Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
Ghi
Chủ đề:
cà phê vỉa hè
Tác giả:
Nguyễn Thị Hậu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Trước
1975 Sài Gòn cũng giống như Paris vậy: quán cà phê thường là
những căn
nhà trên phố, lại mở ra khoảng không gian vỉa hè. Ngồi
đó, dưới tán dù che mát hay dưới bóng cây xanh, nhàn tản ngắm
người qua đường và cuộc sống đang diễn ra trước mắt, phiếm đàm về
thời cuộc, về văn chương... ấy là cà phê Paris của văn nghệ sĩ,
của tầng lớp trung và thượng lưu. Ở Sài Gòn thì nay chỉ còn thấy
phong cách này ở vài quán cà phê lâu đời trên đường Đồng Khởi, Lê
Lợi, Nguyễn Huệ... thuộc khu trung tâm thành phố.
Từ khoảng sau 1980 trong nhiều biệt thự
vắng chủ lần lượt có những gia đình đến ở. Lại quá trình chung
đụng, phân chia, cơi nới... lần này còn thảm hơn: Trong khuôn
viên đẹp như thế mà nhiều hộ gia đình phải làm chuồng nuôi heo,
xây bể nuôi cá trê phi để “cải thiện” cuộc sống... Cũng may quá
trình này không kéo dài như ở Hà Nội, khoảng gần mười năm sau thì
có chủ trương “hoá giá” nhà biệt thự. Nhiều biệt thự được mua đi
bán lại, không còn cảnh là nhà tập thể. Những chủ nhân mới đã
biết khai thác giá trị của biệt thự, hoặc cải tạo lại cho người
nước ngoài thuê, hoặc phổ biến hơn, biến thành quán cà phê, vì
không có gì kiếm tiền nhanh bằng chủ nhà cho thuê lại biệt thự
(một phần hoặc tất cả), và không đầu tư gì kiếm lời nhanh như mở
quán cà phê. Vả lại, kinh tế “mở cửa” vài năm nên cuộc sống có
phần dễ thở hơn, các thành phố trở lại nếp sống đô thị mà cà phê
là một trong nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày của thị dân. Có
thể nói, từ lúc này phong cách “cà phê biệt thự” của Sài Gòn
nhanh chóng lan toả đi nhiều thành phố khác.
Những ngôi biệt thự trước đây và những
quán cà phê hiện nay có điểm gì chung nhỉ?
Ở khu vực đô thị cũ (quận 1, quận 3) cà
phê–biệt thự dù ở mặt tiền hay trong hẻm đều có khuôn viên rộng,
nhiều cây xanh. Kiến trúc nhà thường một trệt một lầu, tầng trệt
thông thoáng tầng lầu có ban công nhẹ nhàng bên khung cửa mở
rộng. Ban ngày ánh nắng nhẹ hơn khi xuyên qua vòm lá xanh, ban
đêm ánh đèn dịu dàng khuất sau rèm thưa. Không gian tràn ngập
tiếng nhạc thánh thót piano, da diết violin, trầm lắng guitare...
Tiếng hát ở đây như vẳng ra từ băng catsette của dàn Akai những
năm 80 vậy; nhạc Pháp, nhạc Trịnh Công Sơn Khánh Ly, Ngô Thụy
Miên, Vũ Thành An, Ngọc Lan Trịnh Nam Sơn... những hoài niệm,
những chia ly, những đớn đau mà tràn đầy dịu dàng tràn đầy thương
nhớ. Người ra vào đông hơn chủ nhân nhà biệt thự xưa nhưng nhiều
quán cà phê vẫn giữ được không gian yên ả, không ồn ào, biệt lập,
không xô bồ như những quán cà phê sân vườn mới mở ở những khu vực
khác mới đô thị hóa. Sự phong lưu, tinh tế, có khi sang trọng còn
được lưu lại trong trang trí nội thất: những bộ salon, bàn ghế,
vài bức tranh, bình bông đẹp mà đơn giản... Những quán cà phê
biệt thự ở Sài Gòn được chủ nhân chăm chút về thiết kế và trang
trí nội thất, tạo ra phong cách riêng độc đáo và quyến rũ, phần
nào cho biết tính cách của chủ nhân.
Hiện nay nhiều cà phê biệt thự còn là
những quán “cà phê sách”. Những kệ sách nhiều kiểu dáng, những
cuốn sách hay... càng tạo cho quán một không khí ấm cúng như
trong một ngôi nhà. Bên ly cà phê, cuốn sách đang mở, và sự thoải
mái trên những gương mặt chăm chú đọc... Có cần gì hơn nữa, phải
không?
Vậy còn
gì khác nhau?
Thay cho những tường cao cổng kín là hàng rào thưa thoáng hoặc
chỉ ngăn cách với đường bằng bức tường thấp hoặc bãi cỏ nho nhỏ
xanh mượt, nối liền không gian quán cà phê với con đường tấp nập
ngoài kia. Những chiếc dù vươn ra vỉa hè mời gọi, hơi nước phun
sương mờ mát cả trời trưa nắng hè gay gắt khiến người đi qua
không thể không muốn ghé vào. Vào quán cà phê Sài Gòn bạn có thể
kêu một món ăn nhẹ, bánh ngọt, buổi trưa dùng một phần cơm văn
phòng, và tất nhiên không chỉ có cà phê mà còn nhiều loại thức
uống khác. Bây giờ đã có một số quán cà phê chỉ có thức ăn chay,
những quán này buổi trưa rất đông khách là nhân viên văn phòng,
công chức... Quan sát xu hướng của cà phê–biệt thự Sài Gòn có thể
nhận biết xu hướng sinh hoạt của thị dân đô thị lớn nhất nước
này.
Đôi lúc,
ngồi trong những quán cà phê–biệt thự, một mình nhàn tản với ly
cà phê hay tán gẫu với bạn bè, tôi luôn tự hỏi: sự biến đổi từ
biệt thự thành quán cà phê có gì đáng tiếc hay có gì đáng mừng?
Ngẫm đi nghĩ lại có lẽ sự biến đổi này “được” nhiều hơn “mất”.
Trong cơn lốc đô thị hóa vài chục năm gần đây, sự biến đổi cảnh
quan đô thị là hệ quả của lối sống thị dân “chưa hoàn chỉnh”, nếu
không có những người chủ quán cà phê đã bảo tồn không gian và
kiến trúc của những ngôi biệt thự đẹp như cổ tích này thì không
biết Sài Gòn có còn gì là “hồn đô thị”?
Nguyễn Thị Hậu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by nvt chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, December 6,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang