Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn Tết con rắn
Chủ đề:
tết
Tác giả:
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Mỗi khi Xuân
về, người ta thường dành những câu nói hay ho để tặng nhau. Chẳng
hạn có người dùng tên các con thú mà chúc:
“Xuân về, chúc mọi người vui vẻ như
chim Sẻ,
mạnh khỏe như Đại Bàng,
giàu sang như chim Phụng,
làm lụng như
chim Sâu,
sống lâu như Đà Điểu!”
Hoặc
“Chúc mọi người khoẻ như Hổ,
sống lâu như Rùa,
mắt tinh như Đại Bàng,
nhanh nhẹn như Thỏ,
phúc lộc nhiều như
Châu Chấu tràn về.”
Ấy thế nhưng nay là năm Rắn, mà chưa
thấy ai chúc về Rắn như thế nào. Trong Truyện Kiều của thi hào
Nguyễn Du, người ta đếm trong thi phẩm có 49 loài vật tất cả, thí
dụ Uyên, Phượng, Rồng, Hùm, Sói... nhưng không hề nói tới con
Rắn. Thôi thì năm Rồng sắp hết, năm Rắn đang tới, tôi xin được
chia sẻ đôi điều tìm được về con vật này, hy vọng sẽ thay cho lời
chúc để gởi đến các bạn trong dịp Xuân Ất Tỵ 2025 này.
Nói vậy nhưng nghĩ cũng khó để lạm bàn
về loài rắn, vì thời đại ngày nay khi Elon Musk đã tính tới
chuyện lên sao Hỏa để sống, chuẩn bị chế máy bay chạy bằng điện,
đủ thứ các ứng dụng của trí thông minh nhân tạo, thật giả khó
phân biệt, thì nói về rắn như thế nào cho theo kịp thời đại
đây!??
Thôi
thì xin bắt đầu bằng thống kê khoa học. Có khoảng 3500 loài rắn
trên thế giới, trong đó có 300 loài mang nọc độc. Châu Á là nơi
có nhiều loài rắn độc nhất. Rắn to nhất là Đại Mãng Xà, có thân
to, dài đến 10 mét. Loài nhỏ nhất là rắn giun Typhlops Braminus,
dài chưa quá 10cm. Trăn nước Nam Mỹ nặng khoảng 250 ký.
Nói tới Rắn, người ta thường chia ra
hai loại: rắn hiền và rắn độc. Rắn hiền như rắn Nước, rắn Học
trò... (học trò thời nào, chứ một số học trò trường Xã Hội Chủ
Nghĩa thì chưa chắc là hiền đâu!). Rắn độc có rắn Hổ Mang, rắn
Cạp Nia, rắn Lục... Tôi thích lối phân loại này, vì con người
cũng có thể chia làm hai loại: Ác hoặc Lành (mong mỗi người trong
chúng ta đều thuộc nhóm Lành).
Rắn thuộc loài bò sát, giống như thằn
lằn, tắc kè nhưng rắn không có chân. Vảy chính là “chân” của rắn.
Khi rắn muốn trườn tới thì những chiếc vảy hơi dựng lên, cà sát
lên mặt đất đẩy rắn bò tới. Vảy cứng nên không thể phát triển
theo thân rắn được. Do đó, cứ vài tháng rắn lột da một lần. Rắn
có thể nuốt con mồi to hơn đầu nó gấp 10 lần, như nguyên con nai
nặng 60 ký. Thế nhưng tính ra rắn ăn rất ít, chúng chỉ cần ăn
chừng 5, 7 lần rồi nhịn cả năm vẫn sống. Nếu vậy để chúc các cô
muốn giữ eo, mình chúc “Ăn như rắn” được lắm chứ!
Có rắn không ăn uống, ngủ liền một mạch
4 năm mà vẫn sống, “nội công” hơn hẳn loài gấu chỉ ngủ mùa đông.
Hầu hết loài rắn đều đẻ trứng, chỉ trừ một vài loại đẻ con như
rắn Lục, Đẻn Kim, Đẻn Sọc Dưa... Thức ăn của rắn là sâu bọ, cá,
giun, trứng chim, chuột, thú vật... Đặc biệt rắn Cạp Nong ngoài
ếch nhái, nó còn ăn... rắn. Có lẽ vì giống rắn này lười đi tìm
mồi nên phải ăn thịt đồng loại (cũng giống như Cộng sản, giết
hại, làm giàu trên chính... đồng bào của mình). Rắn Đuôi Chuông
sau khi sinh nở, đã ăn trứng hư và rắn con. Nhiều người chê giống
rắn cái này ác, vì hùm dữ còn không ăn thịt con! Của đáng tội,
rắn mẹ chỉ ăn chừng 11% rắn con và trứng hư vì biết đằng nào nó
cũng sẽ hư, sẽ chết. (Giống cái có suy nghĩ, tính toán hơn thiệt
lắm chứ lỵ!) Con người gần đây mới đông lạnh tinh trùng để thụ
thai, nhưng có giống rắn từ xưa đã biết giữ tinh trùng để dành
xài khoảng 5, 6 năm, chẳng cần giống đực tại hiện trường, ê sắc ế
vẫn tự đẻ được! Nhiều loại rắn rất độc, người bị cắn chỉ đi được
vài bước rồi chết, nên được đặt tên là rắn “Hai Bước” hoặc “Năm
Bước”. Ngày nay người ta đã tìm thấy vài con rắn dị biệt có chân
hoặc có hai đầu.
Rắn ngủ mà mắt vẫn thao láo vì không có
mí mắt, có mũi nhưng không ngửi được bằng mũi mà phải nhờ bộ phận
khác, không có tay chân nên phải nuốt trọng đồ ăn, chẳng nhâm nhi
xé phay được, cũng không có vành tai, thế mà vẫn sống ngon lành,
có khi tới 40 năm. Tuy vậy rắn vẫn thua loài gián, vì có con gián
đầu lìa khỏi cổ mà vẫn sống thêm mấy ngày. Nhưng lạ hơn cả là Cán
bộ Cộng sản, không óc, không tim mà vẫn sống, vẫn có thể dùng bạo
quyền cai trị dân lành!
Khi thấy ông Ấn Độ thổi sáo rồi đôi rắn
độc uốn éo chui ra khỏi miệng giỏ, bạn đừng nghĩ rắn biết nghe
nhạc rồi nhảy Lambada nhé. Rắn chỉ phản ứng theo sự chuyển động,
nếu anh Chà Và không lúc lắc cây sáo, rắn sẽ đứng yên đưa mắt
nhìn. Thật ra, mấy “Thầy Rắn” này đã cho rắn ăn thật no để trở
nên chậm chạp, hoặc đã nhổ mất nanh độc rồi.
Tính ra, trong các loài động vật thì
rắn có liên hệ với con người sớm nhất. Kinh Thánh đã ghi chuyện
bà Eva bị rắn cám dỗ ăn Trái Cấm rồi tỉ tê để ông Adam ăn theo.
Với những người theo đạo Thiên Chúa, rắn là loài bị chúc dữ,
tượng trưng cho sự cám dỗ, giận dữ, và ghen tị.
Khoảng năm 1250 trước Công Nguyên,
Thiên Chúa đã chọn ông Môi Sen để giải phóng dân Israel khỏi nô
lệ Ai Cập. Chúa cho ông Môi Sen cây gậy có thể hóa thành con rắn
để dân chúng tin theo. Thủ lãnh Môi Sen đã đem dân Israel ra khỏi
Ai Cập, băng qua Biển Ðỏ để vào Ðất Hứa, nơi chảy tràn trề sữa và
mật ong. Thế nhưng dân không biết ơn lại phiền trách Chúa, Ngài
nổi giận cho những con rắn lửa có cánh cắn chết nhiều người. Môi
Sen lại phải khẩn cầu cho dân, và Chúa đã phán:
“Ngươi hãy làm một con rắn lửa và đặt
nó trên cán cờ. Ai bị rắn cắn mà nhìn thấy nó thì sẽ được sống”.
Cây trụ với con rắn bằng đồng này còn
tồn tại mãi đến đời vua Hezekiah của Do Thái.
Trong thần thoại Ấn Độ, quỉ Kaliya đã
biến thành rắn Hổ Mang giết hại nhiều người, cuối cùng thần
Krishna mới giết được Kaliya và nhảy múa trên đầu con quỷ ấy.
Rồi tới thần thoại Hy Lạp, có ba chị em
Gorgones bị biến thành quái vật. Chúng có cánh, thân mình giống
như phụ nữ với bộ tóc là những con rắn còn sống đang ngo ngoe. Ai
nhìn vào mắt chúng thì bị biến thành đá.
Trong đạo Phật, có chuyện kể về con rắn
rất hung dữ đã tự ý quấn nhiều vòng, làm thành cái bệ cao cho Đức
Phật an tọa mà tham thiền, tránh cho Phật khỏi bị tê thấp và tỏ
sự quy phục Ngài.
Dân Campuchea tin rằng vương quốc Khmer
là do vua Rắn sáng lập. Rất nhiều đền đài tại xứ này được tạc
hình rắn trên tường.
Đọc cổ tích Việt Nam, có chuyện chàng
thợ săn tên Dã Tràng nhìn thấy một cặp rắn. Khi rắn cái lột da
thì rắn đực đi tìm đồ ăn mang về nuôi, nhưng khi rắn đực lột da
thì rắn cái bèn bò đi tìm chàng khác mà hẹn hò. Dã Tràng bất bình
nên bắn chết rắn cái. Rắn đực trả ơn bằng cách cho Dã Tràng một
viên ngọc rắn, mỗi lần anh ngậm viên ngọc này thì có thể nghe và
hiểu được tiếng nói của loài vật.
Rồi tới chuyện Thạch Sanh & Lý Thông,
với con rắn khổng lồ bắt phải nộp người cho nó ăn thịt, nếu không
nó sẽ gây tai họa cho cả làng. May nhờ Thạch Sanh ra tay trừ diệt
con rắn tàn ác, làng mới được an vui.
Thánh Patrick là người Ái Nhĩ Lan – nổi
tiếng với việc giải thích mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi qua thí dụ một
cành có ba cái lá – Theo truyền thuyết, Thánh Patrick đã có công
đuổi loài rắn ra khỏi đất nước này.
Trong văn học Việt, Lê Quý Đôn là một
thần đồng nổi tiếng. Ngay từ lúc tóc còn để chỏm, Lê Quý Đôn đã
tỏ ra tài tình xuất chúng, nhưng phải cái lười biếng và nghịch
ngợm quá sức. Thân phụ của ông phải đánh đòn để răn dạy. Bị đòn
đau, Đôn khóc xin tha, thân phụ ông nói:
– Tha cũng được, nhưng phải làm một bài
thơ liên quan đến rắn.
Lê Quý Đôn ứng khẩu đọc ngay:
“Chẳng phải LIU ĐIU cũng giống nhà
RẮN đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn
HỔ LỬA đau lòng mẹ
Nay thét MAI GẦM rát
cổ cha
RÁO MÉP chỉ quanh lời dối trá
LẰN LƯNG chẳng quản vệt dăm ba
Từ nay
CHÂU LỖ xin chăm học
Kẻo HỔ MANG danh
tiếng thế gia.”
Cha của Lê Quý Đôn phải vui vẻ mà tha
cho.
Anh của
Đoàn thị Điểm là Đoàn Doãn Luân một hôm muốn thử tài em gái, bèn
lấy một câu trong Sử Ký của Tư Mã Thiên nói về Lưu Bang (Hán Cao
Tổ) làm đề tài để cho bà đối đáp. Câu ấy như sau:
“Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi
trảm chi.”
Nghĩa là: Con rắn trắng đón đường, ông Quý (Lưu Bang) liền rút
gươm ra chém, con rắn đứt làm hai khúc.
Bà Đoàn Thị Điểm rất nhanh trí, cũng
dùng một câu trong Sử Ký đời vua Nghiêu Thuấn, nói về vua Hạ Vũ,
sau này nối ngôi vua Thuấn, để đối lại như sau:
“Hoàng Long phụ châu, Vũ ngưỡng thiên
nhi thán viết.”
Nghĩa là: Con Rồng vàng đội chiếc
thuyền, ông Vũ nhìn trời mà than! (Hay thật, các bà thường hay
nhanh nhẹn, thông minh thế đấy!)
Rắn là con vật tượng trưng cho tháng 5
theo lịch phương Tây, nếu nằm mơ thấy rắn có thể đánh đề số 32
hoặc 72.
Biểu
tượng của ngành Y là hình con rắn quấn quanh một chiếc gậy (The
Rod of
Asclepius). Nó bắt nguồn từ bức tượng người và rắn ở Hy
Lạp, nhằm tôn vinh thủy tổ của nghề Thuốc là Esculape. Esculape
nhờ học được ở một kỳ nhân – không những trị bệnh cứu người mà
còn làm cho người chết sống lại. Thời đó, con rắn cũng đã góp
phần trong việc chống lại bệnh dịch, nên khi dựng tượng để tưởng
nhớ công đức của thần Y Esculape, thì con rắn được vẽ quấn quanh
cây gậy nguyệt quế của ông.
Trong chúng ta có lẽ ai cũng biết
chuyện Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc vì giết lầm gia đình rắn
trong vườn, rồi bị rắn trả thù. Mãi 22 năm sau, vua Lê Thánh Tôn
mới xét lại vụ án, thấy nhiều điểm oan ức cho vị khai quốc công
thần, nên truy phục chức của Nguyễn Trãi, cho con cháu ông làm
quan. Riêng Thị Lộ, nhiều người cho rằng nàng là hóa thân của rắn
Hổ Mang, có thù oán sâu nặng với vua Lê Thái Tôn nên tìm cách trả
thù. Chỉ khổ cho Nguyễn Trãi, đã vì nàng mà bị vạ lây.
Người ta thường nghĩ rắn là loài ác,
xấu, nhưng thật ra rắn có công và ích lợi rất nhiều. Có một thời
kỳ tại Ấn Độ, người ta đổ xô đi giết rắn, chẳng bao lâu thì rắn
hầu như tuyệt nòi. Mùa lúa năm đó chuột bọ sinh sôi nảy nở rất
nhanh, phá nát mùa màng.
Dân Ấn lại phải lo nuôi cho có rắn trở
lại. Theo thống kê mỗi năm, số người chết do ong chích còn nhiều
hơn số người chết do rắn cắn.
Thịt rắn là món ăn đặc sản dân gian
thích khẩu:
“Cần chi cá lóc, cá trê
Thịt chuột, thịt
rắn nhậu mê hơn nhiều.”
Rắn được chế biến thành rất nhiều món
ăn khác nhau như: Súp da rắn, Rắn xào xả ớt, Rắn bằm xúc bánh
tráng, Da rắn chiên dòn, Chả rắn bọc lá lốt, Nem thịt rắn, Lòng
rắn xào miến, Xôi mỡ rắn, Cháo trứng rắn, Rắn tiềm thuốc Bắc, Rắn
xé phay, Rắn xào lăn, Cháo rắn đậu xanh...
Indonesia là một quốc gia có nhiều loài
rắn, nên nổi tiếng với loại bánh mì kẹp thịt rắn (hamburger thịt
rắn) rất ngon và lạ.
Da rắn có thể làm thành bóp, dây nịt,
giày... cho các bà quí phái. Đặc biệt cả Đông và Tây Y đều coi
rắn là thần dược để chữa bệnh phong thấp. Thịt rắn làm thông kinh
mạch bị bế tắc và trừ phong hàn, nó cũng có khả năng chữa trị
chứng tê ngoài da, ngứa, làm hạ áp huyết. Rượu rắn được xem là
một loại thuốc bổ dưỡng rất quý, nọc rắn dùng để chế tạo các loại
huyết thanh kháng độc khi bị rắn độc cắn.
Lúc còn bé, chắc chúng ta ai cũng biết
chơi trò Rồng Rắn rất vui, hoặc thuộc các câu đồng dao:
Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm
cho lợn liếm lông...
Có câu đố:
“Con gì không chân đi năm rừng bảy rú,
con gì không vú nuôi chín mười con?”
Câu trả lời sẽ là:
“Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú,
con gà không vú nuôi chín mười con.”
Hoặc có các câu ca dao:
“Đôi ta như rắn liu điu, nước chảy mặc
nước ta dìu lấy nhau.”
“Con quạ đen, con cò trắng.
Con ếch ngắn, con rắn dài.
Em trông anh
trông mãi trông hoài.
Trông cho thấy mặt
thân này mới yên”.
Sấm Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm
1491–1585) cũng có nhắc tới năm Tỵ:
“Rắn qua sửa soạn hết đời Sa–tăng
Ngựa hồng quỷ mới nhăn răng.”
Truyện Trạng Quỳnh vẽ rắn cũng rất thú
vị. Muốn làm nhục người Việt ta, quan Tàu bày ra cuộc thi vẽ thú
vật, xong ba tiếng trống là phải vẽ xong. Trạng Quỳnh ung dung
dùng 10 đầu ngón tay nhúng mực họa ra cả 10 con rắn, quan Tàu tức
lắm nhưng thua lý đành phải chịu.
Trong dân gian cũng có [chuyện] Vui
Cười về con rắn vuông. Chuyện rằng anh chàng luôn phóng đại sai
sự thật, một hôm về khoe với vợ mình thấy được con rắn dài trăm
thước, ngang 40 thước. Dĩ nhiên vợ không tin, thấy không “hù”
được vợ nên anh nói bớt xuống:
– Chắc dài 80 thước thôi!
Vợ cũng không tin, anh bớt xuống nữa:
– Chắc tôi sợ quá nên tính lộn, rắn
chừng 60 thước.
Vợ cũng không nói gì, anh tự động rút
lại:
– Chắc
chắn là rắn dài 40 thước, ngang 40 thước.
Vợ phì cười:
– Như vậy con rắn anh thấy hình vuông
nhỉ?!!
Chuyện
Thanh Xà, Bạch Xà kể về hai con rắn màu trắng và xanh tu luyện
thành mỹ nữ cũng rất nổi tiếng, được làm thành phim bộ với nhiều
chi tiết hấp dẫn.
Trong truyện chưởng Anh Hùng Xạ Điêu
của Kim Dung, có Tây Độc Âu Dương Phong là kẻ độc ác, nhiều thủ
đoạn. Âu Dương Phong thường dùng một cây gậy có hai rắn độc ở đầu
làm vũ khí. Ông bắt vài ngàn con rắn về luyện thành một đoàn binh
rắn có cấp bậc đàng hoàng, lấy tiếng tiêu làm hiệu lịnh tiến tới
hay rút lui. Khi quyết đấu với Hồng Thất Công, Âu Dương Phong bị
thua được tha chết nhưng lại lén thả rắn độc ra cắn Hồng Thất
Công bị thương nặng. Tây Độc này quá “độc”. Trương Vô Kỵ trong Cô
Gái Ðồ Long đã học được nghề y nên cứu sống được người bị Linh
Chi Xà mổ.
Về
lịch sử, năm Quý Tỵ 207 trước công nguyên sau khi kháng chiến
chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán xưng là An Dương Vương, đóng
đô ở Cổ Loa, phát triển nước Văn Lang của các vua Hùng. Năm Kỷ Tỵ
111 trước công nguyên, dưới sự lãnh đạo của Tây Vu Vương (hậu duệ
của Thục Phán), người Việt nổi lên khởi nghĩa làm lung lay ách đô
hộ của Triệu Đà.
Trong sử cũng có ghi chuyện Thiên Hộ
Dương ở Đồng Tháp Mười, dụ quân Pháp vào hang rắn độc lớn, khiến
không ít giặc Pháp bị thiệt mạng. Người dân cho rằng Thiên Hộ
Dương có đạo binh “Rắn Thần” trợ chiến.
Trên thế giới năm Tân Tỵ 1941 có sự
kiện Trân Châu Cảng, việc sụp đổ của bức tường Berlin xảy ra vào
năm Kỷ Tỵ 1989 hoặc vụ New York bị bọn khủng bố tấn công vào ngày
11 tháng 9 năm Tân Tỵ 2001.
Ai có lòng dạ nham hiểm thì người ta
gọi họ là lòng dạ rắn rết. Những người lừa phỉnh người khác, nói
cho hay nhưng lại làm ác thì bị gọi là “khẩu Phật, tâm xà”. Nếu
miệng lưỡi độc ác, chuyên môn bỏ vạ cho người khác thì gọi là
“Ngậm máu phun người”. Con nít hư đốn, ngỗ nghịch thì gọi chúng
là “Rắn đầu, rắn mặt”.
Ngoài ra cũng có rất nhiều thành ngữ
liên quan tới rắn:
– Cõng rắn cắn gà nhà: Nhằm chê trách
kẻ phản bội, đồng nghĩa với câu “Rước voi giày mả tổ”. Như vua Lê
Chiêu Thống cầu viện quân Tàu xâm lược nước nhà.
– Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra: Ám
chỉ kẻ độc ác như rắn rết không thể sống cùng với người ngay
được. Vì vậy trong cuộc sống ta phải tránh loại người hung ác,
hiểm độc như rắn rết.
– Vẽ rồng vẽ rắn, Vẽ rắn thêm chân:
Nhằm chế diễu kẻ chẳng làm nên việc gì mà còn bày vẽ tốn công sức
tiền của, có khi còn có hại.
– Rắn mất đầu: Ý nói khi người lãnh đạo
đã mất, thì các cấp bên dưới không làm gì được nữa.
– Khẩu xà tâm Phật: Nhằm chỉ kẻ ngoài
miệng tuy nóng nảy chửi bới, nhưng thẳng ngay, nhân đức.
– Rắn đến nhà chẳng đánh thì quái, Gái
đến nhà chẳng chơi cũng thiệt: Ý nói rắn rết là loại nguy hiểm,
rắn đến nhà mà không giết thì thế nào cũng bị nó cắn chết. Còn
nếu thân mình là gái mà không biết giữ, ăn mặc khiêu khích, đem
thân đi “cho không biếu không” thì thiệt thòi rán chịu!
– Rắn đổ nọc cho lươn: tức đổ lỗi, gán
ghép trách nhiệm cho người khác. Mình làm sai thì nhận, thì sửa
mới khá được, chạy tội cũng có ai tin đâu, sự thật vẫn là sự
thật.
Tục ngữ
Campuchia nói: “Rắn độc dù nó cắn cũng có thể chữa bằng thuốc.
Con người độc ác hơn rắn, không có gì chữa được”, bạn có đồng ý
không?
Bà
Miện, mẹ của thi sĩ Nguyễn Bính bị rắn độc cắn chết năm 1918 lúc
mới 24 tuổi, để lại cho ông Bình, cha của Nguyễn Bính, ba đứa con
thơ.
Để chuẩn
bị cho năm mới, nhiều người có tiền, nhất là các “Đại Gia” tại
Việt Nam đổ xô đi mua rắn về nuôi vì có lời đồn nuôi rắn sẽ “cầu
được ước thấy”. Rắn được tôn làm “Thần May Mắn”.
Trong sách những Chuyện Lạ thế giới, có
người lập kỷ lục để rắn độc chui vào lỗ mũi và chạy ra khỏi miệng
một cách dễ dàng. Có người coi rắn là bạn, ăn chung ngủ chung,
khiếp quá!
Rắn
cũng tạo nhiều rắc rối trong cuộc sống. Một đoàn xe điện đi từ
Kyoto đến Shiga đã phải ngừng chạy vì có con rắn to màu đỏ, và
đen cuộn tròn trên ghế hành khách. Việc ngừng một đoàn tàu cao
tốc là sự kiện hiếm thấy tại Nhật Bản.
Cũng có lần rắn độc nằm ngay lối vào
tòa nhà Orissa, khiến phiên họp của Quốc hội Ấn Độ bị chậm mất
vài tiếng đồng hồ.
Trong chuyến bay Qantas 191 từ Úc tới
Papua New Guinea ngày 11 tháng 1, 2013, hành khách thâu được phim
con trăn dài 3 mét nằm chễm chệ trên cánh máy bay. Có lẽ con trăn
này nóng lòng muốn về quê ăn Tết, nên thay vì đi xe ôm, trăn đi
“máy bay ôm” cho lẹ và khỏi tốn tiền vé. Không tay không chân
trơn tuồn tuột, chẳng hiểu sao con trăn này có thể bám vào cánh
phi cơ ở độ cao 35,000 feet mà không rớt, chịu được độ lạnh trừ
14˚C với tốc độ 500km một giờ. Thì ra với quyết tâm, cái gì cũng
có thể làm được!
Tổ chức PETA trong chiến dịch bảo vệ
động vật thường lên tiếng chỉ trích các ca sĩ, diễn viên nổi
tiếng dùng các sản phẩm thời trang làm từ da rắn.
Xuân sang, mọi người nhất là người Việt
ly hương chắc không khỏi ngậm ngùi. Tội nghiệp lớp trẻ sanh ra ở
hải ngoại, đâu có hiểu Tết như thế nào. Nhớ hồi con tôi còn bé,
Tết năm đó tôi làm siêng nấu bánh chưng tặng bạn bè, làm xong mệt
quá không nấu cơm nổi bắt cả nhà ăn bánh chưng trừ cơm. Năm sau
tôi nói với hai cháu: Sắp Tết rồi đó con. Cháu Việt lo lắng hỏi
lại: Tết thì phải ăn cái bánh “sticky” không được ăn cơm phải
không mẹ!
Bây
giờ lớn rồi, Tết với các cháu có nghĩa là sẽ tham gia Hội Chợ Tết
để gây quỹ, làm văn nghệ giúp vui. Dù sống trên đất Tự Do, no ấm
nhưng hương vị Tết xưa với ông bà, truyền thống dân tộc đã mất đi
rất nhiều. Nỗi buồn lưu vong và niềm thương nhớ người thân luôn
canh cánh trong lòng. Ý nghĩa thiêng liêng của cái Tết và niềm
vui xưa hầu như không còn. Có dành dụm được chút tiền ra mua đồ
ăn, đồ xài thì sợ mua phải đồ giả, đồ độc. Ôi xã hội ngày nay!
Năm mới, tôi nhủ lòng phải cố gắng hơn,
nếu “nằm khoanh trong bụi” bỏ ngoài tai những chuyện tốt cần làm,
không thèm hay biết sự gì ngoài chuyện gia đình, cá nhân mình, để
rồi trở thành “vô cảm” không giúp đỡ được ai, thì chính tôi sẽ
trở thành loài rắn xấu, không tích sự gì.
Năm mới tôi sẽ cầu xin Chúa giúp sức,
rán thực tập làm người thẳng thắn cương trực “Thẳng như rắn bò”,
không nhiều chuyện tò mò “Thao láo như mắt rắn ráo”, hoặc “Len
lét như rắn mùng năm”. Tôi sẽ cố gắng giữ lời ăn tiếng nói không
là “Miệng hùm nọc rắn” tránh “ấp rắn trong lòng”, dùng đầu óc suy
xét cẩn thận các việc, khi cần thiết phải mạnh dạn “đánh rắn phải
đánh bằng đầu”. Tôi vốn ngại khó, sợ đụng chạm không dám lên
tiếng dù biết đó là việc sai trái, bất công.
Chúc bạn năm mới tâm Phật, khẩu Phật
luôn để chính mình và người chung quanh có được niềm vui, cuộc
sống thêm phần ý nghĩa.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
nguồn:
đặc san lâm viên
mời bạn ghé thăm
trang
Duy Hân, Thơ Văn và Nhạc
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by đslv chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, January 28, 2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang