Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn

Tôi Vào Quân Y Nhảy Dù
BS Vĩnh Chánh

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa
(1)

Gần nửa thế kỷ, tuy có nhiều cơ hội thôi thúc để viết những dòng chữ này, nhưng tôi vẫn chưa dứt khoát cho đến một buổi sáng ngồi uống cà phê với nhóm đàn anh QYND. Những tâm tình từ đàn anh MĐ DS Nguyễn Mậu Trinh, tuy có khả năng không bị trưng tập vì con một nhưng anh vẫn tòng quân, và còn xin đăng cho được vào QYND vì muốn... “quậy”.

Đàn anh MĐ BS Phạm Gia Cổn rót thêm những khoái cảm “đi mây về gió” của nhảy dù điều khiển; đàn anh MĐ DS Mai Minh Chí lại khuấy động trí nhớ mọi người có mặt với những mẩu chuyện đời lính ND khi anh theo đại đội Quân Y ND hành quân với Lữ Đoàn tác chiến. Rồi MĐ BS Trần Tấn Phát, thuộc hàng tiền bối 7 túi, tình cờ nhắc lại niên trưởng đã từng nhảy dù biểu diễn trên Sông Hương ở Huế trong đầu thập niên 60, bày tỏ khoái cảm khi cánh hoa dù bung lơ lửng trên trời nhìn xuống thấy hàng ngàn người đứng dọc hai bên bờ sông đang chiêm ngưỡng, và sau đó được đón tiếp nồng hậu của phái đoàn quân dân cán chính gồm sự hiện diện của nhóm nữ sinh trường Đồng Khánh tại Circle Sportif.

Tôi vội lên tiếng “có tiểu đệ đứng duới say sưa nhìn các đại huynh biểu diễn nhảy dù hồi đó”. Về lại khung trời kỷ niệm của mes vertes années, thời gian cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, tôi không hề bỏ sót lần nào khi có biểu diễn nhảy dù trên sông Hương. Chạy vụt ra bờ sông từ nhà ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh, tôi leo lên ngồi trên cây để được nhìn cho rõ. Có một lần bị ong vò vẻ cắn nhiều phát trên mặt và đầu, rớt té từ trên cây xuống đất, tôi ôm mặt sưng to chạy vào nhà, nhờ bà chị xoa vôi lên mặt rồi chạy ngay ra lại bờ sông xem tiếp, bất kể cái đầu bưng bưng đau nhức và cặp mắt híp nhỏ lại vì sưng. Mê xem nhảy dù như thế đó! Làm sao mà không bị mê hoặc khi thấy từng lượt người nhảy ra khỏi thân phi cơ, để rồi nguyên cánh dù ngạo nghễ bung lớn trên không, y như cánh chim đại bàng lơ lửng trong gió, trước khi đưa người lính rớt xuống sông Hương. Cả một thế giới cao xa, lạ lùng, vượt hẳn trên cái đầu óc ngây thơ non nớt của tôi. Kích thích lòng tò mò, ưa thích và ham muốn để lại một ấn tượng sâu đậm trong thằng bé.

Không là gió, mà bay trên cánh gió
Không là mây, mà ngạo nghễ đường mây
Một ngày Mũ Đỏ, một đời Mũ Đỏ
Giữa không gian còn lưu lại dấu giày
(2) + (3)

Lớn lên, sau khi đã ghi danh bơi lội tại Circle Sportif, tôi đến tận câu lạc bộ thể thao, chen đứng ở tầng dưới ngay cận mặt nước, vừa được xem cuộc biểu diễn nhảy dù trên không, vừa theo dõi các anh lính ND được các thuyền công binh vớt từ ngoài sông đem vào. Sau khi thay áo quần ướt, họ đóng bộ áo quần Saut, đội nón Beret đỏ, hiên ngang bước lên tầng thượng để nhận vòng hoa từ các nữ sinh Đồng Khánh. Tôi xớ rớ chạy theo, sờ mó vào bộ đồ hoa dù, ngắm nhìn say sưa dáng bộ hiên ngang của những anh lính Mũ Đỏ oai hùng, quên luôn cả thời gian.

Các bạn thích “lính” nói chung thường sống trong gia đình có cha anh hay chú bác trong quân đội, thường được nghe kể về chuyện sinh hoạt của lính, chuyện đánh giặc, đời quân ngũ. Tôi không được như vậy. Kinh nghiệm đầu đời của tôi lúc 6 tuổi là chuyện tôi cả gan đánh cắp 3 trái lựu đạn màu vàng nặng trịch từ đồn Girard đem về dấu ở vườn sau nhà, thầm tính sẽ đưa cho người lớn sử dụng đánh cá. Khi người lớn phát giác, tôi bị gia đình la rầy và trừng phạt rất nặng. Điều đó cho thấy được cá tính bạo gan, không biết sợ, thích phiêu lưu mạo hiểm của tôi. Tôi say sưa những trò chơi lính như sắp hàng bước đi Un Deux Trois, trò bắn súng, dù với súng bắn bằng miệng, hay đánh kiếm dù là kiếm được làm bằng que tre...

Hồi 4–5 tuổi ở Phủ Cam, tôi thích leo trèo, đánh đu trên những cây trái trong vườn nhà mình hay nhà Ô.B. Nội, bắt đầu với những cây thấp rồi những cây cao dần, mà chẳng bao giờ cảm thấy sợ hãi. Độ cao chưa hề làm tôi ngộp thở những khi vắt vẻo trên cây cao, những khi tôi lên chơi sân thượng của căn nhà lầu mới 3 tầng của Ô.B. Nội, hoặc trèo lên tận tầng cao nhất của đồn lính Pháp Girad nằm ngay sau nhà tôi khi còn ở Phủ Cam, là những nơi có thể nhìn thấy biển. Lúc tôi khoảng 7 tuổi, gia đình Măng
[mẹ] tôi được chính thức dọn vào ở lầu 3 trong trường Đồng Khánh. Tôi lại càng quen thuộc với độ cao hơn nữa, tôi chuyên leo bắt các tổ chim sáo nằm dưới mái ngói cao vút của trường, trèo hái hoa phượng cho các chị nữ sinh, hoặc đứng chồm ra khỏi cửa sổ nhà nhìn xuống sân trường ngắm các o Đồng Khánh Huế.

Đọc những lịch sử chiến tranh như Thủy Hử, Đông Châu Liệt Quốc, Tôn Tẩn Bàn Quyên, Tam Quốc Chí, Tào Tháo Lưu Bị... rồi những chuyện bằng tiếng Pháp về chiến tranh cận đại khi theo học trung học ở trường Providence, Huế. Nào là La Deuxième Guerre Mondiale, Couler le Bismark, Le Débarquement en Normandie, La Guèrre de L’Indochine, Le Tocsin de L’Indochine, La Bataille de Dien Bien Phu, Je Suis Medecin à Dien Bien Phu... là đam mê của tôi. Để rồi, hình ảnh người lính chiến, đặc biệt lính Nhảy Dù có tiếng gan dạ, cái đẹp của những cánh dù lộng gió, những chuyện lý thú về Nhảy Dù... đã hoàn toàn lôi cuốn tôi. Tôi thích lối đánh nhanh, đánh mạnh, đánh đẹp, đánh tapis, đánh thần tốc, đánh xáp là cà của lính Nhảy Dù...

Theo thời gian, chiến tranh lan rộng dần, từ rừng núi đồng quê xa xôi đổ sập đến các thành phố trong Mậu Thân 1968. Huế của tôi chịu nhiều đau đớn, thị xã bị tàn phá bởi bom đạn, hàng ngàn người dân bị thảm sát, chôn sống. Nhiều bạn quen âm thầm rời bỏ trường vào quân đội, kẻ động viên, người tình nguyện vì muốn thay đổi cuộc sống tẻ nhạt của “một ngày như mọi ngày” trong khi đất nước đang bị đe dọa triền miên. Bấy giờ tôi đang là SV trường Y Khoa Huế, tham gia chương trình Huấn Luyện Quân Sự Học Đường trong 2 mùa hè liên tiếp, biết theo dõi tình hình chiến sự qua các báo chí, truyền hình, tìm đọc những bút ký, những tài liệu quân sự, làm quen với những bản nhạc lính...

Tập truyện “Y sĩ Tiền Tuyến” của BS Quân Y Nhảy Dù Trang Châu mà tôi đọc lần đầu vào cuối năm 1969 đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu đậm và tốt đẹp về binh chủng ND, cho tôi hiểu biết thêm về sự huấn luyện bằng Dù bắt buộc phải có cho mọi quân nhân ND, hình ảnh chinh chiến của người lính Dù và nhiệm vụ của người Y sĩ tại mặt trận. Đó là cuốn sách đầu giường ưng ý nhất của tôi vào thời sinh viên. Với nó, tôi đã mơ một ngày nào mình sẽ, không chỉ một quân Y sĩ, mà phải là một Y sĩ Nhảy Dù. Nhất là khi đọc được những lời thơ tâm huyết khí khái biểu hiện cho con người đầy nhân tính của Miền Nam VN trong nhiệm vụ bắt buộc bảo vệ đất nước chống xâm lăng:

Trong cuộc chiến hôm nay
Cho tôi xin chiến đấu không hận thù
Xin những vết thương bình đẳng
Cho tôi đổi một trăm chiến thắng
Lấy một giọt nước mắt kẻ thù
(4)

Chiến tranh chẳng thể dừng mà ngày càng trở nên khốc liệt. Hạ Lào năm 1971, rồi 1972 với những trận chiến long trời lở đất xảy ra hầu như cùng một lúc tại cả 3 mặt trận, Tây Nguyên với Kontum, Ban Mê Thuột, Ben Het, đồi Charlie/Tân Cảnh, Bình Long với An Lộc, Chơn Thành, Lộc Ninh. Quốc Lộ 13 và Quảng Trị với Đồng Hà, Thạch Hãn, Cổ Thành, Ái Tử, La Vang, Triệu Phong... kéo dài cho gần cuối Hè cùng năm. Đâu đâu cũng nghe đến những hy sinh chưa từng có trước đây của quân lẫn dân, những cuộc chiến đẫm máu – cố thủ – triệt thoái – tăng viện – giải vây – tái chiếm – đều vượt mọi hiểu biết trước đây của quân sử. Những chiến công – cùng với những tổn thất của các đơn vị ND, Biệt Kích Dù, TQLC, BĐQ, ĐPQ, BB, Không Quân... Đâu đâu cũng nghe những bi hùng ca “Anh không chết đâu em”, “Người ở lại Charlie”, hay những ngụ ngôn để đời “Bình Long Anh Dũng/Kontum Kiêu Hùng/Trị Thiên Vùng Dậy”, “An Lộc Địa Sử Ghi Chiến Tích–Biệt Kích Dù Vị Quốc Vong Thân”... bên cạnh “Kỷ vật cho em”, “Ngày mai đi nhận xác chồng”: phũ phàng. Tàn nhẫn. Đau đớn...

Trong bối cảnh chao đảo của đất nước, tôi tìm đọc tập truyện “Mùa Hè Đỏ Lửa” của tác giả Phan Nhật Nam vào năm cuối Nội trú Y Khoa. Nếu “Y sĩ Tiền Tuyến” cho tôi khái niệm về cuộc chiến đang từ từ leo thang cùng nhiệm vụ và tinh thần làm việc của một Y sĩ ND thì “Mùa Hè Đỏ Lửa” đã mở rộng tầm hiểu biết của tôi về một cuộc chiến tàn khốc và vĩ đại, một địa ngục trần gian. Một mùa hè khô nóng của máu và máu, của bão lửa và sắt thép, của bao cái chết không toàn thây do hỏa pháo cường tập. Của tử khí từ cả ngàn thây người ngổn ngang trên Đại Lộ Kinh Hoàng. Qua những mẩu chuyện lớn nhỏ tận nơi của các đơn vị lâm chiến, những mắt thấy tai nghe, những đối thoại, những đàm thoại vô tuyến làm nổi bật tinh thần chiến đấu anh dũng của người lính Miền Nam... Của bao hy sinh để bảo vệ một cuộc sống đúng nghĩa và xứng đáng với 2 chữ Tự Do. Miền Nam Việt Nam đã chiến đấu, giữ vững và kiêu hùng chiến thắng. Tôi đã hiểu như vậy. Tôi đã cảm kích những người lính đang chiến đấu. Tôi cám ơn đất nước tôi. Với lòng yêu nước dâng trào, tôi tự hiểu rồi cũng sẽ đến phiên mình nhảy vào cuộc chiến này trong nay mai.

MÙA HÈ ĐỎ LỬA – Sau khi tốt nghiệp, xong phần trình luận án Y Khoa, và đang làm Giảng Tập Viên môn Giải Phẫu ở trường Y Khoa Huế, tôi nhận giấy trình diện quân đội vào cuối năm 1973. Tháng Giêng 1974, khoảng 160 bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ, gom chung vào khóa 17 YND Trưng Tập, bắt đầu học hành chánh quân y tại Trường Quân Y, với Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân và Y sĩ Trung tá Vũ Khắc Niệm (cả hai đều lần lượt là TĐT TĐQY/SĐND) làm chỉ huy trưởng và chỉ huy phó. Nhìn thành phần nòng cốt của bộ tham mưu trường Quân Y, ngoài 2 vị BS trên, chúng tôi thấy đa số xuất thân từ QYND. Họ có tác phong và hành xử rất uy nghiêm. Trong nhóm bạn thân 4 đứa trưng tập chúng tôi, ngoài bạn Hoàng Ngọc Vinh luôn mong hai chữ an nhàn, bạn Bùi Cao Đẳng, Lê Quang Tiến và tôi có phần quyết chí sẽ chọn đơn vị ND một khi tốt nghiệp trường Quân Y.

Nhìn từ các khóa đàn anh của ĐH Y Khoa Huế, chúng tôi biết có BS Tôn Thất Sơn, tốt nghiệp khóa 2, là người đầu tiên vào Quân Y Nhảy Dù. Kế đó là các anh Nguyễn Văn Minh, tự Minh Đầu Bạc, khóa 5, và 2 anh Huỳnh Mỹ và Nguyễn Văn Liêu, đồng khóa 6. Ngoại trừ anh Tôn Thất Sơn đã ra khỏi QY Nhảy Dù, cả 3 anh Minh, Mỹ và Liêu vẫn đang còn yên ổn phục vụ đơn vị ND. Ngoài ra, anh BS Bùi Cao Đệ, khóa 4, đang là một quân Y sĩ của Lực Lượng Đặc Biệt.

Chúng tôi thường bàn tính với nhau kỹ lưỡng về quyết định trong tương lai này, nhất là sau khi được BS Thuấn, trưởng Ban 3 của TĐQY/SĐND, thuyết trình về lịch sử, cơ cấu của SĐND và TĐQYND và về hành chánh QYND cho toàn khóa 17 Trưng Tập. Chúng tôi cũng từng biết SĐND cùng với SĐTQLC là những đơn vị tinh nhuệ và thiện chiến hàng đầu của quân lực VNCH, nên mỗi Sư Đoàn có nguyên một TĐQY, 1 quân y viện và mỗi tiểu đoàn tác chiến đều có 1 BS trực tiếp đảm nhận công việc chuyên môn với chức vụ là Y sĩ trưởng của TĐ với gần 20 y tá thuộc quyền. Trong khi ấy, với những đơn vị khác như Bộ Binh, BĐQ, Thiết Đoàn, Quân Vận... mỗi trung đoàn hay mỗi liên đoàn mới có 1 hoặc 2 BS Đặc biệt, ngoài phụ cấp tác chiến, chỉ riêng Y sĩ ND mới được hưởng thêm phụ cấp bằng Dù mà ngay cả Y sĩ TQLC, BĐQ cũng không có được phụ cấp bằng hải vụ hay bằng sình lầy. Thành thử tiền lương của quân Y sĩ Dù nhiều hơn hẳn tiền lương của các quân Y sĩ thuộc các binh chủng khác. Đó là chưa đề cập đến chuyện đa số sĩ quan xuất thân từ Nhảy Dù đều được điều động giữ những chức vụ quan trọng trong các lãnh lực chỉ huy, tác chiến hay chuyên môn, tại những binh chủng khác, một khi họ thuyên chuyển khỏi đơn vị Nhảy Dù. Cuối cùng và quan trọng không kém, Bộ Tư Lệnh SĐND nằm tại Sài Gòn, có nghĩa là sau vài ba tháng bôn ba hành quân, các đơn vị ND có thể trở về hậu cứ, binh sĩ vui chơi thỏa thích ở chốn phồn hoa đô hội.

Khi nói đến ND, ai cũng biết đó là một đơn vị thiện chiến hàng đầu, thường được tung vào những trận chiến khó khăn, nên người lính ND thường gặp nhiều gian nguy và dễ bị thương tích, tử trận hơn những quân nhân thuộc binh chủng khác. Tuy nhiên nếu chỉ bàn về con số quân Y sĩ tử trận và đặc điểm của cái chết từng người, trong suốt chiều dài của cuộc chiến VN, QYND bị thiệt mất 2 vị, là Y sĩ Trung úy Đỗ Vinh, Y sĩ trưởng TĐ5ND, tử thương vì trúng mảnh pháo vào đầu khi đang săn sóc thương binh tại Quảng Tín vào cuối tháng 3, năm 1965, và Y sĩ Đại úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ Trưởng TĐ6ND cũng bị tử thương vì pháo ở Làng Vay, gần Khe Sanh vào năm 1968, trong khi đang chờ đáo nhiệm chức vụ mới tại BV Đỗ Vinh sau 2 năm lội theo TĐ tác chiến. Được biết trước đây, BS Tuấn đã từng bị thương 2 lần, ở Dakto và ở Cao Lãnh. Ngoài ra, Y sĩ Thiếu tá Bửu Trí, một người chú họ của tôi, tuy gia nhập QYND năm 1960, lại là vị chỉ huy trưởng QY của Lực Lượng Đặc Biệt khi tử trận vì trực thăng bốc cháy trên không phận Ban Mê Thuột vào khoảng năm 1967. Chuyện chết vì pháo kích, ở mặt trận, ở tiền trạm, ở hậu cứ hay ở thành phố, có thể xem một tai nạn trúng ai nấy dạ vì đã tới số. Tuy nhiên không có 1 Y sĩ QYND nào trực tiếp bị tử thương bởi đạn bắn thẳng do địch phục kích, đánh đặc công, hoặc tuyến phòng thủ bộ chỉ huy tiểu đoàn bị tràn ngập.

Với sự tự tin vào số mạng, với biện luận không lẽ ai đi ND đều chết, các bạn Đẳng, Tiến và tôi nhìn vào lịch sử QYND chỉ thấy 2 đàn anh ra đi vĩnh viễn trong khi SĐNĐ đánh trận liên tục và hiện diện ở bất cứ điểm nóng nào trên cả 4 quân khu. Khi vào trận, không chắc gì mình đã bị trúng đạn, mà trúng đạn không hẳn sẽ bị thương nặng, bị thương nặng không chắc là sẽ chết. Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thêm về khả năng tác chiến của binh chủng ND ở cấp tiểu đoàn. Với cấp số trên 500 vừa quan vừa quân khi TĐ vào trận, gồm 4 đại đội tác chiến và 1 đại đội chỉ huy trong đó có 1 trung đội súng nặng, 1 trung đội Quân Y, 1 trung đội Truyền Tin... tất cả binh sĩ đều được trang bị tận răng. TĐND không tham chiến riêng rẽ mà vào vùng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lữ đoàn ND, gồm 3 TĐND tác chiến, 1 TĐ Pháo Binh nổi tiếng bắn nhanh, chính xác và can cường, 1 ĐĐ Trinh Sát nổi tiếng đánh đẹp, chơi đẹp và lì lợm, 1 ĐĐ Quân Y luôn túc trực cứu chữa thương binh cận bên trận chiến... ngoài ra còn nhận sự yểm trợ tối đa bởi pháo binh diện địa, thiết giáp, không quân chiến thuật, trực thăng võ trang và tản thương... Vì vậy, chúng tôi cảm thấy an tâm, biết được sự phòng vệ an ninh của Bộ Chỉ Huy TĐND rất chặt chẽ vì chưa hề nghe BCH TĐND nào bị đánh chạy, phòng tuyến bị thủng, TĐ bị phục kích hay bị đánh đặc công, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng phải gọi pháo binh mình bắn ngay trên phòng tuyến mình, hoặc rút lui trong mất mát để tạm thời bảo vệ lực lượng của mình, tái phối trí rồi lại tấn công sau đó.

Những phân tích trên đây được minh xác rõ ràng hơn khi tôi theo chân TĐ1ND vào trận chiến, tận mắt nhìn thấy khả năng chiến đấu của TĐND, hỏa lực, cách bố trí dàn quân, cách phòng vệ cho Bộ Chỉ Huy TĐ. Tôi không thể nào quên mỗi khi dừng chân đóng trại qua đêm, người sĩ quan Ban 3 bắt tay làm việc liền tay về chuyện phòng vệ cho TĐ bằng cách chấm tọa độ tiên liệu, tuyến tiên liệu xung quanh bộ chỉ huy TĐ là những vị trí mà địch có thể dồn quân tấn công hay đặt súng lớn tác xạ vào TĐ, những con rạch, những đường mòn, những khe núi dẫn đến BCH mà VC có thể men vào đánh phá ban đêm. Có sẵn những tọa độ đơn giản hóa bằng bí số như A1, A2, B1... pháo binh Dù mới tác xạ nhanh, chính xác và hiệu quả khi khẩn cấp. Trong cùng thời gian, người ĐĐ Trưởng ĐĐ Chỉ Huy lo chuyện phòng thủ tuyến cho toàn ĐĐ, tìm nơi đặt mìn Claymore, lựu đạn, trái sáng; sắp đặt vị trí đại liên phòng thủ, vị trí súng cối, an ninh riêng cho BCH gồm TĐT, TĐ Phó (thông thường vị TĐ Phó ít ở chung với BCH và tách riêng đi với 2 ĐĐ tác chiến tạo thành cánh phó), sĩ quan Ban 3 cùng ban tham mưu, và quân y. Ông ta liên tục nhắc nhở, thúc dục binh sĩ đào hầm lớn và hố cá nhân, cắt phiên canh gác, cho các toán nằm phục kích đêm cách xa bên ngoài tuyến. Ông đi thanh tra từng bộ phận, đến từng nhóm hầm hố lều võng để căn dặn cấm thắp lửa, cấm xài đèn sáng khi trời tối và quan trọng nhất là, nếu bị tấn công ban đêm, không một ai được chạy mà phải nằm sát đất, trong hố để tác chiến và có quyền bắn tất cả những bóng người đang chạy trên mặt đất vì đó là đặc công VC...

Ngoài chuyện bố trí, canh gác, an ninh, phòng thủ tối đa nói trên, có lẽ quan trọng nhất là BCH TĐND thường xuyên di chuyển khi hành quân tìm địch & diệt địch, không ở một chỗ nhiều hơn 1–2 ngày, để giữ bí mật nơi đóng quân, hòng tránh pháo địch hoặc đặc công. Tôi vẫn nhớ rõ một lần, sau một ngày di hành liên tục trong rừng, vừa dừng chân nghỉ được vài giờ và quân lính đang định ăn tối, TĐT nhận tin toán tiền thám của mình tìm thấy dấu vết của trinh sát “vịt con” gần vị trí đóng quân. Thế là lệnh khẩn cấp di chuyển rời nơi vừa đóng quân ngay lập tức. Toàn thể ĐĐ cùng BCH TĐ ngậm tăm đi thêm khoảng 2–3 giờ nữa mới dừng chân lại và nghỉ qua đêm. Quả như vậy, dù không cách xa nơi vừa rời tính theo đường chim bay, nhưng mọi người đều nghe được tiếng pháo địch dội vào vị trí cũ trong đêm khuya. Hú vía thật! Sự kiện này cho thấy thắng bại hay tổn thất nhiều hay ít hoàn toàn do người chỉ huy có kinh nghiệm cầm quân và dạn dày trong khói lửa. Mà với Nhảy Dù, kinh nghiệm chiến trường quả thật quý báu và đáng được đề cao.

Sau đây là cái chết của những quân Y sĩ của các binh chủng khác vào những năm trước khi chúng tôi trưng tập:

Người Y sĩ chết trận đầu tiên là BS Đoàn Mạnh Hoạch ngay sau khi anh nhảy ra khỏi xe bọc thép để tiến lên tuyến đầu cứu chữa thương binh, tại Quảng Ngãi giữa năm 1964.

Kế đó là Y sĩ TQLC Trương Bá Hân tử thương vào cuối năm 1964 tại Bình Giả–Bà Rịa khi TĐ4 TQLC bị nguyên 1 trung đoàn cộng quân phục kich, tàn sát toàn bộ chỉ huy TĐ và bắt sống luôn người cố vấn Mỹ.

Tháng 4, 1965, Y sĩ TQLC Trần Ngọc Minh bị đâm chết khi VC tấn công ngay vào bộ chỉ huy TĐ3 TQLC ở Thăng Bình, Quảng Nam.

Tháng 6, 1965, tại quận Mộ Đức, Quảng Ngãi, Y sĩ TQLC Lê Hữu Sanh, bị bắn chết dù đang trúng thương khi BCH TĐ5TQLC bị 1 Trung Đoàn địch phục kích và tràn ngập vị trí, khiến cả TĐT và cố vấn Mỹ cùng tử thương.

BS Phạm Bá Lương, Y sĩ Trưởng của Trung Đoàn 7BB, vẫn bị địch giết chết dù anh có đưa tay đầu hàng trong khi anh đang đánh răng vào buổi sáng, đúng lúc bộ chỉ huy Trung Đoàn bị đánh đặc công tại Bầu Bàn, tháng 7, 1965.

Tháng 10, 1965, Y sĩ Trung úy Nguyễn Văn Nhứt tử trận cùng với vị Trung Đoàn Trưởng Bộ Binh trong một trận đánh xáp lá cà đẫm máu ở rừng cao su, Dầu Tiếng. BS Nhứt, người đậu thủ khoa nội trú của khóa mình, là vị BS Trưng Tập đầu tiên bị chết trong cuộc chiến.

Y sĩ Trung úy Trần Thái tử trận khi đoàn xe chở đạn bị phục kích trên đuờng Sài Gòn–Bà Rịa vào cuối năm 1965.

Vào cuối năm 1967, Y sĩ Trung úy Phạm Đình Bách, thuộc khóa 13 QY Hiện Dịch, tử trận chỉ vài tháng sau khi anh ra phục vụ đơn vị BB.

Y sĩ TQLC Đinh Quốc Bảo, Y sĩ trưởng TĐ6 TQLC, là người duy nhất trong TĐ bị tử thương khi hầm trú ẩn của anh lãnh nguyên một trái hỏa tiễn 122ly tại căn cứ Sarge, Quảng Trị trong năm 1971.
(5).

Và trong thời gian chúng tôi thụ huấn tại trường Quân Y, HQ Y sĩ Trung úy Ngô V Khương, tử nạn khi trực thăng chở anh nổ cháy trên trời vì trúng hỏa tiễn tầm nhiệt ở gần căn cứ HQ Năm Căn, Cà Mâu. Anh Khương, học trên tôi 1 năm, là người quân Y sĩ Trưng Tập tử trận đầu tiên và duy nhất của trường YK Huế.

Trong thời gian di tản chiến thuật 1975, thật tình không một thống kê chắc chắn về con số những quân Y sĩ bị tử nạn trên đường di tản. Riêng với QYND, theo tôi biết, không có một Y sĩ ND nào bị thiệt mạng mặc dù có đến 2–3 người bị bắt làm tù binh ở mặt trận Phan Rang của Lữ Đoàn 2 ND vào đầu tháng 4, 1975. Tuy nhiên, với QY của TĐTQLC có Y sĩ Đại úy Cao Mạnh Thăng, ĐĐ Trưởng ĐĐQY 369 TQLC, hoàn toàn mất tích cùng với Trung tá Nguyễn Xuân Phúc và Trung tá Đỗ Hữu Tùng, Lữ Đoàn Trưởng và Lữ Đoàn Phó LĐ369 TQLC và hàng ngàn lính TQLC dưới tay, có lẽ họ đã vùi thây hay tan xác trên bãi biển trống ở Đà Nẵng, không một công sự chống đỡ, dưới cơn mưa pháo không thương tiếc của địch vào tháng 3, 1975.
(6)

Ngoài cái chết của 2 Y sĩ ND Đỗ Vinh và Nghiêm Sỹ Tuấn, không có vị nào trong TĐ QYND bị thương nặng đến độ tàn phế để phải được cho giải ngũ. Gần đây, tôi được biết Niên Trưởng (NT) Trần Tấn Phát, Y sĩ Trưởng TĐ1ND, bị đạn xuyên đùi trái ở Quận Thuận Mẫn, Phú Bổn năm 1965; NT Nguyễn Văn Cơ, Y sĩ Trưởng TĐ5ND, bị mảnh đạn vào má phải gây bể xương, ở trận Pleime năm 1965; NT Phạm Quý Điểu, Y sĩ Trưởng TĐ3ND, gãy xương chân khi tham dự nhảy dù hành quân ở Chiến Khu D; NT Trần Đoàn, Y sĩ Trưởng TĐ2ND, bị thương cả 2 mông vì đạn súng cối ở Quảng Trị, năm 1966
(7); NT Hà “chảy”, Y sĩ Trưởng TĐ8ND, bị thương ở bàn tay vì mảnh súng cối ở Quảng Trị năm 1966; Y sĩ ND Vũ Đình Nguyên cũng bị thương ở bàn tay vì đạn súng cối năm 1967, nhưng lại may mắn được một YSND đồng nghiệp mổ lấy mảnh đạn ngay tại mặt trận; đàn anh Tô Phạm Liệu, Y sĩ Trưởng TĐ11ND, bị thương ở trận Charlie, 1972...

Tuy nhiên, TĐQY TQLC có khá nhiều Y sĩ bị thương tật đáng kể. BS Phạm Hữu Hảo, Y sĩ Trưởng TĐ2 TQLC, thoát chết nhưng bị thương nặng ở đùi khi TĐ Trâu Điên bị phục kích ở Phò Trạch–Huế vào tháng 6, 1966; BS Đinh Quốc An, Y sĩ Trưởng TĐ6 TQLC, bị thương rất nặng ở chân vào tháng 2, 1967, tuy không bị cưa chân nhưng được liệt kê tàn tật vĩnh viễn; BS Ngô Quang Trung, Y sĩ Trưởng TĐ3 TQLC bị viên đạn bắn sẻ trúng đầu trong lần hành quân tại Tân An năm 1967; BS Lê Tấn Huỳnh Long, Y sĩ Trưởng TĐ1 TQLC, bị miểng pháo gãy cột xương sống tại quận Kiến Hưng, tỉnh Chương Thiện ngày 30 tháng 4, 1970; BS Nguyễn Trùng Khánh bị thương bụng và cột sống vì mìn ngay ngày hôm sau, khi được điều động đến thay BS Long ở TĐ1 TQLC; BS Đỗ Mỹ Ánh, Y sĩ Trưởng TĐ7 TQLC, bị mảnh đạn 130ly mất 1 con mắt vào năm 1971 cùng lúc Y tá Trưởng của anh bị tử trận; BS Nguyễn Hữu Hoàn, Y sĩ Trưởng TĐ1 TQLC, tuy thoát chết khi trực thăng chở nguyên trung đội quân y của anh bị trúng hỏa tiễn vào lúc đơn vị điều động đổ quân xuống Triệu Phong, Quảng Trị vào tháng 7, 1972, nhưng anh bị phỏng rất nặng và trở nên tàn phế vĩnh viễn.
(6)

Ngày tốt nghiệp trường Quân Y vào cuối tháng 5, 1974, BS Bùi Cao Đẳng, đậu thứ 11 trong danh sách khóa 17 Trưng Tập YND, là người đầu tiên bước lên bục gỗ, vừa cầm cây gậy dài chỉ vào hàng chữ QYND trên bảng danh sách chọn đơn vị, vừa la lớn không do dự “tôi chọn đơn vị QYND”. Kế liền Đẳng là tôi, đậu thứ 12, rồi BS Lê Quang Tiến, đậu thứ 14, cũng với một thể thức như Đẳng, đồng chọn QYND, mặc dù trên bảng chọn đơn vị phục vụ vẫn còn rất nhiều chỗ êm ả, nhẹ nhàng như các quân y viện tiểu khu, các liên đoàn quân y... Ngoài 3 chúng tôi, còn có thêm 4 BS, trong đó có Nguyễn Tấn Cương, bạn cùng lớp, cũng xuất thân từ Y Khoa Huế, 1 NS và 1 DS cùng chọn QYND. Tất cả chúng tôi lần lượt được cả khóa đứng dậy hoan hô vỗ tay vang dậy cả phòng họp.

Trở về nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa, tôi báo cho Măng
[má/mẹ] tôi biết mình đã chọn đi Nhảy Dù. Măng tôi la hoảng lên, lo lắng thấy rõ. “Răng mà chọn đi ND nguy hiểm rứa! Không sợ chết à?! Gia đình nuôi con ăn học ra tới BS mà không biết suy nghĩ thương lại Măng và các anh chị!” Tôi liền trình bày quan điểm của mình về binh chủng ND cho Măng tôi nghe. Ngoài ra, tôi còn nhắc cho Măng tôi nhớ gia đình mình là công giáo, sống chết là số mệnh, rồi nào là anh rể tôi, Hồ Khắc Đàm, vốn là TĐT TĐ11 BĐQ khét tiếng với trận Ben–Hét, ra vào trận mạc liên miên mà chỉ bị thương thôi; rồi người anh họ Trung tá Hồ Châu Tuấn còn ghê hơn nữa vì ảnh thuộc Lực Lượng Đặc Biệt mà nay vẫn sống nhăn răng gần nhà mình; và người em con của Cô ruột tôi, Đại úy Trần Văn Thể, ra vào sinh tử bao nhiêu năm, nay là ĐĐT một đại đội xung kích của TĐ1ND... Mặc tôi giải thích, Măng tôi vẫn nhất quyết cho người kêu các bà chị của tôi đến nhà để bàn chuyện, ý muốn tìm cách thay đổi đơn vị cho thằng con trai út bằng cách nhờ cậy người anh bà con khác là Đại tá Bảo, chỉ huy trưởng Trung Tâm Quản Trị Quân Số Thặng Dư của Bộ TTM có cơ sở nằm ngay đầu đường Lê Văn Duyệt/Tô Hiến Thành, không cách CXSQ [cư xá sĩ quan] Chí Hòa bao xa.

Đến nước đó, tôi cương quyết giữ vững lập trường của mình, cho biết tôi dứt khoát muốn trở thành một BS Nhảy Dù, rằng tôi muốn tự thực hiện một thay đổi quan trọng cho đời mình, dấn thân vào chốn nguy hiểm để xem mình có thể quên được người con gái tôi hằng đeo đuổi và thương nhớ trong nhiều năm qua. Xót xa cho thằng em mình, các chị tôi bênh vực tôi và cuối cùng Măng tôi đành miễn cưỡng chấp nhận.

Tuần lễ trước khi trình diện Bộ Chỉ Huy TĐQYND ở trại Hoàng Hoa Thám, nhóm chúng tôi cùng rủ nhau đi tìm mua nón Beret đỏ của Pháp, những bộ quần áo Dù bằng nylon, thuê người sửa lại cho vừa kích thước, rồi may phù hiệu của SĐND vào cánh tay áo trận bên phải, huy hiệu TĐQYND vào cánh tay áo bên trái, huy hiệu Cánh Thiên Thần vào túi áo trên bên trái cùng với bảng tên mình ở trên, 2 bông mai đen trên cổ áo và phù hiệu ND trên mũ Beret. Riêng về phần tôi, người anh bà con Hồ Châu Tuấn cảm khoái chuyện tôi đi ND và đặc biệt thương quý tôi, tặng cho tôi những bộ áo quần hoa dù màu đỏ huyết của Pháp mà mãi cho đến khi mất nước tôi vẫn chưa có dịp mặc đi dạo phố, 2–3 áo Saut trận của Pháp, 3–4 đôi bottes de Saut loại da rất tốt. Rồi anh rể Hồ Khắc Đàm của tôi cũng chuyển giao cho tôi nhiều vật dụng cá nhân anh còn lưu giữ sau khi rời BĐQ. Ngày chúng tôi hân hoan trình diện TĐQYND ở hậu cứ nhận chỉ thị học khóa Huấn Luyện ND, chúng tôi đồng ăn mặc áo quần trận như một sĩ quan ND với nón Beret đỏ và đầy đủ phù hiệu. Ngoại trừ huy hiệu bằng Nhảy Dù.

Khi vào Trung Tâm Huấn Luyện ND, tôi vượt qua trắc nghiệm về khả năng sức khỏe và sự bền bỉ của cơ thể trong những ngày đầu tiên không mấy khó khăn, ngay cả với chạy dã chiến 7–8 cây số với trang bị hành quân, ba–lô sau lưng và súng trên tay, rồi chạy nước rút cả cây số sau khi được nghỉ nửa giờ. Đó là nhờ cả tuần trước, mỗi ngày 2 lần sáng và chiều, tôi đều đặn ra sân vận động trong CXSQ Chí Hòa tập chạy, hít đất, nhảy dài, Barre fixe, leo dây... Tuy nhiên, về đến nhà buổi chiều, thân thể tôi rã rời, mọi bắp thịt đau nhức. Sau phần căn bản nhập khóa, chương trình Huấn Luyện Nhảy Dù gồm có 2 giai đoạn, huấn luyện dưới đất và thực tập nhảy dù từ trên phi cơ.

Tuần lễ thứ nhất với cách thức mang dù lưng và dù bụng cùng các trang bị hành quân, cách tháo đai dù, khám dù, cách thức đi đứng trên phi cơ, móc khóa dù vào dây, kiểm soát dù cho người đứng trước, tiến dần đến cửa trong tư thế sẵn sàng nhảy và “GO” khi đèn xanh bật lên, tư thế nhảy ra khỏi phi cơ, kiểm soát và lái dù theo ý muốn, các thế té xuống đất (như té trước, té sau, té ngang phải hoặc trái) hòng tránh thương tích, và thu lượm & bảo trì dù sau khi đáp xuống đất.
(8)

Tuần thứ hai căng thẳng hơn nhiều với tập nhảy từ 2 đài cao. Đài 11 thước với mỹ danh “Chuồng Cu” tập cho lính Dù quen với cách nhảy khỏi phi cơ ở độ cao, với 2 dây đai dù treo vào bánh xe trên 1 dây cáp; khi nghe tiếng hô “GO”, khóa sinh phải phóng ra khoảng không trước mặt cho đúng tư thế. Thông thường đây là chặng đường mọi khóa sinh, từ quan cho đến quân, đều run sợ, toát mồ hôi và dễ bỏ cuộc, không những vì bị ngộp bởi độ cao, mà còn vì thân hình bị thả rơi tự do trong mấy giây trước khi bị giựt khựng lại rất mạnh bởi dây đai trên 2 vai. Trước đó, người lính dù phải đứng thẳng, đầu gối chụm lại, 2 tay ôm dù bụng, mắt phải mở, nhảy ngay sau tiếng “GO” với miệng đếm số 331, 332, 333, 334. Hết chuồng cu rồi tới Đài 12 thước, được gọi là Dây Tử Thần, là nơi khóa sinh đu vào tay cầm của bánh xe mắc vào dây cáp căng từ đỉnh đài xuống dần đất, để tập làm quen với cảnh mặt đất dâng lên khi đáp xuống đất, để ngay sau cú phất cờ đỏ từ huấn luyện viên, lộn vòng đúng tư thế rồi đứng dậy. Vì đã quen với độ cao từ nhỏ, nên tôi không có mấy trở ngại hoặc xanh mặt hồi hộp như nhiều quân nhân khác. Ngoài 2 Đài, chúng tôi phải học làm quen Dù Lôi là cách tránh dù bị gió mạnh lôi không đứng dậy được khi chân vừa chạm đất.

Qua 2 tuần học lý thuyết và thực tập trên đất, xen kẽ giữa những màn cả khóa vừa chạy vừa hát hoặc vừa la to khẩu hiệu “Nhảy Dù–Cố Gắng”, và những hâm nóng mỗi sáng với hít đất, chạy, nhảy, leo dây... có một số nhỏ khóa sinh bị loại. Riêng nhóm QY chúng tôi không có người nào bị đánh rớt, dù có bạn chạy lẹt đẹt cuối đoàn, hay sợ xanh mặt khi nhảy chuồng cu nhưng vẫn cương quyết không bỏ cuộc. Tất cả chúng tôi đều sẵn sàng cho giai đoạn 2, cũng là giai đoạn chót của chương trình huấn luyện ND. Đó là chính thức thực tập nhảy dù từ trên phi cơ ở độ cao 400 thước.

Giai đoạn này gồm có 7 sauts nhảy từ phi cơ. Vì là sĩ quan nên tôi được chỉ định làm trưởng toán đứng đầu mỗi khi nhảy. Nhớ lại Saut đầu tiên, đang đứng thẳng người ở cửa phi cơ, vừa kịp nhìn thấy đèn xanh báo hiệu và nghe tiếng “GO” của huấn luyện viên, tôi vừa nhoài người nhưng chưa kịp phóng ra khỏi cửa thì đã bị ngay gió mạnh cuốn thổi văng ra bên ngoài trời, quên luôn cả đếm số và có lẽ... đang còn nhắm mắt. Khi nhận biết thân mình đang rơi bỗng bị khựng lại, tôi mở mắt nhìn lên thấy dù tự động đã bung rộng trên đầu, một cảm giác lâng lâng khó tả và không thể quên. Ôi thật sung sướng khi biết mình đang như một loài chim trời, một Thiên Thần Mũ Đỏ đang nhẹ nhàng lơ lửng giữa không gian. Nhìn xuống dưới thấy mặt đất dâng lên nhanh, tôi bắt đầu chú trọng vào cách hướng dù vào vị trí đáp cũng như chuẩn bị tư thế đáp. Khi gần đến mặt đất tôi kéo nhẹ đai dù 2 bên xuống cùng một lúc rồi nhanh chóng buông ra. Cánh dù đang xuống nhanh bỗng được bung to ra làm chậm tốc độ và làm nhẹ sự đáp xuống đất, để lúc chân vừa chạm đất tôi cho người đáp nghiêng một bên và an toàn lăn xuống đất. Ôm đai dù chạy một phần tư vòng tròn quanh chiếc dù cho dù xẹp xuống, tôi tiến đến núm dù, cuốn dù lại và mang nguyên dù cùng đai dù đến giao nộp ở chỗ tập họp. Chiều về nhà tôi hào hứng kể cho Măng tôi nghe chuyện tôi nhảy dù lần đầu tiên khiến Măng tôi cũng vui lây, dần dần quen với cái nguy hiểm của lính ND và có thiện cảm nhiều hơn.

Với những Saut kế tiếp, tôi hoàn toàn tỉnh táo và làm đầy đủ các động tác học được từ 2 tuần trước. Saut thứ 4, mang thêm Ba–lô trước 2 đùi, ngay dưới dù bụng, mà mình phải nhớ thả giây cho Ba–lô xuống trước khi đến phiên mình đáp xuống đất. Saut này tôi bị gió cuốn mạnh, nên phải kéo đai dù ngược với hướng gió cho dù xuống thẳng, khiến chạm đất mạnh. Bị dù lôi, tôi phải chạy nguyên vòng tròn mới không bị gió kéo lăn lóc dưới đất. Saut thứ 5 vừa có Ba–lô vừa mang cây súng. Saut thứ 6, với đầy đủ trang bị hành quân trên người, ngoài dù lưng và dù bụng, rất nặng nề. Saut Thứ 7 cuối cùng là Saut nhảy đêm. Từ cửa phi cơ nhìn ra ngoài tối đen, gió ào ào; nhảy ra khỏi phi cơ nhìn xuống bãi đáp Ấp Đồn le lói chút ánh sáng từ những bó đuốc 4 góc và ở vòng đai. Đáp xuống đất có phần hồi hộp hơn vì không biết chính xác khi nào chân chạm đất. Tôi vẫn nhớ 2 Saut đầu tiên và Saut nhảy đêm chúng tôi đều nhảy từ phi cơ C47. Nhưng từ Saut thứ 3 cho đến Saut thứ 6, có lẽ chúng tôi được nhảy từ phi cơ C123 một hoặc hai lần. Vì loại phi cơ này lớn chứa nhiều người hơn và bay nhanh hơn nên vài ba người nhảy cuối toán có thể gặp nguy hiểm nếu đáp trúng vào hàng rào giây thép gai ở cuối bãi đáp hoặc đôi khi còn đáp hẳn ra ngoài vòng đai an ninh của bãi. Là người luôn nhảy đầu toán, nên tôi không gặp những cảnh trớ trêu trên.

 

 

Sau Saut nhảy đêm, nhóm QYND chúng tôi rủ nhau đi ăn mừng vì anh em chúng tôi vượt qua được mọi giai đoạn khó khăn của khóa HLND để trở thành một người lính Dù thực thụ mà không một bạn nào bị thương tật; đồng thời chúng tôi hãnh diện nhận biết mình cũng có sức chịu đựng và khả năng sống sót như bao người lính Dù khác, khi cần. Tinh thần ấy thể hiện qua khẩu hiệu “Nhảy Dù–Cố Gắng” mà ngày ngày được mọi khóa sinh, kể cả chúng tôi, đồng loạt la lớn trong khi chạy chung đoàn hay trong khi luyện tập.

Nhảy Dù–Cố Gẳng đã giúp người lính Dù vượt qua sợ hãi phóng mình ra khỏi cửa phi cơ, tung mình vào trận chiến, quên đi muôn vàn khó khăn khổ nhọc trên bước tiến quân. 4 chữ Nhảy Dù–Cố Gắng, tuy đơn giản, nhưng khi được hét vang từ một tiểu đội lính Dù, từ một ĐĐ tác chiến, từ một TĐ Dù, trở thành một sức mạnh tập thể giúp đơn vị hoàn tất nhiệm vụ được giao phó trong hoàn cảnh gay go nhất, nguy hiểm nhất của địa ngục trần gian, đòi hỏi quyết tâm, quả cảm và hy sinh tối đa. Để xung phong thẳng vào vị trí địch. Để không lùi một bước trước quân thù. Để tử thủ cho đến phút cuối cùng. Để giữ vững vị trí ngay cả trong giờ thứ 25. Để đơn vị không bị over run. Không do dự khi cần gọi pháo bắn nổ chụp trên đầu mình. Cho dù bị thương tích. Cho dù chỉ còn một người. Với một lưỡi lê. Một trái lựu đạn.

Tell my wife I love her true
Tell my children to remember me
Tell my paratroopers never surrender
You, my officers, one final salute...
(9)

Nếu từng là Thiên Thần Mũ Đỏ, cuộc đời ta luôn gắn liền với Nhảy Dù–Cố Gắng, trong bão lửa chinh chiến, trong lao tù và mãi về sau này. Trước những quằn quại đau đớn của cả thể xác lẫn tâm hồn. Trong chiến thắng hay thất bại. Với những up–and–down của cuộc sống, những hư hao mất mát trong tình cảm. Qua những vết thương trên cơ thể hay trong lòng, qua những phong ba bão tố của đời người. Nhảy Dù–Cố Gắng. Nhảy Dù–Cố Gắng cho ta ý chí bất khuất, nghị lực phi thường, sự cam khó và nhẫn nhục khi làm lại cuộc đời trên xứ người. Nhảy Dù–Cố Gắng khi cùng chung góp sức mạnh đoàn kết giữ đời cho nhau.

Ngày hôm sau của Saut nhảy đêm, toàn thể khóa sinh được tập họp trước sân cờ. Không riêng gì tôi, mọi người đều cảm động và hãnh diện nhận lãnh bằng và huy hiệu bằng ND từ tay vị Chỉ Huy Trưởng TTHLND. Trên đường về nhà, tôi ghé ngang qua tiệm may nhỏ trong trại Hoàng Hoa Thám, nhờ cô chủ gắn huy hiệu bằng Dù vào phía trên túi áo trận bên phải. Kể từ giờ phút ấy, tôi chính thức là một người lính Nhảy Dù. Một Y sĩ Nhảy Dù. Một Thiên Thần Mũ Đỏ.

Hầu như mọi lính Dù đều có chung một tần số: thích mạo hiểm, thích xông pha, thích thử thách. Thương yêu Tổ Quốc. Trọn vẹn với nước nhà. Chí tình với đồng đội. Thích lối sống hào hùng, thích đi mây về gió, nay đây mai đó, là người của mây bốn phương trời, đi có về không, đi đông về ít hoặc xanh cỏ hay đỏ ngực. Đồng mang nặng một tinh thần trách nhiệm cao độ, một tinh thần thượng võ hào hùng và một kỷ luật thép vô cùng nghiêm minh. Có sức chịu đựng bền bỉ, có khí phách của một nam nhân bất khuất, dũng cảm và gan dạ, sẵn sàng bảo vệ danh dự màu cờ sắc áo. Thích làm Thiên Thần (sống), thích Mũ Đỏ, thích bộ đồ Hoa Dù với áo Saut. Và có khuynh hướng ăn chơi bạt mạng, nhất là mỗi khi về phép sau một trận đánh, thích phiêu lưu bay nhảy, văn nghệ đầy mình. Rất mê gái... và cũng rất được gái mê?!... Đồng thời... lại rất là sợ... VỢ.

Hai ngày sau khi lãnh bằng Dù, vào đầu giữa tháng 7, 1974, toàn thể 9 người chúng tôi trong toán QYND mới học xong bằng Dù được đưa ra Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của SĐND ở Non Nước, Đà Nẵng, trình diện Y sĩ Thiếu tá Trần Đức Tường, TĐT TĐQYND và Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh SĐND. Qua hôm sau, tôi được đưa ngay đến TĐ1ND với Trung tá Lê Hồng làm TĐT và Thiếu tá Ngô Tùng Châu làm TĐP, nhận chức vụ Y sĩ Trưởng của TĐ1ND, không hề biết trước, không một chuẩn bị hành trang. Và từ đó tôi bước vào đời Y sĩ tiền tuyến, theo chân TĐ1ND đi vào mặt trận Thường Đức – Đại Lộc. Bấy giờ Thiếu tá Ngô Tùng Châu vừa được bổ nhiệm làm TĐT TĐ1ND. Đến cuối tháng Giêng 1975, tôi được thuyên chuyển về TĐ15ND Tân Lập ở Sài Gòn.

Từ ngày khoác áo chinh nhân với quân phục hoa dù mũ đỏ, tôi đã thực hiện được ước mơ trở thành một Y sĩ ND của mình. Chính chức vụ cũng như tinh thần chiến đấu của đơn vị đã giúp tôi học hỏi kinh nghiệm quý báu, cho tôi hiểu thế nào là tinh thần trách nhiệm, tinh thần đồng đội, lãnh đạo chỉ huy. Tôi dần dần chững chạc hơn trong suy nghĩ và trong phong cách. Tôi quyết chí và tự tin hơn tìm gặp lại người tôi hằng yêu thương sau 3 năm xa cách với vẻ hiên ngang khí khái của một Thiên Thần Mũ Đỏ. Dưới mắt nàng tôi không còn là bạch diện thư sinh mà là một con người dày dạn phong sương, vững vàng, lạc quan và đầy sức sống.

Mùa Xuân 1975 là một mùa xuân đầy thảm họa cho đất nước, với những trận đánh cuối cùng của Lữ Đoàn 3 tại mặt trận Khánh Dương, của Lữ Đoàn 2 ND ở mặt trận Phan Rang, rồi của Lữ Đoàn 1 ND ở mặt trận Long Khánh, và cuối cùng là trận đánh đầu tiên đồng thời cũng là trận đánh cuối cùng của Lữ Đoàn 4 ND Tân Lập ở Sài Gòn và vòng đai, với ngày cuối buông súng nghẹn ngào của TĐ15ND của tôi tại cầu Bình Triệu.

Nhưng riêng với nàng và tôi, đây là một mùa Xuân tràn ngập yêu đương khi cuộc tình sử của tôi từ từ chuyển hướng thuận lợi theo thời gian ngắn còn lại của cuối cuộc chiến. Có thể nàng cũng thấm mệt vì sự đeo đuổi dai dẳng mang nặng chất “Cố Gắng” của tôi trong suốt 9 năm trường. Cũng có thể nàng tội nghiệp tôi khi nhìn thấy những bụi cây cỏ còn sót trên bộ áo trận chưa kịp thay khi tôi đi từ nơi đóng quân đến thẳng nhà nàng. Hay vì nàng ngỡ ngàng thấy một khoảng dơ bám trên tường trắng sau khi tôi tạm tựa đầu mình vào trong một cơn buồn ngủ bất chợt đến, hoặc khi chiếc khăn ướt nàng đưa tôi lau mặt trở nên đen thui cáu bẩn. Tôi còn nhớ ánh mắt e ngại của cha nàng khi nhờ ông giữ giùm dây ba chạc gồm có khẩu súng Colt, lựu đạn mini, dao găm, địa bàn, bi–đông nước... để đưa con gái ông đi chơi. Mãi sau này, nàng mới hé mở “Hồi thấy lính mặc đồ rằn ri là em sợ lắm. Nhưng anh mặc đồ ND với nón Beret đỏ, thì... khác. May cho anh đó...”

Ngày đôi cánh thiên thần của tôi sụp gãy, nàng can đảm dang rộng đôi tay cứu vớt đời tôi. Vòng tay em tuy nhỏ, nhưng cái ôm choàng cứng chặt và bền bỉ hơn cả cánh dù tôi hằng mơ ước. Em cùng tôi chắt chiu hạnh phúc trong cơn lốc đổi đời, cùng nhau bước qua bao gian khó, thử thách để có nhau và mãi mãi bên nhau.

Giờ đây, nhìn lại ngày tháng tuổi hoa niên của mình, tôi nhận biết tôi đã làm một quyết định đúng khi vào Nhảy Dù. Tôi đã đi. Đã thấy. Đã nghe. Đã Sống. Đã làm tròn bổn phận với đất nước. Đã vinh quang cũng như tủi nhục. Và chưa một lần tôi hối tiếc thời gian đi Nhảy Dù, phục vụ QYND, cho dù phải trả bằng cái giá của mấy năm tù tội, gian nan trên biển cả lênh đênh.

Xin cho tôi nhắm mắt nghe tiếng gió vi vút qua những rặng cây để tưởng nhớ đến những bạn chiến đấu của mình, có tên hay không tên, đã gục ngã trên các nẻo đường quê hương, lắng nghe tiếng thầm thì nhắc nhở đừng bỏ quên chúng tôi nhé! Như hàng chữ khắc trên tượng đài vô danh ở chỗ hẻo lánh trong dẫy núi Rocky, Colorado, “Nếu khóc than có thể biến đổi diễn tiến của sự việc / thì dòng lệ của tôi sẽ đổ xuống không ngừng cho đến ngàn thu”...

 

 

Nguyện xin Thánh Michael, quan thầy của Binh chủng Mũ Đỏ, gìn giữ linh hồn những Thiên Thần đã rời bỏ đại đoàn, và quan phòng những Thiên Thần hiện vẫn sống tạm ở trần thế.

Xin kính tặng những Quân Y sĩ, những Sĩ Quan Trợ Y và những Quân Y tá Tiền Tuyến, đặc biệt của TĐQYND, cùng các quân nhân Nhảy Dù, đã bỏ mình trong cuộc chiến VN.

Xin hãy cho tôi một lần đứng chào
Những người bạn đã nằm xuống nơi xưa
Xin hãy cho tôi một lần trở lại
Bung cánh Dù ngạo nghễ năm xưa...
(10) + (11)
Một Lần Nhảy Dù, Một Đời Nhảy Dù
Airborne All The Way
Para Un Jour, Para Toujours
Nhảy Dù–Cố Gắng


Vĩnh Chánh
Bên bờ hồ Mission Viejo
Ngày 23, tháng 9, 2016

Phụ Lục

 

(1) Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
(2) Thi Sĩ Hà Huyền Chi
(3) Một Ngày Mũ Đỏ, Một Đời Mũ Đỏ – Thơ: Hà Huyền Chi. Nhạc: BS Phạm Gia Cổn, QYND – https://youtu.be/8fR6AYrerbw
(4) Y sĩ Tiền Tuyến – Tác Giả BS Trang Châu, QYND
(5) Y sĩ Tiền Tuyến – Tác giả BS Trang Châu, QYND
(6) Y sĩ TQLC: Những người không thích sống lâu – Tác giả MX Phạm Vũ Bằng
(7) Y sĩ Trưởng TĐ2ND – Tác giả BS Trần Đoàn, QYND
(8) nhaydu.com/tieu su/Tr.Tam Huan luyen ND
(9) Major John Duffy, Cố Vấn Trưởng TĐ11ND ở trận Charlie
(10) Cánh Hoa Dù – Tác Giả: BS Dương Đình Hưng, khóa YND Trưng Tập 11
(11)
Nhạc Cánh Hoa Dù
 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Những trang liên hệ

 

Tôi đi nhà thờ Xưa và Nay

Mùa Xuân Chiến tranh & Tình yêu

Chuyện một Thiên Thần Mũ Đỏ và Hai Tiên Bà

Tôi Vào Quân Y Nhảy Dù

Thương Người Độ Lượng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet email by MĐ nguyễn minh hoàng chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, November 6, 2016
Cập nhật ngày Thứ Bảy, October 5/2024 – Thêm Bài đọc
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang