Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang Lịch sử
Chủ đề: BĐQ–QLVNCH
Tác giả: BĐQ Đỗ Như Quyên

SƠ LƯỢC VỀ TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN
BIỆT ĐỘNG QUÂN/QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA


 

 

Thao Trường Đổ Mồ Hôi–Chiến Trường Bớt Đổ Máu

 

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy

 

1. Nguyên Nhân Thành Lập Binh Chủng Biệt Động Quân:

Trước khi bản “Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự” được ký kết đêm 20/7/1954 ở Geneva, Thụy Sĩ, cộng sản Bắc Việt đã có kế hoạch xâm chiếm phần còn lại dưới vỹ tuyến 17 của nước Việt Nam.

Sau khi bản “Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự” được thực thi, trong đó có ấn định các bên được “tự do di chuyển” trong vòng 300 ngày (dân sự và quân sự), thì cộng sản chỉ rút quân về miền Bắc chừng 100,000 người, họ mang theo khoảng 45,000 các loại vũ khí đã hư hỏng hoặc quá cũ. Cộng sản đã bí mật để lại khắp miền Nam–Việt Nam gần 1,000 địa điểm chôn giấu khoảng 15,000 vũ khí thuộc loại tốt. Họ cũng chỉ thị cho hơn 2,500 cán bộ chính trị (tuyên truyền) và quân sự (khủng bố) ở tại chỗ để liên lạc và chỉ huy thành phần dân quân cơ sở khoảng 20,000 người (sau này thành du kích), đã hoạt động từ thời kháng chiến chống Pháp. Có một chi tiết cần lưu ý: Trong con số được ước tính khoảng 120,000 người tham gia vào Việt Minh ở miền Nam–Việt Nam, chỉ có trên 2,000 người mới thực sự là đảng viên của cộng sản (nấp dưới tên đảng Lao Động). Con số còn lại hoàn toàn không biết gì về cộng sản, họ tham gia vào Việt Minh kháng chiến chống thực dân Pháp chỉ vì lòng yêu nước nhưng không biết mình đã bị cộng sản lợi dụng và lừa bịp.

Từ đầu năm 1955, thổ phỉ cộng sản (cộng phỉ) bắt đầu phát động kế hoạch khủng bố khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, đã giết hại 106 người trong năm này. Con số nạn nhân tiếp tục tăng lên vào những năm kế tiếp: 1956 có 207 người; 1957 là 682 và trong năm 1958 có 1,306 người bị cộng sản giết chết.

Trong tổng số người bị cộng phỉ ám hại có 70% là nhân viên hành chánh cấp xã, ấp, bảo an, dân vệ, cảnh sát, v.v. phần còn lại là thường dân vô tội. Riêng vùng châu thổ sông Cửu Long là khu vực người bị sát hại chiếm tới 85% trong tổng số nạn nhân. Các hoạt động khủng bố của cộng sản thường tổ chức vào ban đêm, xảy ra ở những khu dân cư hẻo lánh và thủ đoạn mà cộng sản hành động là rải truyền đơn hăm dọa, bắt cóc, thủ tiêu, ám sát tại chỗ, gài thuốc nổ, giả dạng ăn cướp, v.v. Cũng từ năm 1954 tới năm 1958, trong con số được ước tính gần 1,000 địa điểm cộng sản chôn giấu vũ khí, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã phát giác được 375 nơi mà riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chiếm hết 300 địa điểm.

Đầu năm 1958, trước vấn nạn cộng phỉ gia tăng khủng bố, phá hoại và giết hại dân lành khắp nơi, Tổng Thống Ngô Đình Diệm kêu gọi “thế giới tự do” yểm trợ phương tiện để đối phó với hiểm họa cộng sản đang lan tràn. Phía Mỹ mau chóng lên tiếng đáp ứng yêu cầu này, nhưng họ cho rằng vấn đề khủng bố, phá hoại của cộng phỉ là do sự chỉ đạo của cộng sản Bắc Việt, nên cần phải có một kế hoạch lâu dài như đưa người xâm nhập, bí mật hoạt động để tạo bất an xã hội ngay nơi xuất phát những âm mưu đó.

Ngày 24/8/1958, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa cho thành lập Liên Đội Quan Sát Số 1 (tiền thân Lực Lượng Đặc Biệt sau này) với sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ. Phần lớn các kế hoạch và hoạt động của Liên Đội Quan Sát Số 1 trong thời gian này là: Bí mật tuyển mộ người tình nguyện, huấn luyện đặc biệt để xâm nhập miền Bắc, v.v. Toàn bộ những kế hoạch, phương tiện, địa điểm, thời gian xâm nhập, v.v. đều do phía Mỹ chủ động soạn thảo. Tuy nhiên trong thực tế, những hoạt động của Liên Đội Quan Sát Số 1 đã không giải quyết được tình trạng khủng bố của cộng sản ở miền Nam–Việt Nam, vì đây mới thực sự là một vấn đề cấp thiết cần phải đối phó ngay trước mắt.

Vì nguyên nhân này, từ cuối năm 1958, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có kế sách như sau: Chỉ thị Bộ Tổng Tham Mưu cử nhiều toán quan sát luân phiên tới thăm viếng các nơi huấn luyện của Liên Đội Quan Sát Số 1 tại Bà Rịa (Phước Tuy); Đồng Đế (Khánh Hòa); Hòa Cầm và Cù lao Chàm (Quảng Nam). Sau khi các toán quan sát trở về đã báo cáo những gì được thấy ở các nơi đã nêu trên, từ cách huấn luyện cho tới phương pháp hoạt động. Qua những phúc trình này, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu nên nghiên cứu một chiến thuật chống du kích và khủng bố ở nông thôn. Đặc biệt, các quân nhân được chọn cho chiến thuật này không nên mặc quân phục, được trang bị nhẹ nhưng không để lộ vũ khí, thu lượm tin tức ban ngày, đột kích mục tiêu vào ban đêm, phân tán thành nhiều toán nhỏ nhưng lúc cần có thể tập trung thành một đơn vị tác chiến đông quân số. Ý tưởng đó của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gặp sự phản đối từ Bộ Tư Lệnh MAAG, kể cả Bộ Quốc Phòng của Mỹ cũng không đồng ý. Phía Mỹ cho rằng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa nếu có thêm lực lượng này, quân số sẽ tăng lên hơn 150,000, là con số giới hạn mà hai bên đã thỏa thuận lúc Mỹ cam kết sẽ viện trợ và phát triển Quân Đội Quốc Gia. Hơn nữa Mỹ cũng không có ngân khoản nào dành cho lực lượng như vậy, nó khác hẳn với tổ chức và chiến thuật của quân đội Mỹ. Dù gặp khó khăn từ phía đồng minh, TT Ngô Đình Diệm vẫn nhất quyết thực hiện. Miền Nam cần phải có một lực lượng như vậy mới thích hợp cho việc tiêu trừ du kích và cơ sở nằm vùng của cộng phỉ. Nông thôn rộng mênh mông, vô số các thôn làng, thị trấn thưa thớt của miền Nam là mục tiêu cho các hoạt động phá hoại, khủng bố của cộng sản, mà hầu hết những thảm họa đều xảy ra vào ban đêm và có tổ chức đồng nhất.

Đây là một hoàn cảnh khác biệt trên chiến trường (vô hình) mà các đơn vị chính quy như Bộ Binh, Nhảy Dù; Thủy Quân Lục Chiến, v.v. khó đảm trách vì tính cách quy ước và công khai của những đơn vị này. Từ cuối năm 1958, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu xúc tiến việc nghiên cứu, tổ chức một lực lượng thích ứng với kiểu hoạt động lén lút và bất ngờ của cộng phỉ, và dĩ nhiên cũng rất cần sự hỗ trợ từ các đồng minh.

10/2/1959: Bộ Tổng Tham Mưu cho thành lập “Ban Nghiên Cứu Hỗn Hợp về Phản Du Kích và Chống Phiến Loạn” (Joint Commission’s for Studies on Counter Guerilla and Anti–Revolt) với 4 đại diện: Việt Nam, Mỹ, Anh, Úc. Các đại diện của đồng minh tham dự vào ban này không sốt sắng mấy, họ chỉ đến quan sát việc huấn luyện, ghi nhận kết quả và gởi báo cáo mà thôi (xin đọc thêm nơi bài: Đại tá Nguyễn Văn Y và Binh Chủng Biệt Động Quân, QLVNCH).

Xin tìm hiểu thêm về BĐQ ở đây: Huy hiệu Binh chủng Biệt Động Quân QLVNCH

2. Thành Lập Biệt Động Đội:

Ngày 1/8/1959: Bộ Tổng Tham Mưu cho giải tán Trung Đoàn 135 Địa Phương Biệt Lập ở Long Xuyên. Ngay sau đó quân nhân của đơn vị này được tuyển chọn đặc biệt về học vấn, lý lịch, vóc dáng, kinh nghiệm chiến đấu, v.v. để rồi thành lập 20 Trung Đội – Hoạt Động – Đặc Biệt, gọi tắt là BIỆT ĐỘNG ĐỘI. (Special Activity Platoon – SAP). Ngay sau khi thành lập, các trung đội này được gởi đến Trường Hạ Sĩ Quan QĐVNCH ở Đồng Đế Nha Trang, được huấn luyện trong 6 tuần về chiến thuật Phản Du Kích và Chống Phiến Loạn do Bộ Tổng Tham Mưu soạn thảo. Theo kế hoạch, sẽ có 15 trung đội được trực tiếp theo dõi bởi Ban Nghiên Cứu Hỗn Hợp về Phản Du Kích và Chống Phiến Loạn, 5 trung đội còn lại sẽ trực thuộc các Sư Đoàn Bộ Binh. Trường Huấn Luyện Biệt Động Đội ở Đồng Đế trước kia là một doanh trại của Pháp, nơi đây có Trường Huấn Luyện Biệt Kích Quân, và một đơn vị có tên “Lực Lượng Biệt Kích Không Vận Hỗn Hợp” (Groupement de Commandos Mixtes Aéroportés – Joint Aeroports Commando Forces). Sau khi rời Việt Nam, phía Pháp bàn giao doanh trại này vào ngày 24/2/1956, sau đó được Bộ Tổng Tham Mưu cho đổi tên thành Trường Huấn Luyện Thể Dục Quân Sự Đinh Tiên Hoàng. Tới tháng 6/1957, nơi đây lại đổi tên là Trường Huấn Luyện Biệt Động Đội Đinh Tiên Hoàng, rồi chính thức đổi thành Trường Hạ Sĩ Quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 11/1957.

Quân nhân của các Trung Đội Hoạt Động Đặc Biệt được phối trí ở cấp quận và xã, không mặc quân phục, chỉ một bộ đồ bà ba đen hoặc màu nâu, vũ khí giấu trong người. Vào ban ngày, một nửa trung đội tỏa ra, trà trộn trong dân chúng ở những nơi như bến đò, bến xe, chợ búa, xóm di cư, v.v. hoặc giả dạng làm người buôn bán lưu động, thợ rừng, v.v. để xâm nhập đến các nơi hẻo lánh. Vào buổi chiều, những tin tức có được trong ngày, sẽ tập trung lại nhằm phân tích, kết luận để đưa ra các kế hoạch hoạt động vào ban đêm. Số quân nhân nghỉ ngơi vào ban ngày, lúc này sẽ âm thầm đến đột kích các địa điểm được xác nhận có cộng phỉ ẩn nấp, hoặc sẽ phục kích ở những nơi mà tin tức cho biết cán bộ cộng sản thường lén lút di chuyển.

Ngày 14/11/1959, sau khi đến thăm các quân nhân Biệt Đông Đội đang thụ huấn ở Đồng Đế, cũng như xem các báo cáo đầy khích lệ về sự hoạt động từ Biệt Động Đội của Đại tá Nguyễn Văn Y, Tổng Thống Ngô Đình Diệm có quyết định: cho tuyển lựa quân nhân và thành lập thêm 70 Trung Đội Hoạt Động Đặc Biệt tại năm Quân Khu vào lúc đó.

 

Ngày 20/12/1959, tất cả các trung đội Biệt Động Đội được tái tổ chức thành cấp Đại Đội. Đến tháng 1/1960, có 38 đại đội đã được thành lập trên toàn quốc, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long (Quân Khu 5) có tới 20 đại đội. Về tổ chức thì mỗi đại đội Biệt Động Đội có một Ban Chỉ Huy 11 người, trong đó có 4 sĩ quan, ba trung đội tác chiến với quân số 40 người cho mỗi trung đội.

Ngày 16/2/1960, Bộ Tổng Tham Mưu gởi chỉ thị cho các Quân Khu thành lập thêm các đơn vị Biệt Động Đội. Ngoài những đại đội được tổ chức cho những Quân Khu, thì mỗi Sư Đoàn Bộ Binh cũng thành lập một đại đội như vậy nhưng danh xưng là Đại Đội Quyết Tử (sau này mới đổi thành Đại Đội Trinh Sát, Thám Kích, v.v.)

Về phía Đoàn Cố Vấn Yểm Trợ Quân Sự của Mỹ (Military Assistance Advisory Group – MAAG), lúc đầu họ đã không chịu giúp Việt Nam Cộng Hòa có thêm lực lượng này, nhưng sau hơn một năm chứng kiến sự thành công của những đơn vị Biệt Động Đội và thấy được quyết tâm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, phía Mỹ bắt đầu chấp nhận sự giúp đỡ bằng cách cho tăng cường nhiều toán huấn luyện của Lực Lượng Đặc Biệt đến Việt Nam, và cũng dành ra một ngân khoản để tiếp tục xúc tiến kế hoạch này.

Ngày 6/5/1960, bắt đầu thiết lập thêm hai Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Đội ở Hòa Cầm và Sông Mao để phụ trợ với trung tâm tại Đồng Đế.

3. Thành Lập Binh Chủng Biệt Động Quân:

Ngày 1/7/1960, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa chính thức thành lập một binh chủng mới với danh xưng Biệt Động Quân.

 

 

Quân nhân Biệt Động Quân mang mũ nồi (beret) màu Nâu, tượng trưng cho màu máu thấm vào đất mẹ, huy hiệu trên Mũ Nâu là một mũi tên có cánh gọi là Thần Tiễn, biểu tượng cho sự nhanh chóng và hữu hiệu.

 

 

Bởi từ những ngày đầu thành lập chỉ hoạt động vào ban đêm, nên một đầu Cọp màu Đen được chọn làm huy hiệu truyền thống cho binh chủng. Nền màu Vàng trên huy hiệu tượng trưng cho nền Cộng Hòa, ngôi sao Trắng là biểu tượng cho sự sáng suốt và chính nghĩa. Viền đỏ bao quanh ngôi sao mang ý nghĩa lấy máu để bảo vệ chính nghĩa. Thánh tổ của binh chủng: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Lời tâm nguyện truyền thống của binh chủng Biệt Động Quân: Vì Dân Quyết Chiến. Riêng đầu Cọp Đen có 13 răng là do sự ngẫu nhiên lúc vẽ mẫu huy hiệu của Đại úy (Đại tá) Nguyễn Thành Chuẩn.

Lúc mới thành lập, có tất cả 50 Đại Đội Biệt Động Quân được tổ chức ở các Quân Khu, 18 đại đội cho các Sư Đoàn Bộ Binh và trung đoàn biệt lập. Cùng lúc đó, hai Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân cũng bắt đầu hoạt động, một ở Hòa Cầm, xã Hòa Sơn, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (hướng Tây thành phố Đà Nẵng khoảng 12km) và một ở Sông Mao (Chợ Lầu), xã Hải Ninh, quận Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận (huớng Bắc Sài Gòn chừng 275km). Tính tới cuối năm 1960 có 75 Đại Đội Biệt Động Quân được thành lập, riêng Quân Khu 5 thì có 55 đại đội hoạt động vì vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi cộng phỉ thường xuyên khủng bố, phá hoại nhiều hơn các quân khu khác.

Vào ngày khai sinh binh chủng, một Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân cũng được thành lập ở thủ đô Sài Gòn với các vị: Thiếu tá Lữ Đình Sơn, Thiếu tá Phan Trọng Chinh, Đại úy Nguyễn Thành Chuẩn, v.v. Cố vấn yểm trợ là Đại úy William Mills (Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân ban đầu nằm chung trong khu vực của Bộ Tổng Tham Mưu. Đến giữa năm 1965 mới dời bộ chỉ huy về Trại Hoàng Diệu trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 thủ đô Sài Gòn. Năm 1968, doanh trại này mang tên mới Trại Đào Bá Phước, là danh tính của cố Đại tá – Liên Đoàn Trưởng, LĐ 5 BĐQ, tử thương ngày 2/6/1968 tại mặt trận Chợ Lớn (đợt hai) vì trực thăng Mỹ bắn lầm).

Riêng vùng châu thổ sông Cửu Long thuộc Quân Khu 5, vì có tới 55 đại đội BĐQ hoạt động ở đây nên một Bộ Chỉ Huy BĐQ cấp chiến thuật cũng được thành lập ở Cần Thơ, do Thiếu tá Trần Văn Cường làm Chỉ Huy Trưởng, Đại úy Nguyễn Khắc Trường làm Tham Mưu Trưởng. Những sĩ quan BĐQ ở Quân Khu 5 sau này đều trở thành những cấp chỉ huy nổi tiếng trong binh chủng như Đại úy Phạm Văn Phúc, Hoàng Kim Thanh, Sơn Thương, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Văn Huy, Trung úy Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Thành Nguyên, Dương Kim Văn, Đoàn Thi, Nguyễn Văn Biết, Lê Tấn Paul, Lê Hưng Phú, v.v.

Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở Hòa Cầm do Thiếu tá Chương Phát Dưỡng làm Chỉ Huy Trưởng (giữa tháng 8/1960, Thiếu tá Lê Tích Thiều, Khóa 1 BĐQ, thay thế làm Chỉ Huy Trưởng).

Sĩ quan huấn luyện:

Đại úy Nguyễn Văn Đại (Trưởng Toán),
Đại úy Trần Văn Hai (Phó Toán),
Đại úy Võ Công Trí,
Đại úy Nguyễn Hoành Bảo,
Đại úy Cao Quốc Điền,
Đại úy Cao Văn Chơn,
Trung úy Nguyễn Văn Xiển,
Trung úy Nguyễn Kim Biên,
Trung úy Phạm Quang Văn,
Trung úy Nguyễn Văn Vy,
Trung úy Hoàng Tôn Oai.

Toán cố vấn huấn luyện của Liên Đoàn 77 Lực Lượng Đặc Biệt ở Hòa Cầm:

Trưởng Toán Thiếu tá Melbourne G. Slade, người kế nhiệm là Thiếu tá John Warren của Liên Đoàn 1 LLĐB,

Đại úy James W. Jones,
Đại úy Hall W. Crimmelt,
Đại úy Rudolph R. Kaiser,
Trung úy Gerald M. Wynn,
Thượng sĩ James W. Schumacher,
Thượng sĩ Wiley W. Ray,
Trung sĩ Thomas J. Wood,
Trung sĩ Earl S. Flowers (y tá),
Đại úy Snyder (quân báo),
Trung sĩ Walter (tâm lý chiến).

Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở Sông Mao:

Đại úy Đỗ Văn Sáu Chỉ Huy Trưởng,
Đại úy Hồ Văn Phước (Trưởng Toán),
Đại úy Trần Công Liễu (Phó Toán),
Đại úy Đào Vĩnh Thi,
Đại úy Trần Hữu Toán,
Đại úy Nguyễn Văn Ni,
Trung úy Ngô Minh Hồng,
Trung úy Quan Minh Tống,
Trung úy Nguyễn Văn Sảo,
Trung úy Phan Văn Cẩm.

Toán cố vấn huấn luyện thuộc Liên Đoàn 77, LLĐB ở Sông Mao:

Trưởng Toán Thiếu tá Kenneth R. Beard,
Đại úy Jack Spital,
Đại úy Reynold E. Price,
Trung úy Freddie H. Boyd,
Thượng sĩ Kenneth R. Chadwick (vũ khí),
Trung sĩ George D. Roraback,
Trung sĩ Wylie H. Newton,
Trung sĩ Earl M. Peckham,
Trung sĩ Charles W. Allen,
Đại úy Fuselier (quân báo),
Trung úy Perez (tâm lý chiến).

Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở Đồng Đế:

Thiếu tá Đặng Văn Sơn làm Chỉ Huy Trưởng.

Cố vấn huấn luyện:

Đại úy Raymond L. Call Trưởng Toán,
Đại úy Jamie R. Hendrix Phó Toán,
Đại úy George E. Carr,
Trung úy Ronald K. Summers,
Thượng sĩ Jacques A. Standing,
Thượng sĩ Gregory A. Matteo (y tá),
Thượng sĩ Howard Kristofferson,
Trung sĩ Virgil Murphy (công binh),
Trung sĩ Robert G. Grisham,
Thiếu tá Marcott (quân báo),
Đại úy McConnanghey (tâm lý chiến).

Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở Trung Hòa:

Đại úy Trần Đình Nại làm Chỉ Huy Trưởng,

Sĩ quan huấn luyện:

Đại úy Phạm Văn Phúc (Trưởng Toán),
Đại úy Hoàng Kim Thanh (Phó Toán),
Đại úy Nguyễn Văn Đương,
Trung úy Dương Kim Vân,
Trung úy Lê Hưng Phú,
Trung úy Nguyễn Thành Nguyên.

Trưởng Toán cố vấn huấn luyện ở Trung Hòa:

Thiếu tá Thomas Henderson (?).

Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Trung Hòa đặt tại xã Trung Lập, quận Củ Chi, tỉnh Bình Dương, hướng Tây Bắc Sài Gòn khoảng. Đầu tháng 2 năm 1968, Trung tá Trần Đình Nại bị tử thương do VC phục kích ở Củ Chi. Người kế nhiệm ông trong chức vụ này là Thiếu tá Trương Văn Oành. Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ ở Trung Hòa đến tháng 12/1968 thì chính thức ngưng hoạt động. Kể từ đây những Tiểu Đoàn BĐQ ở Quân Khu III và QK IV khi học bổ túc đều phải ra trung tâm chính ở Dục Mỹ.

Hầu hết các sĩ quan Việt Nam đã nêu trên đều tốt nghiệp các khóa về BĐQ ở Trường Ranger tại Fort Benning, tiểu bang Georgia–Hoa Kỳ trong các năm 1958, 1959 và 1960.

Các toán cố vấn huấn luyện thuộc Liên Đoàn 77, LLĐB:

Chỉ Huy Trưởng: Trung tá William Ewald,
Chỉ Huy Phó: Đại úy Elmer E. Monger.

Bộ Chỉ Huy và Kiểm Soát đặt ở Nha Trang. Những toán cố vấn Huấn Luyện Lưu Động (Mobile Training Team–MTT) ở Thất Sơn, Cần Thơ, Mỹ Tho, v.v. của Liên Đoàn 1, LLĐB do Đại tá Lewis Millet chỉ huy tổng quát, Bộ Chỉ Huy đặt tại Sài Gòn.

Khóa 1 BĐQ Việt Nam Cộng Hòa mãn khóa đầu tháng 8/1960 ở Hòa Cầm với sự chủ tọa của Trung tướng Trần Văn Đôn, Tư Lệnh Quân Đoàn 1, Vùng 1 Chiến Thuật,

Khóa 2 BĐQ Việt Nam Cộng Hòa mãn khóa giữa tháng 9/1960 tại Đồng Đế,

Khóa 3 BĐQ Việt Nam Cộng Hòa mãn khóa đầu tháng 10/1960 ở Sông Mao,

Khóa 4 BĐQ Việt Nam Cộng Hòa mãn khóa ngày 15/11/1960 tại Đồng Đế.

Tính tới tháng 12/1960, tất cả các sĩ quan và hạ sĩ quan thuộc toán Cố Vấn Huấn Luyện cho Biệt Động Đội và Biệt Động Quân đều rời khỏi Việt Nam. Phía Mỹ từ đây bắt đầu soạn thảo một chương trình khác cho Biệt Động Quân là giai đoạn Cố Vấn Yểm Trợ (tác chiến).

 

 

4. Thành Lập Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân

Ngày 1/8/1961, trước sự thành công trên chiến trường của những đại đội Biệt Động Quân, nhu cầu cần có thêm nhiều đại đội như vậy ở các quân khu, một Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân quy mô hơn được thành lập ở Dục Mỹ vào ngày tháng nêu trên để đáp ứng nhu cầu này. Cùng lúc đó, các trung tâm huấn luyện BĐQ ở Hòa Cầm, Đồng Đế, Sông Mao, Thất Sơn được giải tán để sáp nhập vào trung tâm chính ở Dục Mỹ. Riêng trung tâm ở Trung Hòa vẫn được duy trì cho mục đích huấn luyện bổ túc các đơn vị cấp đại đội biệt lập và tiểu đoàn sau này tại Quân Khu III và Quân Khu IV. Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ ở Trung Hòa duy trì đến năm 1968 thì ngưng hoạt động.

Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân QLVNCH, KBC 4926, tọa lạc cạnh Quốc Lộ 21, kế bên thị trấn Dục Mỹ thuộc xã Ninh Sim, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm về phía Tây Bắc thị trấn Ninh Hòa khoảng 15km và thành phố Nha Trang khoảng hơn 40km. Trung tâm này nằm trên độ cao khoảng 30m (98 feet) so với mặt biển, chiếm diện tích khoảng 7 mẫu (hectare) kế bên Suối Bông của Dục Mỹ, chưa tính hơn một mẫu đất nằm đối diện bên kia đường, nơi đặt Bộ Chỉ Huy MACV cho Huấn Khu Dục Mỹ, Bộ Chỉ Huy Cố Vấn Biệt Động Quân. Ngoài ra còn có một sân bay dã chiến giáp ranh BCH MACV cũng được thiết lập, phi đạo này dài 975m (3,200 feet) dành cho máy bay trực thăng, quan sát (L–19) và máy bay vận tải loại C–123 và C–7. Trung tâm này thường xuyên có quân số gần 3,000 quân nhân, bao gồm hơn 500 nhân viên, cán bộ huấn luyện và hơn 2,000 khóa sinh của 9 khóa thường xuyên duy trì theo lịch trình huấn luyện của trung tâm. Ngoài ra còn có hai Đại Đội BĐQ là 301, 302 cũng được giải tán để sáp nhập vào TTHLBĐQ ở Dục Mỹ. Quân nhân hai đại đội nói trên có trách nhiệm canh gác, giữ an ninh cho trung tâm hoặc cung cấp nhân sự ở các bãi tập cho Khối Huấn Luyện.

Từ Núi Đeo xuống vừa hết dốc hướng về trung tâm, bên phải là xạ trường rộng lớn. Ngay đầu con đường đất đi vào xạ trường có một tấm bia đúc bằng xi–măng sơn màu nâu cao 2m, rộng 1m. Trên bia ghi những chữ màu vàng kể sơ lược về sự hình thành Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ và thiết lập xạ trường, phía dưới ghi danh tính các vị đã góp công sức tạo nên trung tâm từ những ngày đầu như: Thiếu tá Vĩnh Biểu, Đại úy Trần Văn Hai, Đại úy Trần Công Liễu, Đại úy Cao Văn Ủy, Đại úy Nguyễn Văn Đương, v.v. Bên trái Quốc Lộ 21 đối diện xạ trường được thiết trí một tấm bảng sắt cao 20m rộng 40m. Tấm bảng sắt khổng lồ này sơn màu đen, được viết ba chữ lớn “LÒ LUYỆN THÉP” màu trắng, góc phải phía trên của tấm bảng là một mũ nâu bằng sắt cũng thật lớn. Đứng xa vài cây số cũng thấy được tấm bảng này.

Lúc TTHLBĐQ ở Dục Mỹ mới đi vào hoạt động, nhiều sĩ quan BĐQ có kinh nghiệm huấn luyện được thuyên chuyển về đây như: Trần Công Liễu, Cao Văn Ủy, Nguyễn Văn Đương, Ngô Minh Hồng, Nguyễn Ngọc Giao, Trần Bá Tuấn, Nguyễn Thành Định và Đại úy Trần Văn Hai. Vào lúc này, khu vực của trung tâm chỉ là một doanh trại cũ nhiều cỏ dại, trước kia là bản doanh của Sư Đoàn 15 Khinh Chiến. Các lớp học, nơi ăn và nghỉ của khóa sinh, những văn phòng làm việc của nhân viên, cán bộ huấn luyện, v.v. chỉ là những căn nhà lợp tôn đã cũ hoặc các căn lều dã chiến được tạm thời dựng lên. Thời tiết tại Dục Mỹ nói chung chỉ có hai điểm chính là, ban ngày nóng cháy da, ban đêm lạnh thấu xương, chưa kể sương mù, mưa phùn dai dẳng và bệnh sốt rét rất phổ biến ở vùng này. Để có được một trung tâm huấn luyện bề thế, ngăn nắp và đẹp mắt, các sĩ quan Việt cũng như Mỹ ngoài giờ đảm trách huấn luyện, cũng sốt sắng cởi áo chạy ra làm việc cùng với quân nhân của Đại Đội 320 Công Binh. Dù là người trong ban chỉ huy của trung tâm, Trưởng Khoa Rừng Núi Sình Lầy nhưng Đại úy Trần Văn Hai luôn là người nhiệt tâm nhất trong việc thiết kế trung tâm này. Ông đã tự học lái xe ủi đất và xông xáo làm việc khắp nơi. Chính ông đã căng dây, đo đạc và thiết kế một sân cờ tráng nhựa rộng lớn, mỗi cạnh dài đúng 125m. Ông chia ra từng lô đất vuông vắn, tạo nên những con đường thẳng tắp đến mức các cố vấn Mỹ đặt ông một biệt danh là Hai “Highway”. Sau này ông thăng cấp Thiếu tá làm Trưởng Khối Huấn Luyện và rời trung tâm, nhưng các câu chuyện về ông thời mới khai mở “Lò Luyện Thép” vẫn còn được ghi nhớ, được nhiều cán bộ kể lại cho khóa sinh chúng tôi về một vị sĩ quan công minh, tận tâm và liêm chính.

Từ ngày thành lập 1/8/1961 đến năm 1975, Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ–QLVNCH đã có các vị Chỉ Huy Trưởng như sau:

Thiếu tá Vĩnh Biểu (1961–1962),
Trung tá Đặng Văn Sơn (1962–1964),
Trung tá Nguyễn Văn Kiên (1964–1966),
Trung tá Trần Công Liễu (1966–1968),
Trung tá Nguyễn Hữu Phú (1969),
Đại tá Nguyễn Khắc Trường (1969–1972),
Đại tá Nguyễn Văn Đại (1973–1975),
Chỉ Huy Phó: Trung tá Lâm Duy Tiên,
Trưởng Khối Huấn Luyện: Thiếu tá Huỳnh Thiên Mạng.

 

 

5. Hệ Thống Tổ Chức Của Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ (xin xem thêm ảnh sơ đồ đính kèm):

Bộ Chỉ Huy Trung Tâm với các Phòng 1, 2, 3, 4, 5 và 6.

Trung Tâm Hành Quân (điều phối các đại đội khóa sinh đi ứng chiến nhiều nơi vào mỗi đêm ở Huấn Khu Dục Mỹ).

Phòng An Ninh (ngăn ngừa nội tuyến hoặc xâm nhập, phá hoại từ cộng sản).

Đại Đội Quân Y và một bệnh xá trung cấp với 120 giường.

Ban Kiểm Soát Ẩm Thực và Y Tế (mỗi ngày xuống nhà bếp khám mức độ vệ sinh và dinh dưỡng của các món ăn, kiểm tra thực phẩm từ các nhà thầu tư nhân, kiểm soát mức độ sạch sẽ khu nhà tắm, đổ rác và khu vực nhà vệ sinh, giám sát việc bắt buộc mỗi khóa sinh phải uống thuốc chống sốt rét (Cloroquin) mỗi tuần một lần.

Ban Cố Vấn Liên Lạc Yểm Trợ (đối diện bên phải trước cổng trung tâm).

Đại Đội Truyền Tin, nơi quản trị một đài siêu tần số trung cấp, nơi lưu trữ khoảng 100 máy PRC–25, mỗi đêm phát ra cho những đại đội trực chiến, sáng thu về, điều hành một tổng đài truyền tin cho toàn hệ thống liên lạc trong trung tâm.

Đại Đội Hành Chánh, Tài Chánh (theo dõi quân số, nhận và phát thư tín, lương bổng của nhân viên và khóa sinh).

Đại Đội Công Vụ, nơi phân phối các tân binh chờ nhập khóa đi làm tạp dịch những nơi có yêu cầu.

Đại Đội Quân Xa (chở huấn cụ, cơm nước đến các bãi tập, chở các đại đội đi trực chiến mỗi đêm, chở tân binh từ phi trường Nha Trang về Dục Mỹ, và đưa khóa sinh đã mãn khóa đến Nha Trang, quản trị kho nhiên liệu và cơ xưởng bảo trì).

Đại Đội Ẩm Thực Vụ (quản tri một kho gạo 1,000 tấn, cùng các kho tích trữ thực phẩm khô, điều hành một nhà máy bơm nước ngay đầu cầu Dục Mỹ (Suối Bông) và trung tâm lọc, phân phối nước ở rừng thông kế trung tâm truyền tin).

Đại Đội Quân Cụ (lưu trữ, bảo trì hơn 3,000 súng cá nhân và cộng đồng, quản trị kho đạn 10,000 tấn [trước cổng Trường Pháo Binh] cho toàn Huấn Khu Dục Mỹ).

Đại Đội Quân Nhu (yểm trợ huấn cụ và quân trang).

Đại Đội Chiến Tranh Chính Trị (Xã hội và Tâm Lý Chiến).

Đại Đội 320 Công Binh thuộc Tiểu Đoàn 3 Yểm Trợ Công Binh BĐQ (nằm đối diện bên trái trước cổng trung tâm).

Liên Đoàn Khóa Sinh (Tiểu Đoàn A và B là khóa sinh BĐQ, Tiểu Đoàn C là khóa sinh Viễn Thám và Rừng Núi Sình Lầy).

Khối Huấn Luyện với các Khoa:

Khoa Vũ Tác Mìn (Vũ khí, Tác xạ, Mìn bẫy),

Khoa Chiến Thuật,

Khoa Chiến Tranh Chính Trị,

Khoa Rừng Núi Sình Lầy, Viễn Thám,

Khoa Tổng Quát (tiểu đoàn học bổ túc, cơ bản thao diễn, lễ nghi chào kính, thể dục, cận chiến có vũ khí và võ thuật),

Phân Đội Quân Cảnh Biệt Động Quân 305.

 

 

6. Tổ Chức Và Hoạt Động Của Các Đại Đội Khóa Sinh:

Vào trường Biệt Động trắng bông
Ra Lò Luyện Thép như ông tượng đồng
”.

Các tân binh BĐQ từ bốn quân khu đưa về đây, trong thời gian chờ nhập khóa phải ở tại khu vực Đại Đội Công Vụ (ngay góc hàng rào trước cổng Trường Pháo Binh). Sáng mỗi ngày các tân binh được chia ra đi làm tạp dịch và chưa có bảng danh số may trên túi áo. Sau khi được nhập khóa (200 người), sẽ tự xưng mình là: “BĐQ danh số” trước cán bộ và gọi theo cấp bậc. Sau buổi lễ nhận cờ nhập khóa, tối hôm đó sẽ có cán bộ bên Quân Nhu tới đại đội, lập danh sách, đo thước tấc từng người để sau này mãn khóa sẽ được phát một bộ đồ rằn ri đúng theo kích thước của mình. Sáng hôm sau toàn đại đội lên bệnh xá để chích mỗi người một mũi TAB (Titanot–Anticlorler–Bacterium (nhờ mấy anh quân y xác nhận giùm)). Khóa sinh được lãnh lương căn bản mỗi tháng nhưng chưa được lãnh phụ cấp hành quân.

Sau khi nhập khóa, ngoài quân trang cá nhân còn được phát một ba–lô, một dây ba chạc, hai bi–đông đựng nước, nón sắt, được trang bị súng cá nhân và 6 băng đạn như quân nhân tác chiến (không có mìn, lựu đạn, súng cộng đồng), ban đầu là súng Garand (1961–1967), sau thay bằng AR–15 (1968–1970) rồi tới XM–16 (1970–1975). Đại đội khóa sinh chọn ra ba người cao lớn nhất để mang cờ đi trước hàng quân. Lá cờ hình tam giác dài, màu nâu, một bên mang số hiệu của khóa, một bên có ba chữ BĐQ, cờ rộng khoảng 30 phân, dài chừng 60 phân, chung quanh có tua vàng. Mỗi đại đội khóa sinh được chia làm bốn trung đội. Có một ban đại diện cho đại đội, gồm hai hạ sĩ quan cán bộ của trường hướng dẫn suốt khóa học và những khóa sinh cán bộ được đề cử (Ban quân số dựa vào học vấn trong hồ sơ trích yếu lý lịch để chọn làm khóa sinh cán bộ). Mỗi đại đội có một y tá, hai máy truyền tin PRC–25, một máy để ở văn phòng đại đội và một máy mang theo đi các bãi tập.

Khóa sinh Đại Đội Trưởng mang trước ngực một bảng nhựa bằng ba ngón tay, màu đỏ và có hai gạch trắng nằm ngang, khóa sinh Đại Đội Phó cũng mang một bảng như vậy nhưng nền màu xanh dương với hai vạch trắng. Khóa sinh Trung Đội Trưởng mang một bảng đỏ nhỏ hơn và một vạch màu trắng, khóa sinh Trung Đội Phó cũng vậy nhưng có nền màu xanh, một vạch trắng. Khóa sinh Kiểm Soát Kỷ Luật mang một bảng nhựa toàn màu đỏ.

Mỗi ba tuần một lần, Khối Huấn Luyện sẽ cộng số điểm được chấm trong các bài học bởi các Huấn Luyện Viên, rồi Liên Đoàn Khóa Sinh sẽ trao cờ đen cho đại đội nào đứng hạng chót nếu so điểm với những đại đội khác. Đại đội nào nhận cờ đen, có nghĩa là đi đâu cũng chạy (gọi là bị cọp rượt). Chạy xuống nhà bàn (nhà ăn), chạy đến lớp học (trong trung tâm), chạy ra bãi tập, chạy đi chạy về suốt ba tuần rồi chờ đợt tính điểm huấn luyện kế tiếp. Mỗi buổi sáng khóa sinh ăn điểm tâm một ổ bánh mì (khóa sinh gọi là “cứt cọp”), nửa chén đường cát (nhai râu cọp), một ca sắt cà–phê đen (nước đái cọp). Bữa ăn trưa và chiều gồm có cơm trộn vitamin bột, thức ăn thì hai món là thịt bò kho (thịt cọp), hoặc cá mối, cá lù đù chiên, canh thì thường là bí đao hoặc rau muống, bí đỏ hay trái su, bắp cải, v.v. nấu với tôm, tép khô, gia vị kèm theo có nước mắm ớt (nước mắt cọp). Sau bữa ăn mỗi người được hai trái chuối hoặc kẹo mè xửng, kẹo đậu phộng, nước trà đá thì uống thoải mái. Mỗi ba tuần, các đại đội thay phiên nhau đi coi văn nghệ do ban nhạc của Đại Đội Chiến Tranh Chính Trị trình diễn trên hội trường.

Trong trung tâm có sân bóng rổ, sân tennis, sân đá banh, võ đường, một Câu Lạc Bộ Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan, năm Câu Lạc Bộ Khóa Sinh, hai tiệm tạp hóa (có chụp hình), một Niệm Phật Đường, một Nhà Nguyện Tin Lành, tín đồ Thiên Chúa Giáo mỗi Chủ Nhật được xe chở ra dự lễ ở Nhà Thờ Dục Mỹ, khóa sinh theo đạo Cao Đài thì theo lịch ta, hai tuần một lần được đi lễ ở một thánh thất nằm cách trung tâm khoảng 1km (ở bên tay phải về hướng Núi Đeo), nơi đây có một cổng lớn với hàng chữ đúc trên cao: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tòa Thánh Tây Ninh, Châu Đạo Khánh Hòa. Tộc Đạo Ninh Hòa. Thánh Thất Dục Mỹ.

Không phải tất cả các đại đội khóa sinh đều đi trực chiến mỗi đêm, Liên Đoàn Khóa Sinh đã sắp xếp để mỗi ba tuần sẽ có một đại đội được nghỉ đêm trong trung tâm, không đi trực chiến. Những nơi được ấn định canh gác thường xuyên mỗi đêm là Xạ trường ở Núi Đeo (xa nhất), Khu Mưu Sinh Thoát Hiểm và Đào Tẩu (kế bên chỗ đi dây tử thần), căn cứ Tân Trúc gần Núi Đeo, bãi tập Đoạn Đường Chiến Binh, bãi tập Tác Chiến Trong Thành Phố, bãi tập đổ bộ trực thăng, kho đạn huấn khu, Bộ Chỉ Huy MACV, sân bay dã chiến Dục Mỹ, cầu Dục Mỹ, đồn Quân Cảnh và Cảnh Sát thị trấn Dục Mỹ, nhà máy bơm nước của BĐQ, cầu treo bắc qua Suối Bông đi sang sân bay dã chiến, và sung sướng nhất là được đi trực chiến ở Khu Gia Binh của BĐQ và Huấn Khu Dục Mỹ, buồn chán nhất là gác ở kho đạn huấn khu.

Nếu trừ một đại đội ở lại trung tâm, 8 đại đội còn lại đi trực chiến thì gần tương đương hai tiểu đoàn. Một lực lượng như vậy tỏa ra khắp nơi ở Dục Mỹ thì làm sao cộng sản lọt vào được! Thế nhưng, dù cộng sản không lọt vô được nhưng vẫn có người lọt ra được. Đó là mấy con “cọp con chưa mọc răng”, vô kỷ luật, đêm nào cũng có vài ông lén chui hàng rào ra Dục Mỹ nhậu rượu đế, có người say tới mức lúc bò trở vô nằm gục luôn ở hàng rào. Kẻ nào bị Quân Cảnh hoặc Kiểm Soát BĐQ tóm được ngoài phố, sẽ được đưa về “nghỉ ngơi” trong khu Chuồng Cọp ở Liên Đoàn Khóa Sinh. Bị bắt lần thứ hai thì sau giờ nằm Chuồng Cọp, phải xách chổi và xô nhựa đi quét dọn quanh mấy khu nhà vệ sinh, quanh mấy câu lạc bộ, không được mặc áo và đầu bị cạo trọc. Bị bắt lần thứ ba sẽ được Ban Quân Số làm thủ tục đưa qua Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn làm lính bộ binh.

Những câu lạc bộ dành cho khóa sinh chỉ bán các loại thức ăn, nước ngọt, thuốc lá, hàng tạp hóa, chụp hình, đồ lưu niệm, bán bia nhưng không bán rượu, và bia cũng không bán trước 5 giờ chiều và sau 8 giờ tối. Trừ chiều Thứ Bảy và ngày Chủ Nhật bia mới bán suốt ngày cho tới 10 giờ đêm. Vì lý do này nên mấy đệ tử ông “Lưu Linh” mới lén ra phố tìm thứ uống mạnh đô hơn là rượu đế. Và khi đã lên cơn ghiền thì chỉ nghĩ tới rượu mà quên mất cái chuồng cọp. Về vấn đề duy trì kỷ luật ở “Lò Luyện Thép”, những cán bộ kỷ luật ở đây rất nghiêm khắc, thường thẳng tay trừng trị mấy con “cọp con” cứng đầu. Trong số đó có hai vị thật nổi tiếng, nổi tiếng đến mức mà khóa sinh qua nhiều thời đã làm hai câu thơ để nói đến các ông:

Rời Dục Mỹ nhớ thượng sĩ Ba (Ban An Ninh, Liên Đoàn Khóa Sinh)

Xa công vụ nhớ ông già “Năm Phút” (
hạ sĩ quan thường vụ, Đại Đội Công Vụ. Ông này dù phạt bất cứ hình thức nào cũng phải thi hành trong năm phút, làm lâu hơn sẽ bị phạt lại!)
.”

Mỗi sáng sớm, lúc sương mù còn phủ kín những bụi le, bụi lá dang, bụi cò ke, v.v. và thị trấn Dục Mỹ còn say giấc ngủ thì trong trung tâm đã vang dội những tiếng hô:

“... Một, hai, ba, bốn...
ta là biệt động,
không thích đi xe,
chỉ thích đi bộ,
không thích nằm giường,
chỉ thích gió sương.

ta là biệt động...
một, hai, ba, bốn!


Cùng với những tiếng hô là các bản hùng ca cũng nhịp nhàng vang lên khắp đất trời. Đó là lúc những đại đội khóa sinh BĐQ, Viễn Thám, Rừng Núi Sình Lầy bắt đầu tiến ra bãi tập.

Trên đây chúng tôi nói sơ qua về vấn đề khóa sinh, và chỉ trình bày từ năm 1970 về sau, là năm mà người viết bài này đã vào “Lò Luyện Thép” học Khóa BĐQ 241, còn từ năm 1961 tới năm 1969 thì chúng tôi hoàn toàn không biết. Tuy nhiên qua vài vị đàn anh những khóa trước và các vị từng có một thời gian phục vụ ở Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ tại Dục Mỹ, chúng tôi được biết thêm vài chi tiết cũng nên bổ xung vào đây. Từ năm 1961 tới khoảng năm 1968, lúc đó ngân khoản dành cho trung tâm này còn dồi dào thì những ưu tiên dành cho khóa sinh có khác biệt so với sau này. Trước kia, khi khóa sinh nhập khóa được phát một mũ nâu, một đôi giày “bốt đờ sô”, lúc mãn khóa được phát hai bộ đồ rằn ri may đúng theo kích thước và các thứ cần thiết khác cho một Biệt Động Quân đúng nghĩa. Nhưng từ năm 1970 về sau, ngân khoản dành cho trung tâm này bị cắt giảm rất nhiều nên lúc chúng tôi vào học phải mang giày bố, ngày ra trường chỉ được một bộ đồ rằn ri, được phát thêm một mũ đi rừng BĐQ (có lưới che muỗi), một bình đựng nước loại 4 lít (bi–đông con rùa, thổi phồng lên có thể dùng vượt sông), một bộ “đồ nghề” thông nòng súng và một khoen sắt đeo ngực dùng móc vào dây lúc xuống trực thăng, một dây nịt rằn ri dài đúng 1m dùng cột quanh poncho lúc vượt sông. Tuy vậy chúng tôi vẫn còn may mắn hơn những khóa đàn em sau này. Từ năm 1973 trở đi, khóa sinh không còn được phát miễn phí các loại như vậy nữa, ai muốn sắm thêm phải tự mua ở Câu Lạc Bộ Khóa Sinh.

7. Cuộc Sống Của Nhân Viên Và Cán Bộ Ở Trung Tâm Huấn Luyện Biêt Động Quân, KBC 4926:

Nhân sự của trung tâm, chúng tôi tạm phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người được đào tạo chuyên nghiệp về BĐQ ở Việt Nam, được du học về BĐQ hay tốt nghiệp từ các trường quân sự nổi tiếng ở trong nước. Nhóm thứ hai là những người đã phục vụ lâu năm trong binh chủng nhưng chưa tới hạn định giải ngũ, sức khỏe suy yếu nên được chuyển về đây (số này rất ít). Những người bị thương một lần, hay vài lần trong chiến đấu nhưng vẫn chưa đủ thang điểm giải ngũ (số này rất ít), những người có gia cảnh đặc biệt, chẳng hạn như cả gia đình ở hậu phương bị chết bất ngờ vì chiến sự (số này cũng rất ít). Nói tóm lại, dù cả hai nhóm này có khác nhau về xuất thân, về kinh nghiệm chuyên môn hay kinh nghiệm chiến trường, nhưng cả hai nhóm đều giống nhau ở một điểm là cuộc sống rất eo hẹp.

Không phải ai muốn về làm việc ở TTHLBĐQ cũng được. Tất cả đều phải qua sự chọn lựa rất kỹ lưỡng và công bằng ở Bộ Chỉ Huy BĐQ tận Sài Gòn. Được chọn trong hàng ngàn người cùng binh chủng, cùng có những khó khăn như nhau thì không dễ gì được chấm. Lúc được về trung tâm này, nếu còn độc thân thì ở khu dành cho nhân viên độc thân trong trung tâm, ai có đủ tiền có thể ra ngoài Dục Mỹ thuê phòng. Ai có gia đình, con cái thì được cấp nhà ở Khu Gia Binh BĐQ ngoài thị trấn Dục Mỹ. Nhưng đã về đây rồi thì sẽ bị cắt tiền phụ cấp hành quân và những trợ cấp khác cho quân nhân tác chiến. Trong khi ngoài xã hội thì vật giá từng ngày thêm đắt đỏ, lương bổng dù được tăng lên vẫn không đuổi theo kịp với giá cả mỗi ngày cao dần. Có một số khá đông gia đình các nhân viên, cán bộ ban ngày làm việc trong trung tâm hoặc là Huấn Luyện Viên ngoài bãi tập, nhưng ban đêm phải kín đáo đi xe đạp vào trung tâm bán đủ thứ cho khóa sinh, từ thức ăn mặn, hột vịt lộn tới bánh kẹo hoặc thuốc lá loại “bó củi” (50 hay 100 điếu vấn sẵn ở nhà), v.v. kể cả chấp nhận bán chịu (cho ký sổ). Trường hợp tế nhị này Bộ Chỉ Huy TTHL đã có lệnh cấm từ lâu, nhưng trước cuộc sống khó khăn của nhân viên nên thượng cấp đành nhắm mắt cho qua. Không phải vì khóa sinh chẳng được ăn no, mà tại ngán lên tới óc hai món cá chiên, bò kho phải ăn ngày hai lần, và còn phải ăn trong nhiều ngày sắp tới. Người này giúp người nọ, đâu có ai bị phiền!

Có những gia đình mà người vợ lính làm thợ may hằng ngày (nhận sửa quân phục cho khóa sinh), hoặc làm cô giáo dạy con em của quân nhân trong huấn khu (Dục Mỹ có ba trường Tiểu Học, một trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội). Hoặc có những người vợ lính nhọc nhằn hơn, là buôn bán cả ngày ngoài chợ Dục Mỹ để kiếm thêm chút tiền cho gia đình. Cũng có rất nhiều thiếu niên, thiếu nữ con của lính, sau khi rời trường về nhà đã vội gánh trên vai những thúng, thùng chứa nước đá, bếp dầu, cà–phê hoặc xôi, chè, trái cây, thức ăn mặn, v.v. và rời thị trấn hướng đến các bãi tập quân sự khắp Huấn Khu Dục Mỹ. Nơi gần nhất là 2km, nơi xa nhất 8km. Hình như chuyện này có “nội tuyến” trong trung tâm. Các em biết trước đại đội khóa mấy, học ở bãi nào, học nửa ngày, cả ngày, có ngủ đêm? Biết trước hết trơn! May mà không phải vi–xi. Là con của lính thứ thiệt. Một điểm son cần ghi nhận, dù cuộc sống của nhân viên, cán bộ huấn luyện có nhiều khó khăn nhưng tất cả vẫn cố gắng chu toàn trách nhiệm. Vẫn tận tụy làm công việc quen thuộc mỗi ngày, vẫn giữ đúng tư cách nghiêm minh của một cán bộ huấn luyện ở “Lò Luyện Thép”.

8. Chương Trình 12 Tuần Huấn Luyện Dành Cho Khóa Sinh Biệt Động Quân (B 1 BĐQ):

Tuần thứ 1: Tập Cơ Bản Thao Diễn – Đội Hình Diễn Binh (ở sân cờ trung tâm) và tập hát các bản nhạc hùng ca.

Tuần thứ 2: Học làm quen với các loại vũ khí cá nhân, tháo ráp và bảo trì (ở trung tâm). Học đánh cận chiến và võ thuật.

Tuần thứ 3: Tập bắn vũ khí cá nhân, ngủ lại xạ trường Núi Đeo suốt một tuần.

Tuần thứ 4: Học làm quen với súng phóng lựu M–79, đại liên M–60, đại liên 50, tháo ráp, bảo trì (ở trung tâm).

Tuần thứ 5: Tập bắn các loại vũ khí vừa nêu trên. Thi tác xạ súng cá nhân (ngủ lại xạ trường suốt tuần).

Tuần thứ 6: Học làm quen các loại súng cộng đồng như Bazoka, súng cối 60 và 81ly, đại bác không giật 57 và 106ly.

Tuần thứ 7: Tập bắn các loại vũ khí nêu trên, bò hỏa lực, đổ bộ trực thăng (ngủ lại xạ trường).

Tuần thứ 8: Học các đội hình di chuyển lúc hành quân, cấp trung đội, đại đội (ngoài bãi). Học Chiến Tranh Chính Trị (ở trung tâm). Học về “Chiến Tranh Hóa – Vi – Quang” (Hóa học – Vi Trùng – Quang Tuyến) học cách đeo các loại mặt nạ khác nhau, từ khói cay (CS) đến phương cách tránh nhiễm xạ hóa học.

Tuần thứ 9: Vượt Đoạn Đường Chiến Binh, học Tác Chiến Trong Thành Phố (ngày và đêm), đột kích và phục kích.

Tuần thứ 10: Học môn Mưu Sinh – Thoát Hiểm và Đào Tẩu, khám phá hầm bí mật, nhận dạng và vô hiệu hóa mìn, bẫy. Học kỹ thuật gài mìn, lựu đạn và gài bẫy, v.v. Môn này học trong một mật khu (thu nhỏ) của Việt Cộng, kế bên Sông Cay ở Núi Đeo (Đông–Nam Dục Mỹ 4km).

Tuần thứ 11: Học bài địa hình, lội sình, đổ bộ, đột kích tấn công đảo bằng xuồng cao su ở Hòn Khô, Hòn Thị (Đông–Nam thị trấn Ninh Hòa khoảng 4km).

Tuần thứ 12: Học đi cầu ba dây, cầu heo hai dây, cầu rọ một dây (dây kinh dị), tuột núi, tuột càng trực thăng bằng dây và xuống dây tử thần. Hai ngày chót toàn đại đội thực hiện cuộc “Hành Quân Dã Chiến” quanh khu vực Núi Đeo, phải đến và chiếm được ít nhất năm mục tiêu giả định trong hai ngày hai đêm và đúng thời gian ước định.

Lễ mãn khóa Biệt Động Quân được tổ chức rất trang trọng vào ban đêm tại sân cờ, cùng sự tham dự của Bộ Chỉ Huy Trung Tâm Huấn Luyện. Khóa đàn em vừa nhập khóa sẽ làm đội quân danh dự, tiễn khóa đàn anh ngày mai ra chiến trường. Trong bóng tối âm u, bỗng nhiên có 9 tiếng nổ lớn vang lên tại sân cờ (thuốc nổ simulator, không gây sát thương do Đại Đội Quân Cụ thiết trí), cùng lúc đó có 13 cây đuốc thật lớn cũng cháy bùng lên rực sáng khắp khu vực làm lễ. Sau khi cán bộ đại diện Khối Huấn Luyện bước đến trao ba Bằng Thiện Xạ cho ba khóa sinh có số điểm tác xạ cao nhất thì toàn đại đội quỳ xuống trên một chân, các sĩ quan huấn luyện đại diện cho cán bộ Lò Luyện Thép bước đến đội chiếc Mũ Nâu cho từng người. Sau cùng là những lời thề đồng loạt vang lên ba lần: “Biệt Động Quân: Vì Dân Quyết Chiến!”

 


Huy hiệu Rừng Núi Sình Lầy

 

9. Chương Trình Huấn Luyện Dành Cho Khóa Rừng Núi Sình Lầy:

Lúc ban đầu, từ năm 1961 khóa Hành Quân Biệt Động – Rừng Núi Sình Lầy (gọi tắt Rừng Núi Sình Lầy) chỉ dành cho một số sĩ quan và hạ sĩ quan của Lực Lượng Đặc Biệt, Người Nhái, Trinh Sát, Biệt Kích của các binh chủng, v.v. Tính tới giữa năm 1962, đã có 13 khóa Rừng Núi Sình Lầy được đào tạo.

Kể từ Khóa 16 của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ở Đà Lạt (tháng 12/1962), các sĩ quan trước khi ra trường đều phải về Dục Mỹ học khóa Rừng Núi Sình Lầy (nghĩa là khóa 16 Võ Bị học khóa 14 RNSL).

Và cũng từ năm 1972, những sĩ quan tốt nghiệp từ Trường Sĩ Quan Trừ Bị ở Thủ Đức, nếu về binh chủng Biệt Động Quân, tất cả cũng phải đến Dục Mỹ học Khóa Rừng Núi Sình Lầy.

Chương trình huấn luyện về RNSL, ngoài các bài học căn bản về Chiến thuật Tác Chiến Biệt Động, khóa sinh phải chịu đựng một sự thử thách khắc nghiệt về thể chất cũng như tinh thần, được học về những môn được coi là năng động nhất của Biệt Đông Quân, có thể tác chiến trên mọi địa hình như rừng – núi – đồng bằng và lầy lội.

Một khóa RNSL thu gọn trong 42 ngày, mỗi khóa có từ 100 đến 200 người. Lúc nhập khóa, sĩ quan (từ chuẩn úy tới trung tá) không đeo cấp bậc mà mang trên túi áo hoặc trên mũ một mảnh vải màu đỏ, hạ sĩ quan (từ trung sĩ tới thượng sĩ) mang màu vàng. Lá cờ của khóa học tương tự như cờ của các khóa BĐQ, cũng mang màu Nâu nhưng một bên may bốn chữ tắt là RNSL, mặt bên kia lá cờ là CC 2. Khóa sinh cũng được trang bị ba–lô, súng đạn như một quân nhân tác chiến và đội mũ lưỡi trai bằng vải.

Trong thời gian huấn luyện, khóa sinh RNSL phải hoạt động từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối, suốt 18 giờ một ngày, di chuyển đến đâu đều phải chạy, kể cả trước khi ăn cũng phải hít đất, nhảy xổm, đu xà ngang, v.v. Chương trình huấn luyện sẽ thực tập ở những nơi như căn cứ Rừng, dưới chân núi Chư Giung, hướng Tây–Nam Dục Mỹ khoảng 8km. Căn cứ Núi ở suối Trầu (cũng thuộc dãy núi Chư Giung), hướng Tây–Bắc Dục Mỹ chừng 10km, Căn cứ Sình ở đầm Nha Phú dưới chân đèo Rọ Tượng, hướng Đông–Nam Dục Mỹ khoảng 17km (Đông–Nam thị trấn Ninh Hòa 4km).

 


Rừng Núi Sình Lầy Đầm Nha Phú

 

Qua 63 khóa huấn luyện RNSL, chỉ một lần duy nhất là vào tháng 11/1964, Khóa 19 của Trường Võ Bị về Dục Mỹ học Khóa 17 RNSL đã xảy ra một tai nạn trong huấn luyện. Trong bài tập về địa hình và đột kích đêm ở gần Hòn Khô (Đông–Nam Ninh Hòa 4km), một phần khóa sinh (mang vần chữ T) của khóa học đã đi lạc vào một bãi mìn bỏ hoang, mìn phát nổ làm 6 người tử thương và 15 người bị thương. Huấn luyện viên hướng dẫn địa hình của bài tập hôm đó là Trung úy Lê Phú Đào (Khóa 15 VBQG).


Huy hiệu Viễn Thám

 

10. Chương Trình Huấn Luyện Dành Cho Khóa VIễn Thám:

Khóa Viễn Thám đựợc dành cho sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc các ngành như Trinh Sát, Thám Sát, Thám Báo, Biệt Kích, Thám Kích, Viễn Thám, v.v. của các quân binh chủng QLVNCH.

Một khóa Viễn Thám được thu gọn trong 32 ngày, mỗi khóa có từ 50 đến 100 khóa sinh. Lúc nhập khóa sĩ quan mang vải đỏ, hạ sĩ quan vải vàng và binh sĩ mang vải xanh. Cờ hiệu của khóa cũng cùng kích thước như BĐQ và RNSL, mang màu nâu với một bên là chữ VT và một bên là CC 1. Khóa sinh cũng được trang bị ba–lô súng đạn, mũ vải và khi di chuyển cũng phải chạy thường xuyên như khóa Rừng Núi Sình Lầy.

Chương trình huấn luyện của Viễn Thám phần lớn chú trọng về từng toán tách biệt từ 3 đến 5 người. Đơn độc hoạt động trong rừng sâu núi thẳm dò tìm dấu vết địch, hoặc để theo dõi một đơn vị của đối phương, vẽ sơ đồ, đánh dấu vị trí địch và cũng có thể tổ chức bắt cóc đem về khai thác tin tức. Khóa Viễn Thám cũng được học về phương pháp ngụy trang cho cá nhân, ngụy trang vị trí ẩn nấp, ngụy trang địa hình giả để đánh lừa, xóa dấu vết khi di chuyển, v.v. Với một chương trình huấn luyện như vậy nên các khóa Viễn Thám phải học về kỹ thuật xuống dây trực thăng ở mục tiêu, móc vào dây trực thăng khi rời mục tiêu, hoặc được trực thăng thả xuống một nơi thật xa rồi tự tìm đường về. Các nơi được dành cho việc huấn luyện Viễn Thám là căn cứ Rừng, căn cứ Núi, căn cứ Đá Đen (Đông–Nam Núi Đeo), căn cứ Cọp Đen (Tây–Bắc Núi Đeo), v.v.

11. Kết Luận:

Đèo cao thì mặc đèo cao
Tinh thần Biệt Động vẫn cao hơn đèo


Tính đến năm 1965, TTHLBĐQ ở Dục Mỹ đã hoàn tất việc thành lập các tiểu đoàn BĐQ, có tất cả 20 tiểu đoàn được thành lập là: TĐ11 BĐQ, 21, 22, 23, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 41, 42, 43, 44, 51, 52. Riêng Tiểu Đoàn 41, vào năm 1972 đã đổi số hiệu đơn vị thành Tiểu Đoàn 58, BĐQ. Ngoài ra, từ năm 1970, với sự sáp nhập các trại Dân Sự Chiến Đấu từ Lực Lượng Đặc Biệt, Binh chủng BĐQ lại có thêm 37 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng ở khắp bốn quân khu. Những tiểu đoàn đó là: TĐ61 BĐQ, 62, 63, 64, 65 (giải tán cuối năm 1973), 66 (60), 67, 68, 69, 70, 71 (giải tán cuối năm 1973), 72, 73 (giải tán cuối năm 1973), 74 (giải tán cuối năm 1973), 75 (giải tán cuối năm 1973), 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88, 89, 90, 91 (giải tán cuối năm 1973), 92, 93, 94, 95, 96, 97. Hơn một nửa của số Tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng nêu trên đã được gởi về TTHLBĐQ ở Dục Mỹ để tái huấn luyện. Đến cuối năm 1974, Binh chủng BĐQ đã thành lập thêm hai liên đoàn mới. Liên Đoàn 8 BĐQ với ba Tiểu Đoàn: TĐ84 BĐQ, 86, 87 và Liên Đoàn 9 BĐQ với ba Tiểu Đoàn: TĐ93 BĐQ, 97, 99. Cả hai liên đoàn này đều về TTHLBĐQ ở Dục Mỹ để tái huấn luyện trước khi ra chiến trường.

Theo tổ chức của binh chủng, mỗi Liên Đoàn BĐQ có một Đại Đội Công Vụ với 213 người, Đại Đội Thám Kích Biệt Động có 111 người, Đại Đội Vận Tải 114 người, Đại Đội Công Binh 122 người, Trung Đội Pháo Binh với 4 súng 105mm và 30 người, Trung Đội Truyền Tin 20 người, Trung Đội Quân Y 20 người. Trên lý thuyết thì mỗi tiểu đoàn có 745 người, một liên đoàn có hơn 2,800 người nhưng trong thực tế thì quân số hành quân chỉ có từ 1,700 đến 2,200 quân nhân. Vì hành quân liên miên, hiếm khi được nghỉ ngơi nên quân số nhiều liên đoàn thường xuyên thiếu hụt.

Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân QLVNCH là nơi huấn luyện, cấp phát một Bằng và hai Chứng Chỉ tốt nghiệp về Chiến Thuật Tác Chiến Biệt Động, không chỉ trong quân lực mà còn dành cho quân đội đồng minh (giá trị vĩnh viễn).

Bằng Căn Bản Biệt Động Quân (B 1, BĐQ) được cấp cho quân nhân các cấp trong binh chủng, phụ cấp mỗi tháng 800 đồng (1960–1965: $300, 1966–1970: $600).

Chứng Chỉ 1 (CC 1, BĐQ), được cấp cho binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan trong quân lực đã tốt nghiệp sau 32 ngày huấn luyện về Viễn Thám, phụ cấp mỗi tháng $700 (1961–1965: $300, 1966–1970: $500).

Chứng Chỉ 2 (CC 2, BĐQ), được cấp cho hạ sĩ quan, sĩ quan trong quân lực đã thụ huấn và tốt nghiệp sau 42 ngày học khóa Hành Quân Biệt Động – Rừng Núi Sình Lầy, phụ cấp mỗi tháng $800 (1961–1965: $300, 1966–1970: $600)

(Từ năm 1972 và về sau, các sĩ quan cấp thiếu tá, trung tá, đại tá trong quân lực thuộc những ngành chuyên môn (không tác chiến), buộc phải về Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ để học trong 3 tuần khóa B 2 (Bằng 2 BĐQ dành cho sĩ quan trung cấp và cao cấp. Đây là Huấn Thị của Tổng Cục Quân Huấn ban hành trong tháng 1/1972. Bằng B 1 BĐQ tức là Bằng Căn Bản như đã nói ở trên).

Từ năm 1961 đến năm 1975, Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân QLVNCH đã đào tạo được 504 khóa BĐQ, mỗi khóa có hơn 200 quân nhân.

Đào tạo được 87 khóa Viễn Thám, trong đó có 2 khóa cho quân đội Nam Hàn, 1 khóa cho quân đội Thái Lan.

Đào tạo 64 khóa Rừng Núi Sình Lầy, kể cả 1 khóa cho quân đội Nam Hàn, 1 cho Thái Lan và 1 khóa cho Phi Luật Tân.

Huấn luyện và cấp bằng tốt nghiệp Thiện Xạ qua 28 khóa bắn tỉa dành cho các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng, mỗi khóa có 10 quân nhân, học trong 4 tuần (chương trình này bắt đầu năm 1970, bỏ hẳn vào năm 1974).

Huấn luyện Bổ Túc được tất cả 27 tiểu đoàn BĐQ từ các Quân Khu gởi về thụ huấn.

Từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, đã huấn luyện được 6 Đại Đội Thám Kích Biệt Động, thuộc các Liên Đoàn 8, 9, 11, 12, (LĐ 1), 14, 15.

Về tổ chức của Đại Đội Thám Kích Biệt Động: Đại Đội Trưởng cấp đại úy, Trung Đội Trưởng cấp thiếu úy. Quân số 111 người. Bộ Chỉ Huy và Tổng Đài Hành Quân (Truyền Tin), 11 người. Hai Trung Đội Viễn Thám (1+2), hai Trung Đội Thám Kích (1+2), mỗi trung đội 25 người (bản thân người viết bài này từ 1974 đến 1975 đảm trách Trưởng Tổng Đài Hành Quân của Đại Đội 14 Thám Kích Biệt Động, Liên Đoàn 14 BĐQ, Liên Đoàn Trưởng Trung tá Chung Thanh Tòng, Liên Đoàn Phó Thiếu tá Đào Trọng Vượng).

Vào tháng 6/1962, ba tiểu đoàn thứ nhất của Binh chủng Biệt Động Quân được thành lập là Tiểu Đoàn 10 Đặc Biệt (Đà Nẵng), Tiểu Đoàn 20 Đặc Biệt (Pleiku), Tiểu Đoàn 30 Đặc Biệt (Sài Gòn). Tháng 5/1963, hai Tiểu Đoàn 10 và 20 được đổi số hiệu và danh xưng thành Tiểu Đoàn 11 BĐQ và Tiểu Đoàn 21 BĐQ. Tiểu Đoàn 30 Đặc Biệt tuy không đổi số hiệu nhưng thành Tiểu Đoàn 30 BĐQ. Cùng lúc đó Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân cũng được thành lập. Tiểu Đoàn 31 BĐQ là tiểu đoàn thứ nhất của binh chủng được huấn luyện đầy đủ nhất, được trang bị hùng hậu nhất và cũng là tiểu đoàn thứ nhất được thành lập ở Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân. Hai tiểu đoàn tiếp theo cũng được thành lập ở Dục Mỹ là Tiểu Đoàn 32 và Tiểu Đoàn 22 BĐQ.

Theo thống kê của Tổng Cục Quân Huấn vào năm 1973. Quân nhân trong Binh chủng Biệt Động Quân có 40% gốc miền Nam, 35% gốc miền Trung, 20% là đồng bào thiểu số, 4% gốc Sài Gòn và 1% gốc miền Bắc (Nhảy Dù: 37% gốc miền Bắc, 15% gốc miền Nam, 10% gốc miền Trung, 6% gốc Sài Gòn. Thuỷ Quân Lục Chiến: 32.5% gốc miền Nam, 29.6% gốc miền Trung, 22.6% gốc miền Bắc và 13% gốc Sài Gòn).

Trong một thống kê năm 1970 của Bộ Tư Lệnh Yểm Trợ Quân Sự – Việt Nam (Military Assistance Command – Viet Nam – MACV): Biệt Động Quân là một binh chủng có số người tình nguyện đông nhất, trung bình từ 8,000 tới 9,000 trong một năm. Tuy nhiên BĐQ lại chiếm số quân nhân đào ngũ đông nhất trong quân lực, từ 3,000 đến 4,000 người trong một năm.

Phân tích nguyên nhân:

Giai đoạn 1. Từ lúc thành lập cho đến năm 1968, các Đại Đội rồi Tiểu Đoàn BĐQ luôn bị đặt trong tình trạng sẵn sàng tiếp ứng, tăng phái, v.v. cho các sư đoàn, trung đoàn bộ binh, cho Nhảy Dù, Thủy Quân Luc Chiến và cho cả các Tiểu Khu. Những đơn vị BĐQ thường xuyên bị điều động hành quân liên miên bởi các nơi nhận tăng phái. Những người lính BĐQ rất hiếm khi được đi phép và thường ở một nơi rất xa với gia đình. Đây là lý do họ phải bỏ đơn vị để về thăm nhà. Con số đào ngũ cao tới mức Đại tướng William C. Westmoreland, Tư Lệnh MACV đã có dự tính cho tái tổ chức 20 tiểu đoàn BĐQ thành hai Sư Đoàn nhẹ để tránh tình trạng bị xé lẻ và tăng phái các nơi. Hơn nữa, ngành tư pháp và căn cước của Việt Nam không đủ phương tiện xác nhận lý lịch cá nhân. Luật Động Viên ấn định tuổi quân dịch là 18 và phải có thẻ căn cước, nhưng với tuổi 17 chỉ cần một tờ Giấy Khai Sinh là có thể tình nguyện vào quân đội.

Giai đoạn 2. Sau biến cố năm Mậu Thân 1968, Luật Tổng Động Viên đã hạ tuổi quân dịch xuống còn 17, đương nhiên tuổi tình nguyện cũng hạ xuống còn 16. Cũng từ năm 1969 đến 1971, vì nhu cầu nhân lực cho chiến cuộc, Tổng Cục Quân Huấn có quy định nếu tình nguyện vào quân đội sẽ được tặng thưởng $4,500, gọi là tiền đầu quân (năm 1972 về sau tiền đầu quân tăng lên $6,000).

Đúc kết thống kê: Trong thực tế, số quân nhân trong quân đội, nói chung là đào ngũ khá cao. Tuy nhiên sau khi đào ngũ thì ít có ai đi theo kẻ địch là cộng sản, họ chỉ về thăm nhà môt thời gian rồi làm khai sinh với tên mới tình nguyện trở lại quân đội. Vì thế tuy tình trạng đào ngũ khá cao nhưng con số người nhập ngũ còn cao hơn nữa. Tất cả chỉ vì chiến sự mỗi ngày thêm khốc liệt, các đơn vị phải hành quân liên miên, người lính xa nhà quá lâu. Họ phải tự “mình cấp phép cho mình”, về thăm nhà rồi trở lại quân đội với danh tính mới.

Bên cạnh những chi tiết nêu trên còn có một trường hợp khác gọi là “lính mùa”. Số này tình nguyện nhập ngũ chủ yếu nhắm vào ba tháng lương ở quân trường và tiền thưởng đầu quân. Sau khi ra trường, lúc trên đường di chuyển về đơn vị mới hoặc nằm chờ ở hậu cứ, v.v. đương sự sẽ tìm mọi cách bỏ trốn với số tiền khá lớn trong túi. Một hai tháng sau, đương sự lại làm khai sinh mới và nhập ngũ tiếp ở các đơn vị hay binh chủng khác. Đây là một thực tế thật đáng buồn nhưng cũng may chỉ là một con số rất nhỏ.

12. Vấn Đề Tiếp Vận Trong Binh Chủng Biệt Động Quân:

Từ ngày thành lập năm 1960 đến 1970, vấn đề tiếp vận cho riêng Binh chủng BĐQ là một vấn đề gây nhức đầu không những cho Bộ Tổng Tham Mưu, mà cả Bộ Tư Lệnh MACV. Ngay từ lúc thành lập, từ trung đội rồi đại đội, lên cấp chiến đoàn, liên đoàn thì binh chủng này không được tổ chức một cơ cấu điều hành việc tiếp vận cho nội bộ. Với quan niệm rằng những đơn vị BĐQ ở Quân Khu nào thì do chính quân khu đó đảm trách việc tiếp vận cho lực lượng BĐQ. Nhưng khi bên Quân Đoàn điều động đi tăng phái cho các đơn vị bạn thì vấn đề tiếp vận mới lộ ra những khiếm khuyết của nó. Khi đi tăng phái thì phần lớn các đơn vị nhận tăng phái luôn dành ưu tiên cho các đơn vị cơ hữu của mình. Những nhân viên tiếp liệu của BĐQ thường phải chạy đôn đáo các nơi vì thủ tục hành chánh rườm rà, nguyên tắc cứng ngắc của hàng dọc, hàng ngang, v.v. thì đơn vị BĐQ nơi tuyến đầu mới có những đáp ứng theo yêu cầu, và thường không được đầy đủ hoặc chậm trễ.

Một ví dụ điển hình: Trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, Liên Đoàn 1 BĐQ được chỉ định tăng phái làm tiên phong cho Sư Đoàn Nhảy Dù, nhưng sau lúc Tiểu Đoàn 39 đổ quân xuống thiết lập Ranger North, Tiểu Đoàn 21 xuống lập Ranger South, thì lúc ấy ở Khe Sanh mới sực nhớ ra: Đơn vị nào chịu trách nhiệm về tiếp tế cho BĐQ ở bên Lào? Ngày 10/2/1971, ngày thứ ba của cuộc hành quân, Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I ở Khe Sanh (Căn Cứ Hàm Nghi) phải cử hai vị Đại tá đến Căn Cứ Phú Lộc, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Đoàn 1 (bên này biên giới 1km) gặp vị Liên Đoàn Trưởng, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp để cùng bàn việc tiếp tế cho hai tiếu đoàn BĐQ trên đất Lào. Thay vì trực thăng đáp xuống Căn Cứ Phú Lộc thì phi công bay lạc qua bên kia biên giới, bay thật thấp ngang qua Tiểu Đoàn 21 BĐQ. Chỉ vì một sơ suất về tiếp tế cho BĐQ, chiếc trực thăng đó bị cộng sản bắn rơi làm thiệt mạng hai sĩ quan cao cấp của quân đoàn, phi hành đoàn 4 người Mỹ, một sĩ quan tiếp liệu của LĐ 1 BĐQ, một phóng viên quân đội người Việt và 4 phóng viên ngoại quốc. Đó là chuyện hành quân. Còn ở hậu phương, phần lớn những doanh trại hậu cứ cấp tiểu đoàn, liên đoàn thì quá cũ, có nơi được xây cất từ thời Pháp. Riêng các khu gia binh trực thuộc thì còn xơ xác hơn, thiếu nhà ở, thiếu trường học, thiếu bệnh xá, v.v. dành cho gia đình binh sĩ. Cũng may mắn là điều này đã được các cố vấn Mỹ trong đơn vị thấy được và cảm thông cho những thiếu thốn đó.

Thêm một ví dụ điển hình: Trong tháng 10 năm 1969, một phái đoàn thanh tra từ Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân, Bộ Chỉ Huy Cố Vấn BĐQ ở MACV đến thăm Trại Phan Hanh, hậu cứ của Liên Đoàn 3 BĐQ ở Long Bình, Thiếu tá Nguyễn Văn Biết, Chỉ Huy Hành Chánh Công Vụ của LĐ 3 và các cố vấn phúc trình cho phái đoàn thanh tra: “Toàn liên đoàn có 82 chiếc xe lớn nhỏ, nhưng mỗi ba tháng chỉ được cấp 80 lít xăng, 15 lít dầu cặn. Binh sĩ thiếu áo giáp, thiều giày, thiếu quần áo, v.v. mà lẽ ra phải được cung cấp theo bảng phân phối từ Tổng Cục Tiếp Vận. Binh sĩ phải mua ngoài chợ đen, nên đã nghèo càng chịu nghèo thêm”. Nhà cửa doanh trại hư nát, khu gia binh xác xơ, đến mức các vị cố vấn trong liên đoàn thấy thảm quá nên cố gắng tiếp xúc với một đơn vị Mỹ đóng gần đó là Lữ Đoàn 20 Công Binh Kiến Tạo. Các cố vấn yêu cầu được giúp đỡ thì bộ chỉ huy của đơn vị này chấp nhận bằng cách: Lúc đơn vị họ ra ngoài hành quân, xe cơ giới còn để lại cũng như gỗ, sắt, v.v. cứ lấy sử dụng đến khi đơn vị trở về. Vậy là các cố vấn cùng quân nhân ở hậu cứ hối hả phơi nắng làm việc “tu bổ” doanh trại, tuy nhiên cũng có các thứ phải bỏ tiền túi ra mua ở bên ngoài. Nhờ lòng hảo tâm này, Trại Phan Hanh của LĐ 3 BĐQ mới làm thêm hoặc sửa sang được tất cả 90 căn nhà cho 148 gia đình của TĐ 31 BĐQ, 90 căn nhà cho 219 gia đình của TĐ 52 BĐQ, còn TĐ 36 BĐQ thì ở riêng trong khu Hoàng Hoa Thám, và 103 căn nhà của 145 gia đình thuộc tiểu đoàn này cũng cần sự giúp đỡ. Lúc vị Trưởng Đoàn Thanh Tra, Đại tá Lê Quang Hiển đến quan sát hai trường tiểu học dành cho các cháu Hướng Đạo, nam và nữ thuộc liên đoàn, ông thẳng thắn nhận xét: “Cả hai trường này chỉ đạt 25% theo yêu cầu của ngành giáo dục. Trong tương lai, con em của quân nhân rồi sẽ vào quân đội nếu không có thêm trường được xây cất”... (Rangers at War – LRRPs in Vietnam, by Shelby L. Stanton).

Tính đến tháng 8/1964, số cố vấn Mỹ đang phục vụ trong Binh chủng BĐQ là 35 sĩ quan, 19 hạ sĩ quan.

Tới đầu năm 1965, số cố vấn là 42 sĩ quan, 36 hạ sĩ quan.

Đầu năm 1966, có 54 sĩ quan và 64 hạ sĩ quan.

Giữa năm 1967, số cố vấn là 55 sĩ quan, 79 hạ sĩ quan.

Năm 1968, 65 sĩ quan 91 hạ sĩ quan.

Năm 1969, 60 sĩ quan 85 hạ sĩ quan.

Năm 1970, 43 sĩ quan 70 hạ sĩ quan.

Năm 1971, 30 sĩ quan 48 hạ sĩ quan.

Năm 1972, 20 sĩ quan 33 hạ sĩ quan (không còn cố vấn cấp tiểu đoàn).

Từ năm 1965 đến 1971:

Mỗi bộ chỉ huy liên đoàn BĐQ có 6 cố vấn, 3 sĩ quan, 3 hạ sĩ quan.

Mỗi tiểu đoàn BĐQ có 5 cố vấn, 2 sĩ quan và 3 hạ sĩ quan.

Từ năm 1960 đến 1973, có gần 1,000 sĩ quan và hạ sĩ quan của quân đội Mỹ làm cố vấn trong Binh chủng Biệt Động Quân. Có tất cả 55 vị tử trận, gần 200 người bị thương (xin đọc thêm nơi bài “Một Nén Hương Cho Những Người Nằm Xuống” của BĐQ Đỗ Như Quyên).

Trong bản tổng kết thành tích của Bộ Chỉ Huy Trung Ương, Biệt Động Quân QLVNCH: Từ ngày 1/7/1960 đến ngày 28/1/1973, riêng Binh chủng BĐQ đã hạ sát được khoảng 40,000 quân cộng sản, bắt 7,000 tù binh, đón nhận 255 người ra hồi chánh, tịch thu 10,941 súng cá nhân và 1,167 súng cộng đồng. Con số này không tính đến các chiến tích đã lập được cho những đơn vị mà BĐQ đã tăng phái (The Black Tigers, by Michael Martin. The Vietnamese Ranger: An Overview, by MacDonald Valentine).

Dưới đây là danh sách các Đại Đội Biệt Động Quân vào những năm đầu, từ 1960 tới 1962. Có một số đại đội được tổ chức thành những tiểu đoàn và tìm ra được các đại đội nào. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều đại đội khác ở các tỉnh nhưng không biết về tiểu đoàn nào. Nay xin ghi lại với hy vọng có người nhớ lại những đại đội đó thuộc tiểu đoàn nào:

Tỉnh Thừa Thiên: Đại Đội 101, 102, 103, 104, 105 được đưa về Đà Nẵng thành lập Tiểu Đoàn 11 BĐQ.

Tiểu Đoàn 21 với các Đại Đội: 203, 206, 303, 304, 305.

TĐ 22: 201, 202, 204, 207, 208, 209.

TĐ 30: ĐĐ 307, 308, 309, 310.

TĐ 33: 318, 319, 322, 339, 367.

TĐ 37: 313, 324, 327, 342.

Đại Đội 350 giải tán để lập Bộ Chỉ Huy cho ba TĐ 21, 37, 39 BĐQ.

TĐ 42: 315, 363, 365, 369.

TĐ 52: 347, 348, 351, 352.

Tỉnh Bình Định: ĐĐ 205, 211.

Tỉnh Khánh Hòa: ĐĐ 301, 302 (sáp nhập vào TTHLBĐQ ở Dục Mỹ).

Tỉnh Bình Tuy: 311, 317, 333, 341.

Tỉnh Phước Thành: 314, 321, 324, 330, 335, 336, 338, 343, 350.

Tỉnh Long Khánh: 323.

Tỉnh Phước Long: 312, 313, 320, 329, 342.

Tỉnh Tuyên Đức: 210.

Tỉnh Long An: 356, 357.

Tỉnh Phong Dinh: 368.

Tỉnh Kiến Tường: 351, 355.

Tỉnh Kiến Phong: 347, 348.

Tỉnh Kiến Hòa: 353, 354.

Tỉnh Định Tường: 334.

Tỉnh Chương Thiện: 361.

Tỉnh An Giang: 360, 366.

Tỉnh An Xuyên: 315, 365, 370, 362, 363, 364, 369.

Khu vực Sài Gòn: 306, 307, 308, 309, 310.

Như vậy, trong tổng số 20 tiểu đoàn ban đầu của BĐQ, đã tìm được 8 tiểu đoàn với gốc cũ từ những đại đội biệt lập nào. Còn lại 12 tiểu đoàn, ước mong có vị đàn anh nào nhớ lại, xin lên tiếng giúp cho. Vô cùng đa tạ.

Bài viết này tuy được tham khảo từ các nguồn tài liệu của Mỹ lẫn Việt, cũng như phỏng vấn các vị đàn anh qua điện thoại. Tuy vậy vẫn có thiếu sót hay những chi tiết không chính xác. Rất mong những ai biết được thêm chi tìết nào, hay sai lầm ở đâu xin vui lòng liên lạc Tập San BĐQ để giúp chúng tôi bổ xung thêm hoặc hiệu đính lại những sơ suất đó. Cảm ơn quý vị trước.

BĐQ Đỗ Như Quyên
(Ranger Charlie Brown Phương)




NGUỒN THAM KHẢO:

Kỷ Luật Sắt: Biệt Đông Quân, QLVNCH. Nguyễn Kim Biên.
Màu Nâu Trong Ký Ức – Biệt Động Quân. Ngọc Dạ Lý Hương.
Đôi Nét Khái Quát Về Lò Luyện Thép Của Biệt Động Quân. Nguyễn Thanh Vân.
Cọp Ba Đầu Rằn. Hồ Viết Lượng. Tập San BĐQ số 24, tháng 9, 2008.
Biệt Động Quân, QLVNCH. Vũ Đình Hiếu.
Dục Mỹ, Lò Luyện Thép. Giang Văn Nhân.
Rangers at War, by Shelby L. Stanton.
The Black Tigers, by Michael Martin.
The Vietnamese Ranger: An Overview, by MacDonald Valentine.

To Fight With Intrepidity – The Complete History of the U.S. Army Rangers 1622 to Present, by John D. Lock.

 

 

 

 

 


Căn cứ Dục Mỹ

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Binh chủng BĐQ QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by BĐQ ĐNQ chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, March 17, 2019
Cập nhật ngày Chúa Nhật, January 16/2022
Cập nhật ngày Thứ Ba, June 4, 2019
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang