Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Ngược dòng Thời gian
Chủ đề: Truyện ngắn
Tác giả: Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Tự Truyện một Phi Công



Bài 8

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Thân mến tặng các chiến sĩ Lôi Hổ của Chiến Đoàn III Xung Kích Nha Kỹ Thuật, để cùng nhau tưởng nhớ đến một buổi chiều Tây Nguyên rực nắng quê mình...

 

 

Trước khi vào truyện: Bài này tôi viết vào Ngày Quân Lực năm 1989, cách đây 23 năm, lúc tôi mới tập tễnh cầm bút, đăng trên Tập San Ngàn Sao của anh em Không Quân Houston. Xin cám ơn Hắc Ưng 01, tức Trung tá Nguyễn Tiến Thành, (Còn được anh em âu yếm gọi là Thành... dâm – thời buổi này, ai nói mình dâm là một lời khen quý giá vô cùng) một phi đoàn trưởng F–5, một nhà thơ, một... con người đầy tình cảm đã cho tôi lại bài này sau nhiều năm thất lạc. Nếu ai chưa đọc, xin đọc. Nếu ai đã đọc rồi, đọc lại cũng chẳng sao. Điếu quan trọng ở đây, tâm hồn tôi ngày đó như thế nào thì bây giờ cũng như thế thôi... Ai biết đời đổi thay, sẽ không bao giờ thay đổi. Ai tưởng rằng đời không thay đổi, người đó thế nào cũng đổi thay...

TSLXN

Sau mười mấy năm di tản, tôi đã được đọc hơn chục câu chuyện viết về cuộc đời binh nghiệp của nhiều người. Chuyện nào cũng hay, cũng có nhiều kỷ niệm, nhiều hào hùng. Riêng tôi, nhớ lại quãng đời binh nghiệp dang dở của mình, dù có chủ quan đến đâu, tôi cũng thấy hơi... mắc cỡ. Kể từ ngày vòng tay giã từ bố mẹ đi đăng lính cho đến ngày leo lên tàu bay... “chạy thấy mẹ”, đời lính tôi chẳng có đoạn nào hào hùng đáng để viết ra đây cho độc giả thưởng thức. Lý do đơn giản vì tôi là phi công lái tàu bay L–19. Nếu là phi công khu trục hay trực thăng, có lẽ tôi cũng đã có nhiều kỷ niệm ghê gớm hơn đáng được kể lại cho thiên hạ nghe như lúc cắm tàu bay xuống giữa rừng phòng không để thả những trái bom xuống đầu địch, hoặc lái trực thăng xông pha lửa đạn đến để thả quân, bốc thương binh ở những vùng địa đầu giới tuyến, vân vân. Tàu bay L–19 của tôi, thân hình ẻo lả chậm chạp, thường bị người ta gọi là Tàu Bay Bà Già, được dùng để thám thính và đánh trái khói chỉ điểm mục tiêu. Thám thính hay quan sát thì bay cao bay thấp gì cũng được, chẳng ai cần để ý. Mới ra trường vì “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nên tôi còn hăng lắm, trận thám sát nào cũng bay thấp gần ngọn cây. Nhưng già hơn một chút nữa thì cái bu–gi của tôi nó cứ từ từ teo lại như bị mắc phải một chứng bịnh quái ác, và cao độ quan sát càng ngày tăng theo tỉ lệ nghịch của... con chim để tránh bớt phòng không. Gần đến ngày mất nước thì nó cao lắm, tôi không nhớ là mấy ngàn bộ.

Tôi không thể tự dối lòng mình và dối thiên hạ để bảo rằng ngày xưa tôi là một chiến sĩ oai hùng lắm, anh dũng lắm. Đời tôi đã hèn một lần ngày 30 tháng 4, tôi chẳng thể hèn thêm nữa. Nói láo, đối với tôi là một hành động hèn nhát. Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó rằng một trong những đức tính quan trọng nhất của người võ sĩ đạo Nhật Bản là không bao giờ nói dối. Vì vậy, tôi đành thành thực mà viết rằng suốt mấy năm mặc áo nhà binh ăn cơm chính phủ, những đoạn đáng nhớ nhất về cuộc đời binh nghiệp của tôi có thể viết ra đây cho độc giả thưởng thức là mấy lần... đi ở tù.

Đời lính ngắn ngủi của tôi, kính thưa quý vị, tôi bị ở tù trước sau là 4 lần. Tôi nói ngắn ngủi bởi vì tôi đi lính năm 69, đến năm 75 thì quân đội tan hàng, tính ra là gần được 6 năm. 6 năm lính mà ở tù 4 lần, và mỗi lần một hai ngày là quá ít, nhưng đối với một thằng nhớ dai như tôi, mỗi lần như thế là một kỷ niệm. 4 lần ở tù, bây giờ ngồi nghĩ lại sau mười mấy năm, tôi chả thấy oan ức chút nào. Tôi công nhận lần ủ tờ nào cũng là do lỗi mình mà ra cả, rất đáng bị nhốt để duy trì kỷ luật quân đội và tốp bớt cái tính du côn hung hãn của thằng thiếu úy trẻ. Đôi khi, tôi cảm thấy kỷ luật của quân đội đới với tôi như vậy còn là nhẹ hìu, nhẹ lắm.

Nhưng trong 4 lần ở tù này, chỉ có một lần cuối cùng là tôi leo lên xe quân cảnh mà lòng sung sướng hãnh diện đến độ có thể nói như ông Gandhi của Ấn Độ. “Đi vào tù mà vui tươi sung sướng như chú rể đi vào nơi động phòng ngày đám cưới.” Trước khi kể đến lần đi tù kỳ lạ này, tôi xin bắt đầu từ những lần ở tù đầu tiên...

Từ thuở nhỏ, tôi vốn là một thằng... chẳng giống ai. Lúc còn đi học ở tiểu học, lên đến trung học, tôi luôn luôn gây rắc rối cho thầy giáo, cho cha mẹ. Ở trường, thay vì phải lo dùi mài kinh sử để đáp đền ơn dưỡng dục của song thân, tôi chỉ thích nghiên cứu tổ chức lập đảng để đi oánh nhau. Về nhà, đã chẳng giúp gì được công việc gia đình, tôi lại ăn hiếp các em, thỉnh thoảng còn “đỡ nhẹ” một ít tiền của mẹ để tiêu hoang. Quá khứ gian ác như vậy, vào lính, chả trách gì chỉ một thời gian ngắn là tôi phải ôm mền chiếu đi ngồi tù.

Tôi được nếm mùi tù lần đầu tiên liền chỉ sau khi khoác áo nhà binh mấy tháng ở trường bộ binh Thủ Đức. Một tối nọ trung đội tôi có nhiệm vụ đi gác tuyến. Phiên gác của tôi được anh em cắt là 3 giờ sáng. Đem mùng mền khăn gói theo trung đội ra tuyến, căng lều võng xong lúc ấy mới có 9 giờ đêm. Không có chuyện gì làm, thay vì đắp chăn nằm ngủ lấy sức như những người anh em ngoan ngoãn khác, tôi và vài thằng bạn trời đánh rủ nhau phú lỉnh ra khu gia binh ăn hột vịt lộn. Hột vịt lộn, muốn thưởng thức cho đúng điệu thì phải có ba thứ đi kèm: thứ nhất muối tiêu, thứ nhì rau răm và chót hết là... la–de. Cái món sau cùng này nó đã hại tôi bởi khi đứng dậy đi về, trời đã quá nửa đêm, bước chân tôi xiêu vẹo lạng quạng, đi nghiêng ngả như... một thằng say rượu. Nói đúng hơn, tôi đã “xỉn mẹ nó rồi”. Mò mẫm mãi chúng tôi mới về đến nơi cắm trại. Vào tới lều thì tôi chẳng còn biết trời trăng gì nữa, nằm lăn quay ra đánh một giấc.

Hai giờ rưỡi sáng tôi bị một người khóa sinh đánh thức dậy để đổi gác. Gác gỏng gì nữa vì tôi lúc ấy chỉ còn là một khúc gỗ, có đem thảy tôi vào lửa tôi cũng cóc cần, làm sao tôi thức dậy được? Anh khóa sinh này sau 10 phút không kêu tôi được, lại lui cui thế nào để lãnh phải một bốt đờ sô của tôi té lăn cù, bèn tức mình đi báo cho trung đội trưởng. Trung đội trưởng khôn hơn, biết tính tôi nên chẳng thèm gọi nữa, liền đi thông báo sĩ quan cán bộ trực. Ông Trung úy Ba (tôi nhớ rõ tên), có lẽ bị mất giấc ngủ vì một chuyện không đâu, hầm hầm xách cây Carbine M–2 chạy ra tuyến kiếm tôi. Sau hai tiếng kêu không có kết quả, người sĩ quan cán bộ không thèm phí thì giờ, ông ta nhờ... báng súng Carbine kêu dùm. Bị giộng mấy cái đau điếng, tôi lồm cồm bò dậy. Trung úy Ba xài xể tôi một thôi rồi bắt tôi ôm súng ra tuyến gác. Để trừng phạt, ông bắt tôi phải gác thế cho cho tất cả những người khác tới sáng.

Tôi ôm cây M–16 ra phòng tuyến, quên cả hỏi mật khẩu và mấy thứ lẩm cẩm khác của người lính gác giặc. Đứng được khoảng 15 phút thì tôi không còn chịu nổi nữa, cơn buồn ngủ kéo tới, tôi rớt một cái rầm xuống đám cỏ. Ôi, đất ơi là đất, sao mà êm ái và dịu dàng thế này, tôi nhắm mắt nằm ngủ thẳng cẳng.

Không biết tôi ngủ được bao nhiêu lâu thì Trung úy Ba lại đi thanh tra. Lần này ông cho người dắt tôi thẳng về đồn quân cảnh. Lúc tỉnh dậy, đầu óc choáng váng, tôi nhìn thấy vầng Thái Dương đã ló dạng qua khung cửa sổ có mấy song sắt của nhà tù. Sáng hôm đó là ngày chủ nhật, ngày thăm viếng. Không biết hên hay xui cho tôi, ngàn năm một thuở, ngày ấy tôi có người đến thăm. Nhà tôi ở rất xa, mãi trên vùng cao nguyên đất đỏ, xuân thu nhị kỳ mới có người đến kiếm, nay thằng em kế của tôi lên thăm ông anh quý thì hóa ra ông ấy đang ủ tờ. Thật là chán đời. Hai anh em gặp nhau trong một tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Tôi dặn nó về đừng có nói là lên thăm gặp tôi đang ủ tờ, sợ cha mẹ phiền. Nó cười cười, dạy khôn tôi: “Anh là cùi mà cớ chi sợ hủi. Đi lính mà không ở tù lính thì làm sao đáng gọi là lính?” Tôi ầm ừ và cũng đành dùng câu nói của thằng em quý để tự an ủi lòng mình.

Chiều hôm ấy tôi được thả ra nhưng đã tiêu hết ngày chủ nhật quý giá của quân trường.

Lần ủ tờ thứ hai, khoảng 2 năm sau, lúc ấy tôi đã đeo lon thiếu úy tàu bay, vừa tốt nghiệp xong khóa hoa tiêu và đang được huấn luyện hành quân ở phi đoàn. Đó là những ngày nhàn nhã. Mục đích của thời gian huấn luyện này là tập cho phi công trẻ có dịp làm quen với chiếc phi cơ L–19 càng nhiều càng tốt nên chúng tôi nhận được lệnh của phi đoàn trưởng phải bay ít nhất 6 giờ mỗi ngày. Gì chớ bay bổng và nhậu nhẹt là hai chuyện tôi thích nhất trong cõi đời. Ngày nào tôi cũng vào phi đoàn, ký sổ phi lệnh rồi xách một chiếc L–19 cất cánh lang thang một mình trong không gian bát ngát. Khỏi cần nói chắc quý vị cũng có thể tưởng tượng được một thằng trời đánh như tôi sẽ làm gì trên trời một mình với món đồ chơi mắc tiền là chiếc phi cơ? Tôi nhào, tôi lộn, tôi bay nghiêng bay ngả, tôi hành hạ chiếc L–19 đáng thương như đứa bé con tinh nghịch đùa giỡn với món đồ chơi cũ. Đùa chán chê, tôi xách tàu ra ngoài biển đi phá đám mấy ông thuyền chài. Thấy được một chiếc ghe nào lạc lõng một mình là tôi cắt ga biểu diễn màn bay sát mặt nước, nhắm thẳng vào chiếc ghe lao tới như các Kamikaze Nhật trong xi–nê. Khi nào người ngồi trên ghe chưa chịu... nhảy xuống biển là tôi chưa thoả mãn, quay tàu lại làm vòng khác thấp hơn, thấp hơn nữa. Tôi không nhớ đã thoát chết bao nhiêu lần và đã làm không biết bao nhiêu người thuyền chài vô tội sợ hú hồn, phải nhảy tùm xuống biển.

Những hôm khác, tôi xách tàu đi xa hơn. Có khi còn lên Khánh Dương, bay dọc theo mấy dòng suối để tìm con gái Thượng tắm. Tôi ở Ban Mê Thuột nên biết đàn bà thiểu số thường tắm truồng. Tôi chả bao giờ tìm thấy ai tắm nhưng cũng xém chết mấy lần vì tàu gần đụng núi.

Đấy, tôi gian ác như vậy nhưng vẫn chưa bị vào tù vì không ai biết chuyện tôi làm cả. Nhưng thiên bất dung gian, một ngày nọ, vào khoảng giữa trưa, tôi xách nón bay ra quay máy một chiếc L–19 để bay tập. Tôi nhớ rõ hôm ấy là ngày thứ sáu và lại vào giấc trưa nên phi trường vắng vẻ vô cùng. Phi đoàn cũng vắng tanh. Tuy ở phi đoàn chưa lâu lắm nhưng tôi biết chiều thứ sáu “Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm” được. Thử máy xong, tôi đem tàu ra so hàng ở taxiway rồi xin đài kiểm soát ra phi đạo cất cánh.

Đài kiểm soát vừa “Clear for take off” là chiếc L–19... già đã bị tôi tống ga cái rào. Con tàu như nhảy giựt người lên, lóc cóc chở ông thiếu úy cô hồn ra so hàng cuối phi đạo mau như bị ma đuổi. Tôi tống hết ga. Con tàu gầm lên, nhào tới trước. Cái giây phút thú vị nhất của bất cứ người phi công nào là lúc điều khiển con tàu chạy mau trên mặt đất trước khi cất cánh. Sự khác biệt giữa người và chim, giữa mặt đất tù túng giới hạn và không gian bao la bát ngát, giữa nguy hiểm và an toàn, giữa sống và chết là những giây đồng hồ ngắn ngủi này đây.

Tàu tăng tốc độ, phi cơ “ăn no gió” chuyền áp lực vào cần lái làm tay tôi bắt đầu cảm thấy nặng. Khỏi cần nhìn tốc kế tôi cũng biết là chỉ cần kéo nhẹ cần lái là tàu sẽ rời mặt đất từ từ bay bổng lên không. Đó là kiểu cất cánh bình thường. Nhưng đời tôi, ít khi nào tôi làm chuyện gì bình thường và giống thiên hạ. Thay vì kéo tàu lên, tôi lại hơi đè cần lái xuống cho tàu nhỏng đít chạy thằng trên phi đạo. Cất cánh như vậy coi nó mới giống Skyraider, nó mới hùng, mới đúng điệu “Pilote de Guerre.” (Tôi thường bảo bạn bè rằng, nếu là mây, anh sẽ là loài mây trắng, nếu là người, anh sẽ chết cho quê hương, nếu là phi công, anh chỉ nên lái Skyraider...) Tôi cứ ráng giữ như vậy cho đến lúc không thể nào đè phi cơ trên mặt đất nữa, mới hơi nới cần lái cho tàu bay lên.

Lần đó, tàu vừa hỏng mặt đất là tôi có một ý tưởng mới lạ. (Suốt đời tôi khốn nạn vì những ý tưởng mới lạ của mình). Bay bổng ngon lành như tôi, tại sao không làm một cái Chandel (đọc là Xăng–đeo) ở cuối phi đạo? Xin dành một vài hàng để tôi cắt nghĩa cái Chandel cho các quý vị không phải là dân bay hiểu.

Làm Chandel tức là làm một cái quẹo ngược 180 độ lên cao về phía sau. Tác diễn này giúp cho các phi công khi gặp phải chướng ngại vật phía trước có thể quẹo ngược ra sau một cách chính xác để khỏi mất hướng và vừa lấy thêm được cao độ. Muốn làm Chandel, người ta mới đầu chúi mũi phi cơ để lấy thêm tốc độ rồi vừa nghiêng vừa quẹo và vừa kéo tàu lên một lượt. Tay và chân phải hòa hợp và ăn khớp với nhau như biểu diễn một điệu nhảy đầm. Cái Chandel tuyệt hảo đặt con tàu đúng 180 độ ở cuối đường, không hơn không kém. Điểm quan trọng cần nói thêm, Chandel là một tác diễn chỉ được làm ở một độ cao tương đối, làm ở sát mặt đất lúc vừa cất cánh là một điều tối kỵ vị rất nguy hiểm và vi phạm luật an phi nặng nề.

Lúc ấy tôi nào có biết gì là nguy hiểm, cứ cho đó là một ý kiến hay. Nhưng trước khi liều mạng như vậy, vốn gian ác nên tôi tính toán cẩn thận. Tôi phải chắc chắn là không có ai ở phi đoàn giờ này thì mới an toàn. Thế là tôi tà tà cho tàu bay lên, quẹo phải hơn ngắn một chút và để ý nhìn xuống phía phi đoàn. Good. Bãi đậu xe của phi đoàn vắng tanh. Phi đoàn tôi lúc ấy có 3 người tôi ngán nhất là phi đoàn trưởng, phi đoàn phó và trưởng phòng hành quân, ông nào cũng có một chiếc xe. Tôi mừng thầm, thế này chắc là các đàn anh đã về nhà ngủ rồi hay không chừng đang chở vợ con đi tắm biền cũng nên. Riêng Thiếu tá Bửng trưởng phòng hành quân thì chắc đang đụng trận phé lớn ở một chỗ nào đó. Tôi ngán nhất là ông thần này, phi công gì mà mặt mày coi hung dữ chi lạ, còn ngầu hơn cả tôi, dòm cứ như là phi công Nhật. Cho chắc ăn hơn, tôi nhìn xuống bãi đậu xe của Không Đoàn. Chiếc xe díp xanh của Đại tá Lạc không đoàn trưởng cũng thấy mất tiêu. Tôi mỉm cười khoái chí. Vậy là nhô con có thể múa rối được rồi.

Tôi làm vòng phi đạo xin tập đáp “Chạm Bánh cất cánh” (touch and go). Trưa thứ sáu, phi trường Nha Trang vắng khách nên các ông đài kiểm soát xem ra cũng có vẻ dễ dãi, chả bù với những lúc bận rộn, mấy ông hối nhặng cả lên. Vừa đáp xuống là tôi tống hết ga để chuẩn bị cất cánh lại. Phi cơ hổng khỏi mặt đất, tốc độ lên rất cao, có thể đến 140 Knots (quá giới hạn của L–19) là tôi trổ tài. Tôi nghiêng cánh, vừa quẹo trái vừa đạp bàn đạp trái và kéo cần lái lên. Con tàu bốc cao như một cái hỏa tiễn, người tôi bị lực G đè xuống. G càng lớn thì tôi càng cảm thấy đê mê khoái tỉ, tưởng tượng như mình đang kéo một chiếc Skyraider bay lên. Thật không thể có cái Chandel nào đẹp hơn cái Chandel vừa rồi của tôi trên thế giới này. Chao ơi, sao mà nó sướng, sao mà nó đã, sao mà nó thú, không bút mực nào tả cho hết được. Bay như thế mới gọi là bay, mới là hào hùng, mới là xứng đáng là “Ôi phi công... danh tiếng muôn đời...”

Quẹo xong tôi theo mửng cũ soạn lại, tiếp tục vào đáp và làm thêm mấy cái Chandel nữa. Tôi cảm thấy lúc ấy tôi không còn là một người phi công mới ra trường với số giờ bay chưa tới ba trăm, mà là một anh hùng của KQVN. Giá có thằng Việt Cộng nào ngu dốt đi lạc vào phi trường thì tôi sẽ ủi cho nó xịt khói ra quần cho chúng nó biết tay người phi công trẻ này. Tôi cảm thấy phục tôi quá chừng.

Ở vòng đáp thứ bảy, đang biểu diễn ngon lành thì tự nhiên có tiếng gọi của đài kiểm soát phi trường trong nón bay:

–Mustang Alpha đây Nha Trang đài.

–Nha Trang, Mustang Alpha nghe năm.

–Có điện thoại từ phi đoàn gọi bạn về đáp gấp và vào trình diện phi đoàn trưởng. Mustang Alpha nghe rõ không bạn?

Tôi như muốn té xỉu trong tàu bay. Thế này là tàn một đời phi công vô kỷ luật. Phi Đoàn Trưởng rồi, tôi còn lạ gì? Ông ta là một hung thần xuất thân khóa 17 Đà Lạt. Bình thường gặp ông ta không có tội lỗi gì mà đã thấy ngán, bây giờ giữa trưa vắng vẻ như thế này không lý ông ấy gọi tôi vể trình diện để kể chuyện đời xưa? Liếc mắt thật nhanh về phía phi đoàn, tôi mới biết là cuộc đời gian ác của tôi sắp sửa bế mạc thật. Rõ ràng là chiếc xe díp đen của ông ấy đang nằm “chình ình” ngay trước cửa phi đoàn. Lúc ấy tôi mới hiểu rõ cái chữ “teo bu gi” mà thiên hạ thường dùng để chỉ những phút giây con người sợ vãi đái ra quần nó như thế nào. Thê thảm lắm.

Đang còn chới với thì đài kiểm soát phang tiếp cho một chưởng:

–Mustang Alpha nhận rõ không bạn? Tôi... mếu máo:

–Mustang Alpha nhận năm bạn.

Con đường từ phi đạo về đến bãi đâu phi cơ sao mà ngắn quá, tôi cứ mong cho nó dài ra, đừng bao giờ hết để tôi khỏi gặp phi đoàn trưởng tôi. Nhưng rồi cái giây phút kinh khủng ấy đã sắp phải đến. Tôi cặp nón bay lủi thủi bước vào phi đoàn ủ rũ như con chuột ướt, như một đứa con hoang trở về nhà cũ để nhận lãnh hình phạt sau [khi] đã phung phí hết tiền của. Tôi ngạc nhiên khi thấy phi đoàn lúc ấy đã có mặt đầy đủ văn võ bá quan. Ông Thiếu tá phi đoàn trưởng đang chờ tôi trong văn phòng phía sau. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi nhìn thấy ai cũng nhìn tôi bằng một cặp mắt thương hại. Chắc họ đã đoán được cơn thịnh nộ sắp sửa dành cho tôi.

Sĩ quan trực ngày hôm đó là Thiếu úy Hầu Văn Thùy Dương. Nó là một thằng tôi luôn luôn cho là cù lần cả quỷnh nhưng hôm nay tôi thấy thèm được cù lần như nó quá. Nó nhìn tôi rồi bám máy interphone báo cáo:

–Trình Thiếu tá, Thiếu úy Nhị vừa vào. (Ông Tám lúc ấy còn mang lon thiếu tá)

–Anh gọi nó vào đây.

Tôi sửa sang quân phục, vuốt lại tóc tai. Thằng Dương bụm miệng kề tai tôi nói nhỏ:

–Số mày xui quá, thường thường giờ này ổng đâu có vô phi đoàn làm gì. Ổng để quên cái gì đó rồi chạy vào lấy là gặp ngay. Làm sao mà dấu được, tụi tao cũng chạy ra xem. Mày làm náo động cả phi trường Nha Trang. Ai bảo ngu ráng chịu. ĐM mày chuẩn bị 2 lỗ tai để nghe “mô–ran” đi. Nhiều lắm là 2 tiếng và ít nhất là một tiếng. Xong phần “mô–ran” là phần đi ủ tờ.

Nói xong nó lắc đầu nhìn tôi cười mỉm nửa như thương hại, nửa như thán phục. Tôi không nói gì. Tôi ngu thật, đúng như lời thằng Dương nói. Trong trạng huống này, tôi cảm thấy tôi ngu hơn cả con kiến.

Bước qua chỗ Lý Bửng, ông trưởng phòng hành quân còn chơi nhẹ một câu:

–Bộ hết chỗ biểu diễn rồi hay sao mà về Nha Trang biểu diễn mày, làm như ở đây không có tàu bay chắc? Người thì nhỏ một chút mà sao bay bổng dữ dằn quá chừng...

Ông Tám là một con người cẩn thận. Mặc dù tội lỗi của tôi đã rành rành như vậy nhưng ông còn muốn xác nhận lại xem thử tôi vô tình hay cố ý mà “bay bổng kiểu gì kỳ quặc” vậy? Tôi thú nhận là tôi đã làm Chandel ở cuối đầu phi đạo.

Thế là cơn thịnh nộ của ông thiếu tá giáng xuống. Suốt gần một tiếng đồng hồ, ông phi đoàn trưởng trẻ tuổi khi la hét, khi nhỏ nhẹ, lúc khác đập tay thình thình xuống mặt bàn để cắt nghĩa cho tôi hiểu về bổn phận và trách nhiệm của một phi công trong thời chiến. Tôi không hiểu cái vụ Chandel của tôi vừa rồi nó có liên hệ gì về quốc hội Hoa Kỳ và tiền viện trợ như thế nào và đôi khi tôi cũng nghe được hai tiếng này. Thỉnh thoảng tôi lại còn nghe được danh từ “phản quốc” và “phá hoại” mới chết chứ. Vì đã chuẩn bị... hai lỗ tai trước khi vào đây cho nên tôi không lấy gì làm khó chịu lắm. Thằng nào đi lính một thời gian rồi cũng học được cái nước tịnh khẩu này. Cứ để cho đàn anh chửi rủa cho hả cơn tức, tới một lúc nào đó đàn anh sẽ mỏi miệng rồi sẽ tốp lại. Sau đó mình sẽ đứng lên chào cái cốp rồi bước ra...

Nhưng tôi bỗng tỉnh hẳn người và cảm thấy quặn đau trong lòng như ai đâm vào đó một con dao khi ông phi đoàn trưởng chê cái Chandel của tôi:

–Anh nói anh làm Chandel hả? Chandel cái con khỉ gì. Tôi chưa thấy cái Chandel nào sai nguyên tắc, vụng về và xấu xí như cái Chandel của anh. Đó là “Xăng–đan” của ba tàu Chợ Lớn chứ “Xăng–đeo” gì.

Than ôi, nếu biết tôi bay dở như vậy thì tôi đâu thèm biểu diễn làm gì để ra nông nỗi này. Tôi không buồn bao nhiêu vì sắp đi ủ tờ nhưng tôi đau đớn vì khả năng bay bổng của mình bị đánh giá tệ quá. Trong giây phút buồn phiền thất vọng, tôi chợt bi quan nghĩ rằng hay trời sinh mình ra chỉ để lái tới xe... GMC là hết cỡ, sao lại lái tàu bay để chuốc lấy họa?

Tôi không nhớ mình ngồi đó thêm bao lâu nữa nhưng khi leo lên xe Quân Cảnh đi về Cải Hối Thất thì trời chiều đã bớt nắng. Tối đó, thay vì ăn chơi nhậu nhẹt với bạn bè, tôi phải nằm trong tù nhìn mấy con muỗi làm... Chandel trong mùng tôi. Xem chừng bọn muỗi đói này làm Chandel hay hơn Thiếu úy Nhị trưa này nhiều vì đã mấy lần tôi đưa tay định vỗ thì chúng đã lượn một vòng tuyệt đẹp, bay ngược ra sau rồi biến mất. Vồ hụt muỗi mấy lần, tôi phát cáu chửi thề: “Tiên sư chúng mày, học ở đâu mà làm Chandel đẹp quá thể, ông mà bắt được thì ông nghiền nát chúng mày ra cho tan đời muỗi...” Có thể nói, mỗi một con muỗi là một Fighter Pilot chính hiệu. Tuy tức tối nhưng tôi phục chúng nó.

Tôi đốt thuốc lá liên miên và tuy nằm trong một chỗ gọi là Cải Hối Thất, tôi chẳng thấy muốn hối cải chút nào hết. Chẳng những không biết hối cải, tôi còn tự rút ưu khuyết điểm để lần sau, nếu tôi có hành động gian ác nữa thì không ai có thể bắt được. Tôi lại nghĩ về cái Chandel... quê mùa và bực tức sự ngu dốt của mình. Đúng là có mắt như mù.

Ông Tám chỉ cho tôi nằm xả hơi đến sáng thứ hai thì gởi sĩ quan trực xách xe đến đón tôi về. “Ở tù ra” tôi đâm khôn, làm gì cũng ngó trước tính sau, nhất định không để sơ sẩy như lần đầu nữa.

Rồi tôi cũng được tha cho đi bay hành quân. Trước khi đi biệt phái lần đầu tiên, tôi được phi đoàn trưởng gọi vào trình diện. Một lần nữa, tôi chuẩn bị 2 cái lỗ tai để nghe “mô–ran” nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy ông Tám tỏ ra thân mật với tôi. Tôi còn được mời hút thuốc lá 3 con 5 mới là ly kỳ. Ông phi đoàn trưởng tâm sự với tôi một câu mà tôi không thể nào quên được:

–Tôi biết anh là một con người ba gai nhưng anh có tâm hồn và tài năng. Tôi sẽ huấn luyện để anh trở thành một cán bộ nòng cốt của phi đoàn. Phần anh, anh phải cố gắng, đừng cậy mình có tài mà bê bối. Anh phải luôn luôn ghi nhớ mình là một sĩ quan của QLVNCH, phải giữ gìn tư cách và tác phong.

Kể từ ngày đi lính đến giờ đó là gần 3 năm, tôi luôn luôn bị nghe chửi, đây là lần đầu tiên tôi được khen là “có tâm hồn và tài năng” nên rất lấy làm sung sướng. Sẵn trớn, tôi muốn hỏi xem cái Chandel tôi làm ngày nào có quả thực là xấu xí và quê mùa không nhưng tôi tốp lại kịp thời. Không nên nham nhở với phi đoàn trưởng quá, để rồi từ từ hỏi sau cũng được...

Rồi tôi nhận phi vụ lệnh sách tàu đi biệt phái ở một chiến trường hung hãn nhất của vùng II chiến thuật lúc đó: Chiến trường Tam Biên Pleiku–Kontum. Giặc vừa mở một loạt tấn công khắp các nơi để mở màn cho một trong những mùa hè tang tóc và kinh hoàng nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam mà nhà văn Phan Nhật Nam gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972. Tôi còn nhớ trong phi vụ từ Nha Trang đến Pleiku lần đầu tiên ấy, leo lên 8 ngàn 500 bộ, trên tôi là mây, dưới chân tôi là đồi núi trùng trùng điệp điệp. Phong cảnh hùng vĩ và tươi đẹp của quê hương lúc trời rạng đông làm cho lòng tôi dâng lên một cảm xúc bồi hồi khó tả. Trong một thoáng, tôi cảm thấy mình không còn là một phi công vô kỷ luật nữa mà trở nên trầm lặng như một nhà hiền triết. Sau bao nhiêu tháng ngày học tập, đây là lúc tôi có thể thi thố tài năng để đền ơn cho tổ quốc. Tôi lại cảm thấy tôi mang nợ với đất nước này nhiều quá. Lúc nhỏ, tôi mang nợ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Lớn lên tôi mang nợ công ơn giáo dục của thầy. Vào lính hơn 2 năm qua, tôi chỉ cắp sách và nón đi học để trở thành một phi công. Giữa lúc mà những người cùng tuổi tôi phải nằm gai nếm mật, vượt rừng lội suối, đem máu đào ra gìn giữ từng con đường từng tấc đất của quê hương thì tôi suốt ngày hết bay lên rồi lại bay xuống. Tôi tự nguyện với lòng mình là sẽ sử dụng hết khả năng mình để làm việc đền ơn cho tổ quốc.

Bạn có bao giờ đưa cho một đứa con nít một cây súng thiệt rồi bảo nó đi săn với bạn chưa? Khổ sở lắm, vì đứa con nít đó luôn luôn hăng tiết vịt, gặp cái gì cũng muốn bắn phá, rồi hết chòng ghẹo người này lại đến phá phách người khác. Thằng con nít còn đỡ hơn là tôi, một phi công trẻ với món đồ chơi mắc tiền là chiếc phi cơ. Chỉ vài ngày sau thôi là điện thoại gọi tới tấp về phi đoàn để báo cáo và than phiền về những hành vi vô kỷ luật của tôi trên trời. Lúc ấy ở chiến trường, tôi nào có biết sợ là gì? Vùng phòng không đan kín trời ai cũng né thì tôi lại lù lù dẫn xác vô bằng một cao độ mà AK bắn chắc cũng rớt. Tôi nghĩ bọn xạ thủ Việt Cộng phải bắn giở lắm vì tôi chẳng hề bị gì cả. Chẳng phải là tôi gan dạ hay ngon lành gì, chẳng qua chỉ vì chưa biết nên chưa sợ đó thôi. Đâu đã hết, nhiều lúc tôi còn đi lạc vào vùng có tác xạ pháo binh đang TOT (Pháo tập trung bắn từ nhiều nơi đến một chỗ, một lần) của hàng trăm khẩu vừa Tây vừa Ta. Tôi nào có biết. Đến khi nhìn thấy hàng trăm đóa hoa đất tự dưng nở tung tóe ngay dưới chân mình thì mới giật nảy mình lên, hốt hoảng... chạy lấy người. Ai đi bay với tôi cũng đều than phiền.

Một buổi sáng, đích thân ông phi đoàn trưởng xách chiếc U–17 lên Pleiku đi điều tra tình hình. Khi chiếc tàu của ông vừa đáp thì một cơn mưa pháo của giặc cũng ào ào rớt xuống làm cho ông Tám càng giận thêm. Chỉ vì thằng thiếu úy mất dạy mà ông phải khổ sở như thế này. Gặp tôi, ông phùng mang trợn mắt xài xể và hăm dọa một lúc rồi đi một vòng thăm nơi ăn chốn ở của anh em, hỏi han dặn dò rồi ra về.

Tôi có bớt đi chút ít nhưng sau đó thì vẫn chứng nào tật ấy.

Một ngày nọ, tôi chở một ông đại úy bộ binh của phòng 2 tiểu khu Pleiku đi thám sát. Vừa quay máy tàu xong, đang tà tà di chuyển phi cơ thì phi trường bị pháo kích. Tôi nghe đài kiểm soát la ùm trong tần số, thông báo phi trường đóng cửa, tất cả các phi vụ bị tạm thời đình chỉ, yêu cầu tất cả các phi cơ đang di chuyển trở về bến đậu. Dĩ nhiên tất cả các phi cơ khác đều quay lui về ụ, chỉ còn mình tôi tiếp tục lang thang trên đường taxiway, coi lệnh lạt của đài kiểm soát chẳng ra gì, coi pháo giặc cũng chẳng ra gì luôn. Chẳng phải vì tôi ngon lành gì nhưng nghe bị pháo mà nhìn quanh tôi chẳng thấy trái pháo nào rớt cả nên cứ giả vờ như mình không biết. Quả đúng là “chưa có thằng nào ngu hơn thằng này.” Tôi không muốn trở về bến đậu vì trời Pleiku vào khoảng 2 giờ trưa, mùa hè nóng bức vô cùng. Hơi nóng từ trên cao đổ xuống, từ mặt đất bốc lên, làm cả 2 người ngồi trong phi cơ như ngồi trong lò bánh mì. Nghĩ đến cái cảnh phải trở về bến đậu rồi cà kê với mớ đồ nghề lỉnh kỉnh, tháo dù, cất dù, tôi đâm ra làm biếng. Tôi chỉ muốn cất cánh mau rồi leo lên chừng 5, 6 ngàn bộ cho nó được mát mẻ một chút. Ông sĩ quan bộ binh phòng 2 đi bay với tôi thì dĩ nhiên không có ý kiến gì rồi.

Đến cuối đường bay, tôi bấm máy gọi xin ra phi đạo cất cánh. Mấy ông đài kiểm soát giờ này tưởng tôi bị hư vô tuyến, bây giờ mới bật ngữa. Mấy cha la hoảng lên như bị ai bóp dái:

–Mustang 12, đài kiểm soát gọi bạn nảy giờ không được. Phi trường đóng cửa, đài kiểm soát yêu cầu bạn trở về bến đậu gấp.

–Bạn cho tôi ra cất cánh... đại cái đi bạn. May ra tôi còn tìm thấy pháo chúng nó để phản pháo.

–Negative! Đài kiểm soát thông báo một lần nữa, yêu cầu Mustang 12 trở về bến đậu gấp.

Ngay lúc đó, hình như tôi nhìn thấy được một cụm khói đen bốc lên ở đâu đó trong phi trường, dấu hiệu pháo bắt đầu rớt. Nguy cấp rồi, khỏi thèm cãi vã với mấy cha đài kiểm soát này làm chi, tôi bèn tự động tống ga nhào ra phi đạo rồi đẩy cần ga lút cán. Chiếc L–19 chồm tới trước, chỉ vài trăm thước là hỏng bánh ngay. Tôi kéo tàu lên, quẹo gắt ra khỏi phi trường, trong tai vẫn còn nghe mấy ông đài kiểm soát lải nhải. Tôi cười hì hì, nói thầm với mình: “Mẹ, biết rồi, khổ lắm, nói mãi...”

Hành động điên rồ của tôi, nếu ở một hoàn cảnh khác thì có thể đã bị treo cánh bay vĩnh viễn, nhưng ờ một vùng địa đầu giới tuyến, giữa lúc cường độ chiến trường như vậy, tội của tôi được coi là nhẹ. Tuy nhẹ nhưng điện thoại cũng gọi tới tấp về biệt đội và phi đoàn. Hết ông an phi sư đoàn rồi đến ông an phi không đoàn thay phiên nhau mắng vốn về tôi. Tôi nghĩ đến cảnh ông Trung tá Tám lại một phen nữa phải vểnh tai ra nghe thiên hạ xài xể vì có thằng thiếu úy du côn mà không biết dạy. Chiếu đó về biệt đội, ông biệt đội trưởng, Đại úy Huy gọi tôi ra một góc, mặt mày hầm hầm:

ĐM sao mà tôi chán cái ông quan con này quá, lại có chuyện rồi. Ông Tám mới gọi ra, xỉ và tao tưng bừng...

–Em biết rồi, chuyện cất cánh hồi chiều chứ gì?

–Tụi an phi nó bảo ông cất cánh không có lệnh đài kiểm soát, làm bộ hư vô tuyến, đủ thứ...

Tôi đáp tỉnh queo:

–Trời đất, vô tuyến của em hư thật, lúc nghe được lúc không. Đến chừng nghe đài kiểm soát bảo đóng cửa phi trường thì pháo nó rớt gần quá, em hoảng hồn cất cánh luôn. Teo quá, chỉ sợ chết...

Nói xong tôi còn làm bộ dậm chân dậm cẳng như là mình vô tội mà bị oan ức lắm. Đại úy Huy không biết phải nói gì, đành than thở:

–Cái phi đoàn này ngày ông chưa về thì nó yên thế mà bây giờ ngày nào cũng có chuyện. Thôi chuẩn bị mồm mép đi để lúc đổi biệt đội về trình diện ông Tám. Mấy ngày còn lại, ông bay với tôi. Cấm không được lạng quạng, nghe rõ không ông thần?

Tôi gật đầu sốt sắng. Lúc quay trở vào, tôi còn nghe Đại úy Huy lẩm bẩm đằng sau lưng: “Đù mẹ sao mà tôi chán ông quan con này quá, lúc nào cũng sinh chuyện được.”

Đến ngày đổi biệt đội, tôi vừa đáp xuống phi trường Nha Trang thì đã thấy chiếc xe díp của phi đoàn trưởng đậu sẵn. Người tài xế mời tôi lên xe rồi chở thẳng về phi đoàn. Tôi vào trình diện ông Tám.

Tôi có thể lừa được nhiều người nhưng ít khi nào lừa được phi đoàn trưởng của tôi. Làm một cánh chim đầu đàn mà không biết mấy cái mưu chước vặt của đàn em thì làm sao trị được những thằng phi công vô kỷ luật cỡ như tôi. Chỉ vài câu hỏi hóc búa thôi là cái tội nói láo của tôi bị lòi ra ngay. Thế là một lần nữa hết đời tên gian ác. Chiều hôm đó, sau 15 ngày biệt phái, thay vì được về nhà ăn nhậu như những người khác thì tôi lại lóc cóc leo lên xe Quân Cảnh trực chỉ Cải Hối Thất. Sao mà tôi ghét những chiếc xe díp nhà binh như thế này. Người ta thường ngồi lên đó lái đi phom phom coi rất oai phong lẫm liệt còn tôi thì chỉ ngồi lên để đi trình diện xếp lớn hay đi tù. Ngồi trên xe, tức quá mà chằng biết làm gì, tôi đành lôi mấy thằng đài kiểm soát Pleiku ra mà nguyền rủa. Tiên sư chúng nó, đúng là chuyện bé mà xé ra to để tôi phải đi tù...

Có lẽ chỉ muốn dằn mặt ông thiếu úy du côn một chút thôi nên sáng sớm ngày hôm sau tôi được thả ra. Lần này tôi được ông Tám cho một đại úy lái xe díp (lại xe díp) đi đón tôi và tôi được tặng một tờ giấy phép 5 ngày với nhiều lời nhắn gởi...

Sau đó, bẵng đi một thời gian đến mấy năm, tôi không còn nhớ cái hình dáng của Cải Hối Thất nó tròn hay méo như thế nào nữa. Chẳng phải vì tôi trở nên tốt lành gì nhưng càng lớn thì tôi càng khôn ra, làm gì cũng cẩn thận, ngó trước dòm sau chứ không ào ào như những ngày xưa...

Tôi trưởng thành dần theo cuộc chiến cho đến lần xảy ra vụ ở tù lần thứ tư....

Khoảng đầu năm 1974, giặc bỗng tấn công và tràn ngập đồn Bu Prăng. Cái đồn địa phương quân này có một vị thế chiến lược quan trọng vì nó nằm giữa con lộ duy nhất nối liền Quảng Đức và Ban Mê Thuột.

Quận lỵ Quảng Đức, vốn đã từ lâu “sống âm thầm cô độc” giữa những khu rừng già trùng trùng điệp điệp nên chịu số phận hẩm hiu: Chỉ là miền đất lạnh lẽo dành cho những kẻ bị lưu đày. Bộ binh ở đây toàn là những kẻ ngang tàng và hào sảng như Thiếu tá Trương Minh Dũng, tham mưu trưởng tiểu khu Quảng Đức. Thiếu tá Dũng, “người anh em” của phi đoàn 114, xuất thân khóa 1 hay khóa 2 Thủ Đức, vừa ra trường là gia nhập binh chủng nhảy dù, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ trước khi được tổng thống Diệm đưa qua địa phương quân để vừa làm cán bộ vừa nâng cao khả năng chiến đấu của những đơn vị này. Gần mấy chục năm máu lửa và sương gió trên khắp nẻo quê hương cũng chỉ được nhà nước nhớ ơn bằng cặp lon thiếu tá khiêm nhường trên cổ áo. Phi đoàn tôi từ nhỏ tới lớn ai mà không biết hoặc không quen Thiếu tá Dũng với cái điếu cày thuốc lào luôn luôn có trên tay. Cái điếu cày bằng nhôm màu bạc này là vật bất ly thân của Thiếu tá Dũng dù trên chiến trận, trong tàu bay L–19, nơi phòng họp hành quân với tư lệnh quân đoàn, hoặc ở các phòng trà nhảy đầm danh tiếng của thủ đô Sài Gòn những lần về phép. Cái con người ngang tàng lạ lùng này của quân lực còn là một nhà thơ nổi tiếng với những bài như “Nỗi buồn của Hạ”, “Xuân Cao Nguyên”, “Bỏ phố lên rừng...” Riêng bài Bỏ Phố lên rừng lúc ấy đã được Châu Kỳ phổ nhạc, nghe rất hay.

Về phía không quân thì đi biệt phái Quảng Đức cũng coi như khăn gói đi tu mười lăm ngày. Cả thành phố chỉ có được một khu chợ chính nằm trên con đường dài không quá một trăm thước, khách bộ hành, vừa đi vừa nghỉ, cũng chỉ cần năm phút là về chỗ cũ.

Nhỏ vậy, nghèo vậy, hiền lành như vậy, nhưng Quảng Đức với tôi có nhiều kỷ niệm vô cùng. Ai cũng sợ đi Quảng Đức, chỉ có mình tôi, Đại úy Hưởng, Đại úy Nhơn là cóc cần vì chúng tôi đã có “bùa”. Chiều chiều, chúng tôi hay rủ rê anh em xách tàu bay qua Lâm Đồng nhậu nhẹt với Đại úy Dũng hay lên Đà Lạt hay qua Ban Mê Thuột chơi. Quảng Đức là một quận ly hiền lành, dường như giặc cũng chê cái thành phố này cho đến hôm nay.

Lấy xong Bu Prăng, con cháu giặc Hồ còn chơi bạo, tính kéo luôn quân về vây hãm Quảng Đức. Thế là chúng tôi có nhiều việc làm.

Chiến dịch tái chiếm Bu Prăng, vào lúc căng thẳng nhất, đã có đến 6 phi hành đoàn L–19 túc trực ngày đêm để làm việc với một liên đoàn Biệt Động Quân, một trung đoàn của sư đoàn 23 bộ binh và chiến đoàn III xung kích LLĐB. Rất từ từ nhưng quân ta cũng chặt đứt được khúc đuôi của giặc, giải tỏa áp lực cho Quảng Đức đồng thời tiến gần trở lại Bu Prăng.

Tôi bay lên biệt phái cho Quảng Đức một thời gian thì một buổi trưa, vừa về đáp sau một phi vụ, tôi đang nằm ngủ trong căn nhà của biệt đội. Sáng đó, tôi bay sớm và bay lâu nên về nhà thì mệt nhoài. Tôi cũng không còn nhớ lúc ấy những phi hành đoàn khác đã bỏ đi đâu mà chỉ còn có mình tôi ở lại biệt đội. Tôi nghĩ họ chở nhau đi ăn cơm.

Đang nằm thiu thiu thì bỗng có một chiếc xe díp nhà binh phóng như bay rồi thắng kít ngay trước cửa biệt đội. Bụi đỏ tung mù trời phủ mờ chiếc xe díp và hình ảnh mấy ông mặc áo rằn ri không rõ lon lá đang phóng xuống chạy như bay vào. Biệt đội Quảng Đức chúng tôi trú ngụ trong một căn nhà xây xi–măng. Từ đầu tới đuôi căn nhà, chúng tôi kê đúng 12 cái giường bố sắp thẳng băng sát cạnh nhau như trong một cái bệnh viện. Giữa nhà là một chiếc bàn con và cái điện thoại để liên lạc với trung tâm hành quân tiểu khu và sĩ quan liên lạc không quân. Chiếc bàn con này coi vậy mà làm được nhiều việc. Nó vừa là nơi họp hành quân, nơi ăn uống, nơi đánh bài và dĩ nhiên, cũng là bàn rượu khi rỗi rảnh. Giường tôi nằm khá xa phía trong.

“Mẹ, lại có chuyện rồi, thế là mất tiêu buổi ngủ trưa,” tôi vừa cằn nhằn vừa trở mình nhìn ra, chỉ hy vọng mấy ông mặc đồ rằn ri đổi hướng khác, không bước vào đây.

Nhưng họ không đổi hướng, cứ xăm xăm đi vào. Chẳng biết mấy ông muốn gì đây mà bộ tịch coi ghê quá. Tôi liền dựng người trở dậy, thọc vội cái áo bay vào người, kéo xong phẹc ma tuya thì mấy ông rằn ri cũng vừa tới trước mặt. Thì ra toàn là những sĩ quan của Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật, phù hiệu đỏ chói của Tổng Tham Mưu bên tay trái và huy hiệu chiếc dù có con cọp hay con beo gì đó trước ngực. Theo trí nhớ của tôi thì có một ông trung úy và hai ông đại úy, mặt mày ai nấy coi có vẻ nghiêm trọng vô cùng.

Tôi chưa kịp đưa tay chào mấy ông sĩ quan lớn lon hơn tôi theo đúng lễ nghi quân cách, chưa kịp nói gì thì một ông đại úy hỏi:

–... Em là phi hành đoàn duy nhất ở đây? Theo thói quen học được từ những ngày còn ở trường bộ binh Thủ Đức, tôi cung tay chào mấy quan Lôi Hổ:

–Dạ đúng đại úy, không biết mấy ông kia đi đâu hết rồi. Đại úy cần gặp ai?

Nghe như thế thì khuôn mặt mấy người sĩ quan Nha Kỹ Thuật thoáng lên vẻ thất vọng. Tôi kéo mấy cái ghế sắt:

Mời đại úy và quý vị ngồi chơi, tôi xin phép đi sỏ đôi giầy.

Họ cám ơn tôi rồi cùng nhau xầm xì to nhỏ gì đó. Tôi bình thản ngồi xuống giường mang giày vớ. Mặc áo nhà binh lâu, tôi đã quá quen với những bất ngờ, những bất trắc của cuộc chiến nên đã học được cái tính phớt tỉnh Ăng–Lê. Chuyện gì xảy ra, tin tức gì cũng chẳng làm cho tôi bận tâm. Thêm vào đó, hồi đó tôi đang trở chứng, muốn tìm hiểu và đang đọc các loại sách nói về Kinh Dịch, về luật Âm Dương của tạo hóa nên trở nên là đà, mặt mày lúc nào cũng đăm chiêu tư lự và chán đời như ông Trang Tử ngày xưa.

Mang giày xong, tôi ra kéo ghế ngồi giữa mấy ông sĩ quan Nha Kỹ Thuật, châm lửa một điếu thuốc:

–Nếu đại úy muốn kiếm ông biệt đội trưởng, đại úy có thể dùng điện thoại đây gọi về cho trung tâm hành quân tiểu khu. Mấy ông “Alo” (sĩ quan liên lạc không quân) chắc biết ổng ở đâu.

Một ông đại úy lên tiếng sau một vài giây ngần ngừ:

–Chúng tôi có một việc cần anh giúp đỡ, nếu anh giúp được chúng tôi cám ơn anh vô cùng.

Lời nói khẩn thiết và chậm rãi của vị sĩ quan Nha Kỹ Thuật làm cho tôi ngạc nhiên. Một thằng thiếu úy không quân hạng bét như tôi thì giúp gì được mấy ông rằn ri thứ dữ này? Nhưng cứ nhìn điệu bộ và cách ăn nói thì mấy ông này giữa trưa lái xe tới đây không phải để đùa dai với tôi. Trong một giây phút, tôi cảm thấy khoái chí vì mình tự nhiên được trở nên một nhân vật quan trọng.

Tôi nhíu mày:

–Đại úy cần gì, xin đại úy cứ cho biết...

Người sĩ quan Nha Kỹ Thuật nhìn thật sâu vào mắt tôi, nói chậm rãi và bằng tất cả những sự thống thiết của một con người:

–Một toán Lôi Hổ của tôi thả xuống lần trước đã bị Việt Cộng phát hiện, bị bao vây và tấn công mấy ngày. Tụi nó đã chạy thoát được nhưng đang bị phân tán mỗi người một nơi và lạc trong rừng. Tôi muốn nhờ... thiếu úy, muốn nhờ... em giúp tôi bay lên để gom chúng nó về một LZ an toàn.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tưởng gì chứ đi bay kiếm Lôi Hổ bị lạc và chọn bãi đáp thì quá thường đối với tôi. Tôi chịu nhất là cái tài chiếu kiếng của mấy ông này. Nhiều khi tôi bay rất cao, giữa rừng già thăm thẳm mênh mông mà mấy ông chỉ cần chiếu một phát là tôi nhìn thấy ngay. Chà bù với mấy ông bộ binh, nhiều khi chiếu cả ngày cũng chẳng thấy đâu. Nhưng một phi vụ đơn giản như thế thì tại sao lại khổ sở vào đây để kiếm tôi?

Tôi nói ngay:

–Có gì đâu đại úy, đại úy cứ việc gọi về trung tâm hành quân, request một phi vụ là tôi cất cánh liền.

Ông đại úy lắc đầu:

–Nếu xin được thì tôi đâu có đến đây kiếm anh.

Thì ra vậy. Số là, không quân chúng tôi khi được biệt phái đi bay yểm trợ cho các đơn vị bạn, mỗi ngày trung tâm liên lạc hành quân đều thông báo cho bộ tư lệnh chiến trường biết có bao nhiêu tàu khả dụng, bao nhiêu phi vụ có thể cất cánh được. Số phi vụ này được tư lệnh chiến trường, tùy theo mức độ cần thiết và nhu cầu, chia ra cho các đơn vị tham chiến. Khi một đơn vị cần phi cơ yểm trợ, họ chỉ việc gọi cho trung tâm liên lạc hành quân. Nơi này, tùy theo số lượng phi vụ đã được cấp phát trước, sẽ cho chúng tôi cất cánh để làm việc với họ. Tôi không tò mò hỏi thêm nhưng biết chắc có lẽ đơn vị Lôi Hổ này đã xài hết những phi vụ của mình, hoặc vì tình trạng thiếu thốn máy bay, không xin được một phi vụ nào cả, đành phải đau xót nhìn những đứa con của mình bị rượt đuổi giữa rừng già.

Đối với chúng tôi, ngoài những phi vụ huấn luyện hay bay thử phi cơ, cất cánh không có phi vụ lệnh đàng hoàng là sẽ bị ở tù hoặc đưa ra tòa án quân sự. Thân bại danh liệt là cái chắc. Thật ra, trong suốt cuộc đời bay bổng, chúng tôi cũng đã nhiều lần cất cánh lậu để đi ăn nhậu hay chở bạn bè đi chơi nhưng chúng tôi đều luôn luôn có phép ngầm của trung tâm liên lạc hành quân. Nhiều khi, những người hành khách mà chúng tôi chở đi chẳng ai khác hơn là ông sĩ quan trưởng phòng liên lạc hành quân dù đi chơi hoặc bạn bè của ông ta. Nhưng đó là chuyện thời bình, khi không có việc gì để làm. Điểm quan trọng là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi không bao giờ dám cất cánh lậu mà trung tâm liên lạc hành quân không biết. Hôm nay, giữa lúc khói lửa ngút trời như thế này, không ai dám nghĩ đến việc xách tàu đi đâu.

Tôi đã tính lắc đầu. Chuyện của thiên hạ thì mắc mớ gì tới mình mà bày đặt. Hơn nữa, cái tiếng tăm của tôi trong phi đoàn lúc ấy đã quá nổi. Không phải nổi nhờ những cái hay mà toàn là những chuyện bê bối và “gian ác.”

Tết vừa rồi, ngày mùng ba, tôi bay mấy trăm dặm đường về Ban Mê Thuột để chúc Tết và nói chuyện đầu năm với thân phụ. Sau một ly trà nóng, ông đã bảo tôi bằng một giọng buồn buồn và mệt mỏi rằng: “Con đã lớn tuổi, phải sửa lại tính tình để lo cho tương lai, không thể sống mãi như một người vô trách nhiệm.” Cái chết của thằng em ruột tôi, trung sĩ Lê Xuân Bích tại trận Tân Cảnh năm 1972 đã đem tang tóc vào nhà tôi và làm cho ông buồn bã vô cùng. Tôi nhớ, khi em tôi vừa ra trường Đồng Đế, về sư đoàn 23 bộ binh, nhiều người đã bảo ông sao không chạy chọt cho nó được một chỗ ấm thân. Thân phụ nghiêm mặt trả lời: “Nếu ai cũng lo chạy chọt như mình thì chính phủ lấy người đâu mà đánh giặc. Hơn nữa, nhà nghèo quá, tiền ăn còn không có thì lấy tiền đâu ra mà chạy chọt.” Thật là một lời nói đau buồn nhưng không phải không có lý. Hình như cái chết của thằng con trai đã ám ảnh ông. Thân phụ không còn như xưa nữa. Nghĩ đến thân phụ tuổi đã cao, lại khổ cực cả một đời vì con cái nên tôi có thành tâm hối cải, tính tu thân để trở thành một “cán bộ nòng cốt của phi đoàn” như lời dạy dỗ của phi đoàn trưởng. Nhưng số tôi làm như không có... căn tu cho nên lâu lâu cứ bị dây dưa vào những chuyện đâu đâu.

Tôi suy nghĩ sâu hơn nữa. Nhìn những vị sĩ quan của Nha Kỹ Thuật ngồi trước mặt, lòng tôi bỗng tự dưng dâng lên một niềm kính phục kỳ lạ. Giữa lúc có nhiều ông sĩ quan cao cấp đem bán cả gạo, cả súng đạn cho giặc thì những con người Việt Nam này, những sĩ quan trẻ tuổi này, mặt mày lo âu, mắt ai nấy ngầu đỏ vì thiếu ngủ đang ngồi chờ sự quyết định của tôi. Nếu tôi đồng ý, các vị sẽ cứu được những người lính của mình, những người tuy không phải bà con ruột thịt nhưng tình chiến hữu còn khắng khít, còn cao hơn máu mủ ruột thịt. Nếu tôi từ chối, chẳng làm gì tôi cả và tôi sẽ không bị lôi thôi rắc rối với phi đoàn hay pháp luật. Nhưng nếu làm vậy, tôi biết những người lính Lôi Hổ anh dũng kia có thể bị giặc bắt hay tàn sát và lương tâm tôi, cái lương tâm của một sĩ quan QLVNCH, dù mang một cấp bậc rất nhỏ là thiếu úy sẽ dằn vặt xâu xé tôi suốt đời.

Tôi lại nghĩ đến những lần cất cánh trái phép để đi chơi bời, đi ăn nhậu. Xăng chính phủ, tàu bay chính phủ, tôi sử dụng trái phép như thế chẳng khác gì tôi phạm tội tham nhũng, ăn cắp của công. Tôi chửi bới người khác tham nhũng, còn tôi, ai sẽ chửi bới tôi? Lớn ăn theo lớn, nhỏ phá theo nhỏ, còn gì là cái gia tài của quốc gia?

Ông Đại úy Nha Kỹ Thuật mời tôi điếu thuốc. Ông cười... cầu tài. Tôi thấy nụ cười của người đàn anh trong quân đội sao vừa buồn mà lại vừa oai dũng, vừa chịu đựng, lại vừa quyết liệt.

Ông nói, giọng như người anh khuyên bảo đứa em trai:

–Thiếu úy cứ tính đi. Anh em chúng tôi không muốn làm cho thiếu úy kẹt. Nhưng nếu giúp được chúng tôi, chúng tôi sẽ cám ơn vô cùng...

Vì trách nhiệm, vì tình chiến hữu sắt son, vì muốn cứu mấy người lính của ông ta, một vị đại úy oai hùng của Nha Kỹ Thuật đã mời thuốc lá và cười cầu tài với một chú thiếu úy oắt con như tôi. Tôi bỗng thấy trái tim mình như rướm máu, lòng dạ xót xa bồi hồi. Tự nhiên, tôi thấy thương quân đội tôi, dân tộc tôi vô cùng. Ngày nào quân đội tôi còn những sĩ quan như thế này, ngày đó chúng tôi và những người đàn em của ông ta còn có lý do và để hãnh diện chiến đấu. Quân đội tôi, cái quân đội nghèo nàn bắt đầu không phải từ con số không mà từ con số trừ to lớn bởi vì đã bị bóp méo coi thường ngay từ những giây phút đầu tiên. Bọn CS đã lòe được thiên hạ để mang cái vỏ “Quân đội Nhân dân” bên ngoài. Chúng tôi, những chiến sĩ của nhân dân thật sự thì lại mang tiếng là lính hậu thân của quân đội thuộc địa. Hàng bao nhiêu năm qua, bạn cũng như thù, đã đem quân đội tôi ra mà nhục mạ, bêu xấu, hành hạ đủ điều.

Tôi không phủ nhận quân đội tôi đã có những thằng tướng hèn, tướng phản bội, tướng nối giáo cho giặc. Nhưng, trên cõi đời này, có cái gì là tuyệt đối? Những bê bối, những xấu xa, quân đội nào chả có đâu phải chỉ riêng mình quân đội tôi.

Chính những người sĩ quan của một binh chủng hung hãn nhất quân lực ngồi trước mặt tôi ngày hôm nay làm cho tôi nghẹn ngào mà hãnh diện, vui mà buồn. Tôi nhớ đến cái chết của thằng em tôi tại chiến trường Tân Cảnh ngập máu năm nào. Mỗi lần nghĩ về em, lòng tôi như bị ai đâm lút cán một lưỡi dao. Tôi lại nhớ đến lời nói của thân phụ: “Không thể sống mãi như một người vô trách nhiệm.” Trách nhiệm của tôi, một sĩ quan xuất thân trường bộ binh Thủ Đức, một phi công của QLVNCH trong hoàn cảnh này là gì? Là bằng mọi cách, phải cứu cho bằng được những chiến sĩ Lôi Hổ can trường kia. Tôi cũng đã suy nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra cho tôi. Đi tù, “cát xê ga lông”, ra tòa án quân sự, vân vân. Và cũng có thể, sẽ chẳng có gì xảy ra cho tôi hết. “Không thể sống mãi như một người vô trách nhiệm” câu nói của thân phụ lại trở về ám ảnh lấy tôi.

Tôi gật đầu, mặt đanh lại với câu nói quyết định:

–Được, tôi sẽ cất cánh mà khỏi cần phi vụ lệnh. Đại úy cho người đi bay với tôi.

Ba khuôn mặt đang buồn thảm bỗng trở nên sáng ngời như những vì sao. Vị đại úy đứng dậy, đưa hai tay ra nắm lấy vai tôi, giọng hớn hở như đứa con nít được quà:

–Em... em bay cho tụi tôi thật à. Thế thì quý hóa quá, hay quá, tốt quá. Thế mới là huynh đệ chi binh chứ. Mà cất cánh... bất ngờ như vậy có sao không? Có kẹt gì cho em không?

Đã lỡ giúp, tôi đành giúp cho trọn:

–Không sao đâu đại úy, cùng lắm thì bị phi đoàn trưởng xài xể chút thôi.

Tôi đứng dậy ra đầu giường để chuẩn bị dụng cụ phi hành. Khi thấy tôi lôi cây AK–47 từ trong góc giường ra, một người hỏi:

–Anh thích xài AK ư? Tôi hãnh diện khoe:

–Dạ, quà của Trung tá Xuân, tham mưu trưởng quân đoàn cho đấy.

Tôi vốn là một thằng ngược đời. Thằng Hiệp, bạn thân nhất có lần bảo tôi: “Con người mày nó kỳ lạ làm sao ấy. Mày luôn luôn phải có tí gì khác người thì ăn cơm mới thấy ngon. Thiên hạ đeo súng ở thắt lưng thì mày đeo ở nách, đeo lon ở vai thì mày đeo ở cổ, xài M–16 thì mày lại thủ AK coi cứ như một thằng du kích Việt Cộng. Anh em khoái đánh bài thì mày tối ngày cứ ôm mấy cuốn sách mà đọc, thích nói chuyện chơi bời thì mày lại giảng Kinh Dịch, bàn chuyện tử vi tướng số hoang đường và triết lý lẩm cẩm. Không biết chừng nào mày mới khá được như chúng tao.”

Tôi phóng lên chiếc xe díp của Nha Kỹ Thuật. Ông đại úy lái xe, tôi leo ra phía sau ngồi nhưng ông ta nhất định không chịu, bắt tôi ngồi ghế trước với ông. Từ chối không được, tôi đành phải ngồi ở ghế trước. Ông đại úy và ông trung úy kia ngồi sau. Ông đại úy ngồi sau khom tới trước, đưa cho tôi coi tấm bản đồ với những khoanh màu xanh màu đỏ đủ thứ và bắt đầu briefing. Đã bay vùng này mấy năm nên tôi chẳng lạ gì, nhìn qua là tôi nhớ liền. Sau vài phút đồng hồ, tôi đưa một ngón tay lên trời ra dấu nhận và hiểu.

Xe phóng thẳng lên phi trường Quảng Đức là một quả đồi nhỏ. Tôi lên tàu quay máy, chở ông đại úy bay tới vùng làm việc. Chừng 2 tiếng đồng hồ sau tôi đem tàu về đáp. Cả tôi và vị sĩ quan Nha Kỹ Thuật hả hê sung sướng vì phi vụ coi như thành công mỹ mãn. Ông ta đã kiếm được hết mấy đứa con đi lạc và gom họ hướng về một LZ an toàn. Ngày mai sẽ có một hợp đoàn trực thăng lên bốc họ về.

Di chuyển tàu về tới bến đậu, tôi loáng thoáng trông thấy mấy cái áo bay nhấp nhô ở đàng xa. Một dấu hiệu không tốt. “ĐM lại có chuyện rồi”, tôi lẩm bẩm. Biết thế nhưng giờ phút này không phải là giờ phút để hối hận. Muốn ra sao thì ra, tôi cóc cần.

Tắt máy xong, tôi tháo mũ bay, chụp cây AK và leo xuống tàu, bình thản, tự tín. Chiếc xe díp của Nha Kỹ Thuật ào tới như một cơn lốc. Vị Đại úy Nha Kỹ Thuật nọ bước xuống, thân mật đưa tay cầm lấy nón bay của tôi:

–Để tôi đưa em về, mình ghé qua tiệm cơm kiếm chút gì bỏ bụng. Cám ơn em rất nhiều. Tối nay anh em chúng tôi ngủ yên giấc được rồi.

Khuôn mặt ông ta rạng rỡ dưới ánh nắng vàng của chiều cao nguyên Quảng Đức. Tôi đứng yên, hất đầu về phía có nhóm người đang mặc áo bay:

–Cám ơn đại úy nhưng chắc tôi phải cất cánh phi vụ kế tiếp, hình như anh em đang chờ.

Chiến trường đang ở hồi khốc liệt, chẳng ai có thì giờ cà kê lẩm cẩm, chúng tôi vội vã chia tay nhau. Mỗi người trong bọn họ siết chặt tay tôi, nói những lời cám ơn chân tình. Đáp xuống từ một độ cao cho nên hai lỗ tai tôi còn hơi bị ù, nghe được tiếng còn tiếng mất. Tôi không nghe được hết nhưng tôi nhìn thấy hết trong ánh mắt của họ vẻ trìu mến, biết ơn và cảm phục. Trước khi leo lên xe díp, vị đại úy nọ bảo tôi:

–Tôi hy vọng không có gì rắc rối cho em. Tôi có nói chuyện với ông biệt đội trưởng của em, ổng bảo đối với ổng không có gì trở ngại. Nhưng nếu có gì, cứ gọi cho tôi, tôi sẽ nhờ chiến đoàn can thiệp. Thôi cám ơn em lần nữa nhé. Ráng giữ thân mình, anh em báo cáo Việt Cộng có đem hỏa tiễn tầm nhiệt SA–7 về đây từ hồi đầu chiến dịch đó.

Tôi vẫy tay chào. Chiếc xe lăn bánh đi, nhưng được vài vòng bỗng ngừng lại và de lui đến trước mặt tôi. Ông đại úy hớn hở:

–Vội quá nên quên, tôi có mấy cây AK còn mới tinh, ngày mai tôi sẽ ghé qua biệt đội tặng em một cây làm kỷ niệm.

Tôi mỉm cười cám ơn ông đại úy. Thật ra thì lúc ấy tôi đã chán AK rồi, nặng bỏ mẹ, đang tính bán cây AK đang cầm để mua chai rượu. Tôi nghĩ giá ngài đại úy tặng tôi một chai rượu thì tốt hơn nhưng không dám nói ra. Chiếc xe díp lại lăn bánh. Lần này chiếc xe mất hút giữa đám bụi mù.

Tôi tà tà lê từng bước một đến chỗ bãi đổ xăng của biệt đội. Đại úy Nhơn đã “ghia ghiếc” (một danh từ chỉ phi công đã trang bị phi hành đầy đủ) xong, đang chờ đợi tôi.

Biết thân phận mình, tôi liền biểu diễn một nụ cười cầu tài để “do thám tình hình.” Đại úy Nhơn cười theo, rất thông cảm, rất chân thật. Như thế là quá tốt. Xếp “địa phương” mà thông cảm được như thế thì tôi đỡ được một gánh nặng. Đại úy Nhơn cũng chẳng hỏi tôi đi bay đâu mới về. Đúng hơn, cả hai chẳng nói gì nhiều với nhau. Ông đại úy chỉ bảo cất cánh lẹ lên để còn bàn giao với chiếc L–19 đang làm việc trên vùng.

Suốt phi vụ, ngài đại úy chẳng nói gì về chuyện cất cánh vừa rồi. Tôi cũng lờ luôn. Trước khi về đáp, ngài đại úy chỉ để cập vấn đề của tôi hơi vắn tắt:

–Chuyện đi bay của chú anh coi như không biết. Anh đồng ý chuyện chú làm. Chỉ sợ kẹt là kẹt phi đoàn thôi. Chú biết tính ông Tám mà, ổng biết được thì thế nào cũng có chuyện.

Và phi đoàn trưởng của tôi đã biết được chuyện này ngay cả trước khi tôi về đáp với Đại úy Nhơn. Biết bằng cách nào tôi không biết và cũng chẳng cần tìm hiểu. Xã hội nào, thời đại nào, tập thể nào cũng luôn luôn có những con ký sinh trùng thối tha sống bám vào máu mủ của đồng loại bằng cách báo cáo vặt để kiếm tí điểm, tí ân huệ dư thừa. Cách hay nhất để sống là đừng thèm để ý hay biết đến bọn này. Biết chỉ làm cho mình bực mình.

Ngày hôm đó, tôi bay tổng cộng hơn 10 tiếng đồng hồ nên về đến biệt đội là phóng lên giường ngủ như chết, quên cả ăn uống.

Sáng hôm sau, lệnh từ Nha Trang gọi về: “Không cho Thiếu úy Nhị đi đâu hết. Bảo hắn chuẩn bị hành lý có tàu lên chở về phi đoàn.” Đại úy Nhơn đích thân nhận chỉ thị này sau khi bị xài xể thậm tệ trong điện thoại. Lúc ấy trời còn tối mịt, tôi đang nằm trên giường thưởng thức điếu thuốc Capstan đầu tiên trong ngày. Tôi chỉ nghe ngài đại úy đáp những câu vắn tắt như: “Tôi không biết trung tá,” và “Làm sao tôi biết được trung tá?”

Chừng đó thôi cũng giúp tôi hiểu được cái số phận của mình. Gác điện thoại cái cụp, Đại úy Nhơn nổi máu giang hồ, đứng giữa phòng chửi đổng cho tất cả biệt đội nghe:

–ĐM thằng C... hèn hạ khốn nạn nào báo cáo thì phải báo cáo cho đúng. Chuyện thằng Nhị nó làm thì tao biết C... gì, sao lại lôi cả tao vào? ĐM tao mà biết được thằng C... chó má đó thì tao vặn cổ.

Đã biết tính tình của Đại úy Nhơn, chẳng có thằng C... nào dám mở miệng. Tiếng quát tháo của ông đại úy phi công lúc trời chưa sáng như vang dội cả núi rừng Quảng Đức. Tôi hút xong điếu thuốc, nằm im nhìn lên khoảng tối âm u trên trần nhà. Âm u như đất nước tôi, dân tộc tôi. Một lần nữa, tôi lại làm phiền Đại úy Nhơn. Ông đại úy này với tôi có nhiều kỷ niệm lạ lùng tôi sẽ đề cập tới trong một lúc khác.

Chửi bới một lúc xong, ngài đại úy đến bên giường tôi, kêu ra ngoài nói chuyện.

Mặt trời vùng cao nguyên hôm ấy dậy khá trễ, gần sáu giờ mà vẫn chưa chịu ló mặt ra. Tôi và Đại úy Nhơn đứng hút thuốc ngoài biệt đội, trong bóng tối gần tàn của rạng đông, trên một ngọn đồi, nhìn xéo xéo xuống thung lũng mờ mờ phía trước. Gió cao nguyên thổi lồng lộng, hơi lành lạnh làm tăng thêm giá trị của hơi thuốc lá buổi sáng sớm. Dòng sông Đắp–La dưới chân đồi, tuy không nhìn thấy nhưng tiếng nước chảy siết bao trùm cả không gian. Trong một thoáng, tôi cảm thấy yêu cái cuộc đời “tang bồng hồ thỉ” của người phi công. Nay đây mai đó trên khắp nẻo quê hương, tôi thấy mình càng ngày càng gắn bó hơn với cái nơi chốn mà người ta gọi là “Tổ Quốc.”

Khuôn mặt Đại úy Nhơn có dấu buồn phiền mệt mỏi khi đầu điếu thuốc được rít lên:

–Ông Tám kêu em về. U–17 cất cánh rồi, sắp sửa đáp bây giờ. Tôi trả lời tỉnh bơ:

–Tù là cùng chứ gì.

–Còn phải nói, tù là cái chắc rồi thằng em. Nhưng tù cái không đáng tù mới là đáng nói.

Tôi chẳng thấy buồn phiền gì cả, lính mà:

–Em quen rồi anh Nhơn. Ông Đại úy Tới coi tướng em nói số mày không đeo nổi cái lon trung úy. Thiếu úy là “Danh phận tột đỉnh” rồi.

Đại úy Nhơn bỗng bật cười:

–Mày chưa bị xuống Chuẩn úy là may. Nhiều khi tao tự hỏi tại sao quân đội lại để cho một thằng ba gai như mày đeo lon thiếu úy, những thằng ngỗ nghịch như tao đeo lon đại úy.

Cả hai chúng tôi cùng cười. Tiếng cười như che lấp cả núi rừng chung quanh. Khi chúng tôi quay vào, vầng thái dương vừa từ từ ló dạng. Cả không gian, cả bầu trời bừng lên một sức sống mãnh liệt. Rạng đông ở quê hương mình đẹp đẽ và hùng dũng làm sao.

Sáng hôm đó, tôi về lại Nha Trang. Trước khi đi, tôi cũng không gọi điện thoại cho mấy ông Lôi Hổ để từ giã. Tôi biết họ rất tốt nhưng sẽ chẳng giúp gì được cho tôi. Mỗi quân chủng đều có một đường lối làm việc riêng. Hơn nữa, hôm qua trước khi cất cánh tôi đã suy nghĩ kỹ và sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì sẽ xảy đến cho mình...

Khi leo lên tàu giã từ Quảng Đức, tôi vẫy tay chào Đại úy Nhơn và chẳng hề cảm thấy hối hận chút nào mà trái lại, còn cảm thấy hãnh diện nữa. Tôi đã sống như một người có trách nhiệm như thân phụ tôi đã dạy.

Vào trình diện ông Tám, tôi tỉnh bơ đưa tay lên chào mà không hề thấy sợ sệt hay mặc cảm gì cả. Ông mời tôi ngồi, nói chuyện với tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ làm tôi hơi ngạc nhiên. Ông hỏi tôi chuyện gì xảy ra. Tôi kể lại mọi chuyện rồi kết luận:

–Thưa thầy, (tục lệ của phi đoàn quan sát gọi người dạy bay mình là thày), chính tôi đề nghị bay giúp họ. Họ không có ép hay năn nỉ gì cả. Tôi thấy cần bay phi vụ đó nên tôi bay. Đơn giản như thế thôi. Bây giờ thì tôi chấp nhận mọi hình phạt của thầy.

Tôi nhìn thằng vào mặt ông Tám mà nói như thế. Lần đầu tiên, tôi thấy ông có vẻ hơi bối rối. Nhưng ông nắm được thế thượng phong ngay:

–Chuyện anh làm có thể... đúng. Nhưng anh nghĩ coi, quân đội sẽ như thế nào nếu ai muốn làm gì thì làm. Phi công muốn cất cánh thì cất cánh, lính thiết giáp muốn lái xe tăng đi đâu thì lái, vân vân. Nếu ai cũng như thế thì làm sao có thể điều hành và chỉ huy một tập thể to lớn như quân đội được...

Lại bài mo–ran cũ rích mà lúc ấy tôi chẳng còn muốn nghe nữa. Dĩ nhiên là ông ta nói đúng, nhưng bây giờ tôi không muốn ngồi đây để nghe giảng hay cãi lý với ông ta. Mẹ, trước sau gì cũng đi tù, tôi muốn đi tù càng sớm càng tốt. Tôi cảm thấy mệt mỏi. Sau hàng trăm phi vụ hành quân ở Quảng Đức gần tháng qua, tôi muốn nghỉ ngơi, muốn ngủ một giấc thật dài dù là ở Cải Hối Thất hay ở đâu. Ít nhất, ở trong tù Nha Trang, tôi không sợ bị ăn đạn pháo kích của giặc. Tự nhiên, tôi đâm liều:

–Trước sau gì tôi cũng đi tù, thầy cho tôi đi sớm chừng nào tốt chừng đó. Tôi mệt mỏi quá rồi, không có thì giờ ngồi đây để nghe giảng...

Trung tá Tám như khựng lại sau câu nói liều lĩnh của tôi. Phi đoàn tôi chưa có ai nói chuyện với xếp lớn kiểu này. Nhưng con người có sức chịu đựng của nó. Suy nghĩ một lúc, ông nói:

–Được, tôi sẽ cho anh đi tù... Câu tiếp theo sau làm cho tôi giật nảy mình:

–Tôi đã nói anh là một người có tâm hồn và tài năng. Tôi đã không lầm. Tôi chưa biết nói gì thì ông tiếp:

–Nói thật với anh rằng hôm qua nếu tôi là anh, thì tôi cũng làm như anh mà thôi. Anh xứng đáng là một phi công tài giỏi của Không Quân. Nhưng, với cương vị là phi đoàn trưởng của anh, tôi phải phạt anh. Phạt nhưng rất phục.

“Phục cái kiểu... mẹ gì lại bắt tôi đi nhốt,” tôi nói với lòng mình như thế và đứng lên đi ra, chẳng muốn nói gì thêm nữa.

Ra khỏi phi đoàn, tôi leo lên chiếc xe díp của Quân Cảnh đã đợi sẵn bên ngoài. Ngồi trên xe trực chỉ Cải Hối Thất Sư đoàn II Không Quân, tôi lẩm bẩm: “Mẹ, lại những chiếc xe díp...”

Sáng hôm sau, tôi được thả ra kèm một sự vụ lệnh đi phép 5 ngày...

Đó là lần thứ tư và cũng là lần ủ tờ cuối cùng của tôi. Nhưng như đã nói, lần này, khác hơn những lần trước, tôi lừng lững bước vào Cái Hối Thất, đầu ngẩng lên cao, lòng cảm thấy sung sướng, không hề hối hận, không chút gì buồn phiền...

Đó là một lần rất ít trong cuộc đời binh nghiệp khiêm nhường ngắn ngủi của tôi, tôi cảm thấy đã làm một việc gì thật sự cho quê hương đất nước. Nếu phải bắt đầu làm lại từ đầu, tôi cũng sẽ không ngần ngại làm y như cũ.

Ngày hôm sau, tôi cũng quên không gọi lên biệt đội xem có ai tặng tôi cây AK không. Và tôi cũng chẳng bao giờ có dịp gặp lại vị Đại úy Nha Kỹ Thuật tận tâm nọ...

Mười mấy năm sau trên đất khách, tôi hy vọng người đại úy ngày nọ của Nha Kỹ Thuật, nếu trời còn thương để cho đại úy không tự sát ngày 30 tháng 4, hay đã không bị kẻ thù giết chết trong các trại tù, và vượt biên được sang thế giới tự do này, nếu đọc được bài này, không hiểu đại úy còn có nhớ đến một buổi trưa ngút ngàn khỏi lửa ngày nào tại quận lỵ Quảng Đức quê mình? Tôi chẳng dám đòi cây AK đại úy đã hứa đâu, chỉ muốn tỏ một chút lòng ngưỡng mộ đối với đại úy, với anh em Nha Kỹ Thuật. Nếu đại úy đọc được những hàng chữ này, thì dù có cách trở xa xôi, dù tâm hồn đã héo hon tàn tạ sau mười mấy năm đau thương tủi nhục, xin hãy cùng tôi cất lên tiếng cười cho một chút quá khứ đáng hãnh diện. Chúng ta là những người trai sinh nhằm thời loạn, đành phải mặc áo nhà binh để bảo vệ non sông tổ quốc. Tôi biết đại úy cũng như tôi, chúng ta nào có thích gì cái trò chơi lửa đạn, mê gì cái bông mai vàng trên cổ áo với số lương tháng không bằng một ngày làm việc của anh tài xế taxi. Ngày xưa, trong cơn binh lửa, chúng ta là những kẻ bị thiệt thòi nhiều nhất. Ngày hôm nay, tàn cuộc binh đao, chúng ta lại là những kẻ bị trả thù tàn nhẫn nhất, bị hành hạ và lăng nhục nặng nề nhất. Hàng trăm thứ tội đều được đổ lên đầu chúng ta, gọi chúng ta bằng những danh bỉ ổi hèn hạ nhất như “nợ máu với nhân dân.” Nợ gì khi chúng ta đã bỏ hết tuổi thanh xuân quý giá đi nằm gai nếm mật, băng rừng lội suối, ngủ bờ ngủ bụi ngày này qua tháng nọ để gìn giữ cho xóm làng được yên vui, cho trẻ thơ được rộn rã tiếng cười, cho buổi họp chợ ban mai được yên lành trong nắng sớm, cho mái chùa cong cong còn được gióng lên những hồi chuông tín mộ, cho ngôi giáo đường thành phố còn nhịp nhàng vang lên những bản thánh ca nghe dịu dàng thanh thoát như những tiếng hát của thiên thần?

Nợ gì đây? Đồng bào miền Nam mình chắc cũng đã thừa biết ai nợ ai rồi...

Nếu còn có thể khóc được sau tiếng cười vừa rồi, thưa đại úy, xin hãy khóc lên không phải cho chúng ta nhưng cho hơn một triệu anh em đồng đội của chúng ta đã anh dũng ngã gục dưới cờ, chết thay cho cả dân tộc. Chính những sự hy sinh cao cả này của đồng đội mà chúng ta không thể để mất niềm tin. Chúng ta không được để những cái chết cao cả đó trở thành vô nghĩa. Chúng ta sẽ không bao giờ xao lãng cái sứ mạng mà tổ quốc và dân tộc Việt Nam đã long trọng giao phó: Ngày xưa là giữ gìn và bảo vệ non sông tổ quốc và bây giờ là quang phục lại quê hương. Theo Kinh Dịch, trong đại họa là cái mầm của đại phúc, trong tận cùng thống khổ là bắt đầu của thời đại an vui sung sướng. Chúng ta phải vững niềm tin. Chúng ta đều đã thật sự trưởng thành trong nước mắt, trong tủi nhục, trong đau thương thống khổ cùng với quê hương và dân tộc mình. Càng bị sỉ nhục, càng bị hành hạ, càng bị khinh bỉ, chúng ta càng trở thành những chiến sĩ, những cán bộ tài giỏi cần thiết cho công việc quang phục quê hương sau này...

Kính thưa quý vị,

Tôi vừa kể lại cuộc đời binh nghiệp khiêm nhường của mình, rất chân thành, không dấu diếm những hèn mọn, không khoe khoang quá đáng những cái hay. Tôi có đủ can đảm của một người lính để chấp nhận mình là kẻ thua trận, xứng đáng bị lăng nhục, bị chê trách, bị chửi bới. Tôi không có gì nói để biện mình cho tôi cả. Bây giờ, mỗi lần nhìn thấy chim bay trên trời, lòng tôi cảm thấy đau xót và tiếc nuối vô cùng vô tận. Không phải tôi tiếc nuối những giây phút lồng lộng giữa trời xanh bát ngát vì bên Mỹ này, chỉ cần bỏ ra 25 đô–la một giờ là tôi sẽ mướn được một chiếc phi cơ còn đẹp hơn chiếc L–19 của tôi ngày xưa nhiều, tha hồ và vung vít, tha hồ mà nhào lộn. Cũng không phải tôi tiếc nuối vì đã mất đi cái mác “Thiếu úy phi công” trong bộ đồ bay màu xanh da trời với cái khăn quàng màu trắng nơi cổ và cây Colt lủng lẳng bên hông. Tôi đau xót và tiếc nuối thật tình, lòng tôi héo hon phiền muộn vì biết mình đã phần nào chịu trách nhiệm trong việc làm mất đi cái vòm trời vô giá của tổ quốc mến yêu. Cho cái thuở xa xưa, dù đã được giáo dục đầy đủ, được quân đội cưng chiều ưu đãi, tôi đã ít khi nào biết hết lòng tận trung báo quốc. Cho cái tuổi trẻ yêu dấu đã âm thầm vĩnh biệt tôi ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại. Và, thật sâu trong đáy trái tim rướm máu của một người phi công lưu lạc, tôi đau đớn tiếc thương cho những chiến sĩ của một quân đội kiêu hùng đã nằm xuống, chấp nhận chết thay cho cả dân tộc, trong đó có tôi.

Mỗi năm, vào độ Xuân về, khi cầm nén hương đứng trước bàn thờ tổ quốc, nhìn lá cờ vàng 3 sọc đỏ uy nghiêm giữa hương khói ngút ngàn, hai hàng lệ của tôi cứ tuôn tràn ra mãi không sao cầm được. Tôi thấy hình bóng của một triệu người anh em đồng đội tôi, trong đó có em ruột tôi, có vợ chồng chú Bốn tôi chập chờn ẩn hiện sau lá cờ đó. Và năm nào cũng thế, tôi đều thề với trời đất rằng sẽ dùng hết quãng đời còn lại của mình để phụng sự tổ quốc. Tôi biết bây giờ mình đã già, thêm nợ thê nhi chồng chất, ắt khó mà cầm súng được. Nhưng tôi còn ngòi bút, còn lá phiếu để đi bầu, còn nhiều... tài vặt, và quan trọng hơn cả, tôi còn một ý chí sắt đá trong lòng mình.

Người ta bảo là chúng ta đã thua giặc không phải trên chiến trường ở Việt Nam mà tại Hoa Thịnh Đốn, vậy thì, với một triệu người Việt Nam di tản ở đây, tại sao chúng ta sẽ không thắng được chúng cũng ngay tại Hoa Thịnh Đốn này?

Để kết luận, tôi xin viết lại một đoạn trong bài diễn văn của Thủ tướng Winston Churchill đọc trước quốc hội Anh ngày 4 tháng 6 năm 1940, sau cuộc rút lui thảm bại và ô nhục của quân đội Anh tại bờ biền Dunkirk. Trong những ngày lịch sử tăm tối đó, thật tăm tối và tràn đầy tủi nhục như chúng ta bây giờ, con sư tử lừng danh của Anh Quốc đã rống lên thảm thiết với hàng nước mắt chảy dài trên má như sau:

“We shall go on to the end. We shall fight on the seas and oceans... We shall defend our country, whatever the cost may be. We shall fight on the beaches, we shall fight on the landing ground, we shall fight in the fields and in the streets, we shall fight in the hills; we shall not surrender. We shall never surrender...”

Hôm nay, trong những ngày tăm tối u buồn của quê hương Việt Nam, hỡi những người Việt Nam lưu lạc, xin hãy cùng tôi nói với lòng mình như thế và xin hãy giữ vững niềm tin...
 

 

Thư Viện Trần Quốc Tuấn
16/9/1989
Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 


Những bài liên hệ


Trang chính

Bài 1: Đại Cương Tiểu Sử & Vài Nét Hoạt Động của Nha Kỹ Thuật/Bộ Tổng Tham Mưu–QLVNCH
Bài 2: Huyền Thoại Nhưng Có Thật

Bài 3: Vài nét về Biệt Kích Dù hoạt động ngoài Bắc Việt
Bài 4: Sự Hình thành & Hoạt động của Sở Phòng Vệ Duyên Hải/Nha Kỹ Thuật, BTTM QLVNCH
Bài 5: Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc & Thiên Ðàng Ðảo
Bài 6: Phi Công Phan Thanh Vân
Bài 7: Anh Hùng Biệt Hải – Anh Là Ai?
Bài 8: Tự Truyện một Phi Công
Bài 9: Người Việt, Anh hay Chị ở vị trí nào?
Bài 10: 50 năm tưởng niệm Tết Mậu Thân
Bài 11: Trả lại Sự Thật cho Lịch sử
Bài 12: Bài thơ LÔI HỔ
Bài 13: Tâm sự Người ở lại
Bài 14: Hành quân phá hủy Mật khu Vũng Rô – Hồi ký NN Lê Đình An
Bài 15: Bài thơ CHIẾN THẮNG VŨNG RÔ
Bài 16: Mình 3 đứa
Bài 17: Sở Liên Lạc và Tôi
Bài 18: Tóm lược sự Hình thành Nha Kỹ Thuật
Bài 19: Phi Đoàn 219 KINGBEE
Bài 20: Người Lính & những Người Lính
Bài 21: Lính Biệt Kích – Bóng Ma và Ma Ám
Bài 22: Toán Chiêu Hồi

Bài 23: Bóng Ma Biên Giới

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Đoàn Hữu Định chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, June 10, 2018
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang