Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
trần hoài thư
Tác giả:
Như Không
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Bài viết tưởng nhớ nhà thơ Trần Hoài Thư vừa qua đời ngày 27/5/24
trên đất Mỹ
Tiểu
sử vắn tắt:
Trước 1975, giáo sư Toán tại Quảng Tín. Sĩ quan Thám Kích QLVNCH
thuộc Sư Đoàn 22 BB.
Sau 1975 tù 3 năm. Vượt biên đến Mỹ.
Học tiếp lấy bằng Cử Nhân IT và Cao Học Toán ứng dụng.
Tiếp tục các hoạt động văn học
Biết và đọc anh từ khá lâu, trước 1975.
Mấy mươi năm trôi qua khi đầu đã bạc lại được biết thêm về anh
qua các bài viết của nhà thơ Lê Mai Lĩnh. Lê Mai Lĩnh sư huynh
thuộc loại người thẳng như ruột ngựa, thích và phục ai là nói
thẳng mà đã không thích thì cũng... khó lòng mà yên thân được với
anh. Trong bài viết của mình, Lê huynh không giấu diếm sự ngưỡng
mộ với anh Trần Hoài Thư (“Trần Hoài Thư, tên cowboy hai súng” –
Bài viết của nhà thơ Lê Mai Lĩnh). Ngưỡng mộ là phải, 75 tuổi
trên đất Mỹ, anh cặm cụi cùng với vợ đến một thư viện cách nhà 5
giờ lái xe để sao chép lại mỗi ngày một cách rất thủ công những
đầu sách thực sự giá trị in tại miền nam VN trước 1975. Đem về
lại hì hục in ấn rồi đóng thành sách để... tặng không cho những
người yêu văn chương miền Nam và những người thực sự có nhu cầu.
“Đối với tôi, những tác giả trong thời
chiến là thiệt thòi nhất. Họ phải ra trận, vừa đánh giặc vừa
viết, không có cơ hội để xuất bản. Sau năm 1975 không ai đếm xỉa
đến văn chương của họ. Tôi muốn lấy lại danh dự cho họ”.
Anh bảo thế. Thư Quán Bản Thảo và cơ sở
in ấn của anh, Thư Ấn Quán đã ra đời như vậy. Có lần một sĩ quan
Dù gửi thư cho anh nhờ tìm tác giả bài thơ Biên Cương Hành (của
Phạm Ngọc Lư) để cảm ơn vì trong khi anh sĩ quan này bị thương
chờ trực thăng tới bốc, anh đã đọc bài thơ BCH trên báo Văn, rất
trùng hợp với những suy nghĩ của anh. Vào năm 2010 lại có người
hỏi thăm anh về nhà thơ Lê văn Trung vì khi bị tù đày trong trại
tù CS, anh đọc được những bài thơ của tác giả Lê Văn Trung và còn
nhớ đến bây giờ. Trần Hoài Thư như đã trở thành một chiếc cầu nối
cho những độc giả và những người làm văn nghệ nổi tiếng một thời
mà sau 1975 họ không còn tác phẩm nào được tái bản hoặc xuất bản
vì nhiều lý do, trong đó lớn nhất vẫn là lý do chính trị.
Trần Hoài Thư muốn dành thời gian còn
lại của anh để bù đắp cho những tác giả miền Nam trong thời chiến
nhưng có lẽ anh còn quên một điều, với chúng tôi – dĩ nhiên có cả
anh trong đó – những người lính đi đánh trận thì “tiền lính tính
liền”. Lấy đâu ra tiền để dành dụm mà xuất bản? Biết ngày mai đi
hành quân là “xả láng” mọi thứ, làm sao biết được mình còn sống
không để mà trở về?
Trần Hoài Thư cũng là một người lính
tác chiến. Hơn thế nữa, anh thuộc Đại Đội Thám Kích của Sư Đoàn
22 Bộ Binh. Một Sư Đoàn chỉ có một đại đội Thám Kích, nhiệm vụ
của họ là nhảy trực thăng – còn gọi là nhảy Diều Hâu – hay bằng
các phương tiện khác vào vùng địch, tìm cách tiếp cận để nắm được
quân số, vị trí và các trang bị chiến đấu của họ để báo về Bộ Tư
lệnh của Sư Đoàn. Vì thế từ quan cho đến lính đều là những người
ưu tú và cực kỳ gan dạ vì khi đã vào đất địch bằng các đơn vị nhỏ
như vậy thì chết dễ như bỡn vì thiếu sự yểm trợ từ chính đơn vị
của mình. Dân Thám Kích “chê” mấy thằng du kích vớ vẩn. Bọn này
chỉ rình rình núp đâu đó, cắc cù một hai phát là ôm súng co giò
chạy biến. Thám Kích “làm ăn” lớn hơn nhiều. Phải là cỡ chính quy
cấp Sư Đoàn, “đồ chơi” toàn thứ dữ như cỡ thượng liên 12.8ly,
vuốt nhẹ cò súng một chút như vuốt má con gái là đạn bay hàng
tràng, loại súng mà trúng đạn vào tay chân thì tay chân “rụng”
ngay lập tức, trúng vào cổ thì bay đầu, trúng vào thân thì cơ thể
sẽ bị nâng bổng lên rồi mới đổ vật ra đất, viên đạn để lại trên
cơ thể một cái lỗ tròn bằng nắm tay, lục phủ ngũ tạng bay đi đâu
mất. Như cối 82ly, cối 120ly oạch đùng vang dội, miểng bay rào
rào rát mặt cháy tóc, như DKZ bắn thẳng nổ dữ dội những ngày ra
trận. Những ngày chiến trận đó Trần Hoài Thư đã hai lần bị
thương, có một lần đạn “chê” anh, viên đạn xoi một lỗ bên một ống
tay áo, đục thêm một lỗ khác trên ngực áo, cày một đường văng mất
một đầu vú rồi lại chui ra ở ống tay áo bên kia.
Dân tác chiến là như vậy, có lúc đạn
bắn tơi bời hoa lá, kêu chút chít như chuột kêu chung quanh mà
chẳng hề hấn gì. Có lúc một trái pháo trời ơi đất hỡi bắn hú họa
mà lại trúng miểng chết lãng nhách. Những ngày đó tỉnh Bình Định
thuộc Liên Khu 5 của Bắc Quân là căn cứ địa của Sư đoàn Sao Vàng
Bắc Việt khét tiếng, có thung lũng An Lão bốn bề núi dựng nằm ở
phía Bắc. Nhiều khi ranh giới mong manh giữa hai bên chỉ là 1
dòng sông nhỏ, chiều ngang chưa bằng nửa tầm đạn bắn...
Dòng sông phân tranh hai vùng thù
nghịch.
Đêm xuống đồi gặp con nước nổi
Súng đưa khỏi đầu
Từng *con một vượt
sông...
Rồi
trước khi trèo ngọn Kỳ Sơn
Anh lạc trên
cánh đồng mênh mông
Không biết nơi nào
là cõi dữ...
–(Đêm vượt sông)
Chú thích: * “Con”, tiếng lóng nhà binh
chỉ người lính.
Ngay từ khi nhảy ra khỏi trực thăng có
nơi nào không là cõi dữ? Dân Thám Kích trang bị nhẹ, chỉ mang dao
găm, súng M16 với cấp số đạn gấp hai lần, loại súng khi bị “dính”
đạn vào người thì đầu vào chỉ bằng mút đũa mà đầu ra phá một lỗ
toang hoác. Và rất nhiều lựu đạn, cả M26 hoặc M67. Họ không xài
M72 chống tăng vì họ gần như chỉ cận chiến nếu gặp địch.
“Nước nguồn đổ xuống ngày binh lửa
Những xác nào đã thúi hôm qua
Ai bạn ai
thù sao quá thảm
Trên một dòng cuồn cuộn
oan gia
Con sông chia cắt đôi bờ hận
Cột khói còn lưu luyến chiến trường
Có
ai chạy loạn bơi xuồng kể
Một thước đi,
xác ngập thước đường”.... –(Trung đội)
Bài thơ gợi nhớ lại chiến trận núi Chu
Pao ở rừng núi cao nguyên thuộc Vùng 2 Chiến Thuật với hai câu
thơ nổi tiếng:
“Chu Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi tấc khăn tang một tấc đường”.
Chiến trận núi Chu Pao ngày đó là đồi
núi, đôi khi hai bên chỉ cách nhau một tầm ném lựu đạn. Bên này
ném thì bên kia chụp trái lựu đạn ném trả, chết... tính sau vì cứ
nằm yên thì còn dễ chết hơn.
... Khi Thư nhảy vào vùng địch, những
thây người chết trong chiến trận của cả 2 bên bị bỏ lại đã sình
thúi trong thung lũng An Lão bốn bề gió hú. Họ nằm đó, lặng lẽ
nhìn trời hay úp mặt xuống đất, xác thân tan nát vì bom đạn, vì
hỏa lực T.O.T (times on target) đang lặng lẽ phân hủy. Mùi xác
chết xộc vào mũi Thư và các người lính của anh theo tiếng gió réo
đang thổi lồng lộng lật tung chiếc mũ vải đi rừng đang đội:
“Địch cho Trung Đội qua eo chết
Hai bên sườn đại liên đan nhau
Nổ.... Nổ
dòn
Đất đá kêu đau
Sủi bọt
Khói bốc lên
Bốn bề dội vào vách xám...
Một hai ba... Lộn. Nằm co quắp
Còn lại vẫn ào lên ào lên
Đừng bò! Đừng
bò!
Trung đội phó hét cuồng điên
Cỏ tranh bắt mồi cháy mạnh
Gió tạt khói
mù
Bốn bề khói rợp
Khói cay cay cặp mắt nổ tròng
Khắp bốn
bề gào thét xung phong...
Cao điểm chiếm rồi
Vui mừng quá độ
Mà sao người lính Truyền
Tin rơi lệ
Báo cáo trong tiếng mất tiếng
còn
Về những thằng bị *kiến cắn ngủ
yên”...
–(Eo chết)
– Chú thích: *Bị “kiến cắn”: Tử trận
Bài thơ hào hùng đúng mùi chiến trận.
Người viết bài này cũng từng ở trong những tình huống tương tự:
Không được bò. Dỏng lưng lên lăn xả vào họng súng bên kia thì còn
có cơ may sống sót. Xạ thủ đại liên M60 cũng xách cây súng nặng
chịch vừa chạy vừa tưới đạn về phía trước. Trong kinh hoàng khói
lửa, những tiếng nổ của lựu đạn và những loại súng khác nhau từ
cả hai phía làm hai tai điếc đặc, khói súng mù mịt trên chiến
trường và tiếng thét xung phong dồn dập làm cho người lính trận
như say, chỉ có một hướng lao về phía trước không còn nghĩ gì tới
chết sống. Nhưng khi chiến trận tàn rồi, tiếng nổ đã im, rừng
bỗng trở nên yên ắng kỳ lạ và lúc đó mới biết ai còn ai mất. Và
rớt nước mắt thương đồng đội của mình, mới sáng nay còn chia đôi
điếu thuốc giờ đã vĩnh viễn nằm xuống không kịp trối trăng một
lời. Và cũng là khi thấy máu của mình chảy ra từ đâu đó mới biết
mình cũng bị thương:
“Chỉ giữ lại trên thân ta, này vết sẹo
Để khi buồn, sờ lại nhớ thời xưa
Dấu vết
hôm qua khói lửa mịt mù
Và kinh hãi...
Trời ơi... Ta vẫn còn sống sót”....
–(Tạ Từ)
Chỉ có những người trực tiếp cầm súng
bắn nhau mới biết anh nói đúng. Nghĩ lại mà rợn người, chẳng biết
làm sao mà mình còn sống được! Đạn tránh người chứ người làm sao
tránh được đạn? Vậy mà khi bị thương ra khỏi Quân Y Viện, vết
thương vừa lên da non lại nhớ đồng đội, nhớ chiến trường. Nhớ mùi
cỏ cây hăng hắc nồng nàn mỗi sáng đi mở đường trong rừng già, nhớ
mùi những thân cây bị bom cháy đen vươn những cánh tay khẳng khiu
trên trời những chiều đóng quân, nhớ những cánh rừng im lặng rợn
người không một tiếng chim kêu vì muông thú đã bỏ đi hết do bom
đạn. Và chân lại muốn đi, đi về phía có ánh lửa chớp sáng trên
đầu họng súng, nơi có những đồng đội chia nhau từng ca nước uống
sặc sụa mùi bùn đỏ múc lên từ những vết xích xe tăng mà cơn mưa
đêm qua còn để lại. Suối có khi rất gần nhưng không thể xuống
được. Lọ mọ kéo nhau xuống lấy nước lũ “mất dạy” (chữ dùng của
nhà văn Phan Nhật Nam) phục sẵn trong rừng bắn cho nát gáo. Nhớ
những đêm nằm rừng, quần áo thấm nước mưa và mồ hôi vào ban ngày
đã khô quắt lại, nằm trên võng treo bên dưới chiếc Poncho, cây
súng dựng sẵn một bên. Nhớ những cánh rừng cỏ tranh cao lút đầu
người, những ngày lội trong rừng cỏ tranh sắc như dao cứa đứt
thịt da. Nhớ những con suối mùa khô xâm xấp nước, lá cây rừng
rụng xuống hàng hàng lớp lớp, khi mang giày trận lội qua là chắc
chắn những kẽ ngón chân sẽ lở loét, nhớ cả những vết muỗi rừng
chích xuyên qua lớp poncho và bộ đồ trận đã dày cui vì mồ hôi và
nhựa cây rừng. Và cứ thế, như có một sức hút kỳ lạ không giải
thích được, người lính chiến miền Nam lại tiếp tục bước chân về
phía chiến trường nơi rừng già, nơi tăm tối đến nỗi không có lấy
một chút ánh sáng hỏa châu màu đỏ quạch để soi sáng cho họ những
cái chết đang rình rập trong bóng đêm mù mịt.
“Những lần chuyển quân dù chẳng biết về
đâu
Nhưng chúng tôi đều biết những gì
đang chờ đợi sẵn
Như thể những viên đạn
đồng trong lòng cơ bẩm
Xẹt ra khỏi nòng
rồi kiến cắn tê mê...
Hãy mừng dùm anh dù bầm dập tả tơi
Anh vẫn được tăng phái xuống đồi
Tiếp
tục những lần chuyển quân
Về những nơi
mình không biết”...
–(Người lính trở về với chiến trường)
Mà ngọn đồi nơi người lính Thám Kích
Trần Hoài Thư “được” tăng phái thì có yên bình một chút nào đâu!
Vẫn là nơi chết chóc vang động tiếng pháo của Bắc quân đe dọa sự
yên bình trên mảnh đất miền Nam nơi anh sinh ra, nơi có Mẹ Cha,
có bầy em đang tung tăng đến trường mỗi sáng, nơi có những gia
đình đoàn tụ mỗi ngày bên mâm cơm tối đạm bạc dưới ánh đèn. Và
anh lại khoác áo trận để trở lại chiến trường cùng với đồng đội
của mình dù biết rõ cái chết vẫn đang chờ anh qua cái họng đen
ngòm của chiếc nòng súng, của chiếc lưỡi lê 3 khía nhọn hoắt trên
nòng cây AK47 sản xuất tại Liên Sô hay của Trung Cộng đang nhắm
vào yết hầu của dân miền Nam.
“Tôi qua đồi xám mây mờ núi
Thương về đâu một lũ sáo rừng
Hôm qua
đồi ngập hàng trăm xác
Đạn pháo đào sâu
bãi chiến trường...
Có ai như thể người lính Thượng
Ngồi khom trên bờ đá thổi khèn
Hôm qua
có những hồn ma lẻ
Lạc tìm về buôn bản
cao nguyên
Có ai dưới lớp mồ hoang dã
Nằm xuôi chân mắt mở trợn trừng
Chiều
nay sao mọc về phương Bắc
Sao ruột lòng
vắt đỏ phương Nam
Cỏ tranh lớp lớp che
đường dốc
Phòng tuyến buồn hiu nhuốm
nắng chiều
Trận đánh cũng đi vào quên
lãng
Sao còn rờn rợn những hồn xiêu”...
–(Đồi xưa)
Ra
vậy! Người lính Thám Kích Trần Hoài Thư, với tâm hồn của một
người làm thơ đã nhìn thấy những con sáo bay về rừng trong chiều
chuyển quân. Tâm hồn nhạy cảm dễ rung động trước cái đẹp của anh
ghi nhận được những điều nhỏ nhoi tinh tế nhất và cả những hình
ảnh dữ dội của cái chết khi nhìn thấy những người lính từ phương
Bắc xa xôi nằm chết banh ruột trên đất miền Nam. Trên đất cao
nguyên ngày đó có người lính làm thơ Trần Hoài Thư với những thị
xã nhỏ bé “đi dăm bước đã về chốn cũ” như lời thơ trong một bài
thơ của Vũ Hữu Định. Vùng đất đỏ quạch bụi bay mù trời dưới những
vòng bánh xe GMC những chiều chuyển quân và ngập ngụa bùn đỏ vào
những ngày mưa mù mịt của cao nguyên làm anh da diết nhớ nhà:
“Anh ở trên rừng với Kinh với Thượng
Với những đại ngàn mặt trời mất tích
Những người chung quanh màu da đen nám
Nên cuộc đời anh cũng phải nám đen
Anh ở
trên rừng mưa ngày mưa đêm
Không cần cùm
chân mà chân khó bước
Bước một bước lên
bùn già chân trước
Bước hai bước lên bùn
non chân sau....
Anh ở trên rừng thương em nhớ con
Không biết làm sao để về dưới nớ
Ăn trái
ớt rừng cay nhung cay nhớ
Cay cả cuộc
đời lính thú cao nguyên”...
–(Anh ở trên rừng)
“Ăn trái ớt rừng cay nhung cay nhớ”. Ôi
cha! Câu thơ tuyệt vời!
Một ngày anh có khách đến thăm giữa núi
rừng hiu quạnh, nơi chỉ có hầm hố súng đạn và những người lính
trận dạn dày sương gió:
“Em lên thăm anh mang mùi thiếu nữ
Nhà anh đây những hố hầm phòng ngự
Không
có gì ngoài ít bài thơ
Không có gì ngoài
những hoa mười giờ
Đỏ thắm cả một triền
đồi heo hút
Em lên thăm anh áo màu hoa
cúc
Mà hầm anh lâu quá không sửa sang
Em xem kìa, lựu đạn với dao găm
Không có
cả một tấm hình để thêm tươi mát
Không
có bức tranh dù là tĩnh vật
Để ấm cuộc
đời trong tuổi thanh niên”....
–(Em lên thăm anh)
Và cứ vậy, hết cao nguyên lại xuống
đồng bằng. Trên bốn vùng chiến thuật, những người lính trận miền
Nam VN trải qua tuổi thanh xuân của mình trong lửa đạn. Họ tiếp
tục có mặt nơi những tuyến đầu, nơi có những trò chơi chết người
của súng đạn đang chờ đợi họ, không ngại ngần, không dè dặt để
giữ vững sự bình yên cho đất nước.
“Diều hâu đã về như một lũ âm binh
Kẻ trước kẻ sau lao vào địa ngục
Đêm
không thấy đường giữ dây khỏi lạc
Chúng
tôi băng đồng nước ngập
Giải cứu quê
em”...
–(Đêm tiếp cứu chợ Huyện)
Nhưng khi anh và các đồng đội, những
“diều hâu” lao tới nơi địch về thì có khi đã không còn kịp nữa:
Ngôi trường nghèo nàn tả tơi ở 1 vùng quê xa xôi trong cơn binh
lửa đã cướp mất mạng sống của cô giáo trẻ, để lại một bầy học trò
cũng nghèo nàn không kém đang sợ hãi nháo nhác bên xác cô giáo
như bầy gà con mất mẹ:
“Lũ bé quỳ bên xác cô trẻ
Đặt chùm hoa mếu máo gọi cô về
Cô không
về, cô bỏ dạy, cô đi
Cô bỏ chúng con cô
về xứ khác
Ta cắn bầm môi... em ơi, ta
khóc
Em không về em cũng bỏ thanh
xuân...
Em bé
quê ơi cho ta nhành bông
Một nhành bông
quỳ vàng như màu áo
Ta đặt lên em. Trống
trường ảo não
Như những hồi mặc niệm em
tôi
Ta đã về, và đã trễ, em ơi”...
Tôi tin chắc là anh khóc. Vì chính tôi,
khi đọc những câu thơ này cũng đang cay cay trong lòng muốn rơi
nước mắt. Sự bình yên cho quê hương, cho những ngôi trường nghèo
nàn ở những nơi xa xôi đã làm đổ biết bao nhiêu máu. Nhưng những
người lính miền Nam đã bị phản bội. Máu xương của các người lính
miền Nam, của đồng bào miền Nam đã bị phản bội vào cái ngày mà
Richard Nixon, Tổng thống Mỹ bắt tay với Mao Trạch Đông, tươi
cười cụng ly rượu mời nhau ở Bắc Kinh vào năm 1972. Trên bàn cờ
chính trị quốc tế, do ảnh hưởng của “thầy dùi” Henry Kissinger là
Ngoại trưởng Mỹ gốc Do Thái thời đó– một con ma đi đêm theo kiểu
Đại Sứ Henry Cabot Lodge thời Đệ Nhất Cộng Hòa– và những áp lực
khác nhau từ nhiều hướng, người Mỹ bỏ bán đảo Đông Dương để hướng
về Trung Đông, nơi mà đồng minh Israel thân cận của họ cũng đang
lao đao trong vòng vây thù địch của những quốc gia Ả Rập thuộc
khối Hồi Giáo. Rồi Hoàng Sa bị Tàu cộng chiếm. Người lính trận
miền Nam vẫn tiếp tục dũng cảm chiến đấu trong vô vọng.
Năm 1973 hiệp định Paris được ký kết.
Quân đội Mỹ bình an rút về nước. Cũng từ đó, các viện trợ quân sự
cho miền Nam chỉ còn nhỏ giọt. Máy bay, xe tăng nằm ụ vì thiếu
nhiên liệu hoặc phụ tùng thay thế. Pháo yểm trợ cho các trận đánh
chỉ bắn cầm chừng vì không còn đạn dự trữ trong khi Bắc quân rải
pháo như mưa xuống các vùng hành quân bị cô lập vì không còn gì
để tiếp tế cho họ, cho những người lính cắn răng chiến đấu trong
sự thiếu thốn đến tận cùng. Khí tài, súng đạn vào những ngày
tháng 4/1975 chỉ còn đủ dùng trong một tháng, trong khi các nước
đồng minh thuộc khối Cộng sản tiếp tục tăng viện với số lượng
không giới hạn các phương tiện chiến tranh cho Bắc quân. Vào
những ngày cuối tháng 4/1975, do thông tin liên lạc hoàn toàn bị
cắt đứt từ trước đó nên đã có một đơn vị thuộc Liên Đoàn 81 Biệt
Cách Dù không hề biết tin tức gì về chiến sự. Họ đang hành quân
trong rừng già nhưng hoàn toàn mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy của
mình. Khi lò mò ra khỏi rừng về đến Tân Uyên thượng nguồn sông
Đồng Nai họ đã bị bắt sống và cả 18 người lính đều bị xử tử, xác
bỏ trôi sông. Và cuối cùng, điều không thể nào tránh khỏi đã xảy
ra: Dương Văn Minh kêu gọi quân đội buông súng đầu hàng vào cuối
tháng 4/1975.
... Lịch sử sẽ ghi lại những vị tướng VNCH, những quân nhân các
cấp thuộc mọi binh chủng đã tự sát vào ngày miền Nam bị bức tử.
Lịch sử đã chọn các anh để giao cho phần đen tối nhất, thê thảm
nhất. Những người lính phải buông súng khi không hề thất trận và
các anh đã không thể có được sự lựa chọn nào khác cho mình. Thế
hệ của các anh, rủi thay, rơi đúng vào thời điểm thê lương nhất
trong lịch sử VN.
“Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm
Treo
án tử hình ở tuổi thanh xuân
Thế hệ
chúng tôi loài ngựa thồ bị xích
Hai mắt
buồn che bởi tấm da trâu
Quá khứ tương
lai, tháng ngày mất tích
Đàn ngựa rũ bờm
không biết về đâu...
Thế hệ chúng tôi
già như quả đất
Râu tóc mỗi ngày mọc
những hoang mang”...
–(Thế hệ chiến tranh)
Người lính làm thơ Trần Hoài Thư, vào
thời gian này là một phóng viên chiến trường nên chỉ bị tù 3 năm
nhưng những sĩ quan khác thì triền miên đói khổ trong tù chẳng
biết ngày về. Lại một giai đoạn bi hùng khác của quân đội VNCH,
rất nhiều người đã bị giết, gián tiếp hay trực tiếp khi trong tay
không còn tấc sắt. Nhà cửa họ bị tịch thu. Vợ con họ sống lây lất
trong các khu Kinh Tế Mới heo hút trong những vùng xa xôi rừng
thiêng nước độc, đầy dẫy bom mìn còn sót lại. Chiến tranh đã đi
qua nhưng những ký ức đau đớn vẫn còn nguyên vẹn trong lòng Trần
Hoài Thư:
“Da
ông bạn màu đen
Tóc ông bạn màu trắng
Da của tôi màu vàng
Tóc của tôi màu
trắng
Màu trắng của Daksuk
Màu trắng của *Mang Giang
Màu trắng của
mù sương
Màu trắng của mây bạc
Thời chúng ta đánh giặc
Nhuộm mãi đến
bây giờ”...
–(Trắng)
Chú thích: *Các địa danh của Cao nguyên
Trung phần.
Những ngày sống trên đất Mỹ nhìn đất trời cô tịch – như rất nhiều
những nhà thơ VN khác – lòng anh bùi ngùi nhớ quê hương.
“Ở đâu cũng vẫn đất trời
Cũng rừng cô tịch cũng đồi tà dương
Cũng
ngày nắng cũng đêm sương
Cũng qua cũng
lại phố phường người dưng
Cũng trên trời
một vầng trăng
Cũng sông vẫn chảy hai
dòng ngược xuôi
Nhưng sao lòng lại không
nguôi
Nghe như bìm bịp gọi chiều nước
lên”...
–(Xa xứ)
A! Lại con chim bìm bịp! Loài chim có
nhiều nơi sông nước miền Tây có tiếng kêu rất buồn, rất đơn điệu
kêu theo những con nước ròng lên xuống. Tiếng kêu mênh mang trên
những dòng sông trôi lặng lẽ ra biển, chẳng ai nhìn thấy con chim
đâu nhưng tiếng kêu cứ vang vang trên dòng nước chảy, thấp xuống
dần rồi tắt hẳn trong những bãi bờ xanh ngắt ven sông. Anh làm
sao mà nguôi ngoai được những ngày binh lửa còn vảng vất trong
trí nhớ. Lòng anh giờ cũng buồn thảm như tiếng bìm bịp kêu một
mình trên những dòng sông đỏ màu phù sa của một quê hương bây giờ
xa thẳm ngàn trùng.
75 tuổi. Đời người không còn mấy nổi.
Anh vẫn cặm cụi và tỉ mỉ làm cái công việc của riêng mình hàng
ngày, vẫn chăm chút những tác phẩm văn học của miền Nam nhưng sẵn
sàng tặng không cho những người còn quan tâm đến văn chương miền
Nam một thời chìm trong lửa đạn.
Riêng với tôi, anh vẫn cứ là người lính
Thám Kích của gần 50 năm trước. Anh vẫn là người đi đầu, chấp
nhận gian khổ và hy sinh như ngày xưa nhưng trên một mặt trận
hoàn toàn khác: Mặt trận Văn Học.
Văn Học miền Nam.
Viết để quý tặng anh Trần Hoài Thư
Như Không
2018
Phụ lục
Bài viết của anh Trần Hoài Thư
gửi tác giả Như Không:
“... Bạn viết hay quá. Hay vì
bạn cũng là dân đánh đấm. Bạn tả cái cảnh này, đọc mà muốn khóc:”
“Nhớ mùi cỏ cây hăng hắc nồng
nàn mỗi sáng đi mở đường trong rừng già, nhớ mùi những thân cây
bị bom cháy đen vươn những cánh tay khẳng khiu trên trời những
chiều đóng quân, nhớ những cánh rừng im lặng rợn người không một
tiếng chim kêu vì muông thú đã bỏ đi hết do bom đạn. Và chân lại
muốn đi, đi về phía có ánh lửa chớp sáng trên đầu họng súng, nơi
có những đồng đội chia nhau từng ca nước uống sặc sụa mùi bùn đỏ
múc lên từ những vết xích xe tăng mà cơn mưa đêm qua còn để lại.
Suối có khi rất gần nhưng không thể xuống được. Lọ mọ kéo nhau
xuống lấy nước lũ ‘mất dạy’ phục sẵn trong rừng bắn cho nát gáo.
Nhớ những đêm nằm rừng, quần áo thấm nước mưa và mồ hôi vào ban
ngày đã khô quắt lại, nằm trên võng treo bên dưới chiếc Poncho,
cây súng dựng sẵn một bên. Nhớ những cánh rừng cỏ tranh cao lút
đầu người, những ngày lội trong rừng cỏ tranh sắc như dao cứa đứt
thịt da. Nhớ những con suối mùa khô xâm xấp nước, lá cây rừng
rụng xuống hàng hàng lớp lớp, khi mang giày trận lội qua là chắc
chắn những kẽ ngón chân sẽ lở loét, nhớ cả những vết muỗi rừng
chích xuyên qua lớp poncho và bộ đồ trận đã dày cui vì mồ hôi và
nhựa cây rừng. Và cứ thế, như có một sức hút kỳ lạ không giải
thích được, người lính chiến miền Nam lại tiếp tục bước chân về
phía chiến trường nơi rừng già, nơi tăm tối đến nỗi không có lấy
một chút ánh sáng hỏa châu màu đỏ quạch để soi sáng cho họ những
cái chết đang rình rập trong bóng đêm mù mịt...”
Tôi không có facebook để phổ biến. Còn Thư Quán Bản Thảo thì
đăng không tiện (báo của mình, đăng bài ca ngợi mình, người ta sẽ
đàm tiếu). Bạn cho phép tôi đi trên Blog của tôi?
Tôi mong bài này sẽ được phổ biến rộng rãi để nói lên
tiếng nói của dân đánh giặc bọn mình!
Chúc lành
Trần
Hoài Thư.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by cathy sưu tầm
Đăng ngày Thứ Tư, May 29,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang