Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
bút
Chủ đề:
Mùa Quốc Hận 46
Tác giả:
Huy Văn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Tiếng loa kêu gọi tập họp vang lên liên
tục. Đám bộ đội ôm súng hối hả chạy về các vọng gác. Hoạt cảnh
quen mắt lúc đầu làm mọi người thót bụng, nhưng sau gần một tháng
chung đụng thì ba mớ “lên gân” của kẻ coi tù đã trở thành một màn
hài kịch không hơn không kém.
Mỗi lần có tập họp –dù chỉ để ngồi
ngoài sân cờ xem phim tài liệu của chiến trận vừa qua, hay loại
phim tuyên truyền cho chế độ– thì y như là chúng sắp sửa đem ai
đó ra xử bắn. Đám nón cối lúc nào cũng đằng đằng sát khí đứng bao
quanh, súng chĩa ngang người, mắt trừng trừng thật căng thẳng.
Nhưng có điều gì đó làm chúng tôi đưa
mắt nhìn nhau rồi thì thầm dọ hỏi, vì lần này chúng bắt tù tàn
binh tập trung vào buổi sáng. Lúc này chỉ mới hơn 9 giờ! Đành là
đỡ lo lắng hơn những lần điểm danh bất thần vào buổi tối, hay cả
lúc nửa đêm, nhưng vẫn là nỗi hoang mang của những kẻ đang nằm
trong rọ, hay đúng hơn là trong cảnh tù đày. Chuyện gì nữa đây?!
Mọi người nhìn nhau thầm hỏi.
Chuyển trại! Lời thông báo ngắn gọn của
tên chính trị viên, đại diện ban quản giáo được chúng tôi đón
nhận trong hoang mang như thường lệ. Đi đâu? Câu hỏi chỉ nằm
trong đầu, hoặc trao đổi qua tiếng thì thào với người đang đứng
kề bên. Tù không có quyền thắc mắc và cai tù thì không cho biết
thêm chi tiết, ngoại trừ mọi thứ phải được chuẩn bị trong thời
gian nhanh nhứt.
Danh sách phân toán và phân nhóm để lên
xe vừa đọc xong, thì chúng tôi mới có cơ hội xì xào khi trở vào
thu xếp đồ đạc. Thật ra cũng chẳng có gì để thu xếp, vì từ lúc bị
“hốt” đi từ quận Nhứt–Đà Nẵng, cho tới hôm nay, anh em tàn binh
nhiều lắm là thêm được vài bộ domino làm từ bình ắc quy hay vài
vật dụng cần thiết chế biến từ bất cứ thứ gì có thể gom góp được
trong doanh trại, vốn là hậu cứ của một Tiểu Đoàn Công Binh Kiến
Tạo, mà vị Tiểu Đoàn Trưởng là chồng của một ca sĩ nhạc Twist
kiêm nghệ sĩ sân khấu thời danh của thập niên 60.
Cũng một hoạt cảnh như khi chúng tôi bị
gom lần đầu! Cả một hàng dài Molotova và xe vận tải đều căng bạt
kín mít. Vẫn là cảnh hai tên nón cối non choẹt ôm súng đứng canh
trong xe. Vẫn là câu căn dặn có tính cách doạ nạt thường lệ: “...
Ngồi trên sàn xe. Không được đứng lên vì bất cứ lý do gì...”.
Khi di chuyển, chúng tôi lại suy đoán
dựa theo hướng xe lăn bánh để thầm hình dung đoạn đường sẽ dẫn về
đâu. Từ sân cờ ra khỏi cổng, nếu rẽ trái thì vào phố Hội An hay
ra biển, còn quẹo phải thì ra Điện Bàn... Quẹo phải! Vậy là đoàn
xe đang trở ra phía Vĩnh Điện ngoài quốc lộ 1... Sau đó lại quẹo
phải!
Vậy là
đoàn xe đang ngược bắc, chạy hướng về Đà Nẵng, lúc nhanh, lúc
chậm. Khi thì nghe tiếng gió ào ạt và tiếng bánh xe nghiến trên
đường; lúc thì có nhiều tiếng máy nổ của xe cộ các loại, cùng với
âm thanh hỗn tạp của những vùng đông dân cư. Khoảng hơn một tiếng
sau thì xe quẹo trái, chạy thật chậm trên một đoạn đường dằn xóc
rồi dừng hẳn lại. Đến nơi rồi!
Vừa bước xuống xe và nhìn quanh một
vòng, đã nghe tiếng xì xào của vài bạn tù gốc Quảng Nam. Thì ra
đây là Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm, nơi đào tạo tân binh cho Sư
Đoàn 3 BB và cũng là nơi các đơn vị thuộc Tiểu Khu Quảng Nam cũng
như Biệt Động Quân chúng tôi, thỉnh thoảng về “hấp”, tái bổ sung,
hay dưỡng quân ngắn hạn.
Sau một màn điểm danh và phổ biến những
điều ngăn cấm tù binh, liên quan tới việc không được tự tiện rời
chỗ ở và đi lòng vòng trong doanh trại, chúng tôi được quản giáo
chia thành từng nhóm 50 người, rồi giao cho vệ binh dẫn về các
“sam” (salle) để chính thức trở thành tù nhân ngay trong quân
trường mới hơn một tháng trước còn là chiếc nôi nuôi dưỡng sức
sống của các đơn vị cơ hữu trong vùng.
Dù đang cuối xuân nhưng nắng đủ nóng để
mọi người đổ mồ hôi như tắm. Một số ra ngoài tìm bóng cây để hóng
mát thì bị đám nón cối đuổi trở vào bên trong “sam” với lý do
“... ăn mặc hở hang, kém văn hóa!” Nhìn lại thì ai nấy đều chỉ có
quần đùi trên người và điều này làm cho mấy em nón tai bèo mắc
cỡ, hay tỏ vẻ khó chịu, hoặc trừng trợn khi đi ngang qua “sam”
của chúng tôi.
Không có thông báo hay giải thích rõ
rệt về chuyện dời trại hồi ban sáng, nhưng đã có lời rỉ tai về
một cuộc tập trung toàn bộ sĩ quan của QLVNCH thuộc vùng Quảng
Nam về một chỗ, để kiểm kê số lượng và dễ bề kiểm soát, hay còn
để thực hiện một việc gì đó rất quan trọng.
– Biết đâu sẽ có trao trả tù binh nay
mai!? Không lẽ trong đó không phản công hoặc “mấy ổng” bỏ rơi
mình hay sao?!
– Phải đó! Chắc là phải có một giải
pháp cho tù binh của hai bên. Nếu không thì cần gì tụi nó phải
đưa tụi mình về đây cho mất công?!
– Cả tháng nay không có chút tin tức gì
từ thế giới bên ngoài. Không có radio, không tiếp xúc được với
ai. Mình bị bưng bít mọi chuyện. Chỉ toàn là ba mớ tuyên truyền
của tụi nó không hà!
Những lời đoán già, đoán non cứ thế mà
trao qua, đổi lại cả ngày. Nét lo âu hiện rõ trên gương mặt của
mỗi người. Mặc dù mức độ căng thẳng không đến nỗi như lần bị lừa
“... tập trung đi học tập cải tạo từ 7 giờ đến 9 giờ sáng...” như
lần một trước đó; nhưng mỗi lần có thay đổi trong sinh hoạt của
tù tàn binh, là ai nấy lại thấy xốn xang và buồn bực trong lòng.
Đã vậy, nơi tập trung vừa qua và lần
này đều là những doanh trại của quân đội, là những nơi đã từng in
màu áo trận, hay đã từng vang rền tiếng chân đưa theo nhịp quân
hành. Bảo sao không bùi ngùi, không rấm rức, không buồn đau khi
mà số phận nghiệt ngã, đã đưa mọi người lọt vào trong quyền sinh
sát của lũ ngông cuồng đang say men chiến thắng!
Tiếng lách cách của những quân cờ chơi
trong thinh lặng (hay chơi để mà chơi, chơi để không bắt trí óc
vốn rã rời phải cố công suy niệm) càng làm tăng thêm không khí
vốn đã nặng nề từ khi những người thua cuộc phải chấp nhận một sự
thật quá đỗi thương tâm.
Tiếng thì thầm của từng nhóm bạn, tiếng
thở dài lẻ loi của ai đó trong góc tối hầu như ngưng bặt cùng một
lúc, khi những ngọn đèn vàng vọt trong “sam” vụt tắt. Đêm dần
trôi trong lặng lẽ. Đêm mờ bóng vực, trầm lắng đến tận cùng tâm
thức. Dưới khe hở của lớp tường lợp tôle là vòm sáng mờ mờ, nhợt
nhạt từ xa dọi vào làm khung cảnh trong “sam” càng trở nên u
tịch.
Tiếng rù
rì của những câu chuyện trao đổi cũng đã im bặt từ lâu. Không
gian thinh lắng như trầm tích. Ngoài tiếng động của những bước
chân tuần tiểu kèm theo lời xì xào của đám vệ binh, thì tiếng
động còn lại chỉ là những tiếng trở mình sột soạt trên nền chiếu
của ai đó trong góc tối.
Một ngày đã qua. Một ngày lê thê, vô
cảm, đã trôi vào quá khứ của thời gian suốt từ lúc Đà Nẵng rơi
vào tay nón cối. Lại là một đêm dài của tương lai vô định và của
số phận đã bị đóng khung. Đêm mất ngủ khiến nhiều người còn nằm
co quắp dưới nền xi măng mặc dù bên ngoài nắng đã lên cao. Đa số
đã thức dậy từ lâu và đang nằm, ngồi thả khói trong tư lự. Lại là
những suy tư miên man về thân phận tàn binh. Lại những âu lo và
phiền muộn đủ làm khô khốc cả người.
Không ai muốn đối diện thực tại não nề.
Mọi thứ đều như trong giấc mơ và nỗi buồn thì cứ chất ngất trong
cùng tận đáy lòng, nên hiếm hoi lắm mới thấy tàn binh nở một nụ
cười –cho dù chỉ là một nụ cười gượng gạo– để tự dối lòng và tạm
quên thực tại.
Cách lãng quên đời tốt nhứt là... hút
thuốc! Cũng may là khi còn trong Hội An, ngày nào chúng tôi cũng
có cơ hội ném tiền qua hàng rào để được người dân thảy lại những
bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ nên bây giờ mới có thể “Mang cơn sầu
đời trải thành sương mộng. Vàng tay khô trên từng nhánh lụy
phiền”.
Cả
buổi sáng không có tên nón cối nào đến “làm phiền” chúng tôi.
Hình như đám cảnh vệ cũng lơ là trong việc ngăn chận tù tàn binh
ở các “sam” chạy qua, chạy lại, xì xào trao đổi tin tức. Cũng
chẳng có gì để nói cho nhau nghe ngoài những câu chuyện bâng quơ
về mọi thứ trên đời, trong đó niềm hy vọng –dù không mấy lạc
quan– về một ngày được trả tự do là đề tài được nhắc đi, nhắc lại
nhiều nhứt.
Cứ
thế, buổi sáng rồi buổi trưa uể oải trôi qua trong một ngày nắng
thật đẹp. Lại giải khuây và giết thì giờ quanh mấy bàn cờ tướng
hoặc domino, hoặc bó gối ngồi nhìn trời, ngắm đất trong thinh
lặng. Không nói ra nhưng ai cũng biết người bạn đồng cảnh đang lo
gì, nghĩ gì sau bộ mặt trầm tư qua làn khói thuốc.
Cá nằm trong rọ, thú nhốt trong chuồng,
người trong tù ngục, chắc chắn đều có chung một khát vọng: Tự Do!
Nhưng tự do nào mới được, khi mà ra khỏi nơi này cũng có nghĩa là
bước vào một nhà tù lớn hơn, vì ngoài kia người dân cũng đang đối
diện với nghịch cảnh đổi đời và cũng đang oằn mình vì mớ gông cùm
cộng sản đang lần hồi siết chặt! Đường nào cũng bí rị, cũng tối
đen. Đáng buồn thay cho thân phận tàn binh!
Đến trưa thì có lệnh tập trung ngay
trước cửa “sam”. Bước ra ngoài đã thấy các nơi khác cũng vậy. Nếu
không có đám nón cối (lại nón cối!) ôm súng đứng giăng hàng như
thể đang dàn chào, thì quang cảnh không khác gì một buổi tập họp
của các tân binh trong quân trường trước đây.
Nhưng lần này lại có không khí nghiêm
trọng hẳn ra, vì không chỉ có đám bộ đội đứng trước sân tập họp,
mà phía sau “sam”, ngay sát vòng rào lưới mắt cáo có giăng kẽm
gai, cũng có bóng dáng của những cây AK chĩa ngang hông. Lại một
phen hồi hộp và lo lắng. Có chuyện gì nữa đây!?
Như đoán biết sự bồn chồn của mọi
người, tên quản giáo chậm rãi đi tới đi lui trên thềm xi măng,
tay giơ cao đếm số người đang đứng thẳng hàng trước mặt mình rồi
mới sửa bộ, tằng hắng vài tiếng, sau đó mới trịnh trọng tuyên bố:
“Báo cáo cho các anh rõ! Đúng 12 giờ
trưa hôm nay, Sài Gòn đã hoàn toàn được giải phóng! Bộ đội đã vào
dinh Độc Lập và Tổng Thống của các anh đã đầu hàng quân cách mạng
vô điều kiện...”
Tên quản giáo ngừng lại giây lát, như
thể đang thăm dò phản ứng của chúng tôi. Những cái đầu vốn đã cúi
nhìn xuống đất, nay lại càng gập sâu hơn nữa. Trời đang xế trưa.
Nắng gay gắt như đang hừng hực lửa mà lòng chợt lạnh đến rùng
mình. Thật vậy sao?! Mơ chăng?! Không thể nào! Chỉ mới đúng một
tháng mà đã mất cả một miền nam vào tay giặc. Không! Mất cả quốc
gia mới đúng!
Chúng tôi còn đang bàng hoàng, thì câu nói kế tiếp của tên quản
giáo vang lên như một lời hù dọa, để chính thức phủ đầu những kẻ
đang thật sự sa cơ:
“Bây giờ thì đất nước đã hoàn toàn được
giải phóng rồi. Hòa bình rồi! Các anh cũng đừng mơ tưởng tới việc
trao trả tù binh. Hãy chăm lo học tập cải tạo tốt thì may ra còn
được cho về đoàn tụ với gia đình. Cách mạng vốn rộng lượng khoan
hồng nhưng những kẻ phản động nào còn cố tình chống đối cách mạng
thì sẽ bị trừng trị thẳng tay...”
Như để chứng minh cho sự thật lịch sử,
tên quản giáo giơ cao chiếc radio, mở âm lượng tối đa để chúng
tôi nghe những gì đang được tiếp vận từ đài phát thanh Sài Gòn.
Đoạn nhạc mở đầu và giọng xướng ngôn quen thuộc đã không còn.
Thay vào đó là những bài hát cộng đồng, những bản nhạc sắt máu
mang âm hưởng ngũ cung của nhạc Tàu, rồi giọng đọc “sốt rét”
nhưng cũng không kém phần đanh thép của ai đó, cứ nhai đi nhai
lại những khẩu hiệu an dân và đầy tính chất tuyên truyền cho chế
độ.
Tên quản
giáo cứ thế mà gằn giọng răn đe này nọ. Hắn còn nói nhiều chuyện
khác nữa, nhưng không ai còn để tâm đến làm gì. Cả tháng nay mọi
người cố nuôi hy vọng để bây giờ thất vọng não nề. Nỗi đau buồn
không bút mực nào diễn đạt cho thật đúng những gì chúng tôi đang
cảm nhận trong lòng.
Im lặng! Không ai nhìn ai. Chúng tôi
trở vào trong “Sam” bằng những bước chân nặng nề như treo đá.
Lòng quặn thắt từng hồi. Giữa trưa mà tưởng như đang bước vào
bóng tối. Mặt trời bỗng “đen” hơn bao giờ hết! Đen hơn tất cả
những gì người nhạc sĩ thời danh nào đó đã ta thán trong bài hát
của ông ta mấy năm trước đó.
Lịch sử Việt Nam đã vừa thay trang mới.
Miền Nam tự do đã không còn tồn tại trên chính trường thế giới.
Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử và chúng tôi, những chiến sĩ của
tiền đồn chống cộng hôm qua, cũng vừa mới được kẻ chiến thắng
chính thức công bố số phận của mình: số phận nghiệt ngã của những
tù binh không có ngày trao trả.
Lúc đó là 2 giờ chiều, ngày thứ Tư 30
tháng 4 năm 1975! Cũng là ngày định mệnh của cả một Dân Tộc!
HUY VĂN
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Huy Văn chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu,
April 30, 2021
thư ký dù
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang