Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút Ký
Chủ đề:
Căn cứ Dục Mỹ–QLVNCH
Tác giả:
Giang văn Nhân
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Từ
quận Ninh Hoà theo Quốc lộ 21 đi Khánh Dương, sẽ ngang qua Trung tâm
Huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Đây là một yếu khu quân sự, bao
gồm Trường Pháo Binh, Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn, cùng sân bay dã
chiến. Trung tâm Huấn luyện Biệt Động Quân ngoài việc đào tạo tân
binh còn đảm nhận huấn luyện về Rừng Núi Sình Lầy và Viễn Thám. Khóa
sinh thụ huấn được tuyển chọn từ các đơn vị của Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa. Riêng khóa RNSL trao đổi kinh nghiệm chiến trường theo
từng địa thế. Các phái đoàn quân sự ngoại quốc viếng thăm trung tâm,
nhìn thao trường và kỷ luật, đều công nhận đây là lò luyện thép bậc
nhất của vùng Đông Nam Á.
Kể từ khóa 16 tất cả những sinh viên sĩ
quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam trước khi ra trường phải thụ
huấn ở Trung tâm Huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Khởi đầu chỉ có
hai tuần, nhưng những khóa kế tiếp theo chương trình huấn luyện lần
lượt thay đổi đến sáu tuần lễ. Ngoài những hiểu biết về Văn Hóa và
căn bản Quân Sự cấp đại đội, Bộ chỉ huy nhà trường muốn người sĩ
quan tốt nghiệp có đầy đủ kinh nghiệm chiến đấu thực tế trên 4 vùng
chiến thuật làm hành trang xông vào lửa đạn.
Thu thập kết quả của từng khóa, Bộ chỉ huy
nhà trường đã có một kế hoạch thật chu đáo cho khóa 22 theo chương
trình thụ huấn 2 năm, những buổi thuyết trình, những kinh nghiệm từ
Niên Trưởng Phạm xuân Thất sĩ quan cán bộ, đã hoàn tất khóa học này.
Được sự chấp thuận vào tháng 8, các SVSQ sắp thụ huấn Dục Mỹ, tập
họp tại sân cờ và bắt đầu chạy bộ lúc 6 giờ sáng theo lộ trình qua
miếu Tiên Sư, Chi Lăng, ra Hồ Than Thở rồi vòng ngược trở về trường.
Mươi phút sắp xếp phòng ngủ, tập họp dùng điểm tâm, chúng tôi đến
phòng học hoặc ra bãi chiến thuật. Ngày trôi qua, bước chân thêm
vững chắc, chúng tôi chạy xa đến trường Yersin bên hồ Xuân Hương,
hít thở không khí mù sương của thị xã Đà Lạt, vừa chạy vừa đếm số,
âm thanh vang vọng phá tan cảnh tĩnh mịch trên núi đồi, kèm theo
những nụ cười rạng rỡ.
Sự hy sinh của SVSQ Huỳnh văn Thảo trong
ngày bầu cử Tổng Thống cũng là tuần cuối cùng phải rời trường Mẹ.
Nỗi buồn mất bạn, nhưng nhiệm vụ còn nhiều thử thách, chúng tôi
chuẩn bị hành trang gồm ba–lô, súng đạn, bi–đông, gamen, ca inox,
túi quân trang vỏn vẹn bộ quân phục tác chiến, một bộ ka–ki vàng,
poncho, võng nylon, mùng, mền, cùng vài vật dụng lỉnh kỉnh cá nhân.
Đặc biệt võng nylon và dây chúng tôi đặt mua ở gian hàng chị Chúc
trong khuôn viên chợ Đà Lạt. Châm ngôn “Chúng tôi không màng an lạc
dễ dàng, mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm” làm háo hức lòng
người trai trẻ cố tìm giấc ngủ trong màn đêm, nhưng vẫn nghe những
bước đi chậm rãi của toán tuần tiễu.
Trung tâm Huấn luyện Biệt Động Quân
Phi cơ C–123 đưa chúng tôi từ Cam Ly đáp
xuống sân bay dã chiến Lam Sơn. Không khí nóng ập vào bụng phi cơ
vừa hé mở, trước mắt là bãi cát trắng cùng những bụi chồi nhỏ bên
ngoài hàng rào kẽm gai, xe GMC chờ sẵn và chở chúng tôi đến doanh
trại trong Trung tâm Huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ với toàn thân
ướt đẫm mồ hôi. Đó là dãy nhà có vách và mái lợp, tất cả đếu bằng
tole, chung quanh toàn cát trắng, Khí hậu thay đổi đột ngột từ sự
mát mẻ của Đà Lạt qua cái nóng của Dục Mỹ, lại thêm doanh trại toả
nhiệt nên mồ hôi toát ra làm cơ thể bải hoải. Được sự hướng dẫn bỏ
viên thuốc muối vào bi–đông nước và lắc đều trước khi uống, muối
khoáng được bồi đắp, nên cảm thấy dễ chịu hơn.
Ngày hôm sau chúng tôi bị chia ra làm hai
toán, màu vàng và màu đỏ. Theo danh sách, số thứ tự thay thế tên của
khóa sinh. Thảo ở toán màu vàng, và là biệt động quân 71. Cả ngày
chúng tôi sắp xếp chỗ ngủ, tháo bảng tên cũ thay bảng khác bằng số
và may màu của toán nơi cổ áo. Đây là thời gian để cơ thể thích hợp
dần với không khí mới. Hai sĩ quan Biệt Động Quân là Trung úy Triêm,
sĩ quan kỷ luật và Thiếu úy Cho, sĩ quan phụ tá, ra lệnh tập họp
theo thời gian, chấn chỉnh dằn mặt và đếm số trước khi dẫn chúng tôi
đến nhà ăn của trung tâm.
Ngày kế tiếp, chúng tôi phải trải qua cuộc
khảo sát về thể lực như leo giây, hít đất, hít trên xà ngang, chạy
tốc độ 100 thước, đặc biệt chạy vòng quanh 3 cây số. Sau bữa cơm
chiều, chúng tôi được thoải mái đi câu lạc bộ, cũng như nhìn cảnh
sinh hoạt của các khóa sinh Biệt Động Quân.
Còi tu huýt vang lên, chúng tôi túa ra sân
tập họp một cách nhanh chóng, Trung úy sĩ quan kỷ luật cho biết hôm
nay là ngày khai giảng, chúng tôi chạy sáng, rồi trở về dùng điểm
tâm, sau đó đến phòng hướng dẫn về chương trình thụ huấn. Đã được
tập luyện sẵn, buổi chạy sáng đầu tiên theo Quốc lộ 21 đến chợ Dục
Mỹ rồi trở về làm hai vị sĩ quan cán bộ và các ha sĩ quan phụ tá
phải cố gắng mới bám sát theo chúng tôi.
Rời khỏi doanh trại là chúng tôi chạy đều
bước, súng cầm tay, đếm số và lặp lại theo lời hướng dẫn của Thiếu
úy Cho:
Ta
là... ta là
Biệt Động... Biệt Động
không thích... không thích
đi xe... đi xe
chỉ thích... chỉ thích
chạy bộ... chạy bộ
một hai ba bốn... một hai ba bốn...
Tuần lễ đầu được huấn luyện trong lóp học,
chúng tôi phải xưng hô theo cấp bậc của sĩ quan phụ tá kỷ luật, và
các hạ sĩ quan huấn luyện viên. Chẳng hạn như:
– Chào Trung sĩ huấn luyện viên, Biệt Động
Quân 71...
Đối
với chúng tôi, chạy sáng, hoặc chạy bộ đến lớp học, giống như giai
đoạn tân khóa sinh, thời gian đó chúng tôi là những bạch diện thư
sinh, bước vào ngưỡng cửa nhà binh với bầu nhiệt huyết, giờ đây đã
trải qua 22 tháng quân trường, có một sức lực dồi dào với tâm niệm
bảo vệ tổ quốc, phục vụ quân đội, sẵn sàng vượt qua những thử thách
đang chờ đón tại lò luyện thép.
Vào tuần thứ hai sau khi chạy sáng, trở về
xếp giường ngủ, chúng tôi tập họp, giá súng trước nhà ăn, dùng điểm
tâm, rồi súng cầm tay chạy đều bước, vừa đếm số, vừa hô to:
Ta là Biệt Động, không thích đi xe, chỉ
thích chạy bộ...
Những chiếc xe đò trên Quốc lộ 21 đôi lúc phải nối đuôi sau đoàn
quân và khi đường trống, vượt qua với những bàn tay vẫy chào. Kể từ
lúc này cơm trưa được xe chở ra bãi học cho chúng tôi, vùng này cát
trắng, những bụi rậm thấp, thỉnh thoảng có vài cây cao không quá 4
thước tây, bóng mát không đủ che vào lúc trưa, do đó ngoài bãi học
cũng là cách luyện tập cơ thể thích ứng với mọi hoàn cảnh. Súng theo
thế tác chiến, đội hình chiến thuật, lúc chuyển quận sang bãi học
khác, bước chân trên cát trắng như trì kéo mạnh, thêm cái nắng mặc
tình đùa nhảy trên phần da thịt bên ngoài bộ quân phục tác chiến. Kỹ
thuật uống nước có pha viên thuốc muối trong bi–đông được chúng tôi
áp dụng, giữ nước trong miệng, rồi từ từ cho từng ngụm nhỏ vào thực
quản, mồ hôi thoát ra chúng tôi không lau khô, một vài cơn gió nhè
nhẹ làm cơ thể cảm thấy mát mát dễ chịu. Gian nan nhất là vượt đoạn
đường chiến binh trong thời gian ấn định. Số lượng chướng ngại vật
nhiều hơn, leo thang cao hơn, bò dưới hàng rào kẽm gai thấp hơn,
vượt tường nhà, cửa sổ... tuy nhiên chúng tôi có điều kiện tốt là
sinh viên sĩ quan, cuộc sống ở quân trường điều độ, thể chất được
tập luyện, nên chúng tôi đều vượt qua.
Tất cả các bãi học đều trên cát trắng,
không một bóng cây, chỉ riêng về lớp học mìn bẫy, có vài cây nhỏ và
những đám chồi lấp thấp tạo ra bóng mát. Buổi sáng sau phần trình
bày sơ lược về tác dụng của mìn bẫy trong chiến tranh du kích, chúng
tôi được huấn luyện viên cho nghỉ giải lao. Chương trình thụ huấn
liên tục, không ngày nghỉ, cho nên khi được lệnh chúng tôi tìm bóng
mát và ngã người trên cát, mươi phút thoải mái. Khi được lệnh huấn
luyện viên trở về lớp học, người thì chân đá vào dây nhỏ, người thì
vừa ngồi xuống trên băng gỗ, những tiếng nổ vang lên mọi nơi, chúng
tôi bị vướng mìn bẫy, Sau khi được huấn luyện viên cho đứng lên,
ngồi xuống vài lần, rồi tan hàng ra ngoài nghỉ thêm mươi phút để các
phụ tá tháo gỡ dây bẫy. Vào bóng mát, chúng tôi lại nghe tiếng nổ
trong đám chồi. Bài học về mìn bẫy một cách thực tế và thật bất ngờ,
luôn xảy ra nhất là những vùng xôi đậu.
Chúng tôi được bò dưới hỏa lực với tiếng
đạn xé gió rợn người, tạo cái cảm giác đang hiện diện trên chiến
trường. Chúng tôi được thực tập làm “đề lô” điều chỉnh hỏa lực yểm
trợ trên sân giảm xạ tại trường Pháo Binh. Hai khẩu đại bác nhỏ, bắn
bằng hơi, và rất chính xác. Tại căn cứ núi Đeo, có nhiều bãi tập,
như bãi tuột núi, bãi thoát hiểm mưu sinh, bãi đi dây kinh dị và đi
dây tử thần, đặc biệt có làng việt cộng, những vị trí căn bản mà
địch quân có thể ẩn núp như trên mái nhà, trong vách, chỗ trú tạm
trú ngầm dưới bếp, dưới bụi tre mà những ống tre già là lỗ thông hơi
và lắng nghe động tỉnh....
Đối với chúng tôi đó là những bài học mới
lạ nên gây nhiều cảm hứng thích thú. Sau gần mười lăm phút chạy đều
bước, chúng tôi đến căn cứ núi Đeo. Trong lúc dừng nghỉ, chúng tôi
đi vòng quanh đài tuột núi. Một tháp xây bằng xi–măng cao khoảng 20
thước, mặt quay về lớp học thì thẳng tắp, mặt bên sau chia ra nhiều
tầng và có cầu thang đi lên, tầng cuối cùng có một khoảng bằng phẳng
và có những ô cửa lớn như trên các cổng thành cổ. Bài học được huấn
luyện viên hướng dẫn rành mạch, với những kinh nghiệm của bao nhiêu
khóa đã thụ huấn, huấn luyện viện trình bày vắn tắt, dễ hiểu cũng
như giới thiệu vài phương pháp dùng để di chuyển xuống những vách
núi, như thế choàng vai dùng cho vách núi thoai thoải, đặc biệt vách
núi đứng phải dùng cái móc khóa còn gọi là tuột dây Thụy Sĩ.
Sau phần trình bày, chúng tôi quan sát
huấn luyện viên Biệt Động Quân biểu diễn các tư thế tuột núi khác
nhau, cũng như cấp cứu trong trường hợp khóa sinh bị trở ngại, treo
lơ lửng trên dây. Chúng tôi thực tập cột dây đai choàng qua hai bên
đùi rồi cột lại quanh bụng. Tuần tự từng người theo lệnh của huấn
luyện viên leo lên đài. Càng lên cao cảm thấy sức nặng bị giảm đi,
trên tầng cuối cùng, mỗi cửa sổ có một huấn luyện viện hướng dẫn,
kiểm soát kỹ càng lại dây đai có chắc chắn không, cách móc khóa Thụy
Sĩ vào dây đai và quấn một vòng vào dây tuột núi. Tùy theo bạn thuận
tay trái hoặc phải, tay thuận nắm vào phầu dây phía trên cao, tay
còn lại nắm vào dây bên dưới làm nhiệm vụ một cái thắng. Đứng tư thế
nghiêng người nơi cửa sổ, Thảo hô to:
– Biệt động quân 71 xuống núi.
Rồi nhún chân búng người rời khỏi đài.
Khi đứng nghiêng người nơi cửa sổ, Thảo
thấy sợ sợ, nhưng lúc tuột xuống và thắng lại nửa chừng, rồi lại
nhún chân búng người lần nữa lúc thắng lại thì chân đã chấm đất nhẹ
nhàng. Lúc đó mới thấy sảng khoái.
Thảo mở dây đai cùng khóa Thụy Sĩ, găng
tay, trao lại cho huấn luyện viên rồi trở vào hàng ngồi nhìn bạn
mình. Trong bài học này, bạn Lê văn Khen vì nâng phần phía sau để
thắng quá cao, nên dây cọ sát mạnh vào mông làm phần da vùng này bị
phỏng. Một số yêu cầu được tuột dây lần nữa, nhưng không được chấp
thuận. Bên cạnh có bãi học đi dây tử thần sát bờ sông Cay. Một điểm
đặc biệt là có mấy cây cổ thụ cao và to mọc hai bên bờ. Sau khi được
hướng dẫn thật kỹ càng, chúng tôi tuần tự theo thang dây leo lên
cao, rồi đi Dây Heo lần ra ngã tẻ của dây, hai tay nắm chắc và đeo
tòn ten. Thảo nhìn thẳng về phía trước và hô to:
– Biệt động quân 71 xuống suối.
Rồi buông tay rơi xuống. Huấn luyện viên
hướng dẫn cho biết đừng có nhìn xuống suối thấy cao quá, hoảng sợ
không dám buông tay.
Quả thật vậy, sau khi hô to 3 lần:
– Biệt động quân số 2 xuống suối, Sát!
Sát! Sát!
Nhưng
anh vẫn nắm chặt sợi dây. Anh định co người lên để móc chân vào dây
bò ngược trở lại, nhưng không thể co cao hai chân được, đeo mãi đến
lúc sức không kham, đành nhắm mắt xuôi tay rơi xuống.
Trường hợp không biết bơi, phải hô to:
– Biệt động quân... không biết bơi xuống
suối.
Khi bạn rơi
xuống sẽ có chiếc xuồng cao su vớt bạn lên, hy vọng không ai bị uống
nước.
Xong dây kinh dị, chúng tôi theo thang dây
lên khá cao của một cây cổ thụ khác, lần theo cầu với ba sợi dây cáp
bắc qua sông. Nhiều người cùng bước trên cầu dây nên nó nhún nhảy,
đong đưa, nếu không cẩn thận sẽ bị hất văng xuống nước.
Qua hết cầu dây, chúng tôi tiếp tục leo
lên cao, lần này là thanh gỗ đóng dính vào thân cây. Cứ ngước mặt
nhìn lên và vững tay nắm. Cuối cùng tới sàn gỗ. Giống như các bạn,
sau khi nhận những lời dặn của huấn luyện viên, hai bàn tay Thảo nắm
vào cái móc của ròng rọc nằm trên dây cáp. Như mọi lần, Thảo hô to
và lặp lại:
–
Biệt động quân 71 xuống suối.
Thảo đu nhẹ để hai chân hổng trên sàn gỗ
và ròng rọc bắt đầu lăn xuống dốc càng lúc càng nhanh.
Âm thanh cọ sát của ròng rọc và dây cáp
bọc kín đôi tai, nhưng cặp mắt dán chặt vào người huấn luyện viên
đứng bên bờ sông gần cuối phần dây. Khi người này phất cờ màu đỏ,
Thảo co cao hai chân thẳng góc với thân mình rồi buông ròng rọc.
Người Thảo chạm ngay mặt nước, chìm xuống, Thảo ngoi đầu lên và bơi
vào bờ.
Tại bãi
thoát hiểm mưu sinh, chúng tôi làm bẫy cò ke căn bản, chặt dây leo
để lấy nước uống, Trong trường hợp không có địa bàn, tìm cách định
hướng vào ban ngày có mặt trời, và ban đêm xem sao Bắc Đẩu và Thập
Tự... tất cả những kinh nghiệm thực tế giúp chúng tôi vững tin hơn.
Căn Cứ Núi
Ba tuần lễ tại trung tâm huấn luyện trôi
qua, chúng tôi được chở vào Căn Cứ Núi nằm trong dãy Chu Giung, từ
xa chúng tôi thấy thác nước cao đổ xuống thật đẹp. Vùng này có những
vách núi thoai thoải, chúng tôi thực tập dùng thế choàng vai để vượt
qua và tiếp tục cuộc di hành.
Vào đến căn cứ Núi, chúng tôi được rải đều
thành tuyến, cột dây võng, mắc poncho làm mái che mưa vì vùng này
cây rừng rợp mát, có những hố cá nhân đào sẵn để sẵn sàng chiến đấu.
Buổi sáng được đánh thức và tập hợp ngay trung tâm căn cứ. Nơi đây
có một khoảng trống, rải rác vài căn lều vải như ban cứu thương, bộ
chỉ huy căn cứ và bãi học. hình như các huấn luyện viên cùng phụ tá,
ban đêm phải đi kích để giữ an toàn cho khóa sinh vì vùng này nguy
hiểm. Buổi sáng là phần giảng dạy về lý thuyết cùng kinh nghiệm thực
tế, sau đó huấn luyện viên chia chúng tôi thành các tiểu đội rồi chỉ
định từng tiểu đội trưởng cùng một sĩ quan Biệt Động Quân đi theo
giám sát. Cơm trưa và nước trà nóng được chở vào căn cứ, tùy theo
khả năng tài chánh, có thể mua thêm thức ăn như hộp thịt heo ba lát,
hay trái cây. Mọi người cố gắng dùng bữa thật nhanh để có chút thì
giờ nghỉ thoải mái. Sau đó chúng tôi đi thám sát mục tiêu, kỹ thuật
ngụy trang và di chuyển được áp dụng triệt để, những người lính Biệt
động quân giả địch quân hiện diện sinh hoạt tại mục tiêu. Trở về căn
cứ lập sa bàn, thảo kế hoạch, ban lệnh hành quân, dùng xong cơm
chiều tất cả chuẩn bị ngụy trang, cột chặt quân phục, dùng lá cây
mục (có chất lân tinh) gắn trên lưng để người đi sau nhìn thấy, giữ
đội hình di chuyển, dấu hiệu nhận dạng cho cuộc đột kích vào ban đêm
và rút lui nhanh. Người sĩ quan giám sát có quyền khai tử khóa sinh
nào không theo đúng những kỹ thuật tác chiến, người khóa sinh bị
chết sẽ bị trừ vào điểm tổng kết tốt nghiệp.
Đây là vùng núi, có những thông thủy
thượng nguồn của dòng suối, lúc chúng tôi đi qua nước chỉ lấp xấp
tới đầu gối, nhưng sau đó cơn mưa trút xuống tầm tã, khi đột kích
xong, chúng tôi rút lui nhanh về thì con suối trở thành rộng lớn,
nước chảy cuồn cuộn. Một sợi dây cáp to bắt ngang qua, nhưng vẫn còn
bên dưới mực nước, kỹ thuật là người phải đứng trước dây cáp, đưa
lưng về phía thượng lưu, khi phăng theo dây mặt nhìn về hạ lưu xuôi
dòng chảy của nước. Toán chúng tôi có người bị bung khóa dây súng,
khẩu Garant trôi theo dòng lũ. Về đến căn cứ cũng 3 giờ sáng. cố
gắng cởi đôi giày trận, thoa thuốc chống muỗi rồi ngã người lên
võng.
Ba ngày
sau, chúng tôi tấn công, đột kích cấp trung đội và cuối cùng là hành
quân cấp đại đội. Trước tiên là đại đội di chuyển lập căn cứ bí mật,
từ đây tung ra các toán thám sát, phối hợp tin tức, lập sa bàn, ban
lệnh hành quân và xuất phát tấn công hoặc đột kích ban đêm.
Trong lúc mở đường, khinh binh tiền sát
Hoàng Ngọc Can ra hiệu lệnh báo cáo có nhiều dấu chân Cọp, tuy nhiên
ban ngày và cả đoàn quân trang bị Carbin M2, Garand M1, mà đạn đã
lên nòng thì có sợ chi. Trong đêm tối đóng quân tại căn cứ bí mật,
anh Can có cái võng Mỹ với mùng và poncho dính chung vào nhau. Khổ
võng dài, nên anh cột dây vào hai thân cây hơi nhô ra ngoài vòng
phòng thủ và sát cận đường mòn xuống suối.
Bỗng nhiên có loạt tiếng súng nổ lúc nữa
đêm, phản ứng cấp thời là lăn ra khỏi võng, chụp khẩu Garand, nhảy
xuống hố, tiếng người sĩ quan Biệt Động Quân giám sát:
– Chắc bị rồi
Thảo phân vân cố mở mắt thật lớn quan sát
phía trước, chợt có tiêng la trong đêm vắng càng làm tăng thêm sự kỳ
bí. Nhưng vài phút sau được biết bạn Hoàng Ngọc Can bị Cọp chụp vào
võng, may anh này ôm súng Carbin ngủ nên bóp cò, súng nổ làm chúa
sơn lâm phóng đi mất. Anh Trương văn Tang nghe súng nổ giật mình
tỉnh giấc, tay vội chụp khẩu Garand, té ra là con rắn nên hoảng hốt
la lên. Anh Can được tản thương về bệnh viện Nguyễn Huệ ở Nha Trang
và cũng từ đó anh có một tên ngộ nghĩnh: “Can Cọp vồ”.
Đại đội tấn công mục tiêu vào lúc rạng
đông, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị di chuyển nhanh đến điểm
tập trung và có xe chở về trung tâm huấn luyện. Đây là lúc để chúng
tôi tẩy sạch bụi hành quân và chuẩn bị đến Căn Cứ Rừng vào sáng sớm
hôm sau.
Căn Cứ
Rừng
Buổi chiều
đầu tiên tại căn cứ rừng Thảo và các bạn được tự do ra suối nước
nóng, nhìn nước phun ra từ những tảng đá, khói tỏa mù mịt, đi lần
theo dòng chảy thật xa, nước nguội dần, nơi đây cuối tuần người dân
đến vui chơi, họp mặt cũng như cắm trại.
Chúng tôi bố trí thành tuyến đóng quân,
đào hố chiến đấu. Cũng những bài học tuần thám, đột kích, tấn
công... nhưng ở địa thế rừng, đặc biệt vùng này tránh đừng bước vào
dòng nước đục như sữa, da chân sẽ bị lột, tróc ra. Trong rừng có nho
dại và nhiều dây leo để lấy nước uống.
Cả yếu khu Dục Mỹ và các căn cứ thao dượt
thường hay có mầm bệnh ngã nước nên thỉnh thoảng trên bầu trời, lời
nói được lặp đi lặp lại phát ra từ một chiếc phi cơ quan sát:
– Để bảo vệ sức khỏe cho đồng bào, chúng
tôi sẽ phun thuốc diệt trừ muỗi gây sốt rét. thuốc chỉ tác dụng giết
muỗi mà thôi, không có hại gì đến đồng bào.
Mươi phút sau, một chiếc máy bay phun
thuốc như những hạt sương nhỏ. Mặc dù chúng tôi đã bắt đầu uống
thuốc ngừa sốt rét chloroquine một tuần trước khi lên đường đi Dục
Mỹ, một vài người lên cơn sốt và được chở về bệnh xá.
Sau phần lý thuyết và kinh nghiệm chiến
trường vào buổi sáng, buổi chiều từng toán tổ chức thám sát, các sĩ
quan giám định đi theo và đóng góp ý kiến lúc bàn thảo kế hoạch trên
sa bàn. Đây là địa thế rừng, không có những thông thủy làm điểm
chuẩn, lá cây che kín bầu trời, sau khi đột kích lúc nửa đêm, phân
tán về điểm tập trung rồi rút quân, trời tối khó xác định toạ độ,
định hướng bằng địa bàn nên có toán về đến căn cứ lúc bình minh.
Những ngày ở căn cứ, nếu mọi việc tốt đẹp, về sớm nhất cũng phải
hai, ba giờ sáng, chợp mắt bốn, năm tiếng đồng hồ cũng tạm đủ, còn
về quá trễ coi như phải chống mí mắt lên để học bài chiến thuật kế
tiếp.
Hai ngày
thực tập cấp tiểu đội, ba ngày cấp trung đội và cuối cùng cấp đại
đội. Chúng tôi xếp poncho, cuộn tròn võng nylon, lấp hố, di chuyển
lập căn cứ bí mật, và tấn công mục tiêu địch vào lúc rạng đông. Điểm
tập trong ngoài Quốc lộ 21, nơi đây có đoàn xe đưa chúng tôi về
trung tâm huấn luyện để chuẩn bị ngày mai đến Căn Cứ Sình Lầy.
Căn Cứ Sình Lầy
Buổi sáng tập họp lên xe, Thảo mới biết
hơn hai mươi bạn đã nằm bệnh xá vì sốt rét, anh em trong hàng quân
nhìn nhau ái ngại, nhưng chỉ còn một tuần cuối cùng là chấm dứt khoá
học, phải ghi nhớ uống thuốc chloroquine đúng định kỳ, thoa thuốc
chống muỗi và ngủ trong mùng, dù rằng kim chích của muỗi vẫn xuyên
qua võng và mùng, tuy nhiên cẩn thận đề phòng vẫn tốt hơn.
Xe chở ra ngã ba Ninh Hòa rồi xuôi về
hướng Nha Trang. Đây là quê nội của Thảo. Căn nhà của Bác Hai nơi
bến xe đò đi Vạn Giả, nhớ con sông chảy qua nhà ga xe lửa vào mùa
nắng lộ ra những đụn cát, nơi Thảo cùng anh Lai con bác Hai đùa giởn
với bạn lối xóm rồi nhảy xuống sông. Mười hai năm không có dịp trở
lại.
Đoàn xe qua
khỏi đèo Rọ Tượng một quãng rồi rẽ về hướng biển, đó là căn cứ Sình
Lầy.
Vùng này chỉ có bầu trời và nước mặn,
chúng tôi phải kết hợp hai poncho để làm lều, dùng võng che hai đầu.
Khác biệt với căn cứ núi và rừng, ban ngày chúng tôi bị mặt trời
giận dữ quan sát, ban đên được các vì sao soi sáng vỗ về, bước chân
khuấy động mặt nước vẽ thành những đường sáng. Làn da chúng tôi bắt
đầu sạm nắng, những vết xước do cây rừng gây cảm giác khi chạm vào
nước mặn, nhưng sau đó được chữa lành nhanh chóng. Thêm một số bạn
được chở về bệnh xá. Ban ngày học lý thuyết, ban đêm thực hành,
người đẫm ướt, bì bõm giữa vùng đất sình. Về tới lều, cởi đôi giày,
thay vội cái áo khô rồi trùm mền. Buổi tối cuối cùng, chúng tôi thu
gọn hành trang trong yên lặng. Những chiếc xuồng bằng cao su dàn
hàng ngang và đúng 9 giờ tối bắt đầu khởi hành. Tiếng mái chèo khuấy
nước và tạo ra ánh sánh lấp lánh thật kỳ ảo. Ba giờ sáng chúng tôi
đến Hòn Khói, gần bờ sóng vỗ mạnh, thật khó khăn chiếc trước, chiếc
sau, chúng tôi cập vào đảo, vội vàng khiêng xuồng cao su vào trong
và ngụy trang che kín.
Thảo được tháp tùng anh bạn đại đội trưởng
thám sát mục tiêu. Trên nguyên tắc, phải cải dạng làm người dân, lúc
một giờ trưa hai người dùng thuyền cao su nhỏ, định hướng chèo nhàn
nhã. Ròng rã hai giờ sau chúng tôi tới Hòn Thị. Ngụy trang che dấu
bè xong, chúng tôi từng bước tiến sâu vào đảo, rồi bò gần mục tiêu,
quan sát bằng ống dòm, vẽ sơ đồ và những hoạt động của các anh lính
Biệt động quân giả địch. Sau khi lập sa bàn, anh bạn đại đội trưởng
ban lệnh hành quân, phân định trách nhiệm cho từng trung đội. Giờ
tấn công vào lúc 5 giờ sáng với hoả hiệu đỏ.
Dưới
ánh sáng các vì sao, chúng tôi cập vào Hòn Thị, che dấu xuồng cẩn
thận rồi tiến sát gần mục tiêu. Hỏa hiệu đỏ vụt lên bầu trời đêm,
chúng tôi tấn công theo đúng kế hoạch đã ấn định trách nhiệm của
từng toán. Sau khi chiếm xong mục tiêu, chúng tôi chèo xuồng về
hướng Tây. Từ trong bờ, những trái khói màu vàng nổi bật trong
hàng dừa xanh ven biển.
Chúng tôi vừa đếm số vừa đẩy tay chèo,
nước biển hắt mạnh vào mặt, cay cay khoé mắt. mọi người vẫn tiếp
tục cố gắng chèo thật nhanh như cuộc đua thuyền trong ngày hội
lớn. Sóng biển dồn dập đẩy xuồng lướt thẳng trên bãi cát trắng
của làng Ngọc Diêm. Anh em chúng tôi kéo xuồng vào sâu trong bờ
rồi cùng giơ mạnh hai tay làm thành hình chử V, tay nắm tay nhau
san sẻ nỗi mừng vui đã vượt qua 6 tuần ròng rã của khóa học đầy
cam go, vất vả. Trở về trung tâm huấn luyện, anh em có được một
buổi chiều thật thoải mái, vào câu lạc bộ tẩm bổ để ngày mai vượt
qua chặng đường cuối cùng của khóa học.
Chúng tôi được chở đến Ninh Hòa lúc tờ
mờ sáng, gọn gàng với áo thun, quần trận, súng Garand, và bắt đầu
khởi hành chạy bộ về trung tâm huấn luyện vào lúc 8 giờ sáng. Một
chiếc xe cứu thương mang dấu hồng thập tự chạy theo trên suốt lộ
trình. Đoạn đường dài gần mười lăm cây số, âm thanh quen thuộc
của giày trận đập mạnh xuống mặt đường nhựa. Súng Garand được
thay đổi từng đoạn, lúc vác vai, lúc đeo bên vai phải, khi đeo
bên vai trái, hoặc choàng qua cổ. Trong giai đoạn này, súng trở
thành một trở ngại, nhưng với người lính tác chiến, đó là vật bất
ly thân. Mỗi một trụ cây số vượt qua là cần phải cố gắng thêm.
Đường còn dài, vững bước tiến lên. Qua khúc quanh làng Việt Cộng,
tới núi Đeo, qua đài tuột núi, qua đường vào căn cứ Cọp Đen, cuối
cùng chạy thẳng vào trung tâm và dừng lại trước doanh trại. Làm
sao diễn tả hết niềm vui của những người đã hoàn tất khóa học.
Chiều hôm đó, Trung tá Trần công Liễu
chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện trao bằng tốt nghiệp trong lễ
mãn khóa 32 hành quân Biệt Động Rừng Núi Sình lầy cho thủ khoa
Châu văn Hiền. Đây là lần đầu tiên khóa sinh bị sốt rét quá
nhiều. Trường đã cứu xét và sẽ cấp bằng cho những anh em bị bệnh
vào giai đoạn cuối, riêng anh Can sẽ được cấp Chứng Chỉ.
Chuyến bay cuối cùng bắt buộc phải đáp
xuống phi trường Phan Rang vì sương mù dầy đặc che phủ cao nguyên
Langbian. Những người kém may mắn được phép dạo thăm thành phố về
đêm. Có người em gái hậu phương hướng dẫn và giải thích về Phan
Rang, nơi có những địa danh, thắng cảnh như Tháp Chàm, nhiều thật
nhiều, đặc biệt vào mùa gió cát gây nên loét mắt người dân sống
gần biển.
Khóa
22 theo chương trình thụ huấn 2 năm trở về trường Mẹ, gây nên cơn
sốt cho Liên Đoàn Sinh viên Sĩ Quan, khóa 22 học 4 năm, khóa 23
bắt buộc phải uống thuốc Chloroquine và ngủ trong mùng. Một tuần
lễ sau, bạn Lâm quang Tâm từ trần vì vi trùng sốt rét bạo phát.
Thêm một số bạn qua trạm xá của Bác sĩ Giá, một vài anh em phải
về Tổng Y Viện Cộng Hòa cho đến ngày mãn khóa.
Thời gian còn lại, chúng tôi được bổ
dưỡng, khảo sát trắc nghiệm, dự các buổi thuyết trình về chiến
trường và tập dượt nghi thức của lễ mãn khóa. Danh sách tốt
nghiệp đã phổ biến, đặc biệt có thêm một số anh em đang theo
chương trình thụ huấn 4 năm chuyển sang cùng tốt nghiệp chung.
Chiều chúa nhật, phái đoàn Nhảy Dù đến
thuyết trình và chọn 25 người. Đầu tiên, vị sĩ quan trưởng phái
đoàn hỏi:
– Ai
là người thủ khoa khóa 22?
Anh Nguyễn văn An đại đội F đứng dậy:
– Tôi.
– Anh có muốn đi Nhảy Dù không?
Sau một chút phân vân, anh An trả lời
đồng ý.
Sau đó
phái đoàn đọc tên một số anh em được chọn vì có liên hệ mật thiết
với gia đình Mũ Đỏ. Số còn lại được vị trưởng toán chỉ thẳng vào
người.
Hai
ngày sau, phái đoàn Thủy Quân Lục Chiến lên thuyết trình và chọn
15 người, Số ghi tên trên 30 người, một xe GMC chở ngay qua trạm
xá cho Bác sĩ TQLC khám sức khỏe. Kết quả sẽ thông báo hai ngày
sau.
Lần lượt
Biệt Động Quân, Lưc Lượng Đặc Biệt, anh em chen nhau ghi danh.
Một số binh chủng chọn người theo tiêu chuẩn như Pháo Binh, Quân
Báo, Thiết giáp...
Cuối cùng là những anh em phải chọn các
đơn vị Quân Cảnh và Bộ Binh. Số còn lại do sự cắt ra thành từng
toán không theo hạng thứ từ trên xuống dưới. Nếu mỗi toán mười
lăm người, thì hạng thứ 15 sẽ là người đứng cuối nơi toán đầu, và
hạng thứ mười sáu sẽ là người đứng đầu của toán sau, mỗi toán sẽ
có một số đơn vị. Hầu hết người đầu toán chọn Quân Cảnh. Nhiều
người ở trong toán không có Sư Đoàn Bộ Binh mà mình thích, nên
đành phải chọn một đơn vị và chờ đến phút chót có sự ưng thuận
hoán đổi với nhau.
Mười lăm người chúng tôi hẹn nhau tại
quán Mai Hương rồi cùng đến bộ tư lệnh trình diện vào tháng cuối
của năm 1967. Kiến thức và kinh nghiệm từ lò luyện thép, một tuần
ở Trung tâm Huấn luyện TQLC học leo lưới và tác xạ các loại vũ
khí mới vừa được trang bị cho binh chủng tổng trừ bị. Tác chiến
trong thành phố Tết Mậu Thân năm 1968, làm một số bạn Nhảy Dù
chưa thi thố tài năng đã anh dũng hy sinh. Thảo cùng các bạn chọn
TQLC nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm tác chiến từ những Hạ sĩ
quan và anh em binh sĩ, sự điều động phối hợp của các vị chỉ huy.
Theo đơn vị từ đồi Dương Liễu, Bồng Sơn về Bà Quẹo, Gia Định,
giải toả Sài Gòn, đến Cần Thơ mở rộng vòng đai bảo vệ, tiêu diệt
địch. Những bài học tác chiến trong Rừng, Núi và Sình Lầy giờ đây
thích hợp với cuộc sống của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, đơn
vị Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn có mặt và
chiến đấu khắp mọi địa thế của đất nước.
Trích hồi ký “Người lính
Tổng trừ bị”
Giang văn Nhân
Nguồn:
https://vietnamthanhuu.blogspot.com/2019/05/duc–my–lo–luyen–thep–giang–van–nhan.html
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Binh chủng BĐQ QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by psxh chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, June 1, 2019
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang