Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề: Chuyện tình xưa
Tác giả: Nguyễn Hiếu

CHUYỆN TÌNH CỦA MỘT PHI CÔNG

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Lời Giới Thiệu: Khi ra đi theo “Tiếng Gọi Công Dân” khoác quân phục vài tháng huấn luyện tại quân trường, bất cứ người lính nào cũng phải qua đoạn đường chiến binh. Trên đoạn đường đó người chiến binh phải chạy, nhảy, bò, trườn, leo trèo... Nhưng đó là đoạn đường của thể lực, tập luyện để một mai bước ra chiến trường hữu dụng.

Người phi công VNCH cũng phải qua hết đoạn đường thể lực để từ trên không cùng với cánh chim tung trời xé gió. Những trận bão lửa giáng lên đầu giặc để ngăn chận quân thù, tiếp cứu đồng đội đang cố sức giữ gìn từng tất đất của cha ông.

Khi đơn độc bay vào nơi khói lửa để tiếp tế cho quân mình mà không ngại hiểm nguy. Ngoài đoạn đường chiến binh phải vượt qua ở Quân trường, người phi công còn phải vượt qua những thử thách không tên. Hai vai mang nặng nợ nước tình nhà. Thường thì người phi công “đi không ai tìm xác rơi” nhưng cũng có trường hợp không chết người trai khói lửa mà chết người vợ nhỏ đang chờ đợi cánh chim trở về sau một phi vụ hiểm nghèo.

Chuyện tình phi công thời chiến nồng nàn, ấm áp, tuyệt vời. Sáng ra đi chiều trở lại tưởng không còn gì hạnh phúc hơn. Kết cuộc bi thảm của một chuyện tình chỉ trong phút giây mà thành thiên thu. Người phi công về già ngồi nghĩ về cuộc đời tình yêu nợ nước thù riêng và nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc, nhớ con chim sắt đã cùng chàng tung mây lướt gió ngày nào...

Thêm một chuyện tình buồn của Kỵ Binh Nguyễn Hiếu. Có phải KB Nguyễn Hiếu luôn ám ảnh Tình đẹp là tình dang dở, tình tuyệt vọng hay tình thiên thu...?

Kỵ Binh Ngụy Sài Gòn

Những người già thường sống về dĩ vãng. Giờ đây ngồi nhớ về chuyện cũ, tìm lại trong quãng đời đã qua với những vui buồn theo tháng ngày dần phai. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh thân thương của một cậu học trò ngày nào trên đường từ trường về nhà, đứng lặng nhìn chiếc máy bay bay qua cho tới khi mất hút ở cuối chân trời. Từ đó tôi ước mơ được tung bay như cánh chim bằng, để rồi trở thành một phi công và đời mình phải gắn liền với nghiệp bay cho tới ngày tàn cuộc chiến.

Nguyện vọng của cha là muốn tôi có một địa vị trong xã hội. Ông có thừa khả năng để nuôi tôi ăn học đến nơi đến chốn. Ông là một đại điền chủ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sa Đéc. Sau khi đậu Tú tài phần I, trong khi tiếp tục phần II, thì lệnh động viên được ban hành vì quân đội Pháp giao lại cho Quân Đội Việt Nam. Quân Đội Pháp đang tuyển chọn để đào tạo sĩ quan Không Quân.

Trong số hai mươi lăm người được tuyển chọn vào sĩ quan Không Quân có tôi trong đó. Chúng tôi phải vượt qua kỳ thi viết bằng tiếng Pháp, và phải có một sức khỏe tốt để trở thành Hoa Tiêu tương lai. Tôi thì rất vui vì được trúng tuyển vào Không Quân nhưng gia đình không đồng ý, cha tôi cảm thấy thất vọng vô cùng.

Trước khi sang Pháp thụ huấn vào cuối năm 1955, tôi phải ra Nha Trang bốn tháng để được huấn luyện lớp bay căn bản trên chiếc Morane–500 với một Hoa Tiêu Pháp, lúc ấy người Việt mình hay gọi “máy bay Đầm Già”. Sau 4 tháng, học xong khóa bay căn bản, tất cả khóa sinh trở về Sài Gòn để chuẩn bị đi Pháp học tiếp, chúng tôi được phát đồ của bên Bộ Binh, không đúng tiêu chuẩn của Không Quân. Lúc đó Quân Đội Việt nam còn nghèo vì mới mẻ, chưa có khả năng để đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi phải mặc đồ civil để đi xuất ngoại.

Khi biết ngày lên đường sang Pháp, khoảng cuối năm 1955, mặc dù cha tôi không vui lắm nhưng ông cũng đưa cho mười ngàn để sắm sửa và làm lộ phí, số tiền mười ngàn rất lớn vào thời điểm đó, tôi nhớ một tô hủ tiếu gõ chỉ có một đồng. Chị tôi nói cần phải mua đồ ấm nhiều vì mùa đông ở Pháp có tuyết, rất lạnh. Chị đã có thời gian ở Pháp. Tôi chỉ ừ hử cho có lệ và tiêu gần hết số tiền trước ngày đi, chỉ mua được hai bộ Veston để qua đó mặc sức mà bay bướm. Cũng vì không nghe lời chị mà sau này tôi bị lạnh te tua đến nỗi ra máu lỗ mũi.

Hai mươi lăm người chúng tôi may mắn được đi phi cơ (vì trước đó các khóa đàn anh phải đi bằng tàu thủy). Chiếc DC–6 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, khi máy bay bắt đầu lấy cao độ và nghiêng về hướng bay, tôi nhìn xuống quê hương để âm thầm nói lời giã biệt và cảm thấy thương đất nước hơn bao giờ hết. Cho dù vật đổi sao dời, quê hương vẫn còn đó, vẫn đợi chờ ngày trở về.

Nắng nơi đâu cũng là nắng ấm
Nhưng ấm đâu bằng nắng ấm quê hương
...”

Sau gần năm giờ bay, chiếc DC–6 mệt mỏi hạ cánh đáp xuống phi trường Calcutta, Ấn Độ vào ban đêm để lấy thêm nhiên liệu, rồi bay tiếp qua Karachi, vùng Trung Đông. Từ đó bay đến Damascus rồi đến Nice, miền Nam nước Pháp cũng để lấy thêm nhiên liệu và cất cánh đi Paris, đáp xuống phi trường Orly lúc 10:30 đêm. Sau một hành trình dài 36 tiếng đồng hồ, ai nấy đều mệt mỏi, rã rời. Vừa bước ra khỏi máy bay, mọi người đều lạnh run của một cái lạnh mùa đông Paris, thật đúng như trong bài hát Tiễn Em. “Trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly...”

Chúng tôi được cấp phát quân trang theo tiêu chuẩn của binh chủng Không Quân Pháp và được huấn luyện bốn tháng để bay loại máy bay STAMP (loại máy bay 2 tầng cánh thời Đệ II Thế Chiến) tại Marrakech, Morocco, một thuộc địa của Pháp, chuyên huấn luyện Không Quân, đây là khóa căn bản Pilot. Khóa này được thụ huấn một thời gian 9 tháng để trở thành Hoa Tiêu thuần túy nhưng vẫn chưa được mang cánh bay.

Các khóa sinh được thực tập bay nhào lộn một cách vững vàng. Trong thời gian huấn luyện, chúng tôi cũng được đi phép một tháng nhân dịp nghỉ hè ở đây, ra thành phố Rabat có hải cảng Casablanca rất đẹp và nổi tiếng của Marocco. Hết phép, tất cả trở về trường tiếp tục học cho tới ngày mãn khóa.

Khoảng tháng 9 năm 1956 lại lên đường trở lại Pháp. Đến căn cứ Không Quân AVORD thuộc thành phố Bourge. Ở đây được huấn luyện chuyên môn loại máy bay Marcel Dassaut với thời gian 9 tháng cho tới ngày ra trường và được gắn cánh bay. Đây cũng là khóa cuối cùng cho Không Quân Việt Nam.

Trong khóa này có Đại úy Nguyễn Văn Lượng sau này là chuẩn tướng, chức vụ cuối cùng là Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Không Quân đóng ở căn cứ Không Quân Nha Trang, Trung úy Nguyễn Mạnh Bỗng bay bên Air Viet Nam bị tử nạn, Trung úy Nguyễn Khắc Ngọc, cấp bậc và chức vụ sau cùng là Đại tá Tham Mưu Phó Huấn Luyện.

Năm 1957 trở về nước, được bổ nhiệm về bay cho Liên Phi Đoàn I Vận Tải của ngành Không Quân Việt Nam, lúc đó Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ làm Liên Đoàn Trưởng ở Tân Sơn Nhất. Đặc biệt là tôi vẫn phục vụ ở đơn vị này cho tới ngày tàn cuộc chiến.

Năm 1965 qua Mỹ học bay loại máy bay mới C–123 để chuẩn bị thành lập Biệt Đoàn 83. Nhưng không may vì thời cuộc lúc đó Biệt Đoàn 83 bị hủy bỏ, nên trở lại bay C–47. Nền Đệ II Cộng Hòa lúc đó còn quá mới mẻ, tình hình chính trị chưa được ổn định cho lắm. Mỹ bắt đầu qua nhiều và ngành Vận Tải Không Quân cũng từ từ tiếp nhận những loại máy bay mới như C–123 rồi đến C–130.

Một ngày 1967, lúc này tôi mang lon đại úy, được chỉ định bay một chuyến bay loại C–47 (Dakota) cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm lên phi trường Liên Khương, Đà Lạt để dự buổi lễ đặt viên đá đầu tiên mới thành lập tỉnh Tuyên Đức (Đà Lạt), cùng Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, ông Kỳ có trực thăng riêng. Lúc đó Phi Hành Đoàn chúng tôi ngồi trong phòng Khánh Tiết của phi trường Liên Khương.

Trong khi chờ đợi Th/T Khiêm và PTT Kỳ trở lại phi trường, ngồi với anh em Không Quân của hai Phi Hành Đoàn trên hai hàng ghế dọc theo tường nói chuyện vui vẻ. Trên bàn có đầy đủ thức ăn, bỗng nhiên tôi thấy một cô gái với một nét đẹp hiền dịu của xứ hoa Anh Đào, được tuyển vào ban tiếp tân của Tòa Tỉnh, đương nhiên phải là một hoa khôi của tỉnh.

Cô đang chăm chú sắp bánh Paté Chaud thành hình núi trên đĩa. Lúc tôi ngẩng đầu lên, thì bắt gặp cô đang đặt một cái bánh cuối cùng lên đĩa. Tôi nhìn cô, nhưng cô không để ý, tôi miên man suy nghĩ tìm cách làm quen, nhưng không biết làm sao!

Tôi đánh bạo đến gần cô nói: “Cô ơi, tôi đang đói bụng, cô cho tôi xin một cái bánh được không?” Cô mắc cở, không trả lời vô tình đụng vài cái bánh văng ra khỏi đĩa, lại càng lính quýnh, cô bỏ chạy ra ngoài cửa. Lúc đó tôi cũng lẽo đẽo theo sau, cô cũng không chủ định được sẽ đi đâu để tránh! Bất ngờ cô xoay lại thì bắt gặp tôi đang ở sau lưng, cô tránh sang một bên và chạy nhanh ngang qua tôi để trở lại phòng Khánh Tiết.

Khi trở lại phòng Khánh Tiết thì không thấy cô đâu nữa, tôi cảm thấy thất vọng và ngồi xuống chiếc ghế cũ. Trong lúc đó phái đoàn của Th/T Khiêm trở lại, tất cả tham dự buổi tiệc. Tôi thò tay lấy ngay chiếc bánh Paté Chaud cuối cùng mà chính tay cô đã đặt lên đĩa lúc nãy, và cầm ly beer lên uống. Hình bóng cô gái đặt chiếc bánh mà tôi đang cầm, từ từ đi sâu vào lòng tôi.

Cắt nghĩa làm sao được chữ yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiếu
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu
.”

Nhìn từ xa ở cuối phòng Khánh Tiết, thì bất ngờ tôi thấy phía sau quày rượu có một mái tóc giống như mái tóc của cô ấy, tôi mừng quá đứng dậy đi tới quày rượu, thì đúng là cô. Tôi bắt đầu hồi hộp gợi chuyện và hỏi:

“Xin lỗi, tôi tên N, còn cô tên gì?”

Cô trả lời: “Dạ, tôi tên Thu Lan.”

Được trớn, tôi hỏi tiếp: “Cô cũng tới tham dư buổi tiệc?”

Thì cô ấy e lệ, nhẹ nhàng trả lời: “Tôi ở trong phái đoàn tiếp tân của tỉnh Đà Lạt.”

Giọng nói đó đã làm lòng tôi rung động. Tôi từ từ hỏi tiếp:

“Vậy cô đến đây bằng phương tiện gì?”

Cô nói: “Tôi đi chung với mọi người trên chiếc xe Traction.”

Tôi suy nghĩ tìm cách để đưa cô về Đà Lạt bằng máy bay của tôi. Cùng lúc đó Thủ Tướng Khiêm đến tìm tôi nói: “Anh hãy mang máy bay tới Cam Ly, tôi đi trực thăng với PTT Kỳ, ăn trưa xong rồi mới về Sài Gòn.”

Tôi nghĩ thật là trời giúp, đang buồn ngủ mà gặp tấm chiếu manh, đúng với ý định của tôi. Sau khi ông Khiêm quay đi, tôi tới trước mặt cô nói: “Tôi đề nghị với cô là sẽ đưa cô về Đà Lạt.” Cô nhất định từ chối và nói: “Tôi chưa đi máy bay bao giờ, tôi sợ lắm!”

Cô vừa nói, vừa bước ra khỏi quày rượu, tôi cố gắng thuyết phục. Trong khi nói chuyện thì vai tôi đẩy nhẹ vào vai cô, không dám lấy tay, không còn cách từ chối, nên cô đành phải theo tôi ra hướng máy bay. Vì cầu thang lên máy bay hơi cao, tôi đánh bạo dùng hai tay nhấc cô lên. Có một anh trong Phi Hành Đoàn đứng trên giúp kéo cô lên.

Khi vào máy bay, tôi đưa nàng thẳng lên phòng lái ngồi vào ghế Co–Pilot rồi bắt đầu đề máy. Máy bay từ từ taxi ra đầu phi đạo sẵn sàng cất cánh. Sau khi kiểm soát dây an toàn cho nàng, tôi cho tàu từ từ lăn bánh trên phi đạo. Với vận tốc tăng dần hơn, khi thấy đủ sức để cất cánh, tôi cho tàu nhẹ nhàng rời mặt đất và đóng bánh lại, tốc độ tăng dần cao độ, tôi nghiêng cánh hướng về Cam Ly.

Phi trường Cam Ly nhỏ, nhiều đồi núi rất nguy hiểm khi đáp xuống. Tàu vừa bình phi, thì thấy phi trường Cam Ly, tôi bắt đầu thả bánh đáp sẵn sàng hạ cánh và cố gắng cho bánh chạm nhẹ nhàng lên phi đạo để nàng khỏi sợ, vì là lần đầu tiên đi máy bay.

Sau khi đáp, tôi cho tàu taxi từ từ vào bãi đậu. Lúc đó có một chiếc xe Jeep của Tòa Tỉnh biệt phái cho Phi Hành Đoàn, anh tài xế ra ngồi phía sau, tôi lái nàng ngồi kế bên, mái tóc nàng bồng bềnh bay trong gió, tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc nhẹ lâng trong lòng.

Ngày xưa gió thổi tóc em bay
Quấn lấy hồn ta bao ngất ngây
.”

Xe dừng lại trước cửa, tôi giúp mang xách tay rồi đưa nàng vào nhà, xong nói đôi lời từ giã và hẹn ngày trở lại. Trên đường trở về phi trường, tôi thấy lòng mình nao nao vì mất đi giây phút thật hạnh phúc bên nàng, giờ đành phải chia tay

Dẫu chút tình thôi ngày hôm ấy
Xa rồi anh nhớ đêm qua đêm
.”

Về tới Sài Gòn, nhưng trái tim tôi để lại Đà Lạt. Từ đó về sau, những phi vụ đi Đà Lạt hay Cam Ly đều có tên tôi và thường xuyên lên Đà Lạt để gặp nàng.

Ôi bước chân mềm mại,
đã đi vào đời người,
như từng viên đá cuội,
rớt vào lòng biển khơi.
..”

Khi viên đá rơi xuống mặt nước, tạo ra những gợn sóng từ từ lan rộng ra, cũng như tình tôi yêu nàng, càng ngày càng thắm thiết hơn.

Có lần đi công tác tới Đài Loan, trên đường về ghé qua Hong Kong được nghỉ 2 ngày, tôi đi mua vài món quà tặng nàng để làm kỷ niệm. Về đến Sài Gòn, vài ngày sau đó có chuyến bay đi Cam ly, và tên tôi được chỉ định để bay chuyến bay này. Lại một lần nữa buồn ngủ gặp tấm chiếu manh, tôi lấy làm vui sướng nhận chuyến công tác này.

Khi tới Đà Lạt, thăm nàng tại nhà, trong tất cả những món quà, nàng thích nhất là con búp bê mở mắt và nhắm mắt được. Nàng vui sướng với con búp bê nhưng đâu biết lòng tôi đang vui sướng hơn nàng. Cũng nhờ con búp bê này mà tôi thấy được trái tim nàng đang rung động.

Tôi nói: “Nhân dịp ghé Hong Kong anh mua ít quà tặng em để được nhìn thấy em vui.”

Nàng nói: “Cám ơn anh, em vui lắm, nhưng không phải vì những món quà này, mà vui vì được gặp lại anh.”

Nghe những lời nói này, tôi cảm thấy lòng mình dâng lên một niềm hạnh phúc.

Nhìn cuộc tình,
đang trôi theo vào dòng đời,
và từ đó hai đứa mình yêu nhau
...”

Tôi quen nàng từ năm 1967 đến 1968, ông bà nhạc cũng quý mến mình, chúng tôi đi đến hôn nhân. Nhưng tình hình chiến tranh lúc đó đã gia tăng cường độ khắp nơi, phải làm đám cưới, mới đem nàng về Sài Gòn được. Tôi xin được một căn nhà trong cư xá sĩ quan để sau khi đám cưới hai đứa về ở. Nhờ quen biết, tôi đưa nàng vào làm việc bên Air Việt Nam, làm Tiếp Viên Hàng Không.

Lúc đó hai đứa sống thật là hạnh phúc bên nhau. Tôi cùng Thu Lan thường đi dự những buổi tiệc do anh em Không Quân tổ chức ở câu lạc bộ Mây Bốn Phương Trời và Huỳnh Hữu Bạc. Thu Lan làm tôi hết sức ngạc nhiên vì có lần nàng tỏ ý muốn hát tặng tôi bài “Tuyết Trắng” và “Đà Lạt Hoàng Hôn” rất hay, tôi thích vô cùng mà sau này mỗi lần nghe 2 bài hát này là tôi nhớ đến nàng.

Thời cuộc đưa đẩy đời binh nghiệp, vì nhu cầu nên tôi phải đi học khóa Tham Mưu Trung Cấp ở Nha Trang, sau đó tôi được vinh thăng trung tá. Cô em nàng tên Huệ từ Đà Lạt tới lui thường xuyên thăm nàng trong lúc tôi xa nhà. Cũng thời gian đó có một anh bạn của chúng tôi, anh là đại úy Không Quân tên T. cũng thường lui tới đeo đuổi cô Huệ. Đến ngày mãn khóa, hai chị em ra Nha Trang để dự lễ ra trường. Những ngày lưu lại Nha Trang, chúng tôi cũng có những kỷ niệm thật êm đềm. Tôi đưa hai chị em đi tắm biển, ngắm cảnh Nha Trang, thưởng thức đồ biển, đi chơi cầu Xóm Bóng...

Sau ngày mãn khóa, tôi đưa hai chị em về lại Sài Gòn, Huệ trở về Đà Lạt với ba mẹ. Cô Huệ được bổ nhiệm làm thư ký ở quận Sông Pha. Không may, có một chuyện kinh hoàng xảy ra cho cô. Một tên lưu manh, cô cũng có chút quen biết, chuyên lường gạt mà cô không ngờ trong công việc làm ăn. Lúc đó cô Huệ sắp đính hôn với một anh trung úy Hải Quân vào tháng mười một, 1968. Tên lường gạt đó tên Hoàng, thiếu úy Địa Phương Quân, nói với cô Huệ là có một việc làm ăn lớn, anh cần một số tiền khoảng 2 triệu sẽ được lời gấp đôi.

Cô Huệ là một người con rất hiếu thảo, cô muốn trước khi lấy chồng phải có một số tiền để lại cho ba mẹ, số tiền 2 triệu gom góp từ Thu Lan và cô. Ở đời, không ai biết được chữ ngờ. Lúc đó tôi và Thu Lan đang ở Sài Gòn không biết chuyện gì xảy ra cho cô ở Đà Lạt. Theo gia đình kể lại thì ngày hôm đó, tên lường gạt thay vì đưa Huệ vào Cam Ly rồi đi Sài Gòn, hắn lại đưa cô đi lên ấp Đa Thiện, một vùng rất vắng vẻ để hạ sát và lấy tiền cô bằng 3 phát súng vào lưng, cô chết liền tại chỗ. Sự việc xảy ra, nhờ một bé trai khoảng 10 tuổi nhìn thấy, sau này đứa bé cung khai và cuối cùng Cảnh sát bắt được tên lưu manh này.

Lúc đó tôi đang làm việc ở Tân Sơn Nhất, nghe tin tôi cùng Thu Lan đi ngay lên Đà Lạt để đưa Huệ tới nơi an nghĩ cuối cùng, sau đó chúng tôi trở về Sài gòn. Thấy Thu Lan quá đau khổ, khóc ngày, khóc đêm vì mất một người em thân thương. Tôi bèn an ủi Thu Lan: “Anh có một người anh làm Tổng Trưởng Tư Pháp, ông ấy có thể giúp cho người điều tra làm rõ sự việc để xử thủ phạm.” Thật sự tôi muốn Thu Lan bớt đau khổ chớ sự việc đã rồi.

“Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.” Một chuyện không may khác lại xảy đến với chúng tôi. Từ Phù Cát, tôi được lệnh phải đi Phan Rang để thực tập bay một loại máy bay Caribou (C–7) khoảng một tháng, tôi phải xa nhà để nàng nhớ thương. Vì tin một người bạn thân tên T. như đã nói ở phần trên, tôi mới nhờ anh giúp đỡ Thu Lan trong khi tôi xa nhà. Anh đã có tình ý và thường tới lui với Thu Lan, anh dựng chuyện nói là tôi có bồ, đàn em của anh ngoài đó nói cho anh biết.

Cùng lúc đó là thời gian Mỹ rút quân nên giao cho Không Quân VN ba Phi Đoàn C–7. Tôi rất bận rộn, Thu Lan nghe tin tôi có bồ, nàng đòi ra ở chung, tôi nói không được vì rất bận rộn công vụ. Như thường lệ chúng tôi vẫn nói chuyện trên điện thoại, bỗng nhiên tôi cảm nhận được sự thay đổi của Thu Lan qua những lời nói trên điện thoại.

Một ngày cuối tuần bay về Sài Gòn, tôi sang Nha Khai Thác Hàng Không, để đón nàng đi ăn trưa ở một quán nhỏ trong khu vực Nha Hàng Không Dân Sự. Bất ngờ, tôi thấy tên T. bước vào mà từ trước tới giờ tôi thấy hắn không bao giờ vào đây. Hắn đến chỉ chào tôi, tôi thấy hắn mang lon thiếu tá, hắn không chào hỏi Thu Lan như trước đây. Tôi nhìn hắn và nói hơi to tiếng: “Anh T. ngồi xuống đây tôi muốn nói chuyện với anh.”

Hắn ngồi xuống thì Thu Lan sợ tôi gây chuyện lớn, nàng bỏ đi ra ngoài xe. Tôi giận quá, đi theo ra mở cửa đẩy nàng vào ghế sau. Thay vì chở về chỗ làm, tôi chở nàng về nhà vì tức giận người đàn bà mà mình yêu mến lại phản bội, dù rằng chưa rõ trắng đen.

Về tới nhà tôi xô nàng vô nhà, không ngờ đầu nàng lại va vào tường chảy máu, nhưng không nặng lắm. Nàng khóc và nói: “Em không ngờ anh lại có hành động vũ phu với em!” Khi nàng nói như vậy, tôi càng nổi nóng thêm định giết nàng, tôi rút súng ra lên đạn, không ngờ cây súng bị cướp cò, nổ lên một tiếng lớn làm cho tôi tỉnh lại.

Cùng lúc đó, tên T. gõ cửa, tôi mở cửa, vì muốn biết rõ ràng đầu đuôi để giải quyết, tôi cho hắn vào. Tôi nói: “Bây giờ giữa ba người hãy thành thật nói cho tôi biết để giải quyết.” Nàng không nói gì, chỉ ôm mặt khóc. Tên T. lên tiếng nói: “Giữa tôi và Thu Lan không có chuyện gì đáng tiếc để anh nghi ngờ, chỉ là tình bạn vì thấy em Huệ mới chết, tôi tới lui với Thu Lan để an ủi mà thôi.” Tôi cảm thấy hơi nguôi lòng đôi chút. Tôi mời anh T. đi ra khỏi nhà tôi.

Sau khi anh T. ra về, Thu Lan nói: “Anh bắt đầu có hành động vũ phu, thôi thì đường ai nấy đi!” Tôi xuống giọng xin lỗi nàng nhiều lần nhưng nàng nhất quyết ra đi. Tôi trở ra Phan Rang với cõi lòng tan nát, tôi bắt đầu mượn rượu để quên đời. Mấy người bạn Pilot Mỹ đêm nào cũng rủ tôi đi uống rượu. Sức và tửu lượng mình đâu bằng họ, đêm nào tôi cũng uống rượu tới khuya, say mềm. Họ đưa về trước cửa, tôi phải bò vào phòng.

Ra căn cứ Phan Rang. Khoảng một tháng sau đó, đàn em cho tôi biết tin nàng đã dọn đồ ra và tới nhà bà chị ở đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn. Xa nàng tôi cảm thấy nhớ nhiều về kỷ niệm, tôi muốn trở lại những ngày đầu quen nàng.

Ngày xưa gió thổi tóc em bay
Quấn lấy hồn ta bao ngất ngây
Giờ ôm kỷ niệm, ôm thương nhớ
Em đó anh đây sao đắng cay
.”

Mãn hạn kỳ huấn luyện ở Phan Rang, tôi chuyển về Cam Ranh để bay những phi vụ tiếp tế cho các tiền đồn ở biên giới như Ben Het, Tống Lê Chân, Ba Tơ, Tiên Phước, Thượng Đức... Ở Cam Ranh được một tháng. Thời gian ở đây, tôi tiếp tục đi uống rượu để quên đi những u buồn.

Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai
.”

Sau đó, tôi ra Phù Cát để nhận một Phi Đoàn Của Mỹ giao lại. Thời gian bận rộn này đã làm tôi vơi bớt nỗi buồn phần nào, tôi được giao nhiều trách nhiệm để thành lập cơ sở Phi Đoàn. Sau khi đơn vị tạm ổn định, tôi liền bay về Tân Sơn Nhất ghé thăm một người bạn ở Không Đoàn 33, Phòng Hành Quân. Khi tôi ngồi xuống ghế, thấy có một điện thoại hơi lạ, tôi liền hỏi người bạn, anh cho biết là điện thoại có đường dây trực tiếp qua Air Việt Nam (loại điện thoại đặc biệt khi nhấc lên thì đầu bên Air Việt Nam tự động reo). Tôi bèn nhấc điện thoại lên thì nghe tiếng phụ nữ:

“A Lô!”

Tôi nói: “Cho tôi xin nói chuyện với Thu Lan được không?”

Không ngờ Thu Lan trả lời: “Anh đó hả?”

Tôi nói: “Đúng là anh đây.”

Thu Lan: “Em cần gặp anh gấp.”

Tôi tiếp: “Nghe tin tên T. mua lễ vật để cưới em, anh có món quà để tặng em.”

Thu Lan: “Nhưng em muốn gặp anh ngay bây giờ.”

Lúc đó cảm thấy lòng mình quên hết mọi giận hờn, không thể nào từ chối được. Tôi liền lái xe tới chỗ nàng làm. Khi gặp nhau nàng thú thật và nói trong tiếng khóc: “Khi xa nhau, em nhớ thương anh rất nhiều, em không muốn xa anh nữa!” Nghe những lời nói đó nói, tôi cảm thấy thương nàng hơn bao giờ hết.

Tình ngỡ đã phôi pha
Nhưng tình vẫn còn đầy
Người ngỡ đã đi xa
Nhưng người vẫn quanh đây
...”

Tôi lái xe qua Air Việt Nam ngay và cùng nhau đi ăn. Trên đường đi nàng nói:

“Vậy thì đầu tháng này em lấy phép 10 ngày để về thăm ba má, ngày 4 Tây anh có đón em tại Phan Rang được không?”

Tôi nói: “Dĩ nhiên là phải được, lệnh của Nữ Hoàng mà!”

Từ Phan Rang tôi đưa nàng về Phù Cát và biết trân quý từng giây hạnh phúc của một Tuần Trăng Mật tại đây.

Hôm nay thời gian đứng yên lắng động,
cho đôi tình nhân đắm trong giấc mộng
...”

Thời gian một tuần ở Phù Cát trôi qua chớp nhoáng, tôi phải đưa nàng về Sài Gòn để làm việc. Không hiểu sao tôi cảm thấy lo lắng cho nàng nhiều. Trước khi chia tay trở về Phù Cát tôi nói:

“Em à! Bây giờ anh khuyên em nên cẩn thận khi giao du với tên T., hắn có mời em đi đâu em nên từ chối.”

Thu Lan nói: “Em biết rồi.”

Trở lại Phù Cát, lúc này tôi rất hăng hái làm việc. Sau một thời gian ngắn tôi trở về Sài Gòn và qua Air Việt Nam rước nàng đi ăn tại một nhà hàng ở trong phi trường Tân Sơn Nhất.

Trong khi ăn thì tôi thấy tên T. Bước vào, vì nàng ngồi đối diện với tôi nên không thấy, tôi nói với Thu Lan:

“Tên T. Đến kìa.”

Đồng thời tôi quay đầu qua nhìn hắn nói: “Anh có việc gì cần, tôi mời anh ngồi xuống nói chuyện, vì đây là bàn của chúng tôi.”

Hắn không trả lời, tự động kéo ghế ngồi kế bên Thu Lan và nói: “Tại sao Lan thay đổi?”

Thu Lan trả lời: “Anh T. à, anh N. đã bằng lòng cho tôi ra đi mà, cho dù có thể chiếm được thể xác tôi, nhưng anh không thể chiếm được tâm hồn tôi, vì tâm hồn tôi đã trao chọn cho anh N. rồi.”

Tên T. Nói: “Anh chấp nhận như vậy.”

Thu Lan nói: “Anh chấp nhận nhưng tôi không thể làm như vậy được. Về làm vợ anh mà tâm hồn tôi đã gởi trọn cho anh N. rồi, nếu tôi chấp nhận lời cầu hôn của anh, thì tôi là một người vợ ngoại tình. Đó là điều mà tôi tối kỵ nhứt.”

Tên T. nói: “Đã mua quà cáp để làm đám cưới, tại sao Lan thay đổi?”

Thu Lan nói tiếp: “Những gì anh mua sắm để cưới tôi, anh còn đang giữ tất cả, thì đối với những món quà đó, anh có thể cưới 100 người vợ khác cơ mà.”

Hắn trầm mặt xuống và nói: “Tôi yêu cầu Lan đến nhà nói với ba mẹ tôi là tại sao Lan từ chối cuộc hôn nhân này.”

Thu Lan nói: “Nếu một người đàn ông bị từ chối thì đâu có gì xấu, nhưng đối với người đàn bà thì ngược lại.”

Thu Lan xoay qua hỏi tôi: “Anh nghĩ sao về lời yêu cầu của anh T.?”

Tôi nói: “Em nghĩ nếu có thể làm được, thì em cứ làm, anh không cản trở.”

Thu Lan nói: “Em sẽ làm nhưng với điều kiện là anh đi với em.”

Tôi nói: “Được, anh sẽ đi với em nếu em muốn.”

Sau một phút im lặng, tôi nhìn đồng hồ thấy tới giờ Thu Lan phải trở lại làm việc. Chúng tôi rời nhà hàng. Đi đến thang lầu, tôi bảo Thu Lan:

“Thôi em đi làm đi.”

Khi ra tới xe, tôi hỏi tên T.:

“Anh có quyết định ngày nào chưa?”

Hắn nói: “Thôi, đến khi nào thuận tiện, tôi sẽ cho anh biết.”

Sau đó mỗi người đi mỗi ngả, lúc đó khoảng 12:00 trưa.

Cùng ngày hôm đó, vào lúc 3 giờ chiều, người bên Air Việt Nam thông báo cho tôi biết tên T. bắn Thu Lan 3 phát súng (cũng giống y chang cô Huệ, em nàng), Thu Lan ngã xuống và bị thương rất nặng, được chở xuống bệnh xá Sài Gòn trên đường Nguyễn Huệ, gần Ty Cảnh Sát Lê Văn Ken, tên T. cũng tự sát bằng cây súng P–38 của hắn.

Sau khi nghe tin, tôi tối tăm mày mặt vì không ngờ sự việc xảy ra như vậy, tôi liền phóng xe vượt qua cả đèn đỏ. Khi tới đó, được nhân viên bệnh xá cho biết trường hợp quá nặng, nên họ đã chuyễn nàng đến bệnh viện Chợ Rẫy, tôi cấp tốc chạy vào đó. Vừa bước vô thì Thu Lan òa lên khóc nức nở, tôi nắm tay nàng và nói vài lời an ủi.

Tôi đến gặp người y tá trưởng, lúc đó vào khoảng 7:30 tối, anh bắt tay tôi và nói: “Tình trạng này bác sĩ đã quyết định 8:00 sáng mai sẽ mổ, trường hợp này tôi thấy 10 người chết hết 9, vậy tôi đề nghị nếu ông xin vào bệnh viện Long Bình hoặc Bệnh Viện 3 Dã chiến (Mỹ) thì hy vọng cứu được.”

Tôi trở qua nàng nói thêm vài lời an ủi. Cuối cùng cũng xin cho nàng được vào Bệnh Viện 3 Dã Chiến. Khi đến đó vào khoảng 3:30 khuya, thì nàng được đưa lên bàn mổ ngay do bác sĩ Mỹ thực hiện ca mổ, xong đưa qua phòng Hồi Sinh và nằm đó được 5 ngày rồi được chuyển qua phòng thường để tịnh dưỡng.

Tới ngày thứ 24 Thu Lan được giấy xuất viện, bác sĩ gọi tôi vào nói: “Bệnh này không thể trở lại bình thường được và phải chịu tàn tật suốt đời.” Sau đó tôi đem nàng về Phù Cát, ở đó tôi săn sóc cho nàng được hơn 3 tháng. Trong thời gian ấy, tôi rất là đau khổ vì biết rằng nàng không bao giờ trở lại bình thường, tôi cũng có đôi lời cảm ơn bác sĩ của Bệnh Xá Không Quân ở Phù Cát.

Vì công vụ, tôi không thể bên nàng để săn sóc lâu dài như ý muốn mình được, tôi nói với nàng:

“Bây giờ anh phải đưa em về Đà Lạt cho ba má chăm sóc kỹ lưỡng hơn.”

Khi nghe tôi nói, nàng phản đối ngay: “Em muốn khi chết được bên cạnh anh!”

nhưng cuối cùng nàng nghe lời tôi, đồng ý về Đà Lạt.

Trong thời gian này do bác sĩ Việt Nam phụ trách, và ở nhà nhận ra rằng càng ngày nàng càng yếu đi, ba nàng thấy vậy, chở ra Bệnh Viện Đồng Đế, Nha Trang để điều trị. Khoảng thời gian đó tôi rất bận rộn vì đơn vị mới thành lập, không về được. Có một ngày vào lúc 6:00 giờ sáng, chuông điện thoại của tôi reo lên và đầu dây bên kia nói:

“Tôi là Trung úy Tuyên úy Tin Lành của Bệnh Viện Đồng Đế, cho tôi xin nói chuyện với ông N.”

Tôi trả lời: “Tôi đây.”

Ông Tuyên úy Tin Lành nói: “Bà L.T.Thu Lan đang hấp hối muốn ông về gấp.”

Tôi liền kiểm soát tất cả Phi Đoàn thì không có chuyến bay nào đi Nha Trang. Vào hôm đó vì trời bão. Qua ngày sau, tôi về được Nha Trang và được thông báo thi hài nàng đã được gia đình đưa về Đà Lạt bằng xe, tôi tức tốc bay lên Đà Lạt được (Vì đây là một phi vụ huấn luyện). Khi tôi về tới nhà, thi hài nàng vẫn còn nằm đó nhưng không nhắm mắt. Người em gái nàng kể lại trước khi chết, Thu Lan gọi tên tôi nhiều lần thật thống thiết! Nước mắt tôi tuôn trào. Cha nàng bảo tôi đến vuốt mắt nàng, sau khi tôi vuốt mắt thì Thu Lan nhắm lại.

Người Phi Công ngày nào giờ đây tóc đã bạc trắng cả mái đầu, ngồi viết lại một chuyện tình tuy ngắn ngủi nhưng đầy nước mắt. Có những buổi chiều buồn, người Phi Công ấy ngồi một mình lặng ngắm mây trôi như nhìn vào những kỷ niệm xa xưa trôi dần vào quá khứ, nhưng bóng hình người yêu thỉnh thoảng cũng trở về trong giấc mơ.

Ngày tháng nào đã ra đi,
khi ta còn ngồi lại,
cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây.
Từ một ngày tình ta núi rừng cúi đầu,
ôi tiếng buồn rơi đều,
nhìn lại mình đời đã xanh rêu
...”

Một chút hương xưa cũng đủ rồi
Cho tôi trở lại tháng ngày ơi
Để tôi tìm những dòng thơ cũ
Mà nhớ mà thương một bóng người
.”

(Viết xong ngày 16 tháng 7 năm 2011)
Nguyễn Hiếu

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by psxh chuyển

 

Đăng ngày Thứ Tư, June 16, 2021
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang