Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bút
Ký
Chủ đề:
hành quân lam sơn–719
Tác giả:
MĐ BS Vĩnh Chánh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời Tác giả: Mến tặng và nhớ đến những chiến sĩ QĐ VNCH, nhất là thuộc binh chủng Nhảy Dù, đã tham dự Hành Quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào vào tháng 2, 1971. –vĩnh chánh
Sau một thời
gian nằm chờ ở Khe Sanh, vào đầu một ngày N tháng 2, 1971, trong
đợt trực thăng vận đầu tiên, Trung úy Phạm Đồng dẫn đầu Trung
Đội 2 của Đại Đội 33 thuộc TĐ3ND, nhảy xuống một ngọn đồi trọc vô
danh mang ám số 31 trên bản đồ, mở đầu cho cuộc Hành Quân Lam Sơn
719. Nhiệm vụ: lập đầu cầu, mở rộng vòng đai an toàn cho các đơn
vị kế tiếp đến sau: Bộ Chỉ Huy TĐ3ND của Trung tá Lê Văn Phát,
gồm luôn cả Trung tá Phan Hy Mai, Lữ Đoàn Phó LĐIIIND cùng ĐĐ30
chỉ huy công vụ, Pháo Đội B3 của Đại úy Nguyễn Văn Đương, và
cuối cùng là BCH của Lữ Đoàn III ND với Đại tá Nguyễn Văn Thọ,
Lữ đoàn trưởng với ban tham mưu. Mấy ngày đầu tiên, tình hình
êm ru, nhưng qua mấy ngày sau, địch bắt đầu pháo kích lai rai,
không chính xác, dò dẫm.
Trước khi được không vận ra Khe Sanh,
TĐ3ND của Trung úy Đồng vừa xong cuộc hành quân ở Tây Ninh. Thời
gian nghỉ ngơi ở hậu cứ chưa được bao lâu thì đơn vị anh lại có
mặt nơi này. Từ ngày Đồng tình nguyện vào ND cuối tháng 9, 1968,
trong nhóm 8.
Chuẩn úy
cùng khoá Thủ Đức bổ sung vào TĐ3ND, nay chỉ còn một mình anh.
Đồng cầm Trung Đội 2 của Đại Đội 33 từ lúc đầu quân vào TĐ3ND cho
đến giờ phút này, đã xuôi ngược từ Nam ra Bắc, rồi lại Đông sang
Tây, đã qua bao nhiêu miền đất nước, đã trăn trở trước sự hoang
tàn của quê hương và thấm thía bụi đường của nỗi niềm người chinh
nhân. Đôi khi Đồng muốn mơ về một ngày yên bình trở lại nhưng vẫn
không thể hiểu nên khởi điểm giấc mơ từ nơi đâu – Ở ngay trên
chiến trường vừa kịp tan khói súng? Ở trên làng mạc đổ nát còn
mang tàn tích của chiến tranh? Hay ở ngay Huế của Đồng, nơi mà
anh rời sau Mậu Thân 68 với những ám ảnh kinh hoàng chưa tan,
những vành khăn tang chưa nguôi, những đau thương mất mát chết
lịm trong tim? Giờ đây, với 25 năm tuổi đời và gần 3 năm kinh
nghiệm chiến trường, Đồng cùng 26 mống của Trung Đội 2 của anh
đang có mặt tại Đồi 31 này, nào là Thượng sĩ Trung Đội phó Đàng,
các Hạ sĩ quan Biên, Sâm, Muôn, Yến... và các Binh sĩ Thông,
Chính, Kiều, Chí, Sĩ, Nam, Phi, Quá, Dũng, Vân, Hải, Mão, Ngạt,
Xuất, Thuận, Vượng, Kỳ, Phú, Yên... Trong cương vị chỉ huy một
đơn vị tác chiến nhỏ nhoi, anh thầm đoán cuộc hành quân này sẽ
rất gay go và tự hỏi rồi đây, những ai trong đám người này sẽ để
thân xác lại nơi đây và những ai sẽ còn cơ hội trở về lại bên kia
biên giới?!
*****
Trong
khoảng thời gian ấy, ở một nơi xa hơn, có một Thiếu úy Không
Quân Bùi Tá Khánh đóng quân tại sân bay Đà Nẵng. Là một hoa tiêu
trực thăng, anh phục vụ Phi Đoàn 219 Long Mã, Không Đoàn 51 của
Sư Đoàn 1 Không Quân. Phi Đoàn 219, hậu thân của Biệt Đoàn 83
trước đây khi còn trực thuộc vào Phòng 7 Nha Kỹ Thuật của Bộ Tổng
Tham Mưu, có trách nhiệm thả người, đưa đón và yểm trợ những toán
biệt kích Lôi Hổ, những đơn vị tiền thám đi sâu vào lòng địch,
tận trong các mật khu biên giới hay ngay cả phía Bắc vĩ tuyến, để
lấy tin tức, gây rối và phá hoại các căn cứ hậu cần của địch. Vì
vậy, mọi phi cơ của Phi Đoàn 219, và nhất là loại trực thăng H34,
đều sơn một màu xanh đen, không mang phù hiệu hay bất cứ một dấu
vết nào để giữ sự an toàn và bí mật.
Thiếu úy KQ Khánh vốn gốc Hà Nội, di
cư vào Nam sau 1954 cùng với gia đình. Anh gia nhập Không Quân
sau khi hoàn tất trung học và được gởi đi huấn luyện phi hành
trực thăng tại Hoa Kỳ. Một tuần sau khi tốt nghiệp và trở về lại
Việt Nam, Khánh trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân và được đưa về
phục vụ Phi Đoàn 219 từ cuối năm 1969. Như bao nhiêu bạn KQ khác
thường xuyên đảm nhận những phi vụ nguy hiểm, anh sớm có khái
niệm về chiến tranh rất rõ ràng, và luôn cố gắng sống đúng với
tinh thần làm trai thời loạn. Với ánh mắt cương nghị, vẻ mặt khí
khái của một đấng nam nhi sớm si mê sự rộng lớn của không gian và
màu xanh thẳm của bầu trời, cao ráo trong bộ đồ phi hành màu đen,
anh bình thản đi vào cuộc chiến bảo vệ quê hương với tấm lòng
tràn đầy nhiệt huyết của một thanh niên khi tổ quốc lâm nguy. Vào
tháng 2, 1971, Phi Đoàn 219 của anh ứng chiến cho cuộc Hành Quân
Lam Sơn 719, anh vừa tròn 22 tuổi, và là phi công phụ trong chiếc
trực thăng H34.
*****
Những ngày đầu và cả tuần sau khi đặt
chân lên Đồi 31, Trung Đội 2 của Đồng lo đào hầm, củng cố vị trí
chiến đấu cho đơn vị của mình, và cùng với Đại Đội 33 đảm nhận
bảo vệ an ninh, phòng thủ vòng đai lớn cho Đồi 31, bảo vệ bãi đáp
trực thăng trên yên ngựa cho những chuyến chuyên chở liên tục của
các trực thăng Chinook lặc lè đạn pháo, rồi những khẩu pháo 105
cùng các pháo thủ, xe ủi đất hoàn tất các hầm kiên cố chỉ huy cho
Bộ Chỉ Huy LĐIIIND, cho Bộ Chỉ Huy TĐ3ND và cho 6 vị trí đặt súng
105ly của Pháo Đội B3.
Ngày N + 9, sau khi bàn giao nhiệm vụ
bảo vệ và phòng thủ Đồi 31 lại cho ĐĐ32 của Đại úy Thiếp cùng
với Đại Đội Công Vụ 30 của Đại úy Toán, Trung Đội 2 của Đồng
cùng ĐĐ33 dưới quyền chỉ huy của Đại úy Lê Thành Bôn, được điều
động bung ra 2–3 cây số bên ngoài về hướng Bắc của Đồi 31. Trong
khi ấy, ĐĐ31 của Đại úy Ngô Tùng Châu bung về hướng Đông và ĐĐ34
của Đại úy Trương Văn Vân về phía Nam. Nhiệm vụ: lục soát, tảo
thanh, sẵn sàng giao tranh và đánh phá lực lượng địch. Trước khi
rời Đồi 31, Đồng e dè cân nhắc nhiệm vụ của từng binh sĩ, từng
toán khinh binh, xung kích, yểm trợ hay hỏa lực, để có sự hữu
hiệu tối đa của từng cây súng M16 cá nhân hay M60 cộng đồng,
phóng lựu M79 hay hỏa tiễn cầm tay M72 khi cần xung phong, lúc
cần bổ xung cho nhau, xé nhỏ các đội hình, coi lại trang bị... Và
chính anh sẽ dẫn đầu một trong 2 toán khinh binh đi mở đường.
“Đang chông chênh bên triền núi cách
trục chính chừng năm mươi mét, khoảng cách đủ tầm quan sát trên
địa thế hẹp và rậm rạp cỏ tranh, sim rừng:
... Ầmmmm... toctoctoc... toctoctoc...
toctoctoc...
Ngay trên nếp gấp khúc của địa hình, chúng tôi chạm địch ở hướng
chính, loạt đạn đầu tiên của họ là một sự phối hợp nhịp nhàng của
B40 và AK47, sau đó là âm thanh ồm ồm của trọng liên, trên máy
tôi nghe On báo cáo đã có thương vong. Biên và Chính vẫy tôi từ
sau một ụ mối, khom người chạy lên theo hướng tay của Chính tôi
thấy cụm hỏa lực của họ, khẩu 12.8ly đặt ngay ngã ba của hai dãy
đồi gặp nhau khống chế trọn vẹn hướng tiến quân của chúng tôi
trên yên ngựa hẹp. Trung Đội 3 hứng toàn bộ áp lực đó và rất khó
xoay xở. Tôi báo lên đại đội vị trí của chúng tôi, tình hình
địch, nhận định và đề nghị của mình về trận thế. Họ chưa phát
hiện chúng tôi ở bên cánh trái, không có lằn đạn nào quạt xuống
sườn đồi, toàn bộ hỏa lực của một chốt mạnh, bắn xối xả dọc theo
lườn xâu táo và sườn phải, nơi Trung Đội 1 và 3 cũng đang bắn trả
dữ dội, tôi ra thủ hiệu cho toàn trung đội nằm im bất động, tránh
sự phát hiện của địch. Quá gần để xin sự yểm trợ của phi pháo, và
cũng không thể rút lui để giãn khoảng cách, khi mà các chiến sĩ
khinh binh của Trung Đội 3 đang nằm trọn trong tầm khống chế của
hỏa lực đối phương. Đại đội trưởng quyết định chuyển hướng tấn
công chính qua trung đội tôi, hai trung đội còn lại tung hết hỏa
lực, thu hút sự chú ý của địch.
Trao đổi chớp nhoáng với Biên, Chính,
Muôn, và Thượng sĩ Đàng, chúng tôi đồng loạt khai hỏa tám trái
hỏa tiễn M72 và cắp súng lao lên. Muôn dũng mãnh như một con hổ
dữ, cây M60 trên tay anh đẩy dồn địch vào thế bất ngờ hoảng hốt
sau một chùm tiếng nổ uy hiếp của M72, địch quay ngoắt nòng
12.8ly sang trái kết hợp với cây RPD cố gắng kháng cự, chúng tôi
lại gặp hên, có lẽ họ không tiên liệu được trên sườn dốc dựng
đứng lại có một cánh quân đang hành tiến một cách kín đáo, họ đã
để trống hỏa lực, và có lẽ các xạ thủ này quen bắn máy bay hơn là
đối kháng với bộ binh, nên đến khi Muôn xông lên gần tới, nòng
12.8ly quay vội vàng, lại phải chúc mũi bắn xuống, không đạt được
hiệu quả tác xạ. Họ cũng can đảm không kém khi phải đứng lên
trước làn đạn điêu luyện của Muôn và tốc độ xung phong dũng mãnh
của các chiến sĩ khinh binh với sự dẫn dắt của Biên, Chính,
Thông, Chí. Cây trung liên nồi RPD cũng lâm vào tình thế tương
tự. Họ không còn cơ hội để sửa chữa sai lầm tai hại đó. M60 trên
tay Muôn đốn gục tổ xạ thủ, trọng liên của địch, cùng lúc Chính
thảy chính xác một trái lựu đạn M67 vào ngay ổ RPD, cơ phận địch
sống sót nhốn nháo rút lui gặp ngay sự truy kích của Trung Đội 3
đang ‘thừa thắng xông lên’, chốt đã bị bứng gọn, Trung Đội 3 lại
được giương về phía trước án ngữ mặt tiền trận địa và chúng tôi
tổ chức phòng thủ tạm thời, để phòng địch phản kích, để tải
thương và chuyển chiến lợi phẩm về căn cứ.
Không có chiến thắng nào lại không đổi
bằng máu xương người lính, và vòng nguyệt quế nào lại không man
mác chia ly, Biên bế Chí trên tay giàn giụa nước mắt, máu anh
thấm đẫm áo hai người, Chí ngã xuống khi đang cùng với Thông cố
chiêu hàng người lính địch bị thương, anh ta ôm ghì khẩu AK trong
hầm chiến đấu, Chí chỉa súng thủ thế và ra lệnh:
Bỏ súng xuống, tôi sẽ đưa anh lên băng
bó!
Đáp lại
vòng tay đầy tình người của Chí là một băng đạn AK hất ngược anh
trở lại. Chí chết khi hai mắt vẫn còn mở lớn. Nếu muốn giết anh
ta trong cơn thất thế, Chí đã làm việc đó dễ dàng, hà cớ gì lại
phải phơi người trước mũi súng, Chí ơi, Chí làm sao hiểu được tại
sao những chiến binh bên kia lại quá nhiều căm thù?”
Tôi buồn bã nhìn đống chiến lợi phẩm,
Biên thảy xuống trước mặt tôi cây 12.8ly bên cạnh khẩu súng cối
82 và RPD, B40... ánh mắt anh thoáng nhiều trách móc, Chí là em
kết nghĩa của Biên, đã nhiều lần Biên nói với tôi để Chí đoạn
hậu, hay thử M60 cũng được, hai anh em tôi một đứa khinh binh
được rồi, tôi lại rất ngại phải xáo trộn đội hình khi phải đưa
người này lên đưa người kia xuống, đã đành không phải ở Tiểu Đội
Hỏa Lực là an toàn hơn ở Tiểu Đội Khinh Binh, tỷ lệ thương vong ở
hai vị trí này khi lâm trận là một chín một mười, có khi địch tập
trung hỏa lực khống chế cây M60 nếu họ phát hiện, thì cũng gian
nguy không kém, và hai Tiểu Đội hỏa lực cũng phải xung phong theo
đội hình trung đội khi tấn công, chứ không phải chỉ thuần túy yểm
trợ. Tấm lòng người anh của Biên muốn thu xếp cho người em một
chỗ ít nguy hiểm hơn mình đã không được toại nguyện, Chí đã vĩnh
viễn ra đi, sự hy sinh của anh khẳng định tính cách của người
lính bên này chiến tuyến. Chúng tôi chiến đấu không hận thù và
cuộc chiến đấu của chúng tôi mang đầy nhân tính.
(1)
*****
Theo lệnh của Phòng 3 Quân Đoàn I, Phi
Đoàn 219 được đặt dưới sự trưng dụng của Sư Đoàn ND trong suốt
cuộc hành quân Lam Sơn 719. Ngoài những phi vụ thường lệ hàng
ngày, nay Phi Đoàn 219 đảm nhiệm thêm việc yểm trợ trực tiếp cho
Nhảy Dù, từ các phi vụ đặc biệt nhảy toán cho đến các phi vụ tiếp
tế lương thực súng đạn hoặc tản thương cho các đơn vị tác chiến
ND hành quân bên ngoài các căn cứ hỏa lực 29, 30, và 31. Do đó,
mỗi ngày Phi Đoàn 219 tăng phái một Phi Đội gồm 2 hoặc 3 chiếc
H34 nằm trực chiến ban ngày tại Khe Sanh, nơi đặt bản doanh tiền
phương của Sư Đoàn ND, và cứ đến chiều thì bay về nghỉ đêm tại
Phú Bài. Có lẽ “hot” nhất vẫn là các phi vụ tản thương các binh
sĩ ND bị thương khi hành quân lục soát xung quanh các căn cứ hỏa
lực và đụng độ với cộng quân. Vì chuyện bay tiếp tế hoặc tải
thương này vẫn xảy ra hầu như hàng ngày, nên Khánh coi như pha,
bình thản đi vào những vòm trời đầy nguy hiểm. Phi Đội của anh cứ
luân phiên trực chiến ở Khe Sanh/Phú Bài 4 ngày rồi trở về Đà
Nẵng.(2)
*****
Ngay sau lần chạm địch đầu tiên vào
buổi sáng, ĐĐ33 tiếp tục tiến bước, vượt qua tuyến đầu của địch,
đến mục tiêu kế tiếp, trong thế các trung đội sẵn sàng yểm trợ
cho nhau. Cùng lúc, hàng loạt đạn pháo từ Pháo Đội B3 trên Đồi 31
liên tục nhả đạn bắn vào ngọn đồi trước mặt.
“Đợt pháo kích theo lời yêu cầu vừa
chấm dứt, hai chiếc HU1A của KQVNCH nối đuôi bay quành trở lại,
phối hợp nhau gởi xuống mục tiêu những quả rocket dài ngoằn xé
gió. Chúng tôi biết mình phải làm gì sau đợt không kích đó. Tôi
đọc thấy thoáng âu lo trên khuôn mặt từng chiến sĩ. Kể cả tôi,
cũng không thể trốn tránh thực tại hết sức căng thẳng của trận
chiến. Vừa vượt qua cái chết buổi sáng đã phân vân với số mệnh
buổi trưa. Ai đã đi qua chiến tranh, đã đánh chừng mươi trận mà
vẫn còn sống để chờ đợi trận đánh thứ mười một chưa biết mất còn,
mới chia xẻ được cái cảm giác hồi hộp, nặng nề của người lính
trước trận đánh. Huống chi quanh đây, không kể hai tân binh mới
ra trận lần đầu chưa biết hòn tên mũi đạn, từ quan tới lính,
người nào cũng dự vài ba chục trận, vài ba chục lần quẳng cái bản
chất thằng người tham sanh úy tử xuống đất, ôm súng lao lên theo
tiếng thét xung phong của đồng đội. Có muốn hèn cũng không thể
hèn được, có muốn dừng lại cũng không thể dừng lại được. Cái cảm
giác xung trận nó vô cùng kỳ lạ, nó cuốn hút người ta lao vào bất
kể tới đâu... Cứ phỉnh phờ cái lo lắng, cứ giả vờ hồn nhiên cười
cợt, mà sao trong những đôi mắt kia chợt tối nỗi bâng khuâng.
Có phải Biên đang nghĩ đến đàn con quây
quần trong ánh đèn vàng vọt, căn nhà nhỏ trong trại gia binh có
ai đang thao thức nguyện cầu, có phải Muôn đang nhớ về người tình
chơn chất, lời hẹn thề chưa ngút một tuần trăng. Có phải Chính
đang rối bời mẹ già tóc bạc, phận làm con biền biệt chốn biên
cương. Ô kìa ông Đàng! Mười hai năm quân ngũ đã hằn lên vết tích,
tuổi thanh xuân qua trên khổ lụy quê nhà có làm anh ít nói, hay
đang lặng im trên chính về nỗi ước mơ còn xa vời vợi, mảnh vườn
quê chim hót nắng mai. Và Sĩ, Thông, và Kiều, và... hai mươi sáu
cái nón sắt rằn ri màu lá, che kín hai mươi sáu cõi riêng tư. Đã
điên đâu mà vui mừng hăng hái, có phải là đồ tể đâu mà say máu
bắn giết, chẳng qua, họ đã dấy động can qua thì chúng tôi phải
chiến đấu để tự vệ, để giành cái quyền sống làm người theo cách
đã chọn lựa...
Ngay khi các toán trinh sát xuất phát
chừng một trăm mét, trận địa đang im lắng bỗng rộ lên hàng loạt
tiếng súng cối và tiếng đạn đi xé gió, khoảng năm hoặc sáu khẩu
82ly của địch xa về hướng Tây, tác xạ tập trung vào vị trí đại
đội, dù không chính xác cho lắm, nhưng pháo kích kiểu vãi đậu như
thế này, quả thật cũng làm chúng tôi lúng túng. Phía trước mặt,
hỏa lực bắn thẳng của họ cũng bắt đầu lên tiếng, hòng chặn đứng
mũi tiền kích đang cố gắng bám vị trí.
Trong khi chúng tôi chật vật vì súng
cối địch, thì vị trí của họ cũng tả tơi dưới hàng loạt đạn pháo
của B3 từ Đồi 31 và từ Pháo Đội C3 của Căn cứ hỏa lực ở Đồi 30
trong tầm hiệu quả, đang bắn yểm trợ.
– Lỡ rồi! Chơi luôn Một Hai Ba!
– Một nhận!
– Hai nhận!
– Ba nhận!
– Tụi nó ở dưới khe suối cạn
và đỉnh đồi bên kia!
– Chờ thằng Phở bắc nấu xong tô nào
chơi tô đó, Phú Bổn lên với Phú Ông, Một và Hai theo luôn trái
phải!
– Hai
nhận!
Biên đã
bắt tay được với Chính, Thông, Sĩ. Tôi vắn tắt lịnh tấn công sau
đợt pháo chuyển làn tác xạ, cần phải nhanh chóng giải quyết trận
địa nếu không muốn làm bia cho địch pháo kích.
Đúng lúc những loạt đại bác dồn lên
sườn đồi bên kia, chúng tôi đánh ép xuống thung lũng với nòng
súng cắm lưỡi lê sẵn sàng cận chiến. Từ triền dốc thoai thoải,
Biên và Chính phối hợp nhau dẫn đồng đội tiến lên từng điểm ẩn
nấp dưới làn đạn địch, Thông băng thật nhanh lên phía trước, bắn
ghìm sát mặt đất vừa dứt một băng đạn là đã tấp vào được một gốc
cây ven bìa suối, ống quần rách toạc vì vướng gai buổi sáng chưa
kịp thay, lòng thòng miếng vải phất lên phất xuống không đủ che
cái mông ốm nhách, xám xịt, anh chàng quay lại toét miệng định
cười, đã vội nằm hụp xuống, tay giữ nón sắt, co gọn người tránh
làn đạn vuốt cỏ cây ngã rạp bên cạnh, anh rút chốt trái lựu đạn
ném về phía trước, bắn rẽ quạt cho Chính, Sĩ và Tiểu Đội Khinh
binh tiến lên hàng ngang, bám được bìa rừng là nắm chắc tám mươi
phần trăm chiến thắng, là hạn chế tối đa thương vong. Và địch
cũng hiểu như vậy nên họ tổ chức phản kích dữ dội, liệu thế đơn
vị chốt tại bờ suối không chống đỡ nổi, khoảng chừng một trung
đội địch từ trên đỉnh đồi tràn xuống cứu viện, quyết không cho
chúng tôi vượt qua.
Đến đây tôi chợt hiểu, chúng tôi đã
được chỉ huy và theo dõi chu đáo từ Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, Lữ
Đoàn, khi cánh quân địch nhớn nhác tràn xuống chưa tới lưng chừng
đồi đã phải khựng lại rồi tan tác dưới từng loạt pháo nổ chụp
thần sầu của B3. Từng mảnh người tung lên rồi đổ gục. Ha ha chưa
biết ai chơi ‘công đồn đả viện’ thiện nghệ hơn ai đấy nghe ông
bạn. Liêu Thăng, Mộc Thạnh đã bị chém đầu thì Vương Thông còn hơi
sức đâu mà đấm đá. Hàng ngũ địch hoảng loạn, hỏa lực của họ tức
khắc rối bời không che phủ nhau được như trước. Đúng lúc đó, đại
đội phát lệnh xung phong toàn đơn vị.
– Xung phong!
Tiếng thét rền vang vách núi, đoàn quân
băng băng trên triền dốc lao xuống, vượt qua lửa đạn, vượt lên
chông gai xông tới, tiếng quân reo át tiếng đạn thù. Xung phong!
Xung phong! Đạn xủi mặt đất, đạn xuyên tàn lá, đạn nổ bùng lửa
đỏ, đạn veo véo bên tai, người trước ngã người sau xông tới,
khản cổ theo tiếng reo đồng đội, tim đập muốn vỡ tung lồng ngực.
Hây Sĩ, sao nằm đó? Ê Kiều! Mày cũng nằm đó sao? Tụi nó chết rồi!
Hây! Phi? Bị thương rồi hả? Đưa máy đây! Xung phong. Xung phong.
Tôi quàng vội chiếc máy truyền tin, dặn Phi nằm đó, Trung Đội 4
sẽ lên kéo về. Hai nghe Hai nghe! Lên luôn nhận năm, được 3 hầm
có cả cối! Nằm xuống trung úy! Chính húc luôn cái nón sắt vào
mặt xô tôi ngã rạp đúng lúc làn đạn cắt lá rụng tả tơi trước mặt,
không hề gì, cái hầm này nằm dưới đám rễ cây, nãy giờ chơi đủ...
Vậy thôi, chiến tranh không còn chỗ cho
sự khoan nhượng khi mà giọt máu của Chí còn nóng hổi trên trận
địa, không còn thời gian để lưỡng lự khi cái chết và sự sống gần
nhau trong gang tấc. Thêm Sĩ và Kiều, trong một ngày mất luôn 3
mạng người không thể thay thế, không thể so sánh khi đã cùng nhau
miệt mài trên những nẻo đường đất nước. Các sĩ quan ở Tổng cục
chiến tranh chính trị và Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu có thể xoa tay
hài lòng trước sự chênh lệch về tỉ số thương vong của hai phía,
đếm xác địch và ta để thống kê chiến thắng. Vâng, mười hai xác
địch tại trận địa, vắt vẻo trên miệng hầm trong một tuyệt vọng
thoát thân, chôn vùi trong hố chiến đấu bị bắn sập trong cố gắng
kháng cự, tan xác dưới hố đạn pháo binh... So với hai chiến sĩ ta
tử trận. Tỷ lệ chênh lệch lớn lao đó cũng không thể xoa dịu nỗi
đớn đau của người lính bên xác đồng đội. Bên những khuôn mặt mới
đây còn nói nói cười cười, còn chia nhau mẩu thuốc quân tiếp vụ
cong queo trong túi áo... hay thậm chí mới đây còn... đm thằng
này thằng nọ.
Tôi giở poncho nhìn mặt Kiều và Sĩ lần cuối, máu người chết trận
sủng thâm màu áo lính, hai người lãnh nguyên mấy mảnh cối 82 nổ
trên tán cây, chụp xuống khẩu đại liên đang mải mê nhả đạn...
Chúng tôi phải bố trí lại hỏa lực khi
cây đại liên của Kiều đã bị hỏng chưa kịp thay thế. Trung Đội 1
không có thương vong, Trung Đội 3 lại dính thêm một chết, hai bị
thương, vị chi từ sáng tới giờ, hắn ba, tôi ba, đổi lại trên hai
mươi xác địch với từng đó súng ống, chưa kể súng cộng đồng.”
(1)
*****
Cho lệnh trung đội nằm dưỡng tại chỗ 15
phút, Đồng lo tản thương 2 người lính bị thương của mình cùng 3
thi thể Chí, Kiều, và Sĩ cho Trung Đội 4 chuyển về phía sau. Cổ
họng khô gắt khiến hơi thuốc hít vào trở nên đắng nghét, Đồng thả
điếu thuốc xuống đất và dí đôi giày trận lên tàn thuốc, rồi cầm
bi đông nước hớp vài hớp nhỏ cầm chừng. Giờ đây, Trung Đội 2 còn
23 người, kể cả Đồng, bố trí rải rác sau các thân cây xung quanh
anh.
“2:00g
chiều, mặt trời đã ngả về Tây, cơn nắng chói khô khốc chợt rộ lên
luồng gió nóng, ngay sau khi căn hầm cuối cùng tại bờ suối bị
Thông và Muôn tiêu diệt, trung đội cấp tốc tiến lên phía trước,
di chuyển thật nhanh trên một địa hình trống trải dưới hỏa lực vỗ
mặt của địch, tuyến tấn công phải mở rộng hai cánh. Chúng tôi
cũng chẳng phải Tề thiên Đại Thánh hay mình đồng da sắt gì để
khơi khơi xông thẳng vào lửa đạn, từng khoảng cách rút ngắn giữa
địch và ta cũng đồng nghĩa với từng phút giây bọt bèo sống sót.
Là từng giây phóng mình thật nhanh từ điểm ẩn nấp này lao qua
điểm ẩn nấp khác, gò mối, gốc cây, bụi cỏ, tảng đá, hay thậm chí
chỉ là một nhánh lá mong manh. Đạn địch xủi dưới gót chân, đạn vỡ
tung vỏ cây trước mặt... Là bắn, là bắn, bắn hết khả năng của vũ
khí, để tiếng đạn mình át tiếng súng thù, để chỉ còn bên tai
tiếng nổ giòn của M16, tiếng gà nòi ấm cúng của M60... Cọc
cùm... cọc cùm M79 gõ nhịp. Lưng chừng đồi cỏ cây ngã rạp, vỏn
vẹn chừng một trăm mét nữa là xong, là phận ai nấy biết, nhưng
không tài nào, tiến lên được nữa. Chúng tôi bị chận đứng ngay
trên vị trí một trung đội của họ bị tiêu diệt trước đó, xác người
rải rác chung quanh những vết nổ của đạn pháo.
Bây giờ đến lượt pháo địch nổ giữa
chúng tôi, cộng với hỏa lực dày đặc từ đỉnh đồi bắn xuống không
ngóc đầu lên được chứ đừng nói nhổm người dậy. Tôi rủa thầm, ở
đâu ra mà nhiều 12.8ly bắn rán mặt, đụng sơ sơ từ sáng tới giờ,
cả 3 tuyến đều có phòng không. Gió lại trỗi mạnh, cũng may, nhờ
thế mà những trái 82ly bị đẩy dạt khỏi mục tiêu, dù không xa,
nhưng cũng hạn chế được ít nhiều thiệt hại, cũng có thể họ chưa
tính hết sức gió trong yếu tố tác xạ. Giờ này mà có vài phi tuần
gõ xuống đỉnh đồi chừng chục trái năm trăm pounds, bới tung hầm
hố nó lên thì đỡ vất vả biết bao?
– Một, Hai, Ba đây Phú Bổn! Một nghe
đích thân! Hai nghe đích thân! Ba nghe đích thân!
– Cho cóc nhái sẵn sàng! Các Đích thân
gặp Phú Bổn ngay.
Tôi ngạc nhiên, đang đánh chác thế này
co về thủ sao được trên một vị trí quá nguy hiểm mà ổng lại ra
lệnh sẵn sàng mìn và chiếu sáng? Phân vân thì phân vân, cũng phải
tìm gặp ổng rồi mới tính. Giao máy cho Thượng sĩ Đàng chỉ huy
trung đội, tôi lần mò trở lại chừng hai mươi mét. Cả bộ chỉ huy
Đại Đội mặt mày đen thui vì khói, than, chẳng hơn gì chúng tôi.
– Vắn tắt cho các anh rõ! Lệnh Sư Đoàn
phải nuốt xong cục xương này mới được nghỉ. Tập trung mìn chiếu
sáng lên phía trước, theo lệnh trên máy, đồng loạt ném và xung
phong ngay, các anh thấy gió chuyển hướng mạnh về phía tụi nó
chứ?
– Đốt tụi
nó?
– Phải làm
nhanh, gió đổi hướng lại chạy không kịp đó! Rõ chưa?
– Về làm nhanh!
Trước khi quay về trung đội, tôi liếc
nhìn cuộn poncho gói xác, đưa mắt hỏi Thượng sĩ nhất Xá: Ai đó?
Trung sĩ Tâm, Đề lô Pháo binh.
Lẩm nhẩm một lời cầu nguyện vô bổ, chết
chi trẻ quá Tâm ơi! Tôi băng mình trở lại tuyến chiến đấu, chuyển
đạt nhanh chóng mệnh lệnh tác chiến.
– Một, Hai, Ba, đây Phú Bổn! Xong chưa?
Một xong! Hai xong! Ba xong!
– Đánh!
Tôi phất tay cho trung đội đồng loạt
ném hết cơ số mìn chiếu sáng về phía trước. Tách tách tách... xòe
xòe... tách tách xòe xòe lốp bốp lốp bốp... ngọn lửa lùng bùng
lên dữ dội rồi lan nhanh về phía trước, râu tóc mặt mày khét lẹt.
Thế thượng phong ngàn năm một thuở, lửa lửa, lửa cuộn lên theo
tiếng quân reo, lửa tràn lên theo cỏ tranh giòn giã, khói cuồn
cuộn mịt mù, khói làm màn che cho quân ta tiến tới, bốc trong
bão lửa xông lên. Lưỡi lửa liếm một vòng cung hình bán nguyệt,
thắt gọn vị trí địch trong trận hỏa công dữ dội, những căn hầm
được ngụy trang kỹ lưỡng bằng cỏ tranh tiệp màu bỗng chốc trở
thành mồi ngon cho ngọn lửa, hầm đạn nổ tung tóe, cả ngọn đồi
nhanh chóng ngập tràn biển lửa, địch quýnh quáng tung hầm tháo
chạy, có tên lưng còn bốc khói. Trận Xích Bích là đây! Các chiến
sĩ khinh binh tràn lên đỉnh đồi chiếm lĩnh trận địa, thanh toán
nhanh chóng những ổ kháng cự yếu ớt, địch làm sao chống lại nổi
khi trước mặt là lửa táp, là khói thuốc theo luồng gió ngược, lùa
vào mồm vào mũi, tối tăm mặt mày chưa kịp dụi mắt ngáp gió lấy
hơi đã gục ngã trước lưới đạn càn quét quyết liệt của quân ta
đang tràn lên theo lửa cuốn. Đại Đội khai thác tức khắc hiệu quả
chiến thắng, thúc cả ba trung đội đánh bung sườn đồi, đuổi địch
chạy có cờ xuống thung lũng.
Trận đánh thật đẹp và hùng tráng, trong
bối cảnh ráng chiều chưa tắt, ánh nắng xuyên qua khói lửa rải
xuống chiến trường những dải vàng lóng lánh, thấp thoáng bóng
quân ta dọc ngang đỉnh đồi, như thấp thoáng hồn sông núi cựa mình
muốn vượt qua định mệnh. Tiếc quá, không có một phóng viên chiến
trường nào ghi lại được trên băng nhựa phút giây ngất trời ngạo
nghễ đó, để mai này, trên những ký sự truyền hình được chiếu ra
rả từ hai phía suốt mấy chục năm năm, cuộc chiến trên quê hương
đau đớn chúng ta không phải chỉ là cuộc chiến của người Mỹ và
phía bên kia.
Lửa cháy để lộ nguyên một đỉnh đồi với hầm hào chi chít của cấp
đại đội cộng. Thế mà trước đó, khi hai chiếc HU1A bay lòng vòng
trên đầu, họ vẫn ém kỹ hỏa lực mạnh mẽ này không khai hỏa, mãi
cho đến khi chống đỡ dưới áp lực công kích của chúng tôi, mới lên
tiếng. Dưới hỏa lực pháo kích ngày càng dữ dội, đại đội nhanh
chóng chuyển tất cả thương binh tử sĩ về phía sau cùng với súng
ống của địch, không đủ thời gian thu nhặt, nên ngoài những vũ khí
cộng đồng bắt buộc phải chuyển về như cối 12.8ly và 82ly không
giật mà địch còn để lại nguyên vẹn, các vũ khí cá nhân AK, B40,
phải tháo gỡ từng bộ phận, nòng súng liệng một nơi, cơ bẩm quẳng
một ngã.
Trong
số địch tử thương, có hai người là cấp chỉ huy, trong căn hầm bị
Trung sĩ Yến, Tiểu đội trưởng Tiểu Đội Hỏa lực số 2 bắn sập bằng
M72, có cả máy truyền tin Trung cộng, hai xác chết đeo hai cây
K59 còn mới.
Và thật đau đớn, ngay khi nhận được lệnh di chuyển khỏi vị trí,
chúng tôi vĩnh viễn mất người chỉ huy thân thiết, tài giỏi.
Thượng sĩ nhất Xá băng ngược đội hình, chạy lên tìm tôi:
– Trung úy! Đại úy chết rồi!
– Sao? Sao?
Tai tôi lùng bùng, không tin điều mình
đang nghe.
Tôi
theo ông Xá chạy quành về Bộ chỉ huy Đại Đội, trên vết nổ còn bốc
khói của một trái 82, Đại úy Lê Thành Bôn, Đại đội trưởng Đại
Đội 33 Tiểu Đoàn 3 ND đã anh dũng hy sinh, hai tay ông còn nắm
chặt ống liên hợp trên hai chiếc máy truyền tin vỡ nát, bên cạnh
hai người lính truyền tin hy sinh cùng lúc. Tôi biết, trong những
mệnh lệnh mà ông truyền đạt trên máy, yếu tố hạn chế thiệt hại
cho thuộc cấp là ưu tư hàng đầu của người sĩ quan nhân hậu, đằm
thắm và tài ba nhất Tiểu Đoàn. Nếu không có ông, mấy ai đã nghĩ
ra trận hỏa công thần sầu đem chiến thắng về cho đơn vị với thiệt
hại tối thiểu”. (1)
*****
Trong buổi chiều cùng ngày, ĐĐ33, bấy
giờ do Trung úy Đồng tạm thời nắm chức vụ Đại đội trưởng, được
lệnh cấp tốc rút về lại Đồi 31. Lý do: dành khoảng trống mục tiêu
cho 1 pass B52 thả trước nửa đêm vào khu vừa giao tranh. Cuộc rút
quân hoàn thành tốt đẹp qua những nghi binh phù phép biến ảo bởi
sương mù đang dần xuống, dù địch bám sát trận địa và liên tục
pháo vào những vị trí vừa bị mất, nghĩ rằng quân ND vẫn còn cố
thủ tại đó. Trong cùng thời gian, Pháo Đội B3 ND vẫn tiếp tục
phản pháo chính xác và bắn cận phòng cho ĐĐ33.
Sau khi toán tiền thám do Thượng sĩ
Đàng về lại Đồi 31 bằng một con đường khác và ngắn hơn đường đã
sử dụng trong ngày, đã lục soát kỹ và không có dấu vết của địch
ẩn núp chờ đợi phục kích, bấy giờ Trung úy Đồng mới cho phép
từng trung đội một từ từ rời vị trí chiến đấu và rút về căn cứ
hỏa lực 31. Khi toàn Đại Đội 33 đã rút trọn vẹn về vị trí an
toàn, địch vẫn liên tục pháo kích vào vị trí “không người” mãi
tới sáng hôm sau.
Trong đêm, độ chấn động của những trái
bom năm trăm pounds được rải xuống từ B52 chỉ đủ làm rung nhẹ
cánh võng... Nghĩa là cách xa Đồi 31 ít nhất cũng trên mười cây
số. Chứ không chỉ 2 hoặc 3 cây số là nơi ĐĐ33 vừa giao tranh và
địch đang có ý đồ tái chiếm. Để rồi mấy ngày sau nữa, khi nhận
thấy có những nguy cơ xuất phát từ đó uy hiếp Đồi 31, Bộ tư lệnh
hành quân đã cho đổ bộ hai đại đội của TĐ6ND xuống những ngọn đồi
mà trước đây ĐĐ33 đã chiếm được và đã triệt thoái, với tình thế
khác hẳn. Ở đó, địch đã trở lại với quân số nhiều hơn và đã dọn
sẵn một trận địa pháo kích tập trung, chính xác. Chúng tôi ở trên
Đồi 31, quan sát cuộc đổ bộ của đơn vị bạn bằng mắt thường, lòng
xót xa theo những cụm khói bốc lên của đạn pháo địch... Mở đầu
cho những thách thức cam go trong những ngày tới.
*****
Bản thân Đồi 31 là một “căn cứ hỏa lực
dã chiến”, có giá trị chiến thuật trong một giai đoạn ngắn.
Thường thường trong mỗi một cuộc hành quân, đôi khi LĐND lập hai
hoặc ba căn cứ như thế, bỏ căn cứ này lại lập căn cứ khác tùy
theo nhu cầu chiến thuật. Do đó về phần công sự, là những vật
liệu tại chỗ, không có lấy một cuộn kẽm gai, không có bãi mìn
ngoài những trái claymore, như những vị trí đóng quân đêm bình
thường, lực lượng phòng thủ không bao giờ vượt qua một đại đội
(không kể Đại Đội chỉ huy công vụ của Tiểu Đoàn có một phần quân
số trong căn cứ, nhưng không có trách nhiệm phòng thủ).
Đại Đội 33, TĐ3ND, lui về đảm trách
phòng thủ căn cứ sau khi đã bị tiêu hao phần nào trong trận đánh
ở ngoại vi Đồi 31. Với dưới bảy mươi tay súng nay phòng thủ một
tuyến rộng lớn bao gồm vị trí của Pháo Đội B3 TĐ3PBND của Pháo
đội trưởng Đại úy Nguyễn Văn Đương, với 6 ụ pháo 105ly, đồng
thời phải bảo vệ Bộ chỉ huy TĐ3ND và Bộ chỉ huy Lữ Đoàn III ND
đang trú đóng trong căn cứ. Đó là tất cả lực lượng cố thủ Đồi 31.
Các Đại Đội 31, 32, và 34 đang hành quân lục soát bên ngoài, cách
xa chừng hai đến ba cây số. ĐĐ3 Trinh Sát Nhảy Dù bố trí ở một vị
trí khác bên ngoài vòng đai.
Riêng trung đội của Đồng, ngoài tuyến
phòng thủ, được giao ở mặt Bắc nhìn xuống một triền đồi thoai
thoải, còn có nhiệm vụ bảo vệ bãi trực thăng nằm chếch bên ngoài
cứ điểm.
Là
một đơn vị tinh nhuệ ND, ĐĐ33 tự tin ở khả năng chiến đấu của đơn
vị, và đủ sức cố thủ cứ điểm trong thời gian cần thiết, chứ không
phải lâu dài, trước các cuộc tấn công cổ điển tiền pháo kết hợp
với đặc công đột kích, nếu được yểm trợ đầy đủ, hữu hiệu và kịp
thời, từ không quân VNCH, không quân Đồng Minh, hỏa lực từ Đồi
30, Căn Cứ Hỏa Lực A Lưới và quan trọng nhất là ngay chính từ Đồi
31: Pháo Đội B3.
Trận chiến đấu trên Đồi 31, phải nói
cho đúng, trước hết là trận chiến của các chiến sĩ PB Nhảy Dù.
Phòng tuyến của Trung Đội 2 của Đồng rất gần những vị trí pháo,
và cũng rất gần với Bộ chỉ huy pháo đội, chỉ cách nhau một con
đường nhỏ bao quanh vị trí, con đường gập gềnh cát bụi nối với
bãi tiếp tế bằng những chuyến xe GMC tới lui chở đạn và thực
phẩm. Chiếc xe đó giờ đã nằm im bên sườn đồi, mình lỗ chỗ vết
đạn...
Hình
ảnh những chiến sĩ Pháo binh tả xung hữu đột giữa trận đối pháo
mang khí phách của một chàng dũng sĩ giữa trùng vây quân địch,
nòng súng vừa thoắt bên Đông đã hiệu chỉnh về Tây, vươn cao mạn
Bắc rồi nhanh chóng ghìm xuống phương Nam, quành quả tới lui tất
bật giữa mưa pháo quân thù, lực bất tòng tâm, trần thân trong
nắng lửa vẫn kiên cường trong trận xa luân chiến không cân sức,
dù trên mình đã mang nhiều thương tích. Không một ngôn từ nào
diễn đạt được hết nét kiêu hùng bất khuất đó của các pháo thủ
Pháo Đội B3. Nón sắt trên đầu, áo giáp che thân, những khuôn mặt
căm đanh uất hận vươn theo nòng pháo, mà tiếng đạn rời nòng nào
có khác tiếng gầm phẫn nộ của một chúa sơn lâm giữa bầy sói lang.
Mức độ pháo kích của địch càng ngày
càng dồn dập. Không kể những khẩu đội 82ly tập trung dày đặc xung
quanh căn cứ thay phiên nhau suốt ngày thì thụt, mà pháo binh tầm
xa của địch như 122ly, 130ly cơ động, thay đổi vị trí nhanh chóng
và hầu hết đều nằm ngoài tầm tác xạ tối đa của 105ly cũng như
155ly của phe ta. Pháo địch bắn như trống múa lân, sáng trưa,
chiều tối, không kể giờ giấc, bắn không e dè sự phát hiện vị trí
như trước. Pháo Đội B3 đã phải quần thảo với địch gần như hai
mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ không nghỉ, suốt trong thời
gian địch bắt đầu tạo áp lực lên căn cứ, cho đến khi kết thúc
trận chiến.
Những vị trí pháo binh cố định của ta lần lượt bị pháo binh địch
tập kích trúng, với khả năng hạn chế tại mặt trận, mặc ai bị
thương, mặc ai nằm xuống, các pháo thủ vẫn đứng dậy, dựa lưng vào
nhau, cố gắng sửa chữa, thay thế các cơ phận bị hư hỏng để duy
trì sức chiến đấu của đơn vị. Nhờ thế, những vị trí 82ly quanh
quẩn lần lượt bị vô hiệu hóa, có khi vắng tiếng cả hai ngày không
bắn được một trái. Thay vào đó, mức độ bắn phá của 122 và 130 lại
tăng lên.
Việc
tải thương, tiếp tế cũng là một vấn đề nan giải, khi tuyến phòng
thủ đã quá mỏng, và càng mỏng hơn nữa khi quân số tiêu hao dần vì
pháo địch. Không lần nào không có thương vong vì súng cối địch,
và ít nhất cũng đã có hai chiếc trực thăng vĩnh viễn nằm lại bãi
đáp vì trúng đạn phòng không khi gần đến vị trí, và một Phi hành
đoàn đang còn kẹt lại. Đó là những phi vụ trực thăng gan dạ, khi
mà lưới lửa phòng không đã phục sẵn trên các đường tiếp cận nhằm
mục đích khóa chặt nẻo vào từ mọi hướng, thì chuyến bay các trực
thăng của phe ta quả thật là vô cùng mạo hiểm, “một đi không trở
lại” tựa như tráng sĩ Kinh Kha, đã bao nhiêu lần những chiếc trực
thăng đột ngột cất lên từ một lũng núi mù mù sương sớm, hoặc lướt
nhanh trên ngọn cây qua một đỉnh rừng, hay bay nghi binh thật xa
để rồi luồn theo khe núi, đáp thật nhanh xuống bãi, mang đến cho
Đồi 31 tất cả nhu cầu không thể thiếu của mặt trận, thậm chí luôn
cả báo chí và thư riêng. Như một chút hương yên bình quý báu từ
hậu phương trên đất Mẹ.
Đây là thư đầu tiên của Phượng mà Đồng
nhận kể từ HQ Lam Sơn 713. Đồng gặp nàng trên ghế trường Luật Sài
Gòn khi tên Phượng đã vô tình nhắc nhở Đồng về màu đỏ thắm quyến
rũ của phượng vĩ xứ Huế. Là màu đỏ anh luôn tha thiết nhớ thương.
Đó cũng là màu chiếc beret hiên ngang trên đầu anh.
“Tôi soi ngọn
đèn pin lò dò từng chữ và chợt buồn nhận ra, em vẫn không hiểu gì
về tôi trong khi mỏi mòn một nhịp cầu Ô Thước. Lá thư Phượng thật
dài nhưng chẳng có gì để đọc. Kể cho tôi làm gì những ồn ào phố
thị, kể cho tôi làm gì những khúc luân vũ đã làm mắt em say. Sài
Gòn của em vẫn thế và giảng đường của em vẫn thế. Em không nói
bên chiếc ghế tôi ngồi đã có ai quấn quýt? Nhưng tôi biết đó
không còn là thế giới của tôi, và chiến tranh dường như chưa bao
giờ lai vãng dưới những tàn cây bốn mùa im mát. Không biết những
tin tức từ mặt trận có làm sân trường đại học bớt tươi màu áo, mà
sao những vô tình của em và bạn bè đối với cuộc chiến càng làm
tôi xa cách vô cùng. Tôi không định trả lời thư cho Phượng, biết
có còn trở về để thêm chi nhiều vương vấn, những giọt nước mắt
chính danh đã lan tràn trên đất nước, còn khơi thêm làm gì chút
sầu muộn người dưng.”
*****
N + 15, Phi hành đoàn H34 của Trung úy
Chung Tử Bửu và Thiếu úy Bùi Tá Khánh cùng với Mê–vô Em vào
phiên trực cho phi đội của anh. 2 chiếc H34 nhận lệnh cất cánh từ
phi trường Đà Nẵng bay thẳng đến Khe Sanh. Chiếc H34 thứ hai do
anh Yên làm phi công chính.
“Ðúng giờ hẹn, chúng tôi ra phi cơ làm
tiền phi, check nhớt, xăng, load những cơ phận sửa chữa dự trữ,
đồ nghề và anh em kỹ thuật 219 rồi cất cánh, trực chỉ Ðông
Hà–Quảng Trị. Khoảng quá trưa thì chúng tôi ra đến Khe Sanh. Vừa
đến nơi, không màng ăn trưa vì nóng lòng muốn cứu đồng đội nên
chúng tôi quyết định phải vào ngay Đồi 31 chứ không thể đợi lâu
hơn được. Trong khi anh Bửu vào trình diện với Bộ Chỉ Huy Tiền
Phương SÐ Dù để đặt kế hoạch cho chuyến bay thì tôi và Mê–vô Em
đi check lại máy bay. Xăng vẫn còn đầy bình trước, dư sức bay
không cần phải refuel.
Một lát sau từ phòng briefing ra, anh
Bửu vắn tắt cho anh em biết về phi vụ quyết tử này. Chuyến vào
chúng ta sẽ chở theo Thiếu úy Vinh và một Tiểu Đội Tác chiến Điện
tử Dù của anh ta cùng với 18 chiếc máy ‘sensor’ vào tăng phái cho
căn cứ 31 dùng để phát giác đặc công địch, chuyến ra sẽ rước Phi
hành đoàn của Trung úy Nguyễn Thanh Giang về. 15 phút trước khi
lên vùng, pháo binh Dù sẽ bắn dọn đường mở một hành lang dọc theo
Quốc lộ 9, dập vào những địa điểm được ghi nhận có phòng không
địch vì tình hình lúc này rất gay cấn, địch tập trung lên đến cấp
tiểu đoàn phòng không gồm đủ loại từ 37mm, 12.8ly và lần đầu
tiên còn nghe đâu có cả SA7 nữa.
Về không trợ thì có 2 chiếc Gunship của
Phi Đoàn 213 do Trung úy Thục bay lead trước mở đường.
Trước đó trong lúc briefing, anh Bửu đã
được nói chuyện trực tiếp với anh Giang từ trong Đồi 31 và được
biết, ngày hôm qua khi bay vào vùng anh Giang đã dùng chiến thuật
‘lá vàng rơi’, từ trên cao cúp máy auto xoáy trôn ốc xuống, nhưng
vì phòng không địch quá dày đặc nên khi gần đến đất, phi cơ anh
bị trúng đạn rớt xuống gãy đuôi nằm bên cạnh vòng rào phòng thủ
ngoài cùng của Lữ Ðoàn III Dù. Phi hành đoàn vô sự, chỉ có
copilot là Thiếu úy Võ văn On bị sây sát nhẹ ở cổ, tất cả chạy
thoát được vào trong căn cứ Dù. Nhưng trước khi bỏ phi cơ, Mê–vô
Trần Hùng Sơn không quên vác theo cả cây M60 trên cửa máy bay
nữa.
Rút kinh
nghiệm, hôm nay anh Bửu bay Rase Motte sát ngọn cây theo hướng
Ðông–Tây đi vào. Trên đường bay dọc theo Quốc lộ số 9, tôi còn
nhìn thấy những cột khói bốc lên nghi ngút, chứng tỏ pháo binh Dù
bắn rất chính xác và hiệu quả. Gần đến LZ anh Bửu đổi hướng lấy
cấp Ðông Nam–Tây Bắc để đáp xuống. Vừa ló ra khỏi rặng cây, tôi
đã thấy chiếc Gunship của Trung úy Thục bay vòng lại, cùng với
tiếng anh la lên trong máy ‘Bửu coi chừng phòng không ở hướng
Tây’. Từ trên phi cơ nhìn xuống, giữa màu xanh trùng điệp của
rừng cây nhiệt đới, ngọn Đồi 31 đỏ quạch nổi bật với những đốm
bụi đất tung lên từng cơn vì đạn pháo kích quấy phá của cộng quân
Bắc Việt.
Không nao núng, anh Bửu vẫn điềm tĩnh tiếp tục đáp xuống. Khi phi
cơ còn cách mặt đất độ 15 thước thì trúng một tràng đạn phòng
không, phi cơ phát hỏa, bùng lên một đám khói bao trùm cả phi cơ,
Mê–vô Em la khẩn cấp trong máy – Đáp xuống, đáp xuống anh Bửu ơi,
máy bay cháy.
Cùng lúc anh Bửu cũng cao tiếng báo động cho chiếc wing đang bay
cũng gần đó:
–
Yên ơi, tao bị trúng đạn rồi, đừng xuống nữa – trong khi vẫn bình
tĩnh đáp xuống.
May mắn là đạn trúng vào bình xăng phụ
đã hết xăng, chỉ còn ít hơi đốt, nên phi cơ không bắt cháy như
phi cơ Đại úy An ở Bù Ðốp hôm nào. Vừa chạm đất, theo phản xạ
tôi cùng anh Bửu nhanh tay tắt gió, xăng, điện rồi nhảy ra khỏi
phi cơ. Mọi người chạy ngược lên đồi về phía hàng rào phòng thủ
thứ nhất của Đại Đội công vụ Dù cách khoảng 100 thước. Tôi còn
tiếc chiếc xách tay quần áo nên phóng vào trong phi cơ để lấy.
Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, một binh sĩ Dù bị trúng
đạn ngay giữa trán, nằm ngửa chết ngay trên ghế. Trên sàn tàu,
đống máy ‘sensor’ vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ kịp với lấy cái
xách tay rồi phóng chạy lên đồi theo những tiếng kêu gọi của binh
sĩ Dù – trên đây nè thiếu úy, tụi tôi bắn yểm trợ cho – Tôi lom
khom chạy trong khi tiếng đạn nổ lóc chóc trên đầu. Lên đến nơi
tôi thở như bò rống. Không quân mà hành quân dưới đất thì phải
biết là mệt đến đâu. Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm
1971.
Vừa ngồi
nghỉ mệt, tôi vừa nhìn xuống bãi tải thương nơi chiếc phi cơ đang
đậu hiền lành, thì cũng vừa lúc địch điều chỉnh tác xạ, một quả
đạn đạn súng cối rơi trúng ngay tàu nổ tung, bốc cháy khói đen mù
mịt cả một góc trời. Tôi nhìn con tàu sụm xuống, lòng quặn lên.
Con tàu thân thương đó đã gần gụi với mình lâu nay, giờ thành một
đống sắt vụn.
Một lát sau, theo chỉ dẫn của anh em binh sĩ Dù, chúng tôi men
theo giao thông hào lần về đến bộ chỉ huy Lữ Ðoàn III Dù. Gặp lại
Phi hành đoàn anh Giang, On, Sơn... anh em chúng tôi mừng rỡ thăm
hỏi rối rít. Chúng tôi được giới thiệu với các sĩ quan trong ban
tham mưu Lữ Ðoàn III. Ðầu tiên là Đại tá Thọ Lữ đoàn trưởng Lữ
Ðoàn III, Thiếu tá Ðức trưởng ban 3, Đại úy Trụ phụ tá ban 3,
Đại úy Nghĩa sĩ quan liên lạc KQ, Trung úy Chính sĩ quan Không
trợ Dù, Thiếu úy Long phụ tá ban 2. Về phía pháo binh thì có
Trung tá Châu Tiểu đoàn trưởng TĐ3PB Dù và Đại úy Đào Văn
Thương trưởng Ban 3 TĐ3PB Dù. Ðại tá Thọ mừng anh em ‘mới đến’
mỗi người một điếu Havatampa và một shot Hennessy để lấy lại tinh
thần. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đi đánh giặc, nằm ở tuyến đầu ác
liệt vậy mà mấy ‘ông’ Nhảy Dù vẫn thản nhiên hút sì–gà Cuba và
uống cognac như máy! Quả các sếp ăn chơi cũng dữ mà đánh giặc
cũng chì thật.” (4)
*****
N + 15: Địch vẫn pháo kích không ngừng,
ngoại trừ khi có phản lực hoặc trực thăng chiến đấu trên vùng.
Hầu như mọi nơi trên Đồi 31 đều trúng pháo, có nơi trúng ba bốn
lần, đất cày sâu, loang lổ, đá bụi văng tứ phía. Thật không rõ vì
sao có người thì chết ngay khi lãnh trọn một quả vào ngay hầm
mình, người thì bị thương chưa kịp cứu thì bị trúng thêm, kẻ khác
thì cuộn mình lại như con cuốn chiếu, ôm đầu che tai, đôi khi che
luôn cả mặt khi pháo rớt lia chia xung quanh hầm, thầm nghĩ không
biết khi nào đến phiên mình.
“Ngày tháng cứ qua theo tầm bay lửa
đạn, cả trăm trái pháo mỗi ngày băm nát ngọn đồi vô danh bỗng
chốc trở thành cõi chết, cái chết cứ lần hồi gặm nhấm từ Đông
qua Tây, từ Nam lên Bắc, từ những hầm hố kiên cố ở trung tâm cứ
điểm đến dãy chiến hào chỗ sâu chỗ cạn bao bọc ngoại vi, tất cả
bỗng trở nên bình đẳng trước sức công phá dữ dội của đạn pháo,
mặt trận bỗng nhiên nghiêng hẳn về một phía, chúng tôi ngồi đây,
ngày và đêm thúc thủ trước tiếng súng địch. Hàng ngũ cứ thưa dần,
thà rằng cứ lao thẳng vào mũi súng, thà rằng đối mặt với quân
thù, thà rằng chết trong tiếng hò reo xung trận, có đâu cứ len
lỏi mãi dưới hầm hào mà cũng chỉ đợi chờ cái chết...
Chiều nay, Đồng đã nhìn thấy địch quân
điều quân lui tới, qua lại thấp thoáng dưới bóng cây bên những
triền núi xa xa, và biết đâu chừng đã mon men gần căn cứ, tuy các
đại đội bạn ở bên ngoài vẫn chưa có phát hiện nào về sự xuất hiện
của địch. Mọi việc vẫn phải làm thật nhanh và thận trọng, xuất
phát, lục soát, rải quân... Công việc quá bình thường của một
trung đội tác chiến mà sao giờ này lại quá nặng nề. Mà không nặng
nề làm sao được khi quân số tiêu hao ngày một trông thấy. Rời Sài
Gòn Đồng dẫn theo hai mươi sáu thanh niên, mặt mày tươi như trên
đường đi học, rồi lại còn được bổ sung thêm qua trực thăng tiếp
liệu hai chàng lục tỉnh mới cáu cạnh, và Nghĩa, một chuẩn úy mới
ra trường, vị chi là hai mươi chín mống.
Nghĩa, người Sài Gòn, nhà ở đâu miệt
Khánh Hội, Hàm Tử, cũng có mẹ già và em gái, cũng mang cái hồn
nhiên của tuổi trẻ vào mặt trận như ngày Đồng mới ra trường. Hồi
đó, Đồng còn được may mắn học nghề với Trung úy Dũng tại ven đô,
hành quân an nhàn quanh hãng bột ngọt An Phú Đông, Tân Thới Hiệp,
Nhị Bình, sáng lai rai cà phê cà pháo, chiều về còn cóc với ổi
đưa cay. Có đâu như Nghĩa, giày trận còn bóng nếp quân trường, đã
được ném ngay vào cõi chiến trường dữ dội. Tôi đã không còn dịp
bàn giao trung đội cho Nghĩa như ngày nào Trung úy Dũng đã giao
trách nhiệm cho tôi. Nghĩa đã hy sinh không lâu sau đó.
Chưa tới nửa tháng, trung đội chỉ còn
lại mười tám ngoe, kể cả tôi. Đã thêm hai cái chết đau đớn của
Binh nhất Mão và tân binh Xuất cứ dai dẳng ám ảnh tôi. Gom góp,
nhặt nhạnh lại không đầy cái nón sắt, đó là xác Mão sau khi căn
hầm của anh hứng gọn một trái công phá. Còn Xuất thì cứ trào ra
những bụm cơm sấy trộn lẫn máu trong cơn hấp hối, máu và cơm, cơm
và máu lẫn với những bọt khí ào theo vết thương vỡ banh lồng
ngực, mảnh đạn như một lưỡi rìu phạt ngang người, khi anh ngồi
bên miệng hầm nhìn bâng quơ những đỉnh núi, tay bốc từng bụm gạo
sấy thảy vào miệng. Tôi cũng ngồi cách Xuất năm vị trí trong
cùng một phiên gác chiều, và chỉ kịp la lên ‘Xuống hầm! Pháo
kích!’ nhưng không còn kịp nữa, có lẽ tiếng gạo sấy khô khan vỡ
rào rào trong miệng đã làm Xuất không nghe được tiếng pháo địch
rời nòng, viên đạn quá tầm rơi ngoài sườn đồi lại tai quái gởi
ngược về một mảnh lớn nhất. Khi chúng tôi đến thì Xuất đã như
thế, môi anh còn mấp máy điều gì, tôi đã cố cúi sát người để chỉ
nghe thều thào hình như tiếng ‘Mẹ ơi’... và Xuất đi hẳn.
Số bị thương mỗi ngày gia tăng. Giàn
Hạ sĩ quan chỉ còn lại Thượng sĩ Đàng và Trung sĩ Yến, tôi kể như
giảm cấp số làm Tiểu đội trưởng, chỉ huy một Tiểu Đội Khinh binh
và một Tiểu Đội hỏa lực. Mà nào phải chỉ trung đội chúng tôi? Hai
trung đội kia cũng lâm vào tình trạng tương tự, giật gấu vai cũng
không đủ quân để trải kín tuyến phòng thủ vốn dĩ được thiết lập
cho một đại đội mạnh, đầy đủ quân số. Một tuyến dài như thế, lại
phải duy trì ba vọng gác đêm, hai vọng gác ngày, chia đều thì
mỗi người cũng ôm hơn năm tiếng mỗi ngày trực gác. Kể cả tôi cũng
chia xẻ ba giờ đốc canh ca thứ nhứt, trong tình trạng căng thẳng
kéo dài, mặt mày ai nấy hốc hác thấy rõ.
Đồng không dám nói thay những người
lính của mình, nhưng anh hiểu họ, hiểu nỗi lo âu căng thẳng mà
tất cả cùng chia xẻ, như anh chàng Ngọt đó, giữa lúc đạn pháo ầm
ì trải lên trận tuyến, bỗng nhiên hắn ta nhảy vọt lên nóc hầm
tuột phăng quần chỉa cu ra phía trước, miệng la lớn một hơi dài
như tiếng hú của một con thú bị thương... ‘Con c...’ Yến phải
liều mạng nhảy lên cặp cổ lôi xuống. Chúng tôi gần như ai cũng
đang ‘chạm giây’ như thế, mà có lẽ sự nổ bùng của chiến trận là
liều thuốc cuối cùng để giải thoát, sự giải thoát tận cùng trên
hai nghĩa trắng đen trần trụi.
Mọi người đều biết được lực lượng của
địch không còn xa căn cứ, và có lẽ họ đang ở lại tuyến xuất phát
để chờ đợi giờ ‘G’, khi mà mọi tần số trên máy truyền tin đều
tràn ngập ngôn ngữ xa lạ của quân thù.
Trước mặt Đồi 31 có một hẻm núi, từ
trên đồi nhìn xuống chỉ nhận biết con người nhờ sự di động, nếu
anh ta đứng yên thì không thể nhìn thấy, hẻm núi có một khoảng
trống giữa hai lùm cây rậm rạp, thế là địch chơi trò cân não.
Không kể ban đêm là lúc chúng tôi không thể quan sát, còn ban
ngày có mặt trời lên là có người băng qua khoảng trống đó, mặc kệ
không biết bao nhiêu bom đạn được điều chỉnh chính xác xuống mục
tiêu, dứt tiếng súng là có người băng qua, dòng người cứ tưởng
như bất tận, rồi đêm đêm, từng vệt đèn và tiếng động ầm ì của
chiến xa dội lên căn cứ, dội lên mỗi người lính nỗi lo âu thật sự
về khả năng chống chiến xa của đơn vị, khi mà những trái M72 chưa
một lần chứng minh hiệu quả trước vỏ thép xe tăng, và khi mà cả
căn cứ đã trần trụi, ngon lành như một đùi thịt nướng sau các
trận pháo kích liên tục của đối phương. Chúng tôi không có lấy
một chướng ngại vật, không có lấy một hàng rào kẽm gai, hay một
trái mìn chống chiến xa để an lòng phần nào lực lượng phòng thủ.
Và chúng tôi cũng chẳng phải chờ đợi
lâu hơn nữa. Mấy ngày sau, cuộc tấn công thật sự đã bùng lên
trước khi ngày chưa đứng bóng.”
(3)
*****
N + 15. Phi Đoàn 219 đã được báo cáo
đầy đủ về chiếc H34 thứ hai của Trung úy Bửu cùng chung số phận
với chiếc H34 đầu tiên của Trung úy Giang rớt trên Đồi 31 với 2
Phi hành đoàn nằm ụ tại nơi này.
“Buổi chiều cùng ngày, vùng rừng núi
trời tối thật nhanh, chúng tôi dùng tạm bữa cơm dã chiến với ban
tham mưu Lữ Ðoàn rồi chia nhau ngủ ké với anh em Dù. Tôi được ngủ
chung một hầm với anh Nguyễn Quốc Trụ, một sĩ quan trẻ xuất thân
khóa 20 trường Võ Bị Ðà Lạt. Anh cũng là anh ruột của Trung úy
Nguyễn Hải Hoàn, một hoa tiêu chánh trong phi đoàn tôi. Tin tức
chiến sự mỗi ngày một căng thẳng hơn vì đối với cộng sản Bắc
Việt, sự hiện diện của căn cứ 31 trên hệ thống đường mòn HCM như
một lưỡi dao đâm thẳng vào yết hầu của chúng. Vì thế cộng quân
đưa thêm quân vào tạo áp lực nặng nề lên căn cứ 31 với ý định
đánh bật căn cứ này ra khỏi sinh lộ của chúng.
Hai hôm sau, vẫn không có chuyến bay
tiếp tế nào vào được vì địch quân luôn di động giàn phòng không
của chúng khiến KQVN và HK không phát huy được ưu thế của mình.
Mỗi sáng, chỉ có 2 Phi Tuần F4 đến ném bom vài khu vực khả nghi
chung quanh Đồi 31 và thỉnh thoảng mới có một đợt B52 rải thảm ì
ầm xa xa vọng đến rồi mọi sự lại chìm vào rừng núi trùng điệp.
Ngược lại, quân Bắc Việt tập trung bao vây, tăng cường pháo kích
suốt ngày nhằm quấy rối và làm tiêu hao lực lượng Dù”
(4).
o0o
N + 18.
Hôm
nay là ngày 25 tháng 2, 1971.
Cuộc tấn công của địch bắt đầu từ rạng
sáng. Địch pháo kích như điên vào căn cứ, cùng lúc tung hàng đợt
quân từ hướng Bắc đánh vào Đồi 31. Tiếng súng nổ rân, khói lửa
mịt mù. Tiếng la hét trong máy thật hỗn loạn. 3 toán tiền đồn
của ĐĐ34 bị tràn ngập bởi bộ binh địch, cùng lúc phía ĐĐ32 cũng
đang bị xe tăng địch tấn công hàng ngang ngay trước vị trí.
“Các Đại Đội ngoại vi thúc thủ trước
quân số quá đông đảo của đối phương trong khi còn phải chật vật
đối phó với chiến xa đang tràn lên như chỗ không người, nên Đại
Đội 32 được lệnh rút nhanh về căn cứ 31 để bảo toàn lực lượng,
riêng Đại Đội 34 rút về chân đồi phía Đông.
Thế nhưng, trước khi ĐĐ32 về đến căn cứ
thì chiến xa địch đã lổm ngổm bò lên vị trí của Muôn, và phần
việc của Trung Đội 2/ĐĐ33 của Đồng đã tới. Tôi nhìn thấy tổ tiền
đồn bắn trúng đích một chiếc, cụm lửa vàng khè lóe lên, phủ trùm
khói đen trên mục tiêu. Khói tan, chúng tôi tưởng như nằm mơ,
chiếc xe tăng vẫn chậm rãi tiến tới, nòng đại bác trên chiến xa
vẫn khạc lửa dữ dội vào tuyến phòng thủ căn cứ. Muôn cố gắng bắn
thêm hai trái nữa vẫn vô hiệu, anh xách súng dẫn đồng đội lăn
xuống triền đồi khi thêm sáu chiếc tăng nữa cùng với bộ binh địch
hò hét áp đảo tràn lên vị trí, chúng tôi hướng tất cả hỏa lực bắn
che cho Muôn và một vài toán của Đại Đội 32 rút về căn cứ, cùng
lúc đó hai chiến đấu cơ A4 Skyhawk và một Phi tuần trực thăng võ
trang Cobra của Mỹ xuất hiện, oanh tạc mạnh mẽ vào đội hình tấn
công của địch.
Tất cả hỏa lực của đơn vị của tôi, cùng
với một khẩu đội B3 trực xạ cận phòng và các tuyến tiên liệu được
các pháo đội khác ở căn cứ A Lưới, Đồi 30 bắn yểm trợ đã tạo nên
một hàng rào lửa vững chắc, chặn hết lực lượng xung kích của Bộ
Binh địch ngay tại vị trí cũ của Muôn, xác địch ngã trên triền
đồi, lăn xuống vực thẳm, ngổn ngang như những khúc gỗ từ một khu
rừng vừa đốn vội, chưa bao giờ chúng tôi phải bắn nhiều như thế,
hai khẩu M60 đã thay nòng liên tục, quạt từng giây đạn quét phủ
lên mặt trận, phải nói Yến bắn đại liên thật tài, chân hai càng
được xếp gọn, nòng súng tựa hờ lên công sự tạo một tầm chuyển
dịch rộng lớn và dễ dàng cho xạ trường, để từ đó phủ gọn tuyến
tiếp cận của địch dưới tầm khống chế của con gà nòi dũng mãnh.
Mất sự hướng dẫn của Bộ Binh, chiến xa
địch khựng lại, như muốn chỉnh lại đội hình cho một đợt xung
phong khác với hơn mười chiếc đã ở trong tầm quan sát của chúng
tôi. Ngay lúc đó hai chiếc Skyhaw nối đuôi sà xuống sau trái khói
chỉ điểm, từng trái napal hừng hực xé gió quăng xuống mục tiêu
chính xác, dũng cảm, mặc cho hỏa lực phòng không đạn chi chít
phủ kín đường bay. Trận địa địch bùng lên trong cánh rừng xăng
đặc, hai chiếc xe tăng tiền kích ngập trong khói lửa bốc cháy dữ
dội, lính xe tăng nhảy ra khỏi xe, người cháy phừng như ngọn
đuốc, lăn lộn, quơ quào rồi ngã gục theo tiếng nổ bung của chiến
xa trúng đạn. Lên tinh thần, Khinh binh Thông cùng với ba chiến
sĩ khác băng vọt ra khỏi chiến hào, chạy nhanh xuống lưng chừng
đồi, cõng về được hai thương binh của ĐĐ32 và một của trung đội
mình từ tổ tiền đồn rút về, nửa đường thì bị trúng đạn. Hạ sĩ
Nhất Muôn đã tử trận tại vị trí đó.”
(3)
N + 18, Từ sáng, tất cả hai nhóm Phi
hành đoàn 6 người của cả hai chiếc H34 được lệnh ra nằm sẵn tại
các giao thông hào gần bãi đáp chờ nguyên cả một Phi Đội gồm 3
chiếc H34 của Phi Đoàn 219 mang tiếp liệu vào đồng thời tải
thương binh Dù và bốc luôn cả 6 người cùng một lúc.
“Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1971, Tôi và
anh Bửu cùng vài thương binh Dù nấp chung với nhau trong một hầm
trú ẩn. Ðến trưa khi chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy nổ xa xa
thì cũng là lúc địch khởi đầu trận ‘tiền pháo’ dồn dập lên Đồi
31. Qua lỗ châu mai từ trong hầm cứu thương nhìn qua bên kia đồi
đối diện, cách nhau một cái yên ngựa, tôi thấy rõ hai chiếc xe
tăng T–54 của cộng quân tiến lên xếp hàng ngang, cùng với quân
tùng thiết dày đặc chung quanh nhắm đỉnh đồi chúng tôi mà nhả
đạn. Những tia lửa từ nòng súng phụt ra, tôi và anh Bửu thụp đầu
xuống cùng nhìn nhau như nhắc nhớ câu mà anh em trong phi đoàn
thường nói với nhau mỗi khi lên đường hành quân ‘Trời kêu ai nấy
dạ!’.
Ngoài
kia, trong từng giao thông hào binh sĩ Dù chống trả mãnh liệt,
nhất là những pháo thủ Pháo Đội B3 trên Căn Cứ 31, với những khẩu
pháo đã bị hỏng bộ máy nhắm vì pháo kích của địch, họ phải hạ
nòng đại bác để bắn trực xạ thẳng vào xe tăng địch bên kia đồi và
trong những loạt đạn đầu tiên đã hạ ngay được 2 chiếc T54. Nhưng
để trả giá cho hành động dũng cảm này, nhiều binh sĩ Dù đã nằm
xuống, có người nằm chết vắt trên những khẩu pháo của họ.” (4)
Trở về lại với Trung Đội 2, ĐĐ33, các
binh sĩ ND vẫn còn chiến đấu tại tuyến phòng thủ. Tình hình tồi
tệ, tuyến phòng thủ thưa dần. Trước mặt là một lực lượng địch
nhiều hơn gấp mấy chục lần, có luôn cả chiến xa dẫn đường.
“Trung đội đã chiến đấu, trước hết và
duy nhất chỉ là vì sự sống còn của bản thân, phải lấy hết sức
mình đương cự lại những bước chân của tử thần đang lần lượt gọi
tên từng mạng sống, không còn con đường nào khác, không ai là anh
hùng, không ai là dũng sĩ, không ai muốn ‘anh dũng hy sinh’ mà
vẫn phải chết như rơm như rạ.
Trận chiến vô cùng ác liệt, tất cả các
sự kiện đã, đang và tiếp tục được mô tả, gần như diễn ra cùng một
lúc, dồn dập, chồng chéo lên nhau, đan chặt vào nhau rồi như bị
một sức mạnh vô hình xé bung ra trăm ngàn mảnh, mà Đồng, dù đã
tận mắt chứng kiến, đang là một chiến binh trực tiếp chiến đấu
trong những giờ phút gian nguy đó, vẫn không tài nào lột tả hết
được tất cả mọi diễn biến hung bạo, tàn khốc của chiến trận...
Lợi dụng lúc thưa tiếng súng, tôi nhổm
dậy luồn theo giao thông chạy dọc tuyến trung đội, kiểm điểm lại
lực lượng. Toán tiền đồn sáu người chỉ về được ba, hai người chết
tại vị trí, Muôn đã để nỗi ước mơ bình thường của mình vỡ vụn từ
sau lưng ra trước ngực trên đường về. Rồi ngay tại tuyến, một vị
trí khác lại bị trúng đạn từ chiến xa địch khiến một chết; cái
chết của người lính tử trận giống nhau từ thiên cổ, không phân
biệt bên này hay bên kia chiến tuyến, cũng đen điu đau đớn, cũng
co quắp quằn quại, tay bấu chặt lấy mặt đất như không đành lìa
nỗi bọt bèo của cuộc sống...
Trong khi phía chúng tôi, áp lực địch
tạm thời giảm nhẹ tuy họ vẫn còn ở đó, thì phía bên kia, tuyến
phòng thủ của Trung Đội 3 lại vô cùng nguy khốn. Toán tiền đồn
năm người của trung đội, do một binh nhất khinh binh chỉ huy, tại
một chỏm đồi thấp hướng Tây Nam căn cứ vừa bị tràn ngập, sau khi
đã chiến đấu đến người lính cuối cùng, ngoan cường, đẩy lui bốn
đợt xung phong của địch, tôi đã nghe trong máy tiếng gào khàn
khàn tuyệt vọng lồng trong tiếng súng vang trời của những người
quyết tử của truyền thống một đổi năm, mười nếu chẳng may thất
thế. Không cường điệu chút nào khi tuyên dương họ như những anh
hùng đã chết trong vinh quang, danh dự khi địch tràn lên vị trí
bằng không biết bao nhiêu xương máu đánh đổi.
Ngay tại vị trí này, địch nhanh chóng
bố trí một cụm hỏa lực mạnh mẽ gồm 2 cây 82ly không giật và một
12.8ly vừa phòng không, vừa bắn trực diện, khống chế trọn vẹn vị
trí của Trung Đội 3. On la chói lói trên máy để xin lệnh đại
đội... nó bắn quá chịu hông nổi, sập bốn hầm chết hết rồi. Đại
đội lại gọi tôi, hỏi có tăng cường cho 3 được không? Tố báo cáo
tình hình trên tuyến của mình và đoán chắc hướng tấn công chính
là ngay tại nơi đây, khi phía trước mặt không phải là năm hay sáu
chiến xa, con số đã trên mười chiếc đếm được và vô số bộ binh
địch đang lúc nhúc dưới những cành lá ngụy trang.
Pháo địch vẫn rót tràn đều lên vị trí,
san bằng, sạt phẳng mọi thứ. Có điều bây giờ chúng tôi không còn
lo lắng, vì không còn phân biệt được đâu là pháo phe ta, đâu là
‘cà nông’ phe địch trừ khi nó nổ, mà đã nổ rồi thì phận ai nấy
biết, đỉnh đồi trở nên bằng phẳng, và hình như đã thấp hơn phần
nào so với khi chúng tôi vừa mới đến, nhờ thế chỉ cần quay lưng
nhìn về phía thằng 3, chúng tôi cũng nhận rõ vị trí lợi hại của
cụm hỏa lực đó, một vài trái bắn hụt lao vèo qua phía chúng tôi
rồi mất hút nổ xa xa, họ bắn liên tục nên họ quên một điều là
cùng chiến đấu với chúng tôi còn có Pháo Đội B3. Tôi khom người
chạy lên vị trí khẩu trọng pháo, chỉ cho Trung sĩ Nhất Khẩu đội
trưởng vị trí 82 không giật của địch. Và nòng pháo từ từ hiệu
chỉnh, tôi nín thở theo cái gục đầu chầm chậm của khẩu pháo 105ly
hướng về mục tiêu... và ‘Bắn’. Người hạ sĩ pháo thủ giật cò, viên
đạn rời nòng trực chỉ khẩu đội địch Ầm... chúng tôi nhảy lên reo
hò sung sướng khi nhìn thấy rõ ràng khẩu 82ly không giật của địch
tung bắn lên trời sau tiếng nổ chính xác. Chỉ một viên đạn thôi,
các chiến sĩ pháo binh đã triệt tiêu hiểm họa đó.
Tuyến của chúng tôi nằm cách xa Bộ chỉ
huy đại đội, nên gần như độc lập tác chiến, tôi chỉ kịp thông báo
cho đại đội là địch bắt đầu tấn công trở lại, rồi nằm hụp xuống
nghe lằn đạn veo véo trên đầu, đội hình địch từ triền núi bên kia
xuất hiện đông đảo trên đỉnh đồi rồi chia nhau tràn xuống, lấp ló
trồi sụt dưới mưa bom bão pháo, pháo địch bắn ta, nếu quá tầm
cũng nổ trên đầu địch, bom đồng minh yểm trợ, lạng lách thế nào
không biết, cũng roi ngọt xớt xuống đầu ta, bêu đầu sứt trán, la
hét om sòm tiếng Đức, tiếng Mỹ, thây kệ mẹ nó, đằng nào cũng
phiêu diêu miền cực lạc.
Bắn phá một hồi, hai chiếc Skyhaw rời
vùng và nhanh chóng mất hút cuối chân trời, còn lại hai Cobra đảo
lui đảo tới ạch đùng ạch đùng mấy dây hỏa tiễn trúng ngay vào đám
xe tank cũng chẳng thấy hề hấn gì, trực thăng bắn cứ bắn, chiến
xa địch vẫn tiến trong đội hình tấn công dưới sự che chở của hỏa
lực phòng không. Lần này họ thay đổi chiến thuật sau khi đã nướng
khá nhiều bộ binh trong đợt xung phong trước, thiết giáp xung
kích mở đường, bộ binh lom khom lấp ló theo sau, không còn hò hét
ngậu xị.
Hai
chiếc phản lực khác vào vùng lần này là Phantom F4C, trong khi
hỏa lực phòng không cũng đã áp sát chân đồi, OV10 lảng vảng trên
cao bắn trái khói chỉ điểm cho Phantom lao xuống mục tiêu. Điều
không may cho chúng tôi là trong đợt tấn công đầu tiên của phi
tuần này, trái bom lửa vừa phủ lên chiến xa, thì đồng thời chiếc
F4 cũng bị bắn tung đuôi trong khi ngóc đầu lên sau đợt oanh
kích. Múi dù sặc sỡ mở bung trước khi con tàu bốc cháy, lảo đảo
đâm vào vách núi nổ vụn. Thế là tất cả máy bay có mặt trong khu
vực, kể cả hai chiếc Skyhaw mới vào vùng chưa bắn một phát đạn,
bảo về cho phi công lâm nạn chờ trực thăng cấp cứu. Chúng tôi
không rõ họ có cứu được đồng đội hay không, nhưng từ giây phút
đó, chiến trường gần như bỏ ngõ cho chiến xa lồng lên áp đảo.
Xe tăng địch lập tức ào ạt xung phong,
hai... ba... năm bảy mười một chiếc tất cả cùng lao xuống, bỏ lại
bộ binh phía sau, một chiếc bò ngang chông chênh bên sườn đồi,
lãnh nguyên trái pháo 105ly trực xạ hất nhào xuống vực thẳm,
chúng vừa bắn vừa tiến và đã chiếm được bãi trực thăng. Mọi người
đã thấy khả năng diệt tăng của M72 không nhiều và không thể bắn ở
khoảng cách quá xa nên phải chờ đợi. Tất cả hỏa lực của chúng tôi
chỉ có thể tạm thời trì hoãn tốc độ tiến quân của bộ binh địch
trong thời gian ngắn, khi chiến xa chưa tiếp cận vị trí và tách
chúng ra.
Hạ
sĩ nhất Chính và Tiểu Đội Khinh binh lãnh nhiệm vụ đón đánh đợt
đầu tiên khi xe tăng vượt qua bãi đáp, tiến vào yên ngựa hẹp
trước khi bám vào căn cứ, đây là địa thế duy nhất có thể khống
chế đội hình địch, bắt buộc chúng phải lần lượt từng chiếc một
theo hàng dọc tiến lên. Chính dẫn theo Bình, Tám, và Ngôn, mỗi
người một cây M72, luồn theo giao thông hào, chận ngang con đường
xuống bãi tiếp tế. Chuẩn úy Nghĩa muốn theo Chính, tôi nhìn anh
ái ngại, thôi Nghĩa à! Cần gì phải vội, anh ở đây chờ thay tôi là
tốt nhất, ai cũng sẽ có phần... Tôi nghĩ thầm nhưng không nói với
Nghĩa đã thấm cái đau xót trước những thân xác đồng đội ngay từ
mặt trận đầu tiên của đời quân ngũ, mặt anh hừng hực, mắt long
lên như con thú bị thương. Tâm lý chung của những kẻ đang không
còn đường trở lại, và thế là phải vượt lên phía trước, vượt qua
cái hèn bản chất của chính mình, không còn một khái niệm gì giữa
cuộc sống và cái chết, mà có khi chết còn thanh thản hơn sống.
Chúng tôi hồi hộp nhìn theo hai chiếc
xe tăng dẫn đầu đang bò theo con dốc hẹp, đám bộ binh đã bị hai
cây đại liên gài chéo cánh sẻ, cùng với tốc đội bắn nhanh của M16
đè đầu, nằm dán xuống đất lãnh pháo, bò lui bò tới không theo kịp
chiến xa, kể như thiết giáp đã bị mù nên nó cũng thận trọng sử
dụng tối đa cây đại bác dọn đường.
Chính chờ chiếc đi trước bắt đầu ghếch
mũi súng lên đầu dốc, phơi toàn bộ cái ức xám xịt trước mũi súng,
khoảng cách chừng hai mươi mét, anh bình tĩnh bóp cò, trái đạn
đen thui vẽ một đường thẳng chớp nhoáng lao vào mục tiêu, nổ bùng
vào cái mặt ù lỳ dị hợm, tưởng như mọi thứ phải tan tành hay bốc
cháy trước sức công phá trực diện của trái hỏa tiễn, thế nhưng
chiếc chiến xa chỉ khẽ khựng lại, như có vẻ giật mình chút đỉnh,
rồi lại tiếp tục tiến lên, không cháy, không nổ, không hề suy
suyển. Thấy nguy, Tám bồi thêm một trái trúng ngay hông pháo tháp
khi nó vừa vượt ngang tầm, vẫn không hề hấn gì, thế là cả toán
đành dạt ra, ném tới tấp lựu đạn vào gầm xe, trong khi chiếc xe
đi sau cũng vừa bám theo được và tác xạ đại liên tới tấp vào vị
trí của Chính, tên xạ thủ 12.8ly chưa bắn được bao nhiêu đã lãnh
nguyên một tràng M16 gục xuống, xác hắn vắt vẻo trên thành xe.
Trung Đội 2 bất lực để cho chiếc số 1
tiến thẳng vào căn cứ, chiếc số 2 vừa nối theo thì Chuẩn úy
Nghĩa nhảy phắt lên, thảy gọn một trái M26 vào trong lòng pháo
tháp, anh chưa kịp nhảy xuống thì trúng đạn, gục chồng lên xác
địch thủ cùng lúc với tiếng nổ ‘bụp’ tức tối, khói từ trong chiếc
chiến xa bốc lên, sao nó vẫn chạy, vẫn tiến lên phía trước? Nó
chạy quờ quạng thêm một đoạn ngắn rồi nổ tan ra thành hai mảnh,
pháo tháp bật ngược ra sau cùng với xác của Nghĩa.
Được chiếc số một mở đường, cả đám xe
tăng cùng ào ạt tiến lên kéo bộ binh đông như kiến cỏ, lúp xa lúp
xúp, một chiếc trờ tới ủi chiếc bị cháy xuống sườn núi, lấy đường
tiến lên, trong lúc chiếc số 1 đã vào hẳn vị trí trung tâm, bắn
phá Bộ Chỉ Huy Pháo Đội và mon men tìm tới Lữ Đoàn. Đồng và lính
của anh cố gắng dùng hết hỏa lực trì hoãn bước tiến của xe tăng
địch, nhưng vô ích. Không có một trái M72 nào có khả năng công
phá vỏ thép chiến xa dù các chiến binh đã thừa gan góc tiếp cận
từ mọi hướng, trước, sau, hông, bụng, pháo tháp, bánh xích. Chúng
đóng kín pháo tháp, chỉ sử dụng đại bác và đại liên song hành càn
lên hầm hố, công sự, giao thông hào. Mũi xung kích của địch càn
lên chiến hào, xé Trung Đội 2 của Đồng ra làm hai mảnh, với tình
thế đó, bắt buộc phải ra khỏi vị trí cố thủ, đánh cận chiến
với... xe tăng. (5)
Toán phi hành của Thiếu úy Khánh vẫn
còn núp trong giao thông hào khi chiến xa địch bất chấp tổn
thương vẫn tiếp tục bò dần đến vị trí của anh, theo sau lưng lúc
nhúc cả trăm lính tùng thiết. Tiếng nổ của đạn nhỏ đạn lớn, tiếng
đạn rời nòng 105ly bên cạnh, tiếng ầm ĩ của chiến xa địch, tiếng
la hét của người bị thương lẫn những binh sĩ đang chiến đấu cộng
thêm với mùi bụi đất, của khói, mùi thuốc súng, mùi của... thần
chết khiến Khánh co rúm người trong hầm.
Không ngờ, chỉ một lúc sau 2 xe tăng
khác ở phía sau tiến tới ủi những chiếc xe cháy xuống triền đồi
rồi lại hướng súng đại bác về đồi chúng tôi mà bắn! Sau vài loạt
đạn, một Phi tuần 2 chiếc F4 xuất hiện nhào xuống oanh tạc vào
đội hình địch, và lại phá hủy thêm 2 xe tăng nữa. Trong tiếng bom
đạn tơi bời, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng máy nổ của những chiếc
H34 đang vần vũ trên cao như lo lắng cho số phận những đồng đội
của mình. Cho đến khoảng sau 5:00g chiều thì địch tràn lên chiếm
được đồi. Chúng lùng xục từng hầm trú ẩn kêu gọi binh sĩ Dù ra
đầu hàng. Biết không thể làm gì hơn, tôi và anh Bửu tháo bỏ súng
đạn cá nhân, chui ra khỏi hầm.”
(4)
Trở về lại với Trung Đội 2 vẫn đang cận
chiến với chiến xa và lính tùng thiết của địch. Tình hình quá
hỗn loạn, cận chiến nơi này, phản kích nơi kia. Bắn Bắn. Quăng
Quăng. Theo linh tính. Theo trực giác. Nằm xuống rồi lại ngồi
dậy. Lăn qua hố này, rồi đến hố khác. Đứng dậy bắn một tràng đạn,
thụp xuống khi kịp thấy lóe sáng của B40 hướng về mình rồi tiếng
nổ chát tai sau lưng...
Sau đây là những giây phút cuối cùng
của trận đánh trên Đồi 31:
“Đã có bốn chiếc tăng địch lọt vào căn
cứ, trong lúc bộ binh vẫn còn vất vả phía ngoài, chúng tôi vẫn để
hai cây đại liên, và hai cây khác của Trung Đội 1 vừa mới chuyển
qua, bắn ghìm bộ binh, phần còn lại lao vào tăng địch, chiến
trường không chỉ là của Trung Đội, mà cả Đại Đội đã lồng lên, bu
kín các chiến xa, mặc cho nòng súng xe quay tròn gạt xuống. Nhưng
làm gì được? Đã bắn hết số M72 để gãi ngứa chúng, đã ném không
biết bao nhiêu lựu đạn để làm nhột chúng, đã chỉa nòng M16 thật
gần chỉ bắn vỡ được kính mắt mèo... không lẽ lấy răng mà cắn? Sức
cùng lực tận, hai cây đại liên vừa hết đạn là bộ binh nương theo
khói lửa tràn lên, không biết cơ man nào mà đếm, chúng tôi vừa
đánh vừa lùi, lùi trên xác đồng đội, lùi trên những đôi mắt đớn
đau tuyệt vọng của những anh em bị thương không còn người cứu
chữa đang nằm chờ chết.
Cả ngọn đồi đã trở thành biển lửa và
máu khi tất cả hỏa lực của hai bên đều tập trung tác xạ vào một
tọa độ duy nhất, dù mục đích vẫn khác nhau rất xa... ‘bắn lên đầu
tôi đi! Vĩnh biệt! Bắn lên đầu tôi đi! Vĩnh biệt!’ Trên tần số
đại đội đã vọng lên lời từ biệt gởi khắp bốn phương. Câu hét
trong máy truyền tin của Đại úy Đương trở thành bất diệt. Hai
chiếc phản lực chúi xuống đỉnh đồi, chùm bom đen đủi lao xuống
mục tiêu là một bầy xe tăng bốn năm chiếc, và cả chúng tôi mình
trần thân trụi. Tôi sững sờ đứng như trời trồng nhìn chùm bom lao
xuống đầu mình, thật nhanh, thật nhanh, thật gần và gần hơn nữa,
rồi chỉ kịp ôm nón sắt nằm chúi vào vách đá trong một loạt tiếng
nổ vang rền, long trời, đất đá, sắt thép, mảnh bom, mảnh thịt
người, rơi lào rào, lịch bịch. Đồng minh oanh tạc thật chính xác!
Bom đạn không chỉ thả trên đầu quân địch mà luôn cả ngay trên đầu
của chính quân ta trong một nghĩa cử anh hùng của những người
quyết chống trả đến phút cuối cùng. Đỉnh đồi nát bấy những mảnh
vỡ của công sự, những chiến sĩ cuối cùng của Pháo Đội B3 cùng với
Đại úy Nguyễn Văn Đương, người Pháo đội trưởng vẫn kiên cường
cho đến phút cuối cùng trong những cố gắng gan góc, tác xạ trực
diện vào xe tăng địch đang loay hoay, lúng túng trước địa hình
lồi lõm, hầm hố mà khoảng cách chỉ là năm, mười mét. Kể từ lúc
đó, chiến địa mất hẳn liên lạc với Pháo Đội B3.
Ba phần tư ngọn đồi đã nằm trong tay
địch, chúng tôi chỉ còn giữ được một phần Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn,
Lữ Đoàn, nhưng không còn ai trong những vị trí đó. Tất cả đã ra
ngoài cùng sát vai chiến đấu, và hệ thống chỉ huy liên lạc vẫn
duy trì đầy đủ cho đến cấp trung đội, dù trên thực tế, một trung
đội còn không quá 10 người còn khả năng chiến đấu. Sau khi tái
phối trí lực lượng, chúng tôi được lệnh trực tiếp của tiểu đoàn,
tổ chức một cuộc phản kích toàn bộ trên trận tuyến, cố gắng chiếm
lại các vị trí đã mất với hy vọng không quân sẽ yểm trợ hữu hiệu
để giữ vững căn cứ.
Khi đã qua phần mở màn đầy kịch tính
của lo âu, sợ hãi nơi con người thèm sống, khi mà khói súng đã
quyện vằn vện với mồ hôi trên mặt, khi những vết máu đồng đội đã
đông cứng trên hai tay người lính chiến, thì khái niệm sống, chết
bỗng trở thành vô nghĩa, nhất là trong hoàn cảnh không còn có thể
chọn lựa như ở đây, tất cả chỉ còn là định mệnh. Vì thế, tất cả
đã hăm hở lao lên trong một cố gắng tuyệt vọng, lại bắn, lại thụt
M72, lại ném lựu đạn, lại leo tràn lên xe tăng địch, mà bây giờ
đã có bộ binh phối chiến, mặt đối mặt với lưỡi lê báng súng, lăn
xả vào nhau bắn giết, đâm chém, lại loay hoay không biết phải làm
gì với khối sắt di động đó, lại bị thương, lại ngã gục giữa bom
bầy pháo lũ, pháo nổ chụp, pháo công phá, pháo nổ chậm, trên đầu
chụp xuống, dưới đất nổ hất tung lên, phạt ngang lưng, chém ngang
cổ. Bom, pháo cả hai bên cùng bắn vào một chỗ, lính cả hai phía
cùng chia nhau lãnh đủ, đạn bắn thủng xuyên màng tang trổ ra sau
ót, óc vỡ tung ra với máu, vài cái nón sắt lăn lông lốc trên
những đôi dép râu tuột quai, nhầy nhụa trong một dòng nước đỏ ối
đang khởi thủy vết chảy ngoằn ngèo của một dòng sông máu. Xác
chết từ hai phía thân ái ôm chầm lấy nhau rồi đổ ụp xuống nằm
cạnh nhau hiền hòa như chưa hề quen biết làm ngọn núi chợt cao
lên với muôn ngàn lời ai oán.
Đợt phản kích cuối cùng này không đủ
sức mạnh để đạt hiệu quả mong muốn, và từ dưới chân đồi tràn lên
một đợt sóng biển người và chiến xa khác. Địch tung toàn bộ lực
lượng vào đợt tấn công quyết định, trong khi phía chúng tôi đã
sức cùng lực tận, đành chấp nhận rút lui theo lệnh trục tiếp từ
Thiếu tá Lê Hồng, trưởng Ban Ba TĐ3ND, để hạn chế thêm thương
vong.
Đơn vị
rút xuống khe núi, trung đội của tôi chỉ còn lại sáu người, có
Thượng sĩ Đàng và Trung sĩ Yến. Hạ sĩ nhất Chính đã tử trận khi
một chiếc chiến xa địch nghiến qua người sau khi anh đã bị thương
trong đợt phản kích. Tiểu Đội khinh binh chỉ còn lại Thông, Ngôn,
và Tám. Tôi lại được xuống cấp làm Tổ trưởng khinh binh, dẫn hai
ông tổ phó mở đường rút cho đơn vị, mang theo được rất ít thương
binh nhẹ, trong đó có Bé, Trung đội trưởng Trung Đội 1.
Cái đau bại trận thấm lên từng khuôn
mặt mệt mỏi, chán chường, không đủ can đảm nhìn thẳng vào mắt
nhau, dù chỉ để đôi điều chia sẻ. Tôi bỗng hổ thẹn vô cùng trước
giọt nước mắt âm thầm lau vội của Thượng sĩ Đàng, ông đã yêu
những người lính trong trung đội bằng tình yêu thương ruột thịt,
nên cũng đau gấp vạn lần từ thiếu vắng, tang hoang, buồn tủi
trước cái nhìn trân trân vô hồn của Thông và Tám. Họ đang nghĩ
đến số đồng đội bị thương đang chờ chết trong tay địch, điều mà
từ trước tới nay, chưa ai một lần nghĩ tới.
Rừng chiều bỗng đỗ mưa, tiếng sấm gào
cùng với tiếng pháo tàn trận, dội vào vách núi, vỡ vụn ra những
âm thanh buồn bã của hồi chuông tử biệt, mưa tuôn rì rào trên lá,
rì rào lời kinh chiêu hồn vang vọng. Trung đội lầm lũi tiến về
phía trước, theo sự hướng dẫn của ĐĐ31 còn nguyên vẹn, đang tiến
về căn cứ, và chờ chúng tôi ở hai cây số đông–đông bắc. Trong khi
ở một hướng khác, ĐĐ34 cũng đang đón phần còn lại của ĐĐ32, trước
khi tập hợp tại một vị trí định sẵn. Chờ lệnh mới.
Nhận lệnh trực tiếp từ Tiểu Đoàn, tổ
chức chốt chặn, để tất cả thương binh nặng, nhẹ mang theo được,
sẽ cùng ĐĐ31 và bộ chỉ huy Tiểu Đoàn rút trước qua triền núi bên
kia, sau đó, sẽ tìm gặp ĐĐ34 đang cùng với một bộ phận khác của
Tiểu Đoàn di chuyển cách đó chừng bốn cây số đông–đông bắc, móc
nối, dẫn đường cho hai cánh quân gặp nhau.
Nhiệm vụ nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng
quả thực, khi đồng đội cuối cùng khuất sau hẻm núi, Đồng cảm
thấy vô cùng cô đơn với năm người còn lại. Và trên Đồi 31 vẫn ầm
ì tiếng pháo truy kích của xe tăng địch bắn vu vơ vào vách núi.
Chắc chắn khi leo lên được đỉnh Đồi 31,
địch đã gánh chịu một sự tổn thất không thể bù đắp nổi về quân
số, nên họ đã không còn khả năng tổ chức truy kích, vì thế,
‘Trung Đội sáu người’ bớt được gánh nặng nghênh cản để lần mò
theo tiếng súng hướng dẫn, tìm về Đại Đội bạn. Cho đến quá nửa
đêm thì gặp nhau, và chỉ kịp siết chặt nắm tay chào hỏi, gấp rút
quay theo đường cũ, theo chân ĐĐ34, về gặp lại Tiểu Đoàn trước
khi trời sáng. Thời gian không còn thuộc về chúng tôi.
Đoàn quân lần dò trong bóng tối của
trùng điệp núi rừng, bám vai nhau tuôn dần xuống dốc núi dựng
đứng, cố gắng tiến thật nhanh về điểm hẹn, nơi đó, một đơn vị bạn
đang trên đường tiếp ứng. Đến gần sáng, đơn vị chúng tôi gặp được
quân bạn đang hướng tới Đồi 31 cùng với chiến xa. Qua mấy ngày
sau, đơn vị tôi được trực thăng bốc về Khe Sanh.”
(5)
Sau đây là những gì xảy ra cho nhóm
Phi hành đoàn sau khi họ tháo bỏ súng ống, bước ra khỏi hầm:
“Về phía KQ, tôi, anh Bửu, On, và Sơn
bị trói bằng dây điện thoại và bị dẫn giải ra Bắc Việt chung với
tất cả tù binh khác. Không thấy anh Giang và Em đâu. Chúng tôi
bắt đầu thăm hỏi các SQ và binh sĩ Dù tù binh trên đường đi. Cuối
cùng tôi gặp được anh Long là người ở chung trong hầm với anh
Giang khi cộng quân kêu các anh ra đầu hàng. Ðến lần thứ 3 các
anh vẫn không chịu ra nên chúng thảy lựu đạn chày và bắn xối xả
vào hầm. Anh Long chỉ bị thương nhẹ nên chúng bắt theo, còn anh
Giang vì bị thương nặng gãy cả 2 chân không đi được nên bị chúng
bỏ lại và chết ở trong hầm. Về phần Mê–vô Em thì bị lạc đạn trúng
bụng đổ ruột ra ngoài, khi bị bắt dẫn đi Em cứ 2 tay ôm bụng giữ
lấy ruột mà không hề được băng bó vết thương nên đi được một
khoảng không chịu được đau đớn, Em gục chết ở bên đường.
Thế là Phi Đoàn 219 ghi thêm vào quân
sử của mình thêm một thiệt hại: 2 Phi hành đoàn trên chiến trường
Hạ Lào. Trong đó anh Giang và Em đã vĩnh viễn ở lại trên đồi.
Ngọn đồi quyết tử 31. Những người còn lại của 2 Phi hành đoàn đó
là Bửu, On, Khánh, và Sơn thì sa vào tay địch, bị đưa đến những
bến bờ vô định, biết còn có ngày về hay không?
(4)
Cùng với nhóm phi hành 4 người của
Khánh, hầu như toàn bộ chỉ huy LĐIIIND tại Đồi 31 đã bị bắt làm
tù binh, bao gồm Đại tá Nguyễn Văn Thọ LĐ Trưởng LĐIIIND, Thiếu
tá Nguyễn V. Đức trưởng Ban 3 LĐIIIND, Trung tá Bùi V. Châu TĐT
TĐ3PB Dù, Đại úy Đào V. Thương trưởng ban 3 TĐ3PB Dù, Đại úy
Nguyễn Quốc Trụ phụ tá Ban 3 LĐIIIND, Đại úy Lê Đình Châu ĐĐ
trưởng công vụ LĐIIIND, Thiếu úy Nguyễn Văn Long Ban 3 LĐIIIND,
Trung úy Đinh Đức Chính sĩ quan không trợ... cùng nhiều quân
nhân các cấp. Tất cả đều bị trói tay và xô, đẩy, kéo đi rất tàn
nhẫn và rất nhanh trong đêm vì địch sợ bị truy kích hoặc B52 trải
thảm. Những người đi chậm, ngay cả những thương binh, đều bị la
mắng, đày đọa, đánh bằng báng súng, thậm chí cho chết. Riêng
Thiếu úy Vinh, người chỉ huy toán Điện Tử ND đến Đồi 31 trên cùng
chiếc H34 bị lâm nạn của Bùi Tá Khánh, cũng bị bắt tù binh, nhưng
đã can đảm trốn thoát được bằng cách buông người truột xuống
sườn đồi ngang qua một khúc quẹo trong đêm.
Vừa đi vừa bị bắt chạy theo tiếng la
hét, chửi rủa của bọn lính áp giải, với 2 tay trói ké sau lưng,
mà trời lại sinh tội đổ mưa, Khánh rất khó khăn theo kịp đoàn
người. Kẻ nào bị té ngã nếu không có sự giúp đỡ của bạn tù khác
thì thật vất vả để tự đứng dậy. Sau một đêm bị thúc giục đi nhanh
không nghỉ, tất cả toán tù binh được cho dừng chân vào sáng sớm
hôm sau. Càng xa mặt trận bao nhiêu, niềm hy vọng được cứu thoát
bởi toán Lôi Hổ hay trinh sát Dù càng nhỏ dần trong lòng Khánh và
mọi người. Có đôi lúc anh cầu mong B52 thả bom ngay trên toán tù
đang lầm lũi đi trong đêm vì anh nghĩ may ra anh có thể thoát
được giữa những hỗn loạn của bom nổ, lỡ có chết thì cũng chấp
nhận dễ dàng hơn là phải sống tù đày trong tay bọn CS khát máu
này.
Toán tù
binh Đồi 31 của Khánh di chuyển với nhau như vậy trong gần 2
tuần liên tiếp, đa số là đi bộ, có vài ba chặng đường thì bị dồn
cứng chở trên xe molotova. Nhìn ai cũng xơ xác, thiểu não, thiếu
ăn thiếu ngủ, quần áo trận rách tươm. Khi đến thành phố Vinh, mọi
người được lệnh dừng lại, và ở đó trong 4 ngày, qua đêm ở những
hợp tác xã. Dân làng xung quanh có chạy đến xem, nhưng không một
ai có bất cứ một hành động ghét bỏ thù hận nào và bị toán lính
gác đuổi đi. Từ Vinh, toán tù binh Đồi 31 có thêm những bạn tù
mới từ các đơn vị chiến đấu khác như TQLC, BĐQ và Bộ Binh; tất cả
lại bị lùa lên những toa xe lửa bít bùng và chở thẳng ra Hà Nội,
vào ngay trại tù đầu tiên ở Ngã Tư Sở.
Nhà tù này là một biệt thự của Pháp
ngày xưa. Nơi đây có trên một chục phòng, đã từng giam giữ tạm
một số tù binh phi công Mỹ, với những tên tuổi còn ghi trên
tường. Chúng chia cứ 6 người ở chung một phòng, không phân biệt
quân binh chủng hay cấp bậc. Nơi này có trên một chục phòng như
vậy.
Trong khi
toán tù binh trong đó có Thiếu úy Khánh đang trên đường bị dẫn độ
ra Bắc, thì vào ngày 28 tháng 2, 1971, từ một vị trí chếch về
hướng Đông và không quá xa Đồi 31, lần lượt toàn bộ TĐ3ND được
trực thăng vận về lại Khe Sanh. Tổn thất nặng của Tiểu Đoàn chỉ
gom phần lớn ở ĐĐ33 của Đồng và 32 của Đại úy Thiếp, ngoài ra
các ĐĐ30, 31, và 34 hầu như còn nguyên vẹn. Trong suốt thời gian
nằm dưỡng quân tại chỗ, TĐ3ND tái bổ sung và trang bị lại đơn
vị. Dù được bổ sung, Trung Đội 2 của Đồng tạm thời chỉ có 16
người, kể cả người chỉ huy, bằng một nửa của cấp số bình thường.
Qua tin tức của các ‘phóng viên chiến
trường’ trong nước cũng như ngoại quốc, mà đa số ngồi nhâm nhi cà
phê ở Givral, La pagoda, hay nếu gan dạ lắm cũng chỉ quanh quẩn ở
Bộ Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn I, Đông Hà, Khe Sanh, thêu dệt
lên những bản tin thật giật gân, bi thảm hóa một trận thua vốn là
lẽ thường của chiến tranh để cho rằng, quân ta thất thủ Đồi 31
tức là toàn bộ Lữ Ðoàn III Nhảy Dù đã bị tiêu diệt. Thông tin
kiểu đó, đã vô tình ám ảnh những đơn vị chưa được tung vào mặt
trận, mà hiệu quả tâm lý chi phối phần lớn khả năng chiến đấu.
Họ không hề biết rằng, ngay sau cuộc
hành quân Lam Sơn 719 chính thức chấm dứt vào đầu tháng 4, 1971,
từ Huế, khi màn diễn binh tại Phú Vân Lâu kết thúc, thay vì được
không vận về Sài Gòn để dưỡng quân như thường lệ, thì sân bay mà
LĐIIND đáp xuống lại là phi trường Cù Hanh, Pleiku đất đỏ. Tin
hành quân bí mật cho đến nỗi quá nhiều binh sĩ ND tức giận và
đạp nát bao nhiêu nón lá bài thơ mua sẵn cho người nhà tại hậu
cứ Sài Gòn. Lữ Đoàn II ND dưới quyền chỉ huy của Đại tá Trần
Quốc Lịch, gồm có các TĐ5ND, TĐ6ND, TĐ11ND, TĐ2PBND cùng các đơn
vị yểm trợ như Quân Y, Công Binh, Trinh Sát... đã lao ngay vào
một mặt trận căng thẳng khác: Giải tỏa căn cứ hỏa lực 6 ở Dakto,
Tân Cảnh do một đơn vị thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh trú đóng, đang bị
Sư Đoàn 320 Cộng quân vây hãm từ nhiều tuần qua. LĐIIND đã đánh
tan 2 trung đoàn 66 và 28 cùng với 1 tiểu đoàn phòng không của
Bắc Việt khiến địch phải rút khỏi chiến trường.
Sau chừng 3–4 tháng nằm tù ở Ngã Tư
Sở, toán tù binh của Khánh được đưa đến một nhà tù khác có tên
Bất Bạc, nằm sâu trong rừng núi của Sơn Tây. Tại đây, có sẵn
nhiều tù binh khác của VNCH, thuộc mọi binh chủng bị bắt từ nhiều
mặt trận khác nhau ở Miền Nam. Từ đây trở đi, Khánh cùng các bạn
tù binh khác bắt đầu một cuộc sống thực tế đầy trắc trở, cùng
cực, với lao động khổ sai, tuyên truyền, thù hằn của bọn cai tù
được dạy sẵn sàng bắt lỗi, nhục mạ, la lối chửi bới, đánh đập,
giam đói, chà đạp danh dự và phẩm giá của người tù binh. Chúng
càng ra tay tuyên truyền, đối xử tàn tệ bao nhiêu thì Khánh và
các bạn tù lại càng cương quyết, bền bỉ và quyết chí phải sống để
còn là nhân chứng cho chính sách đối xử tàn nhẫn của CS đi ngược
lại quy ước tù binh Genève bấy nhiêu. Sở dĩ những tù binh trong
trại vẫn hiên ngang kiên cường vì ai cũng biết sau lưng mình còn
có cả một nước VNCH của mình, bao nhiêu anh em trong binh chủng
đang chờ đón mình về, rằng mình không bị bỏ quên. Vì vậy họ không
bao giờ có cảm tưởng họ bị bỏ rơi, nghiệm thấy bị bắt tù binh chỉ
qua là một biến cố kém may mắn bất cứ một quân nhân tại mặt trận
cũng có thể gặp phải, tuy nhiên vẫn còn hơn bị thương tật vĩnh
viễn hoặc bị chết.
Anh đau xót nhìn những niên trưởng
thường xuyên bị chúng hạch sách, đày đọa, hay quấy nhiễu vô cớ;
những anh em tù khác bị thương tật, nặng có nhẹ có, bị đối xử
tàn nhẫn. Người người đều có lúc bị suy sụp tinh thần, nhưng nhìn
chung ai ai cũng giữ vững niềm tin, lòng can cường và sự đoàn
kết, luôn binh vực nhau ngay cả những khi bị chúng làm áp lực.
Chính vì vậy, các bạn tù rất thương yêu nhau, đùm bọc nhau, chia
xẻ với nhau từng miếng ăn, công việc nặng nhọc, tâm sự vui buồn,
lời cầu nguyện... Anh em thỉnh thoảng nhắc đến chuyện phim ‘Cầu
Sông Kwai’, mà hầu như mọi người cùng thời với Khánh đều có xem,
căn dặn nhau phải sống tư cách như các tù binh người Anh trong
phim. Cũng vì vậy anh em tù thường xuyên hay huýt sáo bản nhạc
trong phim nổi tiếng ấy. Với Khánh, anh luôn cảm thấy mình may
mắn hơn nhiều bạn tù khác vì anh không những độc thân, mà ngay cả
người yêu anh chưa có để thầm thương nhớ hay khóc thầm để phải
suy sụp tinh thần.”
Vào gần cuối năm 1972, có lẽ do những
cuộc không tập ngày càng ác liệt của Không Quân Mỹ trên Miền Bắc,
nhóm tù binh của Thiếu úy Khánh bị di chuyển đến trại tù Tràng
Định nằm ở Lạng Sơn.
“Đêm mùa đông giữa rừng núi Lạng Sơn
trời lạnh căm căm thật là khó ngủ. Để chống trả cái lạnh, chúng
tôi phải hai đứa một cặp đem hết mền ra, một phần để lót lưng vì
nằm trên giường tre, gió cứ tha hồ luồn theo kẽ hở vào ve vuốt
sống lưng, phần còn lại thì dùng để đắp. Vì trời lạnh không có
chú muỗi nào dám vo ve nên chúng tôi hạ luôn mùng xuống làm mền.
Có bao nhiêu quần áo, chúng tôi mặc hết vào người rồi chui vào
đống mùng mền, dựa lưng nhau mà tìm giấc ngủ. Phải một lúc sau
mới có chút hơi ấm và vì mệt mỏi sau một ngày làm việc quần quật
chúng tôi cũng chìm dần vào giấc ngủ.
Đang thiu thiu chúng tôi bỗng choàng
thức dậy bởi tiếng loa léo nhéo ở giữa sân trại:
‘Đả đảo đế quốc Mỹ đã dùng B–52 ném bom
rải thảm vào bệnh viện Bạch Mai và khu vực dân cư ở thủ đô Hà
Nội. Bọn chúng đã lật lọng không chịu ký hiệp định mà hòng dùng
sức mạnh quân sự để khuất phục nhân dân ta, bắt đảng và nhà nước
ta phải ký một hiệp định với nhiều bất lợi cho ta. Nhân dân ta
quyết đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ và tố cáo tội ác dã man của
chúng trước dư luận thế giới’.
Dù bị mất giấc ngủ, chúng tôi hết sức
nôn nao và xì xầm bàn tán với nhau vì đây là sự việc lạ lùng chưa
từng xảy ra trong suốt 2 năm tù lao động khổ sai khắp các miền
rừng sâu bắc Việt. Trong chế độ tù đày mà cộng sản gọi là cải
tạo, việc lao động nặng nhọc phải đi đôi với nhồi sọ chính trị mà
việc đọc báo, nghe loa phát thanh là một chính sách lớn vì họ lập
luận rằng cứ cho nghe mãi rồi cũng phải tin. Dĩ nhiên chỉ có
những tin tức hạn chế do một đài của nhà nước, và sau khi đã được
bóp méo, vo tròn theo ý họ rồi mới cho cả toàn dân miền Bắc nghe.
Điều này cho thấy nhà nước cộng sản không hề tôn trọng người dân
mà họ vẫn tôn làm chủ, vì trong khi họ theo đuổi hơn 4 năm trời
một cuộc tranh đấu chính trị trên bàn hội nghị mà kết quả có tầm
ảnh hưởng rất quan trọng cho vận mệnh của đất nước thì người dân
chẳng hề biết một tí gì hết. Cho đến khi Hà Nội ăn bom B52, chẳng
giấu ai được họ mới la ầm lên đổ thừa cho đế quốc Mỹ. Thế mà hôm
nay không hiểu tại sao bỗng dưng họ lại phát thanh cho toàn dân
nghe một bản tin thuộc loại cơ mật như vậy.
Tối hôm sau và những hôm kế tiếp, sau
khi ăn cơm, chúng tôi nhanh chóng thu xếp rồi lên giường nằm vừa
bàn chuyện vừa ngóng tai chờ nghe loa. Cái loa thường ngày chúng
tôi ghét cay ghét đắng vì âm thanh chát chúa của nó, bỗng dưng
hôm nay chúng tôi lại mong được nghe những gì nó mang đến. Quả
nhiên, qua chiếc loa, người xướng ngôn với giọng đanh thép, ngoài
bài xã luận một chiều thường lệ, còn cho biết ‘bộ đội phòng không
anh dũng đã bắn rơi nhiều máy bay B52, bắt sống nhiều giặc lái
Mỹ’.
Chúng tôi
lại được dịp luận bàn: nhiều là không đếm được, không đếm được
tức là không có gì để đếm”.
Từ khi bị bắt trên chiến trường Hạ Lào,
chúng tôi coi như không biết ngày về trừ khi có một hiệp định
được ký kết giữa các bên tham chiến trong đó có quy định việc
trao trả tù binh bị giam giữ. Lâu nay chúng tôi âm thầm chịu đựng
mọi nghiệt ngã trong trại giam cộng sản cũng chỉ vì hy vọng vào
hiệp định Paris với việc ký kết thành công và thi hành đúng đắn
mới là con đường giải thoát chúng tôi ra khỏi nhà tù cộng sản.
Phải chăng hôm nay ước vọng của chúng tôi đang thành sự thật?
Qua những bản tin nghe được, dần dà
chúng tôi có thể tổng hợp lại và suy đoán như sau. Hội nghị Paris
4 bên được hình thành sau trận thảm bại Tết Mậu Thân của cộng sản
với mục đích giải quyết trong hòa bình cuộc chiến Vĩệt Nam. Nhưng
sau 4 năm cò kè, mặc cả giữa Hà Nội và Washington, có lúc tưởng
đi đến chỗ bế tắc, đến mùa hè năm 1972 những trận đánh ngày càng
khốc liệt ngoài chiến trường cho thấy hội nghị đang đi đến giai
đoạn chót. Cộng sản cố đánh Quảng Trị ở Vùng I, Tân cảnh ở Vùng
II, Lộc Ninh ở Vùng III để chiếm đất. Về phía Mỹ thì kể từ ngày
14 tháng 6 năm 1972 các cuộc ném bom đã leo thang ra ngoài vùng
giới hạn vĩ tuyến 20 đến tận gần biên giới với Trung cộng. Trận
cường tập 12 ngày đêm ở thủ đô Hà Nội là cú đấm knock out cuối
cùng của Mỹ.
Quả nhiên, một tuần sau, quên hết những lời chỉ trích gay gắt
trước đó, chiếc loa cho biết Hà Nội tưng bừng trải thảm đỏ tiếp
đón trọng thể Ngoại Trưởng Kissinger đến thăm Việt Nam. Khoảng
đầu tháng 2, 1973, sau 3 ngày viếng thăm, Hà Nội lại “lưu luyến”
tiễn chân Kissinger và không quên tặng không cho ông tiến sĩ 3 tù
binh phi công Mỹ đang bệnh nặng cần chữa trị.
Ít lâu sau trước Tết Quý Sửu, ngày 27
tháng 1 năm 1973 hiệp định Paris được ký kết giữa 4 bên và sau đó
được 12 cường quốc bảo đảm thi hành đúng đắn nhằm đem lại hòa
bình cho Việt nam.
Hơn một tuần sau, như thường lệ vào
sáng sớm ngày thứ hai chúng tôi chuẩn bị lãnh cuốc xẻng, dao rựa
đi cuốc đất, đốn cây thì bỗng được lệnh miễn lao động, mặc quần
áo dài lên hội trường tập họp. Linh tính báo cho chúng tôi biết
có điều quan trọng xảy đến.
Quả như vậy, sau lời mở đầu của trại
trưởng trung tá Quân “rắn”, tên thượng tá chính trị viên Thường
“vẹt” (vì đặc tính nói lặp đi lặp lại không biết ngượng miệng)
của trại tù đọc và giải thích từng điều một trong bản hiệp định.
Đại khái điều 1 các bên tôn trọng lãnh thổ của nhau, điều 2 tôn
trọng chủ quyền, điều 3 ngưng bắn kể từ ngày ký hiệp định, điều 4
các bên cam kết trao trả hết các nhiên viên quân sự và dân sự bị
bắt trong chiến tranh chậm nhất là 2 tháng sau ngày hiệp định có
hiệu lực.
Chúng tôi liếc nhìn nhau vui sướng. Đúng là niềm hy vọng của
chúng tôi đã thành hiện thực. Và theo quy định của bản hiệp định,
chỉ còn tối đa 2 tháng nữa là chúng tôi được trao trả về cho
chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.
Đến đây Thường “vẹt” nhấn mạnh:
– Tuy nhiên, việc thả các anh về chủ
yếu vẫn là do các anh có lao động tốt, học tập tốt hay không thì
chính phủ ta mới căn cứ vào đấy mà khoan hồng cho các anh thôi.
Thường “vẹt” tiếp tục thao thao những
điều khoản khác, nhưng chúng tôi không còn thiết tha nghe nữa. Là
người có học, ai cũng biết rằng khi đã ký kết một hiệp định thì
phải thi hành đúng đắn những gì hiệp định đã quy định chứ không
thể vin vào những chính sách bình thường của quốc gia mình được.
Giải thích như vậy chứng tỏ Hà Nội coi như không có hiệp định nào
trên đời này cả. Chúng tôi cảm thấy ngao ngán, nhưng vẫn còn một
phần nào hy vọng vì bản hiệp định đã được các cường quốc bảo đảm
trong đó có cả đàn anh Trung cộng của Hà Nội.
Cuối cùng, Quân “rắn” kết thúc buổi họp
và nói tiếp:
–
Thôi, các anh cố gắng học tập lao động tốt để sớm trở về với gia
đình. Và để đánh dấu cho một mùa xuân hoà bình trên đất nước,
trại được trên cho phép tổ chức một cái Tết thật to, có bánh kẹo,
có thịt lợn, thịt trâu, và có cả văn nghệ nữa.
(6)
Niềm vui rộ lên, cả trại nhốn nháo vui
mừng với bao nhiêu hy vọng sẽ được trao trả về Miền Nam sau hiệp
định Paris. Các bạn tù được cho phép tự tổ chức văn nghệ mừng
Xuân năm 1973.
“Một nhóm anh em có máu văn nghệ, thích
ca hát được thành lập gồm có anh Trụ, anh Bửu, anh Hạnh, Siêm,
Dự, và tôi. Chúng tôi bàn bạc với nhau để chọn bài hát. Đã gọi là
hoà giải thì phải có cả nhạc bản của cả hai miền Nam, Bắc chứ.
Bàn đi tính lại cuối cùng chúng tôi lựa các bài như sau: Ly rượu
mừng, Nối vòng tay lớn, Đôi bạn (nhạc của Phạm Duy phổ thơ Hoàng
trung Thông là nhà thơ tiền chiến hiện còn sống ở Hà Nội), Chuyện
hàng cây (của một nhạc sĩ lô–can trong trại, Chuẩn úy Trần thanh
Hùng phổ thơ của một thi sĩ không có tiếng ở ngoài bắc), bản
Romance de l’Amour sẽ do anh Trụ độc tấu tây ban cầm và một đoạn
sớ Táo Quân sẽ do anh Khoan diễn tấu. Vì tất cả đều bị kiểm duyệt
trước nên chúng tôi phải dò từng chữ, nhất là những bản nhạc xuất
bản ở Miền Nam, nếu cần thì đổi lời chút ít để tránh đụng chạm.
Sáng mùng một Tết, chúng tôi ngồi túm
trong lán trại, ăn kẹo uống trà, hút thuốc lào. Năm nay Tết lớn
nên anh em mỗi người được phát thêm một điếu thuốc thơm Tam Đảo
ngoài 3 điếu thuốc đen Trường Sơn thường lệ. Lác đác một vài quản
giáo ghé vào các lán thăm xã giao chúc Tết. Ngoài sân trại cũng
có vài nhóm anh em tù đứng tán chuyện, thấp thoáng bóng áo xanh
bộ đội chen với màu áo trắng xọc đỏ của tù nhân.
Sau bữa cơm chiều, lúc 7:00g tối, mọi
người tập trung vào hội trường xem văn nghệ. Chúng tôi trình diễn
không mi–crô, nhạc cụ thì mượn được của cảnh vệ một đàn guitar
thêm vào với cây guitar tự tạo bởi Dự và anh Trụ. Vậy là xôm tụ
rồi.
Để mở
đầu, anh Bửu trưởng ban văn nghệ có vài lời cám ơn trại đã cho
phép trình diễn văn nghệ và cuối cùng xin trại nhớ thi hành hiệp
định một cách đúng đắn để anh em chúng tôi sớm được trao trả về
Miền Nam.
Sau
đó toàn ban văn nghệ chúc Tết mọi người bằng bản nhạc quen thuộc
Ly rượu mừng. Màn thứ hai do Siêm, một chuẩn úy Sư Đoàn 1 với
giọng ca khá giống Chế Linh trong bài Trường sơn đông–Trường sơn
tây. Bản nhạc chấm dứt, anh em vỗ tay tán thưởng nhất là bộ đội,
quản giáo. Sang đến bài Nối vòng tay lớn do Dự, thiếu úy viễn
thám TQLC tay đàn miệng hát, đã lôi cuốn mọi người cùng vỗ tay
theo nhịp vang động cả hội trường. Tiếp đến là bài Đôi bạn hát
bởi anh Hạnh, sĩ quan đề–lô của Sư Đoàn 1, buồn buồn như quê
nghèo sỏi đá miền trung. Bản nhạc vừa dứt, Hạnh ngoắc tay về phía
Khánh, từ hậu trường Khánh tiến tới đứng sát bên Hạnh; cả hai
chúng tôi song ca bản Tình khúc cho em của Lê uyên Phương, một
bản nhạc không có trong chương trình. Hơi bất ngờ một chút, rồi
anh em mọi người đồng vỗ tay, huýt sáo. Hứng chí chúng tôi đi 2
bè thật hay. Chợt Khánh nhìn thấy từ hàng ghế đầu, mặt đanh lại,
Quân ‘rắn’ đứng lên đi thẳng ra ngoài. Vài quản giáo và cảnh vệ
cũng đi theo.
Bản nhạc dứt, trong tiếng vỗ tay tán thưởng, anh Trụ đang sửa
soạn thế ngồi để chơi bản Romance thì Thường ‘vẹt’ tiến tới quay
xuống mọi người nói:
– Thôi đủ rồi, giải tán.
Mọi người vừa đi vừa cười nói, bàn tán.
Ban văn nghệ chúng tôi vừa thu dọn nhạc khí xong thì quản giáo
Hoàng ‘choắt’, người nhỏ xíu cao chừng 1 mét rưỡi, vào bảo chúng
tôi đi theo anh ta sang nhà họp của cảnh vệ. Tại đây đã có Quân
‘rắn’, Thường ‘vẹt’ cùng vài cảnh vệ đứng chung quanh sát tường.
Chỉ vào băng ghế đối diện, Quân ‘rắn’ hầm hầm bảo:
– Các anh ngồi xuống đây.
Rồi Quân ‘rắn’ rít qua 2 hàm răng:
– Ai cho các anh hát nhạc vàng? Các anh
vượt quy định, không đăng ký trước.
Anh Bửu phân trần:
– Đấy chỉ là tình cảm đằm thắm thương
vợ, nhớ tình nhân mà anh em chân thành bộc phát ra.
– Các anh lợi dụng chúng tôi hoà hoãn,
định dùng nhạc vàng để lung lạc tình cảm chân chính của chúng tôi
hay sao? Đừng tưởng có cái hiệp định mà chúng tôi sợ không dám
đụng đến các anh hả! Nói cho các anh biết thả hay không là ở tôi
này. Nhốt các anh suốt đời cũng còn được. Bọn lính Tây Điện Biên
Phủ ta còn giữ đến bây giờ, huống hồ các anh.
Rồi Quân rắn đổi giọng:
– Cảnh vệ đâu? Tống chúng nó vào nhà kỷ
luật ngay. Quần áo, chăn màn thì cho đứa nào đem xuống cho chúng
nó sau. Đi nhanh!
Thế là chúng tôi bị dẫn đi xuống khu
nhà kỷ luật. Khu nhà kỷ luật nằm ở cuối trại gần trạm canh. Khu
này được dựng bằng gỗ chắc chắn. Cứ 2 phòng một cạnh nhau, mỗi
phòng độ 3 thước vuông với một cái giường tre vừa đủ nằm. Không
có cửa sổ và chung quanh rào dây kẽm gai kiên cố.
Chúng tôi mỗi người bước vào căn xà lim
của mình. Vắng vẻ, lạnh lẽo và dư thừa thì giờ để nghiền ngẫm về
chính sách hoà giải của người cộng sản.”
(6)
Sau nhiều tuần được “vỗ béo”, khẩu phần
dinh dưỡng tăng, lao động tối thiểu, anh em tù binh đều phấn
khởi, lâng lâng với cảm giác mình không bị bỏ rơi bởi quốc gia
mình. Vài tháng sau Hòa Đàm Paris được ký kết, nhóm tù binh bị
bắt tại Lào như Khánh không được trao trả. Không phải vì lao động
không giỏi hoặc học tập không tốt. Đến lúc đó mới thấy bọn CS
thâm hiểm. Chúng gian xảo tráo trở cho rằng nhóm tù binh bị
Pathet Lào bắt tại Lào, và vì chưa có hiệp định nào ký kết giữa
VNCH và Pathet Lào, nên không thể trao trả tù binh VNCH bị Pathet
Lào bắt trên nước Lào. Đương nhiên chúng đã nghĩ trước những kẻ
hở này khi ký kết Hòa Đàm nên mặc nhiên trở mặt, lật lọng vào
phút chót. Thế là bao nhiêu hạnh phức và kỳ vọng của nhóm tù binh
Hạ Lào được trở về Miến Nam biến thành mây khói, bao mơ ước bị
sụp đổ tan tành. Sau đó là những ngày tăm tối, buồn bã tuyệt
vọng, suy sụp đến chết người dưới sự giam cầm tàn ác ngày một
tăng.
Rồi lại
chuyển trại đến Cao Bằng trong năm 1974. Rồi tin Miền Nam bị tan
rã dần, Mỹ quyết định bỏ rơi người bạn đồng minh của mình khiến
quân đội VNCH đành phải thúc thủ buông súng, VNCH hoàn toàn mất
vào tay CS Bắc Việt vào 30 tháng 4, 1975. Một cú atemi ác nghiệt
chém vào tử huyệt mọi tù binh còn lại trong trại. Biết từ đây
không còn một sức mạnh, một thế lực nào khả dĩ cứu vớt họ. Cơn ác
mộng đen tối bao phủ toàn trại khi họ biết từ đây họ sẽ vĩnh viễn
mất tự do.
Khánh lại được chuyển đến một trại tù mới tên Nghĩa Lộ tại Yên
Báy, và nằm ở đó thêm một thời gian dài nữa. Trại tù này, cũng
như bao trại tù mà Khánh đã ở qua, hoàn toàn không có bóng dáng
của các tù binh trong những tháng cuối cuộc chiến tại Miền Nam VN
hoặc những tù cải tạo sau này. Trong những lần lao động bên ngoài
trại, thỉnh thoảng Khánh gặp dân trong vùng. Đa số tử tế với tù
nhân, đôi khi còn cho củ khoai, củ sắn.
Ngày 7 tháng 6, 1976, từ trại tù Nghĩa
Lộ, Thiếu úy Không Quân Bùi Tá Khánh của chiếc trực thăng H34 bị
bắn và đáp khẩn xuống Đồi 31 tại Hạ Lào tháng 2, 1971, được thả
cho về nhà cha mẹ ở đường Lý Thái Tổ, quận 10, Sài Gòn. Sau trên
5 năm làm tù binh ở Miền Bắc.
Trung úy Nhảy Dù Phạm Đồng của Đồi 31
Hạ Lào, sau lần bị thương tật ở đầu gối phải trong trận đánh
tháng 3, 1972 tại Căn Cứ Hỏa Lực 5 ở Tân Cảnh, Pleiku, từ giã
nhiệm vụ tác chiến và trở về làm việc hành chánh tại Bộ Tư Lệnh
Sư Đoàn Nhảy Dù ở Trại Hoàng Hoa Thám cho đến ngày 30 tháng 4,
1975. Trình diện cải tạo, Phạm Đồng ở tù học tập gần 8 năm.
Anh Bùi Tá Khánh, một thân một mình,
vượt biên thành công vào năm 1981, đến nước Mỹ năm 1982. Định cư
đầu tiên ở San Jose, anh di chuyển sau đó qua Denver vào năm
2005.
Anh Phạm
Đồng định cư ở Denver sau khi đến Mỹ vào năm 1993 với vợ và hai
con qua chương trình HO.
Trong một buổi tiệc do anh chị Phạm
Đồng tổ chức tại tư gia nhân dịp đón mừng vợ chồng chúng tôi đến
chơi Denver tháng 4, 2017, anh Hoàng Gia Viễn, một cựu Trung úy
phi công F5, đến tham dự với vợ cùng 2 cặp vợ chồng đàn em trong
Không Quân VNCH, cũng là cư dân Denver. Đây là lần đầu tiên anh
chị Đồng gặp gỡ 2 cặp vợ chồng trẻ tuổi này, mà anh Viễn cho
biết một người là sĩ quan chuyên về bảo trì phi cơ ở phi trường
quân sự Pleiku, và người kia là sĩ quan phi hành trực thăng.
Chuyện trò qua lại trong bữa ăn, và sau màn giới thiệu sơ khởi,
anh phi công trực thăng buột miệng tâm tình anh là phi công của
Phi Đoàn 219, chuyên lái trực thăng H34, không một ngày tù cải
tạo nhưng lại là tù binh ở ngoài Bắc. Vào chi tiết hơn nữa, anh
tóm tắt câu chuyện đời phi công của anh, mà ngay chính anh Hoàng
Gia Viễn, người đàn anh KQ, cũng chưa hề nghe qua. Ngang giữa câu
chuyện trực thăng H34 của anh lâm nạn và phải đáp xuống Đồi 31
trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, gia chủ Phạm Đồng bật đứng dậy
“tôi cũng ở Đồi 31 thời gian đó...”.
Thế là hai anh, Bùi Tá Khánh và Phạm
Đồng, đồng loạt cùng đứng lên, xô ghế tiến sát gần nhau và ôm
choàng lấy nhau, nhích ra rồi lại ôm nhau lại, nắm chặt tay nhau,
mắt nhìn nhau, miệng cười lớn, mừng rỡ như tìm thấy lại một
người thân quý nhất trong đời bị thất lạc từ nhiều năm qua. Giữa
tiếng chúc mừng, vỗ tay hoan hỷ của bàn tiệc.
Sau đó, từng người một, thay phiên nhau
cụng ly chúc mừng sự trùng phùng quá đặc biệt và kỳ thú này. Sự
ngẫu nhiên hy hữu như do trời định. Thật vậy, một người là sĩ
quan Nhảy Dù cấp trung đội chiến đấu sống còn tại Đồi 31, người
kia là sĩ quan phi hành trực thăng H34 đáp khẩn trên Đồi 31 rồi
bị kẹt tại đó. Cả hai đều là nhân chứng trong những ngày cuối của
Đồi 31, để sau đó một người trở thành tù binh bị dẫn độ ra tận
Miền Bắc, người kia chiến đấu đến giây phút cuối và sống sót rút
khỏi Đồi với chỉ 6 người còn lại của Trung Đội mình. Về sau, một
người tiếp tục chiến đấu cho Miền Nam đến tận ngày mất nước,
người kia không được trao trả theo cam kết Hiệp Định Paris. Cả
hai đều chưa từng gặp nhau, chưa hề biết hoặc nghe tên nhau khi
còn tại Đồi 31 hay ngay cả sau này khi là tù binh hay tù cải tạo
trong suốt cả 46 năm. Hôm nay cả hai bất ngờ gặp nhau. Trong một
buổi tiệc không tên. Ngay tại Denver dù cả hai từng sinh sống tại
thành phố này hơn cả mươi năm qua. Quả là diệu kỳ. Còn gì vui
sướng cho bằng! Còn gì nhiệm mầu hơn nữa!
Như mọi người có mặt trong đêm, cá nhân
tôi thật xúc động, nhất là sau khi nghe cả hai anh Khánh và Đồng
lần lượt kể câu chuyện của mình từ Đồi 31 cho đến về sau. Như một
chia xẻ chân thành, tôi vuột miệng “tôi xin phép được ghi lại câu
chuyện độc đáo có một không hai này và lấy đề tựa ngay từ bây
giờ: H34 trên Đồi 31”. Toàn thể đều tán thành và nâng cao ly
rượu.
Et
voila.
Mission Viejo, Tháng 1, 2018
Vĩnh Chánh
Nguồn:
Hội Quán Phi Dũng
Tác giả chú thích:
(1): Mặt Trận Ngoại Vi. Tác giả: Phan Hội Yên
(2): Vào Đồi 31 Hạ Lào. Tác giả: Kingbee Bùi Tá Khánh
(3): Đồi 31. Tác giả: Phan Hội Yên
(4): Chuyến Bay Tử Thần. Tác giả: Kingbee Bùi Tá Khánh
(5): Ngọn Đồi Vĩnh Biệt. Tác giả: Phan Hội Yên
(6): Tết Hòa Giải. Tác giả: Bùi Tá Khánh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by nghiêm nguyễn chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, August 24,
2024
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang