Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút Ký
Chủ đề: tình huynh đệ chi binh
Ngày QL/19/6/2024 – LIX/59

Tác giả: Kha Lăng Đa

CHUYỆN BUỒN NĂM CŨ

Kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH thứ 59 (LIX)

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 


Anh Phạm Hữu Dương, người phụ trách đặc san Lý Tưởng của Không Lực VNCH gọi điện thoại đến tôi, cho biết cháu Giang, con trai của cố Đại úy Trương Đông Đình thuộc Phi Đoàn 122 Thần Tiễn vừa liên lạc với anh để hỏi thăm tin tức người cha của cháu bị mất tích trong phi vụ “Quan sát Hành Quân” (Combat Observation) ở vùng Đồng Tháp Mười trong năm 1974, thời gian gần ngày quốc hận 30/4/1975.

Anh Dương hỏi tôi biết rõ chi tiết phi vụ mà cố Đại úy Đình bị mất tích không? Tôi cho anh Dương biết vào những ngày tháng của năm 1974 đến thời gian cận kề ngày Quốc hận, Phi Đoàn 122 đã có 3 phi cơ quan sát L19 bị hoả tiễn tầm nhiệt SA7 của VC bắn rớt. Tôi kể từng phi cơ, từng phi hành đoàn lâm nạn cho anh Dương biết rõ chi tiết.

Phi hành đoàn thứ nhứt là Thiếu úy Trương Hiệp và Đại úy Nguyễn Ngọc Phú bị SA7 bắn rớt ở vùng Mộc Hoá. Gần nửa tháng sau, đơn vị thiết giáp mới lấy được xác của phi hành đoàn. Riêng tôi có trách nhiệm đưa quan tài có phủ lá quốc kỳ của cố Đại úy Nguyễn Ngọc Phú về an táng tại Vũng Tàu vì lúc ấy tôi là Sĩ quan chiến tranh chính trị của đơn vị, còn quan tài của cố Thiếu úy Trương Hiệp thì gia đình anh đã đưa về Sài Gòn. Anh Hiệp là một thành viên của một gia đình người Việt gốc Hoa.

Tôi đã hiện diện tại đám tang của anh Phú suốt đêm để chia sẻ nỗi buồn cùng thân mẫu, hiền thê và bà con tang quyến của Phú. Đêm đó tôi đã sáng tác và ca một bài vọng cổ “Tiếc thương Nguyễn Ngọc Phú” với sự phụ hoạ của dàn nhạc lễ trong đám tang. Mọi người rất ngạc nhiên và xúc động khi thấy một sĩ quan Không quân mà biết ca Vọng cổ và ca rất mùi!

Sáng hôm sau, Trung tá Phi Đoàn trưởng Trần Trọng Khương cùng 5 nhân viên phi hành của Phi Đoàn 122 lái 1 chiếc Cessna đến Vũng Tàu để đưa linh cữu của cố Đại úy Nguyễn Ngọc Phú đến nơi yên nghỉ sau cùng. Trước khi linh cữu được hạ huyệt, Trung tá Khương đã đọc bài điếu văn rất cảm động khiến mọi người đều khó ngăn nước mắt.

Phi hành đoàn thứ hai là Trung úy Trần văn Bời và Đại úy Trần Anh Vinh bị hoả tiễn tầm nhiệt của VC bắn rớt trên vùng Tân Thành, Cái Cái. Anh Bời còn có biệt danh là “Đại Tá Bời”, nguyên do là anh đã “nằm” ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang trong thời gian khá lâu dài vì bị sưu tra lý lịch. Sau cùng anh không được xuất ngoại nhưng được học hoa tiêu quan sát tại Nha Trang và khi mãn khoá, anh được về phục vụ tại Phi Đoàn 122 Tân Lập.

Anh Vinh thì từ Bộ Binh được chọn qua học khoá Quan sát viên và về đầu quân tại Phi Đoàn 122 Thần Tiễn. Ngày phi hành đoàn Trương Hiệp và Nguyễn Ngọc Phú bị SA7 bắn rơi, anh Vinh đã làm một bài thơ khóc hai người bạn bị gãy cánh nửa chừng xuân. Anh đã trao cho tôi đọc bài thơ ấy. Vì chưa tới thời điểm làm bích báo cho đơn vị nên tôi đã niêm yết bài thơ của anh Vinh trên tấm bảng tin tức tại phòng hành quân của Phi Đoàn cho anh em nhân viên phi hành của đơn vị đọc và thưởng thức bài thơ khóc bạn của anh. Rất tiếc là tôi không thuộc lòng bài thơ tình nghĩa đó. Có ngờ đâu, anh lại ra đi vĩnh viễn theo hai người bạn thân thương kia. Tôi chạnh nhớ 2 câu thơ Kiều:

Nỗi niềm nghĩ đến mà đau,
Thấy người nằm đó, biết sau thế nào
!?”

Sau khi phi cơ của phi hành đoàn Trần văn Bời và Trần anh Vinh bị SA7 bắn rớt, Sư Đoàn 4 Không Quân ra lệnh cấm bay vào vùng trời Tân Thành, Cái Cái vì vùng này hoả tiễn tầm nhiệt rất nhiều. Vậy mà Thiếu tá Từ Công Phước, Phi Đoàn phó Phi Đoàn 122 đã lén lút thi hành một phi vụ “rescue”
[giải cứu] rất là... cảm tử!

Trưa hôm đó, Thiếu tá Phước đến nhà tôi lúc tôi đang ăn cơm trưa với vợ con tôi. Ông bảo tôi đi bay với ông ngay! Tôi vội vã mặc áo bay rồi đi theo ông. Ra bến đậu phi cơ, ông chọn 1 chiếc cessna U17B, khi tôi và ông ngồi vào phòng lái phi cơ, ông mới cho tôi biết phi vụ sắp thi hành là phi vụ bay vào “vùng cấm” để “rescue” Phi hành đoàn Trần Văn Bời và Trần Anh Vinh. Tôi hơi ái ngại vì phi vụ quá nguy hiểm mà Sư Đoàn đã ra lệnh cấm phi cơ bay trên khu vực ấy, nhưng tôi cố trấn áp lòng mình, vì nếu tôi không đồng ý bay với Thiếu tá Phước, chắc chắn ổng sẽ chê tôi là “lạnh cẳng”, sợ chết! Nên tôi gật đầu rồi nín thinh khi ổng mở máy phi cơ và taxi
[lăn bánh] ra phi đạo, cất cánh.

Một buổi trưa trời trong xanh, nắng đẹp. Chiếc cessna nhắm hướng Tây Bắc trực chỉ. Khi đến vùng “rescue”, Thiếu tá Phước bay lượn vòng cho tôi quan sát. Tôi thấy chiếc L19 lâm nạn nằm trên mặt đất trống trải, quay đầu về phía Tây, chân đáp và cánh bên phải bị gãy nên thân phi cơ nghiêng về bên phải, tôi nói với Thiếu tá Phước:

– Phi cơ này “làm ‘crash’” 
[tự rơi] chớ không phải bị rơi xuống từ cao độ.

Thiếu tá Phước gật đầu rồi bảo tôi cố gắng quan sát thật kỹ khi ông bay thấp. Tôi không ngờ ông bay “rasemotte” quá thấp, cao độ chỉ 50 feet. Tôi nhìn vào khung phòng phi cơ không thấy xác người và bên ngoài, hông phải của phi cơ có một cái “helmet”
[nón bay] nằm ngửa trên mặt đất. Khi Thiếu tá Phước bay lên cao độ, tôi báo cáo chi tiết tôi đã quan sát được cho ông biết và chúng tôi rời vùng, bay về phi trường Trà Nóc.

Trên đường về, tôi nói chuyện với Thiếu tá Phước qua “Intercom”
[loa nội bộ]:

– Nếu hai đứa nó làm “crash” an toàn thì cũng bị VC bắt đi hay đã bị chúng nó giết rồi chôn xác. Cái “helmet” nằm ngoài phi cơ là vật mà hai đứa nó bỏ lại.

Thiếu tá Phước gật đầu, không nói, gương mặt ông thoáng buồn. Rất may mắn cho chúng tôi là bay về căn cứ an toàn. Không biết tại sao trưa hôm ấy SA7 của VC không hoạt động, chắc là nhờ ơn trên phù hộ chúng tôi.

Phi hành đoàn thứ ba là Đại úy Trương Đông Đình và Trung úy Nguyễn Văn Toản, thi hành phi vụ quan sát hành quân ở vùng Đồng Tháp Mười. Phi cơ bị trúng hoả tiễn tầm nhiệt SA7 của địch quân và được ghi nhận là mất tích. Những phi vụ tìm kiếm cấp cứu bị hạn chế vì hoả tiễn tầm nhiệt của VC nên qua nhiều ngày mà vẫn không thấy được dấu vết của phi cơ lâm nạn.

Thân phụ của Trung úy Nguyễn Văn Toản vì quá nóng lòng tìm xác con nên đã bất chấp hiểm nguy, đi vào vùng phi cơ bị rớt để dò la tin tức. Ông đã gặp 1 đơn vị của VC trong vùng ấy và đã bày tỏ sự thật ông đi tìm xác đứa con trai của ông đã chết khi phi cơ của nó bị “cách mạng” bắn rơi.

Một tên VC, có lẽ là cấp chỉ huy cho ông biết:

– Có một chiếc máy bay quan sát bị chúng tôi bắn rơi xuống đầm lầy. Thân máy bay bị lún xuống, chỉ còn ló cái đuôi lên khỏi mặt đầm lầy. Chúng tôi dùng cây tràm làm cầu khỉ đi đến cái đuôi phi cơ. Khi nắm cái đuôi phi cơ lắc mạnh thì thấy máu trào lên mặt sình lầy chung quanh đuôi phi cơ. Chắc chắn là phi công đã chết và không thể nào lấy xác lên được vì đất sình lầy hầu như không có chân. Chúng tôi cưa cái đuôi phi cơ và đem giấu trong bụi rậm.

Cha của Trung úy Toản xin phép được cưa phần số phi cơ trên cái đuôi để đem về làm bằng chứng cho đơn vị biết tin con ổng đã chết. Đơn vị VC cho phép, cha của Toản cưa số phi cơ đem về.

Vào một ngày kia, thân phụ của Trung úy Toản đến văn phòng của Phi Đoàn trưởng Phi Đoàn 122 xin gặp Trung tá Trần Trọng Khương và ông đã trình bày hết câu chuyện ông đi tìm xác con trai ông trong khu vực Tháp Mười, nơi chiếc L19 của phi hành đoàn thứ 3 bị hoả tiễn tầm nhiệt SA7 của VC bắn rớt. Ông trao cho Trung tá Khương xem bảng số mà ông đã cưa được từ cái duôi phi cơ của phi hành đoàn Đình và Toản. Tôi biết rõ sự việc này vì hôm đó Trung tá Khương gọi tôi vào văn phòng của Phi Đoàn trưởng để cùng ông chứng kiến.

Vì không tìm được xác phi công nên Phi hành đoàn Đình và Toản được ghi nhận là mất tích. Do đó mà hiền thê của Cố Đại úy Trương Đông Đình và 2 đứa con trai vẫn nuôi hy vọng là chồng và cha của họ còn sống. Chuyện buồn đã trải qua nửa thế kỷ rồi mà chị Hà (tên của chị Đình) và 2 cháu trai vẫn vọng tưởng người chồng, người cha của mình. Thật là tội nghiệp!

Ngày trước, chị Hà và vợ tôi làm việc cho Đoàn Tiếp Liệu của Sư Đoàn 4 Không Quân nên gia đình tôi và gia đình của Cố Đại úy Đình cũng có tình thân với nhau, cùng ở gần nhau trong cư xá Thanh Diệp. Nghe cháu Giang nói với anh Phạm Hữu Dương, chị Hà đang sống ở Cà Mau – quê hương của chị ở miền cuối Việt. Tôi đang tìm địa chỉ của chị để vận động anh em nhân viên phi hành của Phi Đoàn 122 gởi món quà tình nghĩa về cho chị và 2 cháu trai.

Tôi có nhiều kỷ niệm với Cố Trung úy Trần Văn Bời trong những lần đi biệt phái các tỉnh miền Tiền Giang. Có lần bay cho Tiểu khu Vĩnh Long, Bời mời tôi về nhà chú của anh. Đích thân anh đã nướng một dĩa cá chạch cho tôi ngồi nhậu rượu đế lai rai với ông chú của anh.

Có lần biệt phái cho Biệt khu 44 ở Cao lãnh, anh đã dẫn tôi về nhà bà ngoại của anh có vườn trái cây xanh mát. Trong khi chờ đợi Biệt khu 44 gọi đi bay, tôi thường nằm đong đưa trên chiếc võng bên hông nhà và tôi đã ăn trưa với Bời ở đây, bữa cơm đạm bạc của miền quê mà tôi ăn rất ngon lành. Anh Bời nghe tôi nói tôi có đứa cháu gái xinh đẹp ở Vũng Tàu, anh cũng muốn theo tôi về xứ biển để coi mắt cháu tôi, nhưng chuyến đi chưa thực hiện thì anh ra đi vĩnh viễn không trở lại.

Cố Đại úy Nguyễn Ngọc Phú, quan sát viên của phi hành đoàn bị SA7 bắn rớt và đơn vị thiết giáp đã tìm được xác của anh và anh Hiệp. Sau này tôi được biết đứa em ruột của anh Phú, tên là Phụng, thành hôn với đứa cháu bà con của tôi tên Dương Thu Hồng. Phụng ở trong toán cấp cứu chết đuối ở Bãi Sau, Vũng Tàu và bây giờ Phụng làm huấn luyện viên cho một hồ bơi.

Nhắc chuyện cũ thêm buồn, nhưng có một chuyện buồn cười mà tôi không quên được. Đó là chuyện cha của Cố Thiếu úy Trương Hiệp đi lãnh tiền tử tuất của đứa con trai. Ông gốc người Hoa, nói tiếng Việt không rành và phát âm lệch lạc. Khi Trung tá Khương lo thủ tục lãnh tiền tử tuất cho cố Thiếu úy Hiệp xong, bèn báo tin cho ông đến văn phòng của Phi Đoàn trưởng để nhận tiền. Cầm xấp tiền trên tay, trước mặt trung tá và anh em trong ban chỉ huy đơn vị, ông bỗng ngắt ra làm hai, một nửa ông bỏ vô túi áo, một nửa ông cầm, đưa ra cho mọi người thấy và nói:

– Ha... cái lầy mình li nhậu! (ha! Cái này mình đi nhậu)!

Mọi người cố nín cười. Trung tá Khương ôn tồn nói:

– Cám ơn chú, chúng tôi bận công vụ không đi nhậu được. Chú giữ tiền này lo mồ mả và đám giỗ cho anh Hiệp.

Đã nửa thế kỷ rồi mà khi nhắc lại chuyện tang tóc đau thương của 6 người bạn đồng đội của tôi đã “vị quốc vong thân”, tôi vẫn còn hình dung rõ ràng từng khuôn mặt thân yêu. Giờ đây các anh đã an giấc ngàn thu, còn tôi chưa trả hết nợ đời, còn lận đận nơi xứ lạ quê người. Tôi xin gởi đến anh em đồng đội quá cố của tôi những nén hương lòng, nguyện cầu cho hương linh của anh em được yên vui nơi cõi vĩnh hằng.

KHA LĂNG ĐA



 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by cathy chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, June 23, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang