Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
năm tỵ bàn về rắn
Tác giả:
Phạm Đình Lân
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Năm 2025 là năm
Ất Tỵ, tức là năm con Rắn. Nhân cơ hội này chúng ta cố tìm hiểu
đôi chút về Xà tộc, những biến cố trong năm Tỵ trong vòng 100 năm
qua và những nhân vật nổi tiếng trên thế giới sinh vào năm Tỵ.
VÀI DÒNG VỀ
XÀ TỘC
Rắn là
một loại bò sát không chân, mình dài, thân có vảy nhuyễn bóng
láng. Rắn được tìm thấy nhiều nơi trên thế giới. Loài bò sát này
vắng mặt ở Nam Băng Châu, Greenland, Alaska, Tân Tây Lan (New
Zealand), Ái Nhĩ Lan, Băng Đảo (Iceland), Hawaii, Cook Island,
Cape Verde. Nhìn chung, phần lớn đó là những xứ có khí hậu lạnh.
Tiểu bang Hawaii có luật cấm đem rắn vào đảo. Người vi phạm bị
phạt tiền và tù.
Rắn thường sống ở những vùng ẩm thấp,
cây cỏ rậm rạp. Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười ở
Nam Bộ là nơi có nhiều rắn. Hiện nay trong tỉnh Tiền Giang (Định
Tường) có trại nuôi rắn Đồng Tâm để lấy nọc rắn làm thuốc trị
bịnh.
Đại
cương xà tộc có những đặc điểm sau đây:
– Rắn là loài bò sát không có chân. Rắn
có thân mình dài hình ống uốn khúc, linh động khi di chuyển. Mình
rắn có nhiều vảy nhuyễn bóng láng.
– Rắn đẻ trứng. Trứng ấp và nở thành
rắn con. Cũng có nhiều loài rắn không ấp trứng. Trứng nở nhờ
nhiệt của mặt trời. Có nhiều loài rắn đẻ con như rắn chuông mang
tên khoa học Crotalus cerastes, gia đình Viperidae; trăn đuôi đỏ
tức trăn siết mồi mang tên khoa học Boa constrictor, gia đình
Boidae; rắn biển Pelamis platura, gia đình Elapidae, v.v. Nhìn
chung rắn có nọc độc đẻ con chiếm 25%, 75% còn lại là rắn đẻ
trứng.
– Cặp
mắt rắn nhỏ ti hí. Vì vậy người ta cho rằng rắn bị mù.
– Rắn không có tai, nghĩa là không có
thính giác. Rắn bắt mồi bằng cách đánh hơi.
– Rắn có lối 200 răng bén nhọn. Răng
nanh của rắn truyền nọc độc vào nạn nhân bị rắn cắn.
– Rắn là động vật có máu lạnh
(ectothermy), nghĩa là dựa vào nhiệt độ của môi trường sống để
duy trì nhiệt độ của cơ thể. Nếu lạnh, rắn hướng về mặt trời hay
tìm mặt đất được mặt trời sưởi ấm để phơi mình.
– Rắn lột da từ 3 đến 6 lần mỗi năm.
Người Việt Nam thường nói: Lột da sống đời. Quả thật tuổi thọ của
xà tộc khá cao: từ 25 đến 50 năm trong tình trạng được loài người
nuôi dưỡng và chăm sóc.
– Nam xà có hai bộ phận sinh dục
(hemipenis). Mùa yêu đương của xà tộc là mùa xuân và đầu mùa hạ.
Sau cuộc yêu đương nữ xà tỏ ra bạo tợn với nam xà vừa ái ân với
họ. Sau cuộc ái ân các nữ xà sinh trứng. Năm sau họ cũng có thể
sinh trứng và nở ra rắn con mà không cần phải ái ân với các nam
xà. Một số tinh trùng được các nữ xà tồn giữ sau khi ân ái với
nam xà năm trước.
Rắn nhỏ nhất là rắn chì (rắn trùn –
worm snake), dài từ 10cm – 12cm. Tên khoa học của rắn trùn là
Leptotyphlops carlae, gia đình Leptotyphlopidae. Loại rắn nhỏ bé
này chỉ đẻ một trứng mà thôi.
Rắn chuông (Rattlesnake) Crotalus cerastes, gia đình Viperidae có thể dài đến 5m và cân nặng 5kg.
Rắn hổ mang bành (Cobra) dài từ 1m đến 5m và cân nặng trên 6kg. Tên khoa học của rắn hổ mang bành là Ophiophagus hannah, gia đình Elapidae.
Rắn chuông và rắn hổ mang bành, rắn cạp nong (krait) Bungarus caeruleus, gia đình Elapidae, rắn biển mũi lưỡi câu Hydrophis belcheri, gia đình Elapidae, rắn hổ mang (Copperhead) Agkistrodon contortrix, gia đình Viperidae, rắn hổ mây, rắn lục, rắn râu... đều là rắn có nọc độc. Rắn hổ ngựa (Coelognathus radiata, gia đình Colubridae), rắn hổ hành (vì hôi hành – Xenopeltis unicolor, gia đình Xenopeltidae) không có nọc độc. Trong tiếng Anh snake chỉ chung xà tộc. Serpent là rắn không nọc độc. Viper là rắn có nọc độc.
Rắn nước (Water snake) mang tên khoa học Nerodia sipedon, gia đình Colubridae, dài từ 1m – 1.5m là loài rắn không có nọc độc. Ngoài ra rắn roi, rắn bông súng... đều là rắn không có nọc độc.
Nọc độc của rắn có neurotoxin
C28H46N92O90S10 hủy hoại thần kinh, cytotoxin C8H15O11N3 hủy diệt
tế bào, mycotoxin C24H34O9 hủy hoại bắp thịt, v.v. Rất may chỉ có
15% rắn có nọc độc có thể gây tử vong cho người bị rắn cắn. 85%
còn lại không có nọc độc.
Những thân thuộc to lớn của rắn là
trăn.
Trăn
Anaconda Eunectus murinus, gia đình Boidae, dài 8m, cân nặng
250kg. Trăn Anaconda được tìm thấy nhiều ở Nam Mỹ và các hải đảo
trong biển Caribbean. Trăn quấn và siết chết heo, dê, trừu, nai,
chó, sấu... trước khi ăn thịt. Sức mạnh của trăn và rắn nằm trên
xương sống. Trăn Anaconda bắt đầu yêu đương ở tuổi 3 và 4. Sau
khi ái ân, các nữ trăn Anaconda thường ăn thịt đối tượng vừa ái
ân. Các nữ Anaconda mang thai từ 6 đến 7 tháng mới sinh ra trăn
con. Trăn con Anaconda ra đời trong cảnh mồ côi cha vì cha bị mẹ
ăn thịt sau cuộc ái ân. Còn mẹ thì bỏ con sau khi sanh.
Trăn lưới (vì da như những mắt lưới) mang tên khoa học Python reticulatus, gia đình Pythonidae dài trung bình từ 6m – 7m và nặng từ 60kg – 70kg. Loài trăn này được tìm thấy ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á. Năm 2016 người Mã Lai bắt một con trăn dài 8m, cân nặng 250kg. Trăn lưới đẻ trứng. Trong vòng 88 ngày trứng nở ra trăn con.
Trăn đuôi đỏ Boa constrictor, gia đình Boidae, dài từ 3m – 4m. Loài trăn này sinh con. Tiểu bang Florida và các nước Nam Mỹ có nhiều trăn đuôi đỏ.
Có 15% rắn có nọc độc. Trăn không có
nọc độc nhưng dùng sức mạnh khủng khiếp của chúng để siết chết
những con mồi to lớn như heo, dê, trừu, nai, beo, sấu... để ăn
thịt.
RẮN VÀ
LOÀI NGƯỜI
Dưới nhãn quan của loài người rắn là một động vật độc hại. Cũng
có người thấy rắn rất hữu ích vì ăn chuột phá hại các đồng lúa.
Đa số người khác xem rắn, trăn là một nguồn thịt quan trọng.
Người Việt Nam ăn thịt rắn, trăn, và trứng của hai loài bò sát
không chân này. Nào là gỏi rắn, cháo rắn, rắn xào lăn, thịt trăn
nướng, thịt trăn cuốn lá lốt, thịt trăn nấu cháo, v.v.
Da rắn và da trăn dùng trong kỹ nghệ y
phục, giày, bóp, dây thắt lưng, v.v.
Mật rắn (xà đảm) được dùng để chữa
chứng ho gà, đau khớp xương, sốt cao, chứng co giật trẻ em, bán
thân bất toại, trĩ, nướu răng rướm máu. Trước kia ở Việt Nam có
hiệu thuốc Tam Xà Đởm (ba loại mật rắn) trị tiêu hóa bất thông,
đau nhức xương khớp, viêm da, mắt có màng, v.v.
Mật trăn cũng được dùng để chữa bịnh ở
Trung Hoa, Indonesia, Ấn Độ, và ở nhiều quốc gia Á–Phi khác. Nó
được dùng để chữa cảm, chảy nước mũi, sốt rét, sốt cao, ho, rối
loạn hô hấp, củng cố hệ thống miễn nhiễm tuy rằng mật trăn dễ
nhiễm trùng. Mật trăn có taurocholic acid C26H45NO7S,
taurodeoxycholate C24H44NO6S, protein, antioxidants.
Rắn Inland Taipan, một loài rắn có vảy
nhỏ ở Úc Đại Lợi mang tên khoa học Oxyuranus microlepidotus, gia
đình Elapidae, là rắn có nọc độc gây tử vong nhiều nhất thế giới.
Người ta nghiên cứu nọc độc của rắn để làm ra thuốc trị các độc
chất, kể cả độc chất do rắn cắn. Nọc độc rắn dùng để sản xuất
thuốc xoa gây tê, giảm đau nhức, trị sưng khớp, sản xuất huyết
thanh kháng độc khi bị rắn cắn. Crotoxin trong nọc rắn có khả
năng diệt tế bào ung thư bướu.
Xương trăn và rắn dùng để nấu cao, có
tác dụng trị phong thấp, đau lưng, đau xương sống.
Mỡ trăn và mỡ rắn được dùng để trị
phỏng lửa, phỏng nước sôi, chân nứt nẻ.
Ở Indonesia, Trung Hoa có nhiều lò sát
rắn để lấy thịt, da, xương, và mật. Ngưới Ấn Độ và Thái Lan nổi
tiếng về thuật bắt rắn và trăn. Ngày nay việc nuôi rắn độc để lấy
nọc độc được phổ biến khắp nơi trên thế giới.
Rắn được đề cập trong Thánh Kinh, sách
Deuteronomy 8:15, Isaiah 30:6, Mark 16:18, Acts 28:5. Trong sách
Exodus 4:3 nói đến chuyện cây gậy của Mose liệng xuống đất và
biến thành con rắn. Mose nắm đuôi con rắn thì nó biến thành cây
gậy của người lãnh đạo. Từ đó lời nói của ông được mọi người tuân
phục để quyết tâm rời bỏ Ai Cập tìm đường về vùng đất cội nguồn
của tổ phụ. Rắn được mô tả trong Thánh Kinh là biểu tượng của sự
độc ác, quỷ tính. Người Ai Cập cổ và dân vùng Lưỡng Hà Châu
(Mesopotamia) xem rắn là biểu tượng của sự sinh sản và cứu trị.
Rắn là dấu hiệu của Thần Y Asclepius
trong huyền thoại Hy Lạp. Rắn quấn cây roi của Asclepius trở
thành dấu hiệu của ngành Y, tượng trưng cho y học và độc chất
học. Trong huyền thoại Hy Lạp cũng có chuyện Thần Apollo giết
chết Python, con rắn khổng lồ đã khủng bố mẹ ông trong lúc mang
thai ông.
Trong ngụ ngôn của Jean–Pierre Claris de Florian (1755–1794) có
bài La Vipère et la Sangsue (Rắn và Đỉa).
Ở Trung Hoa có chuyện Liu Pang (Lưu
Bang), người sáng lập ra nhà Hán, giết Bạch Xà. Nhà văn Trung Hoa
thời đại Jin Yong (Kim Dung) có đề cập đến chuyện vua Nam Đế uống
huyết mãng xà.
Ở Việt Nam có chuyện Rắn Thần Báo Oán,
tức vụ án Lệ Chi Viên liên quan đến cái chết đột ngột của vua Lê
Thái Tôn sau một đêm được Nguyễn Thị Lộ, người thiếp trẻ đẹp của
công thần Nguyễn Trãi, hầu hạ. Cái chết của vua Lê Thái Tôn dẫn
đến bản án tru di tam tộc oan khiên dành cho Nguyễn Trãi.
Trong thiên văn học có sao Hydra, một
loại rắn biển có nhiều đầu (9 đầu, trong đó có một đầu bất tử)
trong huyền thoại Hy Lạp.
Có nhiều loại thảo mộc mang tên RẮN hay
SNAKE như:
–
Phong lan xà khẩu Pogonia ophioglossoides.
– Xà quả (Qua lâu) Trichosanthes
cucumerina.
–
Cỏ lưỡi rắn Oldenlandia corymbosa, v.v.
– Snake’s grass (Cỏ thi) Achillea
millefolium.
–
Snake lili (Hoa huệ xà) Brodiaea coccinea.
– Snake jasmine (Cây kiến cò hay cánh
cò) Justicia nasuta, v.v.
Trong võ thuật có xà quyền. Các đô vật
dùng thế siết cổ của trăn để đối thủ ngộp thở và xin hàng.
Trong đề 40 con, rắn mang số 32 sau con
tôm (31) và trước con nhện (33).
(Xem thêm:
Xà Tộc Thán – Phạm Đình Lân)
Trong 12 con Giáp rắn đứng sau con rồng
và trước con ngựa. Năm Tỵ là năm ÂM (Ất Tỵ, Đinh Tỵ, Kỷ Tỵ, Tân
Tỵ, Quí Tỵ). Năm 2025 là năm Ất Tỵ. Sáu mươi năm trước 2025 – 60
= 1965 là năm Ất Tỵ. Sáu mươi năm sau 2025 + 60 = 2085 cũng là
năm Ất Tỵ.
Tỵ–Dậu–Sửu: Hợp
Tỵ–Thân: Xung hợp
Dần–Thân–Tỵ–Hợi: Xung
BIẾN CỐ LỊCH SỬ VÀO NĂM TỴ TRONG THẾ KỶ
XX
1905: Nhật
đánh bại hạm đội Nga trên eo biển Tsushima (Đối Mã); Phong Trào
Đông Du; cách mạng Nga lần thứ nhất (22/01/1905); hiệp ước
Nga–Nhật ký kết ở Portsmouth qua trung gian của Hoa Kỳ sau khi
Nhật đánh bại Nga trên eo biển Tsushima; thuyết tương đối và công
thức E=mc2 của Albert Einstein; sự qua phân Bengal; sự khám phá
viên kim cương Cullinan khổng lồ 3.106 carats tức 621.20gr ở Nam
Phi; vua Wilhelm II của Đức thăm viếng Maroc và tuyên bố ủng hộ
sự độc lập của nước này; Sun Yat Sen (Tôn Dật Tiên) thành lập
Đồng Minh Hội (Tongmenghui), một tổ chức chánh trị bí mật nhằm
lật đổ Thanh triều; Liên Hiệp Na Uy–Thụy Điển chấm dứt.
1917: Quân Hoa Kỳ do tướng John
Pershing chỉ huy rời khỏi Mexico; 1. Cách mạng tháng 02/1917 ở
Nga: Nga hoàng Nicholas II thoái vị(15/03/1917); 2. Cách mạng vô
sản do Lenin lãnh đạo (07/11/1917); Hoa Kỳ tham chiến trong đệ
nhất thế chiến; đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép người Do Thái về Tel
Aviv và Jaffa; vua George V của Anh cải danh Hoàng Gia Anh từ
Saxe–Coburg–Gotha sang Windsor; tuyên ngôn Balfour ủng hộ sự
thành lập quốc gia Do Thái ở Palestine; cuộc khởi nghĩa Thái
Nguyên do Lương Ngọc Quyến và đội Cấn tức Trịnh Văn Cấn chỉ huy.
1929: Đường dây điện thoại nối liền Hoà
Lan và vùng Tây Ấn (West Indies); Trotsky đào thoát sang Thổ Nhĩ
Kỳ; Liên Sô đoạn giao với Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Chiang
Kaishek (Tưởng Giới Thạch) đứng đầu; chiến tranh biên giới giữa
Liên Sô–Trung Hoa Quốc Dân Đảng; “Thứ Năm Đen” ở Hoa Kỳ mở đầu
cho khủng hoảng kinh tế thế giới; kế hoạch Young giảm nợ hàn gắn
chiến tranh do Đức gây ra xuống còn 8 tỷ Mỹ kim, trả trong vòng
59 năm; Bukharin bị loại ra khỏi Bộ Chánh Trị (Politburo) của
Liên Sô.
1941:
Đức tấn công vào Nga; Nhật tấn công Pearl Harbor (Trân Châu
Cảng); quân Nhật tiến vào Trung Bộ Việt Nam; Hoa Kỳ yêu cầu Nhật
rút quân khỏi bán đảo Đông Dương; thảm sát người Do Thái ở
Romania; Đức Quốc Xã tấn công Hội Đồng Do Thái ở Hòa Lan; thành
phố Coventry của Anh bị đạn pháo của Đức tàn phá; hiệp ước trung
lập Nhật Bản–Liên Sô; Đức chiếm Hy Lạp; Đức sa thải tất cả ký giả
Do Thái ở Hòa Lan; Rudolf Hess, phụ tá của Hitler trốn sang Anh;
hiệp ước hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ–Đức Quốc Xã; Phần Lan tuyên chiến
với Liên Sô; Hoa Kỳ cấm bán dầu và xăng cho Nhật; Đức thành lập
nhiều trại tập trung để giam giữ người Do Thái ở Âu Châu; Anh tán
đồng chương trình nguyên tử; Đức vây hãm Leningrad ngót 28 tháng
(tức 2 năm + 4 tháng); De Gaulle thành lập chánh phủ Pháp lưu
vong; Anh và Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật; Mặt Trận Việt Minh ra
đời.
1953: Kế
hoạch Navarre và chiến dịch Đông–Xuân của Việt Minh; Pháp công
nhận sự độc lập của Lào và Cambodia; hiệp ước đình chiến
Panmunjom (Bàn Môn Điếm) chấm dứt chiến tranh Triều Tiên
(1950–1953); Liên Sô thí nghiệm bom khinh khí thành công; thống
chế Tito, Chủ Tịch Liên Hiệp Nam Tư (Yugoslavia); thí nghiệm
thuốc ngừa sốt tê liệt (polio) thành công; Fidel Castro chỉ huy
tấn công trại lính Moncada thất bại và bị bắt; Mossadegh gây biến
động ở Iran khiến vua Mohammad Reza Pahlavi và hoàng hậu chạy
sang Baghdad rồi Rome; Khrushchev thay Malenkov lãnh đạo đảng
Cộng sản Liên Sô; Hoa Kỳ tặng Pháp 385 triệu Mỹ kim dùng trong
chiến tranh Đông Dương; Anh thí nghiệm bom nguyên tử.
1965: Quân sĩ Hoa Kỳ đổ bộ vào Nam Việt
Nam; quân đội nắm chánh quyền ở VNCH; tướng Franco tiếp đại diện
người Do Thái để thảo luận về việc hợp pháp hóa cộng đồng Do Thái
ở Tây Ban Nha; Thủ tướng Winston Churchill qua đời; tòa đại sứ
Hoa Kỳ ở Sài Gòn bị đặt bom; Trung cộng thử bom nguyên tử lần
thứ hai; sự ra đời của quốc gia Singapore; sự thảm sát đảng viên
Cộng sản ở Indonesia; tướng De Gaulle tái đắc cử tổng thống Pháp;
Ferdinand Marcos nhậm chức tổng thống Phi Luật Tân; phim “Doctor
Zhivago”.
1977: Hoa Kỳ từ bỏ kinh đào Panama; Tổng thống Jimmy Carter khoan
hồng cho những thanh niên né tránh quân dịch trong thời kỳ chiến
tranh Việt Nam; Tổng thống Sadat của Ai Cập thăm viếng Do Thái;
Libya, Syria, Algeria... đoạn giao với Ai Cập; động đất ở
Romania; Hoa Kỳ giới hạn công dân thăm viếng Việt Nam, Cuba, Bắc
Hàn, Cambodia; Việt Nam gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc; Jacques
Chirac đắc cử đô trưởng Paris đầu tiên; lương tối thiểu ở Hoa Kỳ
tăng từ $2.30/giờ đến $3.25/giờ; Jean Bedel Bokassa tự xưng là
Hoàng Đế Trung Phi, đã dùng 30% ngân sách quốc gia làm lễ đăng
quang.
1989:
Tổng thống Bush I nhậm chức; sự sụp đổ của khối Cộng sản Đông Âu
khởi đầu từ Ba Lan và Hung Gia Lợi; Đức Quốc thống nhất; Nhật
hoàng Hirohito băng hà, thái tử Akihito nối ngôi; Liên Sô rút
quân khỏi Afghanistan; Michael Gorbachev gặp Deng Xiaoping (Đặng
Tiểu Bình) sau ba mươi năm ngoại giao ghẻ lạnh giữa hai nước Cộng
sản; sinh viên Trung cộng biểu tình trước Tiananmen (Thiên An
Môn); thảm sát Tiananmen; Jang Zemin (Giang Trạch Dân) được bầu
làm tổng bí thư đảng Cộng sản Tàu; bà Aung San Suu Kyi bị quản
thúc tại gia (Miến Điện); Nicolas Ceausescu, lãnh tụ Cộng sản
Romania và vợ là Elana bị hành quyết; chiến tranh lạnh chấm dứt
(03/12/1989).
2001: Tổng thống Bush II nhậm chức; khủng bố ngày 11/09 nhắm vào
World Trade Center ở New York và Pentagon (Ngũ Giác Đài – Bộ Quốc
Phòng Hoa Kỳ); Hoa Kỳ tấn công Afghanistan, nơi dung chứa khủng
bố Al–Qaeda; Tổng thống Congo Kabila bị ám sát; bà Gloria
Macapagal–Arroyo thay Tổng thống Joseph Estrada làm tổng thống
Phi Luật Tân; cựu Tổng thống Nam Tư Milosevic trình diện trước
Cảnh Sát Đặc Biệt để ra tòa xử về tội ác chiến tranh.
2013: Snowden rò rỉ tin tức của Cơ Quan
An Ninh Quốc Gia (NSA: National Security Agency); Tổng thống
Barack Obama, vị tổng thống Da Đen đầu tiên ở Hoa Kỳ nhậm chức;
Thủ tướng Nhật Abe cương quyết bảo vệ chòm đảo đá Senkaku bằng
mọi giá; Phó tổng thống Nicolas Maduro (Venezuela) giữ chức vụ
tổng thống sau khi Tổng thống Hugo Chavez từ trần; tân Đức Giáo
Hoàng Francis, gốc Argentina; 99.8% dân chuỗi đảo Falklands, nam
bán cầu, muốn chòm đảo này là lãnh thổ hải ngoại của Liên Vương
Quốc Anh (United Kingdom); cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bị
xử 4 năm tù về tội gian lận; Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị
lật đổ; lãnh tụ Trung cộng Xi Jinping (Tập Cận Bình) thông báo
kế hoạch phát triển kinh tế của Đường Tơ Lụa Hàng Hải nối Trung
cộng–Đông Nam Á ven tây Thái Bình Dương–hải đảo và quốc gia
trong Ấn Độ Dương–các quốc gia Địa Trung Hải; nữ Thủ tướng Angela
Merkel (Đức) đắc cử lần thứ ba kể từ năm 1990.
NHÂN VẬT NỒI TIẾNG SINH VÀO NĂM TỴ
Những nhân vật nổi tiếng sinh vào năm
Tỵ đại cương gồm có:
– Mao Zedong (1893–1976),
– Jean–Paul Sartre (1905–1980),
– Dag
Hammarskjold (1905–1961),
– John F.
Kennedy (1917–1963),
– Ferdinand Marcos
(1917–1989),
– Indira Gandhi
(1917–1984),
– Martin Luther King
(1929–1968),
– Yasser Arafat
(1929–2004),
– Jacqueline Kennedy
Onassis (1929–1994),
– Imeda Marcos
(1929),
– Xi Jinping (1953–), v.v.
Jean–Paul Sartre là một giáo sư, nhà
triết học, và tiểu thuyết gia Pháp. Ông sinh năm 1905 ở Paris và
mất ở đó năm 1980.
Jean–Paul Sartre mồ côi cha khi còn
nhỏ. Ông sống nương nhờ ông ngoại là Carl Schweitzer, giáo sư Đức
ngữ tại Đại Học Sorbonne. Ở Paris ông học trường Henri IV. Khi mẹ
ông tái giá, ông học trường Trung Học La Rochelle. Ông trở về
Paris học École Normale Supérieure và tốt nghiệp năm 1929. Từ năm
1931–1945 ông dạy ở Le Havre, Laon, và Paris. Trong đệ nhị thế
chiến ông nhập ngũ và bị bắt cầm tù một năm mới được tự do.
Jean–Paul Sartre được xem là cha đẻ của
triết học hiện sinh (existentialisme) và có xu hướng lao động
theo khuôn mẫu Liên Sô. Năm 1954 ông viếng Moscow. Tiếp theo ông
viếng Hoa Kỳ, các nước Bắc Âu, Cuba. Ông có khuynh hướng cộng sản
nhưng không gia nhập vào đảng Cộng sản Pháp. Ông tự tạo cho ông
chủ nghĩa Sartrian Marxism (chủ nghĩa Mác–xít của Sartre). Ông
thất vọng khi thấy Liên Sô dùng xe tăng đàn áp người Hung Gia Lợi
nổi dậy năm 1956. Năm 1964 ông từ chối không nhận giải thưởng
Nobel về Văn Chương. Ông mạnh mẽ chống chiến tranh Việt Nam.
Ông mất năm 1980 ở Paris. Đám tang của
ông linh đình như đám tang của đại văn hào Victor Hugo.
Ông Tony Blair là lãnh tụ đảng Lao Động
Anh và là thủ tướng nước này từ năm 1997 đến 2007. Ông và bà
Thatcher là hai vị thủ tướng cầm quyền lâu dài nhất ở Anh trong
vòng một thế kỷ qua.
Ông Tony Blair sinh năm 1953 tại
Edinburgh, Scotland. Ông tốt nghiệp Đại Học Oxford năm 1975.
Trước khi lập gia đình, ông không quan tâm đến hoạt động chánh
trị. Khi có người yêu, ông gia nhập đảng Lao Động. Năm 1983 ông
đắc cử vào Viện Thứ Dân (House of Commons). Từ năm 1997 đến 2007
ông là thủ tướng của Anh. Dưới sự lãnh đạo của ông kinh tế Anh
phát triển mạnh mẽ. Anh là một thành viên của Liên Âu (EU:
European Union). Thế đứng chánh trị của Anh trên thế giới vững
chắc. Anh sát cánh với Hoa Kỳ sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001 ở
Hoa Kỳ. Quân NATO trong đó có sĩ quan Anh tham dự cuộc tấn công
vào Afghanistan năm 2001. Năm 2003 liên quân Anh–Mỹ tấn công
Iraq, lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein. Uy tín ông Tony Blair
suy suyển phần nào vì sự ủng hộ nhiệt tình của ông cho Tổng thống
Bush II trong việc tấn công Iraq mặc cho sự phủ quyết của Pháp
tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Năm 2007 ông từ chức.
Sau khi từ chức ông Tony Blair được
Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Nga, và EU (Liên Hiệp Âu Châu) đề cử làm
Công Sứ Đặc Biệt ở Trung Đông. Ông giữ chức vụ này đến năm 2015.
Xi Jinping (Tập Cận Bình) là tổng bí
thư đảng Cộng sản Tàu năm 2012 và là Chủ Tịch Cộng Hòa Nhân Dân
Trung cộng từ năm 2013.
Cha của ông là Xi Zhongxun (Tập Trọng
Huân), một chiến hữu của Mao Zedong (Mao Trạch Đông) từ thời Cộng
Hòa Sô–Viết Jiangxi (Cộng Hòa Sô–Viết Giang Tây) và cuộc Vạn Lý
Trường Chinh (1934–1935). Năm 1949 Cộng sản chiếm lục địa Trung
Hoa. Xi Zhongxun là phó thủ tướng trong nội các do Zhou Enlai
(Châu Ân Lai) đứng đầu.
Xi Jingping ra đời năm 1953 tại Beijing
(Bắc Kinh) khi cha ông là phó thủ tướng của một quốc gia Cộng sản
đông dân nhất thế giới.
Xi Jinping nhỏ hơn Mao Zedong 60 tuổi.
Cả hai đều sinh vào năm Ất Tỵ. Cả hai đều có sự nghiệp chánh trị
to lớn ở Trung Hoa và trên thế giới.
Trong Cách Mạng Văn Hóa (1966–1976)
thân sinh Xi Jinping bị hạ tầng công tác. Từ năm 1964–1974 Xi
Jinping phải làm lao động trong một vùng nông thôn trong tỉnh
Shaanxi (Thiểm Tây). Năm 1974 ông là bí thư một đảng bộ trước khi
được nhận vào trường Đại Học Tsinghua (Thanh Hoa) ở Bắc Kinh về
ngành hóa học. Ông tốt nghiệp đại học năm 1979 và làm việc dưới
quyền của bộ trưởng bộ Quốc Phòng là Geng Biao (Cảnh Tiêu). Rời
Beijing ông nhận chức phó bí thư tỉnh bộ Hebei (Hà Bắc) năm 1982.
Sự nghiệp chánh trị của ông không do ngành hóa học mà ông học ở
đại học mà do sự thăng tiến của ông trong đảng Cộng sản. Năm 1985
Xi Jinping là phó thị trưởng Xiamen (Hạ Môn) trong tỉnh Fujian
(Phúc Kiến). Năm 2000 ông là chủ tịch Fujian. Năm 2003 ông phục
vụ trong tỉnh Zhejiang (Chiết Giang) với tư cách quyền chủ tịch
(thống đốc hay tỉnh trưởng). Năm 2007 ông là bí thư đảng bộ
Shanghai (Thượng Hải) và là ủy viên Bộ Chánh Trị (Politburo)
đảng Cộng sản Tàu.
Xi Jinping thay thế Hu Jintao (Hồ Cẩm
Đào) vào năm 2012 với tư cách tổng bí thư đảng và 2013 với tư
cách chủ tịch nước. Ông thừa hưởng di sản do Deng Xiaoping, Jiang
Zemin (Giang Trạch Dân), và Hu Jintao để lại. Trung cộng có 1.5
tỷ dân với một tiềm năng kinh tế và quân sự ngang ngửa với Hoa
Kỳ. Xi Jinping có vẻ không nể phục hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm là
Jiang Zemin và Hu Jintao như gián tiếp không nể phục Deng
Xiaoping. Deng Xiaoping là người đã thay đổi sắc diện nước Tàu
bằng chương trình Bốn Hiện Đại Hóa. Jiang Zemin và Hu Jintao được
sự tín nhiệm của Deng Xiaoping. Xi Jinping tự hào về nguồn gốc
cộng sản chính thống của mình với công trạng của người cha từng
trải qua bao gian khổ bên cạnh Mao chủ tịch trong cuộc Vạn Lý
Trường Chinh. Jiang Zemin và Hu Jintao không có nguồn gốc thuần
hồng như vậy.
Xi Jinping theo gương Mao Zedong mặc dù cha ông và bản thân ông
trải qua nhiều năm tủi nhục trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao.
Xi Jinping và Mao Zedong đều không học hay sống ở nước ngoài. Cả
hai đều ôm chặt sự độc tôn của văn hóa Trung Hoa và tính ưu việt
của người Trung Hoa. Cả hai đều nghĩ rằng Trung Hoa là quốc gia
vĩ đại bá quyền trên thế giới. Về cá tính, Mao Zedong và Xi
Jinping đều có óc độc tôn.
Mao dùng Cách Mạng Văn Hóa để loại trừ
những người có khả năng thay thế ông hay những người có uy tín
dám phê bình và chỉ trích ông.
Xi Jinping dùng sự bài trừ tham nhũng
để đưa những người khả dĩ cạnh tranh quyền lực với ông vào tù hơn
là lành mạnh hóa xã hội. Ông phá vỡ thông lệ cầm quyền tối đa 10
năm mà Jiang Zemin và Hu Jintao tôn trọng để trở thành người lãnh
đạo đời đời!
Tham vọng của ông bao la. Dưới thời Mao, Trung cộng có bom
nguyên tử, vệ tinh nhân tạo nhưng kinh tế Trung cộng vẫn còn lạc
hậu nghèo nàn.
Dưới thời Xi Jinping kinh tế Trung
cộng ngang ngửa với kinh tế Hoa Kỳ và vượt hẳn Liên Bang Nga.
Trung cộng tự sản xuất phi cơ, xe tăng, tàu chiến, hỏa tiễn liên
lục địa, hàng không mẫu hạm, phi thuyền thám hiểm mặt trăng, v.v.
Trung cộng bành trướng ảnh hưởng khắp năm châu, tự xem phần biển
tây Thái Bình Dương thuộc quyền sở hữu của họ. Xi Jinping và vợ
là Peng Liyuan (Bành Lệ Viên) được nữ hoàng Anh và tổng thống Hoa
Kỳ Donald Trump tiếp đón trọng thể. Xi Jinping đưa ra kế hoạch
phát triển Đường Tơ Lụa thời Trung Cổ ra làm hai nhánh:
1. Nhánh thứ nhất là Đường Tơ Lụa (Silk
Roads) cũ nối liên Trung cộng với Âu Châu ngang qua các quốc gia
Hồi Giáo khô hạn ở Trung Á, trước kia là các Cộng Hòa Sô Viết
thời Liên Sô.
2. Nhánh thứ hai tạm gọi là Đường Tơ Lụa Hàng Hải nối liền Trung
cộng với các quốc gia Đông Nam Á ở Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ
Dương đến Địa Trung Hải. Đó là con đường ngược chiều của Đường
Hương Liệu (Spices Roads) cũ.
Giấc mộng to tát của Xi Jinping khiến
Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu bừng tỉnh. Trung cộng tranh chấp
chủ quyền với Nhật trên chòm đảo đá không người ở Senkaku và dòm
ngó đến quần đảo Okinawa bị Nhật sáp nhập vào nước Nhật dưới thời
Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji-tennō). Đảo Taiwan (Đài Loan) không
ngừng bị Beijing đe dọa. Thống nhất Taiwan bằng võ lực, Beijing
có thể gặp phản ứng bất lợi về phía Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, nhất
là Nhật Bản, quốc gia từng cai trị đảo này từ năm 1895 đến 1945.
Nhật Bản bị đe dọa trầm trọng nếu Beijing chiếm đảo Taiwan.
Sức mạnh kinh tế của Trung cộng suy
suyển sau dịch Covid–19. Sự đầu tư của ngoại quốc vào Trung cộng
sút giảm đáng kể. Trung cộng liên tục bị thiên tai tàn phá. Nạn
thất nghiệp trong nước trở nên trầm trọng. Trí thức thất nghiệp
trở thành bài toán kinh tế–xã hội mới. Chủ tịch Xi Jinping gặp
nhiều sự chống đối ngầm trong nội bộ giữa phe Xi Jinping–Jiang
Zemin–Hu Jintao–nạn nhân của Xi Jinping trong chánh sách đả hổ
diệt ruồi của ông.
Dù chưa hiện thực hóa giấc mộng thống
nhất Taiwan và bá chủ toàn cầu, Xi Jinping là lãnh tụ Cộng sản
Tàu được sự nể trọng của các nước phương Tây. Nếu trước kia
Stalin cao ngạo trước Mao Zedong khi bắt Mao phải chờ đợi cả
tháng mới được tiếp kiến thì bây giờ Vladimir Putin, tổng thống
của Liên Bang Nga, hoàn toàn mất thế thượng phong đó đối với Xi
Jinping.
Indira Feroze
Gandhi sinh năm 1917 tại Prayagraj, Ấn Độ. Bà là con gái của ông
Jawaharlal Nehru, vị thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ sau khi được
độc lập.
Bà
Indira được mô tả như một thiếu nữ thông minh, từng học ở Ấn Độ,
Thụy Sĩ, và Anh Quốc (Đại học Somerville, Oxford).
Bà Indira quen với Feroze Gandhi năm
1936 sau khi thân mẫu bà mất vì bịnh lao. Feroze Gandhi là người
Parsi, tức người Persian (Ba Tư–Iran) theo Hỏa Giáo
(Zoroastrianism), bị khủng bố tôn giáo phải tỵ nạn ở Ấn Độ. Năm
1942 đám cưới giữa bà và Feroze Gandhi được cử hành theo sự ưng
thuận của ông Nehru.
Năm 1947 Anh trao trả độc lập cho Ấn
Độ. Ông Nehru là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập. Bà Indira
dấn thân vào hoạt động chánh trị trong đảng Quốc Đại (Congress
Party). Năm 1959 bà là chủ tịch của đảng này.
Năm 1964 thủ tướng Nehru mất. Lúc ấy bà
là tổng trưởng bộ Thông Tin. Ông Lal Bahadur Shastri lên làm thủ
tướng. Đến năm 1966 ông Shastri đột ngột từ trần.
Bà Indira Gandhi lên làm thủ tướng. Bà
quốc hữu hóa các ngân hàng (1969). Các đảng viên uy tín của đảng
Quốc Đại phản đối kịch liệt. Nhưng bà vượt qua khó khăn này.
Năm 1971 Ấn Độ can thiệp vào cuộc tranh
chấp giữa Đông Hồi (Bangladesh bây giờ) và Tây Hồi (tức Pakistan
bây giờ). Có lối 10 triệu người Đông Hồi tỵ nạn ở Ấn Độ. Quân Tây
Hồi bị đánh bại. Thỏa ước Simla chấm dứt chiến tranh giữa Đông
Hồi và Tây Hồi. Đông Hồi trở thành quốc gia Bangladesh vào năm
1971.
Bà
Indira Gandhi thành công trong Cách Mạng Xanh. Việc sản xuất lúa
gạo gia tăng ngăn chận tình trạng thiếu ăn trong một quốc gia
nông nghiệp có gần một tỷ dân.
Năm 1974 Ấn Độ có bom nguyên tử để
phòng ngừa chiến tranh với Pakistan và Trung cộng.
Năm 1977 đảng Quốc Đại (Congress Party)
thất cử. Năm sau bà Indira Gandhi bị cầm tù về tội tham nhũng.
Năm 1979 đảng Quốc Đại thắng cử. Bà giữ
ghế thủ tướng trở lại vào năm 1980. Vào năm này người con trai
thứ hai của bà chết vì tai nạn phi cơ. Bà chuẩn bị tương lai
chánh trị cho người con thứ nhất là Rajiv Gandhi, sinh năm 1944.
Bà Indira Gandhi càng lúc càng tỏ ra
độc đoán và quyết liệt. Năm 1984 bà ra lịnh tấn công vào ngôi Đền
Vàng (Golden Temple) của người Sikh ở Amritsar vì có một số người
Sikh ly khai. Cuộc tấn công vào ngôi đền thiêng của người Sikh
gây thiệt mạng cho hàng trăm người và bị xem như là một sự xúc
phạm tôn giáo khi đụng đến ngôi đền linh thiêng của người Sikh
(1).
Ngày 31/10/1984 bà Indira Gandhi bị ám sát chết. Con trai của bà
là Rajiv Gandhi thay thế bà giữ ghế thủ tướng của quốc gia đông
dân thứ nhì trên thế giới và là quốc gia dân chủ Á Châu đông dân
nhất thế giới.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
Tác giả ghi chú:
(1)
– Đạo Sikh (Sikhism) là một tôn giáo do Guru (Minh Sư) Nanak
(1469–1539) khai sáng vào thế kỷ XVI ở Ấn Độ, nơi hầu hết dân
chúng theo Ấn Giáo (Hinduism). Đạo Sikhism cũng tin vào nhân quả
và sự đầu thai chuyển kiếp như Ấn Giáo và Phật Giáo. Nhưng đạo
Sikh là đạo độc thần. Đạo chủ yếu truyền giảng sự bình đẳng, công
bằng xã hội, phục vụ nhân loại, và khoan dung tôn giáo. Đó là vài
nét khác biệt giữa đạo Sikh và Ấn Giáo. Nam tín đồ đạo Sikh có bề
ngoài rất dễ nhận:
1. Đầu đội khăn đóng.
2. Râu tóc
dài (không cắt, không cạo).
3. Mang vòng tay bằng kim khí.
Nữ tín đồ có khăn quàng dài dùng để trùm lên đầu. Ngày nay trên
thế giới có lối 25 triệu tín đồ đạo Sikh.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by ddnb chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, January 20, 2025
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang