Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tôn giáo
Chủ đề: Thiền
Tác giả: Nhà sư Huệ Quang (Ngô nhựt
Tân),
cựu SVSQ QLVNCH Khóa 4-71/An Lộc/SQTB-TĐ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Hôm nay, khóa học ba ngày về Bát Nhã Tâm Kinh tổ chức cho Canadian senior citizens tại chùa Từ Ân chấm dứt (ảnh đính kèm). Tất cả học viên mong được tiếp tục học thêm về kinh điển cũng như thiền định, nhưng tôi đã không trả lời dứt khoát, vì bận rộn quá. Hai tuần nữa lại có một khóa cũng về kinh Bát Nhã cho một nhóm học viên mới cũng là Canadian senior citizens. Những học viên này rất siêng năng. Tất cả đều ngồi trên ghế khi thiền định, vì không một người nào có thể ngồi xếp bằng theo kiểu kiết già (full lotus posture) hay bán già (half lotus posture) vì tuổi đã cao, tuy vậy tinh thần quyết học của họ rất mạnh.
Tôi chia lớp học thành hai phần, một tiếng đầu là thiền định và giờ còn lại là học về kinh Bát Nhã, tổng cộng hai giờ mỗi ngày. Một giờ thiền định học viên ngồi im lặng, rất định tâm. Một học viên nhìn có vẻ lớn tuổi nhất, lưng hơi còm nhưng ngồi rất định, sau giờ thiền nói cười rất vui vẻ. Ngày xưa, nhất là khi còn bé, tôi cứ ngỡ là khi thiền phải ngồi hoặc kiết già hoặc bán già, nhưng khi sang tu học tại Miến Điện – nước Burma cũ nay gọi là Myanmar – mới nghe nói đến câu “ngồi thiền theo kiểu Myanmar”, có nghĩa là ngồi thế nào cho thoải mái trong suốt một thời gian dài khoảng một tiếng đồng hồ thì cứ ngồi, chứ không bắt buộc ngồi kiểu kiết hay bán già, mặc dù nếu ngồi được hai kiểu này thì tốt hơn. Trong lúc tọa thiền nên nhắm mắt lại. Để tập nhận biết hơi thở vào hay ra từ hai ống mũi, mắt thiền sinh không có nhiệm vụ gì cả, vì khi mở mắt, tâm của người đang tập thiền chắc chắn sẽ bị phân tán. Tóm lại thiền sinh có thể thiền định trong bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi một cách oai nghi. Tuy nhiên, không nên lợi dụng sự dễ dàng rồi nằm thiền như vua Ngọa triều, hay nằm rồi ngáy pho pho như hò đò mà tôi vẫn thường thấy ở các khóa thiền.
Sở dĩ tôi chọn Bát nhã Tâm kinh để dạy cho thiền sinh người Tây
phương vì kinh này rất thực tế, mục đích giúp người học nhận thức
được đúng đắn rằng trong chúng ta không có cái gọi là “tôi” hay
“bản ngã”. Phần đông người Tây phương rất thực tế, nói viễn vông
hay mang màu sắc mê tín dị đoan thì họ ít chấp nhận. Nói như thế
không phải người Tây phương nào cũng như vậy. Tôi biết rất nhiều
người Canadians ca ngợi hết mực nghi thức cúng tế của đạo Phật
Tây tạng. Trong những khóa dạy và những lần thuyết trình về đạo
Phật cho sinh viên người Tây phương, nhiều người đã hỏi tôi về
đạo Phật Tây tạng, tôi chần chừ vài giây, và cuối cùng phải trả
lời rằng tôi không tin đạo Phật Tây tạng lắm, chỉ tin phần nào
thôi. Riêng phần các vị Lạt Ma tái sanh rồi được một bộ phận
chuyên môn tìm ra, huấn luyện để làm lãnh đạo của Tây tạng thì
tôi chẳng tin tí nào. Đạo Phật chẳng có những cái rắc rối như
thế. Có lần tôi đọc trong một sách do chính đức Đạt Lai Lạt ma
viết, rằng chỉ có đạo Phật Tây tạng mới là truyền thừa chính
thống từ Phật Thích Ca. Tôi nghĩ Đức Đạt Lai Lạt ma có vẻ xem
thường người nghe, và ngài có vẻ như đang thừa thắng xông lên múa
may trên hiện trường đạo Phật tại phương Tây. Tôi không chối cãi
rằng ngài Đạt Lai Lạt Ma rất hiền từ và đạo đức, vì thế có nhiều
người cho rằng ngài là hiện thân của đức Quán thế Âm, vị bồ tát
có lòng từ bi trong đạo Phật đại thừa; cũng có người xem ngài như
một vị Phật sống. Theo tôi, không chỉ riêng đức Lạt ma, tất cả
chúng ta đều có khả năng là bồ tát Quán Thế Âm nếu chúng ta có
môi trường sống và thực tập như ngài, và tất cả chúng ta đều là
những vị Phật sẽ thành, như Đức Thích Ca Mâu Ni đã tuyên bố.
Trong cái nhìn của tôi, nói đến đạo Phật Tây tạng, tôi nghĩ ngay
đến những màu sắc rực rỡ lồng trong những nghi thức rườm rà phức
tạp chẳng nhằm mục đích gì ngoại trừ quyên góp tiền nuôi sống
nhiều nghìn tăng chúng đang tạm cư tại Dharamshala, Ấn Độ. Tôi
nghiên tầm rất nhiều và thực tập thâm sâu về đạo Phật, chưa bao
giờ thấy trong lịch sử thời Đức Phật còn tại thế có những loại
nghi lễ rườm rà như vậy.
Bây giờ nói chuyện về ngày sanh của
Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì không có sự thống nhất về ngày sanh của
thái tử Tất Đạt Đa (Shidharta), nên trước năm 1963 tại Việt nam,
truyền thống đại thừa tổ chức Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm
lịch trong khi truyền thống nguyên thủy thì chọn ngày 15 tháng tư
âm lịch để cử hành lễ Phật đản. Sau đại hội Phật giáo thế giới
tại Tích Lan (Sri Lanka) tất cả các hệ phái đều đồng ý chọn ngày
rằm tháng tư âm lịch để cử hành lễ Phật đản. Truyền thống đại
thừa xem lễ Phật đản là ngày ra đời của thái tử Shidharta, trong
khi truyền thống nguyên thủy gọi ngày Phật đản là ngày lễ
Vesakhapuja, để kỷ niệm ngày sanh, ngày thành đạo và ngày Phật
nhập niết bàn (ngày mất) vì theo truyền thống Nguyên thủy ba biến
cố trên đều xảy ra vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch. Theo
truyền thuyết, khi vừa sanh ra thái tử Sidharta bước bảy bước,
dưới mỗi bước chân nở ra một đóa sen, một tay chỉ trời, một tay
chỉ đất, ngài tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn.”
Chúng ta không nên ngần ngại để thấy ngay rằng, đây chỉ là một
truyền thuyết không có thật. Không thể có một đứa bé vừa chào đời
lại có thể bước đi và tuyên bố một câu xanh rờn như thế được.
Thái tử vừa ra đời đã bước bảy bước cũng giống như lịch sử chúng
ta là con rồng cháu tiên, nguồn gốc chúng ta từ 100 cái trứng,
hay Phù Đổng Thiên vương mấy năm nằm hoài trong nôi, chẳng hé
miệng nói một chữ bỗng dưng nhảy lên ngựa sắt, ngựa sắt hóa thành
ngựa thật, nhảy tung mây khói, phun lửa đốt cháy quân Tàu, sau đó
thì bay lên trời biến mất. Những chuyện như thế không thể là
chuyện có thật được. Nhưng chúng ta chấp nhận những truyền thuyết
đó để nắm bắt một cái gì khác mang một ý nghĩ thanh cao hơn. Thái
tử Sidharta không chỉ nói một câu như thế, ngài nói như sau, bằng
tiếng Hán:
Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh lão bệnh tử
Hai câu đầu được dịch ra tiếng Việt như sau “trên trời dưới trời
chỉ có ta là hơn hết” (Giác
Ngộ Online, HT Thích Thanh Từ,
https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=364240).
Tôi thắc mắc, chữ ngã trong câu thứ hai được dùng như một chủ từ
hay như một danh từ? Nếu là danh từ thì phải dịch là chỉ có
cái ta là được tôn quý hơn hết. Nên nhớ là chúng ta đang bàn
luận đến một chuyện chẳng có thật tí nào cả. Chúng ta chỉ tìm ý
nghĩa phía sau câu nói mà người ta gán cho là câu nói của một vị
thái tử vừa sanh ra đã đi bảy bước và tuyên bố vài câu để đời.
Tôi chẳng phải là một nhà ngôn ngữ học tiếng Hán để có thể phân
tách ngữ vựng, văn phạm của câu nói. Nhưng qua kinh nghiệm của
cuộc sống, tôi nhận thấy ý nghĩa chỉ có cái ta là được tôn quý có
vẻ sát với thực tế hơn. Cả đời, độc giả thử nghĩ xem, chúng ta
sống để phục vụ cho cái bản ngã của mình, người ta khen, mình
vui, người ta chê, mình buồn. Cái gì trong thân thể, mình cho đó
là mình, ngoài thân thể thì mình cho đó là của mình (I, me and
mine), vợ tôi, anh tôi, tiền của tôi, xe của tôi, con tôi, v.v.
Cái mà mình cho là “tôi” hay “của tôi” đức Phật, khi trả lời câu
hỏi của một đệ tử, cho rằng đó là một loại “flawed assumption”
hay là một nhận thức sai lầm, có nghĩa chúng ta lầm tưởng đó là
cái “bản ngã” của mình, nhưng thật ra chẳng có gì để được gọi là
“cái ta” cả (Majjhima Nikaya, 109, Mahapunnama Sutta).
Theo đức Phật con người gồm hai phần, thân và tâm. Thân tức là
thân xác bằng xương bằng thịt của mình. Trong phần tâm có 4 nhóm:
cảm giác, nhận thức, hiện tượng tâm lý và sau hết là ý thức.
Mặc dù bốn nhóm này không ngừng thay đổi, chúng ta vẫn lầm cho
rằng chúng trường tồn mãi và nghĩ rằng thân và 4 nhóm vừa kể là
cái ta, cái bản ngã của chính mình. Tới đây độc giả có thể nhận
thấy tại sao rất dễ để trao đổi với học viên người Tây phương về
kinh Bát Nhã. Khi dạy, tôi tổng hợp kinh với ngành tâm lý học và
luận lý học để làm sáng tỏ vấn đề. Cuối khóa, nhiều học viên cho
biết đã có một nhận thức khác về chính con người của họ và hiện
tượng chung quanh. Thuyết “duyên sanh” đã làm cho họ phải suy
nghĩ. Chỉ cần như thế khóa học đã đạt được mục đích. Học Bát Nhã
xong không phải để mong không còn thấy cảnh người nghèo kẻ giàu,
không còn cảnh bất công trong xã hội, nhưng để có được một cái
nhìn đúng về thực tại như nó đang là, chứ không
phải như chúng ta muốn như nó đang là. Nhìn được
như thế chúng ta sẽ bớt khó chịu, bớt thắc mắc, la ó, nguyền rủa
đời, v.v. vì nhờ kinh Bát nhã chúng ta thấy được tất cả mọi hiện
tượng, từ bản thân ra đến bên ngoài là sản phẩm của vô số những
điều kiện, yếu tố khác nhau, chứ không phải do một yếu tố hay
nguyên nhân duy nhất nào cả, danh từ mà chúng ta thường hay nghe
nói đến là “nhân duyên” (nhân duyên có nghĩa là điều kiện), hay
thuyết duyên sanh.
Khi cử hành lễ Phật đản, thường các
chùa có tổ chức lễ tắm Phật. Một tượng Phật sơ sinh, tay chỉ trời
tay chỉ đất được đặt trong một bồn nước. Phật tử sắp hàng, khi
đến phiên thì lấy ly hay gáo múc nước xối lên tượng Phật. Có chùa
thì cho xối từ đầu xuống, có chùa thì hướng dẫn Phật tử xối nước
từ hai vai. Chùa Từ Ân nơi tôi đang sinh hoạt, Phật tử sẽ dùng ly
múc nước từ một bồn đựng nước đặt kế, rồi từ từ đổ lên hai vai
của thái tử bé Sidharta. Lễ tắm Phật xuất hiện rất lâu bên Ấn Độ,
từ thời Brahmin tức là Bà La Môn giáo. Vào những ngày lễ kỷ niệm
các vị thần, người Ấn độ mua hoa, mang những bình nước mát, trong
sạch đến để tắm các vị thần ấy. Trong truyền thuyết về lịch sử
của đức Phật, khi vừa sanh ra đời, có rồng hiện ra phun hai vòi
nước, một nóng một lạnh xuống để tắm gội sạch sẽ cho thái tử. Rồi
từ đó truyền thống tắm Phật được tiếp tục thực hiện cho đến ngày
hôm nay. Nếu Phật tử nghĩ rằng tắm Phật sẽ có nhiều công đức thì
tôi khẳng định là chẳng có công đức gì cả. Lấy ly múc nước xối
lên đôi vai của một bức tượng làm bằng đất hay thạch cao hay bằng
gì gì đó thì có công đức gì? Tôi nhớ ngày còn bé, lúc đang làm
điệu tại chùa tỉnh hội, nhóm chúng tôi gồm năm chú điệu cùng tu
học chung với nhau. Chúng tôi hay đùa giỡn rượt bắt nhau. Một
buổi trưa hè, tôi đang chạy đuổi nhau, ngang qua một vườn rau,
nơi có nhiều giây căng phơi quần áo. Bỗng thầy kêu tôi “Quảng
Hạnh.” Tôi dừng lại, khúm núm chắp hai tay lại, nhìn thầy. Thầy
tôi bảo, “mi đến đây!” Thầy nhỏ nhẹ bảo tôi, khi chạy ngang những
giây treo quần áo, nếu thấy áo quần đang rơi xuống đất thì phải
lượm treo lại lên giây. Hay nếu “mi đi cầu thấy không ai dội cầu
thì mi dội cho sạch cho những người sau được hưởng những sạch sẽ,
đó là mi đã tạo những công đức vô lượng, chứ không phải mi mang
cơm cho ta ăn, hay cho ta tiền là tạo công đức đâu.” Sau này trên
con đường tu học, tôi hiểu thêm rằng, khi làm một điều gì mà “tay
phải không biết tay trái đang làm” như tôi đã đọc được trong một
thánh kinh Tân ước, lúc ấy công đức mới thật sự vô lượng, chứ làm
hay bố thí bằng sự tính toán, bằng cái tâm phân biệt thì chẳng
lợi ích gì cả. Trong nhận thức của tôi, khi tắm Phật cũng như
thế, lúc tưới nước trên hai vai của thái tử Sidharta chúng ta
phải tâm niệm rằng khi sanh ra đến khi chúng ta nhắm mắt, con
người lúc nào cũng sống trong mâu thuẫn, như Trịnh Công Sơn nói
trong bài hát “Một cõi đi về ” trong ta lúc nào cũng “trên hai
vai ta đôi vầng nhật nguyệt”, chính mình với mình mà đã đầy đối
nghịch như mặt trời với mặt trăng, đức Phật dạy chúng ta hãy sống
với thực tại vì quá khứ đã qua mà tương lai thì chưa tới, vậy mà
chúng ta khi “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa” rồi đôi khi mơ mơ
màng màng trở về được với thực tại chừng vài giây thì “trong khi
ta về lại nhớ ta đi...” Chúng ta sống trong một môi trường mà
người này phán xét người kia, so sánh mình với tha nhân và cuối
cùng thì chính mình khổ chứ chẳng phải ai ngoài mình cả. Khi tắm
Phật chúng ta phải thấy như thế và phải tự hỏi ngay mình có bị
rơi vào con đường lẩn quẩn đó hay không, nếu có, phải đi tìm ngay
con đường để thoát ra. Tôi nghĩ, đức Phật nếu còn tại thế, ngài
sẽ nhắc chúng ta con đường ngài đã tìm ra để giúp con người vượt
thoát khổ đau, ngài sẽ nói ta có còn tại thế đâu mà tắm cho ta,
vả lại nếu ta còn tại thế ta đâu còn là con nít nữa đâu mà các
con cứ tắm cho ta hoài vậy. Những ngày lễ như thế này để các con
nhớ lại con đường mà ta đã đi qua và những gì ta đã để lại nhằm
giúp các con tu tập vượt thoát đau khổ.
Nhìn được thực tại như nó đang là,
chứ không phải như chúng ta muốn như nó đang là sẽ giúp
người thực tập sống an lạc. Đây là điều có thật mà tôi đã trải
qua, chứ không phải là một lý thuyết suông. Để có nhận thức đó,
chúng ta không cần diệt ngã hay lấy cái ngã, cái ta vất đi đâu
cả. Chúng ta chỉ cần nhận thức và thấy đúng về cái ngã chính nó
không có thực thể mà chỉ là một nhận thức sai lầm, “a flawed
assumption”. Để kết luận bài viết nói về lễ Phật Đản 2018, tôi
xin nhắc lại một đoạn nhỏ của pho truyện Tề Thiên Đại Thánh mà
theo tôi người Việt nào cũng đã một lần đọc qua.
Tôn Ngộ Không, tay cầm thiết bảng múa
may quay cuồng, đứng bằng một chân trong lòng bàn tay của Phật
Thích Ca, nói “ngài có mắt cũng như mù, ta đây có thể đằng vân
trong vài giây là đến được cuối chân trời.”
“Vậy hãy đằng vân cho ta xem.” Phật trả
lời.
Tôn ngộ
Không cưỡi mây nhảy mấy cái thật xa, nhìn chung quanh chỉ thấy
toàn mây, nhìn ngoái lại không còn thấy Phật Thích Ca đâu nữa.
Lòng nghĩ thầm, mình phải đằng vân thật xa mới được, cho tới cuối
chân trời luôn cho chắc ăn để cái lão Thích Ca này hết coi thường
mình. Nghĩ thế, Ngộ Không đằng vân xa hơn nữa cho đến khi thấy
năm trụ đồng bao chung quanh. Miệng mỉm cười, Ngộ Không xoắn quần
đái vào dưới chân mấy trụ đồng, lòng tự nhủ “ta phải đái vào đây
đánh dấu là đã đến cuối chân trời chứ không thì lão Thích Ca lại
nghĩ lão Tôn đây nói láo.” Trở về, nhìn thẳng vào mặt đức Phật,
Ngộ Không khoe khoang thành tích và còn thách thức Phật nếu không
tin cứ nhìn những vũng nước đái của mình dưới năm trụ đồng chống
đỡ trời. Đức Phật mỉm cười với lòng từ bi, ngài bảo “Con khỉ lếu
láo kia, mi đâu có nhảy khỏi lòng bàn tay của ta đâu mà khoe
khoang.” Và ngài đưa cho Ngộ Không xem dấu nước đái mà Ngộ Không
đã để lại trong lòng bàn tay của Phật.
Chúng ta cũng như Tôn Ngộ Không, lúc
nào cũng nghĩ mình hay hơn người khác, nên sống trong tự đại,
khoe khoang và coi trời bằng vung. Nhưng rồi cuối cùng cũng không
thoát ra được năm nhóm mà đức Phật đã chỉ cho chúng ta: thân, cảm
giác, nhận thức, hiện tượng tâm lý và ý thức như trong kinh điển
có ghi chép lại. Chúng ta vì vô minh cho rằng năm nhóm ấy là cái
ta của mình nhưng may mắn thay Đức Phật lại chỉ cho chúng ta sự
nhầm lẫn mà chúng ta có bấy lâu. Ngài đã chỉ con đường, bây giờ
chúng ta chỉ cần ngồi xuống, siêng năng thiền định để nhìn lại
vào bên trong, chứ không phải tay cứ gõ mõ, miệng tụng ê a cho
thật nhiều kinh, vì cứ ê a thì cả đời chúng ta sẽ không bao giờ
nếm được hương vị giải thoát. Giải thoát chỉ đến khi chúng ta
phát triển được trí tuệ qua thiền định và từ đó có được cái nhìn
đúng về tính “vô ngã.” Cái nhìn đúng đó – tức là chánh kiến --
chỉ có thể thể nghiệm được từ thiền định, như chính đức Phật đã
nói trong kinh “Bốn lĩnh vực quán niệm: đây là con đường
độc nhất đưa đến thanh tịnh, vượt khỏi sầu não,
diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn...”
(Kinh số 10, Satipatthana, Majhima Nikaya). Tôi tô đậm hai chữ
“độc nhất” trong bài kinh.
Huệ Quang (Ngô nhựt Tân)
huequangqh@gmail.com
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Đức Quan Thế Âm. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet Email by Huệ Quang chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, May 7, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang