Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử
Chủ đề: Mậu Thân 1968
Tác giả: Liên Thành
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
Bốn giờ chiều ngày mồng một Tết Mậu Thân 1968, Huế vẫn bình yên,
tôi họp với anh Nguyễn Văn Xuân, trưởng ban Hoạt Vụ, sau này đổi
danh xưng là G-2. Tôi ra lệnh cho anh Nguyễn Văn Xuân bằng mọi
cách, mọi phương tiện, kêu gọi anh em CSĐB phải trở về đơn vị
ngay để ứng phó tình hình quá nguy ngập, vì có thể Việt cộng sẽ
tấn công Huế đêm nay.
Anh Xuân hỏi tôi:
- Thưa ông Phó, ông Ty không cho lệnh
cấm trại, mình làm như vậy có quá đáng lắm không?
- Tôi sợ rằng đã quá muộn, không còn
kịp nữa đâu anh Xuân, ông Ty không cho lệnh cấm trại đó là quyền
của ông ta, tôi là người chỉ huy trực tiếp lực lượng Cảnh Sát
Đặc Biệt, tôi có quyền cho lệnh cấm trại lực lượng CSĐB dưới
quyền, đó là quyền của tôi. Anh cố gắng kêu gọi anh em được
chừng nào hay chừng đó, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm với
thượng cấp, anh đừng lo.
Anh Xuân đã nghiêm chỉnh thi hành lệnh
của tôi, nhưng số anh em CSĐB trở về đơn vị chỉ khoảng 40% mà
thôi.
6 giờ
chiều ngày mồng một Tết Mậu Thân 1968: Huế vẫn bình yên...
7 giờ chiều ngày mồng một Tết Mậu Thân
1968: Huế vẫn bình yên...
Huế mùa đông, trời tối rất nhanh, mới
7 giờ chiều mà trời đã tối hẳn. Thành phố đã lên đèn từ bao giờ.
Với hai xe tuần tiễu, mỗi xe 6 người,
12 thầy trò chúng tôi là những quân nhân, là lính đánh giặc
chuyên nghiệp, tôi đem theo họ từ Chi Khu Nam Hòa biệt phái sang
CSQG vào tháng 6/1966, đi nơi nào, hiểm nguy đến đâu, 12 thầy
trò chúng tôi cũng có nhau.
Đêm nay, 12 thầy trò với 2 xe tuần
tiễu, chúng tôi áo giáp, nón sắt, súng đạn đầy đủ, ở xe tôi ngồi
có 3 hệ thống truyền tin liên lạc khác nhau:
a. Hệ thống máy Motorola liên lạc nội
bộ.
b. Hệ
thống máy C-25 liên lạc với Trung Tâm Hành Quân BCH/Tiểu Khu
Thừa Thiên.
c. Hệ Thống máy GE và máy C-25 (máy trừ bị), liên lạc với phái
bộ Cố Vấn Tình báo Hoa Kỳ.
Chúng tôi bắt đầu vòng tuần tiễu đầu
tiên từ Quận III, sang Quận II vào Quận I, và sau đó chạy dọc
theo vòng đai thành phố Huế, kiểm soát các nút chận.
Từ sau Mậu Thân 1968 đến nay năm 2018,
đã năm mươi năm [50] trôi qua một số câu hỏi được đặt ra là:
Ngay những giờ đầu Việt cộng tấn công
Huế, đã không có sự chống cự hoặc phản công nào của lực lượng bố
phòng giữ Huế tại vòng đai thành phố Huế, vì vậy mà Việt cộng đã
xâm nhập Huế như chỗ không người?
Câu trả lời không ngụy biện, và đúng
nhất là:
-
Hoàn toàn không có kế hoạch phòng thủ Huế, không có lực lượng
quân sự, bố phòng vòng đai tiếp cận thành phố Huế.
Tôi khởi đi từ Quận III các ngõ ra vào
thành phố như: Đập Đá, Cầu số 7, Cầu An Cựu, Cầu Kho Rèn, Cầu
Phủ Cam, Cầu Bến Ngự, Cầu Nam Giao, Cầu Ga, lên đến Cầu Lòn.
Qua đến Quận II, từ cầu Kim Long, Cầu
An Hòa, cầu Bao Vinh, xưống đến vùng Gia Hội.
Vào đến Quận I, như các cửa Thượng Tứ,
Đông Ba, An Hòa, Cửa Hữu, v.v. Tất cả các địa điểm quan trọng,
địch có thể xâm nhập vào 3 quận của thành phố Huế, đều do lực
lượng CSQG thuộc BCH/CSQG Thừa Thiên đảm trách, mỗi nơi chỉ bố
trí một vài nhân viên.
Khi xe tuần tiễu tôi chạy qua, số đông
địa điểm trên đều có anh em Cảnh Sát hiện diện, nhưng thật là
thê thảm, họ đứng co ro trong cơn gió lạnh mùa đông, vũ khí thì
là loại shotgun hoặc Carbine M1, và súng lục Rouleau. Một vài
địa điểm hoàn toàn bỏ trống, chẳng thấy bóng dáng của một nhân
viên Cảnh Sát nào cả.
1 giờ khuya đêm mồng một rạng sáng
ngày mồng 2 Tết Mậu Thân 1968: Huế vẫn bình yên...
Một giờ sáng ngày mồng hai Tết Mậu
Thân 1968, tôi đi kiểm soát thành phố, và vòng đai an ninh thành
phố lần thứ hai.
Khởi đầu từ đường Duy Tân, qua cầu
Tràng Tiền, ngang qua đường Trần Hưng Đạo, xuống Chi Lăng, qua
đường Trung Bộ, lên đường Bạch Đằng, qua cầu Gia Hội, xuôi về
Chi Lăng, bọc lên Phan Bội Châu, theo ngã Trần Hưng Đạo, hai xe
tuần tiễu chúng tôi chạy thẳng đường Thống Nhất ra ngã An Hòa và
vòng lại để sang khu vực Quận III.
Trở lại vòng về Quận III, hai xe tuần
tiễu chúng tôi theo đường Lê Lợi ngang qua Tòa Hành Chánh Tỉnh,
chúng tôi vào kiểm soát trại tạm giam và khu nhà lao Thừa Phủ.
Sau đó lại tiếp tục chạy ngang qua trường Đồng Khánh, Quốc Học,
dinh Tỉnh Trưởng, khi đến ngã tư trường Luật và Tòa Đại Biểu
Chính Phủ. Trung sĩ Thêm tài xế định rẽ sang đường Nguyễn Huệ
chạy về hướng An Cựu, tôi liền nói với Trung sĩ Thêm:
- Mình chạy thẳng lên dốc Nam Giao,
qua ngã chùa Từ Đàm, bọc sau lưng làng Phủ Cam rồi về lại Bộ Chỉ
Huy.
Thượng
sĩ Bái ngồi sau tôi can ngay:
- Không được đâu ôn, nguy hiểm lắm.
Nếu quả thật đêm nay bọn chúng tấn công Huế, thì giờ này các đơn
vị tiền sát, đặc công của bọn chúng đã có mặt tại những vùng này
rồi, chỉ cần hai quả B-40 là 12 thầy trò mình thành Mỹ đen ngay.
Đã quá chậm rồi, hai xe tuần tiễu đã
chạy đến gần Cầu Nam Giao, tôi nói với Thượng sĩ Bái:
- Anh nói rất đúng, nhưng lỡ rồi, quay
xe lui làm chi cho mệt, chạy luôn đi.
Sau này suy nghĩ lại mới thấy lời
khuyên của Thượng sĩ Bái khuya hôm ấy quả thật quá đúng, vì đêm
hôm đó, khi hai xe tuần tiễu chúng tôi chạy ngang qua vùng Từ
Đàm và đoạn đường dài sau lưng làng Phủ Cam, giáp ranh với khu
nghĩa trang rộng mênh mông của vùng Nam Giao - Chùa Quốc Ân -
Phủ Cam, thì lực lượng Việt cộng đã có mặt và bố trí dọc khu đó
rồi, nhưng bọn chúng không nổ súng vào hai xe tuần tiễu của
chúng tôi vì chưa đến giờ tấn công, nếu nổ súng thì sẽ bị lộ,
bằng không, 12 thầy trò chúng tôi đã là những kẻ đầu tiên ngã
gục trên chiến trường Huế Mậu Thân 1968. Hú ba hồn bảy vía cho
12 thầy trò!!!
2:30 sáng ngày mồng 2 tết Mậu Thân
1968: Huế vẫn bình yên... trong cơn hấp hối!
Huế giờ này thật sự đã đi vào giấc ngủ
yên lành giả tạo của 3 ngày hưu chiến dối gạt, xảo trá, do tên
lưu manh khốn kiếp Hồ Chí Minh và chính trị bộ đảng cướp cộng
sản Việt Nam chủ mưu.
Huế đang trong giấc ngủ say... giờ này
Huế không còn nghe tiếng đại bác từ xa vọng về, không còn có hỏa
châu soi sáng, không còn có tiếng nổ kinh hồn của hàng loạt đạn
82, 122ly của Vc pháo kích vào thành phố, không còn có tiếng
súng tạch... đùng... của Việt Cộng từ thôn xóm xa vọng về.
Mọi nhà đã không còn có ánh đèn, và
mọi người có lẽ cũng đang no tròn trong giấc ngủ.
Họ đâu biết rằng thần chết đã đứng
ngay ngưỡng cửa của thành phố Huế, thần chết đã đứng ngay tại
ngưỡng cửa của mỗi gia đình, chỉ đợi... chỉ đợi... 3 phút nữa
thôi... lệnh của tên ác quỷ Hồ Chí Minh ban ra là bọn quỷ đỏ sẽ
ập vào nhà, vào mỗi gia đình, tàn sát hằng loạt thường dân vô
tội không chút nương tay.
- 2:31 phút sáng mồng hai Tết Mậu Thân
1968: Huế vẫn bình yên... trong cơn hấp hối!
- 2:32 phút sáng mồng hai Tết Mậu Thân
1968: Huế vẫn bình yên... trong cơn hấp hối!
- 2:33 phút sáng ngày mồng hai Tết Mậu
Thân 1968: HUẾ KHÔNG CÒN BÌNH YÊN... VIỆT CỘNG TẤN CÔNG HUẾ.
Tử thần đã đến, cửa địa ngục đã mở, ác
quỷ Hồ Chí Minh cùng với đám quỷ dữ xuất hiện, bắt đầu cuộc tàn
sát dân Huế kéo dài trong 26 ngày, hay 624 giờ kinh hoàng, kể từ
2:33 phút sáng ngày Mồng 2 Tết, đến rạng sáng ngày 26 Tết Mậu
Thân 1968, với 5327 thường dân vô tội bị bọn chúng chôn sống,
hoặc bị bọn chúng dùng vật cứng đập vào đầu, và 1200 người bị
bọn chúng bắt đi mất tích.
***
Đúng 2:33 phút sáng ngày mồng hai Tết
Mậu Thân 1968, sau loạt pháo kích nặng nề bằng các loại pháo 61,
82, 122ly vào các căn cứ quân sự và hành chánh của chính phủ
VNCH tại Huế như:
- Bộ tư lệnh Sư Đoàn I/BB (Quận I)
- Sân Bay Tây Lộc (Quận I)
- Tiểu Khu
Thừa Thiên (Quận III)
- BCH/CSQG/Thừa
Thiên-Huế (Quận III)
- Quân Trấn Huế
(Quận III)
- Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa
Thiên, Thị xã Huế
- Tòa Đại Biểu Chính
Phủ (Quận III)
- Đơn vị Quân Cụ (Quận
III)
- Đơn vị Vận Tải (Quận III)
- Thiết Đoàn 7 Thiết giáp (Quận Hương Thủy, tiếp giáp với Quận
III).
Ngay
sau đợt pháo kích, mười ngàn (10,000) quân cộng sản tràn vào
Huế.
Trong
mười ngàn quân này có 4700 quân chính quy, số còn lại 5300 là du
kích địa phương của các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang,
Phú Thứ, Nam Hòa, một vài đơn vị biệt lập, và số còn lại là cơ
sở nằm vùng nội ngoại thành, v.v.
Như đã trình bày ở phần trước, toàn bộ
đại đơn vị của bọn chúng trước ngày giờ xuất phát đã đóng quân
tại vùng Thượng nguồn sông Bồ, Khe Trái, Động Chuối, sông Hữu
Trạch.
Đến
ngày giờ xuất phát, đại đơn vị của bọn chúng được chia làm hai
cánh để phụ trách hai mặt trận, một gọi là mặt trận cánh Bắc, và
một là mặt trận cánh Nam, lấy sông Hương làm tuyến giới hạn Nam
Bắc.
Tuyến
Bắc, hay mặt trận cánh Bắc:
1. Địa thế của cánh Bắc:
Địa thế của tuyến Bắc bao gồm từ vùng
bắc và tây bắc quận lỵ Hương Trà. Tiếp cận thành phố thì từ chùa
Linh Mụ kéo dài đến Bãi Dâu, Thuộc Quận II và bao gồm luôn Quận
I, hay Quận Thành Nội.
2. Lực lượng và chỉ huy của tuyến Bắc:
a. Lực lượng:
Lực lượng tấn công của cộng quân trong
khu vực tuyến Bắc hay chính xác hơn là trong hai Quận I và II
Thị xã Huế lúc khởi đầu là Trung Đoàn 6 (E-6). Tăng cường hai
tiểu đoàn 416 và 418 của trung đoàn 9 (E-9). Ngoài ra còn có một
số đơn vị trinh sát, đặc công, pháo.
Sau khi trận đánh khởi đầu khoảng 3
ngày, tuyến Bắc được tăng cường thêm 2 trung đoàn: Trung Đoàn 8
(E-8) và Trung Đoàn 1 (E-1) từ đường số 9 Khe Sanh-Nam Lào rút
vào.
Như vậy
quân số tại tuyến Bắc gồm:
Trung Đoàn 6, Trung Đoàn 8, Trung Đoàn
1, một số các tiểu đoàn biệt lập như Tiểu Đoàn 12 đặc công, đại
đội pháo, cùng du kích địa phương của quận Hương Trà, Quảng Điền
tăng cường. Tổng cộng lực lượng tấn công của cộng quân tại tuyến
Bắc được ước lượng là 1 Sư Đoàn +.
b. Chỉ huy:
- Chỉ Huy Trưởng lực lượng tấn công
cánh Bắc là Lê Thu.
- Nguyễn Trọng Đấu, tức Lê Quang Mầu,
bí danh Đấu, Trung Đoàn Trưởng Trung đoàn 6 (E-6).
- Chính ủy Trần Anh Liêm.
3. Mục tiêu của lực lượng cánh Bắc
trong vùng Quận I, Quận II Thị xã Huế:
Có 10 mục tiêu quan trọng mà lực lượng
Cộng quân thuộc cánh Bắc phải thanh toán trong khu vực Quận I:
- Cửa Chánh Tây
- Cửa An Hòa
- Sân bay Tây Lộc
- Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I/BB tại đồn Mang Cá
- Kỳ Đài
- Khu Đại Nội
- Cửa Thượng Tứ
- Cửa Đông Ba
- Ty Chiêu Hồi
- Tòa Thượng Thẩm.
Tại khu vực Quận II có 6 mục tiêu:
- Rạp Hát Hưng Đạo
- Ty Thông tin
- BCH/CSQG Quận II
- Đồn CSQG Đông Ba
- Đồn CSQG Gia Hội
- Văn phòng hành chánh Quận II.
Tuyến Nam hay mặt trận cánh Nam:
1. Địa thế của tuyến Nam:
Vùng trách nhiệm của tuyến Nam được
giới hạn từ Xã Thủy Xuân, Cầu Lòn, qua Lịch Đợi, Ga Huế, Bảo
Quốc, Từ Đàm, Bến Ngự, Phủ Cam, Kho Rèn, An Cựu, một phần núi
Tam Thai thuộc lãnh thổ Quận Hương Thủy và toàn bộ Quận III Thị
xã Huế.
2.
Lực lượng và chỉ huy toán Nam:
a. Lực lượng:
Lực lượng cơ hữu của tuyến Nam là
Trung Đoàn 5, gồm 4 tiểu đoàn: K-4, K-10, K-15, K-18. Ngoài ra
cánh Nam còn được tăng cường Trung Đoàn 9, thuộc Sư Đoàn 309
chính quy Bắc Việt. Một tiểu đoàn pháo, và 4 đại đội đặc công.
Các đơn vị du kích Huyện Hương Thủy, Phú Vang cũng được tăng
cường cho tuyến Nam.
b. Chỉ huy:
Chỉ huy mặt trận cánh Nam là Đại tá VC
Thân Trọng Một, Thành Đội Trưởng Thành Đội Huế.
Thân Trọng Một quê quán làng Nguyệt
Biều, quận Hương Thủy, Tỉnh Thừa Thiên. Xuất thân từ một dòng họ
có tiếng tăm ở Huế là Thân Trọng, nhưng y lại là kẻ không có học
đúng nghĩa, y mù chữ. Chữ ký của Đại tá Thân Trọng Một chỉ là
một gạch thẳng nhỏ tượng trưng cho số 1 mà thôi (1).
Phụ tá cho Thân Trọng Một là Đại tá
Công An Nguyễn Đình Bảy tức Bảy Lanh. Bảy Lanh là con nuôi của
chủ tiệm thuốc Bắc Thiên Tường tại đường Duy Tân, gần khu chợ An
Cựu. Y cũng loại mù chữ như Thân Trọng Một.
3. Những mục tiêu của lực lượng cánh
Nam trong vùng giáp ranh quận Hương Thủy, Thị xã Huế và Quận
III:
Có 22
mục tiêu quan trọng mà lực lượng cộng quân phải thanh toán trong
vùng mặt trận cánh Nam.
01. Thiết đoàn 7 đóng tại núi Tam Thai
02. Đơn vị Vận Tải trú đóng tại cạnh cầu An Cựu
03. Ga xe lửa Huế
04. Đồn Cảnh Sát Ga
05. Tòa Đại Biểu Chính Phủ Trung Nguyên Trung phần
06. Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên Và Thị xã Huế
07. Nhà lao Thừa Phủ và Trại tạm giam
08. Đồn Quân Cụ
09. Văn phòng hành
chánh Quận III Thị xã Huế
10.
BCH/CSQG/Quận III
11. Trung Tâm Hồ Sơ
Văn Khố BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế
12.
Trung Tâm Thẩm Vấn BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế
13. Tiểu Khu Thừa Thiên
14. Quân Trấn
Huế
15. Bến tàu Hải quân tại Đường Đội
Cung
16. BCH Giang Đoàn 32 Xung Phong
17. Câu lạc bộ Sĩ Quan Đập Đá
18. Đồn
Cảnh Sát Đập Đá
19. Cơ Quan Phái Bộ Cố
Vấn Quân Sự Hoa Kỳ MACV
20. Trụ sở cơ quan tình báo CIA, cố
vấn cho Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế
21. Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh
Thừa Thiên-Huế.
22. Nhà Lao Thừa Phủ.
Diễn tiến
các trận đánh của Cộng quân tại hai mặt trận: Cánh Bắc (Quận I,
Quận II), Cánh Nam (Quận III) thành phố Huế.
Đúng 2:33 Phút sáng ngày mồng 2 Tết
Mậu Thân 1968, sau loạt pháo kích vào các mục tiêu quân sự tại
Phú Bài và thành phố Huế, 10,000 ngàn quân cộng sản đã tràn ngập
thành phố.
Và... súng nổ khắp mọi hướng mọi bề, hàng loạt, hàng tràng. Cả
một bầu trời Huế là lửa đạn, là tiếng súng, súng lớn, súng nhỏ.
- Tại Quận III (Quận Hữu Ngạn) và vùng
giáp ranh Hương Thủy.
Súng nổ từ Cầu Lòn, Ga Huế, Lịch Đợi,
Bảo Quốc, Từ Đàm, bến Ngự, Phủ Cam, Kho Rèn, An Cựu. Súng nổ từ
Tòa Đại Biểu về tòa Hành Chánh, Lao Thừa Phủ, xuống đến Tiểu
Khu, Quân Trấn, MACV, Ty Cảnh Sát, bến đò Đội Cung.
- Tại Quận II (Quận Tả Ngạn): Khu phố
chính của thành phố Huế.
Súng nổ khắp toàn Quận II, từ Bãi Dâu,
Tiên Nộn, Gia Hội, Chi Lăng, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo,
Thương Bạc, Ngọ Môn, Thống Nhất, An Hòa, Kim Long, Thiên Mụ.
- Tại Quận I (Quận Thành Nội):
Khu Kỳ đài, Tây Lộc, Hòa Bình, Đinh Bộ
Lĩnh, Nguyễn Thành, Mai Thúc Loan, Nguyễn Hiệu, Ngã Tư Anh Danh,
các cửa ra vào Thành Nội, Khu Mang Cá, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Sư
Đoàn I/BB, súng nổ rền trời và ánh lửa đạn lấp lóe từng chuỗi
dài trong suốt đêm và rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968.
Mọi đồn bót, mọi căn cứ của VNCH ở
vùng phụ cận và trong thành phố Huế đếu bị tấn công. Tất cả đang
chống trả mãnh liệt trước nhiều đợt tấn công của quân cộng sản
kéo dài trong nhiều ngày...
Dân Huế giật bắn người thức dậy hỏi
nhau: “Đang hưu chiến, răng súng nổ nhiều ri?”
Nhưng khi hé mở cửa nhìn ngoài đường,
ngoài sân, sau vườn, thì thấy toàn súng AK và dép râu... thôi
rồi Việt cộng!
Súng vẫn tiếp tục nổ và bây giờ dân
chúng Huế đã rõ, Việt cộng đang tấn công Huế. Nỗi sợ đã lên tột
đỉnh.
Từ 2:33
phút sáng ngày mồng 2 Tết Mậu Thân cho đến suốt 22 ngày, lực
lượng cộng sản dồn mọi nỗ lực dứt điểm Huế, nhưng bọn chúng đã
thất bại trước sự phản công mãnh liệt vũ bão của QLVNCH.
CHIẾN TRƯỜNG QUẬN I (Quận Thành Nội)
Có 4 mục tiêu quan trọng nhất mà lực
lượng cánh Bắc của Lê Thu và Nguyễn Trọng Đấu phải dứt điểm
ngay:
1. Đồn
Mang Cá, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I/BB.
Đây là mục tiêu quan trọng nhất, vì là
bản doanh của Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Sư Đoàn
I/BB, vì thế chính đích thân trung đoàn trưởng Trung Đoàn 6 hay
E-6 Nguyễn Trọng Đấu chỉ huy lực lượng tấn công.
Nguyễn Trọng Đấu dùng một đại đội của
Tiểu đoàn 12 Đặc công tấn công, mục đích làm mồi. Lực lượng
chính do Nguyễn Trọng Đấu chỉ huy đã vượt qua cửa Chánh Tây, cửa
An Hòa, định vượt qua cầu Mang Cá vào bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư
Đoàn I/BB của Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng, nhưng bị lực lượng
phòng thủ chống trả mãnh liệt và đẩy lui.
Theo yêu cầu khẩn cấp của Tướng
Trưởng, Chiến Đoàn Trưởng Dù, Đại tá Lê Quang Lưỡng, đã sử dụng
ngay các quân nhân tiền trạm Dù tại Huế, thành một lực lượng
tiếp viện khẩn cấp.
Và sau đó, sáng mồng 2 Tết, Tiểu đoàn
2 Dù, Tiểu Đoàn 7 Dù, phải chạy gần 25km từ Sịa, thuộc quận
Quảng Điền và Cây số 17, An Lỗ, vào giải vây cho Huế. Hai tiểu
đoàn này đã chạm nặng với địch tại vùng An Hòa và cửa An Hòa, bị
địch cầm chân tại đó cho đến ngày 3 Tết mới vào đến Bộ Tư Lệnh
Sư Đoàn I/BB. Sáng ngày mồng 5 Tết, Tiểu Đoàn 9 Dù của Thiếu tá
Nhã được trực thăng Chinook bốc từ thị xã Quảng Trị, trực thăng
xuống ngay trước bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong đồn Mang Cá.
Ngày mùng 5 Tết, Chiến Đoàn I Dù giải tỏa phi trưởng Tây Lộc và
tái chiếm cửa An Hòa.
Xin trích một đoạn ngắn trong “Dấu
Binh Lửa” của nhà văn Quân Đội Phan Nhật Nam, khi ấy anh là
Trung úy Trung đội trưởng của Tiểu Đoàn 9, Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH,
người từng tham dự trận đánh tại Quận I Thành Nội Huế. Ở đây
chúng ta mới nhìn thấy rõ những hy sinh cao cả, những khốn khó
nhọc nhằn của chiến sĩ Nhảy Dù, ngày đêm tận tụy bảo vệ quê
hương, bảo vệ Cố Đô Huế: “Chúng tôi trở lại Huế bằng máy bay
trực thăng trong ngày mùng năm Tết Mậu Thân. Trời thật lạnh, mưa
phùn, u ám, thê lương bao phủ thành phố. Máy bay nghiêng nghiêng
trên đà xuống, hạ thấp dần khu doanh trại Sư Đoàn I/BB... Trong
những ngày đầu năm, trong những ngày đầy sương muối và mưa phùn,
chúng tôi đã chiến đấu trong đơn độc và tuyệt vọng. Lính Mỹ án
binh bất động nằm chờ thời. Không phi cơ, không pháo binh, chúng
tôi đến Huế với vô cùng mỏi mệt...
Kiểm điểm quân số, tấn công và chiếm
lại Huế, mục tiêu là mấy cổng thành. Ngày đầu, quân tiến thật
nhanh qua Tây Lộc, xong tiến đến cửa Chánh Tây, giao lại cho Bộ
Binh, tối đến cổng thành lại mất... Chúng tôi lại bắt đầu chiếm
lại, và từ lúc này cam go và bất hạnh đã xảy đến ác liệt. Phi cơ
đã bắt đầu can thiệp, pháo binh có mặt và địch cũng tăng cường
nhất định cố thủ. Chúng tôi tiến lên từng đường, từng ngõ, từng
nhà. Thành nội Huế với đường xá vuông vức như bàn cờ, tiến quân
như đi trên cái chết, qua được một đường, tiếp tục bắn che chở
cho khinh binh. Khinh binh chạy thật nhanh, nhanh hơn nữa, nhanh
để đua với tử thần, nhanh để sống, để thở, để cười, để còn về
lại Sài Gòn. Quân tiến thật chậm đến con đường Mai Thúc Loan thì
bị chận đứng. Can đảm đứng lên băng qua là chết. Bộ chỉ huy Việt
cộng ở trường Bồ Đề, nên con đường biến thành tuyến phòng thủ.
Cửa Đông Ba cách hai ba trăm thước không thể làm sao nhào vào
gần được. Việt cộng đào giao thông hào, phát súng cho trẻ con
mới lớn, gã du đãng muốn làm anh hùng, chủ tiệm bán café được
lên làm cấp chỉ huy. Tất cả mặc cảm, yếu kém, vô ích, mặc cảm bị
thừa, bị bỏ, bị Việt Cộng lợi dụng đến triệt để, để tạo thành
lực lượng lớn, để đè bẹp chúng tôi. B40 nổ, Em bị rách áo (1),
hai đứa con nghỉ phép dài hạn (2), dồn dập, dồn dập. Đơn vị mệt
và căng thẳng như con khô mực nung chín.
Lệnh tấn công trở lại, có pháo binh và
phi cơ yểm trợ. Lần đầu tiên trong đời lính chiến, tôi đánh nhau
trong thành phố...”
Ngày 9 Tết, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I/BB
tăng cường 2 tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn I vào khu Thành Nội.
Tiểu Đoàn 4/3 của Sư Đoàn I/BB bị thiệt hại khá nặng khi cộng
quân tấn công mạnh vào cửa Chánh Đông.
2. Sân bay Tây Lộc
Lực lượng đặc công Việt Cộng chui theo
cống Thủy Quan, đột nhập thành nội. Bọn chúng cắt dây kẽm gai ở
miệng cống và tiến vào phi trường. Toán đặc công này đã đốt được
kho xăng kho đạn trong sân bay. Tuy nhiên, lực lượng chủ lực
đánh chiếm phi trường thì bị đi lạc, vì vậy quân ta có thì giờ
bố trí chặt chẽ. Giao tranh diễn ra suốt ngày mùng hai Tết, và
đêm mùng hai rạng ngày mùng ba, bọn chúng làm chủ tình hình,
chiếm phi trường, nhưng sáng hôm sau ngày mùng bốn Tết, quân ta
lại chiếm lại phi trường.
3. Khu Đại Nội
Khu Đại nội do một đơn vị của Đại đội
Hắc Báo trấn giữ. Việt cộng chiếm giữ được cửa Chánh Tây, ngay
lập tức bọn chúng đánh thốc vào Đại Nội. Đơn vị Hắc Báo chống
trả mãnh liệt, nhưng đến 5:30 sáng đành phải rút lui. Cộng quân
chiếm được khu vực Đại Nội, mất khu Đại Nội là một thảm họa cho
quân chính phủ.
Bọn Việt cộng đóng chốt tử thủ, dùng
những bức tường có bề dày khoảng cả 10m để che chở, vì thế quân
chính phủ phải khó khăn và bị thiệt hai nặng mới tái chiếm lại
được khu này.
Ngọ Môn bị cộng quân tàn phá quân
chính phủ phải khó khăn và bị thiệt hai nặng mới tái chiếm lại
được khu này.
4. Khu Kỳ Đài và cửa Thượng Tứ
Kỳ đài nằm trên thượng thành gần cửa
Thượng Tứ. Nhiệm vụ tấn công và treo cờ trên kỳ đài do một đơn
vị đặc công thuộc Trung Đoàn 6 hay E-6 của Nguyễn Trọng Đấu. Kẻ
dẫn đường cho đơn vị đặc công VC tấn công đơn vị QLVNCH trấn giữ
kỳ đài là tên Nguyễn Dũng, sinh viên đại học Sài Gòn. Nguyễn
Dũng là con của Nguyễn Hữu Trí, một cơ sở nội thành rất quan
trọng của cơ quan Thành ủy Việt cộng Huế. Tiệm bán bàn ghế của
Nguyễn Hữu Trí tại bến xe Nguyễn Hoàng, gần ngay bến Thương Bạc
và Cầu Mới, là căn cứ lõm của cơ quan Thành ủy Việt cộng tại
Huế.
Tấn công
và chiếm xong kỳ đài, lá cờ được treo lên tại Kỳ đài không phải
là cờ đỏ sao vàng của quân Bắc Việt, cũng chẳng phải là cờ 2
mảnh của bọn Giải Phóng Miền Nam gồm một mảnh vải màu xanh nước
biển và một màu đỏ, nằm giữa 2 mảnh vải này là ngôi sao vàng. Cờ
được đơn vị đặc công VC treo trên kỳ đài vào sáng sớm ngày mùng
hai Tết Mậu Thân là cờ của Lực Lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ
Hòa Bình, một lực lượng chính trị được Hồ Chí Minh và Bộ Chính
Trị đảng cộng sản cho lệnh thành lập trước Tết Mậu Thân. Cờ này
gồm ba mảnh, mảnh giữa màu đỏ có ngôi sao vàng, hai bên là hai
mảnh màu xanh.
Thành phần nhân sự của mặt trận chính
trị mới (LMDTDCHB) được đẻ ra cho Tết Mậu Thân như sau:
Chủ Tịch của lực lượng này là Lê Văn
Hảo, Giáo sư nhân chủng học của Viện Đại Học Huế. Phó Chủ Tịch
là Thích Đôn Hậu, trụ trì chùa Linh Mụ, chánh đại diện Phật giáo
Ấn Quang Miền Vạn Hạnh, Đệ Tam Tăng Thống Phật giáo Việt Nam
Thống Nhất. Thích Đôn Hậu, một tên Việt cộng đại nguy hiểm nằm
vùng trong Phật giáo đã lâu. Tổng thư ký là Hoàng Phủ Ngọc
Tường, giáo sư Việt Văn và triết học tại trường Quốc Học. Phụ
Trách Trí thức, Sinh viên, học sinh là tên Nguyễn Đắc Xuân, một
sinh viên ban Hán Việt của trường đại học Sư Phạm Huế.
Tôi sẽ trình bày chi tiết về lực lượng
chính trị thứ hai, sau Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, này ở phần
sau.
Sau khi
chiếm được kỳ đài, treo cờ của Lực lượng Liên Minh Dân Tộc Dân
Chủ Hòa Bình lên, lực lượng đặc công này tiến ra chiếm giữ cửa
Thượng Tứ, rạp hát Hưng Đạo, và sau đó tấn công đồn Cảnh Sát
Đông Ba.
Cũng
trong đêm mùng 9 Tết, khoảng 11 giờ đêm, Cộng quân giựt sập cầu
Trường Tiền vì sợ lực lượng Hoa Kỳ từ Quận Hữu Ngạn tức Quận III
tiến quân qua Quận II (Tả Ngạn).
Ngày 12/2/1968 hai Tiểu đoàn 1 và 5
của Chiến Đoàn A Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa đổ quân
xuống Bao Vinh, đột nhập Thành Nội, thay thế cho Chiến Đoàn I
Nhảy Dù trở về Sài Gòn.
Tối ngày 12/2 Thủy Quân Lục Chiến Hoa
Kỳ cũng đổ bộ lên Bao Vinh và đột nhập Thành Nội.
Bắt đầu từ ngày 13 tháng 2, lần đầu
tiên sau 15 ngày, mặt trời ló dạng tại Cố Đô Huế. Máy bay Việt
Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ dồn dập oanh tạc dữ dội vùng tây bắc
thành phố Huế, làng La Chữ nơi mà tin tức tình báo xác nhận Bộ
Chỉ Huy Quân Khu Trị Thiên Việt cộng đang trú đóng.
Chiến dịch Hành quân phối hợp giữa
Thủy Quân Lục Chiến VNCH và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ mang tên
Chiến Dịch Sóng Thần 739/68 ra đời vào ngày 14 tháng 2 Năm 1968.
Toàn bộ phạm vi trong Thành Nội được
chia làm 6 khu vực:
1. Vùng A.
Khu Mang Cá lớn, Mang Cá nhỏ.
2. Vùng B.
Khu chính Đông, trong đó có vùng chợ
Đông Ba.
3.
Vùng C.
Gồm
phường Tây Lộc, Tây Linh. Trung Đoàn 3 của Trung tá Phan Bá Hòa
chịu trách nhiệm.
4. Vùng D.
Phía đông Đại Nội, gồm cửa Thượng Tứ
và Đông Ba khu này do Tiểu Đoàn 1/5 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ
và đại đội Trinh Sát Sư Đoàn I/BB đảm trách.
5. Khu E.
Kỳ Đài, và cửa Thượng Tứ.
6. Khu F.
Tây nam Thành Nội do chiến đoàn A Thủy
Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa đảm trách.
Sáng ngày 18/2/1968, Đại đội Trinh sát
Sư Đoàn I/BB và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ chiếm hoàn toàn cửa
Đông Ba. Đây là một trong những trận đánh cam go nhất trong khu
vực Thành Nội.
Chính tên Đại tá Lê Tư Minh, Tư lệnh
mặt trận Huế đã phải xác nhận:
“Trận đánh khốc liệt nhất là tại cửa
Đông Ba, khi hai bên ta và lính Ngụy chỉ cách nhau vài chục
mét”.
Có lẽ
Lê Tư Minh chưa bao giờ đọc lịch sử, nên không biết Tổng Thống
Quân Vụ Đại Thần Nguyễn Tri Phương dưới triều vua Tự Đức là ai.
Ông là một danh tướng, một vị tướng soái của triều đại nhà
Nguyễn thời đó, người đã giữ thành Hà Nội khi ở tuổi 74, chống
lại cuộc tấn công của quân đội Pháp do Francis Garnier chỉ huy
tấn công thành Hà Nội vào ngày 20-11-1873.
Và bây giờ, thời điểm tháng 2/1968 năm
Mậu Thân tại cố Đô Huế, lực lượng cộng quân của Đại tá Lê Tư
Minh đã đụng đầu với cháu 4 đời của Tổng Thống Quân vụ Đại Thần
Nguyễn Tri Phương là Đại úy Nguyễn Tri Tấn, đại đội trưởng Đại
Đội Trinh sát Sư Đoàn I/BB. Lẽ đương nhiên lực lượng của Đại tá
Việt Cộng Lê Tư Minh phải thảm bại dưới tay của Đại úy Nguyễn
Tri Tấn mà thôi.
Cũng cần nói thêm những tháng năm kế
tiếp, Đại úy Nguyễn Tri Tấn là Trung tá Nguyễn Tri Tấn, một
trong những trung đoàn trưởng xuất sắc của Sư Đoàn 3/BB trấn
đóng vùng giới tuyến.
Ngày 19/2/1968, hai tiểu đoàn cộng
quân mở cuộc tấn công Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến VNCH ở
phía tây nam Thành Nội. Bọn chúng dùng tối đa hỏa lực cối 82 và
B40. Pháo đội 105 của Thủy Quân Lục Chiến VNCH đã bắn đến gần 2
ngàn quả đạn để yểm trợ cho Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến
VNCH.
Trong
trận này, Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 9 (E-9) của cộng quân đã
tử trận.
Ngày
23/2/1968 trận đánh quyết liệt giữa đơn vị Thủy Quân Lục Chiến
VNCH do Đại úy Nguyễn Văn Phán chỉ huy, với đơn vị quyết tử của
cộng quân đang chiếm giữ Kỳ Đài. Trận chiến kéo dài suốt ngày,
mãi đến 5 giờ 12 phút chiều cùng ngày, đơn vị Thủy Quân Lục
Chiến VNCH mới tiêu diệt toàn bộ lực lượng cộng quân tử thủ tại
đó. Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa đã làm chủ Kỳ Đài!
Liên Thành
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
Những
bài liên hệ
Từ Xuân Đó... Tết Mậu Thân 1968
Năm mươi năm hát trên những xác người
50 Năm cuộc Thảm Sát Mậu Thân (1968-2018)
Thư gửi Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc
Những giờ phút Bình yên cuối cùng và Diễn tiến
Mặt trận Huế
Chiếm lại Con đường, Cửa Sập. Chiếm lại Kỳ Đài
Xuân Mậu Thân Đau Thương
Diễn tiến cuộc Thảm sát ở Giai đoạn II tại Huế vào Mậu Thân 1968
Hoàng Phủ Ngọc Tường sắp chết vẫn nói dối
Gởi Thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường
Mồ tập thể đầu tiên bên Sông Hương 1968
Mậu Thân-Huế, anh Em Hoàng Phủ Ngọc Tường và Người vẽ đường hươu chạy...
Vì sao chính quyền cộng sản Việt Nam không muốn nhắc đến...
Đi Nhận Xác Thầy
Chiến thắng mùa Xuân Mậu Thân 1968 của ĐCSVN và Nguyễn Đắc Xuân
Trung tâm lưu trữ các Ngày lễ mừng Bổn mạng BCND/QLVNCH...
|
Hình nền: Bản đồ VIỆT NAM hoàn toàn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Liên Thành chuyển
Đăng ngày Thứ Năm,
February 8, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang