Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản mạn Xuân
Chủ đề: Xuân Tưởng niệm
Tác giả: Huy Văn

XUÂN Ở NƠI NÀO?!


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Tôi ngồi nhìn qua khung cửa sổ, ngắm bông tuyết đang nhẹ bay. Bên kia đường là công viên với những hàng cây trơ cành, trụi lá. Mọi vật đang phủ một màu trắng xám. Đợt flurries đầu ngày chỉ là phần “mở màn” vì tin tức khí tượng cho biết tuyết nhẹ xuống rải rác vào buổi sáng, chiều tối tuyết sẽ rơi nhiều hơn. Mùa đông ở xứ người là vậy: ảm đạm và giá băng! Cơn lạnh đủ cho bên ngoài thêm vắng lặng. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chậm rãi lăn bánh qua khu phố vốn đã rất yên tĩnh vào những ngày cuối tuần. Trong nhà cũng lắng đọng không kém. Trên chiếc bàn con kề bên cửa sổ là tách cà phê còn đang ấm khói. Tôi nhấp từng ngụm để thưởng thức mùi thơm và tận hưởng hương vị khi cà phê tan dần vào vị giác. Cứ như thế mà tôi ngắm nhìn mùa đông đang thả tuyết ngoài sân để sau đó hướng lòng về nắng ấm của mùa Xuân nơi quê nhà.

Xuân?! Nơi này đang đi vào giai đoạn cuối của thời tiết bốn mùa. Còn trên quê hương thì đang bắt đầu một vòng quay mới của chu kỳ nhật nguyệt. Ở xứ người với cơm no, áo ấm, mà sao lòng cứ canh cánh về mùa Xuân trên phần đất đã hơn 40 năm rơi vào tay giặc! Những mùa Xuân thanh bình, những cái Tết đích thực của miền Nam chỉ hiện hữu trước khi phần đất của Tự Do thay đổi chủ. Nói tới Xuân thanh bình là nói tới hạnh phúc và hy vọng của người dân khi đón Tết trong những năm đầu lập quốc tại miền Nam Việt Nam. Nhưng hạnh phúc không kéo dài và hy vọng càng ngày càng thêm mong manh khi chinh chiến tràn lan và an ninh thị thành rối loạn triền miên, chỉ sau đôi ba năm cả nước hưởng được chút hương thanh bình.

Ngày Xuân, ngoài những hoa trái muôn màu, hương nhang cúng bái, còn có “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” cùng vài cách thức đón Xuân khác, vốn là những phong tục, tập quán được gìn giữ và truyền lại từ ngàn xưa. Trong đó có múa lân, đốt pháo. Pháo Tết dòn tan tiếng nổ, tươi tắn sắc màu, rộn ràng tình tự. Tiếng pháo làm tăng thêm sự hưng phấn trong lòng người và tô điểm thêm cho không gian vốn đã náo nhiệt và tất bật nhứt trong năm. Vì tiếng pháo – cũng như tiếng lòng hòa điệu với hoan ca của vạn vật mỗi độ Xuân về – chính là âm thanh của hạnh phúc tràn trề và sức sống sung mãn.

Tiếc thay, trong 20 năm tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa, những lần dân chúng có cơ hội tận hưởng một mùa Xuân tươi thắm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nền Đệ Nhứt Cộng Hòa chưa thật sự ổn định được bao lâu thì xảy ra đảo chánh 11/11/1960. Chỉ vài tháng sau đó – vì lý do an ninh – các loại pháo lớn, nhỏ đều bị cấm đốt trong dịp Tết Tân Sửu (15/2/1961). Năm đó, tiếng pháo rải rác đó đây trong đêm giao thừa không đủ mang lại hạnh phúc trọn vẹn, vì hòa trong không khí Tết là sự bất an và tiếc rẻ trong lòng người dân Sài Gòn. Đón Tết mà chỉ có lân, không có pháo thì chẳng khác nào nhâm nhi cóc, ổi mà không có muối ớt! Cũng vì muốn tận hưởng hạnh phúc đón mừng Xuân mới mà trong các hẻm nhỏ, nhiều người đã liều mạng đốt lén một vài phong pháo, bất chấp sự rượt đuổi hay rình bắt của cảnh sát và công an. Họ, quả đã rất nặng tình với không khí Tết! Ngày Xuân ngay tại thủ đô Sài Gòn, trong các thị thành và những vùng thôn quê thì vẫn đậm đà xuân sắc. Hoa vẫn đẹp, nắng vẫn tươi nên phố phường hay làng, xóm cũng không bỏ lỡ cơ hội... xum xuê với lụa là y phục. Có điều... không có tiếng pháo đêm giao thừa, không có sắc hồng khai xuân sáng ngày Mùng Một, thì ngày vui rõ ràng đã mất đi một phần sinh khí!

Phải đến mùa Xuân năm Đinh Mùi (9/2/1967), ngày Tết mới thật sự hồi sinh qua lệnh cho đốt pháo mừng Xuân của Hội Đồng Quân Lực VNCH, sau hơn hai năm nỗ lực mang lại khí thế chống Cộng của toàn Dân và tái tạo sự đoàn kết trong Quân Đội. Đó cũng là pháo mừng sự ổn định về nhiều mặt của Quân và Dân miền Nam sau những cơn binh biến và tao loạn. Năm đó, pháo Tết lại nổ dòn tan cho phố xuân thêm khởi sắc trong bầu không khí sôi nổi, rộn ràng. Lòng người hân hoan. Hồn Xuân lai láng. Tình Xuân chứa chan. Nàng Xuân lại mang đến cho đời những đường hoa, phố hội và hạnh phúc tràn đầy trong những ngày im tiếng súng nhờ thỏa thuận hưu chiến đã được hai phe lâm trận loan báo một tháng trước Tết nguyên đán. Ngày Xuân dù mong manh và tạm bợ, vẫn khoe sắc thắm trong hoàn cảnh chiến tranh còn lảng vảng khắp nơi. Nhưng...

Thật khốn kiếp thay cho bọn cộng sản vô thần! Đáng thương và não nùng thay cho phần đất của miền Nam tự do! Chỉ không đầy một năm sau, nàng Xuân của năm Mậu Thân (31/1/1968) đã bị cộng phỉ “hiếp dâm tập thể” khi tiếng AK của bọn khát máu nổ thay cho tiếng pháo ngay từ lúc giao thừa. Để thực hiện mưu đồ xâm lăng và bất chấp sinh mạng của người dân vô tội, Hà Nội đã viện dẫn nhiều lý do láo khoét
(1) để vi phạm hiệp ước hưu chiến khi bất ngờ xua quân tấn công hơn 100 thành phố và thị xã trên khắp lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày Xuân của truyền thống, ngày thiêng liêng nhứt của Dân Tộc đã bị bọn quỷ đỏ biến thành cơ hội gây tiếng vang về mặt quân sự lẫn chính trị. Tết Mậu Thân! Xuân tang thương và cũng là điềm khởi đầu cho đại họa mà miền Nam sẽ phải gánh nhận sau này!

Nàng Xuân, một lần nữa, lại gượng khoe hương sắc trong những năm còn lại của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Bài học Mậu Thân đã làm cho không khí thêm căng thẳng đằng sau bộ mặt hớn hở đầy màu sắc của phố phường. “Vui Xuân không quên nhiệm vụ” là thí dụ điển hình nhứt để nói lên tâm trạng bất an đó. Trong những ngày đầu Xuân Quý Sửu (3/2/1973) ai cũng tưởng Hòa Bình đã thật sự trở lại trên quê hương miền Nam khi Hiệp Định Paris được ký kết đúng một tuần trước đó. Nhưng mọi người đều thất vọng để rồi lại trở về với trạng thái âu lo, mặc dù báo chí khắp nơi ca ngợi cuộc hòa đàm đã có kết quả như mong đợi. Cái mà mọi người mong đợi là một nền hòa bình chân chính. Đằng này, làm sao vui Tết khi mà đám Bắc Bộ Phủ lại cố tình lợi dụng ngày Xuân để cắm cờ, giành dân, lấn đất ở khắp mọi nơi!? Từ Cửa Việt (Quảng Trị), Đức Dục, Hiếu Đức (Quảng Nam) Đức Lập, Kiến Đức (Quảng Đức) Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho đến Định Tường, Kiến Phong, Chương Thiện, chiến cuộc vẫn còn là mối hăm dọa cho nền hòa bình non trẻ.

Nếu như trận chiến ở Quảng Nam, Quảng Đức hay trong miền Tây Nam Phần chỉ mang tính cách quấy rối thì tại Sa Huỳnh, địch đã có âm mưu chiếm đất và cắt đứt giao thông giữa hai Quân Khu (I và II). Đó cũng là ý đồ của địch nhằm cô lập vùng duyên hải trung phần của Việt Nam Cộng Hòa. Một khi lọt vào tay cộng sản, thì Sa Huỳnh sẽ là một phần đất quan trọng về mặt chính trị, đồng thời cũng là một hải cảng quân sự có tính cách chiến lược. Thêm một lần nữa, CSBV công khai thực hiện ý đồ thôn tính miền Nam và đã làm điều này ngay khi văn bản của cuộc hòa đàm Paris còn chưa ráo mực. Tết Nguyên Đán năm Quý Sửu (1973) đi vào lịch sử Việt Nam như là một mùa Xuân thanh bình, nhưng trên thực tế, đó là phần mở đầu cho một vở bi kịch khi chiến tranh đang tiếp diễn và mùa Xuân vẫn còn đậm nét tang thương. Không còn gì trơ trẽn và khôi hài cho bằng máu vẫn đổ, người vẫn phải bồng bế và gánh gồng nhau lánh nạn ngay lúc tin tức về một nền hòa bình vừa được giới truyền thông công bố trên toàn thế giới!

Do đó, người dân Việt Nam chỉ còn có nước... hy vọng! Nhưng hy vọng để rồi tuyệt vọng vì chiến cuộc lại leo thang khi người lính đồng minh cuối cùng vừa rời khỏi phần đất của VNCH vào tháng 3/1973. Hai cái Tết cuối cùng là những mùa Xuân ảm đạm khi VNCH ngậm ngùi nhìn Hoàng Sa rơi vào tay Tàu Cộng sau một trận thủy chiến lịch sử (19/1/1974) và để tang cho tỉnh Phước Long khi bị CSVN đánh chiếm đúng một năm sau đó (1/1/1975). Bỏ qua việc Hoa Kỳ cắt giảm rồi cúp hẳn viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam, thì hai sự kiện trọng đại này có thể xem như là những vết thương trí mạng dẫn tới cảnh VNCH phải lần hồi lui binh, bỏ đất trong 3 tháng đầu năm 1975. Sau cùng thì việc gì đến, phải đến: phần đất tự do, tiền đồn ngăn chận làn sóng cộng sản tại Đông Nam Á mang tên Việt Nam Cộng Hòa biến mất trên bản đồ thế giới sau gần 21 năm tồn tại! Lịch sử của dải đất hình chữ S lại sang trang! Trang sử của hai nền Cộng Hòa đã khép lại vào lúc 11h30 sáng ngày 30/4/1975! Nàng Xuân cũng từ ngày đó không còn khoe hương sắc trên toàn cõi Việt Nam dù hai miền đã được gom lại làm một! Bởi vì...

Làm sao vui được khi chỉ sau một thời gian ngắn, người dân phía bên kia vĩ tuyến 17 đã ngỡ ngàng nhận ra là mình đã bị nhà cầm quyền cộng sản bịt tai, bụm mắt và lừa bịp một cách ngoạn mục về chuyện... “giải phóng” miền Nam!? Còn những người vừa thua cuộc thì lại càng thê thảm hơn khi Nước đã mất, Nhà đã tan mà còn phải hứng chịu đòn trả thù của phe thắng trận! Hà Nội trả thù bằng mọi cách và dùng đủ mọi thủ đoạn. Nổi bật nhứt là việc gom Quân, Cán, Chính của VNCH vào các trại tù lao động khổ sai từ nam chí bắc, kế đến là vụ đổi tiền, đúng 4 tháng sau khi chiếm được miền Nam. Sau đó là việc đánh tư sản và bức bách người dân – đặc biệt là gia đình của những ai đã từng phục vụ trong thể chế Cộng Hòa – phải đi đến những nơi khỉ ho, cò gáy mà chúng gọi là vùng Kinh Tế Mới.

Mới vừa bị bức tử, thì đã trở thành nạn nhân của chiến dịch “Vơ, Vét, Về” của Hà Nội, nên chỉ sau vài năm, miền Nam đã trở thành một cái xác không hồn, một ngôi nhà trống hoắc với tiền, của lần hồi “bốc hơi” để đổi lấy cơm áo mà sinh tồn. Gia tài, sự sản của những ai khá giả thì bị tịch thu khi nhà cầm quyền gán cho cái “tội” là tư sản mại bản, hoặc chui vào hồ bao của cán bộ từ địa phương tới trung ương để đổi lấy một chỗ vượt biên bán chính thức, tức là dùng sinh mạng của chính mình để thử thời vận trên bao la biển cả. Ba thế kỷ trước, con cháu của Nguyễn Kim còn được Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tặng cho câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” để xuôi nam lập nghiệp tại đất Thuận Hóa mà mở ra vương triều của họ Nguyễn. Còn năm 1975, con dân của thể chế VNCH chỉ biết liều chết vượt biển để tìm một cuộc sống tự do hơn thay vì ngộp thở trong nhà tù khổng lồ mang tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thê thảm như vậy đó!

Vì vậy, tiếng pháo mừng Xuân năm Bính Thìn (31/01/1976) và những năm kế tiếp chỉ mang lại hạnh phúc thật sự cho những kẻ trục lợi trên máu xương của người dân cả nước. Đảng hớn hở cụng ly vì đã đạt được mục đích. Trong khi đó thì Dân ngậm ngùi tưởng tiếc một thời ấm no, thịnh vượng hoặc thở dài cho số phận hẩm hiu của phần đất vừa bị nhuộm đỏ. Miền Bắc bị nhồi sọ bằng những tuyên truyền có tính cách mị dân của chế độ độc tài toàn trị trong suốt 30 năm. Còn sau khi rơi vào tay cộng sản, miền Nam đã phải nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi qua những chính sách trời ơi đất hỡi của Hà Nội vốn chỉ nhằm mục đích “... đưa miền Nam xuống để nâng miền Bắc lên về mọi mặt!” Đói, lo, buồn, phẫn hận là trạng thái tâm lý của người dân khi bị “đỉnh cao trí tuệ của loài người” vừa siết thòng lọng vào cổ vừa buộc, thắt cả đến bao tử vốn đã xẹp lép vì thiếu ăn. Đó cũng là cảnh đón Tết trong thời kỳ – mà bạo quyền Hà Nội gọi là – bao cấp!

Mùa Xuân, hiểu theo nghĩa niềm vui và hạnh phúc đích thực của đời người, dường như đã không có “duyên” với Dân Tộc Việt! Trải qua 1000 năm làm nô lệ giặc Tàu, 100 năm bị giặc Pháp đô hộ, qua không biết bao lần nội chiến và nhiễu nhương của các thời đại, có khi nào Xuân thắm, đời tươi?! Phải chăng – theo như Lịch sử đã ghi nhận – Dân tộc Việt chỉ thật sự thái bình trong 38 năm dưới thời vua Lê Thánh Tôn!? Nếu đúng như vậy thì con số quả thật là quá khiêm nhường! Là định phận bởi trời hay vì nhân quả – như theo lời nhiều người yếm thế thường rên rỉ – mà Việt Nam phải chịu tai ương hồng thủy rồi rơi vào tình trạng nghèo, đói, tụt hậu so với lân bang? Chắc chắn không phải như vậy mà là Việt Nam không may bị cai trị trong suốt 80 năm qua bởi những kẻ ngạo mạn với đời, nhưng lại hèn yếu trước bạo cường phương bắc. Những kẻ “Hèn với giặc, Ác với Dân” đó chính là Đảng và nhà nước cộng sản VN!

Nhớ xưa, khi đoàn người di cư (năm 1954) đón Xuân xa xứ, thì nỗi buồn lo và tâm trạng ly hương vẫn còn được vòng tay nồng ấm đầy thạnh tình của chánh phủ và nhân dân miền Nam ôm ấp, vỗ về. Họ, những người cương quyết lánh xa bọn cộng sản vô thần, có niềm tin vững vàng vào chánh thể Cộng Hòa cộng với một niềm hy vọng vào tương lai nhờ ngọn đuốc tự do soi đường, mở lối. Còn sau 1975, người dân phải lây lất sống và trở thành những kẻ lưu vong ngay trong đất nước vì những chính sách ngu dân và độc tài toàn trị của bạo quyền CS. Do đó, những lần đón Xuân đều kèm theo một nỗi buồn giấu kín tận đáy lòng. Trong khi đó thì từ bên kia đại dương, những người may mắn sống còn sau những chuyến vượt biên kinh hoàng trên biển sóng và đã an cư lạc nghiệp tại xứ người, cũng khắc khoải trong niềm hoài niệm cố hương, nên mỗi năm họ cứ ngân nga hoài câu

“... Ngày máu xương thôi tuôn rơi.
Ngày ấy quê hương yên vui.
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi...
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi.
Hương thanh bình dâng phơi phới
”!
(2)

Đối với Hà Nội, thì những lời này chẳng khác nào như là những lời châm chích chế độ, kèm theo câu hẹn hò trong sự mong đợi một ngày mai quang phục, nên phỉ quyền đã ra sức cấm đoán suốt mấy mươi năm và chỉ cho phép trình diễn mới lúc gần đây: 2016 mà thôi!

Người dân Việt Nam – trong nước lẫn hải ngoại – đón Xuân như vậy đó: buồn, nhớ, miên man, vời vợi...! Cách xa ngàn trùng nên mỗi năm, nỗi đau thầm chỉ tăng chứ không suy giảm. Lòng đã không an thì tâm làm sao tịnh? Người đã cách chia thì Xuân chỉ gượng vui hoặc chỉ tạm bợ mặc dù năm nào, bạo quyền trong nước cũng đều cố khoát lên những bộ mặt đầy màu sắc, hoa hòe trên mọi phố phường, mọi thôn xóm. Những thứ này chỉ thu hút được những kẻ ham vui, hay thích không khí sôi nổi, náo nhiệt tại quê hương. Trong khi đó thì đa số những người tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại đều hướng lòng về tổ quốc, qua những sinh hoạt mừng Xuân có tính cách cộng đồng như chợ đêm, diễn hành cộ hoa, biểu diễn văn nghệ, múa lân, đốt pháo, v.v. để thỏa lòng hoài vọng cố hương. Chắc chắn những người phải ngậm hờn qua ải nơi quê nhà – dù đang hít thở của Đất, Trời đang mở hội – cũng man mác và bùi ngùi không kém.

Xuân đến muôn nơi. Xuân mang nét đẹp thiên nhiên hòa vào hạnh phúc nội tại của con người. Xuân làm cho người ta yêu đời vì mang lại gương mặt trẻ trung cho vạn vật. Nhưng với những người “xa quê hương nhớ Mẹ hiền” và những ai còn bí rị trong nội địa, thì Xuân có gì vui khi mọi thứ đều bỏ lại sau lưng, hoặc đã là quá khứ!? Với những người đã, hoặc sắp thành... “đồ cổ”, thì mỗi độ Xuân về là một lần mênh mang niềm nhớ, là ray rứt khôn nguôi về những dấu ái đã nhạt nhòa. Xuân xưa đã là kỷ niệm. Có chập chờn giữa đôi bờ đại dương hay lãng đãng đâu đó trong tâm hồn lãng tử thì cũng là Xuân! Tuy vậy, trên quê hương sẽ có ai đó hỏi:

Em ở nơi nào? Có còn mùa Xuân không em?”
(3),

còn nơi tha phương cũng có người bâng khuâng và trĩu lòng trong lúc đón chờ năm mới:

Ở đây không có hoa Mai,
không có hoa Đào trang điểm trần ai...
Chỉ thương em gái quê hương
trong sớm Xuân hồng thiếu hẳn người thương
...”
(4).

Người đó là tôi, một kẻ lưu vong đang đón chờ Xuân qua màn sương tuyết và mượn hương lòng nâng ly cà phê thay rượu, rồi trầm ngâm buông tiếng thở dài

“... Ôi nhớ xuân nào thưở trời yên vui.
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi...
(5)

Trên quê hương, ngay lúc này đây, chắc hẳn cũng có nhiều người đang chìm đắm trong trũng buồn vì qua hơn 40 năm, vẫn là một cái Tết chia phôi, một mùa Xuân ly tán, một nỗi đau thầm. Xuân ở nơi nào và vì đâu nên nỗi?!

HUY VĂN

 


Tác giả chú thích:

(1) Trích từ Wikipedia (https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%B1_ki%E1%BB%87n_T%E1%BA%BFt_M%E1%BA%ADu_Th%C3%A2n):

Ngày 16/12/1967, chính quyền Sài Gòn tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Quân lực VNCH và Hoa Kỳ sẽ ngừng bắn trong 48h từ 00h00 ngày 30/1/1968 đến 00h00 ngày 01/02/1968. [29] Tuy nhiên, tuyên bố ngừng bắn của Việt Nam Cộng hòa đã sớm bị Hoa Kỳ ra lệnh hủy bỏ. Trước sức ép của Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn đã rút ngắn thời gian đơn phương ngừng bắn xuống còn 36 giờ. Cụ thể, ngày 21/01/1968, cả Hoa Kỳ và VNCH cùng tuyên bố ngừng bắn đơn phương từ 18h00 ngày 29/1/1968 đến 06h00 ngày 30/1/1968. [30] https://en.wikipedia.org/wiki/Tet_Truce)

(2) LY RƯỢU MỪNG – Phạm Đình Chương 1952

(3) NHỚ NHAU HOÀI. Thơ Thiên Hà, ra đời tại xóm Vườn Chuối (Quận 3, Sài Gòn) trong mùa Xuân 1966. Anh Việt Thu phổ nhạc.

(4) MÙA XUÂN LÁ KHÔ – Trần Thiện Thanh

(5) XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ – Trịnh Lâm Ngân

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Trang Thơ Huy Văn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Xuân trên non-Rặng An-pơ, Thụy Sĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by hv chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy, January 18, 2020
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang