Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tạp
ghi
Chủ đề:
TẾT
Tác giả:
Hoàng Long Hải
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” –(tục ngữ)
Phải nói là “tết
tù”. Thế tại sao không nói hẳn là tết tù mà nói lòng vòng qua hai
chữ “tết rừng”.
Chuyện cũng có nguyên do của nó. Tết tù
thì quá nhiều. Sau 30 tháng Tư, Thọ–Duẫn cho cả triệu người miền
Nam vô tù, nên có cả triệu cảnh tết tù: Tù “Cải Tạo”, tù “Phục
Quốc”, tù “Phản Động” (Phản Động Chính Trị, Phản động Tôn giáo,
Phản động “Cách Mạng”, tù “Vượt biên”...) Vậy nên có quá nhiều
tết tù, nên tôi phải gọi là “Tết rừng” cho nó lạ một chút, gợi
trí tò mò của người đọc, chớ viết ra không ai đọc, không ai thèm
đọc thì cũng buồn. Gì chớ thơ văn bây giờ “lạm phát phi mã”, in
ra không ai mua, post lên mạng không ai đọc. “Văn chương hạ giới
rẻ như bèo” Từ tiền bán thế kỷ 20, Tản Đà đã nói vậy rồi.
Với lại Việt Cộng không giam tù tại
thành phố bao giờ. Tù thì phải nhốt kỹ, kỹ thì nhốt cho xa, ngoài
hoang đảo, thâm sơn cùng cốc, tù mới không trốn được, và dù có
trốn được cũng không tìm ra đường về. Vì vậy, trại tù phải đặt
ngoài Côn Đảo, hay rừng Lao Bảo, Sơn La, Lai Châu... “Trốn đằng
nào”, không giống như con kiến trong câu ca dao: “Cái kiến mày ở
trong nhà, Tao đóng cửa lại, mày ra đằng nào?” Vì vậy, ca dao
thời đại có câu: “Thằng tù mày ở trong rừng, Tao khóa cửa rừng
mày chạy đường mô?” Đường mô là đường nào đấy. Dùng chữ mô, chắc
tác giả quê Bình–Trị–Thiên hay Nam–Ngãi–Bình–Phú.
Tù bị giam ở thành phố tiếp tế còn dễ.
Tù giam trong rừng, thăm nuôi thêm khó, tù lấy gì mà ăn, dễ bị
chết đói. Thời “cách mạng vô sản”, tù chết đói thiếu gì.
Muốn khỏi đói, tù phải “mưu sinh”, đâu
có ngồi ngoài bờ biển mà than như Hàn Mặc Tử: “Trời hỡi làm sao
cho khỏi đói. Gió trăng có được làm sao ăn?”
Người tù chịu
nhiều cảnh phũ phàng: Người tình, người yêu, cả người vợ nữa chớ,
cha mẹ, anh em, bà con, đồng bào, đồng chí và cả... “cách mạng”.
Tù đói. Thôi thì đành vô rừng kiếm ăn.
Rau trai:
Quả tình tôi không biết rau trai là rau
gì? Hôm đi tưới rau muống ở Suối Máu với Lê Văn Chương – khóa 17
Võ Bị. Thấy tôi lớ ngớ, Chương giục: “Sao anh không hái đi?”
– “Hái gì?” Tôi hỏi.
– “Rau trai nè. Mấy hôm nay trời mưa,
rau mọc nhiều lắm.”
– “Rau ra sao?” Tôi lại hỏi.
Chương lấy cọng rau cho tôi xem, bảo:
“Thấy lá nào giống vậy thì hái đi.”
Tôi làm theo.
Trên đường về, tôi khoe với Trắc (Trần
Phú Trắc, cháu Tổng thống Thiệu, gọi bằng cậu ruột – em của Mẹ).
Trắc cười:
–
“Anh nhờ thằng Chương chớ gì?” Chỗ nó nhiều rau trai lắm, nó
nhường cho anh đó.
Một lúc Trắc nói:
– “Thằng đó đánh đờn cũng hay mà hái
rau cũng lẹ.”
Tôi nói: “Tui nhỏ lớn toàn ở thành phố, không rành về rau trai đã
đành. Chương dân Đà Lạt, sao nó rành rau thế?”
Chương chơi đàn guitar hay vô cùng, chỉ
một tay, vừa bấm nốt vừa đánh giây, thường chơi cho bạn tù nghe,
hơn là lên sân khấu biểu diễn vào các dịp lễ lạc. Hỏi Chương
chuyện này, anh ta cười, nói nhỏ: “Tui trả lời cho anh, tụi
‘ăng–ten’ nghe được là chết tui.” Tôi cũng đùa lại: “Biết rồi,
khổ lắm, nói mãi...”
Chương cũng đùa, hát nhac chế: “Ai lên
xứ hoa đào, mang về”... cho ông Hải một nắm rau...
– “Một nắm rau thì no mẹ gì? – Tôi nói
– Một thúng rau trai, ăn cho đã, cho đỡ đói.”
Tưởng vậy là vui, có rau trai. Ai ngờ,
gần tết, Đại úy Quang – Biệt Cách Dù – cũng đi tưới rau rồi trốn
trại. Trung úy Cán Bộ Quản Giáo Đoan không cho đi tưới rau nữa.
Mấy hôm nay, vừa đói, vừa thèm rau – đói hơn thèm – Chương nói:
“Bữa nay, rau ngoài suối mọc đầy, không hái được. Bọn mình không
có rau. ‘Buồn’ ghê”, thay vì “đói” ghê!
Nấm chỉ
Tết năm 1980, sau khi Tàu đánh Việt
Cộng dọc biên giới Việt Trung, sợ bọn tù nổi loạn, trốn trại...
nhất là sau khi tên trung tá Công An Việt Cộng trưởng trại Trịnh
Văn Thích đi Hà Nội về, họp tù ở hội trường, “chơi” một câu cũng
khá lạnh người, mà tù thì thêm phấn chấn. Y nói:
– “Các anh trên nhắc chừng, ‘đừng coi
thường tù ngụy. Họ là những người có lý tưởng cả đấy’”. Tù vỗ tay
hoan hô rần rần...
Nói vậy, nhìn dưới con mắt “cách mạng
triệt để”, thì có nghĩa là phải “xiết chặt” bọn tù hơn, nghĩa là
“hạn chế thăm nuôi”, “hạn chế đồ ăn thân nhân tiếp tế”, không cho
tù đi làm xa, vào sâu trong rừng, v.v. Thành ra, ngày thường tù
đã đói, ngày tết, tù càng đói hơn. Tù đói không quan trọng bằng
tù trốn trại. “Cách mạng” suy như như thế. Vậy thì tù chỉ đi làm
gần trại, cuốc đất ở những chỗ cây rừng đã bị hạ, đã đốt, chỉ còn
những cây mục. Cây mục, gặp mưa, nấm mọc nhiều.
Ở Mỹ, vào siêu thị, nấm được đem bán
thiếu gì. Mỗi nơi bán nấm đều có ghi tên của loại nấm, và... rất
an toàn, lại ngon, ăn vào không sợ bệnh. Nấm rơm, nấm “Đông cô”,
v.v.
Nấm rừng
đẹp hơn nấm bán ở chợ. Có loại tai nấm màu đỏ, khá đẹp, trông rất
“bắt mắt” nhưng ăn vào... chết như không. Có người tù bảo “nấm
đẹp là nấm độc”. Đẹp hay không đẹp, không quan tâm, nhưng cần
phải ăn được.
Một hôm, đội tôi đi cuốc đất. Sau một đêm mưa, nấm mọc đầy rừng.
Dương Tiến Đông, dân Đà Nẵng, cựu đại úy chế độ cũ, cùng mấy
người bạn, hái về một đống nấm, gọi bạn bè tới, chia nhau, mỗi
người một ít, nói đùa: “Về nấu ăn, đón giao thừa”. Khi nói câu
ấy, có lẽ Đông nhớ lại câu hát của Nguyễn Văn Đông: “Đón giao
thừa một phiên gác đêm.”
Tôi không ăn, tôi sợ nấm độc. Không
biết chắc là nấm gì mà hè nhau ăn như thế thì nguy hiểm quá. Tôi
cũng đang ăn chung “một mâm” với anh Lã Trung Tâm – cựu đại úy,
nhân viên Giám Sát Viện – là người ăn uống rất cẩn thận, “ăn chín
uống sôi”, nên tôi không thể nhận nấm của Đông đem về ăn chung
với anh Lã Trung Tâm được, trong khi Trắc đã luộc nấm ăn rồi,
khen “nức nở”: “Ngon lắm anh, ngọt lịm.”
Anh Lã Trung Tâm nói nửa đùa nửa thật:
“Ngọt lịm mà cũng chết lịm đó mày.” Rồi Anh Tâm giải thích: “Nấm
độc có nhiều dạng: Ăn dzô tím cả người, chết liền. Ăn vô bất
tỉnh, còn thở nhưng chân tay tê liệt, ăn vô còn tỉnh nhưng không
nói được, bị câm...”
Trắc nói ngang: “Nấm này không độc anh,
ăn được.”
–
“Sao biết ăn được?” Anh Tâm hỏi.
– “Nấm nào nai ăn được là mình ăn
được.”
– “Khi
tụi bây dzô tới bãi, nai chạy tuốt vô rừng rồi, làm sao biết nai
ăn?” Anh Tâm hỏi, gắt gỏng vì ý kiến Trắc phản lại ý anh ta.
– “Chỗ nấm có dấu chân nai. Nai đang
ăn, thấy mình, bỏ chạy.” Trắc giải thích.
Có lẽ thấy Trắc nói có lý nên anh Tâm
không nói gì?
Tôi nói đùa: “Anh thấy không, tụi nó ăn xong, không nghe tụi nó
nói năng gì cả. Tụi nó ăn nấm gì anh biết không?”
– “Mày làm tài khôn. Mày nói tụi nó ăn
nấm gì?”
Tôi
cười: “Rõ dzậy mà không hiểu. Anh đừng chê tui ngu. Tụi nó ăn
‘Nấm Chỉ’ chớ nấm gì?”
Anh Tâm lại gắt gỏng với tôi: Nấm Chỉ
là nấm gì? Sao mày biết đó là nấm chỉ?
Tôi giải thích, làm ra vẻ nghiêm trọng:
“Ăn xong, cả bọn kéo nhau lên trạm Y Tế. Bác sĩ Đôn hỏi đau gì?
Tụi nó đứa nào cũng đưa tay chỉ lên miệng, ý nói ăn nấm nhưng
không nói được, bị câm hết rồi, đưa tay chỉ lên miệng mà thôi. Đó
không nấm chỉ thì gọi là nấm gì?”
Anh Tâm nghe nói, vừa cười vừa mắng
tôi: “Tụi nó nghe mày nói khích, nó ‘dần’ mày không còn cái
xương.”
Nửa
đêm, anh Tâm nằm kế tôi thức giấc. Tôi nói: “Ngủ đi ông nội, mai
còn cuốc đất.”
Anh Tâm nói nhỏ vừa đủ nghe: “Nghĩ tới
tụi thằng Đông, tao ngủ không được mày à. Cầu cho trời mau sáng,
qua một đêm, tụi nó không can gì là may.”
Tôi rán ngủ tiếp, bụng nghĩ thầm: Thằng
cha này “khẩu xà tâm Phật”.
Rau sam “Đồi phượng vĩ”
“Đồi phượng vĩ” là doanh trại cũ của
một trung đoàn thuộc Sư Đoàn 18, nằm kế con đường mới mở, từ ga
xe lửa Gia Ray vào “trại tù Cải Tạo Z30A/Xuân Lộc Đồng Nai”. Con
đường này nằm giữa “Đồi phượng vĩ” và núi Chứa Chan (1).
Cộng sản thì chọn cán bộ từ “cốt cán”,
nghĩa là từ “vô sản chuyên chính”, “ba đời đi ở, bốn đời làm
thuê”. Còn người lính miền Nam vừa đi đánh giặc vừa mơ mộng kiểu
tiểu tư sản. Ví như Việt cộng thì đặt tên đồi là “Chiến Thắng,
Vinh Quang”... hay gì đó, thì “người lính của mộng mơ” đặt tên là
“Đồi phượng vĩ”. Nó có nghĩa đây không phải tiền đồn chống giặc
mà chính là nơi người lính ôm súng ngồi nhớ người yêu ở Trưng
Vương, Gia Long, Đồng Khánh hay... chợ Bến Thành.
Thật ra, đây là ngọn đồi canh giặc.
Phía La Ngà, Định Quán... thời Chiến Tranh Việt–Pháp 1945–54, là
con đường giao liên của cộng sản, từ mật khu Dương Minh Châu
xuống Trị An, vượt Quốc Lộ 15 để đi về Võ Đắt, Võ Xu, rồi lại
vượt Quốc Lộ 1 để về mật khu Mây Tàu. Vị trí địa lý quan trọng
như thế nên Việt Minh đánh Tây mấy lần trên Quốc Lộ 15, ở đoạn
đường này. Một lần Tây đại bại ở Định Quán, lịch sử còn ghi.
Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh
trước, bây giờ Việt Cộng mở “trường Cải Tạo Xuân Lộc” sâu vào
trong rừng La Ngà, khiến những tay “Phục Quốc” hết đất dụng võ,
mặc dù trên Quốc Lộ 15. Khu vực Giấc Mơ, Gia Kiệm không thiếu
“đồng bào di cư”.
Đồi mộng mơ “Phượng Vĩ”, ngay sau 30
tháng Tư là một trại cải tạo, “trại Z30A Xuân Lộc/Đồng Nai”, tên
thường gọi là Trại A.
Năm 1980, sau mấy trận “Huynh Đệ Tương
Tàn”, tù Cải Tạo từ phía Bắc được đưa về Nam. Bọn chúng tôi bị
đưa từ Trại Đá – nằm sâu trong rừng La Ngà – ra Trại A để dành
chỗ cho đám “Bò Lục”, “Bò Ngũ” – tiếng lóng chúng tôi gọi các
“Đại Tá”, “Trung Tá” từ miền Bắc mới đưa về.
Khu vực lao động của “Đội 21”, đội của
tôi, nằm phía sau đồi “Phượng Vĩ”. Phía này có một con suối nước
chảy quanh năm. Nước từ “Đồi Phượng Vĩ” tuôn ra triền miên, không
khi nào dứt. Hai bên bờ con suối này, vì có nước ngọt, rau sam
cũng mọc quanh năm, nhất là sau những ngày mưa, rau lên xanh um.
Ếch nhái, rắn rết... tập trung về đây cũng nhiều.
Ngoài rau sam, chúng tôi bắt được rắn
cũng không phải ít. Nếu có một chú rắn nào vô tình nạp mạng, bị
nắm cổ, bị lột da, hiện ra “bộ đồ lòng” thì có nhiều tiếng gọi:
“Trắc đâu?” hoặc “Trắc ơi Trắc”. Trắc phóng đến ngay. Trắc ngửa
cổ, há miệng: Bộ đồ lòng của con rắn, bị xé ra chỉ còn cái mật,
bỏ ngay vào miệng Trắc. Trắc nuốt một cái ực. Cái mật chui vào
miệng Trắc. Bạn tù đứng quanh vỗ tay cười, hoan hô, coi như xem
một trò xiếc của gánh “mãi võ Sơn Đông” nào đó đang biểu diễn
trước một ngôi chợ nhà quê. Có gì đâu. Trắc bị bệnh suyễn. Nhờ
trò này nên Trắc bớt bệnh.
Cà–phê máu
Cuối tuần nào đó, ngày thứ bảy, cán bộ
quản giáo Hoành, dẫn chúng tôi ra nhà ông thiếu úy công an tên
Minh. Ông Minh có đám ruộng, nhờ bọn tù chúng tôi cuốc giùm để
trồng lúa. Ông đãi chúng tôi một bữa ăn trưa cơm cá đàng hoàng.
Trắc nói đùa “Cày thuê cuốc mướn chính là đây.” Cán bộ công an
trại này, hầu hết là Bắc Kỳ 75, chỉ có thiếu úy Minh, thiếu úy
Ngàn là hai người Nam. Hai ông này có nhà kế hàng rào trại, có vợ
cũng là người Nam. Cha vợ thiếu úy Minh là một ông già, làm nghề
“bẻ ghi” cho ga xe lửa Gia Rây – Long Khánh từ hồi Tây còn cai
trị, đã mấy chục năm, hiện đang nghỉ hưu.
Khi ăn trưa, chúng tôi vừa ăn vừa kể
chuyện ăn “Nấm Chỉ” tuần rồi, cười nói vui vẻ. Ông già vợ thiếu
úy Minh tuy không ăn chung, nhưng ngồi bên cạnh bàn ăn chuyện trò
với chúng tôi. Nghe chuyện, ông nói:
– “Tui ở đây mấy chục năm, từ trước hồi
Nam Bộ Kháng Chiến tới giờ. Chỗ rừng này, có chỗ nào mà tôi chưa
từng lội tới, ăn của rừng cũng nhiều, nhưng kinh nghiệm thì thấy
đúng như ông bà mình dạy: ‘Ăn của rừng rưng rưng nước mắt’ đấy
các anh à.”
Đông nói: Nhưng người ta nói làm nghề rừng mau giầu lắm bác à.
“Tiền rừng bạc biển” mà.
Tôi nói: “Tiền rừng bạc biển” là với
những ai có ghe tàu đánh cá, có “xe be”, như bà Kh. với ông Đỗ
Kiến Nh. làm chủ công ty Tuhuco với mười chiếc tàu biển ở Rạch
Giá, hay ông Đỗ Cao L. có cả một cái “Bến Súc” neo gỗ ở Biên Hòa,
bà Nhu có một con đường mang tên Trần Lệ Xuân để chở gỗ, bà với
ông Tổng Giám Mục đóng thuế tiếp tế cho Việt cộng để khai thác gỗ
thì nghèo thế nào được. Những người làm công thì lại “sinh nghề
tử nghiệp” mới nghèo chứ.
Cụ Niệm, nãy giờ ngồi uống “cà–phê cứt
chồn” với ông già vợ thiếu úy Minh, lên tiếng:
– “Đừng ham, đồng tiền dính máu cả đấy
mấy anh ạ.”
Trắc nói: “Cụ Niệm nói không sai đâu. Nghe câu chuyện cụ kể việc
tấn công kho cà–phê ở Ban Mê Thuột, tui đã kinh.”
Cụ Niệm là
anh “cầu thủ quả bóng vàng Bắc Việt” Trần Văn Ứng. Cụ từng là cựu
“sếp Police” một quận Cảnh sát ở Ban Mê Thuột, có khá nhiều
chuyện hay về “Cà–phê Ban Mê Thuột” kể cho chúng tôi nghe. Cụ
nói: “Mình làm Tây ăn” là Tây nó ngon hơn mình. Sau khi cụ Ngô
đuổi Tây về Tây rồi, một số đồn điền cà–phê ở Ban Mê Thuột còn
giữ lại cho Tây là vì có quan hệ quyền lợi với Giáo Hội La Mã.
Thằng Tây chủ đồn điền ở xứ tôi, thỉnh thoảng đem biếu tôi với
mấy ông lớn nửa kí–lô “cà–phê cứt chồn” uống chơi.
– “Cà–phê cứt chồn” là sao? Có người
hỏi.
– “Trái
cà–phê khi vừa già chín, người ta hái ngang đem về chế biến.
Riêng loài chồn hoang trong rừng, chúng chỉ ăn những trái chín
vừa, ngon ngọt. Chồn ăn nguyên trái, nhưng chỉ tiêu hóa vỏ trái
cà–phê, ỉa hột ra ngoài. Người ta lượm những hột đó lẫn trong cứt
chồn, đem về rửa phơi, chế biến thành ‘cà–phê cứt chồn’”.
– Hột cà–phê đó chắc giống như trà “trà
trảm mã”.
–
Trà đó có thấm một chất tiêu hóa trong dịch vị con ngựa. Còn
“cà–phê cứt chồn” có thấm cái gì trong ruột con chồn không thì
tôi không biết, nhưng ngon tuyệt, hơn cà–phê thường nhiều lắm.
– Tuy cụ Niệm ở tù, gia đình gặp khó
khăn, nhưng bà cụ Niệm hễ đi thăm nuôi là có “cà–phê cứt chồn”
cho chồng. Nhiều hôm chủ nhựt, không đi cuốc đất, chúng tôi được
uống “cà–phê cứt chồn” với cụ Niệm.
Có lần cụ kể:
– “Cà–phê không ít lần vấy máu đó mấy
‘ông’” ạ. Thằng Tây chủ đồn điền, có vợ ở bên Tây, vài năm một
lần nó về Tây thăm vợ. Ở đây, nó có một con “vợ mọi”, một con nhỏ
mười mấy tuổi, nó mua của một gia đình Thượng nào đấy. Một năm,
thằng Tây về thăm nhà, con “vợ mọi” bị Việt cộng móc nối, để tụi
nó vô cướp kho cà–phê. Xui hôm đó, lính tráng phe ta cũng cho xe
vô cướp kho cà–phê. Hai bên “tao ngộ chiến”. Việt cộng rút lui,
không rõ chết sống ra sao. Bên ta, chết một thượng sĩ. Việc báo
cáo không dễ: Chết ở đâu? Vì sao? Lệnh hành quân nào. Tôi, tức là
cụ Niệm, cùng An Ninh Quân Đội, Phòng 2 Tiểu khu... phối hợp điều
tra. Thầy chú phải khai thiệt, rồi kéo nhau tìm tới chỗ tụi nó
chôn vội chôn vàng ông thượng sĩ. Gia đình nạn nhân được đi theo
để nhận dạng. Khi móc đám đất đằng chân, chiếc giày “xô” ông
thượng sĩ bày ra, đứa con gái lớn, khoảng mười ba mười bốn tuổi,
nhận ra bố nó, khóc òa lên “Bố ơi! Bố ơi!” Nghe tiếng khóc, tim
tôi như ai muốn xé ra vậy. Tôi muốn xỉu. Đau đớn quá mấy anh ơi.
“Cà–phê máu. Cà–phê máu”. Ông cụ này nói đúng đấy: “Ăn của rừng
rưng rưng nước mắt”. Nhưng nước mắt là còn may. Máu nữa mấy anh
ạ./.
hoànglonghải
1/2022
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by MĐ Trịnh Tường Vân chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, January 27, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang