Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Nhật
Ký Hành Quân
Chủ đề:
TĐ5ND & Trận Khánh Dương
Tác giả:
Bùi Quyền/K16–VBQGĐL
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Lời
Tác giả: Chân thành cảm tạ:
– Giáo sư Jay Veith và Tiến sĩ Nguyễn Đức Phương đã cung cấp
bản đồ khu vực M’Drak
– Các chiến hữu đã qua điện thoại hoặc
điện thư tường thuật thêm nhiều chi tiết quý báu để tôi có thể kể
lại diễn biến tại M’Drak những ngày cuối tháng 3/75:
– Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Trưởng/Tr.Đ
44/SĐ23BB
– Nguyễn Văn Giang, Giám Đốc
Không Trợ QĐ II
– Trần Đăng Khôi,
LĐT/LĐ3ND
– Nguyễn Hữu Thành, cựu
TĐT/TĐ6ND
– Trần Công Hạnh, TĐT/TĐ2ND
– Trần Tấn Hòa, TĐT/TĐ6ND
– Võ Trọng Em,
TĐT/TĐ5ND
–
Các SQ/TĐ5ND trong trận đánh tại đèo M’Drak: Trần Thanh Chương,
Huỳnh Quang Chiêu, Huỳnh Hữu Sanh, Hoàng Bá Hương, Huỳnh Hiệp, Lê
Hữu Dư, Tô Thành, Hoàng Đình Côi.
Xin Độc giả cùng tôi thắp một nén tâm
hương tưởng niệm đến những anh em Nhảy Dù và các Quân Binh Chủng
khác đã hy sinh xương máu cho chính nghĩa Quốc Gia tại đây.
Tố Quyên
TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ TRƯỚC LÚC GIAO
TRANH:
Tiểu
Đoàn 5 nhảy Dù trấn đóng khu vực Bắc đèo Hải Vân được nửa tháng
thì vào khoảng đầu tháng 1/1975, TĐ được lệnh vào tiếp nhận một
khu vực hành quân của LĐIIIND tại mặt trận Thường Đức thuộc quận
Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Suốt thời gian hơn 2 tháng trấn giữ các
cao điểm của dãy núi Sơn Gà–Động Lâm, thuộc quận Đại Lộc tỉnh
Quảng Nam, TĐ5ND không có cuộc chạm địch nào đáng kể. Các cuộc
tấn công thăm dò của địch vào các vị trí phòng thủ cấp trung đội
của TĐ đều bị đẩy lui. Trong thời gian này, phần nhiều các trận
đụng độ lớn đều xảy ra ở dưới chân núi giữa địch với các TĐ2, 6,
7ND.
Ngày 10
tháng 3 năm 1975 tin tức từ BCH/LĐIIIND cho biết VC bắt đầu tấn
công thị xã Ban Mê Thuột (BMT) từ lúc 4 giờ sáng. BMT rơi vào tay
địch khoảng 7 giờ tối cùng ngày.
Ngày hôm sau tin tức qua báo chí và các
đài phát thanh Sài Gòn, BBC, VOA cho biết Mặt trận B3 của Tướng
Hoàng Minh Thảo đã sử dụng 4 Sư đoàn bộ binh (F10, 320, 316, và
968), cùng 1 Trung đoàn chiến xa, 2 Trung đoàn Pháo và 1 Trung
đoàn Đặc công để bất ngờ tấn công lực lượng trú phòng lúc đó chỉ
gồm các quân nhân thuộc hậu cứ các đơn vị thuộc SĐ23BB cùng các
đơn vị Địa Phương Quân của BMT.
Thời gian này, Chuẩn tướng Lê Trung
Tường TL/SĐ23BB cùng BTL/HQ đóng tại Hàm Rồng nằm dọc QL14 ở
phía Nam thị xã Pleiku khoảng 9km. Trung Đoàn 45 đang hành quân
khu vực đèo Tử Sĩ nằm giữa Buôn Hô và Hàm Rồng. Đèo này nằm cách
BMT khoảng hơn 40km. Trung Đoàn 44 đóng tại căn cứ 801 ở Tây Bắc
Pleiku khoảng 20km. Trung đoàn 53 gồm 2 TĐ cơ hữu đóng tại phi
trường Phụng Dực (phía Đông BMT khoảng 8km) bị VC tấn công từ lúc
khởi đầu để ngăn chặn trung đoàn này tiếp cứu BMT.
Mấy ngày sau đó tin tức chiến sự quanh
việc tái chiếm BMT đều không rõ ràng. Ngoài SĐ23BB ở BMT, để có
đủ lực lượng, có lẽ Bộ TTM phải điều động thêm các đơn vị tổng
trừ bị (Nhảy Dù, hay Thủy Quân Lục Chiến) hiện đang hành quân tại
khu vực Đà Nẵng và phía Bắc đèo Hải Vân hay các Liên Đoàn Biệt
Động Quân của các quân khu khác.
Ngày 15/3/1975: TĐ nhận công điện của
LĐIIIND trong đó cho biết TĐ5ND sẽ được 1 TĐ/TQLC trực thuộc
LĐ369 TQLC thay thế khu vực trách nhiệm. Toàn bộ LĐIIIND và các
TĐ2, 5, và 6ND trực thuộc hành quân sẽ được hải vận về Sài Gòn
cùng TĐ7ND.
Ngày
16/3/1975: Việc thay quân bắt đầu từ khoảng 8 giờ sáng và hoàn
tất lúc 5 giờ chiều. Khi xuống đến chân núi tôi thấy 2 người bạn
cùng khóa VBĐL là Trung tá Nguyễn Xuân Phúc LĐT/LĐ369 TQLC và
Trung tá Đỗ Hữu Tùng LĐP đang đứng đợi. Thấy tôi, Phúc cười và
nói:
– “Tụi nó
đang đợi mày ở BMT đấy.”
Tôi cho Phúc và Tùng biết đơn vị tôi
được lệnh về Sài Gòn. Nghe nói thế Phúc cười và nói:
– “Sức voi mà về Sài Gòn giờ này. Thôi
lên đó đi, tụi tao nghĩ có lẽ tương lai gần cũng về húc ở đó.
Thôi chúc mày may mắn.”
Từ biệt hai ông bạn vàng, tôi cho lệnh
đơn vị lên xe, và TĐ5ND được xa vận ra quân cảng Đà Nẵng. Tại đây
Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng TL/SĐND và Đại tá Văn Bá Ninh TMT/SĐND
ghé thăm TĐ. Tướng Lưỡng cho biết Bộ TTM lệnh cho SĐND lần lượt
triệt thoái về Sài Gòn. Trong câu chuyện ông không đả động gì đến
việc SĐND sẽ tham dự phản công tái chiếm BMT.
Khoảng nửa đêm thì 2 Dương vận hạm LST
[1] 404 và 504 chở toàn bộ LĐIIIND/HQ cùng TĐ7ND rời quân cảng Đà
Nẵng và trực chỉ Sài Gòn. LST–404 của Hải Quân Trung tá Nguyễn
Văn Lộc chở các TĐ2, 5 và 6ND cùng ĐĐ3 Trinh Sát. Chiếc LST–504
của Hải Quân Trung tá Nguyễn Như Phú chở BCH/LĐIIIND, các ĐĐ Công
Vụ, Công Binh, Truyền Tin ND và TĐ3/PBND.
Ngày 17/3/1975 & 18/3/1975: Toàn bộ
LĐIIIND/HQ hải hành từ quân cảng Đà Nẵng xuôi Nam trên 2 LST–404
và LST–504. Thành phần tiền trạm của các đơn vị sẽ do P4/SĐND đảm
trách phương tiện về Sài Gòn sau.
Ngày 19/3/1975: Khoảng 3 giờ sáng,
Trung tá Lộc Hạm Trưởng LST–404 cho xem 1 công điện của BTL/HQ
trong đó cho lệnh LST–404 đổ “hàng” xuống Nha Trang rồi quay trở
lại Đà Nẵng. Vì tôi là SQND thâm niên nhất trên tầu nên sau khi
đọc xong công điện tôi nói với Trung tá Lộc là ông cứ việc đổ
“hàng” theo lệnh. Ông Lộc cười và nói:
– “Hàng là các đơn vị ND đấy”.
Hơi bất ngờ tôi trả lời là sẽ liên lạc
với Trung tá LĐT/LĐIIIND Lê Văn Phát về việc này. Sau khi dùng ám
danh đàm thoại qua hệ thống truyền tin trên DVH–404 nói chuyện
với Trung tá Phát lúc đó đang lênh đênh trên chiếc LST–504, tôi
được biết toàn bộ LĐIIIND hành quân sẽ đổ quân lên Nha Trang và
đặt thuộc quyền của QĐII. Riêng TĐ7ND tiếp tục được hải vận về
Sài Gòn.
Khoảng 5 giờ sáng, LST–404 cập bến Cầu Đá Nha Trang, bãi biển lúc
đó vắng tanh. Khi thấy lính ND tụ tập dài trên bãi biển, dân
chúng Nha Trang bắt đầu kháo nhau và kéo đến đông nghịt. Khoảng 6
giờ, Đại tá Lý Bá Phẩm, Tỉnh Trưởng Khánh Hòa, đi trên 1 chiếc xe
jeep nệm trắng chạy tới. Tôi chào ông và nói chúng tôi còn chờ
BCH/LĐ.
Khoảng
7 giờ thì chiếc LST–504 tới. Trung tá Phát cùng các TĐT/ND lên xe
trực chỉ BTL/QĐII lúc đó tạm trú tại khách sạn Grand Hotel nằm
trên đường Duy Tân nhìn thẳng ra bãi biển Nha Trang. Tại đây tôi
gặp Trung tá Không Quân Nguyễn Văn Giang, là Giám Đốc Không Trợ
của QĐII, một người bạn học CVA cũ. Anh Giang cho biết là QĐ đã
được lệnh bỏ Pleiku và Kontum. Các đơn vị của QĐII sẽ rút về đây
và tái phối trí lại dọc theo các tỉnh miền duyên hải. Đang nói
chuyện thì Thiếu tướng Phạm Văn Phú TL/QĐII đến.
Vóc người dong dỏng với nét mặt thư
sinh, người ĐĐT/ĐĐ54 của TĐ5ND tại mặt trận Điện Biên Phủ ngày
nào hôm nay có vẻ mệt mỏi và ưu tư. Sau khi nói chuyện với Trung
tá Phát ông quay sang các TĐT/ND và nói:
– “Các anh rán chận chúng ở Khánh
Dương cho tôi rồi mình sẽ tính sau.”
Thấy huy hiệu TĐ5ND trên vai áo tôi,
ông vui vẻ bắt tay tôi và nói,
– “Có thằng TĐ5ND ở đây là tôi phần nào
yên tâm rồi.”
Tôi chỉ cười và không trả lời vì biết rằng trong trận mạc muốn
làm chủ được chiến trường, một đơn vị thiện chiến ngoài yếu tố
tinh thần còn phải hội đủ được nhiều yếu tố chiến lược và chiến
thuật khác.
Trước khi rời BTL/QĐII/HQ, tôi gặp riêng anh Nguyễn Văn Giang để
tìm biết thêm về tình hình của QĐ. Khi tôi hỏi về tình hình các
đơn vị của QĐ triệt thoái về đến đâu rồi thì Trung tá Giang, nét
mặt đanh lại trả lời:
– “Còn đang kẹt tại Phú Bổn. Chưa biết
về được nguyên vẹn không?”
Thấy thế tôi cũng không hỏi thêm. Khi
tôi bắt tay anh để xuống thang lầu về họp với BCH/LĐIIIND, Giang
siết tay tôi thật chặt và nói:
– “Cứ lên Khánh Dương đi. Tao còn ở đây
thì sẽ dồn hết hỏa lực không trợ cho mày.”
Rời BTL/QĐII/HQ trở về với đơn vị,
Trung tá Phát họp các TĐT tại bãi biển để phổ biến kế hoạch di
chuyển. Sau đó khoảng 10 giờ sáng toàn bộ LĐIIIND trực chỉ Dục Mỹ
trên đoàn quân xa khá dài. Đoàn xe theo yêu cầu của Tỉnh Trưởng
Khánh Hòa đã chạy một vòng qua các phố chính của thành phố Nha
Trang trước khi theo QL1 để đi Ninh Hòa. Dân chúng hai bên đường
vừa chỉ trỏ vừa vẫy tay khiến đa số anh em ND đều thấy ấm lòng
qua sự tin tưởng của dân chúng. Từ Ninh Hòa, đoàn xe rẽ trái theo
QL21 để đi Dục Mỹ. Sinh hoạt của dân chúng ở đây có vẻ như chưa
dao động sau tin BMT thất thủ.
LĐIIIND tạm đóng quân tại phía Nam đèo
Phượng Hoàng [2] lúc 3 giờ chiều. Trung tá Phát sau đó họp các
đơn vị trưởng và ban lệnh hành quân. Sau buổi họp, tôi lấy xe
chạy vào TTHL/BĐQ Dục Mỹ gặp Đại tá Nguyễn Văn Đại CHT/Trung Tâm
và Trung tá Nguyễn Thế Phồn, Trưởng Phòng 4, để xin thêm một số
cấp số đạn dược.
TÓM LƯỢC LỆNH HÀNH QUÂN:
TÌNH HÌNH:
Địch: Lực lượng địch do Tướng Vũ Lăng
chỉ huy gồm:
–
SĐ F10: Tư lệnh là Thượng tá Hồ Đệ. F10 gồm 3 trung đoàn:
– Trung đoàn 24 của Thiếu tá Phùng Bá
Thường,
– Trung đoàn 28 của Thiếu tá
Nguyễn Đức Cẩm,
– Trung đoàn 66 của
Thiếu tá Nguyễn Đình Kiệp.
– Trung đoàn 25/320 của Thiếu tá Lộ
Khắc Tâm (SĐ 320 của Thượng tá Nguyễn Kim Tuấn),
– Trung đoàn 273 chiến xa của Thiếu tá
Lê Mai Ngọ,
–
Trung đoàn 40 Pháo của Thiếu tá Nguyễn Hữu Vinh,
– Trung đoàn 198 Đặc công của Thiếu tá
Trần Kình.
Theo tin tức mới nhất của Phòng 2/QĐII thì sau khi chiếm được Ban
Mê Thuột địch dự trù để SĐ 316 trấn giữ và tổ chức củng cố phòng
ngự BMT nhằm ngăn chặn các cuộc phản công của VNCH. Sau khi tái
tổ chức chúng sẽ tiếp tục sử dụng SĐ F10 làm nỗ lực chính được
tăng cường thêm Trung đoàn 25 của SĐ 320 để tiếp tục tiến chiếm
Nha Trang. Cùng phối hợp tác chiến với F10 là các đơn vị chiến
xa, Đặc công và Pháo nói trên nhằm chọc thủng các tuyến ngăn chặn
của các đơn vị VNCH trên trục tiến quân chính của chúng là QL21.
Bạn:
1. BTL/SĐ23BB/HQ gồm Trung đoàn 44(–)
của Trung tá Ngô Văn Xuân và Trung đoàn 45 của Đại tá Phùng Văn
Quang, tại gần đồi Chư Cúc (226–167) thuộc quận Phước An. Chư Cúc
ở khoảng 22km Đông Bắc BMT.
2. Liên Đoàn 21 BĐQ, LĐT là Trung tá Lê
Quý Dậu, ở khu vực phía Đông thị xã BMT và phía Nam Buôn Hô.
3. Một TĐ của Trung đoàn 40/SĐ22BB đóng tại
Chư Cúc (phía Đông BMT khoảng 42km) cùng với 2 TĐ/ĐPQ thiện chiến
của thị xã Phan Rang, còn Trung đoàn 40 (–) do Trung tá/Trung
đoàn trưởng Nguyễn Thành Danh trừ bị tại phía sau. [2TĐ/ĐPQ Phan Rang trực thuộc BCH nhẹ của Trung tá Nguyễn Công
Ba, TKP Ninh Thuận gồm TĐ 250 Thần Ưng của Thiếu tá Trần Văn Kia
trấn giữ đồi 519 (ngay sát QL21 và cách quận lỵ Khánh Dương
18km), và TĐ 231 Thần Hổ của Thiếu tá Nguyễn Duy Hoàng nằm giữa
quận lỵ Khánh Dương và đồi 519.]
4. Hai TĐ/ĐPQ thuộc Liên Đoàn 922 ĐPQ
thuộc Tiểu Khu Khánh Hòa đảm trách các cầu cống trên phần QL21
thuộc TK/Khánh Hòa.
5. Tăng phái: Chi Đoàn 2/Thiết Đoàn 19
của Đại úy Nguyễn Xá gồm 22 chiếc M–113 được tăng phái cho
LĐIIIND.
6.
Không yểm: SĐ6 Không Quân tại Phan Rang trực tiếp yểm trợ không
hỏa lực cũng như tản thương.
KHU VỰC HÀNH QUÂN:
Đèo M’Drak là khúc đường trên Quốc Lộ
21 [QL21] dài khoảng 28km, đầu đèo cách BMT 96km. Đoạn đường đầu
đèo dài 4km này nằm giữa hai dãy núi khá cao, vách núi dựng đứng.
Phía Bắc con đường là các triền của chòm núi Chư Kroa với đỉnh
cao 958m, phía Nam con đường là các triền của các núi nhỏ hơn mà
đỉnh cao nhất là 609m.
Từ đỉnh đèo có thể quan sát thấy được
sân bay nhỏ nằm ở phía Đông Nam quận Khánh Dương. Về phía Tây Bắc
đỉnh đèo khoảng 2km là Tỉnh Lộ 98 đi qua nhiều buôn làng trước
khi tới Củng Sơn, Tuy Hòa. Sau đoạn đầu đèo chạy theo hướng Đông
Tây khoảng hơn 2km thì con đường rẽ quặt 90 độ về Nam rồi tiếp
tục uốn lượn giữa những triền đồi cao nằm hai bên đường theo
hướng Nam–Đông Nam cho tới chân đèo. Chân đèo hay đèo Phượng
Hoàng nằm kẹp giữa các vách dựng đứng của dãy Chư Giung (677m)
nằm phía Đông Bắc và dãy Chư Bli (993m) nằm ở phía Tây Nam. Chân
đèo cũng là ranh giới trên QL21 giữa quận Khánh Dương và quận
Ninh Hòa.
Các triền đồi ở hai bên đường phần lớn
là dựng đứng trên đó là những khu rừng nhiệt đới gồm các cây cao
rậm rạp và những lùm bụi nhỏ xen lẫn cỏ tranh. Khoảng 10 cây cầu
xi–măng nằm trên các đoạn có các sông suối nhỏ chảy ngang qua
đường. Mặt đường trải đá và tráng nhựa và lưu thông được hai
chiều tuy bề mặt đường hơi nhỏ. Cư dân trong khu vực này là người
dân Ê–Đê sống tập trung trong các buôn làng ở gần hai bên đường.
Đông nhất là tại buôn Ea Thi có khoảng trên 500 người. Người dân
ở đây hiền lành chất phác và sinh sống bằng nghề làm rẫy, săn thú
và tiểu thủ công nghệ. Một số gia nhập Địa Phương Quân và Nghĩa
Quân, đảm nhiệm canh giữ mấy cây cầu trên đèo M’Drak.
NHIỆM VỤ
A. Giai đoạn I: LĐIIIND chiếm giữ toàn
bộ khu vực đèo M’Drak. Sử dụng lực lượng cơ hữu tổ chức 2 tuyến
phòng ngự chính tại đỉnh đèo và khúc giữa đèo. Ngăn chận địch
không cho qua các tuyến phòng ngự này.
B. Giai đoạn II: Sẵn sàng hành quân
cùng các đơn vị bạn phản công tái chiếm BMT khi có lệnh.
PHÂN CÔNG
1. TĐ5ND được tăng phái 1 chi đoàn TVX
[Thiết Vận Xa] đảm nhiệm tổ chức tuyến phòng ngự I tại đỉnh đèo
M’Drak (620–031). Đặt mìn chống chiến xa trước tuyến I đồng thời
giật sập cây cầu xi–măng tại (594–046) trên QL21 khi có lệnh.
2. TĐ6ND tổ chức tuyến phòng ngự II tại
khu vực giữa đèo M’Drak (663–935). Chuẩn bị sẵn để có thể phá hủy
mấy cây cầu xi–măng phía trước tuyến II khi có lệnh.
3. TĐ2ND chiếm giữ khu vực cuối đèo
(703–902) là lực lượng trừ bị của Lữ Đoàn. Tăng cường cho hai TĐ5
& 6ND khi có lệnh.
4. TĐ2/PBND của Thiếu tá Nguyễn Văn
Triệu gồm 3 pháo đội, sử dụng mỗi pháo đội yểm trợ trực tiếp cho
một TĐND. Chịu trách nhiệm phối hợp không pháo yểm theo lệnh của
BCH/LĐIIIND.
5. BCH/LĐIIIND/HQ và Trung tá LĐT Lê Văn Phát cùng BCH/TĐ2/PBND
của Thiếu tá Nguyễn Văn Triệu đóng tại khu vực gần Yếu Khu Dục
Mỹ. BCH nhẹ do Trung tá LĐP Trần Đăng Khôi đặt tại BCH/TĐ2ND.
DIỄN TIẾN
Ngày 20/3/1975: Lúc 08:00g, TĐ5ND dùng
xe di chuyển vào vị trí bố phòng tại tuyến I ở đầu đèo M’Drak.
TĐ5ND ổn định xong tại vị trí lúc 15:00g.
TUYẾN I
Phối trí các ĐĐ/TĐ5ND như sau:
TĐ5ND: Trung tá TĐT Bùi Quyền cùng BCH
đóng tại đỉnh đèo M’Drak ở cao điểm 609m (631–025). Các ĐĐ trấn
giữ các cao điểm hai bên QL21 gồm:
* ĐĐ52 do Trung úy Huỳnh Hiệp, là ĐĐT,
đóng tại cao điểm 810m (617–045) chịu trách nhiệm từ tọa độ
(617–045) tới tọa độ (620–047). Thiếu tá Võ Trọng Em, TĐP và BCH
nhẹ đặt tại đây cùng với hỏa tiễn T.O.W chống chiến xa.
* ĐĐ53 do Trung úy Hoàng Bá Hương, là
ĐĐT, án ngữ khu vực bên trái QL21, BCH/ĐĐ đóng tại 610m
(616–028) chịu trách nhiệm từ tọa độ (605–027) tới tọa độ
(614–030).
*
ĐĐ54 do Trung úy Lê Công Vũ, là ĐĐT, án ngữ khu vực cao độ bên
phải QL21. BCH/ĐĐ đóng tại cao điểm 610m (614–039) chịu trách
nhiệm từ tọa độ (615–035) tới tọa độ (614–046).
* ĐĐ51 do Trung úy Huỳnh Hữu Sanh là
ĐĐT, trừ bị cho TĐ đóng tại cao điểm 572m (643–030). Chỉ huy đơn
vị theo tùng thiết chi đoàn TVX/M–113 tăng phái khi có lệnh.
* ĐĐ Đa Năng do Thiếu úy Tô Thành chỉ
huy trách nhiệm tuần tiễu dọc hai bên con suối Ea Krong Hin đồng
thời sử dụng 1 trung đội cùng 2 chiếc M–113 và 1 xe jeep có gắn
khẩu 106mm không giật làm tiền đồn và bố trí tại khu đồi nhỏ và
rậm rạp (599–045) để kiểm soát cây cầu (594–046) trên QL21 nằm
giữa đèo M’Drak và sân bay Khánh Dương.
* Chi đoàn 2/19 Thiết Kỵ của Đại úy
Nguyễn Xá tăng phái cho TĐ gồm 22 chiếc M–113, lợi dụng những
khoảng lõm ẩn khuất giữa các vách núi hai bên QL21 để giấu xe và
là lực lượng trừ bị của TĐ. Chi đoàn biệt phái cho ĐĐ Đa Năng 2
M–113.
* Pháo
Đội A2 của Trung úy Lê Thái Chân bố trí tại một khoảng đất trống
(635–021) nằm dưới chân đồi 609m và ở phía Tây QL21, yểm trợ
trực tiếp cho 3 ĐĐ ở tuyến đầu.
Qua liên lạc, TĐ5ND được biết vị trí
của 2 TĐ6 & 2ND như sau:
TUYẾN II
TĐ6ND. Trung tá Nguyễn Hữu Thành TĐT
cùng BCH/TĐ đóng trên một khu đồi gần Buôn Ea Thi (675–918). Hai
ĐĐ của TĐ6ND trấn giữ các cao điểm hai bên đường từ tọa độ
(658–929) tới (665–929) phía Nam QL21 và từ tọa độ (668–930) tới
(668–935) phía Bắc QL21. Thiếu tá Trần Tấn Hòa, TĐP nằm với 1 ĐĐ
tại tọa độ (677–932).
TUYẾN III
BCH nhẹ LĐIIIND & TĐ2ND:
Bộ chỉ huy nhẹ của LĐIIIND và BCH/TĐ2ND
của Thiếu tá Trần Công Hạnh, TĐT/TĐ2ND cùng đóng trên một ngọn
đồi (709–898) nằm ở phía Đông QL21 và gần sát QL.
Các ĐĐ đóng tại các cao điểm hai bên
QL21 gần BCH/TĐ.
Khoảng 16:00g, tôi dùng xe jeep chạy
thẳng lên quận Khánh Dương. Trên sân bay Khánh Dương từng đợt
trực thăng vẫn lên xuống đều đặn, mỗi đợt đổ từng nhóm binh sĩ
cùng gia đình dân chúng kể cả các gia đình của đồng bào sắc tộc.
Những nhóm người này bồng bế trẻ con theo QL21 dắt díu nhau đi
bộ vượt qua đèo để xuôi về phía Dục Mỹ. Tại quận lỵ quận Khánh
Dương, tôi gặp Trung tá Điêu Ngọc Chuy, SQ Trưởng Phòng 2/SĐ23BB
đang ngồi trên một thùng gỗ đựng đạn PB. Nét mặt mệt mỏi, anh
Chuy, người bạn cùng khóa, cho biết gia đình anh còn kẹt tại BMT
và BTL/SĐ23BB/HQ cũng sắp rời từ Chư Cúc về đây.
Tôi hỏi Chuy rằng thế hiện giờ Chuẩn
tướng Lê Trung Tường TL/SĐ23BB hiện ở đâu, thì anh Chuy cho biết
Tướng Tường bị thương do trực thăng của ông bị trúng đạn phòng
không 12.8mm của VC ngay sáng ngày 14/3/1975 khi ông bay từ Khánh
Dương lên Phước An. Hiện giờ ông Tường đang nằm tại BV Nha Trang.
Đại tá Lê Hữu Đức hiện giờ Xử lý TL/SĐ và BTL/HQ đã rời về ở đồi
Chư Cúc và chắc sáng mai sẽ rút về đây.
Từ phía khu vực này tiếng bom đạn vẫn
vang vọng về cùng với những cụm khói đen của những đám cháy tại
đó. Đêm về, tại vị trí đỉnh đèo những hỏa châu do máy bay thả vẫn
thấy đung đưa trên bầu trời của phía Tây quận lỵ Khánh Dương.
Tình hình khu vực trách nhiệm của TĐ5ND trong đêm yên tĩnh.
Ngày 21/3/1975: Khoảng 08:00g, Trung úy
Sanh ĐĐT/ĐĐ51 báo về BCH/TĐ là 2 khẩu 105mm từ quận Khánh Dương
đã kéo về và đang tổ chức vị trí tại phía trước đỉnh đèo
(609–034). Tôi lấy xe jeep chạy lên khu vực đỉnh đèo quan sát.
Phía bên trái QL21 khoảng 500m cách đầu đèo M’Drak, 2 khẩu 105mm
của TĐ63/PB đang chĩa nòng súng về phía Tây Bắc, các pháo thủ
đang lo chuẩn bị vị trí để sẵn sàng tác xạ.
Khu vực sân bay Khánh Dương không có gì
lạ. Riêng từ phía quận Khánh Dương vẫn từng đoàn người lũ lượt đi
bộ lếch thếch kéo về phía đèo. Liên lạc qua máy truyền tin với
BCH/LĐ, tôi được Trung tá Phát cho lệnh cứ để cho những người dân
chạy giặc này đi qua vì tại khu vực yếu khu Dục Mỹ đã có những
toán an ninh quân cảnh hỗn hợp thanh lọc họ để tránh VC trà trộn.
Trung tá Phát cũng cho biết theo lệnh của Tướng Phú, tất cả lực
lượng bạn ở phía trước đèo M’Drak sẽ lần lượt triệt thoái về phía
sau tuyến I.
Lực lượng tăng viện cho tuyến Khánh Dương của LĐIIIND sẽ do QĐII
điều động đến sau khi các đại đơn vị của QĐII triệt thoái từ
Pleiku và Kontum về tới Tuy Hòa và Nha Trang.
Khoảng 09:00g, quận Khánh Dương bị vài
trái hỏa tiễn 122mm của VC pháo rải rác bên ngoài hàng rào quận.
Khoảng 12:00g, một số tiếng nổ vang dội
tại khu vực gần sân bay cũng như từ phía quận Khánh Dương. Chắc
là VC đang điều chỉnh pháo binh để chuẩn bị trận địa. Từng đoàn
dân chúng vẫn lũ lượt từ phía Khánh Dương chạy về. Khoảng 13:00g,
Chuẩn tướng Lê Văn Thân, Phụ tá Quân Khu II đáp trực thăng xuống
một bãi trống bên QL21 ở phía trước tuyến I. Tôi lái jeep đến
cạnh bãi đáp để chào ông và tìm hiểu thêm tin tức. Tướng Thân cho
biết các đơn vị của QĐII triệt thoái theo Tỉnh Lộ 7B về Tuy Hòa
bị VC pháo kích và chận đánh nên thiệt hại rất nặng. Ông cũng cho
biết Sài Gòn sẽ gửi những đơn vị khác ra tăng cường cho tuyến
Khánh Dương song không biết vào lúc nào. Tướng Thân cho biết
BTL/SĐ23BB sẽ rút về lập thêm phòng tuyến ở đây. Trong lúc nói
chuyện tôi thấy một số binh sĩ đang dựng các cột thu phát sóng
292 [3] trên một khu đồi cao gần bên đường.
Thình lình một loạt đạn pháo của địch
rơi và nổ tung bụi đất ở phía Bắc cách bãi đáp chừng 7, 8 trăm
thước. Tướng Thân vội vã lên trực thăng và rời khu vực.
Một lúc sau không biết do lệnh từ đâu
mà 2 khẩu pháo binh 105 cũng như nhóm binh sĩ đang chuẩn bị vị
trí cho trạm truyền tin với cột antenna 292 rời bỏ vị trí và rút
qua đèo để xuôi về Nha Trang. Từ lúc đó cho đến nửa đêm chỉ thấy
các nhóm dân chúng lũ lượt kéo nhau qua đèo. Những chiếc phi cơ
A–37 của KQ vẫn đảo lộn oanh tạc trên vùng trời phía Tây của
Khánh Dương.
Ngày
22/3/1975: Từ 08:00g, đã thấy A–37 nhào lộn oanh tạc trên vòm trời
phía Tây Khánh Dương. Khoảng 10:00g, Trung tá Lê Quý Dậu dẫn
LĐ21BĐQ rút về đèo M’Drak. Trung tá Dậu cho tôi biết là đơn vị
của ông sau những trận đụng độ với VC tại Buôn Hô bị tổn thất khá
nặng và bây giờ được lệnh triệt thoái về Nha Trang để bổ sung
quân số và chỉnh trang đơn vị. Anh Dậu nhờ tôi cho mượn một xe
jeep để chạy về tiền trạm của anh ở Dục Mỹ. Anh cho biết hỏa lực
của địch rất mạnh lại thêm T–54 trợ chiến song nhờ A–37 của KQ
yểm trợ diệt chiến xa nên đơn vị anh mới đủ sức cầm cự đến giờ.
Khoảng 13:00g, Trung tá Phạm Huấn, người
phóng viên quân đội quen thuộc của các đơn vị quân đội đi jeep từ
phía Dục Mỹ tới. Gặp tôi đang đứng quan sát ở đỉnh đèo M’Drak,
anh Huấn xuống xe và tới bắt tay cùng hỏi thăm tin tức và tình
hình chiến sự.
Đang nói chuyện với anh thì Trung tá
Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44, đang dẫn đơn vị
anh rút qua đèo. Anh Xuân cho biết anh cùng ĐĐ44TS của Đại úy
Mạnh và TĐ3/44 của Đại úy Trần Hữu Lưu, sau mấy trận đụng độ với
F10 cũng bị tổn thất kha khá và bây giờ được lệnh kéo về TTHL Lam
Sơn để chỉnh trang và bổ sung đơn vị. Còn TĐ1/44 của Thiếu tá
Nguyễn Xuân Hòe và TĐ2/44 của Đại úy Nguyễn văn Pho cùng Trung tá
Trung đoàn phó Vũ Mạnh Cường thì đi theo các đơn vị triệt thoái
từ Pleiku và cho đến nay vẫn không có tin tức gì.
Hỏi anh về tình hình của Trung đoàn 45
của Đại tá Phùng Văn Quang thì anh cho biết Trung Đoàn này khi
được trực thăng vận xuống Phước An vào ngày 12/3/75 và tiến về
BMT đã đụng độ nặng, bây giờ hết khả năng tham chiến. Riêng Trung
Đoàn 53 của Trung tá Võ Ân thì đã bị xóa sổ tại phi trường Phụng
Dực. Anh cũng cho biết còn một số đơn vị của ĐPQ cũng như các
nhóm nhỏ binh sĩ thất lạc đơn vị hiện vẫn còn loanh quanh tại khu
vực quận Khánh Dương và đang tìm đường rút về đây.
Quay về BCH/TĐ tôi liên lạc với Trung
tá Phát để báo cáo tình hình và xin lệnh. Trung tá Phát cho lệnh
củng cố vị trí và yểm trợ cho các đơn vị trước tuyến I rút về. Từ
phía Khánh Dương vẫn từng nhóm binh sĩ lẻ tẻ rút về cho tới 12
giờ đêm. Tôi xin không quân thả hỏa châu soi sáng khu vực trước
tuyến để giúp TĐ dễ quan sát khu vực và tránh ngộ nhận với các
đơn vị bạn còn lại đang trên đường rút về đèo.
Ngày 23/3/1975: Khoảng 02:00g, đơn vị
chót rút qua đèo là 2 TĐ/ĐPQ của Tiểu Khu Phan Rang. Vị Đại
úy/TĐT của tiểu đoàn đi sau cho Trung úy Sanh, ĐĐT/51, biết là
không còn đơn vị bạn nào ở phía sau đơn vị ông. Từ lúc đó cho đến
sáng tôi được BCH/LĐIIIND cho biết phía trước tuyến không còn đơn
vị bạn nào. Các toán tiền đồn trước tuyến cho biết chưa phát giác
được bất cứ dấu hiệu nào của địch.
Khoảng 17:00g, trung đội nằm chung với 2
chiếc M–113 tại (599–045) báo về BCH/TĐ là đã thấy VC xuất hiện
tại khu vực quận Khánh Dương cũng như tại sân bay Khánh Dương
(563–075).
Khoảng 22:00g, VC gửi một đơn vị tiền thám tìm cách vượt qua cây
cầu xi–măng ở phía trước tuyến I. Trung đội tiền đồn cùng M–113
khai hỏa và địch rút chạy về phía quận Khánh Dương. Thiệt hại của
địch không rõ. Trung đội tiền đồn này sau khi báo cáo về BCH/TĐ
đã di chuyển sang một vị trí phụ khác ở phía Nam vị trí cũ. LĐ
sau khi nhận báo cáo của TĐ5ND đã cho lệnh phá cầu. Mìn chống
chiến xa được ĐĐ51ND bắt đầu rải đặt trước tuyến.
Khoảng 23:00g, VC bắt đầu pháo vào khu
vực tiền đồn cũng như trên các triền đồi trước tuyến. TĐ5ND báo
động toàn bộ. Thiếu tá TĐP Võ Trọng Em tại vị trí của BCH/ĐĐ52ND
cho biết nhiều đoàn xe mở đèn chạy từ phía Tây Khánh Dương đang
di chuyển về hướng sân bay. Ước lượng cũng trên 20 xe. Thiếu tá
Em cho biết có nghe cả tiếng chiến xa nữa. Tiền sát viên PB của
ĐĐ52ND liên lạc xin hỏa tập PB trên khu vực mục tiêu. TĐ xin KQ
gửi mấy chiếc Hỏa Long C–119 lên song được biết những phi cơ này
đang được sử dụng cho mặt trận tại vùng Phú Yên Tuy Hòa.
Ngày 24/3/1975: Khoảng 01:30g VC pháo
mạnh vào vị trí khu vực phía Đông Nam cây cầu xi–măng ở (599–045)
rồi sau đó các toán bộ binh bọc các triền đồi ở 2 bên cây cầu để
tiến sang bên này cầu. Bên kia cầu bóng dáng của một chiếc T–54
xuất hiện và đang tìm lối vượt con suối cạn Ea Ngon. Khẩu 106mm
đặt trên chiếc xe jeep nằm với trung đội tiền đồn chỉ cần một
viên là khiến chiếc T–54 xoay ngang và sụm ngay tại chân cầu.
Trung đội tiền đồn và 2 chiếc M–113
trang bị đại liên 50 tiếp tục khai hỏa đồng thời gọi xin hỏa tập
tiên liệu của Pháo Đội A2/ND ngay trên cây cầu đã bẻ gẫy đợt tiến
quân này của VC. Kết quả địch lại rút về phía sân bay Khánh
Dương. Trung đội tiền đồn cho một tổ lên lục soát phía bên này
cầu. Thiệt hại của địch ngoài chiếc T–54 bị hạ nằm tại chỗ còn
một số vũ khí cá nhân và hơn 10 xác nằm rải rác bên này cây cầu.
Ngoài ra còn bắt được một tù binh bị thương nặng. Ta có 3 binh sĩ
bị thương nhẹ. Tôi cho lệnh trung đội tiền đồn gài thêm mìn tự
động tại khu vực cũ rồi rút về đỉnh đèo mang theo người tù binh
bị thương.
Sau
khi được Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm của TĐ khám và y tá của TĐ chăm
sóc, người tù binh đã tỉnh táo nhiều. Qua khai thác tin tức sơ
khởi, Thiếu úy Nhữ Văn Liêu, Ban 2 TĐ, cho tôi biết địch thuộc
ĐĐ5/TĐ8/Trung đoàn 66/F10. Người tù binh cho biết “thủ trưởng”
[4] của ĐĐ của hắn tên Trần Đới.
Liên lạc với Trung tá Phát, LĐT, tôi
thông báo những chi tiết trên và cho ông Phát biết TĐ đang trực
diện với Trung đoàn 66 của F10, một đơn vị khá nhiều kinh nghiệm
chiến trường. Tôi khi còn là ĐĐT/ĐĐ83/TĐ8ND, khi ĐĐ được tăng
phái cho TĐ5ND của Thiếu tá Hồ Trung Hậu, đã từng chạm với một
đơn vị cấp TĐ (–) của Trung đoàn 66 tại chiến trường Ia Dran
khoảng giữa tháng 11 năm 1965. Ông Phát sau khi nghe bèn hứa sẽ
tăng cường tối đa không pháo yểm cho TĐ5ND. Khoảng 11:00g, Thiếu
tá Em cho biết có khoảng 5 chiếc T–54 đang di chuyển từ phía sân
bay Khánh Dương tiến về hướng đỉnh đèo. Hỏa tập ngăn chặn của
Pháo Đội A2/ND bắt đầu tác xạ. Những chiếc A–37 lên vùng và hạ
thêm 3 T–54.
Bắt đầu thấy phòng không của địch bắn lên từ khu đồn điền Khánh
Dương nằm khoảng 10km phía Bắc sân bay Khánh Dương. Một đợt A–37
nữa lên vùng và oanh tạc những vị trí súng phòng không ấy.
Qua tần số Không–Lục, tôi được biết ít
nhất là 2 vị trí súng phòng không bị hủy diệt. Từ đó cho tới
khuya tin tức chuyển quân của địch quan sát được từ KQ và từ các
BCH các ĐĐ52, 53 và 54ND trên các cao điểm của tuyến I liên tục
báo về. Trung tá Phát nói với tôi ông không biết làm gì hơn là
xin KQ oanh tạc vì các vị trí của địch nằm ngoài tầm của các pháo
đội của TĐ2/PBND và KQ cũng quá bận rộn trong việc yểm trợ cho
mặt trận Phú Yên. Tôi cho Trung tá Phát biết theo tôi ước tính
thì chắc chắn là địch sẽ tấn công tuyến I trong đêm nay. Ông Phát
chỉ nhỏ nhẹ nói:
– “Thôi thì rán lên, Sài Gòn sẽ tăng
viện thêm. Họ cũng đang điên đầu lên vì tin tức các nơi gửi về
không sáng sủa gì!”
Ngày 25/3/1975: Khoảng 04:30g địch pháo
kích trước tuyến phòng thủ của ĐĐ53ND. Trận pháo kích thăm dò này
kéo dài khoảng 20 phút. Ta vô sự.
Khoảng 05:00g, VC bắt đầu tấn công tuyến
của ĐĐ53ND. Hỏa tập phòng thủ trên tuyến của ĐĐ do Pháo Đội A2/ND
cung cấp hòa nhịp với 2 khẩu súng cối 81mm của TĐ đã ròn rã vang
lên cùng với các loại hỏa lực cơ hữu của ĐĐ53ND trong hơn một giờ
đồng hồ. Đến 06:15g Trung úy Hương ĐĐT/53 báo cáo địch đã rút lui.
ĐĐ53ND bị 1 tử thương và 7 binh sĩ bị thương, đa số nhẹ. Thiệt
hại địch không rõ vì tôi cho lệnh chờ đến tối hãy ra lục soát,
còn bây giờ thì lo củng cố hầm hố phòng thủ và rán đào thêm giao
thông hào nối liền các tuyến phòng thủ còn đang đào dở dang.
Khoảng 07:00g, tiếng súng lại vang dội
trên tuyến của ĐĐ53ND. Ngoài pháo binh các loại của địch còn thêm
hỏa lực đại bác 100mm của T–54 trực xạ từ các khu vực rậm rạp
khoảng 700m dưới chân đồi phía trước tuyến. Các hỏa tập yểm trợ
lại tiếp tục vang rền.
Hỏa tiễn TOW của TĐ đặt tại vị trí
(615–035) của ĐĐ52ND nhờ quang độ lúc đó khá tốt nên đã tác xạ và
bắn cháy 2 chiếc T–54. Khẩu 106mm ở đỉnh đèo cũng hạ được một
T–54.
Lúc
08:00g, 2 chiếc A–37 xuất hiện bắt đầu oanh tạc các triền đồi phía
trước tuyến của ĐĐ53ND và khu vực nghi ngờ chiến xa cũng như pháo
binh địch ẩn nấp. Tiếng súng của địch êm dần và chấm dứt trước
tuyến của ĐĐ53ND lúc 08:30g. Trung úy Hương báo cáo hơn 20 xác
địch tại trước tuyến và gần 10 vũ khí cá nhân. Giấy tờ trên một
tử thi cho biết thuộc Trung đoàn 28 của F10. Ta bị thêm 2 tử
thương và 11 bị thương.
Khoảng 10:00g, TĐ tản thương bằng xe về
BCH/LĐIIIND ở Dục Mỹ. Trong ngày địch chỉ pháo kích trên tuyến.
Khoảng 23:00g, địch bắt đầu pháo kích dữ
đội tại khu vực giữa tuyến của 2 ĐĐ52 & 54ND sau đó bộ binh địch
tấn công vào tuyến của ĐĐ52ND song bị đẩy lui. Ta vô sự, thiệt
hại địch không rõ.
Ngày 26/3/1975: Khoảng 02:00g, Trung úy
Vũ ĐĐT/54ND báo cáo trung đội của anh tại cao điểm (626–047) quan
sát thấy một đoàn công–voa
[5] xe khá dài khoảng gần trăm chiếc
mở đèn chạy khơi khơi trên Tỉnh Lộ 98, đoạn đường nằm tại phía
Đông Nam dãy núi Chư Su, và tiến về phía Khánh Dương. Tin tức
được chuyển về BCH/LĐ và không có phản ứng! Chẳng cần suy nghĩ
nhiều tôi cũng biết QĐII của Tướng Phú cũng đang kẹt cứng với mặt
trận Phú Yên. Tôi thầm nghĩ chắc Tướng VC Vũ Lăng điều động thêm
1 SĐ nào đó từ khu vực Phú Yên, Tuy Hòa về Khánh Dương để nhất
định chọc thủng tuyến M’Drak rồi theo QL21 tiến về chiếm Nha
Trang và dù không đánh, các tỉnh duyên hải phía Bắc Nha Trang
cũng phải di tản.
Suốt buổi sáng không có thêm một hoạt
động nào của địch ở phía trước tuyến kể cả pháo kích.
Khoảng 12:00g, một trung đội của ĐĐ Đa
Năng trong khi di chuyển tuần tiễu dọc khu vực phía Tây của rặng
núi Chư Binh phát giác một số dấu chân và vài đường dây điện
thoại của địch tại khu vực tọa độ 661–035. Dấu di chuyển và đường
dây điện thoại còn mới và hướng về phía Nam. Sau khi cho lệnh
trung đội Đa Năng cắt các dây điện thoại này và tiếp tục theo các
dấu vết của toán địch xâm nhập này, tôi báo sự việc này cho
BCH/LĐ và đề nghị gửi 1 trung đội của ĐĐ3TSND của Đại úy Nguyễn
Viết Hoạch thám sát khu vực phía Nam dãy núi Chư Binh (665–023)
và khu vực dãy núi Chư Nang (655–988). Tôi cũng báo cho Trung tá
Phát là địch có thể đã đưa tiền sát viên pháo binh bí mật xâm
nhập vào khu vực giữa TĐ5ND và TĐ6ND. Trung tá Phát nói là sẽ ra
lệnh cho TĐ6ND tung rộng con cái tuần tiểu khu vực trách nhiệm.
Theo suy nghĩ của tôi thì địch không
muốn tổn thất nhiều để chọc thủng tuyến I do TĐ5ND trấn giữ mà sẽ
điều động quân bọc sườn 2 TĐND ở phía sau như vậy vừa bất ngờ vừa
tiết kiệm được thời giờ.
Phía sườn trái TĐ5ND là những rặng núi
nối dài với dãy Chư M Ta chạy dài từ phía Nam quận Khánh Dương
tới dãy Chư Pai. Từ đây đổ xuống ngay giữa vị trí đóng quân của 2
TĐ6 & 2ND. Địch di chuyển trên dãy đường đỉnh ấy luôn ở cách
QL21 khoảng từ 2km đến hơn 3km và ngay di chuyển ban ngày cũng
không sợ máy bay quan sát nhìn thấy vì được cây rừng che dấu. Đó
là một trong những đường tiến sát rất tốt nếu địch muốn tấn công
bọc sườn LĐIIIND. Tuy biết thế song với lực lượng của các TĐND
tại hai tuyến phòng ngự I và II thì không đủ quân số để tung
những trung đội vào những cuộc hành quân viễn thám xa.
Tôi đề nghị Trung tá Phát cho ĐĐTS3ND
hành quân viễn thám tìm hiểu lộ trình tiến sát này của địch song
không được đáp ứng.
Trên bản đồ và thực tế trận địa cho
thấy những toán nhỏ tiền sát viên địch dễ dàng lẻn vào khu vực
cao điểm của dãy núi Chư Nang để từ đây có thể chỉ điểm cho pháo
binh khống chế được ít nhất là Pháo Đội A2/ND đang yểm trợ cho
TĐ5ND. Từ Chư Nang địch dư sức gửi đặc công và tiền sát viên lợi
dụng đêm tối để di chuyển tới đỉnh cao Chư Giok (951m). Tại cao
điểm này địch có thể quan sát toàn bộ QL21 từ Bắc xuống Nam nhất
là thấy rõ các vị trí đóng quân của 2 TĐ6ND và TĐ2ND. Một khi
chúng mở màn tấn công theo kiểu “tiền pháo hậu xung” cố hữu thì 2
TĐND này sẽ bị tê liệt ngay từ lúc đầu với các loại pháo binh
130mm và hỏa tiễn của địch (được các tiền sát viên từ đây dễ dàng
điều chỉnh) và bộ binh ém sẵn sẽ ào ạt xung phong và lực lượng
phòng thủ sẽ gặp nhiều bất lợi.
Khoảng 20:00g, Thiếu tá Em báo về BCH/TĐ
thấy có nhiều đoàn xe mở đèn từ phía Tây quận Khánh Dương chạy
đến quận này. ĐĐ54ND cũng báo thấy nhiều xe mở đèn chạy trên đoạn
Tỉnh Lộ 98, giống như tình hình quan sát thấy lúc 02:00g sáng.
Ngày 27/3/1975: Từ 07:00g, địch bắt đầu pháo loại
130mm vào khu vực đỉnh đèo. Một trái 130mm rơi trúng ngay vị trí
pháo đội A2/ND tại (635–021) làm hư 2 khẩu 105mm và gây thương
tích cho một số pháo thủ. Pháo đội lúc đó đang tập Trung tác xạ
về phía sân bay Khánh Dương. Pháo Đội A2 được BCH/TĐ2/PBND cho
phép di chuyển về phía sau. Khoảng 17:00g, một chiếc A–37 bị phòng
không địch bắn rớt ngay trên vùng trời trước tuyến I. Phi công
nhảy dù ra và kéo được dù rơi vào phía trước tuyến của ĐĐ53ND nên
được cứu thoát và đưa về BCH/TĐ. Vì lúc đó trời đã tối nên Thiếu
úy Đỗ Thiết, thuộc phi đoàn 548 Ó Đen/SĐ6KQ ngủ lại tại BCH/TĐ.
Đêm đó anh ta kể cho tôi nghe tình hình chiến sự sôi động tại mặt
trận Phú Yên. Theo anh kể thì gần như không còn một đơn vị nào
của VNCH từ Pleiku, Kontum triệt thoái về còn đầy đủ quân số. Ta
bỏ lại hầu như toàn bộ súng pháo binh các loại kể cả 175mm cũng
như các chiến xa M–41 và M–48. [Theo lời Đỗ Thiết kể thì Phi công
lái chiếc A–37 thứ 2 tên Nguyễn Thành Phương.]
Tôi vừa nghe vừa thở dài chán nản vì
không biết khi LĐIIIND chạm nặng cần tăng viện thì QĐII lúc ấy
lấy lực lượng ở đâu để gửi đến Khánh Dương. Thấy suy nghĩ thêm
cũng chỉ nhức đầu tôi lấy tờ báo Con Ong ra đọc và ngủ thiếp đi
lúc nào không biết dù trong đêm địch vẫn pháo quấy rối lai rai
cho đến sáng.
Ngày 28/3/1975: Giật mình thức dậy vì một trái
130mm nổ ở ngay dưới chân đồi gần chỗ BCH/TĐ đóng. Nhìn đồng hồ
mới có 5 giờ sáng. Đại úy Trần Thanh Chương, SQ/HQ&QH của TĐ cho
biết trong đêm một số vị trí của TĐ6ND cũng bị địch pháo song
thiệt hại không đáng kể. Vừa uống ngụm cà–phê đầu ngày tôi vừa
suy nghĩ xem địch định chơi trò gì. Sau 2 lần tấn công thăm dò
vào phòng tuyến của ĐĐ53ND rồi sau đó là chỉ pháo kích quấy rối
trong khi vẫn có dấu hiệu chuyển quân đến khu vực Khánh Dương.
Đại pháo và phòng không cũng bắt đầu hoạt động từ 3 ngày qua
chứng tỏ cấp SĐ của địch đã ở trong vùng. Sự yên tĩnh đáng sợ này
của trận địa làm tôi càng thêm e ngại vì trận mạc nhiều năm tôi
biết rằng đó là giai đoạn chuẩn bị của địch trước khi tung ra một
trận đánh lớn quyết định.
Khoảng 08:00g, Trung úy Nguyễn Văn Trung
ĐĐT/ĐĐ50ND báo cáo có mấy binh sĩ ĐPQ gác cây cầu ở phía Nam của
khẩu đội súng cối 81mm của TĐ đến báo cáo thấy VC xuất hiện ở ven
rừng phía Tây QL21, cách cây cầu khoảng gần 1km. Một trung đội
của ĐĐ Đa Năng được gửi ngay tới khu vực này song không tìm thấy
gì sau gần một giờ lục soát. Tuy nhiên tin này cũng được thông
báo cho LĐ và BCH/TĐ6ND.
Khoảng 15:00g, một chiếc trực thăng từ
hướng Dục Mỹ bay đến đáp tại bãi đáp ven đường ngay dưới chân đồi
nơi BCH/TĐ đóng. Một SQ của BCH/LĐ trao một phong bì lớn cho
Thiếu úy Nhữ Văn Liêu, SQ/Ban 2 TĐ, rồi lên trực thăng cất cánh
bay ngay. Trực thăng cất cánh được khoảng 10 phút thì một loạt
đạn pháo địch rót xuống khu vực bãi đáp. Trong phong bì là 1 công
điện mang tay gửi cho TĐ5ND.
Nội dung công điện là:
(1) Lệnh cho TĐ5ND gửi
trả BCH/LĐ chi đoàn TVX và biệt phái 1 ĐĐ theo tùng thiết. Chi
đoàn TVX và ĐĐ tùng thiết sẽ rời khu vực đỉnh đèo khi TĐ5ND bắt
đầu rút.
(2) TĐ5ND tìm cách đoạn chiến và rút về phía sau
tuyến II của TĐ6ND. Giờ giấc di chuyển tùy thuộc BCH/TĐ.
(3) LĐIIIND dự trù sẽ
về lập phòng tuyến mới tại khu vực đèo Rù Rì.
Đọc xong công điện tôi vội gọi máy xin
gặp Trung tá Phát để hỏi thêm chi tiết về lệnh này song BCH/LĐ
trả lời là Trung tá Phát đang đi họp với Tướng Phú. Liên lạc với
BCH nhẹ tôi được Trung tá Khôi LĐP cho biết là lệnh này do khẩu
lệnh của Tướng Phú.
Vì là bạn cùng khóa VBĐL, Khôi nói vắn
tắt:
– “Lam
Sơn 719, hiểu chưa Tố Quyên?”
Nghe xong câu này tôi biết là tình hình
khá trầm trọng vì Lam Sơn 719 là tên cuộc hành quân qua Lào năm
1971 trong đó các đơn vị VNCH phải rút vội sau những tổn thất khá
nặng để tránh bị vây hãm.
Khoảng 16:00g, tôi gọi máy mời Thiếu tá
Em, TĐP, hiện trực tiếp chỉ huy 2 ĐĐ52 & 54ND cùng 2 ĐĐT 51 và
53ND về họp. Tôi cho họ biết qua tình hình cùng lệnh mới của LĐ.
Trung úy Hương, người miền Nam, có vẻ bực tức và không nén được
chửi thề nói:
– “ĐM! Việc đéo gì mà phải rút. Làm sao tụi nó qua được tuyến của
mấy đứa con tôi.”
Tôi phì cười và chưa nói gì thì qua
chiếc loa của máy liên lạc không lục các SQ đang ngồi họp nghe
viên Thiếu úy trên chiếc phi cơ quan sát đang liên lạc và thông
báo cho hai viên phi công của 1 phi tuần A–37 là họ đã “rang”
[6]
được 3 con cua T–54 ở phía Nam khu vực quận Khánh Dương.
Khi nghe các phi công A–37 chào từ giã
viên SQ trên chiếc phi cơ quan sát để rời vùng, tôi vội bốc máy
truyền tin liên lạc không–lục yêu cầu họ gọi cho đơn vị họ để gửi
gấp vài phi tuần nữa lên vùng đánh tiếp. Phi công của chiếc quan
sát cho biết là đã xin thêm mấy phi tuần nữa rồi. Quay sang các
ĐĐT, tôi hỏi họ về tinh thần anh em binh sĩ trong hơn tuần qua ra
sao. Từng ĐĐ trưởng cho biết tinh thần của binh sĩ trong ĐĐ họ
rất cao nhất là ĐĐ53ND. Thiếu tá Em cũng cho biết tinh thần của 2
ĐĐ52 và 54ND rất tốt.
Nhìn đồng hồ thấy đã hơn 15 phút rồi mà
tôi vẫn không thấy tăm dạng phi tuần nào nên tôi lại gọi máy hỏi
viên Thiếu úy trên chiếc phi cơ quan sát tại sao lâu vậy mà chưa
thấy phi tuần nào lên vùng. Câu trả lời của anh ta làm tôi chưng
hửng:
– “Đại
bàng phải đợi vì tụi nó phải từ Phan Rang lên đây.”
– “Thế A–37 không đáp ở Nha Trang được
à?”
Tôi hỏi
tiếp. Anh ta cười và cho biết:
– “Nha Trang không phải là phi trường
quân sự, hơn nữa tình hình phi trường Nha Trang lộn xộn từ sáng
nay rồi. Lát nữa tôi cũng về Phan Rang đáp.”
Anh ta còn cho biết thêm là hình như
dân chúng Nha Trang cũng đang rục rịch di tản. Tin đâu nghe thật
rụng rời! Tôi liếc mắt nhìn các SQ đang ngồi họp, nhất là Trung
úy Hương. Họ đều yên lặng và có lẽ hiểu lý do tại sao lại có lệnh
như vậy.
Tôi
cho lệnh Trung úy Sanh, ĐĐT 51ND, về chuyển lệnh lại cho Chi Đoàn
Trưởng 2/19 Thiết Kỵ và dự trù vào lúc sẩm tối thì lặng lẽ cho
từng chiếc TVX di chuyển cách nhau ít phút để tránh gây nhiều
tiếng động cùng một lúc khiến địch biết TĐ rút khỏi tuyến I. Khi
đứa con chót của ĐĐ53ND rút khỏi vị trí BCH/TĐ thì Trung úy Sanh
tùng thiết và dẫn chi đoàn TVX về trình diện BCH/LĐ và nhận lệnh
trực tiếp của LĐ. Thiếu tá Em sẽ về BCH/ĐĐ54ND để chuyển lệnh cho
2 ĐĐT 52 và 54ND. Các ĐĐND áp dụng “trì hoãn chiến” khi rời vị
trí. Gài thêm mìn tự động trước tuyến của đơn vị trước khi rút
quân. Thứ tự rút từ ĐĐ52ND ở xa nhất kế đến ĐĐ54ND, đều rút về
ngang qua vi trí dưới chân đồi nơi BCH/TĐ đóng. ĐĐ53ND rút sau
chót. TĐ sẽ di chuyển đội hình HQ đêm trên 2 trục dọc theo các
triền cao của các rặng đồi dọc phía tây QL21 và di chuyển cách
con đường khoảng hơn 1km. Thứ tự di chuyển dẫn đầu TĐ là ĐĐ52ND,
kế đến BCH/TĐ cùng ĐĐ50ND. Theo sau ĐĐ50ND là ĐĐ53ND. ĐĐ Đa Năng
đoạn hậu. ĐĐ54ND di chuyển bên trái trục chính của TĐ và song
song với ĐĐ52ND.
Đúng 22:00g, sau khi tiểu đội chót của 2
ĐĐ52ND và 54ND rút về tới dưới chân đồi đã ấn định đồng thời
trung đội đầu của ĐĐ53ND cũng vừa tới BCH/TĐ thì tôi cho lệnh 2
ĐĐ52ND và ĐĐ54ND xuất phát.
Trong bóng đêm các đơn vị ND
lặng lẽ tiến quân.
Khoảng 40 phút sau, Trung úy Sanh báo
bắt đầu dẫn chi đoàn TVX rời khỏi đỉnh đèo. Tôi báo cho BCH/LĐ và
TĐ6ND biết là TĐ5ND bắt đầu kế hoạch ZULU (Di chuyển).
Khoảng 30 phút sau, những tiếng mìn tự
động tại trước tuyến cũ của ĐĐ53ND nổ ran. Tôi biết rằng địch đã
biết là TĐ đã rút khỏi tuyến I. Tôi chưa kịp báo cáo về LĐ về
diễn biến mới này thì nhiều tiếng súng khác lại nổ như pháo Tết
từ phía QL21 trong đó có cả tiếng nổ của đạn súng cối 82mm của
VC cũng như tiếng đại liên 12.7mm của M–113. Tiếng Trung úy Sanh
qua máy báo cáo gặp hỏa lực địch bắn từ phía phải (phía Tây) của
con đường và chi đoàn có mấy M–113 bị bắn cháy. Tôi cho lệnh
Trung úy Sanh không ham chiến, cứ bắn mở đường mà rút cho nhanh
về LĐ. Tuy nhiên phải dặn con cái thằng TVX cẩn thận kẻo lại bắn
nhầm thằng TĐ6ND ở tuyến II.
Lúc đó là 23:30g đêm, tiếng súng vẫn rền
vang trong khoảng 20 phút rồi im lặng. Tôi cho lệnh ĐĐ54ND phải
mở rộng đội hình và dặn Trung úy Vũ cho lệnh toán khinh binh đi
đầu phải cẩn thận vì địch đã bắn cháy 3 M–113 ở trên QL21 khoảng
(633–990) trên đường rút quân của ĐĐ51ND. Địch đã sử dụng cối
82mm thì ắt phải từ cấp TĐ trở lên.
Ngày 29/3/1975: Khoảng
01:30g, qua 1 máy truyền tin vào sẵn tần số nội bộ của ĐĐ54ND tôi
nghe giọng Thiếu úy Hoàng Đình Côi, Trung đội trưởng trung đội đi
đầu của ĐĐ54ND vừa tiến lên một mỏm đồi khá cao ở bên phải hướng
di chuyển, báo cho Trung úy Vũ, ĐĐT/ĐĐ54ND, là anh thấy có 2
chiếc M–113 đang cháy trên QL21 khoảng 800m về phía Đông của
hướng di chuyển. Tôi biết ngay là mình đang ở ngang khu vực của
địa điểm mà Trung úy Sanh, ĐĐT/ĐĐ51ND, báo chạm địch lúc 23:30g.
Chưa kịp cho lệnh ĐĐ54ND ép nhiều về
phải thì có tiếng lựu đạn nổ và trái sáng của địch bật cháy ở
phía trái của hướng tiến và súng địch đã nổ ran. Trung Đội 3 đi
cánh trái của ĐĐ54ND báo cáo chạm địch và Chuẩn úy Ngưỡng, Trung
đội trưởng trung đội này, đã bị thương ở cổ. Đại liên 12.8mm của
địch từ mấy ngọn đồi cao phía trước mặt bắn loạn về phía ĐĐ54ND.
Tôi vào thẳng tần số nội bộ của ĐĐ54ND cho lệnh Thiếu úy Côi bám
vị trí và tác xạ yểm trợ cho ĐĐ54ND rút về phía trục của TĐ.
Tôi cho lệnh ĐĐ52ND tiến lên chiếm ngay
dãy cao điểm ở bên phải hướng di chuyển của TĐ. Súng các loại của
địch vẫn nổ ran và lác đác mấy trái cối 82mm của địch rót về phía
BCH/TĐ. Trong đêm tối không rõ lực lượng và bố trí của địch, nên
tôi cho lệnh các ĐĐ còn lại nhanh chóng dạt theo ĐĐ52ND lên trên
dãy đồi cao phía bên phải để bố trí. Địch tiếp tục giật các thủ
pháo chiếu sáng để soi sáng trận địa. Đại bác 130mm của địch từ
phía Khánh Dương bắt đầu rót tới khu vực. Tôi báo cáo chạm địch
tại (627–996) lên BCH/LĐ và xin pháo binh soi sáng và tác xạ yểm
trợ đồng thời cho lệnh Trung úy Vũ đoạn chiến và rút lên dãy đồi
phía phải song không thấy trả lời.
Khi gọi cho Thiếu úy Côi tôi được anh
cho biết địch rất đông từ dưới chân đồi đang tìm cách tiến lên vị
trí của anh và một số binh sĩ của đại đội anh đang vừa đánh vừa
tìm cách dạt về phía anh. Còn Trung úy Vũ và hạ sĩ mang máy
truyền tin ĐĐ thì đã tử thương ngay phút đầu. Bàng hoàng về tin
này, tôi cho lệnh Côi yểm trợ cho các đứa con còn lại của ĐĐ54ND
rút về chỗ anh rồi ĐĐ52ND sẽ yểm trợ cho anh mang con cái rút về
với BCH/TĐ(624–998).
Khoảng 04:30g thì lực lượng còn lại của
ĐĐ54ND này rút về tới ĐĐ52ND. Địch ở phía dưới chân đồi tiếp tục
hò hét “Hàng sống chống chết” song chỉ bắn theo mà không thấy
bóng dáng tên nào mò lên.
Tôi báo về LĐ tình hình và cho biết chờ
sáng hẳn sẽ điều động đơn vị xuống để lấy thương binh và các quân
nhân tử thương song Trung tá Phát cho lệnh TĐ tìm đường rút về
ngay sau tuyến II. Tôi chua xót thi hành lệnh này vì đây là lần
đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp phải bỏ lại chiến địa các anh
em đã bao lần vào sinh ra tử với mình. Kiểm điểm lại quân số thì
ngoài ĐĐT/ĐĐ54ND bị tử thương còn bị thất lạc hơn một trung đội.
Các SQ bị thất lạc gồm cả Đại úy Huỳnh
Quang Chiêu, SQ phụ tá ban 3 được chỉ định cố vấn cho ĐĐ54ND.
(Đại úy Chiêu vừa bàn giao ĐĐ cho Trung úy Vũ), Bác sĩ Nguyễn
Thanh Liêm, y sĩ trưởng TĐ trong lúc pháo địch rơi giữa trục di
chuyển có lẽ vì cận thị nên không bám kịp TĐ. Thiếu úy Côi ở lại
yểm trợ cho ĐĐ54ND rút chắc cũng không bám kịp TĐ. Các ĐĐ khác
chỉ có một số binh sĩ bị thương nhẹ và vừa phải song các thương
binh này vẫn được đơn vị dìu đi theo TĐ. TĐ bắt đầu di chuyển về
hướng Tây khoảng 1km rồi chuyển hướng về Nam lên cao độ 688m
(610–993) rồi theo đường đỉnh tiến về hướng Tây Nam. ĐĐ52ND dẫn
đầu và ĐĐ Đa Năng đoạn hậu. Đại đội này trong khi di chuyển theo
TĐ vẫn cho trung đội đoạn hậu gài lựu đạn và mìn tự động trên
đường rút quân để ngừa địch đuổi theo.
Khoảng 06:00g thì TĐ5ND đã di chuyển tới
cao điểm 700m (604–991) của dãy Chư Tô. TĐ tiếp tục theo đường
đỉnh di chuyển được khoảng 1km thì Trung úy Hiệp ĐĐT/52ND cho
biết đứa con đi đầu của anh bắt gặp con đường chuyển quân của
địch còn mới.
Trung úy Hiệp cho biết con đường khá rộng chạy theo hướng Tây
Bắc–Đông Nam, chiều ngang con đường rộng cỡ 2m và mặt đường nhẵn
thín vì ít nhất là một đại đơn vị địch đã di chuyển qua. Tôi cho
lệnh Trung úy Hiệp bố trí khoanh tròn tại hột lạc
[7]
(593–986). Khi toàn bộ TĐ kéo lên tọa độ này và bố trí tạm để
nghỉ, tôi cho Thiếu úy Tô Thành dẫn 2 trung đội của anh đi ngược
hướng con đường địch đi này chừng 800m để quan sát. ĐĐ52ND cũng
cho trung đội đi đầu theo dấu địch tiến về trước để thám sát.
Từ cao độ này nhìn xuống QL21 tôi thấy
gần như toàn bộ địa hình địa vật của khu vực đèo M’Drak. Quan
sát tuyến đường địch di chuyển tôi thấy ít nhất cũng cỡ đơn vị
cấp trung đoàn vì đường vừa lớn và nhẵn thín, những đoạn có độ
dốc cao phải bám vào cây để leo lên hay khi từ cao đổ xuống đều
được công binh sửa vách núi tạo thành các bậc thang để các đơn vị
súng lớn của địch di chuyển dễ dàng nhanh chóng. Hai bên đường
đây đó vất rải rác các bao bánh in (lương khô của Trung cộng).
Thời gian địch sử dụng ít nhất cũng cả tuần lễ trước. Thiếu úy Tô
Thành gọi máy về cho biết con đường chạy thẳng lên đỉnh núi Chư
Tô (589–992) và tại đây địch để lại nhiều dấu vết dừng quân của
một đại đơn vị.
Tôi cho lệnh Thiếu úy Thành dẫn trung
đội quay về rồi tôi báo tin tức này cho BCH/LĐ để phổ biến cho 2
TĐ6ND và TĐ2ND. Tôi cũng cho Trung tá Khôi biết có thể địch đã
bọc hông và ém quân đâu đó ở khu vực tuyến II do TĐ6ND phụ trách.
Khoảng 07:30g TĐ5ND bắt đầu di chuyển. Tôi cho lệnh Trung úy Hiệp
ĐĐT/52ND sử đụng ngay con đường địch đã mở để di chuyển cho nhanh
song toán khinh binh tiền sát phải cẩn thận tối đa. Con đường
tiếp tục theo hướng Đông Nam chạy ngoằn ngoèo theo các đường
đỉnh.
Nhờ vậy
TĐ di chuyển rất nhanh. 08:30g TĐ tạm nghỉ quân 15 phút tại cao
điểm 840m (605–970), kế đó leo lên đỉnh cao (605–959). Sau đó lại
tiếp tục di chuyển. Khoảng 20 phút Trung úy Hiệp báo là con đường
khi băng ngang con suối Ea Ebra thì tách làm đôi, một ngả chạy
xiên về Đông còn ngả kia tiếp tục hướng Nam. Hiệp hỏi lệnh tôi
muốn anh theo con đường nào.
Tôi cho lệnh bố trí tạm và chờ tôi lên
xem. Sau khi quan sát tôi thấy ngả về hướng Đông có vẻ như sẽ dẫn
ra hướng QL21. Tôi quyết định cho TĐ di chuyển theo ngả hướng
Nam. Tôi cho lệnh Thiếu úy Thành, ĐĐ Đa Năng, cho một đứa con
thám sát con đường hướng Đông Nam khoảng 800m, rồi quay về bám
theo TĐ.
Khoảng 09:00g, trong khi TĐ đang di chuyển thì có vài loạt súng nổ
ở phía sau. Chưa kịp liên lạc máy thì Tô Thành báo là đứa con của
anh vừa tiêu diệt được 1 tổ anh nuôi của VC, lấy được mấy khẩu
súng và một bao gạo. Tôi cho lệnh đưa con cái quay về bám theo
TĐ. Lại thêm vài loạt súng nổ nữa và lần này Tô Thành báo là có
một toán nhỏ VC đóng ở trên trái đồi nhỏ phía Đông con đường đang
tác xạ về phía anh. Anh đề nghị tôi cho một đứa con của anh nằm
lại bắn chặn, còn ĐĐ (–) sẽ bám theo TĐ. Tôi đồng ý và dặn Thành
cho lệnh con cái không được ham chiến đấu vì TĐ cần phải về sau
tuyến II theo lệnh LĐ. TĐ tiếp tục di chuyển và dừng quân tạm
nghỉ lần thứ hai tại cao độ 760m (613–944).
Đang nghiên cứu tấm bản đồ hành quân để
ước lượng thời gian TĐ có thể di chuyển về đến khu vực tuyến II
nếu không chạm địch trên đường đi thì Đại úy Chương cho biết
Thượng sĩ nhất Đạm phụ trách Tiền trạm/TĐ muốn gặp tôi để xin
lệnh. Qua hệ thống âm thoại, Thượng sĩ Đạm cho biết Tiền trạm của
các TĐ được lệnh của Tiền trạm LĐ rời bỏ TTHL/BĐQ Dục Mỹ và di
chuyển theo Tiền trạm LĐ về Nha Trang. Tuy chưa rõ lý do gì song
tôi nghĩ chắc LĐ dự trù lui về bố trí tại tuyến đèo Rù Rì. Tôi
bảo Thượng sĩ nhất Đạm cứ theo lệnh của LĐ.
Sau đó TĐ tiếp tục di chuyển. Đầu óc
tôi rối tung với những tin tức của các đài BBC và VOA, toàn là
những tin bất lợi cho VNCH nhất là những bài bình luận về cuộc
triệt thoái của các đơn vị thống thuộc QĐII từ Pleiku và Kontum
về Tuy Hòa cũng như tin tức quân sự tại các nơi khác.
Khoảng 10:00g, súng bắt đầu nổ ran ở khu
vực tuyến II của TĐ6ND. Từ trên cao điểm (613–944) tôi thấy rõ
pháo 130mm và hỏa tiễn các loại của địch từ phía quận Khánh Dương
rớt trên một số vị trí của TĐ6ND.
Liên lạc với Trung tá Khôi, LĐP/LĐIIIND
tôi cho anh Khôi biết những gì tôi quan sát thấy. Ít phút sau mấy
pháo đội của TĐ3/PBND bắt đầu phản pháo lại.
Khoảng 10:30g một số phi tuần khu trục
vào vùng và bắt đầu oanh tạc yểm trợ cho TĐ6ND. Trận đánh kéo dài
khoảng gần một giờ đồng hồ.
Khoảng 11:15g, qua hệ thống âm thoại tôi
nghe TĐT/TĐ6ND báo lên BCH/LĐIIIND là địch đã rút và để lại một
số xác chết. TĐ6ND lấy được một số vũ khí và bắt sống 4 tù binh.
Khai thác sơ khởi cho biết chúng thuộc Trung đoàn 25 của SĐ 320
do 1 Trung tá tên Tâm chỉ huy.
Mấy phi tuần sau tôi thấy họ tiếp tục
oanh kích trên phía quận Khánh Dương. Tôi cho Trung tá Khôi biết
là tôi dự trù sẽ theo đường đỉnh của các dãy núi phía Tây QL21
để đổ xuống phía sau tuyến II. Hy vọng là nếu không chạm địch thì
sẽ hoàn tất vào rạng sáng ngày 31/3/1975.
Đến 18:00g, TĐ di chuyển đến đỉnh 845m
(618–935). Con đường vẫn tiếp tục đổ về hướng Nam–Đông Nam tức là
hướng về dãy núi Chư Pai 957m (632–908). Thấy anh em binh sĩ đã
thấm mệt và mặt trời cũng đã từ từ xuống dần tôi cho lệnh đóng
quân đêm tại đây.
Tôi dự trù chậm lắm là trưa ngày mai có
thể tới tuyến II của LĐ do TĐ6ND trách nhiệm. Tôi bảo Đại úy Trần
Thanh Chương, SQ Ban 3 TĐ sử dụng hệ thống âm thoại mã hóa để báo
cáo kế hoạch dự trù của TĐ lên BCH/LĐ vì máy phát điện quay tay
GN–58 của trung đội truyền tin bị hư hại trong trận đụng độ hồi
đêm nên không thể gửi công điện hành quân được. Tình hình trong
đêm tương đối yên tĩnh ngoại trừ pháo địch rải rác rơi trên khu
vực tuyến II.
Ngày 30/3/1975: Khoảng 06:30g pháo lớn và hỏa tiễn các loại của
địch rơi trên toàn bộ tuyến đóng quân của TĐ6ND cũng như của
TĐ2ND và sau đó là bộ binh địch tấn công. Từ đỉnh đồi 845m tôi
thấy rõ những chiến xa T–54 từ đầu đèo M’Drak mở đèn chạy theo
Quốc Lộ 21 xuống.
Địch Tấn Công TĐ6ND Tại Tuyến
II
Qua hệ thống âm thoại Lữ Đoàn (LĐ) tôi nghe rõ giọng Trung tá
Nguyễn Hữu Thành, TĐT/TĐ6ND báo cáo tình hình địch & ta lên
BCH/LĐ. Tại phía trước tuyến của TĐ6ND, lửa trên các đồi cỏ tranh
đang cháy và theo gió lan rất nhanh về phía vị trí phòng thủ của
TĐ6ND. Tôi chợt nghĩ:
– “Bỏ mẹ! Tụi nó lại chơi thêm hỏa
công.”
Khoảng
07:20g, 2 phi tuần A–37 xuất hiện và nhào xuống oanh kích mấy
chiếc T–54. Súng phòng không của địch từ phía Bắc và Đông Bắc
Quốc Lộ 21 bắn lên như mưa.
Đến khoảng 09:30g thì tiếng súng ở dưới
núi tạm êm, chỉ còn những loạt súng lẻ tẻ đây đó. Tôi cũng không
còn nghe ai nói gì trên hệ thống âm thoại giữa LĐ và các TĐ. Tôi
rán gọi BCH/LĐ để tìm hiểu tình hình ra sao mà không được. Tôi
nghĩ chắc tuyến II đã mất và TĐ2ND chắc cũng đã đoạn chiến và rời
vùng cùng với BCH nhẹ của LĐ. Hiện giờ chắc địch đã làm chủ Quốc
Lộ 21 và với đà này thì Dục Mỹ cũng nhanh chóng rơi vào tay chúng
nếu không còn đơn vị nào của Quân Đoàn II gửi lên.
Thực tình lúc đó tôi không biết những
đơn vị triệt thoái từ Pleiku và Kontum về Tuy Hòa đã bị tổn thất
nặng và QĐII giờ đây gần như không còn quân. Khoảng gần 10:00g,
tôi mời các ĐĐT của TĐ5ND họp để thông báo tình hình và cùng nhau
bàn bạc kế hoạch tốt nhất cho đơn vị. Sau khi cho biết tình hình
chung, tôi cho họ biết quyết định của tôi là TĐ5ND sẽ di chuyển
về hướng Tây và tìm đường về Phan Rang. Sở dĩ tôi nghĩ đến Phan
Rang vì đây là quê quán của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.
Không lẽ ông ta cũng bỏ mặc sinh quán của ông cho rơi vào tay
Việt Cộng.
Sư Đoàn F10 & Trung đoàn 25/320 tấn công Tuyến II & III
Để tiết kiệm điện trì dùng cho máy
truyền tin, tôi cho lệnh chỉ 2 trung đội đi đầu và đoạn hậu TĐ là
mở máy truyền tin thường trực, còn các trung đội khác tắt máy và
chỉ mở khi đơn vị chạm địch. Đại úy Chương, SQHQ/TĐ cho biết TĐ
chỉ còn một ngày lương chót. Bình thường thì ngày hôm qua
29/3/1975 là ngày TĐ nhận tiếp tế lương thực, đạn dược. Trung úy
Hương, ĐĐT/53ND, đưa ý kiến là khi cần thiết có thể trên đường đi
tạt vào một buôn làng người Ê–Đê để mượn lương. Tôi cho họ biết
là biện pháp này đối đế
[8]
(phương sách cuối cùng, không còn
cách nào khác) lắm mới dùng tới và ít ra là khi TĐ đã cách xa
khỏi khu vực này trên 20km.
Khoảng 11:00g, TĐ bắt đầu di chuyển. Thứ
tự di chuyển như cũ. Tôi quyết định dẫn TĐ theo hướng Nam để tìm
đường về hướng quận Diên Khánh. Vì mở đường mà đi nên tốc độ di
chuyển hơi chậm.
Khoảng 13:00g, TĐ dừng quân tạm nghỉ tại
một mỏm đồi nhỏ dọc một con suối cạn tại tọa độ (618–928). Ở đây
rất nhiều cây chuối rừng. Một số anh em cạn lương thực rủ nhau
chặt lấy thân chuối để nấu ăn. Sau đó TĐ tiếp tục di chuyển.
Đến 16:00g, TĐ tới đỉnh 760m (619–919).
Đêm đó đóng quân tại (622–915), một chỏm phía Tây Bắc của rặng
núi Chư Pai. Từ cao điểm này có thể nhìn thấy nhiều đoạn đường
của Quốc Lộ 21. Suốt đêm ánh đèn xe địch loang loáng, vận chuyển
từ đầu đèo M’Drak xuống Dục Mỹ.
Khoảng 23:30g, cố dỗ giấc ngủ mà không
thể nào chợp mắt được, tôi đi lại võng của Thiếu tá Võ Trọng Em,
TĐP, tính đánh thức ông ta dậy để nói chuyện. Nào ngờ nghe tiếng
chân tôi, Thiếu tá Em nhỏm dậy và nói:
–Tôi cũng không thể nào ngủ được. Thế
Trung tá định băng núi cho đến lúc nào?
Tôi cười, nói:
–Thêm một ngày nữa là có thể xuống vùng
dưới được rồi. Ở đây gần quá, nếu chúng phát giác ra mình và truy
kích thì cũng hơi mệt, nhất là trong tình trạng hiện nay.
Chuyện trò một lúc tôi quay trở về võng
của mình và tiếp tục cố dỗ giấc ngủ. Sau đó, tôi thiếp đi cho đến
sáng.
Ngày 31/3/1975: Khoảng 05:30g, tôi thức dậy giữa tiếng
lao xao của anh em binh sĩ quanh mình. Trời hãy còn lờ mờ tối,
tôi cho lệnh các ĐĐ sẵn sàng di chuyển sau 07:00g sáng. Hôm nay
ĐĐ53ND sẽ đi đầu, còn ĐĐ52ND đoạn hậu. Nhìn nét mặt của các SQ
tôi thấy ai cũng có vẻ ưu tư; có lẽ qua mấy chiếc radio xách tay
nhỏ, họ cũng theo dõi tin tức qua các đài phát thanh ngoại quốc.
Trái lại tôi không thấy vẻ gì khác lạ trên mặt các anh em binh
sĩ. Họ vẫn đùa dỡn với nhau trong khi dừng quân tạm nghỉ. Đặc
điểm đáng yêu đó tôi đã gặp nơi họ trong suốt 13 năm tôi phục vụ
trong Binh Chủng ND. Đối với họ, những hiểm nguy đang chờ đón họ
mỗi giây, mỗi phút trên đường hành quân chỉ là những thử thách lẻ
tẻ, không quan trọng, mà điểm chính yếu là hoàn tất nhiệm vụ một
cách nhanh chóng và mang về chiến thắng cho mầu cờ sắc áo họ đang
mang.
TĐ bắt
đầu đổ dốc theo hướng Tây. Khoảng 10:30g, TĐ dừng quân tại một
chỏm đồi nhỏ (618–913). Tại cao độ này tôi vẫn có thể nhìn thấy
lờ mờ khu vực đèo Phượng Hoàng. Trên Quốc Lộ 21 chạy về hướng Dục
Mỹ vẫn thấy rải rác các xe chạy. Ở xa không thấy rõ là loại xe gì
của VC, song chắc chắn không phải là xe dân sự.
Khoảng 11:30g, TĐ tiếp tục di chuyển.
Khoảng 16:00g toàn bộ TĐ dừng quân tại (610–907). Thấy anh em
trong TĐ có vẻ thấm mệt, tôi cho lệnh đóng quân đêm. Lại một đêm
thao thức cố dỗ giấc ngủ.
Ngày 1/4/75: Tôi mời
các ĐĐT họp lúc 07:00g. Sau khi nói rõ ý định hành quân là TĐ sẽ
di chuyển xuống chân núi rồi nghỉ quân cho đến xẩm tối sẽ băng
ngang qua một cánh đồng cỏ tranh có các bụi cây nhỏ để tới dãy
núi nằm ở phía Nam con suối Ea Ran, rồi từ đó tìm đường về quận
Diên Khánh. Vì đổ dốc xuống núi với đoạn đường dài khoảng 2km
trên bản đồ nên tôi cho lệnh TĐ lo nghỉ ngơi và chuẩn bị cơm
nước. Lệnh cấm khói lửa được thi hành ngay khi TĐ xuống tới chân
núi ém quân.
Khoảng 10:00g, TĐ bắt đầu xuống núi. Vừa đi vừa lai rai nghỉ nên
khoảng 13:00g, TĐ đã xuống được nửa đường. Qua các vòm cây đã thấy
cánh đồng tranh mênh mông ẩn hiện phía xa. Thấy còn quá sớm tôi
cho lệnh tạm dừng quân. Trong khi ngồi nghỉ, tôi bảo nhân viên
truyền tin thử rà các tần số nội bộ của hai TĐ2ND và TĐ6ND xem có
nghe được gì không. Khoảng hơn 10 phút vẫn không nghe gì trên các
tần số này. Trên hệ thống không–lục cũng vậy, hoàn toàn im lặng
vô tuyến. Bỗng nhiên trên hệ thống LĐ văng vẳng có tiếng gọi danh
hiệu TĐ. Đại úy Chương mừng rỡ giật ống liên hợp từ tay anh hiệu
thính viên mang máy LĐ, vừa nghe vừa nói như hét lên.
Sau đó Chương đưa ống liên hợp cho tôi
và bảo TĐ6ND gọi.
Qua liên lạc, giọng của Thiếu tá Trần
Tấn Hòa, TĐP/TĐ6ND, cho biết hiện anh và 2 ĐĐ của TĐ6ND đang nằm
trên một chỏm núi của rặng núi Chư Ra ở phía Đông Bắc Quốc Lộ 21,
cách tuyến II cũ khoảng 5km đường chim bay.
Theo Thiếu tá Hòa thì sau khi TĐ6ND bị
tràn ngập và TĐT bị giết hoặc bị bắt thì nhờ nằm với 1 ĐĐ ở trên
rặng núi Chư Giok phía Đông Quốc Lộ 21 nên anh theo lệnh cuối
cùng của Trung tá Thành mà dẫn tàn quân kéo lên các triền cao của
dãy Chư Ra. Tôi hỏi anh có còn liên lạc được với LĐ hay TĐ2ND
không thì anh cho biết là hoàn toàn mất liên lạc kể từ hôm
30/3/75. Hòa tỏ ra rất mừng khi liên lạc được với tôi.
Tôi cho Hòa tần số nội bộ của TĐ5ND và
bảo Hòa liên lạc với tôi qua tần số này. Tôi cũng bảo Hòa đổi tần
số nội bộ của TĐ6ND vì tôi e rằng VC đã có tần số này sau khi
tràn ngập vị trí của BCH/TĐ6ND. Hòa nói đã thay đổi tần số nội bộ
rồi và cho tôi biết tần số mới đang dùng. Tôi hỏi điểm đứng của
Hòa thì được Hòa cho biết anh và con cái đang ở tại (713–960).
Tôi cho Hòa biết vị trí hiện tại của tôi và bảo Hòa rán tìm lộ
trình để lợi dụng đêm tối băng qua Quốc Lộ 21 để đến với tôi rồi
2 đơn vị sẽ tìm đường về Phan Rang. Tôi quyết định dừng quân tại
vị trí hiện tại để chờ TĐ6ND (–) của Hòa. Tôi cho lệnh đóng quân
và nghiên cứu bản đồ để tìm lộ trình về Diên Khánh.
Khoảng 16:00g thì anh hiệu thính viên
mang máy TĐ giật giọng gọi tôi:
– Đích thân, có ai gọi Tố Quyên.
Cầm ống liên hợp nghe, tôi cũng mừng vì
chỉ có các cấp chỉ huy từ TĐT trở lên mới hay gọi tôi bằng danh
hiệu này. Từ đầu máy xen lẫn tiếng cánh quạt trực thăng lạch xạch
tôi nghe mơ hồ tiếng gọi Tố Quyên rất nhỏ. Mở hết âm lượng của
máy tôi trả lời là:
– “Tố Quyên tôi nghe.”
Đầu máy bên kia tôi nghe rõ tiếng hét
lớn:
– “Có
phải Tố Quyên đó không? Khôi Nguyên đây.”
Trong niềm vui tột cùng vì đã bắt liên
lạc được với LĐ, (Khôi Nguyên là biệt danh của Trung tá Khôi,
LĐP/LĐIIIND. Khôi cũng là bạn đồng khóa và là bạn thân của tôi từ
khi chúng tôi còn là học sinh CVA từ năm 1955.) tôi trả lời:
– Tao đây, Khôi Nguyên. Có lệnh gì cho
tao không?
Thay vì trả lời tôi, Khôi tiếp tục cật vấn:
– Có đúng mày là Tố Quyên không? Nếu
đúng thì mày có biết tao là ai không?
Tôi chợt hiểu có lẽ Khôi nghĩ là TĐ5ND
cũng chung số phận như TĐ6ND và hiện tại VC đã sử dụng tần số hệ
thống âm thoại của TĐ5ND để kiểm thính các liên lạc truyền tin
của ta. Nghĩ thế nên tôi trả lời:
– “Tao là Q. bạn thân của mày đây.”
Khôi tiếp tục cật vấn:
– Vậy mày có biết tao và mày có mấy
thằng bạn thân không? Mày kể tên chúng nó cho tao nghe coi. À mà
ở nhà gia đình tao thường gọi tao bằng tên gì?
Tôi phì cười về sự cẩn trọng này và trả
lời:
– Mày là
thằng Thịnh, còn mấy thằng Khiêm, Lộc, Ninh, Phương là bạn thân
của tao với mày.
Từ đầu máy bên kia tiếng Khôi vui vẻ
đáp:
– Mừng
cho mày và anh em TĐ5ND, Sư Đoàn đang nóng lòng vì bặt tin của
mày. Vợ con mày ngày nào cũng lên BTL/SĐ trông ngóng tin tức của
mày. Tao sẽ báo ngay cho Lê Lợi (biệt danh trong ND của Tướng Lê
Quang Lưỡng TL/SĐND) biết tin này để ông Tướng và vợ con mày yên
tâm. Còn bây giờ mày đang ở đâu?
Tôi bảo Khôi chuyển qua tần số
“CÙI+13”, (Đó là tần số riêng chỉ Khôi và tôi hiểu mỗi khi cần
nói chuyện riêng với nhau) để bảo đảm không ai theo dõi kiểm
thính được. Sau khi Khôi chuyển sang tần số riêng mới này, tôi
cho tọa độ một điểm chuẩn (bằng cách dùng tên của các TĐT/ND và
đơn vị họ chỉ huy để đọc các con số, dĩ nhiên là không có số 4 vì
không có TĐ4ND) rồi từ điểm chuẩn này chuyển sang phải hay trái
và lên hay xuống bao nhiêu đơn vị để cho điểm đứng của mình. Đó
là cách thông dụng khi hành quân. Sau khi biết vị trí của tôi,
Khôi nói tôi chờ để liên lạc với BCH/LĐIIIND.
Khoảng 5 phút sau, Khôi hỏi tiếp về
tình trạng quân số của tôi cũng như hỏi tôi có liên lạc được với
đứa con nào của hai TĐ2ND và TĐ6ND không? Tôi cho biết ngoại trừ
một đơn vị của TĐ6ND ra tôi không còn liên lạc được với đơn vị ND
nào hết. Tôi cũng cho Khôi vị trí hiện tại của Trần Tấn Hòa,
TĐP/TĐ6ND, và hiện giờ tôi đang tạm dừng quân để đợi đơn vị của
Hòa từ phía đông QL21 tới. Khôi cho biết hiện giờ BCH/LĐ đang
nằm tại Phan Rang và Nha Trang đã di tản. Khôi cho biết Tướng
Lưỡng đã xin được trực thăng để bốc tôi về Phan Rang, có thể vào
ngày mai. Khôi xin tôi cho tọa độ của bãi bốc (PZ
[9])
tôi chọn, đồng thời bảo tôi phải đưa TĐ đến bãi bốc trước 10:00g
sáng ngày mai 1/4/75 và không cần đợi TĐ6ND (–). LĐ sẽ liên lạc
và hướng dẫn thẳng TĐ6ND.
Trong khi chờ tôi nghiên cứu bản đồ và
lựa chọn bãi đáp cho trực thăng, Khôi sang tần số nội bộ mới của
TĐ6ND mà tôi vừa cho Khôi để liên lạc với Trần tấn Hòa.
Khoảng 20 phút sau, Khôi quay lại tần
số riêng để tiếp tục nói chuyện với tôi. Tôi cho tọa độ bãi đáp
tôi chọn (605–892). Bãi này tương đối an toàn và TĐ5ND có đủ thời
gian để sẵn sàng có mặt ở đây trước 10:00g sáng mai. Tôi cũng đề
nghị cho khu trục bao vùng trong khi bốc quân vì xe tăng địch có
thể theo con đường mòn Đông Bắc–Tây Nam từ Buôn Ea Thi chạy tới
bãi bốc mất khoảng 30 phút.
Sau khi đáp nhận, Khôi nói sẽ xin theo
lời đề nghị của tôi, Khôi bảo tôi dành riêng một máy truyền tin
vào tần số “CÙI+13” thường trực với Khôi và hẹn gặp lại tôi ngày
mai. Sau đó anh rời vùng và bay về Phan Rang.
Tôi liền họp các ĐĐT và cho họ biết tin
này. Trên mặt ai cũng lộ ra nét mừng. Tôi cho lệnh di chuyển vào
ngày mai và ấn định vị trí của các ĐĐ bố trí tại bãi bốc trong
khi chờ trực thăng. Sau đó các ĐĐT trở về vị trí bố phòng của
mình và cho lệnh tiếp cho con cái. Đêm đó tôi nghĩ là có nhiều
anh em thao thức mong đợi sáng.
Ngày 2/4/1975: Khoảng
05:00g sáng, TĐ5ND bắt đầu di chuyển từ vị trí đêm theo đường đỉnh
của triền núi này chạy theo hướng Đông Bắc–Tây Nam. Vì tin tức
được trực thăng bốc về thay vì phải lội bộ cũng như lúc đó TĐ
đang di chuyển xuống núi nên anh em binh sĩ đi rất nhanh. Trời
bắt đầu đổ mưa nên tốc độ đi bắt đầu chậm lại. Vì vậy nên đến
08:00g TĐ mới tới chỏm đồi có cao độ khoảng 500m (602–898). Tại
đây trong màn mưa vẫn có thể nhìn thấy khu bãi bốc TĐ dự trù nằm
về phía Đông Nam cách nơi đây khoảng hơn 700m. Tôi cho lệnh bố
trí tạm và cho ĐĐ53ND tiếp tục xuống chiếm và lục soát bãi đáp.
Đến 09:00g, Trung úy Hương báo máy về là
đã lục soát xong và bố trí ĐĐ53ND theo đúng vị trí và hướng như
đã nhận trong buổi họp đêm qua. Tuy không hy vọng gì trực thăng
có thể tới bãi bốc đúng giờ trong điều kiện thời tiết này, song
tôi vẫn cho TĐ di chuyển xuống bãi bốc và bố trí phòng thủ quanh
bãi bốc như đã hoạch định trước.
Đúng 10:00g, TĐ đã sẵn sàng chờ trực
thăng tại bãi bốc. Cơn mưa vẫn tầm tã và không có dấu hiệu gì là
sẽ chấm dứt. TĐ im lặng đợi trong niềm hy vọng và thắc thỏm như
vậy cho tới khoảng gần 15:00g lúc cơn mưa vừa tạnh thì nghe văng
vẳng từ xa tiếng máy bay trực thăng vọng lại. Xa xa về hướng Tây
Nam hình ảnh mờ nhạt của một chiếc trực thăng đang hiện rõ dần
dần.
Trong
tiếng rè rè của máy truyền tin dành riêng để liên lạc với Khôi
chợt vang lên tiếng gọi Tố Quyên. Cầm ống nghe và kề sát tai tôi
nghe tiếng của anh Khôi đang gọi. Sau khi đáp nhận, tôi được Khôi
cho biết vì không đủ số lượng trực thăng nên BCH/LĐ tạm quyết
định chỉ bốc BCH/TĐ và một số quân nhân bị thương ra khỏi vùng,
còn TĐ (–) sẽ do TĐP chỉ huy và sẽ được bốc vào ngày mai ở một
bãi đáp khác. Nghe vậy tôi cương quyết từ chối và cho Khôi biết
như vậy sẽ lộ vị trí của TĐ vì VC có thể nếu muốn sẽ điều động
đơn vị đến ngay và TĐ sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa tôi không
thể rời TĐ trong giờ phút sinh tử này.
Tôi nói với Khôi:
– Một là bốc toàn bộ TĐ vào ngày mai
hay chậm hơn nữa cũng được và hai là phải xin đủ trực thăng để
bốc trong một đợt. Tôi không muốn bốc trong 2 hay 3 đợt vì như
vậy sẽ không an toàn cho phi hành đoàn cũng như cho thành phần
còn lại của đơn vị trong những đợt sau.
Tôi bảo Khôi bay về Phan Rang nêu lên
đề nghị của tôi và quay lại cho tôi biết đích xác trước khi trời
tối để tôi còn dự trù kế hoạch cho ngày mai. Sau khi Khôi đáp
nhận và bay đi, lúc đó khoảng gần 15:30g.
Cơn mưa tuy đã tạnh hẳn song trời vẫn
còn u ám. Vì nghĩ không có cách gì để có đủ số trực thăng để bốc
TĐ trong một đợt như tôi đề nghị từ bây giờ tới tối nên tôi cho
TĐ di chuyển quay về bố trí tại chỏm đồi dừng quân lúc sáng nay
(602–898) trước khi xuống bãi đáp.
Khoảng gần 17:00g thì lại có tiếng trực
thăng văng vẳng và tôi nghe tiếng anh Khôi nói là đề nghị của tôi
đã được thượng cấp đồng ý. Trước 08:00g ngày mai, 3/4/75 sẽ cho
lệnh chi tiết.
Sau khi đi một vòng kiểm soát lại hầm
hố cũng như dặn dò các ĐĐ gửi các toán báo động về phía trước
tuyến phòng thủ của ĐĐ mình, tôi quay về họp các ĐĐ trưởng và ban
tham mưu để hoạch định kế hoạch bốc quân trong ngày mai 3/4/75.
Ngày 3/4/1975: Khoảng
07:45g, qua hệ thống riêng giữa tôi và anh Khôi tôi được biết sẽ
có một hợp đoàn trực thăng gồm 4 chiếc Chinook CH–47A và 22 chiếc
UH–1H sẽ đáp xuống bãi đáp và bốc toàn bộ TĐ lúc 11:00g. Anh Khôi
yêu cầu tôi cho lệnh đơn vị vứt bỏ hết túi quân trang và chỉ mang
theo vũ khí và đạn dược để phi hành đoàn không bị chuyên chở quá
tải. Khôi cho biết Chinook sẽ chở tối đa mỗi tầu từ 75 đến 80
người, còn UH sẽ chở tối đa là 10 người. Sau khi tôi đáp nhận anh
Khôi cho biết phải quay về Phan Rang ngay để còn kịp họp phối hợp
với Trung tá Bút, CHT hợp đoàn trực thăng.
Tôi vội vàng họp các ĐĐT để cho lệnh
chi tiết về thứ tự bố trí tại bãi đáp cũng như thứ tự lên trực
thăng. Các ĐĐ50ND, 54ND(–) và 52ND theo thứ tự vừa nêu sẽ lên các
trực thăng Chinook 1, 2, 3, 4 đáp xuống đầu tiên. ĐĐ Đa Năng sẽ
lên 9 chiếc UH đầu tiên và ĐĐ53ND bao chót sẽ lên các trực thăng
còn lại. Lệnh chung là các đơn vị trưởng lên tầu cùng với các
binh sĩ chót của đơn vị để duy trì trật tự bốc quân. Hôm nay thời
tiết rất đẹp, trời có nắng và không gió.
TĐ xuống bãi và bố trí xong lúc gần
10:00g. Tôi cho lệnh ĐĐ50ND chuẩn bị bãi. Các anh em binh sĩ dàn
hàng ngang đi đạp cỏ tranh nằm rạp xuống cũng như phát các bụi
cây nhỏ trong bãi. Một tấm panneau
[10]
mầu vàng được trải ra ở đầu bãi để đánh dấu vị trí bãi.
Mọi việc chuẩn bị bãi được hoàn tất
trước 11:00g. Khoảng 10:45g từ phía Tây Nam tôi bắt đầu thấy bóng
dáng đoàn trực thăng mong đợi xuất hiện. Đúng 11:00g, chiếc CNC
[11]
sau khi lượn quanh bãi một vòng bắt đầu đáp.
Đứng ở góc phía Bắc của bãi với hai
binh sĩ mang máy truyền tin và hai binh sĩ cận vệ, tôi giơ tay
vẫy phi hành đoàn. Viên phi công của chiếc CNC vẫy tay ra hiệu
bảo tôi lên tầu. Tôi không trả lời và tiếp tục theo dõi 4 chiếc
Chinook đang đáp và các ĐĐ đang theo thứ tự chạy ra bãi và lên
tầu, tất cả rất có trật tự.
Khi 4 chiếc Chinook cất cánh thì đoàn
UH–1H đang lượn quanh bãi bắt đầu lần lượt đáp và các ĐĐ còn lại
nhanh chóng chạy ra bãi và lên tầu. Tôi và đám binh sĩ theo tôi
chạy tới chiếc CNC leo lên và gần như là cất cánh cùng một lúc
với 2 chiếc trực thăng bốc quân sau cùng tại bãi.
Chưa kịp chào hỏi Trung tá Lê Văn Bút,
viên phi công CNC, Không Đoàn Trưởng KĐ72 và hiện đang là Hợp
Đoàn Trưởng của hợp đoàn trực thăng đến bốc TĐ5ND, thì đã bị anh
Bút cằn nhằn:
– Ông tà tà quá, tôi tưởng đáp xuống bốc ông ngay rồi bay lên
theo dõi hợp đoàn đáp để bốc con cái ông, ông lại bắt tôi chờ
dưới đất làm sốt ruột muốn chết.
Tôi chỉ biết cười trừ và xin lỗi, vì
hành động của tôi chỉ là theo đúng tinh thần của một đơn vị
trưởng ND: “Có mặt và chia sẻ với anh em trong đơn vị vào những
giây phút khó khăn nhất”.
Trên chiếc CNC tôi ngoái cổ nhìn lại
khu vực đèo M’Drak với nhiều dao động và xót xa trong lòng. Nghĩ
tới những anh em nằm lại và một số không theo kịp đơn vị khi chạm
địch vào rạng sáng ngày 29/3/75 trong đó, ngoại trừ Trung úy Vũ
tử thương ngay lúc đầu, còn Đại úy Chiêu, Bác sĩ Liêm cũng như
Thiếu úy Côi và trung đội của anh không biết bây giờ họ ra sao!
Với một nhóm ít người, họ có thể phân tán mỏng, lẩn vào rừng và
rút về vùng tự do được không? Loay hoay trong đầu với những ý
nghĩ ấy tôi vẫn như người mộng du cho đến lúc thấy phi trường
Thành Sơn và thị xã Phan Rang hiện ra ở phía trước mặt. Nhìn đồng
hồ đeo tay tôi thấy lúc đó là 12:15g.
Trước khi hạ xuống, tôi thấy Trung tá
Bút nói gì trong máy. Khi trực thăng từ từ đáp, anh quay sang nói
với tôi:
– Lúc
nãy có một thằng em trục trặc máy nên không theo về cùng Hợp Đoàn
và phải đáp xuống Đa Nhim, do đó một thằng khác phải theo để yểm
trợ. Sau khi Trung tá xuống phi trường tôi phải cùng với một nhóm
khác đi ngay Đa Nhim để đón họ về. Trung tá cứ yên tâm, tất cả
hiện giờ đều vô sự.
Xuống khỏi trực thăng tôi đã thấy các
ĐĐT đang gom và kiểm điểm quân số của mình. Trung úy Trung,
ĐĐT/50ND báo cáo với tôi là thiếu hai tầu chở đám truyền tin và
đám súng không giật 57mm của TĐ. Tôi cho anh Trung biết sự việc
xảy ra và nói họ cũng sẽ về đây trong trưa nay. Thiếu tá Em, TĐP,
hối hả tiến về phía tôi và nói:
– Có Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, TL
[tư lệnh]
Tiền Phương QĐIII và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, TL/SĐ6KQ ra gặp
đích thân.
Tôi
ngước lên và thấy Trung tướng Nghi (tôi biết vì ông vốn là
CHP/TVBQGVN khi tôi đang là SVSQ tại trường này, cũng như tôi đã
gặp ông tại Lai Khê khi ông dẫn SĐ21BB dưới quyền giải vây cho An
Lộc khoảng cuối tháng 4 năm 1972) đi cùng một ông tướng khác mà
tôi chưa gặp mặt bao giờ đang vui cười tiến về phía tôi. Theo sau
hai ông là Trung tá Phát, LĐT/LĐIIIND. Tôi chào 2 vị Tướng và lần
lượt bắt tay hai ông.
Tướng Nghi cười và nói:
– Cậu khá lắm, thôi bây giờ lo bảo vệ
phi trường này cho tôi, đồng thời cắt đặt mấy trung đội Dù của TĐ
cậu ra tuần tiễu tại thị trấn và bắt giữ tất cả các quân nhân
đang lang thang ngoài phố và đưa hết họ vào trong này. Những gì
cậu cần bổ sung về quân trang, vũ khí, đạn dược thì cứ nói để ông
Phát ông ấy lo ngay cho.
Chuẩn tướng Sang thì nói:
– Cắt đặt anh em lo tăng cường phòng
thủ chung với các anh em KQ tại đây xong thì cậu vào BTL/HQ gặp
chúng tôi. Tôi cho phép cậu cho anh em ngả mấy con bò trong đàn
bò của KQ ở đây để ăn uống cho lại người sau cả tuần lễ vất vả.
Tướng Nghi sau đó quay lại nói gì với Trung tá Phát rồi cùng
Tướng Sang vội vã ra xe jeep chạy về phía tòa nhà lớn ở phía xa
xa trong phi trường.
Tỉnh Lỵ Phan Rang & Phi Trường
Thành Sơn.
Tôi chào Trung tá Phát và được ông cho
biết sơ qua tình hình LĐ. Theo ông thì LĐ rút về đây chỉ gồm có
BCH và các ĐĐ cơ hữu của LĐ và một số nhỏ của TĐ2ND. Bây giờ thêm
TĐ5ND, còn TĐ6ND (–) thì chắc phải chờ Trần Tấn Hòa rút được sang
khu vực phía Nam QL21 thì đám trực thăng mới đủ nhiên liệu cần
thiết để bay đi bốc và đủ sức bay về Phan Rang. Theo dự trù chắc
phải ngày 4/4/75 mới bốc được. Hiện giờ BCH/LĐ nằm trong phi
trường kế cận BTL/TP/QĐIII của Tướng Nghi. Ông Phát cũng cho biết
QĐII đã giải thể. Dân chúng từ phía Nha Trang chạy về cho biết
một bộ phận nhỏ VC mới tiến vào Nha Trang ngày hôm qua 1/4/75.
Cam Ranh bây giờ là tuyến đầu. Sau khi lo cắt đặt các ĐĐ vào các
vị trí quanh phi trường và sử dụng 2 trung đội Đa Năng tuần tiễu
trên mấy chiếc dodge 4×4, tôi vào gặp Tướng Nghi tại BTL/Tiền
Phương QĐIII để biết thêm tình hình chung. Tướng Nghi cho biết
Vùng I đã rút từ ngày 30/3/75 và các đơn vị thuộc Vùng I bị thiệt
hại rất nặng. Hiện giờ Phan Rang là tuyến đầu. Trong ngày mai,
Sài Gòn sẽ gửi ra đây một số đơn vị khác để tăng cường. Chán nản,
tôi quay về BCH/LĐIIIND tìm anh Khôi, song anh vẫn đang bay để
tìm bãi bốc cho phân nửa TĐ6ND của Thiếu tá Hòa.
Khoảng 15:00g, chiếc máy bay chở Chuẩn
tướng Lưỡng, TL/SĐND, cùng TLP và bộ tham mưu từ Sài Gòn ra. Gặp
tôi, Tướng Lưỡng vui vẻ bắt tay rồi hỏi thăm tình hình tại đèo
M’Drak vào những giờ phút cuối rồi ông đi thăm các anh em binh sĩ
trong TĐ. Ông cho biết khi nghe tin LĐIIIND bị tràn ngập và mất
tin tức của cả 3 TĐ ông choáng váng. Trung tá Phát lúc đó dẫn
BCH/LĐ từ đèo Rù Rì về Nha Trang và sau đó về Cam Ranh không cho
biết thêm tin tức gì hơn nên ông rất tức giận. Ông cho lệnh ông
Phát về nằm tại Phan Rang và gửi Trung tá Khôi dùng trực thăng
bay lên vùng Khánh Dương để tìm cách bắt liên lạc với các đơn vị
của LĐ vì ông không tin rằng tất cả 3 TĐ đều bị tiêu diệt.
Ông nói:
– TĐ5ND là TĐ cũ của tao
[12],
tao biết không thể nào bị xóa sổ dễ dàng như thế được. Sau khi
Trung tá Khôi liên lạc được với mày và thằng Hòa tao xin TTM
phương tiện để bốc tụi mày ra mà TTM nói không đủ phương tiện nên
tao xin thẳng với Tổng thống Thiệu. Tao nói, “Nếu Tổng thống
không bốc chúng nó ra thì các TĐND khác sẽ không còn tinh thần để
đánh đấm nữa đâu.” Ông Thiệu suy nghĩ một lúc rồi đích thân gọi
Không Quân bắt lấy trực thăng của vùng III và IV để đưa ra Phan
Rang. Nói với tôi xong, Tướng Lưỡng vào gặp Tướng Nghi.
Khoảng 17:00g, ông và phái đoàn BTL Dù
quay về Sài Gòn. Trước khi đi ông cho biết sẽ đưa LĐIIND ra Phan
Rang và đồng thời cho TĐ5ND về Sài Gòn để chỉnh trang lại đơn vị.
Ngày 4/4/1975: Trong
ngày, Không Quân vẫn tiếp tục các phi vụ oanh tạc các mục tiêu
phía Bắc Cam Ranh. Khoảng 10:00g, Trung úy Vũ Đình Lâm, Trưởng Ban
4 TĐ5ND mang quân trang ra Phan Rang để trang bị lại cho TĐ.
Trung úy Lê Văn Tâm, SQ truyền tin của
TĐ năm xưa, sau khi rời đơn vị về phục vụ tại Phan Rang thấy lính
TĐ5ND ngoài phố nên ghé vào phi trường thăm đơn vị cũ. Anh cho
tôi biết một số tin tức về VC do dân chúng từ các tỉnh phía Bắc
Phan Rang chạy về kể lại. Tuy nhiên tôi cũng không có gì đặc
biệt. Sau đó thấy tôi muốn biết thị xã Phan Rang, anh tình nguyện
lên xe jeep với tôi ra phố. Anh cho biết cách đây mấy ngày Tiểu
Đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù tham dự trận Khánh Dương khi thấy dân
Nha Trang chạy về Sài Gòn ngang qua đây khiến dân chúng náo loạn
hết. Phố xá đóng im ỉm và một số gia đình giầu có đã chạy về Sài
Gòn. Nhưng kể từ ngày hôm qua, khi thấy bóng dáng ND ngoài phố họ
có vẻ đã yên tâm trở lại.
Thị xã nằm ở hướng Đông Nam phi trường
và cách phi trường khoảng 5km. Tình hình ngoài thị xã có vẻ ổn
định trở lại sau khi thấy các toán tuần tiễu Nhảy Dù duy trì trật
tự an ninh dọc theo các phố chính. Tuy nhiên dòng xe cộ và dân
chúng từ phía Bắc chạy về vẫn tiếp tục xuôi Nam.
Thấy tôi hỏi nghe nói Tổng thống quê ở
đây song chính ra là ở địa hạt nào thì anh Tâm cười và chỉ đường
cho tài xế lái tới làng Tri Thủy, xã Tân Hải thuộc quận Thanh Hải
ở phía Đông Bắc thị xã. Làng nằm ở phía Tây Bắc núi Đình trông
thẳng ra đầm Nại ở hướng Tây Bắc. Anh nói đó là quê Tổng thống
Thiệu. Ngay tại đây tôi thấy nhà cửa rất khang trang, có một ngôi
chợ khá lớn và dân chúng vẫn tấp nập mua bán. Tại đây dân chúng
vẫn sinh hoạt bình thường. Tôi nghĩ có lẽ dân chúng ở đây tin
rằng không bao giờ Tổng thống Thiệu lại để quê quán mình rơi vào
tay CS.
Ngày 5/4/1975: Khoảng 08:00g, theo lệnh của Tướng
Nguyễn Vĩnh Nghi, Trung tá Phát cho lệnh tôi đưa một ĐĐ ra trấn
giữ Đèo Cầu [13]
(693–873) trên QL11 hướng về vùng Tân Mỹ ở phía Tây Bắc để bảo
vệ mặt Tây của phi trường. Sau khi ĐĐ7 Địa Phương Quân đến thay
thế tại mặt Tây Nam phi trường, ĐĐ52ND di chuyển đến khu vực
trách nhiệm mới.
Trong ngày, một số quân nhân Không Quân
và Bộ Binh thất lạc đơn vị tại Nha Trang và Cam Ranh tìm vào phi
trường trình diện. Họ xác nhận là có một số VC xuất hiện ở Vườn
Dừa, Ba Ngòi. Có lẽ chúng ém quân để chờ đại đơn vị của chúng
tới. Các phi cơ A–37 của Đại tá Lê Văn Thảo, Không Đoàn Trưởng
KĐ92, được lệnh cất cánh để oanh tạc khu vực này.
Khoảng 16:00g, Trung tá Phát,
LĐT/LĐIIIND cho tôi biết ngày mốt LĐIIND sẽ ra, tôi sẽ bàn giao
vị trí và TĐ5ND sẽ được không vận về Sài Gòn. Trong đêm tình hình
yên tĩnh.
Ngày 6/4/1975: Trong ngày dân chúng tỵ nạn CS
vẫn từ phía Bắc Phan Rang chạy về. Đã có dấu hiệu VC xuất hiện ở
khu vực ấp Bà Râu (880–960), song vì lực lượng tại chỗ chỉ vừa đủ
để phòng thủ phi trường và thị xã nên Tướng Nghi quyết định sẽ
giải quyết sau khi LĐIIND ra tới vào ngày hôm sau.
Ngày 7/4/1975: Khoảng
10:00g, tôi được báo Đại tá Nguyễn Thu Lương, LĐT/LĐIIND và TĐ3ND,
vừa đáp xuống phi trường Phan Rang. Tôi lái chiếc xe jeep chạy ra
đón và gặp ông đang đứng cùng Đại úy Mai Bá Long, SQ Ban 2/LĐ.
Sau khi chào ông, ông bắt tay tôi và hỏi tình hình TĐ5ND vì TĐ5ND
là đơn vị cơ hữu của LĐIIND. Lúc hỏi đến tình hình địch, tôi trả
lời khá chi tiết về SĐ F10. Tôi nói với ông là nên đặc biệt cẩn
thận và sau đó lái xe đưa ông chạy lên khu vực quê Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu.
Sau khi quay trở về phi trường, Đại tá
Lương vào BTL/Tiền Phương QĐIII. Theo lệnh của Tướng Nghi và
Tướng Sang, LĐIIND được lệnh hành quân giải tỏa khu vực lân cận
phi trường và thị xã đồng thời kiểm soát khu vực phía Bắc tiếp
giáp thị xã Cam Ranh. Đại tá Lương yêu cầu tôi hỗ trợ cho ĐĐ2
Trinh Sát của Trung úy Sang để thanh toán khu vực đồn Đại Hàn ở
phía Tây phi trường chừng 1.5km. Đồn này rất kiên cố và do một
đơn vị nhỏ ĐPQ trấn đóng song đã rơi vào tay 1 đơn vị VC địa
phương lúc trưa nay. TĐ3ND tạm thời bố trí tại vòng đai phòng thủ
phía Đông phi trường trong khi chờ 2 TĐ7ND và TĐ11ND đang được
không vận từ Sài Gòn ra.
Sau khi bàn giao khu vực trách nhiệm
cho TĐ7ND, TĐ5ND được không vận về Sài Gòn vào xế chiều. Từ phi
trường Tân Sơn Nhất, TĐ được chở thẳng về tập họp ở sân cờ trại
Hoàng Hoa Thám. Tại đây đúng 20:45g Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng
TL/SĐND và bộ tham mưu ra ủy lạo anh em quân nhân TĐ. Đây là một
vinh dự đặc biệt dành cho TĐ. Đêm đó TĐ5ND tạm trú tại doanh trại
của TĐ8ND.
Ngày 8/4/1975: TĐ5ND được xa vận về đến hậu cứ,
trại Ngô Xuân Soạn, lúc 09:00g. TĐ được nghỉ tại trại để bổ sung
quân số và chỉnh trang đơn vị. Một số quân nhân có gia đình tại
Sài Gòn và Biên Hòa được cấp phép về thăm gia đình.
Tôi và các ĐĐT vào bệnh viện Đỗ Vinh và
bệnh viện Cộng Hòa viếng thăm các anh em thương bệnh binh của TĐ
đang nằm điều trị tại hai nơi này.
Ngày 9/4/1975: Trung
tá Phát đến sân cờ TĐ trao gắn huy chương và cấp bậc cho một số
quân nhân hữu công. Chiều hôm đó toàn bộ TĐ liên hoan tại khu vực
sân cờ, có TĐ30 CTCT giúp vui phần văn nghệ.
Ngày 10/4/1975: Khoảng
08:30g, TĐT/TĐ5ND đại diện Chuẩn tướng TL/SĐND đến nhà của Đại úy
Huỳnh Quang Chiêu để làm lễ gắn Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng
cũng như truy thăng Thiếu tá cho SQ đương sự.
Khoảng 10:00g,
Quân Cảnh tại thị xã Vũng Tầu điện thoại xin xác nhận một số quân
nhân mặc thường phục trên thuyền đánh cá vừa cập Bến Đá–Vũng Tầu
tự xưng là thuộc TĐ5ND. Những người này có nộp cho QC
một số vũ khí của VC và nói là họ vừa từ Khánh Dương trở về. Sau
khi danh tính được TĐ xác nhận, những quân nhân này được quân xa
TĐ6ND ở Vũng Tầu đón và chở họ thẳng về hậu cứ TĐ ở Tam Hiệp,
Biên Hòa.
Xế
chiều, TĐ vui mừng đón tiếp Đại úy Chiêu, Bác sĩ Liêm, và một số
quân nhân của ĐĐ54ND bị thất lạc với đơn vị lúc rạng sáng ngày
28/3/1975. Hoá ra Đại úy Chiêu, người mà tôi đại diện Chuẩn tướng
TL/SĐND gắn lon truy thăng Thiếu tá, vẫn còn sống. Khi về đến
nhà, Đại úy Chiêu thấy mẹ nhìn mình rồi sững sờ bật khóc, cũng
như nhìn lên bàn thờ thì thấy hình của mình đang ngồi trên đó. Họ
kể lại chuyện họ lẩn tránh VC ra sao và sau khi họ đã cải dạng
thành VC để đi về qua Ninh Hòa rồi khi tới ngang Hòn Thị trên
Quốc Lộ 1 họ đã lừa du kích địa phương ra sao để chúng bắt một
chiếc ghe đánh cá chở họ ra đảo Hòn Khô. Khi ghe đã ra khơi họ đã
dùng súng buộc người lái thuyền chở họ thẳng về Vũng Tầu. Chuyện
họ kể cứ như là trong phim ảnh.
Ngày 11/4/1975: Trung
úy Sanh, ĐĐT/51ND cùng một số quân nhân ĐĐ51ND từ Vũng Tầu về đến
hậu cứ TĐ lúc 10:00g. Anh Sanh cho biết sau khi bị phục kích đêm
đó, ĐĐ anh tùng thiết theo TVX đi thẳng về Nha Trang và vì không
liên lạc được với ai cũng như lúc đó tại Nha Trang dân chúng cũng
đang hốt hoảng bỏ đi nên anh đã dẫn ĐĐ về Cam Ranh rồi lên tầu HQ
ra thẳng Phú Quốc và chiều ngày hôm qua mới được tầu HQ chở về
Vũng Tầu để sáng nay TĐ6ND chở về hậu cứ.
Trong ngày một số SQ và HSQ vừa được
Phòng 1 BTL/SĐND điều động về bổ sung cho đơn vị đến hậu cứ trình
diện.
Ngày 12/4/1975: TĐ5ND được lệnh lên ứng chiến cho SĐND
tại hậu cứ TĐ8ND. Tôi chạy lên BTL/SĐND để theo dõi tình hình tại
Phan Rang.
Theo tin tức do dân chúng từ phía Bắc chạy về thì VC hiện vẫn ém
quân ở khu Vườn Dừa ngay phía Nam cầu sông Cạn trên QL1
(945–089). Khu vườn trồng dừa này có diện tích khoảng 1.5km² nằm
hai bên QL1 và ở khoảng 1km ngay phía Bắc chân đèo Du Long, ranh
giới giữa Cam Ranh và Phan Rang. Có lẽ chúng chờ thêm các đại đơn
vị khác tới mới bắt đầu mở cuộc tấn công xuống thị xã Phan Rang.
Phối trí của LĐIIND như sau:
*BCH/LĐ tại gần
BTL/Tiền phương QĐIII trong phi trường cùng với TĐ7ND của Thiếu
tá Nguyễn Lô.
*TĐ3ND của Thiếu tá Lã Quý Trang trên đường hành
quân từ ấp Cà Đú ở phía Bắc thị xã lên hướng Đông Bắc đã tiêu
diệt một số lớn VC tại khu ấp Ba Tháp (860–915), cách thị xã 9km,
rồi tiến chiếm khu dinh điền ấp Bà Râu (880–960), khoảng hơn 5km
về phía Đông Bắc Ba Tháp. TĐ sử dụng 3 ĐĐND án ngữ tuyến phòng
thủ dọc theo tỉnh lộ chạy từ QL1 vào ấp Bà Râu. TĐ (–) tại ấp
Kiển Kiển (893–945).
*TĐ11ND của Thiếu tá
Nguyễn Văn Thành phối trí tại khu vực Ba Tháp cùng với TĐ1/PBND
của Trung tá Nguyễn Bá Trí, chịu trách nhiệm phòng thủ vùng phía
Đông Bắc phi trường, đồng thời TĐ11ND gửi một số toán thám sát
lên tìm hiểu địch tình tại khu vực đèo Du Long. Đèo này nằm trên
QL1, chạy theo hướng Tây Nam–Đông Bắc giữa rặng núi Đà Cao
(868m) ở phía Tây và rặng núi Chúa (904m) ở phía Đông. Đèo dài
khoảng hơn 10km, cách thị xã Phan Rang khoảng 21km về hướng Đông
Bắc và là cửa ngõ từ Cam Ranh tiến vào Phan Rang.
Ngày 13/4/1975: Khoảng
10:00g, văn phòng Tư Lệnh gọi tôi lên trình diện. Chuẩn tướng
Lưỡng cho biết sẽ gửi tôi đi học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Long
Bình vào thượng tuần tháng 5/1975. Ông cũng cho biết sẽ bổ nhậm
tôi làm LĐP/LĐIIIND và cho tôi nghỉ phép 1 tuần trước khi về LĐ.
Ngày 14/4/1975: Tôi
bàn giao chức vụ TĐT cho Thiếu tá Võ Trọng Em trong buổi lễ bàn
giao TĐ tại hậu cứ của TĐ8ND.
Trung tá Bùi Quyền
TĐT/TĐ5ND/SĐND–QLVNCH
Nguồn:
https://haingoaiphiemdam.com/a20386/tieu-doan-5-nhay-du-tai-tran-tuyen-deo-m-drak-khanh-duong-to-quyen-k16
Tác giả chú thích:
[1] LST: Landing Ship Tank
[2] Đèo Phượng Hoàng: đoạn
QL21 dài
khoảng 3km chạy giữa 2 dãy núi Chư Giung và Chư Bli, nằm cách Dục
Mỹ khoảng hơn 10km về hướng Tây–Tây Bắc.
[3] Antenna 292
sử dụng để liên lạc
khoảng cách xa bằng máy truyền tin dùng siêu tần số.
[4] Thủ trưởng: từ ngữ chỉ cấp chỉ huy
của VC.
[5]
Convoi
(tiếng Pháp): nhóm xe cộ hay tầu bè đi cùng với nhau
[6] Rang: Bắn cháy. Tiếng thông dụng
của quân nhân khi bắn cháy hay hủy diệt được chiến xa địch.
[7] Hột lạc: hình vẽ các vòng cùng cao
độ của chỏm núi hay đồi trên bản đồ, có hình dạng giống hột đậu
lạc.
[8] Đối
đế: phương sách cuối cùng, không còn cách nào khác
[9] PZ: (Pick–up Zone) khoảng đất trống
trải dùng làm bãi cho trực thăng hạ xuống để bốc quân ra khỏi khu
vực hành quân. Bãi đổ quân là LZ (Landing Zone)
[10] Panneau: miếng vải hình chữ nhật
một mặt mầu vàng, mặt kia mầu đỏ, được trải trên mặt đất để đánh
dấu khiến cho phi cơ từ trên không nhận ra vị trí bạn dưới đất dễ
dàng.
[11]
CNC: Control & Command ship. Trực thăng được trang bị hệ thống
truyền tin đặc biệt dành cho cấp chỉ huy để ở trên không giám
sát, điều động, và phối hợp các đơn vị dưới quyền trong 1 cuộc
hành quân...
[12] Tướng Lưỡng
ở TĐ5ND từ lúc mới ra trường và lần lượt đảm
nhiệm các chức vụ từ Trung đội trưởng lên đến TĐP. Sau đó ông rời
TĐ5ND đi làm TĐT/TĐ2ND từ ngày 1/9/65.
[13]
Đèo Cầu: đoạn QL11 nằm vắt qua
mỏm phía tây nam của núi Hòn Giái, trông xuống chỗ giao tiếp của
sông Cái ở phía bắc với sông Kinh Dinh ở phía nam. Địa điểm chiến
lược để chặn địch di chuyển trên QL11 từ mạn Đà Lạt qua đèo
Ngoạn Mục xuống vùng duyên hải.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Thắng cảnh thiên nhiên Bắc Mỹ châu. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by MĐ Trần Hồng Minh chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, May 16, 2019
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang