Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện Ngắn
Chủ đề:
ngày cho mẹ – mother's day
Tác giả:
Nguyễn Thị Thêm
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Khi đứa con biết suy tư để
thương yêu lắng lòng nghĩ về mẹ mình thì thường bà mẹ đã
già. Đôi khi đã khuất. Đứa con nào cũng vậy, luôn thờ ơ với
Mẹ. Mẹ như một hiện hữu đương nhiên mà trời đã cho mình. Cứ
nhận lãnh, hưởng thụ vô tội vạ. Trong thâm tâm cứ thấy dường
như mẹ chưa làm hết cho mình, chưa thương yêu mình đúng như
mình muốn.
Con đôi khi đã lớn nhưng vẫn sống trong sự
bảo bọc của Mẹ. Thoải mái như khi còn là một bào thai mẹ
mang trong người, có bao nhiêu dinh dưỡng an lành hấp thụ.
Đứa con bơi lội nhởn nhơ trong vùng nước ấm tự nhiên trong
cơ thể mẹ. Một sự an bài tự nhiên của tạo hóa. Không hề nghĩ
đến người mẹ có còm cõi đến đâu, cực khổ thế nào.
Khi
còn là một đứa bé, con cứ vòi vĩnh cho bằng thích. Không vừa
lòng là lẫy hờn, đôi khi bỏ ăn hay nằm vạ. Mẹ vốn cưng con
nên nuông chiều, làm theo ý con muốn mà không xem lại điều
con thích có hợp lý hay không. Lớn lên con vẫn đòi hỏi và
không nghĩ mình phải chịu trách nhiệm những gì mình làm.
Quen thói ỷ lại nên có người không nghĩ mình đã trưởng thành
phải tự lập. Vẫn bám váy mẹ và đòi hỏi vô tội vạ. Và Mẹ,
những bà mẹ Việt Nam yêu con hơn bản thân mình, luôn luôn lo
cho con không tính toán. Chỉ nghe con cần là Mẹ thỏa mãn
những đòi hỏi của con. Có những bà Mẹ bây giờ quá 70, thậm
chí 80 tuổi hơn vẫn còn ôm mớ rau, chồng báo ngồi lê lết bán
ở những khu chợ VN tại Mỹ. Người qua lại, thấy bà già tội
nghiệp mua dùm như một sự ban ơn, làm phước. Mẹ gom góp tiền
gửi về cho con ở VN dù con mình đã quá 50 hay 40 đã có một
gia đình yên ấm. Các Bà Mẹ ấy đâu phải không có tiền để ăn
để sống. Người ta đã gọi đùa những bà mẹ VN hiền lành không
biết tiếng Mỹ ấy là: “Những bà Má của Tổng Thống Mỹ”.
Cứ hàng tháng tiền SSI gửi về đều đặn không sai một
ngày, không thiếu một xu.
o0o
Chị là một trong những
bà mẹ ấy. Chị nhận lời đến giữ con, nấu ăn cho một gia đình
trung lưu. Chị ở đấy cả tháng, không tốn tiền ăn, tiền nhà.
Đôi khi quần áo cũng khỏi cần mua. Chủ nhà có đồ cũ đưa ra
mặc làm sao cho hết. Vả lại có đi đâu nhiều mà chưng diện
cho tốn tiền mua quần áo, trang sức. Thuốc men đã có nhà
nước lo, chỉ hơn 2 đồng cho một toa thuốc. Chủ nhà tới tháng
lấy dùm chẳng cần chi trả lại. Chị thấy mình vẫn được ăn no,
mặc ấm, tốt gấp bao nhiêu lần thời bao cấp vất vả ngày xưa.
Chị có một phòng riêng với đầy đủ tiện nghi. Chủ nhà đối xử
tử tế nên không bị thiệt thòi gì. Ngày xưa cực khổ biết bao
nhiêu chị cũng còn chịu được. Bây giờ cực một chút vì con
chị có nề hà gì.
Nhưng nghĩ cho đúng thì bà
Mẹ đó đang làm gì?
Mẹ đang đi ở cho người
ta. Mẹ phải rượt theo, giữ đứa bé lớn cứ chạy rông phá
phách. Mẹ phải bồng ẵm, bón sữa, đút cơm cho đứa bé nhỏ hơn.
Mẹ phải vào bếp nấu ăn, ân cần dọn lên cho ông bà chủ. Mẹ
phải lủi thủi ở căn phòng nhỏ lặng lẽ, cô đơn. Mẹ phải giữ
lời ăn tiếng nói. Mẹ phải cúi đầu dạ thưa. Mẹ có tiền già do
nhà nước chi trả để sống an nhàn. Nhưng mẹ không yên lòng
nghe con than khổ, vất vả, bệnh đau. Mẹ đi ở cho người ta
nhận hàng tháng bằng tiền mặt.
Cứ đầu tháng, Mẹ lại nhờ người ra dịch vụ gửi về
cho con ở VN gần như toàn bộ. Mẹ một thời cũng là cô giáo,
cũng là mệnh phụ phu nhân. Mẹ có con lớn bảo lãnh qua đây để
phụng dưỡng an hưởng tuổi già. Nhưng mấy đứa con còn lại ở
VN mẹ không đành nhìn nó vất vả. Nghe nó than, Mẹ đau lòng
xót dạ, Mẹ bỏ không đành. Mẹ thương cháu chảy cả nước mắt.
Mẹ cứ đi làm mặc cho con lớn giận hờn năn nỉ Mẹ về ở chung.
Mẹ không muốn con dâu chì chiết ăn bám ở nhờ gửi tiền về cho
con cái ở Việt Nam. Mẹ cần tiền như ngày nào lênh đênh vận
nước, Mẹ tảo tần lo cho cả nhà. Phải bằng mọi cách để có
tiền mua gạo nuôi bao nhiêu cái mỏ chim đang há mõm chờ mồi,
Mẹ phải đem thuốc men thức ăn tiếp tế cho chồng nơi trại tù
CS. Người chủ gia đình đang bị sốt rét rừng sắp bỏ mạng nơi
rừng thiêng nước độc. Mẹ không hề soi gương để thấy mình bấy
giờ ra sao. Mẹ không hề nhớ đến bạn bè, đến những chiếc áo
dài tha thướt quấn quýt những bước chân. Mẹ bán tất cả rồi
để đổi gạo và thức ăn. Mẹ lao vào cuộc sống buôn bán bon
chen, bị xã hội gian lận cuốn hút quay cuồng đến chóng mặt.
Mẹ như chiếc đinh vít bị người ta xoáy mạnh, xoay tròn để
bám vào đời sống. Đau đớn, rên siếc thân Mẹ nhưng là chỗ bám
víu vững chắc cho con sống và lớn lên an lành.
Bây
giờ 42 năm đã qua đi, người chồng thân yêu đã không còn sau
những hậu chấn tù đày gian khổ. Mẹ lại đem thân già bươn
chải lo cho con, cho cháu. Mẹ tự nhủ. Mình cũng đâu có cực
khổ bằng hồi xưa. Chịu khó một chút thôi mà mấy đứa con có
tiền sinh sống. Mấy đứa cháu được học hành tới nơi tới chốn.
Mình cũng ăn no, ngủ giường nệm, có phòng riêng. Không có gì
đáng phải than phiền thân phận.
Cứ 5 tây hàng tháng
Mẹ gửi về hơn ngàn bạc cho các con. Mẹ gửi cúng Chùa, nhà
Thờ cầu nguyện cho con an lành, sức khỏe. Các đứa con của Mẹ
ở VN nhận tiền đều đặn như Mẹ được nhà nước Mỹ gửi tiền già.
Đồng tiền không chạm tay mẹ mà đến tay con đều đặn như bổn
phận, nghĩa vụ của đấng sinh thành.
Con trai ung dung
tiêu xài. Sáng ngồi quán cà phê nhâm nhi bàn chuyện thời sự.
Trưa gầy sòng nhậu lai rai tranh luận chuyện Trung Đông, Ả
Rập. Tối la cà phòng trà tán chuyện người mẫu chân dài, nghệ
sĩ hài nổi tiếng. Cuộc sống cứ vậy thoải mái hưởng thụ. Làm
lụng không cần vất vả bon chen, tiền đô Mẹ gửi về mới cáu
cạnh, đổi tiền Việt xài mới sướng tay.
Đôi khi nhận
tiền trễ làm mặt giận hờn, con gọi qua than thở. Cháu nói bà
nội không thương cháu nữa hay sao? Tháng này chắc phải nghỉ
học vì không có tiền đóng học phí. Bà nội lại rối rít phân
bua, năn nỉ. Thỉnh thoảng đứa này than thở phải xoay sở việc
làm ăn, cần tiền cứu cấp. Mẹ lại phải mượn đàng này, đàng nọ
gửi kịp cho con xoay sở. Có đứa khóc lóc năn nỉ, kể chuyện
vật giá leo thang, đau bệnh, chuyện vay nợ xã hội đen đòi
thanh toán. Mẹ lại cuống cuồng, quên ăn, mất ngủ.
Ôi!
Những đứa con của Mẹ, những đứa con sống bằng hơi thở Mẹ.
Những đứa con như đỉa đói hút máu Mẹ đến kiệt sức mới thôi.
Đứa con Mẹ yêu thương bảo bọc từ lúc còn đỏ hỏn đến giờ. Con
không hề biết Mẹ đau nhức nhiều hơn vì trời đã đổi tiết. Mẹ
thỉnh thoảng tức ngực vì ho, dạ dày cồn cào vì ăn không
tiêu. Hai đầu gối sưng lên vì bị thấp khớp. Lúc này trái tim
Mẹ thỉnh thoảng nhói đau và Mẹ không ngủ được. Mẹ không lo
cho Mẹ bệnh, mà lo không có tiền gửi về cho con: “Tui mà nằm
xuống tụi nó lấy gì mà sống đây Trời”.
Mẹ đã khóc âm
thầm vì sợ chủ biết. Mẹ giấu luôn đứa con lớn bên này vì sợ
nó cằn nhằn bắt nghỉ việc về nhà. Mẹ gầy người trông thấy vì
bao nhiêu lo âu đổ xuống thân già.
Hôm nay đứa con
lại gọi qua. Nghe phone Mẹ biết có chuyện không lành. Trái
tim Mẹ bóp mạnh, người run lên, tay chân lạnh ngắt. Mẹ run
run hỏi:
– Có chuyện gì vậy con?
Giọng đứa con
lanh lảnh rõ ràng:
– Má! Má gửi về cho con liền 5,000
Đô. Thằng Toàn nó đua xe đụng người ta. Nó phải vô nhà
thương cấp cứu. Con cần tiền đóng viện phí và đền cho người
nó đụng.
Mẹ lặng người, nói không ra tiếng. Lập cập:
– Nó! Nó có sao không?
– Sao với trăng gì nữa má!
Con cần tiền liền để lo cho nó. Chiều nay má gửi liền đi.
Mai là con nhận được rồi.
Mẹ còn đang ngẩn ngơ chưa
biết nói gì thì thằng con đã bồi thêm:
– Gửi gấp
nghen Má, không kịp, người ta sẽ kiện mình. Thằng Toàn sẽ ở
tù. Tương lai sẽ mất hết đó má.
Mẹ đánh rơi cái phone
xuống thảm, Mẹ té phịch xuống giường. Tiền đâu mà có. Tháng
nào Mẹ gửi hết tháng đó. Mấy tháng trước em nó nói phải sửa
nhà, Mẹ đã đi mượn trước bà chủ 2 tháng lương. Vay tạm người
bạn già chở đi chùa nghìn bạc. Bây giờ... Bây giờ... Mẹ làm
sao có tiền. Đứa cháu nội đang nằm nhà thương. Không biết
thương tích ra sao. Nếu người ta kiện nó, nó có bị ở tù
không? Tội nghiệp cho cháu quá. Nhưng Mẹ làm sao có tiền để
gửi về gấp bây giờ.
Mẹ nhắm mắt lại. Hai hàng nước
mắt ròng ròng. Trái tim Mẹ tự dưng bóp mạnh thật đau. Mẹ đau
như lúc chồng mẹ thở hắt ra xuôi tay nhắm mắt. Mẹ nhớ quá
người chồng hiền lành. Mẹ hình dung đứa cháu nội đang bị
còng tay dắt vào tù. Mẹ muốn la lên, muốn nói một cái gì mà
không được. Mẹ thở không ra hơi. Có cái gì nghẹn lại, siết
lấy cơ thể Mẹ. Cơn đau nó bẻ gập xương sống, xương sườn của
Mẹ. Nó nắm trái tim Mẹ bóp mạnh. Đau, đau quá. Mẹ như nghe
một tiếng “Tách” khô khan từ trong lồng ngực.
Mẹ thấy
mình nhẹ bổng, thảnh thơi. Người chồng, ông chồng lắm chuyện
của Mẹ đi tới. Ông mỉm cười, dang tay. Mẹ lao tới thoải mái,
nhẹ hẫng, hạnh phúc như thuở thanh xuân. Tự dưng Mẹ quên hết
mọi thứ, Mẹ chỉ thấy người chồng yêu thương và nụ cười nửa
miệng ngày nào. Mẹ ngã người vào đôi tay rắn chắc. Mẹ nhắm
mắt lại hưởng thụ giây phút sum họp tuyệt vời. Mẹ đã trở về
vùng trời bình yên của Mẹ sau bao nhiêu năm lặn lội thân cò.
Ở một quán cà phê cao cấp của đất nước. Đứa con yêu
thương của Mẹ đang ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng, bàn
chuyện tiền đô đang lên giá. Đứa cháu nội đang chờ Bà gửi
tiền về tân trang lại chiếc xe mới đụng. Mọi việc vẫn như
cũ. Xã hội vẫn buôn bán tất bật. Xe cộ vẫn ngược xuôi, kẹt
cứng. Một đất nước đang đi lên, “hoành tráng”, “tự hào”.
Cuộc đời xán lạn như đứa con của Mẹ đang hân hoan với viễn
ảnh 5,000 đô Mẹ sẽ gửi về ngày mai.
Đúng rồi người ta
sẽ gửi về cho anh ta không phải là tiền đô mà là tin Mẹ đã
vĩnh viễn giã từ cuộc sống. Tình yêu và sự hy sinh vĩ đại
của người Mẹ tới đây là chấm dứt.
Đứa con rụng rời
đứng bật lên thảng thốt. Anh ta không thể tin Mẹ chết nhanh
như vậy được. 5,000 đô trong kế hoạch vạch ra, mỗi tháng
tiền đâu tiêu xài?
Những đứa con vô lương tâm không
còn có Mẹ để bám víu sẽ ra sao trong một xã hội bon chen
giành giật. Anh ta sẽ trưởng thành làm người hay sẽ biến thể
ra một loại ký sinh trùng khác trong cuộc sống thiếu nơi
nương tựa.
Có nước mắt tiếc thương khóc cho sự ra đi
của người Mẹ già tội nghiệp hay không tôi không biết. Nhưng
tôi biết chắc chắn những đứa con đó sẽ rất buồn và thất
vọng. Tôi nhớ mãi tới chị, người Mẹ Già tội nghiệp của những
đứa con không còn trẻ, nhưng chưa bao giờ trưởng thành.
Nguyễn Thị Thêm
thiên sứ micae – thánh bổn mạng sđnd qlvnch
|
hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
nguồn: internet eMail by cathy chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, May 9, 2025
tkd, Khoá 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH