Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
LS Hải
Tác giả:
Điệp Mỹ Linh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Luật sư Nguyễn Ngọc Hải và
Điệp Mỹ Linh
trong đêm ra mắt tác phẩm Bước Chân Non
tại
Hyatt Regency Houston West
Nhận được email của anh
Đỗ Kim Bảng – cựu sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa – báo tin
luật sư Nguyễn Ngọc Hải qua đời, tôi ngồi bất động!
Trong nỗi ngậm ngùi, tôi tưởng như có
thể thấy lại được hình ảnh anh Hải với Acoustic Guitar và giọng
hát nồng nàn trong những ca khúc mang tình tự dân tộc. Đôi khi
anh Hải cùng luật sư Nguyễn Tiến Đạt song ca những ca khúc vui
tươi mà ban AVT đã một thời chinh phục khán thính giả của Sài Gòn
“xưa”.
Những
ngày vui xưa của nhóm người Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại Houston
là thời điểm cuối thập niên 70 đến cuối thập niên 80.
Tôi không nhớ bắt đầu từ lúc nào/tại
nhà ai và vị nào là nhân vật khởi xướng những buổi họp mặt cuối
tuần. Tôi chỉ nhớ những buổi sinh hoạt văn nghệ đầu tiên mà tôi
tham dự, được tổ chức tại nhà anh chị Hải, có thức ăn ngon và văn
nghệ “cây nhà lá vườn”. Anh chị Hải dành một phòng riêng, trên
lầu, được trang trí như một hý viện thu hẹp; chỉ dành cho nam nữ
nghệ sĩ không chuyên nghiệp tại Houston “trình diễn”.
Hầu như trong các buổi “trình diễn” chỉ
có anh Hải – đàn Acoustic Guitar/Keyboard – và luật sư Nguyễn
Tiến Đạt, đàn Acoustic Guitar, là hai nhân vật chính; còn những
nghệ sĩ không chuyên nghiệp khác, chỉ khi nào được yêu cầu mới
dám cầm micro. Sau khi cầm micro, người hát chỉ cần cho anh Hải
biết “tông” và nhịp của bản nhạc là anh Hải đệm Guitar để vị đó
hát.
Chỉ một
thời gian sau, tôi không nhớ ai đề nghị hoặc lý do nào, những
buổi trình diễn văn nghệ “bỏ túi” được luân lưu trong nhóm nghệ
sĩ không chuyên nghiệp. Tôi chỉ nhớ, dường như nơi đầu tiên, sau
khi nhóm nghệ sĩ không chuyên nghiệp rời tư thất của anh chị Hải
là căn phòng trên lầu của phòng mạch bác sĩ Nguyễn Đình Phùng; về
sau, các buổi họp mặt được dời về tư thất của bác sĩ Nguyễn Đình
Phùng và nhà văn Mặc Bích; tư thất của bác sĩ Bửu Châu và dược sĩ
Hạnh Phước; tư thất của bác sĩ và bà Chu Bá Bằng; tư thất của bác
sĩ và bà Trần Văn Thuần; tư thất của cựu Hải Quân trung tá Hồ
Quang Minh và Điệp Mỹ Linh; và vài địa điểm khác mà tôi không thể
nhớ được.
Thời
điểm đó chưa có nhiều tiệm ăn hoặc chợ Việt Nam; chỉ có chợ Tàu
dưới Downtown mà cũng chẳng có nhiều thực phẩm Á Đông; do đó, mỗi
khi họp mặt tại nhà ai thì “bà chủ nhà” phải nấu thức ăn đãi bạn
hữu chứ không thể đặt mua như bây giờ. Riêng tôi, phải đến tư
thất của tiến sĩ kiêm nhà thơ Huy Lực Bùi Tiến Khôi để nhờ phu
nhân của nhà thơ chỉ cách đúc bánh cuốn.
Trong những buổi họp mặt cuối tuần,
luật sư Nguyễn Ngọc Hải đàn Acoustic Guitar, bác sĩ Nguyễn Đình
Phùng hoặc bác sĩ Bửu Châu đàn Keyboard cho “ca sĩ” hát. Chị
Hoàng Nga – phu nhân của nha sĩ Trần Nam Hải và cũng là cháu gọi
nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bằng Chú – có thể được xem như giọng ca
chính; vì giọng của Chị trong, ngân dài và Chị hát rất đúng nhịp.
Tiếng hát của một vị nữ lưu khác, phu nhân của bác sĩ Chu Bá
Bằng, cũng không kém tuyệt vời.
Nếu phu nhân của bác sĩ Chu Bá Bằng và
chị Hoàng Nga có thể đại diện cho bên nữ thì bên nam anh Hải là
nhân vật chính. Anh Hải – với giọng ténor cao vút – vừa đệm
Guitar vừa trình bày những ca khúc rất khó hát như Vọng Ngày
Xanh/Chiều Tà/Hòn Vọng Phu/Tình Quê Hương...
Riêng Điệp Mỹ Linh – vì chưa ai biết
tôi từng chơi Accordéon – thỉnh thoảng cũng bị yêu cầu hát. Tôi
thường hát những tình khúc lãng mạn và buồn.
Một hôm, muốn thay đổi không khí buổi
họp mặt, anh Bửu Châu mở băng nhạc ngoại quốc và ngỏ lời: Nếu cặp
nào muốn nhảy, cứ tự nhiên, mời ra “sàn nhảy”.
Chưa cặp nào dám ra “sàn nhảy” cả. Bất
ngờ nghe băng nhạc phát ra điệu Valse quen thuộc, tôi lặng người;
vì dòng nhạc đang ray rứt hồn tôi! Giữa khi đang bị niềm xúc động
dâng đầy, tôi nghe giọng Huế:
– Răng chị Điệp Mỹ Linh buồn dữ rứa?
Giật mình, nhận ra anh Bửu Châu, tôi
lúng túng đáp:
– Dạ... dạ... thưa anh, nghe nhạc khúc
Étoile des Neiges em... chịu không được!
– Tại răng rứa?
Tôi im lặng, không thể giải thích. Anh
Bửu Châu nhìn Minh, như ngầm hỏi. Minh đáp:
– Bài này hồi xưa bà xã của Minh thường
đàn; bây giờ nghe lại bà ấy bị xúc động!
– Rứa chị Điệp Mỹ Linh chơi đàn chi?
– Accordéon.
Anh Bửu Châu reo lên:
– Ui chao! Rứa thì mời chị đàn cho vui.
Minh đáp không thật:
– Năm 1975, rời Sài Gòn gấp quá, chúng
tôi không thể đem theo cây đàn.
Không ngờ bác sĩ Hồ Vương Minh đứng
cạnh, đề nghị:
– Con tôi học Accordéon. Nhà tôi gần
đây. Tôi về đem Accordéon tới, chị Điệp Mỹ Linh đàn, nha!
Khi anh Hồ Vương Minh đem Accordéon
đến, tôi nhờ anh để ngoài sân sau, cạnh hồ bơi. Nơi đây vắng
người, tôi đàn lại xem tôi còn nhớ được bao nhiêu phần trăm –
trước khi tôi đàn cho bạn hữu cùng nghe.
Không ngờ, sau khi tôi đem Accordéon
vào lại phòng khách, anh Bửu Châu và anh Hải đề nghị cả hai anh
sẽ cùng tôi hợp tấu nhạc khúc Étoile des Neiges.
Thật tình, tôi vừa đàn vừa... run; vì
bỏ đàn lâu quá tôi cứ ngại sẽ bị lỗi nhịp. Và tôi không chắc là
tôi có thể nhớ trọn bài. Thế mà mọi việc đều êm xuôi.
Năm 1987, tôi ra mắt tập truyện Bước
Chân Non tại Hyatt Regency Houston West, góc đường Highway 6 và
I–10. Tôi nhờ anh Hải phụ trách phần văn nghệ.
Buổi ra mắt tác phẩm Bước Chân Non được
tổ chức tại phòng khánh tiết chính của Hyatt Regency và được đặt
dưới sự “điều động” của tiến sĩ Dương Đức Nhự – cựu giáo sư đại
học Văn Khoa Sài Gòn – và sự giới thiệu của các diễn giả như:
Luật sư Dương Như Nguyện, giáo sư Luật tại University of Denver;
nhà văn Nguyễn Văn Sâm, cựu giáo sư đại học Văn Khoa Sài Gòn;
giáo sư Trần Đình Vinh, nguyên giáo sư đại học Khoa học Sài Gòn.
Trong khi quan khách ký tên lưu niệm
thì tiếng Organ của anh Hải rộn ràng trong những cung đàn vui.
Khi anh Hải chuyển sang tình khúc êm dịu, mọi người vừa lắng nghe
vừa “nhâm nhi” bánh ngọt vừa thăm hỏi nhau. Lúc tiếng Bass của
Organ trở nên dồn dập thì nhiều người cười tươi và đôi vai “lắc
lắc” một cách nhẹ nhàng.
Không ngờ, sau buổi ra mắt sách của
Điệp Mỹ Linh, anh Bửu Châu lâm trọng bệnh! Từ đó, các buổi họp
mặt cuối tuần không còn nữa.
Trong những lần Câu Lạc Bộ Luật Khoa –
do luật sư Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng điều hành – họp mặt, không có
văn nghệ, tôi chỉ thấy anh Nguyễn Ngọc Hải tham dự đôi lần. Rồi
thôi!
Trong
nhóm “nghệ sĩ không chuyên nghiệp”, anh Bửu Châu là người đầu
tiên “bỏ cuộc chơi”. Tiếp đến là nha sĩ Trần Nam Hải; rồi cựu Hải
Quân Trung tá Hồ Quang Minh; Luật sư Nguyễn Tiến Đạt... và ai
nữa? Tôi không thể nhớ được!
Bây giờ, luật sư Nguyễn Ngọc Hải –
người bạn văn nghệ đầy tài năng, đã một thời đem niềm vui đến cho
nhóm người Việt ly hương tại thành phố Houston – cũng “ra đi”!
Mong rằng luật sư Nguyễn Ngọc Hải, bác
sĩ Bửu Châu, Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh, nha sĩ Trần Nam Hải
và luật sư Nguyễn Tiến Đạt sẽ “gặp lại” nhau để cùng tiếc nhớ
những ngày vui xưa!
Điệp Mỹ Linh
https://www.diepmylinh.com
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Điệp Mỹ Linh chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, August 9,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang