Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
ký
Chủ đề:
Chiến trường Võ Đắc–Bình Tuy
Tác giả:
Vann Phan
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Cộng
sản Bắc Việt vào cuối năm 1974 khởi sự nhiều cuộc tấn công vào
các căn cứ quân sự và đồn bót tại các Vùng 2, 3 và 4 Chiến Thuật
nhân lúc các lực lượng tổng trừ bị và trừ bị cấp quân đoàn của
Việt Nam Cộng Hòa đang bị kẹt lại tại Vùng 1 Chiến Thuật sau Mùa
Hè Đỏ Lửa 1972.
Tại Vùng 3 Chiến Thuật, Cộng quân đã
lập sẵn kế hoạch đánh vào tỉnh Phước Long xa xôi, hẻo lánh, và đã
tìm cách tấn công hai quận Hoài Đức (tại Võ Đắc) và Tánh Linh
thuộc tỉnh Bình Tuy để cầm chân một số lớn đơn vị của Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa, trong khi họ tấn công vào Phước Long.
Cộng quân
muốn hạ gục các chiến sĩ Địa Phương Quân.
Đầu Tháng Mười Hai, 1974, Cộng quân bắt
đầu dùng hỏa tiễn 107ly pháo kích vào Chi khu Hoài Đức ở Võ Đắc,
đồng thời tấn công luôn vào Chi khu Tánh Linh gần đó. Nhưng lực
lượng tấn công vào Hoài Đức đã bị Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân
do Đại úy Lê Phi Ô chỉ huy đánh bật ra khỏi vòng chiến.
Sau khi Chi khu Tánh Linh bị thất thủ
vào ngày 25 Tháng Mười Hai, Cộng quân bèn dồn mọi nỗ lực, với
quân số áp đảo, ồ ạt tấn công vào các tuyến phòng thủ của Chi khu
Hoài Đức, khiến các lực lượng Địa Phương Quân phòng thủ nơi đây
phải hết sức vất vả chống đỡ trong khi số thương vong ngày càng
nhiều, còn pháo binh thì hết đạn và phi cơ yểm trợ thì không có.
Đã thế, Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân có
nhiệm vụ tăng cường cho các lực lượng đồn trú trong vùng lại được
lệnh di chuyển đi nơi khác vì tình hình chiến sự ngày càng gia
tăng.
Sau khi
hai Đại Đội 1 và 2 của Tiểu Đoàn 344 Địa Phương Quân từng được
tăng phái cho Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân, hết nhiệm vụ và quay
trở về Chi khu với quân số hao hụt khá nhiều, lực lượng này liền
được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại úy Lê Phi Ô, với nhiệm vụ là
tái chiếm đồi Bảo Đại vừa mới bị Cộng quân chiếm giữ và chỉ nằm
cách hàng rào phòng thủ Chi khu có 300 mét.
Sau một ngày, một đêm dùng đại bác 57ly
đánh sập các hầm hố kiên cố trên đồi rồi đánh cận chiến với địch
quân, các chiến sĩ Địa Phương Quân Quận Hoài Đức đã chiếm lại
được ngọn đồi hiểm yếu này. Nhưng Cộng quân đã cho hai đại đội
viện binh đến quyết giành lại nơi này. Mặc dù được pháo binh yểm
trợ hữu hiệu trong trận đánh nhưng quân của Đại úy Lê Phi Ô, sau
cùng, đành phải rút lui về bên trong hàng rào phòng thủ của Chi
khu để bảo tồn lực lượng.
Sau khi Biệt Động Quân rút đi, Chi khu
Hoài Đức giờ đây chỉ còn đơn độc Tiểu Đoàn 344/ĐP của vị đại úy
gan dạ, với quân số khoảng 200 người còn khả năng chiến đấu sau
nhiều trận đụng độ liên tiếp với Cộng quân đông đến cả chục lần.
Rồi Cộng quân lại dùng chiến thuật tiền
pháo, hậu xung quen thuộc, mở cuộc tấn công vào hàng rào phòng
thủ của Chi khu bằng những đợt xung phong biển người khủng khiếp,
mong hạ gục các chiến sĩ Địa Phương Quân đang cố thủ bên trong
các hầm hố và công sự đã bị hư hại nhiều sau các cuộc giao tranh.
Từng tràng đại liên 30ly của quân trú phòng cùng với đại liên
50ly từ trên các chiếc Commando car V100, có lúc, đã đẩy lùi được
Cộng quân trở ra, nhưng họ lại tiếp tục xông vào hết đợt này tới
đợt khác, tạo nên cảnh chiến trường ngập máu và đầy xác chết của
cả hai bên.
Trong giờ phút thập tử nhất sinh của quân trú phòng đang quyết
chí tử thủ bên trong Chi khu, Thiếu úy Nguyễn Phát Tài, sĩ quan
tiền sát pháo binh của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, bỗng dưng kêu tới và
yêu cầu bộ chỉ huy Chi khu cho tọa độ chính xác của quân địch và
quân bạn để pháo binh bắn yểm trợ. Thế rồi hàng trăm, hàng ngàn
quả đạn 105ly và 155ly của Pháo Binh Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã tập
trung trút xuống đầu các lực lượng tấn công. Đồng thời, theo lệnh
của Thiếu tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, các oanh
tạc cơ của Không Quân cũng bay đến trợ chiến, với nhiều loạt bom
đánh thẳng xuống các mục tiêu đang di động của lực lượng công
đồn.
Võ Đắc
hoàn toàn được giải tỏa khỏi áp lực của Cộng quân kể từ trưa ngày
5 Tháng Giêng, 1975. Nhưng rồi, theo vận nước nổi trôi, các Chi
khu Hoài Đức và Tánh Linh anh dũng cùng với các Tiểu đoàn Địa
Phương Quân kiên cường, với lời thề sống chết cùng quê hương ngày
nào, cũng đành ngậm ngùi buông khí giới tan hàng sau khi thủ đô
Sài Gòn rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt vào trưa ngày 30 Tháng
Tư, 1975.
Địa
Phương Quân đã đánh bầm dập các lực lượng cộng sản.
Để viết nên những trang sử hào hùng của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, máu đào của hàng ngàn chiến sĩ Địa
Phương Quân và Nghĩa Quân đã đổ xuống tại các chiến trường gai
lửa trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật của miền Nam Việt Nam chứ không
riêng gì xương máu của các quân, binh chủng danh tiếng như Nhảy
Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Biệt Cách Dù, Hải Quân,
Không Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh...
Bill Laurie, một sử gia Mỹ từng là một
nhân viên tình báo cao cấp phục vụ tại miền Nam Việt Nam vào
những năm 1960 và 1970, trong cuộc hội thảo mang tên “Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa: Suy Gẫm và Thẩm Định Lại sau 30 Năm” (ARVN:
Refections and Reassessments After 30 Years) – do Trung Tâm Việt
Nam thuộc đại học Texas Tech University tổ chức tại Lubbock,
Texas, từ ngày 17 đến 18 Tháng Ba, 2006 – đã lên tiếng khen ngợi
người lính Địa Phương Quân và Nghĩa Quân của Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa: “Tôi chưa nghe ai gợi ý hay nói với tôi rằng lực lượng
Địa Phương Quân Hậu Nghĩa, những dân quân của tỉnh, đã làm mất
mặt tới ba trung đoàn chính quy của cộng sản Bắc Việt trong chiến
dịch tấn công của họ vào Hậu Nghĩa hồi năm 1972. Nhưng chính các
chiến sĩ Địa Phương Quân đó đã đánh bầm dập các lực lượng cộng
sản tấn công, những kẻ cũng có khả năng thay đổi cục diện của
chiến tranh vào lúc đó, mặc dù các chiến binh can trường đó không
được pháo binh hay không quân sẵn sàng yểm trợ, như trường hợp
của Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến... Lính Địa
Phương Quân chỉ dựa vào kỹ thuật chiến đấu căn bản của bộ binh mà
thôi.”
Về phần
mình, Tiến Sĩ Lewis Sorley, tác giả quyển “Cần Một Cuộc Chiến Tốt
Đẹp Hơn: Những Chiến Thắng Không Được Nói Tới và Thảm Họa Sau
Cùng Vào Những Năm Cuối của Hoa Kỳ tại Việt Nam” (A Better War:
The Unexamined Victories and Final Tragedy of America’s Last
Years in Vietnam) xuất bản năm 1999, đưa ra nhận định sau đây về
các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân trong Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa: “[Theo lời Đại tướng Creighton Abrams, tư lệnh Quân
Đội Mỹ tại Việt Nam] Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đã gia tăng
khả năng và thành tích của họ và phải được ghi công đầu... Điều
tôi [Tướng Abrams] quan tâm nhất là vai trò của Địa Phương Quân
và Nghĩa Quân trong cuộc chiến luôn bị quên lãng. Người ta chỉ
thường nói đến [các quân, binh chủng khác trong] Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa trong khi đã lâu nay Địa Phương Quân và Nghĩa Quân
gánh chịu nhiều tổn thất và đã giáng cho quân địch nhiều đòn chí
tử. Tôi nói thẳng, nếu ta muốn nói đến an ninh cho dân thì đây
[thành tích của họ] mới là phần việc lớn!”
Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh
Vùng 1 Chiến Thuật, cũng lên tiếng ca ngợi người lính Địa Phương
Quân và Nghĩa Quân: “Các chiến sĩ Địa Phương Quân và Nghĩa Quân
thăng tiến cả về phẩm lẫn lượng và đã được các nhà bình luận khắt
khe như Tướng Julian Ewell khen tặng: ‘Họ là mũi nhọn trên chiến
trường.’”
Giờ
đây, khi nhắc lại những tấm gương anh dũng và thành tích chiến
đấu oai hùng của người lính Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa, với lòng cảm phục sâu xa, chúng ta cũng
không quên nghiêng mình trước anh linh của các chiến sĩ từng mang
lời thề “bảo quốc, an dân” kia vào sự nghiệp tranh đấu để bảo vệ
miền Nam thân yêu, cho dù mộng lớn đã không thành, gặp thời thế
thế thời phải thế...
Vann Phan
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Lê Phi Ô chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, February 8,
2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang