Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký
Chủ đề:
lính viết
Tác giả:
MĐ BS Trang Châu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến được viết thành một bút ký dài với
mục đích tiên khởi là để dự thi Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc
do nền Đệ Nhị Cộng Hòa tái lập vào năm 1969. Giải thưởng này,
được thiết lập dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, bị gián đoạn sau cuộc
chính biến năm 1963. Tôi còn nhớ mình hăm hở viết, được trang nào
là đưa cho người hạ sĩ quan thư ký đánh máy. Lúc ấy tôi đang là
Đại đội trưởng Đại đội Chỉ Huy kiêm y sĩ gây mê của bệnh viện Đỗ
Vinh của Sư Đoàn Dù.
Tôi hăm hở viết vì điều kiện dự thi
không bắt buộc phải là một tác phẩm đã xuất bản và nếu hoàn tất
trong vòng 6 tháng thì kịp thời hạn chót để nộp tác phẩm dự thi.
Tôi hăm hở viết vì trong thời gian đang thụ huấn chuyên môn gây
mê tại Tổng Y viện Cộng Hòa tôi được tin bài bút ký Đường Ra Bến
Hải của tôi được chấm giải nhất trong cuộc thi bút ký chiến đấu
do báo Tiền Phong của Cục Tâm Lý Chiến tổ chức. Khi đi lãnh giải
thưởng 10,000 đồng tôi mới biết chánh chủ khảo cuộc thi này là
nhà văn kiêm nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh. Tôi nghĩ chính giải thưởng
này là động cơ thôi thúc tôi hoàn tất cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến.
Đoạn bút ký Đường Ra Bến Hải tôi viết
đang lúc là y sĩ trưởng Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù. Tiểu đoàn trưởng
lúc đó là Thiếu tá Trần Quốc Lịch và Tiểu đoàn phó là Đại úy
nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh. Tôi còn nhớ đó là năm đầu tiên
tôi ăn Tết xa nhà, mặc dù nhà không xa lắm. Bình Chánh chỉ cách
thủ đô Sài Gòn chỉ vài giờ xe. TĐ3ND có nhiệm vụ đóng ven đô làm
vòng đai an ninh và yểm trợ bẻ gãy chiến dịch lấy nông thôn bao
vây thành thị của địch.
Cho nên TĐ3ND chỉ có những cuộc hành
quân cấp Đại đội phối hợp với các cánh quân bộ binh Mỹ có trực
thăng võ trang yểm trợ. Tôi thì cứ nơi nào đặt được cơ sở hành
chánh địa phương thì tôi đến làm dân sự vụ: khám bệnh, phát thuốc
vào buổi sáng. Phần còn lại của ngày tôi rảnh rỗi. Một hôm mở đài
phát thanh quân đội tôi nghe Cục Tâm Lý Chiến mở cuộc thi bút ký
chiến đấu. Tôi tự nhủ sao mình không viết một bài gởi dự thi. Vốn
sống mình có. Biết đâu trúng giải. Trước đó tôi đã có viết một
bài đăng ở Đặc San Mũ Đỏ với tựa đề Thử Lửa kể lại trận đánh đầu
tiên tôi tham dự với Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù ở Bồng Sơn. Ban đầu
tính gửi bút ký Thử Lửa đi dự thi, nhưng sau đó nghĩ lại tôi thấy
nên viết một bài mới thì hay hơn. Và tôi chọn viết lại cuộc hành
quân ờ Vùng I cũng với TĐ6ND, một cuộc hành quân không chạm địch
lớn nhưng rất kham khổ.
Thế là tôi viết bút ký Đường Ra Bến
Hải. Tôi ít viết ban ngày, chờ đêm yên tĩnh mới viết. Sợ ánh đèn
dầu làm lộ vị trí đóng quân tôi cho lấy poncho bao kín cái bàn
viết và ghế ngồi dã chiến do một y tá khéo tay đóng cho. Nhờ trời
đêm mát thoáng tôi không bị nóng và ngộp thở. Tôi viết chừng một
tuần là xong bài bút ký. Chép lại xong tôi cho vào phong bì, giao
cho một y tá khi theo xe về hậu cứ lấy thuốc, ra bưu điện mua tem
dán vào và gởi về tòa soạn báo Tiền Phong.
Sau khi rời TĐ3ND, về lại bệnh xá Đỗ
Vinh, tôi được gởi đi thụ huấn khóa gây mê tại Tổng Y viện Cộng
Hòa. Thời gian thụ huấn là 12 tháng. Bệnh xá Đỗ Vinh sẽ được nâng
cấp lên thành bệnh viện 100 giường. Bệnh viện sẽ có hai y sĩ giải
phẫu và một y sĩ gây mê. Trong tương lai các trường hợp giải phẫu
lớn cho quân nhân Dù các cấp sẽ không gửi đi Tổng Y viện Cộng
Hòa nữa mà sẽ được thực hiện tại bệnh viện Đỗ Vinh. Tôi còn nhớ
vị sĩ quan cấp tá đầu tiên được giải phẫu tại Đỗ Vinh do tôi gây
mê lại là vị Tiểu Đoàn Trưởng TĐ6ND cũ của tôi: Thiếu tá Nguyễn
Văn Minh. Ông bị gãy xương ống chân khi nhảy bồi dưỡng. Mãi lo
thực tập để trở thành y sĩ gây mê, tôi quên bẵng chuyện mình có
gửi một bút ký đi dự thi. Cho đến một hôm vị y sĩ huấn luyện viên
kiếm tôi tươi cười báo tin:
– Tôi vừa nghe đài phát thanh loan tin
anh được giải nhất cuộc thi gì đó của Cục Tâm Lý Chiến. Xin chúc
mừng anh.
Tôi
bắt tay cám ơn ông báo tin vui, lòng rất phấn khởi. Tôi hãnh diện
thầm: thì ra mình viết văn cũng không tệ. Lâu nay tôi vẫn nghĩ
mình chỉ là một người biết làm thơ. Tôi được tin cuốn Y Sĩ Tiền
Tuyến được giải thưởng một tháng trước khi Bộ Văn Hóa tuyên bố
kết quả. Dạo đó, buổi chiều sau khi đi làm về tôi thay đồ xi–vin
ra quán Pagode ngồi uống nước với nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Khi
gửi bản thảo Y Sĩ Tiền Tuyến đi dự thi tôi không nói với một ai.
Có lẽ sợ tiết lộ ra lỡ không trúng giải thì quê! Tôi còn nhớ hôm
đó ra quán Pagode, vừa thấy tôi Nguyễn Đình Toàn vẫy tay lia lịa,
kêu tôi tới bàn anh.
– Này, toa trúng giải văn học nghệ
thuật rồi đấy!
Tôi mở mắt to:
– Thật không?
– Thật. Nguyễn Mạnh Côn, trong Ban Giám
Khảo nói thì làm sao sai được. Moa có hỏi vì sao giả chọn tác
phẩm của toa thì giả nói vì nó “authentique”
[chân thực].
Tôi không bao giờ quên cái cảm giác
lâng lâng khó tả trước tin mình được giải thưởng cao quí nhất lúc
bây giờ. Một tay viết tài tử với một tác phẩm còn dưới dạng bản
thảo, đánh máy lèm nhèm, đã được các ông trong ban giám khảo chịu
khó đọc và cho giải. Hôm tôi vào Dinh Độc Lập lãnh giải do chính
tay Tổng thống Thiệu trao, tôi mặc quân phục đại lễ trắng, đội mũ
đỏ. Tôi muốn cho tất cả mọi người có mặt hôm đó thấy rằng, hiểu
rằng xương máu, mồ hôi của quân nhân binh chủng Dù đã tạo nên tác
phẩm này. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, ở trong Ban Giám Khảo, đến tặng
tôi 2 câu thơ viết trên lụa mà tôi còn nhớ:
“Y sĩ y hỵ mà hay
Xông pha Tiền Tuyến quản gì gió sương”
Với trăm ngàn tiền thưởng tôi tổ chức
một đêm họp mặt ở hội quán Hoa Dù để ăn mừng. Sau đó tôi chưa
biết chọn nhà xuất bản nào để in thành sách thì nhờ Bác sĩ Nguyễn
Đức Liên, vị y sĩ Dù đàn anh mà tôi đến thay thế ở Tiểu Đoàn 3
Nhảy Dù giới thiệu tôi với nhà xuất bản Đường Sáng, một nhà xuất
bản rất uy tín thời bấy giờ. Anh Nho, giám đốc nhà xuất bản nhận
lời in. Tôi được thêm một món tiền về bản quyền khá hậu hĩnh của
anh Nho. Anh Nho đích thân chọn hình bìa, phụ bản, kiếm người
viết lời giới thiệu. Anh Nho cũng chưa thỏa mãn lời viết giới
thiệu của hai nhà văn Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Đạt Thịnh ở
trang bìa sau. Anh muốn nhờ một nhà văn ở trong ban giám khảo
viết giới thiệu. Chính anh Nho đã đi nhờ nhà văn Mai Thảo viết.
Trong 5000 cuốn in đợt đầu anh Nho chia
ra nửa đầu do Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Đạt Thịnh viết, nửa sau do
Mai Thảo viết. Cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến được tái bản ở hải ngoại nằm
ở nửa đầu nên độc giả không đọc được lời giới thiệu của Mai Thảo.
Tôi chỉ còn nhớ mấy dòng đầu lời giới thiệu của Mai Thảo: “Hạnh
phúc và may mắn của một nhà văn mới lên đường, như trường hợp
Trang Châu, là đi thẳng, đi ngay vào thực tế lớn. Những thực tế
nhỏ không chứng minh được gì hết. Thực tế lớn bây giờ là tuyến
đầu, là mặt trận. Trang Châu đã có mặt ở đó...” Ra đến hải ngoại
tôi mới biết tác phẩm của mình đã từng được dùng làm phần thưởng
cuối năm ở một số các trường trung học và là đề tài thi ở đại học
Văn Khoa Sài Gòn.
Bốn mươi năm sau đọc lại tác phẩm mình,
tôi có cảm giác là lạ mình như vừa độc giả vừa diễn giả. Vẫn cảm
thấy bồi hồi, vẫn nhìn thấy cảnh trí, sự việc sống động diễn ra.
Rồi nhận thấy có những điều chưa được ghi lại suốt thời gian tôi
phục vụ ở Tiểu Đoàn Quân Y Dù, trước và sau khi viết cuốn Y Sĩ
Tiền Tuyến. Viết thêm phần này coi như rót cho đầy ly, gói cho
tròn những kỷ niệm. Tôi không nhớ trong phần Lời Nhà Xuất Bản
nội dung những câu bị kiểm duyệt cũng như trong chương Thử Lửa.
Chỉ nhớ đó là mấy câu hò vào ban đêm của một nữ cán bộ cộng sản.
Khi ra hải ngoại, vào năm 1977, tôi có nhắn tin trên báo Việt Nam
Hải Ngoại của anh Đinh Thạch Bích có ai giữ cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến
tôi xin mua lại. Ngay sau đó tôi được một nhà xuất bản ở Cali
liên lạc xin tái bản, họ còn yêu cầu tôi viết lại dùm hai trang
vì khi họ qua Ba Lê làm phô–tô–cô–pi cuốn sách họ bỏ sót hai
trang. May mắn trí nhớ của tôi lúc đó còn tốt nên tôi viết lại
hai trang đó khá dễ dàng. Quí vị nào còn giữ cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến
tái bản ở hải ngoại sẽ thấy ở chương Ven Đô hai trang viết lại
được viết bằng chữ nghiêng.
Đọc lại tác phẩm mình tôi thấy có bổn
phận phải viết về hai người lính quân y Dù, một hạ sĩ quan và một
sĩ quan, cả hai đều tử trận trong cuộc hành quân chót. Tôi còn
nhớ hôm tôi gặp Thiếu tá Y sĩ Trưởng Hoàng Cơ Lân để xin cho Hạ
sĩ nhất Huỳnh Kỷ làm Y tá trưởng trạm cứu thương Tiểu Đoàn 6
Nhảy Dù. Bác sĩ Lân nhìn tôi ngần ngại:
– Anh có chắc Huỳnh Kỷ chỉ huy được Y
Thuận và Khiêm mù không?
Tôi trình bày lý do yêu cầu của tôi:
– Có thể Y Thuận và Khiêm mù không vui
nhưng tôi tin Huỳnh Kỷ sẽ là một Y tá trưởng xuất sắc. Nó chuyên
môn giỏi, can đảm và được đám Y tá trẻ nể phục.
Với thời gian sự chọn lựa của tôi được
chứng minh là đúng. Chỉ 2 năm sau Huỳnh Kỷ được chọn là chiến sĩ
xuất sắc nhất ngành quân y toàn quốc. Anh được cùng các chiến sĩ
xuất sắc khác vào dinh Độc Lập bắt tay Tổng thống Thiệu và sau đó
được đi bồi dưỡng hai tuần ở Đài Loan.
Sư Đoàn Nhảy Dù đang chuẩn bị một cuộc
hành quân lớn ở Vùng I. Tôi nghe loáng thoáng là hành quân qua Hạ
Lào. Tôi gặp Huỳnh Kỷ ở bệnh viện Đỗ Vinh. Anh đưa tay khoe cái
đồng hồ mới, được Tổng thống Thiệu tặng hôm vào dinh Độc Lập.
Huỳnh Kỷ nói với tôi:
– Trung tá Y sĩ trưởng (bác sĩ Bùi
Thiều) nói với em, sau cuộc hành quân này, ông sẽ cho em rời Dù
về làm việc ở Quân y viện Qui Nhơn, quê của em. Em đi hành quân
chuyến này là chuyến chót.
Nhìn mặt Huỳnh Kỷ tôi bỗng giật mình.
Mặt anh tái mét, không có thần sắc. Tôi lo lắng hỏi:
– Cậu bệnh hay sao mà mặt mày xanh xao
vậy?
Huỳnh Kỷ
cười vô tư:
–
Em có sao đâu bác sĩ.
Huỳnh Kỷ đã đi hành quân lần chót. Và
đi không bao giờ trở về. Khi cánh quân Dù đầu tiên được trực
thăng vận xuống một ngọn đồi, địch như đoán trước được địa điểm
đổ quân, đã pháo tan tành ngọn đồi. Nghe nói hơn phân nửa binh sĩ
Dù của đợt đổ quân đầu tử thương, trong đó có Huỳnh Kỷ. Định mệnh
thật khắt khe: sao nó cứ chờ chực ở ngã rẽ của đời người.
Trạm cứu thương duy nhất của một Tiểu
Đoàn Dù có một Y tá trưởng và một Y sĩ trưởng tử trận là Tiểu
Đoàn 6 Nhảy Dù. Y sĩ trưởng Nghiêm Sỹ Tuấn tử trận ở Khe Sanh
một năm trước Y tá trưởng Huỳnh Kỷ. Tuấn là Y sĩ Dù duy nhất bị
thương hai lần, một lần ở Dakto, một lần ở Cao lãnh. Ở Cao Lãnh
anh bị một viên đạn lạc ghim vào đầu gối. Lối bị thương “lãng
nhách” làm Tuấn bực mình hơn là hãnh diện.
Tuấn được gởi về Tổng Y viện Cộng Hòa
điều trị và sau đó tập vật lý trị liệu. Lần Tuấn bị thương ở Cao
Lãnh tôi được lệnh đi thay anh vì Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù là đơn vị
cũ của tôi. Khi trở về lại bệnh viện Đỗ Vinh, tôi nghe nói Tuấn,
sau khi bình phục, sẽ được theo học khóa giải phẫu một năm. Thấy
Tuấn nhỏ con, tôi nói đùa với Bác sĩ Vũ Khắc Niệm và Bác sĩ Đinh
Hà:
– Thằng
Tuấn mà về Đỗ Vinh thì phải đóng cho nó một cái bục để trong
phòng mổ nó mới “khua đao” được. Sau đó nghe nói Tuấn bỏ không
theo học khóa giải phẫu vì đòi hỏi của Tuấn là sau khóa học phải
cho Tuấn về bệnh viện Đỗ Vinh, điều mà có lẽ Cục Quân Y không
hứa. Thế là tập xong vật lý trị liệu Tuấn lại “súng, xắc” trở về
làm Y sĩ trưởng TĐ6ND cho tròn chu kỳ phục vụ 2 năm ở cấp tiểu
đoàn.
Trận
chiến Khe Sanh mở màn. Đơn vị Dù hành quân cấp chiến đoàn. Tuấn
đi hành quân chuyến chót. Người sẽ thế Tuấn là Bác sĩ Trần Quý
Nhiếp. Vào thời điểm Mậu Thân 1968 các sĩ quan đều bị cấm trại.
Chúng tôi ăn, ngủ và làm việc ở bệnh viện Đỗ Vinh. Tôi còn nhớ
một hôm đang ngủ trưa thì Bác sĩ Niệm vào phòng, vỗ tay, nói lớn:
– Dậy, dậy, có tin quan trọng!
Tôi ngồi bật dậy. Giọng Niệm đứt nghẹn:
– Thằng Tuấn chết rồi! Bị pháo kích! Y
tá mình bị thương một lô nhưng không đứa nào chết. Chỉ một mình
nó chết!
Nhiếp
nhận lệnh cấp tốc lên đường thay Tuấn. Định mệnh lại oái ăm chờ
chực ở ngã rẽ của đời người. Chỉ còn vài ngày nữa là Tuấn chu
toàn nhiệm kỳ 2 năm ở cấp tiểu đoàn. Khoảng 3 giờ chiều, Trung tá
Y sĩ trưởng cho gọi tôi đến văn phòng ông. Ông nói, giọng cố giữ
bình tĩnh:
–
Anh Tuấn tử trận rồi chắc anh đã biết tin. Vì anh là Y sĩ cũ của
Tiểu Đoàn 6 tôi giao anh nhiệm vụ báo tin buồn cho gia đình anh
Tuấn. Anh đi ngay.
Ngồi trên chiếc Jeep đi đến nhà Tuấn
tôi như người mất hồn. Tôi hoang mang không biết phải mở đầu lời
nói ra sao. Tôi chưa bao giờ được học tập để thi hành một công
tác vô cùng tế nhị như đi báo tin một đồng đội vừa tử trận cho
gia đình họ. Ra mở cửa là một ông cụ người tầm thước, mảnh khảnh.
Thấy tôi mặc quân phục Dù, đứng nghiêm
chào tay, ông cụ nở nụ cười và nói:
– Mời đại úy vào nhà.
Vào nhà ông cụ chỉ tôi một chiếc ghế
mời ngồi. Ông cũng đứng trước một chiếc ghế đối diện. Tôi vẫn
đứng yên, cất chiếc mũ đỏ đang đội trên đầu, cầm chặt nó trong
lòng hai bàn tay, rồi run run cất tiếng:
– Thưa bác, cháu đại diện Trung tá Y sĩ
trưởng đến báo bác một tin buồn: anh Tuấn đã tử trận ngày hôm
qua.
Tôi vừa
dứt lời ông cụ rơi người đánh phịch xuống chiếc ghế, ngồi bất
động, hai mắt trừng trừng nhìn tôi, nét mặt nhợt nhạt. Tôi vẫn
đứng im, không biết nói gì thêm. Giây lâu ông cụ mới hỏi:
– Bộ đánh nhau to lắm say sao?
Câu hỏi của ông cụ như một cái phao,
tôi vội níu lấy:
– Dạ vâng, trận chiến rất ác liệt. Anh
Tuấn đang săn sóc một thương binh thì bị một quả pháo của địch
rơi trúng.
Tôi
chia buồn với ông cụ thêm lần nữa rồi chào cáo từ.
Đám tang của Tuấn được tổ chức trọng
thể theo nghi lễ quân cách. Tôi là một trong 4 sĩ quan mặc đại lễ
trắng đi cạnh quan tài Tuấn. Tôi còn nhớ lúc hạ huyệt hai người
khóc nhiều nhất là Bác sĩ cố vấn Smith và Bác sĩ Nguyễn Thượng
Vũ, bạn cùng lớp của Tuấn.
Tôi có làm cho Tuấn một bài thơ, gởi
đăng trên báo Tiền Phong của quân đội. Hôm nay ghi lại bài thơ
như một nén nhang thắp lên để tưởng nhớ một đồng đội, một đồng
nghiệp cũ:
Một Bài Thơ Cho Tuấn
Tao để tiểu đoàn 6 lại cho mày
Trạm cứu thương
Có thằng Khiên mù, có
thằng Như ngọng
Tao để Vũng Tàu lại cho
mày
Bãi trước, bãi sau
Gió biển ngây ngây mùi gái
Tao để căn
phòng cư xá lại cho mày
Đèn mười hai giờ
khuya mới sáng
Đêm đêm
Nằm nghe bên cạnh vợ mắng chồng
Những
thằng thương tao, những đứa ghét tao
Tao
để lại cho mày
Hãy ăn miếng, trả miếng
Những em bán bar, những trái tim rẻ mạt
Tao để lại cho mày
Hãy chớp lấy mà thỏa
thê
Hãy vui hết hôm nay
Hãy sống hết hôm nay
Rồi hãy chán, hãy
đi
Hãy như tao, hãy hơn tao
Nghe không, mày, Tuấn!
Tuấn ơi!
Mày đã chối từ những gì tao để lại
Mày đã thờ ơ những gì tao mua vui
Mày
đứng ngoài cuộc sống
Mày không chấp nhận
tầm thường
Lẻ loi mà bất khuất
Mày lớn lao bằng im lặng
Hiên ngang
trong âm thầm
Hỡi thằng y sĩ Dù bé nhỏ
của chúng tao ơi!
Đi chưa bao giờ biết
mệt
Chiến đấu chưa bao giờ biết nằm
Đêm Gio Linh xác địch chất bên miệng hầm
Chiều Cao Lãnh đạn ghim sâu vào gối
Và
Dakto mảnh sướt bờ vai
Hỡi thằng duy
nhất của chúng tao ơi!
Hai lần chiến
thương vẫn còn “súng, xắc”
Chúng tao
“rửa ruột”
Chờ ăn khao mày lên đại úy
Mày sắp về Bệnh Viện
Một chiếc bục cao
Dành sẵn cho mày trong phòng mổ
Sao mày
không về cùng anh em?
Sao mày đi biền
biệt?
Để một sớm mai buồn chúng tao thức
dậy
Lặng người đau đớn nghe tin mày hy
sinh!
Mọi người khóc mày
Bằng nước mắt tiếc thương
Bằng vòng hoa
tưởng nhớ.
Tuấn ơi!
Một
người nằm xuống cần giấc ngủ yên
Tao
khóc mày bằng im lặng.
Thời ở Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù đóng quân ở
Chợ Đệm (Bình Chánh), tôi có săn sóc vết thương cho một du kích
Việt cộng. Tên địch này đã tạo cảm hứng cho tôi viết bài thơ có
tựa đề: “Giọt nước mắt kẻ thù”. Tôi có vài lần săn sóc cho thương
binh cộng sản, chính qui cũng như du kích. Đứng trước thương tích
của kẻ thù tôi cảm thấy mình không mang chút thù hận.
Tên du kích nằm trên cáng, y bận toàn
đồ đen. Toán y mò về hoạt động lọt vào ổ kích của Dù. Y lãnh một
băng M16, nhưng may mắn cho y, đạn chỉ gây thương tích ở hạ chi.
Y mất máu khá nhiều. Tôi cho làm sạch các vết thương, truyền cho
y một chai nước biển rồi liên lạc Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn xin trực
thăng di tản. Tôi ngồi cạnh nhìn y, y nhìn tôi. Cái nhìn của y,
ban đầu có vẻ ngang ngạnh, thách thức, chuyển sang ngỡ ngàng,
sững sờ khi nghe tôi dịu dàng nói với y rằng vết thương tuy nặng
nhưng y sẽ không bị cưa chân. Y bỗng cầm chặt tay tôi và bật
khóc.
Giọt Nước Mắt Kẻ Thù
Nó bị thương, bị bắt sống
Mọi người
đòi giết nó
Nó núp dưới hầm với một khẩu
tiểu liên
Cầm chân cả trung đội
Nó bắn ngã chúng tôi một người
Bắn bị
thương hai người khác
Tôi đọc nét hờn
căm
Trên những khuôn mặt đồng đội
Mọi người đòi giết nó
Tên du kích vùng
khốn nạn
Gài lựu đạn lùm cây, bờ ruộng
Giết những người bắt cá, mò tôm
Nó nằm
đó, mình bết bùn
Máu cánh tay nhầy nhụa
Tránh những tia nhìn đổ lửa
Những báng
súng gờm gờm
Nó nằm chờ
Một phát súng vào đầu
Một lưỡi dao rạch
bụng
Một cái đạp xuống hố sâu
Nó nằm chờ, nằm chờ tử thần
Nhưng chỉ có
Bàn tay vuốt dịu căm hờn
Bàn tay băng bó
vết thương
Bàn tay vỗ về an ủi
Nó nằm chờ tử thần
Sững sờ bắt gặp tình
thương đồng loại
Đôi mắt sát nhân vụt
bỗng hiền từ
Nhen hai dòng lệ nhỏ
Trong cuộc chiến hôm nay
Cho tôi xin
chiến đấu không hận thù
Xin những vết
thương bình đẳng
Cho tôi đổi một trăm
chiến thắng
Lấy một giọt nước mắt kẻ
thù.
Bốn mươi năm sau đọc lại tác phẩm mình,
những dòng chữ của một thời tuổi trẻ. Một tuổi trẻ bất hạnh, lớn
lên trong máu lửa của chiến tranh. Nhưng cũng là một tuổi trẻ mà
mình dám chọn cho mình một cách sống, để biết thế nào là yêu
nước, thế nào là tình đồng đội, và thế nào là tình người.
Tháng 7 năm 2010
Hiệu Đính tháng 10, 2023
BS Trang Châu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by batkhuat nguyen chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, July 21, 2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang