Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề:
tết 54
Tác giả: Chu Tất Tiến

NHỚ LẠI CÁI TẾT DI CƯ 54

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Tôi sinh ra ở Hà Nội. Khi tôi lên 5, 6 tuổi, vì lý do gì đó, mẹ tôi kéo cả nhà về Bùi Chu, mua căn nhà ở ngay đầu đường Phạm Ngọc Chi, sát nhà thờ Bùi Chu. Ở đó, mẹ tôi đi buôn chuyến để nuôi đàn con 6 đứa. Việc buôn bán của mẹ tôi lúc thành công, lúc thất bại, nên sau 2 năm ở đây, mẹ tôi lại chuyển toàn gia về Hải Phòng, thuê một căn nhà ở gần nhà thờ. Tôi đi học ở trường Ngô Quyền. Khi đó, tôi mới hơn 10 tuổi, không biết gì về thời thế chung quanh, vẫn vui chơi với những đứa bạn mặc quần đùi, áo ngắn tay, mê mút kem đến nỗi ngủ mơ cũng thấy mình ngậm que kem, chảy cả nước miếng ra miệng. Những tưởng rằng đời sống cứ thế mà trôi, nhưng một ngày kia, vừa đi học về, chân sáo nhảy tung tăng, bỗng thấy mẹ tôi đứng ở cổng nhà, chờ tôi. Mẹ tôi nhìn tôi với cặp mắt lạnh lùng, nói ngắn gọn:

– Con đi đằng này với mẹ.

Tôi nắm tay mẹ đi mà không biết là đi đâu. Mẹ tôi dẫn tôi đi ra các phố để thấy các đường phố có cảnh tượng lạ lùng, chưa hề thấy. Người ta ồn ào, xô đụng với những người mua, kẻ bán trên mặt hè đường. Người ta bán tống bán tháo đủ thứ. Đồng hồ đứng, đồng hồ bàn, ghế, bàn, lồng chim, quần áo, chai lọ, tranh ảnh, sách vở. Người thì the thé với lời trả giá, người ôn tồn mời chào. “Bà mua đi, cái này là của gia bảo nhà tôi đó, những mấy đời” “Ông mua giúp tôi nhé, cái này quý lắm”, vân vân. Trước cặp mắt mở to của tôi, người thì mặc áo dài nâu, người áo cánh, đứng ngồi lổn nhổn. Có người khệ nệ ôm ôm, xách xách, kéo lê đồ mới mua được về nhà. Kẻ bán xong được thì phủi đít đứng dậy, vừa thở dài vừa mừng. Nhưng có một điều ai cũng giống ai là khuôn mặt mọi người đều mang một vẻ ưu tư, trầm uất, không thấy có một nụ cười nào tươi nở, ngay cả những cô thiếu nữ trong chiếc áo dài trịnh trọng, thường ngày vui tươi, hớn hở, mà nay cũng đăm chiêu như các cụ già. Mấy thằng bé trạc tuổi tôi, vẫn chạy nhảy nhốn nháo mà nay cũng ngơ ngác, xỏ tay túi quần, đứng nhìn mọi sinh hoạt chộn rộn kia như nhìn người của thế giới khác.

Hai mẹ con đi mãi đến mỏi chân mới trở về nhà. Tôi thấy mẹ tôi hết thở dài, lại thở ngắn. Rồi mẹ tôi ra lệnh: “Các con gói ghém quần áo lại, bỏ vào bị, cái nào còn tốt thì mang theo, cái nào cũ rồi thì vất lại.” Cả nhà tôi cuống quít lục tung hết giường, tủ, cái này vất lại, cái này mang đi. Mấy anh chị tôi không ai nói với ai một lời vì biết rằng đây là việc rất quan trọng, chưa hề xảy ra, chỉ răm rắp làm theo lời mẹ bảo.

Một buổi sáng lạnh, me tôi đánh thức chúng tôi dậy và hấp tấp leo lên một chiếc xe nhà binh đậu trước cửa. Gia tài chúng tôi mang theo chỉ là hai cái hòm gỗ. Cùng với một số gia đình gần bên, chúng tôi được chở tới “căng con cóc”, là một nơi tập trung tạm dưới những cái lều nhà binh khổng lồ mầu xanh, dầy, chứa được vài chục gia đình. (Gọi là “căng con cóc” vì có 4 cái tượng con cóc ngồi chồm hổm, chĩa miệng vào trong, phun nước vào một cái hồ cạn.) Mỗi gia đình, tùy theo số người mà nhận những chiếc ghế bố xếp của nhà binh và chăn, màn. Mỗi ngày chúng tôi được phát đồ ăn hai lần. Chiều chiều, máy phóng thanh đặt tại bốn góc “căng” phổ biến tin tức và phát bài “Sáng trăng sáng cả vườn chè... anh chưa thi đỗ, thì chưa động phòng” do ca sĩ Xuân Sơn hát. Tôi nhớ ở đây, nhiều bà mẹ vẫn còn mặc áo tứ thân, cột chéo hai cái tà trước thành cái nút to đùng. Có một bà gài khoảng 5, 6 cái khăn mặt vào cạp quần. Mỗi lần xì mũi, bà lại rút ra một cái, đưa lên mũi hỉ hỉ một lúc rồi lại dắt cái khăn ấy vào cạp quần trở lại. Sáng hôm sau, bà mang ra vòi nước, giặt tất cả rồi nhét thành hàng ngang trên cạp quần. Gần chỗ tôi nằm, có ông hay hút thuốc lào xòng xọc. Mỗi lần hút xong, là ông lăn đùng ra, nằm thẳng cẳng.

Ở đấy được vài ngày, chúng tôi lại phải di chuyển về “căng xi măng”, một nơi tập trung lớn gấp nhiều lần “căng con cóc”. Ở đây được ăn nhiều hơn, nhưng lại gặp trở ngại là vì ở gần nhà máy sản xuất xi măng nên bụi xi măng lúc nào cũng nghẹt cả không gian. Mũi chúng tôi lúc nào cũng trắng xóa. Lúc đó lũ trẻ chúng tôi chẳng biết hiểm họa của bụi xi măng khi vào phổi thì làm sao, mà chỉ ham vui, thích đứng ngắm một cái cầu “rút”, gần nhà máy, khi có tầu lớn đi ngang, thì chiếc cầu từ từ nứt ra ở giữa, rồi từ từ mở lên cao, cho tầu đi qua xong thì lại từ từ gập xuống.

Rồi buổi sáng ấy cũng đến. Tôi nhớ mài mại là một ngày cuối năm. Trời lạnh cóng. Máy phóng thanh kêu gọi mọi người thức dậy, mang hết hành lý lên xe, ra bến tầu. Chúng tôi lần lượt leo lên xe, tương đối gọn gàng, nhưng cũng có nhiều người lại mang theo những bó chiếu dài, có lẽ sợ miền Nam không có chiếu! Bà cụ mà hay giắt đầy khăn mặt vào giải lưng quần, cũng có mặt. Lần này, bà khệ nệ bưng một cái rổ to đầy, chất nặng những thứ lỉnh kỉnh gì đó, mà đến khi lên tầu, bị buộc phải vất lại, bà khóc nức nở: “Giê Ma lạy Chúa tôi! Giê Ma lạy Chúa tôi!”

Tới bến tầu, mọi người phải sắp hàng đi theo những cái cọc chăng giây, và lần lượt mọi người phải vạch bụng ra cho một người cầm bình xịt thuốc DDT vào bụng trắng xóa, để diệt chấy rận. Đi hết hàng xịt thuốc, thì lên tầu “há mồm” là chiếc tầu đổ bộ nên không có phòng ốc gì, chỉ là một khoảng sàn trống cho người di cư nằm ngồi tùm lum. Không có phòng vệ sinh, chỉ có mấy cái khung sắt hàn dính vào hai bên sườn tầu ở trên cao, ngồi trong cái khung sắt ấy mà thả “bom” xuống biển! Đi khoảng nửa ngày ra tới tầu lớn như một cái thành phố có nhiều tầng. Từ tầu “há mồm”, mọi người phải leo lên cầu tầu là một cái cầu treo rất cao bắc tuốt tới boong tầu. Đến đầu cầu thang, từng người một được phát một cái khăn mặt, một hộp kẹo xô–cô–la, một cái bàn chải đánh răng, một hộp kem đánh răng, loại hộp tròn, mở ra, dùng bàn chải chà chà vào lớp bột cứng bên trong. Mẹ tôi lôi từng đứa vào phòng, chiếm mấy cái giường tầng liền nhau. Tôi hào hứng leo lên tầng cao nhất, mà không biết rằng, khi tầu chạy, tôi say sóng, nôn thốc tháo xuống đầy mặt người nằm dưới! Vì tính tò mò, sau khi cả nhà an vị, tôi chạy lung tung, lên khoang này, xuống khoang kia, có lẽ đến 7, 8 tầng, rồi lại chạy lên boong, ngó người ngồi nằm la liệt. Điều buồn cười nhất là việc đi vệ sinh. Phòng vệ sinh ở trên tầu là một dãy bàn cầu trống huyếch hoác, không có cửa. Mọi người đều quen ngồi kiểu nước lụt, nên khi đi vệ sinh, cứ leo lên ngồi chồm hổm bên trên, phơi hết đồ lòng ra. Mấy anh lính thủy Mỹ cười bò lăn rồi kéo từng người ngồi bệt xuống bàn cầu. Nhiều cụ già không chịu, vì vừa xấu hổ, vừa dốt nát, nên cự cãi um xùm, mà lính Mỹ dễ tính, không cãi lại.

Đến bữa ăn, thì xếp hàng đi lãnh cơm, táo, bánh mì... Mấy cụ bà gốc quê thấy trái táo thì chẳng biết là cái gì, cứ trố mắt ra mà xăm xoi. Còn những ông tham ăn, vơ vét cho đầy khay, nhét vào đầy bụng để lúc say sóng thì trả lại sàn tầu, nhơ nhớp kinh khủng. Tầu chạy chừng 3, 4 ngày thì tới bến Sài Gòn. Khi tầu ngừng và nghe tiếng người la ó um xùm, tôi chạy lên boong để thấy một khung cảnh thật lạ. Lạ nhất là cảnh bán đồ ăn, trái cây từ dưới sông lên tầu. Những chiếc thuyền con kẹp sát thành tầu, giơ cao những cây gậy thật dài lên tới boong, trên đầu gậy là cái rổ nhỏ, trong đó đựng trái cây, bánh, kẹo. Ai ở trên boong muốn mua, thì cứ việc bốc đồ ra rồi bỏ tiền vào trong đó, không mặc cả gì hết. Người ở dưới từ từ rút cái rổ xuống, nhặt tiền ra rồi lại bỏ đồ vào trong rồi đẩy cây lên...

Tầu ngừng một thời gian rồi thả thang xuống cho mọi người lên bờ. Gia đình chúng tôi xuống sau hết để tìm người quen đến đón: ông anh rể của tôi, đã đi theo Sở vào Nam trước cả tháng rồi. Khi chúng tôi xuống đến bến, thì thấy trên bờ có giăng một cái biểu ngữ màu vàng dài cả chục thước, đề chữ: “Hân hoan đón chào người di cư thứ 1 triệu!”. Dưới cái biểu ngữ là một dãy hai, ba cái bàn, trên đó, chất đống đầy tiền mới. Cứ mỗi đầu người đi qua, thì được đưa cho 800 đồng! Mấy nhân viên làm việc cho Tổng Cuộc Di Cư hồi đó, cứ bốc tiền ra mà đưa, chẳng hỏi tên tuổi gì! (Vì không đếm tiền, không đếm người, không hồ sơ tổng kết, một số viên chức làm cho Tổng Cuộc Di Cư sau đó thành triệu phú!) Sau khi lãnh tiền, thì có loa gọi, hỏi ai muốn về các trại định cư thì xếp hàng, lên xe nhà binh, chở về chỗ định cư, có thể là Hố Nai, Gia Kiệm, Xóm Mới, Bùi Môn, hay đi xa hơn nữa, tới tận Rạch Giá, Hà Tiên. Vì đa số dân di cư là Công Giáo nên có các linh mục đứng đón, đưa về từng vùng thích hợp với địa phương cũ của mình ở Bắc. Còn chúng tôi, có ông anh rể đến đón, nên đi riêng về khu tạm cư Bình Đông gần Khu Cầu Sắt, Khánh Hội, nơi dành riêng cho công chức miền Bắc di cư. Khu tạm cư này vốn là những nhà kho khổng lồ, được ngăn ra từng phòng bằng vách tre đan, cho mỗi gia đình một ngăn, cho nên nếu có một người “xì hơi” là cả dãy nhà đều ngửi chung! Những tiếng xì xầm đều nghe được, thì tiếng nói to, tiếng cãi nhau cứ như là từ loa phóng thanh, làm điếc tai lũ con nít chúng tôi. Để trốn tiếng ồn, lũ con nít chúng tôi phải chạy cà nhỏng ở bên ngoài suốt ngày cho đến khi về ăn cơm, hoặc ngủ. Tôi nhớ có mấy đứa nhóc mất dậy cứ chạy theo các cô bé cột tóc sau lưng mà hát: “Búi tó củ hành, làm anh thiên hạ!” rồi chúng xô lại, nắm cái củ hành đó mà giật!

Chúng tôi chỉ ở tạm đó có một tháng, rồi mẹ tôi kéo chúng tôi về thuê một phòng sau ở khu Vườn Lài, khu Nam Kỳ Quốc. Ở đây, mẹ tôi bắt đầu làm người buôn gánh, bán bưng. Bà bắt chị em tôi dậy từ 2,3 giờ sáng, ngồi dưới đất, phụ với bà gói bánh nếp, một loại như bánh ú, nhân đậu xanh, không có đường, nhưng to ngang bằng cái bánh giò. Mấy mẹ con ngồi quanh cái bếp củi, rực lửa, cắm cúi cắt lá, đổ bột, trộn nhân, gói lại bằng dây lạt, rồi thả trong cái nồi to kềnh... Đến sáng, bà lụi hụi bưng cái mẹt đựng bánh ra ngồi trước cửa nhà, mời “ông đi qua, bà đi lại” mua bánh...

Ở khu Vườn Lài này, tôi có nhiều kỷ niệm. Trước hết, là cô bé hàng xóm có cặp mắt to hơn hột nhãn rất quý hai chị tôi. Đến một dịp nào đó, cô bé làm thiệp gửi tặng cho cả ba chị em tôi, nhưng gửi lộn cái thiệp đáng lẽ cho chị tôi lại đưa cho tôi. Mở ra, thấy dòng thơ nhỏ, tôi lặng người luôn: “Gửi ai một đĩa muối gừng. Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau!” Thằng bé 11 tuổi chới với, đem khoe với chị tôi, chị giật lấy và đưa cho tôi tờ khác: “Chúc em trai mạnh khỏe!” Thế là cụt hứng! Thời đó, còn kỳ thị Nam Bắc cực kỳ luôn. Một hôm, thằng con trai bà chủ nhà, lớn hơn tôi vài tuổi, tướng mất dậy, du côn, hớt hải chạy về xóm, tung tin vịt: “Bà con ơi. Mới rồi, cảnh sát bắt được một cái xích lô, chở đầy đầu lâu con nít! Cảnh sát nói là của dân Bắc kỳ di cư đó!” Má nó phải bợp tai nó, nó mới chịu im. Thằng này là vua kỳ thị. Có lần nó đè tôi xuống đất, bẹo tai tôi gần đứt, bắt tôi phải trả lời là có phải “Bắc kỳ di cư ăn cá gỗ không?” Tôi nhất định không trả lời. Nó hành tôi một lúc đến đau điếng rồi mới chịu buông.

Cũng tại một lớp học Vườn Lài, tôi và hai chị cùng học lớp Nhất. Thầy giáo là một ông già khó chịu, ghét dân di cư. Ổng hay dùng thước kẻ gõ đầu tôi mà ngân nga, nhại tiếng Bắc của tôi: “Thằng này lư..ờ..i.. quá!” Một hôm, ổng lôi tôi lên trước bảng, quất vào đít tôi mấy roi, vì tôi viết sai câu tính mà ổng đọc. Tôi viết “Cô tôi cho giai 10 đồng, lấy lại 5 đồng, hỏi còn mấy đồng?” thay vì viết “cô tôi cho vay...”, vì cái giọng khè khè của ông đọc chữ “vay”, tôi nghe ra chữ “giai”! Ổng quất tôi đau điếng, vừa quất vừa quát: “Thằng Bắc Kỳ này diết bậy quá. Tao uýnh cho mầy chừa!”

Mẹ tôi thấy tôi hay bị đánh oan, bà đưa tôi đi học trường khác, tôi không nhớ là trường gì vì chỉ là một căn nhà nhỏ, mặt đường, có hai, ba lớp gì đó, ngoài cửa đề bảng: “Trường Tiểu Học...” Tưởng thoát vỏ dưa, ai dè gặp vỏ dừa. Trường này cũng kỳ thị tối đa. Một hôm, lũ học cùng lớp với tôi, hè nhau nắm cổ tôi, ném xuống cái giếng cạn trong sân trường. Tôi khóc la vang trời. Ông Thầy nghe tiếng la, chạy ra, thấy tôi vùng vẫy dưới giếng, bèn ra lệnh cho lũ nhóc kia thả dây xuống cho tôi leo lên. Về nhà, mách mẹ, mẹ tôi giận quá, xách nách tôi, lôi đến trường, chỉ tay vào ông Thầy mà hét lên: “Thầy dạy học trò của thầy như thế hả? Thầy dạy làm sao mà chúng nó ném con tôi xuống giếng hả?” Ông Thầy đứng yên, không trả lời. Mẹ tôi la một hồi cho xẹp cơn giận rồi lôi tôi về, không cho đi học nữa.

Sau đó, bà lại lần mò thuê được một căn nhà sàn ở đường Nguyễn Tri Phương, Khánh Hội, gần nhà thương Khánh Hội. Nhà dựng trên đống sình lầy quanh năm, đường đi trước nhà là những cây cầu gỗ ọp ẹp. Dưới chân cầu, chuột cống to đùng chạy qua chạy lại ăn rác và những thứ phóng uế do con người thải xuống. Đôi khi chuột bám theo những cây cột leo lên nhà. Một hôm, tôi hết hồn nhảy lui, vì thấy một cái đuôi chuột thò ra trên nóc chạn. Chị tôi nhanh lắm, chụp lấy con dao làm bếp, gài bên vách, chặp “Phụp!” một cái, đứt đuôi con chuột. Nó phóng từ nóc chạn ra, bay xuống đất, rồi nhào vào cầu tiêu, biến mất tăm. Hình ảnh cái đuôi chuột nhỏ máu trên góc chạn làm tôi mớ mấy đêm. Chị tôi lấy que củi khều cái đuôi chuột đỏ máu ra, rồi cũng hất vào cầu tiêu. Nhà cầu ở đây chỉ là một cái khung che 3 mặt, phía cửa là tấm vải che, bên dưới là một cái lỗ, để thả bom xuống sình. Vì là sình nhão, khi nào nước triều lên thì thành rạch nhỏ, khi nước triều xuống, thì sình lộ ra với đủ thứ rác thải, hôi kinh khủng.

Điều mà tôi nhớ nhất ở khu Khánh Hội này là Tết, cái Tết Di Cư đầu tiên trên mảnh đất miền Nam. Vui thật là vui. Cả xóm thi nhau uống rượu. Trước cửa nhà nào cũng vang tiếng “Dô! Dô! Mầy ơi!” Không phải chỉ “dô” với phe nam, mà phe nữ cũng “dô” không kém. Các bà cụng ly cạch cạch. Phe đàn ông thì ở trần, quần xà lỏn, một tay cầm ly rượu, tay kia thò xuống dưới, gãi gãi, rồi lại thò tay bốc một miếng thịt gà cho vào mồm, nuốt “ực” một tiếng nghe rõ to. Rượu vào thì lời ra. “Đụ Má nó! Thằng Sửu! Mầy nhác như sên! Dô thêm một miếng nữa, mầy!”, “Má nó chứ! Con Hường cuối xóm sao mới nứt mắt mà dú bự như cái tô!” Rồi tiếng cười ầm ĩ, tiếng vỗ vai đồm độp. Cô Tư bán vải cách nhà tôi 3 căn, nói oang oang: “Thằng mắc dịch! Mầy tính chuốc rượu cho tao say rồi mầy làm ẩu hả?” Cả xóm cười rần rần. Rồi giọng chú Sáu sửa giầy ồm ồm: “Dô! Dô! Chị Tư! Nó mà làm ẩu chị Tư, chị cho tui hay, tui bẻ răng nó!”. Cứ thế mà tiếng cười, tiếng cụng ly không dứt, mãi cho tới nửa đêm rồi tàn dần.

Tôi cũng nhớ mãi một kiểu đốt pháo thật lạ. Chú Bảy sửa xe, ở trần, bê ra giữa xóm một cái đuôi đạn pháo rất lớn bằng đồng (hồi đó tôi không biết là đạn đại bác 155ly). Chú đổ vào đó một nắm chất gì trắng trắng, rồi đổ nước vào, lắc lắc, xong để ngay ngắn giữa hai hàng gạch thẻ. Rồi chú la lớn: “Tụi bây! Tránh ra! Tránh ra!” Lũ con nít chúng tôi vội vã lùi lại sau. Chú lấy hộp quẹt ra châm vào một búi giấy cuộn dài như cái que, châm vào đít của cái vỏ đạn pháo... đột nhiên một tiếng nổ “đùng” thật lớn, làm cái vỏ đạn giật lùi, phía đầu kia phun ra một cục lửa cháy vèo một cái. Thế là cả người lớn, con nít vỗ tay rần rần.

Tiếng pháo đại bác của chú Bảy lẫn vào những tràng pháo đại, pháo con, pháo tép làm cả không gian khu Khánh Hội bừng lên rực rỡ, soi sáng các sòng “bầu, cua, cá, cọp” mà bọn con nít chúng tôi thèm quá, mà không có tiền, nên chỉ biết chui lòn vào giữa mấy người chơi bầu cua đó mà xem, rồi vỗ tay khi có người nào trúng 3 con! Riêng nhà tôi, dân di cư mới đến, làm gì có tiền mà tham gia “bầu, cua, cá, cọp”. Mẹ tôi không có tiền mừng tuổi cho tôi, chỉ nấu một nồi xôi, và luộc một con gà! Thế là sang quá chừng. Lần đầu tiên tôi được mẹ cho nguyên một cái đùi gà, cắn vào tưởng như lên tiên.

Chúng tôi ở khu Khánh Hội này không biết bao lâu, nhưng tôi đã ảnh hưởng của không khí du đãng của dân tứ xứ ở đây. Những ngày ở khu Khánh Hội này, tôi mới biết dân miền Nam dữ đòn. Con bé chừng 14 tuổi ở trước nhà tôi, gầy như bộ xương cách trí, mà thỉnh thoảng bị bố quất bằng những thanh củi to, kêu khóc vang trời. Một hôm, không biết vì tội lỗi gì mà bố nó lôi ra trước cửa, lột truồng con bé ra, rồi cứ thế mà giáng củi xuống lưng nó. Một lúc thì con bé bất tỉnh, nằm còng queo trước cửa nhà và cũng là trước cái khung nuôi 2 con heo nhỏ, trần truồng. Mẹ tôi thấy vậy, vội mang tấm chăn chạy qua, đắp cho con bé, rồi hạch hỏi ông bố: “Ông ác quá mà! Sao lại đánh nó mà còn lột quần áo nó nữa?” Ông bố gằn giọng: “Bà biết gì! dìa nhà bà đi!” Sau đó, một thời gian, không thấy con bé đâu. Nghe nói nó xấu hổ đã bỏ nhà đi bụi đời rồi. Chuyện đánh lộn ở khu Khánh Hội này là chuyện thường ngày. Vợ chồng đánh nhau, bồ bịch đánh nhau, hàng xóm đánh nhau đổ máu... Lạ lùng là không ai can thiệp, chỉ kéo nhau đứng nhìn. Tôi nhớ có một lần, ông chồng dúi đầu vợ vào lu nước, rồi lấy roi quất vào đít vợ. Chị vợ kêu “òng ọc” một lúc, ông chồng mới túm tóc, nhấc đầu ra. Chị vợ vừa được thở, liền cất miệng chửi liền: “Đụ Má! Thằng khốn...” Chưa nói hết câu, lại bị chồng túm tóc dìm xuống.

Tôi ở đây khoảng một năm trời gì đó mà cũng bị ảnh hưởng! Theo chân một số đàn anh, lớn hơn tôi 6, 7 tuổi, tung chân đi khắp các xóm nghèo toàn điếm, đĩ, du côn, băng đảng... mà chơi đủ trò nguy hiểm như bắn nhau bằng súng cao su, bắn đạn bằng sắt, chảy máu là thường. Mẹ tôi thấy tôi dần dần bị ảnh hưởng du đãng nên khó dạy hơn, liền kéo chúng tôi về khu Vườn Xoài Trương Minh Giảng.

Tới giai đoạn này là chấm dứt cuộc di cư của gia đình chúng tôi. Tại đây, các anh chị em tôi đã cắp cặp đi học và bắt đầu một cuộc đời mới tại miền Nam “đất lành, chim đậu”, để hòa nhập với đời sống Nam Kỳ, ăn hột vịt lộn, giá sống, mắm chua, và hủ tiếu.

Đời sống cứ thế mà trôi đi. Đến nay, nhìn lại ngày di cư năm ấy đã xuýt xoát 70 năm! Những cái Tết sau đó thì khấm khá hơn. Mẹ tôi lì xì cho mỗi đứa một đồng. Nhớ lại hồi ấy, thấy thời gian trôi nhanh quá! Như Cao Bá Quát đã viết: “Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ. Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày. Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay...”

Chu Tất Tiến
2024



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by tqh chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy,  January 25, 2025
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang