Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Hải ngoại
Chủ đề: Xã hội
Tác giả: Người Lính Già Oregon

Chuyện xe, chuyện người
(OF CARS AND MEN)

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Thưa quý bạn,

Nhân đọc bài được chuyển trên của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, NLGO tui thấy cảm khái. Bèn gửi đến quý bạn một bài viết đã cũ, về xe và bệnh.

NLGO

 

Xin quý bạn phe ta cho phép tiện nhân mượn đỡ, và sửa lại, cái đầu đề trong tác phẩm bất hủ Of mice and men (1937) của cụ John Steinbeck làm tựa cho bài viết mọn này –mà tiện nhân tạm dịch là “chuyện xe, chuyện người”. Xin kể “chuyện người” trước, như sau:

I. CHUYỆN NGƯỜI

Đây là kinh nghiệm sống, và thật, của tiện nhân, viết thành một chuyện vui cuối tuần bên tách cà-phê hay ly rượu. Xin quý bạn đừng coi đó là một lời chỉ trích, hay lời khuyên, công khai hay kín đáo, để cho ai làm theo. Bởi mỗi người có vấn đề, tâm tính, và lối phản ứng riêng.

Như đa số công dân Hoa Kỳ, tiện nhân cũng có bác sĩ tư, tức bác sĩ gia đình, từ lúc mới đến Mỹ, năm 1985, vô nghề ngỗng, do bà Welfare chỉ định, rồi đi học, đi dạy, đi làm, cho đến bây giờ lãnh lương hưu SSA và bảo hiểm sức khỏe của ông Medicare. Và như đa số công dân Hoa Kỳ, tiện nhân rất ngại, tuy biết rất cần, đi gặp bác sĩ khi không mắc bệnh, gọi là khám tổng quát thường niên, annual physical exam (thường niên, nhưng kỳ thực các ngài bắt làm hẹn cứ sáu tháng một lần, có lẽ cho đỡ nhớ?). Ngại, không phải vì khoản tiền co-pay, mà vì mất thì giờ lắm, lại còn, mỗi lần khám xong, ôm về nhà cái bệnh lo vô ích, vô duyên, nếu rủi gặp phải một bác sĩ kiêm nghề hù dọa bệnh nhân, bi thảm hóa (dramatize) mọi chuyện trên đời, dù nhỏ như que tăm.

Trong hơn ba mươi năm ở Hoa Kỳ, tiện nhân là thân chủ của hai chục ông bác sĩ. Toàn là Mỹ, trừ một ông VN. Không phải vì kỳ thị đồng hương, trái lại, mà vì, chẳng hạn, ông bác sĩ VN nào cũng quá quen mặt, khiến thấy ngại ngùng khi phải kê khai những bệnh thuộc loại thâm cung bí sử, hoặc taboo (cấm kỵ), dễ trở thành truyện tabloid (ngồi lê đôi mách) –mà bất cứ anh đàn ông nào cũng phải kinh qua, ít nhiều, như “tai nạn” khóc ngoài quan ải, khi còn khỏe như trâu, hay “sự cố” trên bảo dưới không nghe, lúc “tuổi già hạt lệ như sương” (Nguyễn Khuyến). Còn bệnh áp huyết cao có thể khoe thoải mái, kể cả với nữ bác sĩ, vì tiện nhân cho đó là một bệnh thời thượng, quý phái, tương tự bệnh lao phổi trong văn chương thế kỷ XIX lãng mạn Pháp hoặc thời tiền chiến Việt Nam (không tin, cứ hỏi người tình Elvire của Lamartine, hay hỏi chính Musset hay Chopin, hoặc đọc Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và Bướm Trăng của Nhất Linh).

1. Bác sĩ đầu tiên trong đời tỵ nạn của tiện nhân làm việc tại bệnh viện Salem, thủ phủ Oregon. Ông này còn trẻ, vui tính, ân cần “hỏi thăm sức khỏe” (nghĩa đen) bệnh nhân rất kỹ. Nhưng cũng chính ông là người đã cười nhạo accent tiếng Anh không giống ai của tiện nhân và ước muốn tái hành nghề dạy học tại Mỹ, khiến tiện nhân nổi giận, quyết chí cắp sách trở lại trường.

Bỏ Salem lên Portland lập nghiệp, mất trợ cấp, nghĩa là mất bảo hiểm y tế, vì rủi gặp phải một mợ An Nam, còn trẻ, làm việc cho IRCO (Trung Tâm Giúp Đỡ Người Tỵ Nạn Quốc Tế tại Oregon) chắc bị táo bón kinh niên, hoặc kinh kỳ trồi sụt, nên rất hắc ám, bắt bẻ đủ điều. Bởi thế, mỗi lần cảm nặng, tiện nhân gọi một bác sĩ đồng hương lớn tuổi (gần như hành nghề độc quyền vì Portland lúc ấy chưa có nhiều bác sĩ trẻ như bây giờ) để thương lượng giá cả trước. Ông bác sĩ thông cảm cho con nhà nghèo, không bảo hiểm, lại đèo bòng nợ bút nghiên, nên lấy giá rất “hữu nghị”, khoảng $10-15 cash only vào thời điểm 1985. Ông đo áp huyết, thấy cao, bèn cho toa mua thuốc. Nhằm lúc mẹ già nơi quê nhà cũng bị cao máu, tiện nhân lén nhờ dịch vụ “chui” (Mỹ và VN hồi đó chưa bang giao) gửi hết về cho mẹ uống trước. Cũng may, tuy đến Mỹ lúc không còn trẻ, nhưng sức khỏe không đến nỗi bết bát, có lẽ nhờ hồi nhỏ tiện nhân bị ba mẹ bắt tập thể dục mỗi sáng và được vào đội đá banh của trường, và nhất là đã trải qua tám năm tôi luyện sức chịu đựng trong các lò cải tạo của VC ác ôn –nơi mà vi trùng còn sợ bọn này hơn sợ hủi, huống chi là người.

2. Xuống Eugene, University of Oregon, học và dạy bốn năm, tiện nhân chỉ đến khám vỏn vẹn bốn lần với bác sĩ của trường: đo áp huyết, đặt ống nghe, bắt hít và nín thở, bắt cởi áo để bóp bụng, lấy cây gõ vào hai đầu gối, bảo kéo quần xuống để liếc qua thằng nhỏ, thế là xong, “everything is fine, you’re very healthy”, ông phán.

Ra trường, lên dạy tại Cheney, tiểu bang Washington, lương hàng tháng tự động bị trừ cho bảo hiểm sức khỏe, khá nhiều, cho nên tiếc của, tiện nhân cũng bỏ thì giờ đến gặp bác sĩ mỗi năm hai lần. Ông đốc-tờ này, tuổi sồn sồn, khả ái, hành nghề tư, khám qualoarement, cái gì cũng khen tốt, trừ cái nhiếp hộ tuyến (prostate) mà ông nói “hơi nở” (tức enlargement, còn gọi BPH, benign prostate hyperplasia), sau khi thọc ngón tay vào, sờ nắn, làm rát và nhột quá, nhưng không bắt thử máu, hay uống thuốc. Lần đầu tiên trong đời, tiện nhân mới biết trong cơ thể đàn ông có sự hiện diện của bộ phận vô hình đặc biệt này, nhưng không biết công dụng để làm gì. Tự dưng, ông hỏi tiện nhân, có thường xuyên gần đàn bà không? Câu hỏi có vẻ lạc đề, nhưng tiện nhân cũng thành thật khai báo, no sir. Ông mỉm cười: “That’s why, I guess, và có phương cách tự nhiên để cho nó khỏi nở, đó là thỉnh thoảng nên ‘xả xui’, tức hạ hỏa (dịch nôm na, theo kiểu lính tráng, động từ to ease off hay relieve yourself mà ông dùng), dù có hay không có đàn bà, you understand what I mean?” Quả tình tiện nhân chưa hiểu ông muốn nói gì, nhưng cũng gật đại cái đầu kém thông minh của mình. Về nhà, quên luôn chuyện ấy, mà tiện nhân cho là thiếu khoa học, tiếu lâm.

3. Sau đó, tiện nhân mua bảo hiểm Kaiser, tức là chỉ được quyền chọn bác sĩ và nhà thương của Kaiser mà thôi. Lúc ấy, tiện nhân vừa tròn năm chục cái xuân xanh. Ông bác sĩ Kaiser, lần đầu tiên gặp mặt, thấy số tuổi –lý tưởng cho bệnh prostate nở– bèn mừng húm, như trúng mánh, chụp hỏi:

- Anh tiểu tiện dễ hay khó?

Tiện nhân hỏi ngược:

- Thế nào là khó?

- Là mắc tiểu cứng bụng mà tiểu không được, rát và đứng lâu mà không ra, mà có ra thì cũng chút chút thôi, nhỏ từng giọt, từng giọt, tí tách... Viết đến đây, tiện nhân phải công nhận rằng nếu viết văn ông bác sĩ Mỹ này là một nhà tả chân đại tài, không thua Balzac hay Zola của Pháp. Đồng thời nhớ đến bài hát “giọt mua trên lá” của Phạm Duy, và những câu thơ “cực kỳ ấn tượng”, trong bài “Ngọn cỏ” của nữ thi hào hiện thực Nguyễn Thị Hoàng Bắc –được phê bình gia Nguyễn Hưng Quốc đút ống đu đủ thổi lên tận mây xanh:

NGỌN CỎ

Tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước uống sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ được ngồi trên bồn cầu
chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phì
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa.

(1997, trích từ talawas)


Bèn ngạc nhiên:

- Không, tôi tiểu bình thường, ngon lành lắm mà, rất ư là tồ tồ như trai mới lớn, không có tí tách gì đâu...

Ông Kaiser cười cười, hỏi tiếp:

- Đêm ông phải dậy đi tiểu mấy lần?

- Còn tùy. Nếu đi ngủ sớm và trời lạnh thì một lần. Nếu ngủ trễ và mùa hè thì không lần nào, làm một mạch tới sáng.

Ông không tin. Lại thọc tay vào, lại kết luận nó hơi nở ra, lại tuyên bố: “Những người Phi Châu và Á Đông từ tuổi 50 trở lên thường bị nở nhiếp hộ tuyến”. Và bắt thử máu (PSA). Thì thử. Kết quả 5.2 thay vì dưới 4 chấm như mức bình thường qui định. Ông lại đề nghị tiện nhân làm biopsy (nội soi), nghĩa là đút cái kẹp dài (lúc đó chưa dùng tia laser) vào cắt vài miếng thịt của cục nợ prostate đem đi khảo nghiệm xem có ung thư không. Nghe chữ “ung thư”, tiện nhân hãi quá, bèn OK cho làm. Đau điếng người, vì không được cho thuốc tê, nhức buốt và tiểu ra máu mất mấy ngày. Kết quả negative. Nhưng PSA vẫn cứ cao, mặc dù tiểu tiện vẫn dễ dàng, ào ào như thác lũ. Để chắc ăn, mấy tháng sau, ông bác sĩ gia đình bán cái tiện nhân qua cho một ông bác sĩ tiết niệu, cũng tại Kaiser.

Ông tiết niệu này, có lẽ ế khách, mới thấy cái last name N-g-u-y-e-n, chưa biết tiện nhân là thằng cha căng chú kiết nào, đã vồ lấy tay, bắt lia bắt lịa, mừng như thể bạn cố tri mới chết sống lại, và muốn làm quà, kể liền một khi rằng ông ta vừa đi “tham quan” VN về, và hí hửng ca ngợi nước VN (của thằng VC) là tiến bộ, là đổi mới, là terrific, là wonderful, là bla-bla-bla... Bực mình vì bị gán ngang xương cái bệnh nở prostate, tiện nhân nổi khùng bất tử, quạt ông ta xối xả bằng cách chửi gay gắt lũ VC và bọn ngu (stupid guys) không biết gì về VC, mà còn khen chúng nó này nọ. Đang nổ ngon trớn, ông ta cụt hứng, quê độ, bèn cau mày, dụi mắt, dòm lại cho rõ cái bản mặt của một thằng cha tỵ nạn chống Cộng đến chiều nó như thế nào. Đổi thái độ thân thiện ra lạnh nhạt, lầm lì. Rồi đọc lời gửi gắm của bác sĩ gia đình, ông bắt làm biopsy lần thứ hai, bởi, ông nói, nghi ngờ có ung thư. Sau đó, sợ bị trù ẻo, tiện nhân yêu cầu đổi bác sĩ. Những đồng nghiệp khác của ông cũng không nhân đạo hơn, vẫn tiến hành thủ tục nội soi, khiến tiện nhân có cảm tưởng mình là con chuột bạch trong phòng thử nghiệm, soi đi soi lại miết, để bắt cho ra cái con ung thư khốn nạn, cả thảy bốn lần trong ba năm, mặc dù kết quả bốn lần cũng đều âm tính.

Bèn bỏ Kaiser, qua một hãng bảo hiểm khác, chọn một ông bác sĩ gia đình có phòng mạch tư. Vẫn chưa được buông tha. Ông mới này, dựa trên hồ sơ bệnh lý cũ, cũng đề nghị soi nữa, và thảy qua cho một đồng nghiệp chuyên môn ở một bệnh viện. Đến nước này, tiện nhân chịu hết nổi, xẵng giọng phản đối: “No more, please, never more, absolutely. I refuse. I really don’t care about my damn prostate. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, đâu ông đưa giấy từ chối biopsy cho tôi ký ngay”. Sau này, đọc một bài báo Mỹ nói rằng nội soi đôi khi gây thương tích không cần thiết cho cục nhiếp hộ tuyến, nghĩa là hại nhiều hơn lợi, tiện nhân thấy mình từ chối lần này và sau này là có lý, mặc dù đã quá trễ.

4. Từ khi về hưu đến nay, được sáu năm rồi, tiện nhân đã trải qua tám đời bác sĩ gia đình. Nghĩa là, trung bình, mỗi năm thay ba phần tư ông. Những ông mới đọc hồ sơ bệnh lý và lời phê của những ông cũ, biết tiện nhân là một loại bệnh nhân khó thương, ưa cãi, nhưng cũng phải nhận theo luật pháp, nên không hành hạ cái nhiếp hộ tuyến nữa, tha cái vụ thọc tay, PSA, BPH. Có ông, dựa vào tài liệu mới nhất, cho biết rằng đàn ông trên bảy bó khỏi cần thử PSA, hoặc nội soi –điều làm tiện nhân thấy phơi phới trong lòng, nhưng ông đương kim đốc-tờ gia đình của tiện nhân (sẽ nói sau) lại hoàn toàn bác bỏ. Mà thực ra, tiện nhân thắc mắc, cái cục nợ prostate ấy cho đến bây giờ rất OK, tiểu tiện dễ dàng, không “tí tách” như của bà Nguyễn Thị Hoàng Bắc, thì có gì phải làm ầm ĩ lên như thế?

5. Chuyện prostate vừa êm thì nổi lên một vấn đề khác, không kém trầm trọng dưới mắt các lương y như từ mẫu: trong máu có đường, blood sugar, với nguy cơ, các ông dọa, dẫn đến bệnh tiểu đường. Thử máu, kết quả lần nào cũng trên dưới 105-110, nghĩa là borderline, nghĩa là đang ở biên giới, nghĩa là chưa phải bệnh diabetes thật, và lần nào cũng phải nghe ông bác sĩ lải nhải: “Người Phi Châu và Á Đông trên 60 dễ bị bệnh tiểu đường”. Cứ làm như tất cả những thằng cha già Mỹ trắng hom hem trong phòng gym của tiện nhân, hay hom lét (homeless) chuyên đứng xin tiền trên xa lộ, đều là thiên thần hay tiên ông hết ráo. Kỳ thị quả tang, chứ còn gì nữa? Vài ông lương y xếp tiện nhân vào danh sách người thực sự bị tiểu đường, diabetic, và chữa trị dưới dạng đó, nghĩa là bắt ăn kiêng, không cơm trắng, không bánh mì, không fast food, không trái cây, kể cả chuối, không rượu đỏ, không sô-cô-la đen, không cognac, không cà phê sữa... mà chỉ được ăn brown rice, và xà lách, uống thuốc đủ loại, và bắt đi khám mắt, khám chân –khiến tiện nhân bực bội, buột miệng thở than: “Kiêng cữ như thế này, ở tuổi này, thì thà chết sướng hơn!” Đôi lần phải gào lên với y tá gọi điện thoại nhắc: “Forget about it. I refuse to believe I have diabetes”. Từ đó, đâm ra lì, cứ ăn uống tự do, không người lái, rồi uống chỉ một viên thuốc ngừa và đi gym. Thế mà vẫn khỏe re. Lần lượt tiện nhân từ giã năm ông bác sĩ chuyên hù dọa, quấy rầy hết cái bệnh nở nhiếp hộ tuyến, đến cái bệnh tiểu đường –mà triệu chứng không thấy qua cơ thể hay kết quả thử máu.

6. Còn giữ lại một ông, cũng người Mỹ. Ông này lớn tuổi, tuyệt vời, dễ thương. Mỗi lần khám không quá mười phút, không thắc mắc, không bắt uống thuốc, chỉ khuyên tập thể dục hàng ngày và tuyên bố: “You’re perfectly healthy, congratulations.” Nghe thế, bệnh nhân nào không thấy sướng tê người, khỏe khoắn và tự tin hẳn lên? Cho cô y tá rút máu thử và lấy kết quả ngay tại chỗ, đỡ cho tiện nhân khỏi trả thêm tiền Lab quá đắt –mà bảo hiểm không cover, dựa trên điều lệ kỳ quặc, cho đó là thử để trị bệnh (treatment), chứ không phải thử ngừa (prevention).

Năm vừa rồi, vì đổi bảo hiểm Medicare Supplement sang một hãng khác không bắt đóng tiền hàng tháng (monthly premium), tiện nhân đành mất ông bác sĩ tuyệt vời này vì ông không nhận hãng bảo hiểm mới. Tiện nhân tiếc quá, mà không làm sao giữ ông được.

7. Bù lại, hãng bảo hiểm mới này tìm cho tiện nhân một ông bác sĩ trẻ, gốc Nga, đẹp trai, được anh salesman lẻo mép khen ngợi là tận tâm lắm, và nói như đinh đóng cột, “certainly you must like him”. Mới đây, tiện nhân được gặp ông ta, lần đầu. Quả thật, ông rất tận tâm, đúng hơn, quá tận tâm. Trước khi gặp tiện nhân, ông đã nghiên cứu kỹ lý lịch, biết tiện nhân là dân Annam Mít gốc Tây con, nói tiếng Phú-Lang-Sa, ông xổ liền một câu loại French for tourists, do Trung tâm Berlitz phát hành, nghĩa là vừa bước vào phòng, mới liếc thấy tiện nhân, ông đã cười tươi, giơ tay bắt, và chào: “Au revoir Monsieur, sorry, bonjour, comment toi aller?” Rất nghiêm chỉnh, tiện nhân đáp lễ: “Au revoir, docteur, moi aller bien”. Rồi ông ngồi xuống, dò đọc trên máy vi tính hồ sơ bệnh lý cũ từ kiếp nào, hỏi han tỉ mỉ, kể cả vụ mổ sống lưng hơn mười năm trước tại Kaiser. Bệnh này hiện tái phát, thỉnh thoảng làm nhức nhối vô cùng, nhưng tiện nhân không khai, sợ ông ta kiếm chuyện, chỉ xin refill toa thuốc giảm đau, do bác sĩ cũ viết, cho cái lưng bị đụng xe mấy tháng trước. Cuối cùng ông ta dừng lại và đặc biệt xoáy mạnh về hai cái “bệnh” mà tiện nhân coi như bête noire, rất đáng ghét: nhiếp hộ tuyến và đường trong máu. Đầu tiên ông ta bảo muốn thử bằng tay cái hòn prostate xem có còn nở không. Tiện nhân lớn tiếng từ chối, không cần giữ lịch sự: “No, no, no. Don’t touch it. Absolutely not”, khiến ông ta cũng thấy ớn như gặp phải một thằng điên trong thành phố, nhưng vẫn bắt thử máu lại. Về blood sugar, ông ta cũng bắt thử, cùng với những bộ phận khác mà từ trước đến nay trong hồ sơ không ghi có vấn đề gì, như tim, gan, phèo, phổi, thận, lá lách, lá mía... Còn hẹn một tuần nữa đến gặp ông (phải trả tiền co-pay, dĩ nhiên) để được biết kết quả. Tiện nhân hỏi: “Tại sao không báo bằng thư, email, hay điện thoại, đỡ tốn thì giờ và tốn tiền cho tôi?”. Ông trả lời: “Tôi muốn nhân dịp bàn về cách chữa trị luôn”. Làm như ông biết kết quả trước khi thử. Bởi vậy, ba tháng rồi, sau ngày diện kiến lần đầu, tiện nhân đánh bài lờ, không đến nữa, mặc dù có lời nhắn liên tiếp của y tá, và tiện nhân cũng không biết kết quả lần thử máu ấy ra sao. Nhưng không cần. Quả vậy, không ai biết sức khỏe của mình tốt hay xấu bằng chính mình. Đến giờ Chúa gọi, phải ra đi, thì không bác sĩ nào trên đời có thể níu lại được.

Kể cho một người bạn, đến Mỹ từ 30/4/1975, quá rành về chuyện khám bệnh, thì được anh trả lời: “Tôi biết những bác sĩ nhận Medicare ở Mỹ. Họ bày ra đủ thứ bệnh, để chữa trị, và báo cho Medicare đã chữa khỏi, để lấy credit. Chưa kể, các bác sĩ thông đồng với những dược phòng bào chế thuốc, toàn là tài phiệt, cho bệnh nhân mua thuốc mới, để uống thử”.

Cho nên, cũng không lạ gì nếu mới đây phải đọc tin ông bác sĩ này vào tù vì đã lường gạt hàng trăm bệnh nhân bằng cách chích thuốc chữa trị ung thư ngụy tạo, ẵm cả mấy triệu bạc, ông lương y nọ đã gian lận tiền Welfare và Medicare của người già, ông dược sĩ kia bán thuốc cho bệnh nhân đã chết ngỏm từ khuya để charge tiền Medicare vô tội vạ.

Dĩ nhiên, thời gian sau đó, tiện nhân phải đi kiếm ông bác sĩ khác, ít tận tâm hơn, nghĩa là ít quấy rầy hơn.

II. CHUYỆN XE

Thứ năm tuần rồi, tiện nhân đem chiếc Toyota Camry 2004 đã cũ mười ba năm cho dealer thay nhớt và check-up. Cứ mỗi sáu tháng, đúng ngày giờ, nổ máy lên là thấy đèn báo hiệu “maintenance required” đập vào mắt, nhắc nhở mang xe đi khám tổng quát. Cố lờ đi cũng không xong, vì đèn báo không chịu tắt, thấy ngứa mắt lắm. Thay nhớt tốn khoảng $45-50, không đáng chi, mang xe đi phứt cho rồi. Nhưng cái bực bội là ở chỗ vừa mất thì giờ, mất tiền vừa phải cảnh giác, ứng chiến (tiếng Mỹ gọi là deal) mệt nghỉ với những anh chàng dealers kiêm thợ vẽ, mồm miệng được nắn dẻo như kẹo kéo, cứ thấy xe cũ, trên 60 ngàn miles, là kiếm chuyện, bày đặt, đề nghị thay cái này, sửa cái nọ, mặc dù xe đang chạy ngon lành, chưa bao giờ gặp trở ngại.

1. Vừa đậu xe, đã thấy một, có khi hai, đại diện Mỹ trắng (không bao giờ thấy Mỹ đen, Mỹ vàng), trẻ trung, mặc đồng phục thêu chữ Toyota đỏ tươi, sà tới, đon đả chào hàng đúng bài bản, tươi cười, lịch sự. Nói năng ngọt như mía lùi, làm thân chủ thấy mềm lòng, hồ hởi phấn khởi giao ngay tính mạng cái xe cho đương sự. Đương sự trịnh trọng mời “quý khách danh dự” vui lòng vào phòng đợi. Rồi lái nó đi đâu mất.

2. Nửa giờ sau, còn đang nhâm nhi cà-phê, tiện nhân nghe gọi tên mình. Quay lại, thấy anh đại diện khi nãy, nụ cười vẫn nở toe trên môi, hàm răng trắng đều còn hơn răng nha sĩ, tay cầm cái air filter (lọc không khí) bám đầy bụi lớn bụi nhỏ, kín mít, không chỗ hở, lại còn đính kèm một miếng plastic không biết ở đâu và bằng cách nào chui vào được dưới nắp xe để bị mắc kẹt ở tấm lưới. Anh ta hạ giọng, chậm rãi, nói như tiếc nuối:

- Filter còn tốt chán, nhưng dơ quá, phải thay nó thôi, bạn ạ!

Tiện nhân cãi:

- Ủa, đã thay một cái mới tinh sáu tháng trước rồi. Bụi ở đâu mà lắm thế hả? Còn miếng plastic nữa, từ đâu? Anh có thể lau sạch nó, rồi lắp vào lại?

Anh ta tỏ vẻ rầu rĩ:

- Sáu tháng là thời gian lâu đấy chứ ạ. Lau đi và lắp lại cũng được thôi, nhưng không chắc ăn bằng cái mới. Còn nếu không thay, air bị nghẽn, và máy chạy sẽ bị ngộp thở (suffocate), gục gặc, hục hặc, trục trặc (anh ta làm động tác xe bị giật) ạ...

- Thôi được, nghe anh nói tôi mệt quá rồi. Giá một cái mới bao nhiêu?

Mắt anh ta bỗng sáng rỡ:

- Dạ, $50, nhưng khách quen discount còn $45. Cộng với tiền thay nhớt, total chỉ có $90 thôi ạ.

Tiện nhân biết bị chém đẹp, không phải bằng lưỡi lê hay dao phay, mà bằng mã tấu VC hay ISIS, nhưng cũng phải OK cho rồi, coi như thí cô hồn.

3. Mười lăm phút sau, thừa thắng xông lên, anh ta trở lại, tay cầm một tờ giấy in ra từ computer, liệt kê một lô vấn đề đã cũ hơn hai năm: a- dầu thắng (brake fluid) và b- dầu hộp số (transmission fluid) dơ quá phải xả (flush), c- má thắng mòn, phải thay, mà bộ thắng là cơ phận quan trọng nhất của xe, bạn biết chứ ạ, d- bánh mòn 2/3, hết gai, rất nguy hiểm trong mùa đông, mua bốn trả ba, e- cần phải làm alignment, f- bình điện yếu quá rồi, phải thay ngay, lỡ nó chết bất đắc kỳ tử giữa đường. Tổng cộng gần hai ngàn. À, còn thêm hai cái bóng đèn thắng chết hết rồi.

Tiện nhân hỏi, giá hai bóng mới bao nhiêu? Anh ta mừng rỡ:

- Dạ, $60 và $10 tiền installation, vị chi là $70 thôi ạ.

Tiện nhân lắc đầu, “thôi kệ, tính sau”. Anh ta hù liền, “nhưng cảnh sát sẽ chận và cho ticket, bạn ạ”.

- Không sao, tôi sẽ có cách nói với cảnh sát.

Dĩ nhiên, cách đó là sẽ ghé tiệm Auto Body quen, nhờ kiếm và thay hai bóng free, đỡ tốn $70. Còn những vấn đề khác, mặc kệ anh dealer muốn nói gì thì nói, vì không phải lần đầu tiện nhân nghe thấy mà đã từ lâu, chẳng hạn cái bình điện bị báo động hấp hối cả hai năm rồi mà đến nay nó vẫn còn sống nhăn, đề một phát là nổ ngay.

III. HAI CHUYỆN LĂNG NHĂNG NÓ QUẤY TA

Trong truyện Of mice and men, độc giả, nói chung, không thấy mối tương quan nào giữa chuột và người, như đề tựa khơi ý, nếu không biết nội dung bài thơ “To the Mouse” của thi sĩ Tô Cách Lan Robert Burns, thế kỷ XVIII –bài thơ đã gợi hứng cho Steinbeck đủ để phải mượn bốn chữ o’ mice an’ men làm tựa đề cho cuốn tiểu thuyết của mình. Cả chuột (trong Burns) và người (trong Steinbeck) đều là nạn nhân bất lực, như nhau, của số mệnh (fate) tàn nhẫn khi những giấc mơ nhỏ nhoi của mình tan vỡ. Quả vậy, chuột xây một cái ổ mùa đông (winter nest) trong cánh đồng lúa mì, để rồi sau đó phải thấy nó bị phá hủy bởi một anh thợ cày, và tất cả còn lại chỉ là nỗi ưu phiền và buồn đau (grief and pain). George và Lennie, nhân vật của Steinbeck, là hai bạn nông dân di cư, đến Soledad, California vào thời Đại Suy Thoái (Great Depression, 1930), để tìm việc và cùng ước mơ được làm chủ một nông trại riêng, nhưng giấc mơ Mỹ quốc ấy, The American Dream, sau bao nhiêu tình tiết, sự kiện bất ngờ trong truyện, cuối cùng tan theo mây khói. Theo với ba câu thơ sau đây (được trích nguyên văn bằng thổ ngữ Scotland) từ bài “To the mouse”:

The best laid schemes o’ mice an’ men
Gang aft a-gley,
An’ lea’e us nought but grief an’ pain,


Cũng vậy, trong bài viết mọn của tiện nhân, hai chuyện khám bệnh và bảo trì xe –bị ép đứng chung, một cách miễn cưỡng– đâu dính líu gì với nhau. Dĩ nhiên là thế, ít nhất trên thực tế và bề mặt.

Nhưng xin quý bạn hãy cùng tiện nhân trở lại với trường hợp của Burns và Steinbeck, đi vòng vo qua ba thế kỷ, từ XVIII, để đến kết luận, đúng hơn, message, như sau:

Nếu quý bạn thấy sự liên hệ và giống nhau giữa hai chuyện lăng nhăng kể trên giữa xe và người, giữa dealer và doctor, thì không cần giải thích.

Nếu quý bạn không thấy thì tiện nhân xin đành bó tay, không thể giải thích.

Portland, 10 December 2015
Người Lính Già Oregon

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Những bài liên quan

Những Bệnh... Vô Duyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Tôn Thất Sơn chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, May 20, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang