Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Trang Phật giáo
Chủ đề: Mùa Phật Đản 2019
Tác giả: Huệ Quang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Mùa Phật đản năm nay, thay vì nói về ngày sanh của thái tử Tất Đạt Đa, tôi sẽ tản mạn về những chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Thời gian qua, có những thắc mắc Phật tử khắp nơi đã gửi thư hỏi tôi. Ngoài việc trả lời thư riêng, tôi cũng chia sẻ ý kiến của tôi trong bài viết này, bằng những trích dẫn từ thư hồi đáp, để mọi người cùng đọc và cùng suy nghĩ.
Một độc
giả, tên VN, sau khi đọc bài của tôi viết về
Phật giáo Tây tạng
trên trang Nhảy Dù Washington, DC, đã hỏi “Thầy có
những nhận định đặc biệt về đạo Phật Tây Tạng... Thầy có thể cho
vài ý kiến về thần chú được không?” Đây là trích
đoạn thư trả lời của tôi.
“Cảm ơn anh đã gửi thư, hỏi về thần chú
được tu tập rất nhiều trong Mật tông và đạo Phật Tây Tạng. Mỗi
người có một niềm tin và tôi luôn kính trọng niềm tin của người
khác. Do đó, những gì tôi nói chỉ mang tính chủ quan chứ không hề
chê bai hay bác bỏ chống đối gì niềm tin của người khác, anh nhé.
Qua nhiều năm thực tập những gì Phật
dạy, thưa anh, tôi có thể đúc kết mà không sợ hồ đồ, rằng đạo
Phật đơn giản lắm, không có gì bí mật hay rắc rối, vượt khỏi tầm
hiểu biết của con người bình thường như chúng ta cả. Chính con
người, vì có tham vọng khám phá vũ trụ, chinh phục không gian,
thế giới, nên đầu óc lúc nào cũng nghĩ xa và tìm cách thực hiện
những ước mơ đó. Đạo Phật nguyên thuỷ cũng thế, cuộc sống của Đức
Phật theo kinh điển đọc được, rất đơn giản, cũng ăn, cũng ngủ, đi
tiêu đi tiểu như một con người bình thường. Nhưng cái khác biệt
của ngài với chúng ta là, ngài miên mật thiền định và cuối cùng
thì giác ngộ bản tâm chân thật của chính ngài. Lúc còn tại thế,
Đức Phật hay khuyên răn các đệ tử không nên dùng phép thần thông
hay ma thuật, thần chú của những thầy cúng đạo Bà La Môn, vì nó
chẳng giúp ích gì được cho sự tu tập của mình. Nhưng sau khi ngài
mất, vì sự tiến hoá của con người mà đạo cũng tiến hoá theo. Có
những khuynh hướng đã nhìn đạo Phật ở một khía cạnh cao siêu hơn.
Người ta bắt đầu nói tới những khía cạnh siêu hình ấy, và đạo
Phật bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển một cách tự nhiên của
nó. Phật giáo Đại thừa phát triển từ đó. Mãi đến khoảng năm 700
Tây Lịch, đời Đường, người ta mới thấy xuất hiện thần chú, hay
một tông phái của Phật giáo được gọi là mật tông. Phật giáo Tây
tạng cũng xuất hiện trong thời gian này và Mật tông được Phật
giáo Tây tạng phát huy rất mạnh. Vì tầm ảnh hưởng rất lớn của mật
tông, nên để lôi kéo sự chú ý của người theo đạo Phật, những kinh
điển Đại thừa như Kinh Bát nhã Ba la mật đa, cũng đã phải cho vào
cuối kinh câu thần chú “Yết đế, yết đế, ba la yết đê...
Qua kinh nghiệm bản thân, cuộc sống
hiện tại vốn đã khá phức tạp. Trong gia đình, vợ chồng, bố mẹ con
cái, anh chị em với nhau, ngoài xã hội thì bạn bè, đồng nghiệp,
đôi khi dùng chung tiếng mẹ đẻ, mà có lúc còn hiểu lầm nhau,
người nói một đường, kẻ nghe một nẻo, ông nói gà bà nói vịt đến
nỗi gây tranh cãi với nhau mất cả an lạc hạnh phúc, thì nói chi
đến những ngôn ngữ mơ hồ khó hiểu. Con đường tu tập mà Đức Phật
dạy là con đường đơn giản, sống với chánh kiến, tức là có cái
nhìn đúng, một cái nhìn không bằng định kiến, không phán xét,
không cố chấp, để cuối cùng chính mình có được sự an lạc, từ đó
lòng từ bi phát sanh, và có thể mang sự hạnh phúc và an lạc đến
cho những người chung quanh. Tu tập cho mình có an lạc, có cuộc
sống tự tại còn chưa xong, hơi đâu ngồi đó nghĩ đến kiếp trước,
kiếp sau, Tịnh độ, Niết bàn. Nhân quả là một định luật vũ trụ.
Định luật này đều có giá trị đúng cho bất cứ ai theo tôn giáo
nào. Quả gặt được sẽ do chính những gì mình gieo. Hành động đơn
giản thì quả cũng sẽ đơn giản. Thần chú giúp gì cho mình? Tôi
không thấy nó mang lại lợi ích gì cho cuộc sống hiện tại của tôi
cả. Khi còn là một chú điệu trong chùa, tôi học thuộc lòng thần
chú Lăng Nghiêm lúc chỉ 8 tuổi. Khi gặp nạn tôi vẫn gặp nạn cho
dù tôi niệm thần chú này không ngừng nghỉ. Hiện nay, nếu bảo tôi
niệm thần chú để được a, b, hay c thì tôi thấy không thiết thực
trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Nếu phải niệm thần chú, tôi sẽ
chọn những lời lẽ yêu thương để niệm. Tôi sẽ niệm cho đến khi nào
tôi thuần thành với 'thần chú yêu thương' ấy, để khi tiếp xúc với
người chung quanh, tôi không nói cho họ buồn, hay nói để gây niềm
đau hay thù hận cho người khác.”
Một độc
giả khác hỏi: Phật giáo Tây tạng có những hình tượng
giao hoan rất kỳ lạ ngay cả thấy cả 2 bộ phận sinh dục, và họ
biện minh cho việc mở Kundalini để giác ngộ. Thầy có thể cho vài
ý kiến về việc này được không?
“Tôi xin lỗi đã trả lời trễ cho anh vì
mấy hôm nay tôi có đám tang phải lo. Để trả lời câu hỏi của anh,
đây là nhận xét của tôi.
Tôi đã đi Bhutan, nơi được gọi là đất
Phật, rất thanh bình êm ả. Tại những ngã tư, chỉ thấy cảnh sát
chỉ đường chứ không thấy đèn đường. 99% đạo Phật tại Bhutan do
Phật giáo Tây tạng truyền sang. Nếu anh đi dạo chung quanh thành
phố và vào sâu những thôn làng, anh sẽ thấy rất nhiều nhà, trên
cửa sổ họ vẽ hình dương vật đang cương cứng, nhiều nhà vẽ hình
dương vật đang cương cứng và xuất tinh, màu sắc trông vui mắt.
Tôi hỏi người địa phương thì họ giải thích rằng, hình vẽ tượng
trưng cho sự sung sướng, niềm hạnh phúc. Người dân tại nước này
rất sùng kính đạo Phật. Chiều đến, trong thành phố tràn ngập sư
sãi, y áo đỏ sậm, dạo chơi khắp đường phố. Vì là tu sĩ nên tôi
được đón tiếp thân mật tại các chùa. Có một ngôi chùa, tôi vào ở
chơi rất lâu vì nơi đây nhiều sư sãi còn bé, ngây thơ, rất dễ
thương. Lúc vào chánh điện để lạy Phật, tôi thấy một bàn thờ đức
Phật có râu mép, bên dưới là tượng một dương vật. Tôi hỏi, sư trụ
trì, giảng rằng vị Phật này lúc sanh tiền đã làm tình với mẹ để
mẹ được sống lâu hơn. Tôi nghĩ, lúc còn ăn lông ở lỗ, cuộc sống
còn hoang dã, người ta chỉ sống theo bản năng, thú tánh, đói thì
ăn, khát thì uống, thèm khát tình dục thì cứ tìm người khác giống
để thỏa mãn. Đất nước khép kín để người dân có thể thấy được cuộc
sống đang thay đổi, tiến hóa, văn minh hơn. Vì thiếu hiểu biết,
con người nhập nhằng giữa cái khoái lạc thể xác và cái lạc của
tâm linh; có thể họ cho cái sướng của thể xác cũng giống như cái
sướng của tâm linh nên đã diễn tả qua hình tượng dương vật đang
xuất tinh.
Với
thời gian con người tiến hoá dần, và con người bắt đầu biết hổ
thẹn, biết đúng sai, biết cái gì nên khoe, cái gì nên dấu kín. Có
những nơi họ không còn sống theo kiểu hoang dã sơ khai đó nữa.
Tuy vậy vẫn có những nơi họ cứ bám vào nền văn hoá cổ không chịu
tự mình khai mở, bảo thủ giáo điều tư tưởng cũ. Điều này khá đúng
vì như anh thấy Tây tạng khép kín biên giới với các nước ngoài,
đâu nước nào vào giao tiếp với họ được. Mãi đến năm 1950 họ bị
Tàu xâm lược thì họ mới phải bỏ nước chạy cùng với Đức Lạt Ma tỵ
nạn sang Ấn Độ. Do đó việc còn thờ phượng dương vật chỉ là sự rơi
rớt lại của một nền văn hoá kém mở mang, thiếu văn minh. Như anh
thấy, bên Tây phương có chùa Tây tạng nào dám thờ dương vật đâu,
thiên hạ cười chết và ai mà ủng hộ cho Đức Lạt Ma nữa. Người Tây
tạng cũng tuyên bố rằng họ có nền y học cổ truyền rất hay. Tôi tự
hỏi một cách đơn giản, nếu hay tại sao tuổi thọ của người Tây
tạng thấp thế, chỉ có 68.2 tuổi, trong khi tại Việt nam, tuổi thọ
trung bình là 76 tuổi.
Tóm lại, tôi chỉ thấy đạo Phật Tây tạng
chỉ làm cho họ có vẻ huyền bí thêm hơn thôi chứ thực chất đạo
Phật mà họ đang thực tập đượm mùi mê tín, rắc rối. Bên Tây phương
họ lại cố làm cho có vẻ huyền bí bằng cách nói về đầu thai, rồi
kiếp trước kiếp sau, và mục đích chính của họ chỉ là để đi quyên
góp tiền nuôi tăng chúng hiện đang sống lưu vong tại Ấn Độ. Trong
nhiều năm qua, vì ngôi chùa Từ Ân nơi tôi đang sinh hoạt rất rộng
lớn, ban trị sự thường xuyên cho các sư và Phật tử Tây tạng dùng
để truyền bá đạo Phật. Đến hôm nay thì các sư không còn đến nữa.
Lâu ngày dài tháng, họ lộ rõ mục đích chẳng có gì khác hơn là
quyên tiền, Phật tử Việt Nam lúc đầu tò mò đến nghe pháp, xem vẽ
mạn đà la, cũng đã thưa thớt dần. Riêng tôi khi tiếp quý sư và
dùng cơm chung với họ, mới thấy rõ, các vị ấy rất kém văn hóa,
chỉ toàn mê tín dị đoan, nhóm này chửi rủa nhóm kia nghe đến mệt
lỗ tai.
Riêng
câu hỏi của anh về việc khai mở Kundalini, theo tôi, sự giác ngộ
thể nghiệm được do chính anh thiền định, quán chiếu bên trong bản
thân mình. Với sự thực tập miên mật, định tâm phát triển và từ đó
trí tuệ phát sinh. Khi trí tuệ phát sinh anh có cái nhìn như nó
đang là chứ không còn qua sự phán xét biện minh bằng ý thức chủ
quan. Thấy sự việc như nó đang là chứ không phải như anh muốn nó
đang là, chính là sự giác ngộ. Ngày xưa Đức Thế Tôn nhờ ngồi
thiền định mà giác ngộ chứ đâu có ai mở Kundalini gì cho ngài
đâu. Trong tam tạng kinh có chỗ nào nói đến việc mở Kundalini
đâu? Tôi nghĩ đây cũng chỉ là sản phẩm của truyền thống Tây tạng
do bị ảnh hưởng Bà la môn giáo.
Về mặt văn hoá nghệ thuật thì tôi thích
đạo Phật Tây tạng, vì họ vẽ Mạn Đà La, họ đánh trống khua chiêng,
thổi tù và loạn xạ cả lên nghe vui tai, thêm vào đó màu sắc lung
tung trông vui mắt. Nhưng về mặt tu tập thì tôi không chọn truyền
thống này vì họ chẳng dạy được gì mình cả ngoại trừ khuynh hướng
dùng huyền bí để làm mờ mắt nhân gian. Mong anh thân tâm an lạc.
Kính.”
Mỗi chủ
nhật hàng tuần tại chùa nơi tôi đang sinh hoạt, trước buổi lễ cầu
siêu, tôi thường dành ra 30 phút để chia sẻ với Phật tử về Phật
pháp. Đề tài tôi nói chủ nhật hôm nay là việc nghe pháp thế nào
cho có hiệu quả trên đường tu tập.
Gần đây, chắc ai cũng nhận thấy, việc
phật tử hải ngoại mời nhiều thầy, sư, từ Việt Nam sang để thuyết
giảng rất phổ biến. Phổ biến đến độ việc này đang trở thành một
phong trào. Các chùa mời đã đành, các phật tử cũng họp lại với
nhau thành từng nhóm cũng mời, có nghĩa là mạnh ai nấy mời. Việc
các thầy sang thuyết pháp cũng là một điều tốt, nhưng nếu không
khéo, chúng ta sẽ mất tiền (vì phải trả chi phí cho các thầy), và
lại mất cả thì giờ quý báu của chúng ta, vốn rất ít ỏi. Thường
thì khi nghe pháp, chúng ta hay chăm chú nghe các thầy nói đến
những việc rất là “common sense,” có nghĩa là mới thoáng nghe
chúng ta thấy nói đúng quá, nhưng nghe kỹ thì đó là những cái
đúng chung chung. Ví dụ đời vốn vô thường lắm, hay đời là bể khổ,
hay làm sao để sống hạnh phúc, v.v. Chỉ cần các thầy nói không
sai thì chúng ta đã khoái lỗ tai, rồi từ đó khen loạn xạ lên, nào
là thầy A nói hay quá, thầy B nói đúng ghê. Chúng ta quên đi
rằng, pháp mà đức Phật dạy cho chúng ta là để thực hành và cuối
cùng để có an lạc, chứ không phải để người nói hợp nhĩ người
nghe. Phật tử cần nhớ, cuối bài pháp, chúng ta phải tự hỏi vị này
có dạy cho chúng ta những phương pháp thiết thực nào để khi về
nhà chúng ta có thể thực tập hay không. Nếu có, phương pháp vị
này dạy chúng ta, khi thực tập, chúng ta có hạnh phúc và an lạc
hay không? Bản thân tôi, tôi rất ít tin các vị thầy thuyết giảng
dạy dỗ Phật tử những điều mà chính những vị ấy chưa bao giờ từng
trải qua. Ví dụ, có vị nói đến làm sao để bớt khổ hay có thể sống
được bình an khi nhớ lại những ngày tháng bị nhốt trong trại cải
tạo, trong khi chính vị ấy chưa bao giờ sống một ngày trong các
trại cải tạo VC, thì chúng ta phải đặt dấu hỏi về những kiến thức
dạy dỗ của vị ấy. Hoặc có một thầy dạy cho Phật tử làm sao để có
một cuộc sống hạnh phúc trong gia đình trong khi vị ấy đi tu từ
10 tuổi, chưa bao giờ biết làm chồng hay làm vợ một ngày nào, thì
lời của vị ấy chúng ta cần cẩn thận xét lại và rất thận trọng khi
thực tập lời dạy của vị ấy. Tóm lại, cuối bài pháp mà quý vị đã
mất thì giờ để đi nghe, chúng ta cần đặt câu hỏi, người thuyết
giảng có cung cấp cho chúng ta phương pháp thực tập để sống an
lạc hạnh phúc hay không. Chúng ta phải dùng trí tuệ để phán xét
và khi thực tập cũng phải dùng trí tuệ, theo dõi bản thân có tiến
bộ và ngày càng đi đến an lạc hạnh phúc hay không.
Phật pháp, như tôi thường nhắc Phật tử,
là đạo để “nếm,” chứ không phải đạo để “nói,” hay để “nghe” cho
vui.
Kính chúc
quý vị mùa Phật đản nhiều an lạc.
Huệ Quang
huequangqh@gmail.com
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Bộ Huy hiệu Quân Chủng Không Quân QLVNCH
|
Hình nền: Huy hiệu SĐND/QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Nhà Sư Huệ Quang chuyển
Đăng ngày Thứ Tư,
May 8, 2019
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang