Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút Ký
Chủ đề:
họp bạn
Tác giả: BP

ĐÊM MÀU HỒNG

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Quả tình tôi không nhớ nó nằm trong một hotel cao đến 11 tầng, Hotel Catinat, 36 Nguyễn Huệ Sài Gòn. Ông Hoàng hải Thủy cho biết tầng chót (11) là phòng tập Thể Dục Thẩm Mỹ “Golden Health Club” của Hotel. Dù chưa bao giờ vào đó nhưng năm xưa, nhiều đêm chạy qua Hotel Catinat, nghe tiếng nhạc vọng xuống, tôi nghĩ “Đêm Màu Hồng” nằm ở tầng 1 (?)

 

 

Đêm Màu Hồng! Trước 1975, cuối thập niên 60s, đầu thập niên 70s, dân Sài Gòn, có ai mà không một lần nghe tên “Đêm Màu Hồng”? “Phòng trà” Đêm Màu Hồng, 1 trong 5 “phòng trà” nổi tiếng nhất thủ đô: Queen Bee, Tự Do, Maxim’s, Ritz’s (gọi là “phòng trà” nhưng không viết “tee room” mà là “night club” (hộp đêm). Không như các phòng trà khác, đa số ca sĩ chạy qua, chạy lại hát (Khánh Ly, Lệ Thu, v.v.). Đêm Màu Hồng là nơi đóng đô của ban Thăng Long, với Thái Thanh, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung, giản dị vì “Đêm Màu Hồng” là của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (thuê trong hotel Catinat của dân biểu Trần quý Phong). Tên phòng trà là tên một trong 2 ca khúc nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ “Bài ngợi ca tình yêu” (1964) của người bạn thân Thanh Tâm Tuyền: “Đêm Màu Hồng” (tặng Thanh Tâm Tuyền và Vũ Khắc Khoan) và “Bài ngợi ca tình yêu” (Tặng cho chính tôi, i.e., PĐC)

Tôi chờ đợi
Lớn lên cùng giông bão
Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
Tìm cánh tay nước biển
Con ngựa buồn
Lửa trốn con ngươi
....

Em là lá biếc, là mây cao là tiếng hát
Sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương
Em là cánh hoa là sương khói
Đêm màu hồng
...”
–(Bài ngợi ca tình yêu/Thanh Tâm Tuyền – 1964)

“Đêm màu hồng” cũng là nơi đóng đô của băng “Cái Bang”: Mai Thảo, (Phạm đình Chương), Thanh Nam, Thanh Tâm Tuyền, Vũ khắc Khoan, Văn Quang, Mặc Đỗ, Phan lạc Phúc, v.v. Ông Phan kể:

“Đây là một phòng trà gợi nhớ. Nhớ về những bài hát xa xưa, về một thuở mộng mơ đã tắt, về một khung cảnh Việt Nam đã xa, về một ban Hợp ca Thăng Long đã tàn”. Phạm Đình Chương đi từ bàn này sang bàn khác cụng ly cùng người mộ điệu hoặc lên sân khấu giới thiệu một bài hát vừa được yêu cầu. Cái giọng có mang hơi rượu cùng với nụ cười nhếch mép đã tạo nên không khí Đêm Màu Hồng vì phần lớn khách đến đây đều là thân hữu.

Chúng tôi, những buổi phùng trường tác hí là vào khoảng 9, 10 giờ đêm lại tà tà kéo đến Đêm Màu Hồng. Bạn bè có chỗ ngồi riêng, giá biểu riêng. Khẩu vị như thế nào thì chủ quán biết rồi. Vũ Khắc Khoan thì phải Con Thuyền Không Bến, lúc nào cao hứng lại còn phi lên sân khấu mà ngâm “Hồ Trường, Hồ trường ta biết rót về đâu”. Thanh Tâm Tuyền thì phải Mộng Dưới Hoa. Thanh Nam thì Cô Láng Giềng. Hôm nào có mặt tôi, Thái Thanh lại hỏi: Biệt Ly hay Buồn Tàn Thu đây ông? Có bữa Râu Kẽm cảm khái quá liền ôm đàn guitare mà hát một mình (ít khi lắm). Hát tiếng Tây “Un jour si tu m’abandonnes” (Ngày nào, nếu em bỏ ta). Có khi vui anh vui em, Chương bỏ luôn phòng trà cùng Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo kéo lên “Quang Minh Đỉnh”
(*).

Cũng theo ông Phan, ở “Đêm Màu Hồng”, một lần suýt xảy ra “chuyện lớn” giữa một số sỹ quan Nhảy Dù với “thứ trưởng kinh tế” Cung thúc Tiến (Cung Tiến). Do ông Thứ–trưởng–nhạc–sĩ đang ngà ngà, chợt nổi hứng, lên sân khấu, gạt người đang đệm piano sang một bên, mà chơi mấy bài serenade cổ điển! Nhưng kiểng không đỗ mà chỉ có tiếng vỡ của chai la de! Bất bình vì đang nghe nhạc mà bị “phá đám”, một ông mũ đỏ bước lên nắm tay Cung Tiến ngăn không cho đàn, thì nhạc sĩ tỉnh bơ, không thèm ngẩng mặt, hất tay ông “Dù” qua một bên và bảo “đi chỗ khác chơi”! Thế là: dưới này, có tiếng đập chai rượu! Nếu không có ông thầy Vũ khắc Khoan nhận ra vị sĩ quan đó là một học trò cũ của mình (ở Chu văn An hay Văn Khoa gì đó) bước ra can ngăn và người sĩ quan nể thầy “bỏ qua”, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?!

Sau 1975, Đêm Màu Hồng trở thành Đêm Màu Đỏ (!). Người chủ dân biểu (phu quân cuối của Thái Thanh) đi tù 9 năm, người thuê nhạc sĩ vượt biên 1979. ĐMH bị “cướp đi, bán lại” cho bà Trương Mỹ Lan (tên nghe quen quen) xây khách sạn 6 sao đầu tiên ở Việt Nam: The Reverie!
(**)

2009, Đêm Màu Hồng... đầu thai ở Virginia (Hoa Kỳ). Chủ nhân của nó cũng là một ông “Râu Kẽm” (tên nhóm Cái Bang gọi ông Phạm Đình Chương), cũng tài hoa rất mực, bạn bè yêu mến gọi là Lão Gậy (LG), xuất phát từ hai câu lục bát của tác giả, nói về cây gậy “lúc nhỏ, lúc to”, đừng chọc Lão giận đánh cho sặc... đàm (sic).

Khác với ĐMH “tiền kiếp”, ĐMH–Springfield, tôi gọi là ĐMH – Đồng Xuân (spring–field/đồng... xuân là chốn đây/thiên đàng cỏ cây...) do chính tay chủ nhân “dựng nên, làm hết”, tự biên, tự đóng, từ A tới Z. Lão Gậy đã biến cái “basement” nhà mình thành ĐMH: dựng sân khấu, quầy rượu, sơn phết, chạy điện, gắn đèn, trang trí, thiết kế, thiết bị âm thanh (cái này khó nhất), ánh sáng (cái này cũng... khó nhất!), phun khói, v.v. đều một tay Gậy này cả (một gậy làm sáng, làm đêm/hai... tay góp lại thành Đêm Màu Hồng)! Không biết chàng bỏ công, sức bao lâu thì mới xong, chỉ nghe bạn–ta kể lại, hè 2008, sang LG chơi, thì dưới “hầm” chỉ có cái Đêm Màu... Đen thôi: cái Home–Cinema với gần 10 ghế (bây giờ đã tháo bớt) thượng hạng cùng một đống dây nhợ, đồ đạc lủng củng trong một góc, hỏi thì chàng bảo “chờ hứng để làm phòng ca hát, nghe nhạc, nhảy đầm”. Thế mà chỉ một năm sau, 2009, là ĐMH đã mở cửa đón bạn bè. Hứng mà làm... nhanh như thế, ở đây, gọi là hứng vui (trái với hứng... buồn, nhiều khi phải đi bác sĩ!). Cũng khác với... kiếp trước, ở ĐMH–đồng–xuân (ĐMH–ĐX), nhạc nhiều, “nhậu” ít, lại thơm phức mùi... nhang. Không biết những Vi Vân, Diễm Trang, Nguyên Khang, Đoàn Phi, Mai thanh Sơn, v.v. mà tôi thấy xuất hiện trong một số video ĐMH–ĐX thì sao nhưng các ca, nhạc sĩ còn lại đều là bạn hữu, hát “chùa”, chơi “chiền” thôi! Nhất là, khác với chủ nhân Phạm đình Chương của ĐMH–SG, chủ nhân Đặng Q.T. của ĐMH–VA, dù không biết chơi một nhạc cụ nào, vẫn sắm trống, đàn, keyboard, micros, v.v. cho người khác chơi. “Sang” thế đấy. Có bao nhiêu “Mạnh Thường Quân” âm nhạc như thế, tôi không biết. Phần tôi, chỉ biết có một: Lão Gậy–Springfield!

Hỏi tại sao gọi là ĐMH thì chủ nhân trả lời: “Thấy tôi chọn màu hồng để tạo nên một không gian dễ ‘ăn’ ánh sáng, dễ ‘nhập’ âm thanh. Nên một anh bạn gọi là Đêm Màu Hồng. Chứ sức mấy mà tôi dám tái lâp một ĐMH có một không hai của nhạc sĩ lớn Phạm Đình Chương?!”. Chủ nhân nói sao thì mình nghe vậy nhưng tôi thấy bạn tôi khiêm tốn quá! Tuy chưa một lần thưởng thức những tiếng hát ĐMH–SG nhưng tôi dám chắc “dàn” âm thanh, “dàn” đèn của bạn tôi ăn đứt những “dàn” xưa. Chả thế mà âm thanh ĐMH–ĐX nổi tiếng nhất ở VA à?

 

 

Điểm chung giữa hai ĐMH (SG–VA) là “Bằng Hữu”! Làm ĐMH để có chỗ vui với bằng hữu, để bằng hữu vui. Bạn vui. Là tôi vui. Cái “châm ngôn” sống đó của LG, anh em Khoa Học đều biết. Mà phải là bạn thật à nghe!

Tết Giáp Thìn năm nay, LG mời 3 cặp Pháp... Sĩ (nhất sĩ, nhì “sư”) chúng tôi (Genève, Strasbourg, “Paris”) Quy Mã, dự một buổi họp mặt “nhỏ” (mini–họp mặt, chữ của LG) giữa những người bạn Khoa Học Sài Gòn năm xưa (Canada, Cali, Virginia, Pháp, Thụy Sĩ, VN). Dĩ nhiên là chúng tôi OK ngay. OK để chuộc tội, vì lý do riêng, năm 2013, đã không sang ĐMH theo lời hứa với LG (2012), dù 3 cặp chúng tôi không ai theo đạo... hồi cả! Nói là “nhỏ” (mini–họp mặt) nhưng khi nhìn cái liste “tham gia” thì tôi hết hồn, cũng đâu 6, 7 chục người!

Chương trình họp mặt gồm 3 phần:

1. Thứ sáu 6/9 (tiền họp–mặt): Chỉ có dân Khoa Học.

Sáng: viếng “Air Space Museum”; Chiều (17h): chụp hình (nữ áo dài, nếu được, nam phải mặc quần... dài), dạ tiệc, dạ... ca, dạ vũ (“one man band”/Karaoke).

 

 

2. Thứ bảy (họp mặt): Thêm khách mời: ban nhạc, một số bạn quen của chủ nhân, và... Khánh Hà. Vâng, ca sĩ Khánh Hà. Chủ nhân ĐMH chịu chơi, “mời” Khánh Hà làm cái đinh cho đêm 7/9, xem như món quà (tinh thần nhé) tặng anh em.

Sáng: viếng quốc hội Capitol; Chiều (18h): dạ tiệc, dạ vũ, văn nghệ với Khánh Hà và các ca sĩ ĐMH, ban nhạc ĐMH.

 

 

3. Chủ nhật (hậu họp–mặt): dùng trưa, all–you–can–eat buffet.

Trưa 12h (nhà hàng); tối: ghé lại LG “trà dư, tửu hậu” nếu muốn.

Với tôi, đêm thứ sáu là đêm “sympa” nhất. Bởi chỉ có bạn bè Khoa Học, nếu không chung lớp, chung khoa thì cũng chung trường, chung những giảng đường, chung quán cà phê! Tha hồ đùa giỡn. Đã thế lại có màn chụp hình. Ngọ đi, về, áo dài tha thướt/Tôi... chết theo từng bước tiểu thơ! (BP). Dưới ống kính của 2 phó nhòm “chuyên nghiệp” Quang–Cali và Dũng–Ottawa: máy ngon, piles tốt. Cám ơn hai ông rất nhiều! Văn nghệ, tuy cây nhà, lá vườn nhưng cũng tới lắm. Hát hay không bằng hay hát cho nhau.

Nhóm Canada có hai ông Dũng: một ông Dũng con, một ông Dũng Dzù. Ông “con” thì tôi không biết “con gì”, tại sao “con”? Bộ vó chàng thấy còn ngon hơn ông... Ngô Quang Trưởng. Ông “Dzù” thì khác, tay này đô con, oai phong lẫm liệt, nhưng không phải vì thế mà được bạn bè tôn vinh là Dzù. Chả qua là nhờ Bố ông thôi (“Biết bố mày là ai không?” 😂
(***). Bác nguyên là một Đại tá Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù, tốt nghiệp khóa 4 Cương Quyết (1) Thủ Đức (1953–1954).

Khóa 4 Cương Quyết–1 có lẽ là khóa Thủ Đức cung cấp cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhiều vị Tướng, Tá lẫy lừng nhất: 1 Tư Lệnh Quân Đoàn (Ngô quang Trưởng), 1 Tư Lệnh Nhảy Dù (Lê quang Lưỡng), 1 Tư Lệnh TQLC (Bùi thế Lân), 1 Tư Lệnh Sư Đoàn (Nguyễn văn Điềm/SĐ1BB), 2 Phó Tư Lệnh Sư Đoàn (Hồ Trung Hậu/SĐ21BB – Hoàng Tích Thông/SĐ2BB), 2 Tham mưu trưởng Nhảy Dù (Nguyễn Trọng Bảo, Nguyễn thu Lương), v.v. Còn khóa Cương Quyết 2 (4 phụ) có 2 vị tướng: Trần quốc Lịch (Tư Lệnh SĐ5BB); Phạm Duy Tất (BĐQ), 1 Tư lệnh phó (SĐ23BB/Đại tá dù Vũ thế Quang), 2 Đại tá Lữ Đoàn Trưởng TQLC: Ngô văn Định, Phạm Văn Chung (nhà văn Giao Chỉ, Đại tá Vũ văn Lộc cũng tốt nghiệp khóa 4–phụ này). Như các bạn đồng khóa kể trên, lon lá toàn lên ngoài chiến trường, giữa tháng 4/1975, đang nắm Lữ Đoàn II Dù ở mặt trận Phan Rang, sau khi đã dẫn mấy đứa con rút khỏi mặt trận, Đại tá Lương phải quay lại để cứu tướng Nguyễn vĩnh Nghi, thì “hùm thiêng sa cơ”, chịu tù ngục mười mấy năm! 49 năm thương hải biến vi tang điền, hiện nay, Sư Đoàn Nhảy Dù chỉ còn bác Nguyễn thu Lương là vị chỉ huy có cấp bậc và chức vụ cao nhất. Năm 1980, tôi đọc được trong báo “Văn Nghệ Tiền Phong” (Mỹ), một bài viết của một cựu tù nhân “cải tạo”, trong đó, ông nhắc đến một người sĩ quan Dù cao lớn, đã vác dùm ông bó củi, khi ông té ngã! Ông tù cải tạo nói, nếu ông nhớ không lầm “ân nhân ông” là một “Trung Tá” (ông nhớ lộn) Dù tên Nguyễn thu Lương.

Dũng Dzù, tao rất hãnh diện được quen mày, vừa dễ thương, vừa là con bác Lương, dù mày chẳng có hơi gì để dựa 😃! Hôm trước, tao nói với LG, “tối thứ sáu tôi định làm Hùng Cường agogo ‘Dũng Dzù lên điểm’ (Em biết tại sao lúc này Dũng Dzù lên điểm...) nhưng vì phải về sớm (không định trước) nên lỡ dịp chọc nó.” Hẹn mày lần tới nghe (?)!

Phải nói là, đêm thứ sáu, tôi rất ngạc nhiên khi nghe LG giới thiệu “ca sĩ ĐMH” V.A., người mà tôi: nhạc kỳ thanh, youtube kỳ hình, cháu cô bạn L.N., có lẽ biết tôi đến từ Paris, nên đã “hát tặng chú BP” một ca khúc đầy ý nghĩa của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (cũng là môt cựu sinh viên KHSG): “Nắng Paris, Nắng Sài Gòn”. Paris. Cám ơn V.A. Cám ơn người hát, cám ơn cả tiểu bang! Cám ơn tiếng hát trẻ trung, lôi cuốn! Cám ơn tiểu bang hiền hòa, vàng nắng, xanh cây!

Đêm thứ bảy 7/9 thì khác. Đó là một đêm văn nghệ, dạ vũ, vui tươi, đặc sắc. Không chỉ vì có tiếng hát chị Khánh Hà và sự góp mặt của “giáo viên thanh nhạc” Hoài Nam (VN), cùng các ca, nhạc sĩ “thân hữu ĐMH”, mà còn vì sự dẫn dắt chương trình của chủ nhân LG hoạt bát và MC ca sĩ D. Trang duyên dáng (dân KH, ra trường 1978), chuyên viên hái nụ cười khán giả, qua lối kể chuyện, cách pha trò. Như khi chị gọi đám chúng tôi là những “Khoa Học Gia”! Khiến cho nhiều đứa lao nhao: Khoa Học Giả, Khoa Học Già! Không những thế D. Trang còn là một đầu bếp xuất sắc, đã cùng với chị Lan chủ nhà, làm nhiều món ăn “độc như thịt vịt” cho gần trăm thực khách trong hai đêm “Hội ngộ”! Cám ơn các anh chị!

Chủ nhật 8/9, trưa ăn “bao bụng” thì không gian hơi “mùa thu chết”! Hẹn 12h, nhờ LG đặt trước, nên các “Khoa học gia” có “riêng một góc trời”, gần Washington City (... W. D.C.), nhờ thế mà cũng hơi yên tĩnh (còn sớm nên ít người “đi”!). Bà con tới rải rác, từ từ, chỗ nào trống thì ráp vào, ở nhà hàng thì không thể nào “vô tư” như ở ĐMH được. Nhưng trước khi “đôi ngã chia ly, đường ai nấy đi” thì có màn chụp hình. Thế là lại lao xao, lao nhao, lít chít, lăng xăng, rối cả lên. Ông Quang–Cali còn vác đồ nghề, bày chân, gắn máy (tôi không nhớ Dũng “con” có nhá máy không?). Cứ y như là sắp thu hình cuộc tranh luận Harris–Trump! Rồi bà này chụp với bà kia. Ông này khoác vai ông nọ, v.v. Chạy qua, chạy lại, máy bấm lia chia. Rồi hôn tới, hôn lui, bóp (vai) qua, bóp lại (đến bây giờ tôi vẫn còn rát má, đau tay!) Goodbye/Au Revoir từ chỗ ăn ra tới parking mà vẫn còn quyến luyến. Thời giờ dùng cơm trưa (1h30?) gần bằng khoảng “cảnh biệt ly sao mà... vui thế” (1H?)!

Buổi tối thì lại khác. Một số nhỏ “tung cánh chim tìm về tổ ấm” ĐMH (K. Tân –V; Hiển N.; T. Quang/Cali; H. Tín/Canada, v.v.)! Bên kia bếp, D. Trang bày đồ ra nấu chè, dường như là chè xôi nước (xin lỗi, tôi không hảo ngọt, nên không để ý tới vụ này). Chỉ nhớ là mấy bà tranh nhau khoe “viên vò”, nói nhỏ với nhau cái gì đó (chắc là nói bậy?) mà cả đám rú nhau cười! Bên đây bàn chúng tôi, ngoài mấy chai “dầu xanh” (Heineken) còn sót lại, Cần Sinh Lý xách tới một thùng Corona, vừa lai rai, vừa kể chuyện vui. Khuya tí, thì đám nhà Hiếu T–Ng. (T. Dzù/Tuyết. D) kéo đến nhập bọn. Khiến đêm chủ nhật, 8/9, cũng là một đêm nhớ đời.

Lần mini–họp mặt KHSG này, có 4 nhóm chính: Canada, VA, Cali, Tây Âu (+VN). Mỗi nhóm, tôi thấy có 4 ông Trùm (ăn to, nói lớn). Canada với D. Dzù, VA: Hưng, Cali: Cần, học dự bị Sinh Lý, nên anh em gọi Cần Sinh Lý. Tên nghe đã quợn, nhìn người càng quợn hơn 😃. Tây Âu: Huỳnh. K. T. Trừ ông K.T. (hạnh khả phong?), 3 ông kia quậy tới bến bờ. Đùa cho vui thôi nghe, mấy bố!

Nếu đêm thứ Sáu, do lần đầu gặp lại sau nhiều năm, bao nhiêu điều để nói là bao nhiêu lần để “dô”, nên có một số “lão” hết xí quách hôm sau! Như ông Cả chẳng hạn, sáng thứ Bảy, gặp chàng ở Capitol, bước “xì lô” cà nhắc, mặt mũi yếu xìu, hỏi chi chỉ... thều thào trả lời, trông không có vẻ gì cần sinh lý cả! Hỏi thăm thì chàng rên: “Mẹ, suốt đêm qua nó hành tao không ngủ được!”. Nói thế chứ tối đó, khi tôi xáp lại định kiếm chút “thuốc kích... ăn (apéro)”, thì chàng thò tay vào cái túi thần thông để dưới bàn, nhá một chai vàng óng và bảo “tí nữa tới đi”! Tới thì tới. Làm trai đâu sợ gì “sương gió”. Chỉ sợ đời không có “gió sương” thôi! Nói vậy chứ lúc tôi tới (lúc tiệc sắp tàn) thì đã “em ơi lửa tắt bình khô rượu!”. Mấy bố nạp dữ quá! Nhất là lúc ca sĩ Dạ Lan rên “Em nóng quá! Em chịu hổng có nổi”, làm cả đám cười ầm, dô thêm. Riêng chị Khánh Hà, thấy cái không khí thân tình, vui nhộn giữa các “Khoa Học Gia”, hứng chí, chơi đẹp “hát cho không, biếu không” thêm nhiều bản ngoài dự định! Cám ơn chị!

Chúng tôi, những người hiện diện trong ĐMH–VA, đều là sinh viên Khoa Học Sài Gòn (trước 1975), đa số vào các lớp dự bị 1974 (Sinh Lý, Sinh Hóa, SPCN, MPC), lớp dự bị cuối cùng của Đại Học Khoa Học Việt Nam Cộng Hòa. Có nghĩa là, tính đến hôm nay, là đúng 50 năm! 50 năm, hơn một nửa đời người!

50 năm trước, bè bạn chúng tôi, những người tuổi trẻ, môi hồng, tóc xanh, bước vào trường với đầy ắp mộng mơ. Thế mà chỉ 7, 8 tháng sau, chưa hết một niên học, là đã tháng 3 xếp bút, tháng 4 tan trường! Rồi những ngày bỏ học chạy lo áo cơm, xuôi ngược tìm đường “đi xa”. Bây giờ, sau mấy chục năm lưu lạc, tranh đấu xứ người, khó nhọc xứ mình, chúng tôi hầu như đã vói được (gần hết) những mơ ước (nhỏ nhoi) thời mới lớn (“sự nghiệp”, nhà cửa, con cái, du lịch, v.v.). Trừ giấc mơ “trở về mái trường xưa” (come back to... “Khoa Học Sài Gòn)!” Giản dị là ngôi trường của chúng tôi đã mất tên, mất cả hình hài! Tối đó tôi đã nói như thế trước các bạn tôi, có lúc phải ngưng, để nuốt lệ vào lòng! Tôi đã tập nuốt lệ vào lòng từ > 45 năm nay, nhưng, khác với cụ Yên Đỗ, càng lớn tuổi, tôi lại càng mau nước mắt!

Mới đó mà đã 50 năm! Bọn chúng tôi, sắp bước vào tuổi “thất thập”! Nhưng “Nhân sinh thất thập cổ lại hy” là chuyện “xưa rồi Diễm”, thời nay là “thất thập cổ lai hí”, văn tiếp tục cười vui, phá nhau (“biết bố mày là ai không?”). Chưa nói là các cô bạn Khoa Học Gia vẫn còn “Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh/Gần... ‘đầm’ mà chẳng già nhanh như ‘đầm’. Vẫn còn tươi mát... ướt át lắm! Chỉ hơi... khác tí là, bây giờ, sáng ngồi điểm tâm bên nhau, đứa nào cũng lôi ra mấy viên ‘Tam cao’ (cao mỡ/cao máu/cao đường)!”

Cám ơn LG đã sắp xếp cho nhà–tôi và tôi mở đầu chương trình văn nghệ với ca khúc “Tiếng hát Khoa Học”, tôi viết cho đêm “Họp Mặt Khoa Học” (SG), với rất nhiều xúc động. Cho thế hệ bạn bè Khoa Học chúng ta (ra trường hay sắp ra trường cuối thập niên 70s), về một đoạn đời đau thương, nghiệt ngã nhất của tuổi trẻ miền Nam, sau cái ngày “chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” {Trần Dần}! Ca khúc chỉ để hát khi bạn bè Khoa Học vai bên vai, ngồi hát nhau nghe. Như lần họp mặt này {có chăng lần tới?})!

Nếu không có ĐMH, không có những người bạn tốt bụng: M.&D.Q.T., L.&D.Q.T. đã hoan hỉ đưa, đón, đề nghị “chứa chấp” chúng tôi (một cách rất chu đáo) suốt thời gian ở VA, không có tất cả bạn ta hiện diện trong hai đêm đó, nhất là hai ông “Đôi mắt người Sơn Tây” Quang–Dũng (con), không có cô bạn D. Trang đã chịu khó nấu ăn, đãi đằng, dắt đi... “sales”, dẫn đi viếng nhiều thắng cảnh hay những người bạn Maryland dễ thương của L.T. đã vui vẻ “mở rộng vòng tay”, thân tình đón tiếp. Không có các bạn, chúng tôi đã không có những kỷ niệm nhớ đời như lần “Họp Mặt Khoa Học ĐMH này”. Cám ơn các bạn!

Sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến chị Lan, nữ chủ nhân ĐMH, một bà “Tú Xương tân thời”. Trong hai đêm tiếp khách, trong khi cả đám cười nói, quay cuồng dưới kia thì trên này, “bà Gậy” vẫn “lụi cụi thân cò trong bếp vắng/món bày ra đĩa, món mang hâm”, v.v. Sau lưng một Lão Gậy tài ba, yêu bạn là một đóa Lan Gầy đảm đang, quán xuyến, chiều chồng (chị không phải là dân Khoa Học)! Tiếc là chị Lan đã không hát cho bạn bè nghe hai đêm đó. Bởi vì chị có một tiếng hát rất thanh, rất êm, rất dễ làm người nghe khó... quên. Tôi vẫn còn nhớ tiếng hát “Xóm Đêm” của chị, chị Lan!

Cũng không thế nào không nhắc đến chú Max, có “đôi mắt tròn đen như búp bế” (Nguyễn Tất Nhiên), trên một khuôn mặt ngây thơ, khờ dại, hơn cả lúc “Nga buồn” (như con chó ốm/Nguyên Sa), vũ sư quay valse khi hài lòng chuyện gì (như buổi sáng thức dậy từ trên lầu chạy xuống, trước khi đi viếng mấy... gốc cây), ít... nói, ít... cười, nhưng đã làm cho cô H. Thụy Sĩ, trên đường ra phi trường đi Canada, đã khóc sướt mướt vì xa... Max! Khiến cho Lão Gậy buồn 5 phút: “tưởng khóc vì xa mình, hóa ra là vì xa... chó”.

 

 

Cám ơn tất cả các bạn, lần nữa. Cám ơn Đêm Màu Hồng–VA, tầng dưới (basement) lẫn 2 tầng trên (phòng ăn, phòng ngủ)!

Xin cho sống mãi
sống mãi không hề phai
Đời hợp tan mây
vẫn nhớ nhau đêm này
...”

Hơn 45 năm rồi nhưng, đôi lúc trong mơ, tôi vẫn nghe bên tai tiếng sóng biển vọng về xen lẫn những âm thanh, tuy không rõ là gì, nhưng lại khiến buồn thêm vời vợi! Không biết đó là tiếng khóc quê nhà hay tiếng gọi trường ta!?

o0o

PS: Xin gởi theo đây, bài thơ mẹ cháu đọc, ca khúc “Tiếng hát Khoa Học”, chúng tôi hát đêm thứ sáu 6/9.

Và “Dancing all night” nhạc Nhật), tôi viết lại lời Việt cho “Đêm Màu Hồng–VA”. Định là Lão Gậy và tôi sẽ song ca đêm thứ Bảy. Nhưng vì không có thời giờ tập dợt, chương trình lại dài. Nên... thôi! Rảnh rỗi, các bạn có thể hát version này để nhớ lại “ĐMH–của–chúng–ta”
.

Ở nhà Lan Trung: 6&7/9/2024

Ở đây, ngày nắng vàng hiên,
trưa xanh bóng mát, tối lên sắc hồng
ở đây, có bạn bè đông,
những bờ vai siết, những vòng tay ôm
ở đây, có tiếng cười giòn
(từ hôm Khoa Học Sài Gòn năm xưa...)
ở đây, LAN nở 4 mùa
có TRUNG nam bắc cợt đùa, trêu nhau
ở đây, dẫu tóc phai màu
con tim: vẫn đóa mộng đầu thanh xuân
cám ơn buổi tiệc tương phùng
ơn người đưa... Gậy nối vòng anh em
cám ơn dạ vũ hoa đèn
ơn ban tổ chức, ơn “Đêm Màu Hồng”!


o0o

Tiếng hát Khoa Học
Gởi các bạn Khoa Học Sài Gòn

Có một người, đôi khi nhớ thương
Nhớ tiếng ve buồn, gọi hạ nóng gieo xuống
Nhớ giảng đường, bao trang sách thơm
Nhớ dáng ai ngồi, môi mắt khua xuân đời

Có một lần, xôn xao bước chân
Những bước thiên thần, rời thành phố hoang vắng
Gốc me già, tương tư dáng hoa
Áo hết đôi tà, thôi gió thơm lụa là

Lang thang tiếp nối, nắng sớm mưa chiều rơi
Sắc tóc phai rồi, mộng đời đã tay vói
Đêm xưa tiếng sóng, vỡ trái tim lạnh căm
Đời dù trăm năm, vẫn vết thương trong lòng!

Hỡi ơi người, bao năm nổi trôi
Có 4 phương trời. Trời nào chửa đi tới?
Có bao giờ, như trong giấc mơ
Bước trở lại trường, tìm dấu yêu thiên đường?

Nếu một ngày, khi vai sát vai
Hãy rắc hoa đầy, vào đời sống thân ái
Đêm–Màu–Hồng, đêm vui mải mê
Giữa những bạn bè, nào muốn đâu quay về

Len qua ánh sáng, tiếng hát Khoa Học vang
Tiếng hát thân tình, làm sầu đó câm nín
Xin cho sống mãi, sống mãi không hề phai
Đời hợp tan mây, vẫn phút giây đêm này.


Coda:

Xin cho sống mãi, sống mãi không hề phai
Đời hợp tan mây, vẫn nhớ nhau đêm này
Xin cho sống mãi, sống mãi không hề phai
Đời hợp tan mây, vẫn phút giây đêm này!
BP (2012–2024)

Xem nhạc bản (PDF)


o0o

Đêm Màu Hồng (Dancing all night)
Nhạc Nhật/Lời Việt: BP
Tặng Lan Trung
nhịp: Chachacha


Hẹn hò đưa nhau đến, đến với nhau, cùng “Đêm màu hồng”
Long lanh trong mắt trong, thấy sao trời lung linh bóng
Nhạc gọi ra sàn gỗ, tiếng hát bùng vỡ, không gian đèn mờ
theo con sóng xô, có biết đâu, là bến, hay bờ!


ĐK:

Dancing đêm nay, cuốn quay, theo vũ điệu này
Dancing đêm nay, trái tim hồng hoang, bốc cháy
Dancing đêm nay, bước chân tìm nhau miệt mài
Dancing đêm nay, thức với đêm nào thấy đêm dài

Từng vòng quay phơi phới, tiếp nối nhau, như những vòng đời
Chachacha réo vui, bỏ quên muộn phiền sương khói
Dìu nhau qua biển sóng, sóng tới rồi sóng lui, ơi người ơi
Bao nhiêu mỏi mong, chớ nói “không”, trong Đêm Màu Hồng!


ĐK:

Dancing đêm nay, cuốn quay, theo vũ điệu này
Dancing đêm nay, trái tim hồng hoang, bốc cháy
Dancing đêm nay, bước chân tìm nhau miệt mài
Dancing đêm nay, thức với đêm nào thấy đêm dài


CODA (để hết):

Khi ban mai nắng lên, vẫn muốn thêm, một “Đêm màu hồng”
18/4/2024

BP
25/9/2024

Tác giả chú thích:

(*) Nhớ Phạm đình Chương (Bè bạn gần xa/Văn Nghệ)
(**) Đêm Màu Hồng...
(***) Câu “thời thượng” bên nhà, Dũng và Trung hay đùa.



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by th chuyển

 

Đăng ngày Thứ  Năm, September 26, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang