Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
Ghi
Chủ đề:
văn nghệ sĩ xưa
Tác giả:
Duc Luu Bui
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Phạm
Duy – Thái Thanh – Phạm đình Chương là một “tiểu gia
đình” trong “đại gia đình” các nghệ sĩ nổi tiếng.
Cha của
Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng.
Người vợ đầu của
ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình
Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có
con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài
Trung của ban hợp ca Thăng Long.
Người vợ sau của ông Phạm
Đình Phụng có 3 người con: Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái (ca
sĩ Thái Hằng, vợ Phạm Duy). Con trai
thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh (ca
sĩ Thái Thanh).
–Duc Luu Bui
PHẠM
DUY
(1921–2013)
Nhạc sĩ Phạm Duy (1921–2013) là một
trong những cây đại thụ của nền Tân Nhạc Việt Nam. Bên cạnh là
một nhạc công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc tài hoa, ông còn sở
hữu một kho tàng đồ sộ nhạc phẩm bất hủ của âm nhạc Việt với hơn
2000 ca khúc.
Tiêu biểu như khúc “Tình ca”, “Mẹ Việt Nam”, “Đạo ca”, “Con đường
cái quan”... Bằng sự kết hợp khéo léo giữa âm nhạc truyền thống
và theo đuổi những phong cách âm nhạc mới, mỗi tác phẩm của ông
luôn mang nét chấm phá khác biệt, chỉ có ở nhạc của ông.
Ngày 5 Tháng 10 là kỷ niệm lần thứ 103
ngày sinh của Nhạc Sĩ. Phạm Duy. Ông sinh ngày 5 tháng 10 năm
1921.... Ông là “trụ cột” của nền Tân nhạc Việt Nam, đã sáng tác
cả ngàn bản nhạc đủ thể loại...mà người dân Việt, hầu như ai cũng
thuộc và biết vài bản nhạc của Ông sáng tác. Nhạc của Phạm Duy
đáp ứng hầu hết mọi lứa tuổi, nhất là những bản “Tình ca” nghe
thật da diết qua giọng ca “vượt thời gian” của Thái Thanh.
Chỉ có Thái Thanh mới hát nhạc Phạm Duy
tuyệt vời nhất.
Ông phổ thơ thì quá siêu luôn, tôi rất
thích 2 bản nhạc phổ từ thơ của Minh Đức Hoài Trinh:
“Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh được
nhiều người ngưỡng mộ với hai bài thơ ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’ và
‘Đừng Bỏ Em Một Mình’. Đặc biệt, hai bài thơ này nổi tiếng hơn
khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Không thể phủ nhận, nhạc sĩ
Phạm Duy là cây cổ thụ trong nền âm nhạc Việt Nam. Và cũng không
thể phủ nhận qua hai ca khúc phổ thơ này, nhạc của ông đã đưa tên
tuổi của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh đến gần với công chúng hơn.”
Và còn nhiều, nhiều nữa... khi nói đến
Phạm Duy trên nhiều lĩnh vực,đời sống và con người của chính Ông!
Mời anh chị và các bạn thưởng thức
KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU
qua tiếng hát Thái Thanh:
Mời anh chị và các bạn đọc tiếp về
PHẠM DUY.
... Với nhạc phẩm TÌNH CA có thể dễ
dàng nhận thấy Thái Thanh đã nâng ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy
lên một tầm cao hơn. Lời hát khi thì nỉ non, dìu dịu, ngọt ngào,
da diết như lời ru của mẹ, khi vang vọng, cao vút, thanh thoát
như tiếng gọi của hồn thiêng non sông đất nước. Từng lời hát cất
lên mỗi câu mỗi chữ đều ngân lên những rung cảm dạt dào, thấu
suốt hết mọi tâm tư, tình cảm của những người con Việt Nam.
Mời anh chị và các bạn thưởng thức
TÌNH
CA
qua tiếng hát Thái Thanh:
Mời anh chị và các bạn thưởng thức
BÊN
CẦU BIÊN GIỚI qua tiếng hát Thái Thanh:
KHÓC TA XIN NHỎ LỆ VÀO THIÊN THU!
Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của
mình, Phạm Duy đã có rất nhiều ca khúc, mà phần lời, lấy từ thơ
của nhiều nhà thơ nổi tiếng. Một trong những nhà thơ đó là
Phạm
Thiên Thư, với bốn bài thơ tiêu biểu, được phổ thành nhạc:
Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng,
Ngày Xưa Hoàng Thị,
Em Lễ Chùa Này,
Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu.
Thế hệ tôi, không ai là không biết, tệ
lắm thì cũng, không ai là chưa từng nghe qua một lần:
rằng xưa có gã từ quan
lên non tìm động hoa vàng ngủ say.
Phạm Thiên Thư, tức Thích Tuệ Không,
từng cạo đầu, mặc áo nâu sòng, ở trong chùa đến chín năm. Đi tu,
cũng là chuyện bất đắc dĩ, nhưng nhờ vậy mà ông ngộ ra được nhiều
điều: bước chân tìm chán ta bà ngừng đây nó hỏi đâu là vô minh.
Cho nên, thơ ông, đậm vị thiền, lời thơ
nhẹ nhàng, trong sáng, thanh thoát, ít nhuốm màu tục lụy, thế
gian:
gót chân
đất Phật trổ hằng hà sa.
Nếu có yêu, nếu có nhớ, thì đó cũng chỉ
là yêu, là nhớ, thấp thoáng, xa xôi, khói sương, huyền ảo, hư
huyễn, vô thường:
thì thôi tóc ấy phù vân
thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương.
Võ Phiến từng viết thế này: trong vai
tu sĩ đa tình, Phạm Thiên Thư tuyệt vời, đáng yêu hết sức. Võ
Phiến còn nhấn mạnh: thơ tình của Phạm Thiên Thư không có nụ hôn,
lại không có cả da lẫn thịt.
Đó là Võ Phiến nói thôi. Đã tình, thì
làm sao lại chẳng. Không da không thịt sao được, khi:
đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm,
rồi thì:
tình anh nở đóa hoa vàng cửa khe.
Không hôn sao được, khi:
trăng tà ngậm sương,
rồi thì:
bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân.
Cứ phải nói trắng ra, thì mới là thịt
da, hôn hít sao. Phạm Thiên Thư đã tự nhận mình đấy thôi:
mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ.
Phạm Thiên Thư, làm thơ như: mây đầu
sông thẫm, tóc người cuối sông, trào tuôn lênh láng. Đọc thơ ông,
dẫu biết mình đang giữa cõi phù sinh, chẳng gì mãi mãi, chẳng gì
bền lâu, mà vẫn nghe mạch chảy dòng bình yên, thanh thản:
nụ là tay Phật chỉ người qua sông.
Động Hoa Vàng, một trong những bài thơ
xuất sắc nhất của Phạm Thiên Thư, có một trăm khổ, mỗi khổ bốn
câu, kể chuyện gã từ quan, vốn xem nhẹ lợi danh, chán chường chốn
thị phi, tìm về nơi non cao suối sâu, lui vào, ẩn dật, mơ được
cùng tình ngủ say trong động hoa vàng:
gối tay nệm cỏ nằm say
gõ vào đá tụng một vài biển kinh
mai sau
trời đất thái bình
về lưng núi phượng
một mình tụng ca.
Động Hoa Vàng, nơi có miền tuyết thơm,
tơ huyền, hoa rừng, cội thu xanh, đồi dạ lan, đường lặng im, thềm
trăng, lưng núi phượng. Là nơi đầy hoa, đầy trăng, đầy cả tiếng
chim. Và là nơi để nhớ nhau.
Từ bốn trăm câu này, Phạm Duy đã lựa
chọn một số câu để viết thành nhạc phẩm Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng.
Chỉ lấy một ít, thậm chí, có những câu chỉ lấy một từ, vậy mà khi
thành hình, ca khúc vẫn giữ được ý chính của bài thơ. Thế nên,
người đời mới trầm trồ, ngợi khen, Phạm Duy tài tình. Thế nên,
người đời mới tấm tắc, xuýt xoa, Phạm Duy, phù thủy âm nhạc.
ta về rũ áo mây trôi
gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
rằng
xưa có gã từ quan
lên non tìm động hoa
vàng ngủ say.
Phạm Thiên Thư, trời sắp xếp cho thơ ông gặp được Phạm Duy, rồi
trời lại sắp xếp cho Phạm Duy gặp được Thái Thanh (hoặc có thể,
ngược lại, chuyện ấy chẳng quan trọng chi). Không có những mối
lương duyên kiểu tiền định ấy, thì không có tên tuổi lẫy lừng họ,
trong suốt cả hai thế kỷ, hai mươi và hai mươi mốt, như đã.
Vì thế, với tôi, khóc ta xin nhỏ lệ vào
thiên thu, ngoài nghĩa nuối tiếc, đớn đau, còn hàm nghĩa, đó là
giọt nước mắt của hẹn ước, là giọt nước mắt đợi tái sinh, là giọt
nước mắt mừng vui của ngày gặp lại nhau, hạnh phúc!
KHÓC TA XIN NHỎ LỆ VÀO THIÊN THU!
Mời anh chị và các bạn thưởng thức
ĐỘNG
HOA VÀNG qua tiếng hát Thái Thanh:
THÁI THANH
(1934–2020)
Vẽ
lên hình ảnh người nữ ca sĩ dưới ánh đèn sân khấu, Hoàng Trúc Ly
đã có câu thơ thật hay:
Vì em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.
Khoảng năm 1947, gia đình Thái Thanh mở
một quán phở mang tên Thăng Long tại vùng kháng chiến. Quán Thăng
Long không chỉ là địa điểm ăn uống, mà còn là nơi dừng chân sinh
hoạt văn nghệ và nghe nhạc của các văn nghệ sĩ kháng chiến. Anh
chị em Thái Thanh cũng thường hát ngay tại quán để phục vụ khách
và tạo dựng nền móng đầu tiên cho ban hợp ca Thăng Long đình đám,
lừng lẫy một thời ở Sài Gòn sau này.
Sau khi mở quán Thăng Long, gia đình
Thái Thanh bắt đầu có sự quen biết với nhạc sĩ Phạm Duy như một
người bạn văn nghệ. Đây cũng là thời gian Thái Thanh bắt đầu chập
chững bước vào nghề ca hát theo chị là ca sĩ Thái Hằng. Dù không
nhớ rõ bài hát đầu tiên mà bà trình diễn là bài nào nhưng Thái
Thanh bảo, bài hát ấy chắc chắn là một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm
Duy.
Khi nhạc
sĩ Phạm Duy bắt đầu theo đuổi cô chị Thái Hằng, do Thái Hằng lúc
đó còn mang nhiều tâm sự cũ nên khá trầm lặng và e dè. Để có thể
cưới được Thái Hằng, nhạc sĩ Phạm Duy đã phải nhờ rất nhiều
“nguồn lực” để tác động vào người đẹp. Một trong những màn ghi
điểm đẹp mắt của Phạm Duy với gia đình Thăng Long là việc ông
viết lời Việt cho ca khúc tiếng Áo nổi tiếng Le Beau Danube Bleu
(tạm dịch là Dòng sông Danube xanh) của nhạc sĩ Johann Strauss
II, cho cô em Thái Thanh khi đó chỉ mới 14 tuổi trình diễn. Việc
thể hiện thành công ca khúc Dòng Sông Xanh (lời Việt) của nhạc sĩ
Phạm Duy đã giúp Thái Thanh tự tin bước lên sân khấu âm nhạc,
sánh vai cùng các anh chị.
Năm 1948, khi cô chị Thái Hằng bước vào
ngã rẽ hôn nhân với chàng nhạc sĩ đa tình Phạm Duy thì cô em ca
sĩ Thái Thanh cũng bắt đầu có sự gắn kết chặt chẽ hơn với dòng
tân nhạc mang âm hưởng dân ca của chàng nghệ sĩ đa tài Phạm Duy.
Thời kỳ còn ở Bắc, giọng hát của chị em
Thái Thanh – Thái Hằng đã được nhiều người yêu thích, ngoài việc
tham gia các đoàn lưu diễn văn nghệ phục vụ kháng chiến, tiếng
hát của chị em Thái Thanh được phát trên các đài phát thanh ở các
đô thị, trên đài Pháp Á.
Năm 1950, Thái Thanh theo gia đình chị
gái Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Duy về Hà Nội, rồi vào Sài Gòn định
cư vào năm 1951. Anh trai Phạm Đình Chương mãi đến tận năm 1953
mới vào Sài Gòn sau khi đã cưới vợ là nữ ca sĩ Khánh Ngọc. Vậy
nên thời gian này, ngoài việc tự luyện tập với sách vở, trau dồi
kỹ năng ca hát theo hướng dẫn của anh trai Phạm Đình Chương trước
đó, Thái Thanh còn được sự hướng dẫn của anh rể Phạm Duy về nhạc
lý và kỹ thuật thanh nhạc. Thái Thanh thua chị gái Thái Hằng đến
7 tuổi và thua anh rể Phạm Duy tới 13 tuổi, lại được sinh ra
trong một gia đình Hà Nội gốc, nề nếp gia phong kín kẽ, vậy nên
ngay từ lúc còn nhỏ, bà đã là một cô em gái ngoan ngoãn được các
anh chị thương yêu, tận tình dạy bảo. Cũng từ năm 1951, cô gái 17
tuổi tên Băng Thanh bắt đầu sử dụng nghệ danh là Thái Thanh, được
đặt theo nghệ danh của chị gái Thái Hằng.
Tại Sài Gòn, Thái Thanh chủ yếu hát
nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy và một số ca khúc của anh trai Phạm
Đình Chương. Giọng hát của bà có sự tương thích kỳ lạ với các thể
loại âm nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy, từ nhạc quê hương thắm
thiết, nhạc kháng chiến mạnh mẽ, nhạc tình sâu lắng tới các bản
trường ca khí khái hào hùng, lồng lộng. Thập niên 1950 – 1970,
ban nhạc Thăng Long của gia đình Thái Thanh xuất hiện dày đặc
trên các chương trình âm nhạc của đài truyền thanh, truyền hình
và các vũ trường. Thái Thanh trở thành giọng nữ chính được yêu
thích và mến mộ khắp cả nước.
Nhiều người cho rằng, chính vì yêu
thích và tâm đắc với giọng hát của Thái Thanh nên nhạc sĩ Phạm
Duy đã sáng tác nhiều bài phù hợp với cung giọng của bà. Còn với
Phạm Duy, ông không ngần ngại thừa nhận rằng: “Giọng hát Thái
Thanh, một giọng hát diễm tuyệt” và “Thái Thanh chỉ cần cất giọng
là người ta đã mê bất kể bài nào”. Phải thừa nhận một điều rằng,
rất nhiều những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, nếu không phải là
giọng ca Thái Thanh thì không ai có thể trình diễn, lột tả hết
được vẻ đẹp của ca từ và giai điệu. Và ngược lại, có lẽ chỉ ở âm
nhạc Phạm Duy mới có đủ “đất diễn” để Thái Thanh phô diễn được
hết nội lực trong giọng hát của bà.
Nhiều nhận định cho rằng, chính cách
hát của Thái Thanh đã góp phần định hình cho thẩm mỹ âm nhạc Việt
nửa sau thế kỷ 20. Và chắc rằng, khi nhắc đến sự chuyển mình của
âm nhạc Việt giai đoạn này, không thể không nhắc đến cặp gạo cội
tiên phong là Phạm Duy – Thái Thanh.
Mời anh chị và các bạn đọc tiếp về
CA
SĨ THÁI THANH.
PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG
(1929–1991)
Phạm Đình Chương (1929–1991) là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân
nhạc Việt Nam. Ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc.
Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11
năm 1929 tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Quê nội
ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Ông xuất thân trong một dòng
họ mà hầu hết đều làm văn nghệ. Chú ông là nhà văn Trúc Khê, nhạc
sĩ Phạm Ngọc Cẩn. Cô là nghệ sĩ Song Kim, dượng là nhà thơ Thế
Lữ. Anh ông là họa sĩ Phạm Văn Đôn và nhạc sĩ Phạm Văn Chung.
Phạm Đình Chương theo học trường Bưởi
đến trung học thì nghỉ học, gia nhập đoàn ca kịch lưu diễn ở nông
thôn vào năm 1946.
Năm 1951, ông về Hà Nội lập ra ban hợp
ca Thăng Long nổi tiếng.
Năm 1953, ông lập gia đình với ca sĩ
Khánh Ngọc (sinh năm 1937, tên thật là Hàn Thị Lan Anh) rồi
chuyển vào Sài Gòn sống.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông
định cư tại California, Hoa Kỳ.
Ông mất 22 tháng 8 năm 1991 tại
California.
Mời anh chị và các bạn đọc tiếp về
NHẠC SĨ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG
Mời anh chị và các bạn thưởng thức:
NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU
do cố ca sĩ Ngọc Lan hát:
Duc Luu Bui
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by kb chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, October 8,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang