Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự
Truyện
Chủ đề:
Lính
Tác giả:
BS Bùi Cao Đệ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Tôi tuy thuộc vào hạng nhỏ
con và thường bị bạn bè gọi là “Sữa” nhưng lại rất thích binh
chủng Nhảy Dù. Thường mơ ước rằng khi ra trường sẽ là một Y sĩ
Nhảy Dù. Đọc truyện Y sĩ Tiền Tuyến của Bác sĩ Trang Châu tôi lại
càng thêm mơ mộng. Tôi thích đi nhảy dù vì thích bận đồ rằn ri,
đội nón đỏ, có huy hiệu nhảy dù trên ngực áo. Thấy các quân nhân
Nhảy Dù chiều thứ 7 dạo phố với các nữ sinh thật là thơ mộng.
Cũng vì thích màu áo mà tôi sém chút
nữa là hòm gỗ cài hoa! Tuổi trẻ có những tư tưởng lạ lùng mà sau
này về già suy nghĩ lại mới biết sợ, không nên “giỡn mặt tử
thần,” đúng là “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.”
Tôi nhập ngũ vào cuối năm 1971 khóa 13
Y sĩ trưng tập thụ huấn quân sự tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Trong
thời gian này, thỉnh thoảng có một số Y sĩ Nhảy Dù về thăm các
bạn YK Sài Gòn. Ôi nón đỏ, bộ đồ trận rằn ri, trông thật là oai
phong lẫm liệt. Tôi thầm hy vọng là khi chọn nhiệm sở sẽ có 1, 2
chỗ Nhảy Dù. Rồi thời gian thụ huấn quân sự và Hành Chánh Quân Y
cũng trôi qua và ngày chọn nhiệm sở cũng đến. Các bạn Dược sĩ
Trưng tập được chọn nhiệm sở trước Y sĩ trưng tập 2 ngày. Tình cờ
tôi gặp Dược sĩ Sơn cùng khóa 13. Anh cho biết là anh chọn Nha Kỹ
Thuật/TTM.
Sơn
cho tôi biết là Nha Kỹ Thuật đồn trú ở Phú Thọ Sài Gòn. Khi tôi
nói là tôi chỉ thích đi Nhảy Dù thì Sơn nói đây cũng là Nhảy Dù
Lôi Hổ, tôi hỏi thêm chi tiết và có ý định chọn NKT.
Đến ngày chọn đơn vị tôi nhìn lên bảng
đen thì thấy có một chỗ NKT và một chỗ Sư Đoàn Nhảy Dù và tôi
được xếp hạng 16 trong số gần 100 Y sĩ trưng tập. Tôi không hề để
ý đến các chỗ như Tổng Y viện, Quân Y Viện hay Bệnh Viện Dã
Chiến, Bệnh Viện Tiểu Khu mà chỉ cầu mong là đến phiên mình chọn
đơn vị sẽ còn có NKT hay Sư Đoàn Nhảy dù.
May thay, các bạn trước tôi chỉ lo chọn
QYV, TYV, hay BVTK, đến phiên tôi vẫn còn chỗ NKT. Tôi vội vã
chọn NKT sau khi được Y sĩ Đại tá Châu xác nhận là có nhảy dù ở
NKT. Thế là tôi đi mua ngay nón đỏ và bộ đồ rằn ri.
NKT/TTM là danh xưng ngụy trang của một
đơn vị gọi là Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ, ngang hàng cấp Sư
đoàn Tổng Trừ bị với cấp số Thiếu tướng làm Tư Lệnh. NKT gồm
nhiều đơn vị khác nhau nhưng trong phạm vi bài viết này tôi chỉ
nêu ra hai đơn vị quan trọng nhất đó là:
1. Sở Liên Lạc (Lôi Hổ): Bộ Chỉ Huy đồn
trú tại Sài Gòn, gồm 3 Chiến đoàn Xung kích 1, 2, 3.
2. Sở Công Tác (Hắc Long): Bộ Chỉ Huy
đồn trú tại Sơn Trà, Đà Nẵng gồm 5 Đoàn Công Tác 11, 68, 71, 72,
75. Các Chiến Đoàn Xung Kích và Các Đoàn Công Tác có nhiệm vụ thả
Toán thám sát vào các mật khu cộng sản để thâu thập tin tức tình
báo, phá hoại các mục tiêu trọng yếu của địch. Trước năm 1970,
nhiều Toán Thám Sát Đặc Biệt Xâm nhập Bắc Việt bằng không vận hay
hải vận để do thám.
Vào thời tôi được tăng phái đến NKT thì
các toán chỉ hoạt động ở miền Nam mà thôi. Mỗi Toán có khoảng 6
người được trang bị vũ khí đến tận răng. Các hoạt động của NKT
được giữ bí mật cho nên nhiều khi các quân nhân phục vụ trong NKT
cũng không biết nhiệm vụ của các đơn vị bạn.
NKT có một Đại đội Quân Y đóng tại Phú
Thọ Chợ Lớn, Y sĩ Thiếu tá Bửu Trí làm Y sĩ Trưởng. Ngày tôi về
trình diện thì ĐĐQY gồm có Bác sĩ Trí, BS Ân, BS Nguyễn Văn Hưng
và tôi. Ngoài ra còn có 4 Dược sĩ, 2 Nha sĩ, và 4 Sĩ quan Trợ y.
Bác sĩ Trí gốc Huế, người Hoàng Tộc rất hiền lành dễ thương, luôn
bảo vệ và che chở cho đàn em, được sự quý mến và kính nể của
thuộc cấp.
Sau
khi trình diện đơn vị, tôi đi học nhảy dù ở trung tâm Long Thành,
nhảy chuồng cu ở trại Hoàng Hoa Thám SĐND, 3 tuần huấn nhục
“thích chạy bộ hơn đi bộ,” tôi được cấp bằng Nhảy Dù Việt Nam và
Mỹ. Tôi rất thích nhảy Chuồng Cu, xin nhảy nhiều lần. Thật ra có
một số quân nhân không dám nhảy chuồng cu, huấn luyện viên phải
đẩy ra giùm, nếu sau 3 lần mà không dám tự động nhảy thì sẽ bị
loại.
Cảm giác
nhảy ra khỏi máy bay C130 của không quân Mỹ, rơi tự do khoảng 5
giây, rồi sau đó dù bung ra, một mình bay lơ lửng giữa trời thật
là tuyệt diệu. Một mình ta lơ lửng giữa trời mây! Làm việc ở Sài
Gòn được vài tháng thì Mùa Hè Đỏ Lửa xảy ra. Chiến trận Bình
Long, Quảng Trị ác liệt, máu lửa. Cuối tháng 3, 1972, Y sĩ Thiếu
tá Bửu Trí cho tôi biết là tình hình chiến sự ở Kontum gia tăng
và sẽ tăng phái tôi lên Chiến Đoàn 2 Xung Kích Lôi Hổ ở Kontum.
Thế là tôi khăn gói lên đường ngay.
Chiếc máy bay C46 của Air America vừa
hạ cánh xuống phi trường Kontum thì bị pháo kích lập tức. Có một
số thương vong nhưng tôi may mắn OK. Trung úy Niệm, Sĩ quan Trợ y
chở tôi về doanh trại CĐ2XK ở B12 phía Nam của Kontum. Vừa đến
Bệnh Xá thì thấy các cố vấn Hoa Kỳ đang thu dọn để lên đường ra
khỏi Kontum vì tình hình rất nguy hiểm. Họ để lại cho tôi toàn bộ
thuốc men và thực phẩm. Mấy ngày đầu tôi lo tổ chức bệnh xá để
tiếp nhận thương bệnh binh. Lúc rảnh rỗi thì lái xe đi thăm
Kontum. Thành phố này lúc đó còn tương đối yên tĩnh, cát trắng,
có sông Dak bla nước rất trong nhưng chảy ngược? Xung quanh là
núi non, thành phố nằm ngay ở lòng chảo, rất dễ bị pháo kích,
trông giống như Điện Biên Phủ ngày xưa.
Thành phố nói chung rất đẹp. Kontum chỉ
có một con đường độc nhất đi Pleiku về phía Nam, Quốc lộ 14,
nhưng phải qua đèo Chu Pao thường hay bị cộng sản phục kích và
đóng chốt nên chỉ có thể đi thoát bằng máy bay mà thôi.
Hàng ngày tôi khám bệnh cho quân nhân
và gia đình, cấp thuộc hành quân, huấn luyện cấp cứu cho Y tá,
dân sự vụ khám bệnh cho người thiểu số ở buôn Thượng. Người dân ở
đây rất đỗi hiền lành. Họ mời tôi uống rượu cần, nhưng tôi không
thích uống rượu, chỉ nhấm nháp lấy lệ mà thôi. Tất cả chúng tôi
đều phải học cách xử dụng và thực tập bắn súng chống xe tăng M72.
Tôi quen thân với nhiều sĩ quan Không
Quân, họ cho tôi làm Co-pilot đi rước toán khi công tác về. Mỗi
lần rước có 2 trực thăng UH1B và 2 gunship. Bay vòng vòng một lúc
thì thấy panel của toán ở dưới bìa rừng. Thế là chiếc UH1B vội
vàng nhào xuống để rước toán, trong khi gunships chúc lên chúc
xuống sẵn sàng bắn che cho toán. Viên sĩ quan ban 3 khuyên tôi
đừng có chơi dại như vậy, vì lỡ người pilot chính bị thương hay
chết thì làm sao tôi lái máy bay một mình được, tính mạng tôi sẽ
coi như hui nhị tì.
Pháo kích của Cộng quân xảy ra thường
xuyên, cứ 2, 3 đêm một lần. Bị thương nhẹ thì tụi tôi săn sóc tại
chỗ, nặng thì gửi đi Bệnh Viện Tiểu Khu hay Quân Y Viện. Chuyện
cười ra nước mắt là một đêm kia, khoảng 10 giờ tối, tôi nghe một
tiếng nổ lớn rồi sau đó có tiếng lính gọi: Bác sĩ ơi, có một con
bò đạp mìn ở hàng rào phòng thủ, đùi của nó bị bay vào ngay trại,
chúng ta sẽ có thịt bò ăn rồi, nhưng sau đó xem lại té ra là thịt
người, có lẽ của trinh sát hay đặc công cộng sản! Có khi buổi tối
tôi phải đi đỡ đẻ. Có lúc có người tự tử... Công việc tương đối
nhàn.
Lực
lượng phòng thủ Kontum chỉ có Sư đoàn 22BB, gồm 2 trung đoàn và
Bộ Tham mưu Sư Đoàn được dời lên Tân Cảnh để giao chiến với sư
đoàn 320 và sư đoàn 2 của CS Bắc Việt. Quân Đoàn II được tăng
cường thêm Biệt Động Quân để củng cố vững chắc đồn Ben Het, cửa
ngõ đi vào lãnh thổ QĐ II, Quân Khu II.
Đại tá Lê Đức Đạt Tư Lệnh SĐ22BB làm Tư
Lệnh Mặt trận Tân Cảnh được một tuần lễ thì địch bắt đầu tấn công
lẻ tẻ. Đại Tướng Cao Văn Viên liền tăng phái cho Đại tá Đạt một
Lữ Đoàn Dù.
Ngày 04/14/1972 CS tấn công vào căn cứ Charlie. Trung tá Nguyễn
Đình Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ11 Nhảy Dù bị một hỏa tiễn 122ly
trúng vào hầm chỉ huy làm ông tử trận. (Bài hát Người ở lại
Charlie của Trần Thiện Thanh) và quân ta phải rút ra khỏi
Charlie.
Ngày
04/20/1972 Đại Tướng Viên rút Lữ Đoàn Dù tại Kontum để tăng cường
cho mặt trận Quảng Trị nên tình hình tại Tân Cảnh bắt đầu đen tối
thêm. Tôi nhìn Lữ Đoàn Dù rút đi mà cảm thấy tê tái vì Kontum
không còn lực lượng Tổng Trừ Bị nào nữa, chỉ còn Sư đoàn 22 mà
thôi. Tất cả Sư đoàn Nhảy Dù và TQLC đều dành riêng cho Quảng Trị
và Bình Long. Kontum chỉ vào hàng thứ yếu, không quan trọng bằng
hai mặt trận kia?
Ngày 04/23/72 mất Dakto rồi Ben Het.
Ngày 04/24/1972 mất Tân Cảnh, Đại tá Đạt mất tích hay tự sát?
Trong bài viết về Mặt Trận Tân Cảnh,
Kontum 1972, Đại tá Trịnh Tiếu cho biết Tư Lệnh Quân Đoàn II,
Trung Tướng Ngô Dzu và cố vấn Hoa Kỳ John Paul Vann có kế hoạch
dụ sư đoàn 320 CS Bắc Việt vào vùng Tân Cảnh, Dakto để tiêu diệt
bằng B52. Rất tiếc là vì có bất đồng ý kiến giữa Tướng Ngô Dzu và
John Paul Vann về việc bổ nhiệm tân Tư Lệnh Sư đoàn 22 (cho Đại
tá Lê Đức Đạt thay vì Đại tá Lê Minh Đảo) nên trong những ngày
04/21, 04/22 và 04/23/1972, lúc Cộng quân tấn công ào ạt với
chiến xa vào Tân Cảnh, JP Vann đã từ chối xử dụng B52, và Tân
Cảnh thất thủ.
Sau khi mất Tân Cảnh, bệnh tim của
Tướng Ngô Dzu trở nặng, ông yêu cầu TT Thiệu cử người thay thế,
TT Thiệu chỉ định Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn làm Tư Lệnh QĐII,
Quân Khu II và Tướng Toàn đồng ý tử thủ Kontum.
Mỗi ngày tôi đều đi họp tham mưu với
Trung tá Tiên CHT. Tình hình Kontum càng ngày càng tồi tệ hơn.
Lần lượt các căn cứ bảo vệ như Võ Định, Dakto, Tân Cảnh, Charlie,
Delta đều bị mất vào tay địch. Sau khi Tân Cảnh mất, Sư đoàn 22
BB gần như tan rã. Kontum trở thành tiền đồn. Dân chúng nhốn nháo
chuẩn bị tản cư, mà chạy đi đâu bây giờ? Tôi có ghé thăm Bệnh
Viên Tiểu Khu (BV Dã Chiến?) Kontum thì thấy BV bỏ trống không
còn gặp ai, có lẽ đã di tản rồi.
Trước tình thế nguy ngập, Tư Lệnh Quân
Đoàn II điều động Sư Đoàn 23 BB từ Ban Mê Thuột lên cố thủ
Kontum. Trong dịp này tình cờ tôi gặp lại BS Nguyễn Khanh YKH-4,
là Y sĩ của Sư Đoàn 23 BB di chuyển trên QL-14 ngang qua doanh
trại của tôi để tăng viện cho Kontum. Sau đó vài ngày đèo Chu Pao
bị Cộng quân chiếm, đóng chốt nên Kontum đã bị bao vây.
Ngày 05/13/1972, Trung tá Tiên cho biết
là đêm nay quân Bắc Việt sẽ tấn công dứt điểm Kontum. Ông ta nói
là ông đã làm chúc thư cho gia đình rồi, có nghĩa là tính mạng
của chúng tôi có thể chấm dứt đêm nay. Lúc đó tôi cũng lo sợ
không biết là đêm này mình sẽ bị thương, hoặc chết hoặc sẽ bị bắt
làm tù binh? Tôi dặn dò anh em Quân Y chuẩn bị thuốc men, hầm trú
ẩn và phân công việc tản thương.
Suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Vào
khoảng 5 giờ sáng 05/14/102 thình lình tôi nghe từng loạt tiếng
nổ kinh thiên động địa, đồ đạc trong bệnh xá đổ nhào. Tiếng nổ
liên tục làm ù tai và hất văng tôi xuống đất.
Sau này tôi mới biết là 25 phi vụ B52
đã thả xuống 3000 quả bom đủ loại vào các vị trí của quân Bắc
Việt gây thiệt hại nặng nề. Ngày 05/14/1972 trận chiến vẫn còn
tiếp diễn ở phía Bắc thị xã Kontum. Đủ loại phi cơ Hoa Kỳ và Việt
Nam, đặc biệt là Phantom F4 liên tục thả bom bắn phá quân CS chỉ
cách chúng tôi khoảng 500m. Một chiếc Skyraider của Không Quân
Việt Nam bị bắn rớt và phi công đã hy sinh. Một chiếc Skyraider
khác cũng bị bắn rớt, nhưng phi công nhảy dù an toàn và được lính
Lôi Hổ cứu thoát.
Sau đó mặt trận Kontum coi như được
giải tỏa. Xin cám ơn B52. Một phái đoàn Nha Kỹ Thuật gồm cả Bác
sĩ Bửu Trí, Y sĩ Trưởng NKT và SQTY Trung úy Ngọc định đến thăm
viếng và ủy lạo chúng tôi nhưng rủi thay máy bay bị bắn rớt,
không một ai sống sót. Tôi vừa mừng vì thoát chết nhưng rất buồn
khi được tin BS Trí, người đàn anh đáng kính, và Trung úy Ngọc đã
ra đi.
Khi
bước vào tuổi già con người ta hay hoài niệm chuyện cũ, thường tự
hỏi tại sao mình có thể có những quyết định đầy nhiệt huyết, bất
cần, thời trai trẻ. Nhưng những cái “ngông” đó lại là những kỷ
niệm sâu đậm đáng nhớ nhất của một kiếp người, nhất là kiếp trai
thời loạn. Để thỉnh thoảng vẫn làm tôi bâng khuâng nhớ lại, nhất
là những lúc tháng Tư về.
9/2017 (updated)
Y sĩ Trung úy
Bùi Cao Đệ YKH-4
Tài Liệu Tham Khảo:
1.
Trung tá Lữ Triệu Khanh. Lịch Sử Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH
2. Đại tá Trịnh Tiếu: Mặt trận Tân
Cảnh, Kontum, 1972
Nguồn: Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y.
Y sĩ Trung úy Bùi Cao Đệ,
(BS BCĐệ là em ruột của BS Dù BCĐẳng đã từ Trần)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE – BỔN MẠNG SĐND VNCH
Dù T–10
SĐND–QLVNCH
dùng trong thời chiến
|
Hình nền: Lũy Tre Làng. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Đoàn Hữu Định chuyển
Đăng ngày Thứ Ba,
October 22, 2019
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang