Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang Sưu tầm
Chủ đề: Khoá 28 VBQGVN
Tác giả: Nguyễn Sanh

TIỂU SỬ KHOÁ 28 TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM –
KHOÁ NGUYỄN ĐÌNH BẢO

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Tết Mậu Thân, tháng Hai năm 1968, ngay phút Giao Thừa, sau mật lệnh tấn công bằng bài thơ chúc tết của Hồ Chí Minh, cộng quân bất chấp những giờ phút thiêng liêng nhất của ngày đầu năm, đã tấn công vào hầu hết các thành phố, thị trấn, làng mạc của VNCH. Người dân miền Nam tận mắt chứng kiến và kinh nghiệm những tàn khốc, đau thương của chiến tranh: nhà cháy, người chết, phố xá tan hoang, người thân yêu gục ngã vì súng đạn, vì giao tranh. Họ mục kích những hành động dã man của cộng quân: xả súng bắn vào khu dân cư, vào những nơi tôn nghiêm, vào người dân vô tội. Họ đau đớn, tuyệt vọng khi cộng quân đến bắt người thân yêu của họ đem đi biệt tích không có ngày về.

Trước những đau thương tột cùng đó, người lính VNCH xuất hiện như những anh hùng trong lửa đạn. Họ đánh đuổi cộng quân ra khỏi làng mạc, phố xá, họ đưa đồng bào đến chỗ an toàn, họ dùng thân xác và lòng dũng cảm để che chở cho đồng bào trước lằn đạn vô nhân của cộng quân. Họ đổ máu, họ gục chết để đồng bào được sống trong bình yên.

Những hình ảnh cao đẹp và oai hùng của người lính VNCH đã để lại sự quý mến và ngưỡng mộ trong lòng người dân miền Nam; đặc biệt với lớp thanh thiếu niên đang học những năm cuối của bậc trung học. Những tình cảm này đã tác động lên quyết định của họ khi đến lúc phải chọn một hướng đi cho tương lai, một lý tưởng cho cuộc đời.
(Xem Hình 2/Phụ Lục)

Cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào khai diễn vào tháng 2 năm 1971 và kết thúc hai tháng sau đó, nhằm mục đích phá hủy những căn cứ yểm trợ của cộng quân trên đất Lào. Cuộc hành quân đã đạt được những mục tiêu đề ra, nhưng cũng mang lại tổn thất nặng nề cho những đơn vị tham chiến của Quân Lực VNCH. Tin tức và hình ảnh về những ngọn đồi đẫm máu, về những cái chết bi hùng của Đại úy Nguyễn Văn Đương, Trung tá Lê Huấn và rất nhiều chiến sĩ vô danh khác, đã làm xúc động biết bao trái tim của người dân miền Nam, đặc biệt với những thanh niên đến tuổi trưởng thành. Họ là những người mà ba năm về trước, trong mùa Xuân Mậu Thân, đã chứng kiến và ngưỡng mộ những hy sinh cao đẹp của người lính VNCH. Nay đã đến lúc họ phải nhập cuộc. Họ phải gánh lấy trách nhiệm “Bảo Quốc An Dân” của người trai trong thời loạn, phải bảo vệ miền Nam tự do; chống lại sự xâm lăng cuồng bạo của cộng quân từ miền Bắc với sự chỉ đạo và hỗ trợ của toàn khối cộng sản. Họ nay là những người vừa hoàn tất bậc trung học với mảnh bằng Tú Tài toàn phần, hay đang là những sinh viên của những năm đầu bậc đại học. Sự hấp dẫn của kiến thức, của sự nghiệp, của ngành nghề chuyên môn tuy thật mạnh mẽ, nhưng ý thức trách nhiệm của người thanh niên khi nước nhà gặp cơn nguy biến còn mạnh mẽ hơn; vì thế, họ đã không ngần ngại, “xếp bút nghiên theo việc đao cung”; và hàng ngàn người trong số đó, đã nộp đơn xin gia nhập vào Khoá 28 Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Họ xem đó như một chọn lựa dứt khoát, lấy binh nghiệp làm con đường để phục vụ Tổ Quốc và Dân Tộc, lấy phương châm “Tự Thắng để Chỉ Huy” mà hành động và thăng tiến trên đường võ nghiệp. Và Đà Lạt, với Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, một quân trường nổi tiếng bậc nhất của vùng Đông Nam Á về quy mô và lịch sử, tọa lạc trên ngọn đồi 1515, sẽ là nơi đón nhận những thanh niên được tuyển chọn vào Khoá 28 Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch, và đào luyện họ trở thành những sĩ quan ưu tú cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
(Xem Hình 3/Phụ Lục)

I – Tuyển mộ và nhập ngũ:

Mùa Xuân năm 1971, TVBQGVN gởi những toán cổ động do các SVSQ Khoá 24 đảm trách, đến các thành phố lớn để phổ biến thông báo tuyển mộ ứng viên cho Khoá 28/SVSQ/HD/TVBQGVN với những điều kiện như sau:

• Nam công dân nước Việt nam Cộng Hòa tuổi từ 17 đến 22.

• Độc thân và cam kết không kết hôn trong thời gian thụ huấn 4 năm.

• Có văn bằng Tú Tài toàn phần trở lên, và phải qua một kỳ thi tuyển văn hóa.

• Có đầy đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn đòi hỏi của TVBQGVN.

Các toán cổ động đã mời gọi các nam học sinh đang học lớp 12 và các nam sinh viên của các trường Đại học đến nghe giới thiệu về trường Võ Bị và chương trình học bốn năm. Khi tốt nghiệp sẽ được mang cấp bậc thiếu úy và được cấp phát văn bằng “Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng”. Ngoài ra để mô tả những sinh hoạt của một SVSQ Võ Bị trong thời gian thụ huấn, họ chiếu bộ phim “Tự Thắng Để Chỉ Huy” và “Một Trang Nhật Ký Quân Trường” với những ngày xuất phố cuối tuần ở thành phố Đà Lạt, trong khung cảnh thơ mộng và quyến rũ.
(Xem Hình 4/Phụ Lục)

Hình ảnh oai hùng của người SVSQ Võ Bị với lý tưởng cao đẹp; quân trường Võ Bị uy nghi danh tiếng và khung trời Đà Lạt thơ mộng, hữu tình đã chiếm được cảm tình của nhiều thanh niên tràn trề nhựa sống, đang tìm một hướng đi cho tương lai.
(Xem Hình 5/Phụ Lục)

Đã có hàng ngàn thanh niên từ khắp các thành phố, làng mạc, thị trấn của miền Nam nộp đơn, xin gia nhập Khoá 28 TVBQGVN.

Tháng 8 năm 1971, một cuộc thi văn hóa để tuyển chọn các ứng viên cho Khoá 28 đã được tổ chức tại các thành phố lớn của VNCH: Cần Thơ, Sài Gòn, Đà Lạt, Qui Nhơn, Nha Trang và Đà Nẵng.

Tháng 11 năm 1971, giấy thông báo trúng tuyển và lịch trình tập trung, di chuyển lên Đà Lạt được gửi đến cho các ứng viên. Hầu hết 340 ứng viên được đưa lên Đà Lạt bằng đường hàng không từ bốn quân khu. Trong số này, ngoài thành phần dân chính còn có 11 SVSQ Khoá 3/71 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, một ứng viên đến từ trường Thiếu Sinh Quân, và một ứng viên đến từ binh chủng Biệt Động Quân.

Tất cả các ứng viên Khoá 28 được tạm trú tại khu Quang Trung (doanh trại của Liên Đoàn Yểm Trợ), gần trường Võ Bị để khảo sát sức khỏe, làm thủ tục nhập học và chờ ngày nhập trường.
(Xem Hình 6/Phụ Lục)

Sau đợt khảo sát sức khỏe, một số người không hội đủ điều kiện, đã âm thầm rời Đà lạt, để lại sau lưng một kỷ niệm buồn, một ước mơ không thành.

Ngày 24 tháng 12 năm 1971 là một ngày lịch sử của Khoá 28, tất cả 291 ứng viên của Khoá 28 được di chuyển bằng xe GMC từ khu tạm trú Quang Trung đến hội quán Huỳnh Kim Quang trước cổng Nam Quan. Tại đây, các ứng viên K28 được các SVSQ Khoá 25 niềm nở đón tiếp và chuẩn bị cho giây phút nhập trường. Đến giờ ấn định, các ứng viên Khoá 28 với mớ hành trang lỉnh kỉnh, được xếp thành hàng ngũ theo tám đại đội, đứng đối diện với cổng Nam Quan; rồi từ sau cổng Nam Quan, một đoàn cán bộ Khoá 25 với quân phục ka–ki vàng, thắt lưng và găng tay trắng, nón nhựa và giày MAP bóng láng, tiến ra xếp thành hàng ngang đối diện với các ứng viên, trông họ uy nghi, bí ẩn như những pho tượng. Sau cùng, SVSQ cán bộ Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn Tân Khoá Sinh bước lên bục, ngỏ lời chào đón các ứng viên Khoá 28/TVBQGVN. Tiếp đến, các SVSQ cán bộ Khoá 25 hướng dẫn các ứng viên Khoá 28 bước vào cổng Nam Quan trong tiếng nhạc quân hành hùng tráng.

Vừa qua khỏi cổng Nam Quan, các SVSQ/CB lớn tiếng, gằn giọng hối thúc các ứng viên chạy thật nhanh, hướng về phía sân cỏ trung đoàn; những chào hỏi ân cần, lịch sự, cùng với những nụ cười hiền hòa, cởi mở của các SVSQ Khoá 25 trong phòng tiếp tân của hội quán Huỳnh Kim Quang đã biến mất; thay vào đó là cái nhìn nghiêm khắc, thái độ dứt khoát, giọng nói khô khốc, gầm gừ khi ra lệnh của các SVSQ/CB. Giờ đây tất cả các ứng viên Khoá 28 đã phải bỏ hết hành trang mang theo để chạy, lăn, bò, nhúng dấm, hít đất, nhảy xổm... theo lệnh của SVSQ/CB Khoá 25; không phải chỉ có SVSQ cán bộ, mà hầu hết SVSQ của Khoá 25 đều có mặt tại sân cỏ Trung Đoàn để “hành xác” các ứng viên Khoá 28. Đến khi tiếng kèn thu quân được trổi lên, khoảng 2/3 quân số của các ứng viên Khoá 28 đã nằm la liệt trên sân cỏ, kết thúc ngày “hành xác nhập trường” của Khoá 28. Giờ đây các chàng trai trẻ ôm mộng hải hồ khi nộp đơn vào Khoá 28/TVBQGVN mới thấm hiểu rằng: “khởi đi từ hôm nay, cuộc đời sẽ không nhiều an lạc dễ dàng, nhưng đầy gió mưa cùng nguy khổ”.
(Xem Hình 7/Phụ Lục)

II – Mùa Tân Khoá Sinh:

Kết thúc ngày “hành xác nhập trường”
(Xem Hình 8/Phụ Lục), các ứng viên Khoá 28 được đưa trở lại khu Quang Trung để lãnh quân trang. Mỗi người nhận một túi xách nhà binh với đầy đủ quần áo, mũ nón, giày vớ... và các trang bị cho một người lính; kể từ hôm nay, các ứng viên lột bỏ quần áo dân sự để khoác lên mình bộ quân phục còn thơm mùi vải mới. Tiếp theo là màn “xuống tóc”, từng đại đội được hướng dẫn xuống phòng hớt tóc gần bệnh xá để cắt tóc theo đúng hình ảnh của một tân binh “trắng chung quanh, trước ba phân”. Mọi di chuyển đều phải chạy, và mọi vi phạm dù nhỏ, cũng bị phạt hàng trăm hít đất, hàng chục nhảy xổm, hay bò, lăn, đi vịt, v.v. Hình phạt có thể đến ở mọi lúc: sáng, trưa, chiều, tối; ở mọi nơi: bãi tập, phạn xá, lớp học, phòng ngủ, phòng vệ sinh... và có lúc dù không có lỗi gì, vẫn có thể bị phạt, hoặc người khác làm, mình vẫn “được” phạt lây.

Sau một tuần lễ thử thách, một buổi lễ được tổ chức tại phòng chiếu bóng Lê Lợi, để toàn thể ứng viên Khoá 28 trình diện Đại tá Quân Sự Vụ Trưởng Nguyễn Văn Sử, và được chấp nhận trở thành tân khoá sinh của Khoá 28/TVBQGVN. Danh xưng chính thức kể từ hôm nay: “Tiểu Đoàn Tân Khoá Sinh Khoá 28/TVBQGVN”, với Sĩ Quan Cán Bộ Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu tá Cao Yết xuất thân từ Khoá 16 Võ Bị.
(Xem Hình 9/Phụ Lục)

Mùa Tân Khoá Sinh hay 8 tuần huấn nhục, là một truyền thống của trường Võ Bị, nhằm huấn luyện cho người thanh niên gia nhập Trường Võ Bị quen dần với nếp sống kỷ luật, tinh thần tự giác, thói quen tuân lệnh vô điều kiện; đồng thời rèn sức chịu đựng về thể chất và tinh thần, để họ trở nên những chiến binh dũng mãnh, chịu đựng được những khắc nghiệt của chiến trường trong tương lai. Bên cạnh đó, mùa tân khoá sinh cũng hun đúc tình đồng đội và cách làm việc tập thể, là những yếu tố tạo nên sức mạnh của quân đội; và mùa tân khoá sinh cũng là mùa quân sự đầu tiên dạy kỷ thuật cá nhân chiến đấu và chiến thuật cấp tiểu đội.
(Xem Hình 10/Phụ Lục)

Mùa tân khoá sinh của Khoá 28 đã làm nảy sinh vô số kỷ niệm “để đời” giữa Khoá huấn luyện là Khoá 25 và Khoá được huấn luyện là Khoá 28, giữa các tân khoá sinh với nhau, nhất là những người cùng chung đại đội. Những ngu ngơ, lờ quờ, tiểu xảo... Của những ngày đầu đời lính, những nhọc nhằn, gian khổ, ưu tư... khi trải qua 8 tuần huấn nhục đẫm mồ hôi và có khi cả nước mắt, hay những trận cười không thể nín nhịn; đã tạo nên một sợi dây vô hình nhưng bền bỉ, liên kết các tân khoá sinh Khoá 28 lại với nhau bằng kỷ niệm, bằng những chuyện “nói hoài không hết” mỗi khi gặp nhau, bất chấp thời gian, không gian, thời cuộc hay hoàn cảnh.
(Xem Hình 11/Phụ Lục)

Mùa Tân Khoá Sinh của Khoá 28 được chia làm hai đợt, mỗi đợt bốn tuần lễ. Đợt 1 có kỷ niệm nổi bật nhất là “đi phố đêm”. Đây là một màn kịch nhằm thử thách tinh thần của tân khoá sinh, màn kịch được các cán bộ Khoá 25 dàn dựng khéo đến nỗi, các tân khoá sinh đều tin là thật. Một đoàn xe GMC cơ hữu của Trường Võ Bị nổ máy chờ đợi ở khu văn hóa, trong khi Tiểu Đoàn TKS Khoá 28 tập họp lác đác như “lá rụng mùa Thu” trên sân cỏ Trung Đoàn. Và lẽ tất nhiên, “đi phố đêm”, kết thúc bằng hình phạt dã chiến đẫm mồ hôi, vì tiểu đoàn tân khoá sinh Khoá 28 “quá chậm chạp, xe của trường không chờ được đã về hết rồi”.
(Xem Hình 12/Phụ Lục)

Sau bốn tuần lễ đợt 1, thể lực của tân khoá sinh Khoá 28 đã tiến bộ nhiều, nhờ những màn tấn công bở hơi tai ở dốc Nhữ Văn Hải, miếu Tiên Sư, đồi Bắc, dốc B52, đài Tử Sĩ... nhờ những chiều “không thấy mặt trời” với màn “tấn công 5 giai đoạn” được kết thúc ở phạn xá, mà phần thưởng “cao quý” dành cho những người chạy nhanh nhất, là được: “đứng trên thềm phạn xá, đối diện với tiểu đoàn tân khoá sinh, gỡ nón sắt ra thở thoải mái”.
(Xem Hình 13/Phụ Lục)

Đợt 1 cũng tạo ra một số tân khoá sinh không chạy trong đội hình, không mang giày mà mang dép, lúc nào cũng “đi bộ tà tà”, đó là những tân khoá sinh đau chân vì không quen mang giày “Bốt Đờ Sô” hoặc bị thương khi thi hành lệnh phạt; họ được gọi là “phái đoàn thiện chí”. Đợt 1 đã có một tân khoá sinh tử nạn khi thi hành lệnh phạt, anh Hồ Thái Trung H/28.

Đợt 2, Tân Khoá Sinh Khoá 28 được bàn giao cho các SVSQ/CB/Khoá 25 vừa thực tập chỉ huy ở Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp ở Bà Rịa trở về, những hung thần với màu da sạm nắng thao trường, và những kinh nghiệm chỉ huy vừa gặt hái được; đã làm tăng thêm uy lực cho người cán bộ huấn luyện tân khoá sinh. Trong đợt 2 này, tiểu đoàn tân khoá sinh ăn Tết Nguyên Đán đầu tiên của đời lính, đến lúc này, toàn thể tân khoá sinh Khoá 28 đã hầu như “lột xác” từ những thư sinh yếu đuối trở nên những người lính thực sự, có sức chịu đựng bền bỉ về tinh thần cũng như thể chất.
(Xem Hình 14/Phụ Lục)

Mùa Tân Khoá Sinh của Khoá 28 kết thúc vào ngày 26 tháng 2 năm 1972 bằng việc “chinh phục Lâm Viên”; một truyền thống của trường Võ Bị. Dưới sự hướng dẫn của SVSQ/CB/Khoá 25, Tiểu Đoàn Tân Khoá Sinh Khoá 28 đã leo tới nơi cao nhất của Lâm Viên là đỉnh Trinh Nữ, thả khói màu để báo cho cư dân Đà Lạt biết: “một Khoá mới của Trường Võ Bị đã hoàn tất tám tuần lễ huấn nhục, và ngày mai sẽ là ngày đi phố đầu tiên”.

Sau khi để lại một tấm bảng lưu niệm trên đỉnh Lâm Viên, tiểu đoàn tân khoá sinh Khoá 28 trở về trường để chuẩn bị cho một đêm quan trọng của người Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị: “lễ gắn Alpha”.
(Xem Hình 15/Phụ Lục)

Trước khi ra Vũ Đình Trường Lê Lợi để được gắn Alpha, các tân khoá sinh Khoá 28 quỳ tại phòng, với quân phục Blouson, và trong ánh nến lung linh, các Sinh Viên Sĩ Quan cán Bộ Khoá 25 trao đến từng tân khoá sinh găng tay, mũ và thắt lưng cổ truyền của trường Võ Bị với lời nhắn nhủ: “Hãy giữ gìn uy danh Trường Mẹ”.
(Xem Hình 16/Phụ Lục)

Trung tướng Lâm Quang Thi, Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt nam chủ tọa lễ gắn Alpha cho các Tân Khoá Sinh Khoá 28, và gắn Alpha cho Đại Diện Khoá, TKS Lưu Văn Lượng; các Sinh Viên Sĩ Quan cán bộ Khoá 25 gắn Alpha lên cầu vai của các Tân Khoá Sinh. Sau khẩu lệnh: “đứng lên, Sinh Viên Sĩ Quan”, toàn thể Tân Khoá Sinh Khoá 28 đã chính thức trở thành các Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch của Khoá 28, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Buổi lễ có sự hiện diện của một số thân nhân Khoá 28, và sau đó là buổi tiếp tân tại phạn xá.

Tám tuần huấn nhục đã qua đi, nhìn lại những ngày tháng đó, người Sinh Viên Sĩ Quan rất đỗi tự hào vì đã vượt qua những khó khăn, gian khổ để trở nên một chiến binh oai hùng; với lý tưởng phục vụ Tổ Quốc, Dân Tộc và bảo vệ Tự Do, đẹp rực rỡ như màu Alpha trên vai áo.
(Xem Hình 17/Phụ Lục)

Qua ngày hôm sau, các Tân Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 28 được đi phố lần đầu tiên với quân phục làm việc mùa Đông, dây biểu chương và bê–rê màu tím than. Đối với nhiều Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 28, đây là lần đầu tiên được bước đi trên đường phố Đà Lạt, thành phố thơ mộng nhất nước. Từ nay những tên gọi: Trường Võ Bị, Đồi 1515, Đà Lạt sẽ trở thành mãi mãi thân thương trong cuộc đời của người Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Khoá 28.

III – Đời Sinh Viên Sĩ Quan:

Chương trình huấn luyện 4 năm của Trường Võ Bị chú trọng vào 3 lãnh vực: văn hóa, quân sự và lãnh đạo chỉ huy. Một năm học được chia làm hai mùa: mùa quân sự 3 tháng và mùa văn hóa 9 tháng; bên cạnh đó là chương trình rèn luyện thể chất, gồm có võ thuật và các môn điền kinh; ngoài ra còn có: tập cơ bản thao diễn, học nhảy dù, học rừng núi sình lầy, được xếp xen kẽ vào chương trình huấn luyện nhằm tăng thêm khả năng đa hiệu, bản lãnh chỉ huy và niềm tự hào của người Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị khi ra đơn vị.

Sau lễ gắn Alpha, Khoá 28 còn học tiếp hai tuần quân sự để “trả nợ” cho mùa quân sự năm thứ nhất, kỹ thuật cá nhân chiến đấu và chiến thuật cấp tiểu đội. Vào thời điểm này bộ chỉ huy trường Võ Bị có:

–Chỉ Huy Trưởng: Trung tướng Lâm Quang Thi.
–Chỉ Huy Phó: Đại tá Phạm Tất Thông.
–Quân Sự Vụ Trưởng: Đại tá Nguyễn Văn Sử.

Nhưng đến gần giữa năm thứ nhất, thì Trung tướng Lâm Quang Thi bàn giao chức vụ chỉ huy trưởng cho Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, và bộ chỉ huy trường Võ Bị có:

–Chỉ Huy Trưởng: Thiếu tướng Lâm Quang Thơ.
–Chỉ Huy Phó: Chuẩn tướng Lê Văn Thân.
–Quân Sự Vụ Trưởng: Trung tá Nguyễn Thúc Hùng.

(Xem Hình 18-19/Phụ Lục)

Trong thời gian Khoá 28 thụ huấn tại TVBQGVN, Văn Hóa Vụ Trưởng lần lượt được bàn giao qua các vị: Đại tá Nguyễn Văn Huệ, Trung tá Nguyễn Phước Ưng Hiến.

A – Năm thứ nhất:

Tháng 3 năm 1972, Khoá 28 bước vào mùa văn hóa của năm thứ nhất, ngày hai buổi đến lớp. Chương trình học nặng về Toán và Khoa Học Thực Nghiệm theo đúng mục tiêu của văn bằng khi tốt nghiệp là “Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng”. Bên cạnh đó, những môn Khoa Học Nhân Văn như: Anh Văn, Luật, Quản Trị, Lịch Sử, Văn Chương... Cũng được giảng dạy để người Sinh Viên Sĩ Quan có một kiến thức tổng quát trên mọi lãnh vực, cần thiết cho một cấp chỉ huy tương lai của quân đội, hay một cán bộ quốc gia trong thời bình. Ngoài ra, trong phần huấn luyện thể chất, người Sinh Viên Sĩ Quan còn phải học võ thuật, Thái Cực Đạo hay Nhu Đạo tùy theo sở thích, với mục tiêu là đạt được trình độ tối thiểu đai đen sau bốn năm; các môn điền kinh thì có chạy trường lực, chạy tốc lực, nhảy xa, nhảy cao, bơi lội... và các môn thể thao đồng đội như bóng tròn, bóng chuyền, bóng rổ...

Ưu điểm của việc học văn hóa tại Trường Võ Bị là có được những phương tiện giảng huấn và thực tập đầy đủ hơn so với các trường đại học của Việt Nam cùng thời: nhà thí nghiệm nặng với những trang thiết bị phong phú và hiện đại, nhiều phòng thí nghiệm về Vật Lý, Hóa Học, Điện Tử để thực tập sau phần lý thuyết, phòng thính thị để học sinh ngữ... và một đội ngũ giáo sư đông đảo, đa dạng. Trở ngại lớn cho người Sinh Viên Sĩ Quan là song song với việc học văn hóa thì vẫn phải lo canh gác, phòng thủ, tạp dịch doanh trại... Cho nên họ không dồn được hết thời gian và sức lực cho việc trau dồi văn hóa.

19 Tháng 10 năm 1972, Hiệp định Paris chuẩn bị ký kết, Việt Nam Cộng Hòa đứng trước một tình huống nguy hiểm về chính trị lẫn quân sự khi đồng minh Hoa Kỳ, với những toan tính chiến lược trên bàn cờ quốc tế, muốn rút chân ra khỏi vũng lầy chiến tranh Việt Nam. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tung tất cả Sinh Viên Sĩ Quan tại các quân trường đến các quân khu trong một chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” trước ngày Hiệp Định Paris có hiệu lực. Trường Võ Bị nhận trách nhiệm các tỉnh Quân Khu I, gồm có: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín; riêng tỉnh Quảng Ngãi được giao cho trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt đảm trách.

Hai Khoá 27 và 28 chuẩn bị cho công tác Chiến Tranh Chính trị tại Quân Khu I, việc học văn hóa tạm ngưng, thay vào đó là tìm hiểu về Hiệp Định Paris và những sinh hoạt chiến tranh chính trị.

Tháng 12 năm 1972, hai Khoá 27 và 28 được không vận ra Quân Khu I, và các toán Sinh Viên Sĩ Quan được gởi đến tận các chi khu. Công tác thực hiện là: thuyết trình về Hiệp Định Paris và tranh thủ nhân tâm trước những tuyên truyền của cộng sản.
(Xem Hình 21/Phụ Lục)

Vì phải thực hiện công tác Chiến Tranh Chính Trị tại Quân Khu I, nên Khoá 28 không tham dự được lễ mãn Khoá của Khoá 25(sư phụ của Khoá 28), diễn ra vào ngày 15 tháng 12 năm 1972 tại Vũ Đình Trường Lê Lợi của TVBQGVN.

Cuộc đời Sinh Viên Sĩ Quan năm thứ nhất của Khoá 28 được kết thúc bằng những ngày công tác Chiến Tranh Chính Trị tại Quân Khu I.

B – Năm thứ hai:

Hiệp Định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, hai Khoá 27 và 28 trở về trường sau 2 hai tháng công tác Chiến Tranh Chính Trị tại Quân khu I. Sinh Viên Sĩ Quan Huỳnh Thiện Vàng đại đội F, đã tử nạn khi đi công tác.

Mùa Quân sự năm thứ hai của Khoá 28 với chiến thuật cấp trung đội và vũ khí cộng đồng. Sau ba tuần lễ trở về từ Quân Khu I, vì nhu cầu đấu tranh chính trị, hai Khoá 27 và 28 được điều động trở lại Quân Khu I cho công tác Chiến Tranh Chính Trị gần hai tháng nữa, sau đó hai Khoá 26 và 29 ra thay thế, để Khoá 27 và 28 trở về trường tiếp tục học văn hóa.

Mùa văn hóa năm thứ hai của Khoá 28 bắt đầu vào tháng 3 năm 1973.

Tháng 6 năm 1973, hai Khoá 26 và 27 về Sài Gòn diễn hành Ngày Quân Lực. Khoá 28 lãnh trách nhiệm điều hành Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan trong hai tuần lễ, một cơ hội để thực tập lãnh đạo chỉ huy
. (Xem Hình 22/Phụ Lục)

Tháng 8 năm 1973, “Trắc Nghiệm Tâm Lý” để chọn quân chủng Hải Quân, bộ Tổng Tham Mưu gởi một toán chuyên viên đến trắc nghiệm tâm lý toàn thể Khoá 28, để chọn 1/8 quân số về quân chủng Hải Quân.

Tháng 9 năm 1973, toàn thể Khoá 28 về khám sức khỏe phi hành tại bộ chỉ huy Không Quân ở Tân Sơn Nhất. Sau đó có 1/8 quân số của Khoá được chọn về quân chủng Không Quân.
(Xem Hình 23/Phụ Lục)

Vì đã mất thời gian cho công tác Chiến Tranh Chính Trị tại Quân Khu I, nên chương trình du hành thăm viếng các quân binh chủng và các trung tâm huấn luyện bị hủy bỏ, phép thường niên cũng không được cấp, Khoá 28 phải dành thời gian này để học bù chương trình quân sự và văn hóa của năm thứ hai.

C – Năm thứ ba:

Bắt đầu năm thứ ba bằng mùa Quân sự, với chương trình huấn luyện: “Liên Quân Chủng” Khoá 28 được chia thành 10 đại đội: 8 đại đội Lục Quân, 1 đại đội Không Quân và 1 đại đội Hải Quân. Có 22 Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 28 vì không đủ điểm văn hóa, đã phải rời trường về Trường Bộ Binh Thủ Đức, hoặc ở lại Khoá 29.

Các Sinh Viên Sĩ Quan Lục Quân học quân sự tại trường, với chiến thuật cấp đại đội, vũ khí nặng, trực thăng vận và bộ binh tùng thiết.
(Xem Hình 24/Phụ Lục)

Các Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân và Hải Quân, học quân sự tại các trung tâm huấn luyện Không quân và Hải quân ở Nha Trang.

Tháng 4 năm 1974, mùa văn hóa khai giảng và kéo dài đến cuối năm.

Tháng 10 năm 1974, lễ trao nhẫn của Khoá 28 được tổ chức một cách trang trọng tại phạn xá, đánh dấu cho sự trưởng thành của người SVSQ Võ Bị, một biểu tượng cho quyền chỉ huy, một cam kết với đời binh nghiệp, một chỉ dấu từ nơi chốn xuất thân.
(Xem Hình 25/Phụ Lục)

Năm thứ ba kết thúc với việc Khoá 28 nhận lãnh trách nhiệm điều hành Hệ Thống Tự Chỉ Huy, sau khi Khoá 27 ra trường, và chuẩn bị đón tiếp Khoá 31 bước vào mùa Tân Khoá Sinh.

Tiếp nối một truyền thống của trường Võ Bị, và như một vòng tròn khép kín, Khoá 28 đem hết lòng nhiệt thành và kinh nghiệm, huấn luyện các tân khoá sinh Khoá 31, trở nên những Sinh Viên Sĩ Quan có lý tưởng và phong cách, để Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam xứng đáng là: “nơi quy tụ những chàng trai Việt có lý tưởng Quốc Gia”.

D – Năm thứ tư:

Mở đầu bằng mùa Quân sự:

• Đại đội Hải Quân Khoá 28 về trung tâm huấn luyện Hải Quân Nha Trang tiếp tục chương trình hải nghiệp, với phần thực tập trên các chiến hạm và thăm viếng các hải đảo, hải cảng của Việt Nam Cộng Hòa.

• Tiểu đoàn 1 Lục Quân Khoá 28 và Đại đội Không Quân, huấn luyện tân khoá sinh Khoá 31 đợt 1.

• Tiểu đoàn 2 Lục Quân Khoá 28 về học nhảy dù ở Trung Tâm Huấn luyện Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám; sau 3 tuần lễ huấn luyện và nhảy được 4 “saut”, họ tốt nghiệp Khoá 356 nhảy dù, và được đi phép một tuần lễ vào dịp tết Nguyên Đán của năm 1975. Sau khi hết phép, họ trở về trường đảm trách phần vụ huấn luyện tân khoá sinh Khoá 31 đợt 2, để cho tiểu đoàn 1 Lục Quân và đại đội Không Quân về Trại Hoàng Hoa Thám, học nhảy dù Khoá 361.
(Xem Hình 26/Phụ Lục)

• Khoá 31 nhập trường ngày 10/1/1975 với 243 ứng viên, sau 8 tuần huấn nhục, Khoá 31 chinh phục Lâm Viên ngày 15/3/1975. Đã có một TKS Khoá 31 tử nạn trong 8 tuần huấn nhục, anh Lê Dân Thanh đại đội F Khoá 31. Sinh Viên Sĩ Quan cán bộ Khoá 28 đã trao găng tay, mũ, thắt lưng cổ truyền và gắn Alpha cho Khoá 31, hoàn tất chương trình huấn luyện tân khoá sinh Khoá 31. Lập lại lần cuối cùng trong lịch sử của TVBQGVN một “chu trình khép kín”, theo truyền thống của TVBQGVN.

• Tình hình chiến sự thay đổi nhanh chóng, càng ngày càng bất lợi cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi Buôn Mê Thuột thất thủ vào ngày 10/3/1975, Quân Đoàn II triệt thoái để tái phối trí, gánh chịu những tổn thất rất lớn trên Tỉnh lộ 7, thì Đà Lạt và tiểu khu Tuyên Đức trực diện với những áp lực nặng nề của cộng quân.

• Ngày 18/3/1975 Việt cộng pháo kích hỏa tiễn lọt vào vòng đai phòng thủ của trường Võ Bị gần “chân tiền đồn”.

• Đại đội Hải Quân sau kỳ phép tốt nghiệp hải hành, và tiểu đoàn 1 Lục Quân phải bỏ dở Khoá học nhảy dù để trở về trường.

• Trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan tu bổ hệ thống phòng thủ, tăng cường canh gác, nâng cấp số đạn, trang bị thêm vũ khí cộng đồng, hoả tiễn chống chiến xa, lương khô và được đặt trong tình trạng ứng chiến 100%.

IV – Trường Võ Bị di tản:

Sau khi Quân đoàn II triệt thoái trong hoảng loạn từ Pleiku, Komtum, Buôn Mê Thuột... và Quân đoàn I tan rã tại Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975; tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt lâm vào tình thế hết sức nguy hiểm, tại thời điểm này, Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị, là cấp chỉ huy quân sự cao nhất của tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà lạt. Bộ Chỉ Huy Trường Võ Bị lập kế hoạch di tản Trung đoàn SVSQ về huấn khu Long Thành, để tránh bị bao vây và bảo toàn lực lượng. Vào lúc này Trung đoàn SVSQ với quân số của bốn Khoá được gần một ngàn tay súng, chia thành tám đại đội tác chiến từ A đến H.
(Xem Hình 27/Phụ Lục)

Ngày chủ nhật 30/3/1975, liên đội G–H rời trường vào buổi sáng, di chuyển đến trấn giữ Cầu Đất, cây cầu quan trọng nằm trên con đường từ Đà Lạt dẫn xuống đèo Sông Pha. Buổi chiều, liên đội E–F di chuyển xuống Đơn Dương thám sát địa hình, đến tối rút về đài Kiểm báo Pr’line. Như vậy, toàn bộ Tiểu đoàn 2 của Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan đã rời trường mà không hề biết, đó là lần chia tay cuối cùng với trường Võ Bị.

9 giờ tối cùng ngày, liên đội C–D rời trường đến trấn giữ cầu Đơn Dương và những cây cầu nhỏ hơn trên con đường dẫn đến đèo Sông Pha. Có thể nói, con đường từ Đà Lạt đổ xuống đèo Sông Pha đã được Trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị trấn giữ an ninh ở những điểm trọng yếu.

9 giờ tối ngày Thứ Hai, 31/3/1975, liên đội A–B di chuyển theo đội hình một hàng dọc rời trường qua cổng Tôn Thất Lễ (phía sau phạn xá). Họ là những Sinh Viên Sĩ Quan cuối cùng rời bỏ trường Võ Bị.

TVBQGVN, ngôi trường đã đào tạo nên hàng ngàn sĩ quan ưu tú, anh dũng cho QLVNCH, ngôi trường đã từng là một biểu tượng cho quyết tâm chiến đấu, bảo vệ tự do, dân chủ của dân tộc Việt Nam, giờ đây trở thành vô chủ, khi người SVSQ cuối cùng của liên đội A–B bước qua khỏi cổng Tôn Thất Lễ. Đến lúc này, hầu như toàn bộ quân dân Đà Lạt cùng lũ lượt di tản theo Trường Võ Bị qua ngã đèo Sông Pha.

Trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan di chuyển qua đèo Sông Pha và tập trung tại Chi khu Sông Pha vào khoảng 6 giờ sáng ngày thứ Ba 1/4/1975, Trung đoàn tiếp tục di tản về Phan Thiết và ở lại qua đêm tại đây.

8 giờ sáng ngày 2 tháng 4, Việt cộng pháo kích vào điểm tập trung của Trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan, tất cả được lệnh phân tán mỏng và tiếp tục di tản về Bình Tuy. Theo lệnh của Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, kể từ lúc này, đoàn di tản của Trường Võ Bị có thêm sự hỗ trợ của tiểu đoàn 34 Biệt Động Quân, với Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu tá Trịnh Trân Khoá 20 Võ Bị.

Thứ Năm ngày 3 tháng 4, Trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan đến và được vào Bình Tuy với đầy đủ vũ khí, trong khi quân nhân của các đơn vị khác, phải để lại vũ khí tại trạm kiểm soát, trước khi di chuyển vào thị xã Bình Tuy.

Thứ Sáu ngày 4 tháng 4, Trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan được không vận bằng phi cơ C130 và trực thăng Chinook về Huấn Khu Long Thành, và tạm trú tại Trường Bộ Binh Long Thành.
(Xem Hình 28/Phụ Lục)

Cuộc di tản của trường Võ Bị kết thúc tại đây, Khoá 28 với trách nhiệm điều hành Hệ Thống Tự Chỉ Huy, đã tận tụy hướng dẫn 3 Khoá: 29, 30, và 31 trên đường di tản. Khi mà sự hỗn loạn đã phá vỡ hệ thống chỉ huy của nhiều đơn vị quân đội, thì Trung Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan vẫn duy trì được tinh thần kỷ luật và sự hữu hiệu của hệ thống chỉ huy. Điểm son này đã được Hệ thống Tự Chỉ Huy của Khoá 28 gìn giữ cho đến ngày cuối cùng của Khoá 28 với trường Võ Bị, ngày 21 tháng 4 năm 1975, là ngày Khoá 28 “ra trường”.

V – Khoá 28 ra trường:

Tháng 4 năm 1975 cứ một ngày trôi qua, tình hình chính trị và quân sự của Việt Nam Cộng Hòa càng thêm bi đát: lãnh thổ thu hẹp dần, quân đội tan rã thêm, và ý đồ bỏ rơi đồng minh của Hoa Kỳ càng lộ rõ.

Trung tuần tháng 4 năm 1975, cộng quân tấn công thị xã Xuân Lộc, thuộc tỉnh Long Khánh, một cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn về phía Đông; nếu mất Xuân Lộc, Sài Gòn sẽ bị tấn công trực tiếp.

Như một cố gắng cuối cùng trong tuyệt vọng, Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tung những Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 28 và Khoá 29 của Trường Võ Bị, cùng Khoá 4 của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị ra chiến trường, vào giờ thứ hai mươi lăm của cuộc chiến.
(Xem Hình 29/Phụ Lục)

Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Sinh Viên Sĩ Quan hai Khoá 28 và 29 được gắn lon thiếu úy tại vũ đình trường của Trường Bộ Binh Long Thành.

Buổi lễ mãn Khoá độc nhất vô nhị trong lịch sử của trường Võ Bị: tất cả tân Sĩ Quan trong quân phục tác chiến với nón sắt hai lớp có vải ngụy trang, không nghi lễ truyền thống, không diễn văn trang trọng, không thân nhân, không diễn hành. Xa xa vọng lại, tiếng đại pháo của Bắc quân đang tấn công vào những đơn vị cô thế của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Tất cả 255 tân thiếu úy của Khoá 28, được phân phối về các đơn vị tác chiến của lực lượng tổng trừ bị và các sư đoàn bộ binh, không có Hải quân và Không quân; xe của các đơn vị tổng trừ bị như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Cách Dù, Biệt Động Quân... đã chờ sẵn trước cổng trường Bộ Binh Long Thành, để chở các tân Thiếu úy về ngay đơn vị, và có trường hợp ra thẳng chiến tuyến để nhận trách nhiệm.

Lễ ra trường của hai Khoá 28 và 29 được chủ tọa bởi Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn. Thủ Khoa Khoá 28 là Thiếu úy Hồ Thanh Sơn, tên Khoá được đặt: “Đại tá Nguyễn Đình Bảo”, để tưởng nhớ tới Người Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, xuất thân từ Khoá 14 Võ Bị, đã anh dũng hy sinh tại căn cứ Charlie vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Các tân Thiếu úy của Khoá 28 ra trường khi miền Nam tự do đang hấp hối, sắp lọt vào tay cộng sản. Các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tan rã từng phần hoặc có nơi tan rã toàn diện; nhưng với tinh thần trách nhiệm của một sĩ quan xuất thân từ trường Võ Bị, với lòng yêu Nước và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, toàn thể tân sĩ quan Khoá 28 đã hăng hái ra đơn vị, nhận lãnh trách nhiệm được giao phó và chiến đấu hết mình cho lý tưởng tự do.

Chỉ với 9 ngày ngắn ngủi, hầu hết các tân sĩ quan Khoá 28 đều ở tuyến đầu lửa đạn; nhiều người đã anh dũng hy sinh, và máu của họ đã hòa chung với máu của hằng trăm ngàn chiến sĩ và đồng bào, đã đổ ra trong suốt 21 năm chiến đấu chống lại sự xâm lăng của cộng sản miền Bắc, để bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ của Việt nam:

Thiếu úy Nguyễn Hữu Thành, binh chủng Thủy Quân Lục Chiến,
Thiếu úy Phạm Ngọc Châu, binh chủng Nhảy Dù,
Thiếu úy Lê Khán Chiến, sư đoàn 22 Bộ Binh,
Thiếu úy Nguyễn Ngọc Lợi, hy sinh tại Thủ Đức.


Nhiều người bị thương trong cảnh cùng quẫn của đơn vị, và phải tự “thoát hiểm” để sống còn.

VI – Khoá 28 sau ngày 30 tháng 4 năm 1975:
(Xem Hình 30/Phụ Lục)

Sau lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, các Thiếu úy Khoá 28 đau đớn từ giã đồng đội, buông súng trở về với gia đình, đối diện với một tương lai bất định và đen tối đang phủ chụp xuống số phận của quân dân miền Nam.

Cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan, quân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa, hầu hết các Thiếu úy Khoá 28 bị đưa vào các trại cải tạo, mà thực chất là các trại tù khổ sai, được cộng sản dựng lên sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 suốt từ Nam chí Bắc.

Có người bị tra tấn đến chết như: Thiếu úy Trần Hữu Sơn ở trại Bình Điền, Huế. Có người bị chết khi trốn trại như: Thiếu úy Lưu Đức Sơn. Có người chết trong trại tù như Thiếu úy Trần Duy Hiến. Có những người tổ chức hoặc tham gia trốn trại và đã biệt tích từ hàng chục năm nay, ai cũng tin chắc rằng, họ đã chết như:

Thiếu úy Trần Văn Danh,
Thiếu úy Trần Hữu Dược,
Thiếu úy Ngô Xuân,
Thiếu úy Phạm Văn Bê,
Thiếu úy Lương Đình Phong,
Thiếu úy Nguyễn văn Sáng,
Thiếu úy Lê Chí Thành,
Thiếu úy Nguyễn Trần Bảo,
Thiếu úy Dương Hợp,
Thiếu úy Nguyễn Gia Lê,
Thiếu úy Nguyễn Văn Chọn,
Thiếu úy Trần Quang Tâm.


Một số rất ít cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 28 thoát được ra khỏi Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Rất nhiều người sau đó đã tìm mọi cách để vượt biên, có những người đã bỏ mạng trên đường tìm Tự Do như Thiếu úy Nguyễn Quốc Việt, Thiếu úy Trương Như Phục, Thiếu úy Trần Văn Phương, và có người đã phải mang thương tật suốt đời chỉ vì hai chữ TỰ DO.

Bắt đầu từ thập niên 90, chương trình HO (Humanitarian Operation) và đoàn tụ gia đình (Orderly Departure Program) đã mang thêm nhiều Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 28 ra hải ngoại, và cho đến nay, có hơn 100 Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 28 cùng gia đình cư ngụ rải rác tại nhiều nước trên thế giới.

Dù ở đâu, trong hay ngoài đất nước, các Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 28 vẫn tìm đến với nhau bằng tình đồng môn và sự tương trợ. Những hoài bão của một thời trai trẻ, những kỷ niệm của mùa tân khoá sinh, những năm tháng dưới mái trường Võ Bị, trong tù cải tạo... đã gắn kết các Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 28 lại với nhau trong mọi hoàn cảnh, vui, buồn hay hoạn nạn.

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, kể từ một buổi sáng trời se lạnh của Đà Lạt, thành phố cao nguyên; gặp nhau trước cổng Nam Quan như một tình cờ của định mệnh, gần 300 thanh niên tràn đầy nhựa sống đã trở thành những người bạn cùng chung chí hướng, để rồi trải qua bao dâu bể của cuộc đời, bao thăng trầm của thế sự, tình bạn đó vẫn keo sơn gắn bó, tồn tại với thời gian và sẽ kéo dài cho đến khi những người lính già
(*) của Khoá 28/TVBQGVN “mờ dần” cùng năm tháng.

Tổng hợp từ Khoá 28/TVBQGVN
Mùa hè năm 2013
Cựu SVSQ/K28: Nguyễn Sanh

 

(*)Old Soldiers never die, they just fade away.” General Douglas McArthur famously said during his 1951 farewell address to the US congress.

 

Phụ Lục
Hình ảnh sinh hoạt Khoá 28VBQGVN



Hình 2


Hình 3


Hình 4


Hình 5


Hình 6


Hình 7


Hình 8


Hình 9


Hình 10


Hình 11


Hình 12


Hình 13


Hình 14


Hình 15


Hình 16


Hình 17


Hình 18-19


Hình 20


Hình 21


Hình 22


Hình 23


Hình 24


Hình 25


Hình 26


Hình 27


Hình 28


Hình 29


Hình 30

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Phong cảnh tiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by BĐQ Đỗ Như Quyên chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật Phục Sinh, April 12, 2020
Ban kỹ thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang