Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự truyện
Chủ đề: Hồi ký Chiến trường
Tác giả: Ðại tá Ngô Văn Ðịnh

TRẬN GIỒNG RIỀNG CỦA TIỂU ĐOÀN 1
ĐỔ BỘ THỦY QUÂN LỤC CHIẾN
(Ngày 6 tháng 12 năm 1955)


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Ngày 23 tháng 10 năm 1955, toàn dân trưng cầu dân ý, truất phế Quốc trưởng Bảo Ðại. Thủ tướng Ngô Ðình Diệm trở thành Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa ngày 26 tháng 10 năm 1955. Ðể thống nhất quân đội, các cuộc hành quân truy lùng lực lượng của Trung tướng Trần Văn Soái và Ba Cụt đã được mở ra quy mô ở miền Tây.

Chiến dịch Nguyễn Huệ được khai diễn ngày 23 tháng 5 năm 1955. Trung tướng Trần Văn Soái đầu hàng, Ba Cụt bị bắt.

Chiến dịch Hoàng Diệu (1/1–31/5/1955) đã quét sạch tàn quân Bình Xuyên của Bảy Viễn ở Rừng Sát.

Ðầu tháng 11 năm 1955, Tiểu Ðoàn 1 Bộ binh Thủy Quân Lục Chiến (1er Bataillon de l’Infanterie Marine) chấm dứt hành quân Hoàng Diệu ở Rừng Sát trở về hậu cứ ở Cầu Ðá (Nha Trang). Cuối tháng 11 năm 1955, Tiểu Ðoàn lại di chuyển bằng hỏa xa vào Sài Gòn, rồi đi Sóc Trăng nhận lệnh tham dự hành quân Nguyễn Huệ. Chỉ huy Chiến dịch là Ðại tá Dương Văn Ðức, Phân Khu trưởng Phân Khu Sóc Trăng. Ngày 4 tháng 12 năm 1955, Tiểu Ðoàn di chuyển về Rạch Giá để chuẩn bị hành quân vào Giồng Riềng ngày 6 tháng 12 năm 1955, cũng là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 20 của tôi.

Giồng Riềng là một xã ở phía đông phi trường Rạch Sỏi 35 cây số, cách thị xã Rạch Giá 45 cây số về hướng Ðông Nam, phía Bắc quận Vị Thanh 50 cây số, phía Tây Nam tỉnh Cần Thơ khoảng 100 cây số. Nay theo bản đồ mới, xuất bản tại Ðà Lạt năm 1990, thì Giồng Riềng đã được nâng lên cấp Quận.

Vùng Hành Quân là những làng xóm rải rác, ruộng lúa, mương nước và những kinh rạch ngang dọc.

Nhiệm vụ của Tiểu Ðoàn là hành quân truy lùng các lực lượng võ trang còn sót lại của Trung tướng Trần Văn Soái và Ba Cụt ở Giồng Riềng và Rạch Giá, tùy nghi tổ chức hành quân trong vùng trách nhiệm.

Lực lượng tham dự hành quân là Tiểu Ðoàn 1 Ðổ Bộ do Ðại úy Bùi Phó Chí Tiểu Ðoàn trưởng, chỉ huy.

Phía lực lượng bạn có một Tiểu Ðoàn Nhảy Dù ở phía Nam. Về yểm trợ có một phi cơ quan sát L19 và một Khẩu Ðội đại bác 155ly. Phương tiện chuyển quân từ Rạch Giá đến vùng hành quân bằng tàu Hải Quân LCM, LCVP và trưng dụng một số ghe Cá Gộc.

Tiểu Ðoàn lên tàu và ghe tại cầu chợ Rạch Giá lúc 3 giờ sáng theo thứ tự:

– Ðại Ðội 3
– Ðại Ðội 2
– Bộ Chỉ huy Tiểu Ðoàn
– Ðại Ðội 1
– Ðại Ðội Súng nặng.

Tiểu Ðoàn chia làm 2 cánh quân:

* Cánh A do Ðại úy Bùi Phó Chí, Tiểu Ðoàn trưởng Chỉ huy gồm có:

– Ðại Ðội 3 do Thiếu úy Phan Thanh Ðàn, Ðại Ðội trưởng.
– Ðại Ðội 2 do Thiếu úy Cao Tấn Hạp, Ðại Ðội trưởng.

* Cánh B do Trung úy Trần Văn Ðức, Sĩ quan Phụ tá Tiểu Ðoàn trưởng Chỉ huy gồm có:

– Ðại Ðội 1 do Thiếu úy Trần Văn Nhựt, Ðại Ðội trưởng.
– Ðại Ðội Súng Nặng do Thiếu úy Nguyễn Hữu Nhơn, Ðại Ðội trưởng.

Hải trình di chuyển đến vùng hành quân khoảng 65 cây số nên đến 10 giờ sáng mới đến địa điểm xuống quân.

(Xin kể một câu chuyện liên quan đến Trung úy Trần Văn Ðức. Hồi ở Tiểu Ðoàn 1, chúng tôi cùng anh Nho và anh Cát thường xuống nhà Trung úy Ðức tán róc sau giờ làm việc. Ông bà Trung úy Ðức có một cô con gái thua chúng tôi chừng 10 tuổi. Mấy anh em thường nói “Ði gửi gạo nhà ông Trung úy Ðức”.

Cách đây hơn một năm, tôi có người bạn là Ðại tá Vũ Quốc Gia, Tư Lệnh Lữ Ðoàn 4 Kỵ Binh, sau khi anh đi tù Việt cộng về bị bệnh và được sang Mỹ theo diện H.O. Tôi đến nhà thăm, nhưng anh không còn nói chuyện được, chỉ nhìn nhau thôi. Tôi nhìn thấy ảnh Ðại úy Ðức, tôi hỏi chị Gia: Ông Ðức là thế nào với anh chị? Chị Gia trả lời là Ba tôi. Tôi nhận biết ngay chị Gia là người mà hồi xưa ở Tiểu Ðoàn 1 chúng tôi thường xuống nhà bố mẹ chị chơi. Tôi hỏi: Như vậy có phải chị tên Nh... không? Chị trả lời: Dạ. Thật là bất ngờ và xúc động
.)

Trên đường di chuyển không gặp trở ngại nào, đổ quân xong Ðại Ðội 3 và Ðại Ðội 2 tổ chức đội hình tiến quân về hướng Giồng Riềng, đi đầu là Ðại Ðội 3, tới Ðại Ðội 2. Bộ Chỉ huy Tiểu Ðoàn và Trung Ðội Súng Cối 81ly bố trí tại khu vực xuống quân để sẵn sàng yểm trợ cho các Ðại Ðội. Cánh B đổ quân bên phải của Cánh A chừng 1 cây số. Thời tiết nắng ráo nên quan sát rất dễ dàng, khi cách Giồng Riềng chừng năm trăm mét, Trung Ðội đi đầu thuộc Ðại Ðội 3 quan sát thấy một chòi lá nhỏ bên cạnh đường dẫn vào làng, trong chòi có một toán chừng năm sáu người mặc quần áo đen và có súng, khi thấy quân ta thì chúng chạy về hướng làng trước mặt, nơi đó có cây cối rậm rạp nên không quan sát được các hoạt động trong làng. Các Trung Ðội thuộc Ðại Ðội 3 rượt theo chúng, trong khi đó các Trung Ðội khác cũng tiến nhanh về hướng làng. Tôi đi với 2 Trung Ðội đi đầu, khi còn cách bìa làng chừng 150 mét, hỏa lực địch từ trong làng bắn ra rất ác liệt, 2 khẩu đại liên 30 ở phía trái và phải bìa làng bắn chéo cánh sẻ. Lúc này toàn bộ Ðại Ðội 3 đã nằm trong tầm hỏa lực địch, tiến thì khó, mà lui thì không được. Ðại Ðội 2 bên phải cũng đụng mạnh không thể tiến lên được. Pháo Binh yểm trợ không hữu hiệu vì hai bên quá gần nhau. Ðịch đã bố trí sẵn chờ ta đến, giữa ruộng không có chỗ để ẩn núp, nên chỉ còn cách duy nhất là xung phong vào phòng tuyến địch, hết lớp này xung phong lên ngã xuống, lớp kia lại tiến lên. Một hình ảnh lúc đó mà tôi không bao giờ quên được là nhìn thấy Thượng sĩ Nguyễn Văn Bàng, Thường vụ Ðại Ðội đang điều động Trung Ðội Chỉ Huy. Ông bị trúng đạn vào miệng gẫy mấy cái răng. Máu chảy ướt cả mặt mà ông vẫn đứng chỉ huy như không có chuyện gì xảy ra.

Khoảng 2 phút sau thì Hạ sĩ Trãi, người mang máy truyền tin cho tôi bị trúng đạn và ngã xuống, tôi lấy máy để liên lạc với Ðại Ðội trưởng nhưng ống nghe bị bể nên không liên lạc với Ðại Ðội được. Trong khi đó thì Trung Ðội của Trung sĩ Nguyễn Văn Sinh cũng đang đụng độ mạnh và có nhiều thương vong. Việc điều động các Trung Ðội lúc này là hoàn toàn tùy thuộc vào các Trung Ðội trưởng. Vì không còn liên lạc được nên lúc Ban Chỉ huy Ðại Ðội rút, chúng tôi không hay biết.

Trong trận này, Ðại Ðội 3 tổn thất nhiều, Ðại Ðội quân số hơn 100 người vào vùng hành quân, nhưng sau ngày số lành lặn không còn quá vài chục người. Hai Trung Ðội đi đầu với tôi coi như tổn thất gần hết, chỉ còn hơn một Tiểu Ðội do Hạ sĩ nhất Nguyễn Văn Bách chỉ huy là còn chiến đấu được nhờ có một đống rơm ở giữa ruộng che chở. Sở dĩ ta bị tổn thất nhiều là vì binh sĩ vẫn chiến đấu theo kiểu Commando khi trước, họ chỉ biết tiến không bao giờ biết lùi, tuy đã được huấn luyện nhưng không phải một sớm một chiều mà thay đồi được. Họ là những chiến sĩ rất gan dạ, đã làm cho địch quân khiếp sợ, tuy bị phục kích, địa thế bất lợi. Ðại Ðội 2 cũng có một số chết và bị thương. Thiếu úy Nguyễn Văn Nho, Ðại Ðội phó Ðại Ðội 2 cũng bị thương trong trận này (Thiếu tá Nguyễn Văn Nho, Tiểu Ðoàn trưởng Tiểu Ðoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh ngày 31 tháng 12 năm 1964 tại Bình Giã).

Chiều xuống dần, trước khi rút lui, chúng cũng cho một toán ra lục soát, một số anh em bị thương nặng cũng bị chúng giết bằng dao mã tấu. Tôi bị thương nặng nằm chung với một số anh em, người chết người bị thương ở giữa ruộng nước nhưng chúng chỉ lục soát trong thời gian ngắn vì trời đã tối nên may mắn chúng tôi thoát chết. Tôi bị thương nặng nằm dưới ruộng nước, tay vẫn cầm cây súng Colt, máu chảy nhiều, lại bị đỉa đói hút máu mà cũng cứ phải để yên cho chúng tự do hút. Hôm ấy bầy đỉa đói được một bữa no say.

Cả đêm nằm lạnh dưới ruộng nước, bên cạnh tôi là Hạ sĩ Phạm Văn Phòng, anh bị thương nhiều vào bụng, mất nhiều máu nên anh thiếp đi. Tôi sờ thấy người anh còn âm ấm nên tôi biết anh còn sống.

Sáng ngày hôm sau, 7 tháng 12, nghe thấy tiếng người di chuyển từ hướng Tiểu Ðoàn xuống. Tôi đoán chắc là các anh em thuộc Ðại Ðội 1 và Ðại Ðội Súng Nặng lên tìm kiếm chúng tôi, nhưng tôi vẫn nằm yên không dám động đậy gì cho đến khi nghe họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Nùng, đa số quân nhân thuộc các Ðại Ðội là người Nùng. Yên trí và chắc chắn là đơn vị bạn, tôi la lên và ra hiệu cho họ biết vị trí của chúng tôi. Họ nghe được nên đã có một số anh em chạy tới dìu tôi ra để Y tá băng bó cho tôi và các anh em khác, xong họ đưa chúng tôi về Bộ Chỉ huy Tiểu Ðoàn. Ðại Ðội 1 và Ðại Ðội Súng Nặng vào lục soát trong làng. Ðịch đã rút đi hết trong đêm, dân cho biết chúng bị chết 27 người cùng một số bị thương. Tôi cũng được biết khi địch di chuyển qua sông gần quận Vị Thanh đã lọt vào vị trí phục kích của đơn vị Nhảy Dù, chúng bị thiệt hại nặng, nhiều người chết và bị thương, anh em bên Dù có thu được một lệnh hành quân bên Phân Khu Sóc Trăng. Không hiểu sao mà địch lại có lệnh hành quân của ta?

Tôi được đưa về Quân Y Viện Rạch Giá trong ngày bằng xuồng. Tại Quân Y Viện chúng tôi được Y sĩ Trung úy Phạm Ngọc Tỏa, Y sĩ trưởng săn sóc rất tận tình, đặc biệt nhất là trường hợp của anh Phạm Văn Phòng phải cắt 6 khúc ruột mà vẫn được cứu sống, sau này anh lên cấp Trung sĩ và lái xe cho Ðại tá Lê Ðình Quế, Tham Mưu trưởng Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến. Tôi không biết bây giờ anh ở đâu và sức khỏe ra làm sao, nhưng anh sống được thì quả là có phép nhiệm mầu.

Tất cả các tử sĩ được đưa về Rạch Giá và chôn cất tại Nghĩa trang Rạch Sỏi. Nghĩa trang này dành riêng cho các anh em thuộc Ðại Ðội 2 và Ðại Ðội 3 Tiểu Ðoàn 1 Ðổ Bộ hy sinh trong trận Giồng Riềng ngày 6 tháng 12 năm 1955.

Trong mấy ngày đầu nằm tại bệnh viện tôi chẳng nhúc nhích gì được vì Bác sĩ cho cột tay và chân tôi vào giường ngủ. (Ngay ngày đầu nằm viện có một cô gái xưng tên Lệ ở xóm Chùa đến hỏi tôi về Thiếu úy N.V.T., tôi trả lời là ông ấy không sao cả, cô ta cứ hỏi vớ vẩn mãi, rồi không chịu đi về mà trời đã gần tối rồi. Chân tay tôi đã bị cột còn gặp cái cảnh này thì phiền quá. Tưởng rồi thế nào thì cô ta cũng về, nhưng rồi cô ta ngủ lại luôn, ở đây Bệnh viện dễ quá, chẳng ai nói gì cả. Mấy ngày hôm sau tôi được cởi trói ra, đi lại sơ sơ được, cô ta đem một bộ thường phục vào và bảo: Tôi trốn bệnh viện ra đi về nhà cô ấy. Tôi không dám đi, thế rồi cô ta không đến nữa).

Ngày 9 tháng 12, Trung tá Lê Quang Trọng, Chỉ Huy trưởng Thủy Quân Lục Chiến xuống thăm các thương binh tại Bệnh viện và trao gắn Huy chương. Tôi và Nho mỗi người được một “Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Vàng” và “Chiến Thương Bội Tinh”. Trung tá Trọng đã ở lại với anh em khoảng 1 tuần lễ, hàng ngày ông đến bệnh viện thăm chúng tôi, trước khi về lại Sài Gòn ông có mời một số anh em chúng tôi ra chợ Rạch Giá ăn uống. Ông còn khôi hài nói với tôi là: “Mặt mũi mình sáng sủa như thế này mà ra ngồi ở chợ ăn thì không tiện, chắc mình phải làm cho mặt mũi đen nhọ đi một chút thì mới coi được”. Ðầu năm 1956, Trung tá Trọng rời khỏi Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, tôi không có lần nào gặp lại ông nữa.

Thấy Trung tá Chỉ Huy trưởng lại ở chơi với anh em lâu quá, tôi tình cờ được biết ông có một người quen tên H, rất đẹp, học trường Ðầm, nhà ở gần cầu Ðúc, cách bệnh viện chừng 300 mét. Trước khi ông về Sài Gòn chắc là ông có dặn dò gì cô nàng, nên mỗi khi đi ra phố là cô nàng lại đem tôi đi làm bình phong. Cô biết nói ít tiếng Việt còn tôi thì không hay tiếng Tây nên cũng không thoải mái. Không biết sau này thì 2 người có đi đến đâu không? Sau khi tôi xuất viện thì không bao giờ liên lạc nữa.

Năm 1963 tôi có dịp trở lại Rạch Giá hành quân với Tiểu Ðoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, nhưng thời gian không cho phép tôi đến nghĩa trang, nơi an nghỉ của một số anh em thuộc Ðại Ðội 2 và Ðại Ðội 3 Tiểu Ðoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến tử trận tại Giồng Riềng để thắp một nén nhang cho những người đã hy sinh cho tôi được sống.

Trong số những Sĩ quan và Hạ sĩ quan tham dự trận này, nay không còn nữa mà tôi biết có:

Trung úy Phan Thanh Ðàn, Ðại Ðội trưởng Ðại Ðội 3. Sau khi Tiểu Ðoàn về hậu cứ anh được đề cử sang Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang để huấn luyện mìn và lựu đạn, anh đã tử nạn trong một buổi huấn luyện.

Anh Phạm Khắc Dật, Trung Ðội trưởng thuộc Ðại Ðội 3 tử trận sau này ở Mỏ Cày, Kiến Hòa, doanh trại Tiểu Ðoàn Quái Ðiểu ở Rừng Cấm mang tên anh.

Thiếu tá Nguyễn Văn Nho, Tiểu Ðoàn trưởng Tiểu Ðoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến tử trận ở Bình Giã ngày 31 tháng 12 năm 1964.

Trung tá Nguyễn Hữu Cát đã qua đời sau khi đi tù Cộng sản năm 1975.

Trung tá Nguyễn Ngọc Vinh bị bệnh qua đời sau khi đi tù Cộng sản về.

Ðại úy Bùi Phó Chí có thời gian giữ chức vụ Xử lý thường vụ chức vụ Chỉ Huy trưởng Thủy Quân Lục Chiến cũng đã về cõi Phật vì tuổi già.

Ðại úy Trần Văn Ðức cũng đã qua đời nhưng tôi không biết vào thời điểm nào, chỉ biết năm 1971 tôi có gặp khi ông đang giữ chức vụ Cảnh Sát trưởng Ðông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Một số Cán bộ nòng cốt của Tiểu Ðoàn 1 mà tôi còn nhớ, nay đang định cư tại Hoa Kỳ, có:

Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt
Ðại úy Nguyễn Văn Hiền
Ðại úy Ðào Ngọc Kỳ
Thiếu tá Lương Xuân Ðương (đã qua đời tại California năm 1999).

Ở bên Canada có: Ðại úy Trần Ðình Thêm.

Viết những dòng này để tưởng nhớ đến tất cả các anh, những người đã mất, những người còn sống đã góp công vào việc gây dựng nên Tiểu Ðoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến anh dũng và kiêu hùng, đơn vị đầu đàn của Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.

Ðặc biệt là thời gian Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972 tại Quảng Trị, Tiểu Ðoàn 1 dưới sự Chỉ huy của Thiếu tá Nguyễn Ðăng Hòa đã mang lại nhiều chiến thắng vẻ vang cho Tiểu Ðoàn 1 nói riêng và cho Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nói chung và làm cho phía Quân Ðội Hoa Kỳ kính nể.

Cuộc hành quân này đã diễn ra cách đây 45 năm nên tôi cũng không nhớ được hết, nhất là tên tuổi của một số anh em hiện diện tại Tiểu Ðoàn 1 ngày 6 tháng 12 năm 1955. Tôi do dự không muốn viết nhưng tôi nghĩ nếu không viết bây giờ thì rất nhiều anh em thường nghe về trận Giồng Riềng nhưng không biết Giồng Riềng ở đâu, và cuộc hành quân thắng bại như thế nào. Ðâu có bao nhiêu người biết là ở Rạch Sỏi có một nghĩa trang nơi an nghỉ cuối cùng của một số chiến hữu Tiểu Ðoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến. Hàng năm có ai lui tới săn sóc không?

Những người tham dự cuộc hành quân Giồng Riềng nay còn lại chỉ đếm được trên ngón tay, mà những người còn sống thì cũng sứt mẻ, què quặt hết cả rồi, đâu còn ai nguyên vẹn. Có gì sơ sót mong các Anh thông cảm.

Ðại tá Ngô Văn Ðịnh
San José, CA 2000

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by Baoanh Tran chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, December 6, 2020
Ban kỹ thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang