Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề:
Valentine’s Day
Tác giả: Minh Thảo Elizabeth Hoàng

THƯ CỦA BÀ QUẢ PHỤ
CỐ ĐẠI TÁ HOÀNG NGỌC LUNG

(In Loving Memory)

 

Bấm vào đây để in ra giấy(Print PDF)


Lời Tác giả:

Thưa Quý Vị,

Thấm thoắt nhà tôi đã sang bên kia thế giới được 5 năm. Nhân dịp gia đình chúng tôi kỷ niệm và tưởng nhớ tới nhà tôi. Tôi xin chia sẻ tới quý vị bài Tiễn Biệt của tôi viết cho người chồng quá cố của tôi và bài Điếu Văn rất chi tiết, đặc biệt cúa Trung tá Nguyễn Văn Dưỡng viết cho nhà tôi khi chồng tôi mất.

Trung tá Dưỡng là một nhà văn và cũng là người viết sử cùng làm với nhà tôi trước kia ở Việt Nam.

Thưa Quý Vị, Tôi muốn chia sẻ tới quý vị những ai đã biết nhà tôi và chưa biết về anh. Những niềm đau xót vợ mất chồng, con mắt bố của gia đình chúng tôi sẽ được xoa dịu rất nhiều nhờ ân tình của quý vị. Đâu đây vong linh nhà tôi chắc sẽ cảm động vẫn có người tưởng nhớ tới anh một quân nhân hết lòng phục vụ Tổ Quốc bằng Danh Dự và Trách Nhiệm.

Bà Quả Phụ Hoàng Ngọc Lung
(Xem bài Điếu văn của Trung tá Nguyễn văn Dưỡng ở phần Phụ Lục cuối bài)

 

Anh Lung Yêu Quí,

Thấm thoát anh ra đi đã được năm năm, đã để lại biết bao sự thương nhớ của em và các con.

Em biết rằng luật tạo hóa có sinh có tử. Đời sống hôn nhân chẳng thể bền mãi mãi, rồi cũng phải đến lúc vĩnh biệt nhau.

Em rất hãnh diện đã đi được một bước đường dài 50 năm cùng anh. Con đường chúng ta đi không phải lúc nào, chỗ nào cũng đầy hoa thơm cỏ lạ. Anh và em đã trải qua nhiều chỗ gập ghềnh, chông gai. Nhưng chúng ta đã nắm tay nhau bước đi trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự hướng dẫn bao dung của Thiên Chúa và niềm tin đó là kim chỉ nam của đoạn đường đã qua của chúng ta.

Mỗi ngày tuổi già như thủy triều dần dần dâng cao trên bãi cát và sức khỏe lão hoá cũng theo thời gian. Anh và em đã nương tựa vào nhau, quấn quýt bên nhau để tiếp tục cho chặng đường tiếp nối cho tới ngày anh lìa xa em và các con. Chúng ta đã cố gắng gìn giữ tình thương yêu nơi các con cái và hãnh diện các con của chúng ta rất hiếu thảo và thành tài trong xã hội.

Em làm sao có thể quên được những ngày chúng ta hạnh phúc bên nhau. Thuở ban đầu đã đưa chúng ta vào một chân trời hoa mộng, với những náo nức của những buổi hẹn hò. Anh đã chờ đợi em nơi cổng trường Gia Long với tà áo trắng, rồi sau đó là nơi góc đường Duy Tân khuôn cửa trường đại học Luật Khoa và cuối cùng là tà áo Thiên Thanh xanh da trời nơi các chuyến bay ở phi trường Tân Sơn Nhất và lãng mạn hơn ở dưới những hàng liễu xanh, bên dòng suối nước.

Thời gian tuyệt đẹp này bỗng nhiên bị giông tố của thời cuộc đã đưa chúng ta đi đến hôn nhân. Anh là một quân nhân với những âu lo về thế sự lúc đó nên anh muốn đi tìm một tia sáng chan hòa tình yêu như một linh dược để cho tinh thần của anh được bình thản hơn và khỏa bớt được những suy tư.

Em mãi mãi nhớ câu nói của anh “Anh đã tìm thấy vũ trụ của anh ở nơi em người anh yêu thương, để từ đó trở đi anh không còn phải đi khắp vũ trụ nữa để tìm kiếm người trong mộng”. Và anh đã ngâm câu thơ “Mắt em là một dòng sông, thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em”. Em thật cảm động khi nghe những lời nói đầy chân tình của anh.

Em và các con rất hãnh diện về anh. Đối với gia đình, anh là một người chồng chung thủy luôn yêu quí săn sóc em. Đối với các con, anh là một người cha gương mẫu mà các con rất kính yêu. Đối với Đất Nước Tổ Quốc, anh đã mang tuổi thanh xuân của mình ra phục vụ quân đội suốt 24 năm trường với nỗ lực siêng năng, kiên trì hoạt động với hết khả năng của mình.

Anh là một cấp chỉ huy tài giỏi, trí thức, đức độ và nhân hậu do các sĩ quan làm việc dưới quyền của anh đã khen tặng. Đó là món quà tinh thần rất quí báu không thể mua được bằng tiền bạc, vật chất.

Anh đã được sự nể phục của các tướng tá Đồng Minh với những văn bằng và thư từ khen tặng. Đặc biệt anh cũng được sự kính trọng quí mến của thuộc cấp toàn ngành tình báo chiến trường Việt Nam.

Dù anh đã xa lìa em nhưng hình bóng anh và những kỷ niệm, những ngày hạnh phúc tràn trề bên nhau mãi mãi ngự trị trong tâm khảm của em.

Bây giờ mỗi khi về nhà thiếu bóng dáng anh, em cảm thấy trống vắng, cô đơn vô cùng và em đã thức trắng nhiều đêm. Em không còn thấy tiếng anh săn sóc hỏi han em mỗi khi em về nhà, em không còn nghe thấy tiếng chân anh nhẹ nhàng ra khỏi phòng ngủ mỗi buổi sáng để tránh em thức giấc. Ôi biết bao kỷ niệm, mỗi lần hồi tưởng lại lòng em dào dạt thương nhớ anh vô cùng.

Dù sao chăng nữa em sẽ cố gắng can đảm sống nốt cuộc đời còn lại để săn sóc các con cháu của chúng ta.

Em xin anh hãy yên tâm thanh thản nơi miền Đất Hứa dưới sự che trở của Thiên Chúa.

Vong linh anh sẽ theo lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà mà yên lòng ra đi vì anh đã phục vụ tổ quốc bằng Danh Dự và Trách Nhiệm của một quân nhân.

Với gia đình, anh đã làm tròn bổn phận của một người chồng và người cha mà em và các con luôn thương yêu, kính phục.


Thương nhớ anh vô vàn,
Vợ anh,

Minh Thảo Elizabeth Hoàng.



Sau đây là một bài thơ bằng tiếng Anh cho người chồng quá cố của tôi.

I Thought of You Today
I thought of you with love today,
but that is nothing new.
I thought about you yesterday and days before that too.
I think of you in silence,
I often speak your name.
all I have are memories and your picture in a frame.
Your memory is my keepsake with which I'll never part.
God has you in His keeping,
I have you in my heart

 

Tôi xin đính kèm mấy tấm hình của chúng tôi:

 


Hình 1: Đám cưới của chúng tôi chụp lúc trao nhẫn cho nhau


Hình 2: Chúng tôi chụp trước khi đưa nhà tôi ra phi trường đi Pháp năm 1968


Hình 3


Hình 4


Hình 5


Hình 3, 4, 5 & 6: Chúng tôi chụp tại Pháp khi nhà tôi đi dự Hội Đàm Ba Lê


Hình 7: Nhà tôi chụp tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH


Hình 8: Chúng tôi chụp tại Mỹ



Phụ Lục
Vĩnh biệt Cố Đại tá HOÀNG NGỌC LUNG
Chủ đề: Điếu Văn
Tác giả: Văn Nguyên Dưỡng

ĐIẾU VĂN
Đọc trong ngày đám tang của
Cố Đại tá QLVNCH HOÀNG NGỌC LUNG


Kính thưa Phu Nhân HOÀNG MINH THẢO và tang quyến,
Kính thưa quí vị quan khách Việt–Mỹ điếu tang...

Thật là một hân hạnh lớn lao, nhưng với nỗi buồn lớn lao hơn cho tôi, ngày hôm nay được tin cậy viết điếu văn tiễn đưa cựu Đại tá HOÀNG NGỌC LUNG vị Trưởng Phòng II BỘ TỔNG THAM MƯU, cũng là Trưởng Ngành Tình Báo Quân Sự cuối cùng của QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ.

Tôi là Văn Nguyên Dưỡng hay nguyên Trung tá Nguyễn văn Dưỡng, một sĩ quan tình báo quân sự đã phục vụ 18, trong 20 năm quân ngũ Miền Nam Việt Nam, đã có được cái duyên hạnh ngộ và phục vụ dưới quyền của Đại tá Lung suốt thời gian dài đó mặc dù ở nhiều cương vị khác nhau trong Ngành, từ huấn luyện, tham mưu đến chiến trường.

Sau ngày Quốc Hận, trong bốn chục năm, nhất là kể từ khi tôi ra khỏi tù và được tị nạn ở Tiểu bang Hawaii, từ năm 1991, Đại tá thường thăm hỏi tôi và gia đình qua thư tín điện tử. Cảm động hơn, là mỗi lần viếng thăm thân quyến ở thành phố Honolulu, Đại tá đều ghé nhà thăm tôi, uống trà, hàn huyên chuyện cũ, không coi tôi là thuộc cấp mà là một... cố nhân, một tri kỷ. Vâng, tôi đã tái ngộ cố nhân. Và, như vậy trước sau hơn sáu thập niên, từ khi tóc còn xanh, chưa ai lập gia đình cho đến khi đầu đã bạc, đã thành bậc ông nội ông ngoại... Trong thâm tâm tôi hằng mong mỏi như vậy, được gọi nhau bằng cố nhân... trân quí hơn bất cứ một danh từ nào khác. Xưa nay, con người sống với nhau bằng tình nghĩa, sự tri ngộ hơn là... lý lẽ, là địa vị, mặc dù không nên khinh bạc coi thường tôn ti trật tự xã hội và cấp bậc trong quân ngũ. Vì vậy, tôi muốn được thưa gởi với cố nhân bằng một danh từ thân mật hơn, là Niên trưởng, hay bằng danh từ quí trọng hơn... là Tiên sinh. Thật là bất nhẫn khi gọi người cố nhân mà thân xác đang nằm trong chiếc quan tài vô tình này là Đại tá.

Chỉ có người trong gia đình, những người tri kỷ, mới không phụ bạc nhau. Thói thường người đời thường phụ bạc tha nhân dù người đó là một công bộc của tổ quốc, của quân đội. Tiên sinh Hoàng Ngọc Lung là một trong một số ít công bộc tài đức vẹn toàn từ khi nền Đệ Nhất được thành lập và nền Đệ Nhị Cộng Hoà tiếp nối ở Miền Nam Việt Nam, bị khai thác tài năng nhưng bị quên lãng... Nhất là trong 5 năm sau cùng của chế độ tự do, khi Tiên sinh nắm giữ chức vụ cao nhất lãnh đạo toàn ngành Tình báo Quân sự QLVNCH, với tri thức chiến lược về chiến trường thế giới, Á Châu và Đông Dương, với sự đóng góp kiến thức thấu triệt về kẻ thù CSVN từ sách lược chính trị đến quân sự, từ Miền Bắc, xuyên Lào, Miên, vào tận Chiến trường Miền Nam... đã góp công lao lớn nhất cho giới chức cầm quyền giữ vững được trận địa, lãnh thổ, trong thời điểm nguy nan nhất, khi mà người đồng minh lớn của chúng ta đã muốn bán rẻ Miền Nam... để tái lập bang giao với Trung Cộng hầu tạo nên “một trật tự thế giới” do Kissinger bày vẽ. Đáng lý Tiên sinh phải được thăng cấp Tướng như một số vị đồng khoá, mà có nhiều vị mang đến hai ba sao, hoặc làm thủ tướng và bộ trưởng trong chánh phủ Đệ Nhị Cộng Hoà. Thử hỏi một đất nước mà chiến tranh diễn ra ác liệt ở khắp các mặt trận như dầu sôi, lửa bỏng từng giờ từng phút, thì các cơ quan tình báo chính trị hay tình báo dân sự làm gì được hơn cơ quan tình báo quân sự? Tại sao có sự đối xử bất công với một công bộc cống hiến tâm huyết và trí não tuyệt vời cho đất nước như vậy? Tại sao người ta khai thác khả năng và sự tận tụy của người chỉ huy cơ quan tình báo quân sự QLVNCH trong 5 năm khốc liệt nhất của Miền Nam mà không một chút tưởng thưởng công lao. Vì vậy tôi cảm thấy bất nhẫn khi gọi vị cố nhân thượng cấp tài đức đáng kính trọng của tôi bằng Đại tá. Tôi xin phép được gọi là Niên trưởng Tiên sinh. Trước vong linh của Tiên sinh, tôi xin nêu rõ hơn sự nghiệp cống hiến tâm huyết, tài năng và đức độ của Tiên sinh trong hai thập niên hơn phục vụ Quân lực Miền Nam VIệt Nam.

Những quân trường đào tạo sĩ quan nổi tiếng của Quân Đội Quốc Gia, trong giai đoạn này, thuộc ngạch hiện dịch là Trường Võ Bị Liên Quân mở ra ở Đà Lạt từ tháng 9, năm 1950; và ngạch trừ bị là Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định ở Bắc Việt và Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, ở Nam Việt. Các quân trường này được thành lập từ năm 1951. Khoá 1 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức–Nam Định có tất cả 590 sinh viên tốt nghiệp cấp thiếu úy cuối mùa Xuân năm 1952. Tất cả những sĩ quan này là những thanh niên trí thức của Việt Nam thuở đó, được động viên đào luyện để trở thành cấp chỉ huy của Quân Đội Quốc Gia. Sinh viên sĩ quan Hoàng Ngọc Lung tốt nghiệp ra trường mang cấp thiếu úy khi mới 20 tuổi. Ông được bổ nhậm làm Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng, Tiểu đoàn 16 Việt Nam (16e Bataillon Vietnamien) đóng ở Bùi Chu, sau đó chuyển sang làm Đại đội trưởng một đại đội ứng chiến ở Khu Chiến Hưng Yên là khu chiến đầu tiên do sĩ quan Việt Nam chỉ huy trong tuyến phòng ngự De Lattre. Thời điểm đó, Tướng VC Võ nguyên Giáp đã mở cuộc tổng tấn công suốt dọc tuyến phòng thủ phía Bắc từ Vĩnh Phúc đến Bắc Ninh và vào tuyến phía Tây Hà Nội xuống các tỉnh và thành phố nằm giữa Sông Đà vào Sông Đáy.

Cuộc diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương đổi mới đầy thất lợi cho Pháp. Quân Đội Quốc Gia Việt Nam cũng bắt đầu gánh vác vai trò quan trọng của mình. Riêng các sĩ quan xuất thân từ Khoá thứ nhất Trường Võ bị Đà Lạt, thường gọi là Khoá 3, và Khoá 1 Thủ Đức–Nam Định đã trở thành cấp chỉ huy ở tuyến đầu của cuộc chiến. Thiếu úy Hoàng Ngọc Lung nằm trong số sĩ quan này. Hãnh diện và hào hùng.

Nhưng rồi lịch sử đất nước đã lật sang trang mới, khi Pháp thất trận Điện Biên phủ, Hiệp định Geneve tháng 7 năm 1954 cắt đôi Việt Nam. Gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam. Các lực lương chính qui của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam cũng rút hết vào Nam. Định mệnh của mỗi quân nhân quốc gia đều gắn liền với sự thịnh suy của chế độ Cộng Hoà Miền Nam. Trung úy Hoàng Ngọc Lung từ cấp Đại đội trưởng thăng lên Tiểu đoàn trưởng, mang cấp bậc Đại úy năm 1954, khi mới 22 tuổi, chỉ huy gần 500 chiến sĩ Tiểu đoàn 720 Khinh Chiến ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà Tiên sinh là vị đại úy trẻ tuổi nhất. Sau đó Tiên sinh chuyển sang giữ chức vụ Tham mưu trưởng rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 tham dự cuộc hành quân Thoại Ngọc Hầu tại Thất Sơn, Ba Thê tỉnh Rạch Giá. Năm 1956, Tiên sinh được bổ nhậm làm Chỉ huy phó Trường huấn luyện Quân Báo, An Ninh Quân Đội và Tâm lý Chiến Cây Mai, Chợ Lớn.

Nếu ở vào tuổi vừa thành niên khi còn ở Hà Nội, Tiên sinh có số vốn học thức để được động viên vào Khoá 1 Sĩ quan Trừ bị Nam Định, thì thời gian ở Trường Cây Mai, Tiên sinh đã tự tôi luyện, tự học, để có được cái kiến thức bác lãm, trở thành một cấp chỉ huy trí thức lỗi lạc của quân lực Miền Nam sau đó. Năm 1958, tôi từ một đơn vị tác chiến ở Miền Trung về Trường Cây Mai học một khoá An ninh Quân đội, tốt nghiệp, được giữ lại làm Huấn luyện viên và Sĩ quan An ninh của Trường, tôi thật sự ngưỡng mộ Thiếu tá Phạm văn Sơn, sử gia, Chỉ huy trưởng Trường và Đại úy Hoàng Ngọc Lung, Chỉ huy phó. Lúc đó, thì giờ rảnh rỗi, tôi tình nguyện giúp Thiếu tá Sơn tìm tài liệu ở Thư viện Quốc gia để giúp Ông kiện toàn và xuất bản quyển Việt sử Tân biên, thì Đại úy Lung mua tài liệu của Trường Luật Sài Gòn ngày đêm miệt mài học, trong ba năm liền, không đến lớp nghe giảng mà đã tốt nghiệp Cử nhân Luật. Tiên sinh sống độc thân, ở lứa tuổi 26, ôm sách mà học để thành người đạo đức có học thức cao rộng, thành danh và thành công.

Thời gian trôi đi, đến năm 1961, Trường Cây Mai chỉ còn huấn luyện hai ngành Quân Báo và An ninh Quân đội. Ngành Chiến tranh Tâm lý tách ra trực thuộc Cục Tâm lý chiến và có Trường huấn luyện riêng. Thiếu tá Hồ văn Lời từ Phòng II Bộ Tổng Tham Mưu về thay thế Thiếu tá Phạm văn Sơn. Đại úy Lung và tôi vẫn phục vụ ở vị trí cũ, nhưng cả hai được biệt nhãn dành riêng của tân chỉ huy trưởng. Sau cuộc đảo chánh 1 tháng 11, năm 1963, Trung tá Hồ văn Lời được bổ nhậm làm Trưởng Phòng II Bộ Tổng Tham mưu thay thế vị Đại tá Nguyễn văn Phước rất có uy tín thời Đệ Nhất Cộng Hoà vừa bị các tướng đảo chánh bắt giữ. Trung tá Lời đem Tiên sinh Hoàng Ngọc Lung và tôi lên Bộ Tổng Tham mưu, giúp chấn chỉnh lại cơ sở và nhân sự bị phe thân đảo chánh phá hủy và bắt giam. Tiên sinh thăng thiếu tá, tôi thăng đại úy là những người không có công trong cuộc đảo chánh nhưng có gánh nặng giúp vị tân trưởng ngành Quân Báo tái phục hồi hoạt động của ngành này vừa bị thất sủng... nhân tài bị bắt bớ giam cầm. Tiên sinh được chỉ định làm Trưởng Khối Kể Huấn Tổ lo về kế hoạch tái tổ chức lại ngành Tình báo Quân sự từ trung ương đến các đại đơn vị và địa phương, và đào luyện cán bộ cho toàn ngành theo nhu cầu đòi hỏi của chiến trường. Tôi chỉ lo về phương tiện, tiếp liệu, ngân sách và quản trị nhân viên cho riêng Phòng II Bộ Tổng Tham Mưu.

Đến đầu năm 1965, tôi mới hiểu rõ hơn tư cách khiêm tốn không có tham vọng chính trị của Tiên sinh. Năm 1964, Tướng Nguyễn Khánh đảo chánh Dương văn Minh, lên nắm chính quyền, rồi sau đó chính Ông Khánh cũng bị mấy lần đảo chính bởi những tướng tá thất sủng. Một lần diễn ra tháng 2/1965, viên Thiếu tá Chỉ huy trưởng Đơn vị 101, trực thuộc Phòng II Bộ Tổng Tham Mưu, đã kết bè với quân đảo chánh. Thất bại nên bị bắt giam. Đại tá Lời chỉ định Tiên sinh làm Chỉ huy trưởng Đơn vị 101 thay thế ông thiếu tá kia. Đơn vị này là một đơn vị tình báo quân sự chiến lược được Tình báo Hoa kỳ ở Sài Gòn yểm trợ tối đa phương tiện và mật phí, dĩ nhiên dễ bị lợi dụng, dính dáng nhiều đến chính trị lúc đó. Tiên sinh từ chối không nhận chỉ huy đơn vị nhiều tiền bạc kia. Tôi biết ông là người không muốn dính líu vào chính trị và tiền bạc. Ông chỉ muốn làm tròn nhiệm vụ của một quân nhân thuần túy. Tư cách đó khả trọng. Tôi kính phục Tiên sinh hơn. Đầu năm 1965, Tiên sinh được ủy nhiệm phối hợp với Phòng II Bộ Tư lệnh MACV Hoa Kỳ (US Military Assistance Command in Vietnam) để phác họa tổ chức các cơ quan Quân Báo phối hợp Việt–Mỹ như CICV (Combined Intelligence Center), CDEC (Combined Documents' Exploitation Center), CMIC (Combined Military Interrogation Center) và các Biệt đội Quân Báo hoạt động chung với các Phòng 2 các đại đơn vị Đồng Minh từ cấp sư đoàn trở lên. Tôi được đưa xuống Trung Tâm Quân báo, làm Chi huy phó cho Đại tá Lời, Trưởng Phòng II BTTM kiêm nhiệm Chỉ huy trưởng, để thực hiện cơ sở hỗn hợp, tuyển chọn và đào luyện thêm nhân sự phục vụ cho các tổ chức nói trên. Như vậy, Tiên sinh và tôi như bóng với hình, Tiên sinh sáng tạo tổ chức, tôi thực hiện sơ đồ tổ chức, phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành nhiệm vụ của Trưởng Ngành Quân Báo giao phó, phục vụ tận tụy và bất vụ lợi, làm lớn mạnh ngành tình báo chiến trường trong thời điểm 1965–1966 khi mà quân Bộ chiến Mỹ và Đồng Minh ồ ạt đổ vào chiến trường Việt Nam.

Năm 1967, Tiên sinh thăng trung tá, tôi cũng thăng thiếu tá, trong cùng một danh sách chỉ có hai người. Chính thời gian phục vụ ở cơ quan đầu não của QLVNCH này tôi đã trưởng thành và nhìn rõ thế thái nhân tình. Sau trận Tổng tấn công của quân Cộng sản Việt Nam, Phòng II Bộ Tổng Tham Mưu bị tai ách lớn sau một... cuộc đảo chính nhỏ nội bộ, từ đó mọi người mới nhận ra mặt trái của con người phản bội. Tên Trung tá phó Trưởng Phòng II, nhân cơ hội này ton hót với vị Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu, lật đổ người ơn là Đại tá Hồ văn Lời, để được bổ nhậm thay thế chức vụ Trưởng Ngành Quân Báo. Đại tá Lời, vị Trưởng ngành Tình báo Quân sự hiền đức này lặng lẽ rời chức vụ khi không có một sơ hở nào. Cờ đến tay ông tân Trưởng Phòng II BTTM mới phất bạo. Không bao lâu ông này thăng cấp đại tá và đưa ra khỏi Phòng II BTTM năm sĩ quan cấp tá từng giữ chức vụ quan trọng của ngành, ra các phòng 2 cấp sư đoàn. Trong khi đó Trung tá Hoàng Ngọc Lung được đưa sang Hoa kỳ học khoá chiến tranh đặc biệt ở Fort Brag và sau đó phía Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam xin được giữ Tiên sinh ở lại quân trường này làm Cố vấn chính thức cho các khoá huấn luyện sĩ quan Lục quân cuả Mỹ sắp đưa sang phục vụ ở chiến trường Việt Nam và là instructor huấn luyện cho các nhân viên Mỹ trước khi sang Việt Nam. Lúc đó, tôi được chỉ định theo học Khoá Tình báo Cao cấp tại Maryland, Hoa Kỳ. Tháng 1, năm 1969 tôi về nước và bị thuyên chuyển ngay ra Phòng 2 Bộ Tư lệnh SĐ22BB. Tôi nghe tin Tiên sinh đã lập gia đình với một trong các hoa khôi ngành Hàng không Air Vietnam cuối năm 1968. Năm 1969 Tiên sinh được cử là một trong sĩ quan đầu tiên đại diện Bộ Tổng Tham Mưu trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà dự hoà đàm Paris. Cũng vào thời gian này, Tiên sinh được thăng cấp đại tá.

Đầu năm 1971, Đại tá Hoàng Ngọc Lung chính thức được bổ nhậm chức vụ Trưởng Phòng II BTTM thay thế ông đại tá tiền nhiệm đã làm cho Ngành Quân Báo bị tai tiếng không ít, bị lột chức về tội tham nhũng. Đây chính là thời kỳ Tiên sinh tạo niềm tin lớn cho Ngành Quân Báo, được sự tin cậy của các tướng lãnh Bộ Tổng Tham Mưu và gây uy tín lớn với các đại đơn vị Đồng Minh.

Ngay khi từ Paris trở về, Tiên sinh đã viết một tờ trình lên TT. Nguyễn văn Thiệu hai khả năng sắp đến của cả kẻ thù CSVN ở nội địa Nam Việt Nam và người bạn Đồng Minh Hoa kỳ âm mưu bán đứng Nam Việt Nam. Thứ nhất, CSVN sẽ tiệm tiến thi hành kế hoạch giành dân chiếm đất ở Miềm Nam và gia tăng áp lực quân sự ở chiến trường để chiếm ưu thế trên bàn hội nghị. Thứ hai, có triệu chứng Kissinger bắt đầu đi đêm với Lê Đức Thọ có thể làm nguy hại cho Miền Nam. Đây là hai cống hiến lớn nhất của Tiên sinh để cho cấp lãnh đạo VNCH chuẩn bị kế hoạch đối phó và kiện toàn Quân Lực VNCH. Trong hai năm kế tiếp, những điều mà Tiên sinh báo trình đã tuần tự diễn ra. TT. Thiệu đã biết trước ý đồ bất chánh của Kissinger và đã có những phản ứng thích họp.

Một cống hiến quan trọng nữa là Phòng II Bộ TTM đã biết rõ và báo cáo đầy đủ kế hoạch tổng tấn công của CSVN vào Miền Nam mùa Hè năm 1972, với mục tiêu và khả năng của chúng trong từng mục tiêu. Nên Quân Lực VNCH đã phản ứng vô cùng hiệu quả.

Đến sau trận CSVN tấn công thử và chiếm Phước Long, với tư cách là Thuyết trình viên thường trực về tình hình địch ở Hội Đồng An ninh Quốc gia, Tiên sinh đã trả lời một câu hỏi quan trọng của Tổng thống: “Sau trận này, bọn Cộng sản sẽ làm gì nữa?”. Tiên sinh trả lời: “Chúng sẽ tấn công Cao nguyên, mục tiêu chính sẽ là Ban Mê Thuột. Trong các trận tấn công này của quân CSVN, khả năng yểm trợ của Không Lực Hoa Kỳ là không có. Mỹ chắc chắn sẽ bỏ rơi Miền Nam.”

Sau cùng Tiên sinh đã báo cáo cho Tổng thống Thiệu và Hội đồng An ninh Quốc gia, âm mưu và ngày giờ chính xác quân CSVN sẽ tấn công Ban Mê Thuột, nhưng các tướng lãnh ở Sài Gòn lại tin theo Tướng Phạm văn Phú, Tư lệnh QĐ II & QK 2, là Cộng quân sẽ tấn công Pleiku, điều SĐ23BB lên đó, bỏ trống Ban Mê Thuột. Sau khi thành phố này thất thủ, TT. Thiệu hỏi Tiên sinh: “sau trận này, cộng sản sẽ làm gì?” Câu trả lời của Tiên sinh: “Chúng sẽ tràn xuống chiếm duyên hải, cắt đứt Quân khu 1, và mở trận tổng tấn công chiếm Miền Nam.” TT Thiệu hỏi tiếp: “Họ dự trù chiếm trọn Miền Nam trong bao lâu.” Tiên sinh trả lời: “Trong hai năm”. Như vậy, theo Tiên sinh là miền Nam tuy đã bị cô lập, nhưng CSVN dự trù phải mất hai năm, kể từ sau trận Ban Mê Thuột, tháng 3, năm 1975. Không biết câu hỏi của TT. Thiệu lúc đó là để phản công hay để giúp rút ngắn thời gian chiến thắng của CSVN bằng cách ra lệnh rút bỏ Cao Nguyên Trung Phần làm cho Quân Lực VNCH tan tác trên Liên tỉnh lộ 7–B, và sau đó ra lệnh bỏ luôn Quân khu 1, làm cho tan tác thêm lòng quân và sụp đổ cả một chế độ, chỉ trong vòng hai tháng... Năm năm trời đằng đẵng, cúc cung tận tụy, đem bao nhiêu tâm trí vào khả năng phục vụ, công của Tiên sinh bị quên lãng. Âu đó là công... của những con dã tràng xe cát... là định mệnh chung của mọi chiến sĩ trong QLVNCH!... Nhưng những tướng tá cao cấp Hoa kỳ từng phục vụ ở Nam Việt Nam trong 5 năm sau cùng của cuộc chiến như các Đại tướng Creighton William Abrams, Frederi C. Weyand, các Trung tướng Tình báo Quốc Phòng (DIA, Defense Intelligence Agency) như Davidson, Tighe, Potts, Walters, các Thiếu tướng Hudson, John Murray, Đại tá William B. Legro, đặc biệt là Giám đốc CIA William Colby. Hai trong các vị này là Trung tướng William Potts và Đại tá William Legro đã viết thư với lời lẽ trân trọng mang ơn và nồng nhiệt khen ngợi sự hiểu biết sâu xa của một nhà trí thức vượt bậc của Tiên sinh, người lãnh đạo cao nhất ngành Quân Báo Việt Nam, đã góp công lớn nhất về tri thức tình báo chiến trường giúp cho Tổng thống và Quân Lực VNCH chiến thắng trong những chiến dịch lớn nhất của CSVN ở Miền Nam, huấn luyện trên 10,000 nghìn sĩ quan Hoa kỳ hiểu biết nhiều hơn về chiến trường Việt Nam. Hơn thế nữa, khi chiến tranh chấm dứt, sang tị nạn ở Hoa kỳ, Tiên sinh còn đóng góp công sức và trí tuệ viết cho Ủy ban Đặc biệt nghiên cứu chiến trường Đông Nam Á của Cục Quân sử Bộ Quốc Phòng Hoa kỳ, bốn quyển sử về Chiến tranh Việt nam: Vietnamese Intelligence, Communist General Offensive in 1968, Vietnamese Strategy và Vietnamese Tactics. Tiên sinh còn giúp Đại tướng Cao văn Viên hoàn tất quyển sách “Những Ngày cuối cũng của VNCH” và trả lời các cuộc phỏng vấn của các nhà viết sử Hoa kỳ và Việt nam như Lewis Sorley, Jay Wright, Nguyễn Kỳ Phong về Chiến tranh Việt Nam.

Một đời trong quân ngũ, tuy Tiên sinh không thăng được cấp tướng như một số bạn đồng khoá nhưng được tưởng thưởng Bảo Quốc Huân Chương và nhiều loại huy chương cao quí khác. Công trạng của Tiên sinh còn được các nước Đồng minh tặng thưởng, như huy chương của Vương quốc Thái Lan, của Hàn quốc, của Trung Hoa Dân quốc, và Lục quân Huân chương lẫn Chiến công Bội tinh của Hoa Kỳ với nhiều Bằng khen và tưởng lục.

Thưa quí vị, tôi có thể kết luận rằng, Tiên sinh Hoàng Ngọc Lung được sinh trưởng từ một gia đình thấm nhuần Nho học mà cụ thân sinh được phong chức Hàn Lâm cuả triều đình, nên khi xuất xứ, đã đem truyền thống đạo đức, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, nhất là sự khiêm cung làm tiêu chuẩn cho đời sống mẫu mực, dù là ở trong quân ngũ. Cộng thêm với ý chí tu thân, Tiên sinh đã tự học, tự đào luyện, thành một cấp chỉ huy trí thức, đức độ và nhân hậu, được sự tín nhiệm của tướng lãnh từ Trung ương đến cấp Quân đoàn, Sư đoàn, được sự nể phục các tướng tá Đồng minh và sự kính trọng và quí mến của thuộc cấp toàn ngành Tình báo Chiến trường Việt Nam. Đối với gia đình, Tiên sinh là một người chồng trung thành, yêu quí người vợ yêu kiều, trí thức và hiền thục, là một người cha gương mẫu dạy ba người con khôn lớn có nề nếp, hiếu thảo và đỗ đạt, thành công trong xã hội. Tiếc thay, ở những năm cuối đời, Tiên sinh đã mất người con trai duy nhất. Sự ra đi trước cha mẹ trong kiếp nhân sinh là niềm đau vô tận cho các bậc sinh thành và gia đình. Chính vì vậy, với tuổi già còn thêm nỗi thương đau, đã làm cho sức khỏe của Tiên sinh suy giảm mau chóng. Vẫn biết rằng Đấng Tạo Hoá dựng nên con người là kiếp phù sinh, một ngày thân cát bụi phải trở về với cát bụi, nhưng cảnh sinh ly tử biệt tránh sao cho khỏi đau lòng người ở lại. Người đưa tiễn níu quan tài người ra đi, không phải là muốn níu lại thân xác của con người mà trái tim đã ngưng đập, sẽ trở thành cát bụi, nhưng là muốn níu lại cái sự nghiệp đã cống hiến cho tổ quốc, cho nhân loài, níu lại cái tình nghĩa đã trang trải giữa con người và con người trong kiếp sống của người đã ra đi. Công danh, sự nghiệp và tình thâm là những điều mà người ở lại sẽ níu giữ lại được và sẽ mãi mãi được nâng niu trân trọng khi biết rằng mình phải tiễn biệt vĩnh viễn người đã ra đi.

Hôm nay Thân xác tiên sinh trong cỗ quan tài phủ Quốc kỳ này sẽ được chôn sâu trong lòng đất, nhưng anh linh của Tiên sinh còn mãi mãi lưu lại trong lá quốc kỳ. Người ta sẽ trao lá quốc kỳ này lại cho người cô phụ hiền đức này, Phu nhân Hoàng Minh Thảo. Xin anh linh của Tiên sinh hãy theo quốc kỳ mà trở lại mái nhà xưa, tiếp tục bảo bọc, che chở, ấp ủ người vợ hiền chung thuỷ và làm tấm gương soi đường sáng cho các con cháu trên bước trần ai nơi xứ sở lắm tự do nhưng không ít nhiễu nhương này. Và bằng cách nào đi nữa, những thuộc cấp của tiên sinh, vẫn mãi mãi ghi tạc trong lòng nếp sống đạo đức, sự thanh bạch và tài trí xuất chúng của Tiên sinh. Riêng đối với tôi, hơn sáu mươi năm, phong thái tao nhã, tư cách khả trọng, chí công vô tư, tài đức vẹn toàn của Tiên sinh, tôi không bao giờ quên. Tôi sẽ luôn luôn nhớ người như một người thầy, một thượng cấp và một tri kỷ. Hôm nay với điếu văn này, không phải tôi tiễn cố nhân ra đi mà chỉ muốn ghi lại tấm gương sáng cho thế hệ trẻ tìm hiểu nhiều hơn về đức độ và tài trí của một người yêu nước đã luôn luôn phục vụ Tổ Quốc bằng Danh Dự và Trách Nhiệm của một chiến sĩ gương mẫu...

Tiên sinh Hoàng Ngọc Lung, xin anh linh người hãy ở lại mãi với chúng tôi và với vợ con người. Linh hồn người tài đức sẽ tồn tại trong lòng mọi người, mãi mãi.


Người viết sử.
Văn Nguyên Dưỡng


Bấm vào đây để in bài điếu văn ra giấy (Print PDF)



Bấm vào đây để in ra giấy(Print PDF)


Trang nhà Elizabeth Hoàng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Alpha Lê Tiến Dũng  chuyển

 

Đăng ngày Thứ  Ba, February 14, 2023
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang