Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Ngược dòng thời gian
Chủ đề: Thảm Sát Mậu Thân 68
Tác giả: Bác sĩ Nha khoa Chu Mỹ Dung
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Để
mở đầu cho một bài viết vào ngày 31 tháng 1 năm 2018, đúng 50 năm
ngày “diệt chủng Mậu Thân”, Nguyễn Đắc Xuân
“minh oan” cho nạn nhân Huế bằng câu nói của Lê Minh, đại tá Việt
Cộng, tư lịnh mặt trận Thừa Thiên-Huế, một trong những tội phạm
Mậu Thân như sau:
“Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là
phải minh oan gia đình, con cái của những người đã chết, trong
hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý
định xử họ vào tội chết; có một người phải minh oan cho một
người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người.
Đó chính là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và
không bao giờ lẫn lộn trắng đen.”
(Lê Minh)
Đọc xong, chúng tôi nhận thấy đây là
một bài viết treo đầu dê bán thịt chó, không những không phải để
“minh oan” mà lại còn xúc phạm 6537 người đã bị chính ông Nguyễn
Đắc Xuân và đồng bọn tử hình Tết Mậu Thân 1968, rồi sỉ nhục luôn
cả những người còn sống. Vì vậy chúng tôi thấy cần phải vạch mặt
sự “minh oan” này để chúng ta “không bao giờ lẫn lộn trắng đen”
những sát thủ đã thi hành lịnh của Hà Nội tàn sát đồng bào trên
lãnh thổ Miền Nam, cũng như “không bao giờ lẫn lộn trắng đen” cái
gọi là “lẽ phải và tình thương” của cộng sản, cũng như “không bao
giờ lẫn lộn trắng đen” cái gọi là “minh oan” về cái chết của 6537
người vô tội. Và cũng để các ngài Việt Cộng “không bao giờ lẫn
lộn trắng đen” rằng người Việt Nam không ai biết Việt Cộng đã làm
gì trong “Huê Massacre”.
Cuối cùng để ông Nguyễn Đắc Xuân “không
bao giờ lẫn lộn trắng đen” rằng người dân Miền Nam và đặc biệt là
người Huế sẽ không biết ông Việt Cộng nằm vùng Nguyễn Đắc Xuân là
ai, giữ vai trò gì trong lực lượng thảm sát đồng bào Huế.
Mậu Thân 68 là thành ngữ về sự diệt
chủng của cộng sản vào ngày Tết cổ truyền 1968 trên 36 thành phố
tại Miền Nam bằng hai phương pháp: đập đầu chôn sống và tấn công
khủng bố. Sài Gòn cũng bị tấn công khủng bố và có mồ chôn tập
thể, nhưng nặng nề nhất là ở Huế.
Ngoài những nấm mồ tập thể, chính phủ
VNCH tổng kết có khoảng 1500 người đã bị Việt Cộng xử tử tại chỗ
trong những ngày cộng sản chiếm thành phố Huế, trên tổng số bị
thảm sát là 6537 người. Khoảng 700 người bị bắn ở quận I và 800
bị bắn ở quận II, thực hiện bởi lực lượng An Ninh Bảo Vệ Khu Phố
của Nguyễn Đắc Xuân, hỗ trợ bởi Công an Khu ủy của Tống Hoàng
Nguyên và Công an Thành ủy của Nguyễn Đình Bảy.
Đây là vấn đề rất nghiêm trọng của lịch
sử, vì vậy chúng tôi đã tiếp xúc với một số nhân chứng sống,
nhiều tài liệu và nhất là tài liệu “Huế Thảm Sát Mậu Thân” của ty
Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế để làm sáng tỏ vụ án này. Xin
tóm gọn các giai đoạn tiến hành “bạo lực cách mạng” của CS Hà Nội
đối với Huế như sau:
Xây dựng công cụ bạo lực trước
tấn công:
Nói một cách giản dị đó là soạn thảo kế
hoạch giết dân Huế của Trung ương ĐCSVN.
Kế hoạch tấn công Mậu Thân được Hà Nội
và Hồ Chí Minh chính thức đưa vào nghị trình họp của bộ Chính Trị
tháng 5 năm 1967, tiếp theo là 4 cuộc họp nữa. Tháng 12 năm 1967,
hệ thống chính quyền và hệ thống bạo lực tại Thừa Thiên-Huế được
hoạch định bởi Quân ủy Trị Thiên Thiếu tướng Trần Văn Quang và
Chính ủy Trị Thiên Lê Chưởng. Sau đó Lê Chưởng phối hợp với Hoàng
Kim Loan, thành ủy viên, trung tá, trưởng ban Tổng Nội Dậy, Hoàng
Lanh thường vụ thành ủy, Phan Nam thành ủy viên, phân nhiệm công
tác thi hành bạo lực cho ba nhân vật chủ chốt: Tống Hoàng Nguyên:
trưởng Công an quân khu Trị Thiên, Nguyễn Đình Bảy: trưởng ty
Công an Thừa Thiên-Huế và Nguyễn Đắc Xuân: An Ninh Bảo Vệ Khu
Phố.
Ngày 21
tháng 1 năm 1968, Bộ Chính Trị CS Hà Nội lại gởi mật điện cho
Phạm Hùng: Trung ương cục Miền Nam, Võ Chí Công: Khu ủy Khu 5,
Thiếu tướng Trần Văn Quang: Khu ủy Trị Thiên ra lệnh đặt tên cho
đám Việt Cộng nằm vùng được chọn lên nắm chính quyền tại Huế là
“Lực Lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình”. Vi vậy, cái tên
mới này thật ra chẳng có ai là mới, tất cả đều là những khuôn mặt
nằm vùng lâu đời tại Huế, cùng hoạt động dưới cái tên “phong trào
Phật Giáo Tranh Đấu”, “Học Sinh Sinh Viên Tranh Đấu”, nằm chung
trong cái ổ “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”, tức là cái Ổ Việt
Cộng Nằm Vùng Miền Nam, “đứa ở” của CS Hà Nội không hơn không
kém.
Và đây là
“chính quyền cách mạng” Huế: Lê Văn Hảo chủ tịch tỉnh, phó chủ
tịch Tuần Chi Đào thị Xuân Yến. Chủ tịch quận I: Nguyễn Hữu Vấn,
Việt Cộng nằm vùng dưới dạng giáo sư âm nhạc. Chủ tịch quận II:
Nguyễn Thiết, điệp viên CS thoát ly vào Nam. Còn quận III do đất
rộng dân lại chạy trốn hết nên không thể thành lập chính quyền.
Vì vậy mọi hoạt động tại quận III giao cho đại tá Việt Cộng
Nguyễn Đình Bảy, tức Bảy Lanh, con nuôi của chủ tiệm thuốc bắc
Thiên Tường, An ninh Thành ủy, tức Công an Thành ủy trực tiếp
điều hành.
Công cụ bạo lực ở Huế do Nguyễn Đắc Xuân chủ lực. Nguyễn Đắc Xuân
được giao cho khoảng 700 tên khủng bố để sử dụng. Lực lượng sát
thủ này được đặt tên là Đội An Ninh Bảo Vệ Khu Phố, Nguyễn Đắc
Xuân là đội trưởng. 80% đội sát thủ này là thành phần nằm vùng
trong phong trào Phật Giáo Tranh Đấu chống chính phủ VNCH. Sau
năm 1966 đám nằm vùng này bị nhận diện phải trốn lên mật khu như
Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Đám
thoát ly này được đưa trở về lại nội thành làm công tác “nổi dậy”
và trả thù khi cộng quân vào chiếm Huế. 20% còn lại là thành phần
nằm vùng tại chỗ và đám chỉ điểm. Ngoài Đội Thanh Niên Vũ Trang,
tức đội An Ninh Bảo Vệ Khu Phố, Nguyễn Đắc Xuân còn tổ chức thêm
đội Nghĩa Binh Cảnh Sát, Nghĩa Binh (quân đội), nhưng cả hai lực
lượng này không làm nên trò trống gì vì tất cả những người bị ép
buộc sau này đã tìm cách trốn thoát về trình diện Bộ Chỉ Huy Cảnh
Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế, số “Nghĩa Binh” gồm 10 lao công đào
binh đứng đầu là Đại úy Nguyễn Văn Lợi, lập ra chỉ để có tên về
mặt chính trị mà thôi.
Phụ tá đắc lực cho Nguyễn Đắc Xuân là
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị Đoan Trinh,
Nguyễn Đóa, Tôn Thất Dương Tiềm. Yểm trợ sức mạnh cho Nguyễn Đắc
Xuân là lực lượng An ninh của Tống Hoàng Nguyên, Công an Khu ủy,
và lực lượng An ninh của Nguyễn Đình Bảy tức Bảy Lanh, Công an
Thành ủy.
Tổng
nhân lực Hà Nội đã tung vào Thừa Thiên-Huế làm công tác tử hình
tay sai Mỹ Ngụy là 2000 “chiến sĩ khủng bố”, nằm dưới sự điều
động trực tiếp của Tống Hoàng Nguyên, Nguyễn Đình Bảy và Nguyễn
Đắc Xuân.
Chúng tôi xin liệt kê thêm một số tên tuổi cũng rất tài ba trong
lực lượng bạo lực của Nguyễn Đắc Xuân mà người Huế đều biết mặt
như sau:
Nguyễn Đóa, giám thị trường Quốc Học, giáo viên trường Bồ Đề (cha
của Nguyễn Thị Đoan Trinh), Lê Hữu Dũng, sinh viên đại học Sài
Gòn, Tôn Thất Dương Tiềm giáo viên (con rể Nguyễn Đóa, anh rể của
Nguyễn Thị Đoan Trinh), Nguyễn Thúc Tuân giáo viên, Nguyễn Tròn,
bồi bàn tiệm ăn Quốc Tế, Nguyễn Bé (thợ nề, chủ tịch khu phố),
Trần văn Linh tức thầy bói Diệu Linh, tên Gù bán thuốc cẩm lệ
đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hữu Vấn, giáo sư âm nhạc, chủ tịch
Quận I, Nguyễn Thiết, thoát ly vào Nam, chủ tịch Quận II, cha con
chủ tiệm thuốc bắc Thiên Tường, Hoàng Văn Giàu, phụ khảo Đại Học
Huế, Lê Minh Tường, Nguyễn Xin chủ nhà máy cưa, Nguyễn Hải chủ
khách sạn Hương Bình, Lê Hữu Tý và vô số những tên nằm vùng núp
dưới học sinh sinh viên tranh đấu, dạng khuôn hội Phật Tử.
Cách thức thi hành bạo lực:
Hai cách giết người đã được
CS Hà Nội chỉ thị thi hành tại Huế:
Một: đến tận
nhà tìm từng cá nhân để hành xử khủng bố bắn tại chỗ,
hai: lùa hốt những mẻ thật lớn đem chôn sống.
Những vụ xử bắn nổi tiếng có vụ Nguyễn
Đắc Xuân bắn Trần Mậu Tý, vụ Nguyễn Đắc Xuân cắt tai xẻo mũi rồi
bắn một loạt AK vào Thiếu tá Từ Tôn Kháng, vụ Nguyễn Đắc Xuân xử
tử vợ chồng Trần Ngọc Lộ ở Cồn Hến.
Còn những mẻ lưới bắt người tập thể thì
không người Huế nào có thể quên được. Đó là 4 đợt “trình diện
chính quyền cách mạng để được khoan hồng”, Tòa Án Nhân Dân Trường
Trung Học Gia Hội của Hoàng Phủ Ngọc Tường, vụ bắt khoảng 500
người nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế của Nguyễn Đắc Xuân và Nguyễn
Đình Bảy, vụ bắt hơn 400 người tại nhà thờ Phủ Cam.
Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa
Thiên-Huế/VNCH chia cách thức giết người này theo thời gian như
sau:
Tắm máu giai đoạn I:
Khủng bố giết người, lùng bắt những
người nằm trong danh sách tử thần đã ấn định sẵn. Danh sách này
được ấn định bởi ba thần chết: Tống Hoàng Nguyên, An ninh Khu ủy,
Nguyễn Đình Bảy An ninh Thành ủy và Nguyễn Đắc Xuân, An Ninh Bảo
Vệ Khu Phố.
Trong cả ba thì Nguyễn Đắc Xuân là tay khủng bố chủ lực nhất. Vì
sao Nguyễn Đắc Xuân được cộng sản chọn là ứng viên số một? Để trả
lời câu hỏi này, hãy điểm lại khả năng và thành tích từ năm 1966
của ông ta như sau: Ông ta biết từng ngõ ngách của Huế có bao
nhiêu Ngụy Quân Ngụy Quyền, làm chức vụ gì ở đâu. Còn nhớ khi
phong trào “Phật Giáo Tranh Đấu” 1966 bùng nổ, ông ta đã tổ chức
chiếm đài phát thanh của chính phủ tại Huế, đổi tên là đài “phát
thanh cứu nguy Phật Giáo”, đốt tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ngày
29/5/1966 và đốt phòng thông tin Văn Hóa Hoa Kỳ sau đó, chiếm ty
Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế, cướp kho súng máy móc truyền
tin của ty Cảnh Sát để trang bị cho “đoàn học sinh sinh viên Phật
tử quyết tử” của ông ta, đốt nhà Trung tá tỉnh trưởng Thừa Thiên
Phan Văn Khoa trên đường Cường Để gần cống Thủy Quan, tổ chức
biểu tình gây hỗn loạn trong thành phố, lập 3 đại đội sinh viên
quyết tử đi đến từng nhà một bắt ép dân chúng phải đi theo phong
trào “Phật Giáo Tranh Đấu”, ai không đi theo thì bị cho là người
của Thiệu-Kỳ, bị hăm dọa và bị áp dụng bạo lực. Ngay sau đó
Nguyễn Đắc Xuân còn đưa lực lượng “sinh viên Phật Tử quyết tử”
vào Đà Nẵng tăng cường cho chùa Tỉnh Hội, gây nên vụ bạo động
giết đồng bào công giáo tại Thanh Bồ Đức Lợi mà nhắc đến hai địa
danh đó đồng bào Đà Nẵng không thể nào quên được.
Bổn cũ soạn lại, nhưng lần này có cộng
quân chống lưng nên tinh hoa của Nguyễn Đắc Xuân được hoàn toàn
phát tiết ra ngoài. Sáng sớm mùng hai tết khi trời còn lờ mờ, một
số lớn các gia đình ở quận I, II, III và các quận giáp ranh Hương
Thủy, Hương Trà, Phú Vang đã bị đám Công an Thành ủy và Lực Lượng
An Ninh Bảo Vệ Khu Phố của Nguyễn Đắc Xuân xông vào từng nhà lục
soát bắt người. Danh sách địa chỉ hồ sơ lý lịch đã có sẵn, cảnh
sát Ngụy, binh lính sĩ quan Ngụy, công chức Ngụy, làm sở Mỹ làm
sao mà thoát. Và không cần biết đúng sai, Nguyễn Đắc Xuân và
Nguyễn Đình Bảy thỏa thích nã đạn vào bất cứ ai nằm trong danh
sách mà họ tóm được. Ngoài việc lùng sục từng nhà, Nguyễn Đắc
Xuân còn ra lịnh cho hơn 700 bộ hạ trong lực lượng cơ hữu của ông
ta chận xét dân chúng chạy giặc, bắt giữ hoặc hạ sát ngay tại chỗ
bọn “Ngụy ác ôn” nếu thấy.
Và đây là hành động khủng bố đầu tiên
của Nguyễn Đắc Xuân Tết Mậu Thân năm ấy. Mới sáng sớm mùng hai
Tết, Nguyễn Đắc Xuân đã tóm được Trần Mậu Tý, chồng mụ Nội thương
gia ở đường Phan Bội Châu, và 4 người khác. Trần Mậu Tý là ai?
Trần Mậu Tý là bạn chí thân thời sinh viên đại học Huế của Nguyễn
Đắc Xuân, cùng hoạt động trong phong trào “sinh viên Phật Tử
tranh đấu” do Nguyễn Đắc Xuân tổ chức. Tại tường thành cạnh cửa
Đông Ba, Nguyễn Đắc Xuân tuyên bố tội của Trần Mậu Tý là đảng
viên Đại Việt, tình nghi làm việc cho CIA. Trần Mậu Tý bị trói
cùng với ông thương gia Nội, cũng bị nghi là đảng viên Đại Việt.
Cả hai bị Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn thị Đoan Trinh, Nguyễn Thiết
đẩy vào sát bờ tường thành. Nguyễn Đắc Xuân là người bắn loạt đạn
AK đầu tiên vào người thằng bạn thân của mình. Sau đó Nguyễn Đắc
Xuân ria một tràng thứ hai vào ông Nội. Cả hai xác đổ qụy xuống
chân tường. Nguyễn Thị Đoan Trinh và Nguyễn Thiết bồi thêm hai
băng AK vào hai thi thể dưới đất. Máu tươi từ hai người phun ra
xối xả trước sự chứng kiến của đồng bào và của vợ ông Nội. Bốn
người còn lại cũng cùng chung số phận.
Trần Mậu Tý là con trai độc nhất của
Tuần Phủ Trần Mậu Trinh. Ông là người chống cộng nổi tiếng. Có lẽ
vì lý do đó mà Trần Mậu Tý đã bị thằng bạn thân của mình xử tử,
và cũng để chứng minh lập trường “đấu tranh giai cấp” kiên định
bất kể tình cảm của Nguyễn Đắc Xuân với “cách mạng”. Sau vụ bắn
bạn thân Trần Mậu Tý, bản án tử hình dân chúng Huế nở rộ dưới tay
Nguyễn Đắc Xuân và 700 tay sai, dưới sự giúp sức của 1300 tên
khác thuộc quyền Tống Hoàng Nguyên và Nguyễn Đình Bảy.
Trước tình cảnh hãi hùng như thế, dân
chúng Huế hoảng loạn tìm cách thoát thân. Bọn nằm vùng và cộng
quân thấy vậy thì rất tức giận, liền nổ súng vào đoàn người đang
hớt hãi bỏ chạy không chịu “tổng nổi dậy” theo yêu cầu của Nguyễn
Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Lời kêu gọi “nhân dân hãy tổng
nổi dậy”, “hãy treo cờ cách mạng lên”, “không có cờ cách mạng thì
treo cờ của ôn Đôn Hậu lên” của Xuân và Tường vang vang trên
đường phố chừng nào thì dân Huế bỏ chạy chừng đó. Thây người liên
tiếp ngã gục, không nơi nào của Thừa Thiên-Huế không có xác
người, máu đào liên tục tuôn rơi trên màu cờ “giải phóng” của Bác
Đảng và của Ôn Đôn Hậu.
Ông Trần Đình Thương phó thị trưởng thị
xã Huế bị cộng quân bắn ngay trước cổng nhà, ngay ngã tư Nguyễn
Hoàng-Nguyễn Huệ, đối diện công viên Bến Ngự khi đang có ý định
đi đến Tòa Hành Chánh Tỉnh xem tình hình ra sao. Mãi đến 12 ngày
sau khu vực này mới được giải tỏa, thân nhân mới lấy được xác đem
về chôn. Thi thể của ông đã sình thối.
Tại vùng Nam Giao Bến Ngự, Từ Đàm, lực
lượng An ninh của Tống Hoàng Nguyên, Nguyễn Đình Bảy và đội An
ninh của Nguyễn Đắc Xuân vào xét từng nhà một và dẫn đi rất nhiều
người. Dân chúng nhận diện được thêm nhiều Việt Cộng nằm vùng nổi
tiếng như Nguyễn Tú, võ sư môn phái Thiếu Lâm; Cửu Diên và con
trai của Cửu Diên, nhà ở Cầu Liêm gần Đàn Nam Giao. Tại đây
Nguyễn Tú và Cửu Diên đã bắt đi ông Tôn Thất Hậu chủ tiệm ảnh Tự
Do, ông Nguyễn Văn Nhẫn chủ tiệm hớt tóc cạnh chùa Từ Đàm. Ông
Hậu và ông Nhẫn đều là bạn chí thân của Cửu Diên và Nguyễn Tú.
Cho thấy càng thân với Việt Cộng nằm vùng bao nhiêu thì càng mau
tới chỗ chết bấy nhiêu. Xác của hai ông Hậu và Nhẫn sau đó tìm
thấy ở khu vực lăng Đồng Khánh, chết trong tình trạng bị chôn
sống ngạt thở, người không thương tích.
Tại đường Bạch Đằng gần cầu Đông Ba,
Thiếu tá Từ Tôn Kháng, Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn bị bắt
tại nhà. Chúng trói ông lại, xẻo mũi, cắt tai, cuối cùng kết liễu
đời ông bằng một loạt đạn AK, trước sự chứng kiến của vợ con.
Nhiều nhân chứng sau này tường thuật với Thiếu úy Nguyễn Trọng,
Trưởng Ban Cảnh Sát Đặc Biệt Quận II Thị xã Huế rằng họ nhận diện
được toán hành quyết gồm có: Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc
Phan, Nguyễn Thị Đoan Trinh, Nguyễn Bé, thầy bói Diệu Linh, và
tên Gù.
Tại
Chùa Tường Vân nơi ngài Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết trụ
trì, cộng quân vào chùa bắt đi cháu của ngài là Lê Hữu Bôi, sinh
viên trường Quốc Gia Hành Chánh, Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài
Gòn sau đó đem đi chôn sống. Sinh viên Lê Hữu Bôi ra Huế để nghỉ
Tết và hỏi vợ. Xác của ông Lê Hữu Bôi được gia đình ông Liên
Thành đi tìm, ông ta bị chôn sống.
Tổng số người mà “cách mạng chưa hề có
ý định xử họ vào tội chết”, nên họ chỉ “bị giết” mà chẳng cần xử
trong giai đoạn 1, sơ sơ chỉ có 700 người, theo thống kê của Ty
Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế.
Đó là vài nét sơ sơ về thành tích sát
sinh của “người Phật Tử mới thoát ly lên núi chỉ có một năm
rưỡi”, thoát ly kể từ tháng 7 năm 1966 khi bị Thiếu tướng Nguyễn
Ngọc Loan ra Huế dẹp “bàn thờ Phật xuống đường”. Chỉ trong vòng
có hơn một ngày mà người Phật Tử Nguyễn Đắc Xuân đã giết không
đẹp không ăn tiền 700 Mỹ Ngụy và CIA. “Cách mạng” quả biết nhìn
người.
Tắm máu giai đoạn II:
Giai đoạn II là giai đoạn vẫn tiếp tục
chiến thuật của giai đoạn I và thực hiện thêm chiến thuật giết
những mẻ cá lớn. Máu của các nạn nhân chưa khô sau hơn 1 ngày
lùng bắt, thì ba mũi bạo lực tổng càn quét Tống Hoàng Nguyên,
Nguyễn Đình Bảy, Nguyễn Đắc Xuân đã bung ra:
Kêu gọi trình diện:
Bộ ba Nguyên- Bảy -Xuân dụ dân chúng
quân cán chính VNCH và những người làm sở Mỹ ra trình diện để
được chính quyền cách mạng “khoan hồng”. Tổng cộng có 4 đợt dụ
trình diện, được tổ chức như sau: Lực lượng An Ninh Khu Phố của
Nguyễn Đắc Xuân được chia thành từng nhóm nhỏ rải đều trên tất cả
các khu gia cư của quận I, quận II và quận III. Những toán An
ninh nhỏ này đi lục soát từng nhà kêu gọi Ngụy quân, Ngụy quyền,
cảnh sát Ngụy ra trình diện giao nộp vũ khí để được cách mạng
khoan hồng, đồng thời cũng để tiếp tục tìm kiếm những người trong
sổ đen. Đợt trình diện thứ nhất được cấp giấy thông hành rồi cho
về. Đợt thứ hai trình diện đông hơn vì thấy đợt 1 không bị sao
cả, lại cũng được cấp giấy thông hành rồi cho về. Đợt trình diện
thứ ba lại càng đông hơn hai đợt trước, vẫn lại được khoan hồng
và vẫn lại được cấp giấy thông hành cho về. Đến đợt thứ 4 thì mọi
người đã quá tin tưởng “cách mạng”, kéo nhau ra trình diện sạch.
Thế là dân Huế rơi ngay vào lưới của Nguyễn Đắc Xuân, Tống Hoàng
Nguyên, và Nguyễn Đình Bảy như những con thiêu thân. Lần trình
diện thứ 4 này là lần ra đi vĩnh viễn. Tất cả đã lần đi đến những
nấm mồ tập thể, rải rác đâu đó gần chùa Từ Đàm nơi là Đại Bản
Doanh của Nguyễn Đình Bảy, tức Bảy Lanh, trường Trung Học Gia Hội
Bãi Dâu, hoặc đâu đó ở Lăng Xá Bầu, Lăng Xá Cồn, cạnh lăng Vua
Đồng Khánh, Tự Đức, đồi thông Quảng Tế, nhà máy nước Vạn Niên,
dòng tu Thiên An, v.v.
Tòa Án Nhân Dân trường Trung
Học Gia Hội
Cùng thời điểm với các đợt trình diện
thứ là Tòa Án Nhân Dân Gia Hội quận II được mở ra để Hoàng Phủ
Ngọc Tường xét xử tội ác Mỹ Ngụy. Khi bị thẩm vấn tại sao chỉ có
tòa án nhân dân ở quận II mà không có ở quận I và quận III,
sau đây là lời khai của trung
tá Hoàng Kim Loan, Trưởng Ban Tổ Chức Tổng Nội Dậy Mậu Thân,
thành ủy viên Huế, bị Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế bắt
tháng 5 năm 1972, như sau:
-Tại sao không có tòa án nhân
dân ở quận I và III?
“Tại
Quận I và III đoàn An ninh Vũ Trang của Nguyễn Đắc Xuân phối hợp
với Công an Khu ủy và Công an Thành ủy đã thanh toán gần hết các
đối tượng nguy hiểm chống đối phản cách mạng rồi, nên không cần
thiết. Hơn nữa tình hình tác chiến ở quận I và III rất căng, khó
có thể tổ chức tòa án nhân dân.”
- “Ai ngồi ghế chánh án?”
“Tống
Hoàng Nguyên, Hoàng Lanh và tôi hội ý nhau. Lúc đầu chúng tôi
nhất trí chọn Nguyễn Đắc Xuân kiêm nhiệm luôn ghế chánh án, nhưng
Hoàng Lanh (Thường Vụ Thành ủy) đổi ý chọn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Lý do Lực lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình là một lực
lượng kết hợp các thành phần trí thức, tôn giáo, những nhân vật
có uy tín tại Huế đứng lên chống Thiệu-Kỳ chống Mỹ. Vậy Tòa Án
Nhân Dân giao cho Tổng Thư Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường đại diện dân
Huế ngồi xử các tên ác ôn, các tên tay sai của Thiệu-Kỳ và tay
sai của Đế Quốc Mỹ là thích hợp nhất”.
-Có bao nhiêu tội nhân bị chôn
sống bị giết trong phiên tòa đó?
“Tất cả
có trên 200 thành phần ác ôn, tay sai Thiệu-Kỳ Mỹ”
-“Anh có nghĩ như vậy là quá
tàn bạo không?”
“Hành
động đó hơi quá đà, nhưng cần thiết để răn đe quần chúng, bắt
buộc họ phải thuần phục chính quyền cách mạng mới thành lập”
Sự kiện đó cho thấy Nguyễn Đắc Xuân tuy
học ít hơn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng là người có tài nhất và sát
máu nhất trong đám nằm vùng tại Huế, vì vậy đã được cách mạng
chọn làm mũi bạo lực chính. Đáp lại, Nguyễn Đắc Xuân cũng rất hết
lòng với “Cách Mạng”. Nhờ Nguyễn Đắc Xuân mà cách mạng mới lấy
được máu dân Huế nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên toàn cõi Miền
Nam, nhờ vậy mà mỗi năm cứ Tết đến thì “cách mạng” lại nhảy múa
ăn mừng giết được nhiều dân Huế nhất. Cả máu dân Miền Nam năm Mậu
Thân cộng lại không bằng 1/10 máu dân chúng Huế.
Sau Mậu Thân Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa
Thiên-Huế mở cuộc điều tra, cho mời một số nhân chứng trong vụ
Tòa Án Nhân Dân Gia Hội Bãi Dâu lấy lời khai. Tất cả đều khai
giống nhau: Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế chánh án, tội nhân đại
đa số là anh em quân nhân, cảnh sát VNCH bị bắt từ nhà. Một số
khác là cô nhi quả phụ, vợ con của binh lính, địa phương quân,
nghĩa quân, cảnh sát, cán bộ xây dựng nông thôn đã tử trận. Những
người phụ nữ nghèo khổ này đi làm tạp dịch cho lính Mỹ tại các
căn cứ quân sự Mỹ tại Dạ Lê hay Phú Bài hoặc cơ quan MACV kiếm
sống nuôi con nuôi cháu. Số phụ nữ này cũng bị bắt tại nhà và
được ông Tòa Hoàng Phủ Ngọc Tường xếp loại là làm cho Mỹ. Làm cho
Mỹ là một tội ác với cách mạng. Tất cả các tội nhân nói trên đã
bị ông Tòa Hoàng Phủ Ngọc Tường ban lịnh tử hình bằng cách chôn
sống. Một số bị cuốc xẻng đập đầu, một số bị bắn vào sọ, còn sống
hay chết đều bị vùi xuống hố.
Sáng ngày 26 tháng 2 1968, gia đình của
những người này đi tìm kiếm thân nhân mất tích, phác giác ra
những nầm mồ tập thể trong khuôn viên trường Gia Hội, nơi có tòa
án nhân dân, tổng cộng tìm được 204 xác.
Ngoài việc kêu gọi trình diện ra thì
cảnh tượng bị bắn giết bị bắt ngay tại nhà làm dân chúng Huế
hoảng loạn bỏ nhà bỏ cửa tìm chỗ trốn cộng sản, tìm nơi trú ngụ
đông người cho an toàn. Chính vì vậy mà Nguyễn Đắc Xuân Nguyễn
Đình Bảy cùng Tống Hoàng Nguyên đã tự nhiên trúng số độc đắc, tự
nhiên được đồng bào Huế tụ lại nạp mạng.
Thanh trừng nhà thờ Dòng Chúa
Cứu Thế:
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế nằm trong khu
An Cựu, trên đường Nguyễn Huệ. Rạng sáng mùng hai đến mùng 3 Tết
đã có khoảng 500 đồng bào đến trốn cộng sản. Con số đồng bào đến
đây ngày càng tăng, có lúc lên đến khoảng 3 ngàn người. Và đây là
lúc chín mùi để Tống Hoàng Nguyên, Nguyễn Đình Bảy và Nguyễn Đắc
Xuân ra tay.
Dưới sự chỉ huy của An ninh Thành ủy Nguyễn Đình Bảy, cha con
Thuốc Bắc Thiên Tường, Nguyễn Đắc Xuân và lực lượng Bảo Vệ Khu
Phố khoảng 700 người, cùng với một đám chỉ điểm đã đến vây chặt
nhà thờ. Nguyễn Đắc Xuân và lực lượng của mình tràn vào nhà thờ,
phân loại và thanh lọc. Hơn bốn trăm người trong nhà thờ đã bị
bắt trói tay dẫn đi về hướng Lăng Xá Bầu, Lăng Xá Cồn, quận Hương
Thủy. Thượng Nghị Sĩ Trần Điền nằm trong số người bị bắt. Con
ông, lúc đó là Trung úy Biệt Động Quân Trần Tiễn San cũng có mặt
ở nhà thờ nhưng may mắn trốn thoát được. Vào tháng 8 năm 1968, do
bắt được Huyện ủy An ninh Hương Thủy Hồ Tỵ, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát
Quốc Gia Thừa Thiên-Huế đã khai thác điều tra, khám phá ra rất
nhiều hầm mộ tập thể tại quận Phú Vang, Phú Thứ, Hương Thủy.
Trong đó tìm thấy những người bị bắt dẫn đi từ nhà thờ Dòng Chúa
Cứu Thế đã bị chôn sống tại Lăng Xá Bàu, Lăng Xá Cồn. Trong số
trên 400 thi thể được tìm thấy, có thi hài của Thượng Nghị Sĩ
Trần Điền. Tất cả hơn 400 người này bị chết vì bị bắn vào đầu
và gáy, đa số bị chôn sống. Nằm rải rác khắp hai vùng Lăng Xá Bàu
Lăng Xá Cồn có khoảng 15 hầm chôn tập thể.
Cá nhân chúng tôi đã được nghe câu
chuyện Nguyễn Đắc Xuân và đồng bọn đến bao vây thanh lọc, bắt
đồng bào dẫn đi tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế từ chính miệng
Thiếu tá Biệt Động Quân Trần Tiễn San, người con may mắn thoát
chết của Thượng Nghị Sĩ Trần bất hạnh Trần Điền.
Thanh trừng nhà thờ Phủ Cam:
Tại Phủ Cam Cộng Quân không dám tấn
công ngay vì biết dân Phủ Cam có đội phòng vệ riêng từ thời Pháp,
họ cũng được chính phủ VNCH trang bị vũ khí để tự phòng vệ. Chờ
khá lâu nhưng chưa thấy viện binh từ phía chính phủ VNCH đến, dân
chúng và thanh niên tự vệ của Phủ Cam bắt đầu nản lòng. Đêm đêm
dân chúng kéo vào nhà thờ Phủ Cam để tránh đạn pháo của cộng quân
và nương nhờ sự bảo bọc của các cha xứ, trông cậy vào Chúa. Vào
ngày 18 tháng 1 Âm Lịch Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa
Thiên-Huế nhận được báo cáo từ toán Cảnh Sát Đặc Biệt phụ trách
xã Thủy Phước, đang bí mật hoạt động tại làng Phủ Cam như sau: “Cộng
quân đã tấn công vào làng, chiếm nhà thờ Phủ Cam và bắt đi rất
nhiều đồng bào đang trú ngụ trong nhà thờ”. Vài ngày sau, Bộ
Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế nhận được báo cáo chi
tiết hơn: “Hơn 300 thanh niên tự vệ trong làng đã bị bắt đi”.
Sau khi bị bắt, hơn 300 thanh niên này
bị dẫn đi đến Chùa Từ Đàm, nơi Nguyễn Đình Bảy đặt bản doanh chỉ
huy cuộc tàn sát. Một số bị bắn ngay tại chùa, số còn lại bị trói
tay và dẫn đi về vùng núi hướng tây. Gần hai năm sau, cuối năm
1969, 428 bộ xương đã được tìm thấy ở khe Đá Mài phía tây quận lỵ
Nam Hòa, trong đó có hài cốt của 300 thanh niên bị bắt đi ở nhà
thờ Phủ Cam.
Tiếp tục tử hình dân chúng quận I quận III và nhất là
quận II
Quận II là quận tả ngạn sông Hương, với
địa thế bao bọc bởi sông Hương, mặt tiền từ cầu Bạch Hổ về đến
vùng chợ Đông Ba, Gia Hội, Thế Lại, Bãi Dâu, Phú Mậu. Vùng phía
Tây và Tây Bắc được bao bọc bởi sông đào An Hòa và dãy trường
thành Hoàng Cung. Dân số quận II rất đông và là trung tâm thương
mại của Thừa Thiên-Huế. Dân đông đất chật lại bị chướng ngại địa
hình sông và Hoàng Thành ngăn chận. Vì vậy khi cộng quân tiến vào
quận II thì dân chúng như cá nằm trong lưới, chạy đi đâu thì cũng
bơi trong lưới của Việt Cộng mà thôi.
Ngoài một số dân làm thương mại, đại đa
số dân ở quận II là công chức, quân nhân, cảnh sát quốc gia của
chính phủ VNCH. Họ không có nơi để đào thoát nên đành phải trốn
tại nhà. Nhờ vậy mà đám chỉ điểm đã không khó khăn gì trong việc
kiếm mồi nạp mạng cho Nguyễn Đắc Xuân và các phụ tá.
Thành tích chống Mỹ diệt Ngụy của chỉ
huy trưởng Nguyễn Đắc Xuân và các phụ tá được ghi nhớ thêm như
sau:
Xử bắn
tại đường Cường Để Tây Lộc: Ông Võ Văn Tửu, Thẩm Sát Viên Cảnh
Sát, đồn trưởng đồn cảnh sát Ga bị kẹt tại nhà đêm mùng hai Tết.
Ông trốn từ nhà nọ sang nhà kia được 7 ngày, đến ngày thứ 8 khi
đang chạy trốn với gia đình thì bị Nguyễn Thị Đoan Trinh bất thần
xuất hiện. Thị hỏi: “Ông Tửu trưởng đồn cảnh sát Ga phải
không?” “Dạ phải!” tức thì một loạt đạn AK nổ giòn
vào đầu ông Tửu trước sự ngơ ngác của gia đình. Nguyễn Thị Đoan
Trinh sau đó phóng Honda bỏ đi như không có gì quan trọng xảy ra.
Tại đường Chi Lăng, quận II ông Lê Văn
Phú, quận trưởng quận II và ông Lê Văn Cư, Phó Giám Đốc Cảnh Sát
Quốc Gia vùng I cả hai bị bắt tại nhà, bị bắn và chôn ngay bên
đường. Ông Vĩnh sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia bị bắn ngay tại nhà ở
đường Võ Tánh. Ông Dự trưởng ty cảnh sát Ninh Thuận về Huế ăn Tết
bị bắn tại nhà ở đường Chi Lăng. Ông Hồ Đắc Cam, nhân viên nhà
máy phát điện Kho Rèn bị bắn tại nhà. Ông Trần Văn Nớp, trưởng
ban nhân viên Bộ Chỉ Huy CSQG Thừa Thiên-Huế bị bắn tại nhà.
Thiếu tá Bửu Thạnh bị bắn tại nhà. Ông Nguyễn Khoa Hoàn chánh án
tòa Thượng Thẩm Huế bị bắn tại nhà. Ông Lê Văn Rớt ra trình diện
và bị bắn trước quán bún bò Mụ Rớt của mình hai ngày sau. Thầy Lê
Văn Thi, nguyên giáo viên Quốc Học, Tiến sĩ Nguyên Tử Lực nhà máy
điện nguyên tử Đà Lạt về Huế ăn Tết, nhà ở Cầu Lòn bị bắt tại
nhà, cha ông xin đi theo. Sau đó xác hai cha con được tìm thấy
trong tình trạng bị chôn sống. Linh mục Bửu Đồng bị bắt, xác tìm
thấy ở Phú Xuân với lá thư tuyệt mạng cất giấu trong hộp kính.
Linh mục Don Romain Guillaurn bị bắn tại dòng Thiên An, linh mục
Urban và linh mục Guy cả hai bị bắt ở dòng Thiên An, xác tìm thấy
ở gần Lăng Đồng Khánh có vết đạn bắn ở đầu và cổ. Cô Hoàng Thị
Tâm Tuy bị bắt tại nhà ở đường Tô Hiến Thành, Gia Hội, xác tìm
thấy với 4 phụ nữ khác, bị trói hai tay, miệng đầy giẻ, không vết
đạn. Bà quả phụ Dương Thị Có có 4 con dại, bị bắt tại nhà, bị
Hoàng Phủ Ngọc Tường xử chôn sống ở Gia Hội. Sinh viên Nguyễn Văn
Thắng và Trần Bình Trọng bị mời đi học tập, sau đó xác tìm thấy
tại mồ chôn tập thể trường Gia Hội với 10 xác khác. Nguyễn Văn
Đông, cảnh sát quốc gia, 42 tuổi, bị bắt ngày 17/2/1968 tại nhà,
sau đó xác tìm thấy ngày 26/2/1968 tại trường Gia Hội. Bà Nguyễn
Thị Lào, giặt đồ cho lính Mỹ tại căn cứ Dạ Lê, bị Hoàng Phủ Ngọc
Tường kết tội làm cho Mỹ, bị chôn sống tại trường trung học Gia
Hội, xác tìm thấy trong tình trạng bị trói và nhét giẻ vào miệng.
Ông Soạn nhà ở đường Tô Hiến Thành Gia Hội, bị Nguyễn Đắc Xuân
giao nhiệm vụ đào hầm chôn sống tù nhân, cuối cùng ông cũng bị
chôn sống, đầu có 3 phát đạn, tìm thấy thi thể trong một hầm có
58 xác. Nguyễn Xuân Kính sinh viên y khoa, Nguyễn Xuân Lộc sinh
viên luật khoa, Nguyễn Tín ông nội của hai sinh viên Kính và Lộc,
và Phan Thanh Hải sinh viên văn khoa, cả 4 bị Hoàng Phủ Ngọc Phan
và Nguyễn Thị Đoan Trinh bắn tại số 22 đường Hàm Nghi ráp gianh
quận III và làng Phú Cam, xác để sình thối hơn 7 ngày mới được
Hoàng Phủ Ngọc Phan cho phép chôn. Ông Võ Thành Minh, trưởng
Hướng Đạo, bị bắt khi đang trốn ở nhà cụ Phan Bội Châu, bị chôn
sống ở phía tây Nam Giao. Hai cháu nội của cụ Phan Bội Châu là
Giáo Sư Phan Thiệu Tường và Đại úy Quân Cảnh Phan Thiệu Cơ cũng
bị bắt tại đây và đem chôn sống.
Ông Trần Văn Em, Cảnh Sát Đặc Biệt, nhà
cách chùa Từ Đàm khoảng 300 mét, bị bắt tại nhà vào ngày mùng 4
Tết và đem về chùa Từ Đàm. Sau khi cộng quân rút đi, gia đình tìm
thấy xác bị chôn chung với 2 người nữa sát bờ rào chùa Từ Đàm, có
xác của Trung sĩ Thọ, phục vụ tại Phòng I Bộ Tư Lịnh Sư Đoàn I Bộ
Binh. Nhà của Trung sĩ Thọ và Trần Văn Em sát nhau, chung bờ rào.
Họ bị bắt đi cùng lúc cùng ngày và cùng chết tại chùa Từ Đàm.
Ngày mùng 5 Tết, ông Bửu Sơn, công chức
tòa Hành Chánh Tỉnh và hai con trai là Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thắng
quân nhân Sư Đoàn I Bộ Binh bị Nguyễn Đắc Xuân lôi ra bắn tại
đường Chi Lăng, quận II.
Cũng ngày mùng 5 Tết, ngày 5 tháng 2
năm 1968 dưới sự hướng dẫn của Lê Huy Chước, nhân công bịnh viện
Trung ương Huế và cũng là Việt Cộng nằm vùng, Hoàng Phủ Ngọc Phan
và Nguyễn Thị Đoan Trinh, 2 tên Công an thuộc lực lượng của
Nguyễn Đình Bảy cùng một số đoàn viên trong đội Vũ Trang Bảo Vệ
Khu Phố của Nguyễn Đắc Xuân kéo đến khu cư xá của giáo sư Đại Học
Huế. Chúng bắt đi 3 giáo sư người Đức: Bác sĩ Raymund
Discher, Bác sĩ Slois Aqlterkoster, Bác sĩ Hort Gunther Kranick.
Ba vị giáo sư này ngoài công tác giảng dạy đào tạo bác sĩ cho
Việt Nam, họ còn rất tận tụy cứu sống nhiều đồng bào Huế, phục vụ
tha nhân. Bà Hort Gunther Kranick đòi đi theo
với chồng cũng bị chúng đẩy lên chiếc xe Volkwagen trước sự chứng
kiến của một số đồng bào trong khu cư xá. Và người ta đã nhận
diện rõ mặt Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh, cỡi
Honda, vai đeo AK hông đeo súng nhỏ. Ba vị bác sĩ này và người vợ
Bác sĩ Hort G Kranick đã bị giải đến chùa Từ Đàm, sau chuyển sang
chùa Kim Tiên, rồi chuyển qua chùa Tường Vân. Cuối cùng xác của
họ đã được tìm thấy trong một hố chôn cách chùa Tường Vân hơn
1km, trong khu tam giác chùa Tường Vân, đồi Vạn Niên, chùa Từ
Hiếu. Pháp y Việt Nam và pháp y Đức khám nghiệm cho thấy họ bị
đánh đập dã man, nhiều vết thương ở đầu và mình, nhiều lỗ đạn bắn
qua đầu và gáy.
Thảm sát Cồn Hến: vợ
chồng ông Trần Ngọc Lộ ở Cồn Hến bị Nguyễn Đắc Xuân cho là đảng
viên Đại Việt bị Nguyễn Đắc Xuân bắt đứng trước 4 đứa con nhỏ.
Đứa lớn nhất 6 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tháng, Nguyễn Đắc Xuân nã một
tràng AK vào người ông Lộ, sau đó y quay mũi súng sang người vợ
và bắn xối xả vào người bà ta. Hai vợ chồng ông Lộ gục xuống, máu
tuôn như suối trước mặt 4 đứa trẻ thơ. Xác cả hai sau đó được
Nguyễn Đắc Xuân dập chung trong nấm mồ tập thể có xác 100 quân
cán chính VNCH bị bắt từ các quận I, II, III đưa về đây khai
thác, đánh đập, rồi xử tử. Bốn đưa con còn lại của hai vợ chồng
ông Trần Ngọc Lộ không biết sống ra sao. 50 năm qua người dân Cồn
Hến vẫn còn nhắc lại câu chuyện bi thảm này.
Đó là tóm tắt những gì đã xảy ra tại
Tết Mậu Thân Huế 1968. Trong đó Nguyễn Đắc Xuân đã tắm quá nhiều
máu đồng bào vô tội, khó mà tả xiết.
Năm mươi năm là khoảng thời gian quá
dài cho một đời người, nhưng đối với người dân Miền Nam và nhất
là đồng bào Huế, thì câu chuyện diệt chủng của Việt Cộng và đám
nằm vùng dường như mới xảy ra hôm qua, không cách chi quên được.
Vết thương thảm sát Huế mãi mãi rỉ máu trong lòng người Việt Nam
vì nó quá lớn và quá ác, mà mọi sự chối tội chỉ tạo thêm phẫn nộ,
đừng nói chi đến việc tổ chức “ăn mừng” như đảng cộng sản đã và
đang làm.
Câu
chuyện Mậu Thân Huế thê thảm như thế, ấy vậy mà tên Việt Cộng nằm
vùng Nguyễn Đắc Xuân nói rằng xác của 5, 6 ngàn người bị chôn
trong các hố tập thể là xác của Việt Cộng bị bom đạn Mỹ “giã
nát”, để gọi là “minh oan” cho đồng bào Huế bị chết tức tưởi!
Không biết từ ngữ gì có thể diễn tả
những sự trơ tráo của Việt Cộng Hà Nội và Việt Cộng nằm vùng qua
cái gọi là “minh oan”, cái gọi là nhảy múa “chiến thắng Mậu Thân
1968”. Một bọn thú vật? Một bọn vô liêm sỉ? Cũng chưa đủ ý và
cũng chưa đúng ý.
Bài viết này dành để tưởng nhớ tất cả
đồng bào Huế đã bị Việt Cộng bắn trên đường phố, bắn trong nhà,
bắn ngoài sân, bắn trên đường chạy giặc, đồng bào bị Việt Cộng
đập đầu chôn sống chôn chết trong các hầm sâu hố cạn Thừa
Thiên-Huế Tết Mậu Thân 1968. Tên tuổi của quý vị không thể nào
xóa nhòa trước lịch sử.
Houston, Texas ngày 18 tháng 3 năm 2018.
Chu Mỹ
Dung
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những
bài liên hệ
Từ Xuân Đó... Tết Mậu Thân 1968
Năm mươi năm hát trên những xác người
50 Năm cuộc Thảm Sát Mậu Thân (1968-2018)
Thư gửi Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc
Những giờ phút Bình yên cuối cùng và Diễn tiến
Mặt trận Huế
Chiếm lại Con đường, Cửa Sập. Chiếm lại Kỳ Đài
Xuân Mậu Thân Đau Thương
Diễn tiến cuộc Thảm sát ở Giai đoạn II tại Huế vào Mậu Thân 1968
Hoàng Phủ Ngọc Tường sắp chết vẫn nói dối
Gởi Thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường
Mồ tập thể đầu tiên bên Sông Hương 1968
Mậu Thân-Huế, anh Em Hoàng Phủ Ngọc Tường và Người vẽ đường hươu chạy...
Vì sao chính quyền cộng sản Việt Nam không muốn nhắc đến...
Đi Nhận Xác Thầy
Chiến thắng mùa Xuân Mậu Thân 1968 của ĐCSVN và Nguyễn Đắc Xuân
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Liên Thành chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, March 28, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang