vinh thăng thiếu tướng, rồi trung tướng đi làm Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại các nước bên Phi Châu.

Cũng trong khoảng thời gian này, tại miền Nam Trung Việt, Thiếu tá Thái Quang Hoàng Tiểu khu trưởng Ninh Thuận (Phan Rang), đã đem khoảng 700 quân (phần lớn thuộc Tiểu đoàn 83 VN của ông ấy, số còn lại thuộc các Tiểu khu Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, và khoảng 50 Bảo Chính Đoàn, cùng một số Công An của ông Nguyễn văn Hay Trưởng Ty Công An Phan Rang) rút vào vùng rừng núi cách thành phố Phan Rang khoảng 10 cây số để lập chiến khu chống Tướng Hinh, ủng hộ Thủ tướng Diệm. Về sau, ông Thái Quang Hoàng được Thủ tướng Diệm tin dùng, cất nhắc thăng cấp nhanh chóng lên đến trung tướng.

Khi Thiếu tá Hoàng tại Phan Rang rút quân ra lập chiến khu chống Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, Đại tá Trương văn Xương Tư lệnh Quân khu II ở Huế, ra lệnh cho Chỉ huy trưởng Phân khu Duyên hải Nha Trang phải mở cuộc hành quân để chiêu hồi Thiếu tá Hoàng. Phân khu trưởng Nha Trang đã tổ chức điều hành cuộc hành quân, không những chẳng đem lại kết quả nào, mà đa số nhân viên thuộc Bộ chỉ huy hành quân còn bỏ hàng ngũ chạy theo Thiếu tá Hoàng (trong đó có Thiếu tá Nguyễn Khương sĩ quan Truyền Tin của Bộ Chỉ huy Phân khu Duyên Hải Nha Trang, và một số quân nhân thuộc Đại đội 7 Truyền Tin). Về sau, Thiếu tá Nguyễn Khương được đem về Sài Gòn làm Chỉ huy trưởng Viễn Thông Bộ TTM, và được thăng lên đến cấp đại tá. Sau vụ Nhảy Dù đảo chánh Tổng thống Diệm hụt vào ngày 11-11-1960, Đại tá Khương có dính líu nên bị cất chức Chỉ huy trưởng Viễn Thông. Không rõ nhờ đâu, lại được đưa đi làm Tùy viên Quận Lực tại Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa bên Hoa Kỳ.

Lúc đó Thiếu tá Đỗ Mậu đang làm Chỉ huy phó Phân khu Duyên hải Nha Trang, tỏ ý chống đối lệnh của Quân Khu và bí mật lập một Phong trào ủng hộ Thủ tướng Diệm, nên về sau được Thủ tướng Diệm đem về làm Giám đốc Nha An ninh Quân đội tại Sài Gòn, và được thăng lên đến cấp đại tá. Ngày 1-11-1963, Quân đội lật đổ Tổng thống Diệm thành công, Đại tá Đỗ Mậu là người đã tích cực tham gia và được coi như có công lớn trong Hội đồng đảo chánh, nên được Tướng Dương văn Minh người cầm đầu cuộc đảo chánh thăng cho lên cấp thiếu tướng.

Đầu tháng 12-1954, một sự kiện khác lại xảy ra tại miền Nam Trung Việt (cũng thuộc lãnh thổ Quân khu II), Trung tá Nguyễn Quang Hoành Tiểu khu trưởng Bình Thuận kiêm Tỉnh trưởng Phan Thiết, đã dùng quân thuộc quyền, ngăn cản không cho một đoàn xe bọc thép của Pháp, di chuyển ngang qua lãnh thổ Tiểu khu về Sài Gòn theo lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu QĐQGVN. Khi Bộ TTM biết tin này, gửi điện văn hỏi thì Trung tá Hoành trả lời là: “Thi hành lệnh của Chính phủ, không được để bất cứ đoàn quân nào di chuyển qua lãnh thổ do ông phụ trách về Sài Gòn, nếu không phải là lệnh của chính Thủ tướng Diệm”.

Thúc thủ, Bộ TTM chỉ còn cách trình lên Bộ trưởng Quốc Phòng xử lý. Nhưng vô ích, vì chẳng bao giờ được hồi âm, vì Bộ Trưởng Quốc Phòng là người thân tín của Thủ tướng Diệm đang nắm giữ. Kể từ đó Bộ Tư lệnh Pháp và Bộ TTM/QĐQGVN cảm nhận được rằng, Thủ tướng Diệm đã thực sự nắm được một số cấp chỉ huy trong Quân đội, đặc biệt tại miền Trung Việt Nam.

Sau vụ này, Trung tá Nguyễn Quang Hoành được Thủ tướng Diệm thăng cho cấp đại tá, đồng thời bổ nhiệm lên làm Tư lệnh Quân khu II, thay thế Đại tá Trương văn Xương bị ngưng chức và giải ngũ. (Ông Xương gốc thuộc Lực lượng Giáo phái Cao Đài, được Pháp gắn cấp bậc đại úy và giao cho làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 VN tại Bặc Liêu, Nam Việt, một trong 3 Tiểu đoàn VN đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Quốc gia thành lập vào ngày 1-10-1949. Tất cả quân sĩ thuộc Tiểu đoàn 1 này cũng gốc Lực lượng Giáo phái Cao Đài như ông Xương.)

Vào cuối năm 1954, Chỉ huy trưởng Viễn Thông Bộ TTM/QĐQGVN (Thiếu tá Richard) bắt chước theo sự cải tổ các cơ cấu chỉ huy TT của Bộ Tư lệnh Quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương, đề nghị sát nhập Sở Mật Mã Bộ TTM do Tôi phụ trách vào Bộ Chỉ huy Viễn Thông Bộ TTM, với danh hiệu mới là PHÒNG MẬT MÃ TRUNG ƯƠNG. Nhưng Phòng MMTU chỉ trực thuộc Chỉ huy trưởng Viễn thông (lúc đó là Thiếu tá Richard, sau này được thay thế bởi Trung tá Platwet Roundil) về phương diện quản trị Quân số và Hành chánh mà thôi, còn về phương diện Tổ chức, Kỹ thuật, và Chỉ huy điều hành các Hệ thống Mật Mã, Trưởng Phòng MMTU vẫn trực thuộc thẳng Tổng Tham Mưu Trưởng. Do đó hai vụ việc kể trên tại miền Trung có ảnh hưởng quan trọng đến các Hệ thống Mật Mã trong toàn Quân đội, nên Đại tá Trần văn Đôn Tham mưu trưởng Bộ TTM, đã chỉ thị Tôi phải đích thân ra Nha Trang thanh tra để có những biện pháp tức thời tại chỗ. Đồng thời, ông cũng chỉ thị Tôi thâu lượm các tin tức chính xác về tinh hình và tinh thần quân sĩ trong các đơn vị tại địa phương, về báo cáo lên Trung tướng Nguyễn văn Hinh Tổng Tham Mưu Trưởng.

Khoảng tháng 3-1955, khi Pháp khởi sự chuyển giao các Chức vụ Chỉ huy các Cơ quan đầu não Trung ương và Địa phương cho sĩ quan Việt Nam đảm nhận, thì tại Bộ Chỉ huy Viễn Thông Bộ TTM, Trung tá Platwet Roundil đang làm Chỉ huy trưởng Viễn Thông. Ông Platwet Roundil nguyên là Huấn luyện viên ngành Hữu tuyến tại Trường Truyền Tin Montargis hồi năm 1950 (năm mà anh Khương và Tôi cùng theo học khóa sĩ quan Truyền Tin, cùng với các thiếu úy Bộ binh Pháp mới tốt nghiệp Trường Võ bị Lục quân Saint Cyr “Khóa Général Frère” từ Coetquidan chuyển đến). Do đó đối với Tôi, ông Platwet Roundil có cảm tình nhiều vì là Thầy Trò cũ, nên trong việc điều hành Ngành Mật Mã bị sát nhập vào Bảng Cấp số các đơn vị Truyền Tin, Tôi không phải vất vả đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho nhân viên Mật Mã, như hồi còn Thiếu tá Richard làm Chỉ huy trưởng Viễn thông trước ông Platwet Roundil.

Trước khi Sở Mật Mã Bộ TTM bị sát nhập vào Bộ Chỉ huy Viễn thông, Tôi đã được Bộ Quốc Phòng yêu cầu giúp Nha Đổng lý, thiết lập một Hệ thống Mật Mã đặc biệt để liên lạc giữa Bộ Quốc Phòng và các Tùy viên Quân lực tại các Tòa Đại sứ Việt Nam trên toàn Thế giới, và hướng dẫn cho các Tùy viên Quân lực biết cách sử dụng. Nhân đó, Tôi đã trình Tổng Tham Mưu Trưởng một Dự án thành lập Sở Mật Mã và Mã Thám (MM và MT) trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Theo dự án này, tương lai sẽ có các Phòng Mật Mã riêng biệt cho: -Tùy viên Quân lực, -Lục quân, -Không quân, -Hải quân, và các Phòng này sẽ nằm thẳng dưới quyền Chỉ huy trực tiếp về kỹ thuật, và tuyển dụng huấn luyện chuyên viên, của Sở MM và MT Bộ Quốc Phòng. Trước khi Dự án chuyển trình lên Bộ Quốc Phòng, Trung tá Platwet Roundil Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ TTM đã được Tham mưu trưởng Bộ TTM hỏi ý kiến, và ông ta đã nhiệt liệt hỗ trợ Dự án của Tôi. Nhận được Dự án, ông Đổng lý Bộ Quốc Phòng đã mời Tôi lên để trình bày và thảo luận chi tiết về lập Bảng Cấp Số cho Sở MM và MT đề nghị này. Sau này, ngay khi anh Khương được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Viễn thông (thay Trung tá Giả định (grade fictif) Lương Thế Soái) cũng đã được Bộ Quốc Phòng yêu cầu cùng với Tôi lên trình bày thêm chi tiết về Dự án. Trước mặt ông Đổng lý Bộ Quốc Phòng, anh Khương cũng đã nhiệt liệt tán thành Dự án do Tôi đệ trình từ trước. Rất tiếc không hiểu vì sao, về sau Dự án bị lãng quên trong im lặng.

Để chuẩn bị bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ TTM cho sĩ quan Việt Nam, trước nhất ông Platwet Roundil tìm lựa một người giữ chức Tham mưu trưởng cho Bộ Chỉ huy.

Làm như mỗi người đều có những chu kỳ vận hạn cơ may riêng run rủi sao đó, nên đúng thời gian ấy, anh Nguyễn Hữu Chi vừa mãn khóa sĩ quan Truyền Tin ở Montargis bên Pháp về trình diện, Tôi có dịp tiếp xúc trao đổi chuyện trò, thấy anh ấy người cao ráo đẹp trai, dáng bộ tinh thần hăng hái tốt bạn. Nhờ thế, trong một dịp tiếp xúc bàn thảo công việc với Trung tá Platwet Roundil tại văn phòng, ông ấy hỏi ý kiến Tôi về việc muốn chỉ định anh Chi làm Tham mưu trưởng, Tôi nhiệt liệt tán thành ngay.

Về chức vụ Chỉ huy trưởng Viễn Thông, Trung tá Platwet Roundil có đưa ý kiến muốn giao cho Tôi, nhưng Tôi đã từ chối không nhận, và đề nghị giao cho Thiếu tá nhiệm chức (Commandant fonctionnel) Lương Thế Soái đang làm việc tại Bộ Chỉ huy Viễn thông bấy lâu nay. Hai lý do khiến Tôi từ chối không nhận là:

1. Vụ các đơn vị tại miền Nam Quân khu II, họp nhau ly khai chống Tướng Hinh Tổng Tham Mưu trưởng, Tôi đã được cử ra Thanh tra về Mật Mã và tìm hiểu tình hình tại chỗ, đã ghi nhận được là Phong trào ủng hộ Thủ tướng Diệm do Thiếu tá Đỗ Mậu cầm đầu, có dự tính đề bạt Thiếu tá Nguyễn Khương (sĩ quan Truyền Tin Phân khu Duyên Hải Nha Trang, trong cuộc hành quân chiêu hồi Thiếu tá Thái Quang Hoàng, đã bỏ hàng ngũ đi theo Thiếu tá Hoàng vào chiến khu) về làm Chỉ huy trưởng Viễn Thông. Ngoài ra, tin tức của Trưởng Ban Mật Mã Phân khu Duyên Hải Nha Trang (Trung úy Trương văn Tàng) còn cho biết thêm là, anh Khương sẽ đem theo một số sĩ quan và chuyên viên Truyền Tin thuộc Đại đội 7 Truyền Tin về làm việc với mình tại Sài Gòn.

2. Tôi đã trình Dự án thành lập Sở Mật Mã và Mã Thám tại Bộ Quốc Phòng, đang có nhiều triển vọng thuận lợi thành tựu, nên muốn tiếp tục phát triển cái Ngành Chuyên Môn mà mình đã có công xây dựng cho Quân đội bấy lâu nay.

Do đó, Tôi không nhận lời, nên Trung tá Platwet Roundil đã đề nghị cho Thiếu tá Lương Thế Soái được mang cấp bậc trung tá Giả định (Lieutenant Colonel fictif, mang lon nhưng không được ăn lương và thâm niên của cấp bậc) và nhận lãnh chức Chỉ huy trưởng Viễn Thông Bộ TTM đầu tiên cho Ngành Truyền Tin của QĐQGVN.

Đúng như ước đoán của Tôi, sau khi vụ Trung tướng Nguyễn văn Hinh được giải quyết xong, Tổng Tham Mưu Trưởng mới (Tướng Lê văn Tỵ) được an vị, Thiếu tá Nguyễn Khương được đưa về Bộ TTM, và mang theo về Sài Gòn một số sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ Truyền Tin bấy lâu nay ủng hộ anh Khương tại Nha Trang.

Trong thời gian chưa có lệnh chính thức bổ nhiệm, anh Khương ghé tới nhà thăm xã giao Vợ Chồng tôi, với tư cách bạn cũ tốt nghiệp cùng khóa sĩ quan, lại được qua Pháp học Truyền Tin cùng một niên khóa. Trong câu truyện tình cảm bạn bè, anh Khương ngỏ lời nhờ Tôi hướng dẫn đến thăm Cơ sở Phòng 6 (6ème Section), do Trung tá Trần Đình Lan chỉ huy, ở gần chợ Bà Chiểu (Gia Định). Tôi có hỏi tại sao? Thì anh ấy trả lời là “Ở Trên” muốn anh ấy làm Trưởng Phòng 6, nên muốn có cơ hội đến thăm thú trước. Tôi hỏi thêm, là sĩ quan Truyền Tin tại sao không làm Chỉ huy trưởng Viễn Thông, mà lại đi nhận làm công tác “phản gián điệp”? Anh ấy cũng trả lời là “Ở Trên” chỉ thị nên phải thi hành. Hồi đó từ lóng “Ở Trên” thường được mấy anh theo nhóm ủng hộ Thủ tướng Diệm dùng để ám chỉ Thủ tướng Diệm, sau này lại đổi là “Cụ dạy, Cụ chỉ thị, Cụ muốn...” Tôi đã giúp anh ấy thực hiện được ý muốn, bằng cách dẫn anh ấy đi theo Tôi trong đoàn thanh tra cơ sở Mật Mã tại Phòng 6.

Nhưng trong thâm tâm, Tôi nghi rằng anh ấy muốn nhờ Tôi giúp sức, để làm lạc hướng “đối thủ” chính của anh ấy tại Bộ Chỉ huy Viễn Thông yên tâm không đề phòng, sẽ bị bất ngờ không xoay sở kịp để phá rối làm trì hoãn việc ban hành lệnh bổ nhiệm anh ấy về làm Chỉ huy trưởng Viễn thông mà thôi.

Sự nghi ngờ của Tôi quả không sai. Mấy ngày sau, khi lệnh bổ nhiệm Thiếu tá Nguyễn Khương làm Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ TTM được chính thức ban hành, thì Trung tá (Giả định, fictif) Lương Thế Soái bị bắt giam điều tra và cho giải ngũ. Chắc hẳn đây là miếng đòn phủ đầu, anh Khương muốn dùng để dằn mặt những ai, trong tương lai có ý không chịu tuân phục uy quyền của anh ấy trong chức vụ Chỉ huy trưởng Binh chủng Truyền Tin QĐQGVN.

Sau khi chính thức ngồi vào ghế Chỉ huy trưởng Viễn thông Bộ TTM, anh Khương lập tức đề nghị bổ nhiệm Trung úy Hà Quang Giác từ Đại đội 7 TT ở Nha Trang về làm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy, thay anh Nguyễn Hữu Chi mới được đặt ngồi vào ghế này chưa bao lâu. Trong khi chờ đợi đi nhận lãnh nhiệm vụ khác, anh Chi được lưu dụng tại Bộ Chỉ huy để giúp cho anh Giác làm quen với chức vụ quan trọng mới của mình. Một số Trưởng Phòng trong Bộ Chỉ huy cũng được thay thế, bằng những sĩ quan do anh Khương và anh Giác đem về theo.

Sau khi được mang cấp bậc trung tá nhiệm chức (grade fonctionnel) và ngồi vào ghế Chỉ huy trưởng Viễn thông, anh Khương mới chính thức mời Tôi diện kiến tại văn phòng Chỉ huy trưởng, để hỏi thăm về tình hình công việc và nhân sự Mật Mã tại Trung ương và các Địa phương. Trong dịp này, anh Khương cho biết là sẽ dẫn đoàn tham mưu của Bộ Chỉ huy thực hiện một vòng Thăm viếng Chỉ huy các Cơ quan và Đơn vị Truyền Tin trên toàn Quốc, và yêu cầu Tôi cùng tháp tùng. Dĩ nhiên Tôi không có lý do gì để từ chối. Vì đây là dịp tốt duy nhất, để Tôi giới thiệu các Sĩ quan Mật Mã tại các Đơn vị Truyền Tin với Tân Chỉ huy trưởng Viễn Thông, và bản thân Tôi có dịp gặp gỡ làm quen với các Đơn vị trưởng Truyền Tin trong toàn Quân đội, một sự tiếp xúc xã giao vô cùng cần yếu cho những quan hệ giao dịch tham mưu trong tương lai.

Qua cái gương của Trung tá Giả định Lương Thế Soái, nên trong lần gặp gỡ chính thức công vụ đầu tiên này, Tôi đã thực lòng nói với anh Khương là Tôi có ý định nộp đơn xin ra khỏi Ngành Truyền Tin, để tránh cho anh Khương những trường hợp khó xử sau này có thể làm sứt mẻ tình bạn đồng khóa, vì những hành động không đẹp có thể xảy ra, do các cộng sự viên đàn em của anh ấy trong công vụ hàng ngày đối xử với Tôi.

Anh Khương đã nghiêm trang nói rằng, là Chỉ huy Trưởng anh ấy sẽ không bao giờ dung túng đàn em làm bạy, do đó chắc chắn sẽ không thể nào có những trường hợp như vậy xảy ra. Anh Khương còn khẩn khoản yêu cầu Tôi, vì tình anh em đồng khóa, lại từng được xuất ngoại du học cùng một Ngành Chuyên môn với nhau, cùng có những ưu tư của tuổi trẻ muốn xây dựng trẻ trung hóa Quân đội... nên hãy ở lại trong Binh chủng để anh em tiếp tay nhau củng cố vun đắp cho Ngành Truyền Tin mau vững mạnh. Anh ấy cũng nói là sẽ trình qua hệ thống Quân ủy riêng của Phong trào, để xin trình lên “Cụ” về kế hoạch lập Sở Mật Mã và Mã Thám tại Bộ Quốc Phòng do Tôi đệ trình, sớm được duyệt xét thành lập. Anh ấy có dẫn Tôi vào thăm xã giao Thiếu tá Huỳnh văn Cao, đang làm việc tại Võ phòng Phủ Thủ tướng. Ngoài ra, Anh ấy còn nhắc lại những kỷ niệm cũ, anh em đồng khóa đã chia sẻ suốt thời gian sống trong Trường Võ bị bên bờ sông Hương, và những buổi chiều Thu Đông xa xứ ngồi bên nhau ngắm lá vàng rơi bàn luận về thời cuộc đất nước tại Montargis bên Pháp... để muốn gián tiếp chứng minh rằng, anh ấy không thuộc loại người “giầu đổi vợ, sang đổi bạn”. Tôi yêu cầu cho thời gian 2 ngày để suy nghĩ lại, trước khi trả lời dứt khoát.

Tôi đã về thảo luận với anh em trong Phòng MMTU. Ai cũng muốn Tôi ở lại để tiếp tục bảo vệ và phát triển Ngành Mật Mã và Mã Thám, mà chúng tôi đã cùng nghiên cứu trình lên Bộ Quốc Phòng, đang có nhiều triển vọng được thành tựu.

Chiều thứ bảy không làm việc, nghỉ ở nhà, Tôi mở Album gia đình xem các ảnh kỷ niệm về thời gian ở Trường Võ bị. Những bức ảnh đen trắng ghi các sinh hoạt trong lớp học, trong nhà ăn, trong những khu rừng làng xóm nơi thao luyện tác chiến, những pha tranh đấu thể thao tại sân trường, bơi lội tắm giặt trong dòng sông Hương... Có anh Khương, có Tôi cùng hơn sáu chục bạn khác cùng khóa. Ngoài những tấm hình này, còn có mấy tấm chỉ có anh Khương và Tôi chụp chung, trên chiếc tầu biển Cyrénia của Hy Lạp chở chúng tôi đi từ Sài Gòn qua Marseille Pháp, trên bến cảng Pyrée và bên các lâu đài cổ xây bằng đá khối của Thủ đô Athène nước Hy Lạp (nhờ tầu Cyrénia ghé cho thủy thủ đoàn thăm gia đình 48 tiếng, nên chúng tôi có may mắn được thăm viếng, ngoài chương trình dự trù cho cuộc hải hành chính thức), tại sân trường Truyền Tin Montargis đứng bên các chồng bia đá hoa cương vuông ghi tên và năm của từng khóa sĩ quan Saint Cyr tốt nghiệp đã theo học.

Ngoài những tấm ảnh, còn có một trang giấy nhỏ ghi bài thơ, có chữ ký của anh Khương và chữ ký của Tôi. Đây là những vần thơ cảm tác liên ngâm, và ghi lại lúc chúng tôi cùng ngồi bên nhau trong phòng ngủ, nhìn qua khung cửa sổ kính rộng, ngắm cảnh thác lá vàng lià cành, theo từng đợt gió, trút xuống phủ đầy mặt đất, vào một buổi chiều Thu sang Đông cuối năm 1950, tại khu Cư xá Sĩ quan độc thân của Trường Truyền Tin, xây dựng bên rừng cây phía sau nhà Ga xe hỏa Montargis.

Bây giờ những vật lưu niệm quý giá đó không còn trong tay Tôi nữa, vì 30-4-1975 cộng sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam, gia đình Tôi cư ngụ trong Cư xá Sĩ quan Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, nên tất cả gia sản, giấy tờ, hình ảnh đều bị tước đoạt hết chẳng còn gì. Nhưng trí nhớ của Tôi thì không ai có thể tước đoạt được, ngoại trừ tình trạng lẩm cẩm của tuổi già bệnh hoạn. Lúc này Tôi vẫn còn nhớ rõ mấy vần thơ đó, xin ghi ra đây để các Bạn cùng chia sẻ.

Tựa bài thơ là “Chiều viễn xứ”. Tôi khởi xướng 4 câu đầu, anh Khương làm tiếp 4 câu sau:

Thác lá vàng rơi một bóng ngồi,
Nắng Thu tàn rụng vạn tia trôi.
Ngổn ngang trăm nỗi sầu non nước,
Canh cánh ngàn thương nhớ bạn đời...

*

Bạn ơi, có nuối tiếc chớ nhớ người cô phụ.
Dặm đường dài đang còn lắm chông gai.
Hăng hái lên Ta xây dựng tương lai.
Dệt mộng lớn thanh niên huy hoàng rực rỡ...


(
Xin lưu ý là hồi đó Tôi mới cưới vợ chưa đầy một năm thì phải đi du học, còn anh Khương đã lập gia đình từ trước thời gian theo học khóa sĩ quan tại Trường Võ bị tại Huế năm 1948-1949.)

Sau bữa cơm tối, Tôi thủ thỉ nói chuyện với Vợ tôi về những thay đổi trong Sở làm, và hỏi ý kiến xem nên ở hay nên ra khỏi Ngành Truyền Tin. Vì khi mới vào Sài Gòn, anh Khương có đến nhà thăm chúng tôi, và Tôi quan niệm rằng các Bà thường được Trời phú cho cảm tính bén nhậy về việc nhận xét người đối diện chính xác hơn đàn ông. Vợ tôi đã góp ý rằng: “Cái anh bạn người Trung mới tới thăm bữa trước, thấy qua cung cách cử chỉ và lời nói, thì không phải là người không biết trọng tình nghĩa bạn bè đâu. Có thể tin cậy cộng tác được.”

Do đó, sáng thứ Hai, sau buổi chào cờ sáng đầu tuần tại Bộ Tổng Tham Mưu (mọi người phải tham dự), Tôi đã vào văn phòng Chỉ huy trưởng gặp anh Khương để trả lời bằng lòng ở lại trong Binh Chủng cộng tác với anh ấy. Ngay dịp này, anh Khương đã đưa ý kiến, yêu cầu Tôi dùng nhân viên Phòng Mật Mã Trung ương giúp anh ấy thực hiện một số công việc ngoài kỹ thuật, gồm:

1. Tiếp tay vận động lập “Phong trào Cách Mạng Quốc gia” trong các Đơn vị Truyền Tin tại Trung ương.

2. Phụ trách thực hiện giờ “Tiếng nói Truyền Tin” hàng tuần trên làn sóng Đài Phát thanh Quân đội.

3. Thực hiện một bản Thông tin Nội bộ Truyền Tin định kỳ, gồm đủ các mục kỹ thuật, chính trị, văn hóa xã hội, để phổ biến đến các đơn vị Truyền Tin và các Binh chủng khác trong Quân đội nhằm giới thiệu về ngành Truyền Tin. Bản Thông Tin này đã được đặt cho một cái tên rất hay “SÓNG VIỆT”.

Dĩ nhiên là Tôi phải nhận, vì hầu như mọi người tại Bộ Chỉ huy Viễn thông Bộ TTM cũng như các BCH Viễn thông Quân khu đều biết rằng, Phòng MMTU lúc bấy giờ là một khối “đoàn kết huynh đệ chi binh thiệt tình” trong công vụ cũng như ngoài công vụ, và gồm một số anh em có ít nhiều khả năng về đủ mọi bộ môn cần yếu, để tiếp tay trong các dự án cách mạng to lớn của anh ấy. Việc học tập chính trị trong Quân đội, trong các Cơ quan Hành chánh, trong quảng đại quần chúng, lúc bấy giờ được thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Diệm, muốn thực hiện một cách đại quy mô chương trình giáo dục cho toàn dân tinh thần “chống Cộng bài Phong” để cách mạng hóa xã hội, chuẩn bị thay đổi thể chế chính trị tại miền Nam Việt Nam.

Anh Khương cũng đã giới thiệu với Tôi, 3 người cộng sự mà anh ấy đem theo từ Nha Trang về, thường xuyên tiếp xúc với Tôi để giải quyết những việc cần yếu, đặc biệt là việc thành lập “Phong trào Cách mạng Quốc gia” và làm sao cho mọi người hăng say tham gia ý kiến trong các buổi “học tập chính trị xây dựng tinh thần chống Cộng bài Phong” hơn các Binh chủng khác.

1. Người thứ nhất được anh Khương giới thiệu với Tôi và anh em thuộc Phòng MMTU, là Trung úy Nguyễn văn Thành (cháu gọi Trung úy Nguyễn Bỉnh Thiều đang làm việc tại Phòng MMTU bằng Chú). Anh Thành là một người trẻ trung, hăng say nhiệt huyết, cho đến bây giờ Tôi vẫn còn có cảm tình đặc biệt. Sau này, mặc dù Tôi đã ra khỏi Binh chủng Truyền Tin, mỗi lần gặp Tôi anh Thành vẫn có thái độ quý mến thân thiện như người vẫn còn trong cùng Binh chủng. Một kỷ niệm không bao giờ Tôi quên được về anh Thành là, sau 30-4-1975 anh Thành và Tôi cùng phải đi học tập cải tạo nhưng khác nơi. Mãi đến năm 1983, chúng tôi mới gặp nhau tại Trại Hàm Tân Z30C, trong tỉnh Thuận Hải thuộc miền Đông Nam phần. Chúng tôi ở 2 Đội khác nhau, nhưng ở chung một dãy nhà giam nên gặp nhau hàng ngày, và anh Thành lại nấu cơm ăn chung với Chú của anh ấy là Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, người cùng một Đội cải tạo với Tôi. Anh Thành được tha ra khỏi Trại giam trước chúng tôi. Qua đầu năm 1984, anh Quỳnh và cả Đội Tù đại tá chúng tôi bị chuyển sang Trại Thủ Đức Z30D. Vợ anh Quỳnh đến trại thăm nuôi anh ấy, có chuyển cho Tôi 200 đồng bạc Cụ Hồ, do anh Thành nhờ đem vào tiếp tế cho Tôi “bồi dưỡng”, vì trong thời gian đó Ban Chỉ huy Trại giam làm ngơ cho Cán bộ Quản giáo mua giùm Tù các loại thực phẩm ngoài chợ như: đậu phụ, lạc (đậu phộng), trứng sống. (Từ bồi dưỡng là của cộng sản dùng cho cả người và súc vật, có nghĩa là ăn uống thêm các thực phẩm để bồi bổ sức khỏe.)

2. Người thứ hai, là Thiếu úy Đỗ như Luận (thân thích của Đại tá Đỗ Mậu mới được Thủ tướng Diệm đem từ Nha Trang về làm Giám đốc Nha An ninh Quân đội) chẳng xa lạ gì đối với Tôi. Vì hồi năm 1953 anh Luận làm sĩ quan Truyền Tin kiêm Sĩ quan Mật Mã tại Khu Truồi tỉnh Thừa Thiên (khoảng giữa đường từ Huế đi Đèo Hải Vân), Tôi đã có dịp đến thanh tra để hướng dẫn về kỹ thuật, về các quy luật an ninh nhân viên, bảo vệ tài liệu và cơ sở Mật Mã.

Cái kỳ gặp gỡ anh Luận lần đầu tiên ấy, đã lưu lại trong Tôi một kỷ niệm khó quên. Anh Luận hướng dẫn chúng tôi đi thăm một đơn vị đóng sát bờ biển vùng Lăng Cô, nhân đó ghé thăm căn Nhà Mát dành riêng cho quý vị cao cấp trong Chính quyền Sài Gòn mỗi lần ra công tác nghỉ ngơi đổi không khí. Thường Quý vị ấy ra bằng trực thăng, nhưng chúng tôi thì đi bằng xe jeep quân đội. Đường đi thật là vất vả, phải băng qua vùng cát trắng nóng như sa mạc. Xe phải gài cần hiệu chỉnh dùng cả 4 bánh, và tốc độ chạy không quá 4 dặm (miles) 1 giờ. Không khí bốn bề quanh xe, bị mặt trời đốt cháy hiện ra long lanh như một lồng kính bao quanh xe chúng tôi. Máy xe nóng và bốc khói. Chúng tôi phải cố gắng chịu đựng lết mãi mới tới một khu nhà có người ở (tu viện nhỏ của các Nữ Tu Công giáo) giữa vùng sa mạc nhỏ. Qua cung cách cư xử, cho thấy hình như các Dì phước ở đây quen thân với anh Luận, đã vồn vã tiếp đón và cho chúng tôi uống những ly “hột ké” ngâm nước mưa. Cổ họng đang khô rang, được nuốt một hơi những “hột ké” trắng đục nở tròn xoe trong nước như những hột thạch, với cái vị chua chua nhơn nhớt man mát, làm cho sảng khoái tinh thần hết chỗ nói. Thật là tuyệt diệu, lúc đó tưởng chừng trên trái đất này không có món giải khát nào ngon hơn thế.

Một sự kiện thứ hai, xảy ra vào cuối năm 1960, đã khiến tình “huynh đệ chi binh” giữa anh Luận và Tôi trở nên thắm thiết hơn. Số là vào đêm 11-11-1960, nhóm các ông Nguyễn chánh Thi, Vương văn Đông mưu lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm không thành, lúc đó Tôi đang là Thiếu tá Giám đốc Trường Truyền Tin tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức. Đến sáng ra, Tướng Lê văn Nghiêm vu cho Tôi là tiếp tay với Tiểu đoàn Nhảy Dù đóng tại Quận lỵ Thủ Đức vào chiếm Liên trường, để ngăn cản không cho quân Liên trường do ông ấy chỉ huy đem về Sài Gòn cứu nguy Tổng thống Diệm. Tướng Nghiêm đã phạt Tôi 10 ngày trọng cấm, trả về Bộ Tổng Tham mưu với yêu cầu đưa ra Hội đồng kỷ luật Bộ Quốc Phòng xét xử cùng lượt với những người trong nhóm đảo chánh đã bị bắt. Đồng thời Tướng Nghiêm cử ngay Đại úy Võ Trịnh Trọng (Phó Giám đốc, đã từng là tay em tại miền Trung trước kia của Tướng Nghiêm) lên thay Tôi. Lễ bàn giao phải được tổ chức cấp tốc dưới sự chủ tọa của Tướng Nghiêm trong vòng 24 giờ. Ngay sau buổi lễ bàn giao chức vụ, nhân viên của Phòng 1 Bộ chỉ huy Liên trường đến trao Sự vụ lệnh cho Tôi phải trình diện Bộ Chỉ huy Viễn Thông Bộ Tổng Tham Mưu vào ngày hôm sau.

Tướng Nghiêm trước kia làm Tư lệnh Quân Khu II, bị Tổng thống Diệm thất xủng cất chức Tư lệnh Quân Khu đưa về coi Liên trường Võ khoa Thủ Đức từ mấy năm qua. Nay nhờ dịp Nhảy Dù làm đảo chính, Đại úy Trọng (người thân tín của Tướng Nghiêm từ hồi còn ở Quân Khu, vì Thiếu úy Trọng được Tướng Nghiêm gọi đến nhà hàng ngày để kèm ngoại ngữ cho các con ông ấy) đang làm việc tại Trường Truyền Tin nhưng vì Liên Trường chưa có cư xá gia binh để cấp cho cư ngụ trong Liên Trường, nên hằng đêm Tôi ký giấy cho phép cho về Sài Gòn ở với gia đình thay vì buộc phải ngủ tại phòng các sĩ quan độc thân của Liên trường, nhờ thế theo dõi được tình hình thực tế của cuộc đảo chánh tại Sài Gòn đang gặp khó khăn, nên nửa đêm đã vội vã chạy lên Liên Trường vào báo cáo thẳng cho Tướng Nghiêm biết. Tướng Nghiêm lập tức giao cho Đại úy Trọng làm sĩ quan Truyền Tin phụ trách việc dùng hệ thống truyền tin của Liên Trường liên lạc với Phủ Tổng thống để bày tỏ lòng trung thành với Tổng thống. Nhờ thế nên sau vụ đảo chính hụt này của phe các ông Thi và Hồng Nhảy Dù, Tướng Nghiêm được tin dùng trở lại, cho lên làm Tư lệnh Biệt khu Thủ đô Sài Gòn để bảo vệ Tổng thống.

Trong Binh chủng Truyền Tin, ai cũng biết tiếng anh Võ Trịnh Trọng là vua đảo chánh tại các đơn vị Truyền Tin miền Trung, khi Tướng Nghiêm còn làm Tư lệnh Quân Khu. Sau khi theo học khóa Truyền Tin tại Hoa Kỳ trở về, không ai chịu nhận vào đơn vị của họ, lại không có chỗ cho anh Trọng làm đơn vị trưởng, nên anh Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông đã điện thoại về Trường mời Tôi lên gặp, trình bày sự thật và khẩn khoản nhờ Tôi nhận về Trường làm huấn luyện viên. Để giúp anh Khương giải quyết khó khăn, Tôi đồng ý nhận, và khi Đại úy Trọng về trình diện tại Trường, Tôi đã đề nghị lên Tướng Lê văn Nghiêm Chỉ huy trưởng Liên trường cử anh Trọng làm Phó Giám Đốc.

Tôi đến trình diện Bộ Chỉ huy Viễn thông vào đúng lúc đang diễn ra tiệc rượu do anh em tổ chức để chia tay Đại tá Nguyễn Khương bị cất chức, bàn giao cho Trung tá Khổng văn Tuyển đang làm Chánh Sự vụ Sở Vật liệu Truyền Tin kiêm nhiệm. Đại úy Nguyễn Bá Di, Phụ tá tại Sở Vật liệu TT cũng được Trung tá Tuyển mang sang làm Tham mưu trưởng thay thế Thiếu tá Hà Quang Giác cũng bị cất chức đưa ra khỏi Binh chủng Truyền Tin như Đại tá Khương. Thiếu tá Nguyễn văn Tiến Chỉ huy phó Viễn thông thì bị An ninh Quân đội bắt giữ điều tra.

Trong buổi tiệc chia tay đơn sơ này, có cả sự tham gia của Đại úy Đỗ Như Luận, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TT Bộ TTM. Thấy Tôi, anh Luận mừng rỡ hỏi thăm vồn vã, tưởng Tôi cũng được mời về cùng anh em tham dự tiệc chia tay Đại tá Khương và gặp mặt Chỉ huy trưởng mới. Tôi đã thì thầm kể riêng cho anh Luận nghe vụ việc của Tôi. Sau khi hiểu rõ đầu đuôi, anh ấy đã hứa là sẽ tiếp xúc với Đại tá Đỗ Mậu coi ngay hồ sơ của Tôi, để giải nạn giùm nếu đúng thật là bị vu khống oan trái. Vài ngày sau, anh Luận cho Tôi biết không có gì phải lo, những người ngay thẳng sẽ có Trời giúp.

Quả đúng vậy, ít ngày sau, Đại úy Võ Đại Khôi Chánh Sự vụ Sở Viễn Thông Bảo An (em rể Trung tá Kỳ quang Liêm con cưng của Cụ, đang làm Giám đốc Nha Nhân viên Bộ Quốc Phòng) sau vụ đảo chánh hụt được thăng cấp thiếu tá nhiệm chức, được bổ nhiệm về làm Chỉ huy trưởng Viễn Thông với cấp bậc trung tá Giả định. Trung tá Tuyển chấm dứt sự kiêm nhiệm, tiếp tục làm Chánh Sở Vật liệu. Đại úy Đỗ Như Luận (thân thích của Đại tá Đỗ Mậu Giám đốc Nha An ninh Quân đội) làm Tham mưu trưởng, vẫn kiêm nhiệm cả chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TT Bộ TTM, thay Đại úy Nguyễn Bá Di đi làm Quận trưởng Gò Vấp. Tôi cũng được Bộ Quốc Phòng ban hành Nghị định bổ nhiệm làm Chỉ huy phó Viễn Thông.

Tôi giữ chức vụ này (năm 1961 đổi là Cục Phó Cục Truyền Tin) cho đến Cách mạng 1-11-1963 vừa xong, thì bị loại ra khỏi ngành Truyền Tin cùng một lượt với Thiếu tá Phan văn Chuân Giám đốc Trường Truyền Tin Vũng Tầu.

Năm 1961 có cuộc cải tổ lớn trong Quân lực. Ngành Truyền Tin thành lập các Phòng 6 phụ trách điều hành việc khai thác các Hệ thống liên lạc TT từ Trung ương xuống địa phương. Bộ Chỉ huy Viễn thông Bộ TTM và Sở Vật liệu TT sát nhập thành Cục Truyền Tin. Các Bộ Chỉ huy Viễn thông Quân khu cải thành Phòng 6. Các Tiểu đoàn Khai thác Truyền Tin và các Tiểu đoàn Yểm trợ Tiếp liệu TT tại các địa phương họp thành các Liên đoàn Truyền Tin. Tại Gò Vấp có Căn Cứ 60 Tiếp vận TT do Đại úy Phùng Ngọc Sa làm Chỉ huy trưởng, và Trung tâm điện ảnh nằm trong doanh trại kế bên do anh Sương (Tôi không nhớ Họ) chỉ huy. Liên trường Võ khoa Thủ Đức giải tán, trả các Trường chuyên môn đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng Cục Quân Huấn Bộ TTM, nhưng trực thuộc các Binh chủng Nha sở liên hệ về kỹ thuật và bổ sung nhân viên. Trường Truyền Tin tại Thủ Đức di chuyển xuống Vũng Tầu, giải tán Trung Tâm Huấn luyện TT giao các phần trách nhiệm của Trung tâm phụ trách xưa nay cho Trường Truyền Tin luôn, Thiếu tá Phan văn Chuân làm Chỉ huy trưởng.

Tháng 12 năm 1963, anh Chuân và Tôi gặp nhau tại Khóa 9 Chỉ huy và Tham mưu tại Trường Đại học Quân sự Đà Lạt. Lúc đó Thiếu tá Nguyễn Đình Tài đang là Huấn luyện viên hướng dẫn làm Phụ bản Truyền Tin cho các loại Lệnh Hành Quân. Mãn khóa vào đầu năm 1964, Tôi đậu Thủ khoa, Tướng Nguyễn Khánh Thủ tướng Chính phủ đến Chủ tọa buổi lễ, trao bằng tốt nghiệp cho Tôi. (Anh Nguyễn Đình Tài nguyên là Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Truyền Tin Vũng Tầu phải đổi lên đây, sau khi Trung tâm bị giải tán để nhập với Trường Truyền Tin.)

3. Người thứ ba được giới thiệu tiếp xúc với Tôi, là một Hạ sĩ tên Hà (Tôi không nhớ Họ của anh ấy). Anh Hà tuy thuộc hàng binh sĩ nhưng có khả năng văn hóa khá, rất thông minh và xông xáo. Theo nhận định của Tôi, thì anh Hà là người có vai vế và rất được tin dùng trong hệ thống Cán bộ chính trị “Cần Lao Nhân vị” và “Phong trào Cách mạng Quốc gia”, đưa về theo anh Khương để hoạt động tại Sài Gòn. Trong khoảng thời gian 1957, Tôi đi học 2 khóa Truyền Tin liên tiếp (sĩ quan TT cao cấp, và sĩ quan Tiếp liệu bảo trì Vật liệu TT) tại Trường Truyền Tin Fort Monmouth, Tiểu Bang New Jersey, có nghe nói anh Hà được thăng lên hàng hạ sĩ quan, rồi sau đó lại được học khóa sĩ quan đặc biệt, theo kế hoạch đào tạo cấp tốc của Bộ Tổng Tham Mưu, nhằm giải quyết nhu cầu thiếu hụt sĩ quan cho các Binh chủng chuyên môn.

Những ngày kế theo buổi gặp mặt chính thức giữa anh Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông mới nhậm chức và Tôi đề cập trên đây, mọi kế hoạch chương trình thực hiện những ước vọng của anh Khương đã được toàn thể anh em thuộc Phòng Mật Mã Trung ương chúng tôi lo toan rất chu đáo toàn hảo. Anh Khương và nhóm thân tín về theo anh ấy rất vui mừng và hãnh diện vì được “Ở Trên” tin tưởng khen thưởng rất hậu hĩ về tinh thần đi tiên phong quảng bá rầm rộ hoạt động của Binh chủng Truyền Tin cả về kỹ thuật lẫn chính trị.

Nhưng một điều đáng buồn là chỉ mấy tháng sau, từ khi tạo được uy tín vững vàng xong, thì anh Khương và nhóm đàn em bắt đầu có những hành động độc đoán, cài người để bắt đầu thanh lọc những người giỏi chuyên môn nhưng không chịu cong lưng ngoan ngoãn tuân theo mệnh lệnh của anh ấy. Từ đó trong Binh chủng Truyền Tin bắt đầu có sự rạn nứt “tình huynh đệ chi binh”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 6
THẾ LỰC CHÍNH TRỊ BẮT ĐẦU XÂM NHẬP KHUYNH LOÁT LÀM ĐẢO LỘN NẾP SỐNG KỶ CƯƠNG CỦA QUÂN ĐỘI

Cuộc “Thanh tra Chỉ huy” đầu tiên của Tân Chỉ huy trưởng Viễn Thông QĐQGVN, Trung tá Nguyễn Khương, khởi sự đi về miền cát trắng Nha Trang bằng đường bộ. Hành trình phát khởi từ Sài Gòn, qua Biên Hòa, Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang (nơi có chiến khu của Thiếu tá Thái Quang Hoàng chống Tướng Nguyễn văn Hinh Tổng Tham Mưu trưởng, ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm, và cũng là điểm xuất phát giúp cho con đường tiến thân thời Đệ Nhất Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam của Thiếu tá Nguyễn Khương, và nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Đại đội 7 Truyền Tin đóng tại Nha Trang), rồi qua Ba Ngòi, Diên Khánh, để vào thành phố Nha Trang. Một thành phố biển sầm uất tại miền Nam Trung phần Việt Nam, có Tháp Bà cổ kính xa xưa của dân tộc Chàm vẫn sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt”, có Hòn Chồng, có viện nghiên cứu Hải Dương học, có Viện Pasteur thiết lập từ năm 1895 của cố Bác sĩ Emile Yersin (1863-1943) người đã phát hiện ra vi khuẩn Dịch Hạch, có Hòn Tre (giống như núi Ngự Bình nổi trên biển cả làm bình phong che cho thành phố), và có hàng dừa cao thơ mộng mọc dài theo bãi tắm dọc đường phố bên bờ Biển Đông.

Sau ngày đình chiến 21-7-1954, Tôi đã lái xe jeep đi đường bộ Thanh tra Mật Mã tại các đơn vị, đóng rải rác trên khắp các nẻo đường đất nước tại miền Nam Vĩ tuyến 17. Suốt từ Sài Gòn đi khắp các tỉnh miền Tây: Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bặc Liêu, Cà Mâu (Tại đây Tôi được thấy khá đông bộ đội Việt Minh mặc đồng phục tác chiến mầu ô-liu, na ná như của binh lính chúng ta, đang lố nhố trong một khu tập trung chờ phương tiện chuyển vận ra Bắc tập kết). Rồi quay trở lại Cần Thơ để đi Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên. Sau đó đi qua các tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Xuân Lộc, Long Thành, Bà Rịa, Vũng Tầu, Thủ Dầu Một, Tây Ninh.

Sau đợt thanh tra tại các tỉnh miền Nam, Tôi tiếp tục đi Thanh tra tại các tỉnh miền Cao nguyên Trung phần Việt Nam: từ Sài Gòn đi qua Thủ Dầu Một, Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đăng, Ban mê thuột, Buôn Hô, Pleiku, Kontum, An Khê (Tại đây Tôi lái xe đâm xập vào nhầm phải một doanh trại đang tập trung bộ đội Việt Minh chờ phương tiện chuyển vận tập kết ra Bắc, ngay giữa phố Quận lỵ. Vào nhầm vì Tiểu đoàn mà Tôi dự trù Thanh tra trước kia đóng tại đó, nhưng sau ngày đình chiến đã di chuyển sang khu rừng cao su cách nơi đó chừng 1 cây số, mà Tôi không được thông báo trước).

Rồi nhân tiện đường, Tôi lái xe đi thẳng xuống các tỉnh duyên hải miền Nam Trung phần Việt Nam: Bình Định, Qui Nhơn, Sông Cầu, Tuy Hòa, Ninh Hòa, Nha Trang, Ba Ngòi, Phan Rang, rẽ lên Đà Lạt, Blao (sau này gọi là Bảo Lộc nơi sản xuất trà), rồi đổ xuống Định Quán băng qua sông La Ngà (nơi có khúc đường vòng “Trận Cua C” do Tướng Việt Cộng Trần văn Trà dàn quân phục kích đoàn “Công voa” quân Pháp sau ngày tái lập Nam kỳ Tự trị gần cuối Thập niên 1940), và sau cùng qua Túc Trưng, Dầu Giây, Trảng Bom, Biên Hòa để trở về lại Sài Gòn.

Phạm vi miền Bắc Trung phần Việt Nam, thì đi máy bay ra Huế, rồi từ đó đi đường bộ lên phía Bắc thăm: Quảng Trị, Đông Hà, xuống phía Nam thăm: Phú Vang, Truồi, Lăng Cô, qua Đèo Hải Vân vào Đà Nẵng, Quảng Nam. Riêng Tam Kỳ và Quảng Ngãi thì chưa đi, vì lúc ấy đường chưa được hoàn toàn an ninh.

Đoạn đường bộ thuộc miền Đông Nam phần, từ Xuân Lộc qua Gia Rai đi Phan Thiết, Phan Rí, Tôi chưa có dịp lăn bánh xe tới. Nên cuộc hành trình đường bộ kỳ này từ Sài Gòn đi Nha Trang, đối với Tôi là một cuộc du ngoạn rất thú vị, không thể bỏ qua. Đặc biệt chuyến du hành này, Tôi được cái vinh dự mời ngồi chung trong xe Peugeot 203 của Chỉ huy trưởng Viễn Thông, chớ không phải dùng xe Jeep riêng của Phòng Mật Mã Trung ương.

Người tài xế lái xe cho anh Khương, là một hạ sĩ quan đứng tuổi, đã từng theo anh ấy bôn ba ra “khu chiến Phan Rang của Thiếu tá Thái Quang Hoàng”. Có thể nói anh tài xế người miền Trung này là một kho truyện sống. Anh ấy vừa lái xe vừa kể hết chuyện vui này đến chuyện giật gân khác, suốt dọc đường. Vì thế, tâm óc mọi người ngồi trên xe bị khích động liên tục, chẳng có một khoảng thời gian nào trống yên tịnh để mà buồn ngủ.

Cảnh vật dọc đường xe chạy qua, đẹp và biến đổi đột ngột, vô cùng hấp dẫn. Xe không trang bị máy điều hòa khí mát, nên phải mở he hé các cửa kính để thoáng hơi thay đổi khí trời từ ngoài vào, lùa hơi nóng trong xe ra cho khỏi ngột ngạt khó chịu. Mùi vị không khí cũng thay đổi đột ngột, tùy theo vùng xe băng ngang. Lúc xuyên rừng mát dịu, thơm thơm mùi hoa dại hoặc mông mốc mùi lá thối ủng. Lúc băng đồng trống cây cỏ cằn cỗi, không khí nóng hun khô lỗ mũi. Lúc dọc theo bờ biển giữa những đồng muối, phản chiếu ánh mặt trời chói chang, bốc hơi nồng nặc mùi tanh tanh của cá biển.

Đặc biệt từ đoạn đường giữa Phan Rang và Phan Rí, thấy rải rác đó đây vài Mộ Tháp của người Chàm với kỹ thuật kiến trúc đặc biệt. Các Mộ Tháp này nổi bật sừng sững bên đường, trông như những người khổng lồ đội Vương miện nhô lên từ lòng đất. Thời gian phong sương đã làm loang lỗ, sứt mẻ, mầu nâu xậm, với đôi chùm cỏ dại, rêu phong, lòi ra từ các kẽ tường nứt chung quanh, trông như những đụn tóc quăn cằn cỗi già nua. Chúng phất phơ trước gió, như muốn chứng tỏ rằng trong khối đất nung gần hóa thạch đó, vẫn còn sinh khí tàng ẩn của những con người thời oanh liệt xa xưa của dân tộc xứ sở Chàm.

Lúc xe đang bon bon ngon trớn, lao đi như mũi tên xuyên đoạn rừng rậm rạp trong khoảng đường giữa Gia Rai và Hàm Thuận, thì bỗng nhiên tài xế bất thần đạp thắng gấp, và lách xe đảo qua đảo lại, tạo ra tiếng xiết “Két! Két! Két!!!” dài ghê rợn vang dội cả khu rừng. Mọi người trong xe bị trọng lực dồn chúi về phía trước, đụng đầu vào lưng ghế trước và mặt kính bên hông xe, xô qua phải, lắc qua trái, theo thế đảo qua lại của xe (vì không có dây nịt an toàn như các xe chúng ta đang dùng tại Hoa Kỳ hiện nay). Xe lết đảo qua đảo lại như thế cả hơn nửa cây số mới ngừng hẳn lại được. May mà các xe Jeep tháp tùng, tốc lực có hạn không chạy kịp để bám sát đít xe Peugeot, nếu không thì cảnh một đoàn xe húc đít nhau dồn cục, văng lộn xà ngầu ra tứ phía và bốc cháy, chắc chắn đã xảy ra vô cùng thê thảm.

Thật là hú viá! Anh Khương và Tôi ngồi ghế sau, mê mải thả tầm mắt ngắm cảnh hai bên đường vùn vụt chạy lui, tai lắng nghe truyện kể, giật mình ngơ ngác chẳng biết truyện gì xảy ra cho xe. Cơn sửng sốt chợt qua đi, anh tài xế với giọng hổn hển nhát gừng, kể rằng: “Bỗng dưng, thấy có một khối đen đen thật to, cao chừng nửa mét, rộng cả mét đường kính, xuất hiện thủng thẳng bò qua mặt lộ, phía trước cách xe khoảng mấy trăm mét. Chắc chắn không phải mô ụ đắp trên mặt lộ, nên bằng mọi giá phải thắng gấp lách tránh hắn, chớ để xe đụng nhằm hắn thì xe sẽ lộn vòng móp bẹp tan tành nguy hiểm. Đến gần mới biết là con rùa khổng lồ.”

Lý do thật chính đáng, anh tài xế đã phản ứng kịp thời, giữ được vững tay lái một cách tài tình thiện nghệ. Nếu không, với tốc độ nhanh cả 120 cây số/giờ mà đâm xầm vào khối mu rùa cao nửa mét rộng 1 mét đó, chắc chắn xe sẽ lật nhiều vòng, nát rúm, rồi bốc cháy, thì hôm nay Tôi chẳng còn ngồi đây viết lại truyện cũ cho các Bạn đọc. Và, bên lề đường Quốc lộ 1 xuyên Việt giữa khu rừng già âm u rậm rạp, nơi ranh giới 2 tỉnh Biên Hòa-Phan Thiết ấy, bây giờ chắc chắn có một Miếu nhỏ bỏ lây lất, để hàng ngày các tài xế xe đò chở khách qua lại, dừng xe xuống thắp mấy nén nhang, cúng vài chiếc bánh ít, bánh ngọt, trái cây tươi, để vái lạy cầu xin các vong hồn uổng tử phù hộ cho họ “thượng lộ bình an, đi đến nơi về đến chốn được an lành vô sự”.

Thoát nạn, hoàn hồn, anh tài xế còn định đề nghị lùi xe lại, rinh con rùa nhốt vào hòm sau xe để tối xả thịt nhậu cho giải xui, nhưng không ai đồng ý. Anh ấy bèn đến bên con rùa đang bò bên lề đường, lật cho nó nằm ngửa trên mu. Nó chịu trận chổng 4 cẳng lên trời, ngo ngoe đầu và chân tìm cách lật xấp trở lại nhưng vô hiệu. Chắc là anh tài xế muốn phạt nó, vì tội băng qua đường không chịu ngó trước ngó sau để làm cản trở lưu thông nguy hiểm. Thấy mà tội nghiệp, chẳng biết đến lúc nào con rùa khổng lồ đó mới tự lật úp xuống được, hay cứ phải nằm đó chờ đến khi có một “hiền nhân” nào đó đi ngang thấy giải cứu cho.

Sau khi kiểm soát lại tình trạng các bánh xe và máy móc, xe tiếp tục cuộc hành trình. Các câu truyện chống buồn ngủ được chuyển hướng, xoáy vào đề tài nói về các điềm hên xui dự báo trước, cho người đi xa thường gặp lúc mới bước chân ra khỏi nhà. Gặp gái, gặp mèo, gặp đám cưới thì xui. Gặp trai, gặp chó, gặp đám ma thì hên, vân vân và vân vân. Chẳng biết xe chở chúng tôi, sáng hôm đó ra khỏi cổng nhà của Chỉ huy trưởng Viễn Thông, bắt đầu lăn bánh trên đường phố, gặp phải triệu chứng dự báo nào?

Nhờ cái hên bất ngờ vừa xảy ra, nên anh tài xế không còn dám ỷ vào cái tài lái xe nhanh, xung mãn máu anh hùng phản ứng mau lẹ của mình nữa. “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, “Cẩn tắc vô ưu”, tốc độ xe được giữ ở mức trung bình đều đều trên dưới 60 cây số/giờ cho được an toàn, đồng thời đợi các xe Jeep chạy tốc độ chậm, theo kịp để họp đoàn đi cho vui, và có thể giúp đỡ nhau mỗi khi chẳng may gặp trục trặc máy móc trên đường trường, vắng bóng xe qua lại.

Vào sâu trong địa phận Phan Thiết, đoàn xe chạy ngang một khu làng có cây cối um tùm. Xa xa có ngọn đồi mang trên đỉnh nó mấy dãy nhà gạch kiến trúc theo kiểu Âu Tây, trông oai vệ cổ kính sừng sững nổi bật trên nền trời, như một lâu đài tân thời của một Vương Tước cận đại nào đó. “Đồi Ông Hoàng”! Đúng là “Đồi Ông Hoàng”, nơi ngày xưa các quan Tây đô hộ và các yếu nhân của Triều đình nhà Nguyễn thời Vua Bảo Đại, thường lui tới nghỉ xả hơi tránh không khí ngột ngạt của phố phường chật hẹp ô nhiễm, đầy khói thải từ các nhà máy điện và xe lửa phun ra hàng ngày. Thời còn Pháp thuộc, thi sĩ Hàn Mạc Tử cũng đã có lần được là khách cư ngụ trong các dinh thự sang trọng này ít lâu, và đã có dịp cảm tác những vần thơ bất hủ, nói ra tâm tư của người mắc căn bệnh ngặt nghèo nan y đang chờ chết, gửi cho người yêu.

Sau này, vào khoảng đầu năm 1969, Tôi là Đại tá Chánh Sự vụ Sở Khai thác Nha Tổng Thanh tra Quân lực, được lệnh của Tổng Tham Mưu trưởng dẫn Đoàn Điều tra hỗn hợp Việt-Mỹ, ra Phan Thiết tìm hiểu về vụ lính P.R.U. Do Mỹ quản trị chỉ huy, có hành động ức hiếp tra khảo dân lành vô tội tại địa phương xa thành phố. Lúc đó, Đại tá Đàng Thiện Ngôn làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng, đã lấy trực thăng đưa phái đoàn chúng tôi lên “Đồi Ông Hoàng” thăm viếng và ăn trưa tại chỗ, xả hơi trước khi chấm dứt cuộc điều tra trở về Sài Gòn. Tại đỉnh “Đồi Ông Hoàng”, các bạn đồng hành và Tôi đã được chiêm ngưỡng một cổ vật chiến lợi phẩm quân sự. Đó là khẩu súng cao xạ thật lớn của quân Phiệt Nhật, đặt tại đây từ hồi Đệ Nhị Thế chiến (1939-1945) để bắn máy bay Đồng Minh Hoa Kỳ, tham gia cuộc chiến chống Nhật tại Đông Dương.

Hồi cuối 1965, Đại tá Đàng Thiện Ngôn còn là trung tá, làm Tham mưu phó cho Tôi tại Bộ Chỉ huy Trung ương Địa phương quân và Nghĩa quân, cơ sở đóng tại đường Hùng Vương, Chợ Lớn. Qua năm 1967, BCH TU ĐPQ&NQ giải tán biến thành Tổng Cục ĐPQ&NQ (Đại tá Xương làm Tổng Cục Trưởng, Tôi làm Tổng Cục Phó, Trung tá Ngôn làm Trưởng Khối Tiếp vận) di chuyển vào trong Trại Trần Hưng Đạo, Tân Sơn Nhất, nên doanh trại của Địa phương quân đã được Tôi bàn giao cho Cục Truyền Tin theo lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu. Kể từ đó, bảng hiệu “Trại Trần Nguyên Hãn” đã được treo lên thay cho bảng hiệu của BCH TU ĐPQ&NQ. Cơ sở này, nguyên thuộc quyền sở hữu của Nha Tổng Giám đốc Bảo An thuộc Bộ Nội Vụ, gồm toàn những nhà trệt chật hẹp, không có trần nhà nên rất nóng nực. Sau cách mạng 1-11-1963, ĐPQ&NQ được chuyển từ Bộ Nội Vụ sang thuộc quyền Bộ Quốc Phòng, mới đổi thành Bộ Tư lệnh Địa phương quân và Nghĩa quân, do Trung tướng Trần Ngọc Tám làm Tư lệnh. Tướng Tám đã trình xin ngân khoản để phá hủy toàn bộ nhà cũ, xây dựng lại những nhà 2 tầng khang trang rộng rãi, đủ tầm vóc cho một Bộ Tư lệnh Lực lượng Diện địa (như Bộ Tư lệnh National Guard của 1 Tiểu Bang trên Lục địa Hoa Kỳ). Dự án được MACV (Hoa Kỳ) hỗ trợ và thực hiện ngay trong tài Khóa 1964-1965.

Nhưng tiếc thay, sau khi Tướng Khánh (bạn chí thân của Tướng Tám) bị Đại Hội đồng Quân lực áp lực buộc phải rời nước ra đi vào ngày 24 tháng 2 năm 1965, Hội đồng Tướng Lãnh Việt Nam đang nắm quyền điều hành đất nước, không muốn Tướng Tám giữ một trọng trách lớn như vậy. Nên đã giải tán Bộ Tư lệnh ĐPQ&NQ, thay bằng Bộ Chỉ huy Trung ương Địa Phương quân và Nghĩa quân, chỉ lo chuyên trách về quản trị hành chánh, tiếp vận, tuyển mộ, yểm trợ công tác xã hội, thanh tra theo dõi tinh thần và ghi nhận các ước vọng quân sĩ để trình Bộ TTM giải quyết mà thôi. Còn việc tổ chức, huấn luyện, chỉ huy và sử dụng, thuộc quyền của các Bộ Tư lệnh Vùng Chiến thuật và Tiểu khu trưởng kiêm Tỉnh trưởng.

Đại tá Trương văn Xương nguyên là Tư lệnh phó của Tướng Tám, nay được chỉ định làm Chỉ huy trưởng BCH TU ĐPQ&NQ, Trung tá Nguyễn Duy Hinh nguyên Tham mưu trưởng lên làm Chỉ huy phó, Tôi nguyên là Tham mưu phó Tổ chức Huấn luyện lên làm Tham mưu trưởng, và Trung tá Đàng Thiện Ngôn nguyên là Tham mưu phó Tiếp vận trở thành Tham mưu phó cho Tôi. Thiếu tá Nguyễn Hữu Chi, tiếp tục phụ trách Phòng Truyền Tin, nguyên thuộc quân số Bộ Tư lệnh ĐPQ&NQ giải tán chuyển sang Bộ Chỉ huy TU ĐPQ&NQ. Cuối năm 1967, Bộ Chỉ huy TU ĐPQ&NQ giải tán, thì anh Chi và các nhân viên Truyền Tin thống thuộc được thuyên chuyển trả về Cục Truyền Tin.

Trong thời gian Tôi làm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy TU ĐPQ&NQ chúng tôi đã làm được một việc rất quan trọng, đem lại lợi ích lớn cho anh em thuộc Lực lượng Địa phương quân. Chúng tôi đã đề nghị và được Tướng Thiệu Chủ Tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia chấp thuận cho ban hành Quy chế riêng cho Địa phương quân.

Sự việc được diễn tiến như sau: Tướng Thiệu họp đại diện các Phòng thuộc Bộ TTM và Bộ Chỉ huy ĐPQ&NQ, tại tư dinh trong Cư xá Sĩ quan Trại Trần Hưng Đạo, để nghiên cứu việc sửa đổi hình thức của các mẫu Cấp hiệu Úy và Tá, sao cho đeo lâu ngày các bông mai bị bạc mầu, người ta không bị lẫn lộn giữa cấp hiệu Úy (mầu vàng) và cấp hiệu Tá (mầu bạc), và chuẩn úy (nút tròn vàng trên có ký hiệu alpha) với thượng sĩ nhất (nút tròn vàng) và thượng sĩ (nút tròn trắng). Nhờ thế, sau này chúng ta mới thấy cấp hiệu Tá ngoài các bông mai trắng có thêm một khung chữ nhật có nhánh lá trúc ở sát dưới, để phân biệt với cấp hiệu Úy chỉ có các bông mai vàng mà thôi. Cấp hiệu chuẩn úy giữ nguyên không thay đổi. Nhưng mẫu Cấp hiệu các Thượng sĩ nhất và Thượng sĩ thuộc hàng hạ sĩ quan, được sửa lại và không đeo trên cầu vai như trước nữa, mà đưa xuống tay áo trái y như quy định cho các cấp từ trung sĩ nhất trở xuống. Mẫu cấp hiệu được sửa lại là: Thượng sĩ nhất thì thêm 2 vạch ngang ngay trên 3 chữ V (mẫu cấp hiệu Trung sĩ nhất), và Thượng sĩ chỉ thêm 1 vạch ngang thôi.

Lúc đó, Tôi thay mặt Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy TU ĐPQ&NQ tham dự buổi họp, đã đề nghị và đã được chấp thuận cho Địa phương quân được mang cùng một mẫu cấp hiệu sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ, y như của Chủ lực quân, chỉ khác là nền cầu vai mầu ô-liu, thay vì đen như của Chủ lực quân (mẫu cấp hiệu sĩ quan Bảo An cũ là các bông hoa thị có 8 cánh nhọn mầu bạc). Vải mũ casquette cũng bằng dạ mầu ô-liu, dùng chung cho cả 2 loại quân phục Tiểu Lễ và Đại Lễ.

Riêng huy hiệu trên mũ casquette, Địa phương quân vẫn dùng mẫu riêng được quy định bởi Bộ Nội Vụ từ trước Cách mạng 1-11-1963 (Áo mũ giáp, thanh gươm và khẩu thần công bắt chéo, và phía dưới có 2 chùm các bông lúa, đúc bằng kim khí mầu bạc).

Khác với huy hiệu Chủ lực quân (Con Ó đang xoè cánh bay, mang nơi ngực khiên Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, hai chân quắp 2 thanh gươm, vòng hai bên đằng sau con ó là 2 nhánh nguyệt quế, phía dưới có băng ghi 3 chữ “Danh dự, Tổ Quốc, Trách nhiệm, đúc bằng kim khí mầu vàng).

Doanh trại của Bộ Chỉ huy ĐPQ&NQ giải tán được bàn giao cho Cục Truyền Tin, Tổng cục ĐPQ&NQ mới thành lập, được đổi lại bằng một dãy nhà trong Bộ TTM. Dãy nhà chúng tôi nhận lãnh là dãy nhà trước kia do Sở Vật liệu TT và Phòng Mật Mã Trung ương sử dụng, nằm ngay bên kia đường đối diện với dãy nhà của Bộ Chỉ huy Viễn Thông cũ. Hằng ngày ngồi trong văn phòng Tổng Cục Phó của Tôi ở trên lầu, nhìn sang sân bên kia đường vẫn thấy Kỳ đài Huy hiệu Binh chủng Truyền Tin (Thanh gươm có 3 vòng điện tử xoay quanh, do anh Thiếu úy Tước đôn đốc việc xây dựng vào năm 1961, thời Anh Khôi làm Chỉ huy trưởng Viễn Thông, anh Luận Tham mưu trưởng và Tôi Chỉ huy phó Viễn Thông) và 2 sân bóng rổ và bóng chuyền rất đẹp vẫn còn trơ trơ ra đó. Làm Tôi nhớ lại, những buổi chiều trước Cách mạng 1-11-1963 lật đổ Tổng thống Diệm, anh em sĩ quan Bộ Chỉ huy Viễn Thông và Sở Vật liệu TT, rủ nhau chia thành 2 nhóm đánh Volley đến nhá nhem tối không còn thấy đường mới ngưng. Và đêm đêm vào hồi đầu năm 1963, trong suốt thời gian cấm trại 100%, Trung tá Khổng văn Tuyển (Cục trưởng) cùng Tôi (Cục Phó) sang chơi Domino với anh em trong Khối Vật liệu gồm có Vũ Xuân Hoài, Đỗ Linh Quang... ngay tại căn phòng Tôi đang ngồi. (Hồi đó, Anh Tuyển đang làm Chánh sự vụ Sở Viễn Thông Bộ Nội Vụ, được đưa về thay anh Võ Đại Khôi bị đưa ra khỏi Ngành Truyền Tin, vì anh Khôi tin dùng Trung úy Thông (bị An ninh quân đội phát giác là Việt Cộng nằm vùng) trong số nhân viên nhóm nghiên cứu sát nhập Sở Vật liệu và Bộ Chỉ huy Viễn Thông Bộ TTM thành Cục TT, thành lập các Phòng 6 tại Bộ TTM và các Quân khu thay cho các Bộ Chỉ huy Viễn Thông, đang do anh Nguyễn Tài Lâm được anh Khôi đem về giao cho trách nhiệm làm trưởng nhóm.)

Quả thật là oái oăm, cái DUYÊN NỢ TRUYỀN TIN nó cứ lẽo đẽo theo Tôi hoài không chịu dứt. Nãy giờ dông dài hơi xa quá hóa lạc đề, vậy xin quay trở lại câu truyện du hành đi Nha Trang đang bỏ dở nửa chừng. Đoàn xe tiếp tục chạy qua một vùng đất cao bên hông phi trường Phan Thiết, rồi đổ xuống thung lũng có thành phố nhà san sát bên nhau, đường xá chật hẹp, nằm giữa 2 nhánh sông (Tôi không biết tên) phát nguồn từ cuối dãy Trường Sơn chảy ra Biển Đông. Không cần nhìn bảng hiệu, người ta cũng nhận ra ngay là thành phố Phan Thiết, nhờ mùi không khí khăm khẳm của nước mắm, toả ra từ những xưởng sản xuất nước mắm cổ lỗ thiếu hệ thống thanh lọc tân tiến bảo vệ môi sinh.

Mùi vị toả ra trong không khí thì gây ngột ngạt khó chịu cho khứu giác như vậy, nhưng nước mắm lại là món gia vị đem lại chất bổ dưỡng cao, và làm tăng hương vị đậm đà cho các món ăn hàng ngày của dân tộc Việt Nam. Mùi của nước mắm tiết ra cũng khăm khẳm, y như mùi của loại phó-mát rất quý và đắt tiền của Pháp “Camember”, Tôi đã có dịp được thưởng thức nhiều lần trong thời gian du học tại Trường Truyền Tin Montargis bên Pháp.

Trong các loại nước mắm, chúng ta được biết có loại thượng hảo hạng là “nước mắm Nhĩ”, mùi vị dịu ngọt chớ không hắc khẳn mặn chát, giá cả bán cũng rất đắt so với các loại thường. Nhưng “nước mắm Nhĩ” thứ cốt thiệt rất quý, dân nhà nghề chài lưới thường dành để dùng trong những chuyến ra khơi. Họ uống một ly nhỏ để hâm nóng cơ thể, chống lạnh cóng lúc hoạt động buông kéo lưới ngoài khơi. Thành ra loại “nước mắm Nhĩ” mà chúng ta mua được ngoài chợ là loại “nước Nhĩ nhì” hoặc “Nhĩ pha trộn”, chớ không phải thứ “Nhĩ thiệt cốt nhất”, thế mà ăn vẫn ngon hơn các loại thường rõ ràng như “một trời một vực”. Theo chỗ Tôi biết thì Việt Nam có 3 nơi sản xuất nước mắm nhiều và nổi tiếng. Miền Trung có Phan Thiết, miền Nam có đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Rạch Giá, và miền Bắc là vùng Cát Hải thuộc tỉnh Quảng Yên.

Ra khỏi thị xã Phan Thiết, xe phải vặn hết các cửa kính 2 bên hông xuống cho thoáng gió, chạy cả tiếng đồng hồ sau vẫn còn thấy phảng phất mùi nước mắm. Đưa tay áo lên mũi ngửi, mới biết là hơi nước mắm đã bám và thấm vào vải, chỉ còn có cách cởi ra bỏ giặt thì mới hết. Xe tiếp tục chạy qua vùng không khí oi nóng. Dọc bên trái đường, tầm mắt bị hạn chế bởi dải núi Trường Sơn cây rừng rậm rạp, cao vút lên trời xanh. Bên phải quang đãng, bằng bằng, nhấp nhô những đụn cát dài ra tận bờ biển, thưa thớt đó đây những hàng cây cao lẫn cả dừa. Có đoạn nhìn thấy cả mặt biển long lanh mầu xanh lam hiền dịu, nhập chung với đường chân trời xa tít, với những nhóm cột buồm khẳng khiu túm tụm nghỉ ngơi sau chuyến ra khơi nhiều ngày trở về.

Qua Phan Rí, Phan Rang, đến Ba Ngòi, đoàn xe ngừng cho máy móc nghỉ ngơi, người xuống vận động cho thư giãn các cơ bắp và ăn uống lấy lại sức, trước khi đi nốt đoạn đường còn lại để vào thành phố Nha Trang.

Các đơn vị Truyền Tin được ghi trong lịch trình “Thanh tra Chỉ huy” lần này gồm: Đại đội 7 TT, cơ sở Truyền Tin Phân khu Duyên hải Nha Trang, và Đơn vị Tồn trữ, Tiếp liệu và Sửa chữa Vật liệu TT. Riêng việc thăm Đơn vị Tồn Trữ Tiếp Liệu và Sửa Chữa Vật liệu TT, phải gọi là “thăm viếng xã giao” thì đúng hơn là “Thanh tra Chỉ huy”, vì đơn vị này vẫn đang còn nằm trong hệ thống Chỉ huy của Nha Quân Cụ (Direction du Matériel) ở Sài Gòn, không thuộc quyền chỉ huy của Chỉ huy trưởng Viễn Thông. Đơn vị trưởng lịch sự muốn tiếp và cho thăm viếng cũng được, ngược lại theo “nguyên tắc chỉ huy” từ chối không cho cũng chẳng làm gì được.

Theo nhận xét riêng của Tôi, kỳ “Thanh tra Chỉ huy” này chỉ là cái dù hợp pháp, để anh Khương thực hiện 2 công tác ngoài kỹ thuật Truyền Tin là:

1. Tiếp xúc với nhóm ủng hộ Thủ tướng Diệm, bàn luận các kế hoạch hành động và nhận những nhiệm vụ sẽ phải thực hiện trong tương lai tại Sài Gòn.

2. Cho anh em sĩ quan tham mưu thuộc Bộ Chỉ huy Viễn Thông trong Sài Gòn, thấy tận mắt hình thức “sinh hoạt chính trị của Phong trào Cách mạng Quốc gia” trong hàng ngũ Quân đội như thế nào, tại Đại đội 7 Truyền Tin để mà học hỏi và áp dụng sau này.

Sở dĩ Tôi dám khẳng định như vậy, vì lịch trình chính thức thực hiện chỉ là đi phớt qua các đơn vị y như ta đi xem triển lãm vậy thôi, chớ không phải thanh tra tìm hiểu kỹ để giải quyết những vấn đề của đơn vị. Thời gian làm như vậy chỉ cần một ngày là xong, thế mà chúng tôi phải ở Nha Trang tới 3 ngày 3 đêm lận. Dĩ nhiên là có những buổi anh Khương họp riêng với Phong trào Chủ chốt tại Nha Trang, thì chúng tôi được rảnh rang dạo chơi coi phố phường, chợ, hoặc đi tắm biển dọc ngay bên thành phố.

Hoạt động nổi bật nhất trong dịp “Thanh tra Chỉ huy” này, là đêm lửa trại tổ chức tại doanh trại của Đại đội 7 Truyền Tin. Tất cả đơn vị, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, không phân biệt cấp bậc, ngồi xệp xuống đất, lẫn lộn quây quần bên nhau, quanh một đống củi lớn ở giữa sân của đơn vị. Thủ tục khai mạc, mọi người đứng lên hát bài Quốc Ca Việt Nam xong, anh Khương Chủ tọa châm mồi lửa vào đống củi bùng cháy, mọi người vỗ tay reo hò và ngồi xuống. Diễn tiến kế theo là “Chủ tọa đoàn của Phong trào Cách mạng Quốc gia” của đơn vị điều khiển mọi người công khai đóng góp ý kiến nhận xét về các hoạt động của đơn vị, đặc biệt nêu ra những điểm sơ xuất và thiếu Dân chủ để các cấp chỉ huy tùy trách nhiệm phải trình bày giải quyết. Xen kẽ cuộc “phê bình và giải quyết” là những mục trình diễn văn nghệ ca, kịch... Sau 2 tiếng đồng hồ sinh hoạt, đống lửa bắt đầu tàn thì bế mạc.

Đêm Lửa Trại có hình thức y hệt sinh hoạt của Hướng đạo sinh tổ chức cuối tuần bên thiên nhiên. Thuở niên thiếu, Tôi đã từng tham gia hoạt động trong các Đoàn Hướng Đạo Sinh Đông Dương thời Pháp thuộc, nên không bị bất ngờ hay lạ lùng gì. Còn đối với các bạn khác từ Sài Gòn ra chưa từng tham gia các sinh hoạt Hướng đạo hay Thanh niên ngoài trời, thì hẳn thấy là lạ, vui vui, thích thú. Nhưng, sau giờ tàn Lửa Trại ra về, đêm nằm ngủ chắc chắn sẽ phải suy tư hoang mang lo âu không ít. Có lẽ hồi ở trong “chiến khu của Thiếu tá Thái Quang Hoàng” thường tổ chức sinh hoạt chính trị như vậy, nên anh Khương và mấy anh em thuộc Đại đội 7 đi theo thấy hay, bắt chước đem về áp dụng trong “sinh hoạt chính trị” của đơn vị. Cũng có thể lối sinh hoạt chính trị này là kiểu mẫu do Phong trào chỉ thị phải thực hiện như vậy tại đơn vị.

Riêng cá nhân Tôi, sau khi tham dự buổi “Lửa trại sinh hoạt chính trị” này, cảm thấy không có thiện ý nhưng không dám nói ra. Vì Phong trào dùng hình thức lửa trại (giải trí xây dựng tình đồng đội có vẻ thân thiết này) để thực hiện việc “phê bình đòi biết mọi truyện trong đơn vị, và buộc cấp chỉ huy phải sửa đổi lề lối làm việc”, y như các Đảng ủy cộng sản đối với các cấp trong đơn vị Bộ đội của họ. Trong ngày thì các cấp chỉ huy tùy theo chức vị ra lệnh đôn đốc thuộc cấp hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Tối đến đơn vị sinh hoạt chính trị, một binh sĩ, một hạ sĩ quan, hay một sĩ quan cấp nhỏ nào đó, làm “Chủ tịch Phong trào” ngồi điều khiển cuộc “phê bình đàn hạch” các cấp chỉ huy, về những lệnh hay hành động mà Phong trào cho là không hợp lý, thiếu Dân chủ, chưa Cách mạng... Nhất là trong buổi sinh hoạt này, anh em trong đơn vị lại không xưng hô với nhau bằng cấp bậc, mà gọi nhau là “Đồng chí với Họ Tên người được đề cập tới”. Chẳng lẽ, Đại đội trưởng bị phê bình, lúc trả lời lại nói: “Thưa Hạ sĩ X, Chủ tịch...” thì nó khôi hài quá, nên mọi người đành thoả thuận là trong những giờ công vụ thì “Thưa Đại úy!”, nhưng trong buổi sinh hoạt chính trị thì chỉ nên gọi đơn giản “Thưa đồng chí X, đồng chí Y...” cho nó thuận tai và vui vẻ cả làng. Cách mạng là bình đẳng mà!!!

Chắc hẳn rằng, cái loại “sinh hoạt chính trị phê bình xây dựng công khai” mới mẻ này là phương tiện gây áp lực làm nản lòng những người Chỉ huy nào mà “cấp lãnh đạo cao của Phong trào” thấy cần phải thay thế, vì nghi vấn thân Pháp Thực dân, thuộc phe nhóm cũ của Cựu Hoàng Bảo Đại, hoặc ngang bướng không chịu luồn lách uốn mình theo thời đại, khiến cho họ chịu đựng không nổi phải tìm cách xin rút lui, nhường chỗ cho những người của “Phong trào” lên thay thế. “Mỗi cái tóc là một cái tội”, nếu ai không thông minh hiểu ra được để mà từ nhiệm cứ cố gắng bám trụ, thì trước sau gì cũng sẽ bị hạ bệ bằng nhiều hình thức, nặng nhẹ khác nhau khó mà lường trước được.

Từ khi “Phong trào Cách mạng Quốc gia” bắt đầu nở rộ trong toàn Quân đội, biết bao cảnh các cấp chỉ huy đơn vị có khả năng chuyên môn giỏi, có tinh thần phục vụ hăng say, có kỷ luật tư cách ngay thẳng, bị thay đổi bằng những người kém khả năng chuyên môn và thiếu tài lãnh đạo chỉ huy, nhưng có được đặc tính khả năng duy nhất là, luôn luôn tỏ ra trung thành, tận tụy hăng hái, tuyệt đối tuân theo chỉ thị đường lối của “Cấp cao lãnh đạo Phong trào” không cần biết thuận lý hay không.

Cái phương thức “Sinh hoạt chính trị lửa trại” này đem vào Sài Gòn, đã phải biến đổi theo hình thức khác. “Học tập chính trị đả Thực bài Phong” trong Hội trường, vì doanh trại các đơn vị và cơ sở tham mưu trong thành phố (Thủ Đô) không có điều kiện tổ chức lửa trại. Cái phương thức sinh hoạt cách mạng (cá mè một lứa, binh sĩ và cấp Chỉ huy đàn hạch nhau công khai), tưởng sẽ đem lại sự đổi mới tinh thần Quân đội và Hành chánh thoát khỏi nếp sống ù lì quan lại cũ, lại là mầm mống làm băng hoại tinh thần Kỷ luật Quân đội, và làm nản lòng những người có thiện chí, đã hăng hái hy sinh gia nhập Quân đội để phục vụ Quốc gia Dân tộc với “tinh thần bất vụ lợi”, trong suốt thời Đệ Nhất Cộng Hòa kéo dài sang cả Nền Đệ Nhị Cộng Hòa vẫn chưa dứt. Nhiều người đã bị cho giải ngũ với những hình phạt hoặc lý do không chính đáng, hoặc phải tự ý tìm cách chạy chọt để được giải ngũ vì không muốn thấy cảnh “trái tai gai mắt” “Kỷ luật là sức mạnh Quân đội” bị phá sản như vậy. Thật đáng tiếc!

Phụ Chú

Tiếp dưới đây là 2 tấm hình chụp nhân lễ kỷ niểm NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6 tại thành phố Midway City, quận Orange, Nam California, Hoa Kỳ, do Hội Cựu Chiến binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nam California tổ chức.

Trong hình dưới đây, Nguyễn–Huy Hùng, Chủ tịch Khu hội Cựu tù nhân Chính trị, đồng thời cũng là Hội Trưởng Hội Cựu sinh viên sĩ quan Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam Nam California, được mời trình bày ý nghĩa NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6, trong buổi lễ.

 





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 7
BẦU CHỦ TỊCH PHONG TRÀO CÁCH MẠNG QUỐC GIA CỦA BINH CHỦNG TRUYỀN TIN

Những trận mưa đầu mùa, ào ào đổ nước xuống miền Nam Việt Nam, thường khởi sự vào buổi tối. Nó kéo dài khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ, tạm ngưng chừng 2, 3 chục phút, rồi tiếp tục trút nước trở lại cho đến sáng mới tạnh hẳn. Và cứ theo chu kỳ như hàng năm, nó lùi dần giờ khởi đầu vào đêm, vào buổi sáng, vào trưa, vào xế chiều, rồi vào nửa đêm là tới thời kỳ chấm dứt mùa mưa tại miền Nam.

Thật là phiền hà cho những ai phải đi sinh hoạt vào buổi tối. Lái xe trong mưa gió mịt mờ, mặt đường trơn trợt, ánh đèn đường và đèn xe chạy ngược chiều làm chóa mắt, dễ gây tai nạn. Lại còn cái nạn phải đợi chờ những người đến trễ, khai mạc không đúng giờ, kéo dài thêm thời gian họp, hoặc rút ngắn bớt chương trình, và chẳng lần nào có đủ thì giờ để thảo luận kỹ càng mọi vấn đề cần yếu như dự định.

Ban Chấp hành Phong trào Cách mạng Quốc gia Trung ương của Binh chủng Truyền Tin, được ra đời vào cái thời gian phiền hà mưa gió này tại Đại đội 8 TT. Đại đội do anh Đại úy NGUYỄN ĐÌNH SÁCH làm Đại đội trưởng, thay thế vị sĩ quan người Pháp, bàn giao theo kế hoạch rút quân Pháp ra khỏi Việt Nam quy định bởi Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954. Doanh trại ĐĐ8TT nằm trong khu Xóm Gà, Bà Chiểu, phía sau Vận động trường của Thị xã Gia Định. Đường dẫn vào Đại đội là đường đất hẹp trong ngõ xóm, chỉ đủ cho một xe GMC chạy. Mỗi khi gặp xe chạy ngược chiều, 1 trong 2 xe phải ngừng lại, tìm chỗ đậu sát vào sân của một nhà nào đó trong xóm, nhường cho xe kia đi qua rồi mới nhô ra chạy tiếp. Hai bên đường không có rãnh thoát nước, mỗi lần gặp trận mưa lớn thì ôi thôi mênh mông là nước, ngập đường, ngập sân. Tạnh mưa, nước ngập rút hết thì là nạn xình lầy trơn trợt.

Tối hôm đó, Tôi không nhớ rõ ngày tháng, một số sĩ quan thuộc BCH Viễn thông và các đơn vị TT Trung ương, đã ký đơn tình nguyện gia nhập Phong trào Cách mạng Quốc gia (PTCMQG), được mời tới họp tại ĐĐ8TT, lúc 8 giờ. Thật là xui, Trời đổ mưa từ 7 giờ tới 9 giờ mới tạm dứt. Tuy vậy tất cả anh em đều đã đến đúng giờ quy định. Từ chỗ đậu xe vào phòng họp chỉ cách xa khoảng 50 mét, nhưng ai nấy phải lội bì bõm, nước đầy giầy y như đang đi dưới ruộng. Vào đến trong nhà, cởi áo mưa, trút sạch nước trong giầy ra, anh em tụm nhau phì phèo thuốc lá Con Mèo hoặc 555 cho ấm lòng. Riêng Tôi, thuốc điếu coi là quá nhẹ, phải bầm bập chiếc Tẩu Dunhill, đốt thuốc tobacco Seventy nine trộn lẫn với Half and Half do dân nước Cờ Hoa sản xuất. Chúng tôi ngồi đợi anh Trung tá Khương và anh Đại úy Giác chưa đến. Khoảng 9 giờ, vừa tạnh mưa được một chốc thì Nhị Vị chủ chốt tới. Bước vào phòng với câu mào đầu thật lịch thiệp và đầy ý nghĩa quan trọng: “Xin lỗi, làm anh em phải đợi, mắc kẹt ở văn phòng của Ông Cố vấn lâu quá nên trễ, mong anh em thông cảm...”.

Sau lớp lang thủ tục khai mạc buổi hội, anh Khương bắt đầu trình bày. Đại ý đề cập tới tình hình đất nước, và mức quan trọng mà Cấp Trên quan tâm là cần phải có một Phong trào để hướng dẫn xây dựng cho toàn Dân toàn Quân có được ý thức chống cộng sản vững chắc, chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử trên cả 2 miền đất nước vào năm 1956, quy định bởi Hiệp định Genève tháng 7-1954. Do đó Quân đội cũng phải tham gia sinh hoạt học tập chính trị như đồng bào. Binh chủng TT của chúng ta, được Cấp Trên ghi nhận là Binh chủng tiên phong trong mọi sinh hoạt chính trị giai đoạn vừa qua, nên được chỉ thị phải tiếp tục đi trước, thành lập PTCMQG trong tất cả các Đơn vị TT, để rút ưu khuyết điểm làm bài học kinh nghiệm cho các Binh chủng khác. Vì thế hôm nay chúng ta họp ở đây, để bầu ra 1 người đảm trách chức vị Chủ tịch Phong trào. Rồi vị này sẽ mời những người có khả năng, nhất là có tinh thần dấn thân, để thành lập Ban chấp hành Trung ương PTCMQG cho Binh chủng Truyền Tin.

Cuộc bầu cử sẽ được thực hiện theo thể thức Dân chủ, và rất đơn giản. Chúng ta bầu ra một Chủ tọa đoàn, để ghi nhận danh sách những người tình nguyện ứng cử. Nếu không ai chịu xung phong ứng cử, chúng ta sẽ cùng góp ý đề cử, các người xét có khả năng đảm trách chức vụ ra tranh cử. Việc bỏ phiếu bầu sẽ theo thể thức công khai trực tiếp, nghĩa là dơ tay bầu cho người nào mình tín nhiệm. Mỗi người chỉ được dơ tay bầu 1 lần, cho 1 người mà thôi. Cuối cùng ai được nhiều phiếu nhất được coi là thắng cử. Không ai chịu xung phong ứng cử, nên phải áp dụng phương thức đề cử. Tôi dơ tay trước tiên đề cử Trung tá Nguyễn Khương, vì anh đang làm Chỉ huy trưởng Binh chủng, nhận trách vụ này là hợp lý hợp tình nhất. Anh Khương đề cử Trung tá Lê văn Hiền Chánh sự vụ Sở Vật liệu Truyền tin, mới tách ra khỏi Nha Quân Cụ chưa thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Chỉ huy trưởng Viễn Thông. Trung tá Hiền xin đề cử Đại úy Hà quang Giác Tham mưu trưởng BCH/VT. Cuối cùng anh Giác đề cử Tôi (Thiếu tá Nguyễn-Huy Hùng) thêm vào danh sách tranh cử.

Không ai có ý kiến gì thêm, cuộc bỏ phiếu dơ tay bắt đầu cho từng người một, theo thứ tự trước sau ghi trên bảng danh sách đề cử. Chung cuộc, Tôi là người được nhiều phiếu nhất. Điều này khiến Tôi rất ngạc nhiên. Sau một giây suy nghĩ, Tôi nghi là có sự sắp xếp vận động ngầm từ trước của Ban tham mưu chính trị của anh Khương, để buộc Tôi phải lãnh trách vụ này theo ý định của anh Khương. Bởi vì trong lúc anh em dơ tay bầu, Tôi đưa mắt quan sát xem những ai bầu cho Tôi, thấy rõ ràng ngoài anh Giác và đoàn tùy tùng theo anh Khương từ Nha Trang về bỏ phiếu cho Tôi, còn một số người khác thuộc các Đơn vị TT Trung ương Tôi chưa hề quen biết. Dĩ nhiên anh em thuộc phòng MMTU có mặt trong buổi họp và cá nhân Tôi, đều dồn phiếu cho anh Khương. Còn anh Khương thì dơ tay bầu cho Trung tá Hiền.

Sau buổi hội, Tôi yêu cầu anh Khương và anh Giác giới thiệu cho Tôi, những người am tường về Phong trào gốc, để giúp Tôi và anh em Phòng MMTU, hoàn thành tốt trách vụ mà tập thể mới giao phó cho Tôi. Hai anh ấy đã hứa và đã làm theo lời hứa. Anh em thuộc Phòng MMTU chúng tôi lo Ban thông tin báo chí, thực hiện giờ phát thanh Tiếng nói Binh chủng Truyền tin hàng tuần 30 phút trên làn sóng của Đài phát thanh Quân đội, biên soạn và sưu tập tài liệu bài vở hình ảnh để lên khuôn Nguyệt san SÓNG VIỆT của Binh chủng, việc in và phát hành sẽ do anh Giác trách nhiệm liên lạc với Trung tâm Ấn loát Quân đội trong Bộ Tổng tham mưu thực hiện.

Khoảng 2 tuần lễ sau, Tôi và anh em Phòng MMTU được Trung úy Nguyễn văn Thành (Ủy viên trong BCH PTCMQGTU TT) thông báo là, một phiên họp kín của Ban Chấp Hành PTCMQGTU của Binh chủng TT sẽ được triệu tập tại một tư gia (kiểu Villa, Tôi không nhớ số nhà) trên đường Thevenet, vùng Quận 1 Sài Gòn, vào lúc 9 giờ tối. Tôi đích thân lái xe đón anh em sĩ quan phòng MMTU đưa đến điểm hẹn, gặp anh Thành chờ đón chúng tôi tại sân. Đợi ít phút sau thì anh Khương và anh Giác tới. Chúng tôi được hướng dẫn vào một căn phòng mờ ảo, dưới ánh sáng của đôi ngọn nến chập chờn trên một bàn thờ. Trên tường phía sau bàn thờ, treo một tấm cờ lớn 2 mầu vàng và đỏ. Cờ của PTCMQG, Tôi đã có dịp thấy treo đầy đường ở miền Huế. Cờ gồm 2 sọc đỏ nhỏ ở 2 bên nền vàng lớn nằm giữa, trên nền vàng có ngôi sao đỏ 5 cạnh. Trước hương án trên bàn thờ, thấy có 1 khẩu súng lục, 1 nón sắt, và 1 chén kiểu đựng rượu trắng.

Sau khi làm xong các thủ tục lễ tiết (Tôi không nhớ rõ gồm những gì), anh Khương tiến đến trước bàn thờ, cằm chiếc kim chích thuốc, châm vào đầu ngón tay của mình và nặn cho mấy giọt máu đào rơi xuống bát rượu. Mọi người hiện diện cũng được yêu cầu làm như vậy. Sau đó Hạ sĩ Hà Tổng thơ ký đọc bản liệt kê lời tuyên thệ, mọi người cùng nói xin thề. Sau cùng, anh Khương tiến lên trước bàn thờ chắp tay cúi đầu vái mấy vái, rồi bưng chén rượu lên uống một ngụm, mọi người lần lượt theo nhau uống mỗi người một ngụm. Người sau chót, không nhớ là ai, uống cạn chỗ rượu còn lại rồi vỗ tay, mọi người xúm lại bên nhau bắt tay khắng khít, cười thân thiện và bắt đầu đổi cách xưng hô, gọi nhau là ĐỒNG CHÍ. Lúc đó, Tôi mới biết là chúng tôi được gọi đến làm thủ tục “trích máu ăn thề đồng sinh đồng tử”, để chính thức trở thành một trong các mắt xích của Phong Trào Cách mạng Quốc gia.

Kể từ ngày đó trở đi, trong các buổi sinh hoạt riêng của Phong trào, chúng tôi đều gọi nhau bằng Đại danh từ Đồng chí. Trên mọi giấy tờ tài liệu thuộc phạm vi Phong trào, chúng tôi dùng Bí danh chớ không dùng tên thật của mình. Bí danh của Tôi là QUỐC TUẤN. Nếu bạn nào đã có dịp đọc các tài liệu hành chánh của PTCMQG/TT hồi đó, không biết Quốc Tuấn là anh chàng nào, thì bây giờ được biết, hẳn là cũng chưa muộn phải không?

Để gây qũy cho BCH Phong trào có tiền chi dụng lặt vặt, Tôi đã cố gắng học hỏi sự chỉ dẫn của 1 Trung sĩ Họa sĩ trong Phòng MMTU, hoàn thành một bức tranh mầu “Cây thông” theo thể loại lập thể của Danh họa Picasso, để bán đấu giá theo kiểu Hoa Kỳ, trong một buổi học tập chính trị tổ chức tại Đơn vị sửa chữa Vật liệu TT Địa phương (ERMT) gần trường đua Phú Thọ. Hình như giá sau cùng được cử tọa đưa ra là 1 ngàn rưởi, và do một nữ lưu, không nhớ tên, đại diện Căn cứ Tiếp vận TT Trung ương đồn trú tại vùng Gò Vấp mua được. Sau này trong những dịp xuống Căn cứ tham dự học tập với tư cách Đại diện Trung ương, Tôi thấy bức tranh treo trên tường trong phòng làm việc của Đại úy Trần văn Bình Chỉ huy phó Căn cứ.

Cũng kể từ ngày PTCMQGTU/TT được thành lập, trong tất cả các buổi học tập chính trị đều có xen vào một mục ngoại chương trình, đề cao tinh thần ái quốc hy sinh vì Dân tộc Việt Nam của Chí sĩ Ngô đình Diệm và dòng họ Ngô đình, vạch trần những yếu kém nhu nhược ham vui, không sốt sắng chăm lo việc Quốc gia của Cựu Hoàng Bảo Đại, để chuẩn bị cho cuộc TRƯNG CẦU DÂN Ý sẽ tổ chức vào tháng 10 năm 1955.

Hăm ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý,
Hăm ba tháng mười là ngày xoá tan ngai vàng.
Đứng lên toàn quốc, viết trang sử mới,

...”

(còn một câu nữa Tôi quên không nhớ...)

Thế rồi ngày trưng cầu dân ý đã đến. Toàn dân miền Nam nô nức đi bỏ phiếu, để lựa chọn xem giữa ông NGÔ ĐÌNH DIỆM đương kim Thủ tướng và ông BẢO ĐẠI đương kim Quốc trưởng, ai sẽ là người được toàn dân tín nhiệm lèo lái con thuyền Quốc gia Việt Nam tại miền Nam, xây dựng một Chế độ chính trị Dân chủ không cộng sản.

Theo thống kê ghi trên Công báo Việt Nam thời bấy giờ, cho thấy kết quả thắng bại chênh lệch rõ rệt. Ông Ngô đình Diệm được 98.2% trên tổng số phiếu 5,784,842 của cử tri đi bầu vào ngày 23 tháng 10 năm 1955. Còn ông Bảo Đại chỉ được có 1.1% bằng 63,107 phiếu.

Ba ngày sau, tức ngày 26 tháng 10 năm 1955, qua làn sóng điện của cả 2 Đài phát thanh Sài Gòn và QUÂN ĐỘI, ông Ngô đình Diệm ngỏ lời cám ơn toàn thể đồng bào đã tín nhiệm ông trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Ông hứa là sẽ cấp tốc chuẩn bị việc tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến, để soạn thảo một Hiến pháp thật Dân chủ, theo mô thức Tây phương kiểu Tổng thống chế cho Việt Nam, vào đầu tháng 3 năm 1956. Cũng kể từ ngày ấy, mỗi khi ban hành các Sắc lệnh ông Diệm ký tên với tước hiệu Tổng thống, nhưng chưa công khai “đăng quang”, nên ngoài dân gian người ta chỉ gọi là Cụ Diệm, hoặc Chí sĩ Ngô đình Diệm, và các giới chức trong Quân đội và Hành chánh, mọi người đều gọi bằng một Đại danh từ rất thân thương và kính cẩn là CỤ. Chỉ sau ngày 26 tháng 10 năm 1956, ông Ngô đình Diệm chính thức công bố HIẾN PHÁP VIỆT NAM CỘNG HÒA và TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC Tổng thống trong một buổi lễ tổ chức rất quy mô trọng thể tại Đại lộ Trần Hưng Đạo, chỗ ngã tư đường Nguyễn Thái Học dẫn xuống chợ Cầu Muối Sài Gòn, mọi người mới gọi là Tổng thống Diệm. Và cũng kể từ đó mới thấy Lãnh tụ Quốc khách từ các nước thuộc Thế giới Tự Do Tư Bản, lần lượt tới thăm miền Nam Việt Nam.

Giáng sinh năm 1955, mọi đơn vị Quân đội đều lo tổ chức liên hoan rầm rộ. Mục đích chính là để mọi người mừng Chúa Ki-tô giáng trần, đem Tình thương đến cho nhân loại. Nhưng nhiều vị chỉ huy thời đại, mặc dù là người theo Phật Giáo, đã lợi dụng dịp này để tạo cơ hội chứng tỏ cho CỤ thấy rằng, mình đang có rất đông thuộc hạ kính mến ủng hộ nhiệt tình. CỤ và các giới chức thân cận Cụ, có thể yên tâm tin tưởng giao phó những chức vụ Chỉ huy quan trọng, không sợ lầm.

Trung tâm huấn luyện Truyền tin di chuyển từ ngoài Bắc vào, đang tạm đồn trú tại cơ sở của trường Tiểu học Gia định, bên cạnh Tòa Hành chánh Tỉnh và Khám giam Tù hình sự, được giao trách nhiệm tổ chức Đêm Dạ Hội kiểu Lửa trại, để toàn thể khóa sinh của Trung tâm Huấn luyện, nhân viên thuộc BCH Viễn Thông, cùng các đơn vị TT Trung ương, tham dự mừng Giáng sinh 1955. Nếu Tôi nhớ không lầm, thì Anh Nguyễn đình Tài được Chỉ huy trưởng TTHL chỉ định làm Trưởng Ban phối hợp thực hiện. Buổi Dạ hội được coi là thành công mỹ mãn. Có sự hiện diện của một Vị thượng khách ngoài Binh chủng là Thiếu tá Huỳnh văn Cao làm việc tại Võ phòng của CỤ. (Sau này Thiếu tá Cao được Tổng thống Diệm ưu ái cho đi làm Sư đoàn trưởng và thăng lên cấp thiếu tướng.) Chương trình mừng Giáng sinh của Truyền Tin gồm rất nhiều mục đặc sắc, đơn ca, hợp ca, nhạc cảnh, kịch, hề riễu, ảo thuật... Do khóa sinh và nhân viên thuộc các đơn vị TT chuẩn bị trình diễn, liên tục suốt 2 tiếng đồng hồ liền, từ 8 giờ đến 10 giờ đêm. Ít ngày sau TTHL phải di chuyển ra Vũng Tầu, anh Nguyễn đình Tài được đưa về làm Chỉ huy phó Viễn Thông, thăng cấp thiếu tá nhiệm chức. Một thời gian sau, anh Tài lại được đưa đi làm Chỉ huy trưởng TTHL Truyền Tin Vũng Tầu, và anh Thiếu tá Nguyễn văn Thụ về làm Chỉ huy phó Viễn thông thay anh Tài.

Hồi còn nhỏ, là Hướng đạo sinh của Đoàn Thiếu sinh Mẫu Sơn ở thị xã Lạng Sơn, một tỉnh giáp ranh với Trung Hoa (nơi có Ải Nam Quan, theo lịch sử Việt Nam thì cha con Cụ Nguyễn phi Khanh và Nguyễn Trãi khóc tiễn biệt nhau, con là Nguyễn Trãi trở về lo phục hận, cha là Nguyễn Phi Khanh theo quân xâm lược dẫn đi đày biệt xứ ở bên Tầu), Tôi cũng đã được tham dự rất nhiều Dạ hội lửa trại vào dịp Noel, do chức quyền Hành chánh và Quân đội thuộc địa Pháp tổ chức rất quy mô, nhưng chưa lần nào thấy vui nhộn sống động, đầy ý nghĩa khích động lòng yêu non sông tổ quốc Việt Nam, như đêm Dạ hội quanh vòng lửa lần này.

Chắc chắn ngày hôm sau, thế nào Thiếu tá Huỳnh văn Cao cũng đệ trình lên CỤ một bản phúc trình đầy đủ chi tiết, với các hình ảnh chứng minh do Trung Tâm Điện ảnh TT Trung ương cung cấp, để CỤ thấy được sự tập họp một lúc 6, 7 trăm quân sĩ Truyền Tin, không phân biệt thứ tự cấp bậc, ngồi sát cánh bên nhau trên nền đất, rộng chừng 5,000 mét vuông, mừng Chúa Ki-tô Giáng Trần tại sân Trường Tiểu học Gia Định, để chứng minh cái khả năng lãnh đạo chỉ huy Binh chủng TT của Trung tá Nguyễn Khương hiệu quả như thế nào.

Thành quả ban đầu tốt như vậy, nhưng chắc là anh Khương cũng như những người có trách nhiệm tổ chức đêm Dạ hội, không thể nào quên được Ông Trời đã bỗng dưng làm thay đổi thời tiết đột ngột, và một thiếu sót quan trọng trong giai đoạn dự thảo kế hoạch, đã tạo ra khó khăn tối hôm đó làm mọi người lo lắng không ít.

Một là, chương trình dự trù khai mạc vào lúc 8 giờ, thế mà vào lúc 8 giờ đúng, nhân viên các đơn vị đến tham dự chưa xuống được xe để vào sân trường. Vì phía trước Trung tâm không còn chỗ cho xe đậu, phải chạy lòng vòng qua các khu phố xa hơn nửa cây số, mới có chỗ đậu cho nhân viên xuống xe, rồi dắt nhau đi bộ tới địa điểm Dạ hội.

Hai là, Trời cả ngày quang đãng, bỗng dưng từ lúc 7 giờ 30 lại đùng đùng nổi cơn gió bụi, mây kéo mịt mù đen nghịt cả trời đất, tưởng như một trận Hồng thủy sắp đổ xuống trần gian, để phá hỏng công trình chuẩn bị Dạ hội từ một tháng qua. Nhưng may thay, Trời chỉ thử đảm lượng con người hay tin tướng số chút đỉnh chơi thôi. Trời đã không mưa trong suốt thời gian Dạ hội. Mãi đến gần lúc chót, Ông Trời mới nhẹ nhàng tưới xuống ít hột làm duyên, như mưa Xuân để chia vui với Binh chủng Truyền Tin. Thật đúng là “Sông có khúc, người có lúc”, như các Cụ thường nói.

Phụ Chú



Thật là mối tình “Huynh đệ chi binh” thắm thiết quý vô giá, dù có tới bạc tỷ cũng không mua được.



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 8
HỘI CHỢ MỪNG NGÀY CHẾ ĐỘ VIỆT NAM CỘNG HÒA TẠI MIỀN NAM VIỆT NAM CHÍNH THỨC RA ĐỜI, VỚI ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM LÀM TỔNG THỐNG ĐẦU TIÊN

 

Sáng ngày 26 tháng 10 năm 1956, một buổi lễ ban Hành Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa và đăng quang tuyên thệ nhậm chức Tổng thống của ông Ngô Đình Diệm, được tổ chức rất trọng thể tại ngã tư Đại lộ Trần Hưng Đạo và đường Nguyễn Thái Học, gần công viên trước chợ Bến Thành và ga xe hỏa Sài Gòn. (Sau này ga xe hỏa được dời ra khỏi trung tâm thành phố, đến vùng Hòa Hưng, Chí Hòa, cuối đường Nguyễn Thông, gần Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng.)

Tiếp ngay sau lễ nhậm chức, có một cuộc duyệt binh rất quy mô của Hải, Lục, Không quân Việt Nam Cộng Hòa thực hiện. Lần đầu tiên, dân chúng ở 2 bên đường Trần Hưng Đạo dài suốt từ Sài Gòn sang tận Chợ Lớn, và các vùng phụ cận đổ về xem, được chứng kiến một cuộc biểu dương lực lượng Quân đội Việt Nam thật là rầm rộ oai phong hùng dũng.

Hôm đó là ngày Quốc Lễ, các Cơ quan công quyền, và trường học đều được nghỉ. Riêng chỉ có Cảnh sát là phải làm việc 100% suốt ngày đêm, nghe chừng còn vất vả hơn ngày thường gấp bội. Các đơn vị Quân đội cũng cấm trại 50%.

Buổi chiều, Tổng thống Diệm đến khai mạc khu triển lãm của Quân đội, tổ chức mừng nền Cộng Hòa đầu tiên của miền Nam Việt Nam, tại khu ngã tư đường Pasteur và Đại lộ Thống Nhất phía trước Dinh Độc Lập. Trên mặt lộ ngay giữa ngã tư, Công binh Việt Nam dựng một Khải Hoàn Môn rất đồ xộ và đẹp mắt, kiểu giống như Arc de Triumph của Pháp tại thủ đô Paris. Các gian hàng trưng bày vũ khí và quân dụng của các Quân Binh Chủng quân đội, được dựng trên các bồn cỏ chung quanh ngã tư.

Cuộc triển lãm được chấm điểm tranh đua xếp hạng. Để có sự công bằng, mỗi Quân Binh Chủng được chia một căn nhà tiền chế khung sắt mái tôn như nhau. Việc trang trí bên trong và chung quanh gian hàng sẽ tùy sáng kiến của mỗi Quân Binh Chủng, làm sao cho thật hấp dẫn để lôi cuốn được nhiều khách thăm viếng, thì mới mong giật giải Nhất.

Gian hàng của Binh Chủng Truyền Tin được Sở Vật liệu truyền Tin do Trung tá Lê văn Hiền làm Chánh sự vụ, phối hợp với các sĩ quan thuộc Phòng kỹ thuật của Bộ chỉ huy Viễn Thông dự thảo đề án thực hiện. Mọi người đã cố gắng hết sức vận dụng óc sáng tạo mỹ thuật của mình, nhưng máy móc vật liệu Truyền Tin khô khan quá nên không làm sao chiếm được giải nhất. Hình như giải Nhất được trao cho Công Binh, nhờ cái kiến trúc Khải Hoàn Môn hùng vĩ nổi bật ngay giữa ngã tư, trung tâm của khu triển lãm.

Gian hàng Truyền Tin trình bày 4 trò ảo thuật điện tử đặc biệt, để thu hút sự tò mò của quảng đại quần chúng, đó là:

1. Thiết trí một giàn máy mẫu đơn giản trên xa bàn, để giới thiệu Hệ thống tổng đài điện thoại tự động của hãng OKI (Nhật) mới thiết trí tại Bộ Tổng Tham Mưu, có khả năng cung cấp hàng ngàn đường dây nối các máy điện thoại liên lạc suốt 24/24 giờ, quanh năm ngày tháng, giữa các Cơ quan Đơn vị Quân lực tại Thủ đô Sài Gòn. Hai người xem đứng bên nhau, một người nhấc máy điện thoại lên, quay số máy điện thoại của người kia, trong khi quay đĩa số có thể nhìn thấy các tầng relay selector tự động vận hành để tìm số và nối cuộc điện đàm giữa 2 máy với nhau, không cần đến chuyên viên tổng đài ngồi nghe để tiếp nối đường dây như loại tổng đài thường dùng xưa nay ai cũng biết.

2. Thiết lập một hệ thống chuyển vận hỗn hợp dây (CF1, CF2) và vô tuyến (siêu tần số) ngay trong gian hàng, để giới thiệu cho người xem thấy được hiệu năng cao của phương tiện truyền tin hiện đại đang được Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sử dụng. Người ta có thể cho 4 máy viễn ấn tự và 3 máy điện thoại cùng hoạt động để trao đổi tin tức giữa các đơn vị đóng xa nhau hàng trăm cây số, trên cùng một đường dây, chuyển qua cùng một tần số vô tuyến, trong cùng một thời gian.

Tổng thống Diệm tỏ lộ sự hài lòng, khi thấy một trong các máy viễn ấn tự đang hoạt động liên tục không người điều khiển, in ra lần lần hình của Tổng thống xếp bằng những hàng chữ X trên trang giấy, khi ông dừng chân nghe Trung tá Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông trình bày về công dụng và lợi ích của loại phương tiện truyền tin tối tân quân đội đang sử dụng (thời 1956).

3. Một giàn máy trưng bày kỹ thuật Vô tuyến truyền hình thu phát tại chỗ (close circuit TV), được đặt ngay giữa gian hàng cho khách thăm viếng chiêm ngưỡng. Quang cảnh các người đang đứng xem trước máy thu hình, được ghi nhận, chuyển qua hệ thống điện tử và hiện ngay lên trên màn ảnh nhỏ của chiếc máy TV để bên cạnh.

Lúc đó Sài Gòn chưa có hệ thống Vô tuyến Truyền hình, nên mọi người rất thích thú đứng coi và trầm trồ ca ngợi. Họ trông thấy chính họ cùng các bạn đứng bên đang làm gì, nói gì, máy cũng thu vào và chuyển ngay lên màn ảnh trước mặt cho họ coi. Thật lạ lùng ngạc nhiên đối với các vị cao tuổi, không có hoàn cảnh tìm hiểu những phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, và những người chưa có dịp đi nước ngoài, chưa được thấy Vô tuyến Truyền hình. Theo tin tức do anh Trịnh Xuân Lạng cho biết thì hệ thống Truyền Hình Cable trình bày trong gian hàng của Binh chủng TT này là do hãng Nippon Electric Company (NEC) đem từ Nhật sang cho mượn và thiết trí trưng bày. Lúc đó anh Lạng là thiếu úy thuộc Phòng MMTU, nhờ sinh trưởng bên Hồng Kông nên có khả năng anh văn rất vững, nên đã được BCH Viễn thông yêu cầu cho biệt phái sang Phòng Kỹ thuật để làm việc giao dịch với các Công ty OKI, Nippon Telegraph Telephone Public Corporation (NTTPC), và Nippon Electric Company (NEC) của Nhật Bản đang thực hiện các công tác thực hiện dự án nghiên cứu thiết trí hệ thống điện thoại tự động tại Sài Gòn và hệ thống Siêu tần số và Vi ba đa mạch cho Quân đội VNCH đặt dọc theo duyên hải miền Nam Việt Nam từ Sài Gòn đến Gio Linh (Quảng Trị).

4. Một màn biểu diễn thí nghiệm khoa học bằng mấy chiếc bóng đèn néon treo tòng teng giữa không gian, gần một cần ăng-ten của chiếc máy vô tuyến điện SCR 694, để chứng minh cho người xem nhìn thấy được lúc nào có làn sóng vô tuyến được phát ra trong không khí. Cứ mỗi khi có người quay bộ phát điện cho máy vô tuyến hoạt động thì người ta thấy mấy bóng đèn néon, không gắn trên giá cắm vào dòng tiếp điện nào cả, bỗng dưng sáng lên. Lúc đó người xem cũng có thể tự tay mình cầm một bóng đèn néon khác để ngay trên bàn, đưa qua lại gần cần ăng-ten để thấy được bóng đèn sáng lên, và lại tắt khi bóng néon dang xa cần ăng-ten. Thật là một trò chơi lý thú. Nhiều người được mời cầm bóng đèn néon thí nghiệm thử, không dám làm vì sợ bị điện giật.

Sau này người ta thấy rất nhiều gia đình trong xóm lao động, cư ngụ tại vùng sát quanh đài phát sóng gần khu rừng cao su Phú Thọ, đã dựng những cây sào dài có mắc mảng lưới sắt, nhô cao phía trên nóc nhà, và nối dây tiếp xuống đốt sáng đèn néon trong nhà, mà họ gọi là dùng điện trời. Chẳng biết ai đã bày cho họ cái trò tiết kiệm liều lĩnh nguy hiểm này. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng Tổng tấn công các thành phố tại Nam Việt Nam, khu rừng cao su Phú Thọ được phá đi để xây dựng thành khu phố Chợ Tân Bình rất sầm uất, suốt từ ngã tư Bảy Hiền đến tận bên Trường Nữ Quân Nhân và đài phát sóng gần trường đua ngựa Phú Thọ.

Phòng Mật Mã Trung ương cũng được yêu cầu góp mặt trong gian hàng của Binh chủng Truyền Tin. Máy Mật Mã thuộc loại cơ mật đâu có thể đem ra trưng bày cho quảng đại quần chúng xem chơi được. Tôi đã từ chối, nhưng Trung tá Khương Chỉ huy trưởng, lấy tình cảm bạn cùng khóa cố ép buộc phải góp mặt, đặc biệt để tỏ tình Đại Đoàn Kết giữa các thành phần chuyên biệt chính trong Binh chủng (Khai thác, Mật Mã, Vật liệu), nhất là trong hoàn cảnh Binh chủng vừa mới được chuyển giao từ tay người Pháp sang người Việt Nam. Lúc đó, Sở Vật liệu Truyền Tin, trực thuộc hệ thống Chỉ huy của Tổng cục Tiếp vận, nên Chỉ huy trưởng Viễn Thông không có quyền điều động chỉ huy trực tiếp. Muốn yêu cầu Sở Vật liệu thực hiện điều gì, phải làm văn thư gửi Tổng cục trưởng Tiếp vận xét định chỉ thị. Có nhiều việc làm vì nhu cầu ngoại lệ, đâu có thể ghi trên văn thư giấy trắng mực đen được, thật là khó khăn.

Để chiều lòng Trung tá Khương, Tôi đã phải tiếp xúc với Trung tá Hiền, để nhờ ra lệnh cho Cơ quan Tiếp liệu Sửa chữa Vật lịệu Truyền tin Trung ương tại Phú Thọ, giúp thực hiện một hộp gỗ hình chữ nhật, ngang 1 mét 50, cao 1 mét, dầy 30 phân, có giá chân đứng cao hơn mặt đất 1 mét 20, ghi các câu đố chữ bằng hình vẽ, để trưng bày trong gian hàng cho bà con đoán đọc mua vui. Không gặp khó khăn nào, vì Trung tá Hiền và Tôi đã biết nhau, từ cuối năm 1951 tại Bộ Quốc Phòng ở đường Gia Long, khi Tôi từ Pháp hồi hương được Trung tá Nguyễn văn Vận Đổng lý Bộ Quốc phòng bổ nhiệm phụ trách Ban Mật Mã tại văn phòng Đổng lý. Lúc đó, anh Hiền và Tôi cùng mang cấp bậc trung úy. Anh Hiền đang làm Trưởng Trung tâm Truyền Tin, duy trì liên lạc giữa Bộ Quốc phòng với Bộ tham mưu Pháp (EMIF), với các Bộ Tham mưu quân sự Việt Nam (Etat Major Régional) tại các miền, và các Tiểu đoàn Việt Nam.

Trên mặt hộp gỗ chỉ có đủ chỗ để ghi 2 câu đố:

1. Câu đố thứ nhất dài sáu chữ: “ĂN QUẢ NHỚ KẺ TRỒNG CÂY”. Chúng tôi vẽ 6 hình, cảnh khác nhau, để người đọc dựa vào đó mà đoán, như sau:

1. Chữ ĂN, là cảnh một người đang ngồi cầm bát cơm với đôi đũa dơ lên ngang miệng.

2. Chữ QUẢ, thì vẽ một đĩa đựng đủ loại trái cây.

3. Chữ NHỚ, là một chùm nho, có thêm dấu móc và dấu sắc phía trên cuống chùm nho.

4. Chữ KẺ, thì vẽ một cậu học trò ngồi bên bàn học, tay trái đè trên cây thước dài, tay phải cầm bút để vẽ một vạch trên tờ giấy.

5. Chữ TRỒNG, là cảnh một người đang cầm xẻng đào lỗ xuống đất, bên cạnh lỗ có một cây nhỏ với gốc và rễ đang được bọc trong bao.

6. Chữ CÂY, là con chó đang dẫn một người mù cầm chiếc gậy chỉ về phía trước trên đầu con chó, với một gạch chéo đỏ nơi cây gậy. Thịt chó thường được bà con miền Bắc ưa chuộng gọi là thịt CẦY. Như vậy, chữ CẦY bỏ dấu huyền đi thì còn lại chữ CÂY.

Sau khi đoán xong, người đoán muốn biết mình đúng hay sai, chỉ việc ấn nút bật đèn điện ngay bên khung kính mờ phía dưới câu đố, sẽ nhìn thấy câu trả lời hiện ra.

2. Câu đố thứ 2, liên quan đến một câu truyện cổ Ai Cập, rất hóc búa, ít người đoán được. Đó là: AI? VÀO THỜI NÀO? TẠI ĐÂU? ĐÃ ĐẶT RA CÂU ĐỐ SAU ĐÂY: “Vật gì sáng bốn chân đi, trưa hai chân bước, chiều về thì ba?” VÀ CON VẬT NÓI TRONG CÂU ĐỐ LÀ CON GÌ?

Câu trả lời là: Vào thời đại cổ bên Ai Cập. Có một con Nhân Sư (Sphinx) thông minh bí mật nhất trần gian, nằm ngay giữa sa mạc, ai đi qua cũng bị nó đặt câu hỏi: “VẬT GÌ SÁNG BỐN CHÂN ĐI, TRƯA HAI CHÂN BƯỚC, CHIỀU VỀ THÌ BA?”, nếu trả lời được thì nó cho đi qua, bằng không thì bị nó giết chết. Con vật đề cập trong câu đố là CON NGƯỜI, và được giải thích như sau: Buổi sáng được coi như thời ấu thơ chưa đứng được, phải di chuyển bằng cách bò với cả 2 tay và 2 chân. Đến trưa là thời lớn khôn di chuyển bằng 2 chân. Chiều về là lúc tuổi già nua lụ khụ lưng còng, di chuyển phải chống gậy, tức là 3 chân.

Nhân Sư là một con vật thần thoại Ai Cập, mình Sư tử đầu Người có chít chiếc khăn vằn ngang, buông thõng xuống phía sau ót và hai bên má tới ngang vai. Chuyên viên Mật Mã đã qua một lớp huấn luyện chuyên nghiệp, anh nào cũng biết truyện này, vì hình tượng NHÂN SƯ được lựa làm biểu tượng cho Ngành Mật Mã của Quân đội Việt Nam. Ngành Mật Mã và Mã Thám của Pháp cũng dùng biểu tượng là đầu con Nhân Sư mặt nhìn thẳng, ngồi sau khung lưới ô vuông.

Hiện nay bên Ai Cập vẫn còn những tượng Nhân Sư nằm sừng sững bên các Kim Tự Tháp đồ sộ vĩ đại giữa sa mạc. Trên màn ảnh TV tại Hoa Kỳ, mỗi khi quảng cáo về thành phố Cờ Bạc Las Vegas, Tiểu Bang Nevada, vẫn thường thấy người ta chiếu hình con Nhân Sư to tướng trước một nhà hàng xây theo kiểu Kim Tự Tháp, và những vũ công ăn mặc trang phục Ai Cập nhảy múa.

Giới thiệu ngành Mật Mã của cả một Quân đội, mà chỉ có thể dùng một bảng hộp gỗ ghi các câu đố chữ đơn giản mộc mạc, trưng bày giữa những máy móc vật dụng điện tử hiện đại, trông thật lạc lõng chẳng giống ai. Nhưng vẫn phải cố gắng thực hiện, để biểu hiện tình Đại Đoàn Kết trong Binh chủng Truyền Tin gồm 3 ngành chuyên biệt: Khai thác, Mật Mã, Vật liệu, và đáp ứng lời yêu cầu của Chỉ huy trưởng Viễn Thông.

Lụi hụi tổ chức mừng ngày Cộng Hòa mới ra đời, chưa được bao lâu đã đến Noel 1956, rồi đầu năm Dương Lịch 1957 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Người ta, già trẻ lớn bé giắt nhau đi mua bán dạo phố, đầy nghẹt chặt cứng như nêm, quanh chợ Bến Thành, dọc đường Lê Lợi, trước Tòa Đô chánh Sài Gòn xuống tận Bến Bạch Đằng, dọc đường Tự Do, lên đến quanh nhà Thờ Đức Bà (Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn).

Mồng Một Tết Đinh Dậu 1957, tại Dinh Độc Lập có buổi tiếp tân Ngoại Giao đoàn, với sự hiện diện của các vị Đại diện Quốc hội, các Tổng Bộ trưởng, và các sĩ quan cấp tướng, tá, Chỉ huy trưởng Binh chủng, Tư lệnh Đại đơn vị, nên Tổng thống Diệm không thực hiện được câu: “Mồng Một thì Tết Mẹ Cha, Mồng Hai Tết Bạn, Mồng Ba Tết Thầy.” theo tục lệ cổ truyền Việt Nam. Phải qua ngày mồng Hai Tết, Tổng thống Diệm mới về Huế chúc thọ Thân mẫu, để tỏ lòng tôn kính hiếu nghĩa đối với bậc sinh thành dưỡng dục cho mình nên người, vì coi trọng câu châm ngôn “Việc nước trước việc nhà”.

Tổng cục Tiếp vận Bộ Tổng Tham mưu phải hoạch định một kế hoạch không vận quy mô, để đưa các Tổng Bộ trưởng và các sĩ quan cao cấp thuộc hàng Tư lệnh Đại đơn vị, tháp tùng Tổng thống đi chúc Tết Cụ Cố và thăm chào ông Cậu Ngô Đình Cẩn, Cố vấn tối cao tại miền Trung, quyền hành không kém gì ông Cố vấn Ngô Đình Nhu trong Chính phủ tại Sài Gòn.

Sau đó, suốt từ mồng Ba Tết cho đến mồng Bảy hạ Cây Nêu, Tổng thống đích thân dẫn phái đoàn Chính phủ gồm vài Bộ trưởng, Tướng Tổng Tham mưu trưởng, cùng đôi ba vị Trưởng phòng thuộc Bộ Tổng Tham mưu được lựa chọn, đi đến các địa phương xa Sài Gòn, thăm Dân Quân Cán Chính, để tỏ lòng ưu ái của vị Nguyên thủ Quốc gia đối với quảng đại quần chúng, đã tín nhiệm bầu mình đứng ra gánh vác công việc chung của đất nước. Giới chức Tỉnh trưởng, Quận trưởng tại mỗi nơi được Tổng thống ưu ái viếng thăm, đều phải lo vận động dân chúng, học trò ra đứng 2 bên đường đón chào vẫy cờ hoan hô đón mừng vị Nguyên thủ Quốc gia.

Sau Tết Con Gà (Đinh Dậu), vùng Cao nguyên miền Nam Trung phần vẫn còn mưa lai rai. Sáng ngày 22 tháng 2 năm 1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm và phái đoàn Chính phủ cùng Ngoại Giao đoàn lên khai mạc Hội Chợ Kinh Tế Ban mê thuột. Sau khi Tổng thống cắt băng khai mạc, đang cùng đoàn tùy tùng tiến vào khán đài thì bị một cán bộ Việt Cộng mặc áo mưa đứng lẫn trong quần chúng, xả súng ám sát. Mạng số Trời định Tổng thống mới lên đang còn vượng, nên ông Tổng trưởng Cải cách Điền Địa đã lãnh đạn thay, nhưng không chết.

Đến buổi chiều, phái đoàn tháp tùng Trung tá Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông lên thanh tra Chỉ huy các đơn vị Truyền Tin tại Ban mê thuột, đi bằng đường bộ mới lên tới nơi. Anh em thuộc Phòng Mật Mã Trung ương tháp tùng, kỳ này có tới 3, 4 người kể cả Tôi. Tôi không nhớ rõ gồm những ai, nhưng chắc chắn có anh Lý Thái Vượng sắp giải ngũ đi thăm bạn bè. Chúng Tôi đi trên một xe jeep riêng. Khách sạn Bungalo đông khách quá, chỉ còn độc nhất một phòng cho anh Khương, nhóm chúng tôi được xếp ngủ tại nhà khách riêng của Tỉnh.

Buổi tối phái đoàn chúng tôi được anh em Truyền Tin địa phương hướng dẫn ghé thăm khu Hội Chợ, đèn điện mầu sắc sáng trưng, trông rất đẹp mắt. Đặc biệt chúng tôi được dẫn đến thăm gian hàng của Cơ quan đại diện các Sắc Tộc Thượng, do Thiếu tá Nguyễn Quốc Quỳnh Thanh Tra Đại Diện Chính phủ bên đồng bào Thượng thực hiện. Sau kỳ Hội Chợ này, anh Quỳnh được Tổng thống Diệm bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Quảng Trị ngoài miền Trung.

Đây là một gian hàng nhà sàn rất độc đáo, trang trí theo kiểu Nhà Ròng Thượng. Muốn lên nhà sàn, mọi người phải bước theo những nấc thang nhỏ đẽo vào thân một cây gỗ, dựng đứng nơi đầu nhà. Ai đi không quen hoặc không cẩn thận có thể bị trượt chân lăn nhào xuống đất. Các nấc thang này làm cho những người đi chân không lên xuống. Chúng tôi mang giầy lính cao cổ, đế da cứng ngắc, nên gặp nhiều trở ngại dễ bị trợt, vừa leo vừa phải lấy 2 tay bám vào thân cột thang, như khỉ đang leo cây, trông y như những chú khỉ leo cây thật buồn cười. Cũng may, ban đêm ánh sáng quanh nhà Ròng mờ mờ ảo ảo, nên không ai nhìn thấy để mà cười.

Chúng tôi được tiếp đón theo tục lệ đồng bào Sắc Tộc. Thoạt đầu là màn hòa tấu nhạc Thượng với các nhạc cụ riêng của đồng bào Sắc tộc gồm:

-Khèn (loại kèn có vòi ngậm vào miệng để thổi qua một vỏ trái bầu tròn khô, trên có mấy ống trúc ngắn dài khác nhau để thoát hơi phát ra các âm thanh khác nhau),

-Đàn Thrưng (gồm nhiều đoạn trúc lớn nhỏ khác nhau, hai đầu cột dính vào 2 sợi dây thành một hàng dài sát bên nhau như mành mành cửa, treo nằm ngang như chiếc võng, nhạc công dùng 2 chiếc dùi bằng tre vót tròn dài gõ lên, y như đánh đàn Xylophone của người Âu gọi là đàn phiến gỗ hay mộc cầm), và mấy chiếc

-Cồng với khổ lớn nhỏ khác nhau phát ra những âm thanh khác nhau (giống như chiêng bằng đồng của người Kinh).

Sau màn hòa tấu nhạc Thượng chào đón khách xong, Anh Quỳnh và mấy đồng bào Sắc Tộc phụ trách gian hàng mời mọi người dùng Rượu Cần, đựng trong những chiếc Ché cao với mấy chiếc cần bằng trúc nhỏ rỗng ruột. Anh Khương trưởng đoàn đương nhiên là khách quan trọng nhất, được mời thưởng thức trước tiên. Rồi cứ theo thứ tự lần lượt tiếp theo nhau, ngậm đầu cần giữa 2 môi mà hút rượu vào miệng. Ai muốn hút mấy ngụm tùy thích, cứ việc liên tục mút nuốt liên tục từng ngụm một, khi nào không muốn dùng nữa thì chuyển sang cho người khác. Người này vừa ngậm đầu cần mút rượu xong, là chuyển ngay cho người khác ngậm tiếp. Tôi thấy ngài ngại, không biết từ sáng đến giờ, có bao nhiêu trăm hay ngàn cái miệng đã ngậm vào đầu cần, nhưng vì xã giao lịch sự vẫn phải cố gắng liều thử một phen cho biết mùi Thượng.

Loại rượu này, nghe giải thích được ủ bằng men và cơm nguội sao đó, nên uống nó lạt lạt chua chua. Nhưng, nếu cứ ngâm nghi hút liên tục hết ngụm này đến ngụm khác, thì cũng lư đư như đang ngồi trên con tầu đi biển, chẳng khác nào nhắm rượu Đế của người Kinh cất bằng gạo nếp lức ủ men vậy. Theo kinh nghiệm của những người đã từng vào Buôn Thượng, tham dự các kỳ lễ hội cho biết thì cái say của Rượu Cần không làm nhức đầu như rượu Đế của người Kinh.

Sau khi Thiếu tá Quỳnh chủ gian hàng, bắt tay niềm nở đón tiếp Trung tá Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông xong, không cần ai giới thiệu anh Quỳnh quay qua nắm tay Tôi vồn vã chào hỏi thăm sức khỏe Vợ và các Con của Tôi, làm anh Khương và mọi người tháp tùng rất ngạc nhiên. Đâu có ai biết rằng anh Quỳnh tốt nghiệp Khóa 4 Võ Bị Đà Lạt, là anh ruột của Trung úy Nguyễn Bỉnh Thiều, đã từng đến nhà riêng thăm chúng tôi tại Bà Chiểu Gia Định, ngay từ ngày anh Thiều di cư theo Quân khu 3 ngoài Hà Nội vào Nha Trang năm 1954, để xin Tôi điều động cho anh Thiều được vào Sài Gòn làm việc với Tôi tại Phòng Mật Mã Trung ương.

Hai ngày kế theo, thanh tra các đơn vị Truyền Tin tại Ban mê thuột xong, chúng tôi được dẫn đi thăm khu dinh thự, trước kia dành riêng cho Quốc trưởng Bảo Đại ngự mỗi lần Ngài lên Ban mê thuột, gọi là Dinh Le Lac ở giữa một thung lũng rất nên thơ, cách thị xã Ban mê thuột khoảng mươi cây số.

Sau một đêm mưa tầm tã, chúng tôi rời Ban mê thuột đi Nha Trang bằng đường bộ, theo ngả xuống đèo M-Drac, qua Trung tâm Huấn Luyện Dục Mỹ, Ninh Hòa... Khi đoàn xe chúng tôi xuống hết đèo M-Drac, chạy tới chiếc Kè Đá dài hơn trăm thước xây ngang dòng suối, thấy nước lũ trên nguồn đổ xuống tràn ngập mênh mông. Chúng tôi không dám liều băng ngang, vì giữa dòng đã có 2 chiếc G.M.C. đang nằm thi gan cùng nước lũ ngập cao hơn bánh xe, và anh Khương lại đi bằng xe Peugeot 203. Không thấy bóng người nào trên các xe GMC, cũng chẳng thấy ai ở trên bờ phía bên kia.

Theo đề nghị của anh em có kinh nghiệm tại vùng này, chúng tôi phải chờ ít tiếng đồng hồ sau, mực nước hạ thấp, bớt dồn dập mới hy vọng cho xe chầm chậm băng qua đập an toàn được. Đợi mãi tới xế chiều nước vẫn chưa thuyên giảm, không lẽ quay trở lại Ban mê thuột? Anh Luận có vẻ thông thạo địa phương, cho biết gần nơi chúng tôi đang đậu xe có một Buôn Thượng nhỏ, hãy quay xe đến đó xin tá túc qua đêm, sáng mai đi tiếp. Nếu đến sáng nước vẫn chưa rút đi không được, thì đành phải quay trở lại Ban mê thuột tìm phương cách khác đi Nha Trang. Mươi phút sau, đoàn xe chúng tôi tới được Buôn Thượng xin tá túc. May sao tại Buôn này có một bà đứng tuổi, người Kinh cư ngụ buôn bán nói được tiếng Thượng, giúp thông dịch cho chúng tôi mua gạo, gà và măng tươi luộc, chấm muối ớt Mọi cay buốt tận mang tai, để ăn bữa tối. Một cặp vợ chồng người Thượng thật tốt bụng, chồng trung niên, vợ trẻ măng, cho chúng tôi ngủ nhờ qua đêm trong căn nhà sàn rộng rãi của họ.

Cơm nước xong, trời còn sáng, nghe nói tại Buôn có người mới chết, mả chôn ngay tại khu đất cỏ mọc um tùm phía sau các dãy nhà sàn, trang trí rất lạ mắt. Chúng tôi giắt nhau ra xem. Anh Chi và anh Luận đi giầy da thấp cổ, bị nước bùn đen thui, nồng nặc mùi thum thủm ngập ướt cả giầy và 2 chân, phải rửa hong bên lửa cho khô. Nhà sàn chỉ có một cửa nhỏ ra vào, ngay nơi đầu giàn thang bước từ dưới đất lên. Mọi người nằm xếp hàng sát bên nhau, quanh 2 bên bếp củi rừng cháy liu riu suốt đêm giữa sàn, toả khói để xua đuổi muỗi. Không mùng, không mền, không gối kê đầu, nằm trên sàn cây hơi đau lưng, nhiều người vừa đặt mình nằm đã ngủ ngáy say sưa ngon lành. Riêng Tôi, sau cả giờ trằn trọc mới chìm được vào giấc ngủ cho qua đêm. Cũng may, cơn mưa hôm trước đã ngưng hẳn từ buổi chiều và suốt đêm không quay trở lại.

Sáng sớm hôm sau, lúc những tia nắng vàng bình minh vừa bắt đầu chiếu xuyên cành lá rừng, thì chúng tôi thức giấc để tiếp tục lên đường. Đến bên bờ suối thấy nước lũ đã rút hết, chỉ còn rỉ rả hiền hòa tràn qua mặt Kè Đá như thường lệ, chúng tôi vui mừng được thoát nạn. Hai chiếc xe GMC mắc kẹt hôm qua, bị nước đẩy băng nằm nghiêng giữa dòng suối, cách mặt Kè Đá cả trăm mét. Qua khỏi Kè Đá một đoạn xa, trước khi tới Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ, chúng tôi ghé vào khu suối nước nóng gần chân núi, để ngâm mình trong các hồ hứng nước nóng từ lòng các khe đá tràn ra, đang bốc hơi nghi ngút và nồng nặc mùi diêm sinh. Người ta nói ngâm mình trong loại nước này, trị được phong thấp và ghẻ lác ngứa ngáy rất hữu hiệu. Tại đây có những túp nhà nhỏ với nhân viên phụ trách phục dịch khách lấy tiền. Họ cũng bán thức ăn, đặc biệt có trứng gà sống, cho khách mua đem để trên những hõm đá đang có nước phun ra, một lúc trứng chín như luộc bằng nước sôi vậy.

Tới Nha Trang, sau khi thanh tra các cơ sở đơn vị Truyền Tin, phái đoàn còn được ghé thăm xã giao đơn vị Tiếp liệu Sửa chữa Vật liệu Truyền Tin, tôi không nhớ do ai chỉ huy. Sở dĩ không gọi là thanh tra, vì đơn vị này thống thuộc Sở Vật Liệu Truyền Tin Sài Gòn, theo tổ chức Quân đội lúc bấy giờ chưa nằm trong hệ thống chỉ huy trực tiếp của Chỉ huy trưởng Viễn Thông. Nên vui thì đơn vị trưởng tiếp và dẫn thăm, còn theo quy luật hệ thống chỉ huy không muốn cho thăm cũng chẳng làm gì được.

Xong công tác tại Nha Trang, chúng tôi tiếp tục đi thanh tra Truyền Tin tại Đà Lạt. Trên đường đi có ghé qua Tiểu khu Phan Rang, anh Khương được các bạn đã từng cùng vào nằm trong chiến khu của Thiếu tá Thái Quang Hoàng chống Tướng Hinh nguyên Tổng Tham mưu trưởng năm nào, tiếp đón rất nồng hậu.

Con đường xe hơi dẫn lên Đà Lạt chạy vòng vèo theo triền núi, leo lên đỉnh đèo Belle Vue. Con đường thật là khúc khuỷu nguy hiểm hơn đường đèo Hải Vân giữa Huế và Đà Nẵng nhiều. Nhưng thích thú vì được thấy cảnh nên thơ hùng vĩ của núi rừng thông Việt Nam, chẳng khác nào như mình đang đi trong bức tranh thủy mạc, ghi cảnh 4 ông Ngư, Tiều, Canh, Độc của Tầu vậy.

Con đường sắt có dọc móc sắt nằm dài chính giữa 2 đường rầy, giúp cho các đoàn xe hỏa móc vào leo lên tụt xuống, đưa đón khách từ vùng đồng bằng lên thăm Đà Lạt, cũng được thiết lập dọc theo triền núi, trông thấy mà sợ. Tôi chưa bao giờ có dịp đi thử, để thưởng thức cái hồi hộp lo sợ khi ngồi trong các toa xe lửa, từ từ leo lên tụt xuống dốc núi của vùng đèo Belle Vue này như thế nào.

Tại Đà Lạt, sau khi thanh tra các cơ sở Truyền Tin Tiểu khu, Trường Võ Bị Quốc gia, đài tiếp vận siêu tần số trên đỉnh Lang Biang lúc nào cũng gió và lành lạnh, chúng tôi có dịp đi thăm Trung tâm nghiên cứu nguyên tử, trại Hầm nơi có Chùa Tầu (Nam Nữ tu sĩ ở chung), những vườn trái mận (plumb), thác Bren, thác Gouga, trước khi trở về Sài Gòn.

Cuộc thanh tra Ban mê thuột, Nha Trang, Đà Lạt kỳ này có một chuyện kỳ thú, đặc biệt đối với 2 anh Nguyễn Hữu Chi và Đỗ Như Luận, chắc chắn phải nhớ đời không thế nào quên được. Đó là, truyện xảy ra khoảng 2 tuần lễ sau khi phái đoàn đã về Sài Gòn. Vào một đêm Trời âm u không trăng sao, sĩ quan trực Bộ Chỉ huy Viễn Thông nhận được điện thoại gọi, yêu cầu cung cấp xe chở anh Chi, rồi anh Luận vào nhà Thương cấp cứu vì sốt cao mê man và đổ máu mũi. Ngày hôm sau biết tin, anh em đi thăm, 2 anh đã bớt và đang phải nằm điều trị tại khu riêng biệt dành cho các người mắc bệnh truyền nhiễm, trong nhà Thương Chợ Rẫy bên Chợ Lớn. Nhà thương này mới được Quân đội Viễn chinh Pháp trao lại, theo đòi hỏi của Chính phủ Ngô Đình Diệm.

Những người cùng đi trong đoàn thanh tra (trong đó có Tôi), ai nấy cũng ngay ngáy lo lắng chờ đợi tới phiên mình. Nhưng một tuần rồi hai tuần qua đi, chẳng ai làm sao, mới thở phào nhẹ nhõm. Đinh ninh rằng, trước kia mình cũng đã từng có lần bị sốt rét vật, đã được chữa trị dứt nọc, và nhờ trong cơ thể mình đã từng có dịp tạo kháng thể chống trùng sốt rét quen rồi, nên nay mới được hưởng trường hợp miễn nhiễm. Vì không phải là Bác sĩ nên đoán đại vậy thôi, chớ sự thực không phải vậy.

Số là, hồi còn nhỏ hoạt động Hướng Đạo trong Đoàn Mẫu Sơn, sau khi đi dự trại Hè năm 1942 ở trên đỉnh núi Mẫu Sơn (thuộc quận Lộc Bình cách thị xã Lạng Sơn chừng 20 cây số, nơi có một trong các cột mốc ấn định ranh giới giữa 2 nước Việt Nam Trung Hoa) về, Tôi đã bị sốt rét cách nhật, phải uống thuốc Quinine chữa cả năm trời mới khỏi hẳn. Mãi sau này, vào cuối tháng 4 năm 1984, bị cộng sản Việt Nam chuyển từ Trại cải tạo lao động khổ sai Thanh Phong, Thanh Hóa, Trung Việt, về tiếp tục cải tạo tại trại Z30C vùng Rừng Lá, Hàm Tân, Thuận Hải, Tôi vẫn bị sốt rét Hàm Tân vật như thường, mặc dù gia đình đã tiếp tế thuốc Chloroquine cho uống phòng ngừa trước, đúng theo liều lượng quy định mà vẫn không thoát.

Lúc đó, Tôi mới nhớ ra rằng, hồi trước 30-4-1975, vào khoảng năm 1969, một Liên đoàn Thủy quân lục chiến vào vùng Rừng Lá Hàm Tân hành quân, cũng đã bị sốt rét Hàm Tân vật ngã. Cố vấn Hoa Kỳ báo cáo là vì quân sĩ không chịu uống thuốc Chloroquine do Quân đội cấp phát để phòng ngừa. Đại tướng Cao văn Viên Tổng tham mưu trưởng QLVNCH, đã chỉ thị Thiếu tướng Nguyễn văn Mạnh Tổng Thanh tra Quân Lực chỉ định Tôi, lúc đó đang là đại tá giữ chức vụ Chánh Sự Vụ Sở Khai Thác Nha Tổng Thanh tra, dẫn đoàn điều tra hỗn hợp Việt-Mỹ đi tìm hiểu sự thật để phúc trình. Chúng tôi đến lấy lời khai các nhân chứng trong đơn vị tại doanh trại Liên đoàn đóng ở quận lỵ Thủ Đức, rồi đến Quân Y viện nằm trong doanh trại của Bộ Tư lệnh Thủy Quân Lục chiến bên Thị Nghè để lấy lời khai của sĩ quan binh sĩ bị sốt rét đang nằm điều trị. Lúc đó Tướng Lê Nguyên Khang là Tư lệnh Thủy quân Lục chiến. Tôi không nhớ tên và cấp bậc của vị Liên đoàn trưởng và các Tiểu đoàn trưởng. Các lời khai cho thấy là mọi người đều uống thuốc phòng ngừa, đúng liều lượng và đúng thời gian hướng dẫn, mà vẫn bị sốt rét Hàm Tân vật như thường.

Chúng tôi phải đợi kết quả thử nghiệm của các chuyên viên Y khoa hỗn hợp Việt-Mỹ, mới quả quyết trình lên Tổng tham mưu QLVNCH và Tư lệnh MacV là: vì thuốc Chloroquine không công hiệu đối với loại vi khuẩn Phansiparum [falciparum], do muỗi Hàm Tân truyền vào cơ thể người ta khi chúng hút máu, chớ không phải quân sĩ không uống thuốc phòng ngừa như Cố vấn báo cáo. Kết quả huề cả làng, cấp Chỉ huy Việt Nam không bị rầy rà gì cả, nhưng Cố vấn thì hơi “quê” chút đỉnh. Cũng may, ông Đại tá Thanh tra người Hoa Kỳ đồng Trưởng đoàn hỗn hợp với Tôi, là người rất thẳng thắn công minh, đã từng cộng tác với Tôi trong nhiều cuộc điều tra hỗn hợp Việt-Mỹ khác trước đó, nên chúng tôi không gặp khó khăn phiền hà nào trong suốt thời gian lấy lời khai của cả 2 bên quân nhân Việt Nam và Cố vấn Hoa Kỳ, cũng như sau khi đã trình kết quả lên 2 vị Tư lệnh cao nhất trong Quân đội của cả 2 bên Việt Nam và Hoa Kỳ.

Dưới đây là hình ảnh, Họp mặt Truyền Tin mùa Thu 1995, và bầu Ban Chấp Hành nhiệm kỳ 1994-1996, tại Hội quán Lạc Hồng trong trường Tâm’s Beauty College của Bồ câu Hải quân Nguyễn văn Diễm, thành phố Garden Grove, khu Little Saigon, Nam California, Hoa Kỳ ngày 19-11-1995.

 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 9
MỘT CÔNG ĐÔI VIỆC: CÔNG VỤ THANH TRA VÀ “VINH QUY BÁI TỔ” CỦA CHỈ HUY TRƯỞNG VIỄN THÔNG BỘ TỔNG THAM MƯU QLVNCH

Noi gương Tổng thống Ngô Đình Diệm (ngày Mồng Một Tết tiếp Ngoại giao đoàn, ngày Mồng Hai về Huế chúc Tết Thân mẫu, mấy ngày Tết còn lại kể từ Mồng Ba đi thăm các đơn vị Quân đội và Dân chúng ở các tỉnh xa Thủ Đô), nên ngày mồng Ba Tết Bính Thân 1956, Trung tá Nguyễn Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông Bộ Tổng Tham mưu, cũng dẫn phái đoàn tham mưu của Bộ Chỉ huy và Phòng Mật Mã Trung ương đi thăm viếng các đơn vị Truyền Tin tại Quân khu I, gồm Huế, Quảng trị, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Chuyến đi này, ngoài mục đích công vụ ra, anh Khương còn thực hiện được mấy việc riêng tư khác, như “vinh quy bái tổ” về quê thăm khoe với họ hàng bà con thân quyến nhân dịp Tết về sự kiện được thăng quan tiến chức quan trọng trong Quân đội, và đến trình diện chúc Tết ông Ngô Đình Cẩn (Cố vấn của Tổng thống Diệm, Lãnh tụ Phong trào chính trị của Cần Lao Nhân Vị tại miền Trung, thường được quần chúng gọi là ông Cậu) để Cậu biết mặt nhớ Tên, như thông lệ các Chỉ huy trưởng Binh Chủng, Nha Sở Trung ương, Đại Đơn vị khác trong Quân đội từng làm.

Máy bay Air Việt Nam rời Sài Gòn, đưa chúng tôi cùng hành khách dân sự đi thẳng một lèo ra Huế, không ghé nơi nào cả. Đến khoảng gần trưa, phi cơ hạ thấp cao độ rồi đáp xuống phi trường Phú Bài. Phái đoàn chúng tôi được Thiếu tá Phan văn Chuân Chỉ huy trưởng Viễn Thông Quân Khu, và một số sĩ quan Truyền Tin đang phục vụ tại Huế ra đón rất niềm nở.

Trên đường từ phi trường Phú Bài về Huế, một sự kiện làm Tôi rất ngạc nhiên là, trước cửa nhà dân chúng ở dọc 2 bên đường suốt từ xóm nhà quanh chân núi Ngự Bình, qua chợ An Cựu, vào thành phố Huế, treo toàn một loại cờ Phong trào Cách Mạng Quốc gia (một sọc vàng to chính giữa với ngôi sao 5 cạnh đỏ, và hai sọc đỏ nhỏ hơn dọc 2 bên suốt bề dài cờ). Các trụ sở cơ quan Hành chánh và Quân đội chỉ treo Cờ Quốc gia (cờ quẻ Càn, nền vàng 3 sọc đỏ) chớ không treo cờ của Phong trào Cách mạng Quốc gia.

Tại các tỉnh miền Nam, cũng như tại vùng Cao nguyên Trung phần, Tôi đã có nhiều dịp đi qua, không thấy có hiện tượng này. Thảo nào tại Sài Gòn, trong thời gian chuyển tiếp từ Chế độ Quốc gia Việt Nam sang Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày trưng cầu Dân ý truất phế Quốc trưởng Bảo Đại (23 tháng 10 năm 1955), người ta đã đưa ra công luận bàn cãi về việc thay đổi hình thức lá Quốc kỳ, bài Quốc Ca, cùng một lượt với việc soạn thảo bản Hiến Pháp và Chế độ Chính trị mới cho miền Nam Việt Nam.

Hiện tượng này khiến Tôi mông lung suy nghĩ, phải chăng đây là mẫu Quốc kỳ mà người ta đã muốn vận động hợp thức hóa nhưng không thành? Vì Hiến Pháp đã ban hành vào ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm tuyên thệ nhậm chức 26 tháng 10 năm 1956, Cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn là “Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ” (Quẻ Càn), Quốc Ca vẫn là bài “Tiếng gọi Công Dân”, có từ thời ông Bảo Đại làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam thống nhất cả 3 miền Bắc Trung Nam. Chỉ có một điều khác là, trong các buổi lễ lạc, và ngay cả trong các rạp hát, chiếu bóng, sau khi mọi người đứng nghiêm chỉnh nghe hòa tấu bài “Quốc Ca VNCH” để chào Cờ, phải tiếp tục đứng nghe bài hát tuyên dương lãnh tụ Ngô Đình Diệm: “...Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống. Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống muôn năm!...” rồi mới được ngồi xuống bắt đầu xem trình diễn tuồng hay chiếu phim.

Trong thời gian công tác tại Huế, chúng tôi được sắp xếp ở trong khách sạn Morain sang trọng nhất Huế, trước kia chỉ dành riêng cho người Pháp và quan chức Việt Nam quan trọng có dịp ghé Huế. Anh Khương về nhà riêng không ở khách sạn với chúng tôi. Ngay buổi tối ngày chúng tôi vừa tới Huế, cả phái đoàn được mời sang ăn cơm Tầu tại nhà hàng danh tiếng bên Gia Hội, do toàn thể anh em Truyền Tin làm việc tại Huế đóng góp khoản đãi rất trọng hậu.

Sáng sớm hôm sau ngày tới Huế, đang lang thang trong hành lang trên lầu Khách sạn đợi xe đến đón, Tôi gặp một cô dáng vẻ nữ sinh rất duyên dáng xinh xinh. Vốn tuổi trẻ hào phóng lãng mạn, Tôi nhoẻn miệng cười nghiêng mình lịch thiệp chào làm quen. Vừa lúc đó thì Thiếu úy Phan Xuân Thế, Trưởng Phòng Mật Mã Bộ Chỉ huy Viễn Thông Quân khu tới. Anh Thế chào Tôi và ghé tai nói nhỏ: “Em vợ Thiếu tá Lam Sơn Chỉ huy trưởng Khu Truồi, mới bị cất chức và giữ điều tra liên quan đến an ninh quốc gia sao đó. Thiếu tá không nên gần và làm quen, e rằng an ninh theo dõi ngó thấy có thể gặp chuyện không hay sau này cho mình.”

Anh Thế người gốc Huế, nguyên là công chức Tòa Án bị động viên theo học khóa sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, ra trường được tuyển lựa cho về tăng cường nhân số ngành Mật Mã. Vì hoàn cảnh gia đình có Cha già yếu cần săn sóc đặc biệt, nên sau khi học khóa Sĩ quan Mật Mã tại Phòng Mật Mã Trung ương, Tôi đề nghị cho về Huế, thay cho anh Lý Thái Vượng đã phục vụ tại Huế trên 2 năm, cũng đang có nhu cầu đưa Cha già và gia đình đông con di cư từ Hà Nội vào không hợp với phong thổ Huế, muốn được vào Sài Gòn để ổn định việc định cư vĩnh viễn.

Buổi công tác đầu tiên của phái đoàn là tham dự thuyết trình tại Bộ Chỉ huy Viễn Thông Quân khu. Qua các điều trình bày của địa phương và thảo luận thắc mắc của phái đoàn Trung ương, Tôi cảm nhận được rằng tại đây, giữa cấp chỉ huy Khai thác Truyền Tin (Thiếu tá Phan văn Chuân) và chỉ huy trưởng đơn vị Tiếp liệu sửa chữa Vật dụng Truyền Tin (Thiếu tá Khổng văn Tuyển) cũng đang có các khó khăn tương tự như tại Sài Gòn, giữa Trung tá Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông Bộ Tổng Tham mưu QĐQGVN và Trung tá Lê văn Hiền Chánh Sự vụ Sở Vật liệu truyền Tin trực thuộc Nha Quân Cụ trong hệ thống chỉ huy của Tổng Cục Tiếp vận.

Vài tháng sau, anh Khổng văn Tuyển được anh Khương đề nghị Bộ Tổng Tham Mưu điều động vào Sài Gòn, làm Chánh Sở Vật liệu Truyền Tin thay thế Trung tá Lê văn Hiền bị thuyên chuyển ra khỏi ngành TT, không biết vì lý do gì? Sau này anh Hiền hoạt động ngoài Bộ binh cũng đã được thăng lên cấp đại tá. Thời kỳ sau 30-4-1975 phải đi tập trung cải tạo, Tôi lại có dịp gặp anh Hiền mặc dù anh ấy đã giải ngũ sống tại quê vùng trồng bưởi có tiếng của tỉnh Biên Hòa, nhưng cũng phải đi tập trung cải tạo như những người đang còn tại ngũ [như] chúng tôi. Đến giữa năm 1976, Tôi bị chuyển ra cải tạo tại vùng Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, anh Hiền được ở lại Trại Suối Máu, Biên Hòa, cùng với một số Bác sĩ Quân Y, không biết lúc nào thì được tha.

Rời Bộ Chỉ huy Viễn Thông, toàn thể đoàn thanh tra chúng tôi được hướng dẫn vào Thành Mang Cá, nơi đồn trú của Đại đội TT, chờ anh Khương ghé vào Cung Nội (nơi có Bộ Tư lệnh Quân Khu để yết kiến vị Tư lệnh Quân Khu) để trình vị Tư lệnh Quân Khu (hình như lúc đó là Đại tá Lê văn Nghiêm) biết là mình đang dẫn đoàn thanh tra TT công tác tại miền Trung. Đến khi anh Khương xong công việc trình diện Tư lệnh Quân Khu về tới Đại đội, cuộc thanh tra Đại đội mới bắt đầu. Tại cơ sở Đại đội TT chẳng có gì liên quan đến Mật Mã, nên Trung úy Trịnh Xuân Minh và Tôi không được mời tham dự. Thiếu úy Võ Trịnh Trọng được giao phó trách nhiệm dẫn chúng tôi xuống Câu lạc bộ của Đại đội giải khát chờ, phái đoàn làm việc xong sẽ cùng lên đường đi thăm Trung tâm Truyền Tin Khu Truồi. Thiếu úy Trọng (đến năm 1959 mang lon đại úy du học TT tại Hoa Kỳ về, được anh Khương đưa về làm Phó Giám đốc cho Tôi tại Trường Truyền Tin Liên trường Võ Khoa Thủ Đức, Tôi đã nhắc đến trong đoạn Duyên Nợ Truyền Tin-5) kêu nhân viên Câu lạc bộ đãi chúng tôi, nem chua nướng, tỏi sống, nhắm với Bia hâm nóng bỏ đường, rất ngon và làm ấm lòng người vào buổi sáng mồng 4 Tết. Thời tiết của Huế vẫn còn lạnh cóng, trong khi tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đã nóng đổ mồ hôi.

Buổi tối ngày thứ 2 làm việc tại Huế, ông Cụ Trần Thái Kỉnh (một nhân sĩ Chính trị của Cần Lao hầu như ai ở Huế cũng biết tiếng, là thân phụ của Hạ sĩ Trần Chí Trung Mật Mã viên làm việc với Tôi tại Sài Gòn) nhờ Thiếu úy Thế Trưởng Phòng Mật Mã Quân khu, mời anh Minh, Tôi, anh Khương và cả anh Thế đến nhà dùng cơm tối. Trong lúc ăn uống, ông Cụ vồn vã nói truyện với Tôi rất mực thân tình về cả các hoạt động chính trị tại miền Trung, và nhắc Tôi nhớ chiều ngày Mồng Tám Tết ra phi trường Tân Sơn Nhất đón con gái của Cụ đưa tới nhà Bác sĩ Trần Kim Tuyến tại Sài Gòn giùm. Sự kiện này làm anh Khương ngạc nhiên vô cùng, không hiểu vì sao Tôi là người Bắc sống trong Sài Gòn, mà lại có sự liên lạc quen biết thân thiện với một nhân vật như vậy tại Huế. Cũng nhờ thế, sau cuộc thanh tra Huế về Sài Gòn, Tôi cảm nhận được rằng mấy “đồng chí” có vai vế trong Phong trào Cách mạng Quốc gia của Binh chủng TT, không ai còn tỏ vẻ quan trọng kênh kiệu khi tiếp xúc với Tôi như trước nữa.

Sau 2 ngày làm việc ở Huế và Quảng Trị xong, chúng tôi dùng xe hỏa từ ga Bạch Hổ Huế chạy qua An Cựu, Phú Bài, Truồi, Lăng Cô, rồi leo núi và chui qua hầm Đèo Hải Vân để vào Đà Nẵng, vào buổi chiều tối ngày mồng 5 Tết. Một gặp gỡ “kỳ ngộ” đã xảy ra trên chuyến xe hỏa đầu năm Con Khỉ này, cũng ghi lại cho Tôi và anh em Phòng Mật Mã Trung ương một kỷ niệm vui vui. Số là, khi anh Trung úy Trịnh xuân Minh và Tôi vừa bước vào phòng hạng nhất trên toa xe hỏa, thấy có 2 nữ sinh cỡ tuổi đôi mươi, xinh xinh dễ thương đang ngồi trong đó. Chúng tôi sắp xếp hành lý rồi ngồi vào chỗ xong, mới bắt đầu khơi truyện làm quen 2 người đẹp. Nhờ Huệ Chi và Kim Lan đều là thân quyến của gia đình lính, nên câu truyện hàn huyên trở nên thân thiện dễ dàng nhanh chóng. Huệ Chi có anh rể thuộc đơn vị Thiết giáp đóng ở Thủ Dầu Một. Còn Kim Lan có thân quyến thuộc Không quân làm việc ở Tân Sơn Nhất. Hai người cùng là bạn học Gia Long cũ, nhân dịp Tết rủ nhau đi thăm Huế, lúc ra về thì gặp chúng tôi đi cùng chuyến tầu đêm vào Đà nẵng. Sau này về tới Sài Gòn, anh em Phòng Mật
[Mã] Trung ương chúng tôi (Vượng, Thiều, Minh, Lạng và Tôi) có nhiều dịp lại nhà riêng Huệ Chi thăm, nên biết Huệ Chi cũng là một “nữ thi sĩ tài tử” của trường Trung học Gia Long. Để làm cho sự quen biết ngày một thêm thắm thiết, anh Lý Thái Vượng đã làm 2 câu thơ để yêu cầu Huệ Chi phụ họa, “Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không?” Huệ Chi không phụ họa ngay, nói để lần khác sẽ trả lời. Trước lạ sau quen, nhờ những kỳ thăm như vậy, nên chúng tôi đã mời được Huệ Chi tham gia Ban Hợp Ca của Phòng MMTU (Ban Hợp ca M2, có cả Vợ của Tôi), lên trình diễn giúp vui trong các buổi học tập Chính trị Tố Cộng bài Phong do Bộ Chỉ huy Viễn Thông tổ chức. Những ngày Chủ nhật mọi người thường tới nhà Tôi để tập dượt hợp ca, và lần nào cũng được Vợ Tôi đãi trà bánh hoặc xôi chè đậu.

 

 

Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, sau khi thanh tra các đơn vị khai thác TT xong, cũng có cuộc “thăm viếng xã giao” đơn vị Yểm trợ Tiếp liệu Sửa chữa Vật liệu TT (hình như lúc đó do anh Dương Hồng Cẩm chỉ huy). Hoàn tất công tác tại miền Bắc Trung Việt, chúng tôi dùng máy bay trở về Sài Gòn, chuẩn bị cho đợt công tác khác tại miền Cao Nguyên Trung phần (Ban mê thuột, Pleiku, và Kontum).

Kỳ thanh tra miền Cao nguyên Trung phần, chúng tôi cũng được Tổng cục Tiếp vận cấp vé đi máy bay Air Việt Nam lên Ban mê thuột, chớ không phải dùng “Air Kaki” tức là máy bay chuyển vận liên lạc của Không Quân như những quân nhân đi công tác thường lệ. Sau khi thanh tra các đơn vị TT tại Ban mê thuột xong, chúng tôi dùng xe Jeep đi đường bộ lên Pleiku, rồi xuống Kontum.

Đặc biệt tại Pleiku, chúng tôi gặp Trung úy Nguyễn văn Thúy (nhà văn Kỳ Văn Nguyên, tác giả cuốn truyện “Tìm về sinh lộ” được giải thưởng văn chương của miền Nam Việt Nam) đang thuộc quân số đơn vị TT hoạt động tại đây. Anh Khương tiếp xúc nói truyện thấy có vẻ như 2 người đã quen biết nhau từ trước. Ít ngày sau cuộc thanh tra, anh Thúy được điều động về Bộ Chỉ huy Viễn Thông để làm việc bên Trung tâm TT Bộ Tổng Tham mưu, và nhận lãnh việc tiếp tục thực hiện cuốn đặc san “Sóng Việt” và giờ phát thanh của Binh chủng TT trên làn sóng Đài Phát Thanh Quân đội, thay Tôi và anh em Phòng Mật Mã Trung ương từ nhiệm. Chúng tôi từ nhiệm vì anh Giác ỷ thế Tham mưu trưởng của Bộ Chỉ huy, xen lấn vào quyền Chủ bút tờ đặc san “Sóng Việt” của Binh chủng do anh Khương phó thác cho Tôi phụ trách.

Từ cuối năm 1956 qua đầu năm 1957, toàn Bộ Tổng Tham Mưu di chuyển hết vào Camp Chanson (cơ sở cũ của Bộ Tư lệnh tối cao Quân viễn chính Pháp giải tán trao lại cho Việt Nam) ngay sát phi trường Tân Sơn Nhất thuộc quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Định. Từ ngày đó Camp Chanson được đổi tên là Trại Trần Hưng Đạo. Bộ Chỉ huy Viễn Thông và Sở Vật liệu TT, được cấp 2 dãy nhà song song bên nhau, ngay gần bồn chứa nước (water tower) giữa khu các Văn phòng làm việc, khu Câu lạc bộ và cư xá dành cho gia đình sĩ quan thuộc Bộ Tổng Tham Mưu.

Cơ sở cũ của Bộ Tổng Tham Mưu tại đường Trần Hưng Đạo giao lại cho Cơ quan Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ sử dụng. Sau này, tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan QLVNCH được cho đi du học bổ túc chuyên nghiệp tại Hoa Kỳ, đều phải tới đây làm thủ tục trắc nghiệm anh văn và phỏng vấn trước khi được chính thức cho lên đường. Về sau nữa, cơ sở này lại trở thành nơi làm việc của Bộ Tư lệnh Quân Đại Hàn (Nam Hàn) vào giúp Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam.

Dọn vào Trại Trần Hưng Đạo, Phòng Mật Mã Trung ương được cấp 3 căn phòng chính giữa nơi tầng dưới, trong dãy nhà dành cho Sở Vật liệu TT. Chúng tôi đề nghị phải xây tường ngăn các hành lang, và làm lưới sắt an toàn quây chung quanh thành một khu biệt lập, không ai được đi ngang hoặc đứng ngoài sân có thể nhìn thấy bên trong, rồi mới dọn vào. Sự kiện này, ban đầu cũng làm cho một số anh chị em làm việc tại các văn phòng ở 2 bên đầu nhà tầng dưới của Sở Vật liệu phiền lòng. Vì nắng hay mưa, anh chị em ở đầu nhà bên này muốn sang gặp anh chị em ở đầu nhà bên kia, đều phải đi vòng ra ngoài sân hoặc dùng cầu thang leo lên lầu, đi ngang hàng hiên rồi lại xuống cầu thang, mệt mỏi diệu vợi.

Nhưng về sau, khi thấy Tướng Trần văn Đôn Tham mưu trưởng Liên Quân và Đại tá Nguyễn Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông, mỗi lần đến thăm viếng Phòng Mật Mã Trung ương cũng vẫn phải bấm chuông và đợi người ra nhận diện rồi mới mở cửa mời vào. Không như những văn phòng khác, Quý vị này thích thăm đâu là cứ tự nhiên đến và ra vào tự do bất cứ lúc nào, không cần phải chờ đợi người nhận diện kiểm soát rồi mới được đón vào. Nhờ thế, anh chị em hiểu được rằng đó là Quy luật Quân đội áp dụng để bảo vệ cơ mật cho Cơ sở làm việc của Mật Mã, nên từ đó trở đi không còn ai (nhất là các cô dân chính trẻ đẹp đi giầy cao gót) phiền lòng đối với anh em Phòng Mật Mã Trung ương chúng tôi nữa.

Từ ngày dọn về cơ sở mới này, và cũng nhờ ông Ngô Đình Diệm đã trở thành Tổng thống, nên việc học tập chính trị của các đơn vị TT vào ban đêm không còn nữa. Hoạt động của Phong trào Cách mạng Quốc gia Binh chủng TT cũng tự động chìm vào quên lãng, chỉ còn các thành viên nòng cốt theo anh Khương từ Nha Trang về tiếp tục bí mật công tác mà thôi.

Theo lệnh của Tổng thống, các buổi học tập “Chính trị Tố Cộng” chính thức được tổ chức hàng tuần trong giờ làm việc, áp dụng chung cho cả Hành chánh và Quân đội trên toàn miền Nam Việt Nam. Do đó Bộ TTM tổ chức hàng tuần một buổi học tập “Chính trị Tố Cộng”, chung cho tất cả mọi đơn vị đồn trú trong Trại Trần Hưng Đạo, tại sân cờ trước tòa nhà lớn, dưới sự Chủ tọa của Trung tướng Lê văn Tỵ Tổng Tham Mưu trưởng. Cục Tâm lý chiến phải đưa Đoàn Văn nghệ Trung ương, gồm toàn nam nữ ca kịch sĩ nổi danh đương thời, đến phụ trách chương trình ca nhạc kịch để giúp vui cho buổi học tập được hào hứng.

Từ sau ngày có sự trục trặc giữa anh Đại úy Hà Quang Giác Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Viễn Thông và Tôi, về vụ tờ đặc san “Sóng Việt” phải giao cho anh Thúy phụ trách, có vài chiếc thư rơi đến Tướng Trần văn Đôn Tham Mưu trưởng Liên quân, và Tướng Lê văn Tỵ Tổng Tham Mưu trưởng, tố cáo về tác phong của Tôi. Không biết có cái nào gửi đến “Hộp thư dân ý nơi Phủ của Cụ” không? Có lẽ các “thư dân ý” này được gửi đi với mục đích làm cho Tôi bị mất tín nhiệm đối với 2 vị tướng cầm đầu Bộ Tổng Tham Mưu, mà theo quy định Tôi vẫn trực thuộc thẳng Quý vị ấy về phương diện tổ chức điều hành kỹ thuật các Hệ thống Mật Mã trong Quân đội.

Tôi không nghĩ rằng anh Giác làm việc này, chắc là các em út của anh ấy vì lý do nào đó, hoặc do lệnh của Phong trào buộc phải làm việc này, để loại Tôi ra khỏi Phong trào sau khi việc vận động ủng hộ ông Ngô Đình Diệm đã hoàn thành. Vì nhiều lần, có người đã đề cập khuyến khích Tôi gia nhập đảng Cần Lao Nhân Vị, nhưng Tôi đã lịch sự từ trối, vì Tôi đã thấy có sự chia bè phái kèn cựa nhau trong hàng ngũ ấy, nên không muốn gia nhập làm chi thêm mệt. Có lẽ đây cũng là nguyên do vì sao suốt thời gian 8 năm ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống, Tôi không được thăng lên một cấp nào. Vẫn đeo một “Hoa Mai Bạc” thay cho “4 vạch kim tuyến vàng” Tôi đã có từ trước ngày Song Thất 1954, ra phi trường Tân Sơn Nhất cùng các sĩ quan cấp tá thuộc Bộ Tổng Tham Mưu đón ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng.

Thư tố cáo thuộc loại “ruồi bu” nên đã không làm hại được Tôi. Câu truyện này được ghi lại không có mục đích “xả oán cũ”, mà chỉ muốn chứng minh những “cái Duyên Nợ Truyền Tin” vui buồn đã đến với Tôi, trong khoảng thời gian mười một năm ngắn ngủi phục vụ trong Binh chủng TT, so với 27 năm Quân vụ của Tôi (tính đến 30-4-1975) để các Bạn đọc chơi cho vui trong lúc tuổi già thôi.

Trong khoảng Đệ Nhất Tam cá nguyệt 1957, Tôi đang làm Chánh chủ khảo khóa Mật Mã Viên tại Trung tâm Huấn luyện TT Vũng Tầu, do Thiếu tá Nguyễn Đình Tài Chỉ huy, Đại tá Khương gọi điện thoại từ văn phòng Bộ Chỉ huy Viễn Thông xuống nhắn Tôi sớm trở về Bộ Tổng Tham Mưu, trình diện Thiếu tướng Tham Mưu trưởng Liên Quân gấp. Bình thường thì sau khi chấm thi xong, đoàn giám khảo chúng tôi thế nào cũng nghỉ xả hơi vài ngày rồi mới trở về Sài Gòn. Lần này vừa xong công việc, chúng tôi phải vội vã rời ngay Vũng Tầu vào buổi chiều, để sáng hôm sau Tôi kịp trình diện Tướng Tham mưu trưởng, xem có việc gì mà gấp vậy.

Chín giờ sáng anh Khương mới tới văn phòng, Tôi nhờ báo với Chánh văn phòng Tướng Tham Mưu trưởng cho giờ hẹn lên trình diện thiếu tướng. Mấy phút sau, Chánh văn phòng trả lời cho anh Khương biết là Tôi không cần phải trình diện nữa. Cả 2 người chúng tôi cùng ngạc nhiên và lo lắng thắc mắc. Anh Khương đề nghị Tôi cứ lên gặp thẳng Chánh văn phòng, xin yết kiến thiếu tướng như Tôi vẫn thường làm trong những lần trình công vụ riêng về Mật Mã, để tìm hiểu xem sao.

Tôi đã lên gặp Chánh văn phòng, sau khi ngồi chờ 5 phút, Tướng Đôn gọi qua Interphone cho mời Tôi vào gặp mặt. Sau khi chào và xưng danh xong, Tôi trình bày là đang đi công tác tại TTHL Truyền Tin Vũng Tầu, được điện thoại của Chỉ huy trưởng Viễn Thông báo là phải về trình diện thiếu tướng gấp, sáng nay Tôi nhờ xin lấy giờ hẹn trình diện thì thiếu tướng chỉ thị không cần nữa. Tôi thắc mắc e ngại không biết có điều gì quan trọng không, nên cố tình đến đây xin gặp thiếu tướng. Tướng Đôn chỉ tay mời Tôi ngồi xuống ghế rồi nói: “Con người ta có lúc nghĩ thế này, nhưng cũng có lúc bình tĩnh nhận ra lại nghĩ thế khác, vì thế Tôi thấy không cần gặp anh nữa.”

Tôi trình bày là, Tôi đã được thường xuyên tiếp xúc và làm việc với thiếu tướng, từ những năm 1952 thiếu tướng mới ở Pháp về làm Chánh Sở An Ninh Quân đội cho đến nay. Chắc thiếu tướng biết rõ tác phong của Tôi hơn ai hết, do vậy Tôi khẩn khoản xin Thiếu tướng vui lòng cho Tôi biết việc đó được không, để Tôi thấy cái sai nếu có mà tự sửa mình cho tốt hơn. Tướng Đôn nói: “Trước đây mấy bữa có lá thư gửi đến ‘hộp thư dân ý’ của Tôi, kể rằng trong lúc ăn uống tại Câu Lạc Bộ Sĩ quan (nơi gần cổng Một) anh nói với mọi người rằng, Tôi là người ăn chơi thích nhảy đầm... Tôi không biết Thiếu tá Nguyễn-Huy Hùng nào ở Bộ Chỉ huy Viễn Thông mà lại tệ như vậy, nên Tôi muốn gặp ngay cho biết mặt. Nhưng sau khi cho truy tầm hồ sơ Thiếu tá Nguyễn-Huy Hùng trình lên, Tôi mới biết là anh nên đã đổi ý kiến, không thấy cần phải gặp nữa, vì Tôi biết anh từ lâu, anh không phải là người ăn nói bừa bãi như vậy. Thôi mọi việc bỏ qua coi như không có gì đừng thắc mắc nữa.”

Tôi ngỏ lời cám ơn, rồi chào giã từ trở về Bộ Chỉ huy Viễn Thông, kể lại cho anh Khương nghe những gì vừa xảy ra giữa Tôi và Thiếu tướng Tham Mưu trưởng. Đồng thời Tôi cũng nói với anh Khương là nếu em út của anh không chấm dứt những việc rơi thư như thế này, Tôi sẽ nộp đơn xin ra khỏi Binh chủng Truyền Tin. Anh Khương giả lả khuyên Tôi nên bình tĩnh để anh ấy coi lại.

Khoảng một tháng sau, vào một buổi sáng, anh Khương lại gọi điện thoại qua văn phòng của Tôi, báo cho biết là Trung tướng Tổng Tham Mưu trưởng muốn gặp Tôi ngay. Tôi tức tốc lên trình diện liền. Chánh văn phòng (vốn là người quen thân từ lâu) vừa thấy mặt Tôi liền ghé tai nói nhỏ cho biết, là có tên nào ở Bộ Chỉ huy Viễn Thông báo cáo là anh phá hoại học tập chính trị, chuẩn bị tinh thần mà gặp Trung tướng. Chánh văn phòng vào trình, 2 phút sau quay ra mở cửa mời Tôi vào gặp Trung tướng Tổng Tham Mưu trưởng.

Tôi bước vào, đến trước bàn giấy, đứng nghiêm chào, xưng danh và đợi lệnh. Tướng Tỵ thấy Tôi, khoan dung nói: “Cấp bậc lớn rồi, sao không giữ gìn cho nghiêm chỉnh trong giờ học tập Chính trị làm gương cho em út, mà lại nhảy nhót làm mất trật tự như vậy?” Tôi chợt nhớ ra ngay, trong buổi học tập 2 tuần lễ trước, trong lúc nữ ca sĩ Ánh Tuyết (nhưng da lại hơi bánh mật) hát bài “Trăng sáng vườn chè”, đến câu “...Anh chưa thi đỗ thì chưa, thì chưa, thì chưa...” Tôi lớn tiếng hỏi: “thì chưa làm gì?”, mọi người cùng khoái chí hùa nhau nhắc lại câu hỏi của Tôi. Rồi đến lượt Thái Thanh hát bài “Dòng sông Danube”, Tôi ngồi dãy ghế sau cùng không cản vướng ai, nên đứng lên nhún nhảy theo điệu nhạc. Mấy bạn Mật Mã ngồi bên cạnh cũng nhún nhảy theo, làm mấy “đồng chí” nòng cốt của Phong trào nhìn chúng tôi có vẻ không đồng ý. Tôi cho rằng sự hòa nhịp làm cho tinh thần ca sĩ hứng khởi thêm trong khi trình diễn, chẳng có gì đáng quan tâm, thế mà đã bị báo cáo là “kém tác phong, làm mất trật tự phá hoại học tập”. Thật hết chỗ nói.

Tôi thủng thẳng trình bày lại các sự việc trên, và thưa với Tướng Tỵ rằng: “Buổi học tập đó Trung tướng cũng có mặt, và nhân viên Bộ Chỉ huy Viễn Thông được cái vinh dự ngồi các hàng ghế kế ngay bên cánh trái của khu ghế dành cho Trung tướng và Quý vị phục vụ trong văn phòng Trung tướng và Tướng Tham Mưu trưởng, nếu Tôi làm huyên náo mất trật tự hẳn là Trung tướng và Quý vị khác đã thấy ngay, làm sao tránh được. Nhất là chung quanh các khu ghế đều có Quân Cảnh đứng canh nghiêm ngặt. Nếu Tôi làm bạy gây mất trật tự, chắc chắn đã bị Quân Cảnh giữ và trình lên Trung tướng ngay, đâu phải đợi tới mấy tuần sau mới có thư tố cáo gửi đến tay Trung tướng.” Rồi, lợi dụng dịp này Tôi trình bày để ông biết luôn về việc, một tháng trước Tướng Đôn Tham mưu trưởng cũng gọi Tôi lên gặp, vì người ta đã gửi thư đến vu cáo là Tôi nói xấu ông ấy tại Câu Lạc Bộ Sĩ quan, nơi mà Tôi chưa bao giờ tạt ngang chứ nói chi đến việc vào ăn uống ở trong đó.

Nghe xong, Tướng Tỵ khuyên: “Từ nay phải cẩn thận, thư tố cáo gửi đến Tôi thì không sao. Nếu lỡ thư tới tay Tổng thống thì anh nghĩ làm sao?” Tôi thưa: “Trước đây, Tôi đã từng có thời gian phục vụ bên Trung tướng tại Tham mưu Biệt bộ Bộ Quốc phòng, từ hồi Tôi mới ở Pháp về. Chắc Trung tướng biết rõ tính tình của Tôi. Nếu chẳng may Tổng thống có hỏi, xin Trung tướng trình bày giùm. Nếu không xong thì Tôi đành chịu hàm oan chớ biết làm sao. Chắc kỳ này Tôi phải nộp đơn xin Trung tướng cho Tôi ra khỏi Truyền Tin, để phục vụ tại một đơn vị Bộ Binh nào đó là hơn.” Tướng Tỵ nói: “Được rồi, về nói với Trung tá Khương lo mà làm kỹ thuật, chứ cứ làm chính trị như vầy người nào cũng xin ra hết thì lấy ai làm việc!”

Tôi chào và rời văn phòng Tổng Tham mưu trưởng trở về Bộ Chỉ huy, kể lại mọi việc cho anh Khương nghe, và nói: “Ngày mai Tôi sẽ nộp đơn, xin anh ghi ý kiến thuận, và chuyển lên cho Tôi ra khỏi Binh chủng TT. Tôi không thể tiếp tục làm việc trong tình trạng như thế này nữa, rất nguy hiểm cho Tôi.” Anh Khương khuyên Tôi bớt giận, để anh ấy tính lại.

Sáng hôm sau, Tôi cầm đơn sang văn phòng anh Khương, nhưng anh ấy không có mặt vì mới được Trung tướng Tổng Tham Mưu trưởng kêu lên gặp. Tôi phải đợi đến ngày hôm sau, anh Khương mời Tôi sang, và đề nghị: “Liên Trường Võ khoa Thủ Đức sẽ được thành lập trong năm nay. Các Khoa chuyên môn Binh chủng đang thuộc thành phần tổ chức của Trường Sĩ quan Trừ bị trong hiện tại, sẽ được tách ra lập thành Trường chuyên môn riêng cho từng Binh chủng. Khoa TT hiện tại của Trường Sĩ quan Trừ bị sẽ biến thành Trường Truyền Tin. Vậy Tôi đề nghị anh chịu khó xa nhà ít lâu, đi học 2 khóa TT liên tiếp tại Fort Monmouth bên Hoa Kỳ (khóa sĩ quan TT cao cấp, và khóa sĩ quan Tiếp liệu Bảo trì Vật liệu TT). Năm tới trở về, Tôi sẽ trình bổ nhiệm anh làm Giám đốc Trường TT, trong hệ thống của Liên Trường thuộc Tổng cục Quân Huấn, như vậy không một ai còn có thể đụng chạm đến anh nữa. Hôm qua, Trung tướng Tổng Tham Mưu trưởng gọi Tôi lên hỏi: “bộ Anh đánh anh em dưới quyền giữ lắm hay sao mà ai cũng muốn xin ra khỏi Binh chủng vậy?”. Để tránh cho Binh chủng những tăm tiếng không thuận lợi này, Tôi đề nghị anh ở lại trong Binh chủng, anh em mình hỗ trợ nhau xây dựng cho Binh chủng ngày một tốt hơn.”

Sau một thoáng suy nghĩ, Tôi cũng muốn có cơ hội sang thăm nước Hoa Kỳ, học hỏi về tổ chức TT của Quân đội Hoa Kỳ, cũng như tìm hiểu thêm về xã hội Hoa Kỳ xem nó khác với xã hội Âu Châu như thế nào, nên bằng lòng nhận lời đề nghị của anh Khương. Anh Đại úy Lý Thái Vượng, Phó của Tôi đã có lệnh giải ngũ nên Tôi chuẩn bị bàn giao Phòng Mật Mã Trung ương lại cho anh Đại úy Trương văn Tàng. Tôi được đề cử theo học một khóa Anh văn Thực hành Cấp tốc, tại Trường Sinh ngữ Việt-Mỹ (VAA = Vietnamese American Association) tại khu Bàn Cờ Sài Gòn. Sau này trường VAA được khuếch trương lớn hơn, trường sở rất đồ sộ được xây dựng tại đường Mạc Định Chi thuộc Quận I, Sài Gòn.

Tôi được học chung một khóa Anh văn Thực hành với rất nhiều sĩ quan mọi cấp, thuộc mọi Binh chủng Nha Sở và Bộ binh, cũng sắp được gửi đi tu nghiệp bên Hoa Kỳ. Trường chia ra thành nhiều lớp sáng và chiều. Mỗi lớp học chỉ gồm 12 học viên, do một Giáo sư người ngoại quốc phụ trách hướng dẫn riêng. Lớp của Tôi do Bà Hà văn Vượng (người Anh) hướng dẫn. Mỗi cuối tuần đều có giờ thi trắc nghiệm, xếp hạng để kiểm tra mức độ tiến triển của từng học viên. Sau 3 tháng, lễ mãn khóa trao bằng tốt nghiệp, được tổ chức tại Phòng Hội lớn của Trung tâm Hành quân Bộ TTM, dưới quyền chủ tọa của Tướng Tổng Tham Mưu trưởng với sự hiện của các Trưởng nhiệm sở trong Bộ TTM và các Cố vấn Hoa Kỳ cùng tham dự.

Khoảng tháng 8-1957, Tôi và các bạn sắp đi học khóa Truyền Tin tại Fort Monmouth, ở Tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ, được đưa đi làm thủ tục, may cắt mỗi người 1 bộ lễ phục mùa Hè và 1 bộ lễ phục mùa Đông cùng với áo choàng nỉ dài, đồng thời cũng được may (trả tiền riêng với giá rẻ hơn ngoài phố) một bộ âu phục nỉ mầu xanh nước biển xậm nếu ai muốn. Chúng tôi không phải qua kỳ thi trắc nghiệm anh văn, vì các khóa học mà chúng tôi sẽ tham dự, đã dự trù có thông dịch viên phụ giúp các Huấn luyện viên trong giờ học.

Các bạn cùng đi học 2 khóa Truyền Tin một lượt với Tôi gồm 12 người, thuộc cả bên khai thác lẫn bên Tiếp liệu Sửa chữa. Bên khai thác có Nguyễn văn Lành, Nguyễn như Hổ, Nguyễn Đình Hòa, Tôn Thất Tâm, Chu văn Trung, Ngô văn Doanh, Võ Tấn Ngải, và Tôi. Bên Tiếp liệu có Vũ Xuân Hoài, Phạm Xuân Mai, Nguyễn Đình Thế, và Robert Việt.
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 10
CHUYẾN DU HỌC THÍCH THÚ TẠI TRƯỜNG TRUYỀN TIN LỤC QUÂN HOA KỲ, FORT MONMOUTH, TIỂU BANG NEW JERSEY BÊN BỜ ĐẠI TÂY DƯƠNG, MIỀN ĐÔNG HOA KỲ

 

Khoảng cuối tháng 9 năm 1957, chúng tôi gồm 12 sĩ quan (8 người bên Khai thác và 4 người bên Tiếp liệu) được Phòng Huấn luyện MACV gọi trình diện làm thủ tục lên đường sang Hoa Kỳ theo học 2 khóa Truyền Tin liên tiếp (khóa sĩ quan Truyền Tin Cao cấp, và khóa Tiếp liệu Bảo trì vật liệu Truyền Tin cấp Chiến trường) tại Trường Truyền Tin Lục quân Hoa Kỳ ở Fort Monmouth, Tiểu bang New Jersey, bên bờ Đại Tây Dương miền Đông Hoa Kỳ. Chúng tôi không phải qua kỳ sát hạch Anh văn, vì chương trình các khóa học có dự trù thời gian sử dụng thông dịch viên.

Tôi là người duy nhất mang cấp bậc thiếu tá nên được đề cử làm Trưởng đoàn phối hợp anh em trong khi di chuyển. Đi đường chúng tôi mặc quân phục nỉ mầu xanh olive xậm bốn túi, mũ casquette đồng mầu với quần áo, và khoác thêm áo choàng dài ba phần tư (trois quart) cũng bằng nỉ dùng cho mùa Đông. Ngoài quần áo dân sự, chúng tôi phải mang theo đồng phục ka-ki để dùng trong mùa Hè, vì thời gian học kéo dài tới tháng 5 năm 1958 mới chấm dứt.

Chúng tôi đi bằng máy bay của một hãng hàng không dân sự Hoa Kỳ (không nhớ tên, hình như TWA) ký hợp đồng vận chuyển nhân sự cho quân đội Hoa Kỳ, rời phi cảng Tân Sơn Nhất Sài Gòn vào buổi sáng. Nhờ thế trên máy bay có chiêu đãi viên cung cấp thức ăn và nước uống cho hành khách, chớ không phải mua thực phẩm hộp như di chuyển trên các máy bay vận tải của hệ thống chuyển vận quân đội.

Chiếc máy bay đưa chúng tôi đi, từ Bangkok Thái Lan ghé Tân Sơn Nhất Sài Gòn lấy thêm khách là chúng tôi. Trên chuyến bay, ngoài những hành khách quân sự Hoa Kỳ và thân quyến, còn có một toán sĩ quan Thái Lan cũng mặc quân phục mùa Đông như chúng tôi, do một đại tá làm trưởng đoàn.

Một chuyện vui kỳ thú đã xảy ra, làm Tôi chẳng bao giờ quên được, khi máy bay đáp xuống phi trường quân sự trên đảo Guam vào lúc nửa khuya cùng ngày. Sau khi máy bay đáp xuống, rời đường bay vào ngừng lại tại bến đậu, mở cửa bên hông, và chiếc thang xuống máy bay được đẩy sát tới cửa, thì thấy một hạ sĩ quan Hoa Kỳ mặc quân phục làm việc mầu ka-ki lên máy bay. Anh ta đi tới đi lui rồi tự nhiên đến trước mặt Tôi, nghiêm chỉnh dơ tay chào và mời Tôi làm khách Danh Dự xuống trước mọi người. Tôi đang ngạc nhiên chưa biết phải làm gì, thì các anh Đại úy Vũ Xuân Hoài và Phạm Xuân Mai ngồi kế bên Tôi, hối: “Major được mời là khách Danh Dự xuống trước, Major đi theo anh ta xuống trước đi!”

Từ cửa máy bay bước xuống hết cầu thang, đi được thêm mươi thước, có một trung úy đang đứng nghiêm đợi chào Tôi, rồi chỉ tay hướng dẫn Tôi vào Phòng Danh Dự của phi cảng để ký tên lưu niệm vào Sổ Vàng dành cho các khách Danh Dự đặt chân lên đảo Guam. Xong thủ tục anh ta dẫn Tôi qua phòng giải khát, thấy mọi người cùng đi đang có mặt tại đó. Tôi đến cùng mọi người, và kể cho anh em nghe câu truyện vừa xảy ra với Tôi từ sau khi xuống máy bay.

Đến giờ loa phóng thanh mời hành khách ra cửa lên máy bay đi tiếp, viên trung úy lúc nãy đến mời ông Đại tá Thái Lan ra lên máy bay trước mọi người, chứ không mời Tôi ra trước như lúc xuống máy bay. Lúc đó Tôi mới vỡ nhẽ và cười thầm trong bụng, nhận ra rằng mình đã được mời lầm vì chiếc mũ casquette đội trên đầu. Cái lưỡi trai của mũ casquette dành cho sĩ quan cấp tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và cấp tá Quân đội Hoa Kỳ đều có thêu 2 nhành nguyệt quế kim tuyến, nhưng quân đội Thái Lan thì không. Cái lưỡi trai mũ casquette của sĩ quan cấp Úy và cấp tá Thái Lan để trơn như nhau không thêu gì cả. Do đó khi anh hạ sĩ quan lên máy bay tìm trong số sĩ quan người Á Đông, thấy Tôi đội mũ casquette có lưỡi trai thêu 2 nhành Nguyệt quế kim tuyến thì yên chí Tôi là người có cấp bậc cao nhất trong chuyến bay, nên trịnh trọng chào và mời xuống. Đến khi Tôi ký tên trên Sổ Vàng dành cho khách Danh Dự của Phi cảng với danh bậc Major Nguyễn-Huy Hùng Republic of Viet Nam Armed Forces, anh trung úy mới biết không phải là ông Đại tá Thái Lan ghi trên bản danh sách khách du hành trên chuyến bay, nên anh ta đã đi tìm và gặp được ông Đại tá Thái Lan để mời lên máy bay trước mọi người với tư cách là khách Danh Dự của phi trường thuộc Căn Cứ Quân đội Hoa Kỳ tại đảo Guam.

Thật đúng là dịp hên “ngàn năm một thuở” trong đời binh nghiệp của Tôi. Nhưng lại là cái không may cho anh hạ sĩ quan Hoa Kỳ trực đêm hôm ấy, chắc chắn sẽ bị quở phạt vì tội không chu toàn trách nhiệm, nếu ông Đại tá Thái Lan biết ra và gửi thư phiền trách. Nhưng theo suy nghĩ của Tôi, chắc chắn ông Đại tá Thái Lan không nghĩ ra, hoặc có hiểu ra thì cũng chẳng muốn làm cái việc gửi thư than phiền không thi hành nghiêm chỉnh quy lệ ngoại giao địa phương ấy làm gì.

Trạm dừng chân kế theo của chuyến bay là phi trường quốc tế Honolulu, trên đảo O’AHU thuộc Tiểu bang Hawaii Hoa Kỳ. Phi cơ chúng tôi đáp xuống đây vào khoảng gần nửa đêm ngày hôm sau, nghỉ 2 tiếng đồng hồ để chờ đổi máy bay khác đi tiếp vào lục địa Hoa Kỳ. Khung cảnh phi cảng đẹp vô cùng, thời khí mát mẻ trong lành, nhà ga phi cảng rộng thênh thang khang trang sáng sủa tân kỳ, có nhà hàng ăn uống bán đồ tặng phẩm như một siêu thị nhỏ. Trong khi chờ đợi, các anh Phạm Xuân Mai, Vũ Xuân Hoài và Tôi, lảng vảng đi đến trước thềm cửa ra vào phi cảng để ngắm cảnh, gặp mấy cô gái thổ dân Hawaii mặc xiêm lá nhiều mầu đẹp mắt, cười hỏi chúng tôi mới từ Viễn Đông tới à, chúng tôi gật đầu và các cô ấy choàng vào cổ cho một dây hoa lài trắng toát thơm ngát, miệng nói “Welcome to Honolulu”. Chúng tôi gật đầu cười nói cám ơn rồi đi vào nhà hàng giải khát gọi nước uống. Thật là một thông tục hiếu khách rất nồng hậu, thảo nào người ta nói quần đảo Hawaii của Liên Bang Hoa Kỳ là Thiên đường Hạ giới, ai cũng nao nức được có dịp du lịch vui hưởng ít ngày cho thoả thích.

Trong lúc ngồi gọi nước uống chúng tôi quan sát thấy các cô gái lại choàng hoa vào cổ một người da trắng, ông này móc túi đưa cho các cô ấy tiền (chẳng biết bao nhiêu). Thấy cảnh đó chúng tôi chợt giật mình, định ra gặp các cô ấy để tặng tiền, nhưng suy đi nghĩ lại sợ mắc cỡ nên thôi.

Sau này, trong thời gian học, vào cuối tuần lễ nghỉ đi chơi dọc phố trong khu Times square Plaza ở thành phố New York, thấy có mấy cô xinh xinh đang độ tuổi nữ sinh Trung học đứng trên lề phố chào khách bộ hành qua lại, trước ngực các cô đeo tấm bảng nhỏ ghi chữ “Kiss me!” và tay cằm hộp quyên tiền ghi tên tổ chức xã hội thiện nguyện. Thấy có người ôm hôn rồi bỏ tiền vào thùng, có người cho tiền nhưng không hôn. Lúc đó Tôi mới hiểu ra rằng, việc làm này cũng giống như việc choàng dây hoa của các cô ở phi trường Honolulu, đều nhằm mục đích quyên tiền giúp các cơ sở xã hội thiện nguyện tư nhân, để tiếp tay giúp đỡ những người không may nhất thời gặp phải hoàn cảnh hoạn nạn túng thiếu không nơi cư trú. Bây giờ là công dân Hoa Kỳ cư ngụ thường trực trên đất Mỹ, hàng ngày Tôi thường nhận được những thư quyên tiền của nhiều tổ chức xã hội thiện nguyện khác nhau gửi đến tận nhà, mặc dù mình chẳng quen biết ai làm ở những tổ chức này cả.

Ngồi gọi nước giải khát tại phi cảng Honolulu, Tôi bị hố một cái buồn cười tức cả bụng. Tôi muốn ăn nho tươi, nhìn trong bảng liệt kê trái cây không thấy raisin hay grape, mà chỉ có grape fruit, nghĩ rằng là nho nên gọi grape fruit. Đến lúc người hầu bàn mang ra một đĩa đựng trái chấp (giống như bưởi) cắt đôi, với chiếc muỗng để múc ăn, mới biết là mình đoán nhầm. Chua ôi là chua, lỡ kêu rồi đành phải rắc muối lên múc ăn hết cho đỡ tiếc 1 Đô-La chớ phải ít đâu!

Lên máy bay rời Honolulu, sau nhiều giờ bay chúng tôi đáp xuống phi trường quốc tế San Francisco vào một buổi chiều thứ Sáu. Có nhân viên tiếp vận Quân đội Hoa Kỳ đợi đón đưa chúng tôi về trung tâm chuyển vận trong khu Presidio, đóng tiền phòng nghỉ 3 ngày tại BOQ dành cho sĩ quan, đợi làm thủ tục giấy tờ đi tiếp qua Fort Mounmouth, New Jersey bằng phương tiện xe hỏa.

Sáng hôm sau là ngày Thứ Bảy, chúng tôi sang Câu lạc bộ (Day room) hỏi thăm đường ra phố chơi, thì may sao gặp ngay anh Trung úy Võ Xum, trước cùng làm việc tại Bộ Chỉ huy Viễn Thông với Tôi trong những năm đầu Thập niên 1950, sau được thuyên chuyển qua Truyền Tin tại Bộ Tư lệnh Hải quân, nay đang học về Truyền Tin tại Căn Cứ Hải quân bên Treasure Island, tìm đến thăm mừng chúng tôi mới đến. Anh ấy có xe riêng to rộng đủ chỗ cho 4 hành khách, nên rủ các anh Hoài, Mai, Hổ và Tôi xuống phố Tầu (China town) ăn mì rồi sang thăm Căn Cứ Hải quân nơi anh ấy đang học.

San Francisco là một thành phố xây trên đồi núi, nên các đường phố dốc gần như thẳng đứng, khi đậu xe phải bẻ quặt 2 bánh trước móc vào vỉa xi măng bên lề đường để giữ cho xe không bị trôi tuột xuống dốc. Đường phố khu China town cũng hẹp, nhà san sát y như ở Chợ Lớn Sài Gòn vậy, chỉ khác là có nhiều tầng cao, và tầng hầm thường là những tiệm ăn bình dân, giá bán rẻ hơn những nhà hàng ăn trên mặt đường. Tô mì to gấp đôi tô phở xe lửa tại Sài Gòn, vừa nhiều mì nhiều thịt đủ thay cho bữa cơm người ăn khỏe, giá 75 xu. Nếu 5 người gọi món ăn chung cho bữa cơm, gồm canh rau nấu thịt, rau xào thịt, cá hấp hoặc gà vịt quay làm món mặn, và đồ tráng miệng trái cây tươi, cộng thêm tiền “típ” cho hầu bàn, chia ra mỗi người chỉ phải góp khoảng 1 Đô-La 50 xu đến 2 Đô-La là nhiều. Nếu cũng gọi món ăn cơm chung như vậy trong các nhà hàng trên mặt đường, ít nhất mỗi người cũng phải tốn 5 Đô-La.

Sau khi ăn sáng, anh Xum chở chúng tôi qua cầu treo Bay Bridge dài cả chục dặm, băng ngang vịnh San Francisco nối liền San Francisco và Oakland. Cầu treo cao có hai tầng cho xe qua lại 2 chiều riêng biệt, bề ngang mặt cầu có vạch sơn trắng phân ra nhiều đường xe chạy song song. Cầu được bắc ngang qua Treasure Island (nằm ở giữa vịnh) nên chúng tôi chỉ phải chạy hơn nửa chiều dài cầu thì có đường rẽ dẫn xuống đảo. Ở khúc này có chỗ cho xe đậu lại ngắm cảnh, nên chúng tôi xuống xe nhìn quang cảnh vịnh và các thành phố dọc dài 2 bên bờ vịnh. Nhất là nhìn về hướng cửa biển, có chiếc cầu treo khác chỉ dài khoảng hơn 2 miles gọi là Golden Gate Bridge, dưới ánh sáng trong của mặt trời đang lên ngang vai, cảnh vịnh bao quát với những chiếc tầu và thuyền buồm mầu sắc sặc sỡ nhẹ nhàng lướt sóng, đẹp như một bức tranh hấp dẫn vô cùng.

Vào buồi chiều trước khi vào tiệm ăn cơm tối, chúng tôi tản bộ dọc Columbus Avenue, đến góc đường Broadway gặp một người da trắng trông có vẻ hung hăng giận dữ chặn chúng tôi và nói một thôi những gì không ai hiểu anh ta muốn nói gì, chỉ nghe được tiếng Pearl Harbor. Mọi người đang lúng túng chưa biết xử trí ra sao, thì may sao anh Xum trờ tới đối đáp với anh kia. Sau vài câu trao đổi anh ta bỏ đi. Lúc đó anh Xum mới giải thích cho chúng tôi biết rằng anh kia ngỡ chúng tôi là người Nhật, nên muốn nhắc chuyện quân Nhật đánh Pearl Harbor ra gây sự. Anh Xum đã giải thích cho anh ấy biết chúng tôi là người Việt Nam từ Đông Dương qua, không phải người Nhật nên anh ta xin lỗi bỏ đi. Nếu không có anh Xum, thì chẳng biết truyện gì đã có thể xảy ra vì ngôn ngữ bất đồng không hiểu nhau.

Chiều Thứ Hai chúng tôi lên tầu hỏa đi sang miền Đông Hoa Kỳ theo “Tuyến Bắc”, đến Chicago phải đổi sang tầu khác đi đến ga Red Bank thuộc hạt Monmouth Tiểu bang New Jersey. Hệ thống chuyển vận xe lửa xuyên Lục địa Hoa Kỳ được chia thành 2 tuyến, “Tuyến Bắc” (North bound) chạy vòng băng ngang các Tiểu bang phía Bắc, và “Tuyến Nam” (South bound) vòng băng ngang các Tiểu bang phía Nam. Tầu chạy liên tục suốt đêm ngày. Chúng tôi được cấp vé đi hạng nhất có giường ngủ, lúc nào đói chỉ việc tìm đến toa hàng ăn bán suốt 24 giờ. Ban ngày muốn xem phong cảnh 2 bên đường, thì đến toa có vòm kính cao hơn các toa thường, ngồi ghế nệm hút thuốc đọc sách ngắm cảnh thoải mái. Tầu tới trạm ga Trung ương Chicago vào một buổi sáng, chúng tôi phải mang hành lý xuống vào phòng đợi cả 4 tiếng đồng hồ sau mới lên chuyến khác đi tiếp cuộc hành trình. Chúng tôi gửi vali hành lý vào một ngăn tủ sắt phải trả tiền, rồi giắt nhau đi quan sát các cơ sở thương mại.

Chúng tôi đi quanh xem các cửa hàng ăn uống, bán kỷ vật, quần áo, sách báo, phòng hớt tóc (beauty salon)... trong nhà ga rộng lớn gồm 2 tầng ngầm dưới đất như một siêu thị. Đặc biệt có những chỗ đánh bóng giầy thuê làm chúng tôi ngạc nhiên. Khi khách ngồi lên chiếc ghế bành to tướng có chỗ tựa tay như ghế văn phòng, anh da đen đạp đạp bơm cho ghế cao lên ngang mặt để anh ta đứng thẳng lưng đánh giầy, chớ không ngồi chồm hổm xuống đất cho khách kê chân lên hộp đồ nghề như các em đánh giầy bên Việt Nam. Khi lên đến tầng trên mặt đất, tìm ra khu trước cửa ga nhìn phố xá xe người qua lại tấp nập, thấy đã có tuyết rơi phủ trắng mặt đường. Thời khí làm chúng tôi tê mặt lạnh cóng chân tay, vậy mà những người địa phương mua cà rem ăn ngon lành, như chúng ta thường ăn vào mùa hè tại Việt Nam vậy.

Tầu rời Chicago vào lúc xế chiều, phăng phăng chạy tiếp qua đêm, đến chiều hôm sau tới ga Red Bank. Chúng tôi xuống tầu đang đảo mắt tìm người để hỏi thăm đường về trường Truyền Tin, thì thấy một sĩ quan Hoa kỳ và 2 sĩ quan Việt Nam (Trung úy Trường, Thiếu úy Thông thông dịch viên), từ trong nhà ga bước ra chào mừng đón chúng tôi. Có xe buýt đưa chúng tôi về Fort Monmouth, chạy đến khu hành chánh để làm thủ tục đóng tiền thuê phòng ngủ trong BOQ dành cho khóa sinh, nhận tập hồ sơ hướng dẫn các thủ tục khác về chương trình hàng ngày và các cơ sở sinh hoạt cung cấp tiện nghi phục vụ khóa sinh trong trường.

Bảy anh đại úy và Tôi được cấp 3 phòng trên lầu một BOQ, ở chung với một số đại úy khóa sinh người Hoa Kỳ và Đồng minh đang theo học các khóa khác. Anh Đại úy Phạm Xuân Mai và Tôi được xếp ngủ chung phòng dành cho 2 người. Anh Nguyễn văn Lành và Võ Tấn Ngải ngủ chung một phòng. Còn 4 anh Vũ Xuân Hoài, Nguyễn Như Hổ, Nguyễn Đình Thế, Ngô văn Doanh ở chung phòng dành cho 4 người. Mấy anh Nguyễn Đình Hòa, Tôn Thất Tâm, Chu văn Trung, và Robert Việt ở chung trong BOQ có mấy sĩ quan thông dịch viên Việt Nam, cách BOQ của chúng tôi bởi một bãi đậu cả trăm chiếc xe hơi riêng của khóa sinh và thông dịch viên.

Sáng hôm sau chúng tôi được dẫn đến tập trung tại một phòng học trong khu Myer Hall. Đại tá Giám đốc huấn luyện đại diện Tướng Chỉ huy trưởng Trường tới ngỏ lời chào mừng, giới thiệu một trung úy Hoa Kỳ làm sĩ quan liên lạc giữa chúng tôi và nhà trường, rồi thuyết trình tổng lược về các khóa học mà chúng tôi sẽ thụ huấn trong những ngày kế tiếp. Chúng tôi cũng được thông báo cho biết là đang có 2 khóa khác gồm toàn sĩ quan cấp úy Truyền Tin Việt Nam đang theo học tại Trường, như vậy tổng số sĩ quan Việt Nam được khoảng 50 người. Sau đó, sĩ quan liên lạc dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học và các văn phòng hành chánh trong Myer Hall, rồi ra xe buýt đi thăm viếng làm quen với tất cả các cơ sở hành chánh, siêu thị, ngân hàng, bưu điện, các câu lạc bộ, nhà hát và khu giải trí khác dành phục vụ cho toàn thể khóa sinh, và nhân viên làm việc tại Fort Monmouth cùng thân nhân của họ đang cư ngụ trong lãnh thổ của Fort hay ở nhà riêng quanh vùng lân cận.

Một tuần lễ sau ngày khai giảng khóa học, chúng tôi và một số sĩ quan Đồng minh khóa sinh đang theo học một khóa khác, được hướng dẫn đến văn phòng Trung tướng Chỉ huy Trưởng Fort Monmouth, và Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Truyền Tin, để thực hiện cuộc thăm chào xã giao chính thức theo thông lệ đã quy định. Nhân dịp thăm chào Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường, chúng tôi được đưa thăm viếng luôn khu huấn luyện sửa chữa các loại máy đo điện tử, faximile, máy quay phim, máy chiếu phim, và máy Vô tuyến truyền hình, ở trong cùng khu vực đặt văn phòng Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Truyền Tin, nơi gần cổng phía Đông vào Fort Monmouth. Tại khu này đang có mấy sĩ quan khóa sinh Việt Nam thuộc Binh chủng Truyền Tin theo học.

Trước khi đi du học Hoa Kỳ, Tôi đã được theo học một khóa Anh ngữ Thực hành 3 tháng tại Trường Sinh ngữ Vietnamese American Association tại Sài Gòn, do toàn giáo sư Hoa Kỳ, Anh (England), và Úc Đại Lợi (Australia) chỉ dạy, nhưng chẳng giúp cho Tôi được bao nhiêu. Vì Bà giáo chuyên trách dạy lớp Tôi học là người gốc Anh chính tông (Bà vợ ông Hà văn Vượng), âm ngữ nhịp điệu phát ra thuần túy Anh Cát Lợi, nên khi nghe các giảng viên Hoa Kỳ nói tiếng Anh theo giọng nhịp Mỹ lại nuốt vần nhiều quá, nên gặp khó khăn trong tháng đầu của học trình. May nhờ có các Thông dịch viên được chia nhau mỗi người chuyên trách về một môn riêng trong chương trình, nên giúp ích chúng tôi rất nhiều trong tháng học đầu.

Qua tháng thứ 2, chương trình phối hợp nhiều môn căn bản lại với nhau, thông dịch viên hơi bị lúng túng vì nhiều từ kỹ thuật thuộc môn khác không am tường, may mà chúng tôi đã quen nghe quen nói theo âm điệu của các Huấn luyện viên, nên tự đối đáp thẳng với huấn luyện viên không cần tới thông dịch viên nữa. Do đó số giờ học theo chương trình chỉ dùng hết có phân nửa. Chẳng hạn bài học dự trù giảng dạy có thông dịch viên phải mất 4 tiếng đồng hồ, nay vì huấn luyện viên và khóa sinh trao đổi thẳng không phải qua thông dịch viên nên chỉ cần có 2 giờ, còn 2 giờ dư Huấn luyện viên cho chúng tôi về nghỉ (free time). Do đó anh em yêu cầu Tôi đề nghị với sĩ quan liên lạc của khóa, trình lên Giám đốc Huấn luyện xin xếp lại chương trình để dồn các giờ trống vào một ngày nào đó, và hoạch định cho chúng tôi những cuộc thăm viếng các cơ sở giáo dục Đại học, các cơ xưởng sản xuất lớn, các trung tâm cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc cho quảng đại quần chúng, các tòa soạn, nhà in, phát hành sách báo, và các trại chăn nuôi trồng tỉa theo lối công nghiệp... để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm hoạt động kinh tế của xã hội Hoa Kỳ, hòng mang về khai triển tại Việt Nam. Chúng tôi bằng lòng tự đóng góp tiền để chi trả tổn phí thuê xe vận chuyển đi thăm viếng.

Đề nghị của chúng tôi xét thấy hợp lý, nên nhà trường đã duyệt lại chương trình dồn giờ và tổ chức cho chúng tôi đi thăm rất nhiều nơi, không có dự trù trong chương trình căn bản của khóa học. Chúng tôi được đưa đi thăm viếng chung với khoảng mươi sĩ quan Đồng minh khác đang theo học tại trường. Nhà trường cung cấp xe buýt chuyển vận miễn phí, và cho ông trung úy liên lạc của khóa tăng cường thêm một thiếu úy nữa đi theo hướng dẫn chúng tôi. Ngoài ra, mỗi ngày đi xuất du thăm viếng ngoài trường như vậy, mỗi người được lãnh “perdiem” $7 Đô-la thay vì $5 Đô-la như thường lệ. Nhưng giờ ăn trưa chúng tôi được dẫn đến dùng bữa tại nhà hàng ăn hạng nhất, giá thực phẩm cung cấp cũng đắt hơn nơi bình dân, hóa nên đâu cũng hoàn đó.

Theo chương trình chính của khóa học, chỉ dự trù cho chúng tôi đi thăm có 2 nơi: Kho Truyền Tin Tobyhanna ở Tiểu bang Pennsylvania, và Trung tâm sản xuất phim ảnh Quân đội tại Newark gần New York mà thôi. Nay nhờ thay đổi thời lượng các bài học, chúng tôi được đưa đi thăm thêm nhiều nơi khác rất hấp dẫn sau đây:

-Trường Đại học Rutgers ngay gần trường;

-Cơ sở hành chánh và Trung tâm Tổng đài điện thoại tự động rất lớn phục vụ cho cả triệu khách hàng của hãng Pacific Bell,

-Tòa soạn nhà in nhật báo New Jersey phát hành cả triệu bản một ngày, ở thị trấn Long Branch sát bờ biển Đại Tây Dương, cách xa trường cả mấy chục dặm đường;

-Trại nuôi và gây giống ngựa đua;

-Trại nuôi bò sữa và vắt sữa tươi, lọc bỏ bơ, đóng chai, toàn bằng dây chuyền máy tự động theo lối công nghiệp;

-Xưởng lắp ráp và sơn từng chiếc xe hơi hoàn chỉnh theo dây chuyền của hãng General Motor Corporation;

-Hãng Philco và xưởng sản xuất dây chuyền máy thu thanh bán dẫn (radio transistor), máy Vô tuyến truyền hình, và Chuông Tự do (Independent Bell) tại Thành phố Philadelphia;

-Trường Võ bị Lục quân Hoa Kỳ West Point tại tiểu bang New York;

-Công ty CAN thăm các phòng thiết kế và xưởng sản xuất dây chuyền các loại hộp kim loại dùng cho việc đóng gói các thực phẩm chín như thịt, cá, rau, trái cây;

-Tượng
[Nữ] Thần Tự do,

-Tòa nhà cao cả trăm tầng trụ sở Liên Hiệp quốc, và

-Empire State Building tại New York.

Thời gian học hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, nghỉ 1 tiếng đồng hồ dùng bữa rồi lại học tiếp đến 4 giờ chiều là hết lớp, thứ bảy Chủ nhật nghỉ. Do đó ngoài những giờ lo “gạo và soạn bài”, chúng tôi có dư rất nhiều giờ chẳng biết làm gì ngoài việc sang “Day room” chơi và đi xem phim. May nhờ nhà trường có một tổ chức lo toan về tâm lý xã hội rất toàn hảo, nên đã lập ra những xưởng hướng dẫn thủ công nghiệp miễn phí. Khóa sinh nào muốn tiêu thời giờ rảnh rỗi một cách hữu ích hơn cho cá nhân mình, có thể đến đó mầy mò học nghề không tốn tiền bằng tư liệu do xưởng cung cấp miễn phí, lại có chuyên viên rành nghề chỉ dẫn kỹ thuật. Có nhiều loại xưởng hướng dẫn các nghề khác nhau: làm đồ mộc, rửa phim in ảnh, sửa chữa máy móc...

Các anh thông dịch viên làm việc tại trường theo mỗi hạn kỳ là 2 năm, nên mỗi người đều tìm cho mình một thú tiêu khiển riêng ngoài giờ làm việc. Có người đi học bán thời gian các lớp học văn hóa tại trường Đại học Rutgers. Có người tìm đến các xưởng học nghề, hoặc đến khu luyện tập thể dục thể thao, bơi lội học võ thuật. Anh Trung úy Trường thích vào hồ tắm và tập thể dục dụng cụ, để duy trì sức khỏe dẻo dai và thân hình nảy nở cân đối vững chắc đẹp trai. Các Thiếu úy Phượng và Thông (anh em cột chèo) thì thích nhiếp ảnh. Thấy Tôi thích xem tranh hội họa nên rủ Tôi đến xưởng hướng dẫn về rửa phim in ảnh, xin phim đi chụp phong cảnh, rồi đem về xưởng tự thực hiện việc rửa phim, in, phóng đại, và xấy ảnh.

Các anh Phượng và Thông còn bỏ tiền mua máy phóng đại và các dụng cụ, hóa chất... về lập một “phòng tối” (dark room) nhỏ ngay tại góc phòng ngủ riêng, để trau dồi thêm tay nghề vào ban đêm. Có lần Tôi thấy các anh ấy chụp từng trang các sách hướng dẫn kỹ thuật về máy Truyền Tin trường phát cho khóa sinh tham khảo, vào những cuốn phim. Tôi thắc mắc và nhắc khéo là các tài liệu này được cung cấp cho tủ sách kỹ thuật tại các đơn vị Truyền Tin đầy đủ, việc gì phải chụp lỡ an ninh nhà trường thấy chắc là sẽ gặp khó khăn phiền hà, và hậu quả có thể gây khó khăn chung cho tất cả anh em trong tương lai, chớ không riêng gì mình các anh. Các anh ấy trả lời chỉ chụp thử những loại trang khác nhau, để trau dồi khả năng kỹ thuật và rút kinh nghiệm về hiệu chỉnh ống kính và ánh sáng phù hợp cho các loại phim cùng máy chụp và khuếch đại ảnh, để khi có thời cơ được giải ngũ sẽ mở tiệm ảnh làm nghề kinh doanh.

Sau này, hình như vào cuối năm 1962, các anh Thông, Phượng bị An ninh Quân đội bắt vì phát giác ra cả 2 người thuộc gốc Cán binh cộng sản nằm vùng. Theo tin tức ghi nhận hồi đó thì, Thông và Phượng được tổ chức Việt Cộng nằm vùng lo cho theo học Trường Võ bị Liên quân Đà lạt. Sau khi tốt nghiệp thiếu úy, lại được lo cho đi làm thông dịch viên tại Trường Truyền Tin Fort Monmouth. Hết hạn 2 năm về nước, Thông làm việc tại Bộ Chỉ huy Viễn Thông, và Phượng được bổ nhiệm về làm Huấn luyện viên tại Trường Truyền Tin Liên trường Võ Khoa Thủ Đức. Ít lâu sau Phượng được lo cho đổi về Trường Sinh ngữ Quân đội tại Bộ Tổng Tham mưu. Lúc họ bị bắt, Tôi đang làm Cục phó cho Trung tá Võ Đại Khôi Cục trưởng đang được Bộ Tổng Tham mưu giao cho trách nhiệm thành lập Phòng Sáu. Đến lúc đó Tôi mới nhớ ra và hiểu rằng, hồi ở Fort Monmouth Thông và Phượng đã chụp các sách kỹ thuật máy truyền tin vào phim, không phải để trau dồi tay nghề làm phim ảnh mà để cung cấp tài liệu cho Việt Cộng.

Trong thời gian tháng 10 năm 1957, số sĩ quan Việt Nam đang theo học tại trường rất đông khoảng 50 người. Để cho các bạn Đồng Minh của Hoa Kỳ đang theo học tại trường biết đến nước Việt Nam Cộng Hòa, Tôi đã xin nhà trường cho phép tập họp tất cả mấy chục anh em Truyền Tin Việt Nam đang có mặt tại trường, bàn thảo kế hoạch tổ chức Tiếp Tân trình bày lai lịch tổ quốc Việt Nam, và ý nghĩa ngày Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa 26 tháng 10. Trong buổi họp, tất cả anh em đều tán thành, và chúng tôi thoả thuận đóng góp mỗi người $5 Đô-la để tổ chức tiệc Tiếp Tân vào buổi tối tại Câu Lạc Bộ Sĩ quan của Fort Monmouth, bên khu vực sân Golf cách trường chừng mươi phút lái xe. Khách được mời là hai vị Tướng Chỉ huy trưởng Fort, Chỉ huy trưởng Trường và phu nhân, tất cả sĩ quan cao cấp và phu nhân thuộc 2 bộ tham mưu, và tất cả các sĩ quan các nước Đồng minh đang theo học trong thời gian đó. Chúng tôi mời ông Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Đốn đến chủ tọa, nhưng ông ấy đã ủy nhiệm Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi Tùy viên Quân sự đại diện đến tham dự.

Nhà trường rất tán thành ý kiến của chúng tôi, và giúp chúng tôi mọi phương tiện cần thiết để việc tổ chức được toàn hảo, có ban nhạc của Fort tham dự giúp vui trong bữa tiệc ăn theo lối “self serve” (tự đi lấy đồ ăn đã bày sẵn trên bàn dài). Đặc biệt các bạn sĩ quan Đồng Minh được mời rất hân hoan tham dự, nhưng nhất định yêu cầu phải để họ được đóng góp tiền phần ăn của họ, chứ không chịu để chúng tôi gánh vác hết.

Buổi Tiếp Tân đã thành công tốt đẹp nhờ sự tích cực lo toan mẫn tiệp của 5 anh thông dịch viên là: Trung úy Trường (sau này về làm việc tại Phòng 1 Bộ Tổng Tham mưu, trước 30-4-1975 mang cấp bậc đại tá), các Thiếu úy Thông, Phượng và 2 trung úy nữa, nhưng lâu quá nên Tôi không nhớ ra tên các anh ấy. Chúng tôi hy vọng các bạn Đồng minh trong Thế giới Tự do đang theo học tại trường, sau buổi Tiếp Tân đã biết rõ hơn về nước Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954. Không biết những năm kế theo, anh em theo học tại trường sau chúng tôi, có được thời cơ thuận lợi để thực hiện hay không?

Chúng tôi ăn cơm ngày 3 bữa tại Field Mess dành riêng cho khóa sinh ngay bên khu nhà ngủ. Nếu ai muốn đến ăn tại Câu Lạc Bộ Sĩ quan trong Fort cũng được, dĩ nhiên phải trả tiền đắt hơn Field Mess. Bữa ăn sáng tại Field Mess giá 50 xu, bữa trưa và bữa tối giá 75 xu. Nếu ăn ở Câu Lạc Bộ Sĩ quan thì mỗi bữa ăn phải tốn từ 2 đến 5 Đô-la tùy theo món ăn mình gọi.

Các anh Thiếu úy Phượng và Thông (thông dịch viên) mua được chiếc xe hơi cũ chạy cũng còn tốt, thường rủ anh Mai, Hoài, Thế, Hổ, Doanh, và Tôi đi ăn cơm Tầu tại Red Bank hay Eatontown, rất ngon và rẻ. Sáu người gọi các món ăn chung và chi tiền xăng cho xe, mỗi người chỉ phải góp khoảng 2 Đô-la mỗi lần. Có khi chúng tôi rủ anh đại úy khóa sinh người Nam Dương ở chung BOQ, đưa chúng tôi đi ăn bằng xe riêng của anh ấy. Những dịp này thì chúng tôi trả tiền đổ xăng và bao anh ấy ăn không phải góp. Sau này vào năm 1970, Tôi là đại tá theo học Khóa 3 Cao đẳng Quốc phòng Việt Nam, có dịp qua thăm viếng trao đổi kinh nghiệm với Trường Cao đẳng Quốc phòng và Bộ Quốc phòng chính phủ Nam Dương, Tôi có may mắn gặp lại anh ấy đã mang cấp bậc thiếu tướng.

Nhà trường cấm không được nấu nướng ăn trong phòng ngủ, nhưng được phép dùng nồi điện đun sôi nước pha trà, cà phê để uống. Trong mỗi BOQ còn có một tủ lạnh to tướng để khóa sinh tồn trữ sữa tươi, các hộp nước giải khát, trái cây riêng để ăn dần suốt ngày đêm tùy ý. Do đó, thỉnh thoảng chúng tôi lén làm bò nhúng ăn vào những ngày Chúa Nhật nào không ra phố. Dĩ nhiên là phải canh chừng để khỏi bị bắt quả tang. Những dịp như vậy, chúng tôi đến Commissary vào chiều thứ bảy, mua thịt bò tươi nhờ quầy dùng dao máy thái mỏng giùm, mua sà-lách, hành tươi, tỏi, nước chấm Maggi, dấm, bánh mì dòn (French bread), gạo hộp, cánh và mề gà sống đông lạnh, đem về cất vào tủ lạnh, sáng sớm hôm sau hiệp nhau mỗi người một việc, sửa soạn bữa chén và thanh toán cho xong trong vòng khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Những ngày nghỉ, ai không muốn nằm ì trong trường để “gạo bài”, đến Day room xem TV, thụt bi-da, đánh bóng bàn, đá banh bàn, đi xem phim rất rẻ chỉ tốn 25 xu (toàn phim mới chưa chiếu ngoài phố), thì có thể đi xe buýt lên New York hoặc Long Branch chơi ngắm phố buôn bán rất vui, và tìm đến các khu giải trí thắng cảnh tiêu khiển. Vé xe buýt đi từ Fort Monmouth lên New York chỉ tốn có 2 Đô-la. Nhiều khóa sinh người Hoa Kỳ có xe riêng đi New York, họ thường đậu tại cổng Đông của Fort để chờ có ai muốn đi ké lên New York thì chở đi chung một lượt, dĩ nhiên là phải đóng góp tiền xăng 1 Đô-la cho mỗi người.

Mỗi khi lên New York, chúng tôi thường đến thuê phòng ngủ tại Coulidge Hotel ở Fifth Avenue, gần khu Times Square Plaza, Manhattan, do nhà trường giới thiệu, vừa rẻ sạch sẽ thoải mái, từ phòng riêng khách có thể nhấc điện thoại liên lạc với nhân viên tổng đài tại văn phòng Hotel kêu “call girl” nếu muốn, và an ninh cá nhân được bảo đảm không sợ kẻ lưu manh xâm nhập phòng quấy rầy.

Vào dịp Noel 1957 và đầu năm Dương lịch 1958 được nghỉ cả chục ngày, các anh Thiếu úy Phượng và Thông thông dịch viên rủ các anh Mai, Thế, Hổ và Tôi góp tiền xăng cùng đi bằng xe riêng đến thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Sáng sớm lên đường xẩm tối thì tới nơi. Chúng tôi chỉ ở Hoa Thịnh Đốn có 2 đêm 1 ngày, nên không đi thăm được nhiều nơi. Chúng tôi chỉ đủ thì giờ đến thăm Nghĩa trang Arlington, Đài kỷ niệm các cố Tổng thống Washington, Jefferson, Abraham Lincoln rồi phải trở về Trường ngay, vì chương trình TV loan báo các bản tin thời tiết dự đoán là bão tuyết có thể đến trong vài ngày kế theo.

Mùa Đông năm Tôi theo học tại Fort Monmouth có bão tuyết thật lớn. Chỉ qua có một đêm, mà tuyết đổ xuống nhiều đến nỗi phủ ngập đến ngang mui các xe đang đậu trong bãi. Giờ đi ăn cơm chúng tôi phải lội tuyết dầy ngập cao tới đầu gối. Nhà trường đóng cửa 2 ngày không hoạt động, vì trở ngại lưu thông ngoài đường phố nhân viên không đi làm được. Người địa phương nói rằng từ nhiều năm nay mới có lần bão tuyết lớn như vậy. Có lẽ tại cái số của Tôi vất vả “đi đâu chết trâu đó” như các Cụ thường nói chăng! Hồi du học bên Pháp, vào cuối năm 1950 Tôi cũng bị gặp trận bão tuyết rất lớn, trường học cũng phải đóng cửa không hoạt động trong 2 ngày liền.

Tháng 4 nắng đẹp, chung quanh công viên trước Bản doanh của Bộ Chỉ huy Fort, đỏ rực những tàng cây dầy đặc hoa anh đào. Các loại hoa khác cũng đua nhau nở, khoe đủ mầu sắc sặc sỡ riêng rất đẹp mắt. Chúng tôi tha hồ đi chụp phong cảnh bằng phim mầu, thuê rửa ráp thành slide để chiếu lớn lên màn ảnh xem và giữ lưu niệm. Nhưng sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Việt Cộng chiếm Sài Gòn, gia đình Tôi bị trục xuất ra khỏi Cư xá Sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu trại Trần Hưng Đạo với 2 bàn tay trắng, nên tất cả những hình ảnh kỷ niệm vô cùng quý giá này đã mất hết.

Cuối tháng 5 năm 1958 mãn khóa, nhà trường cho biết sẽ cho chúng tôi đi bằng xe hỏa sang San Francisco. Do đó chúng tôi yêu cầu cho đi theo “Tuyến Nam” (South bound) để có dịp quan sát thắng cảnh của các Tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ trên suốt dọc cuộc hành trình từ Fort Monmouth đến San Francisco.

Về tới San Francisco, chúng tôi lại có dịp nghỉ tại khu Presidio một tuần lễ để chờ làm giấy tờ về Việt Nam bằng máy bay. Lúc này đã coi như thông thạo Anh ngữ và quen với nếp sống của người bản xứ, nên chúng tôi ra phố chơi mua bán thoải mái không bỡ ngỡ gì cả. Mọi thứ cần mua về làm quà đã mua ở New York và gửi về Việt Nam trước cả rồi, nên tha hồ đi thăm Sở thú San Francisco, Golden Gate Park cho biết, và ra Chinatown ăn ngày 2 bữa chờ đợi thôi.

Việc rời Hoa Kỳ về Việt Nam không nhất thiết phải đi cả toán cùng một lúc, nên cơ quan chuyển vận đã sắp chúng tôi đi thành 2 toán theo 2 chuyến bay khác nhau. Toán một gồm 5 người trong đó có Tôi. Toán 2 gồm 7 người đi sau chúng tôi một ngày. Tuy chúng tôi được đi trước, nhưng lại về đến Sài Gòn chậm hơn toán 2 cả tuần lễ. Chuyện trục trặc như thế này: “Bà nhân viên phụ trách lúc trao vé máy bay cho chúng tôi tại Presidio dặn rõ ràng là, chúng tôi sẽ tới Clark Field Air Base vào buổi trưa, phải dùng xe buýt của Căn cứ không quân lên ngay phi trường quốc tế Manila để ‘book in’ ngay máy bay của hãng Panam, chuyến dự trù cất cánh vào lúc 9 giờ tối đi tiếp về Sài Gòn. Chuyến bay sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào khoảng 10 giờ đêm cùng ngày. Bà ấy đã điện báo các nơi biết như vậy rồi. Sổ Thông Hành của chúng tôi không cần phải có Visa của Phi Luật Tân, vì chỉ di chuyển từ Clark Field sang phi trường Manila như trường hợp tranfer, không cư ngụ lâu trên đất Phi quá 12 tiếng nên luật không đòi hỏi phải có Visa. Hành trình di chuyển từ Clark Field Air Base đến phi trường Manila bằng xe Quân đội Hoa Kỳ nên không trở ngại gì.”

Nhưng thật là xui, khi xuống máy bay tại Clark Field, lấy lại hành lý xong, chúng tôi ra xe buýt của Căn cứ để đi phi trường Manila, thì nhân viên Quân Cảnh xem Sổ Thông Hành của chúng tôi, thấy không có Visa của Tòa Lãnh sự Phi Luật Tân tại San Francisco cho phép vào đất Phi, nên không cho chúng tôi lên xe đi. Chúng tôi giải thích thế nào anh ta cũng nhất định không chịu, và bắt buộc chúng tôi phải ở lại Clark Field. Tôi vào gặp trung úy trưởng phòng của anh ta để giải thích, ông này không dám giải quyết và phải điện thoại lên Tham mưu trưởng căn Cứ xin lệnh. Theo quyết định của Tham mưu trưởng, anh ta cho xe đưa chúng tôi về ghi đóng tiền thuê chỗ ngủ tại BOQ, sáng hôm sau sẽ có xe đón Tôi là trưởng toán lên văn phòng gặp Đại tá Tham mưu trưởng giải quyết.

Hôm sau, anh Mai và Tôi cùng đi lên văn phòng Tham mưu trưởng Căn Cứ, trình bày lại mọi sự với ông đại tá. Sau khi tiếp xúc điện thoại với các nơi cần thiết, ông đại tá cho chúng tôi biết những việc Căn Cứ sẽ phải làm là:

1. Liên lạc với Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Manila để yêu cầu cho người xuống lấy Sổ Thông Hành của chúng tôi đi xin Visa của Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân;

2. Tiếp xúc với hãng máy bay để định lại chuyến bay khác cho chúng tôi;

3. Mọi việc phải cần ít nhất 7 ngày mới hoàn tất, trong khi chúng tôi lưu tại Clark Field sẽ được cấp “Per diem” $7 Đô-la một ngày.

Ngày hôm sau, nhân viên Phòng Tùy viên Quân sự Sứ Quán đến gặp chúng tôi, để lấy Sổ Thông Hành đi làm các thủ tục cần thiết.

Buổi tối, chúng tôi đến Câu Lạc Bộ dùng cơm, gặp Thiếu tá Oánh (sau này lên tướng) và mấy bạn sĩ quan Không quân đang học lái Trực thăng tại Clark Field Air Base. Đã sống lâu ngày tại đây nên anh em thông thuộc địa phương, nên rủ chúng tôi đến làng Angeles khu hộp đêm gần Căn Cứ giải trí, giống hệt khu giải trí Tam Hiệp cạnh căn cứ Long Bình Biên Hòa. Chúng tôi đi về bằng xe Lambretta tư nhân sơn vẽ mầu sặc sỡ đưa đón khách, giá cũng rẻ chỉ mất có 50 xu một lượt. Tại làng Angeles cũng thấy có các Quân Cảnh của Căn Cứ đi tuần tiễu dọc các đường phố, để duy trì trật tự và bảo vệ an ninh cho quân nhân được phép ra thăm viếng khu này.

Năm ngày sau, Sổ Thông Hành của chúng tôi có được Visa, Căn Cứ mời chúng tôi đến thanh toán tiền “Per diem”, và cho xe cùng một hạ sĩ quan phụ trách đưa chúng tôi lên Manila thuê phòng ngủ qua đêm, để sáng sớm hôm sau kịp đáp chuyến bay rời Manila vào 9 giờ sáng. Chúng tôi không muốn thuê phòng ở khách sạn Manila ngay cạnh phi trường vì giá đắt quá, nên anh ta dẫn chúng tôi đến khách sạn anh ta quen, cũng khang trang sạch sẽ mà giá thuê phòng rẻ hơn. Sau khi chúng tôi lấy phòng xong, anh hạ sĩ quan dặn chúng tôi chờ tại khách sạn để anh ta ra phi trường tiếp xúc hãng máy bay Panam “book in” chuyến bay cho chúng tôi. Khi xong việc, anh ta sẽ trở lại cho chúng tôi biết chính xác sáng mai giờ nào phải có mặt tại phi trường, để tự thuê taxis mà đi.

Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, anh ta điện thoại đến báo cho biết là có chuyến bay rời Manila ngay lúc 9 giờ tối hôm đó, nếu chúng tôi muốn đi ngay anh ta sẽ đem xe đến đón đi luôn. Tôi hỏi ý kiến anh em. Ai cũng đồng ý chịu mất không tiền thuê phòng để ra phi trường về Sài Gòn ngay trong đêm. Vì gia đình đã được anh em thông báo bằng điện tín là lên đường về cả tuần nay rồi, mà chưa đến nơi chắc hẳn đang lo lắng thắc thỏm lắm.

Tôi liền trả lời anh ta là chúng tôi bằng lòng đi ngay đêm nay, yêu cầu đến đón chúng tôi. Nửa giờ sau, xe anh ta tới khách sạn đón đưa chúng tôi ra phi trường làm thủ tục để lên chuyến bay rời Manila vào lúc 9 giờ, trước sự ngạc nhiên của nhân viên khách sạn. Chúng tôi thuê chung 2 người một phòng, nên mỗi người chịu mất không $5 Đô-la, mà mới chỉ được tắm thoải mái thôi. Âu cũng là cái thời vận đến lúc phải “tán tài” thì đành chịu vậy biết làm sao hơn!

Máy bay cất cánh, thấy nét mặt mọi người lộ vẻ vui mừng hớn hở hẳn lên. Không ai bảo ai, nhưng hình như mọi người đang thầm cầu nguyện cho chuyến bay được thượng lộ bình an, và nhẫn nại chịu đựng thêm một tiếng đồng hồ vượt không gian nữa là phi cơ đáp xuống Tân Sơn Nhất Sài Gòn. Bất thần xuất hiện trước cửa nhà trong đêm khuya, chắc hẳn là vợ con thân quyến sẽ ngạc nhiên vui mừng lắm.

Đúng 10 giờ đêm, máy bay hạ thấp cao độ lượn một vòng rồi từ từ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất như dự trù. Mọi người vui cười sung sướng, mang xách tay rời phi cơ bước xuống đặt chân lên mặt đất Việt Nam thân yêu, sau hơn nửa năm trời xa cách.

Các bạn khác ra đi xe buýt của hãng Hàng Không đưa về địa điểm kinh doanh của hãng tại khu trung tâm Sài Gòn, rồi từ đó thuê taxis đưa về nhà. Riêng Tôi vì gia đình ở trong cư xá Bà Chiểu Gia Định, nên nhờ điện thoại của văn phòng của hãng tại phi trường gọi về văn phòng trực Bộ Chỉ huy Viễn Thông nhờ đem xe ra đón đưa về thẳng nhà, chứ không đi theo xe buýt của hãng hàng không xuống Sài Gòn. Thật hên, đêm hôm đó gặp đúng sĩ quan trực là người thuộc Phòng Mật Mã Trung ương tới phiên trực, nên không phải đợi chờ lâu...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 11
NHỮNG NIỀM VUI VÀ KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

 

Ðáp máy bay rời phi trường quốc tế Manilla, Phi Luật Tân về tới phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, Việt Nam vào lúc 9 giờ đêm (Tôi không nhớ ngày tháng đích xác, hình như khoảng cuối tháng 5 năm 1958).

Ngay sáng ngày hôm sau, Tôi đến trình diện Chỉ huy trưởng Viễn Thông (Đại tá Nguyễn Khương). Anh Khương cho Tôi nghỉ phép 7 ngày, trong khi chờ đợi anh ấy làm thủ tục trình xin Bộ Tổng Tham mưu bổ nhiệm Tôi về làm Giám đốc Trường Truyền Tin Liên trường Võ Khoa Thủ Đức, như đã hứa trước khi Tôi rời Phòng Mật Mã Trung ương đi du học. Giám đốc cũ của Trường là Đại úy Mai Lương Tể, đã bị giao hoàn về Bộ Chỉ huy Viễn Thông đợi lệnh. Hiện tại Đại úy Cổ Tấn Hổ đang xử lý thường vụ chức Giám đốc Trường trong khi chờ bổ nhiệm người mới thay thế Đại úy Mai Lương Tể.

Đúng một tuần sau, anh Khương đưa Tôi lên trình diện Thiếu tướng Lê văn Nghiêm, Chỉ huy trưởng Liên trường Võ khoa Thủ Đức trên đỉnh đồi Tăng Nhân Phú, với tấm Sự Vụ Lệnh do Tướng Tham mưu trưởng Liên quân ký. Tướng Nghiêm vẫn với thói quen nhìn lên trần nhà chớ không nhìn người đối diện, khi tiếp khách có cấp bậc nhỏ hơn mình, như hồi Tôi là Thiếu tá Chánh Sở Mật Mã Bộ Tổng Tham mưu cùng anh Lý Thái Vượng (Sĩ quan Mật Mã tại văn phòng Tư lệnh Quân Khu 2) đến Thanh tra cơ sở Mật Mã tại Trung đoàn do Trung tá Nghiêm chỉ huy, đóng tại Ninh Hòa, Nha Trang.

Tôi chợt giật mình, không biết ông ấy có nhớ ra Tôi không? Nếu nhớ thì thật phiền hà trong tương lai. Vì trong cuộc thanh tra Mật Mã hồi đó, Tôi phát giác việc Trung tá Nghiêm dùng uy quyền Trung đoàn trưởng buộc Sĩ quan Mật Mã phải để cho ông mở xem một phong bì đựng tài liệu “TỐI MẬT” của Mật Mã, có in bằng mực đỏ đậm nét rõ ràng trên phong bì câu ghi chú “CHỈ CÓ SĨ QUAN Mật Mã MỚI ĐƯỢC MỞ PHONG BÌ NÀY, KHI CÓ LỆNH CỦA BỘ TỔNG THAM MƯU”. Tôi đã thông báo ngay cho ông ấy biết, việc vi phạm trầm trọng Huấn lệnh bảo mật của Quân đội này sẽ phải trình lên Tổng Tham Mưu trưởng xét định. Đồng thời Tôi xin được phép dùng phương tiện Truyền Tin của đơn vị, gửi ngay một Công điện “Tối Mật” “Thượng khẩn” về Sở Mật Mã để trình lên Tham mưu trưởng Liên quân xin ban hành lệnh cho tất cả các cơ sở Mật Mã trong toàn Quân đội, thiêu hủy ngay tài liệu đó, và gửi “Thượng khẩn” một tài liệu khác thay thế ngay qua đường Quân Bưu.

Cuộc thanh tra miền Trung chấm dứt tại đơn vị này. Tôi trở lại Nha Trang đáp phi cơ về Sài Gòn, còn anh Lý Thái Vượng thì trở về Huế. Hai ngày sau, trong khi ngồi làm Phúc trình kết quả cuộc thanh tra miền Trung lên Tổng Tham mưu trưởng, Tôi nhận được công điện “Mật, Khẩn” từ văn phòng Tư lệnh Quân khu 2 tại Huế báo cho biết là, Đại tá Trương văn Xương Tư lệnh Quân khu đã ký giấy phạt Trung tá Lê văn Nghiêm Trung đoàn trưởng 7 ngày Trọng cấm vì vi phạm Huấn lệnh bảo mật tài liệu Mật Mã Quân đội.

Trong khi Tướng Nghiêm đang nói truyện với Đại tá Khương và Tôi, thì Chánh văn phòng dẫn Đại úy Cổ Tấn Hổ đang xử lý thường vụ chức Giám đốc vào trình diện. Sau khi Tướng Nghiêm giới thiệu chúng tôi với nhau xong, ông chỉ thị Trung tá Lê Quang Hiền (bạn cùng tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ quan VN với Tôi tại Huế ngày 1-6-1949) đang làm Tham mưu trưởng của Liên trường, lệnh cho Phòng 1 trình ký Văn thư bổ nhiệm Tôi làm Giám đốc Trường Truyền Tin ngay từ ngày hôm đó.

Rời văn phòng Tướng Nghiêm, anh Khương chia tay để về Sài Gòn. Đại úy Hổ đưa Tôi về Trường Truyền Tin, dẫn vào phòng làm việc dành riêng cho Giám Đốc, và yêu cầu Trung úy Nhờ trưởng Ban Hành Chánh triệu tập tất cả nhân viên thuộc Trường, họp tại phòng Hội vào giờ các lớp học nghỉ giải lao, để giới thiệu với Tôi.

Buổi chiều, Tôi nhờ Đại úy Hổ hướng dẫn đi thăm chào xã giao các giới chức thẩm quyền thuộc Bộ Chỉ huy Liên trường, các vị Giám đốc Trường, và Đại tá Cố vấn trưởng. Trước nhất, Tôi đến chào Trung tá Lê Quang Hiền Tham mưu trưởng, sau đó đi chào Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng Trưởng Khối Huấn luyện, Thiếu tá Vĩnh Biểu Trưởng Khối Hành chánh, rồi đến các vị Giám đốc Trường. Trường Hành chánh Tài chánh là Trung tá Đỗ Tùng. Trường Thiết Giáp là Thiếu tá Vĩnh Lộc (Tôi quen từ hồi đầu năm 1951, trong dịp Đại sứ Bửu Lộc tiếp tân Tết tại Paris Pháp. Hồi đó ông Lộc là thiếu úy học Trường Thiết Giáp Saumur, Tôi cũng là thiếu úy học Truyền Tin tại Montargis). Trường Bộ Binh Trừ bị là Đại úy Nguyễn Viết Thanh (sau vụ Nhảy Dù đảo chính hụt ngày 11-11-1960, Đại úy Thanh được thăng cấp thiếu tá đưa đi làm Tỉnh Trưởng tại miền Tây, và lần lượt thăng cấp nhanh chóng lên đến thiếu tướng làm Tư lệnh Quân khu 4 tại Cần Thơ. Ông ấy qua đời vì tai nạn trực thăng trong lúc thi hành nhiệm vụ, được truy thăng trung tướng, và hình như Giáo hội Hòa Hảo miền Tây Nam Việt tôn vinh lên bậc Thánh). Trường Quân Cụ là Đại úy Vũ (hình như họ Phạm). Còn 2 trường ở tận vùng Bình Dương là Trường Công Binh Đại úy Bạch (hình như họ Nguyễn), và Trường Pháo Binh (một thiếu tá có thương tật nơi tay phải, không nhớ tên) thì không đi thăm, vì ở xa không thuận tiện. Sau cùng là thăm Đại tá Cố vấn trưởng của Liên trường và Thiếu tá Cố vấn riêng cho Trường Truyền Tin.

Mấy ngày sau, Lễ Bàn giao được tổ chức rất đơn giản nhưng trang trọng ngay trước sân Trường Truyền Tin, dưới quyền Chủ tọa của Tướng Lê văn Nghiêm, với sự tham dự của các vị Giám đốc Trường, các vị Trưởng Khối, các Trưởng Phòng Bộ Chỉ huy Liên Trường, và các vị Cố vấn Hoa kỳ. Khách ngoài Liên trường là Đại tá Nguyễn Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông. Khóa sinh hiện diện tại Trường lúc đó có khoảng 150 người (khóa sinh viên sĩ quan trường Bộ binh học giai đoạn 2 Căn bản Truyền Tin, và khóa hạ sĩ quan sửa chữa vật liệu Truyền Tin).

Cơ sở Trường Truyền Tin gồm một dãy nhà chính hai tầng, chia ra như sau: -tầng dưới gồm các văn phòng Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng Khối Huấn luyện, các Huấn luyện viên, Phòng họp và Ban Hành chánh, -tầng trên là các phòng học, và 4 dãy trệt: một dãy dành cho Ban Tiếp liệu bảo trì và kho chứa vật liệu máy móc Truyền Tin, 3 dãy còn lại chia ra thành các xưởng học sửa chữa cho từng loại máy và phòng làm việc riêng của các Huấn luyện viên sửa chữa. Khả năng có thể thâu nhận huấn luyện một lúc khoảng 300 khóa sinh, thế mà suốt thời gian qua lúc nào Trường cũng chỉ nhận huấn luyện có khoảng 150 khóa sinh là tối đa. Hỏi Trung úy Nguyễn văn Khanh Trưởng Khối huấn luyện cho biết là vì thiếu Huấn luyện viên.

Các khóa huấn luyện gồm:

-Khóa căn bản Truyền Tin cho các sinh viên sĩ quan trừ bị học giai đoạn 2 (sau khi tốt nghiệp họ sẽ được bổ sung về các đơn vị thuộc Binh chủng Truyền Tin),

-Khóa sĩ quan căn bản Truyền Tin cho Binh đoàn,

-Khóa căn bản Truyền Tin cho các sĩ quan đang phục vụ trong các đơn vị thuộc quân số Binh chủng Truyền Tin nhưng chưa học một khóa Truyền Tin chuyên nghiệp nào và các hạ sĩ quan chuyên viên Truyền Tin mới được thăng lên hàng sĩ quan,

-Khóa tiếp liệu tồn trữ vật liệu Truyền Tin, và sau cùng là

-Khóa sửa chữa vật liệu Truyền Tin cho các hạ sĩ quan thuộc các đơn vị trong Binh chủng Truyền Tin.

Trường chỉ phải lo hoàn toàn về huấn luyện, các vấn đề quản trị hành chánh cho cả nhân viên nhà trường lẫn khóa sinh đều do Khối Hành chánh Liên Trường đảm trách. Vấn đề kiểm soát sinh hoạt duy trì kỷ luật đối với các khóa sinh ngoài giờ học, do Đại úy Nguyễn Phúc Nghiệp Liên đội trưởng khóa sinh do Liên Trường bổ nhiệm lo toan. Dĩ nhiên là vị này phải thường xuyên liên lạc với Ban Giám đốc Trường để phối hợp. Vì thế, Tôi dồn toàn thời gian vào việc đôn đốc cải tiến cập nhật hóa các chương trình huấn luyện, kỹ thuật huấn luyện, hiệu chỉnh các tài liệu tham khảo cho khóa sinh, giàn bài huấn luyện của các huấn luyện viên, thực hiện các loại trợ huấn cụ cần thiết cho các xưởng huấn luyện sửa chữa, và lập Thư viện sách kỹ thuật cho Trường.

Một điều làm Tôi cảm thấy không ổn cho lắm là, khoảng 50 phần trăm tổng số huấn luyện viên sĩ quan và hạ sĩ quan không có mặt thường xuyên tại trường trong giờ làm việc, nếu ngày hôm đó họ không có giờ phải lên lớp. Trung úy Khanh trưởng Khối huấn luyện giải thích là họ ở nhà soạn bài. Tôi không đồng ý và buộc phải chấn chỉnh lại, trong giờ làm việc mọi người phải có mặt tại văn phòng. Biện pháp cương quyết này, đã giúp Tôi phát giác ra là các bạn ấy lợi dụng thời gian không dậy học để ở nhà trau dồi thêm văn hóa thi lấy bằng Trung học. Do đó, khi nào các khóa đang học giai đoạn lý thuyết thì các lớp trên lầu mở cửa thường xuyên, còn các lớp tại các dãy nhà trệt đóng cửa im ỉm, và ngược lại khi các khóa xuống học tại các xưởng thực hành sử dụng máy hoặc sửa chữa thì các lớp trên lầu đóng cửa. Nhờ thế mà các Huấn luyện viên có nhiều giờ rảnh liên tục để ngồi lo trau dồi văn hóa riêng. Và có lẽ cũng vì thế mà Ban Giám đốc cũ không muốn đặt kế hoạch tổ chức các khóa học gối đầu nhau để gia tăng sĩ số khóa sinh thụ huấn tại Trường.

Tình trạng này đã khiến Tôi phải áp dụng kế hoạch cải tiến khắt khe, làm một số anh em không vui bụng cho lắm, vì không được tự do như từ trước ngày Tôi về làm Giám đốc Trường. Tôi theo dõi cảm nhận được như vậy, nhưng vì nhu cầu cung cấp chuyên viên cần yếu cho các đơn vị Quân lực đang trong thời tăng trưởng nhanh theo kế hoạch cải tiến, Tôi buộc lòng phải cương quyết cứng rắn thực hiện bằng được các dự tính của Tôi, nhằm gia tăng sĩ số khóa sinh thụ huấn thường xuyên tại Trường từ 150 lên 300, mà không cần bổ sung thêm Huấn luyện viên và phòng học đang có sẵn. Ban đầu cũng hơi khó khăn, nhưng rồi mọi chuyện cũng lướt đi suôn sẻ như dự tính của Tôi.

Đối diện với Trường Truyền Tin, ngay bên kia khu công viên rộng lớn, cũng có một cơ sở kiến trúc y hệt Trường Truyền Tin, được dùng làm cơ sở cho 2 Trường: Trường Thiết Giáp Binh và Trường Hành chánh Tài chánh. Tổng số khóa sinh của cả 2 trường này cộng lại lúc nào cũng có khoảng từ 250 đến 300.

Hai tuần lễ sau ngày Tôi nhậm chức Giám đốc Trường Truyền Tin, cả Liên Trường phải chuẩn bị đón phái đoàn Thanh tra Chỉ huy của MACV do Tướng Myers hướng dẫn. Tướng Tổng Thanh Tra này của MACV nổi tiếng khó khăn, mọi cấp Cố vấn Hoa Kỳ và Đơn vị trưởng Việt Nam đều ngán. Đây là lần đầu tiên trong đời binh nghiệp của Tôi, phải tiếp phái đoàn Thanh tra của Cố vấn Hoa Kỳ. Các cơ sở Mật Mã Quân đội do Tôi trách nhiệm tổ chức điều hành trước kia, không bao giờ bị ai đến thanh tra cả. Tôi hơi bỡ ngỡ, nhưng nhờ Trung úy Khanh rất tháo vát và thông thạo, nên đã lo lắng mọi việc cho Tôi. Đại úy Hổ và Trung úy Khanh đôn đốc anh em huấn luyện viên sửa chữa, lấy các máy xưa nay vẫn cất trong kho ra trưng bày trong các phòng học sửa chữa, tại 3 dãy nhà trệt phía sau. Đặc biệt Trung úy Khanh chuẩn bị tài liệu thuyết trình, các biểu đồ chương trình chi tiết của các khóa học do Trường trách nhiệm, lịch trình thăm viếng, và các tài liệu khác cần thiết cho cuộc thanh tra. Cố vấn của Trường cũng lăng xăng tiếp tay, và thâu thập các dữ kiện cần thiết liên quan tới việc điều hành huấn luyện và những khó khăn cần được giúp đỡ, để ông ta trình bày cho phái đoàn thanh tra tại văn phòng Cố vấn trưởng, trước khi đoàn thanh tra đến thăm viếng Trường.

Ngày thanh tra tới, Tướng Lê văn Nghiêm và Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng Trưởng Khối Huấn luyện Liên trường, Thiếu tá Vĩnh Biểu Trưởng Khối Hành chánh, và một số Trưởng Phòng trong Bộ Tham mưu Liên trường cùng đi với đoàn thanh tra MACV. Sau khi nghe thuyết trình, Tướng Myers biết Tôi mới về làm Giám đốc Trường, nên ông ta hỏi có kế hoạch nào cải tiến Trường hay không? Tôi trả lời là đang nghiên cứu để thực hiện lần lần, trong vòng 6 tháng sẽ hoàn tất, và chắc chắn kỳ thanh tra tới quý vị sẽ thấy thành quả của các thay đổi.

Sau cuộc thanh tra, Tôi họp tất cả nhân viên thuộc Trường và Cố vấn Hoa Kỳ, để trình bày kế hoạch cải tiến và yêu cầu mọi người đóng góp ý kiến thực hiện cho thật toàn hảo và nhanh chóng. Tôi cũng cho mọi người biết là nếu ai không vừa ý, có thể xin thuyên chuyển khỏi Trường, Bộ Chỉ huy Viễn Thông sẽ hoán chuyển người có thiện chí và khả năng về giúp Tôi cải tiến hoạt động của Trường không khó khăn gì. Thấy kế hoạch của Tôi hợp lý và sẽ làm tăng uy tín cho Trường và cho Binh chủng Truyền Tin, nên mọi người vui vẻ cộng tác tiếp tay với Tôi một cách chân thành.

Một tháng sau, Đại úy Cổ Tấn Hổ được lệnh thuyên chuyển ra khỏi Trường theo đơn xin của ông ấy đã đệ trình lên Bộ Chỉ huy Viễn Thông từ nhiều tháng trước khi Tôi về Trường. Đại úy Nguyễn Hữu Mai được đưa về thay thế. Trung úy Khanh là người nòng cốt của Trường cũng ngỏ ý muốn được rời Trường đi học một khóa bên Hoa Kỳ. Ông ấy trình bày rằng, từ ngày thành lập Trường đến nay ông ấy đã nhiều lần muốn xin đi học một khóa chuyên môn bên Hoa Kỳ để trau dồi thêm khả năng kỹ thuật, nhưng các vị Giám đốc trước không ai chịu để cho ông ấy đi vì nhu cầu tối cần của Trường. Tôi đã không do dự khẳng định và hứa danh dự với Trung úy Khanh rằng, Tôi cần ông cộng tác tiếp tay đôn đốc anh em và Cố vấn Hoa Kỳ của Trường thực hiện xong những dự án cải cách của Tôi xong trong vòng 6 tháng, thì Tôi sẽ để ông đi học Hoa Kỳ như mong muốn.

Ba tháng sau, mọi kế hoạch cải tiến của Tôi được hoàn tất tốt đẹp. Các tài liệu tham khảo về các môn học được dịch ra Việt ngữ và in ra để phát cho khóa sinh nghiên cứu trước khi vào lớp học. Các dàn bài Huấn luyện chi tiết và các biểu đồ hình chiếu, cần cho Huấn luyện viên dùng trong mỗi bài giảng dậy cũng được tu chỉnh in ra lưu trữ, bất cứ ai cũng có thể dùng để lên lớp giảng bài trong trường hợp Huấn luyện viên chính vì lý do nào đó không lên lớp được. Không xin được viện trợ các loại trợ huấn cụ dùng trong các xưởng huấn luyện sửa chữa, nên Cố vấn Hoa Kỳ được Tôi yêu cầu đến khu vật liệu phế thải của MACV, xin gỡ lấy những bộ phận rời còn dùng được trong các máy phế thải đem về thực hiện các trợ huấn cụ cho khóa sinh thực tập. Kế hoạch tổ chức các khóa học được sửa đổi, đặc biệt các khóa sửa chữa được dự trù mở gối đầu nhau (khóa trước hết giai đoạn lý thuyết xuống xưởng thực hành, thì khóa kế theo khai giảng). Nhờ thế sĩ số khóa sinh thụ huấn tại Trường lúc nào cũng có từ 250 đến 300 người, và tất cả các lớp học trên lầu và tại các dãy nhà sau lúc nào cũng đầy khóa sinh. Hoạt động của Trường trở nên nhộn nhịp, suốt ngày mọi người đều bận bịu. Nhưng, các Huấn luyện viên cũng vẫn có một số giờ rảnh hàng ngày, để trau dồi văn hóa riêng chuẩn bị thi lấy bằng Trung học vào mùa thi.

Mọi việc chấn chỉnh vừa hoàn tất, thì Trung úy Khanh cho biết là Đại úy Võ Đại Khôi Chánh sự vụ Sở Viễn Thông Bảo An, mới thành lập một Trung tâm huấn luyện chuyên viên Truyền Tin riêng cho Bảo An Đoàn thuộc Bộ Nội Vụ, muốn xin giúp cho một số tài liệu huấn luyện của Trường. Tôi yêu cầu phải có văn thư chính thức gửi đến Trường, và anh Khôi đã được thoả mãn đúng theo mong muốn.

Sáu tháng sau, đoàn Thanh tra MACV của Tướng Myers trở lại, thấy hoạt động của Trường khác hẳn lần thanh tra trước, tấm tắc ca ngợi sự cố gắng của Trường và đã gửi tới Liên Trường một văn thư khen ngợi, đồng thời phổ biến thông báo trong toàn Quân đội. Mọi người đều vui vẻ, nhất là Cố vấn của Trường Truyền Tin.

Tôi đã yêu cầu Trung úy Khanh làm đơn để Tôi chuyển cho ông ấy được đi học bổ túc chuyên nghiệp tại Hoa Kỳ, sớm hơn hạn kỳ Tôi đã hứa. Đại úy Trương văn Tàng vừa du học Hoa Kỳ về được bổ sung thay thế Trung úy Khanh. Sau khi du học Hoa Kỳ về, ông Khanh đi làm sĩ quan Truyền Tin Sư đoàn 7 Bộ Binh tại Mỹ Tho.

Mấy tháng sau, Đại úy Nguyễn Hữu Mai được thuyên chuyển đi làm sĩ quan Truyền Tin Sư đoàn 21 Bộ Binh tại Bặc Liêu. Đại úy Võ Trịnh Trọng mới du học Hoa Kỳ về, được đưa về Trường thay chỗ anh Mai. Trước khi đưa anh Trọng về Trường, anh Khương có mời Tôi lên Bộ Chỉ huy Viễn Thông để giải thích về trường hợp của anh Trọng. Không hiểu vì sao, không đơn vị trưởng Truyền Tin nào chịu nhận, mà lại không có chỗ cho anh ấy làm đơn vị trưởng, nên phải nhờ Trường nhận giùm. Tôi sẵn sàng nhận ngay không do dự, và còn đề nghị Liên Trường bổ nhiệm anh Trọng làm Phó Giám đốc cho Tôi. Trong suốt thời gian làm việc bên Tôi, anh Trọng tỏ ra có căn bản kỹ thuật tốt, chịu khó tìm tòi để thăng tiến, chăm chỉ cần mẫn. Nhưng hình như trước kia, hồi còn làm việc tại Huế, anh Trọng là em út thân tín của Tướng Nghiêm, nên bây giờ tiếp tục ra vào tư dinh Tướng Nghiêm thường xuyên dễ dàng. Anh em thông báo cho biết như vậy, nhưng Tôi không quan tâm vì cho đó là liên hệ tình nghĩa bình thường cần phải có của con người.

Vì Liên trường chưa có cư xá cấp cho anh Trọng, nên gia đình anh ấy vẫn cư ngụ tại Sài Gòn. Do đó, Tôi bằng lòng ký giấy phép để hàng đêm anh ấy về với gia đình, chớ không buộc phải ở lại khu dành cho cán bộ độc thân của Liên trường. Anh Trọng là người rất ngoan Đạo, Chủ Nhật nào cũng thấy anh ấy đến Nhà Nguyện của Liên Trường, tiếp tay cùng các đạo hữu khác phụ với Linh mục Tuyên úy lo sửa soạn Nhà Nguyện, để giáo dân tới dự Thánh Lễ. Vào dịp chuẩn bị đón Noel 1959, anh Trọng tự động điều động mấy nhân viên thuộc Trung tâm Truyền Tin cơ hữu của Liên Trường (không thuộc trách nhiệm của Trường Truyền Tin), để giăng một hệ thống điện soi sáng chung quanh và bên trong Nhà Nguyện. Anh ấy muốn thực hiện một sáng kiến độc đáo, là căng một sợi dây cáp dã chiến từ đỉnh bồn chứa nước cao cả mấy chục mét của Liên Trường xuống tới hang đá nơi gốc cây thông dựng ngay kế bên cửa trước Nhà Nguyện, để thả chiếc đèn ông sao to khoảng 1 mét đường kính trong có thắp sáng ngọn đèn điện, tuột xuống vào đúng giờ Giáng sinh của Chúa Hài Đồng lúc nửa đêm Noel. Khoảng cách từ đỉnh bồn nước xuống tới hang đá nơi gốc cây thông dài khoảng 300 mét. Nhưng có đoạn nguy hiểm là, lúc gần tới đất dây cáp băng ngang phía trên 3 dòng dây điện cao thế dẫn từ ngã tư xa lộ Thủ Đức vào Liên Trường. Trung tâm Truyền Tin không có cáp nên anh Trọng xin Trường Truyền Tin cho mượn. Tôi khuyên là không nên cho dây điện thoại dã chiến căng băng ngang phía trên đường dây điện cao thế nguy hiểm, lỡ trong khi tuột đèn cắt đứt dây cáp sẽ rớt nằm vắt lên điện cao thế có thể gây tai nạn chết người. Anh Trọng nói là đã đọc kỹ sách kỹ thuật nói rõ về sức chịu đựng bền dai của dây cáp dã chiến, nên không có gì phải lo.

Ngày 23 tháng 12 năm 1959 mưa suốt ngày đến chiều mới tạnh, đất và cỏ ướt sũng. Vào khoảng 4 giờ chiều, đang ngồi trong Trường, Tôi nghe có tiếng vang Rùng! Rùng! Rùng!... Kéo dài liên tục chừng 1 phút như có ai kéo vật gì cà trên mái tôn, rồi cả trường mất điện. Chả biết chuyện gì xảy ra bên ngoài. Tôi yêu cầu Trung úy Nhờ Trưởng Ban Hành chánh của Trường liên lạc các nơi tìm hiểu lý do. Một lúc sau được thông báo là, sợi dây cáp căng làm dây tuột cho chiếc đèn ông sao bị đứt trong lúc thử cho đèn tuột xuống. Dây cáp nằm phủ quàng trên 3 dòng dây điện cao thế, chuyền điện xuống giật anh Thượng sĩ đang quay cuộn dây gắn trên giá trục đỡ, ngã xấp nằm gục lên cuộn dây cáp. Đội cứu hỏa Thủ Đức được gọi vào cấp cứu, đưa vào Bệnh xá Liên Trường. Anh ta đã chết, có những vết cháy hết da thịt trơ xương trên mặt và sống lưng bàn tay. Tôi tức tốc chạy xuống Bệnh xá để thăm, đến nơi thấy Đại úy Trọng đang đứng tại đó cùng Thiếu tá Vĩnh Biểu Trưởng Khối Hành chánh và nhân viên anh ninh của Liên Trường.

Vì Tôi không được lệnh Liên Trường chỉ định Đại úy Trọng làm việc này, anh Thượng sĩ nạn nhân không thuộc quân số Trường Truyền Tin, nên Tôi không phải lo điều tra tìm hiểu sự việc để báo cáo. Cả Liên Trường thương tiếc cho số phận không may của gia đình anh Thượng sĩ nạn nhân, tiếp tay đóng góp giúp việc mai táng êm thắm. Mọi việc qua đi suôn sẻ, gia đình nạn nhân được lãnh 12 tháng lương tử sĩ chết vì công vụ, và Đại úy Trọng cũng không bị quở trách gì.

Cũng vào dịp Noel 1959, theo tiết lộ của Trung tá Lê Quang Hiền Tham mưu trưởng (bạn tốt nghiệp cùng Khóa 1 Trường sĩ quan Việt Nam với Tôi ngày 1 tháng 6 năm 1949 tại Huế) cho biết là có 3 thiếu tá thực thụ thâm niên thuộc Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức được đề nghị thăng cấp trung tá (trong đó có Tôi). Nhưng đến đầu năm 1960, nhân dịp đón Tết Canh Tý, lệnh thăng cấp cho niên Khóa 1960 được ban hành chỉ có 2 người được thăng cấp trung tá, còn Tôi bị lọt sổ. Hai vị đó là Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng Trưởng Khối Huấn luyện của Liên Trường, và Thiếu tá Vĩnh Lộc Giám đốc Trường Thiết Giáp. Sau ngày 1-11-1963 Quân đội đảo chính lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa, 2 anh em ông Ngô Đình Diệm (Tổng thống) và Ngô Đình Nhu (Cố vấn) bị giết, hai vị này có tham gia đắc lực vào công cuộc đảo chánh nên được Hội đồng Tướng lãnh làm Cách mạng thăng lên cấp tướng.

Đầu tháng 3 năm 1960, Tôi được Liên trường thông báo cho biết là Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu cho Tôi làm thủ tục đi Du hành Quan sát về Truyền Tin trên Lục địa Hoa Kỳ 1 tháng vào đầu tháng 4. Đây là cuộc Du hành Quan sát dành cho Chỉ huy trưởng Truyền Tin và Giám đốc Trường Truyền Tin các nước Đồng Minh với Hoa Kỳ, được tổ chức hàng năm 2 lần vào mùa Xuân và mùa Thu, trong thời gian 1 tháng, và mỗi lần mỗi nước chỉ được gửi 2 người tham dự với sự bảo trợ của Bộ Quốc phòng Chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ. Bộ Chỉ huy Viễn Thông đã đề nghị cho anh Nguyễn Đình Tài Chỉ huy phó và Tôi Giám đốc Trường Truyền Tin tham dự cuộc Du hành kỳ mùa Xuân 1960 này. Vì trước kia anh Khương đã có lần tham dự loại Du hành này rồi.

Trong kỳ Du hành này, chúng tôi được gặp các sĩ quan Truyền Tin từ các nước: Thái Lan (Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Truyền Tin, Đại tá Giám đốc Trường Truyền Tin), Ý Đại Lợi (Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Truyền Tin và Đại tá Giám đốc trường Truyền Tin), Y Pha Nho (Espagne) (Trung tướng Chỉ huy trưởng Truyền Tin và Thiếu tướng Giám đốc Trường Truyền Tin), Pháp (2 đại tá không người nào quen, nhưng có dịp cho chúng tôi ôn lại tiếng Pháp), Đại Hàn (1 đại tá và 1 thiếu tá), Trung Hoa Dân quốc Đài Loan (2 đại tá), Venuzuela (2 thiếu tá), và Việt Nam chúng ta cũng 2 thiếu tá (anh Nguyễn Đình Tài và Tôi). Chúng tôi đến điểm tập trung đầu tiên tại Trường Truyền Tin Lục Quân Hoa Kỳ tại Fort Monmouth, Tiểu bang New Jersey. Dù mỗi phái đoàn chỉ có 2 người, nhưng cũng có một sĩ quan Hoa Kỳ được chỉ định làm sĩ quan Tùy viên riêng để lo toan giúp đỡ mọi việc. Đoàn Việt Nam gồm anh Tài và Tôi được một trung úy chăm lo cho đủ mọi thứ, y như sĩ quan Tùy viên của các vị tướng vậy. Thật là một vinh dự “ngàn năm một thuở” chẳng bao giờ quên.

Lịch trình thăm viếng khởi đầu từ Trường Truyền Tin. Sau đó đi thăm Xưởng sản xuất phim ảnh huấn luyện cho Lục quân “Army Pictorial Center” tại Newark gần New York, được quan sát việc dàn cảnh quay phim thực hiện ngay trong phim trường. Tiếp theo, chúng tôi đi thăm Fort Gordon trong Tiểu bang Goergia, nơi có các Trung tâm huấn luyện sĩ quan và hạ sĩ quan sửa chữa vật liệu Truyền Tin, Trường huấn luyện Quân Cảnh (Military Police), và Trường huấn luyện Tâm Lý Chiến (Psychological War-fare).

Thời gian thăm tại Fort Gordon gặp đúng ngay ngày Army Day (6 tháng 4), nên chúng tôi được tham dự buổi lễ kỷ niệm rất quy mô, có duyệt binh và thăm khu triển lãm các vũ khí mới của Lục quân Hoa Kỳ. Các phái đoàn sĩ quan Truyền Tin Đồng Minh được vinh dự đứng trên xe đi duyệt binh cùng lượt với vị Tướng Chủ tọa buổi lễ. Theo thứ tự mẫu tự A, B, C... mỗi phái đoàn đứng trên một xe riêng với sĩ quan Tùy viên của mình. Phái đoàn Việt Nam đi chót, sau đoàn Venuzuala. Sau đó, chúng tôi tiếp tục dùng đường bộ đi thăm Trường Võ bị Lục quân Hoa Kỳ West Point trong Tiểu bang New York, Kho Truyền Tin Tobyhanna trong Tiểu bang Pennsylvania đặc trách yểm trợ cho vùng Âu Châu và Đại Tây Dương.

Chấm dứt các cuộc viếng thăm tại miền Đông Hoa Kỳ, chúng tôi dùng máy bay rời Fort Monmouth đi sang Tiểu bang Arizona, thăm Trung tâm trắc nghiệm các vật liệu Truyền Tin mới “Signal Equipments Proving Ground” tại Fort Huachuca trong vùng tỉnh Tucson. Vì trong phái đoàn có nhiều vị tướng, nên tất cả chúng tôi đều được cung cấp vé dành cho loại khách hạng nhất trên máy bay.

Hình như có sự sắp xếp trước của hệ thống Tâm Lý Chiến Lục quân Hoa Kỳ, nên trên chuyến bay từ New York sang Tucson làm như tình cờ có một Doanh gia lớn tại New York đi sang nghỉ ngơi dưỡng sức cuối tuần, tại một trong các trang trại tư nhân dùng làm nơi xả hơi cuối tuần của các doanh gia triệu phú. Ông ta tìm đến tiếp chuyện làm quen với chúng tôi, rồi ngỏ lời mời cả phái đoàn ghé thăm trang trại của ông ta vào chiều ngày hôm sau là Chủ nhật. Sĩ quan Tùy viên đi theo hướng dẫn phái đoàn là một trung tá từ Fort Huachuca sang đón chúng tôi, lập tức tiếp xúc với phi hành đoàn, để nhờ phương tiện liên lạc ngay với Tướng Chỉ huy trưởng Trung tâm xin chỉ thị. Một lát sau, từ phòng điều hành của phi hành đoàn trở ra, viên trung tá sĩ quan tùy viên của chúng tôi trả lời cho vị Doanh gia là đồng ý, ngày mai vào 2 giờ chiều xe của Trung tâm sẽ đưa tất cả phái đoàn chúng tôi đến thăm trang trại của ông ta. Nếu Tôi nhớ không lầm thì ông ấy là Chủ tịch Ban Giám đốc Điều hành Siêu thị MACY’S tại New York.

Trưa hôm sau, trước khi tới trang trại, trung tá sĩ quan tùy viên đưa chúng tôi ghé một siêu thị lớn nhất Tucson, để mua sắm giầy bốt, quần đặc biệt dùng để cưỡi ngựa, và quần tắm nếu ai cần. Mặc dù chiều ngày Chủ nhật siêu thị đóng cửa, nhưng nhờ sự tiếp xúc riêng vẫn có một nhân viên trong Ban Điều hành chờ đón, và mở cửa dành riêng cho nhân viên để dẫn chúng tôi vào tìm kiếm mua những thức cần dùng.

Trang trại chúng tôi được mời thăm có cái tên thật lạ “Double U Ranch”, là một trang trại sang trọng quy mô, đầy đủ mọi tiện nghi tân tiến của giai cấp thượng lưu trong xã hội Tư bản. Có chuồng ngựa quý cả vài chục con, dành cho những người thích cỡi ngựa du ngoạn vào tận chân núi gần trang trại, lúc nào cũng nắng đẹp, nhưng trên đỉnh quanh năm có tuyết phủ trắng xoá. Có hồ bơi cẩn gạch men chung quanh xanh biếc với hệ thống điều hòa nước ấm, xây trong nhà ngay bên phòng khách lớn, khách có thể bơi tắm suốt ngày đêm bất cứ vào giờ nào tùy thích. Đặc biệt tại nhà bếp bên phòng ăn, có một lò nướng điện nhỏ loại mới nhất “Microwave”. Chiếc dồi thịt “hot dog” để trong ngăn đá đông cứng, lấy ra để trên một mảnh giấy đưa vào lò đóng cửa kính lại, bấm nút cho lò chạy trong một phút là dồi thịt chín vàng thơm phức. Chiếc lò nhỏ nhắn xinh xinh, vuông vức chỉ khoảng 60 phân mỗi cạnh, nhẹ nhàng gọn gàng có thể để trên mặt bàn y như chiếc tủ nhỏ đựng thuốc lá của mấy cô bán thuốc lẻ bên lề ngoài đường phố Sài Gòn. Ta có thể đứng ngay bên lò quan sát qua khung cửa kính nhỏ, sự thay đổi của chiếc dồi trong thời gian được luồng sóng điện nướng chín. Đây là một phát minh mới được đưa ra thị trường Hoa Kỳ vào đầu năm 1960, chưa xuất hiện trên thị trường các nước Âu Châu. Buổi thăm viếng trang trại “Double U Ranch” được kết thúc bằng một tiệc nhỏ nhưng trang trọng theo kiểu “self serve” của Hoa Kỳ, với sự hiện diện của mấy vị doanh gia lớn khác từ San Francisco, Philadelphia, Chicago, và Washington, D.C., cũng đang nghỉ dưỡng sức cuối tuần tại trang trại.

Ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu cuộc thăm viếng Trung tâm trắc nghiệm bằng buổi tiếp đón phái đoàn với hàng quân danh dự, ngay tại trước tiền đình Bản doanh chỉ huy của Tướng Chỉ huy trưởng. Tiếp theo là tiệc tiếp tân làm quen với các giới chức quan trọng trong Ban Điều hành Trung tâm, và buổi thuyết trình tổng quát về chương trình thăm viếng, tại phòng khánh tiết danh dự của Bản doanh.

Trước khi khởi sự buổi tiếp tân, có một mục làm mọi người ngạc nhiên thích thú là, Tướng Chỉ huy trưởng Trung tâm trịnh trọng thông báo cùng mọi người rằng, ông ta mới nhận được điện thư của Tòa Đại sứ Thái Lan tại Hoa Thịnh Đốn nhờ thông báo là, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Truyền Tin Quân đội Hoàng gia Thái Lan (Tôi không nhớ tên) đang có mặt trong đoàn Du hành, vừa được Quốc Vương phong chức Trung tướng. Mọi người cùng nâng ly chúc mừng chia vui với ông Trung tướng mới vinh thăng.

Theo như dự trù cuộc thăm viếng khu Signal Equipments Proving Ground của chúng tôi kéo dài 2 ngày. Chúng tôi được hướng dẫn xem rất nhiều loại vật liệu hiện đại hóa đang trắc nghiệm, sẽ đem thay thế những loại cũ đang dùng trong Quân đội để đáp ứng nhu cầu chiến thuật mới của chiến trường thời đại nguyên tử. Đặc biệt chúng tôi được xem 2 cuộc biểu diễn kỳ thú:

1. Cuộc phóng hỏa tiễn địa-không để diệt hỏa tiễn địch trước khi chúng bay tới mục tiêu. Cuộc tập dượt thực tiễn này đã diễn ra rất ngoạn mục.

2. Cuộc phóng máy bay không người lái “Drone” điều khiển bằng radar xâm nhập vào hậu phương địch và trên trận tuyến đang giao tranh, để chụp hình quay phim chuyển ngay về trung tâm kiểm soát, cho vị Tư lệnh chiến trường có thể nhìn thấy rõ trên màn ảnh lớn mọi diễn biến đang xảy ra tại trận địa. Hết nhiệm vụ, Drone được điều khiển quay trở về nơi xuất phát, một chiếc dù lớn bật tung ra để Drone nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất một cách an toàn, y như người lính Nhảy Dù đáp xuống vậy.

Ngoài những chương trình thăm viếng các khu xưởng nghiên cứu sản xuất trắc nghiệm các vật liệu Truyền Tin, người ta còn xen vào mấy màn Tâm lý chiến để chúng tôi có dịp thấy tận mắt thực tế nếp sống đầy đủ tiện nghi văn minh thoải mái cao sang của giai cấp sĩ quan, binh sĩ, và dân chúng trong xã hội Hoa Kỳ.

Chúng tôi chấm dứt chương trình thăm viếng ngày đầu bằng bữa cơm chiều tại nhà ăn tập thể của binh sĩ. Nhà ăn dành cho chỉ khoảng 500 binh sĩ mà rộng mênh mông, tường chung quanh toàn bằng kính trong vắt sáng sủa, sàn nhà trắng toát bóng loáng, bàn ghế, các khay đựng thực phẩm riêng cho mỗi cá nhân đều bằng kim khí nhẹ tráng thiếc sáng loáng, các dụng cụ nấu thực phẩm toàn loại tối tân nhất, dùng điện chớ không dùng than hoặc khí đốt, ngăn nắp sạch sẽ. Hôm đó nhằm ngày sinh nhật của Trung tướng Chỉ huy trưởng Truyền Tin Quân đội Tây Ban Nha trong đoàn sĩ quan Đồng minh đang Du hành quan sát, nên nhà bếp làm một bánh sinh nhật to tướng đường kính rộng 1 mét. Chúng tôi được xếp ngồi nơi bàn danh dự tại khu dành riêng cho khách thăm viếng nhà ăn. Trước khi bắt đầu ăn, tất cả mọi người có mặt trong nhà ăn đều đứng lên hát theo nhạc bài “Happy Birthday”, để mừng kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 60 của vị khách quý.

Để chấm dứt chương trình thăm viếng ngày thứ hai, sau khi dùng cơm chiều do Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trung tâm khoản đãi tại tư dinh, tất cả phái đoàn chúng tôi được mời tới dùng tiệc rượu tối và nói chuyện tầm phào tại nhà riêng của trung tá sĩ quan tùy viên hướng dẫn phái đoàn. Vợ chồng ông trung tá này chỉ có một người con gái duy nhất, vừa qua tuổi đôi mươi đang học trường Đại học Luật, thích nói tiếng Pháp. Thế mà cái tư thất của ông bà ấy thật là to rộng nằm trên một khu đất vuông vức mỗi cạnh dài chừng hơn 100 mét, trồng đủ loại cây bông quý và thảm cỏ xanh mướt. Nhà xây theo kiểu villa với 5 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi hiện đại, phòng bếp phòng ăn phòng khách sát ngay bên nhau trang trí toàn vật dụng sang trọng đắt tiền, có lẽ hơn cả các tư thất cấp Bộ trưởng tại Sài Gòn mà Tôi đã có dịp được thấy.

Ngày thứ ba không còn gì thăm trong Trung tâm, chúng tôi được đưa đi thăm thị xã Phoenix thủ phủ của Tiểu Bang Arizona. Sau đó thăm thị trấn nhỏ kỷ niệm lịch sử Rose Hill, nơi có ngôi mộ và đôi giầy ủng “cow boy” của vị Cảnh sát trưởng nổi tiếng bắn súng lục nhanh thời xa xưa. Tại đây còn có một cây hoa hồng cổ thụ, đem từ xứ Anh Cát Lợi sang trồng được cả 100 năm rồi vẫn còn sống. Thân cây già sần sùi to bằng bắp vế, vươn lên cao hơn mặt đất chừng 3 mét, cành lá xum xuê chi chít vươn dài ra tứ phía, nằm dựa trên một giàn sắt hình tròn như chiếc tán rộng với đường kính cỡ 20 mét, quanh năm xanh tươi đơm chồi nở hoa liên tục, thơm ngát.

Hết cuộc Du hành quan sát tại Fort Huachuca, chúng tôi dùng máy bay sang Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ngày thứ nhất tại Thủ đô Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chúng tôi được đưa đi thăm viếng các đài kỷ niệm các Tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Nghĩa trang Quốc gia Arlington, Tòa nhà Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ (Điện Capitol), và bảo tàng viện Tư dinh và chiếc xe ngựa của vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên George Washington.

Ngày kế theo, chúng tôi được đưa đến thăm Tướng Chỉ huy trưởng Truyền Tin Lục Quân, Thứ trưởng Lục Quân, và Tướng Tham mưu trưởng Liên Quân trong trụ sở Ngũ Giác Đài (Pentagone). Chúng tôi thăm viếng nơi đây suốt cả 1 ngày, vào khoảng 4 giờ chiều được dự tiệc tiếp đãi của ông Bộ Trưởng Quốc Phòng, có sự tham dự của các Tùy Viên Quân Lực thuộc các Tòa Đại sứ Đài Loan, Đại Hàn, Pháp, Thái Lan, Việt Nam Cộng Hòa, Venuzuala, Ý Đại Lợi, và Y Pha Nho. Bữa tiệc này được coi là mục cuối cùng chấm dứt chương trình Du hành Quan sát mùa Xuân 1960 của các Chỉ huy trưởng Truyền Tin và Giám đốc Trường Truyền Tin thuộc các nước Đồng minh của Hoa Kỳ. Mỗi người được tặng một quyển album ép những tấm hình chụp phái đoàn trong suốt cuộc hành trình vừa qua, và chia tay nhau tại đây để ngày hôm sau, tùy theo sự sắp xếp, mỗi nhóm được sĩ quan Tùy viên riêng lo cho phương tiện trở về nước mình.

Phái đoàn Việt Nam chúng tôi được một ngày nghỉ dạo chơi phố thoải mái, nhờ sự hướng dẫn của một hạ sĩ quan thuộc phòng Tùy viên Quân lực của Tòa Đại sứ Việt Nam. Ngày kế theo mới đáp máy bay rời Hoa Thịnh Đốn trở qua San Francisco. Trong khi đang bay trên không trung, trung úy sĩ quan tùy viên cho biết là chúng tôi phải đợi tại San Francisco 3 ngày sau mới có chuyến bay rời Mỹ về Việt Nam. Tôi liền yêu cầu ông ta tiếp xúc với Ngũ Giác Đài, xin cho anh Thiếu tá Nguyễn Đình Tài Chỉ huy phó Viễn Thông và Tôi Giám đốc Trường Truyền Tin Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ghé thăm kho Truyền Tin Sacremento, là nơi phụ trách yểm trợ cho miền Thái Bình Dương và Á Đông, trước khi về nước. Ông ấy đi tiếp xúc ngay với phi hành đoàn, để nhờ phương tiện liên lạc với văn phòng Chỉ huy trưởng Truyền Tin tại Ngũ Giác Đài. Nửa tiếng đồng hồ sau ông ta trở ra, báo cho chúng tôi biết là đã được chấp thuận, và khi về tới San Francisco ông ta sẽ tiếp xúc với Bộ Tư lệnh Quân sự tại Presidio để thu xếp chương trình cho chúng tôi.

Đáp xuống phi trường San Francisco, ông ta dẫn chúng tôi ra xe Taxis Quân đội đang chờ đón, đưa vào thành phố San Francisco lấy phòng ngủ gần khu Chinatown chớ không về ở Câu Lạc Bộ Sĩ quan trong khu Presidio như khi mới sang. Tám giờ tối ông ta trở lại khách sạn gặp chúng tôi, cho biết là 9 giờ sáng hôm sau ông ta sẽ dẫn xe đến đón chúng tôi vào Presidio để lên máy bay nhỏ đi Sacremento thăm kho Truyền Tin. Máy bay sẽ ở lại đợi đưa chúng tôi trở về lại San Francisco vào lúc 4 giờ chiều, sau khi chương trình thăm viếng tại Kho chấm dứt.

Sáng hôm sau, chúng tôi xuống dùng điểm tâm tại nhà ăn của khách sạn vừa xong thì ông trung úy tùy viên tới, đưa chúng tôi ra phi trường riêng của Quân đội để lên máy bay đi Sacremento. Phi cơ đưa chúng tôi đi thuộc loại nhỏ nên đáp xuống ngay phi trường riêng của Kho Sacremento. Người đợi đón chúng tôi là Trung tá Chỉ huy phó của đơn vị. Một ngạc nhiên thích thú đối với Tôi, vì vị này nguyên là Thiếu tá cố vấn của Trường Truyền Tin Thủ Đức. Chính ông này đã giúp Tôi thực hiện kế hoạch thực hiện các trợ huấn cụ cho các xưởng huấn luyện sửa chữa vật liệu Truyền Tin, trước khi hết nhiệm kỳ về Hoa Kỳ. Từ ngày rời Việt Nam về, ông ta được thăng cấp trung tá và bổ nhiệm làm việc ngay tại Kho Sacremento. Vì thấy tên Tôi trong đoàn thăm viếng nên ông ta đã đích thân ra tận phi trường đón, thay vì để 1 trung úy đi đón như thường lệ đối với các đoàn tới thăm viếng khác.

Một chương trình thăm viếng đặc biệt, ngoài kế hoạch dự trù hàng năm, được thu xếp cho chúng tôi thật chu đáo. Khi xe chúng tôi về tới Bản doanh của Bộ Chỉ huy, ngay tại sân cờ có toán quân Danh dự xếp hàng dàn chào chúng tôi, vị Đại tá Chỉ huy trưởng đứng ngay trước cửa chính đón mời chúng tôi vào Phòng họp. Sau khi thuyết trình tổng quát về tổ chức nhiệm vụ của Kho, chúng tôi được mời sang phòng tiếp tân dùng cơm trưa với các sĩ quan và dân chính giữ các chức vị chỉ huy quan trọng trong đơn vị, trước khi khởi sự chương trình thăm viếng gồm: khu kế toán tiếp liệu, khu tồn trữ, khu sửa chữa, và khu đóng gói chuyển hàng đi bằng đường hàng không, đường thủy và đường bộ.

Trong khi ăn, Trung tá cố vấn cũ của Tôi ngỏ lời mời anh Tài và Tôi ghé nhà ông ấy ăn cơm tối, rồi ông ta sẽ đích thân lái xe đưa chúng tôi trở về San Francisco. Sau khi tham khảo ý kiến với anh Tài, Tôi đề nghị thông báo cho trung úy tùy viên của chúng tôi tại Presidio biết, và cho phi công lái máy bay rời Sacremento về trước. Thật là một cuộc thăm viếng bất thần kỳ thú tại Kho Truyền Tin Sacremento, không bao giờ Tôi quên được. Sở dĩ chúng tôi được tiếp đãi quá nồng hậu như vậy vì, hồi làm Cố vấn cho Tôi tại Trường Truyền Tin Thủ Đức, hàng tháng ông bạn cố vấn của Tôi và các Cố vấn Trưởng, Cố vấn phó mà ông ta trực thuộc tại Liên Trường, thường được Tôi mời về nhà dùng cơm gia đình để các ông ấy có dịp trò truyện với các con tôi, và tìm hiểu thêm về phong tục tập quán Việt Nam. Đến khi hết nhiệm kỳ làm cố vấn rời Trường Truyền Tin Thủ Đức, với tư cách Giám đốc Trường, Tôi đã trình xin Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Liên trường thưởng công cho ông ấy một Tưởng Lục cấp Sư đoàn. Riêng tại Trường Truyền Tin, tổ chức một tiệc ăn nhẹ để tất cả nhân viên họp mặt tiễn biệt, và cá nhân Tôi tặng ông ấy một cặp đồi mồi sà cừ rất đẹp.

Những tình cảm một thời giữa các Bồ câu đã chia sẻ bên nhau trong những buổi thăng trầm chẳng bao giờ phai nhạt.

Ngày nay, vì thời vận đất nước phải lưu vong tỵ nạn nơi xứ lạ quê người, nhưng hàng năm, các Bồ Câu vẫn tạo cơ hội để có thể gặp nhau chia sẻ những niềm vui trong cuộc sống mới nơi hải ngoại, và ôn lại những kỷ niệm xa xưa, và chẳng lần nào quên mời Tôi cùng tham dự, mặc dù Tôi đã ra khỏi Binh chủng Truyền Tin.

Đúng là “TÌNH HUYNH ĐỆ CHI BINH” của những cựu Quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bất diệt vậy.

 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 12 (Chương chót)
NHỮNG KỶ NIỆM SAU CÙNG TRONG BINH CHỦNG TRUYỀN TIN

 

Trong thời gian Tôi đi Du hành thăm viếng Truyền Tin tại Hoa Kỳ, anh Đại úy Võ Trịnh Trọng Phó Giám đốc, được cử Xử lý thường vụ chức Giám đốc Trường. Hết Du hành Tôi trở về Trường tiếp tục công việc êm ả suôn sẻ. Đến khoảng khuya ngày 11 tháng 11 năm 1960 kỷ niệm Cựu Chiến binh Thế giới Đại chiến I, mấy anh sĩ quan đi học lớp văn hóa khuyến học tối tại Sài Gòn về báo cho biết là đang có vụ Lực lượng Nhảy Dù vây Dinh Độc Lập nhằm đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm, không biết do ai chủ xướng. Về sau cuộc đảo chánh không thành, mới biết là do nhóm Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương văn Đông thuộc lực lượng Nhảy Dù chủ xướng với sự hỗ trợ của mấy chính trị gia đối lập. Lúc đó, Liên trường không có động tĩnh lệnh lạc gì cả, bình chân như vại, mọi người ngủ yên giấc. Đến gần sáng bỗng có còi báo động, tất cả cán bộ và khóa sinh đều phải lãnh súng ra thủ tại tuyến phòng thủ đã quy định từ trước. Tôi vội vã lái xe Jeep tới kho Trường Truyền Tin, theo dõi việc phát súng đạn cho khóa sinh và cán bộ, và đôn đốc anh em chạy ra tuyến phòng thủ thật nhanh.

Theo lệnh phòng thủ, Trường Truyền Tin được giao cho thủ tuyến đầu ngay bên trong vòng rào kẽm gai dài khoảng 200 mét, ở về phía bên phải cổng chính ra vào Liên Trường, nhìn xuống khu chợ Nhỏ có văn phòng Xã Tăng Nhân Phú, Trường Tiểu học, nhà lồng chợ, các nhà ở và hàng quán của tư nhân, phục vụ cho khách hàng chính là gia đình quân nhân các cấp cư ngụ trong doanh trại Liên Trường trên đỉnh đồi Tăng Nhân Phú. Từ lúc khởi còi báo động, mọi người thức dậy mặc quần áo rời nơi ở, xuống Trường lãnh vũ khí, rồi chạy ra tới vị trí tại tuyến phòng thủ, chúng tôi phải mất khoảng thời gian nhanh nhất là 10 phút. Ổn định việc bố trí xong được chừng 1 tiếng đồng hồ thì trời mới hừng sáng, sương mù còn dầy đặc chỉ nhìn được rõ mặt người đứng cách xa mình trong vòng 50 mét. Bỗng dưng, Tôi thấy các đơn vị Sinh viên sĩ quan Trường Bộ Binh do Đại úy Nguyễn Viết Thanh làm Giám đốc, chạy đến dàn quân đặt súng dọc con đường chạy theo vòng rào ở phía sau lưng chúng tôi chừng 50 mét. Tôi rất ngạc nhiên, vì phía ngoài yên tịnh không có bóng dáng địch cũng chưa hề có giao tranh, tại sao lại phải tăng cường quân? Mấy phút sau có Thiếu tá Chỉ huy trưởng Tổng hành dinh Liên Trường đến gặp Tôi, chuyển lệnh của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng chỉ thị chúng tôi rút về Trường Truyền Tin.

Ngày hôm sau, Tôi nhận được lệnh phải tổ chức lễ bàn giao chức Giám đốc Trường cho Đại úy Võ Trịnh Trọng vào sáng ngày kế theo, để về trình diện Bộ Chỉ huy Viễn Thông tại Bộ Tổng Tham mưu. Tôi hơi sững sờ ngạc nhiên, nhưng là một quân nhân luôn tôn trọng kỷ luật, Tôi thi hành lệnh một cách tự nhiên vui vẻ không ưu tư thắc mắc chi cả. Ngay sau lễ bàn giao rất đơn giản, chỉ có nhân viên thuộc Trường và các khóa sinh đang theo học, dưới quyền chủ tọa của Tướng Nghiêm, Trưởng Phòng 1 của Bộ Chỉ huy Liên trường đến gặp đưa cho Tôi tấm Sự vụ lệnh, quy định phải đi trình diện Bộ Chỉ huy Viễn Thông vào ngày hôm sau. Bàn giao xong (kể cả chiếc xe Jeep và anh tài xế cơ hữu của trường) không còn trách nhiệm gì nữa, trong suốt buổi chiều Tôi dùng xe Standard 10 riêng chạy vòng trong Liên Trường chào tiễn biệt các cấp chỉ huy quan trọng thuộc Bộ chỉ huy, các Giám đốc trường, và vị Cố vấn trưởng cùng các người phụ tá của ông ta. Phần lớn đều chúc Tôi gặp nhiều may mắn trong những ngày sắp tới. Riêng Trung tá Lê Quang Hiền Tham mưu trưởng (bạn tốt nghiệp cùng khóa sĩ quan với Tôi) nói nhỏ cho biết, Tôi bị Tướng Nghiêm ký giấy phạt 10 ngày trọng cấm, cất chức Giám đốc trường, vì nghi vấn có liên hệ tiếp tay với nhóm anh em thuộc Tiểu đoàn Nhảy Dù đóng tại Thủ Đức chiếm Liên Trường, để cản không cho đem quân về Sài Gòn tiếp cứu Tổng thống Diệm chống lại nhóm Nguyễn Chánh Thi làm đảo chánh. Thật là một tai họa không phải từ trên Trời rơi xuống, mà do lòng người hiểm độc bày ra hại Tôi, chớ Tôi không hề quen biết hoặc liên lạc gì với anh em Nhảy Dù tại Thủ Đức.

Đến khoảng 6 giờ chiều, Linh mục Tuyên úy của Liên Trường đến nhà thăm Tôi, tặng cho 2 bình dầu ăn của cơ quan thiện nguyện Hoa Kỳ viện trợ nhân đạo cho người nghèo túng, và nhẹ nhàng thủ thỉ với Tôi rằng: “Tôi quen lớn với Linh mục Tuyên úy trong Phủ Tổng thống, nếu thiếu tá có cần Tôi giúp đỡ gì thì xin cứ gặp Tôi bất cứ lúc nào”. Tôi ngỏ lời cám ơn lòng tốt của Linh mục, và tâm sự rằng Tôi ngay thẳng không làm điều gì trái với lương tâm nên không có gì e ngại. Tuy nhiên nếu có trường hợp oan trái thật cần thiết, Tôi sẽ tìm Linh mục để nhờ giúp đỡ giải oan.

Sáng hôm sau, từ cư xá gia đình sĩ quan Liên trường, Tôi lái xe riêng lên trình diện Bộ Chỉ huy Viễn Thông. Tôi tới đúng vào lúc đang có tiệc nước do anh em sĩ quan Bộ chỉ huy tổ chức tại phòng họp để tiễn chân Đại tá Nguyễn Khương, bị cất khỏi chức Chỉ huy trưởng bàn giao cho Trung tá Khổng văn Tuyển Chánh sự vụ Sở Truyền Tin kiêm nhiệm. Mọi người thấy Tôi, tưởng là Tôi biết có việc bàn giao nên về tham dự đồng thời ra mắt Chỉ huy trưởng mới.

Trong buổi tiệc Tôi gặp Đại úy Đỗ Như Luận Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu (một bạn chí thân trong Phong trào Cách mạng Quốc gia, thân thích của Đại tá Đỗ Mậu Cục trưởng An ninh Quân đội), anh em ôm nhau mừng rỡ. Tôi trình bày hoàn cảnh của Tôi, anh ấy nói để sẽ đi gặp Đại tá Đỗ Mậu xem nội vụ, và giải toả cho Tôi nếu thật tình vô tội. Mãn tiệc, Tôi vào văn phòng Chỉ huy trưởng, trình Sự vụ lệnh và kể lại rõ ràng sự việc với Trung tá Tuyển tân Chỉ huy trưởng Viễn Thông. Anh Tuyển dịu dàng hiền hòa nói: “Anh cứ yên tâm, tạm thời anh ngồi vào ghế Chỉ huy phó thay anh Tiến đang bị câu lưu bên An ninh Quân đội, chờ khi nào Bộ Tổng Tham mưu có quyết định sẽ hay.” Sau đó, anh Tuyển mời Đại úy Thành Tham mưu trưởng vào, chỉ thị sửa soạn chỗ cho Tôi ngồi bên văn phòng Chỉ huy phó.

Tạm có chỗ ngồi trú chân chờ đợi coi chuyện gì sẽ đến với mình trong những ngày sắp tới, Tôi đến Câu Lạc Bộ Sĩ quan gần Cổng Một của Bộ Tổng Tham mưu, kiếm phòng dành cho sĩ quan độc thân để ở và ăn uống hàng ngày. Không còn chỗ trống, Tôi phải chạy vào Câu Lạc Bộ Sĩ quan An Đông tận bên Chợ Lớn để lấy phòng ăn ở sau giờ làm việc, chớ không về nhà với gia đình còn đang cư ngụ tại cư xá trong Liên trường Võ khoa Thủ Đức. Phải hơn tuần lễ sau, Tôi đòi lại được căn nhà riêng gần bên khu chợ Bà Chiểu đang cho thuê, và nhờ anh Luận giúp cho người và phương tiện của Tiểu đoàn đi chuyển vận đồ đạc và gia đình về ở.

Ngày 2 buổi, xe của Bộ chỉ huy đến đưa đón Tôi vào văn phòng trong Bộ Tổng Tham mưu. Mỗi buổi, sau khi ghé chào Tham mưu trưởng và trình diện Chỉ huy trưởng xong, Tôi thong thả về phòng ngồi đọc báo đọc sách vì chẳng được giao phó công việc gì cả. Vài ngày sau, anh Đại úy Nguyễn Bá Di phụ tá cho anh Tuyển bên Sở Vật Liệu được điều động qua làm Tham mưu trưởng thay anh Thành. Tôi ngồi chơi xơi nước được chừng tuần lễ, thì anh Đại úy Đỗ Như Luận đến gặp Tôi và cùng vào nói truyện với Trung tá Tuyển Chỉ huy trưởng. Anh Luận cho biết là đã gặp Đại tá Đỗ Mậu, truyện của Tôi không có gì. Nhờ thế, anh Tuyển làm Phiếu trình Bộ Tổng Tham mưu ra văn thư chỉ định Tôi làm Chỉ huy phó. Mấy ngày sau khi văn thư được Bộ Tổng Tham mưu ban hành, anh Tuyển mời Tôi vào tâm sự rằng, Tướng Lê văn Nghiêm Chỉ huy trưởng Liên trường Võ khoa Thủ Đức được Tổng thống đem về làm Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô, vừa gọi điện thoại nói chuyện với anh ấy và trách rằng: “Tại sao ông ấy phạt cách chức Tôi khỏi tước vị Giám đốc trường trả về mà lại bổ nhiệm cho làm Chỉ huy phó vậy?” Anh Tuyển nói thác cho êm chuyện rằng, Bộ Tổng Tham mưu quyết định chớ anh ấy không đề nghị. Thế rồi mọi việc cũng qua đi.

Không đầy một tháng sau, anh Đại úy Võ Đại Khôi Chánh Sự vụ Sở Viễn Thông Bảo An, dưới quyền Tướng Dương Ngọc Lắm, mới được thăng thiếu tá sau vụ đảo chính hụt, được bổ nhiệm chính thức làm Chỉ huy trưởng Viễn Thông, với cấp bậc trung tá giả định, và Đại úy Đỗ Như Luận được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Viễn Thông, tiếp tục kiêm nhiệm chức Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu. Anh Tuyển trở về vị trí cũ Chánh sự vụ Sở Vật liệu Truyền Tin, anh Đại úy Di đi làm Quận trưởng Quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

Đại tá Nguyễn Khánh đã có công trong việc hòa giải làm cho cuộc đảo chánh Tổng thống Diệm của nhóm Nhảy Dù Nguyễn Chánh Thi, Vương văn Đông thất bại phải bỏ chạy sang Cao Miên lưu vong, nên được Tổng thống thăng cho lên cấp thiếu tướng về làm Tham mưu trưởng Liên quân, đồng thời kiêm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật Bộ Quốc phòng để xét xử những người bị đơn vị trưởng báo cáo có liên hệ với nhóm đảo chánh.

Ngay sau khi ngồi vào ghế Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Khánh thực hiện một chương trình thăm viếng các cơ sở trực thuộc trong Bộ Tổng Tham mưu. Một buổi sáng đẹp trời Tướng Khánh ghé thăm Bộ Chỉ huy Viễn Thông, trong lúc anh Khôi và Tôi hướng dẫn đi thăm các văn phòng, Tướng Khánh hỏi Tôi: “Ê! Hùng, toi (anh) làm gì ở Thủ Đức mà để Tướng Nghiêm phạt và đề nghị đưa ra Hội đồng Kỷ luật vậy?” Tôi trình bày cặn kẽ mọi việc, và kết luận: “Thiếu tướng biết Tôi từ hồi mới ở Pháp về, cùng làm việc tại Bộ Quốc phòng dưới quyền Papa Tỵ Tham mưu trưởng Biệt bộ, thực tình Tôi chẳng can dự gì, vậy nhờ Thiếu tướng minh xét cho Tôi được thoát hàm oan, Tôi vô cùng cám ơn.” Tướng Khánh nói: “Được để moi (tôi) xem”. Thế rồi Hội đồng Kỷ luật đã xét Tôi vô tội.

Thực tế chức vị Chỉ huy phó Viễn Thông chẳng có gì để lo toan, nên trong khi chờ đợi cấp trên chỉ định người thay thế anh Khôi bên Bảo An, anh ấy đã đề nghị Bộ Tổng Tham mưu chỉ định Tôi kiêm nhiệm tạm thời chức Chánh sự vụ Sở Viễn Thông Bảo An, để giải quyết công việc hàng ngày. Kho vật liệu Truyền Tin riêng của Sở Viễn Thông Bảo An có khá nhiều danh mục rất phức tạp, Tôi phải xin tăng phái anh Đại úy Nguyễn Đình Thế (từng đi học tại Fort Monmouth cùng khóa với Tôi hồi 1957-1958) sang phụ trách kiểm kê vật liệu để làm biên bản bàn giao. Chẳng được bao lâu thì một đại úy (không nhớ tên) được đưa qua thay thế Tôi coi Sở Viễn Thông Bảo An. Tôi trở về tiếp tục giữ chức vụ Chỉ huy phó, để thường xuyên đi làm Chánh chủ khảo các sinh viên sĩ quan Trừ bị Thủ Đức theo học giai đoạn 2 về Truyền Tin mãn khóa tại Vũng Tầu, dẫn đoàn thanh tra của Bộ Chỉ huy đến thanh tra kỹ thuật các đơn vị Truyền Tin, hoặc làm sĩ quan Chỉ huy quân trong các dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập Binh chủng tại Tiểu đoàn Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu hoặc tại Căn cứ 60 Tiếp vận Truyền Tin.

Mỗi lần đi làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo tại Vũng Tầu, bao giờ Tôi cũng yêu cầu phải có Đại úy Lê Đình Châu thuộc Tiểu đoàn Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu trong thành phần giám khảo, để anh ấy đảm trách thêm chức vị Phó Chủ khảo lo hết mọi việc giùm. Còn những lần dẫn đoàn Thanh tra đi các đơn vị, thì luôn luôn phải có Đại úy Lại Đức Nhung Trưởng Phòng Vật liệu trong Bộ Chỉ huy Viễn Thông (sau đổi thành Cục Truyền Tin) đi theo, để lo toan phối hợp chương trình và phương tiện cùng nơi ăn chốn ở cho phái đoàn. Vì thế anh em đặt cho anh Nhung cái nickname rất thân thương là “ông bầu Nhung”, y như ông bầu của một đoàn cầu thủ hay gánh hát cải lương vậy.

Khi Sở Viễn Thông Bảo An cải biến thành Nha Viễn Thông Bộ Nội vụ, và Bộ Chỉ huy Viễn Thông cùng Sở Vật liệu Truyền Tin sát nhập biến thành Cục Truyền Tin thống thuộc hệ thống chỉ huy của Tổng cục Tiếp vân, thì anh Trung tá Khổng văn Tuyển được chỉ định sang giữ chức Giám đốc Nha Viễn Thông Bộ Nội vụ, Thiếu tá Tạ Thái Bình Chỉ huy trưởng Căn cứ 60 Tiếp vận Truyền Tin lên thay chỗ anh Tuyển lo khối Kế toán Tiếp liệu của Cục Truyền Tin, và anh Đại úy Phùng Ngọc Sa được đưa về làm Chỉ huy trưởng Căn Cứ 60 Tiếp vận Truyền tin thay chỗ anh Bình. Và, theo đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, Anh Khôi được Tổng thống ban hành Sắc lệnh chỉ định làm Cục Trưởng Truyền Tin Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và Tôi được Bộ Trưởng Quốc phòng ra Nghị định cử làm Cục phó Truyền Tin.

Cũng trong dịp cải tổ Quân đội đại quy mô này, Liên trường Võ khoa Thủ Đức giải tán, tất cả các Trường đặt thuộc quyền chỉ huy thẳng của Tổng Cục Quân huấn về mặt quản trị hành chánh, thiết lập các kế hoạch và ngân sách huấn luyện hàng năm, đồng thời trực thuộc các Nha Sở Binh chủng chuyên môn về kỹ thuật và quản trị bổ sung nhân viên. Do đó, Trường Truyền Tin được di chuyển xuống Vũng Tầu sát nhập với Trung tâm Huấn luyện Truyền Tin bị giải tán. Thiếu tá Phan văn Chuân nguyên Chỉ huy trưởng Viễn thông Quân khu 2 (sau Hiệp định Genève 1954 đổi thành Quân Khu I) tại Huế, được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Trường Truyền Tin. Thiếu tá Phạm văn Tiến, vừa thoát khỏi ách kỷ luật về vụ có liên hệ với cuộc đảo chính hụt ngày 11 tháng 11 năm 1960, được bổ nhiệm làm Chỉ huy phó. Thiếu tá Nguyễn Đình Tài nguyên Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện giải tán, được bổ nhiệm lên Trường Đại học Quân sự Đà Lạt làm Huấn luyện viên về khoa Truyền Tin. Các Tiểu đoàn Khai Thác và các Tiểu đoàn Yểm trợ Sửa chữa vật liệu Truyền Tin tại các địa phương Quân Khu được kết hợp bên nhau để thành lập các Liên đoàn Truyền Tin Diện địa.

Theo tổ chức mới, các chức vụ Chỉ huy phó đơn vị được quy định kiêm Phụ tá chiến tranh Chính trị cho đơn vị trưởng, do đó Tôi được gửi đi theo học Khóa Tâm Lý Chiến Thực Hành đầu tiên, khai giảng vào đầu tháng 4 năm 1961 tại Trung tâm huấn luyện Chiến tranh chính trị tọa lạc nơi đường Đồn Đất Sài Gòn. Tướng Trần văn Đôn được Tổng thống Diệm chỉ định làm Giám đốc khóa học. Sau 1 tháng trời học ngày học đêm và thi liên tục hàng tuần, chúng tôi được cấp bằng mãn khóa. Vừa nhận xong Bằng Tâm Lý Chiến in rất đẹp có đóng dấu nổi, phải tức tốc đi ngay lên Suối Lồ Ồ trình diện học thêm một tuần lễ Khóa Ấp Chiến Lược, rồi mới được trả về đơn vị.

Cả 2 khóa học đều do ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đến Chủ tọa lễ mãn khóa, ban hiểu dụ khích lệ tinh thần mọi người làm cách mạng bản thân và cấp phát văn bằng. Đặc biệt trong thời gian học Ấp Chiến Lược tại Suối Lồ Ồ, tất cả mọi người Tá, Úy, đều phải bỏ không đeo cấp hiệu, ăn uống sống chung bình đẳng với nhau từng Tổ 7 người trong những lều vải như trong các Trại Hè của các Đoàn Hướng Đạo Sinh, ngày nóng như thiêu đốt, đêm lạnh cóng người. Mỗi sáng còn phải làm sạch sẽ chung quanh lều để được chấm điểm, nếu lều nào không được thu xếp tươm tất sẽ bị phê phán bằng phương thức cắm cờ đen ngay trước lều cả ngày.

Trong khi Tôi theo học Khóa Tâm Lý Chiến và Ấp Chiến Lược, thì các anh Đỗ Như Luận và Chu văn Trung thuộc Tiểu đoàn Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu, hàng ngày giắt nhau đi lên căn cứ của Lực lượng Đặc biệt tại Long Thành Biên Hòa, học lấy bằng Nhảy Dù. Sau khi có bằng, anh Luận đề nghị Tôi cũng đi học lấy bằng Nhảy Dù để sau này đi làm sĩ quan Truyền Tin Quân đoàn giải phóng miền Bắc, đang được Tổng thống dự trù thành lập. Tôi nhờ anh Luận giới thiệu với Lực lượng Đặc biệt xin học, nhưng không được. Tôi phải sang Lữ Đoàn Nhảy Dù gặp Trung tá Cao văn Viên (được Tổng thống Diệm đưa từ Võ phòng Tổng thống phủ về làm Lữ Đoàn trưởng thay Đại tá Nguyễn Chánh Thi đảo chánh hụt đi lưu vong hồi 11 tháng 11 năm 1960) để thăm dò ý kiến, trước khi nộp đơn xin theo học khóa Nhảy Dù.

Tôi quen ông Viên tại Bộ Quốc phòng từ giữa năm 1951. Lúc đó Tôi mới du học Pháp hồi hương làm việc tại văn phòng Đổng lý Bộ Quốc phòng, sau lại chuyển sang làm việc dưới quyền Trung tá Lê văn Tỵ Tham mưu trưởng Biệt bộ Bộ Quốc phòng. Ông Viên cũng vừa từ Quân đội Liên hiệp Pháp chuyển sang được thăng lên cấp trung úy, làm Phó trưởng Phòng Hành chánh Nha Đổng lý Bộ Quốc phòng. Cùng một lứa tuổi, lại cùng mang cấp bậc ngang nhau, đang sống độc thân giữa nơi Sài Gòn hoa lệ, chúng tôi trở thành thân quen thường giắt nhau đi giải trí cuối tuần, như coi hát bóng, ăn sáng tại nhà hàng “Brô đa” trên đường Catinat, rất quen thuộc với dân sành điệu tại Sài Gòn lúc bấy giờ.

Trung tá Cao văn Viên đồng ý cho Tôi xin tham dự khóa học Nhảy Dù của Lữ Đoàn, nhưng Tôi phải nộp đơn xin chuyển qua hệ thống quân giai đến Tổng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu cứu xét quyết định.

Đơn xin của Tôi được chấp thuận, cho theo học khóa căn bản Nhảy Dù (hình như Khóa 40) tại Trại Hoàng Hoa Thám của Lữ Đoàn Nhảy Dù vào khoảng tháng 10 năm 1961. Sau thời gian một tháng theo học, qua tất cả các giai đoạn rèn luyện cam go giầm mưa dãi nắng cực nhọc dưới đất và trên không cùng với các tân binh Nhảy Dù thuần túy, Tôi được Chỉ huy trưởng Trung tâm chấm cho tốt nghiệp. Đích thân Trung tá Cao văn Viên Lữ Đoàn trưởng gắn cấp bằng Nhảy Dù lên ngực áo phải của Tôi và các bạn cùng học, trong một buổi lễ mãn khóa rất đơn giản nhưng trang trọng giữa trời, dưới cảnh mưa rơi lất phất đủ ướt áo quần, tại vũ đình trường của Trung tâm huấn luyện Nhảy Dù bao quanh bởi những “chuồng cu” và “giàn dây tử thần”. Hoạt cảnh những ngày tập luyện của Tôi, dưới đất cũng như nhảy từ phi cơ xuống bãi Củ Chi (6 “saut” ngày và 1 “saut” đêm), đều được anh Thiếu úy Nhuận phụ trách phòng văn hóa của Cục Truyền Tin đi theo ghi nhận vào phim ảnh kỷ niệm. Các tài liệu thân thương quý giá này, đã mất hết sau ngày 30-4-1975 Việt Cộng Bắc Việt xâm lăng miền nam Việt Nam. Các anh Luận, Trung, và Tôi rất hãnh diện là những sĩ quan Bộ binh không thuộc Binh chủng Nhảy Dù hay Lực lượng Đặc biệt mà lại có bằng Nhảy Dù.

Mấy vị tướng trẻ, trong đó có Tướng Tôn Thất Đính (tốt nghiệp cùng khóa sĩ quan với Tôi hồi tháng 6 năm 1949) nghe Tổng thống định lập Quân đoàn Giải phóng Bắc Việt, cũng xin học lấy bằng Nhảy Dù để hy vọng được chọn làm Quân đoàn trưởng. Quý vị này được huấn luyện theo một chương trình đặc biệt riêng, và các “saut” nhảy từ phi cơ ra đáp xuống nước giữa dòng sông Biên Hòa, có xuồng phao chờ vớt lên thay vì đáp xuống đất như chúng tôi. Tướng Đính còn cho cả Trung úy Nghệ, sĩ quan tùy viên của ông ấy theo học cùng một khóa Nhảy Dù với Tôi. Nhưng tiếc thay, đồng minh Hoa Kỳ không chấp nhận viện trợ, nên dự án kế hoạch thành lập Quân đoàn giải phóng Hà Nội này của Tổng thống Diệm không bao giờ thành sự thật. Do đó, tấm bằng Nhảy Dù lãnh được chỉ để đeo chơi làm đẹp thêm cho bộ quân phục vậy thôi. Nhưng có tấm bằng Nhảy Dù gắn trên ngực áo, đi đâu gặp các cố vấn Hoa Kỳ cũng thấy họ nhìn mình với ánh mắt có vẻ nể vì hơn người khác.

Mọi việc nước, việc nhà, cứ phẳng lặng an bình tiếp tục nối đuôi nhau trôi theo ngày tháng. Để cho tinh thần được thơ thới yêu đời sau cả ngày làm việc mệt óc, anh em sĩ quan Cục Truyền Tin lập thành các toán bóng chuyền và bóng rổ, rượt đấu với nhau mỗi buổi chiều kể từ sau giờ làm việc lúc 4 giờ, cho tới lúc quáng gà không nhìn thấy rõ nữa mới nghỉ. Anh Cục trưởng Võ Đại Khôi và Tôi cũng tham gia vui chơi bóng chuyền với anh em, nhưng bao giờ chúng tôi cũng bị buộc đứng trong các toán đối nghịch nhau. Riêng anh Luận thì không bao giờ tham dự, không biết vì anh ấy không thích hoạt động các môn thể thao, hay vì quá bận rộn với công việc, vừa làm Tham mưu trưởng của Cục Truyền Tin, vừa làm Tiểu đoàn trưởng Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu, lại còn hoạt động trong đảng Cần Lao nữa.

Từ ngày sát nhập Bộ Chỉ huy Viễn Thông và Sở Vật liệu Truyền Tin đổi thành Cục Truyền Tin, thì huy hiệu Binh chủng cũng thay đổi thành CÂY KIẾM VÀ 3 VÒNG QUỸ ĐẠO ĐIỆN TỬ, thay cho biểu tượng CON CHIM BỒ CÂU ĐEO BÓ ĐUỐC TRÊN LƯNG có từ thời anh Nguyễn Khương làm Chỉ huy trưởng Binh chủng Truyền Tin. Nhờ tài ngoại giao của anh Cục trưởng Võ Đại Khôi, Nha Công thự tạo tác Sài Gòn cấp vật liệu để dân Truyền Tin tự xây cất đài kỷ niệm Huy hiệu Binh chủng và 2 sân Bóng rổ và Bóng chuyển, làm cho vườn hoa nằm giữa 2 dãy nhà dành cho Cục Truyền Tin trong Bộ Tổng Tham mưu trở nên khoáng đạt nổi bật đẹp trội hơn hẳn các Binh chủng khác. Đã có lần Bộ Chỉ huy Tổng hành dinh Tổng Tham mưu mượn địa điểm này, để tổ chức trận đấu chung kết bóng chuyền tranh giải giữa các đội banh thuộc các Phòng Sở trong Bộ Tổng Tham mưu nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 26 tháng 10, và phát các giải thưởng thi đấu khác về thể thao, dưới sự chủ tọa của Tướng Trần văn Đôn Quyền Tổng Tham mưu trưởng và Tướng Trần Thiện Khiêm Tham mưu trưởng Liên quân.

Cục Truyền Tin ra đời thì Bộ Chỉ huy Viễn Thông Bộ Tổng Tham mưu không còn, nên phải thành lập Phòng 6 thay thế trong thành phần của Bộ Tổng Tham mưu, và các Bộ Chỉ huy Viễn Thông Quân khu cũng phải biến cải thành các Phòng 6. Cục Truyền Tin được giao phó việc nghiên cứu đề nghị tổ chức cải hóa này, nên anh Khôi đã đem anh Nguyễn Tài Lâm về phối hợp với một nhóm anh em đang làm việc tại Cục thực hiện. Tôi tiếp tục nhiệm vụ đi thanh tra kỹ thuật các đơn vị Truyền Tin, theo lịch trình thường niên đã ấn định từ trước. Tháng nào cũng phải đi khoảng mươi ngày.

Một hôm vào khoảng cuối Đệ Tam Tam cá nguyệt năm 1962, trước khi dẫn đoàn Thanh tra đi Nha trang, anh Tham mưu trưởng Đỗ Như Luận vào gặp Tôi thủ thỉ rằng: “Nếu có ai đề nghị Thiếu tá đi du học thì đừng chấp nhận, vì trong nội bộ Binh chủng đang gặp nhiều chuyện quan trọng, nếu Thiếu tá đi người khác về thay sẽ làm hư hết mọi việc.” Tôi trả lời: “Nếu sự có mặt của Tôi cần cho lợi ích chung của Binh chủng, thì Tôi đồng ý thực hiện lời đề nghị của anh.” Thế rồi, trong khi đang dẫn đoàn Thanh tra làm việc tại Nha Trang, tự nhiên thấy anh Trung úy Chu Xuân Viên từ Sài Gòn ra gặp Tôi trình bày: “Trung tá Cục trưởng muốn hỏi ý kiến Thiếu tá có muốn đi học Khóa sĩ quan Cao cấp Truyền Tin tại Hoa Kỳ vào mùa Thu này, thì sẽ làm mọi thủ tục cần thiết để Thiếu tá lên đường ngay cho kịp.” Sau giây lát suy nghĩ, Tôi trả lời: “Anh nói lại giùm là lúc này vợ của Tôi đang mang bầu người con thứ 7, lại sắp đến ngày sanh nên Tôi chưa muốn đi xa, để ở nhà lo cho việc sanh nở được suôn sẻ yên tâm rồi mới tính truyện đi du học sau.”

Ít lâu sau, trong khi mọi người đang làm việc, bỗng thấy An ninh đến nơi làm việc của nhóm nghiên cứu việc thành lập Phòng 6 do anh Nguyễn Tài Lâm làm trưởng ban, bắt anh Trung úy Nguyễn văn Thông dẫn đi. Sau đó lại có tin anh Trung úy Nguyễn Kim Phượng trước kia làm thông dịch viên tại Trường Truyền Tin Fort Monmouth, mãn hạn về làm huấn luyện ở Trường truyền Tin Thủ Đức, không được bao lâu lại được đưa về làm việc tại Trường Sinh ngữ Quân đội trong Bộ Tổng Tham mưu, cũng bị bắt. Tin tức phao đồn rằng 2 người này là Cán binh Việt Cộng cài vào nằm vùng trong Binh chủng Truyền Tin từ nhiều năm trước, nay mới bị bắt. Thế là anh Khôi chẳng may mắc nạn, bị thuyên chuyển ra khỏi Binh chủng. Trung tá Khổng văn Tuyển được đưa về thay thế anh Khôi, và Thiếu tá Tạ Thái Bình được biệt phái sang Bộ Nội vụ làm Giám đốc Nha Viễn Thông thay anh Tuyển. Lúc đó, Tôi mới hiểu ra tại sao anh Luận đề nghị Tôi đừng đi du học, và tại sao trước kia tại Fort Monmouth đêm đêm 2 anh Thông và Phượng lại chụp vào phim ảnh những trang sách các tài liệu kỹ thuật về máy móc Truyền Tin (Tôi đã kể tỉ mỉ trong một đoạn trước).

Từ cuối năm 1960 qua năm 1963, nhiều rắc rối chính trị xảy ra tại Sài Gòn và trên toàn miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ áp lực Tổng thống Diệm phải cải cách chính trị, bằng vụ đảo chính của nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vương văn Đông ngày 11 tháng 11 năm 1960. Đến ngày 27-2-1962, hai phi công Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn văn Cử và Phạm Phú Quốc thả bom Dinh Độc Lập. Ngày 7-5-1963 tại Huế, Cảnh sát theo lệnh của Giám mục Ngô Đình Thục đi các Chùa thông báo cấm treo cờ Phật giáo mừng ngày Phật Đản, nên ngày hôm sau Phật tử và Tăng Ni tập họp chống đối trước Đài phát thanh Huế. Nhóm thanh niên Ki-tô giáo đập phá Lễ Phật Đài bị thanh niên học sinh Phật tử phản công, nên Thiếu tá Đặng Sĩ dùng Cảnh sát, Quân đội và xe Thiết giáp phối hợp đàn áp, 9 người chết và 14 bị thương. Cuộc tranh đấu bùng nổ lớn tràn vào Đà Nẵng, và lần lần qua các Tỉnh miền Trung vào đến tận Thủ đô Sài Gòn. Ngày 21-5-1963, 600 tu sĩ biểu tình và đi diễn hành từ Chùa Ấn Quang đến Chùa Xá Lợi giữa thủ đô Sài Gòn. Ngày 11-6-1963, Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường Thái Lập Thành Sài Gòn. Ngày 16-6-1963 có khoảng 500,000 (năm trăm ngàn) Phật tử xuống đường biểu tình, tham dự đám táng Thượng Tọa Thích Quảng Đức bị Cảnh sát đàn áp. Vào ngày 30-6-1963, hàng ngàn Thượng Tọa và Ni Cô xuống đường ngồi tuyệt thực phản đối chính phủ Diệm. Ngày 1-7-1963, sinh viên học sinh biểu tình trước trụ sở Quốc Hội, yểm trợ cuộc tuyệt thực của Tăng Ni. Ngày 21-8-1963, Cố vấn Ngô Đình Nhu cho lệnh Cảnh sát mặc giả quân phục tấn công các Chùa triền trên toàn quốc, bắt giữ hàng ngàn Tăng Ni, gây bất mãn trong dân chúng và dư luận Mỹ cũng cực kỳ sôi nổi. Lúc 21 giờ 30 ngày 22-8-1963, tân Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge tới Sài Gòn thay thế Đại sứ Nolting. Nhiều tin đồn việc tiếp xúc ngầm vận động nhóm Tướng Trần văn Đôn, Dương văn Minh, Trần Thiện Khiêm, và Lê văn Kim làm đảo chánh, được tân Đại sứ Lodge thúc đẩy mạnh hơn, với sự chấp thuận của Tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy.

Toàn thể Quân đội bị cấm trại 100%. Anh Tuyển và Tôi phải hàng đêm ngủ tại văn phòng với mọi người, mặc dù chúng tôi được cấp cư xá cho gia đình cư ngụ ngay trong Trại Trần Hưng Đạo. Tối nào anh Tuyển và Tôi cũng cùng các anh Vũ Xuân Hoài, Đỗ Linh Quang và vài người nữa không nhớ tên, họp nhau giải trí bằng cờ Domino đến nửa đêm mới ngủ. Anh Đỗ Như Luận thì phải thường xuyên có mặt ban đêm bên Tiểu đoàn Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu.

Dãy nhà dành cho Bộ Chỉ huy Biệt Động quân ở ngay bên các dãy nhà của Cục Truyền Tin, nên 2 Tướng Tôn Thất Xứng và Phan Xuân Nhuận (Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó) vốn cùng là bạn tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ quan với Tôi, thường điện thoại rủ Tôi ghé văn phòng các ông ấy chơi buổi tối nói truyện tầm phào. Trong những dịp này các ông ấy nhắc khéo đến việc tham gia đảo chính, nhưng Tôi e ngại thận trọng khước từ. Vì Tôi nghĩ, 2 ông ấy từng là những người được Tổng thống tin dùng, mới giao cho nắm các Đại đơn vị rồi lại thăng cấp cho lên đến hàng tướng nhanh chóng, thì làm sao các ông ấy lại có thể tham gia việc mưu toan phản Tổng thống được. Mặc dù Tôi cũng nghe phong thanh, đang có cuộc âm mưu đảo chánh Tổng thống Diệm, do một số tướng lãnh cầm đầu.

Thế rồi vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuộc đảo chánh đã xảy ra. Tất cả các tướng, các Trưởng phòng Bộ Tổng Tham mưu, các Chỉ huy trưởng Nha Sở Binh chủng tại Trung ương đóng tại Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-Biên Hòa, đều phải đến họp bất thường dưới quyền Chủ tọa của Tướng Dương văn Minh, tại phòng ăn lớn trong Câu Lạc Bộ Sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu, chớ không họp tại Trung tâm Hành quân như thường lệ. Trong khi họp, Quân cảnh thuộc Bộ Chỉ huy Tổng hành Dinh tăng cường canh gác vòng trong vòng ngoài khắp chung quanh rất cẩn trọng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khác hẳn thường lệ. Vào khoảng quá trưa có tin đồn râm ran, một số không chịu theo phe đảo chánh bị đem giam tại căn villa ngay bên phải Cổng Một (ngõ ra vào chính của Bộ TTM), và hình như có người bị giết là Trung tá Lê văn Tung Chỉ huy Lực lượng Đặc biệt, người thân tín của hai ông Diệm và Nhu.

Khoảng 3 giờ chiều, bỗng dưng anh Tham mưu trưởng Đỗ Như Luận từ bên Tiểu đoàn chạy vào Cục TT, ra lệnh Đại úy Phan Duy Du Tham mưu phó thông báo tất cả mọi người phải ra trước sân tập họp. Anh Du và Tôi đứng trên lan can tầng lầu nhìn xuống. Anh Luận với vẻ mặt quan trọng căng thẳng, vào phòng anh Du gỡ khung ảnh Tổng thống Diệm đang treo phía trên cửa, đem ra hành lang và ném xuống sân vỡ tan tành trước hàng quân, rồi xuống đứng trước anh em nói gì chúng tôi không nghe được. Anh Du và Tôi giật mình ngơ ngác im lặng, quay vào trong văn phòng. Anh Du ngồi vào bàn giấy, Tôi nằm dài trên chiếc ghế bố của anh ấy. Một lát sau, anh Luận với sự hộ tống của anh Nhuận và mấy người thân cận khác có cằm súng nơi tay, đi qua chỗ anh Du và Tôi để vào văn phòng Tham mưu trưởng của anh ấy. Thấy Tôi, anh Luận nói: “Tình hình rất nghiêm trọng, Trung tá Chỉ huy trưởng đi họp chưa về, Thiếu tá lo Bộ Chỉ huy để Tôi lo bên Tiểu đoàn.” Tôi ngỡ ngàng chẳng biết phải làm gì, và cũng ngại chẳng hỏi xem chuyện gì đang xảy ra. Vì ai cũng biết anh Luận có gốc dựa rất nặng ký, thân thích ruột của Đại tá Đỗ Mậu Cục trưởng An ninh Quân đội một tay chân vô cùng thân tín của Cụ và ông Cố vấn trong chế độ hiện tại.

Có người mở radio nghe tin tức, thấy đọc bản thông cáo của Hội đồng Cách mạng, rồi lần lượt hết Tư lệnh này đến Tư lệnh kia, Chỉ huy trưởng Binh chủng này đến Giám đốc Nha Sở khác, đọc lời tuyên ngôn nhiệt liệt ủng hộ Hội đồng Tướng lãnh Cách mạng lật đổ chế độ gia đình trị của Diệm-Nhu... Trong hoàn cảnh gay cấn tột cùng đó, tinh thần mọi người rất căng thẳng, nên điều khôn ngoan nhất để không mất mạng oan là giữ thái độ “im lặng là vàng”, và lẳng lặng tuân hành những gì anh Tham mưu trưởng Đỗ Như Luận truyền đạt, luôn luôn với câu thòng thật nghiêm trọng: “Theo lệnh trên”.

Khoảng gần trưa ngày 2 tháng 1 năm 1963, nghe có tiếng xe thiết giáp chạy từ Cổng Một vào Trại Trần Hưng Đạo. Lúc Tôi lái xe về nhà ăn cơm, nhìn thấy chiếc Thiết vận xa đậu ngay nơi giữa bãi cỏ rộng lớn, phía bên trái đường chính dẫn tới Cột cờ Tòa nhà chính của Bộ Tổng Tham mưu. Tôi nghĩ rằng tình hình nghiêm trọng, nên phải có thêm xe Thiết giáp tăng cường canh phòng Tòa nhà chính vậy thôi. Nhưng sao lại đậu chơ hơ giữa sân cỏ rộng, thiếu kỹ thuật tác chiến quá! Không ngờ lúc ăn cơm xong trở lại văn phòng, mới nghe tin là chiếc Thiết vận xa đó chở xác 2 anh em ông Diệm và Nhu đã bị giết, về trình Hội đồng Tướng lãnh Cách mạng. Tôi cảm thấy bàng hoàng xúc động mạnh, một làn khí lạnh chạy dài nơi sống lưng làm sởn gai ốc, máu dồn tê tê mặt nghẹn ngào không nói được ra lời. Thật là khủng khiếp! Tôi không ngờ, việc đó lại có thể xảy ra trong hàng ngũ người Việt Quốc gia Nhân bản.

Đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí tha hồ loan báo tin Cách mạng 1 tháng 11 thành công. Phe Phật giáo Trí Quang vận động tổ chức từng đoàn người ra đường đem vòng hoa đi choàng vào cổ các anh Chiến sĩ đã gan dạ làm xong bổn phận, mà Hội đồng Tướng lãnh làm đảo chính mong đợi. Nhiều đổi thay trong Quân đội bắt đầu được thực hiện. Những người có công được ào ạt gắn lon thăng thưởng. Những người thân tín thuộc phe làm Cách mạng hân hoan đến nhận lãnh các chức vụ quan trọng, thay thế những người cũ bị coi là lừng khừng không chịu theo Cách mạng, hoặc trong quá khứ có liên hệ mật thiết thân thiện với phe ông Diệm ông Nhu, hoặc xưa nay ngay cổ ngay lưng cứng đầu, chỉ làm đúng nhiệm vụ của người chiến sĩ phục vụ Quốc gia Dân tộc, không chịu luồn cúi nịnh bợ bất cứ thế lực nào để cầu danh kiếm lợi.

Tiểu đoàn Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu được nhiều đoàn thể Phật tử do các Thầy hướng dẫn, đem quà đến ủy lạo tinh thần quân sĩ. Tất cả các đơn vị thuộc các Binh chủng khác tại Trung ương Sài Gòn, cũng hân hoan đón tiếp các đoàn thể Phật tử đến ủy lạo tinh thần, cung cấp thực phẩm quà cáp ăn uống ê hề mệt nghỉ. Không khí hoan hỉ vinh quang bao trùm tất cả các đường phố thủ đô Sài Gòn (Hòn ngọc Viễn đông), ồn ào vui vẻ gắp trăm lần hơn những kỳ Tổng Cục Chiến tranh Chính trị tổ chức cho Chiến sĩ mừng ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 hoặc mừng Tết Âm lịch hàng năm. Riêng cá nhân Tôi, thì thấp thỏm chờ đợi số phận hẩm hiu của chu kỳ Đại Hạn mới đang đến với mình.

Thiếu tá Tạ Thái Bình về thay Trung tá Khổng văn Tuyển làm Cục trưởng Truyền Tin. Anh Tuyển được đưa sang thay chỗ của anh Bình bên Nha Viễn Thông Bộ Nội vụ. Thiếu tá Dương Thanh Sơn (em ruột Tướng Dương văn Minh lãnh tụ cầm đầu cuộc đảo chính) về làm Trưởng Phòng 6 Bộ Tổng Tham mưu. Tôi nhận Sự vụ lệnh sang trình diện Nha Tồng Thanh tra tại Bộ Quốc phòng, để chờ lệnh thuyên chuyển đi đơn vị mới ngoài Binh chủng Truyền Tin.

Với tấm Sụ vụ lệnh trên tay, Tôi lên ngay văn phòng Tham mưu trưởng Liên quân xin gặp Thiếu tướng Nguyễn văn Thiệu mới vinh thăng, để trình bày hoàn cảnh của mình. Tướng Thiệu là bạn cùng tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ quan với Tôi hồi tháng 6 năm 1949, anh em vẫn từng gặp nhau trong những buổi họp bạn cùng khóa nên không xa lạ gì. Sau khi nghe Tôi trình bày, Tướng Thiệu ôn tồn nói: “Thôi được, Toi (anh) chịu khó đi học một khóa bên Hoa Kỳ đi. Sau khi về tình hình ổn định sẽ tính sau,” và Tướng Thiệu nhấc điện thoại gọi cho Tướng Tôn Thất Xứng (cũng cùng Khóa 1 Sĩ quan với Tướng Thiệu và Tôi) mới ngồi vào ghế Tổng cục trưởng Quân huấn sau đảo chính, để đích thân nói về việc lo lắng giúp đỡ cho Tôi. Rời văn phòng Tướng Thiệu, Tôi đến Tổng Cục Quân huấn gặp Tướng Xứng. Thấy Tôi, ông mời ngồi và nói: “Hôm trước rủ Cậu không chịu nghe, thôi bây giờ để Moi (Tôi) bảo tụi nó làm thủ tục cho Toi (anh) đi học Khóa Command and General Staff ở Fort Leavenworth ngay nhé!”. Tôi trình bày, tình hình chưa ổn định, con đông, có đứa mới gần 1 tuổi, vợ sanh xong lần thứ 7 hơi yếu, nên Tôi cần được ở gần nhà để thường xuyên lo lắng chắc bụng hơn. Vậy xin Anh cho Tôi theo học Khóa Chỉ huy Tham mưu tại Trường Đại học Quân sự Đà Lạt thì hơn. Tướng Xứng sốt sắng nói ngay: “Vậy thì OK, Toi (anh) theo học Khóa 9 Chỉ huy Tham mưu sẽ khai giảng vào đầu tháng tới này nhé?” Tôi cám ơn nhận lời ngay, và lái xe ra Bộ Quốc phòng tại số 63 đường Gia Long, trình diện Đại tá Giám đốc Nha Tổng Thanh tra.

Tình hình Nha Tổng Thanh tra lúc này chẳng khác nào cái hội chợ ô hợp, gồm những người từng bị thất sủng dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, nay lại thêm một số người như Tôi không theo đảo chánh bị loại ra khỏi Binh chủng nằm chờ lệnh thuyên chuyển đi đơn vị tác chiến, và một vài người từng bị giải ngũ ngang xương thời Thủ tướng Diệm thanh lọc trẻ trung hóa Quân đội, nay được tái hồi Quân ngũ chờ đi lãnh công việc mới. Trong số này, Tôi gặp Đại tá Trương văn Xương nguyên là Tư lệnh Quân khu 2 tại Huế bị Thủ tướng Diệm cho giải ngũ (hình như vào năm 1955), nay được Hội đồng Tướng lãnh đảo chánh thành công (phần lớn từng làm dưới quyền ông ấy tại Bộ Tham mưu Quân Khu 2 trước kia) cho tái ngũ, cũng tạm vào đây ngồi chờ thủ tục bổ nhiệm đi nắm chức Giám đốc Tổng Nha Thanh tra Dân Vệ thay thế Trung tá Trần Thanh Chiêu (người của Tổng thống Diệm). Sau khi gặp nhau mừng rỡ hàn huyên tâm sự chuyện quá khứ, chruyện hiện tại, Đại tá Xương hứa chắc là sẽ trình xin Bộ Tổng Tham mưu bổ nhiệm Tôi về làm Tham mưu trưởng cho ông ngay khi khóa học mãn. Tôi thở phào nhẹ nhõm, yên tâm đợi lên đường đi học để được nghỉ dưỡng sức ít tháng tại thắng cảnh thần tiên hạ giới Đà Lạt, đúng như lời các Cụ thường dậy: “Ăn ở hiền lành sẽ gặp Quý nhân phù trợ khi hoạn nạn”.

Thế là DUYÊN NỢ của Tôi với Binh chủng Truyền Tin chấm dứt kể từ ngày đó. Năm 1954, Tôi mang lon Thiếu tá với 4 vạch kim tuyến vàng trên 2 vai (mẫu cấp hiệu của Quân đội Pháp) nhập hàng ngũ Binh chủng Truyền Tin, cùng anh em vận động quần chúng truất phế ông Bảo Đại để Thủ tướng Diệm trở thành Tổng thống nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam. Bạn bè cùng hoạt động với Tôi trong Phong trào Cách mạng Quốc gia, ai cũng được tưởng thưởng đền bù công lao bằng ít nhất là 3 cấp bậc cao hơn cũ. Riêng Tôi, vẫn mang cấp bậc thiếu tá với một hoa mai bạc nơi cổ áo (mẫu cấp hiệu của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa) cho đến ngày Tổng thống Diệm bị nhóm đảo chánh giết, rồi lại bị loại ra khỏi Binh chủng Tịch Tà, chẳng biết vì lý do gì???

Nhưng nhờ thấm nhuần từ thuở còn thiếu thời lời khuyên của các vị lão thành kinh nghiệm về cuộc sống qua câu châm ngôn rất triết lý “BÔN BA CHẲNG QUA THỜI VẬN”, nên Tôi không hề buồn mà lại vui vì biết rằng cái Duyên Nợ trói buộc mình với Truyền Tin được chấm dứt từ đây, để cuộc đời bước sang thời vận mới. Nhờ thế, Tôi đã bình tĩnh tự tin bước vào thời vận mới của đời binh nghiệp, và kết quả thâu đạt được đã rất khả quan và thoải mái với những vị trí và môi trường hoạt động mới quan trọng hơn trong Quân đội và Đất Nước cho đến ngày Quốc Hận 30-4-1975.

Để chấm dứt thiên hồi ký này, xin Quý Chiến hữu đọc bài thơ Tứ Tuyệt sau đây của anh Bồ Câu già Nguyễn-Huy Hùng, sau 30-4-1975 đi tù 13 năm rồi mới được cùng bầu đàn Thê Tử Tôn bỏ quê hương đất tổ Việt Nam đi lưu vong tỵ nạn cộng sản Việt Nam để tìm cuộc sống Tự do trên đất nước Cờ Hoa, nay đã trở thành công dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

 

SỐ MỆNH CON NGƯỜI

Nhân Duyên, Sự nghiệp, Mệnh do trời,
Kèn cựa bon chen cũng thế thôi.
Tích Đức, Tu thân, xây quả Phúc,
Trọn đời thanh thản sống An Vui.


Viết xong tại thành phố Fountain Valley, Quận Orange, Tiểu Bang California, ngày 24 Jan. 2005, tức là ngày Rằm Hạ Nguyên (15 tháng Chạp năm Giáp Thân).

KHIẾT CHÂU Nguyễn-Huy Hùng

Dưới đây là ảnh của Bồ câu Già Nguyễn-Huy Hùng và Hiền Thê, chụp vào ngày Tết Nguyên Đán Nhâm Ngọ (12 tháng 2 năm 2002) tại khuôn viên Chùa BÁT NHÃ, bên đường Sallivan, thành phố Santa Ana, quận Orange, Nam California, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

 

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Thắng cảnh thiên nhiên Bắc Mỹ châu. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Nguyễn-Huy Hùng chuyển

 

Đăng ngày Thứ Tư, August 1, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang