Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
LÍNH
Tác giả:
Tôn Nữ Áo Tím
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời mở đầu:
Dear Thân Trọng Khắc,
Cám ơn bạn đã gửi cho tôi bài của tác giả Tôn Nữ Áo Tím.
Trước đây, có người phỏng vấn tôi một câu như sau: Ước mơ trong
đời anh là gì? Không suy nghĩ, tôi trả lời: Nếu tôi có một số
tiền lớn, tôi sẽ mua một thửa đất để dựng tượng người phụ nữ Việt
Nam hoặc có con hoặc có chồng là chiến sĩ tiền tuyến để tưởng
niệm họ.
Trong chiến tranh, người trai phải làm nghĩa vụ
với non sông là chuyện thường tình. Người ta đã dựng tượng chiến
sĩ anh hùng. Còn tôi, tôi sẽ dựng tượng người phụ nữ. Bởi vì tôi
biết những bà mẹ có con đi lính, những người vợ có chồng đi lính,
thảm thương vô cùng.
Bà Mẹ đẻ con ra, nuôi con khôn lớn,
thành tài để mong sau này vào lúc tuổi già được con phụng dưỡng.
Nay con hy sinh ở chiến trường thì tắt niềm hy vọng.
Người
con gái lấy chồng, mong sinh con đẻ cái, xây dựng gia đình, bỗng
nghe tin chồng gục ngã ngoài chiến trường, bị góa bụa dở dang
cuộc đời.
Làm sao không thương xót?
Mỗi lần biết tôi đi
bay, mẹ tôi (góa chồng lúc còn trẻ) và vợ tôi thường thắp hương
van vái cầu mong Trời Phật cho Con, cho Chồng trở về bình an. Tôi
xót xa vô cùng.
Nhờ Trời Phật phù hộ, độ trì cho tôi sống
tới ngày hôm nay, nên tôi phải trả ơn Trời Phật, cố gắng giữ tấm
lòng sắt son với Tổ Quốc, dù tài hèn trí thiển. Tôi thường mua vé
số, không mong được giàu có, mà chỉ mong thỏa lòng mong ước dựng
tượng Người Phụ Nữ Việt Nam để tưởng niệm những bà Mẹ, những
người Vợ đã hy sinh con, hy sinh chồng cho Tổ Quốc.
Biết
đâu tấm lòng thành của tôi sẽ được Trời Phật cho tôi một cơ may
thỏa ước nguyền? Tôi tin chắc có rất nhiều mang nỗi ước mơ như
tôi.
Chúc anh Trọng Khắc bình an trong nạn dịch này.
Bằng Phong Đặng văn Âu
*MỘT
Nó lớn lên vừa tròn 6 tuổi thì bố đã hy
sinh ngoài mặt trận. Ngày đưa tang bố, nó ngơ ngác cầm bức hình bước
theo sau quan tài. Nó chẳng hiểu vì sao hòm của bố nó phải đắp lá cờ
Tổ Quốc. Mẹ nó tay dắt đứa em gái, vật vã khóc than thảm thiết. Nó
chưa đủ lớn để hiểu được nỗi đau xé ruột của người vợ mất chồng. Tối
hôm đó bàn thờ nhà nó sáng trưng đèn suốt đêm. Mẹ nó ngồi buồn bã
bên bàn hương án. Chị đốt hết cây nhang này đến cây nhang khác. Cặp
mắt đỏ hoe, chị đến bên bàn thờ lấy bộ áo quần lính của chồng xếp
lại đặt ngay ngắn lên bàn, bên cạnh tấm hình của anh. Cái nón đỏ có
gắn hình con báo màu đen chị để lên phía trên, im lặng, đứng nhìn.
Những dòng nước mắt chảy dài, chị cố nén tiếng nấc và gục đầu bên
cạnh bộ đồ lính trận của chồng. Chị biết rằng cuộc đời mình đã không
hoàn toàn như ý, một chặng đường khó khăn đang chờ đợi chị ở trước
mắt.
Em nó vô tư
chạy đến cầm tay mẹ: “Mẹ ơi, con muốn ngủ”. Nó chẳng thấy buồn,
thường ngày ba nó vẫn vắng nhà vì phải đi chiến đấu ngoài mặt trận.
Lâu lâu ba nó được nghỉ phép thì gia đình nó mới có những phút giây
sum vầy, hạnh phúc bên nhau. Bây giờ nó đã biết là mãi mãi ba nó sẽ
không về nữa và nó cũng vĩnh viễn không còn có được những tiếng cười
rạng rỡ trên môi, không còn những phút giây ngồi trên lưng cho ba nó
làm con ngựa, cũng không còn nữa hình ảnh chú lính tí hon khi nó lấy
chiếc mũ của ba nó đội lên đầu, rồi ba nó hô “Nghiêm!” là nó đưa tay
lên chào...
Hai
tháng sau, số phận nó được định đoạt. Nó theo chú về ở với nội. Mẹ
và em nó thì trở về bên ngoại. Lúc chia tay, nó vùng vằng dậm hai
chân xuống đất không muốn đi, nó muốn theo mẹ. Nhưng sự trì kéo nào
rồi cũng không đủ lực để rứt nó ra khỏi số phần mà định mệnh đặt lên
vai nó. Nó quay đi theo nắm tay của chú, hờn dỗi mẹ, không thèm nhìn
lui. Nó khóc, mẹ nó cũng khóc. Nó khóc vì nó nghĩ mẹ nó không thương
nó. Nó chưa đủ lớn để hiểu rằng khi ba nó không còn thì làm sao mẹ
nó có thể nuôi nổi một lúc hai đứa con vẫn còn quá nhỏ. Mẹ nó khóc
vì thương cho hoàn cảnh chia lìa của mẹ và con. Nó trở nên lầm lì từ
giây phút đó. “Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh”, nhưng với nó thì
khác, cha mẹ sinh ra nó, nhưng hoàn cảnh xã hội, sự tàn nhẫn của
chiến tranh đã làm cho nó trở nên chai lì, ngang bướng...
Mười hai tuổi, chú nó đưa vào học trường
Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu. Chung quanh nó bây giờ không còn người
thân, chỉ là những đứa bạn có những hoàn cảnh không may như nó. Một
cuộc sống mới bắt đầu từ đây. Vũng Tàu là một thành phố nằm ven
biển, là khu du lịch nổi tiếng tại miền nam Việt Nam. Nơi đây khí
hậu không có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mà chỉ có mùa mưa và mùa
nắng. Nó thích cái nắng cháy da của Vũng Tàu vì vào mùa này, thành
phố trở nên đông vui, nhộn nhịp bởi khách du lịch đến Vũng Tàu nghỉ
mát. Mùa nắng nó cũng được ra bãi chơi mỗi khi có chú nó từ Sài Gòn
về thăm.
Đời học
sinh dưới mái trường Thiếu Sinh Quân của nó cũng cam go không kém gì
các trường trung học phổ thông ở ngoài. Chương trình kéo dài bảy
năm, từ đệ thất đến đệ nhất. Theo qui định của Bộ Giáo Dục, học sinh
trường nó cũng được nghỉ hè, nghỉ Tết như các trường trung học phổ
thông khác. Cuối tuần cũng có những giờ phép cho học sinh ra ngoài
chơi. Ngoài các môn học về văn hóa, mỗi tuần nó có thêm bốn giờ học
quân sự để tập lăn lê, bò lết và sử dụng một số vũ khí cơ bản trong
quân đội. Ngoài ra học sinh còn phải học thêm võ thuật như Thái Cực
Đạo, Nhu Đạo và Tae Kwon Do. Nhờ thế mà sức khỏe của nó rất tốt. Một
lần chú nó hỏi về ước vọng tương lai:
Sau ni học xong, con thích làm gì?
Nó nói với chú một cách rất vô tư: Làm gì
cũng được nhưng con không thích đi chiến đấu chú ơi.
Ba nó đã chết vì đi chiến đấu, nên nó
không thích là đúng. Chú nó thương và động viên: Vậy thì con phải cố
gắng học thật xuất sắc thì con sẽ được chuyển vào các trường đại
học.
Nghe vậy nó
tỏ ra rất phấn khích và cố gắng học tập. Nó không biết tương lai khi
đã vào trường Thiếu Sinh Quân thì mãi mãi cuộc đời sẽ là quân nhân
chuyên nghiệp, chỉ được ra ngoài khi trở thành thương phế binh. Dù
muốn dù không, sau cái chết của ba nó, cuộc đời nó đã được an bài.
Mười tám tuổi, theo luật định là phải đầu
quân. Dù học đến lớp nào, khi đến độ tuổi mười tám là phải ra khỏi
trường đi quân dịch. Nếu học sinh vào trường học trễ, chưa học đến
lớp đệ nhị mà đã đến tuổi đăng lính, không có tú tài một hoặc thi
rớt tú tài một, phải chấp nhận vào trường Hạ Sĩ Quan. Sau thời gian
huấn nhục, ra trường sẽ mang cấp bậc trung sĩ. Nó nhớ lại câu hát mà
trong trường bạn nó thường nghêu ngao: “Rớt tú tài anh đi trung sĩ,
em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”, cho nên nó rất cố gắng học tập vì nếu
hỏng thi là phải đi trung sĩ và sẽ ra mặt trận chiến đấu. Nó sợ phải
chết như ba nó.
Một hôm chú nó về thăm, nó chăm chút hỏi chú rất nhiều về việc học,
nó chỉ sợ hỏng thi: Chú ơi! nếu con hỏng tú tài một thì con có được
học lại không?
Được chứ, nhưng con phải cố gắng đậu, khi đó con sẽ được chuyển qua
trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường con sẽ là một anh chuẩn úy.
Con không được học tiếp lên để thi tú tài
hai sao?
Không
được vì lúc đó con đã đến tuổi mười tám rồi.
Nghe vậy nó có chút âu lo. Qua năm năm gắn
bó với trường Thiếu Sinh Quân, nó trưởng thành rất nhiều. Nó nhận ra
được một cuộc sống thế nào để được xem là có giá trị, một cuộc sống
được xã hội chấp nhận và tôn trọng. Chú nó là một động lực mạnh mẽ
giúp nó đối diện với thực tại và lấp đầy những thiếu thốn về tinh
thần.
Nếu tốt
nghiệp với tấm bằng tú tài hai thì con sẽ đến đâu học tiếp?
Con sẽ có ba nơi để chọn lựa: Trường Không
Quân, Trường Hải Quân và Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Nó im lặng. Nó tin vào nó. Nó nhất định sẽ
cố gắng không để bị hỏng thi. Nó tin vào chú nó sẽ chọn cho nó một
con đường, nơi đó là mục tiêu mà nó phải đến, có khát khao, có ước
mơ, có hy vọng... Nó đang hình dung một tương lai lấp lánh đầy những
ngôi sao hạnh phúc thắp sáng con đường nó sẽ đến, đó là con đường
vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Một trung tâm đào tạo những sĩ
quan ưu tú cho đội ngũ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nơi vun bồi lý
tưởng quốc gia cho những chàng trai Việt với tình yêu quê hương,
tình yêu Tổ Quốc và tình yêu đồng bào.
*HAI
Đà Lạt, một thành phố nằm trong vùng cao
nguyên [nam–] trung phần, khí hậu ôn hòa quanh năm, bao bọc bởi
những cánh rừng thông ngút ngàn làm cho Đà Lạt trở nên thơ mộng. Nhờ
thời tiết ấm áp, Đà Lạt trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho mọi
người. Tôi quen anh trong một bữa tiệc sinh nhật nhà bạn. Anh mang y
phục của một sinh viên Sĩ Quan Võ Bị. Dáng dấp oai phong và khuôn
mặt tuấn tú của anh đã làm cho tôi chú ý ngay từ đầu. Là một nữ sinh
nội trú của Trường Couvent Des Oiseaux từ khi lên mười sáu tuổi, tôi
ít có dịp được ra ngoài. Thường khi ba tôi từ Sài Gòn lên đưa tôi về
thăm nhà, đó là những lúc tôi được đi chơi. Nay tôi đã mười tám, cái
tuổi đôi chín của tôi đã bắt đầu biết rung động, biết lắng nghe
tiếng thì thầm của trái tim.
Kể từ khi gặp anh thì việc về thăm nhà đã
không còn quan trọng với tôi nữa. Tôi bắt đầu biết hò hẹn từ lúc đó.
Chúng tôi gặp nhau vào những dịp cuối tuần, quanh quẩn trong thành
phố Đà Lạt mù sương. Anh đưa tôi đến những thắng cảnh nổi tiếng của
Đà Lạt như đỉnh Núi Bà (Lang Biang), thung lũng tình yêu, thác Cam
Ly, chèo thuyền trên Hồ Tuyền Lâm, Hồ Than Thở... Anh hỏi tôi:
Đố em biết vì sao người ta gọi là hồ Than
Thở không?
Tôi đã
giải thích theo một câu chuyện cổ tích mà tôi được nghe từ rất lâu:
Đó là chuyện tình của chàng Hoàng Tùng và
nàng Mai Hương. Chàng tham gia nghĩa quân Tây Sơn bị tử trận. Nàng
nghe tin, đến bên hồ than khóc và trầm mình chết. Hoàng Tùng về được
biết người yêu tự vẫn nên nhảy xuống hồ trầm mình chết theo. Hai
người được chôn gần nhau trên một đồi thông gần đó, thế là từ đó
xuất hiện nhạc phẩm Đồi Thông Hai Mộ. Tên Hồ Than Thở cũng do đó mà
ra.
Anh cười nhìn
tôi và giải thích:
Em nói như vậy là không hợp lý. Khởi nghĩa
Tây Sơn thời điểm đó là Đà Lạt chưa ra đời làm gì có chuyện tham gia
nghĩa quân Tây Sơn được.
Tôi suy nghĩ và sắp xếp lại dòng thời
gian, tôi thấy anh nói đúng. Tôi chỉ cười dã lả cho khỏi bị quê và
rồi anh kể tiếp:
Hồ Than Thở ngày xưa người Pháp đặt tên là Lac Des Soupirs. Soupirs
có nghĩa là âm thanh của gió thổi trong rừng, ví như tiếng thở hay
là tiếng thì thào của gió. Nghĩa đen là hồ của những thanh âm vi vu
của gió.
Tôi thấy
anh giỏi hơn tôi tưởng nhiều. Thời gian trôi qua, chúng tôi trở nên
thân thiết với nhau hơn. Tôi hiểu thêm về con người và gia cảnh của
anh. Ba tử trận từ lúc bé, anh vào trường Thiếu Sinh Quân và giờ
đây, hiển hiện trước mắt tôi là một sinh viên tuấn tú năm thứ ba của
trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Một ngôi trường có bề dày lịch sử oai
phong lẫm liệt. Một trung tâm đào tạo những tài năng trẻ văn võ song
toàn, xứng đáng cả về tài và đức để lãnh đạo quân đội trong tương
lai. Và anh, chính anh là mẫu người mà đất nước, con người Việt Nam
đặt niềm tin yêu và hy vọng. Một năm nữa, anh sẽ ra trường với cấp
bậc thiếu úy. Một năm nữa tôi cũng sẽ ra trường với dáng vóc một cô
tú kép của trường Couvent Des Oiseaux.
Bạn tôi nhìn chúng tôi bằng những đôi mắt
ngưỡng mộ. Tình yêu của tuổi mới lớn tôi trao gởi cho anh ngày càng
thắm thiết. Thứ tình cảm trong sáng ấy đã làm anh phải suy nghĩ. Một
lần được ba tôi mời về Sài Gòn chơi, anh đã khéo léo từ chối:
Dạ cám ơn bác, chú của cháu cũng ở Sài
Gòn, cháu sẽ sắp xếp về thăm vào một dịp khác.
Nghe anh từ chối, tôi man mác buồn. Lần đó
tôi đã không theo ba về Sài Gòn. Tôi ở lại với anh. Tôi ở lại với
người đàn ông mà tự lúc nào đã làm cho tôi mê mệt. Anh đẹp trai, nét
đẹp trai của người đàn ông hiền lương chân thật. Phong thái đạo đức
nơi anh lộ rõ qua cách đối xử nhẹ nhàng và lối trò chuyện ôn hòa với
bè bạn. Anh đã chinh phục tôi từ phút đầu gặp nhau. Tôi, một đứa con
gái chưa học xong bậc trung học, bỗng nhiên bị quay cuồng đầu óc vì
anh. “Làm sao để giữ được anh? Đẹp trai như anh thì đám con gái như
tôi sẽ vây quanh mà níu áo...”. Tôi miên man suy nghĩ suốt ngày và
ngay trong giấc ngủ, hình ảnh của anh cũng hiện về, làm cho tôi phải
trăn trở, đắn đo. Tôi ước được hóa phép thành cái máy soi, luồn lách
vào các ngăn tim của anh để coi xem có hình bóng của tôi trong đó.
Anh im lặng quá! Cái im lặng chết người. Nhưng ngược lại, đôi mắt
của anh nhìn tôi sao mà nồng nàn đến thế! Tôi quờ quạng trong vùng
nửa sáng nửa tối. Yêu tôi, không yêu tôi, yêu tôi, không yêu tôi...
tôi ngắt từng cánh hoa của đóa hoàng cúc quăng xuống đất, miệng cứ
nói nhỏ yêu tôi, không yêu tôi... cho đến cánh hoa cuối cùng. Tôi có
được hai tiếng “yêu tôi”. Thế là lòng tôi rộn ràng hẳn lên. Tôi nhảy
cỡn lên, tung đài hoa vào khoảng không, la lớn: “yêu tôi”. Trời đất
chứng giám, rừng thông chứng giám cho tình yêu của tôi. Nó đơn sơ
tinh khiết như một trang giấy trắng không vướng một vết mực nào.
*BA
Lễ mãn khóa trường Võ Bị Đà Lạt năm nào
cũng được tổ chức theo một nghi lễ truyền thống rất trọng thể. Tôi
và đứa bạn có mặt từ rất sớm. Dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay,
tôi thấy anh uy nghi và sáng lóa trong bộ lễ phục của một sinh viên
Võ Bị Quốc Gia. Chiếc cầu vai đỏ làm cho anh càng thêm rực rỡ. Anh
được gắn lon Thiếu Úy kể từ giây phút đó. Văn bằng cử nhân khoa học
ứng dụng Đà Lạt cũng được trao tay. Tôi say mê nhìn anh không chớp
mắt. Trời Đà Lạt hôm đó trong vắt một màu xanh tràn đầy hy vọng.
Niềm hy vọng của một sinh viên Sĩ Quan Võ Bị sắp rời xa mái trường
để nhập cuộc dấn thân vào vùng lửa đạn, gánh lấy vai trò bảo vệ tổ
quốc, gìn giữ non sông.
Cuối buổi lễ, tôi ôm bó hoa chạy rất nhanh
đến bên anh, tôi muốn ôm anh thật chặt vào vòng tay bé nhỏ của mình.
Nhưng bỗng nhiên tôi khựng lại và hết sức ngỡ ngàng, anh đang đứng
với hai người phụ nữ, một già và người kia thì nhỏ hơn, trạc độ tuổi
tôi. Thấy tôi đứng sững không bước thêm bước nào, anh tới nắm tay
tôi dẫn đến trước mặt người phụ nữ lớn tuổi và cho biết đó là mẹ
anh, còn cô gái là người em ruột của anh. Tôi nhẹ người, bao nhiêu ý
nghĩ nghi ngờ vụt tan biến, tôi cúi đầu lí nhí mấy chữ “con chào
bác” rồi xoay qua cười hòa với người em gái. Sau đó anh kéo tôi vào
chụp một tấm hình kỷ niệm với mẹ và em gái mình. Từ giây phút đó,
tôi biết anh không có người con gái nào khác nữa ngoài tôi. Tôi hiểu
ra rằng trong một góc khuất của trái tim anh đang giữ hình bóng của
tôi.
Ngày anh ra
trường trở thành thiếu úy tôi bắt đầu bước vào năm thứ nhất Đại Học
Văn Khoa Sài Gòn. Chúng tôi xa Đà Lạt từ đó. Anh về Sài Gòn nghỉ
phép một thời gian rồi đi nhận nhiệm sở. Ba tôi có ngỏ ý muốn gởi
gắm cho anh ở nội thành, nhưng anh đã dứt khoát từ chối. Trong thời
gian chờ đợi để xa nhau, chúng tôi có những giây phút hạnh phúc ngắn
ngủi bên nhau rất quý hiếm. Chiến cuộc lúc đó ngày càng leo thang
khốc liệt. Tôi cố giấu nỗi buồn vào trong. Tuổi trẻ chúng tôi đối
diện với một tương lai không mấy sáng sủa. Ngày anh lên đường xông
pha chiến trận, chúng tôi có một bữa cơm chia tay. Tôi đã khóc. Sự
im lặng của anh suốt thời gian qua và cho đến giờ phút này tôi đã
hiểu ra hết mọi lý lẽ. Anh nắm tay tôi, qua đôi mắt, tôi thấy anh
rất buồn. Anh thấu hiểu tất cả những suy nghĩ trong tận cùng ngõ
ngách trái tim tôi. Anh biết tôi muốn gì. Điều ước muốn rất thường
tình của những người con gái khi đến tuổi biết yêu. Nhưng anh đã cho
tôi biết là “chúng ta không thể”. Không chỉ riêng mình anh không thể
mà cả tôi cũng không thể.
Vâng, “không thể” vì chúng ta sinh ra nhằm
thế kỷ của chiến tranh, của đau thương tang tóc... Tuổi trẻ của
chúng ta bị xô vào một ngõ cụt mà bản thân không thể quyết định được
bất cứ điều gì ngoài việc cầm súng bắn vào những người cùng màu da,
cùng ngôn ngữ. Tuổi trẻ chúng ta như đang mò mẫm, quờ quạng trong
một con đường hầm tối tăm không lối thoát. Con đường đầy khói bụi
chiến tranh. Anh không muốn tôi trở thành góa phụ khi còn quá trẻ.
Anh khuyên tôi nên tìm một người xứng đáng để bảo đảm cho một cuộc
sống tương lai.
Tôi gục đầu nước mắt dàn dụa. Những kỷ niệm của Đà Lạt mù sương bỗng
chốc sáng lên trong tôi rồi dần dần lịm xuống. Hết rồi những buổi
sớm bên bờ Hồ Xuân Hương, dưới làn sương mờ ảo chen kẽ từng sợi nắng
xuyên cánh rừng thông. Hết rồi con đường vòng Lâm Viên với ngọn gió
Bắc chập chùng se lạnh.
Loáng thoáng đâu đây tôi nghe giọng ngâm
của một bài thơ não ruột:
“......
Anh làm
thân Kinh Kha
Góc núi đầu non ngày đêm
chống giặc
Rồi một hôm,
Nhận tin ngựa hồng ngã gục
Trên chiến
trường khói súng ngút ngàn bay
Em không
trong tay
Dù đã thật sự mất nhau... từ
những ngày tháng đó
Anh hôm nay,
Một chân gởi chiến trường mù sa lửa đỏ
Một
chân trở về với chiếc nạng gỗ cô đơn
Không
dám nhìn người tình cũ năm năm
Cô bé ngày
xưa viết hoài một khúc tình ca
Trọn đời yêu
Võ Bị
......”
(1)
*BỐN
Lá thư cuối
cùng anh gởi cho tôi như có một sức mạnh vô hình trói buộc cuộc đời
tôi vào số kiếp của anh:
“Em yêu,
Khi mở lá thư này, em hãy nhìn cho thật kỹ
khung trời rạng rỡ màu xanh bên ngoài cửa sổ kia. Em hãy nhìn màu
xanh bằng ánh mắt sáng ngời hy vọng. Tất cả chim muông cây cỏ chứng
giám cho lòng anh. Anh rất yêu em! Mối tình hoa mộng đầu tiên của
tuổi mới lớn, anh sinh viên Võ Bị và cô gái nữ sinh trường Couvent
Des Oiseaux đẹp biết chừng nào! Rừng thông Đà Lạt, núi đồi Lang
Biang, suối nước Camly... cất giữ cho chúng ta bao nhiêu kỷ niệm?
Nhưng rồi cuối cùng anh thấy nó vô thường và mong manh quá! Có nhiều
điều khiến anh không thể đến với em. Em có hiểu không? Anh còn gánh
nặng món nợ với non sông đất nước. Còn bổn phận đối với quê hương
đồng bào, em có hiểu không? Anh phải đi đúng con đường dành riêng
cho lý tưởng thanh niên, lý tưởng của người trai thời loạn. Em, một
người con gái mới lớn, em còn cả một tương lai rộng mở phía trước.
Gia đình em sẽ trải những tấm thảm mượt mà cho em bước, vì em là đứa
con gái duy nhất mà anh thường đùa là ‘con gái rượu’. Anh bị chúng
bạn ganh tỵ chỉ vì quen em là con gái rượu. Em có hiểu không? Khi
đối diện với ba và gia đình em, anh lại thấy mình càng không thể đến
với em. Em như một cái trứng non được ấp ủ, nâng niu chiều chuộng.
Đón em về, liệu anh có thể đem đến cho em một cuộc sống bình an sung
túc được không? Chỗ đứng của em không thể là góa phụ. Nơi ở của em
không thể là phòng không chiếc bóng, ngày đêm làm chinh phụ ngóng
trông chồng. Em yêu, em đừng khóc, anh biết là em đang khóc. Cái trẻ
con của em là ở đó. Chính cái trẻ con ấy đã khiến anh đôi lúc phải
mềm lòng. Nhưng những người lính như bọn anh, không được phép mềm
yếu. Dẫu biết sự cứng rắn có khi sẽ làm cho con người trở nên băng
giá, như em đã có lần nói ‘anh thật vô tình!’. Anh rất xin lỗi em.
Hãy cố gắng xứng đáng là đứa con hiếu thảo với ba mẹ em. Hãy trở
thành con người hữu ích cho xã hội và nhất là đứa em gái, cô nữ sinh
Couvent Des Oiseaux, xinh đẹp sống mãi trong trái tim anh. Mãi yêu
em.
H.T.”
Tôi ở hậu phương, ngày ngày theo dõi tình
hình chiến sự. Chiến tranh bùng nổ một cách tàn khốc. Anh trôi xuôi
theo bốn vùng chiến thuật, từ Quảng Trị, Khe Sanh, Hạ Lào, Charlie,
Pleiku, An Lộc... Những lá thư từ chiến tuyến gởi về, anh nói nhiều
về những trận đánh, những nơi chốn anh đi qua, những người bạn ngã
xuống... Anh chẳng đá động gì đến nỗi nhớ thương mà người em gái hậu
phương đang ngày đêm mong đợi. Anh cũng không hứa hẹn gì về những
giờ phép về thăm nhà. Chỉ toàn là những giây phút bất ngờ, thoáng
hiện rồi thoáng đi. Anh không cho tôi một cơ hội để hy vọng vì chung
quanh anh, lằn ranh của cái sống và sự chết rất mỏng manh. Nhưng tôi
vẫn cứ hy vọng.
Cơn lốc chiến tranh trở nên dữ dội vào những ngày cuối tháng 4 năm
75. Sự hoảng loạn bùng phát một cách ghê gớm. Chính thể Việt Nam
Cộng Hòa bị thay đổi. Tôi ngậm ngùi theo gia đình xuống tàu vượt
thoát và hoàn toàn mất tin tức của anh sau cái ngày oan nghiệt 30
tháng 4, 1975.
Trên đất Mỹ, gia đình tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi bỏ ngang việc
học, lo đi làm. Sống giữa một đất nước tự do, tiến bộ, với nhiều cơ
hội để học hỏi và thăng tiến, tôi cố gắng hội nhập vào đời sống mới,
gầy dựng cho mình một vốn kiến thức căn bản vững chắc. Tôi tận dụng
và khai thác tất cả những tinh hoa văn hóa của nước Mỹ để vun bồi
cho vườn hoa trí tuệ của mình. Thời gian quen dần, tôi lấy thêm giờ
học vào buổi tối. Lo đi làm, lo đến lớp học, quần quật với những bài
tập làm thêm ở nhà, tôi quên mất bản thân, quên mất hình ảnh của anh
với mối tình đầu một thời hoa mộng.
Bước vào độ tuổi 50, tôi trở nên điềm đạm,
trầm tĩnh hơn. Ngoài giờ làm ở hãng, buổi tối về nhà, tôi thường xem
tin tức trên ti–vi. Tôi biết cộng đồng người Việt bây giờ đã ổn định
và dần dần lớn mạnh. Họ bắt đầu kêu gọi tìm đến nhau qua những buổi
hội họp nay chỗ này, mai chỗ nọ. Một buổi tối, tình cờ tôi nghe
loáng thoáng phát ngôn viên đài truyền hình đọc lá thư mời họp mặt
của trường Võ Bị Đà Lạt khóa... tôi chợt tỉnh người vụt nhớ đến anh.
Tôi lao vào tìm kiếm, thăm dò... Tôi mua vội tờ báo tìm tòi trong
mục sinh hoạt cộng đồng để biết thêm vài chi tiết về cuộc hội ngộ
ấy. Hai tuần nữa là đến ngày họp mặt của các anh. Tôi có mười bốn
đêm để nguyện cầu. Trước hình tượng Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, tôi thành
tâm khấn nguyện “cho con gặp lại anh”. Dù anh có thế nào, trên đôi
nạng gỗ hay trên chiếc xe lăn, tôi sẽ mãi vẫn là cô học sinh Couvent
Des Oiseaux bé nhỏ sống mãi trong trái tim của anh.
Sáng sớm hôm ấy, tôi tìm đến địa chỉ tổ
chức hội ngộ. Đó là một căn nhà có khoảng sân vườn rất rộng phía
sau. Tôi thấy khá đông người được sắp xếp ngồi rất thứ tự trên những
chiếc ghế xếp có tựa lưng. Từ đằng sau tôi tìm chỗ đứng trong một
góc khuất và quan sát, tìm kiếm... Nhìn các vị trong ban tổ chức làm
việc, tôi thấy họ thân thiện cởi mở trong tình huynh đệ chi binh.
Các anh thay phiên nhau lên sân khấu phát biểu. Họ kể cho nhau nghe
những kỷ niệm chiến trường, những vui buồn đời lính. Họ chia sẻ với
nhau những khoảnh khắc đau thương khi nhìn thấy huynh đệ của mình
ngã xuống trước mũi súng quân thù. Cũng có anh rơm rớm nước mắt
trang trải nỗi lòng khi nhìn vợ trong tay một người đàn ông khác vào
giờ khắc được trả tự do sau hơn chín năm tù đày. Có nỗi đau nào lớn
hơn thế.
Những
giây phút tâm tình qua đi. Giờ ăn bắt đầu. Mỗi người được phát một
hộp cơm có đũa và nĩa kèm theo. Các anh vừa ăn, vừa thưởng thức văn
nghệ. Ca sĩ là những anh chị trong gia đình Võ Bị. Tôi chỉ là một
người khách tự nguyện đến, không liên hệ gì với Võ Bị, tôi xin ghi
tên tham gia một tiết mục, ban tổ chức rất sẵn sàng.
Tôi cất tiếng hát, rất tự tin. Tôi hát với
tất cả tấm lòng mong mỏi và hy vọng được gặp lại anh, cho dù thật
mong manh, nhưng nếu đã có sự gắn kết của số phận thì niềm hy vọng
ấy sẽ thành hiện thực:
“Em hỏi
anh, em hỏi anh bao giờ trở lại,
xin trả
lời mai mốt anh về...”
(2).
Tôi tin anh sẽ trở về, dù là với đôi nạng
gỗ hay trên chiếc xe lăn thì mãi mãi anh vẫn bất diệt trong trái tim
tôi. Bài hát vừa dứt, những tràng pháo tay nổ ra liên tục. Tôi vẫn
đứng yên, chưa chịu buông micro, mọi người im lặng chờ nghe tôi muốn
bày tỏ điều gì...
“Thưa các
anh, tôi tên là Đinh Hương, trước là học sinh trường Couvent Des
Oiseaux Đà Lạt, xin được tìm anh Trần Hoàng, Võ Bị khóa 28, xin hỏi
có ai biết không ạ?”.
Tôi đứng im chờ đợi trong hy vọng mong
manh. Tôi nhìn theo những cánh tay chỉ trỏ. Một người đẩy xe lăn từ
từ về phía tôi. Khoảng cách chừng năm mét, tôi kịp nhìn thấy anh.
Đúng, đúng là anh rồi. Đôi mắt ấy, đôi mắt ẩn dấu một nét buồn thăm
thẳm. Cũng bộ lễ phục Võ Bị ngày xưa, nhưng bây giờ, anh phải ngồi
trên chiếc xe lăn thay vì đứng hiên ngang dưới bầu trời cao rộng.
Tôi chạy ùa về phía anh. Tất cả mọi người im lặng. Không gian như
chùng xuống. Những cảm giác trái ngược nhau, vừa đớn đau, vừa hạnh
phúc đang tràn về trong tôi. Tôi qụy xuống trước mặt anh, trước mặt
mọi người... Đôi tay của tôi bỗng hụt hẫng không có điểm tựa và tuột
dài xuống đất. Anh đã không còn đôi chân. Tôi nghe tiếng gào đau đớn
từ trong tiềm thức “Trời ơi!” rồi ôm choàng lấy thân thể anh. Anh cứ
ngồi yên mặc dù đôi tay vẫn cử động được bình thường. Anh im lặng
nhìn tôi, ánh mắt ấy vẫn trong sáng như ngày nào. Sự im lặng của anh
như một lời thú tội của người thua cuộc. Ngày xưa, anh cũng im lặng
như thế, nhưng sự im lặng của chào thua số phận. Tôi hiểu ra điều ấy
và nói lớn trước mặt mọi người: “Anh Hoàng, Em yêu anh, mãi mãi em
vẫn yêu anh, người con Võ Bị”.
Hoan hô! Hoan hô! Những tràng pháo tay
vang lên liên tục không ngừng nghỉ kèm với tiếng chúc mừng... chúc
mừng... Những bó hoa lần lượt được trao đến tận tay chúng tôi. Anh
nở nụ cười. Lần đầu tiên tôi thấy nụ cười hạnh phúc trên đôi môi
anh.
Tôn
Nữ Áo Tím
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Phong cảnh tiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by bpđva chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu,
April 10, 2020
Ban kỹ thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang