Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Chính trị Xã hội
Chủ đề: Mùa Phục Sinh
Tác giả: Mục sư Huỳnh Quốc Bình

Ăn Năn Hay Lên Án?

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 Lời Tác giả: Bài này được quảng bá trong Mùa Lễ Phục Sinh và cũng là thời điểm của những sự cướp giật tài sản người dân, các hành động bắt bớ đàn áp, mà đảng cướp VC dành cho các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam. Thiết nghĩ chúng ta cũng cần mở miệng mình để nói thay cho những người thấp cổ bé miệng, như Kinh Thánh đã dạy. Chúng ta sẽ không thể vì sự khiếp nhược mà làm ngơ trước những bất công của đời này. Cho dù chúng ta có đang nhắm Nước Thiên Đàng mà “chạy nước rút” đi nữa, thì lẽ nào mình lại có thể dễ dàng quên quê hương trần gian của mình là nước Việt Nam đang bị VC dâng cho bọn Tàu cộng xâm lược. Coi chừng, không khéo, Thiên Đàng chúng ta chưa lên được mà chỗ đứng dưới trần gian đã mất, vì chúng ta tự biến mình trở thành những kẻ vô Tổ Quốc.

Một người vừa là bạn cùng niềm tin, vừa là độc giả lâu dài về các bài viết của tôi, đã khuyên tôi rằng “anh đừng nên viết những điều nhạy cảm, vì anh từng bị mang tiếng là làm chính trị là bơi ngược nước”. Tôi có trả lời trong tình thân với người ấy rằng: “Bạn quan tâm đến tôi, tôi cảm ơn, nhưng nếu sợ thì tôi đã không viết hay không nói, mà nếu tôi đã viết hay đã nói thì chắc chắn tôi không sợ. Đây không phải là thái độ cao ngạo, nhưng đây là cách sống của tôi. Nếu ai thích hiểu sai, hay muốn người khác hiểu sai về tôi thì cứ tự nhiên tiếp tục làm điều mình thích. Tôi không ngạc nhiên về điều này vì Thánh Kinh (Châm-ngôn 15:12) có nhấn mạnh: “Kẻ nhạo báng không ưa người ta quở trách mình”.

HQB

Hằng năm vào cao điểm của Lễ Phục Sinh, nhiều con dân Chúa kiêng ăn trong mùa này. Tinh thần kiêng ăn, cầu nguyện là một truyền thống tốt đẹp mà Chúa Cứu Thế Jesus từng dạy các môn đệ của Ngài, chứ không phải một thói quen của con người ngày nay. Kiêng ăn là một hình thức hãm mình, bày tỏ lòng ăn năn tội lỗi và dành thì giờ tương giao với Chúa. Kiêng ăn là sự tình nguyện nhịn đói trong thời gian dài hoặc ăn thật ít và để dọn lòng và dành nhiều thì giờ cầu nguyện, chứ không phải một hình thức ép xác để được phước, hoặc với mục đích làm cho thân thể mình được giảm cân cho mục đích thẩm mỹ, hoặc để chứng tỏ mình là người đạo đức.

Nói về sự kiêng ăn, Chúa Cứu Thế Jesus đã phán với các môn đệ của Ngài: “Khi các ngươi kiêng ăn, chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình; vì họ nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. Song khi ngươi kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, hầu cho người ta không xem thấy ngươi đang kiêng ăn, nhưng chỉ Cha ngươi là Ðấng ở nơi kín nhiệm xem thấy mà thôi; và Cha ngươi thấy trong chỗ kín nhiệm sẽ thưởng cho ngươi.” (
Mat. 4:16-18)

Những điểm chính thường được nhắc đến trong Mùa Lễ Phục Sinh gồm có: Sự phản bội của Giu-đa (Judas Iscariot), là môn đệ của Ngài. Sự chịu đựng những thương khó mà Chúa Cứu Thế Jesus phải gánh chịu trong thân xác con người. Các môn đồ của Ngài bỏ chạy. Đức Chúa Cha đã quay lưng với tội lỗi mà Chúa Cứu Thế Jesus đã gánh thay cho con người. Ngài bị giết chết trên cây thập tự, được đem chôn trong một hang đá, Ngài đã sống lại rồi hiện ra cho các môn đồ thấy và sau đó đã thăng thiên.

Ngày nay, hằng năm tại các Nhà Thờ, Thánh Đường, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta được nghe nhiều bài giảng, bài viết với những lời bình phẩm hoặc lên án Giu-đa một cách gắt gao, hùng hồn. Mọi người lên án Giu-đa là vì ông đã bán Thầy của mình chỉ vì ba mươi nén bạc. Giu-đa đã chỉ điểm cho binh lính La-mã bắt Thầy của mình bằng cái hôn giả dối, nhưng sau đó Giu-đa đã ăn năn, ném bạc trả lại, và đi thắt cổ tự tử. Dù hành động này không phải là giải pháp để Giu-đa đền sạch tội, nhưng theo tiêu chuẩn của con người bình thường, đối với tôi Giu-đa vẫn còn khá hơn những ai đang giỏi đóng kịch trong vỏ bọc “đạo đức” mà Chúa Cứu Thế Jesus từng lên án là thành phần đạo đức giả của xứ Do Thái ngày xưa cũng như ngày nay, mà Ngài cho rằng họ không muốn vào thiên đàng, nhưng ai vào thì ngăn trở: “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi đóng nước thiên đàng trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn trở.” (
Mat. 23:13)

Nếu chúng ta nhận mình là con dân Chúa hay “con cái của sự sáng”, v.v. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Ngày xưa Giu-đa phản Chúa, còn ngày nay chúng ta thì sao? Giu-đa chỉ điểm để binh lính La-mã bắt Thầy của ông bằng cái hôn giả dối và ngày nay chúng ta có hãm hại anh em mình bằng những lời đạo đức ngoài môi hay không? Giu-đa phản Chúa chỉ vì ba mươi nén bạc, chúng ta có phản chúa vì say mê chạy theo vật chất hay quyền lực của đời này hay không? Câu hỏi này tôi không loại trừ một vài cá nhân trong hàng ngũ giáo quyền, đó là những thành phần thích bám trụ, say mê quyền lực trong vỏ bọc “thiêng liêng”, sợ VC hơn sợ Thiên Chúa, sẵn sàng cách chức, loại trừ hay “dứt phép thông công” đối với những ai nghịch ý mình hay làm trở ngại cho việc bám trụ của mình... Rồi lại nhố nhăng cho rằng mình “đang chịu khổ nạn vì danh Chúa”. Hoặc chúng ta có phản bội anh em cùng niềm tin với mình, ruồng bỏ những ai cùng chung dòng huyết báu cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Jesus với chúng ta, khi thỏa hiệp với những kẻ vô thần là con cái của ma quỷ để hãm hại họ, chỉ vì sự khiếp nhược được che đậy bằng vỏ bọc thiêng liêng, đạo đức nửa vời chăng?

Giu-đa, ăn năn, ném bạc trả lại, sau khi nhận ra: “Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội...” Còn chúng ta có dám từ bỏ những gì không thuộc về mình hay không? Chúng ta có ăn năn, sám hối, và tự xử khi nhận ra tội lỗi của mình, hay tìm cách che đậy? Chúng ta dám cho rằng mình xứng đáng là “con trời” hay người lương thiện, đạo đức để lên án Giu-đa phản Chúa hay không? Đây là câu hỏi mà ngày nay mỗi chúng ta đều phải nghiêm chỉnh trả lời với Chúa trong những lúc tương giao với Ngài qua lời cầu nguyện, chứ không cần phải chờ ngày Chúa Cứu Thế Jesus trở lại rồi mới cung khai.

Cách đây hơn 12 năm, trong ba ngày Hội Nghị Các mục sư Tin Lành các sắc dân toàn thế giới (Global Pastors Network) được tổ chức tại Floria từ 21 đến 23-01-04, tôi có tham dự và được dịp xem trọn phim “The passion of the Christ” trước khi được trình chiếu. (Tôi xin tạm dịch phim này là “Sự chịu đựng đau thương của Đấng Christ”). Trước khi xem phim, chúng tôi phải ký giấy cam kết với đạo diễn Mel Gibson là không được quay phim, không chụp hình và không kể lại những tình tiết trong phim, cho đến khi phim được trình chiếu tại các rạp chiếu bóng. Theo dõi diễn tiến của các đoạn trong phim, người xem chứng kiến hình ảnh một nhân vật chính mang tên Jesus đã bị binh lính La-mã tra tấn một cách vô cùng dã man trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, đã làm cho hơn năm ngàn người trong hội trường phải bật khóc, trong số những người đó có cá nhân tôi.

Theo lời đạo diễn Mel Gibson: “Nhiều người đóng các vai trong phim, đã tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của họ sau khi bộ phim được hoàn tất...” Nếu ai từng đọc các sách Phúc Âm thì đã biết rõ nhục hình mà Chúa Cứu Thế Jesus phải gánh chịu. Riêng tôi, một hình ảnh tuy nhỏ trong phim nhưng tôi vẫn không quên, đó là: Trong lúc binh lính La-mã giải Ngài lên đồi gô-gô-tha để đóng đinh Ngài. Vì trước đó Ngài bị tra tấn một cách quá tàn độc nên không còn sức vác nổi thập tự giá, cho nên bọn lính La-mã đã bắt một người thanh niên trong đoàn dân vác hộ cho Ngài. Dù người này không phải là môn đệ của Ngài, dù người này có thể không quan tâm về nhân vật Jesus, nhưng đứng trước hành động tàn ác của những kẻ sử dụng bạo lực với người cô thế nên anh ấy đã dõng dạc nói: “nếu các ông tiếp tục hành hạ người này, tôi sẽ không vác thập tự giá nữa, dù là bước thêm một bước, và tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì các ông dành cho tôi...” Kết quả, bọn lính La-mã đã tạm ngưng đánh đập Chúa Cứu Thế Jesus. Tôi chú ý điểm này trong phim, là vì tôi liên tưởng đến cảnh đồng bào vô tội và các tôn giáo tại Việt Nam đang bị VC đàn áp; đây là phản ứng cần có tại Việt Nam hay các nước độc tài, để chỉ thẳng vào bạo lực khi chúng trấn áp những người thấp cổ bé miệng trong tay không tấc sắt. Làm được việc này không phải là làm chính trị, nhưng là một nghĩa vụ của một con người có lòng nhân đạo và có tình yêu thương đích thực.

 

 

Trở lại với Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng trước khi Ngài bị bắt đi, trong cơn sầu não Chúa Cứu Thế Jesus đã cầu xin với Đức Chúa Cha rằng: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con! Song không theo ý muốn con, mà theo ý muốn Cha.” (Mat 26:39).

Trong thân xác của con người trần gian, Chúa Cứu Thế Jesus chịu tra tấn vô cùng dã man, nên Ngài không chỉ đau đớn về thể xác, nhưng cũng cô đơn về tinh thần, vì các môn đồ bỏ chạy, Đức Chúa Trời đã quay lưng, bởi bao nhiêu tội lỗi của nhân loại đổ lên Ngài. Trong cơn đau đớn tột cùng, Chúa Jesus đã kêu lên rằng: “Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi...”

Sau khi bị đóng đinh, Ngài được đem chôn trong một hang đá, đến ngày thứ ba, Chúa sống lại; nhưng các Thầy tế lễ đã dùng tiền mua chuộc lính canh để phao tin đồn rằng xác Chúa Jesus đã được các môn đệ lấy trộm đi. Sau đó Chúa Cứu Thế Jesus đã hiện ra, tuy nhiên cũng còn có những môn đệ nghi ngờ. Thô-ma một môn đệ của Ngài đã xem xét dấu đinh trên hai bàn tay của Ngài nên đã tin là Thầy mình đã chết thật, và nay đã sống lại. Do đó Chúa Cứu Thế Jesus đã phán: “Vì ngươi đã thấy ta nên ngươi tin. Phước cho những ai chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (
Giăng 20:29)

Nếu quý vị là người chưa từng đọc Thánh Kinh, chưa từng nghe nói về nhân vật Jesus của hơn hai ngàn năm trước mà Thánh Kinh cho biết đó là Con Trời giáng thế trong thân xác loài người, để cứu những ai tin rằng Ngài đã chết vì tội lỗi của nhân loại, trong đó có quý vị và tôi, thì quý vị có tin không? Đây là câu hỏi mà con người trần gian gồm những người yếu đuối, bất toàn phải suy nghĩ?

Hãy tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa để linh hồn mình được tồn tại đời đời. Tin nhận Ngài, không phải để theo một tôn giáo hay phải đến Nhà Thờ mỗi Chúa Nhật hay giữ một số lễ nghi do con người đặt ra, nhưng để nhận được sự bình an thật mà nhân loại không thể ban cho nhau; và việc đến Nhà Thờ hay Thánh Đường chỉ là kết quả của niềm vui sướng, hạnh phúc sau khi mời Chúa ngự vào lòng, chứ không phải do sự gượng ép hay bị ai ép buộc, hoặc để tạo công đức cho đời này.

Tôi nhận thấy có một số điều mà tôi và quý vị cần suy gẫm trong Mùa Phục Sinh hay sau mùa này. Những điều đó là: Nếu chúng ta là người đã biết về ơn cứu rỗi của Chúa, ngày nay đọc lại hay nghe lại những chi tiết Giu-đa phản Chúa... Thay vì chúng ta lên án sự phản bội của ông, chúng ta nên tự xét lòng mình và tự hỏi chính mình rằng: Chúa Cứu Thế Jesus bị giết chết vì Giu-đa, hay người Do Thái? Vì sao Chúa Jesus phải chịu đau đớn, chết trong nhục nhã? Tại sao Đức Chúa Trời quay lưng với Con Một của Ngài? Nếu Thiên Chúa can thiệp thì ai có khả năng giết được Con Trời? Tại sao bị hành hạ một cách tàn nhẫn mà người mang tên Jesus vẫn cầu xin với Đức Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (
Lu-ca 23:34). Còn chúng ta là những người tội lỗi, có những tội đã bị người khác biết, nhưng cũng có những tội chưa ai hay, hoặc chính chúng ta biết rõ bản chất tội lỗi và sự bất toàn của mình, nhưng lại không chịu tha thứ cho những ai có tội mà biết ăn năn.

Căn cứ vào bốn sách Phúc Âm trong Kinh Thánh Tân Ước và những điều được viết bàn bạc nhiều chỗ trong Thánh Kinh, chúng ta phải hiểu rằng: Nếu Đức Chúa Trời không muốn, thì: Giu-đa không thể gián tiếp hay trực tiếp giết Chúa bằng cách nộp Chúa cho kẻ gian. Người Do Thái không giết được Chúa, vì Chúa Cứu Thế Jesus là Con Trời, là Thiên Chúa Ngôi Hai. Vậy thì câu hỏi được đặt ra là: Ai đã giết Chúa Jesus? Câu trả lời là: Chính Đức Chúa Trời đã để Chúa Cứu Thế Jesus, con một của Ngài bị giết chết, vì tội lỗi của Chúng ta.

Kết luận: Chúng ta cần cầu xin Chúa Tha thứ tội lỗi của chúng ta. Xin Chúa Thánh Linh giúp chúng ta biết sống khiêm nhường, và biết ăn năn thay vì lên mình kiêu ngạo, bởi nghĩ rằng mình mới là người đạo đức hơn người khác, nhưng thực chất chúng ta chỉ là những kẻ mà Kinh Thánh gọi là giả hình. Nhân Mùa Lễ Phục Sinh chúng ta cùng kỷ niệm sự thương khó mà Chúa Cứu Thế Jesus đã từng gánh chịu và cùng vui mừng về sự sống lại của Ngài.

Chúng ta đừng hùng hồn lên án Giu-đa, mà hãy lên án chính mình. Đừng chê cười các môn đệ phản Chúa, mà chính mình hãy có sự thủy chung với đồng bào ruột thịt của mình, với anh em cùng niềm tin với mình... Hãy can đảm bênh vực khi họ bị chế độ độc tài hà hiếp. Chúng ta cần ý thức rằng Chúa Cứu Thế Jesus đã chết vì mình, để rồi mình cũng phải hết lòng góp phần rao giảng sự cứu rỗi của Chúa đến người khác theo lời dạy mà Ngài đã phán cùng các môn đệ, trước khi Ngài thăng thiên: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. (
Mat. 28:19-20) A-men!

Huỳnh Quốc Bình
P.O. Box 20361
Salem, OR 97307. USA
Điện thoại: (503) 949-8752
E-mail:
huynhquocbinh@yahoo.com

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển

 

Đăng ngày Thứ Hai, April 17, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang