Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang Thi–Văn & Âm nhạc
Chủ đề: Thơ thời chiến
Tác giả: Văn Nguyên Dưỡng

TRƯỜNG CA TRÊN BÃI CHIẾN
ĐEM ĐẠI NGHĨA THẮNG HUNG TÀN
LẤY CHÍ NHÂN THAY CƯỜNG BẠO...
Nguyễn Trãi

 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

ĐÔI DÒNG TÂM SỰ

Tập trường ca song thất lục bát này được hình thành qua 3 giai đoạn:

Tác giả có ý định sáng tác một khúc hát cho chinh nhân, nên đầu tiên tiêu đề là “Khúc Hát Hoàng hoa”. Từ năm 1981 đến đầu năm 1982, thời gian còn ở trại tập trung cải tạo Tân Lập (tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Việt) khúc hát được gần 300 câu thì phải bỏ dở vì nhiều lần bị khám xét cá nhân và trong những lúc khám tâp thể mà trại cải tạo gọi là “điểm nghiệm”. Lúc đó không có giấy tập nên viết trên bao bì xi–măng rọc ra, xếp thẳng đóng thành tập nhỏ. Phải nhớ thuộc lòng và đốt bỏ bản thảo thứ nhất này.

Năm 1984, tháng 4, chuyển về trại cải tạo Z30D/K2 (ở căn cứ Hàm Tân) có ý viết tiếp, nhưng vì bị nghi ngờ sáng tác một số bài thơ ngắn phổ nhạc – loại “nhạc đen” chống cộng sản – bị khám xét nhiều lần không viết tiếp được. Tuy vậy vẫn bị đưa vào đội kỷ luật là đội làm việc nặng, cấm thăm nuôi và bị cô lập với mọi người khác ngoại trừ người cùng đội, bị tịch thu tất cả giấy bút, lại càng không thể viết gì được. Mãi đến năm 1987 bị bệnh, được đưa vào đội làm mộc thủ công và đan lát; gặp anh Hoài Sơn Ưng Ngọc Nghĩa, nhà báo, nhà giáo trước năm 1975 và là Ủy viên Trung Ương Đảng Cấp Tiến của Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy. Anh Nghĩa sành thơ ca, thích văn học nghệ thuật, nhất là cổ thi, thuộc làu Chinh phụ, Cung Oán, Kiều và Tỳ Bà Hành. Nhân một buổi lao động ngoài trời, cùng nhổ đậu phộng chung một luống với Ung Ngọc Nghĩa, tác giả buột miệng đọc một vài đoạn trong Trường ca. Hoài Sơn lắng tai nghe, ngạc nhiên hỏi: “Đoạn song thất lục bát của anh vừa đọc nghe hay lắm, sao tôi không được biết?” Tôi nói với anh rằng: “Nếu anh nghe được, tôi đọc tiếp thêm mấy đoạn nữa rồi sẽ nói tên tác giả...” Vài ngày sau tôi thú thật với anh là tôi đang sáng tác một trường ca, nhưng chưa hoàn tất. Tôi cũng nói rằng trước đây, năm 1966, đã xuất bản tập thơ “Vùng Đêm Sương Mù”. Anh bảo rằng anh có đọc tập thơ này. Anh khuyến khích tôi nên viết tiếp Trường Ca. Trong vòng 4 tháng, tôi sửa chữa lại phần 300 câu đầu “Khúc Hát Hoàng Hoa” và viết thêm được hơn bốn trăm câu nữa, chính xác được là 714 câu ghi chép trong 2 tập giấy 100 trang. Sau đó hai tập này được trao cho người bạn là Nghiêm Phú Phát đem ra khỏi trại tù. Được biết hai tập bản thảo này cũng bị thất lạc. Như vậy tôi mất cả ba bản thảo, chỉ còn lại 714 câu thơ nhớ trong đầu...

Tháng 5 năm 1987, anh Ung Ngọc Nghĩa được trả tự do, tôi thiếu người tri âm, hai tập thơ gởi Nghiêm Phú Phát cũng không còn, tôi buồn không viết nữa.

Tháng 6 năm đó, gặp lại anh Thảo Trường Trần Duy Hinh, nhà văn nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn trước năm 1975, biết tôi đang hoài thai một trường ca nên yêu cầu tôi đọc một đoạn. Tôi nể lời, đọc một vài đoạn. Nghe xong, anh nói: “Anh chơi đồ cổ chưa đánh giá được, nhưng nghe hay, nên tiếp tục...” Tôi bảo rằng, sợ không viết nổi nữa vì hào quang của Chinh Phụ và Cung Oán rạng rỡ quá, “Trường Ca Trên Bãi Chiến” rồi sẽ chết thôi. Quả thực, trước tôi đã có nhiều người làm hoặc dịch cổ thi bằng thể thơ song thất lục bát, còn được bản dịch “Tỳ Bà Hành”. Kỳ dư, không còn ai nhớ các tác phẩm nào ở thể loại này.

Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, mặc dù không thể theo kịp một phần tiếng thơ của tiền nhân, nhưng chẳng lẽ bỏ dở dang, bỏ qua tiếng lòng mình đang thổn thức với bao nhiêu cay đắng trong những năm tháng dài đằng đẵng... Dứt khoát tiếp tục và chỉ trong 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1987, tôi hoàn tất bản thảo với 1240 câu song thất lục bát – Ngày 9 tháng 9 năm 1987 viết dòng thơ cuối cùng.

Đó là ba giai đoạn hoài thai và sinh nở tác phẩm.

Sau đó, cũng mất gần 6 tháng mới sửa chữa tạm hết những lỗi lầm và cho gãy gọn hơn. Như vậy, “Trường Ca Trên Bãi Chiến” hoàn toàn được thai nghén và sinh nở trong thời gian tôi ở trong các trại tập trung cải tạo – thực ra là những nhà tù từ miền Bắc về đến miền Nam Việt Nam, từ năm 1981 đến cuối mùa Thu 1987. Suốt thời gian hơn sáu năm đó, khi bỏ dở, khi tiếp tục viết.

Cái khó khăn vô cùng là vừa phải giữ bản thảo lén lút, vừa phải nhớ trong đầu. Lúc viết lại càng khó khăn hơn, đôi khi viết năm bảy câu trên đất, trên cát ở giờ giải lao giữa các buổi lao động; bôi xóa, sửa chữa, ghi nhớ rồi, về chép lại vào bản thảo ở giờ cơm, ở đêm tối và ở những lúc viết thơ về gia đình. Đôi khi, mà có thể nói là rất nhiều khi, nửa khuya nằm chưa ngủ, chợt có một vài ý, hay nghĩ được một số câu thích ý, trở dậy lấy bút giấy (lúc nào cũng để trên đầu nằm) viết trong bóng tối, nhiều lúc dòng chữ này đè lên dòng chữ nọ, hoặc các dòng chữ nằm cách xa nhau, xiên xẹo. Tuy nhiên, hôm sau vẫn đọc được, nhớ và chép lại. Và như vậy mà tác giả viết và giữ bản thảo trong trí nhớ cho đến khi hoàn tất.

Ngày 18–2–1988, được trả tự do, có một thời gian rỗi rãi, lại ngồi sửa chữa nữa, bản thảo còn lại 1144 câu. Bản thảo chép lại trong một quyển tập nhỏ, bìa cứng. Sau đó, năm 1990, gởi cho một kỹ sư Pháp tên Dumont ––giám đốc của Hãng Xây dựng Fressynet của Pháp ở Việt Nam mà tác giả làm phó giám đốc hành chánh— mang về Pháp giữ giùm. Năm 1991, khi tác gỉả sang định cư ở Hoa Kỳ theo diện tỵ nạn nhân đạo, Kỹ sư Dumont gởi hoàn bản thảo đó cho tác giả. Hơn hai mươi năm sau. Lại sửa chữa lại, bớt thêm một số câu, cuối cùng còn lại 1034 câu.

Tác giả là một quân nhân, đã từng theo chiến tranh, chấp nhận chiến tranh, nhưng ghê tởm và chán ghét chiến tranh – mà mắt tác giả đã nhìn thấy mọi tàn phá và tang thương của chiến tranh từ năm 11 tuổi, diễn ra hằng ngày trên đất nước yêu thương của mình. Trong cuộc sống ở thời bạo loạn đó, tác giả không hề học đòi hay theo một thứ triết thuyết nào mà chỉ sống bằng tấm lòng của mình. “Nhân và Tình” là thứ triết thuyết lớn nhất trong cuộc sống, trong lối hành xử cũng như trong tư tưởng sáng tác của tác giả.

Trường Ca Trên Bãi Chiến” là tác phẩm thơ thứ hai sau tập thơ đầu tay “Vùng đêm Sương Mù”, in ở Sài Gòn năm 1966. Còn một số rất nhiều bài thơ ngắn vẫn còn nằm trong một bản thảo khác...

Mùa Xuân năm 2012
VĂN NGUYÊN DƯỠNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trường Ca Trên Bãi Chiến

 



1

Ai kẻ sĩ đêm đêm thao thức
Nghe núi sông trổi khúc trường ca
Âm xa từ rặng rừng già
Điệu gần từ ngõ dẫn ra lối mòn

Đường ngang dọc xuyên sơn ai kẻ
Bốn nghìn năm còn vẽ xuân miên
Trời xanh gối dải đất liền
Trăm dòng sông hội ra miền biển Đông

Tích kỳ vĩ Tiên Rồng một thuở
Giống Lạc Hồng trứng nở trăm con
Hẹn nhau xuống biển lên non
Vượt dòng huyền thoại khơi nguồn sử xanh


2

Đứng cõi bắc xây thành dựng ải
Trẩy triền tây nối dãy Trường Sơn
Xuống đông cỡi ngọn sóng cồn
Vào nam gạn cát Cửu Long làm nền

Móng đã vững thềm trên biển cả
Tiết bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông
Nắng mưa nhuận tháng năm ròng
Cánh cò đã mỏi trên đồng lúa xanh

Xuân lộc điểm vài cành mai trắng
Hạ hương đưa mấy quãng đầm sen
Gió thu rụng lá đường trên
Sương đông xóm dưới lửa đèn hắt hiu


3

Quê hương đó trăm chiều thương khó
Trải cảnh nghèo nắng nỏ nghìn năm
Nghìn năm ngọc đá vẫn trầm
Mà dòng văn hiến vẫn thâm cỗi nguồn

Từ mạch đất trống dồn Ngọc Lũ
Từ thềm mây chuông dội Đông Sơn
Từ xưa ai dựng nước non
Về sau giữ nước ai còn vì ai

Nào ai kẻ cân đai khanh tướng
Nào ai người phúc hưởng thư kinh
Những ai lên thác xuống gềnh
Những ai xuôi ngược bồng bềnh núi sông


4

Kẻ xuống đông lưới dong biển rộng
Kẻ lên đoài rìu lộng rừng phong
Kẻ vui điền dã nâu sòng
Kẻ say thơ thắm rượu nồng lệch vai

Chí ai quyết vượt ngoài nghìn dặm
Lòng ai ham chiếc bóng phù vân
Duềnh sương trũng ngọn non Tần
Bước ra vào khỏi ngại ngần hôm mai

Cõi trời đất năm dài tháng rộng
Kiếp con người như bóng câu qua
Chỉ mong lợi nước yên nhà
Câu thơ nguyệt mãn chung trà tịch dương


5

Sáng chăm việc rẫy nương điền lý
Chiều luận câu thanh ý thâm cao
Trong đạo nghĩa ngoài trăng sao
Khi ra nhàn nhã khi vào thong dong

Nào ai khứng phiêu bồng hồ hải
Đem tấm thân gởi bãi phong sương
Hỏi lòng ai khỏi vấn vương
Hỏi đường ai biết chiến trường bao xa

Từ lán cỏ sương sa buổi sớm
Từ hàng cây nắng nhớm chiều sang
Từ trong nương trạch xóm làng
Từ ngoài ải dọc thành ngang cách vời


6

Tiếng trống giục làm rơi nước mắt
Cờ quân bay lay lắt niềm đau
Lửa binh dồn dập cõi đầu
Nước mây thôi cũng đổi màu thê lương

Bóng ai đã cuối đường ruổi ngựa
Bóng ai còn tiến giữa bãi nương
Những người vào gió ra sương
Nghìn năm đã hết đoạn trường hay chưa

Cảnh binh lửa nào ai chẳng sợ
Buổi nhiễu nhương ai nỡ làm ngơ
Thân trai thôi mãi bao giờ
Hẹn đầu Cao Lạng hẹn bờ Mã Chu


7

Chẳng sang Tần chẳng vào đất Hán
Thân nguyện làm bờ ngạn đê sông
Ai hay cái chí tang bồng
Của người ôm túi kinh luân thế nào

Hay kẻ ước ra vào hổ trướng
Hay người mong lộc hưởng công khanh
Làm chi cái kiếp nghê kình
Biển hờn sóng giận nương mình vào đâu

Hay hùm sói rừng sâu núi thẳm
Xâu xé nhau máu đẫm ngàn thâu
Hám chi một bước công hầu
Vào vòng sinh tử bạc đầu chưa thôi


8

Bãi loạn địa liều phơi xương tóc
Thân chinh y vai bọc kiếm cung
Ai vì một miếng đỉnh chung
Ai vì muốn giữ hiếu trung trọn tình

Tấm áo mẹ còn tinh vệt sữa
Mảnh đất quê binh lửa in hằn
Vết thù còn rõ dấu chân
Còn vào gió cát phong trần với ai

Nào ai đợi đủ tài thao lược
Nào ai nòi lộc tước trâm anh
Cũng là mặt trắng thư sinh
Cũng là bình giã nhàn đinh như người


9

Đêm đông lạnh vào nơi lũng gió
Ngày hạ hanh ra ngõ cát nung
Đỉnh mây chưa hết phiêu bồng
Đáy sương cuối vực đã lồng gót chân

Sáng đuổi địch vượt tràn hoang đoái
(1)
Chiều cắm cờ giữ bãi sương phong
Đầu sương tiếng trống điểm thùng
Cuối sương tiếng dế não nùng thay canh

Nước suối lạnh cũng thành rượu ấm
Rau mùi hăng cũng đậm vị hương
Nắm tranh guộn cỏ làm giường
Chiếu sương màn gió ai lường trắng đêm


10

Ngày chưa đến trăng mềm lối thỏ
Lệnh lại về đuốc đỏ đường thung
Quân trong vừa động mạch rừng
Quân ngoài đã cuốn mối đường vượt đi

Mắt trông hướng lệnh kỳ vừa phất
Lòng mơ gì nẻo tắt đường ngang
Núi đồi trùng điệp thênh thang
Bập bùng ánh lửa rộn ràng vó câu

Gió nào ngủ trên đầu ngọn cỏ
Nước nào ngưng ở chỗ thác bung
Gót chân vó ngựa không ngừng
Trèo đèo lội suối băng rừng vượt sông


11

Tóc đã gội hai vầng nhật nguyệt
Da còn phơi tám tiết quang âm
Tháng năm nước chảy đá mòn
Bước chân vô định biết còn đến đâu

Khi ra chốn nước sâu dọ địch
Khi vào nguồn đánh kích vùng trên
Ba trăm lối thác đường ghềnh
(2)
Long Môn cũng vượt Hào Tràng cũng qua

Dương liễu xuân sắc già bóng nước
Hoa não nùng chạnh bước người qua
Ly đình tiếng địch xa xa
Người vào Tương Thủy người ra đất Tần.
(3)


12

Chén rượu ấm ở lần tiễn giã
Đã nên câu túy ngọa sa trường
(4)
Mịt mù nẻo gió đường sương
Bút long nối bởi trường thương cõi ngoài

Đường chinh chiến dặm dài dong ruổi
Bóng câu dồn gió đuổi mưa bay
Đã ra tận biển sóng đầy
Đã vào tận chốn chân mây mịt mùng

Dấu binh lửa chập chùng trước mắt
Cảnh tang thương ruột thắt từng cơn
Như khi bão biển chớp nguồn
Can qua dậy sóng dập từng làng quê


13

Từng gốc rạ thân tre bết máu
Từng mái tranh bờ giậu lửa vây
Từ trên thửa đất luống cày
Thịt da rửa rói xương bày trắng phau

Dòng sông nọ nhịp cầu gãy đổ
Vách thành kia tường lở gạch long
Trấn kia đượm ánh chiều buồn
Thôn kia trăng nhợt chập chờn lửa ma

Góc vườn đó hoang sơ mộ địa
Bãi dâu đay vắng vẻ tằm tơ
Liễu mai thôi cũng bơ phờ
Phận người thôi cũng vật vờ nổi trôi


14

Nhìn tận mặt mặt người chẳng nhớ
Nhớ mắt người dò dõ lệ tuôn
Máu ai đỏ nước chân đồng
Lệ ai thấm trắng mối đường ai qua

Ai bươn bả nắng lòa ánh mắt
Ai so ro mưa cắt làn da
Khói hương bỏ lại quê nhà
Nắm cơm đất loạn nước pha mùi bùn

Trẻ côi cút run run ngờ nghệch
Già nhom nhom lếch thếch cô đơn
Từ khi binh biến dập dồn
Bạc đầu thiếu phụ bạt hồn hài nhi


15

Thảm cảnh ấy sinh ly từ biệt
Đau thương này se siết ruột gan
Ước gì xẻ được tấm thân
Làm khiên chống giặc làm can vực thành.
(5)

Làm manh áo che thân lão phụ
Làm thưng cơm ấm dạ trẻ côi
Thương thay cái kiếp con người
Nghìn năm nhược tiểu sao trời chẳng thương

Nào những thuở lên rừng bắt trĩ
Nào những khi xuống biển mò châu
Những khi nắng lửa mưa dầu
Tằm tơ tám lứa hoa màu năm hai
(6)


16

Lệ đã đổ dọc dài Phú Quảng
Xương đã rơi rợp trắng Tỉnh Vân
Sông Hồng đỏ sóng chang chang
Ngà trai mặt ố tơ vàng sắc phai

Dân trăm họ ngày dài thống khổ
Giống nòi này con đỏ cũng đau
Hạ Long dún mặt nước nhàu
Tản Viên mây dựng thành sầu từ xưa

Dồi lưng nước bèo thưa sóng dập
Lạc chân mây gió táp chim côi
Bao lâu biển sóng cát bồi
Dấu chân Giao Chỉ đã soi mạch rừng


17

Vách tuế nguyệt tưởng chừng bít lối
Đường phong văn vẫn dọi về sau
(7)
Cho hay tạo hóa cơ cầu
Cho dày bóng tối cho sâu đêm trường

Cho điêu đứng tang thương mọi nỗi
Giữ cho lòng rắn rỏi sắt son
Cho dù biển cạn non mòn
Khí thiêng sông núi hãy còn thiên thu

Còn nung nấu mối thù vong quốc
Mặt sĩ phu vằng vặc trăng sao
Lòng son gởi ngọn cờ đào
Mượn gương Thục đế rọi vào tâm can


18

Cõi phù thế luống đan nhiễu sự
Kiếp nhân sinh nặng chữ Tình thâm
Nên tơ phải trải thân tằm
Thử vàng chọn đá mài gươm cũng đành

Bờ cõi ấy xanh xanh đứt nối
Cơ đồ này sông núi quanh quanh
Vành trăng sao khuyết nửa vành
Trời nam một dải đất lành riêng thương

Nào ai kẻ đồ vương tranh bá
Biết chăng điều quốc phá gia vong
Tử ly là chuyện đau lòng
Gây chi nên cảnh đèo bồng giết nhau


19

Hàng cờ phất lệ sầu đã rõ
Tiếng trống dồn máu đổ thây phơi
Oán kia nào phải tại trời
Oán kia cũng bởi lòng người mà ra

Đường vắt vẻo sương pha đầu ngựa
Nẻo kỳ thu nắng bủa mưa sâu
Cỏ cây rừng núi úa màu
Bóng quân giặc dữ sóng đầu biên quan

Thế nước nhỏ muôn vàn điêu đứng
Có kinh quyền mới vững về sau
Nhìn ra chẳng rõ mặt nhau
Mà thù chẳng đội trên đầu trời chung


20

Cùng đổ máu trên cùng chiến địa
Mà nghìn thu danh nghĩa khác nhau
Kẻ mong rạng mặt công hầu
Liên thành mong đoạt tiến chầu đế vương

Người cam nỗi thê lương vận nước
Gieo lời nguyền vị quốc vong thân
Xông vào trận địch giăng giăng
Thép gươm loang loáng trắng ngần trường y

Trống trận nổi tốn ly nào rõ
Tiếng quân reo sinh đổ nào hay
Buổi đầu ai chẳng run tay
Gươm đao tối mắt như say rượu nồng


21

Giáo đâm suốt mà lòng vẫn sợ
Khiên vừa che thế võ của ai
Máu đào tung chiếc đầu bay
Tưởng chừng sao rụng đâu đây đầy trời

Người ngựa xéo tơi bời nội cỏ
Phải đâu trời vừa đổ phong ba
Tên bay như buổi mưa già
Vút vào mặt gió xé da tách rừng

Ai gào thét mông lung đồng vọng
Ngỡ rằng sa vào chốn trầm luân
Nhạc đâu tấu khúc lạ thường
Ầm ầm xô xát nghe dường đất long


22

Tranh nào vẽ màu hồng dữ dội
Hay lửa trời cháy buổi hồng hoang
Đầm đìa máu đẫm loang loang
Máu lay chân cỏ máu tràn đầm ao

Người lăn lóc giáp bào tơi tả
Bóng chập chờn nghiêng ngả ngựa xe
Dọc ngang ai những đi về
Ai còn bỏ xác cuối khe đầu ghềnh

Ai tháo chạy chênh vênh sườn núi
Ai săn người nẻo suối quanh co
Ngổn ngang gươm giáo trống cờ
Gió lùa khói tỏa vật vờ bãi hoang


23

Trống đuổi địch vang vang đầu núi
Trăng tàng tàng mọc cuối rừng xanh
Não nề thay ánh trăng thanh
Rơi vào bãi chiến cũng thành khói sương

Nhớ trăng buổi lên đường độ nọ
Thương bóng riêng vò võ cô đơn
Trăng theo trăm quãng đường mòn
Cùng thương nỗi nước cũng buồn nỗi dân

Buồn thương ấy trăm lần trăn trở
Tỏ cùng trăng trăng rõ niềm riêng
Nay trăng sa lối lạc miền
Vào trong bãi chiến nỗi phiền càng cao


24

Kẻ thù ấy lao xao lối hoạn
Bước thế đồ chập choạng ruổi dong
Ngang tay với cái tang bồng
Xịch chân lỡ dấn vào vòng trường chinh

Thế sự tạo nên hình tân khổ
Bể phù sinh thấp thó âm nha
(8)
Nhanh ra thì thước gươm già
Chậm thì thôi đã thành ma chiến trường

Hồn dù muốn về nương cố quận
Nẻo âm dương đã đoạn quan san
Rừng xanh sao lá úa tàn
Lá rơi từng lá trên hàng thây phơi


25

Mưa nắng nhỡ xỉa xoi da thịt
Tháng năm hờ bưng bít họ tên
Những người muôn thuở sẽ quên
Bỏ thây nghìn dặm làm nên một người

Bỏ hương thổ măng côi uyên lẻ
Bỏ cố đường lìa mẹ xa cha
Có hay ngày tháng phôi pha
Trăm năm nguyệt khuyết dương tà ai hay

Người nằm đó sương thay sắc mặt
Người tựa đây gió tắt làn hơi
Người như còn mỉm miệng cười
Người như nấm đất chưa rời lòng tay


26

Người cúi mặt như say nửa giấc
Người ngẩng đầu ánh mắt xa xôi
Có tay xin vuốt mắt người
Có tim dở dói có lời mà câm

Có sương lạnh đầm đầm mặt đất
Có hơi may san sát bờ lau
Có trời có đất có nhau
Có ra gian khổ có vào tử sinh

Có già trẻ nối tình non nước
Có lạ quen trùng cuộc biển dâu
Cùng nhau chung sắc chiến bào
Cùng nhau chung dãy chiến hào chung lưng


27

Cùng tiếng hát vang lừng đầu núi
Cùng tiếng cười vẳng dội rừng sâu
Cùng nhau khi bắt nhịp cầu
Cùng xây bờ lũy cùng rào bãi chông

Khi ra nội gánh gồng tích thảo
Khi vào sâu rào giậu đồn lương
Khi vui cũng có khi buồn
Khi nghe chớp núi mưa nguồn mà nao

Khi chung áo đêm nào đông lạnh
Khi xẻ cơm chiều quạnh tàn thu
Khi chung nhau ánh đèn mù
Khi trang sử đọc khi trù việc quân


28

Vui rước đuốc cùng dân trẩy hội
Vui rời ngàn mở lối về xuôi
Vui qua chợ nhỏ đông người
Vui ra bến lớn thuyền trôi đầy dòng

Vui lúa sớm tràn đồng nở rộ
Vui tiếng chày nhịp trổ đêm trăng
Vui ròn vó ngựa giăng hàng
Vui tràn trại giặc phất ngang bóng cờ

Buồn vách núi lơ thơ bóng nhạn
Buồn lưng đèo thôn bản tiêu sơ
Buồn cơn mưa chuyển nhờ nhờ
Buồn mây treo lửng trên bờ thành hoang


29

Buồn nắng nhạt khói loang góc gió
Buồn trăng tàn lửa đỏ ven sông
Buồn xa bóng giặc tràn đồng
Buồn ra biển lớn giặc dong thuyền đầy

Nỗi buồn đó cũng dày nỗi khổ
Nỗi buồn này ai rõ được cho
Nắng mai vàng võ xấp sô
Đêm tàn sương tạnh lệ hồ chưa vơi

Người còn lại ngậm ngùi đứng lặng
Người đi rồi như thoáng giấc mơ
Tình xưa nước lã nên hồ
Keo sơn nay rã bến bờ nay phân


30

Để người lại lần khân chẳng nở
Mang người đi sợ nhỡ việc chung
Hỡi ơi trời đất vô cùng
Buồn riêng chưa vợi buồn chung lại đầy

Người ở lại đất dày làm bạn
Người ra đi khôn cạn giọt đưa
Hỏi thôi còn có bao giờ
Người thương trở lại con đò trần ai

Hồn người đã vào nơi bất diệt
Sống có tên mà chết vô danh
Đã vào cái cõi tứ sinh
Nằm trong lục đạo thôi đành thiên ma
(9)


31

Trải bách chiết cũng là cái phận
Gãy một lần mà rạng trăm năm
Cái danh tay chẳng đủ tầm
Thì cam cái kiếp con tằm nhả tơ

Màu đất tổ mặt thừa dũng liệt
Mảnh trời thiêng sáng tiết trượng phu
Xác trần gởi chốn phù du
Anh linh sống mãi nghìn thu với đời

Mạch chính khí không rời đất mẹ
Bản trọng đồ ai vẽ núi sông
Phiêu phiêu như áng mây hồng
Ra vùng biển thắm vào đồng lúa xanh


32

Khi làng Gióng làm cành tre cứng
Khi Cổ Loa móng vững thành cao
Nước non từ đó dạt dào
Nỗi thương nỗi hận nỗi nao mà ra

Thờ Vương nữ mật pha bến Lãng
(10)
Bái Triệu nương gan tráng non Mô
(11)
Nào đâu là giấc mơ hồ
Trắng xương cho sáng cơ đồ về sau

Gương dòng Hát làu làu mặt sóng
Bóng Triệu sơn lồng lộng hiên mây
Lúc Dạ Trạch lúc Ba Vì
(12)
Khi vào Hồng Lĩnh lại khi Bạch Đằng
(13)


33

Trăm trận gãy một lần trọn thắng
Đuốc Ngô vương hội sáng trăng sao
Hồn thiêng những bậc anh hào
Bỏ thân buổi ấy đi vào sử xanh

Một thế hệ dệt thành hoa gấm
Một vùng trời lấm tấm hạt xuân
Nghe như mùa đến thật gần
Cái mầm tự chủ nở dần ấm no

Nghìn năm cũ đồng trơ cỏ nộm
Đầu xuân kia xanh cớm vàng tơ
Bờ lau tay trắng dựng cờ
Mười hai bến nước con đò Hoa Lư


34

Quân Thập đạo chung trừ giặc Tống
Lập vua Lê ước vọng áo cơm
Sử thi từng nét cảo thơm
Cuộn dòng người trẩy dựng bờm ngựa phi

Bến Như Nguyệt còn ghi câu sấm
(14)
Dãi Ung Liêm nghìn dặm còn run
Kinh quyền kế sách phải dùng
Tiến là để thủ giặc cùng cũng tha

Trải Lê Lý xông pha bao trận
Nào những ai tiếc phận làm trai
Chiến trường kiếm ngắn dã dài
Thép cùn trăng lạnh cũng mài thành gươm


35

Sắc vì máu đã ươm lúa mạch
Nhọn vì xương đã tách mạ non
Tự do trổ ngọn đồng đồng
Bạc đầu bô lão Diên Hồng còn gan

Sĩ phu có thứ dân cũng có
Cùng vua quan trăm họ đồng thanh
Điệu trống quân đã nên hình
(15)
Câu hò Sát Đát đã thành thế quân

Khúc Xuân phả xoay trần trăng lửa
(16)
Hát Dậm đưa núi tựa sông nương
(17)
Khi Hàm tử lúc Chương Dương
Đánh cho tối ngõ tắt đường giặc Mông


36

Máu Tây kết đội đồng cỏ nổi
Thây Bạch Đằng sóng dội nhấp nhô
Diệt tàn Ô–Mã Toa–Đô
Thoát–Hoan độn ống triệt cờ đào sinh

Quân Mông–Hãn bình sinh kiệt hiệt
Trẩy Á Âu nào biết có ai
Vào trong cõi đất trời này
Bao nhiêu năm ấy bỏ thây bao người

Ngọn bắc chướng vẫn bời bời nổi
Minh lại vào ngập lối Đông quan
Hai mươi năm đủ bạo tàn
Giày xương con đỏ san bằng bia xanh


37

Xóa phong hóa sinh linh đồ thán
Chia giống nòi oán tận trời xanh
Rỉ tai nhau đủ phong thanh
Nghĩa quân đã chọn đất lành Lam–Sơn

Chim trong nội cũng còn có tổ
Cá ngoài khơi nương gió mà bon
Gió nồm gió nảy mơn mơn
Ai nghe hơi gió vào non thì vào

Xứ Thanh–Nghệ đèo cao chớn chở
Đất Sa Nam sông trổ gieo neo
Muốn vô phải lội phải trèo
Mấy sông cũng vượt mấy đèo cũng qua


38

Lê đã quyết quên nhà cứu nước
Nguyễn lại vào định chước diệt Minh
Đánh tâm rồi mới đánh thành
Đánh bằng lá thắm rời ngành ra sông

Câu sấm cũ mục đồng cũng rõ
Vi... quân... thần kẻ chợ đều hay
(18)
Mười năm gian khổ đã dày
Câu thề son sắt Lũng Nhai giữ tròn

Khi Khôi Huyện quân không một lữ
Lúc Linh Sơn chẳng đủ lương ăn
(19)
Mạnh là mạnh ở lòng dân
Quân rồi cũng mạnh lương dần cũng yên


39

Đánh Trà Long Nghệ An là sách
Đánh Ninh Kiều bức bách Vương Thông
Nào Tốt Động nào Trà Lân
Tây Đô thu lại Đông Quan đánh dồn

Chi Lăng đó mồ chôn họ Liễu
Lê Hoa kia thế yếu Mộc lui
Đánh cho máu đẫm thây vùi
Như loài muông thú bị thui lửa lò

Cho Minh đế ngồi lo đứng sợ
Nhìn ngựa về sạt vó xém lông
Nào ai nghe tiếng trống đồng
Bạc đầu mộng nhớ mà hồn còn kinh
(20)


40

Mười năm đó kết thành đại nghĩa
Tha quân thù rõ lẽ chí nhân
Cho cường bạo cho hung tàn
Cho nhiều tội ác cho tan tác nhiều

Khúc Đại cáo lụa thêu từng chữ
Câu Bình Ngô gấm ủ từng câu
Ai người nghìn trước muôn sau
Nào ai nói chuyện công hầu với ai

Chuyện thành bại cũng dài ngấn lệ
Chuyện mất còn cũng dễ thương tâm
Vì ai đốt nén hương trầm
Cảm thương ai đó khóc thầm vì ai


41

Tóc sương phụ rũ dài sô trắng
Mặt chinh phu vẫn sáng như gương
Gió lay ngọn cỏ bên đường
Lối mòn dẫn nẻo chiến trường còn sâu

Sóng phế hưng bạc đầu mấy lớp
Kiếp con người tan hợp bèo mây
Những người bao cũ bấy nay
Máu rơi bao đọi lệ đầy bao đêm

Ngày lại đến gầy thêm nỗi nhớ
Nắng lại nhòa mấy nẻo sơn khê
Lối ra còn nhớ lối về
Đường ra chiến địa đường quê cách vời


42

Hứng đầu gió tìm hơi mẹ ấm
Mà lạnh này sao thấm từng cơn
Nhớ khi mẹ tách trái gòn
Ghép đôi manh vải mẹ dồn áo bông

Sợ con lạnh ngày đông cơn bấc
Rồi nhớ khi mẹ cắt mo cau
Nắm cơm buộc chặt hai đầu
Một dây mà nén nghĩa sâu trùng trùng

Bầy đom đóm rưng rưng trước ngõ
Nến canh tàn giọt nhỏ nhỏ sa
Nao nao nghe giục tiếng gà
Lòng trong bậu cửa chân ra cuối đường


43

Ngoảnh mặt lại hơi sương lạnh ngắt
Môi mẹ cười nước mắt tuôn rơi
Rồi nay thân ở xa xôi
Nhớ câu mẹ nhủ nhớ lời mẹ khuyên

Nhớ buổi nọ bút nghiên đòn sách
Rộ mùa rươi lách tách hạt mưa
(21)
Đỉnh trầm nghe thoáng hương đưa
Nghe như mẹ khấn con chờ đại khoa

Rồi thoắt bỗng phong ba cuộn sóng
Rồi bỗng không lều chõng bỏ trơ
Nỗi mong nỗi ước ngày xưa
Giọt buồn giọt tủi nhập nhòa trong đêm


44

Bã trầu giã hẳn mềm tấc dạ
Bờ đường xưa trắng dã ngàn lau
Mẹ trông chừng cũng bạc đầu
Nhện giăng nếp nhớ ve rầu giọng thương

Phận bất hiếu lửa hương chẳng trọn
Thương mẹ già thỏn mỏn chờ mong
Buồn lên mấy ngọn sầu đông
Thân cành trơ trọi giữa đồng xa xa

Nhớ có bận mẹ ra đầu ngõ
Tre đầu làng buổi đó trổ hoa
Lời rằng nạn nước nạn nhà
Phận người thôi biết sẽ ra đàng nào


45

Hoa tre trổ từng bao thế hệ
Thế hệ nào tre cỗi khóc măng
Chập chùng đá dựng mây giăng
Trông vời nẻo cũ mang mang tấc lòng

Nắng đầu núi rám hồng đá sỏi
Ra sườn non trông vợi hoàng hôn
Lơ thơ vài cánh chim buồn
Cuốn theo chiều gió cuối luồng ráng phai

Thân ví được bằng loài chim nọ
Buổi lìa đàn vẫn nhớ cành xưa
Thân theo gió cuốn bụi mờ
Hồn theo gió gởi tận bờ Sâm Thương


46

Cuối thôn đoài trăng sương vừa mọc
Nghe lạc loài tiếng quốc ủ ê
Xưa nay chinh chiến ai về
(22)
Hương quê lãng đãng hồn quê mơ màng

Đêm nguyệt tận cũng tàn giấc mộng
Ngày dương đăng rõi bóng nắng mưa
Ai thương ai đó bao giờ
Vọng phu hóa đá đứng chờ nghìn năm

Chờ người buổi tơ tằm hẹn lứa
Sợi chỉ hồng xin hứa còn duyên
Trăm năm mà khéo tay chuyên
Dễ gì con Tạo làm phiền được ai


47

Sao chiến cuộc nỡ bày thế đó
Để nỗi buồn suối nhỏ thành sông
Đã chờ người buổi thu phong
Còn chờ người buổi giá đông lạnh đùa

Nắng cuối hạ tẽ thưa mái tóc,
Mưa đầu xuân kẻ sọc nếp nhăn
Ngày nào người hẹn cùng trăng
Sẽ theo cùng gió lên ngàn ít lâu

Sao trông mãi rừng sâu chẳng thấy
Thấy lối mòn dễ nhậy rêu phong
Người đi theo hướng quan phòng
Vào Nam ra Bắc xuống đông lên đoài


48

Miền đất mũi trông vời mỏi mắt
Dải phù sa ngan ngát bình nguyên
Hỏi người xuôi ngược mấy miền
Bước nào trở lại trẩy triền đồi cao

Gió đầu tây vẫn nao nao quyện
Núi trùng trùng khói quyến sương gieo
Lối đi cách suối ngăn đèo
Bặt đường thú lại tuyệt vèo chim qua

Người lần lữa không về nẻo ấy
Hay lại về trên bãi nương dâu
Nương dâu biến đổi cơ cầu
Tang điền thương hải biết đâu mà dò


49

Trông cõi bắc mơ hồ vân hạc
Hay rồng xưa móng gác Thăng Long
Dựng nên vách sắt thành đồng
Người ra như thể cánh hồng ra khơi

Con uyên lẻ phương trời ngơ ngác
Vời biển đông lác đác phù ngư
Bờ sương khói sóng mịt mù
Thuyền ai thấp thoáng nhấp nhô giữa dòng

Gió đông đến người không trở lại
Nhạn vầy đàn... trông mãi tin thư
Chiến trường là cõi thực hư
Người vào chốn ấy tuyệt mù hơi tăm


50

Mảnh da thịt tháng năm đã lạnh
Những mơ mòng nhân ảnh lung linh
Lưu ly ngọc đá đúc thành
Tấm gương bất diệt khối tình người xưa

Nhân ảnh cũng nhạt nhòa thiên cổ
Khối tình còn sống giữa nhân gian
Xa xa mấy áng mây tần
Đầu ghềnh cuối bãi hợp tan bao giờ

Buổi khói trận bốc mờ tinh đẩu
Tình thê nhi vẫn giấu căm căm
Rồi trong bóng tối âm thầm
Bão ngầm lại nổi sóng ngầm lại dâng


51

Gió vi vút trên ngàn dưới thác
Lòng rạt rào cơn bấc con nam
Ngựa Hồ hí ngọn bắc phong
Hơi nồm Việt điểu héo hon điệu buồn

Loài muông thú lòng còn thương nhớ
Dạ thế nhân nào khỏi xót xa
Nửa say nghìn dặm quan hà
Nửa thương cố lý nỗi nhà quạnh hiu

Thương con dại chít chiu bên cửa
Nếp thư hương biết tựa vào ai
Đói no nắng muộn mưa mai
Đông thiên có áo đêm dài còn chăn


52

Còn bên mẹ học ăn học nói
Còn nếp nhà nhuần gội lễ nhu
Hay nay vì ánh hỏa mù
Vì cơn bão loạn ra ngu ra đần

Ra gót đỏ phèn lan bùn lấm
Ra đầu xanh sương dậm gió phơi
Tuổi thơ còn có tiếng cười
Rồi ra còn có nên người về sau

Bóng cha sớm nhuộm màu trăng lẻ
Mặt con đành phải vẽ màu than
Nào đâu là cái số phần
Chẳng qua cái mối chuyền lần theo tay


53

“Cành ngô đồng vừa thay chiếc lá
Người đều hay mùa ngả sang thu”
(23)
Ai tường cái lẽ Dịch Chu
Cái mầm vốn nảy ra từ cái nguyên

Lý vạn vật biến thiên là thế
Tình con người chẳng nhẽ thế sao
Trời nào so được thấp cao
Biển nào đủ rộng để rào sóng thương

Mắt trẻ ngó thiên đường cũng mở
Môi trẻ cười ngục lửa cũng tan
(24)
Một mai trẻ sớm lầm than
Máu tim cũng lạnh mật gan cũng nhờn


54

Nhìn cỏ nõn nhớ con thơ dại
Lách rừng sâu sợ gãy cành non
Vì ai mà bước chon von
Thân ra chiến địa giữ tròn núi sông

Nhân bản vốn nằm trong chân lý
Là tình thương mang nghĩa trường sinh
Chữ Nhân vốn dĩ là Tình
Chữ Thương nào chỉ riêng mình với ai

Sao ray rứt đường dài vạn dặm
Nhớ thương thầm càng thấm càng sâu
Đèn hoa sáng buổi ban đầu
Thương màu lụa nõn thương màu trăng thơ


55

Đường xa mã cuộc cờ non nước
Câu sắt cầm hợp khúc nhặt khoan
Chẳng gác phượng chẳng màn loan
Gió trăng cũng đủ một khoang thuyền đầy

Lối thanh thảo hương lay nội cỏ
Khoảnh đào viên hoa rộ vườn im
Líu lo đôi cánh chim chuyền
Đầu song én liệng cuối triền nhạn bay

Chén đạm bạc mùi say thanh thủy
Miếng hàn trân đậm vị hồng qua
(25)
Trúc tơ cợt mái hiên nhà
Liễu hờn mai dỗi bướm hoa cũng tình


56

Thiên thai đó xin dành Lưu Nguyễn
Đào Nguyên đâu xin nhượng Từ quân
Chỉ xin một chút duyên trần
Thảo đường một mái cơ hàn cũng cam

Sắc Lộng Ngọc không làm Tiêu sử
Gương lầu Tần chẳng nhủ ai soi
Trăng kia đủ sáng trong ngoài
Nắng kia đủ đẹp cho người phơi khăn

Đâu loài cúc xuân sang chẳng nở
Nhược thủy đâu sóng vỗ về tây
(26)
Chẳng qua duyên đó tình này
Thanh bình mong hưởng những ngày yên vui


57

Cành nhụ tử nở cười đôi lứa
Đóa hồng đào vườn nhỏ thêm tươi
Thuyền tình dong bến sao rơi
Bốn mùa nghe vọi đất trời đổi thay

Ba cửa Giáo đường ngay vẫn giữ
Đạo cang thường hai chữ chẳng thưa
(27)
Một chiều một sớm một trưa
Kê vàng một giấc cũng vừa trăm năm

Tạo hóa khéo sao căm ước mọn
Chiến thần hay sao chọn nhầm tên
Ném ra cuối biển đầu ghềnh
Cho lòng canh cánh khối tình lưu ly


58

Đường đánh giặc ngựa phi vó nhẹ
Mảnh tình quê những bẻ làm đôi
Quê hương một nửa không rời
Quê hèn một nửa còn nơi sân nhà

Bóng trăng trải rừng xa nguyệt quế
Mặt trời dìm vườn lẻ hướng dương
Thương sao chín nhớ mười thương
Nhớ sao nhớ cả cung đường chim bay

Nhớ năm tháng lần tay tính thử
Còn ngón nào đếm đủ mùa rơi
Nhạn hồng ngang cánh bên trời
Ao xưa còn giữ bóng soi ngày nào


59

Cơn nước loạn còn chao mặt sóng
Nhớ thương còn rung động nguyệt hoa
Thăm thăm một dãy Ngân Hà
Trông vời Ngưu Chức xót xa đôi bờ

Cầu Ô Thước mơ hồ dòng lệ
Giọt mưa ngâu lặng lẽ không thanh
Gió khuya cợt lá trong cành
Sợ người nghe tiếng trống canh giật mình

Sợ đêm lạnh lệ đoanh mặt gối
Ngày soi gương sợ đổi dung nhan
Gót hồng dáng liễu thanh tân
Sợ khi cơ cực trĩu oằn đôi vai


60

Mặt hoa ngọc sợ phai sắc phấn
Tóc tơ huyền sợ lẫn màu sương
Xạ thơm còn đượm y thường
Trầm hương còn ấm thư đường hay không

Hay đàn nguyệt phím đồng để lạnh
Tranh trúc mai dễ sánh màu tro
Nâu lam đổi áo bao giờ
E rằng nếp vá hằn bờ da trong

Gió loạn đẩy long đong vào cửa
Đem vàng ròng thử lửa mà chơi
Lòng đau sao miệng nói cười
Sao trong cùng thẳm nhớ người không nguôi


61

Trời nơi ấy mây trôi ngoài ngõ
Trời nơi này lối nhỏ mù che
Hồn đêm gióng ngựa quay về
Lá hoa rơi lấp đường quê mất rồi

Trống đồng vọng bồi hồi mặt nước
Cờ phất phơ thươn thướt thành cao
Ở đâu giáo dựng thương rào
Ở đâu môi đỏ má đào héo hon

Trận ngoài tuyến nổ giòn chẳng sợ
Trận trong lòng chưa vỡ mà đau
Gần nhau say chén tình đầu
Xa nhau càng ngấm nghĩa sâu càng gần


62

Nét trang nhã hương lân còn tiếng
Nét thảo hiền đỏ miếng trầu ngon
Trái cau xẻ bảy cũng tròn
Hạnh cung tiết cẩn dễ mòn tháng năm

Trăng nào giữ trăng rằm được mãi
Vẻ đẹp nào đẹp trải thời gian
Sương lê nắng lựu dễ tàn
Hương trầm gió quế dễ tan được mùi

Vui xuân thắm không vui được nữa
Giữ đông tàn chút lửa chắt chiu
Đã hay cảnh cũ đìu hiu
Mong gì ong bướm dập dìu như xưa


63

Mong trở lại chiều chưa kịp xế
Mong trở về dù trễ vẫn hơn
Vuốt buồn vuốt tủi vuốt hờn
Bỏ cơn lận đận bỏ cơn hải hồ

Đàn giở lại dòng thơ nối lại
Rào giậu tre sửa mái nhà tranh
Vườn thưa ươm lại cây lành
Giấy thừa vẽ lại bức tranh yên hà

Sông êm ả buông xa tít tắp
Khói trận tàn trời sắp rạng đông
Bờ xanh phơn phớt ánh hồng
Bờ xanh dòng nước chảy trong mượt mà


64

Xin cứ khóc cứ sa giọt lệ
Cho vơi niềm chia rẽ bấy lâu
Nén hương đêm có nguyện cầu
Cầu sao cho được bạc đầu bên nhau

Hết lo buổi mưa mau nắng mẩy
Hết sợ ngày hẹn đẩy hẹn đưa
Hết buồn lòng kẻ đợi chờ
Hết đau lòng kẻ cuối bờ sông kia

Sợ xa cách chia lìa dường ấy
Cầu mong nào được thấy mà mong
Hôm nào trời nổi cầu vòng
Hôm nào gió lớn chạy trong rừng ngàn


65

Giặc ngoài cõi đã tan buổi ấy
Giặc trong nhà lại dấy hôm nao
Dòng xanh lại gợn sóng đào
Đầu xanh tóc điểm lại lao vào vòng

Ngựa Mạc đến Thăng Long mờ khói
Voi Lê về lửa chói sông Tô
Hồ Gươm đục nước béo cò
Tiêu điều Văn Miếu ơ hờ lá rơi

Trải bao độ vàng phơi phủ Chúa
Trải bao mùa son rữa đền vua
Ai người hiền sĩ ngày xưa
Trăm năm có thấy nước nhà đảo điên


66

Trịnh đất Bắc quyền nghiêng thiên hạ
Cờ trong tay xa mã dọc ngang
Cung trong tướng sĩ rộn ràng
Biên ngoài quân chặn pháo giăng đầu dòng

Nguyễn giữ chặt Đàng Trong một cõi
Thế muôn đời mấy dội Hoành Sơn
Biết bao gió tủi mưa hờn
Tủi cơn bấc lộng hờn con nồm tràn

Một thế nước đem phân hai cõi
Một giống nòi đem đối mặt nhau
Dìm nhau ở chốn giang đầu
Vùi nhau ở chốn vực sâu muôn trùng


67

Vừa qua bến quay lưng trở lại
Nào ai ngờ mãi mãi xa nhau
Rồi đêm sấm chớp đục ngầu
Cây mưa rước cá bạc đầu thủy ngư
(28)

Nước lạnh lẽo tuyệt mù tăm cá
Giọng đổ quyên ròng rã bờ sương
Sông Gianh đã cắt mối đường
Bắc Nam từ đó lệ thương rạt rào

Nào ai biết dòng nào trong đục
Nào ai lường họa phúc ra sao
Phóng lao thì phải theo lao
Nhìn nhau theo lớp chiến bào mà theo


68

Mặt chẳng thấy tên reo chẳng biết
Tên buông rồi hẳn giết được ai
Kẻ xóm đông người thôn đoài
Kẻ trong Thuận Hóa người ngoài Trấn Ninh

Tiếng giáp trận xông thành réo gọi
Vách núi nghe tiếng nói như nhau
Mịt mờ sương khói một màu
Đôi bờ da dẻ khác nhau nỗi gì

Da thịt ấy khác khi mẹ đẻ
Lại chung nguồn gạo tẻ nước trong
Từng khi diều sáo trên đồng
Từng khi trăn trỏng ngâm sông nghịch bùn


69

Nay lửa trận bỗng ngun ngút nổi
Gạo nồi này xông khói trấu kia
Thóc đem xẻ ruột chia lìa
Người đem xương máu mong chia chính tà

Mặt xấp ngửa trời già họa biết
Dế tỉ tê da diết đêm mưa
Chúa rằng vì nước vì vua
Vai mang chính nghĩa đêm chưa kịp nằm

Lệnh đã xuống mười lăm chưa bắt
Mười sáu tròn con mắt ngác ngơ
Tha người đầu tóc bạc phơ
Tóc người sương điểm còn vừa tuổi quân


70

Quân vỡ núi trên ngàn lập rẫy
Quân khơi nguồn sông chảy tưới nương
Quân đi đội đá vá đường
Trẩy đèo Tam Điệp qua truông nhà Hồ

Hoa dại nở lơ thơ lối nhỏ
Quân càn rừng chân bó máu rơi
Quân đi lòng Chúa bời bời
Giải buồn đôi ả dạo chơi đền Hồng
(29)

Cũng là Chúa ở trong đền Giáng
(30)
Từ Phú Xuân ra bảng mộ quân
Tiếng rằng để diệt cường thần
Vì non nước vì dân yếu hèn


71

Đêm lây lất ngọn đèn không ngủ
Chúa mơ màng lương đủ quân đông
Đợi mùa gió nổi thuyền dong
Cờ ra Phố Hiến vào trong Hồng Hà

Lời trau chuốt chua ngoa dường ấy
Đánh nhau ròng trải bấy thu đông
Đánh cho vắng chợ hoang đồng
Đánh cho xương trắng máu hồng rừng xanh

Loài chim nhỏ trên cành cũng sợ
Bỏ đất cằn rời tổ bay xa
Có bà mẹ tuổi chưa già
Lần theo rặng nước xuyên qua chiến trường


72

Tìm con trẻ lên đường buổi nọ
Trong bờ lau bụi cỏ lao xao
Tưởng như trong giấc mơ nào
Thấy thây chồng chết máu đào đã khô

Xác nằm cạnh phất phơ chỏm tóc
Lật mặt nhìn rồi khóc rưng rưng
Con bà đôi mắt mở trừng
Chết đêm mưa máu lạnh lùng bên cha

Đau thế ấy xót xa dường ấy
Lưỡi gươm đao nào thấy gì đâu
Chặt lìa cốt nhục máu trào
Đất dày bỗng điếc trời cao bỗng lòa


73

Hai cơ thể máu hòa nhau được
Bỗng đổ ra vì cuộc cờ say
Chúa say cuộc thế trong tay
Chúa say gác tía vàng dày ngọc xinh

Chúa say sắc say tình say tự
Chúa say quyền say xử say dung
Của chung sông núi là chung
Chúa đem chia cắt như tuồng của riêng

Như ngạc hải hùm thiêng vùng vẫy
Miếng đỉnh chung máu vấy còn hôi
Mặc cho người chết mặc người
Tình thâm cắt đứt lệ rơi trắng đồng


74

Đàn cò trắng ven sông lặng lẽ
Nhìn đôi dòng máu tẽ chia đôi
Não nề đến thế thì thôi
Hận kia để lại lòng người nghìn năm

Kẻ thức sĩ đêm nằm gác trán
Nghĩ nước nhà nắng hạn còn lâu
Trời xanh xanh thẳm một màu
Mong mưa hẳn đến bạc đầu còn chi

Giọt cam lộ mong gì được thấy
Thấy loài sâu chúa ấy quân kia
Vua mang mũ mãng đai hoa
Lộng trong đền Kính để khoe với người


75

Con ngáo ộp nên trời nên đất
Mặc chúa tôi bóp nát nhân luân
Nhìn cho chín rõ mười phân
Nhìn trong sĩ hoạn mười phần chín hư

Kẻ vênh váo tôn phù nhà Chúa
Kẻ xum xoe chực cửa quyền môn
Trên trên vì khéo cúi lòn
Ngang ngang vì giỏi giữ tròn chữ ngoan

Thâm thấp lắm cũng quan không ấn
Kẻ sĩ hiền cao ẩn nơi đâu
Nhìn kia dân xót dân đau
Nhìn trăm gánh nặng đổ đầu dân đen


76

Nhà trống trải đêm đèn là lửa
Trẻ đói cơm khát sữa o e
Những đêm gió lộng mưa về
Bốn bề lạnh lẽo biết che bề nào

Sáng tinh mĩnh lại lao vào đất
Ghì mạnh vai cho lát cày sâu
Chúa truyền sức ngựa sức trâu
Sung vào quân tải tải vào tuyến trong

Trâu ngựa tải tây đông nào biết
Đem sức người kéo miết cũng xong
Nghỉ tay lại nghĩ đến chồng
Chồng ra lính chúa vào Trong ở Ngoài


77

Ngày ăn sắn ăn khoai hay gạo
Hay củ mài nấu cháo đêm qua
Thương con thương đất thương nhà
Thương chồng thương phận biết là thương ai

Phải thương Chúa thừa sai bảo thế
Chúa vì dân chẳng lẽ chẳng theo
Thôi thì cái phận bọt bèo
Chưa nghiền đã nát eo sèo mà chi

Của thì giữ miệng thì bóp chặt
Chúa bỏ dân cho đất tiêu sơ
Ai đi theo Chúa thì nhờ
Ai không theo Chúa thì chờ đi sai
(31)


78

Thế đất bắc tay dài của Chúa
Sải rộng ra chất lửa quyền uy
Thương mến dân thương mến gì
Vì dân vì nước nói đi nói về

Nói nói mãi dân nghe đến chán
Chán mà nghe dễ ngán lắm thay
Đàng Trong Chúa cũng thế này
Khác hơn họa có Chúa bày nọ kia

Ruộng cũ mới đem chia đem bán
Kẻ thế quyền rổn rảng ngựa xe
Cũng khi đàn đúm hội hè
Cũng khi mắc mứu kéo bè kéo vi


79

Chuyện trăng gió đôi khi cũng bận
Chuyện bán buôn khai khẩn chưa xong
Sài Côn đất rộng người đông
Hội An bến cửa thuyền Đông Tây vào

Mặc sĩ tốt lao đao ngoài tuyến
Mặc dân nghèo bước chuyển bước chao
Rừng vàng biển bạc nhôn nhao
Khanh ra bến ấy sĩ vào đất kia

Chuyện đất nước cắt chia cũng sợ
Sợ mai rồi mất thuở vàng son
Lũy Thầy Chúa dựng đá mòn
Khảm ngà tông miếu tô son đền vàng


80

Thuyền chiến chật bến ngang bến dọc
Voi ngựa nhiều lúa thóc đầy kho
Quân dồn cũng đến thận bờ
Đánh nhau trăm trận được thua sá gì

Thế của chúa suy vi chẳng biết
Chuyện mất còn ai thiết gì đâu
Kẻ lo hưởng cuộc sang giàu
Kẻ lo vật vã cháo rau qua ngày

Quân dù có dạn dày trận mạc
Tướng mãi canh tiếng bạc bon chen
Thấp cao lớn bé sang hèn
Mặt ai thì sáng lấy đèn nhà ai


81

Chúa ngất ngưởng trên ngai phỉ chí
Lại mơ làm tráng sĩ như ai
Thật ra gươm chúa cũng dài
Phi tần bận bịu có mài nổi đâu

Ngọc dù quý không trau cũng ố
Rèm không buông thì gió lọt song
Gió lay ngọn cỏ ngoài đồng
Nhìn kia mực nước trên sông đã tràn

Quân bờ Bắc như đàn sói dữ
Một đêm nào như lũ phá đê
Từ nguồn cao cuốn giập về
Sông Gianh chìm giữa bốn bề nước dâng


82

Đàn quân ấy hung hăng vượt bãi
Suốt một miền duyên hải xác xơ
Biển đông xanh mắt ngẩn ngơ
Cánh buồm xứ Quảng bây giờ về đâu

Bỏ bờ cát hoen màu máu ố
Tanh thây người nhấp nhố ngổn ngang
Xa trên gộp đá bìa làng
Xa trên quan lộ dọc hàng vì lao

Trận bốc lửu đổ vào buổi sớm
Nắng chiều in lốm đốm thịt xương
Dân lành gục ngã trên đường
Dân lành mong thoát chiến trường mà ra


83

Quân bờ bắc đuổi nà loạn tiễn
Tiếng tên reo có tiếng người rơi
Con đường đẹp của một thời
Thành con đường máu lòng người khó quên

Nỗi sợ hãi nâng lên theo gió
Lan tràn vào mọi ngõ ngách Kinh
Người trong giấc ngủ trở mình
Còn mong chấp cánh rời thành bay xa

Cảnh man rợ vọng ra thế ấy
Người vừa nghe chưa thấy mà ghê
Quân đâu chẳng thấy kéo về
Tướng đâu chẳng lấy thân che thành trì


84

Người lo sợ kẻ đi người ở
Thuyền tách bờ đến chỗ nông sâu
Lòng đau không cắt mà đau
Đau lòng rời chốn chôn nhau mà rời

Bỏ bạc nén vàng thoi chẳng tiếc
Thương khung trời nước biếc trăng thanh
Ở đây trái ngọt cây lành
Ở đây thơ ấu trưởng thành ở đây

Đàn chim nhỏ rời đàn biền biệt
Đôi cánh mềm rồi biết về đâu
Ở đây Chúa bỏ nhịp cầu
Ở đây Chúa bỏ tuyến đầu trên sông


85

Chúa bỏ cả cánh đồng sơn cước
Bỏ cả vùng bến nước ven duyên
Quân chưa bỏ ngựa bỏ thuyền
Mà sao Chúa bỏ cao nguyên núi đồi

Bỏ đất nước bỏ người bỏ của
Nước trăm dòng không rửa vết nhơ
Kinh thành bỏ ngõ bao giờ
Để cho đền cũ sắc cờ đã thay

Gió lạ nổi gió lay gió lắc
Bóng cờ bay bóng sắc bóng son
Nhìn cho con mắt no tròn
Nhìn sao cho đến non mòn đừng quên


86

Lật trang sử tìm tên người chết
Bởi sắc cờ ai biết mà ghi
Máu xương nào nói được chi
Trăm năm cỏ lấp xanh rì còn đâu

Chôn mất dấu biết bao sự thật
Ai còn buồn bới đất tìm xem
Điện Kim quân Trịnh qua thềm
Gác Dao buổi ấy bóng đêm nói gì

Buổi loạn lạc kẻ đi người ở
Kẻ mất còn ai rõ gì đâu
Cái bô mà Chúa trong lầu
Bắc quân làm chậu gội đầu hôm qua


87

Sự thật đó cũng là sự thật
Ai kia còn có mắt còn hay
Cam xe cà chất đó đây
Trầm hương quế dược đun đầy bếp quân

Của cải kẻ nhân thân thế phiệt
Sung vào kho kể biết bao nhiêu
Thi thơ phú lục cũng nhiều
Bao triều văn hiến hỏa thiêu mất rồi

Chùa chiền cũ chuông dồi mõ gõ
Sáng hôm này trống ngõ như không
Chợ xưa vừa nhóm đã đông
Hôm nay phố vắng chợ mong tiếng người


88

Loa phóng gọi như lời chúa dụ
Dân vẫn còn là chủ của dân
Phận ai đã định sẵn phần
Trăm năm dễ có một lần thế kia

Bờ bến cũ tạm chia họp lại
Dòng sông nào nước mãi chia đôi
Ngỡ rằng người nói tiếng người
Hay đâu loài vẹt học đòi điển kinh

Ngỡ trong điển có tình có nghĩa
Nghe ra rồi vỡ lẽ càng chia
Ai nghe nước mắt đầm đìa
Thành xưa phố cũ chưa lìa mà xa


89

Con đường cũ bước ra thấy lạ
Lạ một người nghe cả phố đau
Bước kia là bước ban đầu
Những người xưa cũ đã hầu nghĩ chi

Kẻ sĩ khí chết vì khí tiết
Kẻ thương nhà còn thiết đến thân
Chẳng ra cái phận hàng thần
Chẳng ra cái phận con dân đớn hèn

Khôn dại đó đỏ đen thế đó
Thực trăm lần mà ngỡ chiêm bao
Thương cho mấy mảnh giáp bào
Chỉ trong một sớm vứt vào lửa tro


90

Mang đầu óc mà như kẻ dại
Đau lòng mình còn phải thiệt hơn
Thương cho sĩ tốt uất hờn
Vứt đao thương đó máu dồn lên môi

Đánh cho chết cho rồi chẳng oán
Thua thế này nửa hận nửa đau
Quân không còn sắc còn màu
Tan vào bóng tối đêm sâu mất rồi

Thương mệnh nước nổi trôi từ đó
Thương dân lành trăm họ long đong
Đã hay nước chảy một dòng
Bến trong bến đục trong lòng rõ chưa


91

Khuôn phép cũ bãi bừa đến thế
Xích xiềng này chẳng nhẽ giãn co
Siết cho đến dại đến khờ
Siết cho cơm đói áo co mới đành

Máu không tắm kinh thành buổi nọ
Để vắt từng giọt nhỏ mà thôi
Công khanh triều cũ một thời
Lưu ngoài thủy tận đày nơi sơn cùng

Mưa quất mặt quằn lưng nắng cháy
Chết mỏi mòn giữa đáy rừng sâu
Ai còn có chút máu đầu
Người giàu nhà cải của giàu nhà kho


92

Cơ nghiệp cũ còn lo chi nữa
Trải bao đời một bữa rồi xong
Trắng tay mà đói cả lòng
Mắt nhìn đổ giọt máu hồng mà ngơ

Dân thuyền thợ Chúa lo đủ việc
Sẵn mồ hôi đừng tiếc mà đong
Người cày xót mắt trên đồng
Thóc đưa vào đụn Chúa dùng việc quân

Sự nghiệp lớn băn khoăn lòng Chúa
Đem chữ Tàn đánh đổ chữ Nhân
Hò khoan nước nước dân dân
Hò khoan chúa giỏi tôi ngoan thế này


93

Miếng lộc đỉnh cũng say cũng sít
Mũi thề quyền cũng hít cũng hơ
Trong tay đã sẵn thế cơ
Chúa làm lịch sử hẳn chờ hẳn hay

Vết thương cũ đêm ngày ray rát
Mảnh nhiễu điều rách nát nơi nơi
Tương tàn đến thế thì thôi
Kêu lên một tiếng hỡi trời rồi câm

Viết trang sử nghìn năm chẳng dễ
Sao cho tường cái lẽ phế hưng
Trải cơn bão táp trùng trùng
Trời long đất lở bách tùng vẫn xanh


94

Xuân rộn rã hoa tranh bóng nắng
Hạ ngậm ngùi đài lắng cánh rơi
Cành thu quạnh quẽ trăng soi
Chồi đông não nuột lại cơi nụ cười

Biết rằng nói thành lời chẳng đủ
Mờ mắt nhìn hằng nhủ con ngươi
Đổi thay chuyện của đất trời
Long mình mình giữ một đời thản nhiên

Giữ chính khí triền miên cháy mãi
Như nghìn năm thiên tải vân lưa
Nhiên nhiên ảo ảo mù mù
Đen trong vầng sáng sáng từ vũng đen

Có cô bé bên đèn học sử
Đến đoạn buồn chợp ngủ mơ mơ
Thấy trong thành quách tàn tro
Bỗng nhiên rực sáng bóng cờ năm xưa

9/9/1987
Văn Nguyên Dưỡng

 

*Trang: 01,02,03,04,05,06,07,08,09,10,11,12,13,14,15,16,17,18,19,20,21,22,23,24,25,26,27,28,29,30,31,32,
33,34,35,36,37,38,39,40,41,42,43,44,45,46,47,48,49,50,51,52,53,54,55,56,57,58,59,60,61,62,63,64,65,66,
67,68,69,70,71,72,73,74,75,76,77,78,79,80,81,82,83,84,85,86,87,88,89,90,91,92,93,94

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú

 


1. Hoang Đoái: Vùng đất nằm trong lãnh thổ nhưng xa xôi, hẻo lánh và hoang vu, không người canh tác. Nếu có, cũng được miễn các sắc thuế canh điền hay thổ trạch.


2. Ba Trăm Lối Thác Đường Ghềnh: Phỏng theo hai câu ca dao:

Đường lên Mường Lễ bao xa
Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh.


Hai câu này chỉ đoạn đường khó vượt đi từ Phú Thọ (Bắc Việt) lên Mường Lễ và Mường Thanh ngày xưa. Nay là vùng Điện Biên Phủ.

Long Môn và Hào Tràng: Hai địa danh nằm trên sông Đà, Bắc Việt.

Long Môn: Là nơi có gộp đá nằm chắn ngang dòng sông Đà. Sách “Kiến Văn Tiểu Lục” của Lê Quý Đôn ghi lại câu sau đây trong “Giao Châu Ký” của Thái Thú Tăng Cồn: “Long Môn nước sâu trăm tầm, cá lớn vượt chỗ này sẽ hóa thành rồng.” Cứ ngày mồng 8 tháng 4 mỗi năm, loài cá Anh Vũ thường kéo đến vượt Long Môn.

Hào Tràng: Một động đá sâu nằm trên bờ sông Đà, gần Long Môn. Trên vách động Hào Tràng còn ghi một bài thơ của Bình Định Vương Lê Lợi, sau khi đánh đuổi giặc Minh xong, kéo quân về đến đây (xem Kiến Văn Tiểu Lục).


3. Bốn câu này dịch phỏng ý bài thơ “Hoài Thượng Biệt Hữu” của Trịnh Cốc, đời Đường

Dương tử giang đầu dương liễu xanh
Dương hoa sầu xác độ giang nhân
Sổ lai phong dịch lưu đĩnh vãng
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần
.”


4. Hai câu này mượn 4 chữ “túy ngọa sa trường” trong bài thơ của Vương Hãn:

Bồ đao mỹ tửu dạ quang bôi
Giục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mục tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.



5. Can: Còn có một nghĩa là “lá chắn” – mộc. Cổ nhân dùng chữ “can thành” để chỉ người vũ dũng đem thân ra làm khiên, làm mộc, làm thành lũy để chống giặc.


6. Tơ Tằm Tám Lúa, Hoa Màu Năm Hai: Sách “An Nam Chí Nguyên” của
Cao Hùng Trưng có đoạn viết về nước Việt – thời Văn Lang – cát cứ ở vùng
sông Thái Bình, sông Mã, sông Chu, như sau:

Ruộng đất ở đó màu mỡ, cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm đều thích nghi cả. Muối thì trắng, sạch như tuyết. Cánh chim trĩ thì đỏ tía đẹp mắt. Vàng thì sẵn ở các châu Phú Lương và Quảng Nguyên. Hạt trai thì có sẵn ở các xứ Tỉnh An và Vân Đồn. San hô và đồi mồi thì sẵn trong biển. Ruộng lúa ‘mùa’ cấy tháng 5 gặt tháng 10; ruộng lúa ‘chiêm’ cấy tháng 11 gặt tháng 4 năm sau. Thế gọi là lúa hai mùa. Tằm tang mỗi năm 8 vụ. Vậy một năm có 2 vụ lúa và 8 vụ lứa tằm.”
(xem Kiến Văn Tiểu Lục).


7. Phong Văn: Phong hóa và văn hiến.


8. Am Nha: Nha trảo nơi âm cung. Chỉ bóng dáng Tử thần.


9. Tứ Sinh, Lục Đạo: Theo nhà Phật thì mọi vật, mọi loài hiện hữu được sinh ra từ bốn cửa, gọi là “Tứ Sinh” gồm Thai sinh, Noãn sinh, Thấp sinh và Hóa sinh. Trời đất gồm sáu cõi, gọi là “Lục Đạo” gồm Thiên, Thần (Atula), Nhân, Địa Ngục, Ngạc Quỷ và Súc Sinh. Con người, do Thai sinh thường trải “thiên ma bách chiết” (nghìn lần va chạm, trăm lần gãy). Nghiệp căn “luân hồi” trong sáu cõi chi phối bởi định luật “nhân quả”.


10. Vương Nữ: Chỉ Trưng Nữ Vương Trưng Trắc và Trưng Nhị.


11. Bến Lãng: Yên Lãng, nơi hai bà thất cơ trong trận đánh với Mã Viện, tướng Đông Hán. Sau đó hai bà dìm mình tử ở Hát Giang.


12. Non mô: Núi Yên Mô, nơi khởi nghĩa của Bà Triệu – Triệu thị Chính.


13. Dạ Trạch, Ba Vì: Đầm Da Trạch, nơi khởi nghĩa của Triệu Quang Phục, nối tiếp sự nghiệp của Tiền Lý Nam đế Lý Bôn. Núi Ba Vì là vùng đất khởi nghĩa của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.


14. Hồng Lĩnh, Bạch Đằng: Núi Hồng Lĩnh thuộc Châu Hoan Ái ngày xưa, nơi khởi nghĩa của Hắc đế Mai Thúc Loan. Sông Bạch Đằng, nơi Ngô Quyền thắng trận quyết định trước quân Nam Hán. Năm 939 Ông xưng Vương, mở nền tự chủ dân tộc sau hơn một nghìn năm bị giặc Tàu đô hộ.


15. Bến Như Nguyệt: Năm 1076, để khích lệ tướng sĩ đánh đuổi quân nhà Tống trên tuyến Sông Cầu – ngày xưa là bến Như Nguyệt. Tướng Lý Thường Kiệt làm bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” như lời sấm ký, thúc giục lòng yêu nước của ba quân:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại thư
.”

Trước đó, năm 1075, chủ trương, “tiến là để thủ”, Ông đã tiến quân đánh suốt dọc Châu Liêm đến Châu Ung thuộc Quảng Đông và Quảng Tây–Trung Hoa, triều đình nhà Tống rúng động.


16. Trống Quân: Điệu trống hùng mạnh, rất thịnh hành trong quân đội nhà Trần. Điệu Trống Quân có lẽ được khai sáng trong thời kỳ quân dân nhà Trần chống quân Nguyên Mông. Khúc Xuân Phả: Điệu múa có từ thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Các động chúa từ các miền sơn cước đến triều kiến vua Đinh, tổ chức các đội múa chúc mừng dưới ánh trăng hoặc trước ánh lửa, người xoay trần, mang mặt nạ. Điệu múa này cũng rất thịnh hành trong quân đội nhà Trần. Quân sĩ múa trước các buổi xuất quân, hoặc để ăn mừng chiến thắng.


17. Hát Dậm: Còn gọi là Hát Dặm. Điệu hát kèm theo điệu nhảy múa để trẩy quân. Một người xướng, nhiều người hát họa theo. Vừa hát vừa nhảy, trẩy quân đi. Cuộc trẩy quân như vậy mang khí thế tiến công, quân đỡ mệt mỏi. Rất thịnh hành trong quân đội nhà Trần.


18. Vi... Quân, Thần: Tương truyền khi vào Lam Sơn giúp Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh, Nguyễn Trãi đề xuất sách lược “đánh tâm rồi sẽ đánh thành”. Ông dùng loại mực đặc biệt viết lên lá cây, để cho kiến đục, câu sau đây: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Lá thả trôi trên sông mục đích kêu gọi sự đoàn kết của quân dân để đánh đuổi giặc Minh. Đó là loại Chiến Tranh Tâm Lý ngày xưa.


19. Hai câu này trong bài “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi:

Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
khi Khôi huyện quân không một lữ
.”


20. Trần Phú, sứ giả của triều đình nhà Nguyên đi sứ vào triều nhà Trần, khi trở về, nhớ lại các trận đánh của quân dân nhà Trần tiêu diệt quân Nguyên, đã làm bài thơ nói lên sự sợ hãi của hắn:

Kinh qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh
Dĩ hạnh di lai thân kiến tại
Mộng hồn do giác chướng hồn kinh
.”

Hai câu thơ ở ghi chú này lấy ý trong bốn câu thơ trên đây để lập lại các trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt quân Minh mà nỗi kinh sợ của họ chẳng khác chi nỗi kinh sợ của tướng sĩ nhà Nguyên trước đó.


21. Rộ Mùa Rươi: Về mùa rươi, miền bắc Việt Nam có câu “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”, nói rõ ngày tháng mùa rươi rộ (có nhiều). Ngày 20 tháng 9 và ngày mồng 5 tháng 10 âm lịch, là các ngày rươi rộ trong năm. Hai ngày đó trời mưa, gọi là “mưa rươi”. Loài rươi là sinh vật thật nhỏ kết lại thành từng mảng lớn ở các ven sông gần cửa biển. Sau cơn mưa rươi, rươi sinh sôi nhiều vô kể. Vớt lên, đem làm mắm. Mắm rươi nấu với lá “gấc” là món ăn bình dân rất ngon. Dân miền Bắc rất thích. Miền Nam, ít người ăn mắm rươi nên rất ít người biết loài sinh vật này. Rươi cũng có nhiều ở mũi Cà Mau và ven biển Rạch Giá.


22. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.”


23. Phỏng dịch hai câu:

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
.”

Đáng lẽ nên dịch “Cành ngô đồng vừa bay chiếc lá,” nhưng chữ “thay” dễ nghe hơn.


24. Ngục Lửa: Dịch chữ hỏa ngục.


25. Hồng Hoa: Quả dưa đỏ (dưa hấu)


26. Phỏng dịch hai câu thi giảng của Hải Lượng Đại Thiền Sư Ngô Thì Nhậm ghi trong “Đại chân Viên Giác Thanh” về cái “Thuận” và cái “Nghịch” của chữ “Lý” (lý thuận và lý nghịch). Hai câu đó như sau:

Vạn thủy giai đông Nhược Thủy tây,
Cúc hoa bất dữ bách hoa tề
.”

Vạn con sông chảy về hướng đông, riêng sông Nhược Thủy chảy về hướng tây. Hoa cúc không cùng nở với trăm loài hoa khác. Ở đây mượn hai câu thơ này để nói lên tấm lòng kẻ sĩ không khác người, không phải là dòng Nhược Thủy chảy về hướng Tây, cũng không phải là loài hoa Cúc không nở về mùa xuân như các loài hoa khác. Họ cũng như mọi người, mong được hưởng thanh bình, yên vui.


27. Chẳng Thưa: Ở đây có nghĩa không thưa thớt, không hời hợt.


28. Cây Mưa Rước Cá: Dân gian đồng quê miền Nam Việt Nam thường gọi một trận mưa thật lớn trong một đêm cuối mùa mưa là cây “mưa rước cá”. Vào một đêm nào đó, có sấm chớp nhiều, mưa thật lớn, sáng ra loài cá trên sông đều bị tróc mấy hàng dãy trên đầu. Họ cho là các loài cá do bị sấm chớp đánh “bạc đầu” (đừng nhầm với một loài cá sông có tên là “cá bạc đầu”). Vài ngày sau, trên các sông, rạch, gần như biến tăm các loài cá trong thời gian ngắn. Không rõ tại sao.


29. Đền Hồng: Phủ Chúa Trịnh ở Thăng Long (Đàng Ngoài) gồm có: lầu Ngũ Phụng, gác Tứ Các, điện Quyển Hồng. Đền Hồng là điện Quyển Hồng.


30. Đền Giáng: Phủ Chúa Nguyễn ở Phú Xuân (Đàng Trong) gồm có: điện Kim Hoa, gác Dao Trì và đền Giáng Hương. Đền Giáng là đền Giáng Hương.


31. Đi Sai: Đi tù, lao động khổ sai.

 

 

*Trang: 01,02,03,04,05,06,07,08,09,10,11,12,13,14,15,16,17,18,19,20,21,22,23,24,25,26,27,28,29,30,31,32,
33,34,35,36,37,38,39,40,41,42,43,44,45,46,47,48,49,50,51,52,53,54,55,56,57,58,59,60,61,62,63,64,65,66,
67,68,69,70,71,72,73,74,75,76,77,78,79,80,81,82,83,84,85,86,87,88,89,90,91,92,93,94

 

HẾT

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Trang Thơ Văn Nguyên Dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E–mail by Văn Nguyên Dưỡng chuyển

 

Đăng ngày Thứ Sáu, November 24, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang