Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tham Luận
Chủ đề:
bài hát ly rượu mừng
Tác giả: Hiếu Chân

NÓI LẠI CHUYỆN “LY RƯỢU MỪNG”:
“BINH SĨ” LÀ “BINH SĨ” NÀO?


 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Ca khúc bất tử “Ly Rượu Mừng” của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929–1991) là một phần không thể thiếu của không khí chào Xuân, chào năm mới của người Việt, giống như món bánh chưng bánh tét.

Có người nói, “Ly Rượu Mừng” là “nhạc hiệu” của mùa Xuân, chưa nghe “Ly Rượu Mừng” vang lên thì biết mùa Xuân chưa về tới dù trong kho tàng tân nhạc đã có hàng trăm bản nhạc Xuân, Xuân ca rất hay, rất giá trị. Nội dung và giá trị của nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” thì không còn gì phải bàn cãi và nhiều tác giả đã phân tích cặn kẽ. Nhà thơ Du Tử Lê gọi “Ly Rượu Mừng” là “một phẩm vật tinh thần dâng cúng tổ tiên mỗi độ xuân về” – một lời đánh giá súc tích mà đầy đủ.

Ấy thế nhưng “Ly Rượu Mừng” có một số phận nghiệt ngã giống như nhiều tác phẩm văn nghệ đích thực khác khi thời cuộc thay đổi, cái ác lên ngôi: Bài hát bị trục xuất, bị lưu vong suốt 41 năm, từ sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, đến đầu năm 2016.

Nói “Ly Rượu Mừng” bị lưu vong vì cho dù bị nhà cầm quyền trong nước cấm đoán nghiệt ngã, cùng với hàng trăm nhạc phẩm khác của miền Nam Việt Nam, bài hát vẫn sống mạnh trong cộng đồng người Việt hải ngoại, trong vô số chương trình âm nhạc có giá trị cao được truyền về nước mà không guồng máy kiểm duyệt nào ngăn chặn nổi.

Lý do nhà cầm quyền Cộng sản cấm nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” chỉ đơn giản là vì tác giả đã trân trọng:

Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình
.”



Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính”...

Một ký giả trong nước cho biết, chính việc nhắc tới người lính, “đời lính,” “binh sĩ” mà bài hát này đã bị cấm. Với não trạng nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch, nhà cầm quyền luôn cảnh giác: “Binh sĩ là binh sĩ nào?” như sau này một quan chức Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn băn khoăn: “Chiến trường anh bước đi” là “chiến trường nào?” khi đề cập tới lệnh của cục này cấm lưu hành nhạc phẩm “Con Đường Xưa Em Đi” của Châu Kỳ–Hồ Đình Phương...
(Báo Tuổi Trẻ 13/3/2017).

Binh sĩ là... bộ đội Bắc Việt?

Ấy thế rồi vào những ngày giáp Tết 2016, truyền thông trong nước hào hứng loan tin nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương được phép hát trở lại sau 41 năm cấm đoán và công ty Phương Nam Film sẽ phát hành một album nhạc Xuân cùng tên nhân dịp Tết Bính Thân 2016. Dường như đã có một sự thay đổi trong nhận thức của giới chóp bu về quản lý văn hóa ở Việt Nam liên quan đến các nhạc phẩm từng làm mưa làm gió trên sân khấu Sài Gòn trước năm 1974 mà “Ly Rượu Mừng” là tác phẩm tiêu biểu. Do đâu mà có sự chuyển biến như vậy?

Trước tiên là do sự vận động của Phương Nam Film. Nên để ý Phương Nam Film là một đơn vị hoạt động văn hóa tiếng tăm hàng đầu ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Chủ công ty, nữ doanh nhân Phan Thị Lệ là người có tài có sắc, giao du rộng rãi không chỉ với giới văn nghệ sĩ mà cả với giới quan chức cao cấp trong guồng máy quản lý văn hóa.

Tháng Ba, 2013, Phương Nam Film đã đạt được thỏa thuận với gia đình Nhạc sĩ Phạm Duy để Phương Nam Film nắm bản quyền khoảng 80 ca khúc của ông tại Việt Nam và cấm sử dụng các bài hát của ông tại hải ngoại – một thỏa thuận có giá trị thương mại rất lớn do danh tiếng lẫy lừng của “cây đại thụ tân nhạc” trong lòng người hâm mộ. Tương tự, Phương Nam Film cũng đạt được thỏa thuận đại diện khai thác độc quyền các tác phẩm của Vũ Thành An. Để đi tới các thỏa thuận như vậy, chắc chắn Phương Nam Film đã “lobby”
[vận động hành lang] rất mạnh cho các quan chức của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn. Và họ đã thành công.

Chưa rõ Phương Nam Film có một thỏa thuận tương tự với gia đình Nhạc sĩ Phạm Đình Chương liên quan tới ca khúc “Ly Rượu Mừng” hay không, nhưng một chi tiết được báo chí trong nước nhấn mạnh là “khi Phương Nam Film muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951–1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016. Đó là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan.”
(Báo Thanh Niên, 1/1/2017)

Chúng tôi cho rằng, câu chuyện tìm thấy “những tư liệu đã quá cũ... cho thấy bài hát viết về người lính chống Pháp” là không đáng tin, không có sức thuyết phục, chỉ được dựng lên để biện hộ cho việc thay đổi biện pháp hành xử với một nhạc phẩm bất hủ khi nhà cầm quyền thấy không thể dùng giấy để gói lửa mãi được.

Hơn thế nữa, bẻ lái hình ảnh người binh sĩ trong bản nhạc sang người lính chống Pháp, nhà cầm quyền tìm ra ở đây một cơ hội để đánh bóng hình ảnh, biến bản nhạc từng làm rung động trái tim hàng chục triệu khán thính giả miền Nam thành một tác phẩm tuyên truyền cổ động cho chính nghĩa của họ.

Một ví dụ, trong MV (music video) “Ly Rượu Mừng” được ca sĩ Đức Tuấn đăng tải trên YouTube, có một hoạt cảnh được dàn dựng cho thấy Đức Tuấn đội mũ cối của bộ đội Bắc Việt khi hát câu “Rót thêm tràn đầy chén quan san chúc người binh sĩ lên đàng chiến đấu công thành sáng cuộc đời lành...”
(Báo Người Việt, Jan 23, 2019). Thế là người binh sĩ “vì nước quên thân mình” mà “Ly Rượu Mừng” chúc tụng ngày nào, sau bốn chục năm lưu vong ra hải ngoại cùng quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), bỗng chốc quay về, biến thành chú bộ đội dép râu mũ cối mà dân miền Nam chạy trối chết để tránh! Thật tráo trở.

Như vậy, trong cách nhìn nhận của nhà cầm quyền Việt Nam, câu hỏi “binh sĩ nào?” đã được trả lời: bộ đội Bắc Việt. Có thật thế không? Hoàn toàn không. Trước tiên cần xem lại hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm.

“Ly Rượu Mừng” ra đời lúc nào?

Đến nay có ít nhất ba thông tin về thời điểm Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác “Ly Rượu Mừng.” Thông tin phổ biến rộng rãi nhất là bài hát ra đời năm 1952, trước thời điểm chia đôi đất nước; thông tin trong những tư liệu đã quá cũ mà gia đình tìm thấy đã nói ở trên “có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951–1953” và một thông tin khác khẳng định nhạc phẩm được viết năm 1955. Cả ba thời điểm này đều được nhiều tác giả trích dẫn, dựa vào để biện luận về nội dung và giá trị của bài hát.

Ông Huỳnh Duy Lộc, một nhà nghiên cứu âm nhạc ở trong nước, cho biết thêm những chi tiết cụ thể: “Năm 1955, chính khách Trần Văn Ân, chủ bút của tờ tuần báo Đời Mới, và nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, khi ấy là thư ký tòa soạn, đã yêu cầu Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác một bản nhạc xuân để thể hiện không khí vui tươi của miền Nam khi ấy và ông đã sáng tác ca khúc ‘Ly Rượu Mừng’ để đăng vào số Tết. Ca từ của bản nhạc là những lời chúc khi mời nhau chén rượu thể hiện niềm vui của người dân miền Nam sau khi hòa bình vừa được vãn hồi và nền Đệ Nhất Cộng Hòa mới được thành lập”
(amnhac.fm 2/1/2017). Một số người khác cho biết bản “Ly Rượu Mừng” được in nguyên trang bìa 4 của tuần báo Đời Mới số Xuân 1955.

Trong ba thông tin về thời điểm sáng tác “Ly Rượu Mừng” kể trên thì Xuân 1955 là đáng tin hơn cả. Cần xem xét lại bối cảnh lịch sử của thời kỳ đó liên kết với nội dung nhạc phẩm sẽ thấy rõ.

Các năm 1951–1952–1953, đất nước đang chiến tranh binh lửa; ở các vùng do Việt Minh kiểm soát, đảng Cộng sản thực hiện đồng loạt các chính sách “cải cách” sắt máu theo mô hình Trung cộng do đội ngũ cố vấn được Mao Trạch Đông cử sang chỉ đạo, như cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ ở nông thôn gây ra vô vàn đau thương và uất hận, liên tục “chỉnh huấn” trong quân đội để loại bỏ các cấp chỉ huy là trí thức thành thị, là “tiểu tư sản” Tây học, thay bằng các chính ủy/chính trị viên là các đảng viên xuất thân từ nông dân, thợ thuyền, dốt nát và cuồng tín. Đặc biệt, trong văn hóa văn nghệ, đảng cho lập Hội Văn Nghệ Việt Nam (1948) theo đường lối “văn nghệ Diên An” của Mao, đặt “công, nông, binh” là trung tâm mà văn nghệ sĩ phải đi theo tìm hiểu, ca tụng – nghệ sĩ nào không theo đúng chỉ đạo mà ôm “tâm lý ủy mị tư sản” như than tiếc nỗi đau thương mất mát trong chiến tranh đều bị phê bình kiểm thảo rất gay gắt, bị “hạ tầng công tác” có khi bị trù dập tàn tệ.

Những Hữu Loan với “Màu Tím Hoa Sim,” Hoàng Cầm với “Bên Kia Sông Đuống,” Quang Dũng với “Đôi Bờ,” “Tây Tiến,” Phạm Duy với “Bên Cầu Biên Giới”... – những tuyệt tác của văn nghệ kháng chiến – đều bị vùi dập.

Giữa không khí ngột ngạt không chỉ vì chiến tranh và còn vì sự truy bức của nhà cầm quyền, có người quá nhạy cảm đã phải tự tìm đến cái chết như nhà văn Ngô Tất Tố, còn phần lớn đều tìm đường “dinh tê” – tức là bỏ Việt Minh về thành phố theo chính phủ Quốc Gia Việt Nam mà cựu hoàng Bảo Đại vừa lập. Đại gia đình Phạm Duy, Phạm Đình Chương [cùng các chị, em của ông là các ca sĩ Thái Hằng, Thái Thanh...] đã “dinh tê” về Hà Nội Tháng 5, 1951; sau đó đi thẳng vào Sài Gòn vào Tháng 6, 1951, theo đuổi khát vọng nghệ thuật tự do và xây dựng sự nghiệp âm nhạc rất thành công trên quê hương mới.

Trong bối cảnh xã hội, đất nước và gia đình như vậy thật khó mà tin rằng, trái tim của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại có thể rung động và cất lên những âm điệu tươi vui, rộn ràng, tràn đầy niềm tin hạnh phúc của nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” mà chúng ta biết. Giả thuyết “Ly Rượu Mừng” ra đời những năm 1951–53 là không hợp tình hợp lý.

Phải đến năm 1955, người Việt quốc gia có được mảnh giang sơn riêng, dù đất nước bị cắt chia, bóng ma chiến tranh vẫn rình rập vẫn không ngăn được con người bắt tay xây dựng xã hội mới, cuộc sống mới thì họa may hoàn cảnh mới tạo được cảm hứng đủ mạnh, đủ sâu sắc để người nhạc sĩ tài hoa viết nên giai điệu mượt mà, uyển chuyển, ca từ hào sảng nói lên ước mơ chung của người dân Việt Nam thời ấy về hòa bình, về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc:

Bạn hỡi,
vang lên,
lời ước thiêng liêng.
Chúc non sông hòa bình, hòa bình.
Ngày máu xương thôi tuôn rơi.
Ngày ấy quê hương yên vui,
đợi anh về trong chén tình đầy vơi...


Không nhất thiết phải ghép người “binh sĩ” của Phạm Đình Chương vào một đội quân cụ thể. Ở một đất nước hàng ngàn năm căng sức chống chọi để sinh tồn trước kẻ thù xâm lược phương Bắc, đất nước mà nỗi mong chồng, chờ chồng của người chinh phụ đã hóa thành bất tử trong những chuyện nàng Tô Thị, chuyện đá Vọng Phu thì hình ảnh người chinh phu, người lính, người chiến sĩ, người binh sĩ là hình ảnh quen thuộc của một thành phần ưu tú trong dân chúng.

Ông Phạm Đình Chương không viết nhạc theo đơn đặt hàng của đảng, không để tuyên truyền nên ông chẳng cần minh định người binh sĩ trong “Ly Rượu Mừng” là quân đội nào, không gắn phù hiệu cho họ là lính VNCH hay lính Bắc Việt, người nghe nhạc tự hiểu, tự cảm mà tôn kính những người “vì nước quên thân mình.” Chỉ những kẻ dở hơi mới thô bạo thò tay vào nghệ thuật để tra vấn “binh sĩ là binh sĩ nào” rồi ra lệnh cấm đoán, trục xuất.

Một yếu tố quan trọng khác là tất cả các tài liệu đều khẳng định bản nhạc “Ly Rượu Mừng” được ban hợp ca Thăng Long trình bày lần đầu tiên ở Sài Gòn chứ không phải ở... chiến khu Việt Bắc.

Theo ký giả Thanh Phương của đài Pháp RFI thì “Bài hát được ghi âm lúc đó bắt đầu với lời chúc Tết của ban hợp ca Thăng Long, tiếp đến là những âm thanh được mô tả gồm ‘tiếng pháo nổ tại phòng trà Đêm Màu Hồng; tiếng trống của đội lân Nhân Nghĩa Đường Chợ Lớn; tiếng Đại Hồng Chung của Viện Hóa Đạo; tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà...’ trước khi ban hợp ca bắt đầu cất giọng hát. Ấy vậy mà đem dép râu nón cối đội lên hình ảnh người binh sĩ trong ‘Ly Rượu Mừng’ thì quả thật không còn gì trâng tráo hơn.”

“Ly Rượu Mừng” sắp sang tuổi thất thập mà sức lay động của nó trong lòng người nghe vẫn không giảm. Mỗi độ Xuân về, “nhạc hiệu” “Ly Rượu Mừng” vang lên rộn ràng khắp phố phường từ trong ra ngoài nước. Trong những lời chúc, những ước mơ mà Phạm Đình Chương nói thay cho đồng bào qua tác phẩm bất hủ này, vẫn còn đó những ước mơ chưa thành hiện thực:

Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hòa
.”

Trong bản in rời đầu tiên của “Ly Rượu Mừng” năm 1966, hai chữ Tự Do được tác giả trân trọng viết hoa như nhấn mạnh cái khát vọng cao cả mà cả dân tộc hướng tới; tiếc thay cho đến bây giờ vẫn còn xa vời với đồng bào trong nước, và do vậy vẫn chưa thấy được “hạnh phúc chan hòa...” dù 70 năm đã trôi qua!

Hiếu Chân



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by mđ trịnh tường vân chuyển

 

Đăng ngày Thứ Hai, September 23, 2024
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang