Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện
ngắn
Chủ đề:
câu chuyện món chả giò
Tác giả:
Sỏi Ngọc
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Suốt
sáu năm trời làm giám đốc ngân hàng trong chi nhánh của nhà
thương nhi đồng trên tổng số 32 năm sự nghiệp ngành ngân hàng là
thời hoa gấm nhất của tôi, khách hàng của ngân hàng là các vị bác
sĩ, y tá, sinh viên thực tập, nhân viên của nhà thương, ai nấy
thật dễ thương, có lòng nhân ái, và rất thông cảm. Nhân viên dưới
quyền tôi chỉ có sáu người thôi, nhưng họ thật chăm chỉ và một
lòng trung thành với tôi.
Năm nào tôi cũng đạt được chỉ tiêu là
nhân viên giỏi nhất và được nhiều khách hàng quý mến nhất, tên
tôi được đề trên một bảng chữ điện tử đỏ chóe khi bước vào ngân
hàng chính và được đăng trên báo của toàn thể ngân hàng; nên vào
dịp tết Nguyên Đán mỗi năm, tôi đều nghỉ một ngày trước vào
khoảng 28, 29 Tết Âm Lịch để làm 500 cuốn chả giò nhân tôm thịt
cho các khách hàng quen biết và nhân viên để cám ơn họ đã chọn
chỗ tôi làm dịch vụ, và đặt niềm tin vào tôi.
Ngày tôi đem chả giò vào ngân hàng như
ngày lễ hội vậy, nhân viên thì háo hức chờ đến giờ cơm trưa để
được nếm thử; tôi đem theo cả nước mắm chua ngọt pha với tỏi ớt
hơi cay, rau salad, dưa leo, húng cay, bún đã luộc sẵn. Nơi chúng
tôi làm việc không rộng lớn lắm, nên mùi thơm không cưỡng nổi của
những cuốn chả giò khi bỏ vào lò hâm bay thơm ngào ngạt cả phòng,
ra đến tận quầy bên ngoài; khách người bản địa quen biết ai cũng
ngừng lại trước quầy tiền của ngân hàng hỏi vọng vào bằng tiếng
Pháp:
– Cô
Lyly hôm nay làm nem phải không? Món này là tôi thích nhất mỗi
lần đi ăn ở các nhà hàng Á Đông đấy.
Những người Tây gọi chả giò là nem, tôi
phải giải thích cho đúng nghĩa:
– Vâng, tôi làm chả giò... Chả giò là
chiên lên với dầu, còn nem thì chỉ cuộn thịt, tôm, rau, chứ không
chiên... Nếu bà thích thì chút nữa giờ cơm trưa, xin mời bà xuống
cùng ăn với chúng tôi nhé.
– Ôi! Hân hạnh vậy sao, tôi không tin
được nữa đó! Cám ơn cô lắm nghe, tôi sẽ phải rủ thêm bà giám đốc
cửa hàng bách hóa trên lầu năm, với ông chủ tiệm bán đồ chơi con
nít trước cửa nhà thương đó, họ mê đồ ăn Việt Nam lắm.
– Vậy đúng 12:00g trưa các ông bà xuống
ăn với chúng tôi nhé.
Tôi chia ra những gói nhỏ mười chiếc
chả giò để dành tặng riêng cho những bác sĩ, y tá, giám đốc nhà
thương, ai cũng thích và họ cám ơn tôi không ngớt lời. Từ đó ai
cũng biết khoảng giữa tháng một là Tết Nguyên Đán Việt Nam, họ
trang trí đầy những cành mai đào mua ở chợ Tàu trong phòng làm
việc như để làm vui lòng tôi. Khi đi ngang quầy két thì để trên
bàn một viên kẹo giấy hoa màu đỏ tặng tôi lấy hên, không quên câu
nói bằng tiếng Việt Chúc Mừng Năm Mới.
***
Ngày mồng một Tết mỗi năm, tôi đều lên
tầng ba của nhà thương, nơi đây quy tụ phần lớn các em nhỏ dưới
17 tuổi bị bệnh nan y, những chiếc đầu trọc lóc, nhẵn thín, nhỏ
xíu, mũi thì bị cắm dây oxy để thở, có em thì tay bị chích truyền
nước biển, thuốc... nhìn cảnh các em nhỏ mà lòng se thắt vì những
ánh mắt thật ngây thơ, các em vẫn sinh hoạt chơi đùa với nhau mà
không hề cảm thấy đau đớn hay bị phiền lụy gì cả, chỉ có ba mẹ và
người thân của các em ngồi ủ dột mà thôi. Tôi muốn lì xì cho mỗi
em nhỏ $2.00 trong bao đỏ để cho các em lên tinh thần, được nhìn
thấy nụ cười tươi trên khuôn mặt xanh xao, và để cho tôi có cơ
hội làm việc nghĩa vào đầu năm.
Sau khi chào hỏi, phân phát hết những
bao lì xì đỏ cho các em xong, tôi dừng lại ở một chiếc giường của
một cô bé không có người thân bên cạnh, cô bé nằm ngủ với mái tóc
vàng óng ả trải trên mặt gối, khuôn mặt xinh như nàng công chúa
ngủ trong rừng vậy. Tôi lại gần đặt bên cạnh gối bao lì xì, đọc
tên cô bé trên tấm bảng viết trên đầu giường Nasha Kovalchuk, 7
tuổi.
Sau khi
hỏi cô y tá, tôi mới biết cô bé Nasha là người tỵ nạn đến từ
Ukraine mới được một tháng thôi, mẹ cô bé đã vừa chết trong một
cuộc chạy trốn chiến tranh từ đất nước đao binh chết chóc ấy đến
Canada, cô bé đi cùng với ba, một chiến binh được phép đào ngũ
để đưa đứa con duy nhất của mình đến nơi bình yên; vừa đến Canada
chưa được bao lâu thì phát hiện ra bé bị cancer máu (leukemia).
Tôi còn được biết hai cha con mới đến
Canada nên không có bảo hiểm về sức khỏe, nhà thương đã giúp họ
bằng cách lập một quỹ “go fund me” trên fb và website của nhà
thương để kêu gọi những mạnh thường quân đóng góp tiền chữa trị
cho cháu nhỏ. Số tiền cần thiết là $115,000.00 CAD.
Giờ cơm trưa chỉ một tiếng đồng hồ, tôi
đã đi phân phát những bao lì xì, dừng lại nói chuyện với những cô
y tá về ngày Tết cổ truyền Việt Nam ra sao, hỏi thăm các cháu nhỏ
ở mỗi giường đã hết giờ; tôi bước ra khỏi nơi đó, lòng thẫn thờ,
nghĩ đến cô bé Nasha mệt lả, khuôn mặt trắng xanh, với đôi mắt
nhắm nghiền trên chiếc giường bệnh, không người thân bên cạnh, mẹ
cô mới mất, còn cha cô chắc phải chạy đôn đáo kiếm việc để có
tiền chạy chữa cho con, đến bao giờ ông mới tìm được $115k trả
tiền nhà thương?
Tôi mủi lòng, nước mắt từ đâu bỗng rớt
ra từ khóe mắt, tôi phải làm gì đây để giúp cô bé thoát khỏi cảnh
oan khiên này?!
Tôi nghĩ đến những ngày chồng tôi đi
làm xa, vắng nhà vài tháng, chỉ một mình tôi nuôi con trong một
đất nước thật hòa bình như thế này mà còn thấy khổ sở chật vật,
mỗi lần con tôi chỉ bị cảm sốt thường thôi, cũng làm tôi cuống cả
lên, hay nó chỉ bị ngã chảy máu ở đầu gối, cũng làm tôi thấy đau
đớn lắm; huống hồ gì họ chỉ mới đến Canada được một tháng, người
vợ trẻ vừa qua đời trong chiến tranh chắc chả có nấm mồ nào dựng
lên cho nàng, bây giờ đứa con gái duy nhất lại bị bệnh ung thư
nữa, ông ta phải có một tinh thần thép mới có thể chiến đấu sống
còn!
Tôi kể
chuyện bé Nasha cho các nhân viên nghe, muốn mọi người cùng giúp
sức tìm ra phương cách kiếm tiền giúp cha đứa bé có đủ tiền để
trị bệnh cho con, các nhân viên cùng đồng lòng để một két nhỏ
ngay quầy tiền của những tellers
[thu ngân viên], bên dưới đề gây
quỹ cho Nasha, bảy tuổi, bị Leukemia [ung thư máu], nằm điều trị
tầng ba. Riêng tôi, kể từ hôm nay sẽ bỏ giờ cơm trưa của mình lên
kế hoạch gọi phone đến những người tôi quen biết, giàu có, có
trái tim nhân hậu, muốn giúp đỡ người thiếu may mắn...
Hình ảnh bé
gái Nasha nằm ngoẹo đầu trên giường bệnh tầng ba mãi ám ảnh trong
đầu óc tôi, tôi muốn bé sẽ thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo này.
Tôi sẽ làm mọi thứ để cứu cô bé tội nghiệp ấy!
Trái tim tôi thật nhói đau mỗi khi nhớ
về bé Hải Âu, tôi muốn chuộc lại lỗi lầm! Muốn trả lại món nợ mà
tôi cảm thấy như mình là người gián tiếp gây ra cái chết đầy đau
thương này:
Những năm tháng đầu tiên khi tôi vừa xin được vào ngân hàng, tôi
bận rộn làm việc ngay cả những giờ overtime
[giờ làm thêm], ngày
nghỉ lễ, tôi cũng nhận làm để chứng tỏ thành tích và khả năng của
mình với cấp trên; tôi tích lũy được một số tiền kha khá để dành
cho tương lai.
Chị Lài, người mẹ đơn thân, có một con
trai tên Hải Âu, năm tuổi, cùng đi nhà trẻ với con trai tôi, hai
đứa chơi rất thân, mỗi lần tôi đi làm về trễ thường nhờ chị đi
đón con tôi về nhà chị cho đến chiều khi tôi đi làm ra mới đến
đón con, con tôi được chị chăm lo, cho ăn uống tắm rửa sạch sẽ,
tôi đón con về chỉ cho nó ngủ mà thôi. Chị yêu con tôi như chính
con chị, được một năm khi hai trẻ sáu tuổi thì vào lớp một.
Con tôi học giỏi, nhanh trí bao nhiêu
thì con chị lại cứ hay lo ra, mệt mỏi, và ngủ trong lớp, đến nỗi
nhà trường phải gọi chị lên và yêu cầu chị cho cháu đi bác sĩ xem
sao, vì cháu học không vô, như người kiệt sức; khi đến nhà thương
nhi đồng, họ phát hiện ra cháu bị ung thư máu, leukemia!
Chị đau khổ, than khóc, và cho bé nghỉ
học để điều trị.
Trong những lúc khổ sở cùng cực nhất,
chị đã gọi đến tôi, tôi vì mắc bận làm việc, bao nhiêu tâm huyết
tôi đã để cả vào sự nghiệp. Lúc ấy vợ chồng tôi vừa mua nhà mới,
không còn ở cùng khu với chị nữa, con trai tôi được ông bà ngoại
chăm lo vì gần nhà.
Tôi nhớ chị đã cầu khẩn tôi:
– Chị không có ai ngoài em, xem gia
đình em như em ruột của chị vậy, chị đã thương thằng con em như
con trai Hải Âu của chị... Chị biết em đi làm cực khổ, kiếm tiền
không dễ, nay con chị ở trong hoàn cảnh giữa cái sống và chết rất
mong manh, chị nhờ em... chị thật ngại khi nói ra...
– Chị muốn gì
cứ cho em biết, nếu trong khả năng em sẽ giúp chị!
– Chị muốn... em cho chị mượn 50
ngàn...
– Năm
chục ngàn?!... Làm sao em có một số tiền lớn như thế chứ!
– Chỉ có em mới giúp được chị thôi! Em
làm ơn... làm ơn cứu thằng bé...
– Chị hãy bình tĩnh, khóc than không
giải quyết được gì, hãy kể cho em nghe chuyện gì xảy ra đi?
– Nhà thương bảo chị phải trả 75 ngàn
để họ làm nghiên cứu thử nhóm máu với tủy sống của những người
tham gia gì đó mà chị không hiểu nhiều về y khoa lắm thì cháu mới
có cơ hội sống sót, còn nếu chỉ chữa xạ trị bình thường thôi, thì
khả năng khỏi hết bệnh sẽ không cao. Mình phải trả thêm chi phí
cho những bệnh viện tư thì họ làm mới nhanh được, insurances
[bảo hiểm sức khỏe] chị mua cho cháu cũng không nhiều, chị
thật sự rất túng thiếu...
– Em... cũng có con nhỏ, phải để dành
tiền cho chúng đi học và lỡ có chuyện gì cũng còn phải xoay sở
chứ, căn nhà tụi em mới mua nữa, làm gì có 50 ngàn khơi khơi cho
chị mượn...
–
Chỉ cầu khẩn em, hãy giúp chị, vì ngoài em ra chả còn ai nữa!
– Chị có thể mượn ngân hàng, em sẽ làm
một cái loan cho chị vào ngày mai nhé.
– Không! Chị không muốn đâu!
– Tại sao? Chỉ có ngân hàng mới có số
tiền ấy cho chị mượn thôi.
– Hay em... có thể đứng tên em dùm chị
được không?
–
Chị sợ gì mà không dám đứng tên? Em sẽ làm cho mà, em sẽ làm hết
giấy tờ và sẽ đem về cho chị ký tên thôi.
– Không đâu, chị sợ để tên mình rồi sau
này lỡ chị không trả được thì sao? Họ lại... truy nã, bắt bớ
chị...
– Chị
nghĩ cái gì vậy chứ, bây giờ con chị đang bệnh, chị phải mượn
tiền ngân hàng, sau này đi làm trả lại cho họ! Còn em, em không
thể nào cho chị mượn được vì em còn mang nợ chất chồng đây và còn
con em nữa... Đó là tất cả em có thể giúp chị, chị hãy suy nghĩ
và cho em biết nhanh nhất nhé.
Chị Lài vẫn mang ý nghĩ là không thể đi
làm trả tiền cho ngân hàng được trong tương lai, và nhất quyết
muốn tôi phải cho chị mượn tiền riêng của mình, hoặc chính tôi
phải đứng ra mượn tiền ngân hàng dưới danh nghĩa của mình. Tôi
vừa bận rộn làm việc ngày đêm, lại vừa không vui lắm khi bị chị
Lài ép mình làm chuyện “ngược đời”, tôi tránh không cầm phone
[điện thoại] mỗi lần chị nhắn tin.
Những lúc chị thất vọng, đau khổ nhất,
tôi đã vô tình làm ngơ!
Bốn tháng sau, trong lúc đang họp,
chồng tôi để lại một tin nhắn:
“Đi làm về, anh hẹn em đến thẳng nhà
quàn Urgel Bourgie trên đường X nhé, bé Hải Âu đã qua đời.”
Tin này như một mũi dao nhọn đâm thẳng
vào tim tôi, vô cùng bàng hoàng, nhói đau, tôi đã bệnh một tuần
nằm liệt giường, tự trách mình và nỗi đau tội lỗi ấy mãi đeo đuổi
tôi cho đến ngày hôm nay.
***
Hình ảnh bé Nasha còn tội nghiệp hơn
thế nữa, vì mẹ bé vừa qua đời, cha chân ướt chân ráo đến một đất
nước còn rất lạ lẫm, đã phải bươn chải để cứu lấy mạng sống của
con gái.
Tôi
muốn chuộc lỗi, thực sự rất muốn chuộc lại lỗi lầm đã gián tiếp
gây ra sự ra đi mãi mãi của bé Hải Âu, tôi mong bé ở trên cao tha
lỗi cho tôi, cầu mong bé sớm đầu thai vào một gia đình khá giả,
được yêu thương, và hạnh phúc hơn. Cũng cầu xin bé hãy giúp tôi
làm cho việc gây quỹ này được thành công để cứu bé Nasha, cũng
như các cháu bé khác thoát khỏi cảnh bệnh hoạn đau đớn của cuộc
đời trầm luân này.
Nhờ những buổi chiều tôi ở lại gọi
“cầu cứu” đến những nhà hảo tâm mà tôi quen biết, quỹ “gofundme”
đã dần đạt được gần con số 115k, khách hàng đến quầy két làm việc
của chúng tôi, ai cũng bỏ tiền vào đấy, người thì 50, kẻ 100,
200, bao nhiêu tôi cũng cám ơn, không phải là số tiền họ bỏ vào
hộp két mà chính là trái tim, lương tâm con người, tôi thật mang
ơn họ.
Riêng
chi nhánh ngân hàng tôi, số tiền đã là 15k, cả chị lao công quét
dọn buổi tối cũng bỏ vào hộp $50.00, lúc đó tôi thật cảm động đến
rơi nước mắt!
Chuyện tôi quyên tiền cho bé Nasha một tuần sau đã đánh tiếng
vang đến ông tổng giám đốc của ngân hàng, ông đã gọi xuống tôi,
giọng dõng dạc:
– Cô lại làm chuyện bao đồng nữa phải
không?
Tôi sợ
sẽ làm ông giám đốc hiểu lầm, nên vội vàng giải thích:
– Tôi xin lỗi... tôi không hề lấy giờ
của ngân hàng kêu gọi từ thiện đâu, tôi đã ở lại để gọi đến
những người tôi quen biết, đây là những khách riêng của tôi, chứ
cũng không phải khách của ngân hàng đâu ạ!
Ông ta bỗng chuyển chủ đề:
– Tôi nghe nói cô làm nhiều chả giò để
lấy lòng khách hàng phải không?
– Không đâu ạ, đây là chính trái tim
tôi mách bảo thôi, nhân viên của tôi quá dễ thương, nên cuối năm
tôi phải trả ơn họ một chút thôi...
– Vậy tại sao cô cũng tặng cho những
bác sĩ, y tá nữa đấy?
– Ủa... mà sao ông biết vậy?
– Làm sao mà tôi không biết, tôi có tai
mắt khắp mọi nơi mà...
– Dạ... thì cũng là tôi quý họ, họ đã
đem bao nhiêu khách mới làm dịch vụ với mình, mình phải có gì
tặng họ Tết nhất chứ!
– Cô cũng biết... ngoại giao nhỉ!
– Xin lỗi ông... tôi...
– Quỹ Nasha còn thiếu bao nhiêu nữa?
– Chúng tôi đã quyên được khá lắm rồi,
bây giờ chỉ còn thiếu khoảng 20k nữa là đạt được con số mong muốn
thôi ạ.
– Nếu
bây giờ ngân hàng bỏ vào 25 ngàn... cô nghĩ sao?
Tôi tưởng như tai mình nghe lầm, lắp
bắp:
– Ông
nói... nói sao ạ?... Xin ông lặp lại...
– Tôi nói sẽ nhờ cô thủ quỹ chuyển
thẳng vào “gofundme” 25 ngàn, cô thấy đủ chưa?
– ... Thật không?
– Cô tưởng tôi nói giỡn hả? Sống phải
có trái tim chứ!
– Ông làm tôi cảm động quá... Tôi cám
ơn ông... tôi...
– Nếu cô muốn cám ơn tôi thì hãy làm
cho tôi 100 cuốn chả giò được không?... mà phải lấy tiền đó nhé,
vì nghe nói cô cứ làm cho người ta không thôi.
– Ông muốn tôi làm cho ông 200 cuốn tôi
cũng tặng không nữa đó! Ông thật quá dễ thương và có trái tim
nhân hậu ạ!
–
Không đâu, chính nhờ cô đấy! Thật ra... ông giám đốc nhà thương
đã điện thoại cho tôi, ông khen cô không ngớt lời, là một giám
đốc có lòng nhân ái, ông ta kể về cô cho tôi nghe, chính cô đã
cho tôi cái suy nghĩ là ngân hàng mình đã sống nhờ vào nhà thương
này mấy chục năm qua, mà chưa bao giờ mình đền ơn đáp nghĩa họ
cả, nay đúng là dịp tốt. Người cám ơn cô phải là tôi đấy!
– Tôi... tôi rất cảm động và sẽ làm cho
ông 200 cái chả giò vào tuần tới nhé.
– Ah mà thôi, cô cứ chia ra thành hai
gói mỗi gói 100 chả giò đi, vì tôi sẽ đem cho bà giám đốc nhân sự
100 cái.
Một
tiếng sau, tôi có một đơn đặt hàng với 1,000 cái chả giò cho toàn
ngân hàng. Kỳ này tôi được mọi người trả tiền làm chả giò thật
hậu hĩnh nên chắc cũng phải trả cho ông chồng làm uber
[lái xe]
giao hàng đến nơi đến chốn một món tiền không nhỏ rồi đây!
***
Vào một buổi chiều ngày thứ sáu tháng
hai năm 2023, một năm sau ngày quyên góp quỹ Nasha kết thúc.
Tôi đã được đổi đến một chức vụ khác
cao hơn trong cùng một ngân hàng, không còn làm trực tiếp với
khách hàng nữa mà chỉ giữ những phần đầu tư của họ. Lúc ấy tôi
cũng đang sửa soạn nghi hưu.
Bất ngờ cô receptionist [lễ tân] phone
vào báo cho tôi biết có một người khách muốn gặp tôi rất quan
trọng, họ đang chờ tôi trong phòng khách.
Khi tôi bước vào, tôi thấy một cô gái
với mái tóc vàng dài óng ả, cuộn thành lọn, mặc chiếc áo đầm vàng
có ren như công chúa, cô bé khoảng 8, 9 tuổi, đi bên cạnh một
người đàn ông khoảng 30–35 tuổi, mặc bộ đồ quân phục, tay ôm một
bó hoa to đủ màu sắc.
Thấy tôi, cả hai vội đứng dậy, người
đàn ông tự giới thiệu bằng tiếng Anh:
– Tôi là cha của Nasha, sức khỏe của
cháu đã khá tốt lên mỗi ngày, đang được theo dõi, nhờ vào quỹ mà
bà đã bỏ nhiều công sức lo cho cháu cách đây hơn một năm. Chúng
tôi thật may mắn, đến đây để cám ơn bà và những người bạn của bà
đã cho cháu một món quà thật quý mà suốt đời này chúng tôi không
bao giờ quên ơn.
Cô bé trao cho tôi bó hoa, kiễng chân
lên ôm lấy tôi và hôn lên đôi má tôi; tôi không nói được lời nào,
ôm lấy cô bé, áp vào người mình, nghe trái tim nhỏ nhắn đập nhẹ
nhàng mà cả lòng rộn ràng hạnh phúc, nước mắt long lanh.
Tôi đã chuộc lại lỗi lầm, đã trả được
phần nào tội lỗi đã đeo bám tôi suốt bao năm qua.
Người trồng cây hạnh người chơi
Ta
trồng cây Đức để đời mai sau
Người lo
xây đắp sang giàu
Ta vun Đạo đức dồi
trau tâm mình.
(TTT)
Sỏi Ngọc
(Jan. 2025)
nguồn:
sài gòn nhỏ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by ppl chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, January 22, 2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang