Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang
Thi–Văn
Chủ đề:
Mưa Sài Gòn
Tác giả:
nhất hùng
“TRỜI
SÀI GÒN – CHỢT MƯA
CHỢT NẮNG”
Tản Mạn – Nhất Hùng
Ai
từng sống ở Sài Gòn hẳn đều đã nghe và hiểu câu “Trời Sài Gòn Chợt
Mưa Chợt Nắng”. Hiện tượng này là đề tài của nhiều bản nhạc, văn thơ
vang tiếng một thời. Sài Gòn ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới, nắng nóng
mưa nhiều nhưng mưa nắng Sài Gòn lạ lắm. Trời đang nắng chói chang,
sáng rực rỡ, bỗng trên cao trút xuống cơn mưa. Khi lắc rắc, khi rào
rào nặng hạt. Lúc một hai phút, lúc kéo dài cả tiếng nhưng hiếm khi
dai dẳng dầm dề. Có cơn mưa như chạy trước mặt mình, chạy từ phố này
qua phố khác. Người Sài Gòn, vẫn biết Hè là thế nhưng có thể chủ
quan, có thể không ngờ nên vẫn bất ngờ gặp những cơn mưa bất chợt.
Ngày ấy, hầu hết đều dùng xe hai bánh, nên không ai mà lại chưa từng
một lần ướt như chuột lội vì không kịp tìm được chỗ trú mưa.
Hầu hết người Sài Gòn năm cũ, nay dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều nhớ
mãi những câu thơ câu nhạc ghi lại cả “một trời kỷ niệm”:
–
“Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng, Nhớ phố xưa quen biết tên bàn
chân, Nhớ đèn đường từng đêm thao thức, Sáng cho em vòm lá me xanh...”
– “Sài Gòn chợt mưa chợt nắng, cho em hờn theo nắng theo mưa...”
– “Sài Gòn chợt nắng chợt mưa – Lòng anh có đủ cho vừa môi
em – Ngọt mềm rồi lại ngọt thêm – Cắn từng miếng nhỏ như thèm đã lâu...”
............
Có câu thơ cổ thật hay:
“Vũ vô
kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân”
Tôi tạm diễn nôm:
“Mưa chẳng cố cầm mà giữ khách
Sắc không dậy
sóng lại dìm người”
Thưa, “mưa” này là mưa ở đâu ấy,
chẳng hạn như mưa dai dẳng ở miền Trung thì mới có thể cầm chân
“người yêu” ở lại chứ Mưa Sài Gòn ào ào trút xuống, thoảng qua rồi
nắng... không đủ lâu để lưu nàng.
Lại có một giai thoại trên nét:
Ca khúc Mưa Hồng có câu hát: “Em đi về cầu mưa ướt áo”, nếu ghi
rõ nghĩa hơn thì sẽ là: “em đi về, cầu cho mưa ướt áo em”.
Một người con gái đi ngoài mưa mù mịt, mưa rơi ướt sũng áo mỏng, lớp
áo dán sát vào cơ thể. Không cần nói thì ai cũng biết hình ảnh đó
gợi cảm biết nhường nào. Vấn đề ở đây là “ai cầu cho mưa ướt áo em?”
Hẳn nhiều người sẽ cho rằng chắc chắn đó là “anh”, để anh còn có dịp
“thưởng thức”...
Tuy nhiên trước năm 1975, trong một buổi
tiệc có mặt bà Đặng Tuyết Mai và Trịnh Công Sơn, bà Mai đã đưa ra ý
kiến của bà như sau:
“Riêng tôi (bà Tuyết Mai) thì cho rằng
chính cô gái mới là người cầu mong cho mình bị mưa ướt, bởi lẽ người
xứ Huế rất coi trọng gia phong lễ nghĩa, nhất là trong cách ăn mặc –
lúc nào cũng phải thật kín đáo, không bao giờ dám để lộ thân thể dù
chỉ là một chút xíu. Cô gái trong bài hát tự biết mình có hình dáng
đẹp, muốn khoe nhưng không biết làm cách nào nên chỉ dám cầu mưa cho
mình bị ướt áo để khoe vẻ đẹp cơ thể một cách tự nhiên mà vẫn giữ
được sự ngượng ngùng, e ấp...”
Khi nghe tôi giải thích như
thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đứng dậy, với tay qua bàn tiệc bắt
tay tôi kèm theo một nụ cười mãn nguyện.
Tôi nghĩ để hiểu
chính xác câu này thì không ai khác hơn là tác giả. Nhưng cách diễn
nghĩa của Bà Tuyết Mai xem ra không ổn:
Đã là Gái Huế, vốn e
thẹn, trọng gia phong lễ nghĩa mà lại tự cầu mưa bất ngờ – mưa thấm
áo – để dính sát vào người – hầu khoe thân đẹp cho chàng ngắm. Thế
thì không sợ người khác cũng thấy hay sao. Mà con gái Huế tuy lãng
mạn nhưng đâu có lộ liễu đến vậy. Bà Tuyết Mai này vớ vẩn quá, mà
cái anh chàng TCS láu thật, đã đứng dậy bắt tay lại còn khéo đóng
kịch, nở một nụ cười mãn nguyện, làm Bà TM sướng rên, nỡm thật.
Riêng tôi nghĩ, khung cảnh bản nhạc phải là Sài Gòn, vì chỉ có
Sài Gòn mới có mưa bất chợt để mà cầu chứ ở Huế mưa dầm mưa dề, cần
gì phải khấn. Vả lại Mưa Huế, trời âm u xám xịt làm gì có vừa mưa
vừa nắng như Sài Gòn để thấy MƯA HỒNG. Cô gái cũng phải là gái Sài
Gòn, chợt vui chợt giận nên mới đành đoạn rũ áo đứng lên... về, năn
nỉ mãi không được, chàng đành cầu mưa... để giữ nàng lại hay để ngắm
thân vàng dáng ngọc của nàng dưới mưa... khoản này thì chỉ có chàng
mới biết mà thôi.
Viết thêm một tí về mưa, nếu thích MƯA SÀI
GÒN, mời bạn cứ lên net, nhiều chuyện, nhiều giai thoại hay lắm.
Ngày đến Mỹ, thường trú trong vùng Hoa Thịnh Đốn, nơi có khí hậu
ôn đới nên chẳng còn thấy cái cảnh “chợt nắng chợt mưa”, thành ra
nhớ lắm. Một hôm, tôi thấy đầu sách “Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương”
của nhà văn nữ Nguyễn Thị Ngọc Dung, liền mua ngay dù không biết
trong ấy viết gì. Về nhà đọc một lèo, cám ơn tác giả đã gợi lại cho
tôi bao hình ảnh, bao kỷ niệm của Sài Gòn Chợt Nắng Chợt Mưa.
Đọc đến đây, chắc quý bạn nghĩ, tôi muốn viết Tản Mạn “Sài Gòn
Mưa Rồi Chợt Nắng”. Thưa không, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc
sĩ viết thật hay rồi, đâu dám “đánh trống trước sân nhà sấm”, thật
ra tôi muốn làm một bài THƠ ĐƯỜNG với đề tài này, dù biết khuôn khổ
và luật lệ của thể thơ Đường khó để diễn tả hết ý nhưng rồi bài thơ
cũng viết xong, và dù biết bài không như ý nhưng vẫn mời bạn đọc:
SÀI GÒN
NHỮNG CƠN MƯA BẤT CHỢT
Nhớ Sài Gòn những hạ năm
xưa
Đang rực nắng trời bỗng đổ mưa
Chợ vỉa hè khôn lường để
tránh
Kẻ ra phố khó đoán mà ngừa
Đường thình lình trống
trơn xe vắng
Quán bất chợt im ắng khách thưa
Cái nóng nung
người như dịu lại
Và rồi cảnh lại rất nên thơ (*).
nhất hùng
*
Cảnh Sài Gòn Sau Mưa Thật Đẹp
Và xin thưa ngay, bài thơ cũng
không phải là mục đích chính của Tản Mạn, mà số là thế này:
Khi giới thiệu một sáng tác, tôi đều tìm một tấm ảnh gởi kèm
để “minh họa”. Lần này cũng thế, nhưng bỏ công thật nhiều, tôi
vẫn không tìm được tấm ảnh nào có thể diễn tả đủ cái ý “Sài Gòn
Mưa Rồi Chợt Nắng...”, tính bỏ cuộc nhưng trời không phụ người có
tâm thành... nhờ trên độ, tôi tìm được tấm ảnh hoàn toàn ưng ý,
mời bạn xem:
Lời bàn: Hậu
cảnh là Chợ Bến Thành, hẳn nhiên là Sài Gòn. Ba phụ nữ trong ảnh
là người thanh lịch, ra phố, áo kín cổ dài tà, tất phải đi đứng
đài các đoan trang, thế sao lại tất tả và áo đẫm ướt dính sát vào
người. Điều này chỉ có thể giải thích như sau:
Họ dịu
dàng đi phố Sài gòn, trời đang nắng và sáng tỏ (ảnh sáng – rõ),
chẳng mảy may phòng bị áo tơi, bất chợt trời đổ mưa nên vướng
cảnh này và phải vội vã như thế...
Bạn có đồng ý với tôi,
đây là một tấm ảnh lột tả được hoàn toàn hiện tượng mưa nắng bất
chợt của Sài Gòn không.
Nhưng thôi, tôi chỉ bàn có thế,
“nhất ảnh vạn từ” mà, để bạn tự suy diễn...
Lời cuối, tôi
xin phép và chân thành cám ơn tác giả của tấm ảnh, người mà tôi
không được hân hạnh biết tên.
nhất hùng
Bấm vào đây để in ra giấy
(Print PDF)
Trang Thơ nhất hùng
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by nhất hùng chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, July 8,
2023
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang