Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký
Chủ đề:
chuyện 1 hoa tiêu
klvnch
Ngày QL/19/6/2024 – LIX/59
Tác giả:
Craig Compiano
Dịch giả:
khuyết danh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Nếu
chỉ nhìn thoáng ông ta trong đám đông tối hôm đó, có thể người ta
sẽ không bận tâm nhìn lại lần thứ hai.
Đó là một ông già gầy yếu ngồi xe lăn,
đội mũ len đen, cổ đeo cà vạt đỏ sậm, cái áo khoác bằng vải thô
mầu xám phủ bên ngoài một thân hình nặng chừng 140lbs.
Nguyễn văn Ba không nói được và cử động
khó khăn, một ông già nhỏ thó trong căn phòng chật cứng những cựu
binh Mỹ đang đứng nhắc chuyện cũ với nhau – những mẩu chuyện thời
chiến.
Nhưng
nếu kéo ngược thời gian lùi lại 40 năm, thêm khẩu súng lục nằm
trong bao đeo trễ bên vai, chừng 10lbs vào các bắp thịt suông
đuột, đặt ông ta vào ghế lái chiếc trực thăng gắn đại liên M–60,
ta sẽ thấy được một con người khác.
Quá sức liều mạng
Ngày 29/4/1975, ông Nguyễn – giống như
trong mẩu truyện được xé ra từ kịch bản quay một cuốn phim loại
“Mission imposible” – đã cùng với vợ và ba đứa con tìm cách đào
thoát trong khi quân Bắc Việt đang tiến qua những cửa ngõ vào Sài
Gòn.
Sau 20
phút bay căng thẳng, chiếc trực thăng của Nguyễn lượn vòng trên
biển Nam hải trong tình trạng một sống một chết, và những thủy
thủ Hoa Kỳ trên chiếc tàu gần đó chỉ còn biết đứng ngó sửng.
“Không thể nào hiểu được anh ta đã làm
cách nào. Đúng là một phù thủy Ấn Độ”, lời của Hugh Doyle, sĩ
quan trưởng cơ khí trên một tàu hải quân gần chỗ chiếc trực thăng
của ông Nguyễn đang quần trên trời.
“Tôi biết thế nào cha tôi cũng tới”.
Trong ngày 29/4/1975 đó, Nguyễn không
phải là một anh hùng mà đang ở trong tình thế cực kỳ tuyệt vọng.
Ông là một trong hàng ngàn người lính miền Nam đang cố tìm cách
thoát ra khỏi nước trong khi đại quân Bắc Việt đang ào ạt tiến
tới Sài Gòn.
Sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt từ 2 năm
trước với hiệp định hòa bình ký tại Paris, nhưng vào thời điểm đó
vẫn còn các nhân viên ngoại giao và dân sự Mỹ cần được di tản,
đàng sau đó là đám thường dân Việt Nam cố bám theo để tìm đường
thoát. Nhiều người trong số đó là quân nhân giống như Nguyễn –
một thiếu tá Không quân VNCH – nếu kẹt lại, có thể họ sẽ lãnh án
nặng và cả gia đình sẽ tan tác trong những trại tập trung chết
người.
Nhưng
Nguyễn đã có sẵn một kế hoạch. Ông cho vợ con về ở nhờ họ hàng
bên vợ trong một khu dân cư Sài Gòn, và dặn vợ ông – bà Nho –
chuẩn bị mọi thứ, ông sẽ lái chiếc Chinook CH–47 đến bốc đi – đó
là một loại trực thăng cỡ lớn của Không quân VNCH mà tiếng động
cơ không nhầm lẫn của nó có thể nhận ra được từ mấy cây số.
“Khi nghe được tiếng Chinook, phải sẵn
sàng”, Nguyễn dặn vợ như thế.
Miki, đứa con trai lớn, nằm dưới gầm
giường để tránh đạn từ đêm trước. Suốt đêm nó nghe súng nổ ran
khắp nơi lẫn tiếng rít hỏa tiễn. Quân cộng sản đã quá gần. Nhưng
nó vẫn bình tĩnh và tin chắc cha nó thế nào cũng tới!
Miki nghe được tiếng động cơ Chinook
vào lúc sáng sớm. Nó chụp vội túi quần áo, luôn cả bình sữa cho
đứa em gái 10 tháng – Mina – cùng với cả gia đình lao nhanh ra
chiếc Chinook, trên đó đã có sẵn vài người bạn của cha nó.
Lên được chiếc máy bay, nó nghe ông
Nguyễn nói thấy có nhiều trực thăng Mỹ bay ra khơi, chắc chắn họ
sẽ đáp xuống ở đâu đó.
“Coi thử ra sao”, Nguyễn nói như thế
trong khi đưa chiếc trực thăng hướng ra biển, vừa lúc đèn đỏ nhấp
nháy báo bình xăng sắp cạn.
Ra tới biển, Nguyễn bật qua tần số cấp
cứu và nghe được âm thanh trao đổi giữa các tàu Mỹ. Có người ngó
xuống thấy một chiếc tàu đang ở ngay dưới bụng trực thăng. Đó là
chiếc USS Kirk với một sân đáp nhỏ. Nguyễn cho trực thăng sà
xuống.
Chỉ huy
chiếc USS Kirk là Thuyền trưởng Paul Jacobs – thuộc cấp vẫn gọi
ông ta là “Big Jake”. Dân New England, cao 6.3ft, bộc trực và
thẳng tính, ông ta được lệnh bắn hạ bất cứ phi cơ nào không xác
định được danh tính và nhắm mòi đe dọa đến cuộc di tản đang diễn
ra ồ ạt từ Sài Gòn.
Lẽ ra Jacobs đã cho bắn rơi chiếc trực
thăng của Nguyễn nhưng ông đã không làm như vậy. Ông ta độ chừng
Nguyễn là một người lính miền Nam đang tìm đường thoát. Bầu trời
ngày hôm đó dầy đặc những phi công Việt Nam đưa gia đình và đồng
đội bay ra biển trên những chiếc trực thăng cuối cùng còn sót
lại.
“Chỉ khi
nào nó bắn xuống, không thì mình sẽ không khai hỏa trước”, Jacobs
ra lệnh.
Nguyễn liên lạc với chiếc Kirk. Tiếng Anh của ông ta chỉ tạm đủ,
trên tàu cũng có một thủy thủ bập bẹ được chút ít tiếng Việt.
Sau này trong quyển The lucky few, tác
giả Jan Herman đã tả lại nỗi thất vọng của Nguyễn. Ông ta bảo với
những người dưới tàu rằng chiếc Chinook có chở theo đàn bà và con
nít. Và máy bay ông ta sắp cạn xăng.
“Hoặc là tôi hạ cánh trên tàu hoặc sẽ
rớt xuống biển”, Nguyễn nói. “Hãy cứu chúng tôi!”
Nhưng đám thủy thủ trên chiếc USS Kirk
giơ tay làm hiệu xua Nguyễn bay đi chỗ khác. Sân đáp quá nhỏ mà
chiếc Chinook lại quá cồng kềnh. Nếu xuống thấp, cánh quạt có thể
va đụng gây nguy hiểm cho đám hành khách, luôn cả đám thủy thủ
trên tàu.
Nguyễn bỗng nảy ra một ý và lập tức cho dưới tàu biết. Ông sẽ lái
chiếc Chinook quần trên boong. Vợ con ông ta sẽ liều mạng nhảy
đại xuống đám người giăng tay chờ bên dưới...
***
Kent Chipman là một trong số những
người đứng chờ sẵn dưới đó. Dân Texas, có một hàng ria quặp, được
đồng đội gọi bằng cái tên “Chippy”. Anh ta chỉ nặng có 130lbs và
đang đánh lô tô trong bụng. Biết đủ sức hứng đám người nhảy ra từ
chiếc trực thăng hay không đây. Trong lúc căng hai tay chờ đợi,
một ý nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu anh chàng: “Chắc chết cả đám!”
Nguyễn lái chiếc Chinook tới phần đuôi
của chiếc tàu, cố tránh không cho cánh quạt tới gần những chỗ
quan trọng. Chỉ cần một luồng gió hay một sơ sẩy, chong chóng
trực thăng sẽ chém trúng tàu, giết chết cả vợ con ông lẫn đám
người dưới kia đang dang tay chờ đợi.
Người co–pilot mở cửa, ra hiệu cho vợ
Nguyễn, “Nghe đây! Chị và mấy đứa nhỏ sẽ nhảy xuống trước!”
Miki nhảy ra. Kế đến là thằng em nó. Bà
Nho bồng đứa con gái nhỏ, nhoài người thả nó xuống cho đám thủy
thủ trước khi chính mình cũng nhảy xuống. Đám người chờ sẵn bên
dưới hứng được hết.
Bây giờ trên chiếc Chinook chỉ còn lại
một mình Nguyễn.
Làm cách nào đáp khối sắt 12 tấn này
xuống chiếc tàu? Ông ta chợt nghĩ ra cách khác – một cách chưa ai
từng thử qua: Đâm xuống biển!
Ông ta bay ra xa chiếc tàu cách một
khoảng an toàn và giữ cho chiếc trực thăng đứng yên chừng 10 phút
với giàn bánh đáp nhấp nhô trên mặt sóng.
Chipman đứng chết lặng trên boong, ngó
theo. “Cái thằng điên! Nó đang cởi bộ đồ bay”, Chipman nghĩ thầm,
trong lúc mắt không rời chiếc trực thăng.
Nguyễn cởi bỏ cái áo bay và tháo dây
súng trong khi vẫn giữ cần lái cho chiếc trực thăng đứng yên.
Một phi công trông thấy cảnh đó sau này
đã nói rằng, không thể hiểu sao Nguyễn có thể trút bỏ bộ đồ bay
trong khi vẫn kềm cho chiếc trực thăng đứng yên một chỗ.
Xong xuôi Nguyễn nhấc cánh quạt bay về
phía bên phải, xa khỏi chiếc tàu.
Khi chiếc trực thăng vừa chạm mặt nước,
ông ta nhảy ùm xuống biển.
Âm thanh cú va chạm nghe giống như cả
một toa xe lửa bị lật. Mảnh vụn từ cánh quạt chiếc trực thăng bay
veo véo qua chiếc USS Kirk. Chiếc trực thăng nằm lật ngửa trên
mặt biển, mấy bánh xe chổng lên trời.
Một khoảng im lặng nghẹt thở khi cả bọn
ngó xuống một vùng màu đỏ loang rộng ra chỗ Nguyễn nhảy xuống.
Không ai thấy ông ta đâu. Đột nhiên một cái đầu nhô lên khỏi mặt
biển. Nguyễn còn sống! Ông ta đã cố lặn thật sâu khi chiếc
Chinook vừa chạm mặt nước. Còn khoảng màu đỏ loang trên biển là
dầu thủy điều của chiếc trực thăng.
Đám người trên chiếc Kirk òa vỡ trong
niềm vui lẫn thán phục. Ai nấy huýt sáo vang lừng.
“Cừ quá!” một người hét to.
“Một cú tài tình”, người khác phụ họa
theo.
Chiếc
Kirk cho xuồng máy vớt Nguyễn lên. Ông ta lên tới boong tàu chỉ
mặc độc một quần đùi màu đỏ của vợ may và một sơ mi trắng in hình
hoa hòe. Mấy miếng vàng nhét trong túi đã rớt đâu mất.
“Anh ta đòi được gặp vợ con ngay”,
Doyle cơ khí trưởng trên tàu sau này nhắc lại.
***
Chiếc USS Kirk sau đó đã vớt thêm nhiều
đợt người tị nạn tả tơi đào thoát trên những tàu hải quân VNCH,
tàu buôn và cả tàu đánh cá. Jacobs cùng thủy thủ đoàn đã vớt tổng
cộng 30,000 người đào nạn từ Nam Việt Nam.
Sau này Jacobs nhắc lại rằng các thủy
thủ của ông ta khá lành nghề nhưng đồng thời cũng rất may mắn.
Biển Nam hải vốn có tiếng không hiền hòa, những đợt sóng cao 20ft
và gió giật rất mạnh là chuyện thường ngày. Vậy mà hôm đó mặt
biển lại lặng yên.
“Thượng đế đã ngó xuống. Mấy ngày đó
mặt biển phẳng lì như lưng con cá bơn”, ông ta nói.
Còn Chipman không bao giờ quên được
thái độ trầm tĩnh của Nguyễn trong tình thế cấp bách và nhớ rõ
mình đã vui mừng thế nào khi hứng được đứa con gái nhỏ cùng người
vợ của viên phi công.
“Một kết thúc tốt đẹp cho một cuộc
chiến khốn nạn”, anh ta nói.
“Ông ta khá khiêm tốn”.
Đó cũng là một kết cục pha trộn giữa
vui mừng và cay đắng cho Nguyễn. Ông ta cứu được vợ con nhưng mất
hết mọi thứ khác – tiền bạc, sự nghiệp, thân bằng quyến thuộc và
luôn cả tổ quốc.
Gia đình ông về sống ở Seattle, sau đó
ông tìm được việc làm trong hãng Boeing. Ông ta đi tiếp cuộc đời
mới, vẫn bằng sự bền bỉ tháo vát mà ông đã có lúc vội vã bay ra
biển để tìm đường sống.
Một gia đình trong hội nhà thờ Lutheran
bảo trợ cho gia đình ông. Ông chăm chỉ học thêm tiếng Anh. Ban
đầu làm công việc lau dọn ban đêm và học thêm điện tử vào ban
ngày. Sau khi được nhận vào làm cho hãng Boeing, ông thức dậy lúc
4 giờ sáng và rời nhà nửa tiếng sau đó.
Sáu tháng sau khi tới Mỹ, gia đình
Nguyễn không cần tới sự trợ giúp của chính phủ nữa, ông bảo rằng
xứ này là mảnh đất của rất nhiều cơ hội. Ông không muốn nhận,
nhưng luôn luôn muốn cho. Ông bảo với vợ con, trong vòng 5 năm
tới chúng ta sẽ phải là công dân Mỹ để được đóng thuế và đi bầu.
Đối với con cái, ông muốn chúng phải
học thật giỏi, rằng đại học là ngưỡng cửa không gì thay thế được
và ông sẽ giúp trả học phí nếu chúng học khá. Nhiều lúc, có thể
nói, ông huấn luyện con cái giống như chúng là nhân viên phi hành
của mình trên chiếc Chinook ngày nào.
Mỗi sáng chúa nhựt ông đánh thức các
con, giao cho một bảng liệt kê các công việc phải làm. Nếu xong
bài làm ở trường, chúng sẽ được cho thêm một số đề toán để... suy
nghĩ tiếp!
“Nếu tụi cháu làm lộn một con số, ba cháu sẽ xóa cả bài và bắt
làm lại từ đầu”, Mina – đứa bé gái năm xưa được thả xuống từ
chiếc trực thăng Chinook – nói như thế.
Ông đặc biệt chăm lo cho đứa con gái út
giống như cái ngày ông đem cô theo trong chuyến bay vượt thoát.
Khi Mina bắt đầu hẹn hò với một anh nhạc sĩ – người sau này sẽ
trở thành chồng cô – ông đã lựa dịp để ngồi nói chuyện tay đôi
với anh chàng.
“Cháu chưa bằng được con gái bác”, ông
nói với anh ta. “Sao cháu không có bằng tiến sĩ? Con nhỏ nó có
rồi đấy!”
Nhưng Nguyễn không phải là một người cứng nhắc. Ông thích vui
đùa. Mấy đứa con ông thường bảo ông thích tận hưởng đời sống đến
nơi đến chốn vì biết rằng đời ông đã được ban ơn lần thứ hai. Ông
thích đi câu, chơi dương cầm và tụ tập bạn bè về nhà hát karaoke.
Ông cũng nhảy đầm rất giỏi, giống như ngày xưa đã từng bay thật
cừ. Ông thích nhất điệu rumba và cha cha cha.
Mỗi khi các con ông phàn nàn điều gì,
chúng sẽ nghe được cả một bài thuyết trình: “Má tụi bây và ba khi
tới đất Mỹ này trên người chỉ có độc cái quần lót... Nhìn lại
mình bây giờ đi. Không giàu. Nhưng chúng ta không nghèo!”
***
Chuyến vượt thoát tới đất Mỹ của cả gia
đình đã trở thành một cái gì gần như huyền thoại. Nó không còn là
câu chuyện trao đổi trên bàn ăn mà đã được cô đọng lại thành
những giá trị được hết thảy mọi người nâng niu gìn giữ. “Nó là
câu chuyện về cái đảo Ellis của gia đình chúng tôi”, Miki nói.
Sau khi ông thôi việc ở Boeing và về
hưu năm 2000, Miki biết sẽ tặng cha mình món gì. Đó là một hộp
kính thật đẹp bên trong có cái quần đùi màu đỏ mà ông đã mặc
trong chuyến bay vượt thoát của gia đình.
Nguyễn nhận món quà đó với một thái độ
nhẹ nhàng. Ông nhận nó mà không nói lời nào.
Có lần ông đã viết về chuyến hành trình
gian nan của gia đình ông trên một tờ báo Việt ngữ nhưng bằng lời
kể của ngôi thứ ba. Ông không nhận mình chính là người phi công
đó.
“Ba tôi
không thích khoe khoang”, Miki nói. “Nhưng ông biết chắc ông đã
làm một chuyện quá sức liều mạng”.
Tháo mặt nạ để nhìn người anh hùng
Nhiều người
khác cũng nghĩ thế, và họ quyết định tháo gỡ lớp vỏ bọc để thấy
rõ mặt người anh hùng khiêm tốn này.
Suốt trong nhiều năm, viên chỉ huy tàu
USS Kirk đã nhiều lần dò hỏi tung tích cái anh chàng pilot Việt
Nam đã lái chiếc Chinook đâm xuống biển.
Câu hỏi lúc ban đầu dần trở nên một
công cuộc tìm kiếm khá dai dẳng. Năm 2009, Jacobs xuất hiện trong
một chương trình TV Việt ngữ, hỏi xem có ai biết gì về người phi
công này.
Công
việc dò tìm vẫn tiến hành với ít nhiều hy vọng vì cộng đồng Việt
Nam trên đất Mỹ cũng chẳng to lớn gì.
Một ngày nọ, Miki nhận được một e–mail
trong đó có lời rao của Jacobs. Anh trả lời: “Nếu ông đang tìm
người phi công lái chiếc Chinook ấy, thì có thể đó là cha tôi”.
Sau đó là những cú điện thoại gọi về
tới tấp...
***
Jacobs và những thuộc cấp cũ của ông
trên chiếc USS Kirk tổ chức một buổi họp mặt đoàn tụ vào ngày
10/7/2010 tại Springfield, Virginia, và họ đã gởi thư mời ông
Nguyễn. Ông không còn là người phi công trực thăng ngày nào trong
tháng 4 năm 1975. Ông đã mất đứa con trai giữa – Mika – chết vì
xuất huyết não năm 2003. Phần ông thì mắc bệnh Alzheimer sau khi
về hưu. Bây giờ ông ngồi trong xe lăn. Không nói chuyện được, chỉ
ú ớ qua cổ họng.
Tới dự buổi họp mặt với thủy thủ đoàn
chiếc tàu USS Kirk, lần này bà vợ đẩy xe cho ông. Chiếc xe lăn
được đẩy vô phòng tiếp tân, có con trai và con gái cùng đi với
cha mẹ. Người đầu tiên mà bà thấy trong hành lang là “Chippy”
Chipman, anh chàng thủy thủ đã hứng được bà và cô bé gái con bà
khi cả hai nhảy ra khỏi chiếc trực thăng mấy chục năm về trước.
Nguyễn cũng nhận ra Chipman. Mắt ông ứa
những giọt lệ.
“Ông ấy ngó tôi và tôi cũng ngó ông ấy
trân trân. Ông ấy nhận ra tôi, và tôi cũng thế”, Chipman kể lại.
Chipman tới bên Nguyễn đưa tay chào. Tự giới thiệu mình và nhắc
lại chuyện xưa.
Anh ngó qua Miki, giờ đã là một gã
trung niên. “Tôi là người đã chụp được cậu lúc cậu nhảy xuống
tàu”, anh nói bằng giọng Texas đặc sệt, trong lúc Miki không thốt
được lời nào vì quá xúc động.
Đoạn anh ngó qua Mina. Trông cô tươi
tắn như một bông hoa. Anh bảo với cô rằng lúc đó anh đã nhủ mình
phải cố chụp cho được lúc cô rớt khỏi chiếc trực thăng cho dù
phải đánh đổi bằng chính sinh mạng mình đi nữa...
“Tôi hãnh diện lắm”, Chipman kể lại tâm
trạng mình lúc gặp Mina. “Tôi không có con, nhưng có một cái gì
giống như bất ngờ mình gặp lại đứa con gái thất lạc đã lâu, nay
gặp lại lúc nó khôn lớn. Cô ấy đã trưởng thành một cách hết sức
tốt đẹp”.
Buổi
họp mặt biến thành buổi tuyên dương ông Nguyễn. Người ta chiếu
lại khúc phim màu ghi lại những pha gian nan của chiếc Chinook.
Nhiều thủy thủ trên tàu ngày hôm đó đã chụp ảnh và quay được cảnh
tượng xảy ra trên mặt biển.
Mina nhìn vào tấm hình lúc cô đang dán
khuôn mặt bé thơ của mình lên lớp kính chiếc Chinook khi nó bay
vòng trên chiếc tàu. Cô cũng thấy được tấm hình lúc cô rớt xuống
đôi tay của Chipman. “Tôi lạnh cả sống lưng”, cô nói.
Cô cũng được xem lại khúc phim cha cô
nhào ra khỏi trực thăng lúc đâm xuống biển.
“Giống như Tom Cruise”, cô bảo. “Nghĩ
rằng người đó là cha tôi. Nghĩ rằng đó là cảnh gia đình tôi đang
nhảy khỏi máy bay từng người một. Những ý nghĩ đó làm tôi choáng
cả người”.
Còn
Miki có ý nghĩ riêng của anh. Trong nhiều năm, anh vẫn thán phục
cha mình ở cái tính khiêm tốn của ông. Anh có thể hiểu được thái
độ đó. Nhiều người tị nạn Việt Nam chỉ muốn quên đi những đau đớn
trong quá khứ. Họ đã mất đi bao nhiêu thứ, thân phận, địa vị, gia
đình, tiền của... Họ chỉ muốn nhắm vào tương lai. Kết quả là
những người này có nguy cơ đánh mất quá khứ. Lũ con rồi đây khôn
lớn sẽ không biết gì về chuyện vượt thoát tìm tự do của cha mẹ.
Và mọi chuyện sẽ nhạt nhòa dần khi thế hệ của những bậc cha mẹ
lần lượt mất hút.
“Chỉ có một điều khác nhau giữa gia
đình chúng tôi và những gia đình khác, đó là những tấm hình và
những khúc phim này”, Miki nói. “Mỗi người tị nạn Việt Nam tới xứ
sở này đều có hàng vạn những câu chuyện đáng được kể ra, và chắc
chắn có những câu chuyện còn gian nan hơn nhiều”.
***
Miki ngó Jacobs khi ông này tới trước
đám quan khách trong phòng tiếp tân.
“Chúng tôi dành phần sau chót cho điều
đáng kể nhất”, ông ta vừa nói vừa nhìn ông Nguyễn.
Jacobs đọc một đoạn tuyên dương Nguyễn
về hành động gan dạ của người sĩ quan phi hành.
“Với tài ba của một phi công, thái độ
trầm tĩnh trong lúc nguy cấp, hành động của ông Nguyễn đã mang về
một hình ảnh tốt đẹp cho đất nước ông và đã nói lên được một
truyền thống cao đẹp nhất của Hải quân Hoa Kỳ”.
Nguyễn không nói được lời nào khi ngồi
yên ngó lên từ chiếc xe lăn. Một sĩ quan Hải quân cúi xuống gắn
huy chương Không quân biểu dương lòng can đảm lên ve áo của ông.
Trong chiếc xe lăn Nguyễn vặn vẹo cử
động thân mình.
Miki, đứng sau ông, không hiểu cha mình
muốn gì.
Ông
cựa quậy hai chân, rồi thẳng người lên trong cái áo khoác màu xám
tro. Ông nhìn thẳng vào Jacobs. Và, ông chào bằng cách run rẩy
đưa bàn tay mặt của mình lên trán...
***
Nguyễn qua đời vì bệnh Alzheimer 3 năm
sau ở cái tuổi 73, ông đã vĩnh viễn ngủ luôn một giấc dài vào một
đêm mùa hè. Nhưng trong cái buổi họp mặt đáng ghi nhớ đó, lúc
thời gian quay ngược trở về một ngày khó quên của tháng 4, 1975,
Miki đã thấy cha mình phác một cử chỉ dường như để nhắc với anh
rằng, “Dù thân thể ông không thể cử động được nữa, nhưng ông –
người cha mà anh đã tin chắc thế nào cũng tới để đưa anh và cả
gia đình ra đi – ông vẫn mãi còn đó...”
Crew members of the USS Kirk try to
wave off a CH–47 Chinook carrying South Vietnamese refugees on
April 29, 1975. But the helicopter's pilot, Ba Nguyen, was
determined to unload his passengers, who included his wife and
three young children.
Craig Compiano
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by vui nguyen chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, June 15, 2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang