Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự
Truyện
Chủ đề:
tết làng quê
Tác giả:
Trần Bạch Thu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Kể từ Rằm tháng
Chạp trở đi ở quê tôi mọi việc xem như đã chuẩn bị sẵn sàng cho
năm mới, tết đến. Mọi người đã lo chợ búa, mua sắm nhiều hay ít
tùy theo hoàn cảnh gia đình nhưng tựu trung là thực phẩm thì gần
như giống nhau, chỉ khác số lượng có đầy đủ hay đơn sơ mà thôi.
23 tháng Chạp là lễ cúng đưa ông Táo, theo lệ thường diễn ra vào
buổi tối đầu hôm, ngoài nhang đèn, hoa quả luôn có một phong bánh
in, một gói “thèo lèo” là kẹo mè đen cắt thành từng cục hình chữ
nhật dài cỡ hai lóng tay, trộn chung với “kít chuột” là hạt đậu
phộng bọc đường trắng tinh, một xấp giấy vàng bạc và đặc biệt là
một bộ giấy màu xanh dương lợt vẽ hình “ngựa chạy, cò bay”. Chỉ
có vậy thôi, chứ không có bày biện mâm cỗ chay, mặn gì cả.
Sở dĩ phải có thèo lèo, kít chuột là để
nhắc nhở về “kít” của hai con vật thường hay quấy phá trong nhà
bếp là mèo và chuột luôn ăn vụng hay đục khoét thực phẩm ở trong
bếp, nhờ ông Táo trình lên Ngọc Hoàng xem xét cho hai con vật
này bớt quấy phá và đồng thời cũng nhắc nhở gia chủ luôn cẩn
thận trong việc bảo vệ đồ ăn, thức uống “chó treo mèo đậy” hay
tránh đừng để “chuột sa hũ nếp” là được.
Cúng vái xong, trẻ con thích nhất là
thèo lèo kít chuột, còn người lớn thì ngắt ra từng miếng bánh in
nhưn đậu xanh, ngớp một ngụm trà. Thật là ngọt ngào, đầm ấm trong
một buổi tối đầu tiên nôn nao chờ đón tết.
Trong khoảng thời gian từ 20 âm lịch
cho đến 30 tháng Chạp, tùy theo lệ của gia đình mà có ngày lễ
“tảo mộ.” Từ sáng tinh mơ tất cả mọi người đại diện trong dòng họ
tề tựu ở nghĩa trang gia tộc hay nơi có phần mộ của người thân,
mang theo cuốc xẻng để dẫy cỏ hay sơn phết lại mồ mả ông bà, cha
mẹ, nếu tất cả đều ở chung trong một nghĩa trang thì mọi người sẽ
chia nhau dẫy cỏ, quét dọn chung, và đốt nhang cắm cho hết tất cả
mả mồ trong nghĩa trang. Làm sao cho mọi việc hoàn tất, trễ nhất
cũng phải trước 12 giờ trưa.
Sau đó tất cả tụ về nhà từ đường hay
nhà của người con trưởng có hưởng ruộng đất hương hỏa, trông coi
nghĩa trang gia tộc. Trong nhà bày cỗ có cúng vái và cùng nhau ăn
uống tới xế chiều mới giải tán, gia chủ thường đãi món cháo gà là
chính còn từng gia đình đóng góp riêng, có khi về tảo mộ đi ngang
chợ Cũ (Mỹ Tho) mua vài ký thịt quay bánh hỏi hoặc khá giả hơn có
thể đặt nguyên một con heo quay chở về đãi bà con nhân dịp lễ tảo
mộ.
Trong khi
ăn uống, nhậu nhẹt mọi người cùng bàn về chuyện mồ mả của những
ai trong nghĩa trang bị hư hại hay xuống cấp để báo cho thân nhân
trực hệ (ông bà, cha mẹ) chuẩn bị sửa chữa trong tháng Ba năm tới
vào dịp lễ Thanh Minh, ở xa có thể gởi tiền về cho người trông
coi nghĩa trang đại diện sửa chữa.
Những ngày cuối năm tùy theo năm nhuần
hay không mà tháng Chạp kết thúc vào ngày 29 hoặc 30 là đến tết.
Cả nhà bận rộn chưng sửa bàn thờ, lau chùi bộ lư đồng cho sáng
bóng, thường thì dùng thuốc tẩy đồng hay khế chua hoặc nước tro
bếp. Quan trọng hơn hết là được phép đem bát cắm nhang ra đổ tro
và rửa, lau chùi sạch sẽ, chỉ có những ngày sau lễ cúng đưa ông
Táo mới được phép làm như vậy, còn ngày thường khi bát nhang đầy
tro, không được bưng bát nhang đi mà chỉ được bới tro đem đi đổ
mà thôi. Kỵ động tới hay di chuyển bát nhang để tránh trong nhà
có biến.
Thức
ăn trong 3 ngày tết
Cũng kể từ sau lễ cúng đưa ông Táo, mọi
người bắt đầu xắt củ cải trắng và cà rốt theo hình bông hoa đem
phơi ít nhất là hai nắng cho khô teo lại rồi bỏ vô keo thủy tinh
đựng nước mắm có pha chút đường để đến tết là thành ra món “dưa
món” ăn với bánh tét, bên cạnh đó cùng lúc mọi người cũng ngâm củ
kiệu với nước tro bếp trong một hai ngày rồi đem xả nước sạch và
phơi cho khô ráo, sau đó ngâm vô lọ nước dấm có pha chút đường
chờ đến tết là vừa, thành món “củ kiệu chua ngọt”, có thể bỏ thêm
vào lọ một vài trái ớt sừng trâu đỏ tươi, trông cho đẹp mắt.
Đặc biệt, trong những ngày giáp tết nhà
nào cũng có nồi bánh tét, bánh lớn hay nhỏ, ít hay nhiều tùy theo
mỗi gia đình, bánh có nhưn đậu xanh trộn lẫn thịt “ba rọi” và một
số ít bánh tét, chỉ có nếp trộn với đậu đen không có nhưn, có thể
ăn chay mặn đều được, nhưng tất cả đều phải tròn đầy chứ không
thể nhỏ xếp cạnh như bánh “ít”, còn ngày giờ nấu thì khác nhau,
có gia đình thích nấu trễ, vớt bánh ra là đúng giao thừa, nhưng
đa số là nấu và vớt ra sớm hơn để có bánh cúng rước ông bà chiều
30 tết.
Thông
thường có ba, bốn món ăn chính để cúng kiếng và ăn uống trong 3
ngày tết. Đó là món thịt heo kho “tàu” từng cục thịt to, hai phần
nạc, một phần mỡ được cột vòng hai sợi dây “lạt” thật nhỏ để khi
nấu lâu “mỡ thao” béo ngậy mà không rớt ra, vẫn dính vào cục thịt
nạc cho tới khi múc ra tô hay dĩa. Món thứ hai là khổ qua hầm,
bên trong là nhưn thịt heo xay trộn nấm mèo xắt nhỏ và bún tàu,
cũng có khi nhưn là cá “thác lác” quết nhuyễn. Món thứ ba là
măng kho với thịt ba rọi, và món thứ tư là gà nấu ra–gu, gồm
khoai tây, cà rốt, và nước sốt cà chua.
Các món phụ luôn có trong bàn ăn gồm có
“dưa giá” là giá (đậu xanh) ngâm trong “dịm” nước muối lạt có pha
chút xíu dấm, trộn một ít lá hẹ cắt làm ba, trên mặt đậy một tấm
lá chuối. Dưa giá chấm thịt kho chỉ ăn trong vài ngày nên không
cần làm sớm và bánh mì ăn với Ra–gu.
Cùng với các món ăn chính cũng được dọn
lên bàn thờ cúng là bánh tét xắt lát đựng trên dĩa cùng với dưa
món, và dĩa củ kiệu có nước dấm chua ngọt, khi ăn bỏ thêm tôm khô
vào là món khai vị rất “bắt” rượu, ngoài ra còn có lạp xưởng tươi
nướng trên dĩa bằng cách đốt rượu trắng cũng là một món đưa cay
tuyệt vời trong 3 ngày tết.
Cuối năm, một số gia đình có đìa nuôi
cá thì tát cạn đìa, bắt hết tôm cá nấu một món canh chua cá và
một nồi cá kho cúng cùng với bốn món ăn chính trong chiều cuối
năm rước ông bà và Táo quân.
Trà, kẹo, bánh mứt
Trong 3 ngày tết nhà nào cũng có bày
trên bàn tròn giữa nhà một cái tráp đựng mứt đủ loại, ngoài bánh
mứt mua ở chợ từ mứt gừng, mứt bí, mứt dừa, mứt khoai lang, hạt
dưa... kẹo đậu phộng, kẹo mè đen... nói chung là mứt trái cây mà
nhà nào cũng có để đãi nhau trong 3 ngày tết, đặc biệt ở quê tôi,
nhà nhà ai cũng “ngào” chuối khô với gừng xắt thành sợi, rắc mè
hay đậu phộng rang lên trên sau khi đường “tới” đã ngả màu đỏ
thẫm. Mùi thơm của chuối hòa lẫn với vị cay dịu nồng của gừng, ăn
chơi đã thích, thêm một ngụm trà “con dơi” ướp bông lài thì ngon
phải biết. Thường thì chuối ngào được đựng trên một dĩa nhỏ có
chưn, trên đặt vài cái nĩa nhỏ để vít chuối.
Mỹ Tho có đặc sản chuối “xiêm” trái to,
vỏ mỏng lại có mùi thơm, đặc biệt khi bổ đôi để ép phơi khô thì
tươm mật vàng ngọt dịu chứ không gắt đường, ngày tết, thêm vào
đó, người ta lựa những trái chuối không to lắm, vừa chín tới
(hườm hườm) để nguyên trái đem phơi khô vài nắng cho trái chuối
săn lại ngả màu đỏ thẫm là được. Ăn dẻo như mứt mà không ngọt
lắm.
Ngoài ra,
trong 3 ngày tết còn có trái “chà là” ươm mật ngọt lịm, mà trẻ
con vô cùng thích thú. Các tiệm tạp hóa ở chợ thường hay để
nguyên trái chà là đựng trong bao bố, khi bán xới ra cân theo
lượng khách mua. Đi chợ mà thấy một dãy tiệm tạp hóa trưng bày
các bao bố này ra là biết tết sắp đến nơi rồi.
Nếu đã nói tới mứt thì cũng phải nói
tới bánh, nào là bánh in đậu xanh, bánh kẹp, và bánh Tây (bánh
hộp) chưng đầy trong tráp. Để ăn chơi còn có bánh phồng mì, nướng
lửa rơm, phồng to hết cỡ gắp. Ngoài các thứ bánh mua ở chợ còn có
bánh tráng mè, nướng lên bẻ từng miếng nhỏ ghép cặp lại với chuối
ngào, ăn vừa ngọt vừa giòn lại vừa thơm ngon như mùi mứt gừng.
Chưng hoa
Về bông hoa ngày tết, trên bàn thờ
ngoài độc bình cắm hoa tươi còn có mâm ngũ quả (Cầu, Dừa, Đủ,
Xoài) đặt trên giá gỗ ba chưn. Nhà ai có trồng mai thì ngày Rằm
lặt lá là vừa, cho bông trổ đúng vào 3 ngày tết, thường thì mọi
người chỉ chưng cành mai cắm trong bình để trong nhà chứ không có
chưng mai chậu, ngoài cành mai nhà nào cũng có vài chậu nhỏ đan
bằng “sống lá” dừa nước như vạn thọ, cúc, tắc, và ớt kiểng, trái
tròn nhỏ đặt trước hàng hiên. Nói chung, cũng chỉ có các loại hoa
thông thường như hàng năm, ngay cả chợ Hoa “Vườn hoa Lạc Hồng” ở
Mỹ Tho bày bán tết cũng chỉ có các loại hoa đơn giản như trên
thôi, chứ không có cầu kỳ tinh xảo, vì chỉ để chưng cho vui trong
3 ngày tết chứ không phải để trồng hoa về lâu về dài.
Thường thì chợ Hoa hàng năm được bày ra
cùng lúc với chợ đêm kể từ ngày 27 tháng Chạp, chợ được mở ra
suốt ngày đêm quanh khu vực mua bán chính và các nông dân trồng
hoa bán tết từ các nơi ven thị xã Mỹ Tho như Mỹ Phong, Tân Mỹ
Chánh, Long Bình Điền... thuê xe chở bông hoa về nơi qui định từ
ngã ba bên dốc Cầu Quay chạy dọc theo viả hè đường Trưng Trắc
rồi tỏa ra ở vườn hoa Lạc Hồng, ngay cua quẹo Đại lộ Gia Long.
Ngoài kẻ mua người bán tấp nập còn có đông đảo khách nhàn tản chỉ
đi quanh, lên xuống xem hoa cùng hòa mình vào đám đông cho vui
như đi trẩy hội mùa xuân.
Đặc biệt ở Mỹ Tho có một dãy hàng quán
thiết kế như những ki–ốt nằm dọc theo bờ sông trên đường Trưng
Trắc, bán đầy đủ các thức ăn và đồ giải khát, đêm về đèn điện
sáng choang, đủ màu sắc, nhất là trong những buổi chợ đêm ngày
cận tết. Mọi người hớn hở đi chợ Hoa rồi ghé ngay vào các quán ăn
uống thật là vui tươi trong không khí lành lạnh của những ngày
cuối năm. Chợ Hoa chấm dứt vào đầu hôm 30 tết, trước giao thừa.
Ba ngày tết
Cúng giao thừa là tục lệ mà mọi người
đều lưu giữ, buổi chiều sau khi cúng rước ông bà xong, cả nhà
quây quần bên mâm cơm đoàn tụ gia đình, con cháu tụ họp về đây,
có khi từ các tỉnh thành xa cố gắng về cho kịp giao thừa.
Đúng 12 giờ, giữa đêm trừ tịch, gia chủ
kính cẩn đốt nhang khấn nguyện trước bàn thờ ông bà, tổ tiên, và
lạy 4 lạy (tứ ân), sau đó con cái trong nhà ai còn thức thì tụ
họp lạy theo rồi châm lửa đốt “phong pháo” treo ở trước thềm nhà.
Phong pháo “chuẩn” dài khoảng 5 tấc, gia đình nào muốn thì mua
thêm vài phong nối theo, thường chừng 3, 4 phong là đã lơ lửng
gần tới mặt đất.
Không gian tịch mịch, bỗng đâu nghe
tiếng pháo nổ giòn tan, tinh thần tự nhiên phấn chấn, ngụm một
hớp trà, trưởng tộc ngồi kể chuyện năm rồi và hy vọng công việc
làm ăn trong năm tới sẽ khấm khá hơn, cầu cho gia đạo yên vui
chẳng phải là hay lắm sao! Mọi người đều cảm nhận niềm vui chung,
cùng chào đón một mùa xuân mới đang lan tỏa ngập đất trời.
Sáng mùng 1 tết, mọi người vây quanh
ông bà, cha mẹ chúc tết rồi nhận tiền lì xì, trẻ con mặc quần áo
mới, người lớn ăn mặc bảnh bao, tất cả đi viếng cảnh chùa và hái
lộc đầu năm. Không kể hướng đông, tây, nam, bắc, ngày mùng 1 tết
“xuất hành” hướng lên chùa là tốt nhất. Không bước vào nhà người
lạ ngày mùng 1 tết vì sợ viá nặng có thể đem đến những điều
không may trong năm mới cho gia chủ. Trừ phi được gia chủ dặn dò
trước, nhờ “xông đất” giùm vì tin tưởng người nhẹ viá đầu tiên
bước vào nhà sẽ khiến cho gia chủ làm ăn phát đạt như năm qua.
Mùng 2 tết có thể xông đất bất cứ nhà
người quen nào mà mình muốn đến, không còn cấm kỵ, và việc thăm
viếng qua lại cũng rất vui vẻ, ít khi ăn uống chỉ nhấm chút trà
kẹo, bánh mứt mà thôi, còn thân quen cố cựu lắm thì có thể lai
rai vài chung rượu mừng năm mới, đưa cay củ kiệu tôm khô hay lạp
xưởng nướng bằng rượu tại bàn, không có nhậu nhẹt say xỉn có thể
gây nhiều phiền phức cho gia chủ trong ngày đầu năm.
Mùng 3 tết cúng gà, ngoài phần thực
phẩm cũng như hai ngày trước, hôm nay trên bàn cúng giữa nhà còn
có thêm một con gà luộc bắt tréo cánh đặt trên dĩa, đặc biệt cúng
mùng 3 mới có giấy vàng bạc và một bộ giấy màu đỏ sậm gồm một
mảnh giấy bằng ½ trang giấy tập viết, trên in hình vẽ ông Cọp
màu đen và một xấp giấy nhỏ cắt thành hình thoi. Cúng vái xong,
cắt hai chân gà cột lại sẽ nhờ thầy xem ra sao, trước khi treo
lên chỗ nào trong nhà tùy thầy chỉ dẫn.
Sau khi đốt xong xấp giấy vàng bạc, còn
lại xấp giấy màu đỏ thì đem dán các miếng giấy hình thoi lên một
số nơi trong nhà như lu nước mưa sau nhà, cột bếp, gạc–măng–giê,
hũ muối, bồ lúa... còn tấm giấy đỏ có vẽ hình ông Cọp thì lấy
đầu nhang còn cháy soi thủng hai con mắt rồi đem dán trên ngạch
cửa trước nhà. Không ai biết ý nghĩa của việc làm này, nhưng
thầy bảo theo sự tích xưa thì ông Cọp và giấy đỏ dán quanh nhà sẽ
gìn giữ gia đạo được bình an và tránh được trộm cắp.
Mùng 4 tết cúng “tất”, có nghĩa là các
món ăn nào hâm đi hâm lại còn dư bao nhiêu đem dồn lại nấu chung
với nhau thành ra một món “xà bần” có vị ngon đặc biệt để ăn vài
ngày sau tết, chứ không có cúng mặn ngày mùng 4, chỉ cúng bánh
tét chay (đậu đen) với đường cát trắng hoặc chè “trôi nước” hay
chè đậu trắng mà thôi.
Tết ở quê tôi không có tục dựng nêu nên
không có hạ nêu, chỉ cúng tất là mọi việc cúng kiến, kiêng cữ
trong 3 ngày tết xem như chấm dứt, mọi người có thể vui chơi,
nhậu nhẹt, cờ bạc tự do thoải mái, thường thì sân đình là nơi tụ
tập để mọi người đỏ đen chỉ cốt lấy hên đầu năm, chứ không có bài
bạc ăn thua lớn. Ngoài ra, chiều nào trong 3 ngày tết, dân làng
cũng cùng nhau thuê bao xe đò lên chợ Mỹ Tho coi hát cải lương
cho đến tận khuya mới về.
Ngày tết mọi người đi lại chúc tết lẫn
nhau trong gia đình, họ hàng bà con cũng như ngoài xã hội, không
có lệ “đi tết” riêng biệt như “tết thầy” hay “tết quan”... Tất cả
đều đi tết giống nhau, chỉ trà bánh, rượu là chính, còn thân
thiết và kính trọng nhau có thể thêm một cành mai hay một chậu
bông là đủ, không có phẩm vật hay quà cáp quí giá.
Cuối cùng sẽ là một thiếu sót lớn nếu
không kể đến thức uống trong 3 ngày tết là rượu đế hay rượu trắng
để rót cúng trên bàn thờ hoặc để cụng ly nhau trong bàn nhậu.
Rượu phải đặt trước để các lò rượu gạo ở địa phương cung ứng đủ
cho bà con. Rượu tết phải là rượu “gốc” hay ít nhất cũng là rượu
hạng nhất có độ cồn cao hơn so với rượu bán trên thị trường. Cách
dễ nhận biết rượu gốc là khi cầm “nhạo” đựng rượu giơ cao lên vừa
tầm một gang tay, rượu rót xuống ly sẽ sủi tăm, nổi bọt quanh mặt
ly, càng nhiều bọt, rượu càng nồng... Dân sành điệu, tết đến
thường có trong nhà rượu đế Gò Đen (Long An) vừa nồng lại vừa có
mùi thơm vì rượu được chưng cất từ gạo địa phương danh tiếng
“nàng thơm chợ Đào” và men ủ đặc biệt gia truyền.
Tết là một tục lệ lâu đời của người
Việt, tuy có khác nhau đôi chút từng vùng miền nhưng tựu trung
vẫn mang một ý nghĩa hợp quần của cộng đồng dân cư sinh sống theo
nền văn minh nông nghiệp. Đời sống xã hội ngày càng phát triển,
tiện nghi vật chất ngày càng tương đối đầy đủ hơn, các điều mê
tín cũng dần dần biến mất theo đà văn minh khoa học tiên tiến,
cho nên không cần phải quay về với các tục lệ hay lễ hội rườm rà
dễ trở thành những điều mê tín dị đoan quá mức khiến cho con
người mất đi niềm tin vào giá trị đích thực của cuộc sống hài
hòa, ấm no hạnh phúc.
Gần 50 năm đã trôi qua, tôi chưa bao
giờ trở lại quê xưa để ăn tết, có biết bao nhiêu đổi thay từ con
đường làng đến con đường lên chợ Mỹ Tho nay đã trở thành Tỉnh lộ
hay Quốc lộ, không còn cảnh quang hai bên đường, đồng lúa chín
vàng óng ả, mượt mà chạy tít đến tận chân trời, nhìn xa xa những
cụm khói đốt đồng lãng đãng tỏa ra quyện theo làn gió tết. Tất cả
chỉ còn trong ký ức của một thuở thanh bình ngày tháng cũ. Nhớ
lắm thay.
Trần Bạch Thu
nguồn:
blog người phương nam
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by kb chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, January 28, 2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang