Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy Bút
Chủ đề:
nhớ xuân xưa
Tác giả: BP

XUÂN NÀY TÔI VẪN CHƯA VỀ

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

Theo công ước Genève năm 1951, nếu danh từ “tị nạn” đồng nghĩa với “tị nạn chính trị” thì, với người Việt Nam, “tị nạn”, có nhiều tên gọi: “di cư–54”, “di–tản–75”, “hồi hương” (quốc tịch Pháp sang Pháp), “vượt–biên”, “tị nạn chính trị” (nhân viên ngoại giao, sinh viên du học VNCH, v.v. xin tị nạn nơi quốc gia đang sống, sau khi chính quyền VNCH sụp đổ / cán bộ, đảng viên CS xin tị nạn khi đang đi “công vụ”), “đoàn tụ”, “H.O.”, “bất đồng chính kiến” (những người bị tù vì “tranh đấu cho nhân quyền” ở Việt Nam được các cơ quan Nhân Quyền Thế Giới can thiệp để ra đi), v.v. Ngoài ra, còn có nhiều sinh viên du học, sau khi ra trường, rán kiếm được việc làm ở xứ người (đa số là con cháu VNCH), để được gia hạn “ở lại” rồi, theo thời gian, được vào quốc tịch và bảo lãnh bố mẹ sang (như một đứa con nuôi của một ông anh tôi) hay như các chương trình “đầu tư định cư” Mỹ (vốn: 500,000$ US, có thể lên 900,000$ US với chính quyền Trump), Canada (vốn: 600,000 CAN), Châu Âu (vốn: 300,000 EUR), v.v. mà đa số là thành phần “tư bản đỏ”! Trái với một số Pháp kiều, nhất là những người hưu trí, trong một phóng sự tôi xem cách đây đã lâu, vì thu nhập thấp, đã bay sang Cam Bốt, Thái Lan sinh sống! Đổi đời!

Ai cộng sản, ai tư bản, trong trần ai, ai đã thắng ai?
Thế “bảng đỏ”, thế “sao vàng”, gặp thời thế, thế thời cứ(ơp) thế?!
(*)

o0o

Tuy không còn được giảng dạy trong học đường từ năm 1948, nhưng thế hệ miền Nam chúng ta (54–75), có ai mà không nhớ bài “Chỗ quê hương đẹp hơn cả” trong bộ “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”:

Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi:

Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?

Người du lịch đáp rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.”

Không nơi nào đẹp bằng quê hương! Nếu không vì một lý do bất khả kháng (chính trị, kinh tế, bổn phận, nghề nghiệp, tình yêu, v.v.) thì không một ai, trên địa cầu này, muốn sống giữa xứ người xa lạ, phải “nhập gia tùy tục” với một nền văn hóa khác biệt, phải nói một thứ tiếng không phải là “tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi”! Nên, theo tôi, không chỉ người Việt Nam “tị nạn” mới là người “tị nạn cộng sản”, mà cả những “di dân VN”, nhất là người miền Bắc. Riêng những người “tập kết 54”, họ không phải là người “tị nạn chính trị”, họ chỉ đi theo tiếng gọi của “Bác” và Đảng thôi!

So với đồng bào đã sống ở hải ngoại trước 75, “người–di–tản–buồn”, là những người một sớm, một chiều “bừng con mắt dậy thấy mình... lưu vong”! Trước “đó” vài tuần, bao nhiêu người đã nghĩ là mình phải bỏ nước, bỏ gia đình để “ra nước ngoài” (ngay cả vị nguyên thủ quốc gia)?! Cho đến khi có lệnh “bàn giao”!

Thoát được rồi, “sống” lại rồi. Nhưng là một cuộc sống với nước mắt nhiều hơn nụ cười, lo buồn nhiều hơn hưng phấn. Trong 140 ngàn người di tản “tháng 4 đen”, bao nhiêu gia đình được đi trọn? Tôi nghĩ là không nhiều. Nhất là những gia đình có con là quân nhân hay đang trong tuổi quân dịch. Cũng có không ít những người đi một mình: những người độc thân làm việc với các cơ quan Hoa Kỳ, những thanh thiếu niên được cha mẹ gởi gắm “người quen” hay một số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa: những người–có–điều–kiện, đã di tản giờ chót vì không chấp nhận buông súng trước kẻ thù! Như một số quân nhân các binh chủng Không, Hải quân hay, như đa số những người lính của Lữ Đoàn I Dù, khi được lệnh rút khỏi Bà Rịa, kéo về Vũng Tàu, tưởng sẽ xuống Quân Đoàn 4 tiếp tục chiến đấu, nào ngờ, ngày 30/4/1975, phải hộc máu, nuốt lệ, ra khơi ở Gò Công!

Bây giờ thì khác. Chứ trên 40 năm trước (giữa thập niên 70s–80s), những người tị nạn cộng sản, không chỉ là những người–di–tản–buồn, vượt–biên buồn mà còn là những người “ăn” Tết buồn! Cùng một số phận nghiệt ngã, phải cắn răng rời bỏ nơi chôn nhau, cắt rún nhưng, nếu người–di–cư–buồn (54) chỉ lui về miền Nam, tiếp tục ăn Tết với đồng bào ngay trên đất nước, thì người di tản (75), vượt biên (sau 75) phải chọn kiếp lưu vong, ăn Tết buồn hiu trên xứ người xa lạ! Như cái Tết đầu tiên của những người–di–tản–buồn ở L.A. (Mỹ): tết Bính Thìn 1976!

Dưới bài thơ “Đêm cuối năm uống rượu một mình” ông Thanh Nam chỉ ghi 1974, không có ngày, tháng. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ, nó được viết cuối năm Quý Sửu 1973 (22/1/1974), ở Sài Gòn. Khi viết bài thơ buồn bã đó, ông Thanh Nam đâu biết rằng, chỉ 24 tháng sau, cuối năm Ất Mão (30/1/1976), ở Hoa Kỳ, biết bao nhiêu người (Thanh) Nam đã:

Rượu buồn ta rót cho ta
Bạn gần không đến bạn xa chưa về
Rót nghiêng năm tháng vào ly
Mắt nheo bóng xế tay che tuổi buồn
Rót đầy băng giá cô đơn
Rót thao thức nhớ rót hờn giận quên
Thôi đừng! Thôi hãy lặng yên
Ngủ ngoan đi nhé cơn điên thuở nào...
Nửa đời lăn lóc vòng xe
Rã rời xích chuyển ê chề bánh xoay
Ngó lui hun hút đêm dài
Những xuân đã lánh những đời đã xa
Rót thêm chén nữa mời ta
Cái say như muốn chuyển qua cái sầu...
”!

Khi “bạn gần” đã trở thành “bạn rất xa” mấy ngàn cây số, khi “bạn xa” đã bị ngục tù không biết bao giờ về. Thì xuân phải lánh, như đời phải xa!!!

Trong một bài viết trên báo mạng “Người Việt” (8/2/2024), ký giả Đoan Trang cho biết: Năm 1976, đang làm cho Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Hoa Kỳ (USCC), nhạc sĩ Nam Lộc đã xin ban lãnh đạo bảo trợ 5000$ US để mua vé máy bay mời một số nghệ sĩ tị nạn (Hoàng Thi Thơ, Hoàng Thi Thi, Lê Quỳnh, Kiều Chinh, Khánh Ly, Bùi Thiện, Vũ Huyến, Mai Lệ Huyền, v.v.) về L.A., cùng một số anh chi em ở đây, hát Tết, cái Tết đầu tiên của người di tản, cho bà con vui. Ông kể:

“... Chương trình văn nghệ còn có tiết mục hài của ông Lữ Liên, Ngọc Bích, Vũ Huyến ban AVT; nghệ sĩ Kiều Chinh đóng kịch ‘Kinh Chiều’; Thúy Nga vợ nghệ sĩ Hoàng Thi Thơ thì múa nón... Rồi có Tam ca Mây Trắng, độc tấu dương cầm Hoàng Thi Thi, đơn ca Bùi Thiện, vũ dân tộc, hoạt cảnh ‘Đưa em qua cánh đồng vàng’, và các tiết mục khác có sự góp mặt của ca sĩ như Mai Lệ Huyền, Kim Oanh, Kim Quy, Kim Thùy, Trần Hoàng Ngữ, Quỳnh Như, Văn Khâm... và tất nhiên không thể thiếu giọng ca Khánh Ly... Có mặt trong số hơn 1000 người xem văn nghệ hôm đó, ông John Trần nhớ lại:

Năm đó tôi 16 tuổi, cũng lớn rồi, nên vẫn có thể nhớ mãi cái Tết đầu tiên trong cuộc đời không diễn ra trên quê hương mình. Tết ở Việt Nam vui lắm, thích lắm, nhưng đêm hôm ấy, tôi thấy ai cũng khóc, các cô chú gặp nhau cứ hỏi thăm được vài câu lại ôm nhau khóc, cứ nhìn nhau là khóc, khiến tôi cũng không cầm được nước mắt. Thấm thoát gần 50 năm, thời gian trôi đi nhanh thật!’

Về báo Tết của người–di–tản–buồn, theo ông Lê xuân Khoa, tờ báo Tết–tị–nạn đầu tiên ở Mỹ (trên thế giới?) là tờ Lửa Việt Xuân Bính Thìn (tháng 1/1976), Nguyễn Ngọc Bích chủ trương, Viên Linh thực hiện.

 


(Nguồn: Lê văn Khoa)

 

Về nội dung tờ báo, ông Viên Linh ghi lại một số cảm nghĩ của những văn thi sĩ đóng góp (1):

“... Nghiêm Xuân Hồng: ‘Riêng tôi thầm nghĩ không thấy cao hứng gì về việc thay đổi quốc tịch. Có lẽ sống làm một người vô cố hương thì vui hơn.’ (Xuân thực, xuân mộng, tr.7).

Mặc Ðỗ:Trong thời gian ở trại tạm trú (Fort Chaffee), thấy ngày dài là một nỗi khổ tâm lớn...’ (Chiếc áo len màu rêu, tr.22)

Viên Linh:

Tỉnh ra ta ở quê người
Hiên nay vắng bạn, lòng thời thiếu ai
Cửu Long ôi! Chín sông dài
Lao xao Ðất gọi, hoài hoài Nước kêu
...’ (Cố hương, tr.14)

Kim Y Phạm Lệ Oanh:

Dời đất Thục lòng quê man mác
Hận sầu này dằng dặc khôn quên
Ngày xuân đằng đẵng như niên
Dặm trường thui thủi như quyên gọi hồn!
’ (Hồn Vong Quốc, dịch lại để kỷ niệm ngày dời xứ, và để mở đầu cho một nếp sống mới nơi quê hương thứ hai, tr 31)

Huyền Vũ: Tự do hay là chết! Bao nhiêu người yêu nước đã gục ngã vì lý tưởng thiêng liêng ấy thì vì tự do mà phải buồn ray rứt, xa gia đình, xa quê hương, cũng chưa phải là quá đáng.’ (Hướng nhớ người đi, tr. 34)

Phạm Duy: ‘Cái khác biệt nhất là ở Việt Nam ngày nào cũng là ngày Tết đối với tôi còn ở Hoa Kỳ thì chắc Tết năm nay không phải là cái Tết.’ (Trả lời phỏng vấn, tr. 41)

Nguyễn Ngọc Bích:Tập báo này đến trong tay quí bạn có thể với một cái nhói trong tim. Tết tha hương đầu của số lớn chúng ta, làm sao khỏi chút ngậm ngùi, nhung nhớ...?’ (Xuân tha hương, tr. 1)...”.

Cái Tết–đau–buồn đầu tiên của người ra đi rất khác với cái Tết–buồn–đau đầu tiên của người “ở lại”. Bởi họ, người ở lại, là những người phải hứng chịu liên tiếp những chia ly!

Chia ly này chưa vơi sầu thương
Chia ly kia đã đợi bên đường!
Khi đất nước tàn cơn binh lửa
Là bắt đầu tiếng khóc thê lương
!

“Di–tản–tháng–4” tiếp nối với “ngục–tù–tháng–6”! Tết Bính–Thìn 76 đã không mấy vui gì với người miền Nam, lại càng không có gì vui với những tù–nhân–cải–tạo, từ cấp Úy đến cấp Tướng. “Huynh đệ chi binh”. Là “huynh đệ chi tù”!!!

Theo Đại úy Đào hiếu Thảo (nguyên Chánh văn phòng Tham mưu trưởng Không quân), nhớ là cái Tết đầu tiên, “Cách Mạng giải phóng” sĩ quan miền Nam vào... tù, nên cán ngố Tù trưởng “Thành Ông Năm/Hốc Môn” khoan... hồng, cho tù “Ngụy” được nhận quà thân nhân. Chẳng những thế, lại còn được phép làm bích báo (!!?), thi đấu bóng chuyền, ăn uống được “cải thiện” với “vài lát heo nái, thịt gà băm nhuyễn trộn vào nồi canh rau muống”, trong ba ngày Xuân! Cũng may là lúc đó còn “mới”, tài sản miền Nam để lại còn nhiều, heo, gà, v.v. chưa bị “giải phóng” ra... Bắc, nên anh em được “bồi dưỡng” tí ti, để có sức “tháng giêng là tháng ăn... khoai / tháng hai đẵn gỗ, cuốc cày tháng ba”! Dù buồn thúi ruột, anh em cũng chịu khó tìm kiếm, thu nhặt tre, mây, giấy báo, bao xi–măng, cạc–tông, bột màu, giẻ rách, v.v. làm trống chầu, đầu lân, mặt Địa, v.v. “vui là vui gượng kẻo mà”, để năm mới khỏi “xui” (?!) như cuối năm... này. Chả là trước Tết một tuần, Tù trưởng ra lệnh cho 950 tù nhân phải mang hết đồ đạc ra sân để cán bộ “khám xét tận tình” trước khi chuyển trại. Kết quả là chẳng có chuyển giao cái con... khỉ khô gì cả! Mà chỉ là màn “cướp ngày công khai” (chữ của anh ĐHThảo). “Cán bộ cộng sản tạo dịp thu nhặt ‘vô tư’, họ vơ vét tất cả những gì họ ưa thích, đút túi lấy làm của riêng như đồng hồ đeo tay, kiếng mát, giây nịt da, bật lửa chẳng hạn...”. Anh Thảo viết tiếp: “Trong lá thơ gởi về thăm gia đình, tôi viết cho mẹ: Má ơi, Tết này anh em được làm ‘mứt cúc’. Thơ này không bị xé bỏ nên khi đọc nội dung trên, người nhà biết rõ thân phận người tù, Tết cũng đi múc c...”.
(2)

So với “mấy thằng con”, mấy “Đại bàng” cũng chẳng khá gì hơn! Trong “Ký sự trong tù” (trang 102), Đại tá Phạm bá Hoa (nguyên Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận) kể lại: “... Ðêm cuối cùng của năm 1975, anh Trần Tín (Ðại tá Quân Nhạc) đã hát bài ‘Gói Quà Ðầu Tiên’ do chính anh vừa sáng tác. Lời ca chỉ là mớ ngôn ngữ thường dùng trong cuộc sống chớ không văn chương gì sâu xa, nhưng đã gây xúc động mạnh trong hầu hết anh em ngồi nghe, vì hình tượng gia đình đang ngày đêm hướng về mình trong một tình cảm thân thương vô hạn! Anh vừa hát vừa khóc! Chúng tôi vừa nghe vừa khóc! Vào những ngày cuối năm âm lịch, tức gần Tết Nguyên Ðán đầu năm 1976, họ cho phép gia đình gởi bưu phẩm cho chúng tôi trong trại. Vẫn cách làm như lần trước, họ cho xe về Bưu Ðiện Sài Gòn nhận và chở lên trại. Hầu hết là bánh mứt, trà, cà phê, nghĩa là những thứ gói ghém ‘hương vị ngày Xuân’. Ðêm Giao Thừa, một bàn thờ Tổ Quốc thu nhỏ thiết lập trong một góc được che giấu khá kín đáo. Một nhóm bạn không nhiều lắm vì cần tránh ồn ào dễ bị lính cộng sản rình rập bắt được thì nguy. Ngay lúc bên ngoài có tiếng pháo đầu Xuân, là lúc chúng tôi lần lượt đứng trước bàn thờ cầu nguyện. Trong giờ phút đầu tiên của Năm Mới, tôi nghĩ các bạn tôi cũng như tôi, trong ‘cái chung’ là giây phút nghiêm trang đó chúng tôi cảm nhận được sự xúc động từ nơi sâu thẳm của tâm hồn đến rớm lệ! Còn ‘cái riêng’ của mỗi người thể hiện qua nét đăm chiêu nhăn nhúm, cho dẫu là đang bắt tay ‘Chúc Mừng Năm Mới’ với nhau cũng vậy. Ngày thường trong buồn ngoài vui, nhưng ngày Tết thì buồn cả trong ngoài. Từng nhóm chúng tôi quây quần bên ‘gô trà’, bên ‘lon cà phê’ với bánh mứt bày trên ‘nắp bàn’ là mảnh giấy ngay trên chỗ nằm. Câu chuyện chỉ là xoay quanh nội dung ‘Tết buồn và số phận long đong!...’”!

Anh Lính miền Nam ơi!
Từ lúc năm–tư (54) đã cực rồi
Vận nước: hùm–thiêng dù thất thế
Vẫn điềm nhiên trước lũ đười–ươi!
(**)

Với người tây phương, nếu Giáng Sinh là ngày đoàn tụ gia đình, đêm 31/12 là đêm vui bè bạn thì với người “đông phương” (Hàn–Nhật–Việt–Tàu) ngày gia đình đoàn tụ là ngày cuối năm âm lịch. Ở Việt Nam, dù ở đâu xa, người ta cũng cố gắng thu xếp về để ăn Tết với gia đình. Không được 3 ngày thì, ít nhất, cũng phải đêm giao thừa, để ngồi lại chung mâm, để cùng nhau thắp hương, vái lạy, rước “các cụ” về ăn Tết với con cháu! Nói một cách khác, Tết không chỉ là những ngày vui mà còn là ngày lễ thiêng liêng của người đông phương chúng ta. Bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những giây phút hân hoan của anh tôi và tôi (học ở Sài Gòn) lúc ngồi trên xích lô máy, trực chỉ “xa cảng miền Tây”, về “nhà” ăn Tết. Chúng tôi về trước nhất, các anh chị lớn (đã có gia đình) về sau (sáng mồng 2)! Mới “25, 26” thôi mà khắp đường xá, phố phường, từ Sài Gòn, qua Chợ Lớn, vào Phú Lâm, nhìn đâu cũng thấy Tết! “Tiếc” là chỉ vài năm sau, khi Mẹ tôi hưu trí, thì ông bà dọn hẳn nhà lên ở với các con! Khi đã hết “đường về quê, xa lắc lê thê”, thì lòng thanh niên cũng hết nỗi rộn ràng “về quê ăn Tết”!

Thú thật, lúc còn bên nhà, dù đã vào đại học rồi, nhớn rồi, nhưng tôi còn “khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm / chỉ biết... ăn (Tết) thôi, chả biết gì”, cứ tưởng ngày đầu xuân (lập xuân) là Mồng Một Tết! Nhưng không phải chỉ mình tôi “bé cái lầm” mà, ít nhất, cũng có hai ông Tân An và Hoài Linh, đồng tác giả ca khúc “Đầu xuân lính chúc”:

Ngày đầu xuân chúc non nước thanh bình
Ngày mồng hai chúc cho lứa đôi mình
Và mồng ba anh chúc cho mắt em xinh
...”,
mà không “
ngày đầu năm chúc non nước thanh bình”?

Trong dương lịch, ngày đầu xuân 21/3 còn được gọi là ngày (đúng hơn là “điểm”) xuân phân, ngày đầu thu (thu phân) 23/9; đầu hạ (hạ chí) 21/6 (ngày dài nhất/Châu Âu), và đầu đông (đông chí) 22/12 (ngày ngắn nhất/Châu Âu). Theo wikipedia “... Do vậy ngày bắt đầu tiết Lập xuân được tính theo dương lịch hiện đại và nó thông thường rơi vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 dương lịch (Bắc bán cầu) và 7 hoặc 8 tháng 8 (Nam bán cầu) tùy theo từng năm...”. Vâng, tuy chỉ có hai mùa mưa, nắng, tuy không phải là ngày đầu xuân (lập xuân) nhưng người miền Nam vẫn cứ xem ngày đầu năm (Tết) là ngày đầu xuân. Không chỉ vì ngày này thường hay rơi vào những ngày Tết, mà còn vì mùa xuân là mùa ấm áp, tươi vui nhất trong 4 mùa, là mùa khơi mạch sống, cây cối đâm chồi nở lộc, đánh thức những hân hoan, lay dậy những phấn chấn trong lòng người, v.v. Bắt đầu một năm mới bằng những niềm xuân rộn rã, những sắc xuân rạng ngời, có sớm hay muộn đôi ngày, nào ai chấp nhất! “Ngày đầu xuân, chúc năm mới an lành!”

Từ 1954, trong khi nhiều người hoan hỉ đón giao thừa, cúng tổ tiên với gia đình thì đã có rất nhiều người LÍNH đang cầm súng, chong mắt canh giặc để đồng bào có thể “ăn” Tết an lành, vui vẻ, với gia đình. Như người Lính Nguyễn văn Đông chẳng hạn. Tôi tự hỏi: ngoài những người thân của ông, có phút giây nào người ta nghĩ đến những người Lính như ông, đang “đón giao thừa một phiên gác đêm xuân” ở một nơi đèo heo hút gió, nhìn “xác hoa tàn rơi trên báng súng ngỡ rằng pháo tung bay”, mà chùng lòng thương cảm, xót xa?!

1968, trước Tết Mậu Thân, khi nghe Hà Nội loan báo hưu chiến ăn Tết, quân lực VNCH đã cho phép 50% quân số được đi phép ăn tết một đôi ngày. Nên, lúc Bắc Việt tấn công (giao thừa, mồng 1), chỉ khoảng phân nửa số quân nhân là có mặt tại đơn vị.

Người miền Nam đã suy bụng ta ra bụng người, tin vào sự tôn trọng hưu chiến của Hà Nội! Và chúng ta đã trả một cái giá rất đắt. Người Huế đã trả một giá rất đắt! 44 tỉnh thành miền Nam đã bị CS tấn công, ngay đêm giao thừa. Riêng ở Huế, Hà Nội tung 7500 quân + đặc công tàn phá cố đô! Có lẽ người cộng sản muốn phá nát cái thành phố biểu tượng cho chế độ phong kiến, cũng như muốn trả thù đám “quan lại ác ôn” (như đã giết Thượng Thư Phạm Quỳnh, Tổng Đốc Ngô Đình Khôi, v.v. năm 1945) bằng cách giết thêm mấy ngàn “con cháu” họ?! Khi bị tấn công khuya mồng 2, Chuẩn tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Ngô Quang Trưởng, đã mặc áo giáp, đội nón sắt, đích thân chỉ huy quân số còn hiện diện (có nhiêu, chơi nhiêu) ở đồn Mang Cá, bản doanh Sư Đoàn, chống trả. Nếu không có viện binh cấp tốc, quyết cứu “người bạn cùng khóa 4 Thủ Đức” bằng mọi giá, của Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 1 Nhảy Dù: Trung Tá Lê quang Lưỡng, thì chắc tướng Trưởng đã bị giải ra Bắc!

Rút cái kinh nghiệm “đẫm máu” Mậu Thân, “đừng tin những gì CS nói. Mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm”, những cái Tết sau đó, quân lực VNCH luôn đặt trong tình trạng “túc trực ứng chiến”! Số quân nhân được đi phép Tết, cũng như số giờ phép, bị giới hạn lại rất nhiều (có “24 giờ để tìm người thương trong người thương” thì đã hết “4 giờ đi, dài thêm 4 giờ về” rồi (Trúc Phương)! Đó là lý do ra đời của một số ca khúc “ăn Tết ở đơn vị” của người lính VNCH: 100% (100 em ơi chiều nay lại cấm trại rồi.../Ngọc Sơn & Tuấn Hải), Cảm ơn (“Cám ơn ai / đã đem luyến thương nồng thắm đến với Lính” / Ngân Khánh), v.v. Và, nhất là, “Xuân này con không về” (1/1969) của nhóm Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh–Lâm Đệ–Nhật Ngân).

 


(nguồn: internet)
https://www.youtube.com/watch?v=Univx-__gbo

 

Những thế hệ lớn lên sau 75, nhất là ở miền Bắc, nghe “Xuân này con không về”, chỉ thấy đó là một ca khúc hay, là “lá thư Xuân” của người lính xa nhà gởi Mẹ, xin lỗi không về ăn Tết với gia đình năm nay, nghe “Xuân này con không về” thì nghĩ không xuân này sẽ là xuân sau. Nhưng, với các thế hệ đã “sống” ở thời điểm 68–69 nghe “Xuân này” (Kỷ Dậu 69) là nghĩ ngay đến “Xuân trước”: Mậu Thân 68. Vì xuân “trước” như thế nên “xuân này con không về”. Mà, nếu có được phép, con cũng không (đành) về. Không chỉ vì “bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường / không lẽ riêng mình êm ấm”, mà còn vì mồ chiến hữu còn chưa xanh cỏ, mà vì bàn tay vẫn còn cái cảm giác lạnh của tấm thẻ bài khi giật nó trên ngực người đồng đội vừa ngã xuống, v.v.!

Ca khúc “
Xuân này con không về”, tưởng đâu, sẽ mất ý nghĩa sau ngày chiến tranh kết thúc 6 năm sau đó (69–75). Nhưng KHÔNG! Ngay sau khi tân Tổng Thống “bàn giao”, thì đã có trên 140 ngàn người “xuân tới con không về”! Rồi, trong gần 50 năm (1975–2024), sống với chính quyền mới, đã có bao nhiêu triệu người bỏ quê, mấy trăm ngàn người không bao giờ về ăn Tết với gia đình?! Đó là những người đã chết trong lao tù cải tạo, gục ngã trên vùng kinh tế mới, những người đã vùi thây dưới lòng biển cả (khoảng 400000!), đã vượt biên giới, kháng chiến, chết trên đất nước Miên, Lào, biên giới Tàu–Việt. Đó cũng là những người tị nạn vẫn cương quyết không “xin” ai để về ăn Tết dưới lá cờ sao, là những thiếu nữ “lấy chồng xứ lạ”, đã nhảy lầu tự vận ở Đài Loan, đã bị gia đình chồng đánh chết ở Đại Hàn, và, 5 năm trước đây (2019) đó là 39 thanh niên, thiếu nữ đã chết ngộp “lạnh lẽo” trong các xe đông lạnh khi trốn chui từ Pháp sang Anh, v.v.!

Có quốc gia nào có con số người dân: sinh ở quê hương nhưng chết ở xứ người (không phân biệt khuynh hướng chính trị) cao như Việt Nam?!

“...
Ôi! cố hương xa nửa địa cầu
Nghìn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau
Đâu đây trong khói trầm thơm ngát
Hiện rõ trời xuân một thuở nào.
..”

Những câu thơ Thanh Nam viết trong đêm giao thừa Quý Hợi 1983, sau 8 năm lưu vong, 3 ngàn đêm sầu tủi, không chỉ là tâm sự của riêng ông. Mà còn là của mấy triệu đứa con “xa quê hương nhớ mẹ hiền”. Khởi từ Tháng Tư Đen tàn độc!!!

Ở một tuổi nào đó, chỉ một khoảng ngắn thời gian. Là người ta, nhất là người Việt Nam (quá khứ lẫn hiện tại), mất đi nhiều thứ lắm! Nói gì đến 50 năm đáng sợ?! “Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa”?

50 năm trước, hát “Hoài cảm” chỉ nghe buồn buồn, chưa có ý niệm gì. Nhưng, từ xa xứ, tháng tiếp tháng, năm theo năm, tuổi thêm tuổi, mỗi lần nghe, là mỗi lần xúc động! Bây giờ, không hát nổi (!), nghe Sĩ Phú thôi. Để ngậm ngùi thương cảm! Thương cho người, thương cho mình, thương cho những cố nhân đã ra “nhân thiên cổ”. Bên đó, bên này!

Cố nhân xa ơi, có ai về... đón Xuân”?

Nói đến Tết là nói đến sum họp gia đình, cúng, rước ông bà. Khi đã không còn ai để ngồi lại chung mâm. Khi đã không còn bàn thờ để thắp hương, cúng vái. Khi quê đã không còn tên xưa. Khi cảnh đã không còn cảnh cũ. Thì “đón xuân này tôi khóc xuân xưa”! Lòng đã không Tết rồi, thêm cái cảm giác “tha hương” ngay trên xứ mình nên tôi nghĩ, Tết ở quê nhà, nếu có “nhộn nhịp” (?) “rộn ràng” (?) bao nhiêu đi nữa, người “viễn xứ” quay về, cũng không cách gì “ăn” nổi!

Giao thừa Ất Sửu 1985, có ông bố trẻ viết bài thơ gởi đứa con gái 4... tháng tuổi, với 4 câu kết:

Mai mốt dắt con về đó ở
Mình ăn Tết lớn ở quê mình
Mốt mai, bố nói ý như thật
Dấu hỏi nơi lòng lại lớn thêm
?”

40 năm! Ngày lại ngày, Tết theo Tết, dấu hỏi năm xưa gần bít hết đường về! Nhưng ông bố trẻ, dù đã không còn... trẻ, vẫn chửa xuân nào quay về “ăn” Tết–quê–hương!

BP
2024

Tác giả ghi chú:

(*)Đặng trần Thường xuất: Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai.
Ngô thì Nhậm đối: Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế.


(**) – Cô gái Việt Nam ơi / Từ thuở sơ sinh lận đận rồi... – Hồ Dzếnh

(1)làm báo Tết đầu tiên xứ người

(2) người việt dallas



Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by th chuyển

 

Đăng ngày Thứ Năm,  January 23, 2025
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang