Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
30T4Đ
Tác giả:
Huy Văn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Cứ
mỗi năm, vào tháng 4; khi nắng vừa dậy cơn nóng cuối xuân, là tôi
chạnh nhớ những ngày đơn vị tăng phái cho Chi Khu Mộ Đức, thuộc
tỉnh Quảng Ngãi, để truy lùng du kích tại xã Đức Lương và các
thôn làng lân cận về hướng bắc lẫn ven biển. Có lẽ vì cứ quay đi,
quay lại khúc phim trong đầu, nên ký ức sau hơn 45 năm, vẫn còn
hừng hực như mới hôm qua, hôm kia. Không thể quên và cũng sẽ
không bao giờ quên!
Đức Lương,
một xã ven biển, cũng như phần đông các nơi khác trong tỉnh Quảng
Ngãi, vốn là vùng xôi đậu, là cái gai khó nhổ của chi khu Mộ Đức.
Lính đến, du kích rút vào các thôn làng đã bỏ hoang từ lâu. Lính
đi, đám “chuột nhắt” lại bò ra tác quái. Cứ vậy mà người dân nào
còn trung thành với miếng đất cha ông để lại, đã phải chịu đựng
và nín thở lặn ngụp giữa “hai làn nước”.
Vì đơn vị
cơ hữu đã dàn trải quá mỏng, quân số lại thiếu hụt, nên Tiểu khu
Quảng Ngãi phải nhờ Biệt Động Quân giúp giải tỏa áp lực địch ở
ngay hướng chính Đông của quận Mộ Đức. Ngoài việc tìm diệt du
kích, công tác của Tiểu Đoàn 37 BĐQ chúng tôi còn bao gồm bình
định và an dân. Bình định thì không khó, nhưng dân có an hay
không lại là chuyện khác!
Đã mấy ngày
rồi, mà dân chúng chưa chịu tích cực phá bỏ những hầm nổi và các
hàng cây, hay lùm, bụi rậm rạp quanh nhà và ngoài bìa làng. Dân
không làm thì Lính xắn tay áo nhào vô. Rốt cuộc, công việc chính
của Tiểu Đoàn là tảo thanh và... phát quang để du kích không có
chỗ ẩn núp hay len lỏi về thôn xóm.
Thời gian
đầu, người dân không giấu nét nghi ngại và gần như bất cộng tác
về mọi mặt. Vì vậy, Lính phải ra tay để san bằng những hầm nổi,
rào giậu, lau lách, cây cỏ trong và chung quanh xã. Sau gần hai
tuần thì tầm nhìn đã quang đãng hơn, xa hơn. Dân cũng bớt ta
thán, nghi kỵ vì vô hình chung, Lính đã giúp họ sửa sang lại bộ
mặt của thôn làng. Nhờ vậy, đã có những ánh mắt và nụ cười thân
thiện, cùng những câu chuyện cởi mở hơn so với lúc chúng tôi mới
vào vùng hành quân.
Đã có câu
mời chào của các vị bô lão. Đã thấy những thẹn thùng, e ấp của
những mái tóc dài, mới mấy ngày trước còn mang nét nghi ngại mỗi
khi gặp mặt. Từ đó, Lính biết thêm nhiều điều thú vị về Đức
Lương, đặc biệt là kỹ thuật trồng cây thuốc lá và cách chăm bón
đất thật giản dị nhưng khó khăn, khổ sở và khó ngửi vì phải cần
đến... phân người!
Vừa hoàn
tất việc phát quang dưới làng, thì trung đội chúng tôi được lệnh
di chuyển lên vùng cực bắc của xã Đức Lương, là vùng hoạt động
công khai của du kích, với căn cứ địa là những thôn xóm bỏ hoang
từ khi quân đội Mỹ mới đến. Gần một chục năm nhà không, vườn
trống, nên làng Văn Bân chỉ còn là những “mụn cám” trên bản đồ,
còn làng Hoài An và Dương Quang bên cạnh đồi Van Bang đã trở
thành những ốc đảo với không đầy một chục nóc gia.
Đại Đội 3
được lệnh đóng quân tại đây và Trung Đội 1 chúng tôi trở thành
tiền đồn cho đại đội, trên cao độ 40 mét của Van Bang.
– Sao tên
ngọn đồi nghe lạ quá vậy bác Hai?!
– Tui cũng
không biết.
Ông cụ sống
bằng nghề trồng cây thuốc lá và bắt dong ven biển lắc đầu khi
được hỏi. Người dân địa phương không biết. Vậy thì chuyên viên in
bản đồ của Nha Địa Dư đã quên bỏ dấu cho hai chữ Van Bang không
chừng!?...
Những nhát
cuốc bổ xuống đá ong dội vào tay đau điếng làm chúng tôi lắc đầu,
ngao ngán. Nhưng phồng tay, nhức lưng thì cũng phải lo cho xong
hầm hố và tuyến phòng thủ. Vừa xong mọi thứ là đã chói chang ráng
chiều. Màu vàng của nắng, màu nâu của đá ong, màu cam của dải đồi
nhấp nhô chạy mút tầm mắt về phía Tây, hòa vào màn xanh mờ mờ của
núi Điệp tạo thành một bức tranh lạ mắt của thiên nhiên.
Trong khung cảnh hoàng hôn, Van Bang
nằm ngạo nghễ, lạnh lùng, đầy chướng khí. Đâu là vị trí đặt súng
của pháo binh Hoa Kỳ mấy năm trước đây? Đâu là ranh giới của đất
lành và mìn bẫy, mà Đại úy Vương đã hết lòng căn dặn phải hết sức
cẩn thận; vì ngay cả Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Gio, cũng đã bị
thương vì mìn ngay những ngày đầu tiên vào vùng? Đâu là vùng đất
chết trên đồi, mà chính đám “chuột nhắt” cũng đã từ lâu không dám
đặt bước tới?!...
Thứ Năm
16/04/1974.
18h00. Đồi
trọc. Khô khốc. Ngồi chờ trực thăng tải thương mà buồn ơi muốn
khóc! Vùng tử địa với mìn nội hóa đóng vai tử thần giăng bẫy.
Khoảng đất rộng đủ cho cả đại đội trấn đóng chỉ giao phó cho 20
mạng khai quang bằng giày saut và lưỡi lê, vì máy rà mìn Poland
của Công Binh hoàn toàn vô hiệu lực. Cả mấy ngày trời mà vẫn chưa
xong một nửa ngọn đồi.
Công việc
càng chậm càng tốt, kỹ lưỡng chừng nào chắc ăn chừng nấy. Trung
đội dàn hàng ngang, mỗi người cách nhau chừng một sải tay. Lưỡi
lê cột chặt vào một nhánh tre, cắm phập xuống đất, khoảng cách
càng khít khao càng có hiệu quả. Xăm tới đâu, bước tới đó. Nhưng
rồi đến ngày hôm nay cũng đã không thể tránh khỏi thương vong!
Một thằng em cuốn poncho, thêm một đứa bay mất bàn chân khi nhào
tới đỡ bạn.
Tổng cộng
28 trái mìn nội hóa sau bốn ngày “chiến đấu với Ma”. Tiếng rên
của đứa em càng làm nhói thêm lồng ngực, vì không thể chia sớt
được nỗi đau thể xác của một con người. Nguyễn Hoàng Minh thương
bạn và nóng lòng vì bạn nên mới ra nông nỗi. Thật đáng tiếc! Còn
Lê Văn An vì bổn phận và trách nhiệm của người lính, mà phải bỏ
lại mạng sống mình trên đồi máu. Thật đáng buồn!
– ĐM! Tụi
nó gài mìn độc quá!
Trung sĩ I
Thái vỗ về đứa em khinh binh rồi trở lại bên tôi bật tiếng chửi
thề. Ông trung đội phó là người đầu tiên gõ đúng vào trái mìn làm
bằng lon trái cây; bên trong là thuốc nổ, đinh, vít, và mọi thứ
sắt vụn trên đời. Không biết bộ óc khủng bố nào đã nghĩ ra được
cách vô hiệu hóa máy rà mìn thật tinh vi, bằng cách bọc hai lớp
nylon lên mảnh ván đặt nằm gọn trên chiếc lon. Ngòi kích hỏa là
một cây đinh 5cm, đóng xuyên qua miếng ván. Trên miếng ván có gắn
một vỏ đạn M16 đã được cắt ngắn, bọc lấy chiếc đinh. Khi đạp
đinh, nó sẽ cắm ngay xuống lon mìn. Không thể trật vào đâu được!
Ngoại trừ
mấy chiếc lon đã rỉ sét, mọi thứ khác của quả mìn nội hóa vẫn còn
khá tốt nhờ nylon cản nước, không làm mục gỗ hay ướt thuốc nổ.
Dẫm chân chệch qua một bên thì có thể không gây chạm nổ, nhưng
đạp ngay trên chiếc đinh thì chỉ có phép lạ mới làm cho tịt ngòi.
Bằng không sẽ bay gót, mất bàn chân nếu là lon nhỏ, hay mất mạng
nếu gặp lon cỡ hộp sữa SMA hoặc lớn hơn!
Khi trực
thăng đến tải thương thì mặt trời cũng vừa bừng cơn ráng đỏ. Mừng
cho Hoàng Minh từ nay xa rời cuộc chơi, nhưng cũng buồn rười rượi
cho một hoa niên đã sớm lìa đời. Tôi nhìn theo cánh quạt khuất
dần về phía Quảng Ngãi mà ước thầm được theo về chốn hậu phương
an lành. Nhưng Lính không có thì giờ để tần ngần hay tưởng tiếc.
Cần phải mau chóng cắm cọc làm dấu những vị trí đã dò xong các
loại mìn. Báo cáo trong ngày. Cơm chiều. Chỉnh đốn lại tuyến
phòng thủ qua đêm. Cắt đặt canh gác. Công việc vừa xong là đã
thấy sao trời lấp lánh. Một ngày lại trôi qua trong đời Lính. Mai
này sẽ ra sao?!
Chúa Nhựt
20/04/1974.
10h00. Phần
đất dọc theo sườn phía đông của đồi Van Bang vừa được khai quang
hoàn toàn. Hành lang bề ngang chừng hơn 2 mét và chiều dài trên
dưới 100, là vị trí khá tốt để quan sát khu nhà dưới chân đồi,
ruộng đồng ngoài bìa làng và cả núi Cây ở phía bắc. Chỉ chờ có
thế! Hôm nay tiểu đoàn tung hai đại đội vào thăm dò căn cứ địa
của đám du kích trong khu vực của ấp Văn Bân.
Tiểu Đoàn
Phó, Đại úy Trần Văn Quy trực tiếp chỉ huy. Đại Đội 2 nỗ lực
chính, Đại Đội 3 tiếp ứng. Cối 81ly và 60 ly của Tiểu Đoàn và hai
đại đội vừa dứt mấy tràng đạn, là Đại Đội 2 của Trung úy Hiền lập
tức xung phong vào làng từ hướng Đông. Tại hướng Bắc, Trung Đội 2
và 3 do Thiếu úy Lợi, Đại Đội phó Đại Đội 3 chỉ huy, đã dàn sẵn
để chờ địch. Phía Tây là đồng trống, dành cho mấy khẩu cối càn
quét khi cần.
Tiếng súng
nổ dòn dã. Vài bóng người chạy xuyên qua những khoảng sân thưa
hay đất trống. Xa quá không rõ là Mũ Nâu hay du kích. Đại úy Quy
vừa theo dõi, vừa buông, chụp ống liên hợp liên tục. Lính xung
phong, tiếng thét nghe vang dội. Âm thanh xen kẽ vào tiếng súng
ngắn, dài, tạo thành nhịp điệu quen thuộc của mặt trận đang sôi
động. Thốt nhiên, xen lẫn với tiếng nổ dòn của súng nhỏ, là mấy
tiếng đùng đùng vang lên gần như cùng một lúc.
– Chết mẹ!
Tụi nó dính mìn rồi!
Ông Quy
quay sang tôi than một tiếng, rồi đứng lên quát tiếp vào PRC25,
ra lệnh cho Thiếu úy Lợi dẫn 2 trung đội của Đại Đội 3 tiến ngay
vào làng để giải tỏa áp lực cho Đại Đội 2, đồng thời yêu cầu
Trung úy Hiền báo cáo tình hình. Sau vài câu trao đổi, ông ra
lệnh ngừng truy kích và nằm im tại chỗ. Việc tải thương bắt đầu.
Phải chạy đua với thời gian, nên con đường ngắn nhứt là leo lên
Van Bang chờ trực thăng đến bốc.
Trên đồi,
Trung sĩ I Thái chọn vài khinh binh tình nguyện, rồi dẫn họ và
lao công đào binh do tiểu đoàn phái lên cùng xăm, dò, phát quang
dần xuống để bắt tay với toán tải thương. Từng giây phút trôi qua
là một nỗi lo nghẹt thở. Nhưng rồi chuyện gì tới phải tới! Một
tiếng nổ vọng lên từ hướng đang mở lối làm mọi người thót tim,
khô cổ.
Một lúc
sau, Trung sĩ I Thái trồi lên, sau lưng ông là hai khinh binh của
chúng tôi. Trên lưng người đi trước là Lê Văn Chánh, theo sát
phía sau là một đứa em; đang xòe tay nâng giữ bàn chân bê bết
máu, lòi cả xương gót của Chánh. Tiếp theo, là toán lao công đào
binh cùng với hai “đòn bánh tét” và thương binh nặng, nhẹ, nối
nhau lần lượt lên đồi. Hai “nằm”, bốn “ngồi”, cộng thêm Chánh là
bảy tay súng bị loại khỏi vòng chiến. Trong khi đó thì tổn thất
của địch không rõ. Giá đắt thật!
Trung sĩ I
Thái dừng lại bên tôi, cố nén sự buồn bực bằng tiếng thở dài:
– Lại thêm
mấy đứa gặp “Ma”. Không tải thương kịp, chắc là tụi nó...
– ĐM! Đã
gọi trực thăng rồi. Sẽ có ngay!
Đại úy Quy
trừng mắt, ngắt lời ông Thái rồi quay qua tôi nói tiếp:
– Chú mày
lo vụ tải thương cho chu đáo nghe. Tao về đi phép vợ đẻ đây! ĐM!
Đánh đấm gì mà chỉ gặp toàn là mìn không hà!
Câu nói của
Đại úy Quy cũng là lời than của chúng tôi suốt mấy ngày nay. Đã
vậy, còn có thêm kế hoạch mới nhận từ đại đội. Đó là gấp rút dọn
bãi mìn trên đồi Van Bang để lập đồn dã chiến. Chúng tôi lắc đầu.
Lại khổ nữa rồi! Lính quen lưu động, bây giờ phải nằm tại chỗ
gánh một trách nhiệm mà không ai muốn nhận lãnh. Thì thôi cũng
đành! Quân Đội có những lệnh lạc trời ơi đất hỡi như vậy là
chuyện thường. Thi hành trước! Than thở sau. “Lính mà em!”
Thứ Tư
23/04/1974.
17h00. Chỉ
còn một khoảng đất nhỏ là coi như xong công tác dò mìn. Chiều
nay, chúng tôi dời vị trí phòng thủ đến khu vực vừa dọn xong. Một
lô mìn nội hóa đủ cỡ, đủ loại, nằm chất đống bên ngoài tuyến, chờ
ngày mai thanh toán cả ngọn đồi thì sẽ phá hủy một lượt. Đùa với
tử thần nên phải trả giá bằng mạng người. Chiếc poncho gói thây
đứa em còn nằm đó. Trần Bình xui tận mạng khi đi lạc ra ngoài khu
vực đã làm dấu, để giải quyết nhu cầu cho “đệ tứ khoái”, nên banh
xác vì đạp phải mìn.
Đã chờ hơn
hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa có trực thăng. Bóng nắng đã nghiêng
dài nhưng vẫn còn đổ lửa. Chúng tôi ngưng dò mìn để đào hố, rồi
căng lều cho kịp buổi tối. Bàn tay phóng dao, phập đất cả ngày,
lại phải cầm xẻng nạy đá nên bây giờ đã phồng, dộp, đau rát. Căng
xong poncho, cột xong võng cho ba thầy trò cùng khoanh chung một
chỗ là mỏi nhừ hai tay. Đang cởi giày, tháo vớ cho mát chân thì
vài đứa em tà tà đi ngang qua. Một đứa trong bọn kéo lê thanh tre
dưới đất, lưỡi lê lòng thòng như muốn sút hẳn ra, nên tôi quát
gọi tới ngay bên võng:
– ĐM! Lè
phè vừa phải thôi nghe!
Vừa chửi
thề, tôi vừa quấn dây cột lưỡi lê lại rồi dập vài nhát ngay dưới
chân. Một tiếng “phụp” khô khan vang lên làm tôi điếng người.
Nhìn đầu lưỡi lê cắm ngay giữa đôi giày, tôi thấy lạnh xương
sống. Gần một tiếng đồng hồ loay hoay tại chỗ, không lẽ Hồ Viết
Sành, Nguyễn Ngọc Thanh, và tôi không có lần đạp phải trái mìn
này?! Nhưng vì sao nó không nổ? Đạp xéo một bên? Hay thuốc nổ tịt
ngòi? Phép lạ chăng?
Phản ứng
đầu tiên là cả đám dạt ra thật nhanh, làm cả trung đội giựt mình
quay lại nhìn, còn tôi lạnh cẳng ngồi chết trân một hồi lâu. Ngay
lập tức, Tín “lùn” đến bên võng gỡ lưỡi lê của mình, rồi thận
trọng gạt từng lớp đất mỏng. Miếng ván có bọc nylon hiện ra, đã
mục nhưng chưa nát. Chẳng bao lâu sau là cả trái mìn nội hóa được
moi lên. Một lon dầu ăn, loại thực phẩm viện trợ!
Cả đêm tôi
trằn trọc nghĩ ngợi về trái mìn ngay dưới chân mình. Nếu nó phát
nổ thì cả ba thầy trò – tôi, thằng em ô đô, và hiệu thính viên
của trung đội – chắc chắn phải có người cuốn poncho. Cho dù bị
thương thì cũng sẽ mất máu, hay kiệt sức mà chết, vì không có
phương tiện tải thương ngay trong đêm đó. Chiếc poncho gói xác
Trần Bình vẫn còn nằm tại chỗ. Thỉnh thoảng có người đến đốt
thuốc thế nhang, rồi cắm trong chén cơm trắng đặt phía trên đầu
của đứa em vắn số.
Nghi thức
tiễn biệt của đồng đội chỉ có thế! Đơn giản mà chí tình. Đọc xong
cho Trần Bình vài câu kinh, tôi mới sực nhớ xâu chuỗi lần hạt còn
nằm trong ngực áo. Lại nghĩ tới một phép lạ nào đó đã cứu cả ba
thầy trò chúng tôi không chừng. Cả đêm thức trắng chỉ để rùng
mình nghĩ ngợi và tưởng tượng, rồi rù rì với hai đứa em quanh
những câu chuyện đa số bắt đầu bằng: “Nếu như trái mìn phát
nổ!?...”
Thứ Ba
29/04/1974.
14h00. Rồi
cũng dọn xong vùng tử địa trên đồi Van Bang sau hai tuần đổi bằng
máu, mồ hôi, và cả nước mắt của Lính. Mỗi lần phá mìn, cổ họng
tôi như muốn thắt lại. Tiếng nổ đập vào ngực, xoáy trong đầu, tạo
cảm giác rùng rợn khi âm thanh dội vào vách đá rồi vang rộng khắp
đồi. Chết ngay thì không nói gì, đằng này mìn nội hóa thường giết
người dần mòn; do mất máu và đau đớn vì cụt giò, mất bàn chân,
hay nát bọng đái.
Ngày lên
đồi, trung đội chúng tôi có 20 người. Bây giờ vẫn là 20, nhưng đã
có 5 tân binh vừa mới bổ sung hồi sáng. Số lính mới về được Đại
úy Vương chia đều cho 3 trung đội, vì tổn thất nhân sự gần như
ngang nhau sau cuộc rà mìn bằng chân của chúng tôi, hay những lần
hành quân thăm dò của hai trung đội còn lại. Đại Đội 3 chúng tôi
dù te tua, nhưng vẫn sẽ là nỗ lực chính trong cuộc tảo thanh vào
ngày mai.
16h00. Đại
úy Vương họp các trung đội trưởng, để chính thức thông báo lệnh
của tiểu đoàn, về việc truy lùng du kích và khai quang toàn bộ
khu vực Tây Bắc dưới chân đồi. Kế hoạch hành quân lần này hơi
khác lần trước. Chỉ có Đại Đội 3 trực tiếp tham chiến. Đại Đội 4
sẽ đóng vai trò tiếp ứng, vì tin tức cho biết là du kích đã rút
lực lượng nòng cốt khỏi làng Văn Bân. Chỉ còn một số ở lại để
tuyên truyền và quấy rối.
Sau khi cho
biết tình hình và kế hoạch, “Bố Già” đặt thẳng vấn đề:
– Cả ba
trung đội đều thiệt hại nặng như nhau, nên tôi để cho các anh tự
giác lựa chọn. Ai sẽ đi đầu vào ngày mai? Nếu không ai tình
nguyện thì tôi sẽ cho bốc thăm. Như vậy là công bằng nhất.
Chúng tôi
im lặng. Không ai nhìn ai. Căng thẳng! Vương Vũ tỏ dấu hiệu kiên
nhẫn chờ đợi bằng cách mồi thuốc hút, nhưng ông chỉ vừa rít hơi
khói đầu tiên, là đã có câu trả lời.
– Tôi nhận!
Hai tiếng
chắc nịch của tôi làm không khí thay đổi ngay lập tức. Đại úy
Vương gật đầu nhìn tôi, tỏ vẻ hài lòng. Lê Văn Hữu và Nguyễn
Thanh Vân cùng đến vỗ vai tôi, kèm theo những nụ cười thông cảm
và câu nói của Vân:
– Tối nay
hai ông qua chỗ tui nhậu. Kéo mấy ông phó qua luôn nghe.
Về đến
tuyến đóng quân thì mọi người đã biết tin tức cuộc họp. Lính vốn
luôn sẵn sàng để chấp nhận mọi hoàn cảnh, nên nét lo âu thoáng
hiện trên ánh mắt rồi cũng tan biến theo những cợt đùa cố hữu.
Vui được lúc nào hay lúc đó. Họ hồn nhiên sinh hoạt như trên đời
này không có gì để bận tâm, ngoại trừ kiểm tra súng đạn, để chuẩn
bị cho cuộc hẹn với tử thần vào sáng ngày mai. Xong xuôi mọi thứ
thì cũng vừa kịp giờ hẹn với Vân và Hữu. Nắng vẫn còn đẹp dù đã
xậm màu. Một ngày trong đời lại trôi qua... “Một ngày như mọi
ngày” của Lính!
Thứ Tư
30/04/1974.
9h00. Từng
đợt cối thi nhau rót đạn vào mục tiêu. Cuộc hành quân tảo thanh
bắt đầu. Lê Văn Hữu cho Trung Đội 2 bám vào bìa làng phía Đông
rồi dừng tại đó. Còn tôi dẫn Trung Đội 1 vòng qua hướng Bắc rồi
xông thẳng vào Văn Bân. Từ trên đồi, Đại úy Vương thận trọng cho
lệnh lục soát từng khu vườn, từng nền nhà hoang; sau đó tiến dần
qua hướng Nam, nghĩa là đi về phía đại đội đóng quân. Còn Trung
Đội 2 của Lê Văn Hữu từ cạnh sườn phía Đông, chuyển dần qua hướng
Tây Bắc, cắt ngang sau lưng chúng tôi dựa theo địa thế của khu
làng.
Hướng biển được giao lại cho Đại Đội
4 dàn quân sẵn sàng tiếp ứng. Lúc đầu, Đại úy Vương còn nhìn thấy
chúng tôi di chuyển. Nhưng không bao lâu thì đã bị cây cối che
khuất, nên thỉnh thoảng chúng tôi phải dừng lại để xác định vị
trí và khoảng cách với Trung Đội 2 của Hữu. Không có sự kháng cự
nào của địch. Mới tối hôm qua còn ra rả tiếng loa tuyên truyền
nghe đến ngứa lỗ tai. Bây giờ thì im lặng hoàn toàn. Du kích đã
rút đi, hay đang rình rập giăng bẫy phục kích đâu đó không
chừng!?
10h00. Làng
Văn Bân đã hoàn toàn bị bỏ hoang từ lâu. Nhà cửa chỉ còn lại nền
đất và vườn tược. Cây cối không có dấu hiệu được chăm sóc. Tuy
nhiên, dấu chân trên đất cát vẫn còn khá rõ, mặc dù một số lớn có
dấu hiệu bị xóa đi một cách vội vã. Như vậy, nơi này đúng là căn
cứ địa, là vùng bất khả xâm phạm của du kích bấy lâu nay. Chúng
tôi đang lục soát thì toán khinh binh bỗng dừng lại. Trung sĩ I
Thái trở lại bên tôi và cho biết phía trước có dấu vết của một
con đường mòn, hình như đã từ lâu không có người qua lại.
Tôi mở bản
đồ, xác định con đường làng một thời nối Đức Lương với các xã
chung quanh, báo cáo với Đại úy Vương, rồi cho lệnh dừng tại chỗ;
chờ Trung sĩ Cho dẫn tiểu đội khinh binh vượt hàng dậu thưa, để
tiến dần qua khu vườn lân cận. Đến khi người cuối cùng là Nguyễn
Văn Tâm vừa bước theo đồng đội, thì một tiếng nổ vang lên, hất
tung Tâm “sún” khỏi mặt đất trong một màn khói bụi dày đặc. Đó là
hình ảnh sau cùng tôi nhìn thấy, trước khi bị sức nén đẩy té
xuống đất.
Lúc tôi bật
người ngồi dậy, ông Thái quay sang nhìn tôi với nét mặt lo lắng,
còn Thanh “máy” thì đang lom khom, vừa ngó dáo dác chung quanh,
vừa báo cáo về đại đội. Trong khi đó, Hồ Viết Sành còn nằm dưới
đất, chong súng về phía trước.
– Chuẩn úy
có sao không?
Trung sĩ I
Thái run giọng hỏi tôi. Trong cơn choáng váng, tôi nhìn thấy ông
đã không còn cầm súng mà ngược lại, bàn tay phải đang nắm chặt
cánh tay trái. Trên người ông đầy máu. Còn trên tay tôi cũng dính
một miếng thịt của ai đó không rõ. Nhìn những vết máu đây đó trên
người, tôi không có cảm giác đau đớn, chỉ thấy hơi tức ngực. Đến
lúc này, ông Thái mới trân trối nhìn lại cánh tay đẫm máu của
mình.
– ĐM! Sao lạnh quá vậy?!
Vừa dứt lời
nói sảng là Trung sĩ I Thái ngã xuống, ngất xỉu, tay vẫn còn nắm
vết thương. Tôi choàng qua, gỡ bàn tay phải của ông ra, thì mới
hay cánh tay trái chỉ còn nối vào người bằng một miếng thịt nhỏ
xíu ở gần vai, ngay dưới nách. Tôi nghiến răng giựt cánh tay ra
rồi đắp vội mảnh băng cá nhân vào vết thương.
Sau khi
giao ông Thái lại cho Hạ sĩ Bé chích thuốc cầm máu, tôi lật đật
ra lệnh cho Trung sĩ Đặng Tri dàn toán đại liên của anh ta bên
cánh phải; súng chĩa về hướng bìa làng, đề phòng địch phản kích,
rồi kéo Thanh “máy” và Hồ Viết Sành chạy lên phía trước. Toán
khinh binh có 10 người thì đã bỏ cuộc hết 5, nằm bất động, hay
oằn oại, rên siết. Trung sĩ Bi và một khinh binh đang lăng xăng
lo cho những đồng đội kém may mắn đó, còn mấy người khác thì ngồi
ghìm súng về phía trước.
Tôi đưa Hồ
Viết Sành vào trám tuyến với khinh binh, ra lệnh mọi người gấp
rút đào hố cá nhân, báo cáo tình hình với Đại úy Vương và xin tải
thương cấp tốc. Sau đó chôn tạm cánh tay của ông Thái trong một
hố đào rất cạn, rồi trở lại phía sau xem xét tuyến dàn quân của
toán đại liên. Tất cả những gì tôi làm, từ lúc lồm cồm đứng lên
cho tới lúc này, hoàn toàn là do bản năng.
Nhìn chung
quanh mới thấy tình cảnh chúng tôi thật thê thảm. Chưa chạm địch
mà đã rụng hết 6 mạng! Chỉ việc lo cho thương binh thôi, cũng đã
là một gánh nặng. Mọi người đều phơi nắng. Không ai dám tìm bóng
mát, vì bóng mát là tử địa. Đúng ra, nơi nào trong khu làng này
cũng có thể là đất chết. Đâu ai ngờ bỏ lối mòn, phát đường qua
hàng giậu mà đi cũng bị vướng bẫy. Cái số xui tận mạng đã khiến
cho thằng em nhỏ con, thấp người, vướng chân vào sợi dây bẫy của
đầu đạn 155ly. Hơn một kg thuốc nổ!
– Chuẩn úy
ơi! Đừng bỏ em.
Trong cơn
mê sảng, Tâm “sún” mở mắt gọi tôi. Tay bida số một của Liên Đoàn
12 BĐQ bây giờ chỉ còn nửa người phía trên. Hai chân đã biến mất
và vùng hạ bộ chỉ còn là một mớ máu thịt bầy nhầy. Tôi nâng thằng
em lên, vừa an ủi, vừa đau lòng, lại vừa... sợ một cách bâng quơ.
Không chịu
nổi cảnh thằng em bê bết máu, tôi cởi áo lót phần hạ bộ của Tâm.
Ôm gọn Tâm “sún” vào lòng mà tôi có cảm giác như đang ẵm bồng một
em bé. Nắng khô khốc, nắng giữa trưa của một ngày sắp vào hè nung
lửa thật tàn nhẫn. Giữa mồ hôi và nước mắt, tôi không biết thứ
nào đang chảy dần xuống má của anh em đồng đội, khi họ cắm từng
nhát xẻng xuống lớp đất cát khô mịn chung quanh mình.
– Lạnh quá,
chuẩn úy ơi! Chắc em chết quá! ĐM! Thằng Bi đâu rồi... Nước! Cho
miếng nước!...
Những tiếng
rên la trong cơn mê sảng của Tâm “sún” và mấy đứa em vừa được kéo
về chỗ Trung sĩ I Thái, làm tôi thêm đắng cổ. Bỏ Tâm “sún” xuống
thì không đành lòng, nên tôi ngồi đó ra lệnh cho Thanh “máy” hối
thúc vụ tải thương, rồi chỉ định Trung sĩ Đặng Tri, tiểu đội
trưởng đại liên, làm phó cho tôi để cùng Trung sĩ Bi đôn đốc việc
đào hố cá nhân và tổ chức phòng thủ. Tôi còn đang lo chỉ nơi dựng
poncho che nắng cho thương binh, thì có tiếng của Hạ sĩ Bé.
– Chuẩn
úy!... Nó “đi” rồi.
Tôi nhìn
lại mới hay Tâm “sún” đã tắt thở lúc nào không biết. Nhìn ánh mắt
thằng em còn mở trừng trừng, như muốn cưỡng lại định mệnh nghiệt
ngã, mà tôi muốn khóc. Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân vừa mất đi một
cao thủ bida với đường cơ lả lướt và không lần nào dưới 20 điểm
mỗi khi chạm bi, ngoại trừ lúc cố tình câu độ! Đưa tay vuốt mắt
cho thằng em Sài Gòn mà tôi cứ nghĩ hoài về những lần khoái trá
nhìn Tâm “sún” lần lượt hạ các hảo thủ của Đà Nẵng –dân cũng như
quân– trong những lần đọ sức tại các bàn bida trên đường Độc Lập.
Tôi thở dài
giao xác Tâm “sún” cho Hạ sĩ Bé rồi bước qua hai căn lều vừa dựng
xong giữa sân nắng. Một đòn “bánh tét”, xác của thằng em Sài Gòn
Trịnh Hồng Thanh đã gói sẵn, máu còn tuôn ướt đất. Ba khinh binh
khác nằm rên dưới đất. Nặng nhứt là Minh, mới bổ sung hôm qua, bị
toác lưng, đang nằm sấp rên la từng hồi.
Nắng đổ lửa
trên đầu, hừng hực trên poncho, cháy bỏng trên mặt đất. Đã gần
hai tiếng đồng hồ mà Trung Đội 3 của Nguyễn Thanh Vân vẫn chưa
khai thông được 100 thước tử địa. Không trách được hắn! Con đường
hoang phế đã gần 10 năm. Mìn bẫy, hay có thể cả hầm chông đầy
dẫy, còn Lính thì chỉ có đôi giày saut và lưỡi lê mà thôi! Phải
tiết kiệm nhân mạng tối đa!
14h00. Rồi
cũng bắt tay với nhau sau hơn hai tiếng phá đường, mở lối! Nguyễn
Thanh Vân cùng với Trung Đội phó Y Biếc dẫn toán lao công đào
binh và hai tiểu đội xuống tải thương, đồng thời đem nước tiếp tế
cho chúng tôi. Chỉ vài câu trao đổi là anh bạn gốc Long Xuyên vội
vàng theo ông phó của mình đi trở lên đồi. Tôi thầm lo cho Minh.
Máu đã cầm, nhưng xương sống lòi tủy. Bốn mảnh băng cá nhân không
đủ đắp ngang lưng.
Gần ba
tiếng đồng hồ chịu đau đớn. Bao lâu nữa thì mới có trực thăng?
Máy bay không hề chờ người. Chỉ có người sống, cũng như kẻ chết
phải sẵn sàng để chờ “chuồn chuồn” đến bốc. Nhìn lại trung đội
mới thấy chạnh lòng. Lính âm thầm chịu đựng và chấp nhận mọi hoàn
cảnh. Chúng tôi chỉ còn lại 14 tay súng và đang hoang mang khi
nhìn chung quanh toàn là bóng dáng của mìn bẫy và... thần chết!
Tiếng trực
thăng kéo tôi ra khỏi trạng thái gần như lạc hồn. “Cánh thiên
thần” đã đến nơi. Nhưng sau ba tiếng đồng hồ chịu đựng đau đớn và
mất máu; liệu những người bị thương nặng nhứt là ông Thái, Minh
và một đứa em tân binh bị gẫy chân, còn đủ sức để lâm trận với tử
thần trên bàn mổ hay không?!
Tôi choàng
tỉnh khỏi cơn chấn động tinh thần, ngay sau khi Thanh “máy” cho
biết “Bố Già” Vương Vũ vừa nhắc tới việc lo cho con cái ấm chỗ để
qua đêm. Còn Hồ Viết Sành thì mang tới cho tôi một ca sắt, trong
đó là cơm nóng và mít non luộc, cùng với một lát thịt hộp. Thấy
tôi nhìn trân trân mấy miếng mít, hắn cười ruồi, chỉ tay bâng quơ
qua hướng sân kề bên, nói ngay:
– Chuẩn úy
đừng lo! Không có mìn đâu. Tụi em coi kỹ lắm rồi mới “vớt” nó
xuống. Còn có canh dưa hường nữa. Em sẽ mang lại ngay.
Không thấy
đói, nhưng tôi cũng phải ráng ăn cho có sức và cũng để không phụ
lòng của đứa em “đệ tử”. Vừa nhai, tôi vừa miên man nghĩ về trái
đạn đã loại khỏi vòng chiến một phần ba quân số của trung đội.
Lại thêm một may mắn vừa đến với tôi và với hai đứa em đứng kề
bên. Bốn người đứng cạnh nhau trên khoảng sân trống trải. Chúng
tôi vô sự. Chỉ có ông Thái bay một cánh tay. Đúng là đạn tránh
người. Có lẽ là nhờ cả ba thầy trò chưa tới số, hay còn có nguyên
do nào khác chăng?!
19h00 Trung
đội đóng chốt ngay giữa những miếng đất đã dẫm nát từ ban sáng;
sau một màn xăm xoi tất cả những nơi chưa có dấu chân, hay có dấu
hiệu khả nghi. Báo cáo đầu giờ cho đại đội. Một vòng kiểm tra
tuyến đóng quân, đặc biệt là chốt phòng thủ hướng về phía khu
làng chưa kịp tảo thanh. Nhìn địa thế, mà tôi thầm ngao ngán mặc
dù cũng khá “ấm thân” vì phía sau có Trung đội 2, hướng trên đồi
có Trung đội 3, bên sườn phía Đông có một Trung đội của Đại Đội
4.
Mỗi gốc cây là một dấu hỏi, mỗi hàng
dậu hay rào thưa là một gương mặt của Tử Thần. Không biết ngày
mai lệnh lạc sẽ ra sao, chứ nếu như kiểu này, thì chắc chắn ngay
cả Vương Vũ cũng phải buột miệng chửi thề không chừng! “Lót ổ”
xong là mọi người mệt nhoài, nên không có những cợt đùa cố hữu.
Hôm nay, Lính trầm ngâm hơn thường ngày.
Chắc chắn
ai cũng đang nhớ lại thảm cảnh của những ngày qua và nhứt là nhớ
những đồng đội kém may mắn. Hôm nay là họ, ngày mai sẽ đến lượt
ai?! Có đúng “... Đi lính có nghĩa là chờ tới phiên mình bị
thương hay tới số!...” như lời ai đó đã nói hay không? Mà thôi!
Suy nghĩ vẩn vơ hoài chỉ đày đọa thêm bản thân. Kệ mẹ nó! Tới đâu
thì tới. Lính mà em!
Thứ Năm
01/05/1974.
07h00. Đêm
yên lành trôi, dù rất chậm. Cũng may là không bị đám chuột nhắt
khuấy phá, dù chỉ bằng tiếng loa phát thanh như cả tháng qua. Đêm
thao thức để thấy lòng bùi ngùi khi thả tâm trí ngược về những
ngày lễ Lao Động của thời còn hít thở bụi phấn trong lớp học và
những chuyến rong chơi với bạn bè ngoài Vũng Tàu. Thế giới hồn
nhiên của ngày xưa đã không còn. Thay vào đó là trò chơi súng đạn
để tự vệ và sinh tồn. Cứ thế mà tôi nghĩ ngợi vẩn vơ, trằn trọc
cho đến sáng tỏ. Mọi người đã thức dậy. Vài ngụm cà phê và điếu
thuốc Mélia làm đầu óc cảm thấy dễ chịu hơn. Lại một ngày mới
đang bắt đầu. Ước gì ngày nào cũng như sáng hôm nay: trời trong,
nắng hồng để còn thấy chút hạnh phúc dù rất mong manh vẫn còn
hiện diện trong lòng.
9h00.
– Chuẩn úy!
Vương Vũ muốn gặp.
Thanh “máy”
vừa nói vừa đưa tôi ống liên hợp. Bên kia đầu máy, tiếng của Đại
úy Vương như muốn nghẹn lại, khi ông thông báo lệnh gom dân trao
cho chúng tôi, để tiếp tục việc phát quang. Lệnh này do Tiểu Đoàn
ban xuống nên dù không tán thành, Vương Vũ vẫn phải tuân hành.
Chúng tôi nằm tại chỗ chờ nhận người. Cùng lúc đó thì Trung đội 3
cũng sẽ từ trên đồi mở rộng con đường mòn tải thương hôm qua và
khai quang sườn dốc phía Tây, để sau đó bắt tay với chúng tôi ở
cuối làng. Còn Trung đội 2 thì qua những làng lân cận để gom
người và “mượn” luôn dao, rựa của dân để xài, thay vì chỉ có lưỡi
lê và xẻng cá nhân, vốn bị hạn chế trong việc phát quang.
11h30. Đang
ngồi nghỉ mệt thì Lê Văn Hữu dẫn 8 người đến giao cho chúng tôi.
Nhìn họ mà tôi than khổ trong lòng, vì ngoại trừ một thiếu niên
mặc đồng phục của một trường Trung Học nổi tiếng ngoài Quảng
Ngãi, còn lại toàn là đàn bà, con gái. Dụng cụ “mượn” về chỉ có
một cái rựa, hai cái cuốc và một con dao phay.
– Có còn
hơn không. Xài đỡ đi huynh trưởng! Nhân lực và vật lực chỉ có bấy
nhiêu thôi. Có lẽ vì hôm nay là lễ Lao Động, nên dân làng cũng xả
hơi chăng!?
Hữu nói đùa
rồi dẫn lính trở lại tuyến của mình, còn tôi đứng đó, phân vân
không biết phải làm sao. Cuối cùng, tôi báo cáo với Đại úy Vương,
rồi cho một người có vẻ lớn tuổi nhứt ra về và dặn bà ta báo với
gia đình những người còn ở lại, là chúng tôi bảo đảm bảy người
này sẽ được đối đãi tử tế. Vài người lên tiếng phản đối, liền
miệng đòi tôi phải thả hết. Tôi chỉ im lặng nghe họ nói. Nhìn
những ánh mắt âu lo nhưng bất mãn của họ mà tôi cảm thấy buồn
bực.
Không có bằng cớ đích xác họ là du
kích hay giao liên, vì theo lời Hữu thì họ bị gom lúc đang ở
ngoài ruộng, kể hai cô gái trẻ và em học sinh. Các em đó nói là
nhân ngày lễ, nên từ Quảng Ngãi về thăm gia đình. Nhìn bộ đồng
phục của em học sinh mà tôi thấy đắng lòng. Sau cùng, tôi cũng
phải đi đến quyết định là giao tất cả cho Trung sĩ Đặng Tri và
Trung sĩ Bi để tùy nghi sử dụng. Dù sao thì họ cũng đã ở đây rồi.
Nhưng hai
chàng Trung sĩ chưa kịp dẫn người đi, thì có tiếng mìn nổ lớn
trên sườn đồi. Đám dân ngồi thụp xuống đất, mắt láo liên, vẻ mặt
hớt hải. Mọi người đều hướng mắt về phía có tiếng nổ. Tôi đưa mắt
nhìn Thanh “máy”. Đứa em hiệu thính viên đang nghe báo cáo điều
gì đó. Một lúc sau, Thanh đến bên tôi nói nhỏ:
– Ông Y
Biếc! 110 rồi!
Tôi khẽ gật
đầu, hối Đặng Tri và Nguyễn Văn Bi dẫn đám dân về vị trí đã phân
công, rồi buồn bã nghĩ ngợi về người Hạ sĩ quan gốc Thượng vừa hy
sinh. Vậy là “tứ hùng” của Đại Đội 3 chỉ còn lại một mình Lê Văn
Trữ đang làm Thường Vụ Đại Đội. Những chiến sĩ xuất sắc từ thời
tái chiếm cổ thành Quảng Trị đến Sa Huỳnh, đã lần lượt giã từ vũ
khí. Trong hai ngày, hai trung đội phó bị loại một cách oan uổng.
Một người hy sinh, người kia bỏ lại cánh tay. Trên đồi, chắc Đại
úy Vương đau lòng lắm và Nguyễn Thanh Vân cũng sẽ buồn không kém,
vì bạn vừa mất một người thầy dạn dày kinh nghiệm.
ĐM! Tôi bất
giác văng tục trong lòng. Tình trạng này sẽ còn kéo dài bao lâu
nữa!? Thật là chán chường gì đâu! Nhưng đúng là họa vô đơn chí!
Vừa nuốt vội chút cơm và chưa hết bồi hồi vì cái chết của Thượng
sĩ I Y Biếc, thì một tiếng nổ khác từ hướng tiểu đội của Đặng Tri
vọng lại. Chạy đến nơi thì đã thấy Bùi Hữu Tùng, đứa em gốc Vũng
Tàu nằm bất động, còn Đặng Tri thì mặt mày hầm hầm xỉa xói vào
mấy người đàn bà đang ngồi gầm đầu xuống đất, sau đó mới đến bên
tôi báo cáo:
– Mấy con
mẹ này chắc chắn biết có mìn mà không chịu chỉ. Cứ xớ rớ khều
khều cho có lệ, nên thằng Tùng tức tối chụp rựa phang. Chỉ mấy
nhát là nó dính chấu. ĐM! Đám này là dân việt cộng đó, chuẩn úy!
Tôi cũng
muốn nổi khùng, nhưng chỉ biết than thầm trong lòng và không biết
phải hành động ra sao. Giận dữ cũng phải nén, đau lòng cũng phải
giấu nhẹm. Hết nhìn hàng rào, tới nhìn xác thằng em. Chúng đặt
mìn dưới đất thì còn có thể rà tìm. Gài lựu đạn trên bờ rào thì
vô phương. Nhưng lời của Trung sĩ Đặng Tri cũng không phải là vô
căn cứ. Chúng nó phải làm dấu cho dân biết để tránh. Nếu không
tại sao chỉ một mình thằng Tùng toác ngực!? Nhưng làm sao tìm
ra!? Cũng đừng hòng đám dân này chỉ điểm.
Mấy người
đàn bà vẫn ngồi nhìn xuống đất, mặc cho Đặng Tri hằm hè bước tới,
bước lui, lẩm bẩm những câu chửi rủa. Tôi cho lệnh tạm dừng việc
phát quang để mọi người lắng cơn xúc động, rồi kéo Đặng Tri qua
phía Trung sĩ Bi để bàn thảo riêng kế hoạch đối xử với đám dân,
đồng thời cũng để kềm Đặng Trị khỏi nổi khùng bất tử.
17h00. Đến
giờ này mới có trực thăng. Không biết trên kia Đại úy Vương nghĩ
gì về người thượng sĩ gốc thiểu số ít nói mà chân chất, đã từng
vào sinh ra tử với ông bao năm qua, bây giờ đã vào thiên cổ.
Riêng phần tôi cũng quặn lòng vì bảy người mới nhận về hồi Tết
giờ chỉ còn lại Sơn “quắn”, một tâm hồn rất... Sài Gòn!
Nhìn đám
dân đang hậm hực ngồi im lặng bên nhau mà thấy ngao ngán cho tình
cảnh của chúng tôi. Giữ họ để phát quang thay lính thì thật là
tàn nhẫn vì quá nguy hiểm. Thả bọn họ về thì tôi không có đủ thẩm
quyền. ĐM! Tôi lại chửi thề trong lòng. “Bố” Vương nói đúng! Thà
đụng chánh quy! Chứ còn rà mìn hay truy lùng du kích thì chỉ “từ
chết tới bị thương”. Thật là nhức óc!
Nhức óc
cũng phải cắn răng mà chịu, vì tôi được lệnh là phải giữ dân lại
qua đêm. Ngày mai tính tiếp. Lại một phen gom gạo, nhường poncho,
đào thêm hố. Lại một màn hăm he lính mẻ răng, vì ngại họ quấy
nhiễu một cách sàm sỡ những người đàn bà; nhứt là hai cô gái
trông khá mặn mòi, vốn là nam châm thu hút ánh mắt hao háo và
những bông lơn, cợt đùa, chọc ghẹo của lính từ sáng đến giờ.
Câu nói
“Quân và Dân như Cá với Nước” nghe thật khôi hài làm sao! Dân nào
thì không biết, chứ những người đang chuẩn bị qua đêm ngay trong
tuyến đóng quân của chúng tôi thì khác. Nếu được, có lẽ họ sẽ
“xơi tái” chúng tôi là cái chắc. Nhưng vẫn có một điều khó hiểu.
Đó là bắt dân vào bãi mìn để khai quang thì làm sao gọi là “bình
định, an dân” cho được!? Chẳng lẽ cấp trên của chúng tôi không
biết hay sao?! Thật đúng là nhức đầu!
Thứ Bảy
03/05/1974.
8h00. Hai
ngày qua, Quân và Dân sinh hoạt chung với nhau, mà cứ như nước
với lửa. Hai ngày mệt óc vì những lời mắng vốn và thưa gởi của
mấy người đàn bà, con gái, về chuyện lính tráng đã có nhiều hành
động và lời nói không đẹp với họ. Hai ngày trần thân vì vừa trấn
an dân, vừa vuốt ve tinh thần của lính làm tôi mệt nhoài tâm trí.
Việc phát
quang chỉ làm cho có lệ nên không ai bị gì. Tình hình an ninh
cũng lắng dịu, có lẽ là nhờ chúng tôi đang có con tin trong tay.
Yên tĩnh hoàn toàn! Niềm vui chợt đến khi vừa nhâm nhi xong cà
phê sáng. Thanh “máy” báo tin Đại úy Vương cho lệnh thả người và
ngưng công việc phát quang, để chuẩn bị bàn giao vị trí cho một
đơn vị Địa Phương Quân. Thời gian sẽ cho biết sau.
Lính khoan
khoái ra mặt khi nghe tin đổi quân. Một tháng chơi trò hú tim
trong vùng tử địa đã quá đủ, nếu không muốn nói là quá dài. Lệnh
đổi quân đến thật đúng lúc! Chúng tôi cần thay đổi không khí vì
đã quá căng thẳng trong suốt thời gian vừa qua. Nhìn quanh tuyến
đóng quân mà tôi thấy thương đồng đội và thương cả chính mình,
khi mạng sống chỉ biết phó mặc cho may rủi.
Sống, chết
là chuyện thường tình trong đời lính, nhưng chết vì mìn thì thật
lãng xẹt! Mà thôi! Đằng nào thì trò chơi đẫm máu này cũng đã chấm
dứt. Đức Lương sẽ trở thành kỷ niệm. Một kỷ niệm đau lòng, với
hình ảnh của những chiếc giày saut thận trọng thả “từng bước chân
âm thầm” trong tử địa.
HUY VĂN
(Giày Saut Trong Tử
Địa / Cuộc Hành Trình)
Bộ Chỉ Huy HQ Liên Đoàn 12 BĐQ tại xã Đức Lương, Quận Mộ Đức
(Quảng Ngãi) tháng 4/1974.
Từ trái qua phải: Đại úy Hòe (Ban
3), Đại úy Vũ (Ban 2), Đại úy BS Nguyễn Trung Tín,
Đại úy Châu
(Truyền Tin), Đại tá Trần Kim Đại và
Thiếu tá Nguyễn Văn Gio,
Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 37/LĐ12BĐQ)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Huy Văn chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy,
April 17, 2021
thư ký dù
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang