Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn chiến trường
Chủ đề:
Đời Lính trận
Tác giả:
Huy Văn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Bạn hiền!
Thêm một
tháng 5 nữa lại đến trong đời! Tháng 5 của những ngày muốn quên mà
vẫn phải nhớ. Tháng 5 của nỗi nghiệt oan khi Việt Nam Cộng Hòa biến
mất trên bản đồ thế giới. Lâu quá bọn mình không có dịp gặp nhau
trong quán hàng nào đó để cụng ly và nhắc chuyện buồn vui đời Lính;
nhứt là những ngày phơi nắng, đội pháo và núp đạn trên trảng tranh
của vùng núi Bàn Quân, trên đường vào quận Tiên Phước–Quảng Tín,
đúng 47 năm về trước.
Có lẽ bạn chưa quên và tôi vẫn còn nhớ.
Nhớ rất rõ từng chi tiết của những đêm ngày:
“... Yên
ngựa đưa lưng chờ pháo chụp.
Lính mang nón
sắt đón phòng không.
Tử thần rình rập từng
giây phút.
Trảng tranh thoáng chốc nhuộm
máu hồng...”
Đơn giản như vậy đó! Cứ như một trò chơi.
Loại trò chơi mang hình thức một canh bạc mà giá phải trả là bằng
sinh mạng con người. Ngày giờ này, 47 năm trước, bạn đã hồi hộp ngồi
đếm tiếng “đề pa” của pháo địch trên “điểm hẹn nghẹt thở” của Suối
Đá, trên dãy Bàn Quân của tỉnh Quảng Tín. Còn tôi thì đang dẫn trung
đội vẹt đám tranh voi cao tới ngực, thận trọng tiến lên mục tiêu.
Một nửa tiểu đoàn bị vây hãm, trong có đại đội của bạn. Hai đại đội
còn lại, do trung đội của tôi làm tiên phong liều mạng xung phong gỡ
chốt, phá vòng vây để chúng ta bắt tay nhau.
Cuộc đối đầu với 2 trung đoàn của địch chỉ
kéo dài hai tuần. Chính xác hơn là đúng 12 ngày!
Nhưng là 12 ngày bị xa luân chiến, với 14
đợt thí quân của địch khi họ điên cuồng xung phong vào tuyến của đơn
vị chúng mình, bất chấp phi pháo và sự chống trả mãnh liệt của lính
Mũ Nâu. Đó cũng là khúc phim không có kịch bản của những ngày đêm:
“... Thuốc
hút mềm môi, trừng mắt đỏ.
Gạo sấy một tuần
vẫn chưa vơi...”
Hai đại đội bị vây hãm, rồi bể tuyến sau
mấy ngày cầm cự. Còn chúng tôi bị cầm chân, nằm phơi nắng hứng chịu
đạn pháo và súng cối, sau khi chỉ có thể đón vị tiểu đoàn phó và
nhóm đề lô pháo binh về lại tuyến sau. Không thể diễn tả được cho
thật chính xác quang cảnh chiến trường lúc đó.
Suốt đời tôi cũng không thể nào quên thứ
âm thanh khô khan, mà lạnh gáy của đạn đồng và mảnh pháo ghim vào
xương thịt, hoặc tiếng nổ chát chúa của phòng không khi chạm vào nón
sắt, rồi cùng lúc lấy đi nửa cái đầu của một con người. Đồng đội của
chúng ta hy sinh trong hoàn cảnh như vậy đó!
Tháng 5/1974, tôi là trung đội trưởng, cầm
quân được đúng 6 tháng mà vẫn không nhớ đã chỉ huy được bao nhiêu
người, nếu không xem lại danh sách trong sổ tay. Ba lần bổ sung quân
số trong hai tháng đủ để tôi ngán ngẫm. “Không lẽ mình có số sát
quân hay sao?!” Câu trả lời là “Không!”. Chỉ là quy luật tất yếu của
chiến tranh, là định mệnh khắc nghiệt sẵn dành cho người Lính trận!
Hôm nay vui cười, ngày mai máu lệ rơi!
Có khi không cần đến ngày mai. Mới ban
sáng chia nhau ngụm cà phê, chuyền tay nhau điếu thuốc. Nhưng rít
chưa được mấy hơi thì ngay sau đó, đã có kẻ vào poncho, người về
bệnh viện vì một trái đạn 122ly hay 130ly nào đó, nổ ngay giữa
tuyến. Hôm lên núi, lúc trưa còn hớp chung vài ngụm rượu để tạm đánh
lừa cảm giác trước khi lâm trận, thì vài tiếng sau đó đã phải đọc
kinh cầu hồn cho đồng đội. Đời lính là như vậy. Sống nay, chết mai!
Phù du quá, phải không?
Người mới đến đã vội đi. Kẻ ở lại chờ đến
phiên mình... tới số! Người ta hay nói đến số mạng nhưng mấy ai biết
được chuyện gì sẽ xảy ra trong đời?! Với người Lính cũng vậy! Tuy
cùng một trung đội, nhưng chưa kịp hỏi han nhau về mọi chuyện trong
đời, thì có người đã chia tay vĩnh viễn. Trong số này, thương nhứt
là Hoàng Thanh Tú, một tân binh gốc Mười Tám Thôn Vườn Trầu. Tôi gọi
đứa em này là “Thằng Vọi” vì tên nó trùng với vai diễn của người
nghệ sĩ cải lương khi ông này đóng phim Trống Mái.
Hôm đó, chúng tôi đang vẹt tranh, lúp xúp
tiến về chiếc RPD trên chốt địch thì bị phòng không 12.8ly trực xạ.
Đồng thời, chúng tôi cũng bị chính khẩu trung liên nồi đó, cùng với
SKZ 57ly không giựt “dũa” thê thảm! Xen kẽ vào âm thanh dòn dã, lanh
lảnh của loạt đạn trực diện, là những tiếng nổ kinh hồn của sơn pháo
cùng với súng cối 82ly “hăm hở” cắm thẳng xuống trảng tranh.
Chúng tôi nằm bẹp dí như loài bò sát, chờ
Tử Thần kêu ai người nấy dạ. Thời khắc dài như thiên thu. Địch chọn
trước sân chơi, biến trảng tranh thành cái Cul de sac. Mỉa mai thay!
Trong khung cảnh cạn lối, cùng đường và trong lúc Thần Chết đang bày
trò sinh tử đó; thì thiên nhiên lại mang dáng dấp tuyệt vời của một
thảm tranh với màu cỏ xanh mướt, đầy sức sống! Nhưng cỏ mềm không
đan được thành áo giáp. Phơi thân trên trảng tranh, mà lại nhằm địa
thế của một yên ngựa; nên chúng tôi trở thành mục tiêu ngờ ngờ cho
đạn cộng đồng của địch, từ các chốt, kiềng trên các sườn núi chung
quanh, tha hồ làm tình làm tội.
Rồi chuyện gì phải đến, đã đến! Một tiếng
nổ điếc tai, tức ngực; hất tung một đống đá, đất, cùng cỏ tranh và
những thứ bầy nhầy khác lên người tôi và đứa em mang máy. Ngay sau
đó, như có một nhiệm mầu, hay đã xong màn cố sát, mà trảng tranh im
lắng một cách khó hiểu. Nhìn lại mới biết quả đạn pháo sau cùng rơi
ngay tại chỗ “Thằng Vọi”. Đứa em khinh binh và một đồng đội nằm kế
bên hy sinh ngay lập tức.
Tôi chưa kịp trình bày hoàn cảnh của Tú
với đại đội trưởng và tìm cách đưa thằng em về tuyến sau cho “ấm
thân” một chút thì đã muộn. Tiếc cho đứa em và cũng thương những tài
năng văn nghệ lẽ ra không đáng xuất hiện ngoài chiến địa. Nghĩ mà
thương cho “Thằng Vọi” và những ai cùng hoàn cảnh như nó. Thằng em
cũng làm tôi nhớ thời xách giỏ trầu, theo Bà Nội đi xem cải lương ở
khắp các nơi; từ đình Cầu Muối nhỏ bé, cho tới rạp Hưng Đạo, hay
Quốc Thanh thời thượng sau này.
Đặc biệt là nhớ những câu vọng cổ của danh
ca Út Trà Ôn, mà tôi nằm lòng từ thời còn... tắm mưa. Mới đêm trước
còn nghe câu dạo đầu cho vọng cổ “... Ghe chiếu Cà Mau vừa ghé
lại...” thì ngày hôm sau đã ngậm ngùi tiễn biệt đồng đội bằng câu
kết thúc “... ngủ đi một giấc ngủ triền miên không biết đêm hay
ngày...” “Chiếc Xe Cút Kít và ‘Tiếng Hát Mường Luông’” cũng vĩnh
viễn im hơi lặng tiếng chỉ sau đúng một tuần “Thằng Vọi” hồn nhiên
mang làn điệu cải lương giúp vui cho trung đội.
Cùng hy sinh trong chiều hôm đó có rất
nhiều đồng đội. Thân thiết nhứt là hai người bạn lớn, nhỏ mà tôi cảm
mến ngay khi mới về nhận đơn vị. Thiếu úy Vũ Văn Giáp vốn là quản
gia, trông coi ngôi biệt thự của Tướng Hoàng Xuân Lãm ở cạnh sân Cù
trên Đà Lạt. Anh chán cảnh lạnh lùng của cao nguyên nên xin trở ra
tác chiến và được đưa về Tiểu Đoàn 37 BĐQ.
Cao Kim Rắc có cái tên lạ tai làm ai cũng
bật cười, xuất thân từ Thiếu Sinh Quân. Lúc tôi mới về nhận trung
đội, bạn “kết” ngay viên chuẩn úy “sữa”, khi tôi vui vẻ nói đúng tên
Jacques của anh chàng. Cả hai người bạn này đều mang một tấm lòng
nhân nghĩa đằng sau bộ mặt tưởng như rất dữ dằn và vô cảm.
Trong 12 ngày, tôi mất đi quá nhiều đồng
đội thân tình. Rắc bị phòng không vớt đầu, anh Giáp bị đạn từ sau
lưng phá nát lồng ngực khi xuyên ra phía trước. Lễ, Thông, Quang,
Dũng và nếu kể cả Trung úy Huệ hy sinh tại hố, thì trong 10 sĩ quan
của hai đại đội bị vây hãm, chỉ còn lại một mình Thiếu úy Đức – anh
ấy là người mà bạn đi theo để thực tập làm trung đội trưởng – và
Thiếu úy Hóa của ĐĐ 4, bị thương được đưa về trước đó hai hôm.
Người tránh đạn hay đạn tránh người?! Có
thể là cả hai. Là số phần đến hồi tận mạng hay do cường độ ác liệt
của giao tranh?! Cũng có thể gom hai thứ này làm một. Trời kêu ai
nấy dạ. Không biết phải giải thích thế nào cho vẹn toàn. Vả chăng,
đời lính trận được tính bằng năm quân vụ. Có người đại đội trưởng
nào của bọn mình tránh được cảnh “đi phép bệnh viện” đâu!?
Vì vậy, thêm một lần nữa, tôi tạm kết luận
là mình may mắn. Phải nói là vô cùng may mắn! Vì cũng như bạn hiền,
khi lần đầu vác ba lô ra mặt trận để “thực tập” làm trung đội
trưởng, thì chúng tôi nghe “phán” một câu xanh dờn: “... Đây là
chiến trường. Không phải quân trường, nên chỉ có thực hành chứ không
có thực tập!”.
Ngay sau đó, vị Liên Đoàn Trưởng có biệt danh là Tử Thần, tung chúng
tôi vào núi Dài. Đêm đầu tiên trong đời tác chiến, tôi ôm lựu đạn
tham dự cuộc đột kích cùng với một trung đội... 12 người, dưới sự
điều động của một Trung sĩ. Quân số hao hụt đến như vậy, nên trước
khi dặn dò “Ông nhớ bám theo tui.” thì anh chàng “Xin lỗi đã phải
cần tới chuẩn úy. Ông thông cảm nghe!”
Sau đó chuyện ngủ ngồi, gác đứng, là việc
phải làm như mọi người trên vùng tử địa của ngọn đồi trọc (do bom
đạn cầy nát bét!) trên cao điểm 400m của Núi Dài, trong dãy Thất
Sơn. Vì vậy, khi sau này biết bạn cũng có mặt để “thực tập” với Đại
Đội 1 là đơn vị tiên phong đánh lên Bàn Quân, thì tôi hiểu ngay tâm
trạng của bạn.
Nhắc chuyện xưa để nhớ, rồi buồn cho tuổi hoa niên của bọn mình. Nhớ
đồng đội cùng những người đã hy sinh để chúng ta được sống. Buồn cho
những dở dang về mọi mặt của thời trai trẻ. Buồn ngay cả khi đang
hạnh phúc, cho dù là thứ hạnh phúc được sống còn sau một trận giao
tranh.
Do đó, tôi
luôn mang trong lòng cảm giác là mình vẫn thiếu đồng đội một món nợ
ân tình lẫn máu xương. Món nợ này không biết phải đền đáp ra sao,
trả đến khi nào! Lâu nay, tôi luôn nghĩ đến họ trong nỗi ngậm ngùi
và tưởng tiếc. Coi như những dòng này là những tâm tình với người
Chiến Hữu đã cùng tôi trải qua gian nguy trên chiến trường xưa.
Đây cũng là nén hương lòng thắp muộn để
tri ân đồng đội, tử sĩ cũng như chiến sĩ, đã hy sinh máu xương cho
tổ quốc và cho chúng ta yên lành sống sót qua cuộc chiến. Có lẽ bạn
cũng nghĩ như tôi phải không BĐQ Vũ Đình Trường?
HUY VĂN
(Trận Suối
Đá/CUỘC HÀNH TRÌNH)
Để nhớ An Tôn Vũ Văn
Giáp, Phêrô Cao Kim Rắc R.I.P và ngày 28/05/1974
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Huy Văn chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu,
May 28, 2021
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang