Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Ngược dòng Thời gian
Chủ đề: 30-T4-Đ
Tác giả: Nguyễn-Huy Hùng

N hững chuyện sau 30-4-1975 không thể nào quên được
I. 30 THÁNG 4 NĂM 1975, NGÀY QUỐC HẬN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
II.
CHƠI VƠI GIỮA DÒNG SÓNG ÐỎ
III.
THỜI CƠ MỚI, CẦN THÊM NỖ LỰC MỚI

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

Vì áp lực của Hoa Kỳ cắt viện trợ nên ngày 21-4-1975, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu phải từ chức, nhường cho Phó Tổng thống Trần văn Hương lên thay. Trước khi bàn giao, Tổng Thống Thiệu đã xuất hiện trên màn ảnh của đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn, nói chuyện để giã biệt quốc dân đồng bào miền Nam Việt Nam, với những lời nghẹn ngào phân bua là bị đồng minh Hoa Kỳ phản bội.

Ðến lượt tân Tổng Thống Hương cầm quyền, vẫn tiếp tục bị áp lực, nên ngày 25-4-1975, cũng lại phải tuyên bố từ chức, và yêu cầu Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa đề cử người thay thế.

Ngày 27-4-1975, một số Dân cử trong Quốc hội chưa di tản, họp nhau lại thảo luận sôi nổi đến tối, và đi đến quyết định cuối cùng là ủy quyền cho Ðại tướng Dương văn Minh làm Tổng thống, để tiếp xúc với Việt cộng tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến.

Sáng sớm ngày 28-4-1975, ký giả Huy Vân (bút hiệu của Trung úy Nguyễn Trung Hòa, đã chết trong trại tập trung Tân Lập, Vĩnh Phú, Bắc Việt, năm 1978) Chủ bút Nhật báo Tiền Tuyến, đã trình cho Tôi (Chủ nhiệm) biết là, có nguồn tin chính xác từ giới thân cận Tướng Dương văn Minh cho hay, hôm nay ông Minh sẽ dùng trực thăng đi thị sát mặt trận Long Khánh, để bí mật tiếp xúc với người đại diện của cộng sản Bắc Việt.

Buổi chiều cùng ngày 28-4-1975, ông Minh làm lễ nhậm chức, chỉ có mặt 2 vị Ðại sứ Hoa Kỳ và Pháp tham dự. Tối 28-4-1975 ông Minh tuyên cáo trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn, yêu cầu Ðại sứ Hoa Kỳ rút hết nhân viên D.A.O. ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, để ông ta dễ thương thuyết với cộng sản về giải pháp đình chiến.

Tướng Vĩnh Lộc, tân Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH, do Tổng thống Minh bổ nhiệm, xuất hiện trên màn ảnh của đài vô tuyền truyền hình Sài Gòn, kêu gọi quân sĩ vững tâm duy trì kỷ luật tiếp tục chiến đấu, sau khi đã bầy tỏ những lời khinh chê các Tướng, Tá, hèn nhát bỏ quân đào ngũ trốn chạy như chuột.

Ngày 29-4-1975, trực thăng của Hoa Kỳ từ Hạm đội 7 đang hoạt động tại ngoài khơi Thái Bình Dương, bắt đầu dồn dập liên tục bay vào Sài Gòn bốc người di tản, và chấm dứt vào tảng sáng 30-4-1975.

Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4-1975 được đặt trong tình trạng giới nghiêm, tất cả các báo ngưng hoạt động, riêng chỉ có Nhật báo Tiền Tuyến vẫn phát hành hàng ngày, để gửi qua Cơ quan chuyển vận thuộc hệ thống Tiếp vận Quân đội chuyển đến các đơn vị. Việc này thực hiện được là nhờ Trung tướng Trần văn Trung Tổng Cục Trưởng Chiến tranh Chính trị, chỉ thị Cục Tâm lý chiến in hàng đêm, và chuyển sang Tiếp vận gửi đi. Ðại tá Phan Trọng Thiện, Cục Phó Cục Tâm Lý Chiến được lệnh tiếp xúc với Tôi làm việc này. Sau 30 tháng 4, Ðại tá Thiện cũng phải đi tập trung cải tạo. Chúng tôi cùng phải chuyển qua nhiều trại. Ðến năm 1982 đang ở trại Thanh Phong, Như Xuân, Thanh Hóa (nơi có trại Thanh Cầm mà CSVN đã dự tính đem tất cả vợ con tù cải tạo, đến cùng chồng định cư vĩnh viễn ở nơi vùng rừng núi Trường Sơn đó), thì Tôi được chuyển về trại Z30C, Hàm Tân, Thuận Hải, Nam Việt, còn anh Thiện bị chuyển ra vùng Nam Hà, Bắc Việt. Sau khi định cư tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Tôi có dịp gặp lại anh Thiện, trong một kỳ họp mặt anh em Hội ái hữu Chiến tranh Chính trị Hải ngoại tại quận Orange, Nam California, nên biết được anh Thiện định cư tại Connecticut, Hoa Kỳ.

Chiều ngày 29-4-1975, đường phố Sài Gòn bỗng dưng nhộn nhịp như vỡ chợ, mặc dù vẫn còn lệnh giới nghiêm. Xe dân sự, xe quân sự đua nhau chạy ngược chạy xuôi vội vã. Người ta đi tìm đến các điểm tập trung theo giấy thông hành di tản riêng quy định từ trước, để chờ trực thăng Mỹ bốc đi. Ðầy nghẹt xe cộ và người bu đông trước Tòa Ðại sứ Mỹ ở đường Thống Nhất, và tại Bến Bạch Ðằng cuối đường Tự Do, khu gần Bộ Tư lệnh Hải Quân QLVNCH.

Khu Thị Nghè gần Tân Cảng, đồ hộp thực phẩm đủ loại lấy ở các kho của Mỹ đổ bán đầy đường, rẻ mạt, người ta tranh nhau mua về tích trữ. Những khu có các chung cư người Hoa Kỳ di tản, người ta ùn ùn kéo nhau vào hôi đồ đạc tự do, trước sự chứng kiến của Cảnh sát.

Khoảng 10 giờ ngày 30-4-1975, Dương văn Minh tuyên cáo qua làn sóng Ðài phát thanh Sài Gòn, ra lệnh cho binh sĩ buông súng thôi không chiến đấu nữa, đợi Cách mạng vào bàn giao. Tôi rời Tòa báo lái xe chạy sang Tổng cục, không thấy Trung tướng Trung, theo lời nhân viên văn phòng cho biết, Trung tướng được lệnh gọi sang họp bên dinh Tổng Thống.

Tôi lên xe chạy về đón vợ con tìm đường thoát xuống miền Tây, hoặc tìm tầu di tản. Bến Khánh Hội, bến Tân Cảng, không còn tầu. Ðường qua cầu Bến Lức đi miền Tây, đầy nghẹt xe hơi đủ loại đậu nối đuôi nhau dài hàng cây số. Ðường đi Vũng Tầu còn giao tranh nguy hiểm không đi được. Vô kế khả thi, Tôi đành chở vợ con vào trú tạm nhà người quen ở ngay khu bến xe Lục tỉnh, gần Viện Hóa Ðạo, sẵn sàng đón nhận tất cả những điều tồi tệ nhất sẽ đến với mình và vợ con mình.

Khoảng 4 giờ chiều 30-4-1975, không biết từ đâu về, bao nhiêu là đàn ông lực lưỡng nhào lên ngồi đầy trên tất cả các chiếc xe đò đi miền Tây, miền Ðông, nằm ụ tại đó từ những ngày bắt đầu giới nghiêm đến giờ, và yêu cầu các chủ xe chở họ đi miền Tây hoặc miền Ðông. Trong xe hết ghế, người ta ngồi đầy cả trên nóc xe. Hỏi ra mới biết là quân nhân thuộc Trung đoàn đóng ở cầu Bến Lức, đường đi Long An. Sau khi nghe lệnh Dương văn Minh yêu cầu buông súng đợi bàn giao cho cộng sản, họ đã vứt bỏ quân trang vũ khí xuống sông, rời đơn vị đi tìm đường về quê quán với gia đình, chớ không đợi bàn giao cho cộng sản như lệnh của ông Tướng phản bội chiến hữu, phản bội nhân dân miền Nam.

Cũng trong lúc đó, từ các ngõ hẻm, một số dân đi theo mấy anh Nhân dân Tự vệ mặc quần áo đen, cột mảnh băng vải đỏ nơi tay áo, lăm lăm cây súng, ùn ùn kéo nhau ra, trèo đại lên các xe GMC quân đội bỏ bên đường, lái đi hôi của tại các Kho hàng của Quân tiếp vụ QLVNCH ở phía sau Chợ Cá Trần quốc Toản.

Một nhóm khác, gồm đôi ba Nhân dân tự vệ mặc quần áo đen, mang súng của VNCH cấp, cùng mươi lăm người dân lao động khác đeo nơi tay áo trái băng vải đỏ (những người Cách mạng 30 tháng 4), hô hoán kéo nhau ra Bình bông ngã 7, căng biểu ngữ và cờ nửa xanh nửa đỏ, có ngôi sao vàng ở giữa (cờ quân giải phóng miền Nam), đợi đón mừng giải phóng quân vào Thành phố.

Khoảng 5 giờ thì có 1 đoàn xe Molotova, chở mỗi xe chừng dăm bảy anh Giải phóng quân, mặt non choẹt, xanh lét, búng ra sữa, dáng sợ sệt, ngồi bệt dưới sàn xe, tựa lưng vào nhau, tay ôm chặt khẩu AK của cộng sản, quay mặt ngơ ngác nhìn lên các tầng lầu 2 bên phố mà đoàn xe chạy qua. Ðứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy chẳng khác nào những con ếch ngồi trong đáy thùng thiếc mà người ta đem ra chợ bán vậy. Trông thật đáng tội nghiệp, chẳng thấy tý hào khí nào của những anh hùng giải phóng, kiêu hãnh như các anh Cán bộ cộng sản Bắc Việt cả.



Big MINH
(1) hàng, thế là xong,
Nghe lời tuyên cáo mà lòng nát tan.
Thất thần, cổ nghẹn, lệ tràn,
Tim rung loạn nhịp, thời gian đọng chìm.
Bàng hoàng như gẫy cánh chim,
Không gian đảo lộn, khó tìm lối ra.
Thôi rồi! mất nước mất nhà,
Bao năm chiến đấu bôn ba ích gì?
Sóng lùa Dân chủ trôi đi,
Tự do biến mất còn chi cuộc đời.
Xuôi tay phó mặc ông Trời,
Chờ coi đảng cướp thị oai thế nào.
Xem bầy phản bội ra sao,
Vinh thân hay cũng phải vào ngục đen.
Cộng Hòa Chiến sĩ chẳng hèn,
Lột Quân trang phục vứt bên lề đường.
Tản đi khắp nẻo Quê hương,
Không hàng Việt Cộng, như phường Big MINH.


Nguyễn-Huy Hùng
_____________________

(1) Hoa kỳ thường gọi Dương văn Minh bằng Big MINH, để phân biệt với Thiếu tướng Trần văn Minh Tư lệnh Quân khu 1 có khổ người nhỏ hơn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II. CHƠI VƠI GIỮA DÒNG SÓNG ÐỎ

 

Lúc mười giờ sáng 30-4-1975, qua làn sóng đài phát thanh Sài Gòn, Dương văn Minh chính thức tuyên bố đầu hàng, dâng miền Nam Việt Nam cho cộng sản Bắc Việt xâm lăng. Ðến tối, Trần văn Chà tướng Việt cộng, Chủ tịch Ban Quân quản Sài Gòn, ra thông cáo cũng đọc trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn, buộc tất cả Quân nhân, Công chức thuộc Chế độ Sài Gòn cũ phải đến nhiệm sở để trình diện kể từ ngày 1-5-1975. Ai không thuộc các đơn vị ở Sài Gòn, phải đến trình diện tại Phường nơi gia đình đang cư ngụ hoặc tạm trú.

Ngày 1-5-1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn tổ chức Mít-tinh mừng ngày Quốc tế Lao động và Thống nhất đất nước, rất lớn tại đường Thống Nhất trước dinh Ðộc Lập. Chắc chắn sẽ có nhiều người hiếu kỳ và bọn “Cách mạng 30 tháng 4” ra đường, nên Tôi quyết định không đi trình diện vào ngày đó. Hơn nữa, Vợ Con tôi cũng khuyên, trong lúc còn hỗn quân hỗn quan, tình hình chưa hoàn toàn ổn định không nên ra đường, e có thể gặp những kẻ xấu đón gió trở cờ, hại mình để lập công với quân Giải phóng thì thiệt thân.

Sau khi nghe lời thông cáo của Trần văn Trà, hai người con lớn của Tôi cưỡi xe đạp đi tìm gặp Hạ sĩ D, một nhân viên làm việc trong Văn phòng của Tôi, nhà cũng ở khu Bàn Cờ gần nơi gia đình tôi đang tạm trú, để tìm hiểu xem gia đình anh ấy có di tản không? Nếu anh ấy còn ở đó với gia đình, thì tìm hiểu xem anh ấy đã đi trình diện chưa? Hạ sĩ D có nhà riêng 3 tầng ngay bên mặt lộ lớn, giữa trung khu Bàn Cờ. Các tầng lầu để ở, tầng trệt dưới cùng mở cửa hàng bán sách, dụng cụ cắm trại và các loại huy hiệu trang phục cho Hướng đạo sinh. Gia đình anh D người miền Trung, thuộc dòng gốc theo đạo Thiên Chúa. Cha anh D có nhiều liên hệ quen thân với các Linh mục đang trách nhiệm các cơ sở dòng tu và Nhà Thờ tại thị xã Vũng Tầu.

Nửa tiếng đồng hồ sau, các con Tôi trở về có anh D đi theo. Thấy Tôi, anh em ôm nhau mừng rỡ. Vì cùng là Huynh trưởng Hướng đạo, nên xưa nay chúng tôi vẫn đối xử với nhau không theo cung cách cấp bậc Quân đội. Anh D sửng sốt kêu: “Sao Anh không di tản đi?” Tôi trả lời cũng có tìm đường đấy, nhưng không gặp giây, đành chịu vậy biết làm sao bây giờ.

Trong những dịp tổ chức Trại huấn luyện Huynh trưởng Hướng đạo Quân đội, tại Long Thành hoặc Vũng Tầu hồi trước 30-4-1975, Tôi thường đưa Vợ và các Con đến dựng lều ở chơi trong Trại, nhờ thế các Con tôi và anh D có nhiều cảm tình thân thiết với nhau. Hẳn là các Con tôi đã nói gì với anh D trước, nên để trấn an tinh thần cho Tôi, anh ấy nói tiếp ngay: “Mồng hai, em mới đi trình diện. Em sẽ ghé lại đèo Anh cùng đi bằng Honda của em. Anh đừng lo. Mồng một, người ta tổ chức mít-tinh lớn lắm, sẽ có đông người, Anh không nên ra đường.”

Anh D cũng khoe rằng, một người thân của Cha anh ấy đi tập kết mới trở về có ghé thăm gia đình, cho biết là cứ yên tâm đi trình diện, làm thủ tục xong sẽ được tạm về chờ lệnh Nhà nước gọi đi học tập sau. Hạ sĩ quan, Binh sĩ như anh ấy, thì sẽ học tập 3 ngày tại địa phương. Còn Sĩ quan là những người quan trọng hơn lính, sẽ phải đi cải tạo một thời gian, rồi mới được trở về hội nhập vào xã hội mới Xã hội Chủ nghiã.

Sáng ngày 2-5-1975, anh D đem Honda đến đón Tôi cùng đi trình diện, tại trụ sở Tổng cục Chiến tranh Chính trị, số 2 Ðại lộ Thống Nhất, Sài Gòn. Trên dọc đường đi anh D dặn Tôi, khi đến nơi hãy đứng ở ngoài cổng giữ xe, để anh ấy vào thăm thử xem tình hình ra sao. Nếu thấy thuận lợi không có gì nguy hiểm thì sẽ trở ra kêu Tôi vào. Còn ngược lại thì sẽ ra đưa Tôi về nhà tìm phương cách khác.

Văn phòng Tổng cục trưởng của Trung tướng Trung, được dùng làm nơi trình diện và hoàn tất các thủ tục khai báo. Anh D vào được 5 phút thì quay ra khóa cổ xe Honda và rủ Tôi cùng vào.

Khoảng 20 Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ thuộc Tổng cục đã đến từ trước ngồi đầy các ghế, Tôi và anh D ngồi vào 2 ghế còn trống trên hàng đầu.

Một Cán bộ cộng sản, mặc bộ đồ Tác chiến xám mầu cứt ngựa, không thấy đeo cấp hiệu, ngồi nơi bàn làm việc của Tướng Trung, vẫy tay kêu từng người lên làm việc theo thứ tự tới trước sau. Sau này khi nhận được giấy chứng nhận đã trình diện do ông ấy ký, Tôi mới biết tên là Việt, cấp bậc thì không rõ vì không ghi trên giấy.

Tôi ngồi trên chiếc ghế ở hàng đầu, sát gần trước bàn giấy ông Việt đang ngồi, được một lúc thì thấy cánh cửa phía thông qua phòng tùy viên bật mở. Một người cũng mặc đồ trận, vai đeo chiếc máy ảnh dã chiến loại nhà nghề, tay trái đeo một băng vải đỏ (cách mạng 30 tháng tư), bưng phích nước trà sâm bước ra để lên bàn.

Liếc nhìn thấy Tôi, người này ghé tai nói nhỏ điều gì với ông Việt, rồi đi trở vô trong. Một phút sau trở ra, để lên bàn trước mặt ông Việt một mẩu giấy nhỏ. Nhờ thế, Tôi nhận ra được người kia chính là anh Hạ sĩ quan chuyên viên chụp ảnh của Cục Tâm Lý Chiến, thường được chọn lựa cho đi theo ghi những hình ảnh phóng sự, hoạt động của Tổng thống Thiệu và các cấp Lãnh đạo lớn trong Chính phủ VNCH trước 30-4-1975.

Ông Việt liếc mắt đọc mảnh giấy xong, ghé sát tai anh ta nói nhỏ. Sau đó anh ta đi vào bên trong mất hút. Hai phút sau, có tiếng nói ở cuối Phòng, yêu cầu mọi người tạm sang phòng Họp kế bên chờ, Cán bộ cần làm việc riêng một lúc. Tôi đứng lên thì ông Việt nói: “Mời Ðại tá ngồi đó, tôi có chuyện hỏi riêng.”

Tôi giật mình, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng vẫn bình tĩnh ngồi xuống. Ðã rơi vào tay cộng sản, thì trước sau rồi cũng chết có gì mà phải lo.

Chẳng có gì đặc biệt, ông ấy hỏi Cấp bậc, Chức vụ trong Tổng cục, lý lịch cá nhân, có mấy con, bây giờ Vợ Con đang ở đâu, quá khứ hoạt động trong chính quyền cũ, tên các cấp chỉ huy các cơ quan và đơn vị mình đã phục vụ, bây giờ họ ở đâu?... và sau cùng yêu cầu nộp súng cá nhân, y như đã làm đối với mọi người đã trình diện trước vậy thôi.

Khi Tôi nộp khẩu súng lục có ổ quay tròn và hộp đạn xong, ông ấy hỏi: “Không có dao găm à?” Tôi trả lời Sĩ quan Quân đội chúng tôi đâu có được phát dao găm. Ông ta gật đầu rồi hỏi tiếp: “Ðại tá có biết bây giờ Trung tướng Trung đang ở đâu không?” Tôi trả lời, hồi sáng sớm 30-4-1975, Tôi còn tiếp xúc với Trung tướng Trung qua điện thoại Văn phòng này, bây giờ thì không biết Tướng Trung ở đâu.

Sau khi hỏi cung Tôi xong, mọi người lại được mời trở lại chỗ ngồi như trước. Ông Việt yêu cầu một anh em nào đó đang có mặt trong Phòng phát biểu ý kiến. Anh D xung phong nói: “Ăn cây nào thì phải rào cây nấy, sống dưới Chế độ miền Nam thì chúng em phải tuân hành luật lệ như mọi người, thi hành nghiã vụ quân sự vậy thôi. Bây giờ Cách mạng thành công, đất nước thống nhất dưới quyền của Cách mạng, thì chúng em chỉ muốn được tiếp tục sống như những người dân bình thường, tuân theo luật lệ của Nhà nước Cách mạng.”

Ông ấy gật đầu rồi chỉ tay vào Tôi hỏi: “Ðại tá có ý kiến gì không?”

Tôi chậm rãi hỏi: -Cán bộ có thể cho Tôi biết Cấp bậc của Cán bộ, để tiện xưng hô không?

Ông ta nói: “Ðối với chúng tôi cấp bậc không quan trọng, Ðại tá cứ gọi Cách Mạng là được rồi.”

Tôi bình tĩnh nói: -Cách mạng và chúng tôi, mỗi bên đi theo một lý tưởng xây dựng kiến thiết Quốc gia khác nhau, nay chúng tôi thua, trở thành tù binh của Cách mạng, thì tùy quyền xét xử của Cách mạng. Làm gì thì chúng tôi cũng phải chịu. Chỉ xin một điều duy nhất, là Vợ Con của chúng tôi không liên hệ gì vào công việc làm của chúng tôi, cũng như bao nhiêu người dân sống ở miền Nam này vậy, xin hãy đại lượng cho họ được tiếp tục sinh sống như mọi người dân thường khác.

Ông ấy nói: “Cách mạng rất Ðại lượng và Công bằng, các anh cứ yên tâm đừng lo, tôi sẽ cấp giấy chứng nhận đã trình diện để các anh ra về thong thả, và ở nhà đợi lệnh Nhà nước sẽ gọi đi học tập cải tạo một thời gian, chắc chắn không lâu bằng thời gian đã phục vụ trong Chế độ cũ đâu.” Và để trấn an mọi người, ông Việt với giọng ôn tồn thân thiện trịnh trọng nói thêm: “Tội ai làm nấy chịu, Vợ con không liên can gì, vẫn được cư xử công bằng như mọi người dân bình thường khác. Cách mạng không bao giờ nói sai đâu. Các anh cứ yên tâm.”

Sau khi nhận giấy đã trình diện xong, Tôi thở phào nhẹ nhõm, mừng vì có được thêm thời gian lo ổn định nơi ăn chốn ở cho Vợ Con, trước khi ly biệt nhau không hy vọng ngày trở lại. Anh D vui mừng khoác tay Tôi kéo đi vội ra cổng, làm như sợ người ta đổi ý kiến.

Tới cổng, trong khi anh D mở khóa cổ xe Honda, Tôi ghếch ngồi lên nệm phía sau lưng anh ấy, người bộ đội gác cổng nhìn Tôi hất hàm hỏi: “Hộ lý của anh đấy à?”. Anh D nhanh miệng trả lời: “Không, anh này làm chung một chỗ với em, nhà ở gần nhau, nên cùng đi cho vui vậy thôi.” Đồng thời lẹ làng mở máy xe, thả ga vọt đi thật nhanh chở Tôi về căn nhà gia đình Tôi đang tạm trú.

Ðến chiều tối, anh D đến mời cả gia đình Tôi, sang tạm trú tại nhà riêng của anh ấy cho được “bảo đảm” an ninh hơn. Vì nhờ ông thân sinh của anh ấy, có người thân thuộc hàng Cán bộ đi tập kết về, được xe hơi nhỏ của Nhà Nước chở tới nhà thăm gia đình, xóm giềng ai cũng thấy, nên Cán bộ địa phương và bọn “Cách mạng 30 tháng tư” không dám héo lánh làm phiền.

Hồi cuối năm 1995 hay đầu 1996, Tôi không nhớ rõ ngày, nhân dịp về dự Trại Họp bạn Hướng đạo Việt Nam tại vùng Quận Orange Nam California, anh D được Mục sư Nguyễn quang Minh, cũng là một Huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam trước kia, cho biết tin về Tôi. Anh D đã gọi điện thoại hỏi xin địa chỉ, và nhờ bạn lái xe đưa đến tận nhà thăm Tôi và gia đình. Nhờ thế Tôi được biết gia đình anh D cũng đã vượt biên sang Hoa Kỳ, và đang định cư tại Tiểu bang Texas. Anh D mới qua đời cách nay mấy năm vào đầu thế kỷ 21.

Cái kỳ anh em chúng tôi phải trình diện Quân CSBV lần thứ nhất, tại nhiệm sở hồi đầu tháng 5-1975, không ai bị giam giữ ngay, ngoại trừ một thiểu số đặc biệt đã bị họ ghi tên trong sổ đen từ trước. Theo Tôi nghĩ, có lẽ một là vì chưa có lệnh của Hà Nội, hai là các đơn vị cộng sản còn đang bận tiếp tục hành quân tiến chiếm các Tỉnh miền Tây chưa xong, nên chưa kịp thu xếp nơi giam cũng như không có người để canh giữ, hàng chục ngàn sĩ quan trong một lúc tại Sài Gòn.

Trong thời gian được ở nhà chờ lệnh gọi đi trình diện học tập cải tạo, có một số Sĩ quan cao cấp (trong đó có Tôi) bị gọi riêng để thẩm vấn nhiều lần, tại mấy căn nhà trên con đường bên hông sau Tòa Ðại sứ Anh quốc đường Thống Nhất (Tôi không nhớ tên đường). Họ hỏi về Tổ chức và nhiệm vụ của những Cơ quan Ðơn vị mình đã phục vụ, suốt từ khi nhập ngũ cho đến ngày 30-4-1975, tên các người chỉ huy mình... Sau suốt một ngày thẩm vấn, có người được ra về, có người bị giữ lại thấm vấn tiếp, rồi đưa đi đâu không ai biết.

Vào gần cuối tháng 5-1975, Ban Quân quản Sài Gòn lại ra thông cáo buộc mọi người phải trình diện lần thứ 2, tại đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn. Lần này, họ tịch thu thẻ căn cước dân sự, thẻ Sĩ quan, và cấp cho một mảnh giấy chứng nhận đã trình diện chờ ngày đi tập trung cải tạo.

Hôm ấy, Tướng, Tá, Úy Nam Nữ đến trình diện rất đông. Tôi gặp một số bạn quen biết tại Sài Gòn, và rất nhiều người lạ từ các địa phương chạy về Sài Gòn tá túc. Nét mặt ai nấy đăm chiêu ngại ngần, không dám vồn vã chào hỏi nhau như thường lệ. Ngoại trừ một thiểu số (cách mạng 30 tháng Tư) có vẻ mặt hoan hỉ, quan trọng, lạnh lùng, làm ngơ trước bạn bè cũ như chưa bao giờ quen biết nhau. Nhưng đến giữa tháng 6-1975, tới nơi trình diện tập trung cải tạo, Tôi lại gặp những người này cũng phải đi chung với chúng tôi.

Trong thời gian chưa bị đưa đi tập trung cải tạo, Tôi đã tiếp xúc với một số Huynh trưởng Hướng đạo Quân đội còn ở lại Sài Gòn, tìm đường giây vượt biên nhiều lần nhưng không thành, đành chịu bó tay ngồi chờ sự bất hạnh chung với các chiến hữu khác.

Tới tháng 6-1975, mặc dù Trung Ương Ðảng CSVN tại Hà Nội chưa soạn xong các tài liệu nhồi sọ, cũng như chưa huấn luyện xong Cán bộ giảng huấn, mà vẫn phải ra lệnh tập trung, vì nhiều người tìm cách vượt biên. Ðồng thời cũng có những tổ chức Phục quốc hoạt động bí mật, ám sát Cán bộ cộng sản xâm lược miền Nam Việt Nam, ngay trong thành phố Sài Gòn Chợ Lớn.

Hạn chót phải đi trình diện tập trung là 15 tháng 6 năm 1975, nhằm ngày Ðoan Ngọ, 5 tháng 5 âm lịch năm Ất Mão. Năm người con lớn, dùng xe đạp chở và theo tiễn Tôi đến nơi trình diện. Chỉ còn 2 người con gái 13 và 10 tuổi ở lại nhà cùng Vợ tôi, trông nhà không đi.

Một toán Bộ đội giải phóng đặt súng liên thanh, làm nút chặn ngay tại Bình bông ngã sáu đầu đường Minh Mạng, cách Ðại học xá Minh Mạng địa điểm trình diện khoảng mấy trăm thước. Cha Con chúng tôi phải chia tay nhau tại Bình bông này.

Trong khi ôm hôn từ biệt, thấy nét mặt thơ ngây đôn hậu ngơ ngác của các Con, một nỗi buồn man mác xâm chiếm xé tim gan làm Tôi xúc động rưng rưng lệ. Không biết các Con của Tôi lúc đó có nghĩ rằng, đây có thể là lần chót Cha Con được nhìn thấy mặt nhau không? Hay chúng vẫn an tâm, đinh ninh hy vọng ở lời tuyên bố ngọt ngào trịnh trọng khoan hồng nhân đạo của Cách mạng, là 30 ngày sau, Cha Con, Vợ Chồng lại đoàn tụ bên nhau xây dựng cuộc sống mới.

Thật là giây phút não nuột nhất trong cuộc đời Tôi, không thể tìm ra lời nào tả được đầy đủ cái cảm giác xúc động đau đớn này.

Bánh tro Ðoan Ngọ vàng trong,
Anh hùng thất thế đành lòng nộp thân.
Vợ con lo lắng tiễn chân,
Hoang mang, ngơ ngác, tần ngần lệ rơi.
Tháng Tư đại nạn đổi đời,
Vì Dân nay phải vào nơi đọa đày.
Tự do giã biệt từ đây,
“Chim lồng cá chậu” biết ngày nào ra.
Chơi vơi đâu chỉ riêng Ta,
Toàn dân Nam Việt lệ nhòa đau thương.
Kiêu binh cộng sản đầy đường,
Bợ thời phản bội khối phường tiểu nhân.
Từng quen luồn cúi kiếm danh,
Nhiễu nhương lật lọng ôm chân kẻ thù.
Bọn thì đội lốt nhà Tu,
Xúi người khác đạo gây thù hại nhau.
Con buôn chính trị hoạt đầu,
Vội mang băng đỏ dép râu làm hề.
Lăng xăng mừng Cách mạng về,
Tung tăng bợ đỡ làm thuê không tiền.
Du côn, đứng bến, nằm hiên,
Bỗng dưng đời đổi, nắm quyền trị dân.
Cướp đường, trộm chợ, phu khuân,
Hóa thành Cách mạng, áo quần bảnh bao.
Ủy ban Quân quản ra vào,
Tiền hô hậu ủng, Cờ sao đỏ đường.
Ðổi đời rối loạn Âm Dương,
Ðảng đoàn, chồn cú, ma vương hoành hành.
Khắp nơi xú uế hôi tanh,
Còn đâu không khí trong lành Tự do.
Sài Gòn đổi ra Thành Hồ,
Mặc tình bè lũ Tam Vô hại đời.

Nguyễn-Huy Hùng

 

 

 

 

 

 

 

 

III. THỜI CƠ MỚI, CẦN THÊM NỖ LỰC MỚI

 

Năm 1945, Thế giới Đại chiến II chấm dứt, các Đảng phái Chính trị Quốc gia Nhân bản Dân tộc và toàn Dân Việt Nam liên hiệp với phe nhóm cộng sản Hồ Chí Minh giành lại được Độc lập cho Dân tộc. Nhưng chỉ được mấy tháng sau thì Hồ Chí Minh phản bội. Ông ta nhân danh Chủ tịch Chính phủ cùng với Vũ Hồng Khanh trong Chính phủ Liên Hiệp, đại diện dân tộc Việt Nam ký với Sainteny đại diện Pháp tại Hà Nội, Hiệp ước Sơ Bộ ngày 6 tháng 3 vào lúc 16 giờ 30, tại số 38 đường Lý Thái Tổ, để cho quân Pháp được tự do trở lại chiếm đóng nhiều nơi trên miền Bắc và miền Trung Việt Nam (Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương, Điện Biên Phủ, Lai Châu, Hòn Gay, Tiên Yên, Móng Cáy, Lộc Bình, Lạng Sơn, Đồng Đăng, Thất Khê, Cao Bằng, Đà nẵng, Huế...). Đặc biệt vào sáng sớm ngày 6 tháng 3, lúc đó Hiệp ước chưa chính thức ký, thế mà quân Pháp đã được tầu chiến chuyên chở từ Vịnh Hạ Long tiến vào sông Bạch Đằng thương thuyết với quân Tầu để đổ bộ lên chiếm hải cảng Hải Phòng.

Đại ý nội dung Hiệp ước Sơ bộ ngày 6 tháng 3, đã được chính phủ Pháp tái xác nhận và công bố chính thức sau Hội nghị Fontainebleau khai mạc vào đầu tháng 7-1946, quy định:

1. Việt Nam chấp nhận cho Pháp đổ 15,000 quân lên một số tỉnh tại miền Bắc Vĩ Tuyến 16 trên đất nước Việt Nam để thay thế 180,000 quân Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, do Tướng Lư Hán chỉ huy, đang đại diện Liên Hiệp Quốc thi hành việc giải giới quân Phiệt Nhật.

2. Pháp nhìn nhận Việt Nam là một “Quốc gia tự do” (Etat libre) trong Liên Hiệp Pháp (Union francaise); và nhân dân Việt Nam sẽ tự quyết định sự thống nhất lãnh thổ của mình qua một cuộc trưng cầu dân ý.

3. Pháp hứa là sẽ rút quân ra khỏi Việt Nam trong vòng 5 năm, đúng theo lời xin của Hồ Chí Minh đã viết trong thơ hồi hắn còn đang ở trong “bưng” vùng Tuyên Quang, và đã nhờ toán AGAS Mỹ chuyển cho Sainteny vào ngày 25-7-1945 để trình lên chính phủ Pháp. Theo sự tiết lộ của Sainteny trong hồi ký đã được phổ biến công khai, thì trong bức thư đó Hồ Chí Minh đã ghi rõ là Hồ Chí Minh chấp nhận sự trở lại Việt Nam của Pháp với điều kiện cho Việt Nam độc lập trong vòng từ 5 đến 10 năm.

Nghiên cứu kỹ nội dung bản Hiệp ước và những Phụ bản Quân sự, người ta thấy rõ ràng đây là Tờ Giao Kèo bán nước hại dân của Hồ Chí Minh và phe nhóm Việt cộng, là văn kiện chính thức chấp nhận sự có mặt hợp pháp của quân Pháp trên toàn cõi Việt Nam, sau khi quân Pháp đã đánh chiếm và thành lập xong chính quyền đô hộ toàn miền Nam Việt Nam và phân nửa miền Trung từ Vĩ Tuyến 16 trở xuống, từ ngày 31 tháng 1 năm 1946 khi quân Anh Cát Lợi, đại diện Liên Hiệp Quốc giải giới quân Nhật tại miền Nam Vĩ Tuyến 16, bắt đầu rút ra khỏi Việt Nam trao quyền quản trị cho quân Pháp.

Các Đảng phái Chính trị Quốc gia không cộng sản, bất mãn, tổ chức biểu tình chống đối, bị Hồ Chí Minh dùng Công An xung phong vây bao các trụ sở của Đảng phái nói trên và bắt bớ giam cầm tiêu diệt tất cả thành viên, để chiếm độc quyền quản trị đất nước theo Chủ nghiã Tam Vô chuyên chính do Liên Xô Nga lãnh đạo. Từ đó bắt đầu phát sinh trận chiến đấu tranh của các Đảng phái không cộng sản chống lại phe nhóm Việt cộng của Hồ Chí Minh, dưới nhiều hình thức khác nhau cho đến tận bây giờ.

Sau Thế giới Đại chiến II, các nước trên Địa cầu bị phân chia thành hai khối đối đầu nhau dưới hình thức “Chiến tranh Lạnh”. Một bên do Liên xô-viết cộng sản Nga lãnh đạo gồm các nước Đông Âu, một nửa phiá Đông nước Đức bị Hồng quân Nga chiếm đóng, Trung Cộng, nửa phiá Bắc Việt Nam, nửa phiá Bắc nước Đại Hàn, và một bên do Hoa Kỳ lãnh đạo gồm các nước Tư bản Tây phương và các nước nhược tiểu mới giành lại được độc lập (không theo cộng sản). “Chiến tranh Lạnh” kéo dài cho đến những năm cuối thập niên 1980 qua đầu thập niên 1990 mới chấm dứt, khi đại khối cộng sản Liên xô Nga và các nước cộng sản Đông Âu bị xụp đổ hoàn toàn.

Hiện nay chỉ còn Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba, là đang tiếp tục theo chính sách Độc Đảng chuyên chính toàn trị độc tài xảo quyệt khát máu, theo cái tư tưởng lỗi thời mộng tưởng của Mác Lê-nin lạc hậu so với thời đại tin học tiên tiến, hòa đồng phát triển, và các quyền Tự do Dân chủ Nhân quyền Bình đẳng của nhân loại được tôn trọng trên toàn Thế giới.

Sở dĩ nhóm 4 quốc gia cộng sản này còn tồn tại được đến ngày hôm nay, vì tập đoàn lãnh đạo áp dụng chính sách Vô sản chuyên chính, độc đảng tập quyền toàn trị bằng bạo lực Công An Quân phiệt áp bức dân chúng phải tuân theo, cùng với hệ thống tuyên truyền xảo trá lưu manh một chiều bưng bít vô liêm sỉ của chúng.

Riêng đối với Việt Nam, từ sau ngày Quốc hận 30 tháng 4 năm 1975, cộng sản Bắc Việt xâm lăng toàn miền Nam Việt Nam và áp đặt chế độ chuyên chính Xã hội Chủ nghiã lên toàn đất nước Việt nam, thì “cuộc chiến bất bạo động” của toàn dân Việt Nam chống bạo quyền Việt cộng, ở trong nước cũng như đang lưu vong tỵ nạn nơi hải ngoại, bắt đầu bộc phát mạnh mẽ và liên tục suốt hơn 40 năm nay, bằng nhiều phương thức hành động khác nhau. Chính vì mọi người không muốn dùng bạo lực tiêu phí xương máu của đồng bào mình nhiều hơn nữa, sau gần nửa Thế kỷ đất nước và Dân tộc bị đắm chìm trong lửa đạn của cuộc “chiến ý thức hệ Quốc Cộng” “huynh đệ tương tàn” do chính bè lũ Việt cộng với sự hỗ trợ thúc đẩy của phe nhóm cộng sản Quốc tế Nga đã mù quáng gây ra, nên chưa gặt hái được thành quả tối hậu là “giải trừ được bè lũ Mafia bạo quyền Việt cộng”, để cứu Dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách tôi đòi lao khổ như mong muốn. Và cũng vì bản chất nhân hậu tôn trọng Dân chủ Tự do Nhân quyền của những con người Tự do không cộng sản, nên các nhóm tranh đấu và đoàn thể Quốc gia Nhân bản chưa kết hợp được thành một khối vững chắc thuần nhất với kỷ luật sắt độc tài như cộng sản, để chung lưng đấu cật thúc đẩy cuộc đấu tranh một cách mạnh mẽ đạt kết quả nhanh chóng như toàn Dân tộc Việt Nam trông đợi.

Trong tình hình biến chuyển sôi động trên Thế giới và Việt Nam hiện nay, một số nhà khoa bảng, trước kia từng góp phần tích cực trong các Chính quyền tại miền Nam Việt Nam, hoặc thuộc thành phần thứ ba từng muốn Trung lập sống chung hòa bình với Việt cộng (nhưng sau 30 tháng 4 năm 1975 đã bị Việt cộng khinh rẻ bắt bớ đày ải trong ngục tù tập trung, y như những ngưòi chiến binh Việt Nam Cộng Hòa kiên cường cầm súng, và các nhân sĩ, nhà văn, nhà báo cầm bút, trực diện chống cộng sản xâm lăng miền Nam Việt Nam) lại đang muốn lợi dụng thời cơ “theo đóm ăn tàn” lên tiếng góp phần đề nghị giải pháp cho vấn đề Việt Nam theo chiều hướng “quên đi quá khứ, hòa hợp hòa giải đại đoàn kết dân tộc” mà Việt cộng đang rêu rao kêu gọi.

Quý Vị ấy nhận định rằng, hiện nay trong hàng ngũ của Việt cộng cũng như trong hàng ngũ Quốc gia Nhân bản chống Cộng, đang phân hóa ra thành 2 nhóm: “Cực đoan bảo thủ” và “Đổi mới muốn hòa hợp hòa giải”. Quý Vị ấy cũng suy đoán rằng vì xu thế biến chuyển của thời đại tin học đồng tiến toàn cầu hiện nay, các nhóm cực đoan của cả 2 bên sẽ bị đào thải, và tất nhiên 2 nhóm đổi mới của cả 2 bên cần tìm cách ngồi lại hợp tác hỗ trợ nhau “nội công ngoại kích” thì chắc chắn việc “đại đoàn kết dân tộc” sẽ sớm đạt thành quả tốt đẹp, và nhóm mới thành hình này sẽ là nhóm lãnh đạo nòng cốt chuyển tiếp cho thời hậu cộng sản, để xây dựng thể chế Đa nguyên Tự do Dân chủ Pháp trị và Nhân quyền sẽ được bảo vệ tôn trọng tại Việt Nam.

Theo thiển kiến, đây là những suy tư cũng có phần đáng quan tâm. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm không chỉ riêng của dân tộc Việt Nam mà có thể nói là của cả các dân tộc khác trên toàn Thế giới, về hậu quả liên hiệp hòa hợp hòa giải sống chung với Việt cộng suốt hơn nửa Thế kỷ qua, dưới nhiều hoàn cảnh và hình thức khác nhau, đã đem lại tình cảnh khốn đốn cho dân tộc Việt Nam ngày hôm nay. Bằng chứng cụ thể là, quảng đại quần chúng Việt Nam vẫn nghèo đói lao khổ triền miên, chỉ có nhóm cán bộ đảng viên cộng sản “giai cấp Tư bản Phong kiến Đỏ mới” và bầu đàn thê tử tôn của chúng, mới được độc quyền hưởng thụ “vinh thân phì gia” xuất ngoại như đi chợ, hiển nhiên rành rành ra đó ai cũng thấy được rõ ràng. Do đó, chúng ta không thể vì “cuộc chiến bất bạo động” diễn tiến từ hơn 40 năm nay chưa đem lại thành quả mong muốn, mà nôn nóng “nhẹ dạ cả tin” vào những “cò mồi” do bè lũ Việt cộng tung ra dụ dỗ mê hoặc, như chúng vẫn từng làm trong quá khứ, để giúp cho chúng có cơ hội mua thời gian củng cố lại nội bộ “lùi một bước để tiến lên hai bước” theo chiến thuật cũ rích của chúng mà mọi người đã biết.

Có người lại cho rằng, chúng ta đang thiếu một lãnh tụ, một chủ thuyết căn bản vững mạnh có thể đánh đổ tận gốc rễ chủ thuyết cộng sản Mác Lê. Điều đó theo thiển ý, hiện nay không còn là điều kiện căn bản cần thiết nữa. Vì sau hơn 70 năm thực thi chủ thuyết cộng sản Mác Lê, thực tế cuộc sống của quảng đại quần chúng trong các nước xã hội chủ nghiã tồi tệ nghèo đói chậm phát triển, thua xa cuộc sống của quần chúng trong các xã hội theo Tư bản chủ nghiã, và hậu quả hiển nhiên đã xảy ra là Quốc tế cộng sản do Liên Xô Nga lãnh đạo đã xụp đổ hoàn toàn, ngay tại cái nôi đã phát sinh ra nó. Đặc biệt sự xụp đổ đó, lại do chính quảng đại quần chúng trong các nước xã hội chủ nghiã, với sự hợp tác của các lãnh tụ đảng viên nòng cốt trung kiên của đảng cộng sản vùng lên đạp đổ phế bỏ, để giành lại các quyền căn bản của con người đã bị các chính quyền chuyên chính cộng sản tước đoạt suốt mấy chục năm trời.

Hiện nay, tình trạng nội bộ bè lũ Mafia Việt cộng đang phân hóa lủng củng tột cùng, cũng như bị toàn dân khinh bỉ không còn nể sợ như trước kia nữa, chính là nhờ vào hiệu quả “cuộc chiến bất bạo động” do những người Việt Nam chống Cộng đang lưu vong tỵ nạn trên toàn thế giới, cùng những người từng là đảng viên cộng sản nay đã phản tỉnh, nhiệt tình thường xuyên tiếp tay cùng toàn dân, vận động thúc đẩy cuộc đấu tranh dưới mọi hình thức trong mọi lãnh vực gọi là “diễn biến hòa bình” từ mấy chục năm nay mà có được, chớ đâu cần phải tôn vinh một minh chủ nào để hướng dẫn?

Nếu ta ví cuộc đấu tranh giải thể bè lũ Mafia Việt cộng hiện nay, như một cuộc đấu võ triệt hạ bọn cướp to con, ù lì tàn bạo, có sức mạnh súng đạn và thủ thuật võ công MA GIÁO, nhưng đang rơi vào trạng thái tinh thần sa sút vì “tứ bề thọ địch”, còn những nhóm người đánh bọn cướp là các nhóm nhân sĩ và đoàn thể tranh đấu cho Tự do Dân chủ Nhân quyền cho dân tộc Việt Nam, cả ở trong lẫn ngoài nước, dù chỉ là các nhóm võ sĩ CHÍNH GIÁO nhỏ thó không có một tấc sắt trong tay, nhưng mưu lược thông minh nhân hậu, thì đâu cần phải chờ bầu ra một minh chủ mới tiếp tục cuộc đấu đến thắng lợi cuối cùng!

Mục đích chung là triệt hạ bọn cướp, vậy mỗi nhóm võ sĩ hãy tùy theo khả năng kỹ thuật võ công của mình, hiệp lực cùng mọi giới đồng bào đang bị bọn cướp trấn áp bóc lột cùng tiến lên một lượt, đồng loạt tung ra các ngón đòn chí tử liên tiếp từ khắp mọi hướng đánh vào các yếu huyệt của bọn cướp, thì chúng sẽ luống cuống chống đỡ không kịp, và chắc chắn phải ngã qụy không còn cơ may ngóc đầu lên nổi nữa.

Sau khi hạ xong quân cướp rồi, thì toàn dân sẽ cùng các nhóm nhân sĩ và đoàn thể đấu tranh cho Dân chủ Nhân quyền của dân tộc Việt Nam, hiệp lực dựng lên một Chính quyền Liên hiệp chuyển tiếp để xây dựng nền móng cho một chế độ chính trị Đa đảng Dân chủ Pháp trị Bình quyền Công bằng Nhân ái, như mọi người từng mơ ước từ những năm đầu Hậu bán Thế kỷ 20 đến nay.

Đây là chiến thuật “GÓP GIÓ THÀNH BÃO”, cũng có thể gọi là “chiến thuật biển người” do chính cộng sản từng dùng xưa nay để cướp chính quyền, mà người viết mạo muội đề bạt để Quý Vị nhân sĩ đang còn quan tâm lo lắng cho tương lai trường tồn của Dân tộc đất nước Việt Nam, xét định tiếp tay hỗ trợ cho các nhóm nhân sĩ và đoàn thể đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền cho Việt Nam ở trong nước cũng như nơi hải ngoại, có đủ phương tiện và hoàn cảnh thuận lợi tiếp tục ra sức đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, hòng sớm cứu Dân tộc Việt Nam thoát ra khỏi ách cai trị độc đảng độc tài chuyên chính toàn trị bạo tàn của bè lũ Mafia Việt cộng, để quảng đại quần chúng Dân tộc Việt Nam ở trong nước có được một cuộc sống đầy đủ ấm no hạnh phúc, Nhân quyền được tôn trọng bảo vệ một cách bình đẳng, quốc gia Việt nam trường tồn hưng thịnh kịp thời đại mà các dân tộc khác trên toàn Thế giới đang được hưởng.

Hiện nay thời thế mới đang đem đến cho chúng ta những thời cơ mới, vậy chúng ta hãy cùng nhau cố gắng tạo ra các đường lối hành động mới cho cuộc chiến loại trừ bè lũ bán nước hại dân Việt cộng, để giải cứu cho Dân Tộc Việt Nam thoát khỏi ách cai trị độc tài đảng trị chuyên chính vong nô của bạo quyền Việt cộng càng sớm càng tốt.

Cầu xin Thượng Đế, Hồn thiêng sông núi dòng giống Tiên Rồng và Anh linh các Thánh Hiền Tử sĩ Việt Nam, phù trợ cho tất cả chúng ta có đủ can đảm sáng suốt, tiếp tục đoàn kết chặt chẽ cùng toàn dân Việt Nam dấn thân tranh đấu sớm loại trừ được bè lũ Mafia bạo tàn vô nhân đạo Việt cộng, để rồi cùng nhau phục hưng Quốc gia Dân tộc Việt Nam trường tồn phát triển thịnh vượng vững mạnh trong thanh bình hạnh phúc muôn đời trên quả địa cầu này.

Mong lắm thay.

Nguyễn-Huy Hùng

Cựu Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Phụ tá Tổng Cục trưởng Chiến tranh Chính trị kiêm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến trước 30-4-1975,

Cựu tù nhân chính trị 13 năm lao đông khổ sai trong các trại tập trung cải tạo của Đảng Việt Cộng và Nhà nước Cộng Hòa xã hội Chủ nghiã Việt Nam trên cả 3 miền đất nước Việt Nam sau ngày Quốc hận 30-4-1975.

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Mùa QH 30-T4-Đ/2018. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by nhh chuyển

 

Đăng ngày Thứ Hai, April 30, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang