Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Phiếm
đầu xuân
Chủ đề:
12 con Giáp
Tác giả:
BP
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lúc nhỏ, tôi
là một đứa bé có nhiều thắc mắc làm người bị hỏi khó trả lời:
“– tại sao gọi là viết máy?
– Có thấy máy gì đâu?
– Viết nguyên tử
có giống bom nguyên tử?
– Tại sao gọi
‘ăn’ Tết?
– Tại sao thằng con trai (đã
‘thằng’ lại thêm ‘con’)?
– Tại sao gọi
xe lôi (miền Tây), ai ‘lôi’?”, v.v.
Một trong số những thắc mắc vẫn còn
theo tôi mấy chục năm sau, là “12 con giáp”.
Như nhiều người, tôi cứ nghĩ “12 con
giáp” là thú Việt, gốc Tàu đến hôm, đọc một bài viết trên “mạng”
mới biết, rất có thể là Tàu vay mượn Ta, căn cứ vào cách gọi,
(bộ) chữ viết tên các con thú và sự khác biệt “thỏ” (Tàu)/”mèo”
(Ta). Mặc dầu những lý do đưa ra của nhà ngôn ngữ học Nguyễn cung
Thông không thuyết phục (tôi) gì mấy nhưng nó cho biết một xuất
xứ mới về nguồn gốc “12 con giáp”! Có thể lắm chứ. Cho đến nay,
tôi vẫn chưa đọc được một giải thích nào “khả tín” về chuyện này!
Tại sao lại “chuột, trâu, cọp... heo” mà không là những con khác?
Con bò, con beo, con kiến, con chim, con bướm, v.v.?
– Tại vì đó là những con vật “thân
thiết” với ta, giúp đỡ ta, nhưng vẫn bị ta ăn thịt dài dài (“giúp
vật, vật trả ơn / giúp nhơn, nhơn ăn thịt”!), ngay cả con... Rồng
(“gan rồng”!)? Tại sao lại là thú vật mà không là... các loài
khác?
– Loài
hoa chẳng hạn. Cúc, Đào, Hồng, Huệ, Lan, Mai, Hải–Đường, Sim,
v.v. chả đẹp hơn Tý Sửu Dần... sao? “Dạ, em sinh năm Quý Đào”,
nghe chả đỡ quê hơn Quý Mùi sao?, v.v.
“Thập nhị... thú quân” không chỉ xuất
hiện trong lịch Tàu và các quốc gia chịu “ảnh hưởng” nó (Nhật,
Hàn, Việt) mà còn ở các quốc gia có nền văn hóa/văn minh khác:
Miên, Thái, Miến, Ba Tư, v.v. Nếu lấy 12 con giáp Tàu làm căn bản
thì Miên giống Tàu. Trong khi:
– Việt: Mèo (thay vì Thỏ);
– Hàn: Cừu (thay vì Dê);
– Nhật: cừu (thay Dê), heo rừng (thay
heo–nhà);
–
Thái: Rắn hổ–mang Naga (thay Rồng);
– Mã Lai: hươu chuột (cerf–souris) thay
cho “thỏ”, rùa thay cho “heo” (có lẽ Hồi giáo không ăn heo?);
– Ba Tư: Cá voi thay cho Rồng, v.v.
Riêng Miến Điện thì “nghèo nàn” hơn,
chỉ có 8 con thú:
– Ca–Lâu–La (chim thần),
– Cọp,
– Sư Tử,
– Voi (có ngà),
– Voi (không ngà),
– Chuột,
– Naga (rắn thần).
Trong đó có 2 bà chằn lửa: Cọp cái Biên
Hòa (cọp 3 móng!), Sư Tử Hà Đông, và 2 ông (?) có vòi: có nanh
(ngà)/không nanh!
12 con giáp
Việt Nam:
– Là
Âm Dương hòa hợp, lần lượt xen kẽ. Hễ Dương trước: Tý, thì Âm
sau: Sửu, v.v. Nhái theo một lời hát Y Vân (Anh đâu, em đó)
“Dương ở đâu thì Âm ở đó”. Có điều, Mùi thuộc Âm (?!), thành ra
cái tên Dương Dê Mùi (họ Dương, tên Mùi) không có “cơ sở”! Phải
Vương Dê Mùi đọc theo Nam kỳ giá sống thôi!
– 7 con có “4 chân” (tý, sửu, dần, ngọ,
mùi, tuất, hợi).
– Một con 2 chân (gà: móng thường, móng
đỏ).
– Hai
con: lúc 2, lúc 4 chân là mèo (ngủ trong góc hay mèo “ngáy ngủ
trên tay anh”), và
– khỉ: 4 chân lúc chạy, leo trèo; 2
chân (2 tay) lúc làm trò... khỉ, và
– 2 con khuyết tật (không có chân,
chẳng cánh): thìn, tỵ.
– 2 cặp “đi đôi nhau cũng là ‘bà con’
nhau (giống nhau): cặp Dần/Mẹo, cặp Thìn/Tỵ (thân vừa có vảy,
vừa... dài, một tung hoành trên không, một uốn éo sát đất).”
Tuy trúng tuyển vào danh sách 12, được
dùng để lấy số tử vi, đoán mạng, dựng vợ, gả chồng, được đi vào
“văn học sử”, v.v. nhưng 12 con, con nào cũng bị thiên hạ... chửi
lia chia: Hôi như Chuột. Ngu như Trâu (Đàn gảy tai Trâu). Dữ như
Cọp. Ăn vụng như Mèo (khác với ăn vụng với mèo). Lộn... xộn như
Rồng! Ác độc như Rắn. Mất nết như Ngựa (đĩ ngựa). “Dê” như... Mùi
(khác với mùi như Dê). Phá như Khỉ. “Ấy” như Gà. Bị chửi như Chó
(đồ chó đẻ, chó chết, con đĩ chó). Dâm (dơ) như Heo (phim con
heo, làm trò con heo) hay ăn như Hạm! 12 anh, anh nào cũng bị
“nhân dân” đấu tố! Nên tôi không hiểu sao “12 con giáp không
giống con nào!” lại là một câu mắng?!
Cùng với Adam và Eva, Rắn là con vật
xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thánh, là hiện thân của Xấu và Tốt,
của giết người và cứu người! 33% nhân loại sợ rắn (ophiophobie)
nhưng không biết trong 33% đó, bao nhiêu phần trăm là Kinh Sợ
Nhất? Bởi vì tôi thuộc vào cái phần trăm “kinh sợ” đó! Khi có trí
khôn thì tôi đã sợ loài bò sát rồi (trừ “bò sát... lại gần anh tí
nữa đi em”/ca khúc của Mặc thế Nhân), nhất là con Rắn!
Rắn là con giáp xuất hiện nhiều nhất
trong nhiều lãnh vực:
1. “Lịch sử”
(Giai thoại “Lệ Chi viên”)
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông Ngô
Sĩ Liên ghi: “4/8/1442, vua Lê Thái Tông (19 tuổi), trên đường đi
tuần thú về, ghé vườn ‘vải’ nghỉ qua đêm. Sáng ra, cận thần khám
phá vua chết! Ở bên vua suốt đêm chỉ có bà Nguyễn thị Lộ (42
tuổi?), vợ thứ của Đại Thần Nguyễn Trãi. Bà Lộ văn chương, tài
sắc vẹn toàn nên rất được vua yêu mến, phong làm Lễ Nghi Học Sĩ
để dạy các cung nữ, nhưng, nghe nói, Thái Tông cứ vời vào cung
làm... ‘lễ’ với vua hoài hà! Vì là người duy nhất kề cận trước
khi vua chết nên ‘cô giáo’ Lộ bị triều đình kết tội giết vua.
Nguyễn Trãi cũng bị vạ lây! Cả hai bị hành hình, gia đình cụ
Nguyễn bị ‘tru di tam tộc’. Đến đời Lê Thánh Tông (cháu nội Lê
Thái Tông), cụ Nguyễn mới được vua phục hồi tước vị vì cho rằng
Cụ bị hàm oan!”
Tương truyền kiếp trước bà Lộ là con
rắn con, mẹ bị Nguyễn Trãi đập chết nên đầu thai thành cô bán
chiếu gon Tây Hồ, chờ dịp báo thù. Nhờ đối đáp thơ với Nguyễn
Trãi:
“...
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có
chồng chưa được mấy con?”
Thị Lộ: “... Xuân xanh vừa độ trăng
tròn lẻ (16 tuổi?)
Chồng còn chưa có, có
chi con! ”.
Nên được quan mến, quan yêu, cưới về làm thiếp.
Về cái chết của vua: có nghi vấn cho là
ông vua trẻ bị “thượng mã phong” (ở tuổi 19?!), nghi vấn khác bảo
bà Lộ (42 tuổi) thuốc vua, v.v. Không có nghi vấn nào đáng tin cả
(không có chứng cớ)! Bà Lộ chỉ là cái cớ để người ta giết cụ
Nguyễn. Vụ án “vườn vải” là một cuộc “soán ngôi, giết Đại thần”.
“Rắn báo oán” là chuyện mấy ông râu quặp có vợ tuổi... Tỵ đặt ra
để “báo thù” thôi!
2. Tôn giáo:
Trong Thiên Chúa giáo, rắn là con vật
mà Đức Chúa Trời “yêu cho roi, cho vọt”. “Yêu” nên rắn (đồng)
được đưa ra như biểu tượng của sự khôn ngoan (Mt, 10, 16) và cứu
người trong sa mạc (Ds, 21, 4–9). “Cho roi, cho vọt (‘sẽ bò bằng
bụng và ăn bụi đất trọn cả đời’ (Kinh Thánh) vì nó đã xúi cô Eva
ăn trái cấm, rồi Eva lại ‘dụ khị’ Adam (một người dễ thương, dại
khờ, cả tin bạn gái (khác với ‘dại gái’) nên ‘ghé răng cắn vào’,
để rồi thấy ‘sự thật’ không quá đỗi phũ phàng (nhờ đó mà biết thế
nào là nét quyến rũ của những ‘tuyết lê/bồng đảo’, v.v.”)
Ôi, ngay người–đàn–ông–đầu–tiên Chúa
tạo, đã “khổ sở (?)” vì cái... xương sườn, thì con cháu họ...
cũng vậy, là phải quá rồi!
Trong Phật Giáo, rắn được xem như một
Linh vật. Trong Phật Giáo Đại Thừa (Tàu, Việt, Nhật, v.v.) rắn
được đồng nhất với rồng nên có thuyết cho rằng khi Phật đản sinh,
có con rồng 9 đầu phun nước thơm tắm Phật. Hình ảnh Rồng xuất
hiện nhiều trong kiến trúc chùa chiền. Ngược lại, trong Phật Giáo
Tiểu Thừa (Miên, Thái, Lào, Miến, v.v.), chỉ thờ rắn thần Naga
(Mãng Xà) vì theo truyền thuyết, khi Đức Phật đắc đạo, một hôm
mưa bão tơi bời, thì rắn Naga (7 đầu) từ ở cây Mucalinda, nơi Đức
Phật ngồi, chui ra, uốn quanh Ngài nhiều vòng, dựng thành một bức
tường cao chắn gió, và dương 7 cái đầu của mình làm tán che mưa
cho Phật. Hình, tượng rắn xuất hiện đầy dẫy trong kiến trúc các
chùa Nam Tông.
3. Y học:
So với Đông
y, rắn không được “dụng” nhiều trong dược phẩm (thuốc Tây) (?).
Nhưng nó lại là biểu tượng của “corps medical” (Y, Dược).
Y: rắn
quấn quanh cây gậy; Dược: rắn quấn quanh ly. Theo truyền thuyết
Hy Lạp, rắn tượng trưng cho các vị thần “danh y” (như thần
Asclepius và con gái ông: thần Hygieia). Trên thực tế, nọc rắn
được y giới “dĩ độc trị... bệnh”, cũng như chuyện lột da của nó
được xem như một “tái sinh”, như “thầy thuốc cứu người”! Chọn
biểu tượng rắn quấn quanh ly thuốc thì tôi hiểu nhưng tại sao lại
chọn cây gậy để quấn? Có phải để nêu lên ý nghĩa vị tha “lấy tình
thương xóa bỏ hận thù” của rắn, bị đập nhưng vẫn quấn quanh cây
“Đả... tỵ bổng” của người “đánh... nó phải đánh dập đầu”?
2 con rắn quấn quanh cây gậy thì lại có
ý nghĩa khác. Đó là biểu tượng của thần Caduceus (?), vị thần của
thương mại và giao tiếp, biểu tượng cho những tổ chức, những sản
phẩm y tế.
Nếu
Thánh Tổ Quân Y Việt Nam Cộng Hòa là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu
Trác thì huy hiệu của Quân Y VNCH là một con rắn độc... đáo:
“Quên mình–Cứu người”! Xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ đến những
Quân nhân (Bác sĩ, Y Tá, v.v.) Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
đã hy sinh trên chiến trường!
4. Quân sự:
Ngày 20/12/1967 là ngày mà một Tiểu
đoàn thuộc Trung
Đoàn Mãng Xà Vương (Thái Lan), dù bị 2 Tiểu đoàn
Việt cộng tập kích bất ngờ, nhưng đã chống trả mãnh liệt, gây tổn
thất nặng nề cho địch, mang đến chiến thắng ở Bàu Nâu (Long
Bình/Biên Hòa).
5. Thực phẩm:
Trong những món “khoái khẩu, tới luôn”
của “dân nhậu” miền tây, là món thịt rắn (cần chi cá lóc, cá trê.
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều): rắn xào sả ớt, rắn cuốn
lá lốt nướng, cháo rắn hổ đậu xanh, rắn nướng muối ớt, rắn dồi,
rắn kho tương, rắn xé phay, rắn xào rau ngố, rắn lăn hầm sả, v.v.
Năm đệ ngũ, tôi được “Thầy” tôi dắt về
quê, thăm một người bạn học thời niên thiếu của Thầy tôi. Ở đây
tôi được ăn gỏi rắn, rắn nướng, và cháo rắn hổ. “Xà thực” thì
phải đi đôi với “xà tửu” (trừ tôi!), được rót ra từ một hũ lớn
ngâm nguyên một con rắn (!), là thứ rượu “ông uống bà khen hay”!
6. Điện ảnh:
Cùng với Ngựa và Chó, Rắn cũng là một
“minh tinh” trong thế giới điện ảnh. Thanh Xà–Bạch Xà là một
trong những phim Tàu nổi tiếng ở miền Nam ngày xưa. Không những
thế, rắn còn là một vũ nữ tuyệt vời, uốn éo, lắc lư theo “tiếng
sáo thiên thai” Ba Tư, Ấn Độ.
7. Võ Hiệp:
Như Hổ quyền, Hầu quyền, Xà quyền là
một trong những thế võ nổi tiếng, dựa theo cách di chuyển (uốn
lượn, trườn nhanh, phóng xa...), cách ra quyền: bàn tay gập lại
như đầu rắn, lối tấn công (quấn siết, cắn, mổ...), v.v. của Rắn.
Trong các bộ: Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng
Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp; có lẽ Bạch Đà Trang chủ Tây Độc Âu
Dương Phong là một cao thủ bị nhiều người ghét nhất vì độc ác.
Đối nghịch 180˚ với ông là Bắc Cái Hồng thất Công. Từ tánh tình
đến võ công. Nếu Giáng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng là 2
tuyệt chiêu của Bắc Cái thì Hàm Mô Công và Linh Xà Quyền (thêm vũ
khí là cây Xà trượng với hai con rắn độc ở đầu) là hai tuyệt
chiêu của Tây Độc. Võ học hai ông là Rồng với Rắn nhưng hai ông
như Chó với Mèo, gặp nhau là gây lộn rồi đánh lộn. Trận đấu sinh
tử trên núi Hoa Sơn, kéo dài mấy ngày đêm vẫn bất phân thắng bại.
Trọng thương, hết sức, hai ông già quay sang đấu võ miệng (truyền
chiêu thức) qua Dương Qua. Cuối cùng, khi hóa giải một tuyệt
chiêu của Bắc Cái, Tây Độc bỗng hết điên. Và hai cao thủ Tây, Bắc
ôm nhau, cùng nhau cười cho đến chết! Một kết thúc tuyệt vời, đầy
nhân bản, của Kim Dung!
8. “Xiệc”
Tôi gọi “xiệc” vì không biết dịch
“spectacle” (ở đây) là gì!
Ấn, Miên, Thái là 3 xứ tôn thờ Rắn nhất
Châu Á. Nhưng chỉ có người Thái là vừa thờ vừa “thương”. Thương
nên mới vuốt ve, hôn hít. Tưởng đâu chỉ đối với rắn “hiền” nhưng
mới hôm rồi, lần đầu tôi thấy, trong một phóng sự truyền hình,
nói về ngôi làng Mãng Xà Vương (village des Cobras Royaux) “Ban
Kok Sa–Nga” ở Thái, về sinh hoạt hằng ngày với Rắn, về một buổi
trình diễn “rắn” cho du khách, với cái đinh buổi “spectacle” là
màn “hôn rắn hổ mang”: chum môi hôn lên đầu rắn! Rắn hổ mang là
một trong những loài rắn cực độc (Vua mà!)! Không cần đến “phập”,
chỉ cần nọc nó phun (có thể đến 2m!) văng vào mắt là từ “lờ mờ
nhân ảnh” đến chỉ thấy “một màu đen” (mù). Đã có mấy người “sinh
nghề tử nghiệp” trong màn trình diễn này. Người hôn rắn trong
phóng sự cho biết, mỗi lần trình diễn, anh kiếm được 12€! Mạng
sống một người Thái Lan bằng giá một bao thuốc Pháp! Đó là Thái
Lan. Còn Việt Nam?!!! Một nghệ sĩ nhí khác, 8 tuổi, trình diễn
màn “chơi với rắn (hiền)” thì được trả 4€. Mộng ước của em là lớn
lên sẽ hôn Rắn Hổ Mang như “niên trưởng 12€”. Cầu xin trong tương
lai, “lần đầu em ghé môi hôn” sẽ không là lần cuối. Không bao
giờ!
9. Văn
chương:
Văn:
Nói về tên Rắn, trong sách xuất bản hải
ngọai, có tác phẩm “Rồng Rắn” (1989) của Lê thị Huệ (1953), viết
về những thành viên của một gia đình di cư, sống ở Hội An, trong
bối cảnh của một miền Nam nhiều biến động, thập niên 60s–75s. Tuy
tác giả gọi là truyện dài, nhưng lại chia thành nhiều “tiểu
truyện”, có thể đọc riêng biệt nhau, không cần theo thứ tự. Quốc
nội có “Nhật ký Rồng Rắn” của Trung tướng cộng sản “phản kháng”
Trần Độ (một trong những lý thuyết gia của Đảng, thập niên
50s–60s!) viết trong hai năm Thìn (2000) & Tỵ (2001), chỉ trích
Đảng. Ông Trung tướng bị khai trừ khỏi Đảng, bị Công An theo dõi
24/24, v.v. Nhiều người khen ông can đảm, trung thực. Riêng tôi
thấy, trước nhất, đó là chuyện “nội bộ đảng”, thay vì đóng cửa
dạy nhau, thì ông Trần công khai “lên tiếng”. Ông chê bai chính
quyền nhưng “vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị
của Đảng” (!). Ông đồng ý với con đường “Bi Đát” đã áp đặt một
chủ nghĩa ngoại lai trên đất nước! Chuyện “giải phóng miền Nam”,
với ông, vẫn là chuyện “phải làm”!
Câu đối:
Trong các câu đối “Rắn” người ta thường
nêu 2 câu dưới đây của bà Đoàn thị Điểm (xuất) và ông Trạng Quỳnh
(đối):
“Cây
xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long
Trái dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử.”
Câu xuất của bà Điểm: 20/20 điểm! Chữ
Hán, chữ Nôm, vần hợp, âm kêu, nghĩa đen, nghĩa bóng! Câu đối của
ông Quỳnh khá chỉnh. Chữ: “trái” đối “cây”. Chuột/Thử (tiếng Hán)
đối Rồng/Long (chữ Hán). Nghĩa: “long” (không chặt) được đối bằng
“thử” (làm thử). Âm: “chuột/tuột” đối “rồng/trồng”. Câu trên
Rồng/Rắn, câu dưới: Dưa chuột/dưa gang (“gang tay” trong câu đối)
Có một “version” khác, tuy ít được nói
tới, nhưng tôi thấy chỉnh hơn:
“Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn
hoàn long
Trái dưa chuột, vuột miệng
mèo, thử chơi thì thử.”
Cặp “mèo” đối “rắn” (thú) hay hơn
“gang” (trái cây) đối “rắn” (thú). Nhưng đó chỉ là “rắn” theo
nghĩa danh từ. “Rắn”, nghĩa tĩnh từ (rắn chắc), thì không version
nào đối được! Về âm: “chuột/tuột/thử” không đỡ nổi 3 âm
“rồng/trồng/long”!
Câu xuất của bà Điểm độc đáo nhưng còn
có người đối. Chả bù với câu dưới đây, của một hậu sinh “khả úy”
(thế kỷ 20, 21?), nghe nói, vẫn chưa gặp được “kỳ phùng”:
“Tối ba mươi, rắn nằm trên xà,
chuột bò tới xem thử,
rắn nuốt chuột
chẳng còn tí tị (Tý, Tỵ)”!
Rắn, xà, chuột, thử, Tý, Tỵ! Đối sao
đây?!
Thơ:
Năm 2013, đọc trên “mạng”, thấy mấy câu
Rắn mới, lạ (?), xin ghi lại đây để đọc cho vui, chứ tôi không
(dám) có ý kiến gì hết. Ghét/yêu, tùy người đối diện!
“Thanh trước xà nhi khẩu,
Hoàng phong vĩ thượng châm.
Lương ban
giai khả độc,
Tối độc phụ nhân tâm!
(Miệng của con rắn bị kẹt trong ống tre
từ nhỏ.
Trên cái đuôi của con ong vàng
Cả hai đều khá độc,
Nhưng cực kì độc là
lòng dạ đàn bà!)”.
Thơ về Rắn, từ mấy thế kỷ nay, e chưa
có bài nào qua mặt bài thơ của thần đồng Lê quý Đôn (1726–1784)!
Trong “Giai thoại làng Nho” cụ Lãng Nhân ghi:
“Hồi tám chín tuổi, một bữa Lê mải chơi
bỏ học, cha (Thượng thư bộ Hình Lê Phú–Thứ đời Lê dụ Tôn) gọi về
đét cho mấy roi, mắng:
– Đồ rắn đầu rắn cổ.
Lê đọc ngay tám câu Đường luật, mỗi câu
có tên một thứ rắn:
‘Chẳng phải liu điu, vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn,
hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát
cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng dối trá
Lằn lưng, đành chịu vọt năm ba
Từ rầy
Châu–Lỗ chăm nghề học (*)
Kẻo hổ mang
danh tiếng thế gia’.”
Đã gọi là “giai thoại” thì đọc cho
biết, cho vui, chuyện tác giả (thật, giả) là chuyện phụ. Đọc thơ
hay như gặp một... giai nhân. Thấy hay, thấy đẹp là đủ rồi. Cần
chi xuất xứ, tính danh. Cứ như Đinh Hùng:
“chửa biết tên nàng, biết tuổi nàng
mà sầu trong dạ đã hoang mang!”
Mấy cái khác là chuyện nhỏ! Nhưng phải
công nhận bài thơ tài tình quá! Mỗi câu có tên một loài Rắn. Cậu
Đôn quả là một đứa bé Rắn Mắt!
Thêm về xà:
Xà bát: rắn bò hình chữ bát,
Xà bần: rắn bần tiện,
Xà bông: rắn yêu
bông,
Xà cạp: rắn thích cạp (hơn cắn),
Xà cừ: rắn cừ khôi,
Xà lan: rắn bị bệnh
truyền nhiễm (lây lan),
Xà lách: rắn lái
Honda ở Sài Gòn,
Xà lệch: rắn ăn nói
lệch lạc,
Xà lô (salaud): rắn lái... hủ
lô,
Xà lê: rắn ngồi lê đôi mách,
Xà lỏn: rắn hay cười lỏn lẻn/Xà rông (là “ông” xà lỏn),
Xà lim: rắn ngủ lim dim,
Xà nhà: rắn
trong nhà,
Xà niểng: rắn “xỉn”,
Xà nẹo: rắn uống bia ôm,
Xà ngang: rắn
ngang ngược,
Xà ngầu: rắn “anh chị”,
Xà ích: rắn làm tài xế xe... ngựa,
Xà
quần: quần rắn,
Xà quyền: như nhân
quyền, là quyền của Rắn,
Xà chưởng: bàn
tay... rắn, v.v.
Ca dao, thành ngữ:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
Tuổi Tỵ rắn ở bọng cây
Nằm khoanh trong bụng có hay chuyện gì.
Đi đâu gặp rắn thì may (?)
Về nhà gặp rắn thì hay bị đòn (?).
(chắc lấy ý câu: “đi đâu gặp... rượu mà
say, về nhà gặp...vợ thì hay bị đòn”?)
Hang hùm, miệng rắn: nơi nguy hiểm
Cõng rắn cắn gà nhà (vác rắn thì đúng
hơn/ Không tay, chân làm sao cõng?) = Rước voi về dầy mã tổ;
Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung;
Nói rắn nói rồng: dài dòng, toàn chuyện
vô bổ;
Vẽ rắn
vẽ rồng / Vẽ rắn thêm chân: bày đặt thêm nhiều chuyện cho thêm
rắc rối;
Rắn
trong lỗ bò ra: khéo ăn, khéo nói;
Rắn đổ nọc cho lươn: đổ thừa;
Đánh rắn phải đánh dập đầu: quân sự /
đánh ngay người chỉ huy;
Thao láo như mắt rắn ráo: soi mói;
Đầu rắn, mắt chuột: người gian xảo;
Khẩu phật, tâm xà;
Đầu rồng, đuôi rắn: lúc đầu phát, sau
lại suy!;
Rắn
già rắn lột, người già người chột vào hang: già thì phải chết;
Sư hổ mang, vãi rắn rết: sư vãi “quốc
doanh”;
Chém
rắn đuổi hươu: làm hại kẻ xấu lẫn người tốt;
Len lét như rắn mồng năm: mặt mày, thái
độ sợ sệt;
Xà
cung thạch hổ (thấy cây cung tưởng rắn, thấy hòn đá tưởng cọp):
đa nghi như Tào Tháo;
v.v.
o0o
“Long vĩ Xà đầu” là 4 chữ đầu của 4 câu
sấm Trạng Trình mà trước 1975, hầu như người miền Nam nào cũng
biết. Bởi người ta đã quá ngao ngán, mệt mỏi, vì cái sách lược
chính trị “khó hiểu” của Đồng Minh nhớn (đánh mà không muốn
thắng!), nên chỉ biết dựa vào “sấm” để lên tinh thần. Nhưng,
tưởng vậy mà không phải vậy. Với cái “thái–bình” áp đặt sau
Ất–Mão–75, “tỉnh mộng, sáng mắt”, nhớ lại, nghiệm lại, người Việt
Nam mới thấy mấy câu sấm đó “ứng” với Thế Chiến Thứ Hai hơn!
Ở miền Nam, “Tý vĩ Sửu đầu khởi chiến
tranh” với sự ra đời của “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” (Lính
Bắc, “Tên” Nam) ngày 20/12/1960 Canh Tý/quận Châu Thành (Tây
Ninh). Từ đó, chiến tranh bắt đầu lan rộng, leo thang, đưa đến
chuyện “Long vĩ xà đầu khởi đổ quân” của những người lính Lữ Đoàn
9 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, ngày 8/3/1965 Ất Tỵ, đổ bộ lên bãi
biển Phú Lộc (Đà Nẵng). 60 năm sau, Ất Tỵ 2025, vẫn chưa thấy một
viễn tượng “niên lai” thật sự nào cho Việt Nam! Làm sao “kiến
thái bình” khi vẫn còn những đàn áp, bỏ tù những người đấu tranh,
đòi hỏi nhân quyền, khi vẫn còn nhiều người tìm cách chạy ra khỏi
nước?!
Ngược
lại, năm rồi, nhiều người đã đặt lại câu hỏi “liệu sẽ có một thế
chiến thứ 3 không?”. Khi, hôm 21/11, “Chủ Tịch” Poutine ra lệnh,
lần đầu, bắn “thử” hỏa tiển Orechnik (không trang bị đầu đạn hạt
nhân) vào Ukraine, trả đũa việc Hoa Kỳ “cho phép” quốc gia này sử
dụng hỏa tiển bắn xa ATACMS, không kích các địa điểm quân sự ở
Nga (bắn vào nước người ta thì được nhưng cấm người ta bắn trả.
Đểu thế, Poupou?!). Đây cũng là một trả lời của Hoa Kỳ, sau khi >
10,000 lính Bắc Hàn do Poutine thuê, sang Nga “tiếp viện”! Đũa 2
bên trả qua, trả lại, chỉ có người dân Ukraine là ăn hỏa tiễn dài
dài! Chiến tranh Nga–Ukraine bước vào một mức độ mới, khốc liệt
hơn? Một số người Châu Âu bắt đầu nói đến chuyện “các hầm trú ẩn
hỏa tiễn nguyên tử (Nga)”.
Lại thêm một “Long vĩ Xà đầu”?!
– Tôi không nghĩ thế. Mà trái lại!
Xâm lăng một nước nhỏ như Ukraine mà
trên 3 năm rồi vẫn chưa đạt được những mục tiêu đặt ra, cho thấy
Quân Lực của Poutine không quá tinh nhuệ, hùng hậu như người ta
tưởng. Trước đây đã nhờ tổ chức đánh mướn Wagner, sau đó, thả tù
thành phần bất hảo chịu đăng lính, bây giờ thuê lính Bắc Hàn!
Không nói đến chuyện kiếm tân binh để bù đắp quân số hao hụt (đã
200,000 chết! **), chưa nói đến nền kinh tế thời chiến (tập trung
vào sản xuất vũ khí), đến số “tiền tử” khổng lồ phải trả cho gia
đình các binh sĩ tử vong. Kéo dài cuôc xâm lăng, chắc chắn sẽ tác
động đến cuộc sống người dân Nga (vật chất/tinh thần)! Dù nhất
quyết không lùi, nhưng “Ác thần” sẽ không có đủ khả năng, tiềm
lực, để tiếp tục cuộc chiến (một số chuyên gia ước định là khoảng
từ 12 đến 20 tháng!). Khi hăm he sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, là
lúc Poutine đã hết đường binh, phải mang “thần hộ mạng” ra hù.
Tôi tin là sẽ không một cường quốc quân sự nào trên thế giới (kể
cả láng giềng Tàu) chấp nhận chuyện Poutine vượt đèn đỏ (trừ Bắc
Hàn?) để “chết chùm cả đám”! Biết thế, nên Poutine đang tung hết
mấy thành công lực chơi cú chót, tấn công Ukraine ào ạt, chưa lúc
nào như lúc này. Để lấy thế thượng phong trước khi ông Trump vào
tòa Bạch Ốc. Và Tổng thống Zelensky, lần đầu, nói đến 2 chữ “đàm
phán”. Có thể, bước đầu, sẽ là một “ngưng bắn” kiểu “Hiệp Định
Paris (ai ở đâu, yên đó!!!) trong một thời gian”? Tỵ Ngọ niên lai
kiến “thái bình”? – Hy vọng thế!
Như một câu hát của Hoài An trong “Tâm
sự ngày Xuân” (1966), Tết là dịp để chúng ta “cùng xuân quên hết
những chuyện buồn năm đã qua”.
Long vĩ Xà đầu: tiễn
chân Rồng, bắt tay Rắn, xin ghi lại đây mấy câu thơ cổ, thay
cho lời “Cung chúc tân xuân”:
龙 驾 祥 云 门 接 福
蛇 浮 瑞 气 户 迎 春
Long giá tường vân môn tiếp phúc
Xà phù thụy khí hộ nghênh xuân.
(Rồng cưỡi mây lành, nhà đón phúc
Rắn dâng điềm tốt, hộ mừng xuân)
–(nguồn: internet)
BP
Tác giả ghi chú:
(*)
– Châu: quê hương Mạnh Tử/Lỗ: quê hương Khổng Tử/có bản ghi
“Trâu–Lỗ” (Rắn Trâu)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, January 22, 2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang